ÐẠo phật ngày nay một diễn dịch mới về ba bộ kinh pháp hoa


NHÌN THẤY NGÀI PHỔ HIỀN TRONG MỘNG



tải về 2.78 Mb.
trang39/41
Chuyển đổi dữ liệu07.06.2018
Kích2.78 Mb.
#39525
1   ...   33   34   35   36   37   38   39   40   41

NHÌN THẤY NGÀI PHỔ HIỀN TRONG MỘNG.


Đức Phật dạy tiếp: “Bấy giờ hành giả chứng kiến sự việc ấy xong, một lòng nhớ nghĩ đến Đại thừa, ngày đêm không xả bỏ, thậm chí cả khi ngủ, người ấy cũng sẽ có thể trông thấy ngài Phổ Hiền giảng pháp cho mình trong mộng, giống như khi đang thức vậy. Bồ-tát sẽ an ủy tâm người ấy, bảo rằng: "Ông đã quên câu này hoặc đã quên kệ này trong các kinh mà Ông đã tụng, đã trì". Rồi hành giả nghe được nghĩa thú thâm sâu mà Bồ-tát Phổ Hiền giảng giải, sẽ hiểu ý nghĩa và trì kinh mà không quên”.

“Trông thấy ngài Phổ Hiền trong mộng” là một Ẩn dụ thường xuất hiện trong phẩm này, có hai ý nghĩa.

Thứ nhất, nó có nghĩa là dù một người đang thức, người ấy cũng có thể cố gắng một cách có ý thức để trì giữ Đại thừa trong tâm, khi ngủ người ấy không thể kiểm soát được tâm mình (cái tâm tiềm thức). Dù cho người ấy muốn có một giấc mơ nào đó hay quyết định không nói trong giấc ngủ, người ấy cũng không thể kiểm soát tâm thức và hành động của mình trong khi ngủ. Tuy nhiên, nếu một người thực sự đi sâu vào niềm tin của mình, người ấy có thể nhìn thấy Bồ-tát Phổ Hiền giảng Pháp cho mình dù cả khi người ấy đang nằm mơ. Vị Bồ-tát này sẽ xuất hiện trước mặt người ấy trong một giấc mơ và sẽ khích lệ người ấy rằng: “Ông sẽ có thể đạt đến cấp độ tâm thức của một vị Bồ-tát”, và sẽ ân cần nhắc nhở người ấy: “Ông đã quên câu này hay đã hiểu nhầm bài kệ này”.

Thứ hai, “nhìn thấy ngài Phổ Hiền trong mộng” gợi ý nghĩa sau đây: một người đã thực sự đi sâu vào niềm tin thì thường có thể hiểu được chân lý của giáo lý bằng trực giác. Cú ngữ này trỏ cái trạng thái tâm thức khi đã đạt được sự khai mở của đức Phật hay khi đã tự mình chứng ngộ. Tuy nhiên, sự khai mở mà một người đã đạt được từ đức Phật bằng trực giác cũng giống như một giấc mơ; nó chưa được cụ thể hóa. Khi người ấy xem xét sự khai mở ấy một cách kỹ càng và tin rằng chắc chắn đấy là chân lý được xét từ mọi góc cạnh, thì sự khai mở ấy sẽ có ích cho người ấy và sẽ là một giáo lý đáng truyền bá cho những người khác.

Đức Phật dạy tiếp: “Vì hành giả ngày nào cũng cứ như thế, tâm người ấy sẽ dần dần được lợi ích. Bồ-tát Phổ Hiền sẽ khiến hành giả ấy nhớ đến chư Phật ở mười phương. Theo giáo lý của ngài Phổ Hiền, hành giả sẽ chánh tâm chánh ý, dần dần với con mắt tâm, hành giả sẽ thấy chư Phật ở phương Đông thân có màu vàng của vàng và rất đoan nghiêm vi diệu. Sau khi nhìn thấy một đức Phật, hành giả sẽ lại nhìn thấy một đức Phật khác. Cứ như thế, vị ấy sẽ dần dần nhìn thấy tất cả chư Phật khắp phương Đông, và do tư duy linh lợi, vị ấy sẽ nhìn thấy tất cả chư Phật ở khắp mười phương”.

Các từ “phương Đông” và “ở phương Đông” đã xuất hiện khá thường ở các chương trước của cuốn sách này. Phương Đông là hướng mặt trời mọc do đó mà ngầm trỏ sự khởi đầu của mọi sự. Mặt khác, phương Tây là hướng mặt trời lặn và do đó chỉ sự chấm dứt của mọi sự.  Ý niệm sau phù hợp với sự tin tưởng trong Phật giáo rằng ai niệm danh hiệu đức Phật A-di-đà với một cái tâm chân thành thì sẽ có thể tái sinh vào cõi Tịnh Độ ở phương Tây. Trong phẩm này “nhìn thấy chư Phật ở phương Tây” trỏ thời gian mà một người vừa khởi sự thực hành một niềm tin thực sự.

Cú ngữ “Sau khi nhìn thấy một đức Phật, hành giả sẽ lại nhìn thấy một đức Phật khác” có nghĩa là dù chân lý là một, tín giả sẽ có thể nhìn thấy nhiều biểu hiện liên tiếp nếu vị ấy thể hội một chân lý. Nếu một người có thể nhìn thấy tất cả chư Phật ở khắp phương Đông, người ấy sẽ có thể tư duy về mình một cách thuận lợi hơn nhiều và do đó sẽ có thể nhìn thấy tất cả chư Phật ở mười phương. Khi người ấy đạt được tâm thái này, niềm hoan hỷ tâm linh của người ấy sẽ trở nên sâu đậm. Tuy nhiên, trong câu kế tiếp, đức Phật dạy ta rằng dù cho tín giả đạt được một tâm thái như vậy, vị ấy cũng chớ nên thỏa mãn mà cần phải sám hối sâu xa hơn nữa về những tội lỗi của mình. Qua đó ta hiểu rằng việc thực hành sám hối chân thực không nên chỉ giới hạn ở sự thú tội. Sám hối không chỉ gồm việc tẩy rửa Phật tính của ta cho sạch mà còn phải đánh bóng Phật tính ấy nữa.

Đặc biệt chúng ta nên thực hành sám hối như thế nào ? Đức Phật dạy chúng ta nên có thái độ tâm thức sau đây, dù cho đã đạt tới cái trạng thái tâm thức cao đã nói trên: “Sau khi thấy chư Phật, vị ấy (hành giả) hoan hỷ trong lòng và bảo rằng: "Nhờ Đại thừa, ta đã thấy được chư Đại sĩ. Nhờ sức của chư Đại sĩ, ta đã thấy được chư Phật. Tuy ta đã thấy chư Phật, nhưng ta vẫn còn chưa thấy chư Phật thật rõ ràng. Nhắm mắt thì ta thấy chư Phật, nhưng khi mở mắt ra, ta lại không còn thấy chư Phật". Sau khi bảo như thế, vị ấy gieo thân xuống đất mà đảnh lễ chư Phật ở mười phương. Đảnh lễ chư Phật xong, vị ấy nên quỳ xuống chắp tay mà tác bạch: "Bạch chư Phật, Thế Tôn có mười lực, vô úy, mười tám tính chất đặc biệt, đại từ, đại bi, ba niệm xứ, là những bậc thường tại ở thế gian, có sắc tướng tối thượng trong các sắc tướng ! Do con có tội lỗi gì mà không được nhìn thấy chư Phật ?"“

Câu “Nhắm mắt thì thấy chư Phật, nhưng khi mở mắt ra, ta lại không còn thấy chư Phật” diễn ta một kinh nghiệm mà mọi Phật tử sẽ nhận biết.  

---o0o---


MƯỜI LỰC


Mười lực nghĩa là sự lĩnh hội viên mãn trong mười phạm vi của cái biết mà chỉ có đức Phật mới có được. Các năng lực này sẽ được giải thích vắn tắt ở đây vì hàng tín giả của kinh Pháp Hoa hiểu được chúng là một điều rất thiết yếu. Mười năng lực được gán cho đức Phật là:

1. Năng lực biết cái đúng và cái sai;

2. Năng lực biết hậu quả của nghiệp;

3. Năng lực biết tất cả các Thiền định;

5. Năng lực biết các khả năng cao hay thấp của chúng sanh;

6. Năng lực biết bản tính và hành động của chúng sanh;

7. Năng lực biết nguyên nhân và kết quả của chúng sanh trong mọi cảnh giới;

8. Năng lực biết kết quả của nghiệp trong các đời quá khứ;

9. Năng lực biết bằng trí siêu phàn, và

10. Năng lực thoát khỏi mọi sai lầm, hay không thể sai lầm trong cái biết.

Mười tám tính chất đặc biệt là mười tám công đức mà chỉ có đức Phật mới có được. Các tính chất đặc biệt này là:

1. Không sai lầm về thân thể;

2. Không sai lầm về ngôn ngữ; 3. Không sai lầm về ý niệm;

4. Không bất định về tâm;

5. Không có tâm lựa chọn;

6. Nhẫn nhục hoàn toàn;

7. Kiên trì mong mỏi cứu độ tất cả chúng sanh;

8. Tinh tấn không giảm;

9. Nhớ nghĩ không giảm về mọi giáo lý của chư Phật quá khứ, hiện tại và tương lai;

10. Quán niệm không giảm;

11. Trí tuệ không giảm;

12. Giải thoát không giảm đối với mọi phiền chướng;

13. Mọi hành động về thân đều phù hợp với trí tuệ;

14. Mọi hành động và lời nói phù hợp với trí tuệ;

15. Mọi ý nghĩ phù hợp với trí tuệ;

16. Có trí tuệ không bị ngăn ngại về quá khứ;

17. Có trí tuệ không bị ngăn ngại về tương lai và

18. Có trí tuệ không bị ngăn ngại về hiện tại.

Ba loại niệm xứ nghĩa là những thái độ ổn cố của đức Phật đối với chúng sanh bằng cách phân ra ba loại: niệm xứ thứ nhất (Sơ niệm xứ - Sho-nenjo), niệm xứ thứ hai (Nhị niệm xứ - Ni-nenjo) và niệm xứ thứ ba (Tam niệm xứ - San-nenjo).

Khi chúng sanh khen ngợi đức độ của Ngài, đức Phật khen ngợi sự khen ngợi Ngài của họ chứ không phải khen ngợi sự việc Ngài được khen ngợi. Thái độ này là niệm xứ thứ nhất. Khi có ai phỉ báng hay lăng mạ Ngài, đức Phật không bao giờ cảm thấy buồn khổ về một người như vậy hay giận dỗi người ấy vì Ngài đang bị sỉ nhục. Với lòng từ bi sâu đậm, Ngài thực sự thương xót người ấy. Thái độ này là niệm xứ thứ hai.  Một số người trong số các chúng sanh đông đảo quy hướng Phật pháp, nhưng những người khác thì không như thế. Đức Phật không bao giờ phân biệt hai loại chúng sanh này mà đều có lòng từ bi ngang bằng đối với họ vì tất cả họ đều có Phật tính. Thái độ đối xử không phân biệt này đối với họ là niệm xứ thứ ba. Ba thái độ này chỉ có đức Phật mới có, nhưng chúng ta phải theo gương đức Phật khi chúng ta quảng bá giáo lý củaNgài.

Đức Phật dạy tiếp: “Tác bạch như thế xong, hành giả lại càng sám hối nhiều hơn. Sau khi người ấy thành tựu sự thanh tịnh của sám hối, Bồ tát Phổ Hiền lại sẽ xuất hiện trước mặt người ấy và luôn ở bên cạnh người ấy, thậm chí sẽ còn thuyết Pháp cho người ấy khi người ấy đang nằm mơ. Sau khi tỉnh giấc, người ấy sẽ được sự hỷ lạc về Pháp. Cứ như thế, sau ba lần bảy ngày đêm, người ấy sẽ đắc đà-la-ni Triền. Nhờ đạt được đà-la-ni, người ấy sẽ giữ mãi trong trí óc mà không quên Diệu pháp mà chư Phật và chư Bồ-tát đã giảng. Trong những giấc mơ, người ấy sẽ luôn nhìn thấy bảy vị Phật của quá khứ, trong đó chỉ riêng đức Phật Thích-ca-mâu-ni sẽ giảng Pháp cho người ấy. Chư Thế Tôn này đều xưng tán kinh điển Đại thừa. Bấy giờ hành giả lại sám hối(1) thêm nữa và lễ bái chư Phật ở khắp mười phương. Sau khi người ấy lễ bái chư Phật ở mười phương, Bồ-tát Phổ Hiền đứng trước mặt người ấy, sẽ giảng dạy người ấy về tất cả nghiệp và duyên của các đời trước của người ấy, và sẽ khiến người ấy phát lộ tất cả các tội lỗi hắc ám, xấu ác đã mắc phải. Hướng đến chư Thế Tôn, người ấy cần phải tự miệng mình phát lộ các tội lỗi của mình”.

---o0o---


CHỈ RIÊNG ĐỨC PHẬT THÍCH-CA-MÂU-NI GIẢNG PHÁP.


Một biểu cú rất quan trọng xuất hiện trong đoạn trên: “Trong những giấc mơ, người ấy sẽ luôn nhìn thấy bảy vị Phật của quá khứ, trong đó chỉ riêng đức Phật Thích-ca-mâu-ni sẽ giảng pháp cho người ấy”. Quả thực rằng tất cả chư Phật đời quá khứ đều tối cao, nhưng trong chư vị chỉ riêng đức Phật Thích-ca-mâu-ni thuyết giảng giáo lý của Ngài cho chúng ta ở thế giới Ta-bà này. Nhờ giáo lý này, chúng ta có thể biết cái chân lý đã tồn tại bất biến từ thời quá khứ vô thỉ. Do đó, chúng ta chỉ quy y đức Phật Thích-ca-mâu-ni; qua đó, chúng ta cũng quy y chư Phật khác (những biểu hiện khác nhau của chân lý).

Nhìn thấy đức Phật trong những giấc mơ của mình nghĩa là người ta đạt được một ý thức mơ hồ về sự hiện hữu cùng với chư Phật, người ta còn cảm thấy lòng hoan hỷ nhiều hơn và bái lạy chư Phật ở khắp mười phương. Thế rồi Bồ-tát Phổ Hiền sẽ hiện ra trước mặt hành giả và sẽ bảo với người ấy rằng người ấy đã có thể nhìn thấy chư Phật nhờ tất cả các nhiệp và duyên trong các đời trước và sẽ khiến người ấy phát lộ các tội lỗi của mình. Thế có nghĩa là tín giả biết rõ các tội lỗi của chính mình nhờ Bồ-tát Phổ Hiền. Đây là sự sám hối mà người ta thể hiện trước chư Phật. Biểu cú “Người ấy cần phải tự miệng mình phát lộ các tội lỗi của mình” trỏ sự sám hối mà người ấy thể hiện trong tâm thức.

Đức Phật dạy tiếp: “Sau khi đã phát lộ tội lỗi của mình, người ấy sẽ đạt được tam-muội Chư Phật hiện tiền(1). Đạt tam-muội này xong, người ấy sẽ nhìn thấy đức Phật A-súc (Akshobhya) và quốc độ Diệu Hỷ của Ngài ở phương Đông một cách rõ ràng, tinh tường. Cũng như thế, người ấy sẽ nhìn thấy rõ ràng, tinh tường các quốc độ kỳ diệu của chư Phật ở mười phương. Sau khi đã nhìn thấy chư Phật ở mười phương, người ấy sẽ nằm mơ thất rằng: một
vị Kim cang cỡi trên đầu voi dùng chày kim cang trỏ vào sáu căn (sáu quan năng). Trỏ vào sáu căn xong, Bồ-tát Phổ Hiền sẽ giảng cho hành giả cách sám hối để có được sự thanh tịnh của sáu căn. Vị ấy sám hối như vậy trong một ngày hoặc ba lần bảy ngày. Sau đó, nhờ sức tam-muội Chư Phật hiện tiền và nhờ sự trang nghiêm của sự việc Bồ-tát Phổ Hiền thuyết pháp, tai của hành giả dần dần nghe được các âm thanh mà không bị chướng ngại, và
mũi sẽ dần dần ngửi được các mùi mà không bị chướng ngại. Đây được giảng rộng như ở kinh Diệu Pháp Liên Hoa(1). Sau khi đạt được sự thanh tịnh của sáu căn, người ấy có được sự hoan hỷ về thân và tâm, không có các tướng xấu ác, tâm thuần Pháp này, tương hợp với Pháp này. Người ấy lại sẽ đạt thêm trăm ngàn vạn ức đà-la-ni Triền và sẽ được rộng thấy trăm ngàn vạn ức vô lượng chư Phật. Các đức Thế Tôn này đều dùng tay phải mà xoa đầu hành giả và dạy rằng: "Hay thay ! Hay thay ! Ông là một hành giả của Đại thừa, một người phát tâm đại trang nghiêm và là một người trì giữ Đại thừa trong tâm. Ngày xưa khi chúng ta phát tâm Bồ-đề, chúng ta cũng giống như Ông vậy, chuyên cần, không bỏ bê. Do đã thực hành Đại thừa trong các đời trước nên nay chúng ta thành tựu thân thanh tịnh chánh biến tri. Nay Ông hãy chăm chỉ tu tập, chơù biếng lười. Các kinh Đại thừa này là kho báu của chư
Phật, là mắt của chư Phật ở mười phương trong quá khứ, hiện tại và tương lai và cũng là hạt giống sản sinh ra chư Phật trong ba đời ấy. Người trì các kinh này chính là trì thân của Phật, làm việc của Phật. Nên biết rằng người ấy chính là sứ đồ của chư Phật, được khoác áo của chư Phật, chư Thế Tôn, là pháp tử quý của chư Phật, chư Thế Tôn. Ông hãy thực hành Đại thừa và chớ cắt đứt hạt giống Pháp. Nay Ông hãy quán kỹ chư Phật ở phương Đông !"“

“Khi chư Phật dạy như thế, hành giả liền thấy tất cả vô lượng thế giới ở phương Đông, đất bằng phẳng như bàn tay, không có gò, đồi hay gai góc, trái lại, đất bằng lưu ly và đường lát vàng. Các thế giới ở mười phương cũng lại như thế. Sau khi đã chứng kiến sự việc này, hành giả sẽ nhìn thấy một cây báu, cây cao quý, kỳ diệu, cao năm ngàn do- tuần. Cây này luôn sản sinh vàng ròng và ngọc trắng và sẽ được trang hoàng bằng bảy báu; dưới cây tự nhiên có một tòa sư tử, tòa sư tử ấy cao hai ngàn do-tuần và trên tòa phát ra ánh sáng của trăm thứ báu. Cũng như vậy, từ tất cả các cây đều có các tòa báu và mỗi tòa báu đều có phát ra ánh sáng của trăm thứ báu. Cũng như vậy, từ tất cả các cây, có các tòa báu khác và mỗi tòa báu sẽ lộ ra năm trăm con voi trắng trên đó tất cả Bồ-tát Phổ Hiền ngồi cỡi”.

Chày kim cang là một loại vũ khí vốn được dùng ở Ấn Độ cổ. Trong Phật giáo, nó được xem là một biểu tượng của tâm Bồ-đề vì nó có thể đoạn diệt tất cả các lậu hoặc và tà kiến. Do đó, cú ngữ “trỏ chày kim cang vào sáu căn” trỏ cái năng lực của tín giả nhằm đoạn trừ sự ô nhiễm của sáu căn của người ấy, nó minh chứng sự kiện tâm người ấy chuyển đến sự sám hối. Biểu cú “Bồ-tát Phổ Hiền sẽ giảng cho hành giả, cách sám hối để có được sự thanh tịnh của sáu căn” có nghĩa là thông qua sự thực hành sám hối, hành giả có thể biết mình được thanh tịnh về thân và tâm.

Một biểu cú đáng chú ý khác là: “Khi chư Phật dạy như thế, hành giả liền thấy tất cả vô lượng thế giới ở phương Đông...” Đây muốn bảo rằng nếu ai thâm hiểu Thánh tính của Phật pháp và việc giảng Phật pháp (cây báu và đài báu), và nếu Phật pháp được giảng rộng khắp thì tất cả mọi người, xã hội và toàn thế giới sẽ trở nên đẹp đẽ.

“Bấy giờ hành giả lễ bái tất cả chư Phổ Hiền và nên bảo rằng: "Con có tội lỗi gì mà chỉ thấy được đất báu, đài báu và cây báu nhưng không thấy được chư Phật ?"“

Trong đoạn trước đây có cú ngữ sau: “Do tư duy linh lợi, vị ấy sẽ nhìn thấy tất cả chư Phật ở khắp mười phương”. Người đọc có thể nghĩ rằng ở đây mâu thuẫn với câu: “Con có tội lỗi gì .... không thấy được chư Phật ?”, nhưng thật ra cả hai chỗ không phải là không nhất quán. Dù cho một người nhận thức mạnh mẽ được rằng mình hiện hữu cùng với đức Phật, nhưng nếu người ấy chưa đạt được cấp độ tâm thức của một vị Bồ-tát thì nhận thức này sẽ phai mờ ngay khi có cái gì đó xâm chiếm sự chú tâm của người ấy và làm người ấy xao lãng.

“Khi tác bạch như thế xong, hành giả sẽ thấy rằng trên mỗi tòa báu đều có một đức Thế Tôn đang ngồi đoan nghiêm, vi diệu. Nhìn thấy chư Phật xong, hành giả sẽ rất vui mừng, lại càng tụng đọc và tu tập các kinh điển Đại thừa. Do năng lực của Đại thừa, từ không trung có tiếng ca ngợi rằng: "Hay thay ! Hay thay ! Thiện nam tử ! Do công đức thực hành Đại thừa nên Ông có thể nhìn thấy được chư Phật. Nay tuy Ông đã có thể nhìn thấy chư Phật, Thế Tôn, nhưng Ông chưa thể nhìn thấy đức Phật Thích-ca-mâu-ni, chưa thể nhìn thấy chư Phật phân thân từ Ngài và tháp của đức Phật Đa Bảo." Sau khi nghe tiếng ấy từ không trung phát ra, hành giả sẽ lại càng tụng đọc và tu tập các kinh điển Đại thừa. Do tụng đọc và tu tập các kinh Đại thừa phương quảng nên ngay cả trong các giấc mơ, người ấy cũng sẽ thấy đức Phật Thích-ca-mâu-ni đang ở tại núi Kỳ-xà-quật cùng với đại chúng, thuyết giảng kinh Pháp Hoa, diễn giải ý nghĩa của cái chân thật duy nhất. Sau khi nghe giảng về sám hối và khát khao mong mỏi được nhìn thấy đức Phật, người ấy cần chắp tay, quỳ xuống hướng về núi Kỳ-xà-quật và tác bạch: "Bạch đức Như Lai, đấng Đại hùng của thế gian, thường tại thế gian ! Xin rũ lòng thương xót con mà hiện thân cho con được trông thấy"“.

Độc giả có thể tự hỏi tại sao hành giả lại bảo “Xin... hiện thân cho con được trông thấy” dù đã có sự tuyên bố rằng:

“Ngay cả trong các giấc mơ, người ấy cũng sẽ thấy đức Phật Thích-ca-mâu-ni đang ở tại núi Kỳ-xà-quật”. Sở dĩ như thế là vì hành giả muốn nắm chắc cái ý định thực sự của đức Phật rõ ràng và thâm sâu hơn. Khi suy nghĩ như thế và hình dung núi Kỳ-xà-quật cho mình, người ấy có thể thấy cảnh đẹp sau đây:

“Tác bạch như thế xong, người ấy sẽ thấy núi Kỳ-xà-quật được trang hoàng bằng bảy thứ báu và đầy cả vô số Tỳ-kheo, Thanh văn và một đại chúng; nơi này có các cây báu xếp thành hàng và đất báu thì bằng phẳng, có một tòa sư tử quý báu và vi diệu. Trên tòa có đức Phật Thích-ca-mâu-ni phóng ánh sáng giữa đôi mày chiếu sáng khắp suốt mọi thế giới ở mười phương và xuyên suốt vô lượng thế giới ở mười phương. Chư Phật phân thân từ đức Phật Thích-ca-mâu-ni ở mười phương mà ánh sáng ấy chiếu đến vân tập lại cùng một lúc và rộng giảng Diệu pháp như được nêu trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa(1). Mỗi vị Phật Phân thân này có thân vàng ròng, thân hình lớn vô biên, ngồi trên tòa sư tử được trăm ức vô lượng đại Bồ-tát làm quyến thuộc. Các vị Bồ-tát này có hạnh giống như hạnh của ngài Phổ Hiền. Quyến thuộc của vô lượng chư Phật, chư Bồ-tát ở mười phương cũng như vậy. Khi đại chúng đã vân tập, chư vị sẽ thấy đức Phật Thích-ca-mâu-ni phóng các tia sáng có màu của vàng từ các lỗ chân lông trên toàn thân Ngài; trong mỗi tia sáng này đều có một trăm ức Hóa Phật. Chư Phật Phân thân sẽ phóng các tia sáng từ chòm lông trắng, tướng của bậc Đại nhân; các tia này lưu chuyển vào đỉnh đầu đức Phật Thích-ca-mâu-ni. Chứng kiến cảnh trạng này, chư Phật Phân thân cũng sẽ phóng các tia sáng có màu sắc của vàng từ các lỗ chân lông trên thân chư vị; trong mỗi tia sáng có các vị Hóa Phật nhiều như bụi cát sông Hằng”.

Đoạn trên chứa đựng bốn sự miêu tả quan trọng. Thứ nhất, chư Phật hóa thân từ đức Phật Thích-ca-mâu-ni được nhìn thấy qua một tia sáng phát ta từ đôi mày của đức Phật. Như thế nghĩa là nếu một người quy y Phật pháp, tâm người ấy sẽ thông hội với tâm của tất cả chư Phật; nói một cách khác, nếu người ấy lĩnh hội chân lý mà đức Phật Thích-ca-mâu-ni dạy thì người ấy sẽ hiểu được ý nghĩa chân thực của mọi giáo lý.  Thứ hai, chư Phật hóa thân từ đức Phật Thích-ca-mâu-ni giảng cùng một Pháp như Pháp được giảng trong kinh Pháp Hoa. Điều này chứng tỏ rằng hết thảy mọi giáo lý đều thống nhất vào kinh Pháp Hoa. Thứ ba, sự tu tập của mỗi vị trong vô lượng trăm ức đại Bồ-tát đều giống như sự tu tập của Bồ-tát Phổ Hiền. Điều này nghĩa là Thánh tính của một vị Bồ-tát vốn có trước mọi thứ trong sự tu tập của ngài. Thứ tư, khi những tia sáng phát ra từ những đôi mày của chư Phật Phân thân lưu chuyển vào đỉnh đầu của đức Phật Thích-ca-mâu-ni, chư Phật Phân thân phóng các tia sáng từ khắp các lỗ chân lông của chư vị và trong mỗi tia sáng có vô số chư Hóa Phật. Điều này có nghĩa là Phật pháp quảng bá không giới hạn. Ánh sáng của chân lý chiếu đến mọi nơi, và tất cả những gì phù hợp với chân lý sáng ngời lên do ánh sáng phản chiếu của chân lý. Nhưng những gì bao phủ chân lý bằng ảo tưởng và tội lỗi sẽ không sáng lên dù cho những thứ này có nhận ánh sáng phản chiếu của chân lý. Do đó khi nào một người gỡ bỏ các ảo tưởng và tội lỗi khỏi tâm mình nhờ thực hành sám hối thì khi ấy người ấy vẫn còn căn bản tâm linh.

“Bấy giờ Bồ-tát Phổ Hiền sẽ lại phóng ánh sáng, tướng của bậc Đại nhân, từ giữa đôi mày ngài, đưa vào tâm của hành giả.  Sau khi ánh sáng này vào tâm hành giả, người này sẽ nhớ lại trong thời của vô lượng trăm ngàn đức Phật trong quá khứ, người ấy đã thọ trì, tụng đọc kinh Đại thừa và người ấy sẽ thấy rõ ràng tinh tường các đời trước của mình, chẳng khác gì người ấy đã có các thần thông như túc mạng thông9 Khoát nhiên đại ngộ, người ấy sẽ đắc đà-la-ni Triền và trăm ngàn vạn ức đà-la-ni”.

“Khoát nhiên đại ngộ”, không có nghĩa là chúng ta có thể chấm dứt ngay việc thực hành sám hối. Không gì có thể vượt xa hơn chân lý. Dù cho chúng ta có tự tin rằng mình đã chứng ngộ, cũng vẫn có sự khác biệt rất lớn giữa sự chứng ngộ của đức Phật và sự chứng ngộ của chúng ta. Do đó, chúng ta không được bỏ qua sự thực hành đánh bóng Phật tính của chúng ta chừng nào chúng ta còn sống.

---o0o---



Каталог: kinh -> Ebooks -> Giang-Kinh
Giang-Kinh -> LỜi vàng phật dạY (kinh pháp cú dhammapada)
Giang-Kinh -> Kinh bách dụ Tâm Minh ngô TẰng giao chuyển Thơ
Giang-Kinh -> A hàm Mưa Pháp Chuyển Hóa Phiền Não
Giang-Kinh -> VỚi phật giáo nhân gian hoằng Ấn Trước Tác
Giang-Kinh -> QUÁn thế Âm bồ TÁt phổ MÔn phẩm giảng ký 觀世音菩薩普門品講記 演培老法師講述 釋寬嚴記
Giang-Kinh -> Kinh Bát Nhã Trực Chỉ Đề Cương ht từ Thông o0o Nguồn
Giang-Kinh -> Kinh quán vô LƯỢng thọ Đời Lưu Tống, Ngài Cương-Lương Gia-Xá Dịch Việt Dịch : Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Phật Học Viện Quốc Tế Xuất Bản pl 2526 1982
Giang-Kinh -> Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa 淨土大經解演義

tải về 2.78 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   33   34   35   36   37   38   39   40   41




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương