Nobel văn chương năm 1987 joseph brodsky



tải về 0.98 Mb.
trang6/8
Chuyển đổi dữ liệu07.07.2016
Kích0.98 Mb.
#1393
1   2   3   4   5   6   7   8

Tượng đài

 

Hãy dựng một tượng đài



trong thành phố, ở cuối đại lộ,

hay ở trung tâm quảng trường lớn,

một tượng đài

có thể đặt nằm trong bất cứ tổng thể nào,

bởi tượng đài ấy đường khối sẽ

hơi có nét kỷ hà và rất hiện thực.

Hãy dựng một tượng đài

không làm trở ngại ai.

 

Chung quanh bệ



chúng ta sẽ trồng hoa,

và nếu những ông bố trong thành phố cho phép

chúng ta sẽ xây một công viên nhỏ

nơi con em chúng ta

sẽ nheo mắt nhìn

lên hướng mât trời khổng lồ màu cam

và sẽ tưởng cái nhân vật cắm phía trên đầu mình

là một triết gia nổi tiếng,

một nhạc sĩ,

một vị tướng.

 

Chung quanh bệ



mỗi buổi sáng hoa

sẽ nở.


Hãy dựng một tượng đài

không làm trở ngại ai.

Những người lái taxi

sẽ chiêm ngưỡng cái dáng oai vệ của tượng,

công viên nhỏ sẽ là trung tâm

những cuộc hẹn hò.

Hãy dựng một tượng đài,

chúng ta sẽ vừa đi vừa chạy dọc theo

                        để đến chỗ làm

và người nước ngoài đi loanh quanh tượng

                        sẽ cho chụp hình mình.

Đêm đến ta sẽ trét bẩn lên đó dưới ánh sáng

                        những ngọn đèn chiếu.

 

Hãy dựng một tượng đài cho sự dối trá.



*** 

 Cuốn sách

                                            Hãy gửi cho tôi một cuốn sách

                                            kết thúc có hậu...

                                                                NAZIM HIKMET

 

Du khách rốt cuộc tìm ra được một chỗ nương náu,



cậu bé tóc vàng đáng kính đánh chết tên vô lại,

người nông dân nhìn lên cây và đóng cửa chuồng

ở trang cuối cuốn sách kết thúc có hậu.

Những chùm sao nhỏ giọt trong im lặng

qua những cửa sổ đã đóng

                                    giữa những hàng mi khép kín.

Ở chương đầu cây cối yên lặng

nép mình vào cửa sổ và những bệnh nhân

la hét như những con chim trong các bệnh viện im lìm.

Đôi khi tiểu thuyết kết thúc giữa ban ngày.

Nhà bác học khám phá ra định luật và mở cửa sổ,

du khách ẩn mình sau đồi

và những nhân vật khác dừng chân để ăn trưa.

Nền kinh tế đang ổn định,

nhà xã hội học đánh tan những hoài nghi,

trong những tiệm rượu sang

                        ánh lên những máy móc khiêm nhường.

Những cuộc chiến tranh đã chấm dứt, một thế hệ đang lên

mỗi phụ nữ sắp nhận một người đàn ông.

Những thằng bé tóc vàng giải thích sự khác biệt

giữa cái tốt và cái xấu. Cây cối giữa trưa tất cả

đều trải dài bóng mát mình lên những nông dân.

Máy bay tất cả đều nằm nghỉ, tất cả những ông đại úy

đều tìm về đất đai. Người ta thừa nhận những thằng ngốc

là thiên tài và bọn nói dối bấy giờ chỉ nói

toàn sự thật, những cuộc mưu sát thất bại,

và nếu ở chương đầu có ai ra sức rên

xiết, ở chương ba mươi rốt cuộc toàn là chuyện hòa bình.

Sự ám ảnh tình dục, chủ nghĩa lạc quan xã hội,

những đề từ rút ra từ những bài xonê và canzan,

tình tiết nửa trinh thám, và tên truyện là: Đời sống.

... Vậy thì hãy gửi cho tôi cuốn sách kết thúc có hậu ấy.

-----------------------------

Trích Tĩnh vật và những bài thơ khác. Hai bài thơ trên được dịch từ bản Pháp ngữ của Jean-Jacques Marie trong tập Collines et autres poèmes, Joseph Brodsky, Éditions du Seuil, 1966.

***

Tượng đài cho Pouchkine

                                      Và Pouchkine ngã xuống

                                     trên tuyết ngả màu xanh và có

                                     mùi hăng

                                                         (E. BAGRITSKI)

 

Và im lặng



và không một lời nào nữa

và tiếng dội

mệt mỏi.

Những câu thơ ông

hoàn thành bằng máu

đảo ngược nhau âm ỉ

trong cái nhìn chậm rãi và dịu dàng

cuối cùng.

Mọi thứ với họ đều man dã, lạnh nhạt,

lạ lùng.


Cúi trên người họ không ích lợi gì nữa là

những bác sĩ tóc hoa râm và những người chứng,

trên đầu họ, run rẩy, những vì sao

cất tiếng hát,

trên đầu họ những ngọn gió

đã ngừng.

 

Đại lộ vắng vẻ



và tiếng gào của bão tố,

Đại lộ vắng vẻ

và tượng đài cho nhà thơ,

Đại lộ vắng vẻ

tiếng gào của bão tố

và cái đầu mệt mỏi của ông

cúi xuống...

 

Vào một đêm như thế



lăn mình trên giường

quả là êm dịu hơn

đứng sừng sững

                  trên một cái bệ.



*** 

Những nhạc sĩ mù

 

Những người mù lang thang



                                    buổi ban đêm.

Băng qua những

quảng trường quả là dễ hơn

                                    buổi ban đêm.

Những người mù sống

mò mẫm,


chạm nhẹ thế gian bằng đôi bàn tay của mình,

không biết bóng tối chẳng biết ánh sáng,

và bàn tay họ lướt qua những tảng đá

chất đống trước mặt họ thành một bức tường

                                                    vô tận

chỗ xô đẩy đàn ông, phụ nữ,

trẻ em,

            tiền bạc,



những bức tường không gì vượt qua nổi

tốt hơn cả là đi vòng quanh nó.

Quyết chống lại chúng là

                                    âm nhạc

và đá đã nhận chìm nó,

âm nhạc bị tóm cổ trong những bức tường kia

bởi vô số kể những

bàn tay và đã chết.

Thật là tàn bạo phải chết buổi ban đêm,

chết mò mẫm.

 

Con đường của những người mù đơn giản hơn,



những người mù bước đi

                           băng qua những quảng trường.



*** 

Đề tặng Gleb Gorbovski

 

Rời bỏ tình yêu, trong nắng trưa, không trở lại,



và tiếng thì thầm của cỏ trên những bãi cỏ mất hút.

Trong áng mây nóng cháy của ngày, trong hoàng hôn thiu ngủ

tiếng sủa của chó đêm vang qua những lối đi xiên.

 

Phải chịu đựng thời đại u tối của chúng ta và chạy



                                                quá bên kia những năm tháng này,

trước mỗi nỗi đau mới phải quên cái bất hạnh ngày hôm qua,

mỗi mỗi lúc phải chấp nhận thương tích và đau khổ,

để có thể bình an đi vào sương mù những bình minh trinh nguyên.

 

Mùa thu hung hãn vào năm của những chuyến đi xa ấy,



những đám rước im lặng của màu đỏ và màu đen đi dọc bầu trời,

gần những cái cây trần trụi lá bay đi và va phải

cửa sổ và đá, và những giấc mơ của người qui hoạch đô thị.

 

Tôi muốn chờ đợi, đi theo, chịu đựng thời đại này,



ném một cái nhìn sau cánh cửa sổ, nhìn giữ những ngón tay tôi

bầu trời và tán lá và đường vạch trong suốt của buổi mặt trời lặn,

như người con gái và ông bố, có ai đó đã ra đi quá sớm.

 

Đi qua, bay khỏi, dập lên đất, ngã xiên,



đi qua, bỏ trốn những chiếc lá dọc theo những cửa sổ đóng kín,

và tất cả những gì ta đoán được dưới ánh sáng đang tắt,

đó là đời sống này, như người con gái và ông bố, người không

                                                                        muốn chết.

 

Hãy sống lại trên đất này, không, hãy nằm dài, đó là luật,



Hãy sống trên đất này theo ý mình, hãy rơi chầm chậm

và sẽ đế cái lúc anh đoạn tuyệt với đau thương và phiền muộn

và không có tôi những năm tháng tình yêu ngày thường sẽ

                                                                        vẫn trôi qua.

 

Đám cháy, cái trọng đại của sự cất cánh, hãy lướt dọc theo



                                                                        những cửa kính,

như cái áo tuột khỏi hai vai, như một khúc quanh,

hãy cứ ngồi vào chỗ của mình, bất động, mi không phải là nỗi

                                                                       nhớ mùa thu,

mi là sự chờ đợi mùa đông và là tiếng hát không bao giờ dứt.

***


Tưởng niệm Fedia Dobrovolski

 

Chúng tôi tiếp tục sống



Chúng tôi đọc thơ chúng tôi,

Chúng tôi ngắm những ngôi sao

trên bìa các tạp chí, chúng tôi rình rập bạn bè

khi họ trở về ngang qua thành phố

trong chuyến xe điện run rẩy và buốt giá.

Chúng tôi tiếp tục sống.

 

Đôi khi chúng tôi nhìn thấy cây cối



bằng

những bàn tay đen đúa để trần của mình

mang gánh nặng bầu trời vô tận

hay gập mình dưới sức nặng của những vì sao

và biến mất trong đêm trên mảnh đất của những giấc mơ.

Chúng tôi nhìn thấy cây cối

đổ hỗn loạn trên mặt đất,

chúng tôi tiếp tục sống.

***

Đề tặng Yalta

 

Câu chuyện kể ra dưới đây là chuyện thật.



Chẳng may, ngày nay không phải

chỉ có những lời nói dối mà ngay cả sự thật đơn giản

cũng cần có lý lẽ vững vàng và được xác nhận chứng cứ

có cơ sở. Phải chăng đó là một dấu hiệu cho thấy

chúng ta đang đi vào một thế giới tuy hoàn toàn mới

nhưng buồn? Quả là, một sự thật mà được chứng minh,

thì nói cho rõ, chẳng phải là một sự thật chút nào —

nó chỉ là tổng cọng những bằng chứng. Nhưng ngày nay

câu người ta vẫn nói là “tôi đồng ý,” chứ không phải “tôi tin.”

 

Cái mà ta thấy phiền phức trong thời đại nguyên tử —



còn ít hơn chính sự việc — là cái cách sự việc ấy được

tạo ra. Giống như một đứa bé phanh thân con búp bê,

rồi khóc than vì tìm thấy những mảnh vụn nhồi bên trong,

chúng ta có khuynh hướng coi những dối trá đàng sau

biến cố này biến cố nọ không gì kém hơn là chính

biến cố ấy. Ở chỗ này ta thấy có một cái gì

hấp dẫn, bởi lẽ là những sự vật

như những động cơ, thái độ, môi trường quanh ta,

vân vân — mọi thứ ấy đều là cuộc đời. Và cuộc đời

thì chúng ta đã được tập quen cư xử như nó chính

là đối tượng của những diễn dịch hợp lý của mình.

 

Và đôi khi tất cả những gì ta cần làm hình như chỉ



là gắn kết chúng lại — những động cơ, thái độ,

môi trường quanh ta, và những khó khăn — và những biến cố

thế là sẽ xảy ra, một tội ác, thí dụ thế. Nhưng không.

Bên ngoài, đây chỉ là một ngày bình thường.

Mưa nhẹ rơi, xe cộ rối rít chạy quanh quẩn. Bên trong,

một cái điện thoại kiểu tiêu chuẩn (một chùm

những cực âm, chỗ nối mạch, đầu mạch, điện trở)

dứt khoát im tiếng. Không biến cố nào, chao ôi,

không biến cố nào xảy ra. Nghĩ lại, cám ơn Chúa.

 

Câu chuyện mô tả đây xảy ra ở Yalta.



Tất nhiên, tôi sẽ cố gắng tuân theo

cách nhìn sự thật ta đã nói ở trên —

có nghĩa, ta dự định phanh ruột

con búp bê ấy. Nhưng tôi mong bạn tha thứ cho

tôi, hỡi người đọc thơ tốt bụng, nếu đây đó tôi

cho thêm vào sự thật chút yếu tố Nghệ thuật,

là cái, phân tích tới cùng, lại nằm ngay

trung tâm mọi biến cố (cho dù, chắc chắn,

nghệ thuật của nhà văn không là Nghệ thuật của đời sống,

nó chỉ tạo một thứ tương tự)

                                    Lời khai

của các nhân chứng sẽ ghi tiếp theo thứ tự

chúng được đưa ra. Đây là một

thí dụ cho thấy như thế nào sự thật phụ thuộc nghệ thuật,

chứ không phải nghệ thuật phụ thuộc sự thật.

                              I

 “Tối hôm đó anh ấy gọi điện và anh bảo

anh sẽ không đến. Anh ấy và tôi trước đó,

từ hôm thứ Ba, đã thoả thuận là anh sẽ ghé qua

chỗ tôi vào thứ Bảy. Vâng, vâng, đúng là thứ Ba.

Tôi gọi điện cho anh và mời anh đến.

‘Thứ Bảy’ anh nói thế khi anh bảo sẽ đến gặp tôi.

Mục đích? Đơn giản là từ lâu nay

chúng tôi mong ngồi xuống và cùng nhau phân tích

một ván cờ của Chigorin.[1] Tất cả chỉ có thế.

Cuộc gặp gỡ của chúng tôi thật không có ‘mục đích’ gì khác,

theo cách nói của ông. Trừ phi, tất nhiên, ông muốn

cho rằng mong tìm vui bên cạnh

một người bạn tâm đắc rốt cuộc lại là

một mục đích. Dù sao, có lẽ ông biết rõ hơn...

Thế nhưng, không may, tối hôm đó anh ấy gọi điện

và bảo anh sẽ không đến. Quả là đáng

tiếc! Tôi thật tình sẽ rất thích nếu được gặp anh ấy.

Quẫn trí? Có phải đó là từ ông dùng? Ồ, không đâu.

Giọng anh ấy thường ngày vẫn thế. Nhưng

tất nhiên, điện thoại thì vẫn là điện thoại,

mặc dù, ông biết đấy, khi không gặp mặt người

ta tập trung nhiều hơn đôi chút trong giọng nói.

Giọng anh không quẫn trí... Thế nhưng, cái cách

anh dùng từ diễn đạt lúc nào cũng có phần lạ lùng.

Lời anh phát biểu, nói chung, có những chỗ lặng

lúc nào cũng làm ta thấy khó chịu, vì lẽ

chúng ta thường suy diễn im tiếng

có nghĩa là trí óc người nói chuyện đang bận làm việc.

Và cái im lặng ấy, quả thật, không gì khác hơn là im lặng thuần túy.

Đến độ ta bắt đầu có cảm tưởng

chính mình phải phụ thuộc cái im lặng đó,

và điều này hẳn làm nhiều người thấy khó chịu.

Ồ, không, tôi biết đó là kết quả

một di tật của anh. Vâng, về chuyện này tôi rất chắc chắn.

Ta cắt nghĩa sự kiện này khác được sao... Vậy thì nó là gì?

Đúng thế, giọng anh nghe chẳng quẫn trí chút nào. Nhưng

quả vậy, đấy chỉ là xét về cái giọng mà thôi.

Có một điều dù sao tôi cũng sẽ nói ra:

thứ Bảy và trước đó nữa, thứ Ba,

giọng anh nghe chỉ là như thường lệ. Thế thì

nếu bấy giờ có gì thực sự xảy ra cho anh ấy trước đó,

thì không phải là thứ Bảy, bởi vì anh đã gọi điện!

Việc này đơn giản là không ăn khớp chuyện quẫn trí!

Thí dụ tôi đây: khi tôi quẫn trí, chẳng hạn... Sao?

Chúng tôi đã nói chuyện gì ấy à? Sẵn sàng thôi.

Ngay lúc tôi nghe chuông reo tôi

đã có mặt ở đấy để bốc điện thoại. ‘Chào cô, tôi

đây; tôi phải xin lỗi cô. Bởi lẽ,

có chuyện thay đổi, tôi không thể

đến hôm nay được.’ Ô, thật sao? Thế thì tiếc quá.

Thế thì thứ Tư, có lẽ? Tôi có cần gọi cho anh không?

Bực mình ấy à? Tại sao, trời đất ơi, tất nhiên là không!

Thế thì hẹn đến thứ Tư, nhé? ‘Chúc ngủ ngon,’ anh trả lời.

Đúng vậy, lúc bấy giờ là tám giờ hay gần như thế.

Khi tôi buông điện thoại tôi đi rửa chén bát

và đem bàn cờ ra. Lần sau cùng, anh đã khuyên

tôi nên thử nước Hoàng hậu E-8.

Một nước đi quả là kỳ lạ và phần nào rối rắm.

Vô nghĩa, gần như thế. Và không nằm trong

tinh thần Chigorin[1] chút nào. Quả là kỳ lạ,

và điên rồ. Đã không thay đổi một thứ gì, mà vì thế

còn làm triệt hết ý nghĩa của chuyện nghiên cứu.

Trong bất cứ ván cờ nào kết quả vẫn là cái đáng kể:

một trận thắng, một trận thua, hay ngay cả một trận hoà —

cái gì cũng là kết quả. Nước cờ của anh ấy, tuy vậy —

dường như nó gây ra nơi những con cờ

một thứ nghi ngờ về ngay chính sự hiện hữu của mình.

Tôi đã thức với bàn cờ đến tận khuya.

Có lẽ ván cờ một ngày kia thực tế có thể

chơi theo cách đó. Nhưng về phần tôi,

dù sao... Xin lỗi, ông muốn hỏi gì vậy: ông muốn biết

cái tên có nhắc tôi nhớ chuyện gì không? Có đấy.

Năm năm trước hai chúng tôi tan vỡ.

Vâng, đúng vậy: chúng tôi chưa bao giờ cưới hỏi.

Anh ấy có biết chuyện kia không? Có vẻ như là không.

Chắc chắn đó không phải là chuyện cô ấy đem nói với anh.

Chuyện gì à? Tấm ảnh ấy? Tôi đã cẩn thận

đem giấu nó trước khi anh ấy đến đây.

Ồ, không! Ông không có gì phải xin lỗi.

Câu hỏi là tự nhiên thôi, và tôi...

Làm sao tôi biết về vụ giết người?

Cô ấy gọi điện cho tôi ngay đêm đó.

Giờ đây đã có một giọng nói thật sự là quẫn trí!”

 

                             II



 

“Năm ngoái tôi không gặp anh ấy thường lắm,

thế nhưng, tôi vẫn gặp anh. Mỗi tháng hai lần anh đến

thăm, đôi khi không được thường xuyên như thế.

Trừ tháng Mười, khoảng thời gian anh hoàn toàn không đến.

Anh thường hay gọi tôi để cho tôi biết

trước đó. Sớm hơn khoảng một tuần.

Để tránh bị xáo trộn. Tôi làm việc,

như ông biết đấy, ở một nhà hát. Lúc nào cũng

có một cái gì đột xuất xảy ra. Chẳng hạn, đùng

một cái, có một người lăn ra bệnh hay bỏ chúng tôi

để đi đóng phim — và cần có người thay thế.

Nghĩa là, cơ bản, những chuyện đại loại. Ngoài ra —

ngoài ra, anh ấy biết giờ đây tôi đã là...

Sao, vâng. Đúng thế. Nhưng làm sao mà ông biết được?

Dù sao, đấy cũng là nghề nghiệp của ông.

Tuy nhiên, lần này thì mọi thứ, đúng thế, tôi có thể bảo là

chuyện đã đi vào chỗ trầm trọng. Tôi nói như thế

có nghĩa là...  Vâng, và ấy tuy nhiên,

tôi vẫn tiếp tục gặp anh ấy. Ồ, làm sao

tôi cắt nghĩa được chuyện này! Anh ấy đúng ra là kỳ lạ, tôi

phải nói thế, và không giống bất cứ ai. Quả tình,

vâng, mỗi người đều khác những người khác.

Thế nhưng anh ấy thì rất khác tất cả chúng ta.

Vâng, cái đó chính xác là cái tôi thấy hấp dẫn.

Khi chúng tôi ở bên nhau, toàn bộ chung quanh

chúng tôi mọi thứ đều ngưng hiện hữu. Tôi muốn nói

là mọi thứ vẫn thế chuyển động và xoay vần —

thế giới tiếp tục, anh ấy không cản đường nó.

Tình yêu? Không, cuộc chuyện trò này nãy giờ không phải nói

về tình yêu! Thế giới tiếp tục. Thế nhưng bất chợt

mặt nổi của các sự vật — cả chuyển động lẫn bất động —

bị phủ lên một thứ màng mỏng hay, nói đúng,

một lớp bụi, đem lại cho mọi sự một thứ

đồng dạng vô nghĩa. Chẳng hạn,

ông biết đấy, cái cách người ta sơn tường và trần nhà

và giường toàn trắng trong các bệnh viện. Thế, cũng được thôi.

Bây giờ ông thử hình dung căn phòng của tôi

phủ toàn tuyết trắng. Lạ lùng, ông có

thấy vậy không? Nhưng cùng lúc, ông không nghĩ

rằng đồ vật trong nhà chỉ có thể có lợi

từ một cuộc hoá thân như thế? Ông không nghĩ thế chứ? Quả

là tiếc thật. Hồi ấy tôi thường nghĩ rằng sự giống nhau

thực tế chính là bề mặt thật của thế giới.

Cảm xúc ấy tôi rất tha thiết coi trọng.

Vâng, chính vì thế mà tôi không bao giờ dứt hẳn

mọi chuyện. Thế thì, xin vui lòng cho tôi biết, tại sao

lẽ ra tôi đã phải cắt đứt quan hệ của chúng tôi? Lẽ ra tôi

có nên bỏ mặc anh ấy để theo anh đại úy? Ấy, tình thật,

đó không phải là cách tôi nhìn sự việc. Chắc chắn, anh là

một loại người nghiêm chỉnh, cho dù

anh là một sĩ quan. Tuy nhiên, điều tôi coi trọng

hơn cả chính là cái cảm xúc đó! Thật tình,

anh ấy có đem nó đến cho tôi không? Ôi Chúa! Chỉ

giờ này đây tôi mới bắt đầu hiểu ra

cảm xúc ấy quan trọng như thế nào đối

với tôi! Và hơn nữa, nó lạ lùng biết bao.

Nói cụ thể hơn? Ấy là sự kiện chính tôi

giờ này đây sẽ chỉ là một hạt bụi nhỏ khác trong

vũ trụ. Tôi cũng vậy, giờ đây tôi sẽ nhuốm chút ít

cùng cái lớp gỉ đồng kia. Và suốt thời gian đó tôi vẫn

sẽ nghĩ là mình không giống những người khác! ... Cho

đến khi chúng tôi nhận ra mình có thể bị lặp lại,

chúng tôi chẳng biết gì cả. Thật là khủng khiếp, khủng khiếp.

 

Xin tha lỗi tôi cần rót thêm cho mình chút rượu.



Ông cũng uống một chút? Sẵn sàng. Đừng có điên thế,

Tôi sẽ không suy nghĩ gì đâu! Chỉ muốn biết khi nào

và ở đâu chúng tôi đã quen nhau? Tôi không nhớ.

Tôi đoán là trên bãi biển. Đúng thế, đó là:

Livadia — chúng tôi gặp nhau ở đó trên bãi biển ở

khu nhà nghỉ. Chứ người ta còn gặp nhau ở đâu khác nữa

trong cái xó như cái xó chúng tôi ở? Nhưng thật ra,

ông biết hết về tôi, phải không nào! Thế mà,

tôi biết ông không bao giờ đoán được những chữ chúng tôi

nói với nhau lần đầu quen biết. Câu anh ấy nói là,

‘Tôi chắc cô thấy tôi khá đáng ghét, nhưng...’

Phần còn lại của câu anh ấy nói không quan trọng.

Một câu mở đầu rất hay, ông có nghĩ thế?

Nếu tôi là ông, tôi sẽ đem câu ấy cho thêm vào dự trữ

vũ khí của mình. Tôi có thể nói thế với tư cách một phụ nữ.

Tôi biết gì về gia đình của anh ấy?

Tại sao, tuyệt đối không biết gì. Ấ, tôi nghĩ anh...

hiển nhiên là anh có một người con trai — nhưng ở đâu?

Nghĩ lại thì không đúng như thế, tôi đã nhớ lộn chuyện này:

người con là của anh đại úy. Vâng, một thằng bé, một cậu học trò.

Vẻ ủ rũ; nhưng nói chung là hình ảnh của

cha nó... Không, tôi chẳng biết chút nào

về gia đình anh ta — hay bạn bè anh.

Giờ nhớ lại, thì anh chưa bao giờ giới thiệu tôi

với bất cứ ai. Xin tha lỗi tôi cần uống thêm

chút rượu. Ông nói đúng: đêm nay thật là ngột ngạt.

 

Không, tôi không biết ai đã giết anh ấy. Ông bảo sao?



Ông đùa đấy chứ! Anh là một kẻ hoàn toàn đại bại.

Mấy nước cờ hoàng hậu mở đầu đã làm anh điên.

Ngoài ra, cả hai người từng là bạn với nhau. Bây giờ

đây là cái tôi không sao giải thích được: tình bạn của họ.

Bên trong câu lạc bộ của họ họ hút thuốc nhiều đến độ

họ có thể dễ dàng làm thối ngập trọn Bờ biển Nam.

Tại sao, không, anh đại úy tối hôm ấy xem diễn ở

nhà hát. Vâng, tất nhiên, mặc thường phục. Tôi

không sao chịu nổi đồng phục của họ. Và sau đó chúng tôi

cùng trở về nhà.

                        Chúng tôi thấy anh ấy ngay

cửa ra vào nhà. Anh ấy nằm dài trên

lối cửa vào. ‘Chỉ là một tên say rượu,’ chúng tôi cho như thế.

Ông thấy đó, hành lang chúng tôi đúng ra là tối. Nhưng bấy giờ

tôi nhận ra cái áo mưa anh ấy đang mặc.

Áo màu trắng nhưng nhớp nháp đầy bùn. Không, không,

đúng vậy, anh ấy không uống rượu. Tôi biết chắc như thế.

Vâng, hiển nhiên là anh ấy đã bò đến đây. Và

bò khá lâu. Thế chúng tôi làm gì? Ấy, trước hết chúng tôi đưa

anh ấy vào nhà tôi, rồi chúng tôi gọi điện cho

cảnh sát. Không phải tôi gọi, mà là anh đại úy. Tôi thấy muốn bệnh.

 

Vâng, toàn bộ sự việc quả là một cơn ác mộng có thật. Ồ,



ông cũng nghĩ thế, sao? Tôi thấy đây là chuyện lạ.

Ông biết đó: đây là nghề nghiệp của ông vân vân. Ông nói đúng,

Tôi chắc chắn không phải dễ có thể quen với thứ chuyện như thế.

Ông cũng là người, tất nhiên thế... Tôi xin lỗi!

Tôi nói như thế nghe không phải... Vâng,

xin ông cứ rót cho mình một ly nữa đi; nhưng đừng rót cho tôi.

Tôi uống đã đủ. Ngoài ra, gần đây tôi không ngủ

được và sáng mai lại phải tập dượt rồi.

Đúng, biết đâu nó có ích cho chuyện mất ngủ. Ông chắc chắn chứ?

Trong trường hợp đó, tôi sẽ làm một hớp thôi. Vâng, ông đúng,

không khí đêm nay quả là rất ngột ngạt.

Và còn đè nặng nữa. Tuyệt đối không có một chút không khí

để thở. Ôi — mọi thứ đều làm cho nặng nề thêm.

Ngột ngạt. Tôi nghẹt thở. Vâng.

Còn ông? Còn ông? Ông cũng thế? Ông cũng thế, chứ? Không gì —

tôi không còn biết gì khác nữa. Ồ, thế sao?

Tuyệt đối không có gì tôi có thể nói cho ông biết.

Hãy nói đi, ông muốn gì ở tôi đây? Cái gì...

Thế thì, được rồi. Cho tôi biết đi, hả? Nó là cái gì? Cái gì?”

 

                             III



 

“Vậy ra, theo ý ông, thì tôi buộc phải

cung cấp cho ông những lời giải thích? Được, được rồi,

nếu tôi buộc phải thế, thì phải thế thôi. Nhưng ông hãy nhớ:

Tôi thế nào cũng sẽ làm ông thất vọng vì

rất chắc chắn là tôi biết về anh ta ít hơn

ông biết. Cho dù cái biết bây nhiêu đó, tuy thế, cũng đủ

làm cho người ta nổi điên rồi. Nhưng tôi cho rằng đó

cũng không phải là một mối đe doạ cho ông, bởi vì ông... Vâng,

tuyệt đối đúng như thế: Tôi không sao chịu nổi

nhân vật ấy. Tôi nghĩ là ông biết tại sao.

Còn nếu ông không biết — thì có lao vào chuyện giải thích

cũng chẳng có nghĩa gì. Điều này

đặc biệt đúng thật bởi lẽ rốt cuộc

cái ông quan tâm chính là sự kiện. Mà sự kiện thì ông có đây:

Tôi công khai nhìn nhận chuyện này — tôi coi thường anh ta.

 

Không, anh ta và tôi chúng tôi chưa bao giờ quen nhau. Tôi biết —



Tôi biết có người nào đó trước thường lui tới với cô ấy. Tuy nhiên,

tôi chỉ không biết chính xác là ai. Cô ấy,

tất nhiên, không nói với tôi gì cả. Nhưng

tôi biết! Người ta chẳng cần phải làm Sherlock như ông

mới có thể biết được chuyện này. Quan tâm mức bình thường

thôi cũng đã đủ. Đặc biệt là do...

Nhưng ông không biết cô ấy thuộc loại người ra sao!

Mặc dù cô không nói gì về anh chàng kia,

điều này không có nghĩa là cô giấu tôi chuyện gì đó!

Đơn giản là cô không muốn nhìn thấy tôi

bối rối — mọi chuyện chỉ có thế. Và dù sao, cũng chẳng

có gì, xét cho cùng, cần phải giấu. Như chính

cô đã nhìn nhận khi tôi dồn cô vào chân tường, thì

từ gần một năm nay giữa cô và anh ta

chẳng có gì xảy ra cả... Thế là gì? Tôi thật tình

không hiểu. Tôi có tin cô ấy không? Chắc chắn là tôi

tin cô. Điều này có an ủi được gì hay không,

nói thật, đó lại là một chuyện hoàn toàn khác.

 

Thật sự là có thể ông có lý. Với ông chuyện nói



vẫn dễ hơn. Nhưng nếu một người nói ra một điều gì đó,

thì không phải vì hắn muốn không được người khác tin mình.

Với tôi, chính động tác của đôi môi một người tự nó quan trọng

hơn cả cái thật hay cái giả; chỉ động tác của môi

thôi chứa đựng đời sống còn hơn cả những chữ

mà môi nói ra. Tôi có nói rằng tôi

tin cô ấy. Không! Có một cái gì khác

liên quan vào đây. Tôi chỉ nhìn thấy cái cô ấy

nói với tôi. (Tôi không nghe, xin ông nhớ thế;

mà chỉ là thấy.) Xin ông cố gắng hiểu.

Đứng trước mắt tôi là một con người —

một con người đang nói, đang thở, đang cử động.

Tôi không muốn nghĩ mọi thứ ấy là chuyện dối trá,

mà cũng không thể... ông ngạc nhiên thấy ngay với một

kiểu tiếp cận con người như thế mà tôi vẫn có thể

kiếm được bốn sao? Dù sao, cũng chỉ là những ngôi sao nhỏ.

Tôi bắt đầu bằng một đường hoàn toàn khác. Những kẻ

từng bắt đầu với tôi  đã mang những ngôi sao lớn

từ lâu, lâu lắm rồi. Nhiều kẻ còn

mang tới hai. (Trong kết toán toàn bộ chuyện này của ông

cũng xin ông nhớ thêm vào chỗ tôi là một kẻ thất bại; nó

sẽ giúp làm cho kết toán ấy có vẻ đáng tin cậy hơn.) Tôi

lặp lại: tôi đã bắt đầu một cách khác. Như ông, tôi

cũng mải tìm kiếm những trò chơi xấu khắp nơi

quanh tôi. Và, tất nhiên, tôi tìm ra nó.

Nó ở trong máu của một người lính: lúc nào bọn này

cũng kiếm chuyện gây khó cho sĩ quan thượng cấp... Thế rồi

một ngày nọ ở mặt trận Košice,[2] năm 44, tôi

khám phá đây là chuyện xuẩn ngốc. Hai mươi tám

anh chàng nằm dài trên tuyết trước mặt

tôi, những người tôi từng không tin cậy — những người lính.

Sao? Tại sao tôi lại đem bàn bạc chuyện này nếu như nó

không liên quan gì đến vấn đề của chúng ta? Tôi chỉ muốn

tìm cách trả lời điều ông muốn biết.

 

Vâng, tôi goá vợ. Đã từ bốn năm nay.



Vâng, tôi có con. Nghĩa là, một đứa. Một cậu con trai.

Tôi ở đâu vào buổi tối thứ Bảy ấy? Ở

nhà hát. Sau đó, tôi đưa cô ấy về nhà.

Vâng, anh ta nằm dài ngay cửa ra vào nhà cô ấy.

Sao? Bấy giờ tôi phản ứng ra sao? Không gì cả.

Dĩ nhiên, tôi nhận ra anh ta. Tôi có trông thấy hai người

cùng đi với nhau một lần trong cửa hàng bách hoá. Họ

đang mua một thứ gì đó. Đấy

là lúc tôi hiểu ra...

                                    Sự thật là, hai chúng tôi

thỉnh thoảng lại chạm mặt nhau trên

bãi biển. Cả hai đều thích cùng một địa điểm:

cái chỗ ấy — ông nhớ chứ — bên kia hàng rào lưới.

Và trên cổ anh ta lúc nào tôi cũng thấy có những vết bầm...

những vết... ồ, ông biết rồi... Thế đấy. Có một lần

tôi bắt chuyện anh ta — chủ yếu là chuyện liên quan

đến thời tiết. Liền tức khắc anh chồm người

về phía tôi và không buồn nhìn

tôi anh ta nói: ‘Tôi quả không cảm thấy thích nói chuyện...’

và chỉ sau nhiều giây đồng hồ trôi qua

anh bồi tiếp: ‘... với anh.’ Và suốt thời gian ấy anh ta

tiếp tục nhìn lên trên không. Đúng lúc đó,

tôi xin thề với ông, tôi có thể đã giết anh ta rồi.

Mắt tôi mờ đi, và mọi vật quay tít trước mặt.

Tôi cảm như có một làn sóng nóng bỏng dồn lên

óc mình, tôi nghĩ là tôi đã bất tỉnh đi

một lúc. Khi tôi lấy lại được cảm giác của mình,

anh ta trở lại nằm cái dáng ngơi nghỉ trước đây

của mình, và anh còn che mặt bằng

một tờ báo. Và trong lúc đó, trên cổ anh tôi

có thể thấy rõ những cái dấu kia — những vết bầm đen...

Không, bấy giờ tôi chưa biết anh ta thật ra

là ai.  May mắn, là lúc ấy tôi chưa gặp cô ấy.

 

Cái gì sau đó? Ấy, sau đó tôi nghĩ là anh biến mất;



đại loại là tôi không bao giờ gặp lại anh ta trên

bờ biển. Và thế rồi người ta tổ chức một buổi tiếp tân

của các sĩ quan ở câu lạc bộ, và đấy là lúc tôi

gặp cô ấy. Sau này tôi gặp hai người ở đó — trong

cửa hàng... và đấy là vì sao tôi nhận ra anh ta

ngay đêm đó, đêm thứ Bảy. Nói đúng sự thật

với ông, thì một cách nào đó tôi cảm thấy vui.

Nếu không thì nó có cơ kéo dài mãi không dứt,

và cứ mỗi lần, sau khi anh ta đến thăm viếng,

cô ấy không hoàn toàn là mình nữa. Bây giờ thì tôi hi vọng

mọi chuyện sẽ sớm diễn tiến đâu đó êm đẹp.

Ban đầu bắt buộc sẽ hơi khó khăn đấy,

nhưng về phần tôi tôi có thể cho ông biết: người bị giết

rốt cuộc rồi người ta cũng quên. Và, hơn thế,

dường như chúng tôi cũng sắp ra đi. Tôi đã được gọi

về Trường Quân sự. Đúng vậy, ở Kiev.

Bất cứ nhà hát nào ở đấy cũng sẽ nhận cô ấy làm việc. Và

con trai tôi rất thân thiện với cô. Ai dám

nói trước? Có thể hai chúng tôi cũng sẽ có một đứa con

của riêng mình. Như ông có thể thấy đấy, tôi có — ha, ha, ha —

tôi vẫn... Vâng, tôi có trong tay một cây súng ngắn.

Không, không, đây không phải là một cây Stechkin;[3] chỉ là

chiến lợi phẩm cũ của tôi từ chiến tranh — một cây Parabellum.[4]

Ấy, vâng, tôi biết vết thương là do một phát súng.”

 

                             IV



 

“Tối hôm đó Bố rời khỏi nhà và đến

nhà hát. Tôi ở nhà một mình với Bà,

À phải, cả hai chúng tôi xem truyền hình.

Bài làm ở nhà ấy à? Hãy nhớ hôm ấy thứ Bảy.

Thế nên chúng tôi xem truyền hình. Truyền hình có gì?

Bây giờ tôi không nhớ chắc. Có lẽ là Sorge.[5]

Vâng, Sorge, đúng rồi! Tuy nhiên, tôi không xem

đến cuối. Tôi đã xem phim này rồi.

Lớp tôi có lần được cho đi xem phim này.

Tất cả chỉ có thế... Đến chỗ nào thì tôi bỏ đi?

Ồ, đến chỗ có Klausen[5] và mấy người Đức.

Tôi muốn nói là mấy người Nhật... và sau đó họ còn

tiếp tục đi trên chiếc thuyền kia dọc theo bờ biển.

Vâng, bấy giờ đâu khoảng sau chín giờ.

Chắc chắn thế. Tôi biết là bởi thứ Bảy

siêu thị đóng cửa lúc mười giờ, và

lúc ấy tôi muốn ăn kem. Không, tôi nhìn

ra ngoài qua cửa sổ — dù sao, nó cũng chỉ

nằm bên kia đường. Đúng thế, và bấy giờ tôi muốn đi

một vòng. Không, tôi không nói cho

Bà biết. Tại sao? Bà sẽ bắt đầu nhắc

nào áo khoác nào mũ nào bao tay — và đủ thứ

lỉnh kỉnh khác. À phải, tôi mặc một cái jacket. Chắc chắn

không phải cái này; tôi mặc cái có mũ trùm đầu.

Áo có khoá kéo.

                        Vâng, tôi cho nó

vào túi. Không, không, không. Chỉ là tôi biết cha cất

chìa khoá ở đâu... Chắc chắn là cho vui, quả là thế!

Không, không phải để phô trương. Tôi phô trương

với ai đây? Muộn? Vâng, đúng thế, và trời tối đen.

Tôi nghĩ gì trong đầu? Tôi chẳng nghĩ gì cả.

Tôi đoán rằng tôi cứ thế bước đi và bước đi.

 

Sao? Làm sao tôi lên đến tận trên đó?



Tôi không nhớ... Ấy, tôi đoán, ấy là do — khi

ta từ trên cao bước xuống bến tàu lúc nào cũng ở

trước mặt ta. Và cả những ánh đèn trên cảng cũng thế.

Vâng, thực tế là thế, và ta có thể thử mường tượng

cái gì xảy ra ở đó. Dù sao, khi ta sẵn sàng

quay trở về nhà, thì đi xuống vẫn

thích hơn. Vâng, yên tĩnh, và mặt trăng

ló dạng. Nghĩa là, đêm hoàn toàn tuyệt diệu.

Người đi qua? Không, không một ai đi ngang qua chỗ tôi.

Thật tình là không, không. Tôi không rõ  mấy giờ. Nhưng

vào những ngày thứ Bảy chiếc Pushkin ra khơi lúc nửa đêm.

Thế mà, nó chưa rời bến. Dưới ấy, đằng sau tàu,

có một phòng khách để nhảy đầm, và các cửa sổ

đều bằng kính màu. Khi ta nhìn lên đó thì chúng trông như

những viên ngọc lục bảo. Vâng, thế rồi...

                                                            Tôi sao? Tất nhiên là không!

Nhà cô ấy ở mãi tuốt bên trên khu công viên, trong khi tôi,

tôi gặp ông ta ở công viên, ngay ở lối ra.

Làm gì cơ? Ồ, cho ông biết nói chung tôi nghĩ gì về

cô ấy à? Ồ, được thôi, để tôi đoán xem — tôi nghĩ

cô ấy rất đẹp. Vâng, và Bà tôi cũng nghĩ như thế.

Và, còn nữa, cô ấy đại loại dễ thương, không làm ta bực mình.

Dù sao, cũng thế thôi; tôi thực tình không quan tâm.

Ồ, Bố tôi sẽ lo vụ này mà...

                                                Vâng, ở cửa ra vào.

Vâng, ông ấy đang hút thuốc. Chắc chắn thế, tôi hỏi xin một điếu,

nhưng ông từ chối và rồi...  Ấy, dù sao, thế là

ông bảo tôi, ‘Thôi, cút đi, có chịu không nào?!’

Một phút sau — sau khi tôi đã đi

xa khoảng mười bước, hay có lẽ xa hơn —

ông nói thêm giọng thều thào, ‘Đồ vô lại.’ Lúc

bấy giờ chung quanh rất yên lặng thế nên tôi nghe tiếng ông.

Tôi thật sự không hiểu cái gì đã xảy ra với mình!

À phải, cảm giác giống như có ai vừa đấm tôi một phát.

Và sự vật bắt đầu quay tít trước mắt tôi —

nói thành thật tôi không nhớ đã quay lại

và bắn vào ông ấy! Nhưng tôi nhớ là tôi đã bắn hụt:

ông vẫn đứng ở nơi ông đứng trước đó, và

tôi nghĩ là ông vẫn hút thuốc. Thế rồi tôi... rồi...

Tôi bắt đầu hét lên và tôi chạy nhanh như điên.

Nhưng ông... ấy, ông vẫn đứng đấy và...

                                                                        Không ai

từng nói với tôi cái giọng như thế trước đây!

Vậy xin ông cho tôi biết: tôi đã làm gì? Chỉ hỏi xin

một điếu. Đúng, một điếu thuốc. Hỏi thế thì

sao nào? Tôi biết hút thuốc lá là xấu. Vâng, chắc rồi,

nhưng hầu như mọi người đều hút thuốc. Và, quả thật,

bấy giờ tôi cũng chẳng cảm thấy thích hút! Không,

tôi không định hút thuốc. Tôi chỉ muốn có mỗi một

việc là cầm nó trong tay... Không! Không, không! Tôi không muốn.

Tôi không muốn có vẻ là người lớn. Tôi nói

tôi không cần hút! Thế nhưng ở đó, dưới bến tàu,

ánh đèn chiếu khắp nơi, như những con đom đóm, cả

nơi tàu thả neo... và cả nơi đây cũng...

Tôi không thể cắt nghĩa cho đúng... Nếu ông có thể giúp —

xin ông đừng nói lại với Bố tôi! Ông sẽ giết tôi... Vâng, đúng là thế.

Tôi trả nó về chỗ cũ. Không, Bà tôi đã đi

ngủ rồi. Bà còn không tắt máy truyền hình nữa.

Những đường vạch còn chớp loé... Liền tức khắc,

tôi trả nó về chỗ cũ liền tức khắc. Rồi tôi

lên giường! Xin ông đừng kể lại với Bố tôi chuyện này!

Ông sẽ giết tôi. Ấy, dù sao, tôi đã bắn trật!

Tôi bắn trật — tôi bắn không trúng ông ấy, phải không? Phải không?!”

  

                            V



 

Tên: một tên nào đó. Sinh: cách nay bốn mươi năm.

Quốc tịch. Độc thân. Con cái:

viết là “không”. Chỗ ở trước đây.

Đăng ký thường trú tại. Ở đâu và bao giờ và

người chết do ai tìm thấy. Số người tình nghi.

Như sau : ba. Thế là đã có danh sách — ba người tình nghi.

Nói chung, chỉ sự kiện người ta có thể

nghi ba người trong một vụ án mạng quả

là cực kỳ ấn tượng. Vâng, không thể nào chối cãi,

là ba người có thể thực hiện đúng cùng một hành động.

Ăn một con gà rôti, chẳng hạn.

Nhưng đây là một vụ án mạng. Và chính sự kiện

người ta nghi ngờ tất cả bây nhiêu người mặc nhiên

bảo đảm cho thấy không ai trong những kẻ bị nghi ngờ

có khả năng giết người. Do đó,

toàn bộ cuộc điều tra mất hết ý nghĩa —

bởi lẽ một việc truy tìm sự thật chỉ cho ta biết thủ phạm là ai,

chứ không phải chứng minh những người khác không thể phạm pháp...

Ồ, coi kìa! Không! Nổi gai ốc sao? Vô nghĩa!

Nhưng nhìn toàn bộ, cái khả năng phạm tội sát nhân

của một người và, lại nữa, khả năng truy dò

vụ sát nhân của một người — cho dù

có một tính liên kết hiển nhiên

giữa hai bên — không ngang bằng nhau. Đó là điều chắc.

Rất có khả năng đó là tác động của quan hệ chặt chẽ hai bên...

Ồ, vâng, quả thế, nó là vậy — toàn bộ vụ này là

đáng buồn...

                        Cái gì thế? Ông nói gì thế?

Ông nghĩ rằng chính con số những người

đang bị nghi ngờ cụ thể tự nó

sẽ liên kết họ lại, như vẫn xảy ra, và thêm vào đó

sẽ ít nhiều dùng làm chứng cớ ngoại phạm cho họ?

Rằng chúng ta không thể hi vọng nuôi ba miệng ăn với

một con gà? Không thể phủ nhận được. Và, hoá ra

là, kẻ sát nhân không nằm bên trong

vòng tròn kia, mà là ở bên ngoài. Rằng

hắn là một trong những người thực sự không bị nghi ngờ?

Nói cách khác, kẻ sát nhân là người

không có một động lực khi hành động giết người!?

Vâng, đây chính là cách sự việc xảy ra lần này. Vâng,

ông hoàn toàn đúng... Nhưng chính...

                                                            vì thế, chính... đó chỉ là

một sự biện hộ cho cái phi lý. Một

sự phong thần[6] cho cái vô nghĩa!

Điên loạn! Như thế thì, bấy giờ, hoá ra

nó lại là hợp lý. Hãy đợi đấy! Xin hãy giải thích giùm tôi

ý nghĩa của cuộc sống. Đấy không phải là khi một cậu bé

mặc cái jacket từ trong mấy bụi cây chun ra

và đưa súng bắn vào ông? Nhưng nếu đó là — nếu đó là

như vậy, thì tại sao ta lại cho đây là một tội ác? Và hơn

thế nữa, còn đem ra điều tra! Thật là một cơn ác mộng.

Hoá ra trong suốt cuộc đời ta, ta vẫn chờ đợi có người

giết mình, và do đó việc điều tra

chỉ chứng tỏ là một hình thức chờ đợi,

và hơn thế ngay một kẻ tội phạm cũng chẳng là

một tội phạm, và...

                                    Xin lỗi, tôi cảm thấy muốn bệnh.

Này, ta hãy bước lên cầu tàu; ở đây ngột ngạt quá...

Đấy là Yalta, vâng. Ông có thấy không — đàng kia kìa —

toà nhà đó? Không, cao hơn chút, bên cạnh

Đài kỷ niệm...[7] Hãy cứ nhìn xem đèn chiếu sáng ra sao!

Nó đẹp đấy, chẳng phải vậy sao? Không, tôi không thể cho ông

biết người ta sẽ xử ông ta bao lâu. Không, cái phần ấy không

phải là việc của chúng ta. Đó là việc của toà án. Rất có khả năng

họ sẽ xử ông... Xin lỗi, giờ này đây tôi

không thể tập trung chú ý đến

hình phạt. Chỉ là tôi có vẻ như không thở được.

Không có gì đâu, nó sẽ qua thôi. Vâng, khi ra khơi rồi

thì chắc chắn sẽ dễ chịu một chút. Livadia à?

Ở ngay kia. Vâng, vâng, cái nhóm đèn đóm ấy. Ngon quá, phải

không? Ngay cả vào ban đêm... Tôi không nghe rõ tiếng ông.

Vâng, đúng, cám ơn Chúa. Cuối cùng chúng ta đã lên đường.

 

Khi chiếc Kolkhida quẫy sóng bánh lái, Yalta —



nơi tràn ngập những hoa, những hàng cọ, những ánh đèn, và

đám người nghỉ mát vẫn quanh quẩn trước những cánh cổng

các cơ sở đã đóng cửa, như những đám ruồi bu quanh

những ngọn đèn thắp sáng — thong thả lăn tròn

và bắt đầu đứng bến. Một đêm trên

biển khác đêm trên đất liền cũng hơi giống như một cái nhìn

bắt gặp trong gương soi khác với

cái nhìn hướng về một người khác...

Và chiếc Kolkhida ra khơi. Đàng sau tàu

để lại một đường rẽ nước sủi bọt lao xao, và bán đảo

dần dà tan biến trong đêm khuya tối mù. Chính xác hơn,

nó trở về với những những ranh giới

mà những tấm bản đồ không ngừng nhắc nhở ta.

Tháng Giêng — tháng Hai 1969

--------------------

Dịch từ bản tiếng Anh “Homage to Yalta” [“Posviashchaetsia Ialte”, Konets prekrasnoi epokhi] của Barry Rubin, trong tạp chí Kontinent 3 (Anchor Press/Doubleday,1978 - Tổng biên tập là Vladimir E. Maximov), về sau được đưa vào Joseph Brodsky, A Part Of Speech (Oxford University Press, 1988), và Joseph Brodsky, Collected Poems in English (Farrar, Straus and Giroux, 2000). Barry Rubin, cũng như nhà thơ “Nobel” Derek Walcott, là một trong những dịch giả làm việc “bên cạnh” Brodsky, không những chỉ dịch thơ của ông mà còn “góp nhiều ý kiến, đọc bản in, và giúp cho một số những ghi chú” [Lời nói đầu của Joseph Brodsky trong tập thơ A Part of Speech.] “Đề tặng Yalta” là một bài thơ dài có thể đọc dưới dạng một truyện trinh thám, như nhận định của một trong những dịch giả tiếng Pháp của Brodsky là Michel Aucouturier, trong đó “tính hiện thực rất hiện đại mang dấu ấn mỉa mai đã làm lung lay ngay cả ý niệm hiện thực” [bài tựa viết cho tập thơ Joseph Brodsky, Poèmes 1964-1987 (Gallimard, 1987)]. Bản tiếng Pháp “Dédié à Yalta” của Jean-Marc Bordier trong tập thơ này (người dịch được đọc gần mười năm sau, 1987) khá trau chuốt, nhưng quá “tròn trịa” đến độ nhiều chỗ đã làm biến mất những kiểu nói ngập ngừng đời thường của những nhân chứng.

_______________

[1]M.I. Chigorin (1850-1908): tên một người chơi cờ ở Nga. [Chú thích của Lev Loseff - người biên tập phần giới thiệu tác phẩm của Joseph Brodsky trong bộ Bibliotheka poeta tiếng Nga]
Ghi chú của người dịch: Sau này những người châu Âu có khám phá một bộ cờ cho ba người chơi, có tên là YALTA, được bày bán ở Budapest và một số thành phố, kèm theo một tập sách nhỏ chỉ dẫn cách chơi. Có giải thích cho rằng người phát minh bộ cờ YALTA đã lấy cảm hứng từ Hội nghị Yalta trong Đệ nhị Thế chiến, qui tụ Roosevelt, Churchill và Stalin. Những người mê cờ có thể lên www.google.com để in bàn cờ này và tham khảo những chỉ dẫn về cách chơi.

[2]Košice: Mặt trận phía Đông đi ngang gần thành phố Košice ở Slovakia khoảng đầu năm 1944. [Chú thích của Lev Loseff - người biên tập phần giới thiệu tác phẩm của Joseph Brodsky trong bộ Bibliotheka poeta tiếng Nga].

[3]Stechkin: Súng bán tự động của Liên xô phát triển sau Đệ Nhị Thế chiến.

[4]Parabellum: Hay Lugar, súng bán tự động của Quân đội Đức trong Đệ Nhị Thế chiến.

[5]Richard Sorge (1895-1944): Một người Đức Cộng sản và gián điệp của Liên Xô ở Nhật trong Đệ Nhị Thế chiến; nhân vật trong bộ phim nổi tiếng Who Are You, Mr. Sorge? (1961). Max Clausen là tên người đánh tin radio của ông này. [Chú thích của Lev Loseff — người biên tập phần giới thiệu tác phẩm của Joseph Brodsky trong bộ Bibliotheka poeta tiếng Nga]

[6]“apotheosis of the meaningless”: ám chỉ The Apotheosis of Groundlessness (1905), của nhà triết học Lev Shestov*. [Chú thích của Lev Loseff - người biên tập phần giới thiệu tác phẩm của Joseph Brodsky trong bộ Bibliotheka poeta tiếng Nga].



Ghi chú của người dịch: Lev Shestov (1866-1938) là một triết gia hiện sinh Nga-Do thái, được coi vừa là một người sùng đạo theo thuyết phi lý trí, vừa vô chính phủ, thoạt đầu cảm hứng từ Nietzsche, cho đến khi khám phá Kierkegaard, kết thân với Martin Buber, Edmund Husserl và Nicolai Berdyaev. Trong một bài phỏng vấn Lev Loseff [in trong Brodsky through the Eyes of his Contemporaries (St. Martin Press, 1992)] bà Valentina Polukhina có nhắc đến nhận xét trước đây của Czeslaw Milosz [“A Struggle against Suffocation”, bài điểm tập thơ A Part of Speech của Brodsky trong New York Review, 14 Feb. 1980] khi liên kết một dòng Brodsky - Shestov - Kierkegaard, nhà nghiên cứu người Nga đã ghi nhận những quan tâm triết học hiện sinh, triết học nhân chủng, thần học và những ý niệm lưỡng phân như con người và thế giới, con người và Thượng đế nơi nhà thơ trẻ Brodsky, và cho rằng từ đấy nhà thơ không ngừng phát triển cái nhìn về thế giới của mình dưới tác động cực kỳ mạnh mẽ của Kierkegaard và Shestov.

[7]Đài kỷ niệm: Công viên Prymorsky ở Yalta có một cột hình tháp kỷ niệm Sắc luật Crimea 1920 của Lenin, được ban hành sau khi Bônsêvich củng cố kiểm soát vùng Crimea.




tải về 0.98 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương