PhÇn 2 PhÇn c¸c b¸o c¸o


§ÕN TRANH CHÊP CHñ QUYÒN CñA VIÖT NAM



tải về 2.63 Mb.
trang9/24
Chuyển đổi dữ liệu14.08.2016
Kích2.63 Mb.
#18788
1   ...   5   6   7   8   9   10   11   12   ...   24



HOµN C¶NH LÞCH Sö DÉN §ÕN
TRANH CHÊP CHñ QUYÒN CñA VIÖT NAM
T¹I QUÇN §¶O HOµNG SA Vµ TR¦êNG SA -
NGUY£N NH¢N Vµ GI¶I PH¸P

T



KYÛ YEÁU HOÄI THAÛO QUOÁC TEÁ VIEÄT NAM HOÏC LAÀN THÖÙ BA

TIEÅU BAN LÒCH SÖÛ VIEÄT NAM TRUYEÀN THOÁNG





S Nguyễn Nhã *


Tuỳ theo từng thời kỳ lịch sử từ giai đoạn 1 (1909 – 1930), giai đoạn 2 (1930 –1945), giai đoạn 3 (1945 – 1956), giai đoạn 4 (1956 – 1975), giai đoạn hiện nay (1975 đến nay), có những hoàn cảnh lịch sử khác nhau, dẫn đến những nguyên nhân tranh chấp khác nhau, tính chất tranh chấp khác nhau, liên tiếp không ngừng cho đến tận ngày nay.

1. Giai đoạn 1 (1909 – 1930)

Tháng 5, 6–1909, chính quyền Quảng Đông khảo sát Hoàng Sa cho là vô chủ. Pháp vốn biết trước ý đồ của chính quyền Quảng Đông, song vẫn không can thiệp ngay vì sợ chủ nghĩa dân tộc “Sôvanh” bùng dậy ở Trung Hoa, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của Pháp ở Trung Hoa.

Việt Nam bị Pháp xâm lược năm 1858, mất hết quyền tự chủ ngoại giao theo Hiệp ước cuối cùng ký với Pháp năm 1884, không bảo vệ được chủ quyền của mình tại Hoàng Sa khi bị các nước khác xâm phạm.

Vào đầu tháng 6 – 1909, Tổng đốc Trương Nhân Tuấn tỉnh Quảng Đông như báo chí Quảng Châu hồi bấy giờ đưa tin, lần đầu tiên đã cử một hạm đội nhỏ của nhà Thanh đi khảo sát trái phép quần đảo Paracels, vốn của Việt Nam từ lâu, tên chữ là Hoàng Sa hay tên nôm gọi là Cát Vàng hay Cồn Vàng.

Tên Tây Sa mà chính quyền Quảng Đông mới đặt ra sau sự kiện tháng 10 năm 1907, chính quyền nhà Thanh đuổi được nhóm thương gia người Nhật Nishizawa Yoshiksugu chiếm giữ đảo Pratas trong 3 tháng (từ ngày 2 – 7 – 1907). Cũng bắt đầu từ lúc này, chính quyền Quảng Đông đã đặt tên Pratas là Đông Sa vốn là tên một đảo ở ngoài khơi tỉnh Quảng Đông, được ghi rất rõ trên bản đồ “Duyên Hải toàn đồ” trong sách Hải quốc văn kiến lục của Trần Luân Quýnh (1730).

Không phải chính quyền thực dân Pháp không biết sự kiện khảo sát trái phép này. Chính bức thư của Lãnh sự Pháp Beauvais ở Quảng Châu gửi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp ngày 4 – 5 – 1909 đã nêu ý đồ của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam khi viết: "Như tôi đã trình bày với ông khi kết thúc bản báo cáo gần đây của tôi (số 86 ngày 1 – 5 – 1909) về vấn đề các đảo Đông Sa (Pratas), vấn đề này khiến Chính phủ Trung Hoa chú ý đến các nhóm đảo khác nằm dọc bờ biển của Thiên triều và tới một mức độ nhất định có thể được coi như một bộ phận của Thiên triều, trong đó có quần đảo Paracels"233. Cũng cần lưu ý bức thư trên đã viết khi chính quyền Quảng Châu còn đang chuẩn bị thực hiện chuyến khảo sát. Cuộc khảo sát diễn ra sau đó, có mặt cả người Đức, đã rời Hồng Kông vào ngày 21 – 5 – 1909 và về Quảng Châu vào ngày 9 – 6 – 1909.

Cũng trong thư trên đề ngày 4 – 5 – 1909, Lãnh sự Pháp ở Quảng Châu gửi cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp có một số nội dung đáng lưu ý sau đây:

– Do ảnh hưởng của việc Nhật chiếm Pratas, Trung Quốc muốn chiếm luôn quần đảo Paracels gần Hải Nam.

– Cuộc khảo sát trái phép đầu tiên là của Ngô Kính Vinh đã cho thấy ở mỗi đảo Hoàng Sa đều có một ngôi miếu nhỏ xây kiểu nhà đá (tất cả tường mái là đá san hô và vỏ sò)234.

– Các ngư dân Việt Nam mang cả vợ con đến sống ở Hoàng Sa, bị đối xử tàn tệ, vợ con bị bắt đến Hải Nam235.

Như thế, Chính phủ Pháp ngay tại chính quốc đã rõ ý đồ của chính quyền Trung Hoa dù chỉ là chính quyền địa phương xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại Paracels hay Hoàng Sa của Việt Nam. Sở dĩ chính quyền Pháp không ngăn chặn hành động khảo sát trên vì nhiều lý do:

Một là khi ấy, Pháp chưa quan tâm đến vấn đề bảo vệ sở hữu quần đảo của nước “An Nam” mà Pháp bảo hộ theo Hiệp ước Patenôtre năm 1884. Vấn đề ngăn chặn ý đồ của Trung Hoa ngay từ năm 1909 mà Lãnh sự Pháp ở Quảng Châu là Beauvais đã báo cáo, bị chính quyền Pháp ở mẫu quốc bỏ qua.

Điều này cũng dễ hiểu, nếu như các đảo ấy vốn thuộc sở hữu của nước Pháp hoặc thuộc đất Nam Kỳ, nhượng địa hay thuộc địa chứ không phải đất bảo hộ, thì chắc chắn chính phủ Pháp sẽ có hành động ngăn chặn ngay và sẽ không thể xảy ra tranh chấp lâu dài về sau. Nếu không, Chính phủ Pháp sẽ bị kết tội hay sẽ bị lên án do chính người Pháp, giới chính trị hoặc những công dân yêu nước của Pháp.

Hai là chính quyền thực dân Pháp ngại sự ngăn chặn có thể làm phát sinh trong lòng dân chúng Trung Hoa một phong trào “Sôvanh” có hại cho quyền lợi Pháp ở Trung Quốc.

Điều này cũng đã được ông Beauvais nêu ra trong chính văn thư báo cáo ngày 4 – 5 – 1909 gửi ông Bộ trưởng Ngoại giao Pháp và đã được Chính phủ Pháp cân nhắc làm theo:

“Như vậy, thưa ông Bộ trưởng, nếu ta còn lợi ích trong việc ngăn không cho Chính phủ Trung Hoa nắm lấy nhóm các đá ngầm này, có lẽ chúng ta sẽ dễ dàng nghiên cứu, tìm ra các lập luận chứng minh rõ ràng quyền của chúng ta và những bằng chứng không thể bác bỏ về quyền đó. Nhưng nếu việc đó không đáng làm, sau khi đã suy nghĩ chín chắn, có lẽ nên nhắm mắt làm ngơ. Một cuộc can thiệp của chúng ta sẽ có khả năng làm xuất hiện một phong trào sô vanh mới làm cho chúng ta bị thiệt hại nhiều hơn lợi ích mà việc sở hữu được thừa nhận đối với quần đảo Hoàng Sa đem lại”236.

Trong văn thư đề ngày 14 Janvier 1921 của ông Chủ tịch Hội đồng Cố vấn của Bộ Ngoại giao Pháp (Le Président du Conseil, Ministre des Affaires Etrangères) gửi Bộ trưởng Bộ Hải quân Pháp cũng đã khẳng định Bộ Ngoại giao Pháp đã nghe theo ý kiến của Beauvais237.

Ba là các quan chức thực dân Pháp từ Phủ Toàn quyền đến Bộ Thuộc địa hay Bộ Ngoại giao Pháp không biết rõ hoặc rất mơ hồ về sở hữu từ lâu thuộc về Việt Nam.

Có rất nhiều bằng chứng như chính ông Beauvais trong bản báo cáo trên cũng không chắc chắn mà chỉ nói: “có lẽ sẽ dễ dàng nghiên cứu…”…

Cho đến ngày 6 – 5 – 1921, có nghĩa sau hơn 1 tháng kể từ ngày 30 – 3 – 1921, lệnh mang số 831 của Ban Đốc Chính chính quyền quân sự miền Nam Trung Hoa sau phiên họp ngày 11 – 3 – 1921 đã quyết định sáp nhập về mặt hành chính các đảo Hoàng Sa vào huyện Yai Hien (Châu Nhai, đảo Hải Nam). Vụ Các vấn đề chính trị và Bản xứ thuộc Phủ Toàn quyền Đông Dương đã có văn bản ghi chú (Note) ghi rất nhiều điều liên quan đến quần đảo Hoàng Sa lấy từ hồ sơ hiện có ở Phủ Toàn quyền Đông Dương, cho biết đã tìm trong kho tư liệu của hải quân Sài Gòn, lưu trữ của Thống đốc Nam Kỳ, của Phủ Toàn quyền không thấy có tư liệu nào có tính chất làm rõ quốc tịch của các đảo Hoàng Sa. Chính lúc Toàn quyền Đông Dương ra chỉ thị điều tra về vấn đề quốc tịch của Hoàng Sa cũng là lúc nhận được bức thư của Tổng lãnh sự Beauvais ở Quảng Châu báo tin có sự kiện chính quyền quân sự Nam Trung Hoa quyết định sáp nhập Hoàng Sa vào tỉnh Quảng Đông.

Rõ ràng sự kiện chính quyền quân sự miền Nam Trung Hoa ra tuyên bố sáp nhập Tây Sa tức Hoàng Sa của Việt Nam vào huyện Châu Nhai, đảo Hải Nam thuộc tỉnh Quảng Đông ngày 30 – 1 – 1921 cũng đã xảy ra vào thời Pháp thuộc, khi Việt Nam đã hoàn toàn mất chủ quyền.

Khi còn mơ hồ về chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa, trong khi ấy thực chất quyền lực nhà nước là do chính quyền thực dân Pháp nắm, nên chính quyền thực dân Pháp không tích cực ngăn chặn sự vi phạm chủ quyền của chính quyền Quảng Đông tại quần đảo Hoàng Sa là chuyện đương nhiên. Chắc chắn khi Việt Nam còn có chủ quyền, được độc lập tự chủ hay Hoàng Sa vốn thuộc chủ quyền của Pháp thì chính quyền nào cũng phải lấy nhiệm vụ tối thượng là bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của mình. Vì thế, chung quy không có sự ngăn chặn kịp thời sự xâm phạm chủ quyền của chính quyền quân sự miền Nam Trung Hoa vào năm 1921 cũng như của chính quyền Quảng Đông năm 1909 chính là do Việt Nam bị Pháp đô hộ, không còn chủ quyền để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của mình.

Vậy về phía Việt Nam, nguyên nhân sâu xa hay khách quan dẫn đến sự tranh chấp không đáng có chính là Việt Nam bị Pháp đô hộ, mất hết chủ quyền để có thể bảo vệ lãnh thổ của mình khi bị xâm phạm.

Về phía Trung Hoa, nguyên nhân khách quan là do ảnh hưởng của việc Nhật chiếm Pratas, Trung Quốc muốn chiếm luôn quần đảo Paracels gần Hải Nam để tránh xảy ra sự kiện bất cứ nước nào, nhất là các cường quốc hồi bấy giờ phỗng tay trên, chiếm cứ những đảo ở Nam Hải mà Trung Hoa coi là vô chủ.

Về phía chính quyền thực dân Pháp, nguyên nhân chủ quan chính là do quyền lợi riêng của chính quyền đã khiến Pháp không phản ứng kịp thời để Trung Hoa cho là đất vô chủ và đi sâu vào hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và sự thiếu hiểu biết do hạn chế của người đi đô hộ, không hiểu quan điểm của Nhà nước và nhân dân Việt Nam.

Song sau đó chính quyền thực dân Pháp lại bắt đầu quan tâm đến hành động trái phép của chính quyền Quảng Đông với quần đảo Hoàng Sa. Vậy thì nguyên nhân nào khiến chính quyền thực dân Pháp bắt đầu quan tâm đến việc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa trong thời gian từ năm 1921 đến 1930? Đó chính là tầm quan trọng của vị trí chiến lược của quần đảo Hoàng Sa đối với an toàn quyền lực của chính quyền thực dân Pháp về sự hiểu biết lập trường của Việt Nam (theo giải thích của Thượng thư Bộ Binh Thân Trọng Huề).

Trước hết, chính vì vị trí chiến lược quan trọng của quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như Biển Đông đối với lãnh thổ Pháp đang cai trị, nên thực dân Pháp ở Đông Dương phải cân nhắc lợi hại, đã quyết định đối mặt với những ý đồ tranh chấp chủ quyền của các nước khác, trong đó có Trung Quốc.

Lúc ban đầu, trong bản báo cáo ngày 4 – 5 – 1909 của Tổng lãnh sự Pháp Beauvais ở Quảng Châu đã đề cập tới tầm quan trọng về vị trí của quần đảo Hoàng Sa, song lại chưa sát sườn với lợi ích của chính quyền thực dân, dù có hệ trọng đến hàng hải hay sự đe doạ đối với ngư dân Việt Nam như sau:

“Về vấn đề này, nhân viên của chúng tôi nhận xét rằng các đảo Hoàng Sa đối với chúng ta có một tầm quan trọng nhất định: vì nằm giữa tuyến đường đi từ
Sài Gòn đến Hồng Kông, các đảo đó là một mối nguy hiểm lớn đối với hàng hải và việc chiếu sáng ở đó có thể là cần thiết. Ngoài ra, các đảo đó thường có ngư dân
An Nam và Trung Quốc qua lại: họ đến đó trong quá trình đánh cá để sơ chế sản phẩm. Đã xảy ra những cuộc đổ máu giữa ngư dân hai nước trong dịp đó"238.

Trong văn thư của Khâm sứ Trung Kỳ Le Fol gửi Toàn quyền Đông Dương vào ngày 22 – 1 – 1929 đã nhấn mạnh về vị trí chiến lược của quần đảo Hoàng Sa:

“Trong tình hình hiện nay, không ai có quyền phủ nhận tầm quan trọng chiến lược rất lớn của các đảo Hoàng Sa. Trong trường hợp có xung đột, việc nước ngoài chiếm đóng chúng sẽ là một trong những mối đe doạ nghiêm trọng nhất có thể có đối với việc phòng thủ và sự toàn vẹn lãnh thổ của Liên bang [Đông Dương]”.

“Thực vậy, các đảo nói trên là sự kéo dài tự nhiên của Hải Nam. Một đối phương có thể thấy ở đó một căn cứ hải quân hùng mạnh nhờ những vụng và nhiều nơi tàu đậu tuyệt vời, và do tính chất của chúng thực tế là không thể đánh bật. Một đội tàu ngầm dựa vào căn cứ đó sẽ có thể, không những phong toả cảng Đà Nẵng là cảng quan trọng nhất của Trung Kỳ, mà còn cô lập Bắc Kỳ bằng cách ngăn cản việc đi đến Bắc Kỳ bằng đường biển. Lúc đó để liên lạc giữa Nam Kỳ với Bắc Kỳ ta phải dùng đường sắt hiện có, một con đường rất dễ bị đánh vì chạy dọc theo bờ biển, pháo hải quân đặt trên các chiến hạm có thể mặc sức phá huỷ”.

“Đồng thời, mọi con đường thông thương giữa Đông Dương – Viễn Đông – Thái Bình Dương sẽ bị cắt đứt: hải lộ Sài Gòn – Hồng Kông đi gần quần đảo Paracels, do đó nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của căn cứ trên các đảo”239.

Mặc dù có những báo cáo rất rõ về tầm quan trọng của Hoàng Sa đối với việc bảo vệ lãnh thổ thuộc địa Đông Dương của Pháp, song phải có sức ép của dư luận báo chí của người Pháp ở Đông Dương mới làm cho chính quyền thực dân Pháp có những hành động cụ thể để bảo vệ chủ quyền tại Hoàng Sa của nước được Pháp bảo hộ.

Đầu tiên, với loạt bài trong các số 606, 622, 623, 627 (tháng 1, 5, 6 năm 1929), nhà báo Henri Cucherousset đã lược qua về chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa với những dẫn chứng hết sức cụ thể như: 1) Jean Baptiste Chaigneau viết năm 1820 dưới nhan đề: Notice sur la Cochinchine cho biết năm 1816 vua Gia Long thực sự chiếm đảo Hoàng Sa. 2) Giám mục Jean Louis Taberd viết trong Journal of the Asiatic Society of Bengal, tập VI, năm 1837, tr. 737 và những trang kế tiếp, tập VII, năm 1838, tr. 317 và những trang kế tiếp đề cập đến quần đảo Hoàng Sa trong mục Géographie de la Cochinchine. 3) Dubois de Jaucigny viết trong L’Univers – Histoire et Description de tous les peuples de leurs religions. Moeurs, coutumes; Japon, Indochine, Ceylan xuất bản năm 1850 tại Paris có đoạn viết:
“ … từ 34 năm về trước quần đảo Hoàng Sa (mà người Annam gọi là Cát Vàng đã được chiếm cứ bởi các người xứ Nam Kỳ”. Cucherousset còn viết những chi tiết về quần đảo Hoàng Sa trong Nam Việt địa dư [Hoàng Việt dư địa chí] , Minh Mạng năm thứ 14; Đại Nam nhất thống chí, in thời Duy Tân, tập 6, tờ 18b, 19a cùng việc tàu De Lanessan thám sát Hoàng Sa năm 1925”.

Theo tác giả, quần đảo Hoàng Sa quan trọng do 5 đặc tính sau đây: 1) Trạm cho thuỷ phi cơ Sài Gòn – Hồng Kông; Tourane – Philippines. 2) Điểm tựa chiến lược cho tàu ngầm khi có chiến tranh. 3) Trạm thông báo khí tượng. 4) Nơi tránh gió bão cho tàu đánh cá. 5) Giàu phốt phát. Lý do tác giả viết loạt bài vì nhân một đại uý người Anh muốn nhân danh Anh Hoàng đặt chủ quyền lên đảo Sein đồng thời tác giả cực lực phản đối việc trung tá hải quân Rémy ở Sài Gòn trả lời cho một công ty hàng hải Nhật rằng không biết quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của ai và việc ông Monguillot đã viết cho ông Gravereaud nói rằng quần đảo Hoàng Sa thuộc Trung Hoa.

Theo tác giả, chính quyền bảo hộ Pháp phải chấp hữu chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa bằng các hành động: 1) Vẽ bản đồ tổng quát Hoàng Sa tỷ lệ 1/200.000, vẽ bản đồ chi tiết 1/25.000, vẽ bản đồ hải quân và bản đồ địa chất. 2) Đặt đài hải đăng. 3) Đặt trạm quan sát và thông báo khí tượng. 4) Lập đội trú phòng đóng tại Hoàng Sa.

Tác giả còn luôn luôn trách cứ chính quyền Pháp đã quá lơ là trong việc xác nhận và bảo vệ chủ quyền tại Hoàng Sa.

Sau đó chính bức thư của Toàn quyền Pasquyer gửi cho Bộ trưởng Bộ Thuộc địa ngày 18 – 10 – 1930 đã chấm dứt thái độ do dự của chính quyền Pháp đối với hành động xâm phạm trái phép của chính quyền Trung Hoa đối với chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa.

Trong bức thư trên, Toàn quyền Pasquyer đã gửi tập tư liệu về quần đảo Hoàng Sa bao gồm:

1) Một đoạn trích bằng chữ Hán với bản dịch tiếng Pháp của Đại Nam nhất thống chí, quyển 6 hay biên niên sử của chính phủ An Nam.

2) Một đoạn trích bằng chữ Hán với bản dịch tiếng Pháp của Nam Việt địa dư, tập 2 hay Địa dư thời Minh Mạng [Chú thêm của tác giả: tức Hoàng Việt địa dư chí].

3) Một đoạn trích bằng chữ Hán với bản dịch tiếng Pháp của Đại Nam nhất thống chí hay Địa dư thời Duy Tân.

Cùng kèm theo 4 thư phụ lục và 4 bản đồ, Toàn quyền Pasquyer viết: “Chắc hẳn Ngài cũng đánh giá như tôi rằng chúng ta đã đủ để xác định không thể tranh cãi rằng An Nam đã thực sự nắm sở hữu quần đảo và làm như vậy trước năm 1909 nhiều”240.



2. Giai đoạn 2 (1930 – 1945)

Như đã trình bày trên, ngày 18 – 10 – 1930, tập tư liệu của Toàn quyền Pasquyer về quần đảo Hoàng Sa khiến chính quyền thực dân Pháp thay đổi thái độ, chấm dứt do dự.



Từ đó chính quyền thực dân Pháp có những hành động cụ thể:

Ngày 15 – 6 – 1932, nghị định số 156–SC, Pháp thiết lập quận Hoàng Sa tại quần đảo Hoàng Sa.

Ngày 13 – 4 – 1933, hạm đội gồm thông báo hạm La Malicieuse, pháo thuyền Alerte, các tàu thuỷ văn Astrobale và De Lanessan chiếm hữu tiến hành theo nghi thức cổ truyền của phương Tây do trung tá hải quân De Lattre chỉ huy từ Sài Gòn đến đảo Trường Sa (Spratley). Một văn bản được thảo ra và các thuyền trưởng ký thành 11 bản. Mỗi đảo nhận 1 bản, được đóng kín trong chai rồi được gắn trong một trụ xi măng xây trên mỗi đảo tại một địa điểm ấn định và cố định trên mặt đất. Người ta kéo cờ Tam tài và thổi kèn trên từng hòn đảo…

Ngày 26 – 7 – 1933, Bộ Ngoại giao Pháp đã có một thông tin đăng trên Công báo Pháp, ghi rõ 6 nhóm hải đảo và tiểu đảo từ nay đã thuộc chủ quyền Pháp quốc, trong đó gồm nhóm Spratley (8039’B – 111055’Đ) và các tiểu đảo nhỏ xung quanh được chiếm hữu sớm nhất từ ngày 13 – 4 – 1930 và đảo Thị Tứ được chiếm cuối cùng vào ngày 12 – 4 – 1933.

Ngày 21 – 12 – 1933, Thống đốc Nam Kỳ M. J. Krautheimer ký nghị định số 4762 sát nhập các nhóm hải đảo thuộc quần đảo Spratleys (Trường Sa) vào tỉnh Bà Rịa.

Năm 1937, kỹ sư trưởng công chánh Gauthier nghiên cứu khả năng xây dựng một hải đăng trên đảo Pattle (Hoàng Sa); năm 1938 Pháp bắt đầu phái các đơn vị bảo an tới các đảo và xây dựng một hải đăng, một trạm khí tượng (OMM đăng ký số 48860) đặt ở đảo Pattle và số 48859 ở đảo Phú Lâm (Ile Boisée), một trạm vô tuyến TSF trên đảo Pattle. Tháng 3 – 1938, Hoàng đế Bảo Đại ban đạo dụ số 10 sáp nhập Hoàng Sa vào tỉnh Thừa Thiên thay vì Nam Ngãi như các triều trước. Tháng 6 – 1938, một đơn vị bảo an lính Việt Nam tới trấn đóng Hoàng Sa. Một bia chủ quyền được dựng trên đảo Pattle với dòng chữ: “République Francaise – Royaume d’Annam – Archipels des Paracels 1816 – Ile de Pattle 1938”.

Năm 1938, Pháp cũng thiết lập một bia chủ quyền, một hải đăng, một trạm khí tượng và một trạm vô tuyến tại đảo Itu – Aba (Ba Bình)…

Tất cả những hành động thực thi chủ quyền của Pháp nhân danh “Annam” trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa diễn ra một cách suôn sẻ, dù muộn màng, không gặp bất cứ ngăn cản nào, bởi duy chỉ có chính quyền địa phương tỉnh Quảng Đông có ý đồ, có dự án khai thác Tây Sa tức Hoàng Sa của Việt Nam, và muốn chiếm hữu Hoàng Sa khi cho là đất vô chủ, song các dự án của chính quyền địa phương mới chỉ trên giấy tờ, chính quyền trung ương Trung Quốc chưa mặn mà. Tuy vậy Nhật Bản lại giấu mặt về ý đồ chiếm giữ Hoàng Sa và Trường Sa, đã lên tiếng phản đối sự chiếm giữ của Pháp trong thông báo cho chính phủ Pháp vào ngày 24 – 7 – 1933. Ngày 31 – 3 – 1939, Bộ Ngoại giao Nhật Bản ra tuyên bố gửi tới Đại sứ Pháp ở Nhật Bản khẳng định Nhật Bản là người đầu tiên khám phá Trường Sa


vào năm 1917 và tuyên bố Nhật kiểm soát Trường Sa. Nhật đã nhanh chóng chiếm đảo Phú Lâm của Hoàng Sa và đảo Ba Bình của Trường Sa vào năm 1938, song mãi đến ngày 9 – 3 – 1945, Nhật mới bắt làm tù binh những lính Pháp đóng ở các đảo Hoàng Sa cũng như đất liền của Việt Nam.

Luật pháp quốc tế thời đó sau Định ước Berlin năm 1885 được hiểu là:

– Việc thụ đắc lãnh thổ là hành động của quốc gia, chính quyền địa phương (tỉnh Quảng Đông) không đủ danh nghĩa đại diện cho quốc gia.

– Cũng theo Định ước này, hành động của phía Trung Quốc (năm 1909) không đủ mang lại danh nghĩa chủ quyền cho Trung Quốc vì chưa thoả mãn các tiêu chí về thụ đắc lãnh thổ thời đó. Do vậy, sự im lặng của chính quyền Pháp ở Đông Dương không có nghĩa là sự thừa nhận chủ quyền của phía Trung Quốc. Nhật Bản đã bại trận và đầu hàng vô điều kiện Đồng Minh vào ngày 16 – 8 – 1945 và đã rút khỏi Hoàng Sa và Trường Sa.

Sự tranh chấp chủ yếu giữa Pháp và Nhật, Pháp thắng thế do sức mạnh quân sự và cũng chỉ là kẻ đi xâm lược, không dập tắt các mầm mống tranh chấp của Trung Hoa, vốn là “Thiên triều”, từng bảo hộ Việt Nam.

3. Giai đoạn 3 (1945 – 1954)

Ngày 19 ­– 8 ­– 1945, Cách mạng tháng Tám thành công. Ngày 2 – 9 – 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập ở Quảng trường Ba Đình, chấm dứt chế độ đô hộ của Pháp.

Sau khi Nhật bại trận, Pháp trở lại đô hộ Việt Nam, quân Tưởng Giới Thạch tiếp quản nơi quân đội Nhật chiếm đóng từ phía Bắc vĩ tuyến 16, cả hai nước Pháp và Trung Hoa đều tiếp tục tranh chấp Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, vì vẫn tiếp tục coi trọng vị trí chiến lược Hoàng Sa và Trường Sa.

Việt Nam bận lo kháng chiến chống Pháp trong khi quân Pháp làm chủ


Biển Đông.

Quân Nhật đã rút khỏi quần đảo Hoàng Sa cũng như Trường Sa vào năm 1946, Pháp trở lại Việt Nam làm chủ Biển Đông, lập tức cử một phân đội bộ binh Pháp đổ bộ từ tàu Savorgnan de Brazza đến thay thế quân đội Nhật từ tháng 5 – 1946, nhưng đơn vị này chỉ ở đó trong vài tháng. Trong thời gian từ 20 đến 27 – 5 – 1946, Đô đốc D’Argenlieu, Cao uỷ Đông Dương cũng đã phái tốc hạm L’Escarmouche ra nắm tình hình đảo Hoàng Sa thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Vào lúc quân đội viễn chinh Pháp và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đang bận đối phó với cuộc chiến tranh toàn diện sắp xảy ra, thì ngày 26 – 10 – 1946, lợi dụng thời cơ, hạm đội đặc biệt của Trung Hoa Dân quốc gồm 4 chiến hạm, mỗi chiếc chở một số đại diện của các cơ quan và 59 binh sỹ thuộc trung đội độc lập về cảnh vệ của hải quân (tiền thân của quân thuỷ đánh bộ) xuất phát từ cảng Ngô Tùng ngày 9 tháng 10. Ngày 29 – 11 – 1946, các tàu Vĩnh Hưng và Trung Kiên tới đảo Hoàng Sa và đổ bộ lên đây. Tàu Thái Bình và Trung Nghiệp đến Trường Sa (mà lúc này Trung Quốc còn gọi là Đoàn Sa chưa phải mang tên Nam Sa (tác giả nhấn mạnh).

Trong phiên họp ngày 11 – 10 – 1946, Uỷ ban Liên bộ về Đông Dương thuộc Chính phủ lâm thời Pháp quyết định cần khẳng định quyền của Pháp đối với quần đảo Hoàng Sa và thể hiện việc tái chiếm bằng việc xây dựng một đài khí tượng. Theo ý kiến của đại tướng Juin cho rằng “lợi ích cao nhất” của nước Pháp là phòng ngừa mọi ý đồ của một cường quốc nào muốn chiếm lại các đảo đó là những đảo kiểm soát việc ra vào căn cứ tương lai Cam Ranh, con đường hàng hải Cam Ranh – Quảng Châu – Thượng Hải (Thư số 199/DN/S. col ngày 7 tháng 10 năm 1946 của Đại tướng Juin, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Pháp tại Paris). Mãi đến năm 1935, Trung Quốc mới chú ý đến Trường Sa, gọi là Đoàn Sa sau thời điểm năm 1933.

Chính phủ Pháp chính thức phản đối sự chiếm đóng bất hợp pháp trên của Trung Hoa Dân quốc và ngày 17 – 10 – 1947 thông báo hạm Tonkinois của Pháp được phái đến Hoàng Sa để yêu cầu quân Tưởng Giới Thạch rút khỏi Phú Lâm nhưng họ không rút. Pháp gửi một phân đội lính trong đó có cả quân lính "Quốc gia Việt Nam" đến đóng một đồn ở đảo Hoàng Sa. Chính phủ Trung Hoa Dân quốc phản kháng và các cuộc thương lượng được tiến hành từ ngày 25 – 2 đến ngày
4 – 7 – 1947 tại Paris. Tại đây, chính phủ Trung Hoa Dân quốc đã từ chối không chấp nhận việc nhờ trọng tài quốc tế giải quyết do Pháp đề xuất. Ngày 1 – 12 – 1947, Bộ Nội vụ chính quyền Tưởng Giới Thạch công bố tên Trung Hoa cho hai quần đảo và đặt chúng thuộc lãnh thổ Trung Hoa.

Trong hoàn cảnh lịch sử cuối năm 1946 đầu năm 1947, Việt Nam đã giành được độc lập từ năm 1945, không còn ràng buộc vào Hiệp ước Patenôtre (1884) với Pháp, song Pháp vẫn cho rằng theo Hiệp định Sơ bộ ngày 6 – 3 – 1946, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà còn nằm trong khối Liên hiệp Pháp, về ngoại giao vẫn thuộc về Pháp, nên Pháp vẫn thực thi quyền đại diện Việt Nam trong vấn đề chống lại xâm phạm chủ quyền Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chính quyền Pháp bổ sung quân sự bằng cách đóng quân và thực hiện quản lý trên hai quần đảo. Điều này chứng tỏ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo đã được củng cố vững chắc từ thời Pháp thuộc.

Do Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà kháng chiến chống Pháp và hải quân Pháp làm chủ biển Đông, nên với hiệp định ngày 8 – 3 – 1949, Pháp gây dựng được chính quyền thân Pháp còn gọi là Quốc gia Việt Nam do cựu hoàng Bảo Đại đứng đầu, đối đầu với Chính quyền Cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Trên thực tế, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, quân Pháp đang làm chủ Biển Đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thay mặt Nhà nước Việt Nam.

Tháng 4 – 1949, Đổng lý văn phòng của quốc trưởng Bảo Đại là hoàng thân Bửu Lộc, trong một cuộc họp báo tại Sài Gòn công khai khẳng định lại chủ quyền của Việt Nam đã từ lâu đời trên quần đảo Hoàng Sa.

Vào ngày 1 – 10 – 1949, nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa được thành lập ở lục địa Trung Quốc, Trung Hoa Dân quốc do Tưởng Giới Thạch cầm đầu đã rút lui ra Đài Loan. Tháng 4 – 1950, đồn lính Trung Hoa Dân quốc chiếm đóng bất hợp pháp ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa đã rút lui. Còn đồn lính của Pháp đóng ở đảo Hoàng Sa vẫn còn duy trì. Đến năm 1954, Pháp đã chính thức trao lại quyền quản lý cho Chính phủ Việt Nam.

Ngày 14 – 10 – 1950, Chính phủ Pháp chính thức chuyển giao cho chính phủ Bảo Đại quyền quản lý các quần đảo Hoàng Sa. Thủ hiến Trung Phần là Phan Văn Giáo đã chủ toạ việc chuyển giao quyền hành ở quần đảo Hoàng Sa.

Hội nghị San Francisco có 51 quốc gia tham dự từ ngày 5 – 9 đến ngày 8 – 9 – 1951, ký kết hoà ước với Nhật. Ngày 5 – 9 – 1951, họp khoáng đại, Ngoại trưởng Gromyko của Liên Xô đề nghị 13 khoản tu chính. Khoản tu chính liên quan đến việc Nhật nhìn nhận chủ quyền của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa đối với đảo Hoàng Sa và những đảo xa hơn nữa dưới phía Nam. Khoản tu chính này đã bị Hội nghị bác bỏ với 48 phiếu chống và 3 phiếu thuận. Như vậy, cái gọi là danh nghĩa chủ quyền Trung Quốc đối với các quần đảo ngoài khơi Biển Đông đã bị cộng đồng quốc tế bác bỏ rõ ràng trong khuôn khổ một hội nghị quốc tế.

Ngày 7 – 9 – 1951, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Trần Văn Hữu của chính phủ Bảo Đại long trọng tuyên bố rằng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam: "Et comme il faut franchement profiter de toutes occasions pour étouffer les germes de discorde, nous affirmons nos droits sur les îles Spratley et Paracels quy de tout temps ont fait partie du Viet Nam". Không một đại biểu nào trong hội nghị bình luận gì về lời tuyên bố này.

Kết thúc hội nghị là ký kết hoà ước với Nhật ngày 8 – 9 – 1951. Trong hoà ước này có điều 2, đoạn 7 ghi rõ: "Nhật Bản từ bỏ mọi quyền, danh nghĩa và tham vọng đối với các quần đảo Paracels và Spratly". Song đến đây, tình hình chính trị thế giới đã bắt đầu biến chuyển, chiến tranh lạnh giữa hai khối Tư bản chủ nghĩa do Mỹ cầm đầu và khối Xã hội chủ nghĩa do Liên Xô đứng đầu đã bắt đầu tác động đến Việt Nam trong đó có chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa lại tăng lên sự tranh chấp, càng ngày càng phức tạp khiến sự bảo vệ chủ quyền trở nên hết sức khó khăn với nhiều danh nghĩa khác nhau với nhiều thế lực quốc tế can thiệp.

Ngày 24 – 8 – 1951, lần đầu tiên Tân Hoa xã lên tiếng tranh cãi về quyền của Pháp và những tham vọng của Philippines, thân Mỹ và kiên quyết khẳng định quyền của Trung Quốc.

Khi ra thông báo về bản dự thảo Hiệp ước với Nhật ở San Francisco, ngày
15 – 8 – 1951, Bộ trưởng Ngoại giao nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa Chu Ân Lai ra bản tuyên bố công khai khẳng định cái gọi là "tính lâu đời” của các quyền của Trung Quốc đối với quần đảo, trong khi Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa và Trung Hoa Dân quốc không tham dự hội nghị này.

Cũng lợi dụng cục diện chiến tranh lạnh đang xảy ra, sự giành giật thế lực ở một nơi trong đó có Biển Đông, phái đoàn Liên Xô đề xuất giao cho Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đã không được hội nghị chuẩn nhận, song cũng là cái cớ để Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa lên tiếng. Dù sao, sau năm 1950, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không còn quân nước ngoài chiếm đóng, ngoài lực lượng trú phòng Việt Nam của chính quyền Bảo Đại.

Hiệp định Genève ký kết ngày 20 – 7 – 1954 chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương, công nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất của nước Việt Nam. Điều 1 quy định đường ranh tạm thời về quân sự được ấn định bởi sông Bến Hải (ở vĩ tuyến 17). Đường ranh tạm thời này cũng được kéo dài ra trong hai phần bằng một đường thẳng từ bờ biển ra ngoài khơi theo điều 4 của Hiệp định. Cũng theo điều 14 của bản Hiệp định, trong khi chờ đợi cuộc tổng tuyển cử đưa lại sự thống nhất cho Việt Nam, bên đương sự và quân đội do thoả hiệp tập kết ở khu nào sẽ đảm nhiệm việc hành chính trong khu tập kết đó. Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông ở dưới vĩ tuyến 17 sẽ đặt dưới sự quản lý hành chính của phía chính quyền quản lý miền Nam vĩ tuyến 17.

Như thế, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được đặt dưới sự quản lý hành chính của chính quyền Việt Nam Cộng hoà, lúc ấy hai quần đảo này chưa có sự chiếm đóng của bất cứ quân đội nước nào ngoài quân đội Pháp. Chính quyền ở Phía Nam vĩ tuyến 17 phải chịu trách nhiệm quản lý hai quần đảo trên ở ngoài khơi bờ biển Việt Nam dưới vĩ tuyến 17.

Tháng 4 năm 1956, khi quân viễn chinh Pháp rút khỏi miền Nam Việt Nam, Philippines nêu vấn đề chủ quyền.

4. Giai đoạn 4 (1956 – 1975)

Tháng 4 – 1956, Pháp rút quân khỏi Việt Nam để lại khoảng trống lực lượng bố phòng trong khi đang diễn ra chiến tranh lạnh, thế giới chia hai phe: phe Tư bản chủ nghĩa và phe Xã hội chủ nghĩa. Việt Nam lại bị chia cắt bởi hai chính quyền theo Hiệp định Genève mà Trung Quốc đã ký, phía Nam vĩ tuyến 17 trong đó bao gồm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa do chính quyền phía Nam quản lý.

Ngày 22 – 8 – 1956, lục hải quân Việt Nam Cộng hoà đổ bộ lên các đảo chính của quần đảo Trường Sa và dựng bia, kéo cờ. Sau khi trấn giữ ở các đảo phía Tây quần đảo Hoàng Sa, ngày 22 – 8 – 1956, lực lượng hải quân của chính phủ Việt Nam Cộng hoà đã đổ bộ lên các hòn đảo chính của nhóm Trường Sa, dựng một cột đá và trương quốc kỳ.

Tháng 10 – 1956, hải quân Đài Loan đến chiếm đảo Ba Bình.

Trong khi ấy, Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa cũng đã nhanh chóng chiếm giữ đảo Phú Lâm, song hành với việc Đài Loan chiếm giữ đảo lớn nhất của quần đảo Trường Sa. Một tình hình hết sức phức tạp, đen tối cho chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa. Song từ sau Hiệp định Genève mà Trung Quốc đã ký, chính quyền phía Nam mới có trách nhiệm quản lý chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa vì hai quần đảo này nằm phía dưới vĩ tuyến 17. Vụ việc công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958 chỉ ủng hộ Tuyên bố 12 hải lý về lãnh hải của Trung Quốc cũng như những biểu hiện khác thuộc Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà vào thời gian này cũng không có giá trị pháp lý quốc tế về sự từ bỏ chủ quyền mà chính quyền Trung Quốc tố cáo là lật lọng, là không đúng sự thực và thực chất về chủ quyền ở Hoàng Sa. Trong bối cảnh chiến tranh lạnh, đối đầu của hai khối chính trị mà Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa đang là đồng minh chí cốt của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và cùng thù địch với Mỹ lại là đồng minh của Đài Loan và Việt Nam Cộng hoà, nên tất cả những hành động đối đầu cũng chỉ là đối sách chính trị thù địch nhất thời.

Ngày 13 – 7 – 1961, sắc lệnh số 174 – NV của Tổng thống Việt Nam Cộng hoà đặt quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam và thành lập tại quần đảo này một xã lấy tên là xã Định Hải trực thuộc quận Hoà Vang.

Trong sắc lệnh trên, ghi rằng: "Quần đảo Hoàng Sa trước kia thuộc tỉnh Thừa Thiên, nay đặt thuộc tỉnh Quảng Nam (điều 1). Đặt đơn vị hành chính xã bao gồm trọn quần đảo này được thành lập và lấy danh hiệu là xã Định Hải, trực thuộc quận Hoà Vang. Xã Định Hải dưới quyền một phái viên hành chính (điều 2). Tháng 2 –1959, nhiều dân chài Trung Quốc định đến đóng trên phần phía tây quần đảo Hoàng Sa, nhưng không thành công, bị hải quân Việt Nam Cộng hoà bắt và hoàn trả lại Trung Quốc.

Ngày 13 – 7 – 1971, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Cộng hoà, ông Trần Văn Lắm có mặt ở Manila đã lên tiếng nhắc lời yêu sách của Việt Nam và các danh nghĩa làm cơ sở cho những yêu sách đó trên quần đảo Trường Sa. Trong thời gian này, Philippines vẫn tiếp tục đòi hỏi chủ quyền ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam trừ đảo Spratley.

Ngày 6 – 9 – 1973, Bộ trưởng Bộ Nội vụ của chính quyền Việt Nam Cộng hoà đã sửa đổi việc quản lý hành chính của Trường Sa vào xã Phước Hải, quận Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy mà trước đây vào năm 1956, thời chính quyền Ngô Đình Diệm đã có sắc lệnh gọi quần đảo Spratly là quần đảo Hoàng Sa.

Ngày 22 – 10 – 1956, sắc lệnh số 143 – NV của Tổng thống Việt Nam Cộng hoà thay đổi địa giới các tỉnh và tỉnh lỵ tại “Nam Việt” (Nam Bộ). Trong danh sách các đơn vị hành chính “Nam Việt” (Nam Bộ) đính kèm theo sắc lệnh có những thay đổi tên mới, trong đó có tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nay được gọi là tỉnh Phước Tuy và đảo Spratly thuộc tỉnh Phước Tuy được gọi là Hoàng Sa cùng tên với quần đảo phía Bắc là Paracels.

Khi Mỹ ký Thông cáo chung Thượng Hải với Trung Quốc năm 1972 và ký Hiệp định Paris năm 1973, rút quân ra khỏi Việt Nam, không can thiệp để Trung Quốc chiếm toàn thể Hoàng Sa vào tháng 1 – 1974, nguyên nhân tranh chấp trong thời kỳ này đã thay đổi về chất, sự đối đầu trong chiến tranh lạnh, và nhất là trong chiến tranh nóng hai chính quyền Nam Bắc có những đồng minh, đồng chí anh em ủng hộ lẫn nhau trong tranh chấp mang tính quốc tế này.

Sự tranh chấp ảnh hưởng của chiến tranh lạnh và chiến tranh nóng ở Việt Nam trở nên phức tạp, các thế lực quốc tế đã khai thác, sự thật lịch sử chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa chưa được quan tâm.



5. Giai đoạn 5 (từ 1975 đến nay)

Sau năm 1975, Việt Nam đã thống nhất, thế lực chính trị quốc tế có nhiều biến động ảnh hưởng đến Việt Nam, trong đó có việc tranh chấp về Hoàng Sa và Trường Sa vẫn tiếp tục, không những vì vị trí chiến lược vốn có tầm quan trọng lớn lao cũng như tài nguyên, nhất là trữ lượng dầu khí tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa…

Sự thực lịch sử ra sao và giải pháp?

– Các tư liệu chứng minh chủ quyền của Việt Nam đã xuất hiện liên tục qua các đời: từ đầu thời chúa Nguyễn (tức đầu thế kỷ XVII), sang thời Tây Sơn rồi tới triều Nguyễn (từ vua Gia Long) qua đội dân binh Hoàng Sa và đội Bắc Hải được đội Hoàng Sa kiêm quản, Việt Nam có khoảng gần 30 tư liệu các loại, chủ yếu là tài liệu công trong đó đặc biệt có châu bản, hội điển chép những hành động của nhà nước chiếm hữu, thực thi chủ quyền như vẽ bản đồ, cắm mốc, dựng bia, xây miếu thờ, trồng cây, đào giếng… của thuỷ quân triều Nguyễn chứ không còn ít ỏi như thư của Toàn quyền Pasquyer gửi cho Bộ trưởng Bộ


Thuộc địa ngày 18 – 10 – 1930, mà người Pháp lúc ấy cũng đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam hết sức rõ ràng.

– Trong khi ấy tư liệu phương Tây, như của Jean Baptiste Chaigneau, Gutzlaff (năm 1849), nhất là giám mục Taberd xuất bản năm 1833 cho rằng hoàng đế Gia Long chính thức khẳng định chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa năm 1816 và An Nam đại quốc hoạ đồ của giám mục Taberd xuất bản năm 1838, phụ bản của cuốn từ điển Latinh – Annam, ghi rõ “Paracels seu Cát Vàng” với toạ độ rõ ràng như hiện nay chứ không phải như Trung Quốc cho là ven bờ biển.

– Ngay tư liệu của Trung Quốc như Hải ngoại kỷ sự của Thích Đại Sán năm 1696, quyển 3, đã ghi chép chúa Nguyễn đã sai thuyền ra khai thác các sản vật từ các tàu đắm trên quần đảo Vạn Lý Trường Sa tức Hoàng Sa…

Sự thực về chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa đã rõ ràng như trên. Nguyên nhân tranh chấp đã không còn nữa.

Việt Nam đã độc lập, thống nhất, làm bạn với tất cả các nước kể cả Trung Quốc, Mỹ, Nga… Vì thế không một chính quyền nào, cũng như bất cứ người Việt Nam nào dù khác nhau chính kiến lại không coi trọng việc đòi lại Hoàng Sa về với Việt Nam và bảo toàn toàn vẹn Trường Sa “Cái gì của César phải trả lại cho César”. Đối với các nước Asian, trên cơ sở Công ước 1982 về luật biển sẽ tương nhượng trong tinh thần hợp tác giữa các thành viên trong khối càng ngày càng chặt chẽ, đôi bên đều có lợi. Đối với Trung Quốc, núi liền núi, sông liền sông, đã có những bài học lịch sử quý giá. Việt Nam với truyền thống hàng ngàn năm luôn kiên quyết bảo vệ quyền độc lập tự chủ của mình, song luôn luôn tôn trọng nước đàn anh Trung Quốc, luôn theo truyền thống làm “phên giậu của Trung Quốc”, không bao giờ làm hại đến quyền lợi Trung Quốc.

Bất cứ giải pháp nào dựa vào sức mạnh như người Nhật đánh chiếm bằng vũ lực Hoàng Sa, Trường Sa năm 1938, 1939 hoặc thực dân Pháp suốt thập niên 20 đến thập niên 50 thế kỷ XX dựa vào ưu thế quân sự của mình cũng như Trung Quốc dùng vũ lực năm 1974, 1988 chỉ mang tính nhất thời...



1   ...   5   6   7   8   9   10   11   12   ...   24




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương