Phạm Kim Khánh


Hành-Khổ (sankhàra-dukkhatà)



tải về 0.64 Mb.
trang3/14
Chuyển đổi dữ liệu10.05.2018
Kích0.64 Mb.
#38030
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   14

Hành-Khổ (sankhàra-dukkhatà)


Sắc thái thứ ba của đau khổ là sankhàra dukkhatà, hành-khổ. Sankhàra, hành, là một danh từ có rất nhiều ý nghĩa. Nơi đây danh từ nầy bao hàm tất cả những gì được cấu tạo do nhiều nguyên nhân cùng hợp lại, một cấu hợp, một nhóm, một khối. Theo Phật Giáo con người là sự cấu hợp của hai phần, danh và sắc, phần tâm linh và phần vật chất. 

Về phần vật chất, với khoa học hiện đại ta biết rằng cơ thể vật chất của chúng ta là sự cấu hợp của nhiều tế bào, tế bào là sự cấu hợp của nhiều nguyên tử, và nguyên tử bao gồm âm điện tử, dương điện tử, trung hòa điện tử, những thành phần luôn luôn biến đổi, từng giây, từng khoảnh khắc, và không ngừng di động. Như vậy, con người, sự cấu hợp của vô số những thành phần luôn luôn biến đổi, tức cũng không ngừng biến đổi.

Hơn hai ngàn năm trăm năm về trước Đức Phật dạy rằng hai thành phần danh và sắc, tâm linh và vật chất, ở trong trạng thái luôn luôn di động. Dựa theo Tạng Luận (Abhidhamma Pitaka) ngài Đại Đức Nàrada giải thích sự biến đổi của vật chất như sau: "Từ ngàn xưa những nhà hiền triết Ấn Độ cũng tin có một nguyên tử bất khả phân tán gọi là "Paramànu". Theo sự tin tưởng thời bấy giờ, 36 Paramànus hợp thành một anu; 36 Anus hợp thành một Tajjàri; 36 Tajjàris hợp thành một Ratharenu. Một hột bụi nhỏ mà ta thấy vởn vơ trong làn ánh sáng được gọi là "Ratharenu". Như vậy, một Paramànu là một phần 46,656 (1/46,656) của một ratharenu. 

Với nhãn quan siêu phàm, Đức Phật phân tách Paramànu và tuyên ngôn rằng Paramànu bao gồm những năng lực tương quan với nhau gọi là Paramathas, hay thành phần chánh yếu của vật chất. Những Paramathas ấy là Pathavi (Đất), Ópo (Nước), Tejo (Lửa), và Vàyo (Gió), được gọi là Tứ Đại Chánh Yếu, hay gọi tắt là Tứ Đại. Tứ Đại là những đơn vị căn bản của vật chất, luôn luôn pha lẫn với bốn chuyển hóa của nó là màu sắc, hương, vị và bản chất dinh dưỡng.

Tứ Đại và bốn chuyển hóa luôn luôn dính liền nhau và liên quan với nhau rất mật thiết. Nhưng trong một loại vật chất, thành phần nầy có thể trội hơn thành phần khác. Thí dụ như trong đất thành phần Pathàvi (Đất) trội hơn ba thành phần kia. Trong nước, thì thành phần Ópo (Nước) trội hơn. Trong lửa thì thành phần Tejo (Lửa) trội hơn. Và trong không khí thì thành phần Vàyo (Gió) trội hơn. Như vậy, vật chất gồm có những năng lực và những đặc tính trong trạng thái liên tục biến đổi, luôn luôn trôi chảy như một dòng suối.

Về phần tâm linh, Ngài Đại Đức Nàrada viết: 

"Tâm, thành phần quan trọng hơn trong guồng máy phức tạp của con người, gồm có 52 trạng thái tâm gọi là tâm sở, luôn luôn biến đổi. Thọ (vedanà) hay cảm giác, là một. Tưởng (sannà) hay tri giác, là một tâm sở khác. 50 tâm sở còn lại được gọi chung là sankhàra (hành), hay những sinh hoạt có tác ý của tâm. Tất cả 52 tâm sở đều phát sanh trong thức (vinnàna). Theo triết học Phật Giáo, không có khoảnh khắc nào mà tâm có thể trống không, nghĩa là không có khoảnh khắc nào mà không có một loại tâm duyên theo một đối tượng, vật chất hay tinh thần. Thời gian tồn tại của một loại tâm như vậy gọi là chặp tư tưởng, hay sát-na tâm. Khi một chặp tư tưởng diệt, tức khắc có một chặp mới phát sanh. Như vậy, những chặp tư tưởng liên tục nối tiếp, và thời gian tồn tại của một chặp tư tưởng thật ngắn, khó có thể quan niệm.

"Mỗi chặp tư tưởng gồm ba giai đoạn: sanh (uppàda), trụ (thiti) và diệt (bhanga). Ngay khi một chặp tư tưởng vừa trải qua giai đoạn diệt (bhanga), tức khắc giai đoạn sanh (uppàda) của chặp tư tưởng kế nổi lên. Trong tiến trình luôn luôn biến đổi của đời sống, mỗi chặp tư tưởng khi diệt, chuyển tất cả năng lực và tất cả những cảm giác đã thâu nhận cho chặp tư tưởng kế. Một chập tư tưởng mới bao gồm những tiềm năng do chặp tư tưởng trước trao lại và thêm vào đó, còn cái gì khác, và cái gì khác đó là kinh nghiệm và cảm giác riêng của nó. Như vậy có sự luân lưu không ngừng của tâm. Luồng tâm giống như dòng suối, luôn luôn trôi chảy. Chặp tư tưởng mới không hoàn toàn giống như chặp trước, bởi vì thành phần cấu tạo đã đổi mới, mà cũng không hoàn toàn khác, bởi vì cả hai đều cùng nằm trong một luồng sống, một dòng đời. Không có chúng sanh đồng nhất, nhưng có sự đồng nhất trong tiến trình đời sống của chúng sanh." 

Bốn loại hiện tượng tâm linh -- thọ, tưởng, hành, thức -- hợp với một hiện tượng vật chất, sắc, tạo nên ngũ uẩn, năm nhóm, năm khối, năm thành phần cấu thành một chúng sanh. Mỗi cá nhân là sự cấu tạo của năm nhóm ấy.

Như vậy, cơ thể vật chất của con người không phải là một thực thể đơn thuần, nguyên vẹn, không biến đổi, mà là một tiến trình luôn luôn tiếp diễn. Tâm cũng luôn luôn biến đổi như một sự tiếp nối liên tục, giống như một dòng sông không ngừng trôi chảy và không bao giờ tồn tại giống hệt nhau trong hai khoảnh khắc kế tiếp. Mỗi giây, mỗi khắc trôi qua thì ở một điểm nào trên dòng sông, nước cũng trôi đi, nhường chỗ cho nước từ một điểm khác trôi đến. Điều nầy đưa ta đến két luận: Danh-sắc -- hay sự cấu thành của tâm và thân -- cấu thành chúng sanh phức tạp mà ta gọi là con người không phải là một thực thể tự mình có khả năng tồn tại vĩnh cửa, mà chỉ là một tiến trình liên tục diễn tiến. Chính vì lẽ ấy mà nó là dukkha, đau khổ. 

Vậy, sự đau khổ cố hữu dính liền với con người trong sự cấu thành con người. Chính bản chất của khối ngũ uẩn là dukkha, đau khổ. Đó là sắc thái sankhàra dukkhatà, hành-khổ.

Từ ngàn xưa, tất cả chúng sanh đều mưu tìm hạnh phúc và cố tránh đau khổ. Từ thế hệ nầy đến thế hệ khác con người cố gắng khắc phục cảnh vật bên ngoài, điều chỉnh những điều kiện thiên nhiên để tạo tiện nghi, làm cho cuộc sống của mình thoải mái dễ chịu. Trong nhiều lãnh vực con người đã thành công. Tuy nhiên, với bao nhiêu cố gắng và thành công, con người ngày nay có hạnh phúc thật sự và không còn đau khổ nữa không? Bao nhiêu cố gắng có giúp ta chận đứng, làm cho thân nầy đừng bệnh hoạn, đừng đi đến cảnh già nua và mãi mãi sống đời không? Ta có còn phải sống chung với người, với vật, hay sống trong hoàn cảnh mà mình không ưa thích không? Ta có còn phải xa lìa người hay vật thân yêu nữa không? Ta có luôn luôn thành đạt những điều mong mỏi không? 

Lẽ dĩ nhiên, cũng giống như củ cải mà người ta treo lủng lẳng trước đầu con lừa. Lừa nỗ lực bước tới để táp lấy cải, nhưng không bao giờ được. Con người luôn luôn cố gắng điều chỉnh thiên nhiên để tạo hạnh phúc và chữa trị chứng bệnh đau khổ cho mình, nhưng không bao giờ viên mãn thành công. 

Tại sao? Vì con người chỉ tìm cách trị bệnh trên bề mặt mà không đi sâu đến tận căn nguyên. Hạnh phúc và đau khổ phát sanh từ đâu, và được duy trì tại đâu? Hạnh phúc và đau khổ phát sanh và được duy trì trong tâm. Vấn đề phát sanh nơi nào thì ta phải giải quyết ngay tại đó. Ta phải giải quyết vấn đề hạnh phúc và đau khổ ngay chính trong tâm nầy. Thay vì tìm cách sửa đổi hoàn cảnh bên ngoài để thích hợp với mình, việc làm vượt qua khỏi khả năng của mình, Phật Giáo dạy nên tự sửa đổi chính mình để sống thích ứng, điều hòa với thiên nhiên, phải điều chỉnh cái nhìn của mình đối với sự vật để có một quan niệm sống điều hợp với hoàn cảnh, nhằm sữa dọn thân tâm hoàn toàn trong sạch, và cuối cùng thoát ra khỏi mọi hình thức đau khổ.

Hầu như tất cả mọi người đều nhận thức rằng hạnh phúc quả thật hiếm hoi mà đời sống thì dẩy đầy đau khổ. Nhưng trước cái khổ, mỗi người, mỗi giới có thái độ khác nhau. Có hạng người lý trí hóa sự khổ, dùng lý trí phân tách, suy luận, giải thích cái khổ. Có hạng người khác thần thánh hóa sự khổ, cho rằng khổ là điều kiện tất yếu để con người vươn mình lên như những đóa hoa sen từ bùn nhơ nước đục vượt đến chỗ thanh khí an lành và rực rỡ nở tung trong ánh sáng ban mai. Có người cố tình lãng quên những nỗi khổ đau để yên tâm thọ hưởng chút ít lạc thú của đời. Cũng có người nhận thấy cái khổ rồi ủ dột âu sầu, sanh ra yếm thế bi quan. Chúng ta không nên tự lường gạt mình, cố tình hiểu rằng không bao giờ có hoàn cảnh khổ đau trên thế gian. Đó là phương cách lánh khổ của chim đà điểu. Khi thấy có hoàn cảnh hiểm nguy sắp đến thì vội vã cắm mỏ lùi trong cát để không thấy. Chúng ta phải mở rộng mắt nhìn thẳng vào vấn đề. Khi ta chấp nhận rằng đã từ lâu mình mãi cặm cụi vát trên vai bao nhiêu ưu phiền và đau khổ thì chừng đó ta sẵn sàng đặt xuống gánh nặng để khoan thai rảo bước trên con đường đưa đến tự do và hạnh phúc thật sự trường cửu.

Phật Giáo nhận cái khổ như một sự kiện hiển nhiên sẵn có và dính liền với đời sống. Nhưng Đức Phật không dừng bước tại đây để buồn rầu, hay để cầu nguyện cho chúng sanh. Như vị lương y, khi nhận thấy và xác nhận rằng thật sự có bệnh, thì tìm phăng lên nguyên nhân của chứng bệnh, và sau khi xác nhận rằng chứng bệnh có thể chữa trị, kê toa và chỉ dạy bệnh nhân phương thức trị liệu thích hợp. Cùng thế ấy, Đức Phật xác nhận đau khổ là chứng bệnh trầm kha của chúng sanh, ái dục là nguyên nhân làm phát sanh đau khổ, và ta có thể nhổ tận gốc rễ, diệt trừ ái dục. Rồi Ngài chỉ dạy phương thức diệt trừ ái dục, chấm dứt đau khổ. Đó là Bát Chánh Đạo, bao gồm Giới, Định, Tuệ.

Như vậy, Phật Giáo không bi quan, cũng không lạc quan, mà thực tiễn. Người Phật tử không tự dối mình, cho rằng thế gian nầy quả thật là cảnh giới mong mỏi, và hạnh phúc vẫn phảng phất đâu đây. Phật Giáo không hề khuyên bảo chúng ta phải tin rằng mọi việc đều tốt đẹp trong kiếp sống nầy hay trong kiếp tới. Phật Giáo không mê hoặc con người bằng những liều thuốc ngủ: "Con hãy uống viên thuốc nầy. Khi Tử Thần đến, liều thuốc nầy sẽ cứu con tỉnh dậy và con sẽ sống vĩnh viễn, mãi mãi đẹp đẽ và vinh quang." 

Người Phật tử có thái độ của người thấy con rắn bò dưới chân, tự nhủ rằng đây là một sinh vật nguy hiểm, rồi tìm cách lánh xa, không âu sầu ủ dột, ngồi yên một chỗ để than khóc vái van, hoặc tự dối mình, mãi mê vui chơi, lờ hẳn thực tế. Người Phật tử hành động như vậy cũng không phải là đào tẩu, vì đào tẩu là lẫn trốn, sợ bỏ chạy, không dám ứng phó với những bất hạnh của đời sống. Người đào tẩu khác hẳn với người biết suy tư, đang nỗ lực chạy thoát ra khỏi cảnh hiểm nguy. 

Hằng ngày ta có thể kinh nghiệm và nhận thức tánh cách vô thường của vạn pháp. Hoa nở rồi tàn. Con người sanh ra, trưởng thành, rồi chết. Mọi sự vật đều luôn luôn biến đổi. Không có cái gì tồn tại vững bền trong hai khoảnh khắc kế tiếp. Do lý vô thường có đau khổ. Đau khổ là một thực tại của đời sống. Đau khổ dính liền với đời sống, Phật Giáo dạy chúng ta tận dụng khả năng để quan sát, suy luận, và đối phó với thực tế.

Trong bộ Samyutta Nikàya, Tạp A-Hàm có đoạn như sau:

Một lần nọ, Đức Thế Tôn ngự tại Kosambi, trong khu rừng cây simsapa. Lúc ấy, nắm trong tay một nắm lá, Ngài hỏi các vị tỳ khưu: "Các con nghĩ thế nào, nầy chư Tỳ Khưu, số lá nằm trong bàn tay Như Lai và số lá trên cây trong khắp khu rừng nầy, số lượng nào nhiều hơn?

-- Bạch Hoá Đức Thế Tôn, số lá nằm trong tay Ngài hẳn thật không bao nhiêu, nhưng lá trên cây trong khắp khu rừng nầy thì rất nhiều.

-- Cùng thế ấy, nầy chư Tỳ Khưu, những gì Như Lai chứng ngộ mà không truyền dạy, quả thật là nhiều, như số lá trên cây. Như Lai chỉ truyền dạy một ít. 

Tại sao? Nầy chư Tỳ Khưu, tại sao Như Lai không truyền dạy tất cả? 

Nầy chư Tỳ Khưu, là bởi vì có những điều quả thật vô ích, không thiết yếu để có đời sống thanh cao trong sạch, những điều không dẫn đến nhàm chán, dứt bỏ, chấm dứt, an tịnh, thấu đạt trọn vẹn, giác ngộ, Niết Bàn. Vì vậy, nầy chư Tỳ Khưu, Như Lai không công bố những điều ấy. 

Và nầy chư Tỳ Khưu, Như Lai công bố những gì?

Đây là đau khổ; 
Đây là nguyên nhân sanh đau khổ; 
Đây là sự chấm dứt đau khổ;
Đây là con đường dẫn đến sự chấm dứt đau khổ.

Đó là những điều mà Như Lai công bố. Và tại sao, nầy chư Tỳ Khưu, Như Lai công bố những chân lý ấy? Bởi vì các chân lý ấy hữu ích, thiết yếu để có đời sống thanh cao, trong sạch, dẫn đến nhàm chán, dứt bỏ, chấm dứt, an tịnh, thấu đạt trọn vẹn, giác ngộ, Niết Bàn. Vì vậy, nầy chư Tỳ Khưu, Như Lai công bố các chân lý ấy."


 

Chú thích:

[1] Chặp tư tưởng, hay sát-na tâm, được giải thích là một phần triệu, triệu của khoảng thời gian một cái chớp.

[2] Xem đoạn về Hành Khổ

(http://www.budsas.org/uni/u-4de-pkk/4de-01.htm)
II

Каталог: downloads -> buoc-dau-hoc-phat -> tu-dieu-de
tu-dieu-de -> Ns. Trí Hải dịch (1998) Nguyên tác: "What The Buddha Taught"
tu-dieu-de -> TỨ diệU ĐẾ NỀn tảng những lời phật dạY
tu-dieu-de -> Thuyết bốN ÐẾ Gs. Minh Chi Chủ nhiệm bộ môn tôn giáo học và Phật giáo sử Việt Nam Trường Phật học Cao Cấp Thành phố Hồ Chí Minh 1996
buoc-dau-hoc-phat -> Mi Tiên Vấn Ðáp (Milinda Panha) Dịch giả: Hòa thượng Giới Nghiêm (Maha Thera Thita Silo) Tỳ kheo Giới Ðức hiệu đính, ấn bản 2003
buoc-dau-hoc-phat -> PHẬt giáo vấN ĐÁp the Buddhist Catechism
buoc-dau-hoc-phat -> ĐỂ hiểU ĐẠo phật phương Bối
buoc-dau-hoc-phat -> Tt thích Viên Minh
buoc-dau-hoc-phat -> Phật Giáo Dưới Mắt Nhà Trí Thức (Buddhism in the eyes of intellectuals) Tác Giả: Hòa thượng K. Sri Dhammananada
buoc-dau-hoc-phat -> Cao Hữu Đính o0o Nguồn
buoc-dau-hoc-phat -> PHẬt giáo yếu lưỢC

tải về 0.64 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   14




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương