PhÇn 2 PhÇn c¸c b¸o c¸o


B¦íC §ÇU T×M HIÓU VÒ T¥RING Vµ C¸C THñ LÜNH CñA NG¦êI GIARAI Tõ NöA CUèI THÕ Kû XIX – NöA §ÇU THÕ Kû XX



tải về 2.63 Mb.
trang15/24
Chuyển đổi dữ liệu14.08.2016
Kích2.63 Mb.
#18788
1   ...   11   12   13   14   15   16   17   18   ...   24



B¦íC §ÇU T×M HIÓU VÒ T¥RING Vµ C¸C THñ LÜNH CñA NG¦êI GIARAI Tõ NöA CUèI THÕ Kû XIX – NöA §ÇU THÕ Kû XX

T



KYÛ YEÁU HOÄI THAÛO QUOÁC TEÁ VIEÄT NAM HOÏC LAÀN THÖÙ BA

TIEÅU BAN LÒCH SÖÛ VIEÄT NAM TRUYEÀN THOÁNG





S Nguyễn Thị Kim Vân *


Giarai271 là một trong năm tộc người Mã Lai – Đa Đảo272 hiện sinh sống trên vùng đất nam Trường Sơn – Tây Nguyên và đồng bằng ven biển Trung Bộ Việt Nam. Trước khi người Pháp đặt được ách cai trị lên các cao nguyên phía tây của vùng đất Nam Trung Bộ, người Giarai đã có một tổ chức xã hội mà họ gọi là tơring/ tring273, có quy mô lớn hơn làng. Tổ chức xã hội cổ truyền này của người Giarai không được nhiều tư liệu nhắc đến. Trong báo cáo tham luận tại hội thảo Việt Nam học lần thứ ba này, chúng tôi cố gắng làm sáng tỏ phần nào về các tơring và một số thủ lĩnh của các tơring lớn của người Giarai từ nửa cuối thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX, trong điều kiện tư liệu cho phép.

1. Vài nét về người Giarai

Địa bàn cư trú của người Giarai trải dài từ phía nam tỉnh Kon Tum đến bắc tỉnh Đắk Lắk (theo chiều bắc – nam); từ tây bắc tỉnh Phú Yên đến miền biên giới tiếp giáp với vương quốc Campuchia. Trong không gian đó, tỉnh Gia Lai là khu vực sinh sống tập trung của tộc người này.

Dân tộc Giarai có số lượng dân cư đông nhất trong các tộc người Mã Lai – Đa Đảo và xếp thứ 9 trong cộng đồng 53 dân tộc ít người hiện đang sinh sống trên đất nước ta274. Riêng ở Gia Lai, người Giarai là một trong hai dân tộc thiểu số được coi là cư dân bản địa. Tính đến ngày 31 – 12 – 2005, trong tổng số 379.589 người Giarai sinh sống trên địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên thì có tới 334.654 người đang cư trú ở tỉnh Gia Lai275 (chiếm 90,8% trong tổng số người Giarai ở Tây Nguyên và 30,38% dân số tỉnh Gia Lai). Ở Gia Lai, người Giarai cư trú tập trung trên cao nguyên Plâyku, và các huyện phía nam của tỉnh. Xét về đơn vị hành chính thì khu vực cư trú của người Giarai ở Gia Lai thuộc thành phố Plâyku và các huyện: Chư Pah, Ia Grai, Đức Cơ, Chư Prông, Chư Sê; Ayun Pa, Ia Pa, Phú Thiện và Krông Pa.

Người Giarai có 5 nhóm địa phương. Nhiều khả năng, những nhóm địa phương này cũng là cơ sở để hình thành nên các tơring hoặc là dấu ấn của các tơring còn lưu lại.

Nhóm Giarai Aráp cư trú ở khu vực phía nam tỉnh Kon Tum, tây bắc thành phố Plâyku, huyện Chư Pah. Phía bắc và phía đông khu vực cư trú của nhóm địa phương này tiếp giáp với khu vực cư trú của người Bana.

Nhóm Giarai Hdrung (gồm cả 2 nhóm nhỏ Chon và Hơbau) cư trú ở khu vực đông nam Plâyku, nửa huyện Chư Prông và tây huyện Đak Đoa.

Nhóm Giarai Tbuăn (puôn) cư trú dọc biên giới Việt Nam – Campuchia (phía tây cao nguyên Plâyku và Đắk Lắk) thuộc các huyện Ia Grai, Đức Cơ và một phần huyện Chư Prông.

Nhóm Giarai Chor (Cheo Reo hay Phun): Chor (Chuôr) là thung lũng lòng chảo. J. Dournes còn dịch là vùng thấp. Địa bàn cư trú của nhóm này là khu vực thung lũng lòng chảo Cheo Reo (nay thuộc thị xã Ayun Pa và hai huyện Ia Pa, Phú Thiện tỉnh Gia Lai). Nhóm này cũng còn được gọi là Giarai Cheo Reo theo tên ghép của hai thủ lĩnh nổi tiếng trong vùng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX; hay Giarai Phun – có nghĩa là Giarai gốc.

– Nhóm Giarai Mthur cư trú ở khu vực tiếp giáp giữa người Giarai, Êđê và Chăm. Ở Gia Lai, nhóm địa phương sinh sống chủ yếu ở huyện Krông Pa.

Đến nay, tổ chức xã hội cổ truyền duy nhất còn tồn tại trong khu vực người Giarai là làng (plơi, bôn hoặc buôn). Plơi là cách dùng phổ biến trong hầu hết các nhóm Giarai còn bôn hay buôn chỉ được sử dụng trong khu vực người Giarai Chor và Giarai Mthur. Trong phần viết về dân tộc Giarai, tác giả Các dân tộc tỉnh Gia Lai – Công Tum cho rằng: plơi là từ gốc của người Giarai còn bôn, buôn là một từ trong ngôn ngữ Tày – Thái bắt nguồn từ bản.

Làng của người Giarai thường ở gần nguồn nước, thuận tiện cho việc sản xuất nhưng không ẩm thấp. Các làng Giarai thường cách biệt nhau. Theo
Lưu Hùng thì trung bình cứ 100km2 có 7,2 làng Giarai (con số này ở các tộc người láng giềng của người Giarai như: người Bana là 4,8; người Êđê là 8,3)276. Quy mô trung bình của một làng đồng bào dân tộc thiểu số ở bắc Tây Nguyên có khoảng 424 người277. Đối với người Giarai, quy mô làng lớn hay nhỏ tuỳ thuộc vào điều kiện tự nhiên và môi trường sống cụ thể gắn với cảnh quan địa hình và trình độ kinh tế. Ở những vùng đất đai màu mỡ, bằng phẳng, cư dân canh tác lúa nước như: Ayun Pa, Krông Pa, Ia Pa, Phú Thiện, quy mô mỗi làng khoảng trên dưới vài trăm nóc nhà. Những vùng triền núi, thung lũng hẹp như ở các huyện giáp biên giới phía tây, quy mô làng thường nhỏ. Số làng có quy mô không quá vài chục nóc nhà không hiếm.

Những ngôi nhà sàn trong một làng Giarai cổ truyền thường quây quần gần nhau và bố trí theo định hướng bắc – nam. Những nhóm Giarai trên cao nguyên Plâyku ngay từ khi lập làng đã chọn một khu đất giành riêng cho việc xây dựng ngôi nhà chung của cộng đồng gọi là nhà rông. Nhà rông mỗi làng to hay nhỏ phản ánh điều kiện kinh tế của dân cư trong làng. Đây là nơi dân làng tổ chức những lễ hội, lễ nghi tín ngưỡng của cộng đồng và tiến hành các sinh hoạt cộng đồng. Còn ở vùng người Giarai Chor và Giarai Mthur vốn không có ngôi nhà chung của làng nên mọi sinh hoạt, hội họp của cộng đồng thường được tiến hành ngay tại gian amang (gian khách) trong ngôi nhà của chủ làng (khoa Plơi).

Ngoài khu vực đất cư trú, làng của người Giarai bắt buộc phải có đủ đất – rừng bố trí cho sản xuất, nghĩa địa, nơi chăn thả gia súc, thu nhặt lâm thổ sản và săn bắn...

Mỗi làng Giarai đều có tên riêng, tên làng thường mang một ý nghĩa nhất định. Người Giarai hay đặt tên làng theo tên nguồn nước trong khu vực cư trú, ví dụ: Plơi Phìn (gần suối Ia Phìn), bôn Broái (gần suối Broái)... hoặc tên người lập làng như bôn Ama Yơng, plơi Bạc, bôn Ama HBư... Cũng có khi tên của một làng Giarai được đặt dựa theo một truyền thuyết cụ thể như Plơi Ku.

Làng Giarai cổ truyền thường có hàng rào bao quanh, có 2 cổng. Cổng trước để dân làng ra ngoài làng và đón khách vào làng, còn cổng phía sau để ra nghĩa địa.

Nhà sàn Giarai là nơi cư trú của các gia đình mẫu hệ, gồm có hai loại: Người Giarai Chor và Giarai Mthur cư trú trong những ngôi nhà dài, cửa lên xuống ở hai đầu hồi; còn các nhóm Giarai trên cao nguyên Plâyku lại sống trong những ngôi nhà nhỏ, cửa lên xuống được mở ở gian giữa, bên hông nhà.

Đứng đầu làng là những người đàn ông chủ các nóc nhà, có độ tuổi từ 40 trở lên, thạo ăn nói, giao tiếp rộng, am hiểu luật tục. Họ được gọi chung là pô pơ phun, phun pơ bút – có nghĩa là những người già/ nhóm người gốc. Một trong số những người đàn ông này sẽ được chọn làm người đứng đầu làng, già làng (khoa plơi hoặc tha plơi). Đây là người thay mặt cho toàn thể các già làng điều hành những công việc chung của làng như: dời làng, dựng nhà cho các thành viên trong làng, đặt tên làng, tiếp khách, tổ chức các lễ hội, phân xử các vụ việc theo luật tục...

Việc tách làng thường diễn ra ở các làng Giarai khi số lượng dân trong làng đông lên, đất đai không còn đủ cho việc canh tác.



2. Thử nhận diện tơring và thủ lĩnh các tơring trong xã hội Giarai cổ truyền

Một số tư liệu cho biết, trong lịch sử, người Giarai và một số dân tộc khác ở Tây Nguyên đã từng có một số tổ chức xã hội vượt ra khỏi phạm vi từng làng độc lập, thu hút nhiều làng để hình thành những cộng đồng lớn hơn gọi là tơring, char. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến tổ chức xã hội được gọi là tơring.



2.1. Về lý do hình thành các tơring, hiện còn có nhiều ý kiến:

– Trong công trình Tìm hiểu đồng bào Thượng, Nghiêm Thẩm tuy không nhắc đến tổ chức tơring trong xã hội Tây Nguyên cổ truyền, nhưng ông viết: khi muốn gây chiến tranh với một làng thì cũng cần phải tìm những bạn đồng minh, thường thì họ chọn những làng có chung một gốc 278.

– Khi nghiên cứu: Văn hoá xã hội & con người Tây Nguyên 279, Nguyễn Tấn Đắc viết: Một số làng ở trên một ngọn đồi nào đấy hay ở trong một thung lũng nào đấy có thể liên kết với nhau thành một tơring, cùng chia sẻ những quan hệ thế tục nào đó, nhưng mỗi làng vẫn độc lập trong những lễ thức cúng tế của mình.

– Tác giả Các dân tộc tỉnh Gia Lai – Công Tum, phần viết về người Giarai cũng cho rằng: Tơring vốn là một cộng đồng lãnh thổ. Những làng cùng một tơring có thể cùng một làng gốc, sau đó phát triển thành những làng lân cận… Tuy nhiên, người ta không thể ngoại trừ nguyên nhân của lịch sử chinh chiến đã làm xuất hiện những liên minh làng (hrom bít plơi). Lúc đó, tơring vốn là một cộng đồng lãnh thổ lại phát triển thành một liên minh có tính chất quân sự. Từ một tổ chức liên minh làng (hrom bít plơi), phát triển thành những liên minh lớn hơn để khuynh loát lẫn nhau 280.

Chúng tôi cho rằng, để tìm được lý do hình thành tơring trong xã hội Giarai cổ truyền, cần nhìn lại toàn cảnh xã hội Tây Nguyên trước khi người Pháp có mặt ở đây. Nhiều tư liệu cho biết, từ sau khi người Chăm rút đi cho đến trước lúc người Pháp có mặt ở Tây Nguyên, vùng đất nay là Tây Nguyên luôn ở trong tình trạng bất ổn. Sau hàng trăm năm thường xuyên uy hiếp, người Xiêm La đã tràn vào chiếm một vùng rộng lớn phía tây cao nguyên… làm cho cư dân ở đây phải chịu nhiều tang tóc, xáo động, nhiều tộc người đã phải thiên di vào những vùng núi hẻo lánh hơn. Việc lập thị trường buôn bán nô lệ từ Băng Cốc qua Atôpơ và Phnông Pênh của bọn phong kiến Thái Lan là nguyên nhân của những cuộc chiến tranh đánh cướp nô lệ giữa các bộ phận dân cư nhằm duy trì thường xuyên nguồn hàng cho thị trường buôn người. Ở vùng ngã ba biên giới, có những tổ chức cướp nô lệ gần như chuyên nghiệp281.

Cửu Long Giang và Toan Ánh cũng ghi nhận: “nhiều trận đánh nhau dữ dội đã diễn ra giữa bộ lạc Mạ và Phù Nam, bộ lạc Giarai và Rhade với Lâm Ấp… họ (tức người Giarai và Êđê – NTKV) cũng không được yên ổn vì người Lâm Ấp luôn tổ chức những cuộc đột nhập những nơi (họ) định cư để đánh cướp nô lệ, của cải”282.

Trong công trình Không gian xã hội vùng Đông Nam Á, Georges Condominas viết: “Trước khi người Pháp đến, tổ chức xã hội và chính trị của đa số các bộ lạc người Đông Dương nguyên thuỷ ở miền Trung Việt Nam chưa hề vượt ra khỏi khuôn khổ cái làng. Mỗi làng sống độc lập với làng lân cận mà lúc nào cũng ở trong tình trạng chiến tranh ngầm với nhau, trừ phi là thoả thuận liên minh với nhau, một thứ liên minh thường không lâu bền… nhằm chống một làng thứ ba”283.

Vị Quản đạo thứ tư của đạo Kon Tum ở thập niên 30 của thế kỷ XX là Võ Chuẩn cũng cho biết: “Lúc Mọi chưa đầu phục ai… thì Mán này đánh Mán kia, làng này đánh làng kia, chớ không khi nào thái bình, yên tĩnh đặng. Làng nào có trâu, bò, lúa gạo nhiều thì tự lo mà đề phòng lấy…”284.

Trong những cuộc chiến tranh thường xuyên diễn ra giữa các buôn làng để tranh giành tài sản, cái quý giá nhất đối với họ là tù binh. Việc đánh cướp, mua bán nô lệ không chỉ giữa các làng, các dân tộc trên cao nguyên với nhau mà bộ phận cư dân có sức mạnh còn tràn cả xuống vùng đất phía tây các tỉnh duyên hải miền Trung Việt Nam, cướp của cải từ các làng Việt và bắt người làm nô lệ. Khi các Linh mục thừa sai lên vùng đất nay là thị xã Kon Tum vào nửa cuối thế kỷ XIX, nhiều người Việt trước kia bị bắt làm nô lệ trong các làng buôn đã được chuộc về sống thành làng như: một bộ phận dân làng Phương Quý, nguyên là những người Việt bị người Sêđăng bắt, được linh mục Poyet chuộc về; dân làng Ngô Trang nguyên là người Quảng Nam bị bắt, được Linh mục Irregoyen (cố Hương) chuộc285.

Như vậy, việc hình thành các tơring trong khu vực người Giarai trước khi người Pháp có mặt ở Tây Nguyên, bên cạnh lý do có cùng làng gốc, không thể thiếu lý do các làng cần liên minh với nhau để tạo thêm sức mạnh quân sự.



2.2. Về thủ lĩnh

Trong công trình Tìm hiểu đồng bào Thượng công bố trên tạp chí Quê hương năm 1961, khi viết về các thủ lĩnh Thượng nói chung, Nghiêm Thẩm nhận xét: không biết từ bao lâu rồi, những người giàu có đã chiếm được địa vị quan trọng trong xã hội Thượng. Hiện nay, trong tất cả các bộ lạc Thượng, những người có nhiều của đều chiếm uy lực và quyền thế… Ở dân tộc Giẻ của tỉnh Kon Tum, việc thay đổi các thủ lĩnh thường xuyên diễn ra, khi ai trở nên giàu có thì người đó được làm thủ lĩnh286.

Quan sát các thủ lĩnh Êđê và Mnông ở Đắk Lắk, Hồ Văn Đàm cũng thấy rằng: “Lúc xưa mỗi bộ lạc có một tù trưởng, vị tù trưởng ấy tức là kẻ giàu, có oai tín thống trị một vùng”287.

Khác với những quan điểm trên, Paul Gullemenet lại cho rằng: tơring không có người đứng đầu mà chỉ có những già làng, những kră pơlei288. Và chính những người Pháp đã bổ nhiệm những kră tơring289. Bằng cách chọn những chức việc có ảnh hưởng nhất trong tơring, chính quyền Pháp đã làm thoả mãn người Bana, và khi chính quyền không chọn đúng đối tượng, những chức việc kră tơring do chính quyền bổ nhiệm dễ mất ảnh hưởng, cần phải thay thế ngay290.

Đối với người Giarai, trang tin điện tử của Uỷ ban Dân tộc viết: Người đứng đầu tơringkhoa tơring, giúp việc xét xử có pô phăt kđitha kđi.

Nhiều tư liệu thành văn cũng như tư liệu điền dã cho chúng tôi biết, những người thợ săn giỏi, thể hiện được sự dũng mãnh trong những cuộc săn thú lớn luôn được cộng đồng tôn kính. Họ thường giàu có và trở thành thủ lĩnh, như Chreo (Ayun Pa), Jép (ở khu vực tây nam Gia Lai)… sự giàu có mà một bộ phận người Tây Nguyên nói chung, người Giarai nói riêng có được, ngoài dựa vào thần quyền (sức mạnh có được từ niềm tin của cư dân có tín ngưỡng “vạn vật hữu linh”), còn phải dựa vào sức mạnh quân sự do họ tạo dựng được bởi khả năng săn bắn, chinh chiến vượt trội so với những người trong cộng đồng.

Như vậy, có thể nói: thủ lĩnh các tơring của người Giarai có được quyền lực chủ yếu bằng sức mạnh quân sự, kinh tế cộng với sức mạnh thần quyền mà họ có được bởi hào quang từ niềm tin của cư dân thuộc tín ngưỡng “vạn vật hữu linh”.

2.3. Về tên gọi tơring

– Paul Gullemenet cho rằng: trong khu vực người Bana tơring không có tên. Tuy nhiên, ở phần dẫn giải ông lại viết “người Bana đặt tên cho tơring một tên làng có lẽ duy nhất, họ một làng đã từ lâu chiếm hữu tơring và các tơring này từ đó đến nay đã phân chia thành nhiều bộ phận291.

Ở khu vực người Giarai, các tơring đều có tên. Tên gọi của tơring thường được đặt theo tên của các thủ lĩnh với ý nghĩa chỉ vùng đất đó là của thủ lĩnh cùng tên (như tơring lon Chú Chreo, tơring lon Sa Gâm...) nhưng cũng có trường hợp, tơring mang tên một địa danh nổi tiếng của vùng hoặc tên của một nhóm Giarai địa phương (tơring Lon Hdrung).

Những tơring của người Giarai thường được nhắc đến là: tơring lon Chú Chreo (có nghĩa là vùng đất của Chú Chreo) ở khu vực Ayun Pa, Ia Pa, Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) hiện nay; tơring lon Sa Gâm (vùng đất của Sa Gâm), ở khu vực nay là huyện Krông Pa; tơring lon Hdrung (hiện là nhiều huyện trên cao nguyên Plâyku)…



2.4. Về cấu trúc tơring

Khi nghiên cứu xã hội Bana, Paul Gullemenet cho rằng: thuật ngữ “tơring” chỉ một khu vực địa lý mà cư dân sinh cơ lập nghiệp ở đó. Trong tất cả những tên khu vực địa lý, chỉ có “tơring” là có ranh giới rõ rệt, không ai nhầm lẫn, và không ai tranh chấp nữa. Tơring có dân cư của mình, đó là dân các làng an cư lập nghiệp ở đấy. Không ai có thể bỏ một phần đất tơring cho người khác. Việc sử dụng đất đai, rừng rú và nguồn nước trong tơring dành cho dân cư, không ai là không có quyền sử dụng… Người Bana tìm cách định cư trong các tơring của họ, vì họ không thể đi nơi khác được292.

– Trang tin điện tử của Uỷ ban Dân tộc cũng viết: Xã hội Giarai truyền thống có hình thức cố kết vùng gọi là tơring. Tơring là cộng đồng lãnh thổ, khi có chiến tranh trở thành liên minh quân sự.

– Nguyễn Tấn Đắc thì viết: tơring, một tập hợp không chính quy về văn hoá và địa lý của một số làng ở gần nhau… Nhưng đó chưa phải là một tổ chức xã hội chính trị, tôn giáo ở trên làng và nó không để lại dấu vết gì trong tổ chức xã hội hiện nay ở Tây Nguyên 293.

Đối chiếu tư liệu của những người đi trước với tư liệu điền dã trong vùng đồng bào Giarai, bước đầu chúng tôi cho rằng: tơring là một tập hợp những làng ở gần nhau, một cộng đồng lãnh thổ. Mỗi tơring có một hay một số thủ lĩnh. Trong trường hợp có chiến tranh, tơring trở thành liên minh quân sự. Thành viên ban đầu của các tơring thường là những làng có cùng làng gốc (hrom bít plơi/ hrom phun bôn), sau đó phát triển ra những làng lân cận. Sự gắn kết giữa các làng trong cùng tơring còn lỏng lẻo, chưa thật sự là một tổ chức chính trị, xã hội hay tôn giáo. Vai trò của các thủ lĩnh tơring chỉ nổi bật khi tiến hành các nghi lễ hoặc có chiến tranh.

Ngoài tổ chức xã hội tơring, trong khu vực người Giarai cũng xuất hiện vùng lãnh thổ liên minh cộng đồng gọi là đế char (vùng rộng lớn). Các Pơtao là những vị “vua” có ảnh hưởng rộng lớn ở toàn vùng đế char. Họ là hiện thân của sự tín ngưỡng yang. Nên đế char cũng có thể coi như một lãnh thổ tập hợp các tơring dưới hình thức tôn giáo. Trên thực tế, các pơtao Ia (vua Nước), pơtao Apui (vua Lửa) từ xưa chỉ chuyên cúng trời, đất, cầu mưa thuận gió hoà... Trong ngôn ngữ Giarai hiện nay, khái niệm char vẫn còn được sử dụng để chỉ những lãnh thổ quốc gia.



3. Những thủ lĩnh và tơring nổi tiếng của người Giarai cuối thế kỷ XIX –
đầu thế kỷ XX


3.1. Thủ lĩnh Chú, Chreo và tơring lon Chú Chreo

Cho đến cuối thế kỷ XIX, khu vực được gọi là Cheo Reo dưới thời thuộc Pháp, nay là thị xã Ayun Pa và các huyện Ia Pa, Phú Thiện, chỉ có một bộ phận rất ít người Giarai cư trú. Cả vùng thung lũng ngã ba hai con sông Ayun, Apa trở thành một vùng rừng lớn, có nhiều tê giác, cọp, nai và bò rừng... rất lý tưởng cho các thợ săn đến săn bắn. Sau những chuyến đi như vậy, nhiều người thấy đất đai ở đây màu mỡ, gần nguồn nước, thuận lợi cho việc canh tác... đã đưa bà con, dòng họ, cộng đồng của mình từ nơi khác đến lập làng.



Hợp lưu của 2 con sông Ayun và Apa là trung tâm của tơring lon Chú Chreo đầu thế kỷ XX

Anh em Chú và Chreo sau nhiều lần đến săn bắn ở khu vực từ Rơngol Por Klang294 (nay là nhà máy đường Ayun Pa) tới vùng đất nay là trung tâm thị xã Ayun Pa đã đưa dòng họ Rơchom của mình từ Chứ Jú (núi Đen) đến đây lập làng vào nửa cuối thế kỷ XIX.

Về địa danh Chứ Jú (Núi Đen) – nơi dòng họ Rơchom của các thủ lĩnh Chú và Chreo ra đi – hiện có 2 luồng ý kiến khác nhau:

– Ý kiến thứ nhất cho rằng, Chứ Jú – quê hương của Chú và Chreo – là từ phía đông (phía Krông Pa) lên. Chúng tôi đã khảo sát vùng này và được biết: ở khu vực tây bắc huyện Krông Pa, hiện có 2 dãy núi có thành tố đầu là Jú (tiếng Giarai có nghĩa là Đen): Jú Hđang (Thần Cọp Đen) và Jú Mơtlăn (Thần Trăn Đen) nhưng không có ngọn núi nào chỉ đơn thuần mang tên Jú.

– Ý kiến thứ hai295 khẳng định: Chứ Jú (núi Đen) – nơi Chú và Chreo cùng bà con của các ông từ đó ra đi – là dãy núi ở phía bắc Đăk Lăk. Chúng tôi cũng đã xác minh, ở xã Chư Né, huyện Krông Buk, cách thị trấn Buôn Hồ khoảng 35km về phía bắc, giáp huyện Ea H’leo, có một dãy núi mà người Giarai ở đây gọi là Chứ Jú. Đây là khu vực cư trú lâu đời của người Giarai. Theo chúng tôi, đây mới là quê hương của hai thủ lĩnh Chú và Chreo.

Chú, Chreo có bà tổ chung là Rơchom H’It. Về mối quan hệ giữa Chú và Chreo hiện cũng có hai ý kiến:

– Ý kiến thứ nhất: Bà tổ của Chú và Chreo là Rơchom H’It có hai con gái là H’Wik và H’Ko. H’Wik lại có hai người con gái là H’Bem và H’lok. Theo phong tục của người Giarai, H’Bem và H’Lok vẫn cùng ở trong nhà của H’Wik sau khi họ lấy chồng. Năm đó, do có dịch đậu mùa nên họ phải tách ra ở cách nhau khoảng 1km. H’Bem có ba người con: người con gái lớn là H’Leo lấy thủ lĩnh Nay Jak. H’Leo chính là chị gái của Chú và Chreo (như vậy, có thể hiểu Chú và Chreo là hai anh em ruột).

– Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng Chú và Chreo là hai anh em họ. Chú là con người chị cả (tức H’Bem); Chreo là con người em (H’Lok). Hai anh em rất khác nhau về thể chất và tính cách. Chú có thân hình nhỏ bé, lười làm rẫy, nhưng rất giỏi trong việc xét xử các vụ kiện; còn Chreo cao to, vạm vỡ và khoẻ mạnh phi thường. Người ta nói rằng, ông có thể phát rẫy nhanh hơn bất cứ ai. Anh em Chú và Chreo ham săn bắn, đánh nhau. Chú, Chreo thường săn những động vật nổi tiếng hung dữ như tê giác, voi… để chứng tỏ sức mạnh của mình. Họ giàu lên rất nhanh nhờ những tài này. Cũng nhờ Chú và Chreo mà dòng họ Rơchom ngày càng trở nên giàu và có ảnh hưởng lớn trong vùng. Họ có chiêng Lào, nhiều trâu, bò (những tài sản quý giá nhất đối với các dân tộc Tây Nguyên). Không ít người đã trở thành nô lệ của dòng họ này do mắc nợ không trả nổi. Riêng các thủ lĩnh Chú và Chreo còn có cả súng Lào (hiện người kế vị dòng họ Rơchom là bà Rơchom H’Uel ở bôn Broái còn giữ), có gươm và kiếm. Những vũ khí này là vật bất ly thân của các ông. Bên cạnh việc thể hiện sức mạnh, súng, gươm, kiếm còn là biểu hiện của sự giàu sang. Người ta nói rằng, cả Chú và Chreo đều không lấy vợ, nhưng có con ở khắp vùng.

Khu vực ảnh hưởng của anh em Chú, Chreo được gọi là tơring lon Chú Chreo, nghĩa là vùng đất của Chú Chreo nằm ở thung lũng ngã ba hai con sông Ayun và Apa. Tư liệu điền dã cho chúng tôi biết, bên cạnh bộ phận dân cư đã ở đây từ trước và chịu ảnh hưởng của yang pơtao Apui (thần vua Lửa), những người thuộc dòng họ Rơchom của các thủ lĩnh Chú, Chreo còn có nhóm cư dân theo ông Thăm di cư từ bắc Đăk Lăk sang. Đến nay, chúng tôi đã xác định được là có ít nhất 2 làng ở huyện Ia Pa thuộc nhóm này:

– Nhóm dân bôn Thăm thuộc xã Ia Trôk, huyện Ia Pa: Khoảng cuối thế kỷ XIX, một người tên là Thăm ở bôn Săm (nay thuộc huyện Ea Hleo, Đăk Lăk) trong lúc đi săn đã phát hiện ra vùng đất màu mỡ phía bắc sông Ayun và đưa vợ con đến khai phá lập làng. Theo chân ông, nhiều người khác từ bôn Săm cũng đến đây sinh sống, hình thành một làng Giarai mang tên ông. Nay bôn Thăm đã là một làng Giarai trù phú nằm ở phía nam huyện Ia Pa, trên trục tỉnh lộ 669 từ thị xã Ayun Pa đi An Khê.

– Nhóm dân bôn Chơma, thuộc xã Ia Trôk, huyện Ia Pa: Khi thấy ông Thăm đến phía bắc sông Ayun lập bôn Thăm, nhiều người khác từ bôn Săm cũng theo ông đến vùng đất mới sinh sống. Vì cư dân trong làng đã đông nên ông Thăm bắt những người đến sau phải lập thành làng riêng ở phía tây. Làng mới lập thêm lúc đầu gọi là Tơma. Trong tiếng Giarai, tơma có nghĩa là xâm nhập. Vì cho rằng đây là một cái tên có ý nghĩa không hay nên dần dần, dân làng gọi chệch là Chơma. Nay bôn Chơma cũng đã trở thành một làng Giarai trù phú.

Trong vùng đất của mình, tư liệu thành văn cũng như điền dã đều chưa chứng minh được rằng các thủ lĩnh Chú và Chreo giữ vai trò là người đứng đầu một tổ chức xã hội thật sự với các chức năng như: quản lý lãnh thổ, tổ chức sản xuất, tổ chức về chính trị hay thực hiện các chức năng tôn giáo chung của cả tơring... Ảnh hưởng của các thủ lĩnh đối với các cộng đồng trong vùng chỉ ở mức làm cho cư dân nể sợ vì sức mạnh quân sự, vì sự giàu có của các ông và dòng họ Rơchom. Chỉ khi các làng trong vùng cần liên minh về mặt quân sự để chống lại lực lượng quân sự khác thì vai trò và khả năng quân sự của các thủ lĩnh mới thật sự được phát huy.



3.2. Thủ lĩnh Rơlan Sa Gâm và tơring lon Sa Gâm

Nếu như vùng ảnh hưởng cũng như thân thế của Chú, Chreo và tơring lon Chú Chreo đã được một số công trình nghiên cứu quan tâm, trong dân gian cũng có nhiều người biết đến, thì về thủ lĩnh Sa Gâm và tơring lon Sa Gâm có rất ít thông tin. Trong cố gắng muốn làm sáng tỏ về thủ lĩnh Sa Gâm và vùng đất của ông, chúng tôi đã từng bước lần ra manh mối, tìm đến được ngôi làng của Sa Gâm – vị tù trưởng uy tín nhất trong nhóm Giarai Mthur những năm đầu thế kỷ XX.

Sa Gâm là một người Giarai thuộc dòng họ Rơlan. Những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, nhờ khống chế được con đường buôn muối từ Phú Yên qua Krông Pa – Cheo Reo, lên cao nguyên Plâyku mà ông trở thành một thủ lĩnh rất giàu, và có ảnh hưởng lớn ở phía đông đèo Tôna. Làng của Rơlan Sa Gâm nằm ở phía đông sông Ba (đoạn gần cầu Lệ Bắc), cách con đường huyết mạch nối vùng ven biển Phú Yên với thung lũng Cheo Reo và cao nguyên Plâyku (nay là quốc lộ 25) khoảng 7km về phía bắc (trên bờ ia Rsai)296. Ban đầu tên làng là gì thì hiện không ai còn nhớ. Người ta chỉ biết hiện nó được gọi là bôn Puh (do ở gần ia Puh – suối Puh), còn Hikkey thì viết là bôn Mpuh297. Có một thời gian người ta cũng gọi làng này là bôn Kuan298. Từ bôn Puh/Mpuh ban đầu, dưới thời thuộc Pháp cư dân đã tách ra lập thêm 2 bôn mới là Pan và Kting.

Những người già trong làng299 cho biết, người Giarai thường gọi Rơlan Sa Gâm là ơi Sa (ông Sa) – theo cách biểu thị lòng tôn kính của họ. Là người đứng đầu làng, nên nhà của Rơlan Sa Gâm cũng được làm ở đầu làng theo phong tục. Những người già trong làng còn nhớ, trước nhà ông có 3 cây gòng (blang) rất lớn. Đây là nơi các bà vợ ông thường ngồi dệt vải. Ba cây gòng này không chỉ đánh dấu vị trí trước kia là khu vực nhà của ông và các bà vợ mà còn là vật chứng đánh dấu những cuộc hiến sinh trâu do ông thực hiện sau những lần được “thần linh phù hộ” để ông và các chiến binh của mình chiến thắng trong những cuộc chinh chiến300. Vị trí này nay còn lại dấu vết là những gốc gòng rất to đã bị đánh bật gốc và đốt cháy nham nhở ở phía trước trường học bôn Puh, xã Ia Rsai, huyện Krông Pa (ảnh dưới).

vị trí án ngữ con đường huyết mạch từ Phú Yên lên vùng thung lũng sông Ba và các cao nguyên phía tây, trong nhiều năm, Rơlan Sa Gâm đã tổ chức những đội quân khống chế con đường buôn muối từ đồng bằng nam Trung Bộ lên cao nguyên.

Để giải quyết vấn đề muối cho vùng cao, đồng thời tăng cường liên minh với vị thủ lĩnh đầy uy lực ở phía đông, anh em thủ lĩnh Chú, Chreo của tơring lon Chú Chreo ở phía tây phải tìm cách thiết lập quan hệ hôn nhân với thủ lĩnh Rơlan Sa Gâm. Theo kế hoạch này, người con gái của dòng họ Rơchom là H’Blion (con của Rơchom H’leo và Nay Jak, cháu của Chú và Chreo) được sắp xếp để cưới Nay Nui – con trai duy nhất của Rơlan Sa Gâm301 làm chồng. Cuộc hôn nhân diễn ra rất thuận lợi. Tư liệu của Hickey cho biết, trong cuộc hôn nhân này, Nay Nui đã đem theo về nhà vợ rất nhiều ché rượu cùng khoảng 200 gia súc, 300 con trâu và nhiều nhà gỗ (kể cả căn nhà dài rất nổi tiếng lúc đó ở cạnh cây đa – nay thuộc thị xã Ayun Pa). Nay Nui về sau cũng trở thành một thủ lĩnh rất nổi tiếng ở khu vực các con sông Ayun – Apa vào những năm giữa thế kỷ XX.

Tư liệu điền dã mà chúng tôi thu thập được cho biết, Rơlan Sa Gâm có 7 bà vợ. Người vợ đầu của ông thuộc dòng họ Nay, người thứ hai thuộc dòng họ Ksor, tên H’Sứ;… và người vợ cuối cùng là Rơ Ô H’Đao. 7 bà vợ của ông sống trong
7 ngôi nhà sàn riêng biệt, tạo thành một hàng ngang ở đầu làng. Những ngôi nhà này được bố trí theo thứ tự từ đông sang tây cho các bà có thứ bậc từ lớn nhất đến nhỏ nhất.

Thủ lĩnh Rơlan Sa Gâm rất hiếm con. Trong số 7 bà vợ của ông, chỉ có hai bà sinh được con, mà mỗi bà cũng chỉ có một con. Bà vợ họ Nay đẻ ra người con trai sau này rất nổi tiếng là Nay Nui (tức ama H’Bư), ảnh hưởng của ông bao trùm cả khu vực tơring lon Chú Chreo tơring lon Sa Gâm; bà vợ họ Ksor đẻ ra một người con gái (sau này con cháu bà ở buôn Đê – thị trấn Ayun Pa).

Tuy rất ít con, nhưng cả hai người con Rơlan Sa Gâm khi qua đời đều gắn với những truyền thuyết theo niềm tin của cư dân thuộc tín ngưỡng “vạn vật hữu linh”:

– Về Nay Nui302, tư liệu dân gian còn lưu truyền, trước khi Nay Nui được sinh ra, một con cóc/ nhái trắng có chân, to lạ lùng xuất hiện ở gần nhà. Rơlan Sa Gâm bắt nó ném xuống sông, nhưng ngày hôm sau nó lại quay về. Sau ba lần như vậy, Sa Gâm phải cúng 1 con heo và 3 ché rượu con cóc mới biến mất. Người Giarai tin rằng, đây là dấu hiệu cho biết, đứa bé này ngay từ khi ra đời đã được thần linh chăm sóc. Đó là một dấu hiệu để sau này sẽ trở thành một thủ lĩnh.

Từ lúc còn nhỏ, Nay Nui đã tỏ ra là một người có sức khoẻ tuyệt vời. Những người Giarai ở Ayun Pa, Krông Pa tin rằng đó là biểu hiện của Kdruh – tức là ân huệ của thần linh. Cư dân vùng này truyền tụng rằng, ở tuổi thanh niên, Nay Nui có thể nhảy qua một hàng 7 con trâu nước, hoặc nhảy lên cái bệ trước nhà ông (tại Cheo Reo) cao từ 6 – 8 foot303.

– Về người con gái họ Ksor hiện còn lưu truyền câu chuyện: Do rất hiếm con, nên khi người vợ họ Ksor sinh được con gái ông rất mừng 304. Vì quá mừng mà trong lễ thổi tai cho con gái, ông mời dân làng đến ăn uống suốt 7 ngày. Người ta đặc biệt nhớ đến những lễ vật quý hiếm mà ông dâng cúng thần linh trong lễ thổi tai này gồm 7 con chim Ktrâo (cu đất); 7 con gà; 7 con vịt; 7 con công; 7 ché rượu;


7 con heo.

Khi lớn lên, người con gái họ Ksor của thủ lĩnh Rơlan Sa Gâm có triệu chứng của bệnh tâm thần nhẹ. Những người Giarai trong vùng tin rằng, vì cha của bà làm lễ thổi tai cho con gái quá linh đình, cúng tế không đúng theo quy định của tổ tiên, nên bà bị yang (thần linh) phạt.



Tơring lon Sa Gâm, có nghĩa là vùng đất của Sa Gâm nay là huyện Krông Pa, thuộc khu vực người Giarai Mthur. Đây là vùng đất tiếp giáp với tỉnh Phú Yên (về phía đông) và tỉnh Đắk Lắk (về phía nam). Ranh giới phía tây ngăn cách tương đối tơring lon Sa Gâm với tơring lon Chú Chreo là dãy núi có đường đèo Tôna (Tông Ă)305 men theo dòng sông Ba hiểm trở.

Theo tư liệu điền dã của chúng tôi, dưới thời thuộc Pháp, khu vực Ia Sươm/Xiêm thuộc huyện Krông Pa (nay tách ra thành các xã: Uar, Ia Sươm, Chư RKăm và Ia Rsai) chỉ có các bôn (làng):

– Ma Thur/ hay Ama Thur, sau bôn này đổi thành bôn Ma Blul, khi ông Blul (là con rể của ma Thur) thay thế cha vợ làm chủ làng. Hiện nay bôn Ma Blul không tồn tại nữa. Cư dân của bôn này chia làm hai, một nửa về bôn Toat, nửa còn lại nhập vào bôn Tiang;

– Tiang nay là một làng thuộc xã Uar;

– Toat là làng nằm trên đường từ Ia Sươm vào xã Uar;

– Dôn Chui, nay là bôn Ơi Nu A, thuộc xã Ia Sươm;

– Hlang: bôn này trước có tên là bôn Ma Thung, từ khi Hlang lên làm chủ làng thì tên làng cũng được gọi theo tên ông. Hiện bôn này thuộc xã Chư RKăm;

– Ma I: nay thuộc xã Chư RKăm;

– Mpuh/ Puh: nay thuộc xã Ia Rsai;

– Pan: nay thuộc xã Ia Rsai;

– Kting: nay dân đã nhập vào với bôn Pan;

Từ những điều tra trên, chúng tôi cho rằng, có nhiều khả năng, trong khu vực tơring lon Sa Gâm trước đây đã từng có một làng lớn nằm ven đường mang tên Ma Thur. Khi những người Việt và người Pháp đến vùng này, họ đã gọi chệch Ma Thur thành Mthur theo cách biến âm rất phổ biến của các địa danh hiện nay ở khu vực người Giarai và Bana tỉnh Gia Lai. Dần dần Mthur, từ tên của một làng trong khu vực, đã được các bộ phận dân cư khác dùng chung để chỉ nhóm cư dân thuộc ngữ hệ Malayo – Polinesien ở phía đông đèo Tôna với những đặc trưng văn hoá có ít nhiều khác biệt với các nhóm Giarai ở phía tây. Dù sao đây cũng chỉ là một giả thiết mà chúng tôi đặt ra để những người quan tâm có thể tìm hiểu thêm khi có điều kiện.

Cư dân của tơring lon Sa Gâm gồm hai bộ phận, một bộ phận thuộc các làng đã sinh sống ở vùng này từ lâu đời với thủ lĩnh Rơlan Sa Gâm khá nổi tiếng trong những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX và bộ phận dân cư thứ hai di chuyển từ phía đông lên muộn hơn. Đại diện cho bộ phận dân cư đến sau này là nhóm dân ở bôn Ơi Nu (xã Ia Sươm). Ơi H’Muôn là con rể nhà giáo Nay Đer và hiện là chủ căn nhà trước đây của dòng họ Nay Đer tại bôn Ơi Nu cho chúng tôi biết: những người lập bôn Ơi Nu thuộc họ Rơlan vốn ở khu vực người Hroai (phía tây Phú Yên). Vào khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, sau những lần đến vùng đất ven sông Ba này săn bắn, thấy đất đai ở đây có thể canh tác được, hai người họ Rơlan mà sau này dân làng gọi là Dôn 306 Chui và Dôn Đối đã cùng nhau đóng góp để mua đất lập làng. Lúc đó, vùng đất nay thuộc bôn Ơi Nu thuộc quyền chiếm hữu của một người họ Rơ Ô ở bôn Hyú (nay thuộc xã Chư Rcăm). Những người họ Rơlan đã đổi chiếc ché Tơjú (lúc đó có giá tương đương với 8 con trâu) để được sở hữu vùng đất này.

3.3. Tơring lon Hdrung

Tơring này là một vùng rộng lớn nay thuộc nhiều huyện trên cao nguyên Plâyku. Tuy nhiên, cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa tìm được nguồn tư liệu dân gian cũng như thành văn nào để có thể làm rõ hơn về tơring lon Hdrung và các thủ lĩnh của nó.

Tuy nhiên, khi khảo sát và thu thập tư liệu, chúng tôi được ông Ngô Thành (nguyên Phó Bí thư Tỉnh uỷ Gia Lai) – người hoạt động lâu năm ở vùng này – cho biết: Vùng Plei Me có người Giarai tên Jep, ông là người làng Khôih nay thuộc xã Ia Me, Chư Prông, ông rất giỏi săn bắn, nhất là săn bò tót bằng lao, giáo. Mỗi khi đi săn, ông thường cưỡi ngựa đuổi theo con vật, chờ cho đến khi nó mệt lử, quay đầu lại là ông dùng lao, giáo đâm thẳng vào tim bò tót. Rất ít người dám làm việc này, vì nếu đâm trượt thì người thợ săn sẽ bị bò tót húc chết. Do săn giỏi nên ông có uy tín rất lớn trong vùng; nhà có nhiều chiêng ché, nồi đồng, trâu, ngựa nhưng chưa được coi là thật sự giàu có. Vì theo quan niệm của người Giarai ở đây thì người giàu là phải có voi. Tuy nhiên, người cung cấp tư liệu cho chúng tôi cũng nói rằng, ông không chắc Jep đã có được vai trò của thủ lĩnh tơring hay chưa.

Như vậy, nếu hình dung quốc lộ số 25 nối vùng đồng bằng ven biển miền Trung (từ địa bàn tỉnh Phú Yên) với cao nguyên Plâyku như một chiếc thang khổng lồ, mà trên đó có ba “bậc thang” quan trọng, cao dần từ đông lên tây là: dốc Suối Thá (thuộc huyện Sơn Hoà, tỉnh Phú Yên)  đèo Tôna (ranh giới vùng trũng Phú Túc với vùng trũng Cheo Reo)  đèo Chư Sê (ranh giới vùng trũng Cheo Reo với cao nguyên Plâyku) thì tương ứng với mỗi bậc thang đó là một tơring trong xã hội cổ truyền của người Giarai: tơring lon Sa Gâm nằm trên “bậc thang” thứ nhất từ dốc Suối Thá đến chân (đông) đèo Tôna, còn tơring lon Chú Chreo nằm trên “bậc thang” thứ hai, từ trên (tây) đèo Tôna đến chân (đông) đèo Chư Sê và ở nấc thang trên cùng là tơring lon Hdrung.

Chúng tôi hy vọng, những thông tin trong bài viết sẽ góp phần làm sáng tỏ thêm cơ cấu xã hội của người Giarai ở Tây Nguyên trước khi người Pháp tiến vào vùng đất này và đặt lên trên các tổ chức xã hội cổ truyền của người Giarai những đơn vị hành chính mới.

1   ...   11   12   13   14   15   16   17   18   ...   24




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương