PhÇn 2 PhÇn c¸c b¸o c¸o


VÒ MéT Sè THñ LÜNH AN NAM THêI THUéC §¦êNG



tải về 2.63 Mb.
trang4/24
Chuyển đổi dữ liệu14.08.2016
Kích2.63 Mb.
#18788
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   24



VÒ MéT Sè THñ LÜNH AN NAM THêI THUéC §¦êNG

T



KYÛ YEÁU HOÄI THAÛO QUOÁC TEÁ VIEÄT NAM HOÏC LAÀN THÖÙ BA

TIEÅU BAN LÒCH SÖÛ VIEÄT NAM TRUYEÀN THOÁNG



hS. Phạm Lê Huy


Từ trước đến nay, phần lớn các nghiên cứu về chính trị thời kỳ Bắc thuộc thường tập trung vào việc khắc hoạ những cuộc nổi dậy của người Việt chống lại ách thống trị của phong kiến Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu quan sát lịch sử như là một dòng chảy liên tục, chúng ta thấy rằng trong nhiều giai đoạn, đã có một số thủ lĩnh địa phương ra làm việc cho bộ máy thống trị của chính quyền đô hộ. Đối với những trường hợp này, không thể vội vàng đánh giá họ không yêu nước hay thiếu tinh thần tự chủ. Bỏ qua nghiên cứu về những thủ lĩnh dạng này, sẽ khó có được cái nhìn toàn diện và thực tế về cấu trúc chính trị - xã hội đương thời, đồng thời cũng không thể lý giải được mạch ngầm tồn tại và phát triển của các thế lực địa phương mà sau này sẽ đóng vai trò quan trọng đưa đất nước thoát khỏi nghìn năm Bắc thuộc.

Ngoài ra, trong các nghiên cứu trước đây, các nguồn tư liệu ngoài chính sử nhưng có độ tin cậy cao như Man thư, Đường hội yếu, Tư trị thông giám, nguồn tài liệu kim thạch văn… cũng chưa được khai thác một cách triệt để.

Trong bài viết này, chúng tôi cố gắng tận dụng các nguồn tư liệu trên để tìm hiểu hoạt động của một số thủ lĩnh địa phương thời thuộc Đường, đặc biệt là thủ lĩnh các châu ki mi miền núi và trung du trong giai đoạn cuối thế kỷ VIII, đầu thế kỷ IX. Thông qua đó, chúng tôi muốn làm rõ tính chất cát cứ - tự trị địa phương, quá trình xây dựng, phát triển và bảo toàn lực lượng của tầng lớp thủ lĩnh địa phương trong giai đoạn này.

1. Về thủ lĩnh Đỗ Anh Sách

Thủ lĩnh địa phương đầu tiên mà chúng tôi muốn đề cập trong bài viết này là Đỗ Anh Sách. Liên quan đến Đỗ Anh Sách, chúng ta có được những thông tin rất quý giá từ Man thư (蛮書), một nguồn sử liệu có giá trị cao về tình hình An Nam cuối thế kỷ VIII, đầu thế kỷ IX. Như chúng ta đã biết, Phàn Xước (樊綽) tác giả Man thư, vốn là liêu thuộc của An Nam Đô hộ Sái Tập (蔡襲), sang An Nam năm Hàm Thông 3 (862). Sau khi phủ thành đô hộ thất thủ vào tay quân đội Nam Chiếu tháng Giêng năm Hàm Thông 4, Phàn Xước đã dốc sức hoàn thành 10 quyển


Man thư, nhờ Tương Châu Tiết độ Áp nha là Trương Thủ Trung dâng lên hoàng đế nhà Đường.

Sử liệu 1: Man thư, Q.946



朝廷差使到雲南、南詔迎接遠送、自数年来、縁邕、交両地長吏苛暴、恣殺非辜、致令衆蛮告冤、因茲頻来攻掠、伏蒙聖心、徴発大軍指揮、期於尅復、其容州経管三十四覊縻州、伏請委安南大首領為刺史、武定州亦請委大首領為長吏者、踵前、許経略使眷顧親属、奏元従押衙為刺史、恐非穏便、臣竊知故安南前節度使趙昌、相継十三年、緝理交趾、至今遺愛、布在耆老、至境内無事、其時以都押衙杜英策為招討副使、入院判案、毎月料銭供給七十貫、以寄客張舟為経略判官、已後挙張舟為都護、自李象古任安南経略使、恣意貪害、遂至徴兵、続又有李琢継之誅剝、令生霊受害、莫非長吏非人所致、

Dịch nghĩa:



[Trước đây] Triều đình sai sứ đến Vân Nam, Nam Chiếu thường nghênh tiếp, tiễn sứ giả ra ngoài xa. Nhiều năm trở lại đây, do trưởng lại hai đất Ung, Giao hà khắc tàn bạo, tự ý giết người vô tội, làm chúng Man đến cáo oan [với Nam Chiếu], nhân đó Nam Chiếu thường đến đánh cướp. Thần [Phàn Xước] phục mong hoàng đế trưng phát đại quân, khôi phục lại đất cũ. 34 châu ki mi thuộc quản lý của Dung châu Kinh lược sứ phục xin để An Nam Đại thủ lĩnh làm thứ sử, Vũ Định châu xin để Đại thủ lĩnh làm trưởng lại. Trước đây, các đời Kinh lược sứ thường niệm tình thân thuộc, tấu xin cho bọn nguyên tùng, Áp nha làm thứ sử, thần e rằng không ổn. Thần [Phàn Xước] trộm biết, cố An Nam tiền Tiết độ sứ Triệu Xương, sửa sang việc Giao Chỉ tổng cộng 13 năm, đến nay vẫn để lại lòng ái ngưỡng nơi các bậc bô lão, làm cho trong cõi vô sự. Khi đó, [Triệu Xương] lấy Đô áp nha Đỗ Anh Sách làm Chiêu thảo Phó sứ, “nhập viện phán án”, mỗi tháng cấp cho lương tiền 70 quan; lấy “kỳ khách” Trương Chu làm An Nam Kinh lược Phán quan, sau lại cử Trương Chu làm Đô hộ. Từ khi Lý Tượng Cổ nhậm chức An Nam Kinh lược sứ, tự ý tham lam tàn hại, dẫn đến việc động binh. Tiếp đó lại có Lý Trác háo sát, làm cho sinh linh chịu hại. Nếu không phải do người trưởng lại, thì làm sao có chuyện người ta làm càn.

Trong đoạn ghi chép ở trên, đánh giá chính sách cai trị của nhà Đường tại


An Nam, Phàn Xước nhận xét: đối với các châu ki mi, các đời Kinh lược sứ trở về trước thường xin triều đình phong cho bọn tuỳ tùng thân cận (nguyên tùng), Áp nha làm thứ sử. Phàn Xước cho rằng đây là một nguyên nhân gây ra tình hình bất ổn. Để so sánh, Phàn Xước nêu lên trường hợp của An Nam Đô hộ Triệu Xương. Triệu Xương là viên đô hộ nổi tiếng đã cai trị An Nam vô sự trong suốt 13 năm. Theo Phàn Xước, đó một phần là nhờ việc Triệu Xương đã biết trọng dụng một viên Đô áp nha là Đỗ Anh Sách (杜英策).

Theo Tân Đường thư (Liệt truyện, Q.129), Đỗ Anh Sách vốn là một “khê động hào” (谿洞豪)47, tức là một thủ lĩnh miền núi có thế lực. Đoạn ghi chép của Man thư cho chúng ta biết trong thời gian làm An Nam Đô hộ Kinh lược Chiêu thảo sứ, Triệu Xương đã cất nhắc Đỗ Anh Sách từ một viên Đô áp nha lên đến chức Chiêu thảo Phó sứ. Theo Tân Đường thư (Q.49 Hạ, Bách quan chí), Chiêu thảo sứ nắm giữ việc “chinh phạt” (元帥・都統・招討使掌征伐48). Về mặt quân sự, có thể nói chức vụ của Đỗ Anh Sách chỉ đứng sau mình Triệu Xương trong chính quyền đô hộ.

Ngoài chức Chiêu thảo Phó sứ, Đỗ Anh Sách còn làm “nhập viện phán án” (入院判案). Trong các tư liệu về hệ thống quan chế đời Đường còn lại ngày nay, không thấy nhắc đến chức danh “nhập viện phán án”49. Tuy nhiên, theo Khang Hy tự điển, một trong các nghĩa của “viện” là chỉ dinh quan (官廨曰院50). Thời Đường, trị sở của Tiết độ sứ được gọi là “sứ viện”. Ví dụ, Tư trị thông giám (Q.257, Đường kỷ, Hy Tông) viết: “Sứ viện, Tiết độ sứ ty quan thuộc trị sự chi sở” (使院、節度使司官属治事之所51), tức là “Sứ viện là nơi trị sự của các quan thuộc quyền quản lý của Tiết độ sứ”. Trong khi đó, từ đời Đường Túc Tông (756 - 762), An Nam Kinh lược sứ đã được đặt thành một Tiết độ sứ (安南経略使為節度使,領交陸等十一州52). Do vậy, trị sở của An Nam Kinh lược sứ cũng có thể gọi là “sứ viện”, có thể hiểu “nhập viện” chỉ việc vào làm việc tại trị sở của An Nam Kinh lược sứ, tức phủ thành đô hộ.

Mặt khác, “phán án” đời Đường chỉ các giấy tờ do phán quan, chức quan đứng thứ ba trong hệ thống tứ đẳng quan (trưởng quan, thông phán quan, phán quan, chủ điển) đóng dấu. Ví dụ, sách Đường luật sớ nghị có viết:

Sử liệu 2: Đường luật sớ nghị, Q.15, Điều 21353

諸監臨主守、以官物私自貸、若貸人及貸之者、無文記、以盗論、有文記、準盗論、(文記、謂取抄署之類、)立判案、減二等、(中略)

所貸之人不能備償者、徴判署之官、(下條私借亦準此)

疏議曰、監臨主守以官物貸人、「所貸之人不能備償」、謂無物可徴者、徴判署之官、判案者為判官、署案者為主典及監事之類、

Dịch nghĩa:

Phàm giám lâm chủ thủ [quan trông coi của công] mà lấy của công cho vay việc tư, nếu người cho vay và người vay không có “văn ký” thì luận [hình phạt] theo tội “cướp”. Nếu có “văn ký” thì luận [hình phạt] chuẩn theo tội “cướp”. “Văn ký” tức là loại giấy tờ ký tắt. Nếu có lập “phán án” thì giảm 2 cấp.

[Lược 1 đoạn]



Người được cho vay nếu không có khả năng bồi thường thì thu của viên quan đã đóng dấu, ký cho vay. Việc vay của công ở điều luật bên dưới cũng theo cách làm này.

Sớ bàn: quan coi của công mà lấy của công cho vay, “người được cho vay nếu không có khả năng bồi thường” tức là [người được cho vay] không có vật để nộp trả lại thì sẽ thu của viên quan đã đóng dấu, ký cho vay. “Phán án” tức là loại [giấy tờ] của phán quan, “thự án” tức là loại [giấy tờ] của chủ điển và giám sự.

Như vậy, theo Đường luật sớ nghị, trong hệ thống pháp luật đời Đường, “phán án” là thuật ngữ chỉ loại giấy tờ của phán quan. Đỗ Anh Sách như vậy đã vào phục vụ trong trị sở của An Nam Đô hộ (nhập viện), đồng thời được Triệu Xương tín nhiệm giao cho phụ trách các loại giấy tờ tương đương với chức phán quan, mỗi tháng cấp cho 70 quan tiền lương.

Trong thời gian phục vụ ở phủ thành, Đỗ Anh Sách đã xây dựng được mối quan hệ với các quan lại người Hán dưới quyền Triệu Xương, đặc biệt với một nhân vật tên là Trương Chu (張丹). Theo Man thư (dẫn ở trên), Trương Chu vốn là một thực khách (“kỳ khách”, 寄客) của Triệu Xương. Theo mộ chí của Trương Chu do Liễu Tông Nguyên viết54, dưới quyền Triệu Xương, Trương Chu đã kinh qua các chức An Nam Kinh lược tuần quan55, An Nam Phó đô hộ, Kinh lược Phó sứ. Như vậy là dưới quyền Kinh lược Chiêu thảo sứ Triệu Xương, Trương Chu và Đỗ Anh Sách, một người làm Kinh lược Phó sứ, một kẻ làm Chiêu thảo Phó sứ. Mối quan hệ với Trương Chu trong thời kỳ này giúp Đỗ Anh Sách tiếp tục thăng tiến sau này.

Tháng 4 năm Nguyên Hoà nguyên niên (806), được sự tiến cử của Triệu Xương, Kinh lược phó sứ Trương Chu được thăng làm An Nam Đô hộ, bản quản Kinh lược sứ, thay thế cho Triệu Xương lúc này được nhà Đường thuyên chuyển làm Quảng châu Thứ sử, Lĩnh Nam Tiết độ sứ56. Dưới thời Trương Chu, Đỗ Anh Sách tiếp tục được thăng làm An Nam Đô tri Binh mã sứ kiêm Áp nha, An Nam Phó đô hộ (安南都知兵馬使兼押衙安南副都護). Như vậy, Đỗ Anh Sách tiếp tục được trọng dụng dưới thời Đô hộ Trương Chu, trở thành người có quyền lực số hai trong bộ máy cai trị của nhà Đường ở An Nam.

Sử liệu 3: Đường hội yếu, Q.73, An Nam Đô hộ phủ57

元和四年八月、安南都護奏、破環王偽国号愛州都統三十万余人、及獲王子五十九人、器械、戦船、戦象等称之、其年九月、安南都知兵馬使兼押衙安南副都護杜英䇿等五十人状、挙本管経略招討処置等使兼安南都護張丹到任以来政績事、安南羅城、先是経略使伯夷築、当時、百姓猶甚陸梁、纔高数尺、又甚湫隘、自張丹到任、因農隙之後、奏請新築今城、(中略)前経略使裴泰時、驩・愛州城池、被環王崑崙燒燬並尽、自張丹到任後、前年築驩州城、去年築愛州城、裴泰時、軍城不守、軍中器械卻失並尽、趙昌到任日近、旋除広州、自張丹到任、諸道求市、毎月造成器械八千事、十四年以来、都計造成四十余万事、於大庁左右、起甲仗楼四十間收貯、安南戎冦、難利鬭戦、先有戦船、不過十数隻又甚遅鈍、与賊船不過相接、張丹自創新意、造艨艟舟四百余隻、毎船戦手二十五人、棹手三十二人、車弩一支、両弓弩一支、棹出船内、廻船向背、皆疾如飛、勅旨、宜付所司、

Dịch nghĩa:

Tháng 8 năm Nguyên Hoà 4 [809], An Nam Đô hộ [Trương Chu] tấu: phá quân Hoàn Vương nguỵ hiệu là Ái châu Đô thống hơn 30 vạn người, bắt được vương tử 59 người, khí giới, chiến thuyền, voi chiến. Tháng 9 năm ấy, bọn An Nam Đô tri Binh mã sứ kiêm Áp nha An Nam Phó đô hộ Đỗ Anh Sách 50 người làm bản tấu lên triều đình nêu chính tích của bản quản Kinh lược Chiêu thảo xử trí đẳng sứ kiêm An Nam Đô hộ Trương Chu kể từ khi đến nhậm chức. An Nam La thành trước đây do Kinh lược sứ Trương Bá Nghi đắp. Khi đó, trăm họ giống như giặc cướp, [thành] chỉ cao có mấy thước, lại rất chật hẹp. Từ khi Trương Chu đến nhậm chức, nhân sau lúc nông nhàn, tấu xin xây cất thành hiện nay. [Lược 1 đoạn] Đời Kinh lược sứ Bùi Thái trước đây thành trì Hoan, Ái bị Hoàn Vương Côn Lôn thiêu huỷ cháy trụi cả. Từ sau khi Trương Chu đến nhậm chức, năm trước xây thành Hoan châu, năm ngoái đắp thành Ái châu. Thời Bùi Thái, không giữ quân thành, trong quân mất mát hết khí giới. Triệu Xương đến nhậm chức không được bao lâu lại quay về nhận chức ở Quảng châu. Từ khi Trương Chu đến nhậm chức, các đạo xin đến mua bán, mỗi tháng chế tạo 8 nghìn khí giới. Bốn năm trở lại đây, tổng cộng làm được hơn 40 vạn. Ở hai bên tả hữu Đại sảnh, lập Giáp trượng lâu 40 gian để cất giữ [khí giới]. Khi giặc rợ An Nam đến cướp, khó lợi về mặt chiến đấu. [Vì] Trước đây chiến thuyền có không quá mười mấy chiếc, lại rất chậm chạp, không thể tiếp cận được thuyền giặc. Trương Chu tự mình sáng chế ra Mông đồng thuyền hơn 400 chiếc. Mỗi thuyền có 25 lính, 32 tay chèo, 1 cỗ máy nỏ, 1 cỗ lưỡng cung nỗ. Mái chèo đưa ra từ trong thuyền, khi muốn quay thuyền thì [tay chèo] quay lưng lại, đi lại như bay. Sắc chỉ lệnh chuyển bản tấu cho sở ty.

Theo bản tấu lên triều đình nhà Đường của Phó Đô hộ Đỗ Anh Sách vào tháng 9 năm Nguyên Hoà 4 (809), sau khi tiếp quản chức An Nam Đô hộ, Trương Chu đã tiến hành nhiều cải cách nhằm củng cố chính quyền đô hộ. Nhân lúc nông nhàn, Trương Chu cho xây mới thành Đại La, xây dựng lại hai thành Hoan châu và Ái châu vốn bị Hoàn vương (Lâm Ấp) phá huỷ dưới thời Đô hộ Bùi Thái. Về mặt quân sự, theo Đỗ Anh Sách, từ khi đến nhậm chức, Trương Chu đã cho chế tạo mỗi tháng 8000 khí trượng, đồng thời xây dựng một đội binh thuyền sử dụng loại thuyền chiến mới là “Mông đồng thuyền”. Mỗi thuyền mông đồng có 25 lính, 32 tay chèo, được trang bị một cỗ máy nỏ (“xa nỗ”), một cỗ “lưỡng cung nỗ”, có khả năng cơ động cao. Nhờ vào những thay đổi tích cực này, năm Nguyên Hoà 8 (813), Trương Chu đã đánh bại quân đội Hoàn vương (theo bản tấu thì quân số lên đến 30 vạn), khôi phục lại hai châu Hoan, Ái đã bị Hoàn vương đánh chiếm dưới thời Đô hộ Bùi Thái. Việc Đỗ Anh Sách đứng tên trong bản tấu ca ngợi công tích của Trương Chu cho thấy mối quan hệ khăng khít giữa hai nhân vật này. Tuy có thể có những điểm khoa trương nhưng bản tấu này ít nhiều cũng phản ánh được những thay đổi lớn ở An Nam dưới thời Trương Chu, mà phía sau đó, chúng ta có thể tưởng định được sự hỗ trợ không nhỏ của Đỗ Anh Sách, với tư cách là một viên Phó đô hộ.

Sau Trương Chu, chúng ta còn thấy Đỗ Anh Sách đã phục vụ dưới trướng của An Nam Đô hộ Bùi Hành Lập (裴行立). Theo Cựu Đường thư (Bản kỷ, Q.15, Tuyên Tông hạ), Bùi Hành Lập được cử sang làm An Nam Đô hộ, bản quản Kinh lược Chiêu thảo sứ năm Nguyên Hoà 8 (813). Tân Đường thư (Liệt truyện, Q.129) chép khi một người Lâm Ấp tên là Lý Lạc Sơn (李楽山) làm phản Hoàn vương đến cầu viện binh, để lấy lòng Hoàn vương, Hành Lập đã sai “bộ tướng” (部将) Đỗ Anh Sách chém Lý Lạc Sơn58.

Qua các nguồn tư liệu nêu trên, có thể thấy Đỗ Anh Sách là một thủ lĩnh địa phương đã làm việc cho ba đời đô hộ, có những lúc đã nắm được chức Phó đô hộ ở An Nam Đô hộ phủ. Trên cơ sở những thông tin đó, chúng tôi đặc biệt chú ý đến nội dung bài minh khắc trên chuông Thanh Mai. Theo chúng tôi, nguồn tư liệu kim thạch văn này có thể cung cấp cho chúng ta thêm một số thông tin về Đỗ Anh Sách.

Như chúng ta đã biết, chuông Thanh Mai được phát hiện ở độ sâu 3,5m tại ở bãi Rồng, ven sông Đáy, thuộc thôn Thanh Mai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) vào tháng 5 năm 1986. Bài minh trên chuông Thanh Mai là nguồn tư liệu kim thạch văn hiện còn cổ thứ hai ở Việt Nam (sau bia Đại Tuỳ Cửu Chân quận Bảo An đạo tràng lập năm 618) . Bản dập do Đinh Khắc Thuân dập hiện nay được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm với ký hiệu 30270. Bài minh cho biết ngày 30 tháng 3 năm Trinh Nguyên 14 (798), 53 thành viên của một tổ chức gọi là “Tuỳ Hỷ xã” (随喜社) đã tiến hành đúc quả chuông đồng nặng 90 cân để cúng lễ. Bài minh liệt kê tên họ của cả thảy 243 người, bao gồm các thành viên của Tuỳ Hỷ xã cũng như những người ngoài xã đã đóng góp để đúc chuông. Trong số tên người khắc trên chuông, chúng tôi đặc biệt lưu ý đến nhân vật sau:

経略先鋒兵馬使、義軍都知兵馬使、前摂愛州刺史、朝義郎、使持節長州諸軍事、守長州刺史、又守郡州遊奕使、上住国、賜紫金魚袋杜英□、

Kinh lược tiên phong Binh mã sứ, Nghĩa quân Đô tri Binh mã sứ, tiền nhiếp Ái châu Thứ sử, Triều nghị lang, Sứ trì tiết Trường châu Chư quân sự, thủ Trường châu Thứ sử, hựu thủ Quận châu Du bôn sứ, Thượng trụ quốc, tứ tử kim ngư đại Đỗ Anh …59

Trước tiên, cần lưu ý rằng bài minh được khắc vào niên hiệu Trinh Nguyên 14 (798), tức là trong thời kỳ Triệu Xương làm An Nam Đô hộ. Như chúng ta đã biết, Triệu Xương làm An Nam Đô hộ tổng cộng 13 năm, được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn đầu kéo dài 9 năm, bắt đầu từ tháng 7 năm Trinh Nguyên 7 đến tháng 5 năm Trinh Nguyên 18, sau đó vì đau chân nên Triệu Xương xin nghỉ và được thay thế bởi Tư bộ Viên ngoại lang Bùi Thái. Sau khi Bùi Thái thất bại trong chính sách cai trị ở An Nam (bị một viên nha tướng là Vương Quý Nguyên (王季元) đuổi khỏi phủ thành, sau phải nhờ Tả binh mã sứ Triệu Quân (趙匀) giết Vương Quý Nguyên mới quay lại được phủ đô hộ60), tháng 3 năm Trinh Nguyên 20, Triệu Xương lại được cử sang làm An Nam Đô hộ được 2 năm rồi giao lại chức Đô hộ cho Trương Chu.

Quay trở lại với nhân vật “Đỗ Anh …” trong bài minh chuông Thanh Mai, tuy chữ cuối cùng trong họ tên bị mờ không còn đọc được61, nhưng căn cứ vào vai trò của Đỗ Anh Sách dưới thời Triệu Xương, có nhiều khả năng nhân vật “Đỗ Anh …” chính là Đỗ Anh Sách. Nếu giả thuyết này là đúng, chúng ta có thêm một số thông tin về Đỗ Anh Sách. Trước khi được Triệu Xương bổ nhiệm làm Chiêu thảo Phó sứ, Đỗ Anh Sách đã kinh qua chức Kinh lược Tiên phong Binh mã sứ. Đỗ Anh Sách còn là chỉ huy (Đô tri Binh mã sứ) một phiên hiệu quân gọi là “Nghĩa quân”. Tên gọi “Nghĩa quân” làm chúng ta không khỏi liên hệ đến “Nghĩa doanh”, một tên gọi quân địa phương dưới thời Đường. Theo Tân Đường thư (Liệt truyện, Q.224 hạ), dưới quyền Cao Biền ngoài quân chính quy (“quan quân”) còn có quân “nghĩa doanh”, “hương đoàn” (又詔駢料官軍義営鄉団…62). Ngoài ra, nếu tham khảo chức “Thổ quân Binh mã sứ” của Đỗ Tồn Thành (sẽ trình bày ở phần sau), nhiều khả năng Nghĩa quân là một đơn vị quân bản bộ của Đỗ Anh Sách.

Từ nội dung bài minh, có thể suy ra thời điểm Đỗ Anh Sách được phong làm An Nam Chiêu thảo Phó sứ. Nó phải muộn hơn thời điểm đúc chuông Thanh Mai, tức là sau tháng 3 năm Trinh Nguyên 14 (798)63. Ngoài ra, bài minh cung cấp một số căn cứ giúp trả lời câu hỏi Đỗ Anh Sách là thủ lĩnh ở địa phương nào. Theo bài minh, Đỗ Anh Sách có liên quan đến ba địa phương là Ái châu, Trường châu và Quận châu. Tuy nhiên, theo chúng tôi, chắc hẳn Đỗ Anh Sách là thủ lĩnh ở khu vực Trường châu, thuộc địa phận Ninh Bình ngày nay. Đó là vì:

Thứ nhất, chức vụ “Ái châu Thứ sử” của Đỗ Anh Sách chỉ là chức vụ kiêm nhiệm (“nhiếp”).

Thứ hai, trong bốn chức vụ của Đỗ Anh Sách, chúng ta thấy Đỗ Anh Sách nắm hai chức liên quan trực tiếp đến việc cai quản Trường châu là “Sứ trì tiết Trường châu Chư quân sự” và “Trường châu Thứ sử”. Trong khi đó, Trường châu lại là một đơn vị hành chính khá đặc biệt. Nguyên hoà quận huyện chí khi giải thích về huyện Nam Định thuộc Giao châu đã cung cấp cho chúng ta một số thông tin về Trường châu như sau:

Sử liệu 4: Nguyên hoà quận huyện chí, Q.3864

南定県(中下、東北至府六十里)

本漢羸楼県地、貞元七年于此置南定県、其旧南定県在今県東南二百余里、羈縻長州側近、開元十年後廃、

Dịch nghĩa:

Huyện Nam Định (hạng trung - hạ, đi về phía Đông Bắc 60 lý đến phủ thành)

Nguyên là đất huyện Luy Lâu đời Hán. Năm Trinh Nguyên 7 (791) đặt Nam Định huyện ở đây. Cựu Nam Định huyện hiện giờ tại vị trí cách kim huyện hơn 200 lý về phía Đông Nam, cạnh châu ki mi Trường châu. (Cựu huyện Nam Định) bị bỏ sau năm Khai Nguyên 10.

Như vậy, huyện Nam Định được đặt năm Trinh Nguyên 7 (791) vốn là đất Luy Lâu đời Hán, “cựu huyện Nam Định” thì nằm ở phía đông nam “kim huyện” hơn 200 lý, cạnh châu ki mi Trường châu. Theo đó, chúng ta biết được rằng muộn nhất là tới đầu niên hiệu Nguyên Hoà65, Trường châu đã trở thành một châu ki mi, không còn chịu sự quản lý trực tiếp của chính quyền đô hộ. Mặt khác, đoạn ghi chép của Man thư dẫn ở đầu bài viết gián tiếp cho chúng ta thấy An Nam Đô hộ Triệu Xương có xu hướng sử dụng các thủ lĩnh địa phương làm thứ sử cho các châu ki mi. Do đó, nếu Đỗ Anh Sách làm thứ sử ở Trường châu thì có nhiều khả năng Đỗ Anh Sách là một thủ lĩnh có thế lực ở khu vực này.

Ngoài Ái châu và Trường châu, Đỗ Anh Sách còn làm Du bôn sứ cho Quận châu. Theo Tân Đường thư, Q.43 hạ, Ki mi châu, Quận châu cũng là một châu ki mi thuộc An Nam đô hộ phủ. Theo Nguyên hoà quận huyện chí, Q.38 thì Quận châu nằm ở phía Đông Nam phủ thành, cách khoảng 195 lý. Do đó, nhiều khả năng Quận châu là một châu ki mi nằm bên cạnh Trường châu.

Dựa vào những điểm nêu trên, có thể suy đoán rằng Đỗ Anh Sách là một thủ lĩnh địa phương có thế lực ở Trường châu, do đó mới được Triệu Xương phong làm Trường châu Thứ sử, đồng thời Triệu Xương cũng muốn lợi dụng ảnh hưởng của Đỗ Anh Sách để kiểm soát các khu vực lân cận, trong đó có Quận châu. Về vị trí địa lý của Trường châu, chúng tôi tán thành quan điểm của Thiện Đình Đặng Xuân Bảng và GS Đào Duy Anh cho rằng Trường châu nằm ở khu vực Ninh Bình ngày nay. Như hai học giả đã trích dẫn, theo sách Tục tư trị thông giám trường biên (続資治通鑑長編) (Q.31, Tống Thái Tông)66, thời Tiền Lê, sứ giả nhà Tống là Tống Cảo (宋鎬) khi đi sứ sang nước ta đã đi đường thuỷ qua cửa sông Bạch Đằng vào nội địa, sau đó đến Trường châu nằm gần kinh đô Hoa Lư của Lê Hoàn67.

Từ các nguồn tư liệu nói trên, chúng ta có thể thấy Đỗ Anh Sách trước hết là một tù trưởng địa phương có thế lực, đặc biệt là về mặt quân sự. Điều đó thể hiện qua vị trí của Đỗ Anh Sách trong chính quyền đô hộ như Chiêu thảo Phó sứ, Tiên phong binh mã sứ, Nghĩa quân Đô tri Binh mã sứ, bộ tướng… Chúng ta cần nhớ rằng, sau khi nhậm chức Đô hộ, Triệu Xương một mặt phải ổn định tình hình An Nam sau khởi nghĩa Phùng Hưng, một mặt phải giải quyết vấn đề Nam Chiếu68, viên Đô hộ tiếp theo là Trương Chu phải đối phó với thế lực Lâm Ấp ở phía Nam… Trong bối cảnh loạn lạc như vậy, các viên Đô hộ nhà Đường hiển nhiên phải tận dụng lực lượng quân sự của các thủ lĩnh địa phương như Đỗ Anh Sách để củng cố bộ máy cai trị của mình. Trong quá trình đó, Đỗ Anh Sách đã được triệu về phủ thành để làm việc. Về điểm này, chúng ta cũng nhận thấy sự tương đồng với trường hợp của các thủ lĩnh Phạm Đình Chi và Dương Thanh.

Phạm Đình Chi (范廷芝) là một tù trưởng miền núi (khê động hào) được Đô hộ Bùi Hành Lập sử dụng cùng thời với Đỗ Anh Sách. Phạm Đình Chi thường xin Bùi Hành Lập nghỉ phép (hưu mục, 休沐69) nhưng không quay lại đúng hẹn. Sau nhiều lần như vậy, Bùi Hành Lập lấy quân pháp xử phạt, đem giết Phạm Đình Chi, sau đó lại chọn trong số bọn tử đệ của Đình Chi một người để thay thế. Qua đó, chúng ta biết được rằng đã có sự hợp tác giữa dòng họ Phạm với chính quyền đô hộ của Bùi Hành Lập. Giống như Đỗ Anh Sách, Phạm Đình Chi cũng bị ràng buộc phải có mặt ở trị sở của An Nam Đô hộ70.

Ngoài ra còn có Dương Thanh là thủ lĩnh địa phương (“man tù” 蛮酋, “Nam phương tù hào” 南方酋豪) đã lãnh đạo cuộc nổi dậy chống lại Đô hộ Lý Tượng Cổ năm Nguyên Hoà 14 (816). Theo chính sử Trung Quốc, trước khi cuộc phản loạn nổ ra, An Nam Đô hộ Lý Tượng Cổ vì “sợ” (悪清之強, Cựu Đường thư, Liệt truyện, Q.131)71, “uý kỵ” (忌其豪, Tân Đường thư, Liệt truyện, Q.80)72 thế lực của Dương Thanh, lúc đó làm Hoan châu Thứ sử nên đã triệu Thanh về phủ thành làm “nha môn tướng” (牙門將). Qua trường hợp của Dương Thanh, chúng ta biết được rằng việc các viên Đô hộ nhà Đường đưa các thủ lĩnh địa phương về phủ thành có 2 mục đích: một mặt chúng muốn lợi dụng uy tín và ảnh hưởng của các thủ lĩnh này để tăng cường sức mạnh của chính quyền đô hộ, mặt khác đây cũng là một hình thức giám sát để kiềm chế thế lực của họ.

2. Về thủ lĩnh Đỗ Anh Hàn và những nhân vật Đỗ Anh khác

Trên đây, chúng tôi đã làm rõ xuất thân cũng như hoạt động của Đỗ Anh Sách, một thủ lĩnh địa phương ở An Nam cuối thế kỷ VIII, đầu thế kỷ IX. Cùng với Đỗ Anh Sách, chúng tôi muốn lưu ý đến sự tồn tại của một số người có họ tên mang chữ Đỗ Anh sống cùng thời. Trước tiên, bài minh trên chuông Thanh Mai cho chúng ta biết ngoài Đỗ Anh Sách còn có một nhân vật nữa cũng có tên Đỗ Anh là Đỗ Anh Cường (杜英強). Ngoài ra, ngay trước thời kỳ Đỗ Anh Sách hoạt động, chúng ta biết rằng có một nhân vật tên là Đỗ Anh Hàn đã tham gia cuộc khởi nghĩa Phùng Hưng.

Ở đây, chúng tôi muốn phân tích thêm về xuất thân và vai trò của Đỗ Anh Hàn trong cuộc khởi nghĩa Phùng Hưng. Khi đề cập đến cuộc khởi nghĩa Phùng Hưng, các nghiên cứu trước đây thường có xu hướng sử dụng ghi chép của Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT), đặc biệt là bản dịch của NXB Khoa học Xã hội, qua đó miêu tả Đỗ Anh Hàn một cách rất mờ nhạt như là một “người cùng làng” và là một quân sư của Phùng Hưng. Tuy nhiên, trong quá trình thu thập tư liệu, chúng tôi cho rằng cách tiếp cận như vậy có một số vấn đề. Thứ nhất, khi dịch sang chữ quốc ngữ, liệu bản dịch của NXB Khoa học Xã hội đã phản ánh hết những thông tin của nguyên bản chữ Hán của ĐVSKTT hay chưa. Thứ hai, không thể dễ dàng sử dụng ghi chép của ĐVSKTT một khi chưa tiến hành phê phán giá trị về mặt sử liệu của nó trên cơ sở so sánh với các nguồn tư liệu cổ hơn là Việt điện u linh tập (VĐUL, 越甸幽霊集) cũng như các nguồn tài liệu Trung Quốc.

Về giá trị sử liệu của VĐUL, tuy các bản VĐUL còn lại ngày nay đều đã trải qua quá trình biên soạn hết sức phức tạp, nhưng ít nhất vào thời điểm hiện nay, các học giả đều thống nhất rằng truyện Bố Cái đại vương là một trong những truyện gốc do Lý Tế Xuyên (李済川) biên soạn vào đời Trần73. Khác với một số truyện sử dụng nguồn tư liệu thần phả, Lý Tế Xuyên đã viết truyện Bố Cái đại vương trên cơ sở một nguồn tài liệu là Triệu công Giao châu ký (趙公交州記) hoặc Triệu vương Giao châu ký (趙王交州記)74. Sách Giao châu ký của ông họ Triệu (Triệu công) không còn, nhưng qua bài minh trên quả chuông Bạch Hạc Thông thiên quán do đạo sỹ Hứa Tông Đạo soạn năm Đại Khánh 8 (1239), chúng ta biết rằng Triệu công Giao châu ký là một cuốn sách khá phổ biến vào thời Trần. Về tác giả Triệu công, Lê Hữu Mục đã đưa ra một giả thuyết rất đáng chú ý. Căn cứ vào ghi chép sau của Việt sử thông giám cương mục (VSTGCM) (thực tế là trích lại từ An Nam kỷ yếu hay An Nam chí của Cao Hùng Trưng), Lê Hữu Mục cho rằng Triệu công Giao châu ký chính là sách Phủ chí75 do An Nam Đô hộ Triệu Xương soạn76.

Sử liệu 5: Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Q.4

安南紀要、辰交州未平、昌入境撫安之、衆心遂定、昌遣使諭安、安率衆降、加経略招討処置使、昌増築羅城、遍歴都郡名山大川、古跡祀壇、輯為府志

Dịch nghĩa:

Theo sách An Nam kỷ yếu, bấy giờ Giao châu chưa yên, Triệu Xương đến nơi, vỗ về phủ dụ, lòng dân mới yên. Triệu Xương sai sứ đến dụ Phùng An, Phùng An đem quân ra hàng, Triệu Xương được phong làm Kinh lược Chiêu thảo xử trí sứ. Triệu Xương đắp thêm La Thành, đi thăm khắp nơi núi sông danh thắng, cổ tích, đền miếu ở các đô quận, chép làm sách Phủ chí.

Chúng tôi cũng nghiêng về giả thuyết của Lê Hữu Mục vì:

Thứ nhất, việc coi Triệu Xương là tác giả Triệu công Giao châu ký về mặt niên đại không mâu thuẫn với những nội dung mà chúng ta biết được về tài liệu này. Hiện tại, chúng ta biết được rằng Triệu công Giao châu viết về các sự kiện xảy ra dưới các niên hiệu Vĩnh Huy (truyện Thần Bạch Hạc – Trung dục vũ phụ uy linh vương, VĐUL; chuông Bạch Hạc thông thiên quán), Trinh Nguyên (truyện Bố Cái đại vương, VĐUL) nhà Đường, tức là trước hoặc cùng thời với Triệu Xương.

Thứ hai, trong điều kiện tư liệu hiện nay, chúng ta chỉ xác định được duy nhất một nhân vật họ Triệu có sách viết về Giao châu là Triệu Xương. Thêm vào đó, việc gọi một viên Đô hộ nhà Đường là “Triệu vương” cũng không có gì mâu thuẫn. Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn cũng gọi Cao Biền là “Cao vương”.

Thứ ba, có thể tham khảo trường hợp Tăng công Giao châu ký. Ngoài Triệu công Giao châu ký, trong VĐUL, Lý Tế Xuyên còn sử dụng sách Giao châu ký của Tăng công. Trong trường hợp này, có thể xác định chính xác Tăng công là An Nam Đô hộ Tăng Cổn (曾衮), vì Việt sử lược có chép Tăng Cổn soạn 1 thiên Giao châu ký (撰交州記一篇). Như vậy, chúng ta biết được rằng trong các thư viện thời Trần vẫn còn lưu giữ được một số cuốn sách của các viên An Nam Đô hộ đời Đường. Ngoài ra, cũng cần lưu ý rằng sách Giao châu ký của Tăng Cổn cũng xuất phát từ một tài liệu thuộc dạng chí. Trong Vân đài loại ngữ (Khu vũ III, điều 66), Lê Quý Đôn trích dẫn Phiên ngung tạp ký của Trịnh Hùng đời Đường (hiện đã mất) cho biết Tăng Cổn là tác giả của sách Việt chí.

Tóm lại, mặc dù chưa thể khẳng định rõ ràng nhưng giả thuyết của Lê Hữu Mục không phải là không có cơ sở77. Như chúng ta đã biết, sau khi Cao Chính Bình chết bệnh vào tháng 4 năm Trinh Nguyên 7 (791), tháng 7 cùng năm, Triệu Xương được bổ nhiệm làm An Nam Đô hộ, Kinh lược Chiêu thảo sứ và chính là người trực tiếp tiến hành chiêu hàng Phùng An. Do đó, nếu quả thực Triệu công Giao châu ký là sách do Triệu Xương viết, thì VĐUL đã căn cứ vào một nguồn tài liệu đương thời có tính tin cậy cao để viết về cuộc khởi nghĩa Phùng Hưng. Cho dù Triệu công Giao châu ký không phải là sách của Triệu Xương đi nữa, ít nhất nó cũng là một tư liệu cổ hơn ĐVSKTT. Nếu bóc tách được nội dung của Triệu công Giao châu ký từ VĐUL, chúng ta sẽ có được những thông tin có giá trị về khởi nghĩa Phùng Hưng.

Về nguồn tư liệu Trung Quốc liên quan đến khởi nghĩa Phùng Hưng, chúng ta có ghi chép trong các sách Cựu Đường thư do Lưu Hú đời Hậu Tấn biên soạn và hoàn thành năm 945 (Bản kỷ, Q.13), Tân Đường thư, phần Liệt truyện do Tống Kỳ đời Bắc Tống viết xong năm 1046 (Bản kỷ, Q.7; Liệt truyện, Q.170, Triệu Xương truyện), Tư trị thông giám của Tư Mã Quang hoàn thành năm 1084 (Q.233, Đường kỷ 49). Các ghi chép này đều có trước ĐVSKTT. Để tiện theo dõi, chúng tôi xin giới thiệu các ghi chép này bên dưới.

Sử liệu 6: Các tư liệu Trung Quốc về khởi nghĩa Phùng Hưng



Cựu Đường thư, Bản kỷ, Q.13, Đức Tông hạ78

(貞元七年)夏四月(中略)己未、安南首領杜英翰叛、攻都護府、都護高正平憂死、

Dịch nghĩa:

Mùa hạ, tháng 4, [lược 1 đoạn], Kỷ Mùi, An Nam thủ lĩnh Đỗ Anh Hàn phản, tấn công đô hộ phủ. Đô hộ Cao Chính Bình lo lắng mà chết.

Tân Đường thư, Bản kỷ, Q.7, Đức Tông79

(貞元七年)四月、安南首領杜英翰反、伏誅、

Dịch nghĩa:

Tháng 4 (Trinh Nguyên 7), An Nam thủ lĩnh Đỗ Anh Hàn phản. Giết.

Tân Đường thư, Liệt truyện, Q.170, Truyện Triệu Xương80

趙昌字洪祚、天水人、始為昭義李承昭節度府属、累遷虔州刺史、安南酋獠杜英翰叛、都護高正平以憂死、拜昌安南都護。夷嚮化毋敢桀(後略)

Dịch nghĩa:



Triệu Xương tự là Hồng Tộ, người Thiên Vĩnh. Ban đầu làm liệu thuộc của Chiêu Nghĩa Lý Thừa Chiêu Tiết độ sứ, dần được thăng làm Kiền châu Thứ sử. An Nam tù lão Đỗ Anh Hàn làm phản, Đô hộ Cao Chính Bình lo lắng chuyện đó mà chết. Thăng Triệu Xương làm An Nam Đô hộ. Các bộ lạc Di đều quay về với triều đình, không dám nổi dậy nữa...

Tư trị thông giám, Q.233, Đường kỷ, Đức Tông81

安南都護高正平重賦斂、夏四月群蛮酋長杜英翰等起兵圍都護府、正平以憂死、群蛮聞之皆降、

Dịch nghĩa:



An Nam Đô hộ Cao Chính Bình đánh thuế nặng. Mùa hạ tháng 4, bọn quần Man tù trưởng Đỗ Anh Hàn khởi binh vây đô hộ phủ. Chính Bình lo lắng mà chết.

Quay trở lại với vấn đề Đỗ Anh Hàn, so sánh VĐUL và các tư liệu Trung Quốc với ghi chép của ĐVSKTT, chúng ta có được một số nhận xét như sau:

Thứ nhất, trong các tài liệu của Trung Quốc không có một dòng nào viết về anh em Phùng Hưng, Phùng Hãi mà chỉ nhắc đến Đỗ Anh Hàn như là người cầm đầu cuộc bao vây phủ thành đô hộ năm Trinh Nguyên 7 (791). Đỗ Anh Hàn được miêu tả với tư cách là “An Nam thủ lĩnh” (Cựu Đường thư), “An Nam tù lão” (Tân Đường thư), “Quần Man tù trưởng” (Tư trị thông giám), tức là một thủ lĩnh địa phương có thế lực lớn. Như vậy, phải giải thích như thế nào về mối liên hệ giữa thủ lĩnh Đỗ Anh Sách và thủ lĩnh Phùng Hưng, liệu họ có phải là hai thủ lĩnh “cùng làng” được hay không?

Thứ hai, VĐUL chép rằng Phùng Hưng là một tù trưởng vùng biên cương ở “châu Đường Lâm” (唐林州辺庫夷首長), và “Đỗ Anh Hàn” là “Đường Lâm nhân” (唐林人). Như vậy, theo VĐUL, chỉ có thể hiểu Đỗ Anh Hàn là người sống cùng châu Đường Lâm với Phùng Hưng.

Mặt khác, nguyên bản chữ Hán của ĐVSKTT cũng không chép Đỗ Anh Hàn là “người cùng làng” mà chỉ ghi đơn giản là “bản hương nhân” (本郷人), tức là người cùng một hương với Phùng Hưng. Ở đây còn có vấn đề là: liệu các soạn giả của ĐVSKTT có được một nguồn cứ liệu gốc riêng để khẳng định Đỗ Anh Hàn là người cùng hương với Phùng Hưng hay không? Để làm rõ điều này, chúng ta hãy thử so sánh văn bản chữ Hán của ĐVSKTT và VĐUL.

Sử liệu 7: Việt điện u linh tập Đại Việt sử ký toàn thư

VĐUL, truyện Bố Cái đại vương


  1. 按趙王交州記、王姓馮、名興、世襲唐林州辺庫夷首長、号曰官郎(蛮俗今存)、

  2. 家資豪有、力甚饒勇、能搏虎排牛、其弟曰駭、亦有健力、能負十千斤石、或千斛小舟、行十余里、諸夷獠皆畏其名焉、

  3. 唐大暦中、因我安南軍乱、兄弟相率狥諸郷邑、皆下之、所至無不披靡、興既得志、更名巨老、駭更名巨力、

  4. 興号都君、駭号都保、

  5. 用唐林人杜英倫(一作翰)計儀、以兵巡行唐林長峰等州、皆帰之、威名大振、聲言欲図都府

  6. 時都護高正平以幕下攻之不克、

  7. 優憤発疽率、

  8. 興入都府視事、

  9. 七年薨、衆欲立駭、其輔佐頭目蒲破勒者、力能排山挙鼎、勇力絶倫、固意不従、乃立興子安、率衆拒駭、駭避蒲破勒、遷朱岩洞、後不知所終、

(後略)

Đại Việt sử ký toàn thư, Ngoại kỷ, Q.5, Thuộc Tuỳ Đường kỷ, tờ 6a-b

  1. 辛未、(唐貞元七年)春、安南都護府高正平為政重斂、夏四月交州唐林人
    (唐林在福禄県)、馮興起兵囲府、正平以憂死、

  2. 先是、馮興豪富有勇力、能排牛搏虎、

  3. 於唐代宗大暦中、因交州乱、興其弟駭相率服諸郷邑、

  4. 興号都君、駭号都保、

  5. 与正平相攻、久不能克、

  6. 至是用本郷人杜英翰計、率衆囲府、

  7. 正平憂憤為疾、疽発背死、

  8. 興因居府治未幾卒、子安尊為布盖大王(俗謂父曰布、母曰盖、故以為名焉)王能顕霊異、衆以為神、乃於都府之西、立祠歳時奉祀、即孚祐彰信崇布盖大王、其神祠今在盛光坊籍田東西、

Để tiện so sánh, trên đây, chúng tôi tách từng câu trong mỗi văn bản, đánh số 1, 2, 3… với VĐUL và a, b, c… với ĐVSKTT. Chúng ta thấy có sự giống nhau giữa b với 2, c với 3, d với 4, f với 5, g với 7, e với 6. Riêng câu a của ĐVSKTT giống với câu của Tư trị thông giám trong sử liệu 6. Như vậy, có thể nói ghi chép về xuất thân và diễn tiến cuộc khởi nghĩa của Phùng Hưng trong ĐVSKTT trên thực tế chỉ là biên soạn lại nội dung của VĐUL, việc Đỗ Anh Hàn là “bản hương nhân” có khả năng chỉ là sự suy diễn của ĐVSKTT.

Qua những phân tích trên, chúng ta có thể có một cách giải thích khác các nghiên cứu trước đây về Đỗ Anh Hàn. Đỗ Anh Hàn là một thủ lĩnh địa phương sống cùng châu Đường Lâm với Phùng Hưng. Có thể Đỗ Anh Hàn đã theo về với Phùng Hưng trong quá trình anh em họ Phùng thu phục các hương ấp xung quanh. Trong giai đoạn đầu của cuộc khởi nghĩa, Đỗ Anh Hàn đã có vị trí cao trong bộ chỉ huy cuộc khởi nghĩa. Việc các nguồn tư liệu Trung Quốc chỉ chép về Đỗ Anh Hàn cho thấy chính quyền đô hộ biết đến Đỗ Anh Hàn nhiều hơn Phùng Hưng. Nếu tham khảo thêm trường hợp của Đỗ Anh Sách, có khả năng giống như Đỗ Anh Sách, Đỗ Anh Hàn cũng đã có thời gian làm việc cho chính quyền đô hộ.

Tiếp theo, về vai trò của Đỗ Anh Hàn trong cuộc khởi nghĩa Phùng Hưng, ĐVSKTT chỉ chép vắn tắt: “Phùng Hưng dùng kế của người bản hương Đỗ Anh Hàn, xuất quân bao vây phủ thành. Chính Bình ưu phẫn thành bệnh, phát nhọt ở lưng mà chết”. Tuy nhiên, VĐUL cung cấp cho chúng ta một số thông tin cụ thể hơn:

用唐林人杜英倫(一作翰)計儀、以兵巡行唐林長峰等州、皆帰之、威名大振、聲言欲図都府、時都護高正平以幕下攻之不克、優憤発疽卒、

Dịch nghĩa:

Dùng kế của người Đường Lâm là Đỗ Anh Luân (có sách viết Hàn), lấy quân tuần hành “Đường Lâm Trường Phong” các châu, các nơi đều theo về, uy danh lừng lẫy. Phao tin muốn đánh đô hộ phủ. Đô hộ lúc đó là Cao Chính Bình lấy quân dưới trướng đánh không thắng được, lo lắng phát nhọt mà chết.

Theo đó, trước khi quân khởi nghĩa tiến hành bao vây phủ thành, Đỗ Anh Hàn chính là người đã hiến kế cho Phùng Hưng đưa quân “tuần hành” khu vực “Đường Lâm Trường Phong đẳng châu” để mở rộng lực lượng. Các bản dịch sang chữ quốc ngữ hiện nay của Lê Hữu Mục, Đinh Gia Khánh… dịch cụm chữ Hán “Đường Lâm Trường Phong đẳng châu” thành “mấy châu Đường-lâm, Trường-phong” hoặc “các châu Đường Lâm, Trường Phong”82. Tuy nhiên, việc dịch hai chữ “Trường Phong” thành tên một châu là không đúng vì trong hệ thống đơn vị hành chính của nhà Đường thời bấy giờ không tồn tại châu Trường Phong. Cụm chữ Hán trên dịch chính xác phải là các châu Đường Lâm, Trường (châu), Phong (châu).

Theo Tân Đường thư, phần Địa lý chí thì Trường châu là tên châu đặt ra vào thời Đường, đến năm Thiên Bảo nguyên niên (742) được đổi tên thành Văn Dương quận, sau đó đến năm Càn Nguyên nguyên niên (758) lại đổi thành tên cũ là Trường châu. Lê Trắc trong An Nam chí lược ghi Trường châu vào phần “Cổ châu danh”, nhờ đó chúng ta biết được rằng đến thời Trần, tên Trường châu không còn được sử dụng. Việc VĐUL nhắc đến địa danh cổ Trường châu là một minh chứng cho thấy nó đã căn cứ vào một nguồn tài liệu cổ, mà nhiều khả năng là Triệu công Giao châu ký.

Tóm lại, Đỗ Anh Hàn là người có công rất lớn trong cuộc khởi nghĩa của Phùng Hưng. Nhờ kế sách của Đỗ Anh Hàn, lực lượng của nghĩa quân không còn bó hẹp trong phạm vi của một châu - châu Đường Lâm, mà đã được mở rộng ra một khu vực rộng lớn bao gồm các vùng Phong châu (Phú Thọ, Vĩnh Phúc) và Trường châu (Ninh Bình).

Cuối cùng, còn một vấn đề nữa là một thủ lĩnh được các nguồn tài liệu Trung Quốc nhấn mạnh như Đỗ Anh Hàn tại sao lại biến mất đột ngột như vậy. Để giải thích vấn đề này, chúng tôi muốn lưu ý đến ghi chép “An Nam thủ lĩnh Đỗ Anh Hàn phản, phục tru”của Tân Đường thư (sử liệu 5). Ít nhất là theo Tân Đường thư, thủ lĩnh Đỗ Anh Hàn đã bị giết (“phục tru”). Điều này dường như tương ứng với một sự kiện ghi chép trong VĐUL. VĐUL cho biết: khi Phùng Hưng định bao vây phủ thành đô hộ, Cao Chính Bình đã đem quân dưới trướng tấn công lực lượng khởi nghĩa nhưng không thành công. Có lẽ Đỗ Anh Hàn đã bị giết trong cuộc chiến đấu này.

3. Về trường hợp các thủ lĩnh có tên Đỗ Tiên, Đỗ Tồn

Như vậy là từ trong quãng thời gian 7 năm từ 791 đến 798, chúng ta đã xác định được 3 nhân vật có họ tên mang chữ Đỗ Anh (Đỗ Anh Sách, Đỗ Anh Cường, Đỗ Anh Hàn). Chúng tôi nhận thấy hiện tượng tương tự với các tên họ “Đỗ Tiên”, “Đỗ Tồn”.

Trước hết, bài minh của chuông Thanh Mai cho biết Tướng sỹ lang, tiền thủ Tư Lăng châu An (Yên) Lạc huyện uý Đỗ Tiên Quỳ (杜仙夔) làm xã chủ của Tuỳ Hỷ xã. Ngoài ra còn có xã chúng Đỗ Tiên Ninh (杜仙寧) làm tiền nhiếp Trường châu Văn Dương huyện uý, hai người tên là Đỗ Tiên Đường và Đỗ Tiên Đĩnh đã chết (“cố”).

Về Đỗ Tồn, người đầu tiên chúng tôi muốn đề cập là Đỗ Tồn Thành (杜存誠).

Sử liệu 8: Đường hội yếu, Q.73, An Nam đô hộ phủ83

開成四年)十一月安南都護馬植奏、当管経略押衙兼都知兵馬使杜存誠、管善良四郷、請給発印一面。前件四郷是獠戸、杜存誠祖父以来、相承管轄。其丁口税賦与一郡有殊、伏以蛮貊不識書字、難憑印文、従前徴科、刻木權用、伏乞発印一面、令存誠行用、勅旨宜依、

Dịch nghĩa:



[Khai Thành] Năm thứ 4, tháng 11, An Nam Đô hộ Mã Thực tấu: “An Nam Kinh lược Áp nha kiêm Đô tri Binh mã sứ Đỗ Tồn Thành cai quản 4 hương lương thiện, xin cấp cho 1 quả ấn. 4 hương này là hương người Lão, Đỗ Tồn Thành kế nghiệp quản hạt từ đời tổ phụ. Đinh khẩu, phú thuế của 4 hương này có khác so với một quận. Vì Man di không biết viết chữ, khó lấy gì làm bằng. Trước đây, khi thu thuế, Đỗ Tồn Thành lấy gỗ khắc ấn dùng tạm. Phục xin triều đình cấp 1 quả ấn cho Đỗ Tồn Thành sử dụng”. Chiếu sắc chấp thuận.

Theo sử liệu 8, tháng 7 năm Khai Thành 4 (839), An Nam Đô hộ Mã Thực có gửi một bản tấu lên triều đình nhà Đường. Theo bản tấu, dưới quyền Mã Thực có một thủ lĩnh địa phương tên là Đỗ Tồn Thành làm chức An Nam Kinh lược Áp nha kiêm Đô tri Binh mã sứ. Đỗ Tồn Thành quản lý 4 hương người Lão, vốn là đất quản hạt cha truyền con nối từ thời tổ phụ. Tư trị thông giám (Q.149, Đường kỷ, Tuyên tông) khi viết về con trai của Đỗ Tồn Thành là Đỗ Thủ Trừng (杜守澄) cho biết đất của cha con họ Đỗ vốn là đất miền núi không thể chế ngự (“bất khả chế”) từ thời Tề, Lương84.

Sau khi nhậm chức An Nam Đô hộ tháng 9 năm Khai Thành nguyên niên85, giống như Triệu Xương, Mã Thực đã thực hiện chính sách tương đối mềm dẻo đối với các châu ki mi miền núi, do đó nhận được sự ủng hộ của nhiều thủ lĩnh địa phương. Ví dụ, Mã Thực tiến hành chiêu dụ thành công các thủ lĩnh khu vực phía Tây Bắc giáp Nam Chiếu (Nam Man)86. Mã Thực xin thăng cấp 6 huyện (trong đó có huyện Vũ Lục) thành châu, chọn trong các thủ lĩnh ở đây một người làm thứ sử (今諸首領、願納賦税、其六県請昇為州、以首領為刺史87;植奏以武陸県為陸州、即柬首領為刺史88). Dưới chính sách chiêu dụ của Mã Thực, Đỗ Tồn Thành cũng quy phục nhà Đường, được Mã Thực thừa nhận quyền cai trị đối với đất đai truyền đời của họ Đỗ.

Sử liệu 9: Tư trị thông giám, Q.250, Đường kỷ, Ý Tông89

夏六月癸丑、以塩州防禦使王寛為安南経略使、時李鄠自武州牧、集土軍攻群蛮、復取安南、朝廷責其失守、貶儋州司戸、鄠初至安南、殺蛮酋杜守澄、其宗党遂誘道群蛮陷交趾、朝廷以杜氏彊盛、務在姑息、冀收其力用、乃贈守澄父存誠金吾將軍、再挙鄠殺守澄之罪、長流崖州、

実録、「又賜寛手詔云云、『如聞、李琢在安南日、殺害杜存誠、李鄠又処置其子守澄、使誘導群蛮陷沒城邑、卿到鎮日、於李鄠処、索取前後敕詔、一一參詳』、初李琢在鎮、蛮首領愛州刺史兼土軍兵馬使杜存誠密誘溪洞夷獠為之鄉導、琢察其不忠戮死焉、及李鄠至鎮、蛮陷安南、鄠走武州、召土軍收復城邑、而存誠家兵甚衆、朝廷務姑息、乃贈存誠金吾將軍、鄠以失備、貶儋州、(中略)鄠貶儋州後、以存誠溪洞彊獷、家兵数多、子弟継總軍旅、皆輸忠勇軍、

Dịch nghĩa:

Mùa hạ tháng 6 Quý Sửu, lấy Diêm châu Phòng ngự sứ Vương Khoan làm An Nam Kinh lược sứ. Lúc đó, Lý Hộ làm Vũ châu mục, tập hợp thổ quân đánh quần Man, lấy lại được An Nam. Triều đình trách việc làm thất thủ An Nam của Lý Hộ, biếm làm Đam châu Ty hộ. Hộ lúc mới đến An Nam, giết Man tù trưởng Đỗ Thủ Trừng. Bọn tông đảng bèn dẫn quần Man chiếm Giao Chỉ. Triều đình thấy họ Đỗ cường thịnh, muốn o bế, thu lấy lực lượng đó để sử dụng, bèn truy tặng cho bố của Thủ Trừng là Tồn Thành chức Kim ngô tướng quân, lại nêu lên tội giết Thủ Trừng của Hộ, đày Hộ sang Nhai châu.

Sách Thực lục viết: lại ban cho Khoan thủ chiếu của hoàng đế viết: “Trẫm nghe nói, lúc Lý Trác ở An Nam giết hại Đỗ Tồn Thành. Lý Hộ lại xử lý con hắn là Thủ Trừng, khiến [thân đảng của chúng] dụ quần Man đánh hạ thành ấp. Hương [Vương Khoan] khi đến nơi trấn nhiệm, phải thu thập hết các sắc chiếu, nhất nhất xem cho rõ”. Ban đầu, khi Lý Trác ở trấn nhiệm, Man thủ lĩnh Ái châu Thứ sử kiêm Thổ quân Binh mã sứ Đỗ Tồn Thành mật dụ Di Lão ở các động làm hướng đạo, Trác biết chuyện bất trung đó bèn giết. Đến khi Lý Hộ đến trấn, Man [Nam Chiếu] chiếm An Nam. Hộ chạy sang Vũ châu, chiêu tập Thổ quân chiếm lại được thành ấp. Tuy nhiên, gia binh của Tồn Thành rất đông nên triều đình muốn o bế, bèn truy tặng cho Tồn Thành chức Kim ngô tướng quân. Triều đình lấy chuyện Hộ làm thất thủ An Nam, biếm sang Đam châu. [Lược 1 đoạn] Sau khi Hộ bị biếm, vì các động của Tồn Thành hung tợn cường thịnh, gia binh đông đảo, bọn tử đệ kế tục thống suất quân lữ nên thâu cả vào Trung dũng quân.

Theo sử liệu 9, khi Lý Trác sang làm An Nam Đô hộ, Đỗ Tồn Thành đã trở thành Ái Châu Thứ sử, Thổ quân Binh mã sứ. Tư trị thông giám cho biết Lý Trác biết được Đỗ Tồn Thành mật dụ Di Lão các khê động làm hướng đạo, có ý bất trung nên giết chết Đỗ Tồn Thành. Việc làm này của Lý Trác làm người Man oán hận, dẫn quân Nam Chiếu vào cướp.

Sau khi Đỗ Tồn Thành chết, con trai là Đỗ Thủ Trừng kế nghiệp. Năm Đại Trung 12 (858), Vương Thức sang An Nam làm Đô hộ (Cựu Đường thư, Bản kỷ, Q.18 hạ, Tuyên Tông90). Chắc hẳn do lo sợ thế lực của họ Đỗ nên Vương Thức đã lập kế ly gián Đỗ Thủ Trừng với “thân đảng” (Tư trị thông giám, Q.149, Đường kỷ, Tuyên Tông91). Đến thời An Nam Đô hộ Lý Hộ, Đỗ Thủ Trừng bị giết. Năm Hàm Thông nguyên niên (860), người Man căm hận dẫn quân Nam Chiếu vào hạ phủ thành. Tháng 12 cùng năm, Lý Hộ phải chạy về Vũ châu, sau đó chiêu tập thổ quân chiếm lại được phủ thành. Tuy nhiên, nhà Đường sợ thế lực của họ Đỗ cường thịnh (“Đỗ thị cường thịnh”), lại thêm gia binh của cha con Tồn Thành rất đông (“Tồn Thành gia binh thậm chúng”) nên cầu hoà, lấy việc giết Đỗ Thủ Trừng để trách phạt Lý Hộ và biếm sang Đam châu, cử Vương Khoan (王寛) sang thay làm An Nam Đô hộ. Ngoài ra, để lấy lòng họ Đỗ, nhà Đường phong tặng cho Đỗ Tồn Thành chức Kim ngô tướng quân.

Như vậy, vào nửa đầu thế kỷ IX, họ Đỗ của cha con Đỗ Tồn Thành, Đỗ Thủ Trừng đã nổi lên như một thế lực cường thịnh ở biên cương, làm cho nhà Đường phải e ngại. Dưới chính sách chiêu dụ khá mềm dẻo của An Nam Đô hộ Mã Thực, thủ lĩnh Đỗ Tồn Thành đã ra làm việc cho chính quyền đô hộ. Mối quan hệ này có hai mặt, một mặt, Đỗ Tồn Thành có nghĩa vụ đứng ra thu các loại thuế như thuế đinh nộp cho nhà Đường, đồng thời họ Đỗ cung cấp lực lượng chiến đấu (được biên chế thành các phiên hiệu “Thổ quân”, “Trung dũng quân”) cho đô hộ phủ. Ngược lại, nhà Đường thừa nhận quyền quản lý của Đỗ Tồn Thành với 4 hương người Lão. Đỗ Tồn Thành cũng lợi dụng mối quan hệ này, xin nhà Đường cấp ấn tín, qua đó chính thống hoá quyền lực của mình ở địa phương.

Ngoài Đỗ Tồn Thành, chúng ta còn thấy trong sử liệu một nhân vật tên là Đỗ Tồn Lăng (杜存陵). Theo Man thư (Q.10), ngày 6 tháng 6 năm Hàm Thông 4 (863), quân Nam Chiếu (Man tặc) hơn 4000 người cùng với 2000 quân của Chu Đạo Cổ đi thuyền nhỏ vài trăm chiếc tấn công Quận châu. An Nam Đô áp nha Đỗ Tồn Lăng, Trương Khánh Tông và Thứ sử Vũ An châu là Trần Hành Dư dùng chiến thuyền chống lại.

Sử liệu 10: Man thư, Q.1092

咸通四年六月六日、蛮賊四千余人、草賊朱道古下二千人共棹小船数百隻收郡州、得安南都押衙張慶宗、杜存陵、武安州刺史陳行余以航舶戰船十余隻、築損蛮賊船三十来隻沈溺、

Dịch nghĩa:



Ngày 6 tháng 6 năm Hàm Thông 4 (863), Man tặc hơn 4 nghìn người, 2 nghìn người dưới trướng của thảo tặc Chu Đạo Cổ cùng chèo thuyền nhỏ mấy trăm chiếc đánh lấy Quận châu. An Nam Đô Áp nha Trương Khành Tông, Đỗ Tồn Lăng, Vũ An châu Thứ sử Trần Hành Dư lấy chiến thuyền lớn mười mấy chiếc, đánh chìm ba mươi mấy thuyền của Man tặc.

4. Về trường hợp của Lý Do Độc

Ngoài các nhóm họ Đỗ như Đỗ Anh, Đỗ Tiên, Đỗ Tồn nêu trên, ở khu vực Tây Bắc, chúng ta còn thấy sự hoạt động của tù trưởng Lý Do Độc (李由獨).

Theo Man thư, trong khoảng niên hiệu Đại Trung (847 - 860) đời Đường Tuyên Tông, Lý Do Độc làm đại thủ lĩnh quản hạt Thất Oản động (七綰洞) ở khu vực Lâm Tây Nguyên (西林原). Thất Oản động hàng năm nộp phú thuế cho nhà Đường, đồng thời cùng với quân đội nhà Đường canh phòng châu Chân Đăng là biên giới với Nam Chiếu. Theo Tư trị thông giám (Q.249, Đường kỷ, Tuyên Tông), Lâm Tây Nguyên thuộc Phong châu nằm ở phía Tây Phong châu. Châu Chân Đăng tồn tại đến thời nhà Lý, theo GS Trần Quốc Vượng là khu vực Lâm Thao, Phú Thọ ngày nay93.

Năm Đại Trung 8 (856), An Nam Đô hộ Lý Trác theo lời của Phong châu Tri châu quan, xin nhà Đường bãi bỏ 6000 quân phòng đông ở Phong châu. Mất đi sự hỗ trợ của quân Đường, Lý Do Độc thân cô thế cô quay lại hợp tác với Nam Chiếu. Đến niên hiệu Hàm Thông, lực lượng của Thất Oản động đã tham gia vào cuộc tấn công của Nam Chiếu vào phủ thành An Nam. Chúng ta biết được điều này nhờ các ghi chép của Phàn Xước trong Man thư. Ngày 8 tháng 3 năm Hàm Thông 3 (862), đích thân Phàn Xước làm sứ giả vào doanh trại Nam Chiếu đã thấy 8 người Man cầm cung thương đứng sau Thác Đông Tiết độ sứ phán quan Dương Trung Nghĩa. Sau đó, Phàn Xước hỏi tướng Man Chu Đạo Cổ thì được biết đấy là người Đào Hoa (桃花), vốn thuộc quản hạt của Lý Do Độc. Cũng theo Phàn Xước đến ngày 21 tháng 3 cùng năm, khoảng 5, 6 nghìn quân Đào Hoa dưới sự chỉ huy của Ma Quang Cao, Huyện lệnh huyện Phù Tà, thuộc châu La Phục đã tham gia cuộc bao vây phủ thành An Nam, hạ trại ở góc Tây thành94.



Kết luận

Trên đây, chúng tôi đã tập trung trình bày về hoạt động của một số thủ lĩnh An Nam cuối thế kỷ VIII, đầu thế kỷ IX. Giai đoạn này cũng là giai đoạn chính quyền trung ương nhà Đường suy yếu, thế lực các phiên trấn nổi lên. Trong bối cảnh đó, để cai quản An Nam cũng như tăng cường thế lực của mình, các viên Đô hộ nhà Đường, thực chất cũng là một loại phiên trấn, đã phải trông cậy vào sự hợp tác từ các thủ lĩnh bản địa.

Các thủ lĩnh bản địa này thường được gọi là “khê động hào”, “An Nam tù lão”, “quần Man tù trưởng”, phần nhiều là cha truyền con nối. Họ là các tù trưởng, thổ tù của các tộc người sinh sống ở miền núi và trung du thuộc các châu ki mi của nhà Đường.

Như chúng ta thấy, nhiều thủ lĩnh đã ra làm việc cho chính quyền đô hộ. Thông qua đó, về mặt chính trị, họ được chính quyền đô hộ thừa nhận quyền quản hạt địa phương của mình. Một số người được (hoặc bị) triệu về phủ thành, tham gia trực tiếp vào công việc quản lý của chính quyền đô hộ, thậm chí có những người đã có chức vụ rất cao trong chính quyền đô hộ như Phó Đô hộ Đỗ Anh Sách hay Đỗ Hoài Bích… Như có thể thấy trong trường hợp “phán án” của Đỗ Anh Sách, thông qua việc hợp tác với chính quyền đô hộ, các thủ lĩnh địa phương có thể tiếp thu phần nào hệ thống tổ chức chính quyền ở trình độ cao của nhà Đường. Tuy nhiên cần lưu ý rằng việc vào làm việc trong phủ thành cũng là một thủ đoạn của chính quyền đô hộ nhằm quản lý, kiềm chế thế lực của các thủ lĩnh này.

Với việc nhận các chức phong của nhà Đường, các thủ lĩnh có nghĩa vụ nộp thuế, binh dịch với Đô hộ phủ. Điều này rất quan trọng đối với chính quyền đô hộ trong việc quản lý An Nam cũng như chống lại các thế lực bên ngoài như Hoàng Động ở phía Bắc, Nam Chiếu phía Tây và Lâm Ấp phía Nam.

Việc xuất hiện các nhân vật cùng tên Đỗ Anh, Đỗ Tiên, Đỗ Tồn… cho thấy sự hợp tác với chính quyền đô hộ không chỉ đơn thuần ở quy mô cá nhân mà ở quy mô nhóm, dòng họ. Thông qua đó, các thủ lĩnh địa phương đã tăng cường thế lực của bản thân cũng như của nhóm, của dòng họ, mở rộng được phạm vi hoạt động cũng như xây dựng được mạng lưới liên hệ, liên kết giữa các dòng họ, các địa phương với nhau. Chuông Thanh Mai là một minh chứng cho quá trình đó. Việc liệt kê những người góp tiền đúc chuông gián tiếp cho chúng ta biết trước khi đúc chuông, đã có sự liên lạc, trao đổi thông tin giữa các thành viên đứng đầu Tuỳ Hỷ xã như xã chủ Đỗ Tiên Quỳ với những người trong và ngoài xã như Đỗ Tiên Ninh, Đỗ Anh Sách, Đỗ Anh Cường. Quá trình liên lạc này phải đi kèm với việc ghi chép lại bằng chữ Hán tên họ, quan chức của những người đóng góp, vì nếu không có ghi chép như vậy thì không thể có được danh sách liệt kê trên bài minh.

Ngoài ra, trong tổng số 236 người tham gia cúng tiền đúc chuông Thanh Mai, việc có đến 46 người thuộc Đỗ cũng là một hiện tượng đáng chú ý. Việc Đỗ Anh Hàn hiến kế cho Phùng Hưng mở rộng lực lượng đến Trường châu dường như có quan hệ đến thế lực họ Đỗ ở đây. Qua nhiều tư liệu, chúng ta thấy dấu ấn rất đậm nét của họ Đỗ ở Trường châu. Chúng ta có Đỗ Tiên Ninh từng là Trường châu Văn Giang huyện uý; có Đỗ Anh Sách làm Sứ trì tiết Trường châu Chư quân sự, thủ Trường châu Thứ sử. Hay trong cuộc khởi nghĩa của Dương Thanh, chúng ta thấy xuất hiện Đỗ Sỹ Giao là thân tín của Dương Thanh. Sau khi Dương Thanh bị An Nam Đô hộ Quế Trọng Vũ chém đầu ở phủ thành, Đỗ Sỹ Giao luy về giữ Tạc Khê thuộc Trường châu, đến khi Quế Trọng Vũ đuổi tới mới ra hàng. Những thông tin trên cho thấy rõ ràng họ Đỗ có thế lực không nhỏ ở Trường châu. Kế sách mang tính chiến lược của Đỗ Anh Hàn dường như là dựa trên mối liên hệ, liên kết của họ Đỗ với nhau.

Như vậy, trong bài viết này, chúng tôi đã làm sáng tỏ hoạt động của một số thủ lĩnh địa phương, phần lớn thuộc khu vực miền núi và trung du giai đoạn cuối thế kỷ VIII, đầu thế kỷ IX. Cơ sở tồn tại và phát triển của các thủ lĩnh địa phương này là quyền cai quản các vùng – tộc người vốn có nhiều mối quan hệ liên kết theo địa phương, theo tộc người và theo dòng họ. Để giữ gìn quyền quản lý địa phương, duy trì tính tự trị của cộng đồng và phát triển thế lực của mình, nhiều thủ lĩnh địa phương đã hợp tác với chính quyền đô hộ. Chính quyền đô hộ cũng phải dựa vào các thủ lĩnh địa phương này để quản lý các châu ki mi, bảo đảm nguồn thu thuế cũng như sử dụng lực lượng quân sự của họ để bảo vệ quyền lợi của nhà Đường ở An Nam. Tuy nhiên, quan hệ hợp tác này mang tính hai mặt và chứa đựng mâu thuẫn không thể giải quyết. Đối với các viên đô hộ nhà Đường, sự lớn mạnh của các thủ lĩnh địa phương trở thành mối đe doạ tiềm tàng đối với bộ máy cai trị. Ngược lại, đối với các thế lực địa phương, sự ràng buộc, o ép của chính quyền đô hộ lại là vật cản lớn nhất trên con đường trưởng thành và phát triển của họ. Mâu thuẫn này đã làm phát sinh nhiều cuộc khởi nghĩa, bạo động do các thủ lĩnh đứng đầu như trường hợp của Dương Thanh, Đỗ Anh Hàn... Trong điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội thời thuộc Đường, mâu thuẫn này quy định vai trò của các thủ lĩnh địa phương trong cuộc đấu tranh giành lại nền tự chủ từ tay phong kiến phương Bắc.


1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   24




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương