Áp dụng khi cộng tác với công ty Long Minh I. Lưu ý Dịch giả cần dịch trọn vẹn tác phẩm



tải về 40.79 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu25.07.2016
Kích40.79 Kb.
#5091


QUY TẮC CHÍNH TẢ KHI TRÌNH BÀY BẢN THẢO DÀNH CHO DỊCH GIẢ VÀ BIÊN TẬP VIÊN

(áp dụng khi cộng tác với công ty Long Minh)
I. Lưu ý

1. Dịch giả cần dịch trọn vẹn tác phẩm, kể cả lời đề tặng, lời nói đầu, lời giới thiệu, lời bạt, chú thích minh họa, mục lục, bìa 4 và các mép gấp (nếu có). Không cần dịch trang bản quyền, giới thiệu quảng cáo các sách khác.

2. Phông chữ thống nhất dùng Unicode, ưu tiên Times New Roman.

3. Chú thích: đặt chú thích ở cuối trang, theo chế độ từng trang (Restart each page) chứ không để nối tiếp như mặc định (chế độ continuous). Trong một số trường hợp đặc biệt với những tác phẩm kinh điển, khi chú thích quá nhiều, chú thích sẽ được đặt ở cuối chương hoặc cuối sách. Nếu nguyên bản không có chú thích, thì ghi thêm ở cuối chú thích đầu tiên: (Các chú thích trong sách đều của người dịch) hoặc (Các chú thích trong sách đều của người dịch và Ban biên tập tiếng Việt); tùy trường hợp cụ thể. Nếu nguyên bản có chú thích, thì có thể theo một trong hai cách sau đây:

– Những chú thích của người dịch hoặc ban biên tập tiếng Việt có ghi thêm (ND), (BT) hoặc (Chú thích của người dịch và Ban biên tập tiếng Việt) để phân biệt với những chú thích trong nguyên bản. Trường hợp này nên áp dụng với những cuốn sách có đa số chú thích của tác giả hoặc của bản tiếng Anh.

– Ghi thêm ở cuối chú thích đầu tiên, chẳng hạn: (Các chú thích trong sách đều của người dịch [và Ban biên tập tiếng Việt], trừ khi có ghi chú khác); (Chú thích của người dịch. Từ đây về sau những chú thích nào không ghi rõ là của tác giả thì đều là của người dịch) và các chú thích sau đó của tác giả sẽ ghi thêm: (Chú thích của tác giả), v.v… Trường hợp này nên áp dụng với những cuốn sách có đa số chú thích của người dịch hoặc ban biên tập tiếng Việt.

Cách làm chú thích ở cuối trang: mở menu Insert ở hàng trên cùng, chọn Reference, chọn Footnote…; trong cửa sổ con mở ra có tên là Footnote and Endnote, chọn Numbering (ở mục Format), ấn vào mũi tên hình chữ v ở bên phải ô có chữ Continuous, chọn Restart each page rồi ấn vào ô Insert ở dưới cùng.

4. Không dùng gạch đầu dòng tự động (hoặc đánh số đề mục tự động) thuộc nhóm lệnh Numbering và Bullets vì khi chế bản chuyển định dạng văn bản sẽ bị mất hết dấu hoặc số.

Cách hủy bỏ lệnh gạch đầu dòng tự động (hoặc đánh số đề mục tự động): Thực hiện 1 trong 3 cách sau để mở hộp thoại AutoCorrect:

a) mở menu Insert ở hàng trên cùng, chọn “AutoText”, “AutoText…”

b) mở menu Format ở hàng trên cùng, chọn “AutoFormat…”, rồi bấm vào ô “Options…” ở phía dưới bên trái hộp thoại AutoFormat

c) mở menu Tools ở hàng trên cùng, chọn “AutoCorrect Options…”

Sau khi xuất hiện hộp thoại AutoCorrect, bạn chọn thẻ AutoFormat rồi bỏ dấu chọn (dấu tick hình chữ v) trước hai mục Automatic bulleted lists và Other paragraph styles, cuối cùng bấm vào ô OK ở phía dưới để kết thúc.



II. Quy tắc chính tả
1. Dấu thanh điệu.

Ưu tiên bỏ dấu theo “kiểu cũ”:

– Dấu được bỏ vào nguyên âm chính.

Ví dụ: thuế, thuở, sáu, táo … (không viết thúê, thủơ, saú, taó)

– Với nguyên âm đôi, đảm bảo dấu được bỏ vào nguyên âm đứng giữa từ.

Ví dụ: họa, hữu, láy, thủy, thụy … // liếng, hoàn, hoàng… (không viết hoạ, hưũ, laý, thuỷ, thuỵ … // líêng, hòan, hòang)

Nếu NXB mà công ty Long Minh xin giấy phép xuất bản có quy định bắt buộc khác với quy định trên thì theo quy định của NXB đó.

2. Dấu ngoặc và dấu câu.

– Ngoặc kép: nhất thiết dùng ngoặc kép kiểu Anh (“ ”), không dùng kiểu (‘ ’) hoặc kiểu Pháp (« ») và không nên dùng kiểu " ". Thứ tự giữa dấu chấm câu (.) và đóng ngoặc kép (”), có thể chọn một trong 2 cách: ”. (kiểu Việt, Pháp, Anh) hoặc .” (kiểu Mỹ) nhưng nên nhất quán. Nếu không trích dẫn cả câu, mà chỉ có một đoạn trích dẫn trong cả câu, thì nên ưu tiên cách thứ nhất.

Ví dụ: GE không còn là cái tên viết tắt của hãng General Electric Company vô hồn mà giống như, theo lời của Barton, “những chữ cái đầu của tên một người bạn”.

– Nếu 1 trích dẫn nằm trong 1 trích dẫn khác, thì “trích dẫn con” có thể dùng kiểu ‘ ’ của tiếng Anh, còn “trích dẫn mẹ” dùng “ ”.

Ví dụ: “Chúng tôi đến đây mà chẳng biết gì cả,” cô nói với tôi. “Tôi đến gặp ai đó bán vé và hỏi: ‘Tôi nên mua vé đi đâu bây giờ?’ và chúng tôi sẽ làm theo những gì họ nói.”

Không nên dùng dấu ngang để ngăn cách với phần diễn giải xen giữa đoạn hội thoại (mà dùng dấu phẩy).

Ví dụ: “Không, John!”, Ada cao giọng. “Anh không được nói cho William biết về chúng ta. Em không muốn làm tổn thương anh ấy”.

– Trước các dấu chấm (.), phẩy (,), ba chấm (…), hai chấm (:), chấm phẩy (;), chấm than (!), chấm hỏi (?) không để khoảng/dấu cách (space). Sau các dấu này thì dùng khoảng/dấu cách (space).

Ví dụ: Làm thế nào để biết rằng chúng ta đang sống?

Muốn thực hiện nhất quán hai khoản này trên máy tính, cần thống nhất định dạng văn bản (format), dùng Language: English, mà không để định dạng French, German,... [có thể nhấn vào dòng chữ French (France), French (Canada), German (Germany), v.v… (nếu thấy) ở thanh tác vụ phía dưới của màn hình máy tính để hiện ra cửa sổ Language rồi chuyển về English (U.S.) hoặc English (U.K.)] hoặc vào Tools → Language → Set Language... để chỉnh sửa.

– Sau các dấu chấm than (!), chấm hỏi (?) và cụm dấu !”, ?” không viết thêm dấu chấm ngắt câu: không viết !.; !”.; ?.; ?”. .



3. Phân biệt dấu [gạch] ngangdấu [gạch] nối: Dấu [gạch] ngang (gạch dài: –) khi gạch đầu dòng, tách 1 đoạn trong câu mang tính chất ghi chú, bổ nghĩa, ghi niên đại và dấu [gạch] nối (gạch ngắn: -) dùng để nối các từ phiên âm gốc nước ngoài hoặc nội bộ từ phức. Khi dùng để ghi niên đại thì không để khoảng cách trước và sau dấu gạch ngang. Ví dụ: An-be Anh-xtanh (1879–1955), chính trị-xã hội.

(Tham khảo thêm: Các dấu câu trong tiếng Việt (phần 4) tại website http://ngonngu.net/index.php?p=93).

Khi dùng chữ “từ” trong cụm từ có giới hạn trên dưới hoặc trước sau thì sau đó kèm chữ “đến” mà không dùng dấu gạch ngang: ví dụ, không viết “từ 5–7 mét” mà viết “từ 5 đến 7 mét” hoặc “trong khoảng 5–7 mét”; không viết “từ năm 1993–1996” mà viết “từ năm 1993 đến năm 1996” hoặc “trong các năm 1993–1996”.

4. Dùng i ngắn hay y dài:

– Không nên nhất loạt dùng i ngắn trong mọi trường hợp.

+ Chọn y dài trong: hy vọng, công ty, Mỹ, mỹ thuật, ly (ly hôn, ly dị, ly tán, ly gián, ly khai, ly biệt, ly tâm, ly cốc); (vật lý, lý giải), kỹ (kỹ thuật, kỹ năng)…

+ Dùng i ngắn trong: (bánh mì, mì ống…); (bác sĩ, chiến sĩ, ca sĩ, dược sĩ,…)

Nếu NXB mà công ty Long Minh xin giấy phép xuất bản có quy định bắt buộc khác với quy định trên thì theo quy định của NXB đó. Một số sách mà bản thảo đã gõ theo kiểu dùng i ngắn thì khi tái bản có thể để nguyên. Một số sách dùng cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở có thể dùng theo quy định của Bộ Giáo dục, trong đó có cách viết dùng i ngắn.

5. Viết hoa trong các trường hợp sau:

– Viết hoa tên người, biệt danh, địa danh, niên đại địa chất, ngành/lớp/bộ /họ,…:

+ Tên người, biệt danh, địa danh viết hoa tất cả các chữ: Georges Bự, núi Yên Ngựa, Sư Tử Nhát.

+ Niên đại địa chất, ngành/lớp/bộ/họ sinh vật thì viết hoa chữ đầu: đại Cổ sinh, đại Tân sinh, lớp Bò sát, bộ Linh trưởng, họ Hoa hồng

+ Sao và hành tinh viết hoa tất cả các chữ: Mặt Trời, Mặt Trăng, Trái Đất, Sao Mộc (không viết sao Mộc vì đây là tên riêng của hành tinh, không phải là sao, còn gọi là Mộc Tinh), Sao Thiên Vương (còn gọi là Thiên Vương Tinh). Tuy nhiên, cần nhất quán trong 1 cuốn sách. Lưu ý: nếu từ Mặt Trời, Mặt Trăng, Trái Đất, … đóng vai trò định ngữ trong câu (bổ nghĩa cho 1 danh từ khác) thì không viết hoa, ví dụ: ánh sáng mặt trời.

– Viết hoa vì mục đích tu từ

– Viết hoa vì “riêng hóa” danh từ chung: Đảng và Chính phủ; Truyện Kiều.

– Viết hoa theo nguyên bản (nếu không mâu thuẫn với quy định trên). Tuy nhiên không bắt chước lối viết hoa đồng loạt của tiếng Anh trong một số trường hợp:

+ Tên tác phẩm: The Universe in a Single Atom dịch sang tiếng Việt chỉ viết hoa chữ cái đầu tiên (nếu có tên riêng thì viết hoa tên riêng): Vũ trụ trong một nguyên tử.

+ Thành phần có nghĩa trong tên:

Không viết hoa chữ sông, núi, dãy núi, biển, đảo, quần đảo, đại lộ,… mặc dù tiếng Anh viết hoa cả những chữ này. Ví dụ: sông Hồng (Red River), biển Đông, biển Bắc (North Sea), biển Adriatic (Adriatic Sea), quần đảo Bahama (Bahama Islands), đại lộ Pennsylvania (Pennsylvania Avenue).

Nếu thành phần này gắn liền trong tên gọi (thường đứng sau cùng) thì viết hoa: Ấn Độ Dương, Bắc Băng Dương, Đại Tây Dương, Thái Bình Dương (không viết Ấn Độ dương, Bắc Băng dương, Đại Tây dương, Thái Bình dương); Địa Trung Hải (không viết Địa Trung hải); Hoàng Hà, Trường Giang (không viết Hoàng hà, Trường giang).

– Các danh từ chỉ hướng đông, tây, nam, bắc chỉ viết hoa trong cụm từ chỉ vùng, miền: nhìn về phương bắc; cách Hà Nội 20 km về hướng tây nam; miền Nam Việt Nam.

– Tên tổ chức, cơ quan, trường học, không viết hoa từng chữ (âm tiết), mà viết hoa theo từ hoặc chỉ những chữ đầu tiên, nhưng cần nhất quán: Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ (hoặc Hội Liên hiệp phụ nữ), Đoàn Thanh niên Cộng sản (hoặc Đoàn Thanh niên cộng sản), Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn,…



6. Tên riêng viết/in nghiêng:

– Tên một cuốn sách, tờ báo, tạp chí, bộ phim, vở kịch, khách sạn, tàu thủy… thì viết /in nghiêng, viết hoa duy nhất từ đầu tiên (trừ trường hợp có tên riêng trong đó). Nguyên bản tiếng Đức và tiếng Nga có thói quen để những tên riêng loại này trong ngoặc kép, nên bỏ ngoặc kép và chuyển sang viết/in nghiêng theo kiểu Anh.

– Tên bài thơ (trong tập thơ), tên một bài viết (trên báo, tạp chí), một bài hát (trong album)… thì để trong ngoặc kép.

Ví dụ: “Chí Phèo” trong Truyện ngắn Nam Cao chọn lọc.

– Tên loài sinh vật hoặc chi/giống sinh vật: chủng tụ cầu vàng Staphylococcus aureus; trực khuẩn Bacillus; các loài chim thuộc chi/giống Acrocephalus. Lưu ý: tên bộ, họ, lớp sinh vật không viết nghiêng, mà viết hoa chữ đầu.

7. Viết tắt. Các từ viết tắt nếu đánh dấu chấm thì đánh sau tất cả các chữ, nếu không dùng dấu chấm thì bỏ hết: USA (hoặc U.S.A.); TP HCM (không viết T.P H.C.M, TP. HCM), BCHTƯ hoặc Ban Chấp hành T.Ư. (không viết BCHT.Ư hoặc Ban Chấp hành T.Ư). Riêng phần viết tắt họ tên người luôn có dấu chấm, có thể để cách hoặc viết liền (tùy theo nguyên bản) giữa hai chữ viết tắt: L. D. Landau (hoặc L.D. Landau); C. S. Lewis (hoặc C.S. Lewis). Trước Công nguyên viết là TCN (không viết tr.C.N), không dùng sau Công nguyên (SCN) mà khi cần chỉ dùng CN. Ví dụ 250 TCN–120 CN.
III. Từ gốc nước ngoài
1. Danh từ chung Việt hóa đã quen dùng thì không nên viết nguyên dạng và có thể không cần gạch nối (nếu viết rời). Ưu tiên cách viết có dấu theo phương châm đọc thế nào viết thế ấy. Ví dụ: cà phê (không viết: coffee hoặc café), quán cà phê (không viết: café), đô la (không cần gạch nối, không viết: dollar), sơ mi, ô tô, xi măng, pít tông. Một số danh từ chưa Việt hóa sâu có thể chấp nhận 1 trong vài cách (để nguyên dạng, phiên âm có gạch nối,…) nhưng cần nhất quán trong 1 cuốn sách: vi-rút (ưu tiên, như sách giáo khoa tiểu học), virút, virut (như sách giáo khoa sinh học) hoặc virus; bi-a, bi a, bi da hoặc billiard, phông chữ hoặc font chữ. Nên viết gien thay cho gen để tránh đọc nhầm thành ghen (và ngoài ra còn có từ gel để nguyên dạng với nghĩa khác). Viết rõ dấu chữ ă, â, ơ, đ,… khi phiên âm: ăng-ten/ăngten (không viết: angten), nơ-ron/nơron (không viết: noron), nơ-tron/nơtron (không viết: notron), hiđrô/hyđrô (không viết: hydro, hidro).

Một số danh từ dùng chưa lâu có thể để nguyên dạng (bỏ số nhiều nếu có): quần jean (thay cho quần jin/gin, vì chữ gin có thể hiểu là dạng tắt của origin), nhạc rock and roll.



2. Các chất hóa học có thể chọn cách viết không dấu (như sách giáo khoa hóa học) hoặc có dấu (như sách giáo khoa sinh học) nhưng cần nhất quán trong 1 cuốn sách: axit, axít hoặc a-xít (không viết: acid); oxi (như sách giáo khoa hóa học), ôxi (như sách giáo khoa sinh vật), ôxy, ô-xy hoặc ô-xi (như sách giáo khoa tiểu học) mà không viết oxygen, urani (không viết: uranium), prôtêin (như sách giáo khoa sinh vật) hoặc protein (như sách giáo khoa hóa học). Nên ưu tiên cách viết có dấu theo phương châm đọc thế nào viết thế ấy.

3. Phiên âm hay để nguyên dạng tên riêng:

– Thống nhất để nguyên dạng tên riêng tiếng nước ngoài (nói đúng hơn: để nguyên theo tiếng Anh) đối với các ngôn ngữ dùng hệ chữ cái La-tinh. Đối với những ngôn ngữ không dùng hệ chữ cái La-tinh, có thể phiên sang tiếng Việt kèm đủ dấu thanh điệu hoặc thống nhất dùng dạng tiếng Anh (một số trường hợp có thể để nguyên tên gốc đã dùng phổ biến trong tiếng Việt, như Italia, Roma thay cho Italy, Rome của tiếng Anh) hoặc dùng phiên tự và nhất quán trong 1 văn bản. Ví dụ: Mát-xcơ-va, hoặc Moscow (theo tiếng Anh) hoặc Moskva (phiên tự từ tiếng Nga), Li-băng, [chủ nghĩa] Mác-Lênin. Trường hợp phiên tiếng Việt nên dùng gạch nối để người đọc biết đây không phải từ để nguyên tiếng Anh và xác định rõ cách đọc, chẳng hạn nên viết Mát-xcơ-va thay cho Mátxcơva, Ma-lai-xi-a (tiếng Anh Malaysia), Xin-ga-po (tiếng Anh Singapore). Những từ từng có tên phiên quen thuộc (nhất là trường hợp xa tên gốc) thì có thể mở ngoặc tên phiên một lần, ví dụ: Pithagoras (Pi-ta-go), Moscow (Mát-xcơ-va).

Lưu ý: viết rõ dấu chữ khi phiên âm: Mát-xcơ-va (không viết Mat-xco-va hoặc Matxcova), Ai-xơ-len (không viết Ai-xo-len hoặc Aixolen), Ăng-gô-la (không viết Ang-go-la hoặc Anggola).

Trường hợp tên riêng phiên âm Hán Việt vẫn được sử dụng quen thuộc mà sách báo không dùng dạng tiếng Anh, thì áp dụng phiên âm Hán Việt, có viết hoa tất cả các âm tiết, ví dụ: Na Uy (không viết: Nauy hoặc Na uy), Hà Lan. Trong trường hợp tồn tại phổ biến tên riêng dạng tiếng Anh, thì để đa dạng (nhất là thơ ca, bài hát), cho phép phiên âm Hán Việt tồn tại song song trong văn bản và có thể mở ngoặc lần đầu, ví dụ: Ý và Italia (hoặc Italy), Úc và Australia, La Mã và Roma (hoặc Rome), Mỹ và Hoa Kỳ, Luân Đôn và London, Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh.



IV. Chữ số

1. Đối với chữ số, dùng ký hiệu thập phân theo kiểu Việt Nam, không theo kiểu Anh. Ví dụ: 220.000 đô la hoặc 220 000 đô la, 2.300 năm, 2300 hoặc 2 300 năm (có hoặc không có dấu chấm); 13,4% (không dùng 220,000 USD; 2,300 năm; 13.4%).

2. Các số (nhất là những số không lớn) có thể viết bằng chữ hoặc bằng số. Nên tham khảo cách viết trong nguyên bản.

3. Ngày, tháng, năm có thể dùng số thay cho chữ (không viết số 0 đứng đầu số), nhưng nên chọn 1 cách. Ví dụ: ngày 7-1-2002, hoặc ngày 7.1.2002, hoặc ngày 7 tháng 1 năm 2002, hoặc ngày 7 tháng giêng/một năm 2002 (không viết: 07-01-2002, 07.01.2002, ngày 07 tháng 01 năm 2002).

4. Chấp nhận cách dùng “những năm 1980” (ngắn gọn hơn “những năm 80 của thế kỷ XX”); thế kỷ 20 (không nhất thiết phải dùng “thế kỷ XX”) nhưng cần nhất quán trong văn bản.

5. Các đơn vị đo lường.

– Nên đổi các đơn vị đo lường của Anh-Mỹ (foot, yard, fathom, pound,…) sang các đơn vị đo lường hệ mét (làm tròn một cách gần đúng).



– Các đơn vị đo lường theo quy định của Chính phủ (Nghị định số 134/2007/NĐ-CP, xem trên mạng), chủ yếu phiên sang tiếng Việt: gam (không viết: gram), kilôgam (hoặc ki-lô-gam), kilômét (hoặc ki-lô-mét), héc (không viết: hertz), lít (không viết: litre, liter). Riêng trường hợp các tiền tố centi- và deci-, ngoài cách ghi theo quy định trên, có thể chọn cách dùng trong sách giáo khoa: xentimét/xăngtimét/xăng-ti-mét, đềximét/đề-xi-mét (ngoài cách ghi centimét, decimét theo quy định).

– Không viết hoa tên đơn vị đo dù được đặt theo tên người: ampe, vôn, oát, henry, kenvin…
Каталог: upload -> Colombo -> 247
Colombo -> 1 Bạn từ đâu tới? James Xin chào. Hello
Colombo -> CÂu hỏi hái hoa dân chủ 8/3/2013 CẤp huyện câu 1
Colombo -> Chuyên đề thực tập tốt nghiệp Sinh viên: Lê Sỹ Hải
Colombo -> Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-cp ngày 31/8/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ y tế
Colombo -> Bộ ảnh về Việt Nam 120 năm trước
Colombo -> 00x các trưỜng kiểm soát thông tin chung đỊnh nghĩa và phạm VI trưỜNG
Colombo -> ĐẢng ủy phưỜng đẠi mỗ Số 178- qđ/ĐU ĐẢng cộng sản việt nam
Colombo -> Phụ lục Bảng lương cán bộ, công chức, viên chức Ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-cp
247 -> CHÍnh phủ Số : 134

tải về 40.79 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương