PHẢi làm cho thủ ĐÔ ĐẸp hơN, MỖi ngưỜI ĐẸp hơn từ những việc làm bình dị nhấT



tải về 22.98 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu07.07.2016
Kích22.98 Kb.
#1361
Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội
PHẢI LÀM CHO THỦ ĐÔ ĐẸP HƠN, MỖI NGƯỜI ĐẸP HƠN TỪ NHỮNG VIỆC LÀM BÌNH DỊ NHẤT”


LTS: Thủ đô Hà Nội và các địa phương trong cả nước đang hoàn tất công tác chuẩn bị cho Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nhằm giúp độc giả có được những thông tin khái quát về bức tranh toàn cảnh sẽ diễn ra trong những ngày Đại lễ, phóng viên Tạp chí Tổ chức nhà nước đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Hồ Quang Lợi, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ, Trưởng Tiểu Ban Tuyên truyền - Giáo dục - Quảng bá kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội của Thành phố Hà Nội.


Phóng viên: Thưa đồng chí Hồ Quang Lợi! Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đang đến gần, xin đồng chí cho biết thời gian và những nội dung chính sẽ diễn ra trong Đại lễ?

Đồng chí Hồ Quang Lợi: Quá trình chuẩn bị cho Đại lễ là một khoảng thời gian khá dài, thực hiện nhiều dự án, đề án, chương trình lớn với sự tham gia của nhiều ngành, cấp, trong đó, những khối công việc lớn, những nhiệm vụ trọng tâm được giao cho Thủ đô Hà Nội. Những hoạt động chính trong Đại lễ sẽ diễn ra liên tục trong 10 ngày. Ngày 1/10/2010 khai mạc Đại lễ, sau đó là các hoạt động chào mừng diễn ra liên tục với nhiều nội dung, chương trình, mà điểm nhấn là tổ chức mít tinh trọng thể, diễu binh, diễu hành vào ngày 10/10 và kết thúc bằng Đại dạ hội nghệ thuật đêm 10/10.

Đại lễ có thể tạm chia thành 3 phần lớn. Phần thứ nhất là ngày khai mạc Đại lễ, diễn ra các hoạt động chính: khai mạc Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội vào sáng ngày 1/10/2010 tại vườn hoa Lý Thái Tổ; tiếp đến là các hoạt động biểu diễn nghệ thuật trên đường Đinh Tiên Hoàng và xung quanh hồ Hoàn Kiếm do thành phố Hà Nội đảm nhận. Phần lễ thực hiện tại sân khấu vườn hoa Lý Thái Tổ. Phần hội diễn ra tại 5 sân khấu khu vực xung quang Hồ Gươm và khu vực phía sau vườn hoa Lý Thái Tổ; khu Quảng trường 19 tháng 8 với biểu diễn các loại hình nghệ thuật. Tối ngày 1/10 Đài Truyền hình Việt Nam truyền hình trực tiếp Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Cả nước với Hà Nội” với các điểm cầu Hà Nội, một số tỉnh, thành phố trong cả nước và một số điểm ở nước ngoài. Tại đầu cầu Hà Nội có Chương trình biểu diễn nghệ thuật tổng hợp “Đêm lung linh hồ Gươm” kết hợp trình diễn áo dài truyền thống tại trục đường Tràng Tiền - Hàng Khay - Đinh Tiên Hoàng và khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm. Phần thứ hai là các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và khánh thành công trình chào mừng. Ngoài những hoạt động kỷ niệm của các quận, huyện, thị xã, cũng như những hoạt động văn hoá, nghệ thuật tổ chức tại các nhà văn hoá, sân khấu ngoài trời tại cơ sở, cấp thành phố có hàng loạt các hoạt động theo 4 lĩnh vực, đó là: các hoạt động văn hoá, nghệ thuật; các hoạt động thể dục, thể thao; các hoạt động liên hoan du lịch, hành trình di sản, lễ hội làng nghề, phố nghề; các hoạt động khởi công, khánh thành, gắn biển, triển lãm các công trình, đón nhận các danh hiệu nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Phần thứ ba là ngày Đại lễ 10/10, có 2 hoạt động rất quy mô là Lễ mít tinh trọng thể, diễu binh, diễu hành và Đại dạ hội nghệ thuật đêm 10/10.



Phóng viên: Xin đồng chí cho biết khái quát nội dung chương trình của ngày Đại lễ 10/10?

Đồng chí Hồ Quang Lợi: Lễ mít tinh trọng thể, diễu binh, diễu hành tổ chức vào sáng ngày 10/10 tại Quảng trường Ba Đình - Hà Nội, bao gồm khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, hai bên khán đài, Quảng trường trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đường Bắc Sơn, đường Độc Lập và các khu vực xung quanh. Lực lượng tham gia tại sân Quảng trường Ba Đình trên 20.000 người.

Chương trình mít tinh, diễu binh, diễu hành. Chương trình mít tinh: Chủ tịch nước đọc diễn văn kỷ niệm; dàn hợp xướng biểu diễn tác phẩm âm nhạc ca ngợi Hà Nội; thiếu nhi thả bóng bay và chim bồ câu (1000 con). Chương trình diễu binh, diễu hành: Lực lượng diễu binh, diễu hành gần 10.000 người tham gia. Mở đầu diễu binh, diễu hành là 10 chiếc trực thăng bay theo đội hình hàng dọc, theo đường Hùng Vương từ hướng sông Hồng vào Hà Đông, mỗi máy bay kéo theo cờ Đảng, cờ Tổ quốc, dải lụa đỏ ghi dòng chữ “1000 năm Thăng Long - Hà Nội”. Đội hình diễu binh, diễu hành, bao gồm: Thứ nhất, khối nghi tượng (xe mô hình quốc huy, 200 vận động viên thể dục thể thao mặc đồng phục mang cờ Đảng, cờ Tổ quốc, xe rước ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 120 thiếu nhi tay cầm hoa sen đi hai bên). Thứ hai, lực lượng diễu binh, 14 khối: khối lực lượng vũ trang (xe chỉ huy + Tổ quân kỳ toàn quân; khối quân nhạc; khối sĩ quan lục quân; khối sĩ quan phòng không không quân; khối sĩ quan hải quân; khối sĩ quan biên phòng; khối chiến sỹ bộ binh... Thứ ba, khối Hà Nội gồm xe rước biểu trưng của Thủ đô Hà Nội, xe rước Rồng thời Lý, xe rước bằng tôn vinh Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long là Di sản văn hóa thế giới , xe chở 100 trống hội Thăng Long. Lực lượng diễu hành gồm 15 khối, có xe mô hình: khối cựu chiến binh; công nhân; nông dân; trí thức; công chức, viên chức nhà nước; doanh nhân; thanh niên; phụ nữ; các dân tộc; tôn giáo; việt kiều; bạn bè quốc tế; thông tấn báo chí; nghệ thuật biểu diễn chào mừng kỷ niệm.

Đại dạ hội nghệ thuật đêm 10/10. Chương trình do Ban Chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long chỉ đạo chung, tổ chức tại Sân vận động quốc gia Mỹ Đình đêm 10-10. Tác giả kịch bản, Nhà văn Nguyễn Khắc Phục. Chương trình biểu diễn hoành tráng, quy mô, đặc sắc, thời gian 100 phút, gồm 3 chương: Chương 1 có tên là Quyết định trọng đại; Chương 2: Hào khí đất thiêng - Tinh hoa nghìn năm văn hiến; Chương 3: Thăng Long - Hà Nội, thời đại Hồ Chí Minh, Thủ đô Anh hùng - Thành phố vì hoà bình, do nhạc sỹ, nghệ sỹ ưu tú Trọng Đài, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long làm Tổng đạo diễn. Các Phó đạo diễn: đạo diễn điện ảnh Đỗ Minh Tuấn, nhà báo Lại Văn Sâm, Nghệ sỹ nhân dân ứng Duy Thịnh. Cuối chương trình là màn pháo hoa nghệ thuật kéo dài 30 phút. Đây là sự kết hợp tinh tế, hài hòa của điện ảnh, sân khấu và nghệ thuật sắp đặt. Một đại tiệc về âm thanh, ánh sáng, màu sắc.

Phóng viên: Sau Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng long - Hà Nội, chúng ta làm gì để gìn giữ và phát huy tốt hơn nữa những giá trị truyền thống của cha ông, thưa đồng chí?

Đồng chí Hồ Quang Lợi: Trong quá trình chuẩn bị cho Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Thành phố luôn xác định, đây không đơn thuần là các hoạt động văn hóa, văn nghệ hay một số công trình kỷ niệm, mà là phong trào thi đua sâu rộng trên mọi lĩnh vực. Trong đó, việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân... có ý nghĩa nhất, thiết thực và quý giá nhất chào mừng Đại lễ.

Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội là một dịp giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc và là cơ hội để thể hiện tình cảm, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của các thế hệ người Việt Nam đối với các thế hệ cha ông. Đi đôi với việc ra sức hoàn thành những công trình, dự án trọng điểm, đẩy mạnh công tác chỉnh trang đô thị, Thành phố đã và đang tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ người nghèo, gia đình chính sách thông qua những việc làm rất cụ thể như: giải quyết việc làm, đào tạo nghề, hỗ trợ xây, sửa nhà cho gia đình người có công, các hộ nghèo, thăm hỏi, tặng quà cho các đối tượng chính sách và người nghèo nhân dịp Đại lễ với mức quà tương đương trong dịp Tết Nguyên đán Canh Dần... Đặc biệt, Thành phố quan tâm chỉ đạo tổ chức tốt các hoạt động văn hóa ở cơ sở, thiết thực chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội trên cả 4 nội dung: đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, cổ động; tổng kết thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; tăng cường giữ gìn vệ sinh môi trường và tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Trong đó, có rất nhiều hoạt động mang tính chiều sâu ở cơ sở như: thi “Giữ gìn ngõ phố xanh, sạch, trang hoàng thành phố đẹp”, tổng kết 10 năm Hội nghị đại biểu nhân dân bàn về xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở và 10 năm cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” từ cấp cơ sở tới Thành phố...



Chào đón Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội không thể chỉ là việc dốc sức xây dựng những công trình đồ sộ, mà căn bản hơn, khó làm hơn, sâu sắc hơn, kỳ công hơn là làm cho Thủ đô và Tổ quốc tươi đẹp hơn từ tâm hồn, từ nhận thức đến hành vi của mỗi con người trong xã hội nói chung và tại Thủ đô Hà Nội nói riêng. Phải làm cho người dân thấy tinh hoa Thăng Long - Tràng An không phải là cái gì cao xa, mà nó thể hiện trong lời ăn, tiếng nói hàng ngày của mỗi người dân, trong ứng xử với mỗi người xung quanh, với cây cỏ, môi trường, với văn hóa giao thông. Mấu chốt nhất của cột mốc 1000 năm là xây dựng con người, là xây dựng nền tảng văn hóa. Phải làm cho tinh hoa Thăng Long thấm vào việc làm hàng ngày của người Hà Nội để cuối cùng mọi công dân tự hào về truyền thống nghìn năm rạng rỡ, để điều chỉnh, uốn nắn mình. Phải làm cho Thủ đô đẹp hơn, mỗi người đẹp hơn, đẹp trong ý nghĩ, đẹp trong hành động, từ những việc thường nhật bình dị nhất.

Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn đồng chí!

Nguyễn Thế Hải thực hiện

tải về 22.98 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương