PHÊ BÌnh “Thần Học Ky-tô Giáo Theo Cung Cách Á Châu” Của Mục Sư Choan Seng Song (Tống Tuyền Thịnh) Thích Nhật Từ


III. Phật giáo phải chăng là giáo lý tổng hợp?



tải về 239.56 Kb.
trang4/6
Chuyển đổi dữ liệu10.05.2018
Kích239.56 Kb.
#37963
1   2   3   4   5   6

III. Phật giáo phải chăng là giáo lý tổng hợp?

Khi đề cập đến giáo nghĩa Phật giáo, Mục Sư Choan Seng Song có hai nhận xét. Nhận xét thứ nhất, ông cho rằng "giáo lý của Đức Phật là một bộ phận tích hợp của kinh nghiệm tâm linh Ấn độ" (tr. 165). Nhận xét thứ hai, ông cho rằng "Phật giáo Trung Quốc về một số mặt hoàn toàn hòa nhập với giáo huấn đạo Lão" (tr. 180,187). Nêu hai nhận xét này, rốt cùng ông đánh đồng Phật giáo với Thiên Chúa giáo. Để nhận chân tính thực hư của vấn đề, tôi xin trình bày như sau:


1. Giáo lý của Đức Phật không thể là tích hợp của kinh nghiệm tâm linh Ấn Độ.
Không phải đến hôm nay, Mục Sư Choan Seng Song mới nhận xét kỳ quặc là "giáo lý của Đức Phật là một bộ phận tích hợp của tâm linh Ấn độ" như vậy, mà trước đây, Nguyễn Văn Trung với luận án Tiến sĩ về Phật giáo ở Đại học Kitô giáo Louvain cũng đã nhận xét lôi thôi "giáo lý Phật giáo chỉ là Bà-la-môn giáo" (tr. 131). Thật ra, dù đạo Phật khai sinh ở mảnh đất Ấn độ, xứ sở của gần 100 tôn giáo thờ phượng Phạm Thiên và đa thần nhưng đạo Phật vốn không hề kế thừa hay tích hợp giáo nghĩa của các tôn giáo này. Bởi lẽ nếu các tôn giáo nầy tôn thờ một đấng Toàn năng duy nhất là Phạm Thiên hay Thiên Chúa hoặc tôn thờ các thần linh, thì trái lại Phật giáo đánh đổ hoàn toàn thần tính và quỹ đạo cứu rỗi áp đặt lên nó. Và nếu các tôn giáo này xem thần linh, Thiên Chúa là quan trọng thì ở Phật giáo sự tối thắng là con người. Trong mọi trường hợp và từ mọi góc độ nhận thức, Phật giáo chủ trương ngược lại hoàn toàn với các tiền học thuyết, đề cao giá trị nhân bản và vị trí trung tâm của con người, thông qua đó khai mở con đường giác ngộ để mọi người cùng đi, đẩy lùi thần linh trong ảo giác vốn sẵn. Do đó, không thể nói rằng Phật giáo là một bộ phận tích hợp của tâm linh Ấn Độ. Chúng ta hãy nghe lời Đức Phật dạy:
Khi Như lai xuất hiện ở đời, bậc Đẳng Chánh Giác, trí đức đầy đủ, bậc Đạo Sư của chư Thiên và Loài người, Như lai sẽ thuyết pháp: đây là sắc, đây là sắc tập khởi, đây là sắc đoạn diệt và đây là con đường đưa đến sắc đoạn diệt. Đây là thọ... đây là tưởng ... đây là hành ... đây là thức ... , đây là ... thức tập khởi, thức đoạn diệt, con đường đưa đến thức đoạn diệt.”
Này các Tỳ-kheo, các Chư Thiên và Phạm Thiên Chủ sau khi nghe Như lai thuyết pháp, phần lớn chúng trở thành sợ hãi khiếp đảm, vì bắt đầu nhận chân rằng: "Chúng ta là vô thường, chúng ta là không hằng hữu, chúng ta không hằng sống, chúng ta bị thâu nhiếp trong thân này, điều mà lâu nay chúng ta vẫn tưởng là mình thường còn, hằng hữu, hằng sống. Như vậy này các Tỳ-kheo, là đại thần thông lực của Như Lai đối với chư Thiên và thế giới chư thiên” (Tương Ưng III, 103-104).
Đức Phật đã cho thấy sự khác biệt vĩ đại giữa học thuyết của Ngài và học thuyết Bà-la-môn và các học thuyết tín ngưỡng thần linh khác ở chỗ Ngài chỉ rõ sự vận hành, vô thường của thế giới và con người kể cả thần linh, Thiên chúa, điều mà theo học thuyết của họ là thường hằng, bất biến. Đức Phật không kế thừa tiền học thuyết. Ngài khẳng khái đánh vào tim óc, tín ngưỡng thần linh của họ, giúp họ nhận thức rõ thực tướng của tất cả sự vật hiện tượng: Chư hành vô thường, chư pháp vô ngã. Trong Kinh Tăng Chi và Kinh Đại-bát- niết-bàn, Đức Phật còn cho thấy sự khác biệt lớn, theo đó Phật giáo vượt lên trên hệ thống nhận thức, tư tưởng của các tiền tôn giáo về phương diện nhân sinh và thế giới:
"Này các Tỳ-kheo, các Bà-la-môn và ngoại đạo có ba kiến chấp nguy hại như sau:
- Phàm tất cả cảm giác mà con người lãnh thọ hoặc hạnh phúc hoặc đau khổ, hoặc không hạnh phúc cũng không đau khổ, tất cả đều do nghiệp quá khứ (Túc mạng luận).
- Phàm tất cả cảm giác mà con người lãnh thọ hoặc hạnh phúc hoặc đau khổ, hoặc không hạnh phúc cũng không đau khổ, tất cả đều do không nhân không duyên (Ngẫu nhiên luận)
- Phàm tất cả cảm giác mà con người lãnh thọ hoặc hạnh phúc hoặc đau khổ, hoặc không hạnh phúc cũng không đau khổ, tất cả đều do đấng tạo hóa (Thần ý luận)

Này các Tỳ-kheo, ta nói với chúng như sau: Như vậy thời theo các tôn giả, do "nghiệp quá khứ" do "ngẫu nhiên vô cớ" và do "đấng tạo hóa" mà con người sẽ trở thành sát sanh, trộm cắp, tà hạnh, nói láo, nói hai lưỡi (nói chia rẽ), nói lời phù phiếm; do những nguyên nhân trên mà con người trở thành tham lam, sân hận, si mê và tà kiến.
Này các Tỳ-kheo với những ai dựa vào "đấng tạo hóa," dựa vào "nghiệp quá khứ," dựa vào "tự nhiên, ngẫu nhiên" cho là lý do chân thật thì nên biết rằng họ là người tà kiến và nguy hại hơn nữa là họ sẽ không có ước muốn, không có tinh thần "đây là việc phải làm, đây là việc không nên làm . . ." và họ sẽ sống thất niệm, buông lung tội ác với tâm không hộ trì.
Này các Tỳ-kheo đó là ba chủ trương của ngoại đạo, họ vẫn chấp chặt, bảo thủ quan điểm sai lầm ấy.” (Tăng Chi I, 195-197. ĐBNB II, 534-543).
Trong kinh Tương Ưng, sau khi khai thị tuệ giác và con đường hướng đến tuệ giác cho các Tỳ-kheo, đức Phật đã long trọng tuyên bố nền giáo lý siêu tuyệt, vốn được khám phá bởi sự tự nỗ lực giác ngộ của Ngài, là một nền giáo lý tỉnh thức toàn bích. Nền giáo lý nầy hoàn toàn khác hẳn (không chỉ ở sự tự khám phá mà còn ở nội dung ý nghĩa độc đáo duy nhất của nó) với các tôn giáo trước đó, nhất là Bà-la-môn giáo, tôn giáo tự nguyên thủy đã tôn thờ Thiên Chúa. Lời tuyên bố này là một chứng minh hùng hồn cho sự khác biệt với tôn giáo thần linh, xô lệch giá trị thần linh bất thật. Nó thật sự trở thành con đường cho những ai muốn tự mình giác ngộ trọn vẹn như Ngài: Như Lai, này các Tỳ-kheo, là bậc Chánh Đẳng Giác làm khởi lên con đường trước kia chưa khởi, là bậc đem lại con đường trước kia chưa được đem lại, là bậc tuyên thuyết con đường trước kia chưa được tuyên thuyết, bậc tri đạo, bậc ngộ đạo, bậc thuần thục về đạo. Còn nay, các Tỳ-kheo, các vị hãy là những người sống theo đạo, tiếp tục thành tựu đạo (Tương Ưng III. 79-80).
Chính từ những điểm khác nhau cơ bản giữa Phật giáo và các tôn giáo tiền Phật giáo cũng như các tôn giáo khác, đức Phật đã tuyên ngôn rằng Phạm thiên hay Thiên chúa không thể sánh ví với Ngài, về phương diện nhận thức và cả phương diện tu tập giác ngộ:
"Ta là bậc Chánh Giác, Bậc Y Vương vô thượng. Phạm Thiên không thể sánh, Ta nhiếp phục các ma" (Trung Bộ II, 480).
Trong bài Kinh Yama, Đức Phật cũng còn cho chúng ta biết giáo lý giác ngộ của Ngài là được khai sáng bởi Ngài. Ngài không tích hợp tư tưởng của ai, không kế thừa ai. Vì nền giáo lý ấy tự nó vươn lên tất cả, đẩy lùi tất cả:
"Này các Tỳ-kheo, những gì ta tuyên thuyết không phải nghe từ một Sa-môn hay Bà-la-môn nào khác, những điều ta tuyên thuyết chỉ được ta biết mà thôi, chỉ được ta thấy mà thôi, chỉ được ta thẩm thấu cùng tột mà thôi". (Tăng Chi I, 158).
ÔÛ bài Kinh Verajà, vị Bà-la-môn này bằng phương pháp luận áp đặt, ông đã quy kết Đức Phật là người chủ trương, nào là không hành động, nào là đoạn diệt, nào là yếm thế, nào là hư vô, nào là khổ hạnh. Nhưng với trí tuệ và sự tu chứng, Đức Phật đã cho vị này thấy rõ được những quy kết của ông là sai lạc, vô ích, vì chân lý tự nó chói sáng. Kế đến, Đức Phật dạy rằng đạo quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác của Ngài đạt được không phải là hệ quả của một cái gì cả, ngoài tinh tấn chánh niệm, định tĩnh, nhất tâm. Chính sự tu tập này, Đức Phật trở thành bậc Vô Thượng, bậc đệ nhất Thế Tôn:
"Này Verajà, khi ta, vì chúng sanh bị vô minh chi phối, như sanh ra từ trứng, bị bao trùm đã phá vỡ vô minh, một mình chứng được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác ở thế gian này. Này Bà-La-môn, thật sự Ta là vị đệ nhất tối thắng ở đời. Ta tinh tấn không biếng nhác. Ta trú niệm không thất niệm, thân tâm khinh an, định tĩnh, nhất tâm" (Tăng Chi III, 32-33).
Có thể nói, điểm tương đồng duy nhất nếu có chăng giữa Phật giáo với các tôn giáo Ấn Độ nói riêng và các tôn giáo khác nói chung là sự gặp nhau trên từ ngữ, còn nội dung chứa đựng trong nó thì hoàn toàn khác biệt, không thể song hành với nhau, như Đức Phật đã từng dạy:
Này Kassapa (triết gia lõa thể chủ trương khổ hạnh cực đoan), có những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương về giới luật, tán thán về giới luật, nói về giới luật tôn kính, cao thượng nhất. Nhưng Ta nhận thấy không một ai bằng được giới luật của ta, làm sao có ai hơn được. Như vậy, Ta hơn trên tất cả về giới luật, tức là Tăng thượng giới.” (Trường Bộ II, 174. Nên xem kỹ từ trang 160).
Cũng chính vì thế mà ở Kinh Phạm Võng, Đức Phật đã dạy:
"Này các Tỳ-kheo, thế nào là những pháp sâu kín, khó thấy, khó chứng vi diệu, không thể nhận hiểu bởi lý luận suông ... Những pháp ấy Như Lai đã chứng tri, giác ngộ và tuyên thuyết" (Trường Bộ I, 12).
Qua những dẫn chứng sơ bộ trên (nếu có dịp chúng ta sẽ trưng dẫn thêm và phân tích kỹ thêm) chúng ta đã thấy được chân lý của Đức Phật là chân lý của sự giác ngộ tột độ, con đường giải phóng bản ngã, giải phóng thần linh, cởi ách chấp mê (chấp ngã, chấp pháp), dẹp bỏ mọi kiến thủ (thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ và giới cấm thủ). Chân lý ấy, con đường ấy là chân lý, là con đường tỉnh thức viên mãn. Nó chính do Đức Phật khám phá, thể chứng được và thông qua con đường ấy, chân lý ấy đã biết bao lớp người thực hiện thành công sự giác ngộ giải thoát. Chính vì vậy Đức Phật là bậc Vô Sư:
"Ta hàng phục tất cả. Ta rõ biết tất cả. Không vướng nhiễm pháp nào, Ta từ bỏ tất cả. Ái diệt, tự giải thoát. Đã tự mình thắng trí, Ta gọi ai thầy Ta? " (PC, 353).
2. Phật giáo Trung Quốc không thể là bộ phận tích hợp của giáo huấn đạo Lão.
Như đã trình bày nhận xét thứ hai của Mục Sư Choan Seng Song cho rằng Phật giáo Trung Quốc là một bộ phận tích hợp của giáo huấn đạo Lão. Nhưng đó là một nhận xét thiếu tính thuyết phục và sai lầm. Trước nhất, ta hãy nghe ông mượn lời người khác để phản ánh nhận xét của mình qua câu sau đây: "Người ta cũng hay nhấn mạnh rằng đạo Phật rũ bỏ được tính chất ngoại lai đi là nhờ mượn bộ áo đạo Lão mà khoác lên người mình" (tr. 180).
Sau đó ông trưng dẫn hai câu nói quen thuộc trong Đạo Đức Kinh của Lão Tử là "Đạo khả đạo, phi thường Đạo, Danh khả danh, phi thường Danh," mà theo ông, nó hoàn toàn đồng nhất với hai khổ cuối cùng của bài Thiền kệ Tín Tâm Minh của Tổ Tăng Xán là "Nhất tức nhất thiết, Nhất thiết tức nhất. Đản năng như thị. Hà lự bất tất. Tín tâm bất nhị. Bất nhị tín tâm. Ngôn ngữ đạo đoạn. Phi cổ lai câm." Ông chỉ dựa trên sự giống nhau về hình thức rồi tiến hành quy nạp, đồng hóa hai nội dung vốn khác biệt với nhau thành một. Vin lấy chỉ mỗi bốn chữ "Ngôn ngữ đạo đoạn," để kết luận Phật giáo Trung Quốc hòa nhập học thuyết của đạo Lão qua hai câu nói về Đạo và Danh vừa nêu thì quả thật là hời hợt. Thực ra tôn chỉ sâu thẳm "ngôn ngữ đạo đoạn" của Thiền tông Trung Quốc có nguồn gốc từ các Kinh điển Bắc truyền Phật giáo lẫn Nam truyền Phật giáo, nghĩa là xuất phát từ Đức Phật như: "Pháp của Như Lai thậm thâm vi diệu khó lãnh hội, dứt bặt ngôn ngữ, tất cả hàng Thanh Văn, Duyên Giác không thể đến được" (Pháp Hoa, 59) hay:
Các pháp tướng tịch diệt,

Không thể dùng lời bày;

Bèn dùng sức phương tiện,

Vì năm Tỳ-kheo nói (Pháp Hoa , 87)


Và ở Kinh Nikàya, Đức Phật nói như sau:
Này các Tỳ-kheo, thế nào là những pháp sâu kín, vi diệu, khó thấy khó chứng, không thể nhận hiểu bởi lý luận suông ... Những pháp ấy, Như Lai đã tự chứng tri, giác ngộ và tuyên thuyết.” (Trường Bộ I, 12).
Tôn chỉ này còn được thể hiện xuyên suốt nhất quán qua hình ảnh và sự hành đạo của 28 Vị Tổ Thiền tông Ấn Độ. Nó được kết tụ tuyệt vời và điển hình nhất ở Thiền Sư Mã Minh, Tổ 12 Thiền tông Ấn Độ với câu nói trong tác phẩm Đại Thừa Khởi Tín Luận: "Nhất thiết chư pháp, tùng bản dĩ lai, ly ngôn thuyết tướng, ly danh tự tướng, ly tâm duyên tướng. Tất cánh bình đẳng, vô hữu cao hạ, cố danh Chơn Như." Có nghĩa là "tất cả mọi sự vật hiện tượng, từ bản chất của nó, vốn xa lìa hẳn ngôn ngữ, lời nói, tên gọi [áp đặt] và tồn tại độc lập với tâm [của con người]. Tất cả chúng vốn bình đẳng, không có sự vật nào cao, sự vật nào thấp v.v… nên được mệnh danh là chân như."
Ngoài ra, ông cũng không hiểu được mệnh đề "nhất đa tương dung", "nhất tức nhất thiết, nhất thiết tức nhất" (mệnh đề thứ hai trong Nhất Thừa Thập Huyền Môn) là chủ trương trong Kinh Hoa Nghiêm. Và ông cũng không hiểu được thế nào là Tín Tâm, thế nào là Bất Nhị. Và do vậy mới có sự đánh đồng đáng tiếc. Con đường cũng như phương pháp đồng hóa hai hệ thống giáo nghĩa của Mục Sư Choan Seng Song là có mục đích hẳn hòi. Bất chấp thực tế, ông cho đó là sự kết hợp từ bản năng của đạo Phật:
Hầu như bằng bản năng, đạo Phật đã tìm cách kết hợp với đạo Lão, ở cấp độ cao nhất cũng như bình thường nhất. Và từ thế tương dung này "Phật giáo Trung quốc" đã ra đời, trở nên một tôn giáo thỏa mãn được tính hiếu tri cầu học của giới trí thức, đáp ứng được nhu cầu tâm linh của người ngoài đường mà vẫn giữ được nét đặc sắc của mình trong giáo lý và thực hành" (tr. 181).
Rồi trong mệnh đề đồng hóa nầy, ông trở nên lúng túng và tự mâu thuẫn. Có lúc ông bảo : "Đạo Phật hoàn toàn hòa nhập với giáo huấn đạo Lão" (tr. 181), "Đạo Phật rũ bỏ được tính chất ngoại lai đi là nhờ mượn bộ áo đạo Lão mà khoác lên người mình" (tr. 180) và "bằng bản năng, đạo Phật đã tìm cách kết hợp với đạo Lão ở cấp độ cao nhất cũng như bình thường nhất" (tr. 181) như đã trình bày, nhưng có lúc ông lại bảo hai đạo nầy lai tạp nhau để rồi làm dị dạng, bóp méo lẫn nhau:
"Có thể thắc mắc, không biết điều gì đã xảy ra ở đây giữa Phật giáo, một đạo hoàn toàn ngoại lai, với Lão giáo, một đoàn hoàn toàn bản địa? Phải chăng đấy là một hình thức lai tạp mà nói cho sít sao, thì chẳng phải Lão giáo, cũng chẳng phải Phật giáo. Hay Phật giáo Trung Quốc là dạng chiết trung, bóp méo chân lý của cả Lão lẫn Phật? (tr. 182).
Như vậy thì quả thực là khó hiểu đến nực cười! Để hoàn tất sứ mệnh đồng hóa này, ông còn cho rằng các vị sư như Pháp Nhã và Khương Pháp Lãng của Phật giáo đã "tiếp biến văn hóa" Lão giáo mà thuật ngữ ông dùng gọi là CÁCH NGHI. Chính vì thế, ông đã định nghĩa:
Trong thuật ngữ chuyên môn của Phật giáo Trung quốc, "cách nghi" là từ dùng tư tưởng Trung hoa để trình bày giáo lý đạo Phật, đặc biệt là dùng tư tưởng Lão Trang. Cách nghi được nhắc đến trong Hành trạng Thiền sư Pháp Nhã (tr. 183).
Nhưng thật ra "cách nghi" là một từ ngữ rất xa lạ với Phật giáo Nam truyền và Bắc truyền và cả dòng Thiền Trung Quốc nữa. (Sai lầm này do ông phỏng ý lệch lạc của Phùng Hữu Lan trong tác phẩm Đại Cương Triết Học Sử Trung Quốc). Ông diễn tả sự khéo léo hội nhập văn hóa, mượn từ ngữ của các giá trị văn hóa bản địa diễn đạt giáo nghĩa của Phật giáo (vì siêu tuyệt khó tiếp nhận) cho các đối tượng đã ít nhiều in khắc giá trị văn hóa bản địa, vốn không thể sánh bằng Phật giáo, thuật ngữ chuyên môn trong Phật giáo gọi với nhiều từ khác nhau như: phương tiện, khế lý khế cơ, thiện hợp, diệu ứng, tiếp cơ ứng vật, nhậm vận và nhất là tùy duyên bất biến. Quá trình hội nhập văn hóa Phật giáo, từ Phật Thích-ca cho đến các vị Thiền Sư cũng đều mượn dùng hình thức của từ ngữ nhưng chứa tải vào nó nội dung hoàn toàn mới mẻ, có thể xem đó như một hiện tượng mà nói theo cách hiểu quen thuộc ngày nay là "bầu cũ rượu mới." Không thể vin nắm sự giống nhau trên mặt hình thức rồi quy kết nội dung chúng là đồng dạng. Sự quy kết như vậy là việc làm thiếu cẩn trọng, thiếu khoa học.
Từ nhận thức chỉ dựa trên sự phỏng đoán, suy luận, không đi sâu vào bản chất nội dung của những thuật ngữ Phật giáo, Mục Sư Choan Seng Song đã truy chụp Phật giáo bằng các quy kết táo bạo nhưng cũng quả thực là không có cơ sở:
Không phải chỉ là vay mượn từ ngữ nơi những nguồn tư tưởng bên ngoài Phật giáo, mà còn nối dài đạo Phật sang tư tưởng tôn giáo và triết học Trung Hoa bằng phương pháp cách nghi này. Đối lưu chứ không phải một chiều, vì đến lượt mình, đạo Phật thấm nhuần tư tưởng Trung Hoa. Tư tưởng, tín ngưỡng Trung Hoa nối dài vươn thấu Đạo Phật (183-184).
Để biện hộ cho lý lẽ của ông, ông tự đặt câu hỏi để tự trả lời:
Giả như hai phía không nới rộng nối dài vào nhau, hẳn đạo Phật vẫn là khách lạ bị chận không bước qua nổi cổng vào pháo đài thành lũy trí thức và tâm linh Trung quốc. Còn Trung Hoa thì sẽ không đời nào thừa nhận: ‘Cởi giáp quy hàng, mắt lòa vì chói, miệng há hốc chịu im, bại trận’, sẽ không có chuyện ‘hàng triệu người xuất gia đầu Thiền’, trở thành ‘tăng ni’, theo lối nói của Giáo sư Hồ Thích” (tr. 184).
Mưu tìm một giải đáp cho bài toán tại sao Phật giáo truyền bá rộng rãi ở Châu Á nói chung, Trung Quốc nói riêng theo kiểu của Mục Sư Choan Seng Song như vừa nêu chỉ có giá trị giả thiết trên ốc đảo của sự suy diễn rồi đến loại suy tùy tiện, hoàn toàn không phản ánh đúng được mặt mũi sự thật của công cuộc truyền bá tuyệt vời này. Người Phật giáo có thể giải thích cho ông đáp số của bài toán đó nhưng chưa cần thiết trong bài viết này. Điều mà người Phật giáo cần lưu ý một cách tế nhị với ông là, muốn biết được nguyên nhân đích thực trước tiên người nghiên cứu phải rời bỏ thái độ và não trạng suy diễn và sau là cần phải lội mình trong biển hồ Phật Pháp với thái độ không định kiến. Chính hai yếu tố cơ bản này hình thành nên đáp án hoàn chỉnh nhất.
Có thể nói được rằng, ngay từ trong thâm tâm của ông, thái độ cũng như phương pháp "đồng hóa" đã được ông định hình có mục đích rõ rệt. Mục đích đó không phải nhằm tìm hiểu đâu là chân lý thật sự, mà ông vận dụng nó để thực hiện một mưu đồ. Và mưu đồ đó là nhằm biến cải hai - Phật và Lão - thành sự cách nghi của Thiên Chúa, theo đó ông phác họa một mẫu thời trang "Thần học Kitô giáo Châu Á" bất chấp sự siêu việt của các tôn giáo này so với Thiên Chúa giáo. Đây, chúng ta hãy để ý đến cách nói khẳng định của ông: "Lịch sử biến đổi và phát triển của đạo Phật ở Trung Quốc ấy, người Kitô hữu chúng ta chớ lấy làm lạ lùng khó hiểu" (tr. 184). Để từ đó ông phô bày mục đích cuối cùng của ông là đồng hóa để phô trương Thiên Chúa, chứ không phải đơn thuần là nghiên cứu lịch sử Phật giáo:
Chúa chính là Chúa của cách nghi, của vươn dài, nới rộng, nối qua, với sang. Thiên Chúa với thấu mọi phần của tạo vật, mọi người của cộng đồng nhân loại. Ngoại trương của Thiên Chúa là không bờ bến. Không phần nào của thọ tạo mà Người không vào sâu được. Không có bộ phận thành phần nào của loài người mà bàn tay sáng tạo cứu độ của Người không chạm đến. Để trương ra cả thế giới, để nhận vào cả thụ tạo, Thiên Chúa sử dụng hết mọi ngôn ngữ, hình ảnh và biểu tượng đặc thù bản xứ của một dân tộc sống trong một nền văn hóa, một dòng lịch sử cá biệt.” (tr. 186-187).
Về vấn đề đồng hóa nầy, người Phật giáo có thể vạch ra nhiều sai lầm khác của ông nữa. Nhưng việc làm đó quả thật là không cần thiết, mất nhiều thời giờ.

Каталог: TCN -> TCNtg
TCNtg -> LỜi nóI ĐẦU
TCN -> 20 tcn 33 – 1985 CẤp nưỚc mạng lưỚi bên ngoài và CÔng trình tiêu chuẩn thiết kế (Trích)
TCN -> Ubnd tỉnh tiền giang trưỜng cđn tiền giang
TCN -> Thiết bị ĐẦu cuối hệ thống thông tin an toàn và CỨu nạn hàng hải toàn cầu gmdss
TCN -> TIÊu chuẩn ngành tcn 68 135: 2001 chống sét bảo vệ CÁc công trình viễn thôNG
TCN -> Tcn 68 132: 1998 CÁp thông tin kim loại dùng cho mạng đIỆn thoại nội hạt yêu cầu kỹ thuật multipair metallic telephone cables for local networks Technical requirement MỤc lụC
TCN -> Technical standard
TCNtg -> NHẬN ĐỊnh về VĂn kiệN “TÔng huấn giáo hội tại châU Á”
TCNtg -> Năm 1994, Nhà Xuất Bản Alfred A. Knopf ở New York phát hành cuốn

tải về 239.56 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương