Phạm Kim Khánh



tải về 0.64 Mb.
trang10/14
Chuyển đổi dữ liệu10.05.2018
Kích0.64 Mb.
#38030
1   ...   6   7   8   9   10   11   12   13   14

Chánh Nghiệp


Chánh Nghiệp là tạo nghiệp chân chánh, tức không sát sanh, không trộm cắp và không tà dâm, ba điều tu tập đầu tiên trong ngũ giới. Giới thứ tư, vọng ngữ, đã được đề cập đến trong phần Chánh Ngữ. Phần lớn các kinh sách không đề cập đến giới thứ năm -- không dùng chất say -- trong Chánh Nghiệp. Nên biết rằng không dể duôi uống rượu và dùng các chất say là giữ gìn tâm cho được luôn luôn sáng suốt để luôn luôn quyết định chân chánh.

1. Không sát sanh, là không cố ý cắt đứt, ngăn chận, tiêu diệt, hay làm trở ngại sức tiến triển của năng lực một đời sống, không cho nó liên tục trôi chảy, là không làm tổn thương cuộc sống của bất luận sinh vật nào, cũng không sai biểu, xúi giục hay quyến dụ người khác làm những điều nầy. Trong hình thức thô sơ nhất, hành động sát sanh gồm đủ năm yếu tố là: Có một sinh vật đang sống; có sự hiểu biết rằng sinh vật ấy đang sống; có ý định cắt đứt sự sống của sinh vật ấy; có sự chú tâm cố gắng làm cho con vật chết; và chính tác động sát sanh. Đức Phật dạy: "Ai cũng run sợ trước gậy gộc. Tất cả đều quý trọng đời sống. Hãy lấy bụng ta suy lòng người. Không nên giết, cũng không nên làm cho người khác giết." (Kinh Pháp Cú, câu 129)

Một ngày nọ, khi vào thành Sàvatthi (Xá Vệ) để trì bình, Đức Phật thấy một nhóm trẻ con cầm gậy xúm đập một con rắn. Ngài dừng chân lại hỏi,

-- Nầy các con, các con đang làm gì đó?

-- Bạch Ngài, chúng con đập con rắn.

-- Tại sao các con đập nó?

-- Bạch Ngài, vì chúng con sợ nó cắn.

Đức Phật mở lời khuyên rằng trong khi làm đau đớn con rắn, các con hãy nghĩ đến chính các con. Hành động hung bạo nầy sẽ làm tổn thương đến hạnh phúc của các con trong tương lai. Người nào muốn tìm hạnh phúc cho mình chớ nên đánh đập kẻ khác. Và Ngài dạy: "Kẻ nào tìm hạnh phúc cho chính mình bằng cách hành hạ chúng sanh khác, cũng ưa thích an lạc, kẻ ấy sẽ không được hạnh phúc."

Khi giảng về ba-la-mật Trì Giới (sila paramita) Ngài Nàrada có lời khuyên như sau: "Mọi người đều quý trọng đời sống của mình. Không ai có quyền cướp sự sống của kẻ khác. Bồ Tát rải tâm từ đến tất cả chúng sanh, chí đến những con vật bé nhỏ đang bò dưới chân, và không khi nào sát hại, hoặc làm tổn thương một sinh vật nào. Con người vốn sẵn có một thú tánh xúi giục giết hại những chúng sanh khác để ăn thịt mà không chút thương hại. Cũng có khi sát sanh, như săn bắn hay đi câu, để tiêu khiển thì giờ. Dầu để nuôi sống thân mạng mình hay để tìm thú vui, không có lý do nào chánh đáng để giết một sanh linh hay làm bất luận cách nào khác để cho một sanh linh bị giết. Có những phương pháp tàn nhẫn, ghê tởm, cũng có những phương pháp mà người ta gọi là "nhân đạo" để sát sanh. Nhưng làm đau khổ một chúng sanh khác là thiếu lòng từ ái. Giết một con thú đã là hành động bất chánh, nói chi đến giết một người, mặc dầu nhiều lý do đã được viện ra gọi là chánh đáng, có khi gọi là cao quý, để con người tàn sát con người."

Để giải thích cho một thanh niên tên Subhà, thắc mắc trước trạng huống bất đồng giữa loài người, Đức Phật dạy: 

"Nếu người kia trọn đời chỉ biết sát sanh, người thợ săn chẳng hạn, bàn tay luôn luôn đẩm máu, hằng ngày sống trong sự giết chóc và gây thương tích không chút xót thương. Do tánh hiếu sát ấy, nếu tái sanh trong cảnh người, người ấy sẽ yểu mạng.

"Nếu người kia luôn luôn thận trọng, không hề xúc phạm đến cuộc sống của ai, sống xa gươm đao giáo mác và các loại vũ khí, lấy lòng từ ái đối xử với tất cả chúng sanh. Do sự không sát sanh ấy, nếu tái sanh trong cảnh người, người ấy sẽ trường thọ.

"Nếu người kia độc ác, luôn luôn tìm cách hại người, luôn luôn dùng đấm đá và gươm đao đối xử với mọi người. Do nết hung dữ bạo tàn ấy, nếu tái sanh trong cảnh người, người ấy sẽ ương yếu bệnh hoạn.

"Nếu người kia không bao giờ làm tổn thương ai. Do đức tánh hiền lương nhu hòa ấy, nếu tái sanh trong cảnh người, người ấy sẽ mạnh khỏe ..." (Majjhima Nikàya, Trung A-Hàm, Kinh Cullakammavibhanga Sutta, số 135)

Quả của nghiệp sát sanh nặng hay nhẹ tùy theo tầm quan trọng của chúng sanh bị giết, vì sự cố gắng để thực hiện hành động sát sanh và tai hại gây ra khác nhau. Sát hại một người thánh thiện hẳn là gây nhiều tai hại hơn là giết một tướng cướp.

2. Không trộm cắp là không có ý lấy, hoặc xúi giục người khác lấy một vật có chủ mà không được cho đến mình. "Lấy một vật không được cho đến mình" có thể bao gồm nhiều hình thức khác nhau như trộm cắp, tức lén lút lấy của người; như móc túi, khoét vách đào ngạch vào nhà lấy trộm v.v... ; như cướp giựt, tức công khai lấy của người bằng võ lực, hoặc bằng cách hăm dọa, hoặc lẹ làng giựt lấy một món đồ rồi bỏ chạy, làm cho người ta không kịp trở tay; như gian lận, giả dối tráo trở giành quyền sở hữu của một người khác; như lường gạt, buôn bán của ít nói nhiều, giá thấp nói cao, đo lường cân thiếu, của hư xấu nói tốt v.v... Tất cả những hình thức trên đều tạo nghiệp trộm cắp.

Một khi đã gieo nhân ắt có ngày phải gặt quả, sớm hay chầy, nơi nầy hay nơi khác. Theo đúng giáo huấn của Đức Bổn Sư, không thể van lơn cầu cạnh, hối lộ hoặc gian lận bằng bất luận phương cách nào mà ta có thể biến chuyển được định luật nhân quả, cũng không thể lẫn trốn nơi nào, dầu bay lên trời rộng mênh mông, giữa đại dương sâu thẩm, hoặc ở nơi thâm sâu cùng cốc, mà ta có thể tránh khỏi hậu quả của nghiệp bất thiện đã tạo. Không có vị trời nào, chí đến Đức Phật đi nữa, có thể can thiệp vào sự báo ứng của nghiệp. Quả của nghiệp trộm cắp là nghèo nàn thiếu thốn, khốn khổ, thất vọng, và làm thân nô lệ.

Năm chi tạo nghiệp trộm cắp là: Có một vật thuộc sở hữu của người khác; mình hiểu biết như vậy; có ý định thâu đoạt vật ấy làm sở hữu của mình; cố gắng trộm cắp; và chính hành động trộm cắp.

Người thực hành Chánh Nghiệp lánh xa mọi hình thức trộm cắp, dầu là sự trộm cắp hiển nhiên, lộ liễu hay vi tế, kín đáo, ẩn núp dưới một lớp gì khác. Trái lại, luôn luôn cố gắng phát triển những đức hạnh thanh bạch, liêm khiết, chân thật và chánh trực. 

3. Không tà dâm, tức là giữ gìn đời sống gia đình trong sạch, không lang chạ phóng túng. Về phương diện luân lý, giới nầy nhằm bảo vệ hạnh phúc gia đình, không để cho người ngoài xâm phạm vào tình trạng an lạc trong nhà, tạo sự tín cẩn lẫn nhau và siết chặt tình nghĩa giữa vợ và chồng. Về mặt đạo đức, giới nầy giúp làm giảm thiểu năng lực tự nhiên có chiều hướng lan rộng của dục vọng và đàng khác, tăng trưởng hạnh từ khước buông bỏ và tự chế của lối sống thanh cao. Lẽ dĩ nhiên, đời sống độc thân của các vị tu sĩ chân chánh là hình thức trong sạch đáng quý trọng nhất, vì các Ngài có thể tận dụng tất cả năng lực và thì giờ của mình để phục vụ kẻ khác. Tuy nhiên, Đức Phật là vị giáo chủ thực tế, Ngài không bao giờ trông chờ hàng tín đồ tại gia cư sĩ sống cuộc sống của các bậc xuất gia. Hiểu biết những kích thích của đời sống, khát vọng và những thúc giục của con người, Đức Bổn Sư không dạy bảo người Phật tử cư sĩ phải sống tuyệt đối độc thân như các vị tỳ khưu. Nhưng Ngài khuyên chúng ta nên thận trọng, đừng để sai lầm làm nô lệ cho cơ thể vật chất và do đó, làm giảm suy phẩm giá con người. Quả của nghiệp tà dâm là có nhiều kẻ thù và đời sống gia đình, giữa vợ và chồng, không có hạnh phúc.



Каталог: downloads -> buoc-dau-hoc-phat -> tu-dieu-de
tu-dieu-de -> Ns. Trí Hải dịch (1998) Nguyên tác: "What The Buddha Taught"
tu-dieu-de -> TỨ diệU ĐẾ NỀn tảng những lời phật dạY
tu-dieu-de -> Thuyết bốN ÐẾ Gs. Minh Chi Chủ nhiệm bộ môn tôn giáo học và Phật giáo sử Việt Nam Trường Phật học Cao Cấp Thành phố Hồ Chí Minh 1996
buoc-dau-hoc-phat -> Mi Tiên Vấn Ðáp (Milinda Panha) Dịch giả: Hòa thượng Giới Nghiêm (Maha Thera Thita Silo) Tỳ kheo Giới Ðức hiệu đính, ấn bản 2003
buoc-dau-hoc-phat -> PHẬt giáo vấN ĐÁp the Buddhist Catechism
buoc-dau-hoc-phat -> ĐỂ hiểU ĐẠo phật phương Bối
buoc-dau-hoc-phat -> Tt thích Viên Minh
buoc-dau-hoc-phat -> Phật Giáo Dưới Mắt Nhà Trí Thức (Buddhism in the eyes of intellectuals) Tác Giả: Hòa thượng K. Sri Dhammananada
buoc-dau-hoc-phat -> Cao Hữu Đính o0o Nguồn
buoc-dau-hoc-phat -> PHẬt giáo yếu lưỢC

tải về 0.64 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   6   7   8   9   10   11   12   13   14




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương