PhÇn 2 PhÇn c¸c b¸o c¸o


§èI V¡N HO¸ CñA §¹I VIÖT VíI C¸C QUèC GIA KHU VùC – QUA HµNH TR¹NG



tải về 2.63 Mb.
trang7/24
Chuyển đổi dữ liệu14.08.2016
Kích2.63 Mb.
#18788
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   ...   24



THÕ øNG §èI V¡N HO¸ CñA §¹I VIÖT VíI C¸C QUèC GIA KHU VùC – QUA HµNH TR¹NG
Vµ T¢M THøC CñA MéT Sè QUý TéC THêI TRÇN

P



KYÛ YEÁU HOÄI THAÛO QUOÁC TEÁ VIEÄT NAM HOÏC LAÀN THÖÙ BA

TIEÅU BAN LÒCH SÖÛ VIEÄT NAM TRUYEÀN THOÁNG





GS.TS Nguyễn Văn Kim*


Lời dẫn

Sáu năm sau ngày quét sạch quân Minh ra khỏi bờ cõi, tuy công việc đất nước còn nhiều ngổn ngang nhưng tuân theo chỉ dụ của Lê Thái Tông (cq: 1434 – 1442), quan Nhập nội hành khiển, Hàn lâm viện Thừa chỉ học sỹ Nguyễn Trãi (1380 – 1442) đã có thể bình tâm trong 10 ngày viết xong tác phẩm bất hủ Dư địa chí. Trong tác phẩm đó, về thế ứng đối văn hoá của Đại Việt với các quốc gia láng giềng khu vực, Nguyễn Trãi đã đưa ra một khuyến cáo rất đáng chú ý: “Người trong nước không bắt chước ngôn ngữ và y phục của các nước Ngô, Chiêm, Lào, Xiêm, Chân Lạp để làm loạn phong tục trong nước”121.

Ý thức sâu sắc về những giá trị văn hoá dân tộc truyền thống, tác giả đã mô tả cụ thể đồng thời giải thích rõ thêm về một số biểu hiện và đặc tính văn hoá của các nước láng giềng. Theo ông: “Vô” là lời cấm chỉ. Tiếng Ngô nói đầu lưỡi, phải dịch rồi mới biết; tiếng Lào nói trong họng; tiếng Xiêm, Chiêm, Chân Lạp nói trong cổ như tiếng chim quyẹt; nhưng đều không được bắt chước để loạn tiếng nói nước nhà. Người Ngô bị chìm đắm đã lâu ở trong phong tục người Nguyên, bện tóc, răng trắng, áo ngắn có tay dài, mũ, xiêm rực rỡ như từng lớp lá. Người Minh tuy không phục lại lối ăn mặc cũ của thời Hán, thời Đường, nhưng phong tục vẫn chưa biến đổi. Người Lào lấy vải lông quấn vào người như áo cà sa nhà Phật. Người Chiêm lấy khăn che đùi mà để lộ hình thể. Người Xiêm La, người Chân Lạp lấy vải bọc tay và gối như bó thây chết. Các tục ấy không nên theo để làm loạn phong tục”122.

Năm thế kỷ sau, trong phần “Mấy lời của người dịch” Việt sử lược, một tác phẩm được coi là viết vào cuối thời Trần (1225 – 1400), có thể là năm 1377, nhà sử học, văn hoá học nổi tiếng, GS. Trần Quốc Vượng từng đưa ra nhận xét: “Dưới thời Trần, ảnh hưởng của Phật giáo và Đạo giáo còn rất mạnh, Nho giáo tuy đã phát triển, song chưa chiếm được ưu thế tuyệt đối như từ đời Lê trở về sau. Vì thế, ta thấy sách Việt sử lược – không bị nhà Lê sửa đổi theo tinh thần Nho giáo – đã chép rất nhiều chuyện hoang đường như luôn luôn chép chuyện rồng hiện, voi trắng, sẻ trắng, rùa sáu chân, cau chín buồng, lúa chín bông cùng những chuyện mê tín dị đoan… Vì thế, Việt sử lược ngoài giá trị về mặt sử liệu, còn giúp cho chúng ta hiểu thêm về đời sống tinh thần của nhân dân ta thời Lý, Trần”123.

Hai quan niệm giữa hai thời đại khiến chúng ta không thể không suy nghĩ về tâm thức văn hoá và thế ứng đối văn hoá của dân tộc ta trong lịch sử. Có thể thấy, vào thời Trần, đặc biệt là giai đoạn nửa sau thế kỷ XIV, trải qua thời Hồ đến triều Lê sơ là thời kỳ mà cùng với dân tộc, nền văn hoá Đại Việt phải đối chọi với nhiều thách thức gay gắt từ môi trường chính trị và văn hoá khu vực. Do sự vận động nội tại cũng như những tác động ngoại sinh, văn hoá Đại Việt thời Trần có sự chuyển hoá mạnh trong cơ tầng, cấu trúc cũng như biểu hiện và hành vi văn hoá. Sự chuyển hoá đó được thể hiện rõ nhất ở các thành tố bên trên, tức những lớp văn hoá thượng tầng. Với tư cách là giai cấp lãnh đạo đất nước, giới quý tộc Trần (Trần elite) là những người luôn thấu hiểu vị thế của đất nước đồng thời cũng có nhiều điều kiện và cơ hội nhất để đón nhận, xử lý nguồn thông tin đa dạng, đa chiều thẩm thấu và dội đến từ các xã hội bên ngoài.

Bằng cách nhìn nhận đó, bài viết tập trung khảo cứu cách thức ứng đối văn hoá của vương triều Trần, một triều đại lớn trong lịch sử dân tộc, qua bốn nhân vật tiêu biểu: 1) Trần Nhân Tông – một Phật hoàng đồng thời là Minh vương kết tụ những giá trị của triều đại, thời đại; 2) Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn – một đại quý tộc và là Anh hùng dân tộc; 3) Trần Nhật Duật – danh tướng “văn võ song toàn”, có tầm nhìn hướng ngoại và năng lực ứng đối văn hoá mạnh mẽ;


và 4) Trần Khánh Dư – võ tướng tài danh, người có tư duy kinh tế thương nghiệp điển hình nhất của thời Trần. Kế thừa những di sản truyền thống, triều đại này đã sáng tạo ra một cách thức ứng đối văn hoá độc đáo, giàu bản lĩnh, thể hiện tư tưởng, lợi ích của dòng họ, giai cấp, vương triều, nhưng mặt khác, thế ứng đối văn hoá đó cũng hoà nhập đồng thời là ước nguyện chung của dân tộc. Coi giới quý tộc Trần là đối tượng trung tâm của sự khảo cứu, tâm thế cùng hành trạng của họ luôn được đặt trong sự xem xét, phân tích tổng hoà của những nhân tố nêu trên124.

1. Thời đại, nhân vật và thế ứng đối với phương Bắc

Trong lịch sử của các dân tộc phương Đông, thế kỷ XIII là thế kỷ lớn với nhiều biến động. Vào thời kỳ này, lịch sử đã sản sinh ra nhiều nhà tư tưởng, võ tướng tài danh. Với Đại Việt, cũng xuất hiện nhiều nhân vật “văn võ song toàn”, có tầm nhìn sâu rộng. Trong số những con người đó, có thể kể đến các đấng minh vương đứng đầu triều Trần mà điển hình là: Trần Thái Tông (1226 – 1257), Trần Thánh Tông (1257 – 1278), Trần Nhân Tông (1278 – 1293); các danh tướng, trí thức tiêu biểu: Trần Thủ Độ, Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư, Trần Quốc Toản, Trần Khắc Chung, Lê Phụ Trần, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Hiền, Mạc Đĩnh Chi, Đoàn Nhữ Hài, Chu Văn An… Công danh và tên tuổi của họ đã khắc hoạ những dấu ấn sâu đậm trong hành trình phát triển của lịch sử, văn hoá dân tộc.

Sau cuộc kháng chiến chống Mông – Nguyên lần thứ nhất, đến cuối thế kỷ XIII, dân tộc Đại Việt lại phải hai lần đứng dậy chống lại âm mưu thôn tính, xâm lược của phương Bắc. Trong bối cảnh đó, Trần Nhân Tông đã nổi lên như một vị vua anh hùng của dân tộc. Là con của Thánh Tông Trần Hoảng, lên ngôi năm 1278, với tư cách là người đứng đầu vương triều, Nhân Tông đã trực tiếp chỉ huy cuộc kháng chiến chống Nguyên năm 1285 và 1288, đem lại sự nghiệp toàn thắng cho dân tộc. Trên phương diện tôn giáo, ông chính là người khai sáng Thiền phái Trúc Lâm. Được vua cha và Tuệ Trung thượng sỹ trực tiếp truyền dạy Phật pháp, rất mộ đạo từ khi còn ở ngôi, vua Nhân Tông đã có tâm thế của một nhà tu hành và truyền giáo. Toàn thư viết: “[Đức vua] được tinh anh thánh nhân, thuần tuý đạo mạo, sắc thái như vàng, thể chất hoàn hảo, thần khí tươi sáng. Hai cung đều cho là lạ, gọi là Kim Tiên đồng tử. Trên vai trái có nốt ruồi đen, cho nên có thể cáng đáng được việc lớn… Vua nhân từ hoà nhã, cố kết lòng dân, sự nghiệp trung hưng sáng ngời thuở trước, thực là bậc vua hiền của nhà Trần. Song để tâm nơi kinh Phật, tuy nói là để siêu thoát, nhưng đó không phải là đạo trung dung của thánh nhân”125. Sách Tam tổ thực lục cũng có nhận xét: “Điều Ngự thánh tính thông minh, hiếu học, nhiều tài, đọc khắp các loại sách, thông suốt cả nội điển (Phật học) lẫn ngoại điển, thường mời các vị Thiền khách tới cùng giảng Thiền học. Điều Ngự cũng tìm tới tham khảo Tuệ Trung thượng sỹ và do đó thâm nhập được cốt tuỷ của Thiền học, cho nên thường lấy tư cách đệ tử để đối đãi với Tuệ Trung”126.

Sau khi xuất gia năm 1299, ông là người có ý thức mạnh mẽ trong việc xây dựng và củng cố một giáo hội thống nhất. Tuy về tu ở chùa Yên Tử nhưng Nhân Tông vẫn thường xuyên đến nhiều chùa để thuyết pháp. Theo Tam tổ thực lục, viết năm 1304 thì Trúc Lâm đã “đi khắp các chốn thôn quê, trừ bỏ các dâm từ và dạy dân thực hành thập thiện”127. Rõ ràng, Nhân Tông muốn sử dụng những nguyên tắc của Phật giáo làm cơ sở xây dựng thiết chế chính trị và đạo đức xã hội. Ở ông, dù thời gian nào trong cuộc đời cũng thật khó mà có thể phân định giữa tâm thế tôn giáo và hành trạng xã hội, giữa việc đời với việc đạo. Ngay cả khi xuất gia, trong sắc màu tôn giáo và tấm áo cà sa của Phật giáo, Trúc Lâm đệ nhất tổ vẫn luôn trăn trở trước những công việc của đất nước. Là người có biệt tài tổ chức, sự chuyển giao quyền lực êm thấm cho con Trần Anh Tông/ vương quyền (1293 – 1314) và hơn thế là giáo hội cho sư Pháp Loa/ thần quyền (1284 – 1330) để nhà sư trẻ tuổi, tài danh này trở thành tổ thứ hai của phái Trúc Lâm đã thể hiện tầm nhìn của ông vì sự phát triển tiếp nối, ổn định của Phật giáo và đất nước.

Vốn là thế tử, trở thành người đứng đầu triều đình 14 năm (1278 – 1293) rồi đảm đương cương vị Thái thượng hoàng 5 năm (1293 – 1299) và cuối cùng được tôn vinh là Trúc Lâm đệ nhất tổ 8 năm (1299 – 1307), Trần Nhân Tông không chỉ là nhà chính trị mà còn là nhà quân sự chiến lược, ông không chỉ là người giữ ngôi vị cao nhất của họ Trần mà còn là người đứng đầu đất nước, không chỉ là nhà yêu nước mà còn là người có tư duy chính trị tầm cỡ khu vực. Trên phương diện tôn giáo, ông vừa là nhà tu hành có tri thức uyên bác, vừa đóng vai trò của người khai sáng đồng thời là thủ lĩnh tôn giáo. Trần Nhân Tông là minh chứng của sự hoà quyện giữa chính trị và tôn giáo một cách tự nhiên, không có sự phân định rõ rệt. Có thể coi xu thế nhất thể hoá này là một bước chuyển, thể hiện sức sống mạnh mẽ và sự phát triển về ý thức chính trị, ý niệm về vương quyền của giới quý tộc Trần. Do vậy, mọi tâm thế, hành trạng của ông đều có nhiều ảnh hưởng đến tâm thức dân tộc thời đại bấy giờ128. Tuy nhiên, với việc về Yên Tử tu luyện, chính Trúc Lâm đã hướng tư duy chính trị của giới cầm quyền Thăng Long cũng như tình cảm tôn giáo của dân tộc về với vùng Địa – chiến lược Đông Bắc. Cuộc “thiên di” đó không chỉ mở rộng tầm văn hoá của chính quyền Thăng Long với các trung tâm Phật giáo Yên Tử, Quỳnh Lâm, Vân Đồn... mà còn tạo nên một không gian đối thoại giữa các nền văn hoá, thúc đẩy sự hội nhập của Đại Việt với các quốc gia khu vực.

Bên cạnh đó, trong các hoạt động xã hội hết sức phong phú, sau khi xuất gia, Trần Nhân Tông cũng dành nhiều mối quan tâm đến vùng biên viễn phía Nam. Trúc Lâm từng đến tận Bố Chính (Bố Trạch, Quảng Bình) lập am Tri Kiến ở đó và năm 1301 đã thực hiện một chuyến “vân du” sang Champa thăm kinh đô Vijaya của vua Chiêm lúc đó là Chế Mân. Chuyến đi kéo dài 8 tháng, rời Yên Tử tháng 3 đến tháng 11 mới trở về nước. Là người xuất gia nhưng tâm của Nhân Tông chưa thể định. Hẳn là Thiền tổ Trúc Lâm vẫn canh cánh với nhiều việc đại sự quốc gia cũng như mối nguy đất nước129.

Hành trạng đó của Nhân Tông được xem xét trong bối cảnh hiểm hoạ từ phương Bắc vẫn là mối đe doạ lớn của Đại Việt. Mặc dù chịu thất bại trong ba cuộc xâm lược nhưng nhà Nguyên vẫn chưa từ bỏ ý định thôn tính và liên tục gây sức ép về chính trị, ngoại giao đối với nước ta. Năm 1291, tức 3 năm sau thất bại quân sự lần thứ ba, quan Thượng thư Bộ Lễ nhà Nguyên là Trương Lập Đạo (hiệu Hiển Khánh) vẫn gửi thư cho vua Trần đe doạ: “Hơn 400 châu ở đất Giang Nam, không đương nổi một mũi nhọn của xứ Trung Nguyên, vả lại An Nam so với Giang Nam, bên nào đông đúc hơn? Vậy làm thế nào mà chống cùng thượng quốc? Năm nay cùng đánh, sang năm cùng đánh, hôm nay chết một số, ngày mai chết một số, nhân dân tiểu quốc được bao nhiêu, có đủ mà cung cấp số lính không? Như vậy, không thể ỷ lại vào số đông người được”130. Do vậy, phải sớm quy phục nhà Nguyên và như vậy mới “hợp với đạo trời”! Năm 1293, Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt (1260 – 1295) vẫn cho lập “An Nam hành tỉnh” để “đợi lệnh tiến đánh”. Phải đến khi Thế Tổ chết, nhà Nguyên mới chịu bãi binh.

Để cải thiện quan hệ với Trung Quốc đồng thời khẳng định vị thế chính trị trong nước cũng như với các quốc gia khu vực, năm 1295 triều Trần cử sứ giả xin phong tước nhưng triều Nguyên không chấp nhận, chỉ cho kinh Đại Tạng và yêu cầu cứ ba năm một lần tiến cống131. Đọc An Nam chí lược, chúng ta thấy trong thời gian 1260 – 1336, nhà Nguyên đã nhiều lần gửi chiếu thư sang nước ta. Ngoài việc trách cứ vua Trần không chịu sang chầu và coi đó là căn nguyên dẫn đến chiến tranh, trong các văn bản ngoại giao đó, nếu đọc kỹ cũng thấy rằng càng về sau mối quan hệ với Chămpa càng được đề cập thường xuyên trong các văn bản mà nhà Nguyên gửi sang Đại Việt. Theo đó, triều Nguyên ngày càng tỏ ra bênh vực các hành động xâm lấn của Chămpa đối với lãnh thổ phía Nam của nước ta. Cũng trong bức thư trên, Trương Lập Đạo khuyên vua Trần nên bỏ Tống, theo Nguyên để “hưởng phúc ngàn năm” đồng thời ngầm đe doạ: “Ngày sau các nước duyên hải, dầu có xảy ra sự xâm lấn bờ cõi, nhưng ai dám động chạm tới nước An Nam?”132.

Trong thế ứng đối với phương Bắc, tiếp thu kinh nghiệm của các triều Ngô (939 – 965), Đinh (968 – 979), Tiền Lê (980 – 1009) và Lý (1009 – 1225), nhà Trần đã thực thi một chính sách đối ngoại khiêm nhường, mềm dẻo nhưng kiên quyết giữ vững nguyên tắc về độc lập, chủ quyền dân tộc. Tuân thủ nguyên tắc đó, năm 1241, tức 16 năm sau khi nắm được vương quyền, để ổn định an ninh biên giới, vua Trần Thái Tông đã thân chinh cầm quân đi đánh các trại Vĩnh An, Vĩnh Bình ở vùng biên giới phía Bắc. Sau thất bại trong cuộc xâm lược lần thứ nhất, chắc hẳn nhận thấy khó có thể chinh phạt, đồng hoá được văn hoá Đại Việt nên năm 1261 nhà Nguyên đã sai sứ sang dụ: “Quan liêu sỹ thứ An Nam, phàm các việc mũ áo, lễ nhạc, phong tục đều căn cứ theo lệ cũ của nước mình, không phải thay đổi”133. Nhưng điều chắc chắn là, đằng sau thủ thuật ngoại giao đó, nhà Nguyên không hề từ bỏ âm mưu cưỡng chế văn hoá đối với nước ta, nên năm 1278 khi tiếp sứ Nguyên, Trần Quang Khải từng tuyên bố: “Lễ phục của kinh đô phương Bắc trái với kiểu cách của tổ tiên chúng tôi”134.

Cũng cần chú ý rằng, trong quan hệ với phương Bắc, cùng với nhà Nguyên, Đại Việt còn đồng thời phải ứng đối với thế lực Nam Tống. Trong thế suy vi, do để mất quyền lực vào tay nhà Nguyên, triều đình Tống phải chạy xuống phương Nam lập triều Nam Tống (1127 – 1279). Năm 1274, một nhóm quý tộc, tôn thất nhà Tống sợ quân Nguyên truy đuổi đã đem theo 30 chiếc thuyền chở vợ con, chất đầy của cải từ Giang Nam đến xin lưu trú. Mặc dù luôn hiểu tính chất phức tạp của vấn đề nhưng vua Trần không những đã cho phép dẫn họ về kinh đô Thăng Long mà còn cho an trí ở phường Nhai Tuân. Ở đó, họ được bày hàng vải lụa, dược phẩm, mở chợ buôn bán riêng. Nhưng 2 năm sau, khi Nguyên Thế Tổ đánh Giang Nam, sai sứ sang dụ nhà Trần điều dân, giúp quân… vua Trần Thánh Tông đều tìm cách từ chối135. Hẳn là, trong phân tích chiến lược, chính quyền Thăng Long vẫn muốn sử dụng lực lượng này như một đối trọng nên không thể lập mối liên kết với quân Nguyên cũng như không thể can dự vào công việc nội bộ của một đế chế đang nuôi cuồng vọng xâm lược Đại Việt cùng nhiều quốc gia châu Á khác136.

Trong ba cuộc kháng chiến, áp lực quân sự và chính trị đối với xã hội Đại Việt là rất lớn. Hơn bất cứ một tầng lớp xã hội nào khác, giới quý tộc cao cấp nhà Trần là những người phải gánh chịu thường xuyên và mạnh mẽ nhất những sức ép từ bên ngoài. Năm 1281, nhà Nguyên sai Sài Xuân đem 1.000 quân đưa Trần Di Ái về nước với âm mưu tạo phản, mở đường cho quân Nguyên sang xâm lược nước ta lần thứ hai. Nhưng vừa qua cửa ải, quân Nguyên đã bị phục binh tiến đánh, Trần Di Ái bỏ chạy nhưng Sài Xuân vẫn được “mời” về Thăng Long. Toàn thư viết rõ: “Xuân ngạo mạn vô lễ, cưỡi ngựa đi thẳng vào cửa Dương Minh. Quân sỹ Thiên Trường ngăn lại, Xuân dùng roi ngựa quất họ bị thương ở đầu. Đến điện Tập Hiền, thấy chăng bày màn trướng hắn mới chịu xuống ngựa. Vua sai Quang Khải đến sứ quán khoản tiếp. Xuân nằm khểnh không ra. Quang Khải vào hẳn trong phòng, hắn cũng không dậy tiếp. Hưng Đạo Đại vương Quốc Tuấn nghe thấy thế, tâu xin đến sứ quán xem Xuân làm gì. Lúc ấy Quốc Tuấn đã gọt tóc, mặc áo vải. Đến sứ quán, ông đi vào trong phòng. Xuân đứng dậy vái chào mời ngồi. Mọi người đều kinh ngạc, có biết đâu, gọt tóc mặc áo vải là hình dạng nhà sư phương Bắc. Ông ngồi xuống pha trà, cùng uống với hắn. Người hầu của Xuân cầm cái tên đứng sau Quốc Tuấn, chọc vào đầu đến chảy máu, nhưng sắc mặt Quốc Tuấn vẫn không hề thay đổi. Khi trở về Xuân ra cửa tiễn ông”137. Sau cuộc “đụng độ văn hoá” đó, dường như thái độ của sứ Nguyên đã có sự thay đổi nên lúc về nước, Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải đã làm bài thơ tiễn rất tao nhã: “Vị thẩm hà thời trung đổ diện/ Ân cần ác thủ tự huyên lương” (Dịch nghĩa: Chưa biết ngày nào gặp lại lần nữa/ Để ân cần nắm tay nhau hàn huyên).

Hiểu rõ âm mưu của nhà Nguyên, trước hành động ngạo mạn, vô lễ của sứ giả một nước sắp đưa quân sang xâm lược, hai vị tướng nổi danh nhà Trần vẫn giữ thái độ ung dung, bình thản để phân tích và lựa chọn cách ứng đối phù hợp. Điều chắc chắn là, thắng lợi của Đại Việt trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất đã củng cố niềm tin của hai vị danh tướng về sức mạnh dân tộc. Trách nhiệm mà Tổ quốc giao phó đang đến gần khiến họ càng thêm vững tâm, bền chí. Hành trạng đó thể hiện cách ứng xử giàu bản lĩnh cùng chiều sâu văn hoá của hai danh tướng. Trong đó, Hưng Đạo Đại vương đã “hoá thân” thành một tu sỹ và dùng ngay sức mạnh văn hoá của Trung Hoa để đối kháng với sứ Nguyên. Điều quan trọng là, các biện pháp ngoại giao chính là phép thử để giới quý tộc Trần hiểu rõ hơn âm mưu của nhà Nguyên đồng thời qua đó cũng có thêm thời gian để chuẩn bị lực lượng. Viết về tài danh của Trần Hưng Đạo, Toàn thư đánh giá: “Đời Trung Hưng lập nên công nghiệp hiếm có. Tiếng vang đến giặc phương Bắc. Chúng thường gọi ông là An Nam Hưng Đạo Đại vương mà không dám gọi tên”138. Điều đáng chú ý là, chịu ảnh hưởng nhân cách, phẩm chất đặc biệt và trong vòng văn hoá của ông, hầu hết các võ tướng, gia thần... những người đi theo Hưng Đạo Đại vương đều đã trở thành nhân vật tài danh một thuở. Chính sử triều Lê nhận xét: “Phạm Ngũ Lão, Trần Thì Kiến, Trương Hán Siêu, Phạm Lãm, Trịnh Dũ, Ngô Sỹ Thường, Nguyễn Thế Trực vốn là môn khách của ông, đều nổi tiếng thời đó về văn chương và chính sự”139.

Trong bối cảnh đất nước có chiến tranh, bản lĩnh văn hoá của giới quý tộc Đại Việt còn được thể hiện ở hành động vua Trần Nhân Tông cởi áo ngự, quấn lấy đầu của Toa Đô để bày tỏ “sự tiếc thương” về “lòng trung” của viên tướng giặc. Ông cũng là người khoản đãi rượu ngay trên thuyền rồng hai bại tướng nhà Nguyên là Ô Mã Nhi và Tích Lê Cơ khi vừa bị bắt. Thật khó có thể cho rằng hành trạng đó của Nhân Tông là thể hiện tâm thế Phật giáo, Nho giáo, cách hành xử của một minh vương hay xuất phát từ truyền thống khoan dung văn hoá của dân tộc Đại Việt, mà ông là đại diện tiêu biểu nhất. Ẩn sau hành trạng đó, hẳn là Nhân Tông muốn giáo dục tướng sỹ về lòng trung thành, về tình nhân ái trong quan hệ vua tôi cũng như thể hiện sự thấu hiểu của ông về những gian khổ, hy sinh của tướng sỹ cùng lòng dân trăm họ.

Để chuẩn bị kháng chiến chống Nguyên lần thứ hai và thứ ba, cùng với việc rèn tập binh sỹ, sửa soạn vũ khí, tích trữ quân lương… nhà Trần cũng đã chuẩn bị tâm lý cho một cuộc chiến tranh lớn rất chu đáo. Có thể thấy tinh thần đó trong nhiều tác phẩm thời Trần nhưng tiêu biểu nhất là Binh gia diệu lý yếu lược (Hịch tướng sỹ). Trong áng “Thiên cổ hùng văn” đó, Hưng Đạo Đại vương đã khích lệ tinh thần tướng sỹ về chủ nghĩa yêu nước bằng những lập luận chặt chẽ nhưng rất đa dạng trong diễn tả và trạng huống ngôn từ. Với những thủ pháp nghệ thuật “tương phản đối đoạn”, “tương phản cách đoạn” và cách “điệp ý”, “điệp từ”, “điệp ngữ”… điển hình của thể loại văn hịch, ông đã chỉ ra và gắn lợi ích của đất nước (vua) và giới quý tộc cao cấp (mà ông là người đối thoại) với các quý tộc, sỹ phu thuộc quyền cùng đông đảo những “bề tôi” bên dưới. Ngôn từ của bài hịch cũng cho thấy Đại vương là người có quyền lực rất lớn không chỉ đối với quân đội mà còn cả trong vương triều thời bấy giờ. Hưng Đạo Đại vương đã kết hợp hài hoà giữa lợi ích nhóm (bộ phận) với lợi ích chung của giới (đám đông). Nói cách khác, ông đã gắn lợi ích của giới quý tộc thân tộc với giới quý tộc sỹ phu cùng các nhóm xã hội khác để hướng đến những giá trị chung của cộng đồng dân tộc. Người thống lĩnh ba quân đã dùng chính sức mạnh văn hoá dân tộc để mở cuộc “đối thoại” với các tướng sỹ trên cả hai cơ tầng xã hội, văn hoá và đặt họ trước sự lựa chọn: hoặc là sự sống còn của dân tộc hoặc là sự mê đắm trong những thú vui trần thế. Các hiện tượng văn hoá mà ông đưa ra tập trung vào các trò chơi, thú tiêu khiển mà giới quý tộc thời Trần đều rất yêu thích. Với lời lẽ khẩn thiết nhưng cũng hết sức nghiêm khắc, Hưng Đạo Đại vương đưa ra một chuỗi những dự báo, cảnh báo đồng thời đặt họ trước trách nhiệm dân tộc: “Làm tướng triều đình phải hầu quân giặc mà không biết tức, nghe nhạc thái thường thiết yến sứ nguỵ mà không biết căm, hoặc lấy chọi gà làm vui, hoặc lấy đánh bạc làm thú… hoặc ham săn bắn mà bỏ việc đánh việc phòng, hoặc thích rượu ngon, hoặc mê tiếng hát. Nếu có giặc Mông Thát tràn sang thì cựa gà trống không thể đâm thủng áo giáp của giặc, mẹo cờ bạc không thể dùng làm mưu lược nhà binh… Tiền của dẫu nhiều khôn mua được đầu giặc; chó săn tuy khoẻ không đuổi được quân thù. Chén rượu ngon không thể làm cho giặc say chết, tiếng hát hay không thể làm cho giặc điếc tai. Lúc bấy giờ chúa tôi nhà ta đều bị bắt, đau xót biết nhường nào!”140.

Như vậy, cùng với các thắng lợi quân sự, vương triều Trần còn giành được ưu thế trong cuộc chiến tranh tâm lý, văn hoá. Thấu hiểu tình cảm, ước nguyện của ba quân, Hưng Đạo Đại vương đã khơi dậy lòng tự trọng, tinh thần yêu nước và ý chí bất khuất của họ. Cũng như các danh tướng, quý tộc thời bấy giờ, ông là người sùng Phật (khi qua đời muốn được hoả thiêu và hoà mình trong cát bụi) nhưng trong Hịch tướng sỹ, tư tưởng chi phối của tác phẩm lại chính là những luận đề, nguyên tắc Nho giáo. Quốc Công tiết chế luôn có ý thức mạnh mẽ về lòng trung và đề cao tư tưởng trung quân. Ông đã khẳng định cùng tướng sỹ tinh thần quyết đánh, quyết thắng mà mục tiêu được xác định rõ ràng, cụ thể là: bêu đầu Hốt Tất Liệt ở cửa khuyết, phơi xác Vân Nam vương ở Cảo Nhai! Điều đáng chú ý là, Hưng Đạo Đại vương đã dùng những minh chứng về lòng trung từ trong lịch sử Trung Hoa để giáo dục tướng sỹ, hun đúc tinh thần dân tộc và lòng căm thù giặc. Không phân lập và hiềm kỵ, lấy Đông Chu, Hán, Đường và cả một số tấm gương trung nghĩa thời Nguyên để đối chọi với Mông Thát, Hịch tướng sỹ là tác phẩm tiêu biểu phản ánh nhận thức văn hoá và bản lĩnh văn hoá của một thời đại. Trong ý nghĩa đó, văn hoá luôn có sự kết nối, các giá trị văn hoá là di sản chung của nhiều cộng đồng xã hội và tự thân các giá trị đó luôn mang tính phi biên giới.

Điều chắc chắn là, bài hịch đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với tướng sỹ thời Trần. Điều đó cũng có nghĩa là, các điển tích, nhân vật mà Hưng Đạo Đại vương sử dụng như là những minh chứng tiêu biểu cho các luận đề tư tưởng của mình đều rất gần gũi và có thể (tương đối) dễ hiểu với đông đảo tướng sỹ141. Từ đó, chúng ta có thể luận suy về tầm kiến văn, vốn văn hoá, giá trị biểu cảm cũng như nguồn lực tri thức của một thời đại. Kết quả là, “như ngọn gió mạnh, bài hịch đã làm bốc cháy trong lòng tướng sỹ ngọn lửa căm thù giặc và như tiếng trống trận, bài hịch đã giục giã họ xông lên đem thân đền nợ nước. Lịch sử và văn học dân tộc đời đời ghi lại kiệt tác đó”142.

Trong bài hịch, một cấu trúc điển hình của văn phong chính luận đã được sử dụng. Cấu trúc đó được xây dựng theo nguyên tắc không gian một chiều bao gồm: quá khứ, hiện tại, tương lai nhưng lấy hiện tại làm trung tâm143. Cấu trúc đó có xưa và nay, có khái quát và cụ thể, có lý luận và thực tiễn, giàu hình tượng nhưng cũng rất cô đọng, chặt chẽ về văn phong. Trên thực tế, các thú vui như: âm nhạc, ca hát, chọi gà, săn bắn, cờ bạc, uống rượu… đã không thể làm suy nhụt ý chí “Sát Thát” của một đội quân yêu nước. Hơn thế, ở một khía cạnh nào đó, việc khơi gợi các trò chơi và giá trị văn hoá đó còn trở thành động lực cho cuộc chiến. Đến thế kỷ XIV, sau khi binh lửa qua đi, đất nước trở lại thanh bình, các tập tục, trò chơi dân gian lại được khôi phục. Toàn thư ghi rõ, thời vua Trần Anh Tông có viên độc bạ
Trần Cụ tính khoan hậu, cẩn thận, thật thà, giỏi nghề đánh cá, bắn nỏ, chơi cầu. Ông được nhà vua tin cẩn, giao cho dạy các thái tử nghề ấy. Trong ý nghĩa đó, lời tiên đoán của Trần Hưng Đạo về ngày toàn thắng của dân tộc, giới quý tộc, tướng sỹ có thể hưởng một cuộc sống yên vui, phú quý đã trở thành hiện thực144.

Trong tâm thế khoáng đạt và do có tầm kiến văn rộng lớn nên giới quý tộc Trần không chỉ yêu thích các sinh hoạt văn hoá truyền thống mà một số người còn rất thông hiểu phong tục, văn hoá các nước láng giềng trong khu vực. Theo Toàn thư, vua Trần Thánh Tông và anh là Tĩnh Quốc Đại vương Trần Quốc Khang đều biết múa và hẳn là họ đã múa rất thành thạo các điệu múa theo phong cách của người Hồi (Hu, Hồi Hột) ở hoàng cung. Vào thời Trần, văn hoá Trung Đông hiện diện ở quốc gia Đại Việt là khá rõ. Như vậy, bằng cả những tác động từ phía Bắc (Trung Quốc) và cả phía Nam (Chămpa), văn hoá Tây Á đã dự nhập vào dòng văn hoá Việt. Từ thời bấy giờ, giới quan lại bắt đầu mặc áo choàng trắng trong các lễ hội và trang phục đen trong đám tang145. Bên cạnh đó, qua con đường giao lưu kinh tế, văn hoá và cả những hệ quả nhiều mặt của chiến tranh, nhiều phong tục, tập quán của văn hoá Trung Hoa đã được truyền tải sang nước ta. Cũng theo


Toàn thư thì phép phù thuỷ, đàn chay bắt đầu do đạo sỹ Hứa Tông Đạo truyền vào nước ta vào đầu thế kỷ XIV. Ngoài ra, dòng chảy văn hoá phương Bắc còn thấm đến xã hội Đại Việt qua các nhân vật như Trâu Canh tuy bị coi là người “không có hạnh kiểm” nhưng là một thầy thuốc giỏi, chuyên chữa bệnh cho hoàng triều; như Đinh Bàng Đức có tài leo dây, làm trò, ca múa. Sự tài khéo của ông được nhiều người trong nước bắt chước và cũng từ đó nước ta bắt đầu có trò múa leo dây. Thêm vào đó, trong khi đánh nhau với quân Toa Đô, quan quân nhà Trần còn bắt được Lý Nguyên Cát. Là một nghệ sỹ rất giỏi ca hát nên gia nô trẻ của các quý tộc đều đua theo học các điệu hát phương Bắc. Nguyên Cát sáng tác các vở truyện cổ. Trong các vở tuồng có nhiều lớp người tham gia, mặc áo gấm, áo thêu, đánh trống, thổi sáo, gảy đàn, vỗ tay… khiến người xem rất xúc động. Nội dung các vở tuồng và cách diễn xướng tài khéo đến mức có thể chi phối được tình cảm của con người. Thời Trần, nhiều người mê tuồng đã học theo lối hát phương Bắc. Các tác giả
Toàn thư cho rằng “Nước ta có tuồng truyện bắt đầu từ đấy”146.

Có thể nói đó chỉ là một số hiện tượng và giá trị văn hoá được lịch sử ghi lại trong xu thế vận động của văn hoá phương Bắc với phương Nam. Bên cạnh đó, sự ứng đối, giao thoa văn hoá của Đại Việt với phương Bắc còn được thực hiện và biểu hiện qua các hoạt động ngoại giao, các chuyến đi sứ, giao lưu giữa cư dân các vùng biên giới và chắc chắn có cả sự “giao thoa sinh học” khi quân Nguyên xâm lược Đại Việt.



2. Những vòng tiếp giao văn hoá và ứng đối với phương Nam

Cùng với việc giữ thế ứng đối với văn hoá phương Bắc, nhà Trần cũng rất chú ý đến những ảnh hưởng của môi trường chính trị, văn hoá phương Nam với xã hội Đại Việt. Liên tiếp trong các năm 1294, 1297, 1301, thời vua Trần Anh Tông (1276 – 1320), nhà Trần đã phải cất quân ngăn chặn các cuộc xâm lấn, cướp phá biên giới miền Tây Bắc của quân Ai Lao. Trong những trận giao tranh đó, danh tướng Phạm Ngũ Lão, một người vốn xuất thân từ tầng lớp bình dân nhưng về sau đã bộc lộ khuynh hướng quý tộc hoá khá mạnh mẽ, đã lập được nhiều kỳ tích. Bên cạnh đó, chính quyền Thăng Long cũng rất coi trọng quan hệ với Chămpa, một cường quốc đang lên ở phía Nam. Như đã trình bày ở trên, nhân việc sứ giả Chămpa sang cống lễ vật, Hương Vân đại đầu đà đã theo sứ bộ đến thăm quốc gia phương Nam. Đây là một trường hợp cực kỳ hiếm có trong quan hệ giữa Đại Việt với các quốc gia khu vực khi người đứng đầu trên thực tế của một quốc gia đến thăm hữu nghị một nước láng giềng. Về phần mình, hẳn là quốc vương Chămpa cũng muốn xây dựng mối quan hệ thân thiện với Đại Việt và để củng cố mối quan hệ đó, chính quyền Chăm muốn có sự ràng buộc qua con đường hôn nhân147. Trong chuyến đi đến Chămpa năm 1301, Trần Nhân Tông đã hứa gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm là Chế Mân. Hành động đó của Nhân Tông một lần nữa cho thấy năng lực xuất thế của Thiền phái Trúc Lâm và chính ông, người giữ cương vị cao nhất của giáo hội, không phải bao giờ cũng nhất nhất tuân thủ theo trì giới. Mặt khác, trên phương diện đối ngoại, Nhân Tông muốn gửi một thông điệp hoà bình của Đại Việt đến quốc gia phương Nam. Có thể cho rằng “Nhân Tông muốn qua cuộc hôn nhân này xây dựng quan hệ hoà bình giữa Đại Việt và Chămpa”148.

Đến thế kỷ XIV, thế và lực của Đại Việt đang được củng cố và tăng lên trong quan hệ khu vực. Trước nghĩa cử đó của Trần Nhân Tông đồng thời cũng có thể là để đáp lại sự phối hợp, giúp đỡ của Đại Việt trong cuộc kháng chiến chống
Mông – Nguyên năm 1282 nên vua Chămpa là Sri Harijit (Jaya Simhavarman III), tức Chế Mân (1285? – 1307), con trai của vua Indravarman V, có lẽ đã chủ động đề xuất và sẵn sàng đón nhận sự hứa gả đó149. Kết quả của chuyến “vân du” nhưng thực chất là cuộc vận động ngoại giao đó đã đưa về cho Đại Việt một vùng đất tương đối rộng lớn ở phương Nam với hai châu Ô, Lý (tức Thuận châu và Hoá châu).

Tiếp cận lịch sử theo một chiều hướng khác chúng ta thấy, cuộc hôn nhân Việt – Chăm đã không diễn ra vội vàng. Vốn là một người giàu kinh nghiệm chính trị, uyên thâm, thận trọng nên việc hứa gả công chúa Huyền Trân không thể coi là quyết định đường đột, biểu hiện cảm xúc nhất thời hay sự “trót hứa” của Nhân Tông với Chế Mân như các sử gia thời Lê và một số nhà nghiên cứu quan niệm. Từ khi Nhân Tông hứa gả đến lúc sứ bộ Chămpa sang chính thức đón dâu là 5 năm (1301 – 1306). Trong thời gian đó, cả hai bên đều có thể đưa ra nhiều nguyên nhân hay nguyên cớ để rút lời hẹn ước. Do vậy, trong cuộc hôn nhân, cả hai bên hẳn đều có sự tính toán chiến lược kỹ càng. Ta không rõ sự dâng đất này xuất phát từ thâm ý của vua Chăm hay là điều kiện do Nhân Tông (Anh Tông?) đặt ra. Chỉ biết rằng cuối cùng, cùng với các sính lễ giá trị, chính quyền Chămpa đã chủ động và tự nguyện dâng hai châu Ô, Lý làm lễ vật dẫn cưới. Năm 1307, nhà Trần đổi thành châu Thuận, châu Hoá, đến cuối Trần lập thành lộ (trấn) Thuận Hoá. Như vậy, có thể coi “Đất Thuận Hoá ra đời trong sự hội nhập vào lãnh thổ Đại Việt không phải bằng sự lấn chiếm hay xâm lược mà là sản phẩm của quan hệ đồng minh, của sự hoà hiếu và của một cuộc hôn nhân mang ý nghĩa lịch sử”150.

Điều đáng chú ý là, nếu như ghi chép trong Toàn thư là chính xác thì Trần Khắc Chung, một người có ảnh hưởng lớn trong vương triều Trần thời Anh Tông, đã ủng hộ mạnh mẽ cho cuộc hôn nhân Việt – Chăm tức là đồng ý cho công chúa Huyền Trân (có thể đã có tình ý riêng) vào Chiêm Thành kết hôn với Chế Mân. Ông là người giỏi ngoại giao và chắc chắn hiểu rất rõ “tư duy khu vực” của Nhân Tông, đã cùng với Văn Túc vương Đạo Tái, một người được Nhân Tông đặc biệt yêu mến, nhất trí tán thành cuộc hôn nhân nên “việc bàn mới quyết”. Tháng 6 năm Hưng Long thứ 14 (1306), mùa Hạ, đang độ nóng nực, triều đình quyết định gả công chúa Huyền Trân (18 tuổi) cho Chế Mân151. Như vậy, dưới danh nghĩa hoà bình và củng cố quan hệ láng giềng thân thiện đã có một lớp sương mờ trong kịch bản hôn nhân từ cả hai phía.

Phân tích sự kiện theo tư duy logic chúng ta thấy, cùng với thông điệp hoà bình chắc rằng Đại Việt muốn mở rộng ảnh hưởng về phía Nam để tạo thế phòng ngự có chiều sâu về chiến lược. Thế trận gọng kìm do quân Nguyên đặt ra trong cuộc kháng chiến lần thứ hai khiến nhà Trần càng hiểu thêm vị trí của hai châu Ô, Lý. Do vậy, “câu chuyện Chế Mân lấy châu Ô, châu Rí làm đất dẫn cưới công chúa Huyền Trân (1306) chỉ là một cớ hợp thức hoá sự chuyển nhượng từ trong thực tế trong khi nhà Trần phải lo tìm đồng minh để đề phòng mối xâm lăng từ phương Bắc”152. Bình luận về sự kiện trên, GS. Đào Duy Anh cho rằng: “Vua Chiêm Thành là Chế Mân vì sợ uy nhà Trần mấy lần chiến thắng quân Mông Cổ, sai sứ sang cầu hôn. Thượng hoàng Nhân Tông đem công chúa Huyền Trân gả cho. Chế Mân bèn lấy hai châu Ô và Lý làm vật nạp trưng”153.

Nhìn toàn cục, đối với Chămpa, về hình thức tuy có bị mất một phần đất, cư dân, tài sản… nhưng qua cuộc hôn nhân, chắc hẳn vương quốc này hy vọng có thể cải thiện quan hệ với Đại Việt. Từ đó, họ sẽ thâm nhập sâu hơn vào xã hội Đại Việt để rồi nếu cơ hội đến thì không những có thể giành lại đất mà còn có thể tăng cường ảnh hưởng ra vùng châu thổ sông Hồng rộng lớn, mở rộng không gian sinh tồn đồng thời khai thông tuyến thương mại trực tiếp với Trung Hoa. Tiếc rằng mối tình Huyền Trân – Chế Mân đã sớm kết thúc, khiến chúng ta rất khó dự báo chính xác diễn tiến quan hệ Việt – Chăm nhưng những hành động xâm lấn thường xuyên và sau đó là các cuộc tiến công quyết liệt của quân Chămpa dưới sự chỉ huy của Chế Bồng Nga vào vùng Nghệ – Tĩnh, Thanh Hoá mà điển hình là ba lần tràn vào cướp phá, tiêu huỷ Thăng Long trong các năm 1371, 1377 và 1378 cho thấy rõ tham vọng của nước này. Phải đến năm 1390, khi Chế Bồng Nga bị thuỷ quân nhà Trần do Trần Khát Chân chỉ huy bắn chết ở Hải Triều, thì về cơ bản mối hiểm hoạ từ phương Nam mới được chấm dứt. Cũng cần phải nói thêm là, nhà Trần rất cảnh giác với Chămpa. Suốt thời Lý và đầu thời Trần, hai bên đã xảy ra nhiều cuộc xung đột. Năm 1279, vua Chiêm Thành sai Chế Năng, Tra Diệp sang cống. Họ xin ở lại làm nội thần, nhưng chính Trần Nhân Tông, người nổi tiếng nhân từ, đã không chấp nhận đề nghị đó!

Trong thế ứng đối văn hoá với các quốc gia khu vực, cùng với các vua, một số danh tướng, quý tộc nhà Trần cũng đã lập được nhiều thành tích và chiến công lớn thông qua các hành trạng văn hoá154. Trong số đó, Trần Nhật Duật (1253 – 1330) nổi lên như một nhân vật tiêu biểu. Các sử thần nhà Lê đánh giá: “Ông là bậc thân vương tôn quý, làm quan trải bốn triều, ba lần coi giữ trấn lớn, trong nhà không ngày nào không mở cuộc hát xướng, làm trò mà không ai cho là say đắm. So với Quách Tử Nghi tột cùng xa xỉ mà không ai chê, ông cũng gần được như thế”. Không những say mê nghệ thuật, ông còn là tác giả của nhiều tiết tấu âm nhạc, khúc điệu múa hát. Hơn thế, Chiêu Văn còn là người tinh thông sử sách, “rất hâm mộ huyền giáo, thông hiểu xung điển, nổi tiếng đương thời là người uyên bác”155. Tác giả Lịch triều hiến chương loại chí cũng cho rằng: “Chiêu Văn mưu kế tài giỏi, độ lượng nhã nhặn, làm việc gì cũng được”. Hơn thế, “Ông là người nhã nhặn có độ lượng, mừng giận không lộ ra sắc mặt; lại thông hiểu kinh điển, giỏi âm luật, người thời ấy khen là người hiểu biết rộng rãi. Những văn thư của triều đình đều do tay ông thảo cả”156.

Là một đại quý tộc, được giao đảm trách quan hệ đối ngoại, Trần Nhật Duật đã tự tạo nên một phong cách riêng hết sức độc đáo. Khi người nước ngoài đến kinh đô, nếu là người Tống, ông thường ngồi gần đàm luận say sưa nhưng nếu là người Chiêm hay các dân tộc khác thì theo quốc tục của họ mà tiếp đãi. Sứ giả nước Xích Mã Tích (Temasek) sang cống, trong triều chỉ có ông hiểu và dịch được ngôn ngữ nước họ. Xích Mã Tích là vùng đất thuộc Singapore ngày nay, nhiều khả năng Trần Nhật Duật đã hiểu được tiếng Malay nhưng cũng có thể ông đã biết tiếng Ba Tư hay Arập157. Việc giới quý tộc Đại Việt thường xuyên tiếp xúc với sứ giả, thương nhân Trung Hoa, Chămpa và nhiều quốc gia khác ở Đông Nam Á đã tăng cường khả năng ngôn ngữ của họ. Vị trí tiếp giao giữa hai thế giới Đông Bắc Á – Đông Nam Á cũng thúc đẩy năng lực hội nhập văn hoá, tư duy kinh tế của giới quý tộc Trần.

Mỗi lần tiếp sứ Nguyên, với tư cách Tể tướng, Trần Nhật Duật đều có thể nói chuyện trực tiếp, không cần người phiên dịch. Do cách ứng xử linh hoạt, có chiều sâu văn hoá và năng lực cao về ngôn ngữ nên sứ giả nhà Nguyên tưởng ông là người Chân Định (Hà Bắc), một vùng đất có tiếng là văn vật ở Trung Quốc. Tuy nhiên, qua các hoạt động ngoại giao đó, với tư cách là trọng thần, mặc dù luôn có ý thức về luật pháp và coi trọng phép nước nhưng Trần Nhật Duật đã tự mình “tháo dỡ” một số nguyên tắc trong quan hệ bang giao. Tài năng cá nhân vượt trội và một thiết chế chính trị – xã hội giàu chất khoan dung, coi trọng giá trị thực tiễn đã tạo nên một không gian thời gian văn hoá rộng mở cho nhiều hành vi, ứng đối văn hoá vượt ra khỏi khuôn phép của hoàng gia và khác với thông lệ.

Là người luôn được giao quản lý các trọng trấn, Trần Nhật Duật có ý thức mạnh mẽ trong việc mở rộng ảnh hưởng, khẳng định uy quyền của Thăng Long – Đại Việt. Thế ứng đối của ông là sự tổng hoà giữa tinh thần dân tộc với bản lĩnh chính trị cùng niềm tin về tri thức văn hoá. Việc xử lý thành công mối quan hệ với các tộc người sống ở phía Tây thể hiện sự tài giỏi và nguồn tri thức văn hoá của ông. Năm Canh Thìn (1280), thổ tù ở đạo Đà Giang là Trịnh Giác Mật tụ tập đồ đảng cướp bóc dân chúng. Triều đình cử Trần Nhật Duật đến dụ hàng. Vào chỗ rừng thẳm, núi cao, giữa điệp trùng vòng vây và vũ khí đe doạ nhưng ông chỉ đem theo năm, sáu tiểu đồng đi thẳng đến trại của Mật. Ông dùng tiếng nói của họ để đối đáp, lại cùng với Mật ăn bằng tay, uống bằng mũi. Thổ tù Trịnh Giác Mật vô cùng sợ hãi, khâm phục. Trần Nhật Duật bình được Đà Giang mà không tốn một mũi tên. Như vậy, những thành công của Trần Nhật Duật, như lịch sử ghi lại, đã được thể hiện trên nhiều phương diện nhưng trong đó rõ nhất, điển hình nhất là sức mạnh văn hoá. Chính sức mạnh văn hoá khiến quân Nguyên phải khiếp sợ. Và cũng chính sức mạnh văn hoá đó mà thổ tù Trịnh Giác Mật phải quy phục. Ba “vũ khí” văn hoá mà ông sử dụng tỏ ra cực kỳ hiệu nghiệm: Nói bằng tiếng nói của chính họ, Ăn bằng tayUống bằng mũi. Nói cách khác, ông đã thực sự dấn thân vào vòng văn hoá đó, làm chủ và cuối cùng đã chinh phục được nền văn hoá đó.

Vấn đề đặt ra là, giữa thời chiến tranh, lại đảm đương nhiều trọng trách nhưng nhờ đâu mà Trần Nhật Duật có thể có được những năng lực siêu phàm đó? Vua Trần Nhân Tông từng giải thích: “Chú Chiêu Văn có lẽ là kiếp sau của người phiên lạc cho nên giỏi tiếng các nước đó”158. Cách giải thích thấm đượm tinh thần Phật giáo của người đứng đầu thể chế không chỉ là sự ngợi khen chân thành mà còn là sự kính trọng đối với những tài năng vượt trội. Phải chăng, chính tư tưởng thân dân, gần dân, sự khoáng đạt trong giao tiếp và một môi trường xã hội tương đối dân chủ, tự do của nhà Trần đã tạo nên những con người bản lĩnh, đa tài159? Năm 1285, trong cuộc kháng chiến chống Mông – Nguyên lần thứ hai, tại chiến trận Hàm Tử, Trần Nhật Duật còn mạnh dạn sử dụng số người Tống do chính ông dung nạp trước đây tham gia cuộc chiến. Cùng với binh sỹ người Việt, họ được mặc trang phục, cầm binh khí giống như quân Tống khiến quân Nguyên cả sợ, bỏ chạy, bị quân ta đánh tan tác. Toàn thư ghi rằng: “Chiến công đánh bại giặc Nguyên, Nhật Duật lập được nhiều hơn cả”160.

Về năng lực ngôn ngữ và sự thấu hiểu phong tục, luật tục của các dân tộc, có thể cho rằng Trần Nhật Duật đã tiếp nhận trong thời gian trấn nhậm ở vùng biên ải, trong các cuộc hành binh nhưng điều chắc chắn là ông còn giao hoà với chính những người “Man”, người Chiêm vốn là nạn nhân của các cuộc chiến tranh hay di cư sang đất Việt. Lịch sử cho thấy, xung quanh kinh thành Thăng Long thời
Lý – Trần luôn có một vòng văn hoá ngoại sinh và Trần Nhật Duật đã chủ động kết mối thâm giao với những sinh thể hiện hữu của vòng văn hoá đó161. Toàn thư ghi rõ: “Nhật Duật thích chơi với người nước ngoài, thường cưỡi voi đến chơi thôn Bà Già (nay thuộc phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội – TG)… có khi ba bốn ngày mới về. Lại hay đến chơi chùa Tường Phù, nói chuyện với nhà sư người Tống, ở lại đến hôm sau mới về. Người nước ngoài đến kinh sư, thường kéo đến nhà ông”162 hỏi han, đàm đạo. Thời Trần, các quý tộc thường có nhiều gia nô. Nhiều khả năng, Trần Nhật Duật đã nuôi dưỡng một số gia nô là người ngoại quốc. Từ hành trạng và những cống hiến nổi bật của ông với đất nước, vương triều, có thể coi Trần Nhật Duật là Nhà dân tộc học, Nhà ngôn ngữ học tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam thời cổ trung đại. Lúc cuối đời, Chiêu Văn vương còn là người chu toàn, giàu ân nghĩa. Ông đã hết lòng chăm sóc, nuôi dạy hoàng tử Thánh Sinh con vua Trần Anh Tông. Về sau, hoàng tử trở thành vua Minh Tông, người đã dốc lòng “đem văn minh sửa sang đạo trị nước, làm rạng rỡ công nghiệp của người xưa, giữ lòng trung hậu, lo nghĩ sâu xa, trong yên ngoài phục, kỷ cương đủ bày”163.

Là một triều đại hình thành từ vùng ven biển, nhà Trần có ý thức về biển rất mạnh mẽ. Trải qua các cuộc chiến tranh vệ quốc kháng Bắc, địch Nam, nhà Trần đã xây dựng được một lực lượng thuỷ quân mạnh, thành thạo hải chiến. Bên cạnh đó, tiếp nối truyền thống, vương triều Trần cũng rất coi trọng quan hệ giao thương trên biển. Chính quyền Thăng Long rất chú tâm đến hoạt động của các thương cảng, đặc biệt là Vân Đồn ở Đông Bắc cũng như các cảng vùng Thanh – Nghệ Tĩnh tiếp giáp với Champa và các quốc gia láng giềng phía Nam. Dưới danh nghĩa văn hoá và bảo vệ an ninh trên biển, Trần Khánh Dư, người được giao trấn nhậm vùng Vân Đồn, đã có ý thức rất mạnh mẽ về vai trò của quan hệ hải thương. Chính ông đã tiến hành nhiều thương vụ, nhưng nổi tiếng nhất là việc bán nón Ma Lôi cho khách thương và cư dân vùng thương cảng. Phòng khi hữu sự và để “tránh nhầm lẫn” giữa người Việt với người Hoa, Trần Khánh Dư đã dùng giải pháp phân lập văn hoá, ngầm sai người nhà (quan hệ thân tộc) đem nón Ma Lôi (sản vật quê hương) đến bán và thu được nguồn lợi lớn (mục tiêu kinh tế). Theo Toàn thư, ban đầu mỗi chiếc bán không tới 1 tiền nhưng về sau giá cả dần nâng lên mỗi chiếc đắt bằng một tấm vải. Kết quả là, số vải mà ông và gia thần thu được lên tới hàng ngàn tấm!

Có thể coi, Trần Khánh Dư là một quý tộc điển hình của vương triều Trần. Ông là một phức hợp của nhiều nhân cách, tư cách. Nhân Huệ vương là người đầu tiên trong giới quý tộc thời Trần đã công khai coi lợi ích, lợi nhuận và sự bóc lột dân chúng là quyền năng của kẻ thống trị với “tuyên ngôn” nổi tiếng: “Tướng là chim ưng, dân lính là vịt, dùng vịt để nuôi chim ưng thì có gì là lạ?”164. Ngoài tài năng quân sự, ông còn có tư chất của một thương nhân, rất thành thạo nghề buôn. Qua các nguồn sử liệu, có thể coi Trần Khánh Dư là một quý tộc có tư duy thương nghiệp điển hình nhất thời Trần. Tư duy đó khác biệt căn bản với tư duy nông nghiệp của phần lớn các quý tộc thời đại bấy giờ luôn hướng về kinh tế nông nghiệp với các điền trang, thái ấp. Tư duy đó cũng khác với tư tưởng chủ đạo của nhà Trần luôn coi trọng vai trò của nhân dân và coi việc “khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc” được thể hiện trong tư tưởng chính trị, văn hoá của Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo. Nhưng, không chỉ là người có thiên hướng, tài năng kinh doanh, Trần Khánh Dư còn là người ưa hoạt động thực tiễn. Bị triều đình đoạt hết quan tước, tịch thu tài sản do tư thông với công chúa Thiên Thuỵ, ông về vùng quê Chí Linh “cùng bọn hèn hạ làm nghề bán than”. Điều thú vị là, thông qua hoạt động thực tiễn đó, khi thời cơ đến ông đã tự giới thiệu lại chính mình, khôi phục lại được danh vị quý tộc và chức vụ trong quân đội (Phó đô tướng quân). Được giao trấn nhậm Vân Đồn, có quyền lực trong tay, môi trường kinh doanh thuận lợi, sẵn có tư duy thương nghiệp, ông đã tiến hành những thương vụ lớn hơn. Nhiều khả năng, vụ buôn nón Ma Lôi đã có những tác động tiêu cực đối với hoạt động của vùng thương cảng. Chính sử triều Lê cho rằng, vua Trần Nhân Tông vì tiếc ông có tài làm tướng nên không nỡ bỏ!

Trần Khánh Dư là người có công lớn trong việc chặn đoàn thuyền tải lương của Trương Văn Hổ, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của quân dân Đại Việt trong cuộc kháng chiến lần thứ ba165. Nhưng, Nhân Huệ vương còn là một trí thức quý tộc, là người đề tựa cho tác phẩm Vạn Kiếp tông bí truyền thư với lời bình nổi tiếng: “Người giỏi cầm quân thì không cần bày trận, người giỏi bày trận thì không cần phải đánh, người giỏi đánh thì không thua, người khéo thua thì không chết”166. Theo Phiêu kỵ đại tướng quân, bộ sách quý của Trần Hưng Đạo, là nhằm để phía Bắc trấn ngự Hung Nô (chỉ nhà Nguyên), phía Nam uy hiếp Lâm Ấp (Chiêm Thành). Những điều viết về ông hẳn còn nhiều sai khuyết nhưng Trần Khánh Dư là hiện tượng dị biệt, có tính cách mạnh mẽ. Mặc dù bị các sử thần nhà Lê coi là người “tham lam, thô bỉ” và trong ông luôn có dáng vẻ kiêu hùng của một võ tướng quý tộc nhưng các tác giả Toàn thư cũng như Lịch triều hiến chương loại chí đều phải công nhận Trần Khánh Dư là một nhà chỉ huy quân sự có biệt tài. Phan Huy Chú xếp ông là một trong bốn vị danh tướng tiêu biểu của thời Trần sau Trần Hưng Đạo, Trần Nhật Duật và Phạm Ngũ Lão.

Là những quý tộc, giữ trọng trách của đất nước, dần quen với cuộc sống cung đình nhưng hầu hết các vua và quý tộc thời Trần đều ý thức sâu sắc về cội nguồn của mình là vùng “hạ lưu”, sống và giàu lên nhờ nghề đánh cá. Trong không gian văn hoá đó, cư dân vùng biển đều có tục xăm mình để “Giao long tưởng là đồng loại mà không hãm hại”167. Sau khi nắm giữ được quyền lực, tục đó mau chóng trở thành một biểu trưng chính trị và văn hoá của dòng họ Trần. Toàn thư ghi rõ: “Lại hồi quốc sơ, quân sỹ đều xăm mình rồng ở bụng, ở lưng và hai bắp đùi, gọi là “thái long” (rồng hoa). Vì khách buôn người Tống thấy dân Việt ta xăm hình rồng ở trên người, cho rằng thuồng luồng biển sợ hình rồng, lỡ gặp gió bão thuyền đắm, thuồng luồng không dám phạm đến, cho nên gọi là “thái long”168. Trong cuộc kháng chiến chống Mông – Nguyên lần thứ nhất, tiếp nối truyền thống văn hoá và để thể hiện quyết tâm giết giặc “Đền nợ nước, báo Hoàng ân”, binh sỹ nhà Trần đều cho thích lên cánh tay hai chữ “Sát Thát”. Đó là khẩu hiệu hành động, thể hiện quyết tâm giết giặc. Về sau, tướng Nguyên là Ô Mã Nhi cho rằng quan quân nhà Trần đã “khinh nhờn thiên binh, lỗi ấy to lắm”!169.

Là người có ý thức dân tộc và quê hương sâu sắc, Thượng hoàng Trần Nhân Tông có lần đến ngự ở cung Trùng Quang, có sự tham dự của vua Anh Tông và Trần Quốc Tuấn, đã tái khẳng định nguồn gốc của dòng họ Trần: “Nhà ta vốn là người hạ lưu (thuỷ tổ người Hiển Khánh), đời đời chuộng dũng cảm, thường xăm hình rồng vào đùi. Nếp nhà theo nghề võ, nên xăm rồng vào đùi để tỏ là không quên gốc”170. Theo chính sử, chính ông cũng có hình xăm ở đùi. Nhưng khi Nhân Tông yêu cầu vua Anh Tông xăm hình thì nhà vua đã từ chối bằng cách trốn về cung Trùng Hoa. Hành động chối bỏ một phong tục của quá khứ, mang tính đặc trưng của dòng họ Trần của vua Anh Tông hẳn đã dẫn đến một phản ứng văn hoá mang tính dây chuyền trong giới quý tộc. Từ đó, các vua nối ngôi không xăm hình ở đùi nữa! Nhưng, chắc chắn rằng, tục xăm hình vẫn còn phổ biến và được ưa chuộng đối với các tầng lớp xã hội bên dưới. Điều đáng chú ý là, từ chỗ mang ý nghĩa ma thuật, tục xăm hình đã dần trở nên “đời thường” hơn và được coi là dấu hiệu để chỉ thang bậc xã hội, nghề nghiệp, nguồn gốc xuất thân, sắc thái tâm lý... Năm 1298, khi nhà Trần đặt các quân hiệu Thượng đô, Thuỷ dạ xoa đô, Chân kim đô đã sai thích các chữ như “Chân kim”… lên trán. Quân cấm vệ cũng được thích chữ “Kim cương”. Nhưng đến năm 1323, cùng với việc mở khoa thi Thái học sinh, vua Trần Minh Tông (1330 – 1357) cũng ra lệnh bỏ tục quân sỹ xăm mình rồng ở lưng và hai vế đùi. Nếu như coi tục xăm mình là sắc thái văn hoá của cư dân vùng biển thì đến đây, về cơ bản, chí ít là trong giới quý tộc cao cấp, phong tục đó đã bị bãi bỏ171. Phải chăng, chính nhận thức về tính chất “Đông Nam Á” đặc thù này mà các ông vua và quý tộc thế hệ thứ ba đã từ bỏ một phong tục thiêng gắn với truyền thống của mình? Nói cách khác, một bộ phận lớp trên của văn hoá cuối thời Trần đã có sự chuyển dịch từ phương Nam (Đông Nam Á) lên phương Bắc (Đông Bắc Á), từ tư duy ven biển, đánh cá đến tư duy châu thổ, làm nông gần hơn với mô thức


Trung Hoa.

Cũng cần phải nói thêm là, với sự chuyển dịch tâm thế đó, Đại Việt dường như bắt đầu có cái nhìn xa lánh, kỳ thị với nền văn hoá của các quốc gia láng giềng khu vực. Đến thế kỷ XIV, trong ánh hào quang của các cuộc chiến tranh vệ quốc, tự coi mình là một cường quốc khu vực, nhà Trần muốn xác lập một nguyên tắc mới trong quan hệ với các quốc gia láng giềng. Lòng tự tôn dân tộc cùng những ảnh hưởng của lối tư duy Hoa Bắc không khỏi dẫn đến những cách nhìn sai lệch về truyền thống văn hoá phương Nam. Toàn thư viết: “Buổi đầu dựng nước, thuyền buôn nước Tống sang dâng người nước Tiểu Nhân, thân dài 7 tấc, tiếng như ruồi nhặng (chúng tôi nhấn mạnh – TG), không thông ngôn ngữ, lại dâng một tấm vải hoả hoãn giá mỗi thước 300 quan tiền, lưu truyền làm của quý”172. Cũng có thể coi đó là cách nhìn của các sử thần thời Lê nhưng qua nhiều hoạt động ngoại giao khôn khéo (ví như việc Đoàn Nhữ Hài đi sứ Chămpa), sau ba lần kháng chiến thắng lợi, nhà Trần dường như cũng có thêm kinh nghiệm và sự tự tin trong việc ứng đối với các quốc gia khu vực. Do vậy, nhận xét của Nguyễn Trãi về tiếng nói của cư dân các nước Xiêm, Chiêm, Chân Lạp “như tiếng nói của chim quyẹt” thực ra chỉ là hai cách diễn tả về một trạng huống mà thôi. Có thể cho rằng, đến thế kỷ XIV, văn hoá Đại Việt đã có sự chuyển dịch khá lớn về vị trí và tầm nhìn khu vực.

Hiển nhiên, cũng giống như bất cứ một triều đại nào khác, trước những thách đố khắc nghiệt của lịch sử, ở những thời điểm mà cả dân tộc phải gồng mình lên chống lại các trận cuồng phong chính trị và đợt sóng văn hoá dội đến từ bên ngoài, giới quý tộc Trần cũng có sự phân hoá sâu sắc. Trong tập thể anh hùng đó cũng đã có không ít cá nhân tự tách mình ra, chối bỏ trách nhiệm, tồn tại lạc lõng thậm chí bị đào thải ra khỏi dòng chảy chung của lịch sử văn hoá dân tộc và bị lịch sử lên án. Nhưng, “gạn đục, khơi trong”, trong dòng chảy văn hoá đó cũng có những con người, trường hợp mà ở một thời điểm đã có đóng góp nhất định cho sự phát triển văn hoá cũng như nền học thuật. Có thể thấy tâm thế đó qua hiện tượng Trần Ích Tắc, kẻ đã được nhà Nguyên phong làm “An Nam Quốc vương”. Là con thứ của Thượng hoàng Trần Thái Tông, đến năm 15 tuổi ông đã “thông minh hơn người, làu thông kinh sử và các thuật”. Mặc dù chịu ảnh hưởng mạnh của tư tưởng trung quân nhưng các sử thần thời Lê vẫn không thể không bình tâm để đưa ra nhận xét: “thông minh, hiếu học, thông hiểu lịch sử, lục nghệ, văn chương nhất đời. Dù nghề vặt như đá cầu, đánh cờ, không nghề gì không tinh thạo, từng mở học đường ở bên hữu phủ đệ, tập hợp văn sỹ bốn phương cho học tập, cấp cho ăn mặc đào tạo thành tài, như bọn Mạc Đĩnh Chi ở Bàng Hà, Bùi Phóng ở Hồng Châu v.v… gồm 20 người đều được dùng cho đời”173. Và, cả “tòng Thị lang” Lê Tắc cũng đã để lại cho đời một tác phẩm An Nam chí lược có giá trị khảo cứu, học thuật. Hơn thế, khi “Bốn biển đã quang trần đã lặng” (thơ Trần Thánh Tông) theo truyền thống văn hoá của dân tộc Việt, thấu hiểu nỗi đau nhân thế, những xao động của lòng người buổi tao loạn, vương triều Trần đã đối xử hết sức khoan dung với những kẻ lầm lạc. Sau kháng chiến chống Nguyên lần thứ ba, chính Thượng hoàng Trần Thánh Tông đã chủ động, lập tức sai đốt hòm biểu xin hàng quân Nguyên của vương hầu, quan lại “để yên lòng những kẻ phản trắc”174.

Như vậy, trên nền tảng văn hoá của cư dân vùng hạ châu thổ, giáp biển đậm đà chất Đông Nam Á với nhiều dáng vẻ cổ sơ, giới quý tộc nhà Trần đã có ý thức rất sâu sắc về những ưu thế cùng sự hạn chế trong truyền thống văn hoá của mình175. Điều quan trọng là, họ đã sớm phát hiện ra sức mạnh mãnh liệt của văn hoá, tận dụng triệt để những sức mạnh đó để củng cố vương triều, quyền lực, mở rộng ảnh hưởng và hơn thế còn dựa vào văn hoá để tạo nên sức đối kháng và đối kháng thành công trước các áp chế văn hoá, chính trị của đế chế Mông – Nguyên cùng các thế lực bên ngoài.



3. Nhận xét và kết luận

3.1. Trở lại với luận đề mà Nguyễn Trãi nêu ra đầu thế kỷ XV, chúng ta thấy quan niệm về văn hoá của Ức Trai thể hiện rất rõ tâm thức của một bộ phận xã hội đang sống và trải nghiệm trong một thời kỳ quá độ, thời kỳ được coi là bản lề của hai chặng đường lịch sử văn hoá Đại Việt. Trước Nguyễn Trãi là một văn hoá Đại Việt được cấu trúc theo mô hình Phật giáo, còn sau đó, sau thắng lợi của kháng chiến chống Minh, là một văn hoá Đại Việt theo mô hình Nho giáo. Quá trình chuyển giao giữa hai mô hình đó bắt đầu diễn ra mạnh mẽ vào thời cuối Trần, trải qua thời Hồ và định hình rõ rệt vào thời Lê sơ. Là một nhà nho, bản thân và gia tộc đều làm quan và “ăn lộc” của các triều đại Trần, Hồ rồi hiển vinh và chịu nỗi oan thấu trời dậy đất vào thời Lê, Nguyễn Trãi là một hiện tượng văn hoá tiêu biểu của thời đại. Là người thấu hiểu và có tình cảm sâu sắc về những giá trị văn hoá truyền thống dân tộc, của thời đại Lý – Trần, nhưng cũng nhận thức được sức mạnh trong dòng chảy văn hoá khu vực, Nguyễn Trãi đã dự nhập rồi trở thành trí thức Nho giáo. “Song học thức của Nguyễn Trãi vượt ra ngoài phạm vi Nho giáo một cách rõ rệt. Chí khí và trí tuệ của Nguyễn Trãi bắt nguồn từ văn hiến Việt Nam, từ những thành tựu văn hoá và tinh thần của dân tộc Việt Nam”176. Là người yêu nước, thương dân tha thiết, tư tưởng, cuộc đời Nguyễn Trãi luôn bị giằng xé bởi những nghịch lý và chính ông không thể không cảm thấy lạc lõng trước thời cuộc, trước một mô hình thiết chế quan liêu mới mà ông cùng với Lê Lợi và các hào kiệt Lam Sơn đã “nếm mật nằm gai” xây dựng nên.

Nhưng, như lịch sử đã cho thấy “mô hình thì chẳng bao giờ đóng khuôn được hết những “tràn bờ” của tư tưởng, văn hoá Việt Nam”177. Sau một thời kỳ cấu trúc rồi tái cấu trúc, khuynh hướng Việt hoá, bảo lưu tinh hoa truyền thống, giải Hán hoá, thâu hoá các yếu tố văn hoá ngoại sinh từ phương Bắc, phương Nam, của Phật – Nho – Đạo và cả Bàlamôn, Hindu giáo để rồi hợp luyện với cốt cách văn hoá Việt – Đông Nam Á. Tất cả đều kết tinh trong một cấu trúc mới, một dòng mạch mới để từ đó tạo nên văn hoá Đại Việt – Thăng Long một thuở.



3.2. Tuy phải trải qua nhiều thách thức khắc nghiệt của lịch sử nhưng vương triều Trần không những đã giữ vững được chủ quyền của dân tộc mà còn tạo thế đi lên cho đất nước. Nhận thấy nguy cơ chiến tranh không thể tránh khỏi, cùng với việc tăng cường binh lực, rèn tập vũ khí, chiến thuyền; xây dựng, chuẩn bị các phòng tuyến quân sự cho các cuộc tấn công và rút lui chiến lược; chuẩn bị nguồn hậu cần, cơ sở vật chất cho một cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trên quy mô lớn, với mức độ quyết liệt... nhà Trần cũng đã có sự chuẩn bị hết sức chu đáo cho một cuộc chiến tranh trên lĩnh vực văn hoá, tư tưởng. Có thể khẳng định rằng, cuộc kháng chiến chống Mông – Nguyên của quốc gia Đại Việt dưới sự lãnh đạo của vương triều Trần là cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện. Thắng lợi của quân dân Đại Việt qua ba cuộc kháng chiến không chỉ là thắng lợi về đường lối, nghệ thuật quân sự mà còn là thắng lợi trên phương diện văn hoá, tư tưởng và đấu tranh ngoại giao.

Trong các cuộc đụng đầu lịch sử, với tư cách là giai cấp lãnh đạo, giới quý tộc Trần, đặc biệt là những người giữ trọng trách của đất nước, luôn có ý thức sâu sắc về vai trò, sứ mệnh lịch sử của mình trước dân tộc. Là những người đứng đầu đất nước, họ đã tập hợp được tất cả các lực lượng xã hội tham gia vào cuộc kháng chiến. Sức mạnh tổng hợp của toàn thể dân tộc, được hun đúc bằng chủ nghĩa yêu nước, là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mông – Nguyên. Trong ý nghĩa đó, giới quý tộc Trần đã thấu hiểu và giải quyết tương đối hài hoà các giá trị, tình cảm, lợi ích của giai cấp với các giá trị, lợi ích và tình cảm dân tộc. Nói cách khác, vương triều Trần đã kết nối và phát huy được các giá trị cá nhân, giá trị nhóm, giá trị cộng đồng, giá trị giai cấp với giá trị dân tộc và ở mức độ nào đó là giá trị nhân loại để tạo nên sức mạnh tổng hoà, một tinh thần dân tộc chung, hết sức mạnh mẽ của quốc gia Đại Việt.



3.3. Với tư cách là những người nắm giữ quyền lực chính trị, giới quý tộc Trần vừa tích cực góp phần thúc đẩy tiến trình phát triển lịch sử, văn hoá vừa là những biểu trưng của sự hợp tụ, kết tinh văn hoá của một thời đại178. Vào thời Trần, xã hội Việt đã có được một môi trường dân chủ, tự do để các nhà sáng tạo văn hoá thể hiện tài năng và theo đuổi chí nguyện của mình. Trong khung cảnh đó, không chỉ có những giá trị nhân văn, những triết lý cao siêu mà cả những khát vọng bản năng, nhu cầu thường nhật của con người cũng được thể hiện và tôn trọng. Cùng với dòng văn hoá dân gian, dòng văn hoá quý tộc bác học, uyên thâm chịu ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo, thì một dòng văn học chữ Nôm với nhiều yếu tố thuần Việt đã xuất hiện179. Do vậy, đặc trưng của văn hoá Trần là tính không khuôn mẫu, là sự đa dạng, khác biệt, phá cách và trội vượt. Trong rất nhiều trường hợp, thể chế chính trị thời Trần, nhất là thời kỳ từ vua Thái Tông đến các vua Nhân Tông, Anh Tông đã chấp nhận và dung dưỡng cho những biểu hiện văn hoá ấy. Có thể coi đó là nội dung, đặc tính văn hoá Đại Việt thời Trần nhưng đồng thời chủ trương khoan dung văn hoá đó cũng thể hiện sự khôn khéo của thể chế khi mới được thiết lập. Nhìn chung, các chính quyền đều có khuynh hướng, nói như Lê Quý Đôn, là “uốn theo lòng dân, chiều theo nếp cổ” để nhận về sự hậu thuẫn đông đảo của xã hội.

Trong các di sản văn hoá mà dân tộc ta sáng tạo ra thế kỷ XIII – XIV, giới quý tộc Trần và cả một đội ngũ trí thức đông đảo chịu ảnh hưởng vòng văn hoá – chính trị của vương triều Trần đã đóng vai trò quan trọng. Trong rất nhiều trường hợp, họ vừa là nhân chứng, vừa là người phản ánh, vừa dự nhập và sáng tạo văn hoá. Không hẳn và không thể là một tập hợp giới thuần khiết, xã hội Đại Việt nói chung cũng như giới quý tộc nói riêng cũng diễn ra đồng thời hai quá trình phân tầng và kết nhóm. “Chính sự tổng hợp của hai quá trình phân tầng và kết nhóm này đã dẫn đến sự hình thành các đẳng cấp trong xã hội thời kỳ đó”180. Do vậy, không thể có một xã hội quý tộc hợp chỉnh, nhưng trên bất cứ phương diện nào họ cũng là những người có nhiều ảnh hưởng trong tư duy và sáng tạo văn hoá. Điều cần khẳng định là, những ảnh hưởng về văn hoá, xã hội của các cá nhân tài ba như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông hay Trần Quang Khải, Trần Hưng Đạo, Trần Nhật Duật, Tuệ Trung, Pháp Loa, Huyền Quang… đã góp phần tạo nên một xã hội học tập, xã hội tri thức, xã hội của sự minh triết và sự thông tuệ. Xã hội đó đã cho phép nhà Trần có được thế ứng đối cao với văn hoá khu vực.



Bối cảnh chính trị, xã hội, văn hoá thời Trần đã lọc chọn và đào luyện nên một thế hệ những con người dũng cảm, sáng tạo, tài năng, sẵn sàng chịu hy sinh, thách thức. Với phương châm dùng người thì phải “căn cứ vào tài năng của họ để trao trách nhiệm” và nếu có tài thì “không ngại trong việc uỷ dụng nhanh vọt”181 nên giới quý tộc và tất cả những người dấn thân vì vương triều luôn hiểu trọng trách mà dân tộc giao phó. Mặt khác, họ cũng nhận thức rõ về những cơ hội tiến thân nếu một lòng vì nước và có thực tài. Có thể nói, “Quyền lực và vinh quang của nhà Trần đầu thế kỷ XIV đã thúc đẩy ý thức dân tộc Việt Nam với tính đồng nhất chung, cũng như chiếm được lòng trung của các quan lại”182. Trong bối cảnh lịch sử bấy giờ, những kẻ nhu nhược, bất tài đều dễ dàng bị kiểm chứng, phát lộ và bị xã hội lên án. Trước những thách đố của thời đại, sự nhu nhược, bất tài đồng nghĩa với suy bại thậm chí có thể dẫn đến mất nước. Bằng cái nhìn phân lập, có thể chia giới quý tộc Trần thành 3 thế hệ: thế hệ thứ nhất gắn với thời kỳ kiến lập vương triều và kháng chiến chống Mông – Nguyên lần thứ nhất; thế hệ thứ hai gắn với cuộc kháng chiến chống Nguyên lần thứ hai và thứ ba; và, thế hệ thứ ba là lớp người sinh ra, trưởng thành thời hậu chiến, tức là từ thời vua Trần Minh Tông (1320 – 1357) trở về sau. Sau khi Trần Nhân Tông, rồi Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải (người cũng thông hiểu tiếng nói của nhiều nước “phiên”), Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư… qua đời, vương triều Trần ngày càng thiếu vắng những con người kiệt xuất. Thêm vào đó, cấu trúc của một xã hội quý tộc thân tộc Phật giáo đã dần bị phá vỡ ở thế hệ thứ hai và đặc biệt là thế hệ thứ ba bởi quan hệ hôn nhân, sự trỗi dậy của tầng lớp trí thức Nho giáo văn quan và cả sự công phá của kinh tế tiền tệ. Càng về cuối thời Trần, cùng với khuynh hướng quý tộc hoá cũng đồng thời diễn ra quá trình bình dân hoá183. Trong xu thế đó, nhiều giá trị vốn được coi là chuẩn mực đã bị đảo lộn. Thời bình trị có quy luật và nhu cầu phát triển riêng của nó. Những định chế Nho giáo ngày càng hình thành rõ nét để tạo nên một thiết chế, một thời đại trỗi dậy của giới quý tộc đa tộc Nho giáo. Sự phát triển của thiết chế đó có quy luật riêng của nó và trong không ít trường hợp, nhiều năng lực thiên bẩm đã không có được môi trường xã hội cần thiết để có thể thi thố tài năng, phát triển trội vượt.

3.4. Vương triều Trần về cả văn hoá và cấu trúc kinh tế – xã hội là sự hỗn dung nhiều dạng thức, tầng nấc khác nhau. Do chưa phải là một thiết chế văn hoá chặt nên cấu trúc đó có những điểm mạnh, dễ khoan dung và hội nhập. Trong khi kiên quyết chống lại mưu toan thôn tính, nô dịch trước “bóng đen của các đế chế vỹ đại” thì xã hội Đại Việt thời Trần cũng luôn lọc chọn, tiếp nhận nhiều giá trị của văn hoá khu vực, kể cả những yếu tố văn hoá của các quốc gia xâm lược. Đó chính là sắc thái, bản lĩnh của văn hoá Đại Việt. Nếu coi bản sắc văn hoá của một dân tộc là sự kết hợp của ba vòng thành tố gồm tính nhân loại, tính khu vực và tính tộc người hay “bản sắc dân tộc của văn hoá như một vòng tròn chính tâm đa sắc, hội kết và chiết xuất muôn vàn vòng sáng đa sắc của văn hoá nhân loại”184 thì văn hoá Đại Việt thời Trần là hiện tượng điển hình của sự tích hợp những vòng sáng đa sắc đó.

Mở rộng phạm vi, đi sâu nghiên cứu chúng ta thấy văn hoá, văn học Đại Việt thời Trần ví như các tác phẩm Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái, Thiền uyển tập anh, Khoá hư lục185… có sự hỗn dung cao với văn hoá khu vực. Sự tương đồng, tiếp biến văn hoá không chỉ diễn ra với văn hoá Trung Hoa, Ấn Độ mà còn với cả văn hoá Chămpa, Chân Lạp, Ai Lao... trong mối liên hệ và biến thiên của những mối tiếp giao văn hoá nội vùng, liên vùng. “Điều đó chứng tỏ sự giao lưu văn hoá mạnh mẽ giữa nhân dân ta và các nước láng giềng vốn có từ thời Bắc thuộc. Đặc biệt đến thời Lý – Trần thì đã sâu rộng và bằng cả hai con đường vừa thông qua văn học bác học vừa thông qua văn học dân gian”186. Điều đáng chú ý là, sau các cuộc chiến tranh và là điểm đến của các dòng thiên di, bằng nhiều con đường và cách thức khác nhau, những thành tố văn hoá ngoại sinh đó hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp đã được truyền tải đến xã hội Đại Việt. Nhiều nhóm cư dân ngoại tộc đã sống và hoà trộn với cư dân bản địa. Một thể chế chính trị và môi trường văn hoá tương đối thoáng mở, khoáng đạt đang trong quá trình vận động để đạt đến một sự phát triển hoàn thiện, đã sẵn sàng dung nạp những yếu tố văn hoá ngoại vi để bổ sung cho những khuyết vắng của mình. Từ chỗ chỉ là những hiện tượng, bộ phận văn hoá, các yếu tố ngoại sinh khác lạ, tiêu biểu của văn hoá khu vực đã thẩm thấu và từng bước trở thành giá trị, gắn bó hữu cơ để rồi cuối cùng đã trở thành một bộ phận hợp thành của văn hoá dân tộc. Do vậy, thế đối ứng của văn hoá Đại Việt với văn hoá khu vực còn nằm ngay trong phạm vi nền văn hoá dân tộc chứ không chỉ là những ảnh hưởng vắt xuyên qua biên giới. Hiển nhiên, những yếu tố ngoại vi đó đã làm thay đổi cấu trúc văn hoá truyền thống. Bên cạnh đó nó còn làm cho không ít yếu tố văn hoá truyền thống tìm thêm được những chất liệu văn hoá mới, những tư tưởng bổ trợ để đạt đến giá trị sáng tạo và thăng hoa187.



3.5. Trên phương diện lịch sử chúng ta cũng thấy, sau khi giành được các thắng lợi lớn, quan trọng, dường như có một vấn đề mang tính quy luật là hầu hết các quốc gia trên thế giới đều phải đương đầu với những hệ luận đa chiều của thời hậu chiến. Quốc gia Đại Việt thời Trần cũng không nằm ngoài quy luật đó. Trải qua ba cuộc kháng chiến, nhiều vùng của đất nước, đặc biệt là châu thổ sông Hồng mà tâm điểm là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá Thăng Long, đã bị chà xát, tàn phá khốc liệt. Các cơ sở kinh tế căn bản của nhà Trần như điền trang, thái ấp, trung tâm sản xuất thủ công... bị huỷ hoại nghiêm trọng. Nhiều đền chùa, tông miếu bị thiêu huỷ. Nhưng, hệ luận sâu sắc nhất là các tác nhân xã hội. Trước những thách thức khắc nghiệt của lịch sử, trong bối cảnh của một xã hội hoà bình, xã hội Đại Việt trong đó có giới quý tộc Trần đã diễn ra sự phân hoá. Sự phân hoá, mâu thuẫn đó không chỉ diễn ra giữa giới văn quan với võ quan, giữa những người lập được nhiều quân công (công thần) với những người ít quân công mà còn là sự xung đột giữa các tầng lớp xã hội cũ với các tầng lớp xã hội mới. Mỗi nhóm xã hội đó đều có và theo đuổi những triết lý sống, lợi ích chính trị, kinh tế khác nhau. Bên cạnh đó, cuộc đấu tranh giữa công hữu với tư hữu cũng ngày một diễn ra quyết liệt. Hệ quả là, quốc gia Đại Việt đã mau chóng bị suy yếu và trở thành đối tượng tấn công của một số nước láng giềng khu vực.

Đến cuối thế kỷ XIV, trong thế suy vi của thể chế chính trị, Phật giáo cũng ngày càng mất vai trò và ảnh hưởng. Cùng với sự suy thoái và khuynh hướng quý tộc hoá diễn ra mạnh mẽ, hệ tư tưởng Phật giáo cũng không còn đủ uy tín xã hội và năng lực để tiếp tục dẫn dắt tâm thức xã hội. Nhiều cơ sở tôn giáo trở thành chỗ ẩn thân của những người trốn tránh trách nhiệm xã hội. Hơn thế nữa, tôn giáo này cũng ngày một mang sắc thái dị đoan. Nhu cầu xã hội và sự phát triển đất nước đòi hỏi phải có một hệ tư tưởng mới thay thế. Trong bối cảnh đó, do đã từng bước thâm nhập vào xã hội Việt Nam trong suốt 1.000 năm Bắc thuộc và cả trong thời Lý, Nho giáo đã trỗi dậy. Cuộc tấn công của Nho giáo đối với Phật giáo (mà sau đó là thể chế) đã diễn ra trên rất nhiều phương diện từ tư tưởng, chính trị đến các quan niệm và hành vi xã hội. Vũ khí nhiệm màu của Nho giáo không chỉ là sự sâu sắc trong thuyết Lý học Tống Nho, là sự kết hợp trên một bình diện mới của Tam giáo mà còn chỉ ra những nguyên tắc, cách thức thực tế để thiết lập một thiết chế quân chủ tập quyền mạnh, kỷ cương, chặt chẽ. Nho giáo đã đem đến một tư duy chính trị mới, những cơ sở để xây dựng một thiết chế xã hội, văn hoá mới188.

Trên một số phương diện, các tuyên bố của Trần Dụ Tông, Trần Nghệ Tông về Nho giáo là sự thể hiện tinh thần dân tộc của các vua Trần, lòng trung với các vị tiền nhân nhưng qua đó cũng chứng tỏ đến khoảng nửa sau thế kỷ XIV, giới quý tộc Trần đã trở nên trì trệ và quan liêu hoá không thể thích ứng được với những biến chuyển của thời đại. Nói cách khác, “hệ thống cai trị thời Trần ngăn cản những người mới, ngăn cản sự đổi mới phong cách lãnh đạo để cho hợp lòng dân”189. Chính vì thế, thể chế đó đã gây nên sự bất bình, chán chường trong nhiều bộ phận xã hội. Giới quý tộc cao cấp cũng như vương triều Trần hẳn có thể và phải chấp nhận thay đổi bộ phận nhưng không thể thay đổi tổng thể, tháo dỡ toàn bộ những cấu trúc truyền thống vốn vẫn được coi như những giá trị chuẩn mực, gắn bó mật thiết với địa vị chính trị, lợi ích cố hữu, tâm thức của dòng họ, của giới quý tộc và vương quyền.

Bên cạnh đó, tầng lớp ủng hộ Phật giáo mạnh mẽ là các quý tộc Trần đã mất dần uy lực về chính trị và kinh tế. Không thể giải quyết thấu triệt những vấn đề của thời hậu chiến, sự phân hoá giữa các nhóm người và thành phần xã hội theo đuổi những mục tiêu, tư tưởng khác nhau khiến chế độ tập quyền đã không được củng cố chắc chắn. Trong khi đó, chế độ kinh tế điền trang, thái ấp, cơ sở kinh tế chủ yếu của giới quý tộc phong kiến, cũng không thể đạt đến độ phát triển chín muồi ngõ hầu có thể trở thành chế độ kinh tế trang viên để rồi phát triển thành chế độ kinh tế lãnh địa như ở Nhật Bản trung đại190. Vì nhiều nguyên nhân, đến cuối thế kỷ XIV, chế độ điền trang, thái ấp bắt đầu bị suy thoái rồi tan rã mau chóng. Thêm vào đó, sự dồn tụ một số lượng lớn những người xuất gia, tăng đồ trong các chùa càng bộc lộ sự suy vi của Phật giáo và thể chế. Trong khi đó, đội ngũ quan lại xuất thân từ tầng lớp địa chủ trung lưu và nhỏ ngày càng có nhiều ảnh hưởng trong xã hội. Thông qua chế độ khoa cử, giới trí thức Nho học ngày càng xuất hiện đông đảo trong chính quyền và dần chiếm ưu thế về lực lượng cũng như trong cuộc đấu tranh tư tưởng. Họ đã dần tạo ra một dòng phái, diện mạo và những giá trị văn hoá mới. Trong một ý nghĩa nào đó, sự xuất hiện của dòng văn hoá này đã làm cho văn hoá Đại Việt thời Trần trở nên đa dạng và sôi động191. Điều quan trọng là, “Thế cân bằng giữa các lực lượng xã hội bị phá vỡ. Tầng lớp địa chủ quan liêu mới lên sẽ phất ngọn cờ đạo Nho để đánh đổ quý tộc, sư sãi mà giành địa vị thống trị về tay mình”192. Do vậy, có thể coi những phản ứng văn hoá của giới trí thức Nho giáo như Thất trảm sớ của Chu Văn An (1292 – 1370) gửi Trần Dụ Tông, một ông vua “ham chơi bời, lười chính sự” không chỉ là sự thể hiện tinh thần yêu nước và trách nhiệm của giới trí thức Nho học trước dân tộc mà còn là cuộc tấn công trực diện đối với thể chế. Không dừng lại ở đó, lệnh sa thải tăng đồ, bắt những người dưới 50 tuổi phải hoàn tục của Hồ Quý Ly năm 1396 là cuộc phản công quyết liệt khiến cho thế lực của Phật giáo bị suy yếu nghiêm trọng.

Thời kỳ huy hoàng của Phật giáo kết thúc để thay vào đó là một thời đại mới vừa có sự chuyển hoá vừa là sự trỗi dậy của mô hình Nho giáo. Nhưng, nhà Hồ đã đảm đương một sứ mệnh không trọn vẹn. Trong 21 năm Minh thuộc (1407 – 1428), nhà Minh đã ra sức thực hiện chính sách đồng hoá văn hoá. Xã hội và văn hoá Đại Việt đã diễn ra nhiều biến động sâu sắc. Nhiều tập tục cổ truyền, dấu ấn văn hoá thuần Việt hoặc đã được Việt hoá, trở thành vốn hồn dân tộc bị huỷ hoại193. Sau khi khôi phục được quốc thống, do những nhu cầu tự thân và trước áp lực của văn hoá khu vực, một thiết chế chính trị tập quyền Nho giáo được thiết lập. Theo đó, mô hình quân chủ quý tộc – Phật giáo đã được chuyển hoá thành mô hình quân chủ tập quyền – Nho giáo. Mô hình này về cơ bản khác với thể chế chính trị thời đại Lý – Trần, chặt chẽ, duy lý, có nhiều điểm tiến bộ hơn đồng thời cũng hướng mạnh hơn đến mô hình và thiết chế Trung Hoa (Chinese model).

Như vậy, một thời đại có “phong tục giản dị và thuần khiết” với những sắc màu huyền nhiệm và một chính quyền thân dân, gần dân đã trở thành ký ức và di sản văn hoá của dân tộc. Trước những biến đổi của thời cuộc, cũng như một số trí thức Nho giáo đương thời, Nguyễn Trãi muốn trở về, bảo vệ những giá trị đó, để cho văn hiến nước Nam không bị “làm loạn” bởi những áp chế và sự thâm nhập của những làn sóng văn hoá từ các quốc gia láng giềng khu vực.



1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   ...   24




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương