Phê duyệt Đề án “Tuyên tuyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh



tải về 114.6 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu10.08.2016
Kích114.6 Kb.
#16879


ỦY BAN NHÂN DÂN CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

TỈNH BÌNH PHƯỚC Độc lập - Tự do - Hạnh phúc


Số: 264/QĐ-UBND Bình Phước, ngày 21 tháng 02 năm 2013



QUYẾT ĐỊNH

Phê duyệt Đề án “Tuyên tuyền, phổ biến pháp luật cho người

lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh

nghiệp giai đoạn II (2013-2016) trên địa bàn tỉnh





CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC
Căn cứ Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật ngày 20/6/2012;

Căn cứ Quyết định số 409/QĐ-TTg ngày 09/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 04-KL/TW ngày 19/4/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về kết quả thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW;


Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 136/TTr-LĐTBXH ngày 25/01/2013,


QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Tuyên tuyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp giai đoạn II (2013 - 2016) trên địa bàn tỉnh”.

Điều 2. Giao:

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành có liên quan tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện hàng năm, kiện toàn Ban chỉ đạo, Tổ chuyên viên giúp việc, Tổ thư ký thực hiện Đề án.

2. Sở Tài chính cân đối, bố trí nguồn kinh phí để thực hiện Đề án.

3. Các sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã xây dựng kế hoạch thực hiện hàng năm theo nhiệm vụ được phân công trong Đề án.



Điều 3. Các ông(bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở, ngành: Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Ban Quản lý Khu kinh tế, Tỉnh đoàn, Liên đoàn Lao động tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Bình Phước; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành, kể từ ngày ký.

Quyết định này thay thế Quyết định số 1696/QĐ-UBND ngày 19/6/2009, của UBND tỉnh./.


KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH

Nguyễn Huy Phong

ỦY BAN NHÂN DÂN CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

TỈNH BÌNH PHƯỚC Độc lập - Tự do - Hạnh phúc



ĐỀ ÁN

Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao

động trong các loại hình doanh nghiệp giai đoạn II (2013-2016)

trên địa bàn tỉnh

(Kèm theo Quyết định số 264/QĐ-UBND ngày 21/02/2013 của UBND tỉnh)



I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH ĐỀ ÁN

1. Cơ sở pháp lý xây dựng Đề án:

- Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật ngày 20/6/2012;

- Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 9/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cáo ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân;

- Kết luận số 04-KL/TW ngày 19/4/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về kết quả thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW;

- Quyết định số 409/QĐ-TTg ngày 09/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 04-KL/TW;

- Kế hoạch 103/KH-UBND ngày 13/6/2012 của UBND tỉnh triển khai Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 04-KL/TW ngày 19/4/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI);

- Công văn số 6455/BTP-BPGDPL ngày 14/8/2012 của Bộ Tư pháp về việc triển khai thực hiện Quyết định số 409/QĐ-TTg ngày 09/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ;

- Công văn số 2717/LĐTBXH-PC ngày 08/8/2012 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc tiếp tục triển khai Đề án 31 đến năm 2016.



2. Thực trạng thực hiện Đề án giai đoạn I (2009 - 2012):

Hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã được các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện Đề án tích cực triển khai và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, cụ thể như sau:

- Tính đến 31/12/2012, toàn tỉnh có 1.989 doanh nghiệp, đơn vị kinh tế đang hoạt động có phát sinh quan hệ lao động, với 72.648 lao động, gồm:

+ Doanh nghiệp Nhà nước: 42 đơn vị (gồm: 3 DNNN, 12 công ty TNHH MTV 100% vốn do Nhà nước làm chủ sở hữu, 27 Công ty Cổ phần có vốn Nhà vốn 50%) với 29.573 lao động;

+ Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: 46 đơn vị (gồm: 38 đơn vị 100% vốn nước ngoài và 8 đơn vị liên doanh với nước ngoài) với 10.352 lao động;

+ Doanh nghiệp dân doanh: 1.901 đơn vị, với 32.723 lao động.

- Tổng số doanh nghiệp và người lao động được tuyên truyền, phổ biến pháp luật tính chung là 446/1989 đơn vị chiếm 22,42% và khoảng 33.500/72.648 lao động chiếm 46,11%, gồm:

+ Doanh nghiệp Nhà nước: 30/42 đơn vị chiếm 71,43% và 22.000/29.573 lao động chiếm 74,4%;

+ Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: 16/46 đơn vị chiếm 34,78%; và 5.000/10.352 lao động chiếm 48,3%;

+ Doanh nghiệp dân doanh: 400/1.901 đơn vị chiếm 21,04%; 6.500/32.723 lao động chiếm 19,86%.

Từ những kết quả trên đã góp phần đem lại sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và người dân về pháp luật, đặc biệt là các đơn vị sử dụng lao động và người lao động trong các doanh nghiệp. Cùng với các quy định cụ thể và có tính chặt chẽ của pháp luật đã tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng lao động và người lao động trong quá trình tổ chức thực hiện các văn bản luật cũng như bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi bên. Đặc biệt, ý thức trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động và các cơ quan quản lý nhà nước đã được nâng lên rõ rệt: các đơn vị đã xem chấp hành và tuân thủ pháp luật là nhiệm vụ quan trọng, có tác động mạnh mẽ, sâu sắc đến việc hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ của đơn vị.

Tuy nhiên, qua tổng kết kết quả thực hiện Đề án giai đoạn I (2009 - 2012) công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có một số ưu điểm và khó khăn như sau:

2.1. Ưu điểm:

- Thông qua việc thực hiện Đề án đã góp phần nâng cao nhận thức cho các cấp ủy Đảng và chính quyền, các cơ quan đơn vị về pháp luật nói chung và các quy định của pháp luật lao động nói riêng trên địa bàn tỉnh, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật về pháp luật lao động và các quy định có liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp và quyền, nghĩa vụ công dân cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp, góp phần bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của các bên; thực hiện tốt hơn chính sách và pháp luật của Nhà nước. Xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định tại doanh nghiệp, góp phần tăng năng suất lao động, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tạo điều kiện thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

- Thông qua việc xây dựng và triển khai thực hiện Đề án nhằm tăng cường và xây dựng lực lượng cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại cơ sở, tại doanh nghiệp. Đồng thời, khuyến khích sự chủ động và trách nhiệm tham gia của doanh nghiệp trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tạo điều kiện để đảm bảo tính hiệu quả và bền vững của công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại các doanh nghiệp.

- Góp phần tăng cường sự phối hợp và trách nhiệm ba bên giữa các cơ quan quản lý nhà nước, người lao động và người sử dụng lao động.

- Góp phần nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh, uy tín, thương hiệu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Nhìn chung, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương nên công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

2.2. Khó khăn:

a) Chủ quan:

- Nhận thức về trách nhiệm của các sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thị xã trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tuy được nâng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Chưa có sự quyết tâm cao của một số cơ quan được giao nhiệm vụ thực hiện Đề án.

- Kế hoạch tuyên tuyền, phổ biến của các sở, ngành được giao nhiệm vụ có xây dựng nhưng chưa thật sự cụ thể, chi tiết.

- Ban chỉ đạo chưa thường xuyên tổ chức họp, sơ kết đánh giá kết quả thực hiện theo định kỳ 6 tháng và hàng năm, chưa có Kế hoạch cụ thể trong công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động của Đề án. Sự phối hợp của các thành viên Ban chỉ đạo, giữa các sở, ban, ngành có liên quan chưa thật sự đồng bộ và chặt chẽ.

- Một số thành viên trong Ban chỉ đạo, lực lượng cán bộ chủ chốt chưa được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội mời tham dự đầy đủ các Hội nghị, Hội thảo do Bộ, Ban điều hành Trung ương tổ chức. Chưa chủ động chỉ đạo, điều hành tổ chức hoặc phối hợp tổ chức các nội dung hoạt động của Đề án đã được phân công.

- Tài liệu tuyên truyền, phổ biến còn sử dụng nhiều nguồn chưa được tập trung thống nhất, chủ yếu do các sở, ngành của tỉnh tự nghiên cứu biên soạn.

- Đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật còn thiếu về số lượng, phần lớn là kiêm nhiệm và chưa được bồi dưỡng đào tạo về kiến thức pháp luật và kỹ năng tuyên truyền, do đó chất lượng tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa cao.

- Các cơ quan truyền thông đã có sự phối hợp với các cơ quan được giao nhiệm vụ thực hiện Đề án nhưng chưa kịp thời, nội dung chưa tập trung, chưa có trọng điểm để phù hợp với yêu cầu của tình hình thực tế.

- Việc đầu tư kinh phí cho việc triển khai thực hiện Đề án hàng năm của các cơ quan, đơn vị còn hạn chế, thậm chí không được phân bổ so với yêu cầu hoạt động và bố trí còn rất chậm.

b) Khách quan:

- Hệ thống pháp luật còn có những bất cập và chưa đồng bộ, văn bản quy phạm pháp luật được ban hành ngày càng nhiều, thường xuyên sửa đổi, bổ sung nên gây rất nhiều khó khăn cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật hiện nay.

- Chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ của người sử dụng lao động đối với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại doanh nghiệp và cũng chưa có chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với doanh nghiệp khi thực hiện công tác này.

- Về phía người sử dụng lao động: chưa nhận thức đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm đối với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong doanh nghiệp, do đó chưa tích cực vào cuộc cũng như tạo điều kiện về tinh thần và vật chất để triển khai các hoạt động của Đề án tại doanh nghiệp.

- Về phía người lao động: vẫn còn một bộ phân không nhỏ người lao động hạn chế về nhận thức pháp luật và ý thức tuân thủ pháp luật, chưa quan tâm đến việc học tập, nâng cao ý thức pháp luật.

2.3. Một số bài học kinh nghiệm qua 4 năm thực hiện Đề án:

- Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động phải đặt trong tổng thể chương trình phổ biến giáo dục pháp luật của tỉnh và khi triển khai được lồng ghép với các nội dung pháp luật khác có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động.

- Cần phong phú về nội dung và đa dạng hóa về hình thức tuyền truyền, phổ biến. Đặc biệt, cần quan tâm chỉ đạo, đầu tư nhiều hơn các hình thức đối thoại, tư vấn lưu động, sân chơi công nhân lao động.

- Vận động chủ doanh nghiệp hỗ trợ, đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cũng như công tác tuyên truyền cho người lao động tại doanh nghiệp trong quá trình triền khai Đề án.

II. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO:

- Nội dung Đề án phải thể chế hoá các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loạt hình doanh nghiệp, cụ thể như: Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban bí thư Trung ương Đảng (khoá IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; Kết luận số 04-KL/TW ngày 19/4/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về kết quả thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW; Quyết định số 409/QĐ-TTg ngày 09/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 04-KL/TW và Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 18/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai Chỉ thị số 22/CT-TW của Ban Bí thư về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động, hài hoà, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Các nội dung hoạt động của Đề án phải có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với tính chất công việc, điều kiện làm việc của người lao động và người sử dụng lao động.

- Mục tiêu, yêu cầu của Đề án phải bám sát với các mục tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 31/2009/QĐ-TTg ngày 24/02/2009 và Quyết định số 409/QĐ-TTg ngày 09/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 04-KL/TW.

- Đề án phải khắc phục được những tồn tại, hạn chế, bất cập của giai đoạn I (2009-2012) trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp. Đồng thời, phải đảm bảo tính kế thừa, phát huy các kết quả đã đạt được, đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến và nâng cao chất lượng nội dung tuyên truyền, phổ biến.

- Phải đảm bảo tính khoa học, thực tế và đồng bộ giữa các nội dung, họat động tuyền truyền và tận dụng tối đa các nguồn lực, tránh lãng phí. Các nội dung hoạt động của Đề án phải phù hợp với sự tham gia của các cơ quan, đoàn thể, đặc biệc khuyến khích sự chủ động tham gia của các doanh nghiệp vào công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại doanh nghiệp và ý thức tôn trọng, tinh thần trách nhiệm tiếp thu, thực hiện của người lao động để đảm bảo được hiệu quả và bền vững.

III. MỤC TIÊU:

1. Mục tiêu chung:

- Tiếp tục thực hiện mục tiêu Đề án 31 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định số 31/2009/QĐ-TTg ngày 24/02/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

- Tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức tự giác, tôn trọng, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật của người lao động và người sử dụng lao động.

- Triển khai sâu rộng, toàn diện, đồng bộ các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật. Trong đó, chọn lọc, phát triển các mô hình, biện pháp phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả, phù hợp với đối tượng, địa bàn và nhu cầu hiểu biết pháp luật của người lao động và người sử dụng lao động.



2. Mục tiêu cụ thể:

- Đến hết năm 2016, phấn đấu đạt 95% người sử dụng lao động và 95% người lao động làm việc trong các doanh nghiệp, các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh, 100% lao động của tỉnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài được tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các quy định pháp luật khác có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp như: Bộ Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm, Luật Tiền lương tối thiểu, Luật Dạy Nghề, Luật Công đoàn, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Thuế, Luật Bảo vệ môi trường… và các quy định pháp luật có liên quan tới quyền và nghĩa vụ công dân của người lao động;

- Hạn chế đến mức thấp nhất các cuộc đình công hoặc tranh chấp lao động tập thể, đặc biệt là các cuộc đình công trái pháp luật;

- Nâng cao năng lực công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật của các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức đoàn thể có liên quan về nội dung, phương pháp.



IV. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM:

1. Biên soạn nội dung tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên cơ sở các văn bản luật sau khi được Quốc hội thông qua và các văn bản hướng dẫn thi hành có trọng tâm trọng điểm phù hợp với đối tượng tuyên truyền, phổ biến.

2. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật của các cơ quan, tổ chức, địa phương; tiếp tục củng cố, kiện toàn và nâng cao vai trò, trách nhiệm của thành viên Ban chỉ đạo, Tổ chuyên viên giúp việc; có chính sách hợp lý đối với các thành viên được giao nhiệm vụ thực hiện Đề án.

3. Rà soát, chọn lọc để kế thừa, phát huy các kết quả đạt được, khắc phục hạn chế, tồn tại, yếu kém, xác định nhu cầu, phương hướng, nhiệm vụ và cách thức để triển khai thực hiện cho phù hợp với tình hình mới trong giai đoạn (2013- 2016);.

4. Hàng năm phải tiến hành sơ kết việc thực hiện các Đề án và xây dựng kế hoạch tiếp tục triển khai các nội dung, mô hình tuyên truyền, phổ biến có hiệu quả.

5. Tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật chuyên nghiệp, có chất lượng, vững vàng về bản lĩnh chính trị - tư tưởng, am hiểu pháp luật, có kỹ năng và chuyên môn, nghiệp vụ.

6. Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến phù hợp với từng đối tượng, từng doanh nghiệp và địa bàn. Tập trung sâu vào một số lĩnh vực pháp luật quan trọng liên quan đến quan hệ lao động, chú trọng nhân rộng và phát huy hiệu quả các mô hình điểm trên thực tế; chủ động, sáng tạo, linh hoạt áp dụng các mô hình, biện pháp tuyên truyền, phổ biến mới, phù hợp.

7. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật phải được gắn với công tác kiểm tra, theo dõi thi hành pháp luật.



V. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN:

1. Nội dung hoạt động:

1.1. Tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật); doanh nghiệp và hợp tác xã về pháp luật lao động và các quy định pháp luật khác có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp; quyền, nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động.

1.2. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các quy định của pháp luật khác có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp; quyền, nghĩa vụ công dân và người lao động để tuyên tuyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng .

1.3. Biên soạn, in ấn cẩm nang, sổ tay lao động, tờ rơi và các tài liệu khác về quyền và nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động trong quan hệ lao động để cấp phát cho người lao động và người sử dụng lao động.

1.4. Tổ chức các ngày tư vấn, giải đáp pháp luật lưu động tại các doanh nghiệp.

1.5. Tổ chức Hội thi tuyên tuyền viên pháp luật, thi viết tìm hiểu về pháp luật lao động và các quy định pháp luật khác có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp; quyền, nghĩa vụ công dân của người lao động và người sử dụng lao động.

1.6 Tổ chức giám sát và đánh giá tác động, hiệu quả các hoạt động tuyền tuyền, phổ biến pháp luật.

1.7. Tổ chức Hội nghị đối thoại giữa các doanh nghiệp với các cơ quan tham gia tuyên truyền.

1.8. Tổ chức các hoạt động “Tuần lễ công nhân”, “Tháng công nhân”, qua đó tăng cường giao lưu, đối thoại theo cơ chế ba bên (các cơ quan quản lý nhà nước, người lao động và người sử dụng lao động) để giải quyết các vấn đề đang vướng mắc của doanh nghiệp và người lao động.

1.9. Tăng cường và mở rộng chương trình phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tham gia Đề án.

1.10. Thiết lập đường điện thoại tư vấn pháp luật, giải đáp pháp luật (đặc biệt phải có những ví dụ minh họa cụ thể).

1.11. Xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên phục vụ cho đề án (đảm bảo về chất lượng và đủ về số lượng).

1.12. Thành lập các tổ tư vấn, tuyên truyền pháp luật tại các khu, cụm công nghiệp và trong các doanh nghiệp có quy mô lớn.

1.13. Xây dựng mô hình thi đua doanh nghiệp văn hóa, trên cơ sở có đánh giá tiêu chuẩn thực hiện công tác tuyên truyền pháp luật và chấp hành pháp luật.

1.14. Xây dựng kênh thông tin, tư vấn cho chủ sử dụng lao động đặc biệt thiết lập và phát huy vai trò của Hiệp hội nhân sự (đây là lực lượng tư vấn, giúp việc quan trọng của chủ sử dụng lao động).

1.15. Sơ kết, tổng kết đánh giá thực hiện đề án.



2. Các giải pháp thực hiện:

2.1. Giải pháp về chính sách:

Xây dựng chính sách khuyến khích doanh nghiệp chủ động tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các quy định pháp luật khác có liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp và quyền, nghĩa vụ công dân tại doanh nghiệp cho người lao động và người sử dụng lao động, gồm:

- Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đóng góp kinh phí cho hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại doanh nghiệp;

- Chế độ hỗ trợ cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên làm công tác tuyên truyền phổ biến tại doanh nghiệp;

- Khuyến khích đưa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các quy định pháp luật khác có liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp và quyền, nghĩa vụ công dân tại doanh nghiệp cho người lao động và người sử dụng lao động.

2.2. Giải pháp về cơ chế:

- Cơ chế huy động nguồn lực tuyên truyền phổ biến pháp luật:

+ Tăng cường đầu tư của nhà nước cho công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các quy định pháp luật khác có liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp và quyền, nghĩa vụ công dân tại doanh nghiệp cho người lao động và người sử dụng lao động.

+ Khuyến khích sự đóng góp tài chính của doanh nghiệp cho các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại doanh nghiệp.

+ Huy động các nguồn lực hỗ trợ khác.

- Cơ chế phân cấp và phối hợp: Các hoạt động của Đề án được phân thành các nhóm hoạt động và được giao cho từng cơ quan tổ chức chủ trì thực hiện, có phân định trách nhiệm giữa các cơ quan để chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện từng nội dung hoạt động của Đề án.

- Cơ chế giám sát đánh giá:

+ Tăng cường hiệu quả giám sát của các sở, ngành liên quan;

+ Phát huy cơ chế phối hợp giữa các cơ quan thực hiện Đề án;

+ Huy động sự tham gia của người lao động và người sử dụng lao động vào việc thực hiện và giám sát các hoạt động thực hiện của đề án.

2.3. Các giải pháp về chuyên môn nghiệp vụ:

- Bồi dưỡng nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật và các kỹ năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật và những người làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của các cơ quan tham gia thực hiện Đề án và các cơ quan có liên quan.

- Tập trung tuyên truyền phổ biến những nội dung có trọng tâm, trọng điểm theo từng đối tượng, từng loại hình doanh nghiệp, ngành nghề sản xuất kinh doanh.

- Đổi mới, nâng cao hiệu quả các hình thức, phương pháp phổ biến tuyên truyền: kết hợp các phương thức truyền thống với các phương thức hiện đại, kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với từng nội dung và từng đối tượng.

- Kết hợp việc xây dựng mô hình điểm, kết hợp với việc biểu dương điển hình tiên tiến với việc xử phạt nghiêm minh và gây dư luận phê phán các hành vi vi phạm pháp luật.

VI. KINH PHÍ THỰC HIỆN:

1. Cấp tỉnh:

- Hàng năm, căn cứ vào nhiệm vụ thực hiện Đề án và khả năng ngân sách, các đơn vị được phân công thực hiện Đề án lập dự toán kinh phí theo quy định tại Thông tư liên tịch số 73/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 14/05/2010 của liên Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và Quyết định số 53/2011/QĐ-UBND ngày 06/9/2011 của UBND tỉnh ban hành quy định mức chi, quản lý và sử dụng kinh phí đảm bảo cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, gửi Sở Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt.

- Nguồn kinh phí: thực hiện theo phân cấp ngân sách nhà nước và các nguồn hợp pháp khác.

2. Cấp huyện:

Kinh phí để thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp giai đoạn II (2013 - 2016) trên địa bàn tỉnh” thực hiện theo quy định hiện hành về phân cấp ngân sách nhà nước.



VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Phạm vi thời gian và đối tượng thực hiện:

- Thời gian thực hiện: Đề án được triển khai thực hiện từ năm 2013 đến hết năm 2016;

- Đối tượng thực hiện:

+ Các sở, ban, ngành tham gia tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật;

+ Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã;

+ Báo cáo viên pháp luật, cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật;

+ Người sử dụng lao động và người lao động trong các loại hình doanh nghiệp, các hợp tác xã;

+ Người lao động đang có nhu cầu đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài;



2. Tổ chức điều hành Đề án:

- Ban chỉ đạo điều hành thực hiện Đề án do Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách khối Văn - Xã làm Trưởng ban, đại diện lãnh đạo các sở, ngành: Lao động - Thương binh và Xã hội, Tư pháp, Liên đoàn Lao động tỉnh làm Phó Trưởng ban. Trong đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm Phó Trưởng ban Thường trực; các sở, ngành: Tài chính, Liên minh HTX tỉnh, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Thông tin và Truyền thông, Ban Quản lý Khu kinh tế, Tỉnh đoàn, Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Bình Phước; lãnh đạo UBND các huyện, thị xã tham gia thành viên Ban chỉ đạo.

- Thành lập Tổ chuyên viên và Tổ thư ký giúp việc cho Ban chỉ đạo là cán bộ công chức các sở, ngành: Lao động - Thương binh và Xã hội, Tư Pháp, Liên đoàn Lao động tỉnh, Liên Minh các Hợp tác xã tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh. Trong đó, phân công cán bộ, công chức Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Tư pháp làm thư ký giúp việc Ban chỉ đạo.

- Các cơ quan, tổ chức đoàn thể tham gia tuyên truyền phổ biến pháp luật chủ trì triển khai thực hiện các hoạt động của mình theo sự chỉ đạo, điều hành của Ban chỉ đạo thực hiện Đề án.



3. Phân công trách nhiệm:

3.1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Là cơ quan chủ trì thực hiện Đề án, đồng thời phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức các hoạt động sau:

- Biên soạn in ấn sách cẩm nang, sổ tay lao động, tờ rơi cấp phát cho người lao động và người sử dụng lao động về quyền và nghĩa vụ các bên trong quan hệ lao động;

- Phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tổ chức tuyên truyền các quy định của Bộ Luật lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm, Luật Tiền lương tối thiểu, Luật Dạy nghề, Luật Đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài… cho người lao động và người sử dụng lao động các doanh nghiệp.

- Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tham gia thực hiện Đề án.

- Tham mưu giúp UBND tỉnh tổ chức các hoạt động kiểm tra giám sát và thực hiện sơ kết, tổng kết Đề án.

3.2. Sở Tư pháp: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan tham gia đề án thực hiện:

- Xây dựng nguồn tài liệu (biên soạn tài liệu) về pháp luật lao động và các quy định của pháp luật khác có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp; quyền, nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động;

- Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; tập huấn cho các doanh nghiệp, hơp tác xã;

- Tổ chức cuộc thi viết tìm hiểu pháp luật về pháp luật lao động và các quy định pháp luật khác có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp; quyền, nghĩa vụ công dân của người lao động và người sử dụng lao động.

- Phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tổ chức tuyên truyền các quy định của pháp luật có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp.

3.3. Liên đoàn Lao động tỉnh: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan tham gia Đề án thực hiện:

- Tổ chức các ngày tư vấn, giải đáp pháp luật lưu động tại các doanh nghiệp;

- Tổ chức hội thi tuyên truyền viên về pháp luật lao động và các quy định pháp luật khác có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp; quyền, nghĩa vụ công dân của người lao động và người sử dụng lao động.

- Thành lập các tổ tư vấn, tuyên truyền pháp luật tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các doanh nghiệp có quy mô lớn.

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các quy định của pháp luật khác có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp; quyền, nghĩa vụ công dân và người lao động để tuyên tuyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Xây dựng mô hình thi đua doanh nghiệp văn hóa, trên cơ sở có đánh giá tiêu chuẩn thực hiện công tác tuyên truyền pháp luật và chấp hành pháp luật.

- Phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tổ chức tuyên truyền Luật Công đoàn và các quy định của pháp luật khác có liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động các doanh nghiệp.

3.4. Sở Thông tin và Truyền thông:

- Định hướng cho các cơ quan báo chí: báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử thực hiện công tác thông tin tuyên truyền phổ biến pháp cho người lao động và người sử dụng lao động giai đoạn 2013-2016 trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hướng dẫn các đơn vị hoạt động Bản tin, Trang thông tin điện tử (Website) thực hiện công tác thông tin tuyên truyền trên Bản tin, Website của đơn vị. Theo dõi, đánh giá công tác thông tin, tuyên truyền các cơ quan, đơn vị theo định hướng.

- Thẩm định, cấp phép xuất bản đối với các tài liệu tuyên truyền về Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động giai đoạn II (2013-2016) theo quy định.

- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng Website tuyên truyền phổ biến pháp cho người lao động và người sử dụng lao động giai đoạn II 2013-2016 (Internet là kênh thông tin tuyên truyền nhanh và hiệu quả).

- Xuất bản, phát hành ấn phẩm tuyên truyền phổ biến pháp cho người lao động và người sử dụng lao động giai đoạn 2013-2016 trên địa bàn tỉnh.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động thông tin, báo chí xuất bản liên quan đến thông tin tuyên truyền về Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động giai đoạn II (2013-2016) trên địa bàn tỉnh.

3.5. Sở Công Thương:

Phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tổ chức tuyên truyền các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh về lĩnh vực công thương, đặc biệt tuyên truyền, phổ biến các quy định về an toàn sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, hóa chất, vận hành máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt trong công nghiệp, an toàn vệ sinh thực phẩm ngành Công Thương và an toàn điện, tiết kiệm điện trong các doanh nghiệp.

3.6. Sở Tài chính:

Tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí hàng năm cho việc triển khai thực hiện Đề án, thẩm định dự toán và quyết toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

3.7 Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế và các sở, ngành liên quan tổ chức các cuộc hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa các doanh nghiệp với các cơ quan tham gia tuyên truyền.

3.8. Ban Quản lý Khu kinh tế:

Phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tổ chức tuyên truyền các quy định của pháp luật có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý.

3.9. Liên minh các Hợp tác xã:

- Bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong các hợp tác xã.

- Phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tổ chức tuyên truyền Luật Hợp tác xã và các quy định của pháp luật khác có liên quan đến hoạt động, quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động trong các hợp tác xã.

3.10. Đài Phát thanh và Truyền hình: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện các chuyên trang, chuyên mục trên Đài Phát thanh và Truyền hình theo nội dung và định hướng của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Sở Thông tin và Truyền thông.

3.11. Báo Bình Phước: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan xây dựng và phát hành các chuyên trang, chuyên mục trên Báo và Tập san.

3.12. Tỉnh đoàn:

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan tổ chức “Tuần lễ công nhân”, “Tháng thanh niên công nhân”.

- Xây dựng kênh thông tin, tư vấn cho chủ sử dụng lao động đặc biệt thiết lập và phát huy vai trò của Hiệp hội nhân sự (đây là lực lượng tư vấn, giúp việc quan trọng của chủ sử dụng lao động).



- Phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tổ chức tuyên truyền các quy định của pháp luật có liên quan đến quyền và nghĩa vụ đối với thanh niên công nhân lao động.

3.13. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã:

- Căn cứ nội dung Đề án của UBND tỉnh và tình hình thực tế của địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện Đề án, chỉ đạo các phòng, ban chức năng tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật đối với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ theo kế hoạch, hướng dẫn hàng năm của các sở, ngành được phân công nhiệm vụ thực hiện Đề án.

- Xây dựng đội ngũ báo cáo viên pháp luật, lực lượng làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở địa phương.

3.14. Mời Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy:

- Tham gia định hướng thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động.

- Cung cấp thông tin về quá trình thực hiện Đề án tại các Hội nghị báo cáo viên do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức.

- Chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí của tỉnh, các đơn vị có trang thông tin điện tử (website) tích cực chủ động, kịp thời thông tin tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp.

- Tuyên truyền trên 02 bản tin của Ban: Thông báo nội bộ và Thông tin phục vụ nhân dân..

- Khảo sát đánh giá dự luận xã hội về thực hiện Đề án.



Ngoài ra, các cơ quan tham gia đề án, theo chức năng nhiệm vụ của ngành mình có trách nhiệm thực hiện theo sự phân công, điều hành của trưởng Ban chỉ đạo thực hiện Đề án./.
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH

Nguyễn Huy Phong


Каталог: vbpq binhphuoc.nsf -> 4b438b320dbf1cda4725719a0012432c
4b438b320dbf1cda4725719a0012432c -> V/v thành lập Ban chỉ đạo xây dựng bảng giá các loại đất trên địa bàn tỉnh Bình Phước năm 2014
4b438b320dbf1cda4725719a0012432c -> Ủy ban nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam tỉnh bình phưỚC Độc lập Tự do Hạnh phúc
4b438b320dbf1cda4725719a0012432c -> Ủy ban nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam tỉnh bình phưỚC Độc lập Tự do Hạnh phúc
4b438b320dbf1cda4725719a0012432c -> Số: 1019/QĐ-ubnd bình Phước, ngày 21 tháng 5 năm 2012
4b438b320dbf1cda4725719a0012432c -> Ủy ban nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam tỉnh bình phưỚC Độc lập Tự do Hạnh phúc
4b438b320dbf1cda4725719a0012432c -> Ủy ban nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam tỉnh bình phưỚC Độc lập Tự do Hạnh phúc Phương án bỒi thưỜng, hỖ trỢ và tái đỊnh cư TỔng thể
4b438b320dbf1cda4725719a0012432c -> Ủy ban nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam tỉnh bình phưỚC Độc lập Tự do Hạnh phúc
4b438b320dbf1cda4725719a0012432c -> Soá 1040 ngaøy 16/6/2006 cuûa ubnd tænh veà vieäc
4b438b320dbf1cda4725719a0012432c -> Ủy ban nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam tỉnh bình phưỚC Độc lập Tự do Hạnh phúc
4b438b320dbf1cda4725719a0012432c -> Ủy ban nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam tỉnh bình phưỚC Độc lập Tự do Hạnh phúc

tải về 114.6 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương