Nobel văn chương năm 1987 joseph brodsky



tải về 0.98 Mb.
trang3/8
Chuyển đổi dữ liệu07.07.2016
Kích0.98 Mb.
#1393
1   2   3   4   5   6   7   8

Bài ca tháng Mười

 

Một con chim cút nhồi rơm



đậu trên mép lò sưởi canh chừng cái đuôi mình.

Chiếc đồng hồ cũ đều đặn ngân nga trong buổi chiều tà

làm dịu tiếng lao xao của trục xoắn.

Ngoài cửa sổ, những cây bu lô làm nến không đủ sáng.

 

Đến ngày thứ tư biển kéo cả chân trời vạm vỡ xô vào đê.



Hãy buông sách xuống, hãy cầm kim chỉ lên;

vá áo vá quần cho ta nhưng hãy đừng bật đèn:

mái tóc vàng óng

thắp sáng góc phòng.

 

                                1968



Blues

 

Mười tám năm ta sống ở Manhattan



Chủ nhà tốt bụng, nhưng hắn xấu dần.

Đúng ra, một tên cặn bã. Ôi, ta ghét hắn.

Tiền màu xanh lá, nhưng nó chảy như máu.

 

Ta nghĩ ta phải dời qua bên kia sông.



New Jersey vẫy gọi với ánh sáng đục lưu huỳnh.

Này, năm tháng đếm được dù sao cũng không tệ.

Tiền màu xanh lá, nhưng nó không mọc ra hơn.

 

Ta sẽ dẹp hết bàn ghế, cái xô pha cũ của ta.



Nhưng ta sẽ làm gì đây với cảnh vật cửa sổ nhìn ra?

Ta cảm nhận nó là hôn phối của mình, hay gần như thế.

Tiền màu xanh lá, nhưng nó làm ta xanh lơ.

 

Một thân xác trong tổng thể biết rõ mình về đâu.



Ta nghĩ chính vì linh hồn mình mà con người cầu nguyện,

cho dù trên đầu chỉ là một chiếc Boeing.

Tiền màu xanh lá, và ta thì xám ngắt.

-----------------------



"Bài ca tháng Mười", dịch từ bản tiếng Anh "October Tune", do chính Joseph Brodsky chuyển ngữ, trong The New Yorker, 5.10.1987, sau được đưa vào To Urania: Selected Poems 1956-1985 (Penguin Books, 1988).

"Blues", dịch từ nguyên tác "Blues", Joseph Brodsky viết bằng tiếng Anh, trong So Forth (Farrar, Straus and Giroux, 1996); sau đó được đưa vào Joseph Brodsky: Collected Poems in English (Farrar, Straus and Giroux, 2000).

***


Ba đoản khúc

Đoản khúc 1

 

Hector vĩ đại nằm yên, người cắm đầy những mũi tên,



linh hồn ông trôi bồng bềnh trên dòng nước đen,

những bụi cây rên siết, mây tan dần

và phía xa, trong lặng lẽ, Andromaque khóc.

 

Ajax đi qua buổi hoàng hôn buồn thảm, đầu gối



quì giữa dòng suối trong veo,

và đời sống bay mất khỏi đôi mắt mở của ông

khi đuổi theo Hector, sóng nước vỗ

vào ngực ông, bóng đêm xuống làm ông không nhìn rõ

cái nhìn không đáy qua sóng nước và những bụi cây,

nước ôm chặt hai bên hông ông, thanh gươm nặng của ông

quay cuồng trong dòng cuốn

trong khi trôi mất kéo theo cả

                                                Ajax.

*

 



Đoản khúc 2

 

Chúng ta lại sống gần vịnh,



mây bay qua phía trên chúng ta,

Núi lửa Vésuve vĩnh cửu lại bắt đầu gầm thét,

bụi phủ đầy những đường phố nhỏ

và những cửa kính trên các đại lộ run rẩy.

Tro than sẽ quay cuồng trên đầu chúng ta.

Bấy giờ tôi muốn nhảy lên một chiếc xe điện,

chạy bay đến những khu ngoại thành,

bước vào phòng em

để trong ngàn năm sau

những nhà bác học tìm bới những phế tích thành phố

sẽ tìm thấy chúng ta hai người ôm chặt nhau

lâu hàng thế kỷ

dưới đống tro than hãy còn ấm lửa.

 



Đoản khúc 3

 

Tôi nghe tiếng em vọng lại từ những khu đất hoang



qua tiếng sủa khàn giọng của những con chó nhỏ,

tôi tìm dấu vết em yêu trong đám đông ở ngoại ô,

tôi thấy lại những cây kim trên các cây thông Giáng sinh,

và những hoa đèn lên tiếng rít trong tuyết.

Không gì có thể cho tôi biết em ẩn mình nơi đâu

hơn tiếng thét kia vang vọng trong đêm

như một giọt thuốc độc trong suốt.

Tôi đón Ngày đầu năm

trên bãi đất hoang, có dàn đồng ca lặng lẽ,

và những ngọn nến cũ tắt ngấm trong tối,

trên môi tôi tuôn chảy rượu vang Tristan,

nhưng trong bóng đêm tôi mới chỉ bắt đầu nhìn thấy

và tôi không đáp lại tiếng gọi thách thức tôi.

 

1962



--------------------------------

Trích Tĩnh vật và những bài thơ khác, thơ Joseph Brodsky do Hoàng Ngọc Biên tuyển dịch, Nhà xuất bản Thuận Hóa - Huế, 1991. Ba đoản khúc trên được dịch từ bản Pháp ngữ của Jean-Jacques Marie trong Joseph Brodsky, Collines et autres poèmes (Éditions du Seuil, 1966) - được Brodsky đánh số không theo một thứ tự nào.

***


NƠI CHẲNG CÓ GIÊNG, HAI, CŨNG CHẲNG CÓ THÁNG BA

(DC)

Có những thành phố…

(trích)

(...)


Có những thành phố nơi người ta không bao giờ trở lại.

Ở đó nắng dội phải những khung cửa sổ như dội phải những tấm gương không tì vết

Và thế là, ở đó ta không thể lọt vào, dù với bất cứ giá nào.

Ở dưới ấy, mãi mãi, một dòng sông vẫn chảy dưới sáu cây cầu.

Ở dưới ấy là những chốn mà đôi môi đã gắn liền

với một đôi môi khác, và ngòi viết với những trang giấy.

Ở dưới ấy những khung cửa tò vò, những hàng cột, những quái vật bằng đồng làm run rẩy ánh mắt;

ở dưới ấy, bao vây chiếc tàu điện, đám đông nói

tiếng nói của người đã bỏ đi.

 



LM

 

Ấy thế rồi tới thời của những luyến tiếc.



Trong chỗ tranh tối tranh sáng của những ngọn đèn đường,

trong bóng mờ của những giây phút tâm hồn chợt được rọi sáng

chúng ta không còn nhìn nhận những bậc thày của chúng ta.

 

Một chiếc bóng tiến lên giữa chúng ta,



sống động, run run, xô đẩy chúng ta

và thắng thế trong khoảnh khắc

tụ tập những kẻ ngưỡng mộ mình.

 

Toàn thể đời sống chỉ là một nhịp đập của trái tim,



một tiếng động của các mệnh đề, một tiếng sóng vỡ của những sai sót,

một đêm tối trên con thuyền tính dục

đang lao xuống dòng suối lặng im.

 

Giã từ sáng tạo muộn màng



của vô vàn phiền nhiễu của ta,

sự sụp đổ cay đắng của những lần ta đắc thắng,

sự bay bổng của phút dịu dàng thật mỏng manh.

 

Hỡi Thượng đế, Người bước đi trên thế giới 



trong lúc chúng tôi chỉ dám nói khe khẽ,

Người tiến lên, một bước chân tàn nhẫn 

và Người cuốn hút khuôn mặt tôi.

 

Người muốn, trong đám cỏ tối tăm



đính vào những lần thất bại nhục nhã

những hạt thời gian ngắn ngủi xen kẽ

trên con đường tráng nhựa của những kẻ thắng thế.

 

Mọi sự lúc này tới chầm chậm 



và kêu gọi tôi: thế nên mi hãy sống, hãy sống,

hãy quay, hãy quay tròn dưới mắt ta,

như điệu múa xoay vòng rồ dại của tình ái.

 

Hãy tỏa sáng trên những mùa gieo hạt đớn đau



và trên những phiền muộn của mỗi ngày,

hãy nhún vai trong đêm tối

và khóc thương cho hết mọi người.

 



Ngọn lửa run run…

 

Ngọn lửa run run trong vùng bóng âm u,



những khúc củi cháy đen chỉ còn soi lờ mờ.

Chen chúc chung quanh chúng từng đoàn lũ thật kỳ dị

những ý nghĩ của tôi vụt hiện về từ mùa đông không cùng.

Nỗi muộn phiền nào đưa chúng ta 

tới nơi công viên bên bìa thành phố

để nhìn lại một quang cảnh thật hỗn độn

và hiểu rằng công viên này không còn nữa,

rằng mọi sự đều biết tới ngày tàn của chúng

mới từ hai thế kỷ,

để chiêm bao thấy mình lạc lõng trong rừng đêm

mà chẳng bao giờ còn nghe những nhát búa của người tiều phu.

Những thân cây và bụi rậm vươn mình trong vùng bóng, những ngọn đồi nằm sóng sượt ở xa xa nơi tăm tối quạnh hiu,

mặt trăng rực cháy tựa đống lửa củi

thắp lên trên những khu rừng một đám cháy lặng thinh.

 

Đoản khúc



 

Tháng giêng đã qua trên kính cửa nhà tù

và tôi nghe tiếng hát của những người bị giam giữ

qua khối bê-tông của các phòng giam:

“Một người trong anh em ta đã được phóng thích.”

Anh vẫn còn nghe tiếng hát của các tù nhân

và bước chân nặng nề cùa những viên cai ngục câm nín

và chính anh, không thốt một lời anh còn hát lại:

“Vĩnh biệt tháng giêng.”

Hướng về khung cửa kính,

anh nuốt từng ngụm lớn làn không khí ấm.

Còn tôi, tôi lại lang thang trong một hành lang,

trầm ngâm, tôi đi từ cuộc thẩm vấn này

qua cuộc thẩm vấn khác – tới cõi xa xăm ấy

nơi chẳng có giêng, hai, cũng chẳng có tháng ba.

1962

*

 



Bài ca giới nghiêm

 

Thêm một Giáng sinh chấm dứt



ướt đẫm những sọc và sao.

Tất cả các bạn Ba-lan của tôi

đều ở sau song sắt,

bị nhốt lại như những số không

trong một biểu đồ phẫn nộ:

như một phương pháp huấn luyện

nô lệ hạ toán học...

 

Sâu hơn cả chiều sâu



những tư tưởng của bạn hay của tôi

là giấc ngủ của sự chết

trong vùng mỏ Vujek;

cao hơn cả tiền thuê nhà của bạn

là bàn tay mà tài cán

khiến kẻ khác cúi đầu –

như thể được chụp ảnh.

 

Bất lực là ngôn từ.



Nhưng còn hơn giọt lệ,

trong cố gắng tìm tới,

xuyên qua biên giới

đối với những trái tim nặng trĩu

của các bạn Ba-lan của tôi.

Thêm một vụ án bắt đầu.

Thêm một Giáng sinh chấm dứt.

(Bài này nguyên tác bằng Anh văn)



Bài ca cho Bosnie

 

Khi mi uống whisky, ăn miếng thịt sườn bê, và khi trước buổi hòa nhạc, những ngón tay mi cài lại khuy áo



có những kẻ đang hấp hối.

 

Nơi những thành phố với những cái tên kỳ quặc, bị giết, bị thiêu mà không biết những căn nguyên của sự dữ



có những kẻ đang hấp hối.

 

Nơi những xó xỉnh nhỏ bé mà mi không hay, không hề thốt một tiếng kêu, không được chịu những phép thánh cuối cùng



có những kẻ đang hấp hối.

 

Họ đang hấp hối và mi mi phó mặc



vẫn những tên đạo đức giả

chỉ biết tới dửng dưng và phục tùng

và có những kẻ vẫn đang hấp hối.

 

Quá xa để có thể yêu những người anh em thuộc nòi slave của mi, ở đó nơi các thiên thần nhỏ không bay



có những kẻ đang hấp hối.

 

Những pho tượng biểu lộ sự ghê tởm của chúng, dấu hiệu của Caïn,



lịch sử mê cuồng

những tấm thân trần truồng của những kẻ đang hấp hối

 

Mi đọc những thành tích thể thao và kết số ngân hàng của mi và khi các con mi đi ngủ



có những kẻ đang hấp hối.

 

Con ma cà-rồng thời gian sẽ kịp thời phân tách



các nạn nhân mất đi với bọn người hạ sát họ

nhưng chiếc bóng của mi thuộc về chúng.



-----------------------

Ghi chú: Các bài dịch đều dựa theo các bản Pháp hoặc Anh; riêng bài cuối cùng, đã có từ 1992, dịch theo bản Pháp văn của Vladimir Claude Fišera đăng trên tờ Lettre (internationale), bộ mới, số 2, 1995, để tặng nhà thơ Claude Vancour, người đã cho tôi hay tin Brodsky từ trần đột ngột vì một cơn đau tim tại nhà riêng ở Brooklyn ngày 28 tháng Giêng 1996.

Tất cả các bài, để gửi bạn HNB, dịch giả đầu tiên tại Việt-nam của Joseph Brodsky. (DC).

***

Bài ca Giới Nghiêm | Khúc Bosnia

Trong số những bài thơ của Brodksy do HNB dịch, có hai bài trước đây đã đăng, "Bài ca giới nghiêm" và "Bài ca cho Bosnie" (trong chùm thơ NƠI CHẲNG CÓ GIÊNG, HAI, CŨNG CHẲNG CÓ THÁNG BA, bản dịch DC). Hôm nay xin giới thiệu bản dịch HNB cũng của hai bài ấy nhưng được dịch từ các version dài hơn hoặc có lối trình bày khác.

 

Bài ca Giới Nghiêm

 

Gửi Wiktor Woroszylsky và Andrzej Drawicz*

 

Lại một Giáng sinh chấm dứt



thấm đẫm những sọc và sao.

Những bạn Ba-lan của ta ai nấy

đều nằm sau những song sắt,

bị khóa kỹ như những số không

trên một tấm biểu đồ giận dữ:

như một luật lệ qui định

nô lệ đánh ngã toán học...

 

Những quốc gia đang học qui luật



như một chú bé con nghịch ngợm

khi tên bạo chúa hân hoan

chiêm ngưỡng cái còng.

Mỗi nét bút phóng ra,

dấu trừ biên tập lại dấu cộng

giúp cảnh sát

rút mất một tầng lớp.

 

Từ một sườn dốc hiểm trở



có một cái gì đỏ tươi thả xuống

trên tuyết Giáng sinh.

Khi nó lăn, bộ mặt của

địa cầu coi xấu hơn,

lỗ chân lông trở thành tế bào,

trong khi các hành tinh lạnh lùng

đưa mắt nhìn, như chính chúng ta.

 

Gương mặt đói. Ghét bẩn.



Dơ dáy. Những tòa án

nham nhở phân phát thời gian

cho những con người bị bóp

nhưng không nát bởi xe tăng

hay bởi súng ống tàu ngầm

bằng bởi những ngân hàng

chúng ta ký quỹ.

 

Sâu hơn cả chiều sâu



những ý nghĩ của bạn hay của ta

là giấc ngủ cái chết

trong vùng mỏ Vujek;[1]

cao hơn tiền thuê nhà của bạn

là bàn tay mà mánh khoé

buộc kẻ khác phải cúi đầu —

tựa như khi được chụp ảnh.

 

Bất lực chính là ngôn từ.



Tuy nhiên nó đánh bại nước mắt

để xuyên qua đường biên giới,

cố gắng với tới,

đối với những trái tim nặng trĩu

của những bạn Ba-lan của ta.

Lại một vụ án bắt đầu.

Lại một Giáng sinh chấm dứt. 

1980

*

Khúc Bosnia**

 

Khi ngươi rót cho mình một ly whisky,



ngồm ngoàm con cá chép, hay kiểm tra đồng hồ,

khi bàn tay ngươi chỉnh lại cái cà vạt,

có những người đang chết.

 

Trong các thành phố mang những tên lạ lùng,



tơi tả đạn bom, lửa cháy ngất trời,

nói chung chẳng ai hiểu tại sao,

có những người đang chết.

 

Nơi những xó xỉnh nhỏ ngươi không hề nghe



tới, nhưng lớn vì chẳng có

cơ may cất tiếng la hay nói lời ly biệt,

có những người đang chết.

 

Trong khi ngươi bỏ phiếu



cho bọn thánh tông đồ mới dạy dân bỏ mặc,

tự bức chế, vân vân. — do đó

có những người đang chết.

 

Ở quá xa để có thể yêu được



láng giềng/anh em tộc Slav của ngươi,

nơi các thiên thần nhỏ của ngươi sợ không dám bay,

có những người đang chết.

Trong khi các pho tượng bất đồng,

theo cách nghĩ của Cain,[2] lịch sử

do cần lửa đốt lại có khuynh hướng mua

những kẻ đang chết.

 

Khi ngươi theo dõi các vận động viên ghi điểm,



kiểm chứng tài khoản mới nhất ở nhà băng, hay

hát một bài ru con ngủ,

có những người đang chết.

 

Thời gian, với ngọn bút lông tàn bạo bén nhọn



tách biệt người bị giết và kẻ giết người,

sẽ tuyên án cái bộ lạc sau

chính là bộ lạc của ngươi.

 



Khúc Bosnia***

 

Khi ngươi nhấm nháp ly rượu nhãn whisky,



ngồm ngoàm con cá chép, hay gãi vào đũng quần,

khi bàn tay ngươi chỉnh lại cái cà vạt,

có những người đang chết.

 

Trong các thành phố mang những tên lạ lùng,



tơi tả đạn bom, lửa cháy ngất trời,

nói chung chẳng ai hiểu tại sao,

có những người đang chết.

 

Nơi những xó xỉnh nhỏ ngươi không hề nghe



tới, nhưng lớn vì chẳng có

cơ may cất tiếng la hay nói lời ly biệt,

có những người đang chết.

 

Trong khi ngươi bỏ phiếu



cho bọn công tôn mới rao giảng sự bỏ mặc,

tự bức chế, vân vân. — do đó

có những người đang chết.

 

Ở quá xa để có thể yêu được



láng giềng/anh em tộc Slav của ngươi,

nơi các thiên thần nhỏ của ngươi sợ không dám bay,

có những người đang chết.

 

Trong khi các pho tượng bất đồng,



theo cách nghĩ của Cain,[2] lịch sử

do cần lửa đốt lại có khuynh hướng mua

những kẻ đang chết.

 

Khi ngươi theo dõi các vận động viên ghi điểm,



kiểm chứng tài khoản mới nhất ở nhà băng, hay

hát một bài ru con ngủ,

có những người đang chết.

 

Thời gian, với ngọn bút lông tàn bạo bén nhọn



tách biệt người bị giết và kẻ giết người,

sẽ tuyên án bọn bè lũ sau

chính là nhãn hiệu của ngươi.

--------------------------------



Chú thích của người dịch:

* Wiktor Woroszylsky (1927-1996) và Andrzej Drawicz (1932-1997) là những nhà thơ Ba-lan hoạt động trong Công đoàn Đoàn kết bị đi tù chiếu theo Luật Giới Nghiêm ở Ba-lan tháng Mười hai 1981.

[1] Vujek mine chỉ vùng mỏ than Wujek ở Silesia nơi có bảy người đã bị giết trong một vụ biểu tình ngồi dưới hầm để phản đối Luật Giới Nghiêm nói trên.

[2] Cain: Một trong hai người con trai của Adam và Eva, vì lòng ganh nham hiểm đã giết chết em trai mình là Abel. Vì thế Cain thường được dùng với nghĩa “tên sát nhân”.

 “Bài ca giới nghiêm”: Dịch từ nguyên tác tiếng Anh “A Martial Law Carol” của Joseph Brodsky trong tập thơ To Urania: Selected Poems 1965-1985 (Penguin Books, 1988) – sách do bạn Nguyễn Đăng Thường từ London gửi về Việt Nam năm 1990. Bài thơ trước đó xuất hiện trên The New York Review of Books, số 17 tháng Ba 1983, và đã được đưa vào Collected Poems in English, của Joseph Brodsky (Farrar, Straus and Giroux, 2000) — với một chút thay đổi nhỏ: trong tập tuyển này bài thơ được ghi là viết năm 1981, thay vì 1980 là năm chưa có Luật Giới Nghiêm ở Ba-lan.

 “Khúc Bosnia”: Dịch từ nguyên bản tiếng Anh “Bosnia Tune” của Joseph Brodsky in trong The New York Times, 18 tháng 11 năm 1992. Brodsky đã đọc lại và có ít nhiều thay đổi sau đó đã được đưa vào ấn bản Collected Poems in English, của Joseph Brodsky (Farrar, Straus and Giroux, 2000). Người dịch xin giới thiệu bản chuyển ngữ từ nguyên tác “Bosnia Tune”** đăng trên báo năm 1992, đồng thời cung cấp bản chuyển ngữ mới (2000) có những đoạn thay đổi*** từ nguyên tác “Bosnia Tune” — cụ thể trong các đoạn 1, 4 và 8.

***


Khu vườn

 

Im lặng sa mạc.



                        Trong bóng tối mùa thu

bao trùm sự trong suốt huyền ảo của khu vườn,

những chiếc lá nặng trĩu khát khao tìm về cõi chết

và chầm chậm cúi mình xuống đất.

 

Im lặng.


               Số phận ngươi sẽ nghe chăng

tiếng thách đố âm ỉ trong số phận ta,

và hồi chuông báo tử của cây trái đang bỏ ngươi đi

hỏi nó có xa lạ như chính tiếng chuông?

 

Khu vườn không biên giới.



                        Hãy thổi vào những lời ta nói sự

quay cuồng của những thân cây trốc rễ và của chân lý,

nơi ta thả bước trôi về những cành cây uốn cong

giữa những chiếc lá rơi và đêm phục sinh.

 

Làm sao cây cối mệt mỏi của ngươi



                   và tâm hồn tắt nến của ta

có thể sống được đến mùa xuân năm tới

trong khi cây trái của ngươi đang mất dần

và chỉ nỗi trống vắng của ngươi mới có thực?

 

Chạy trốn, chạy trốn về nơi kia



                        trong không gian bất định

về nơi những toa tàu khủng khiếp sẽ đưa ta đến.

Con đường ta đi trên mặt đất và con đường ngươi

đi về hướng mặt trời xa chập vào nhau.

 

Vĩnh biệt, khu vườn của ta.



                                    Vĩnh biệt muôn đời.

Hãy giữ trong ngươi sự im lặng của bình minh,

hỡi con người vẫn thong thả vặt lá những năm tháng

trên những vần điền viên cay đắng của nhà thơ.

---------------------------

Dịch từ bản Pháp ngữ của Jean-Jacques Marie trong Joseph Brodsky, Collines et autres poèmes (Éditions du Seuil, 1966).

***

Kỷ niệm

 

Bầu trời trắng



quay trên đầu tôi.

Mặt đất xám

nghiến dưới chân tôi.

Bên trái là cây. Bên phải

liền ngay một hồ nước

bờ xây bằng đá

bờ xây bằng gỗ.

 

Tôi chậm rãi rút



chân ra khỏi đầm nước,

và mặt trời chiếu sáng tôi

với những tia nắng mỏng.

Mùa gặt lúa

năm một chín năm tám.

Hãy nhớ lại:

đấy là chỗ bắt đầu của bạn.

Sống mãi, Dobrovolski

mỉm cười và bước dạo khắp thành phố.

Còn tôi tôi cứ lạc mãi

trong nhịp điệu một dài hai ngắn.

Mùa gặt lúa

năm một chín năm tám.

Tôi chậm rãi mở đường tôi

dẫn ra Biển Trắng.

 

Những dòng sông chảy ra phía bắc.



Những thiếu niên lang thang ngập đến nửa người

trong tiếng hát của sông nước.

Đêm trắng trên đầu chúng ta

vừa bắt đầu ló dạng.

Tôi đi tìm. Tôi muốn mình làm

một con người.

Thế mà chúng ta đã đi ra,

thế mà chúng ta đã ra tới bến bờ.

 

Những cuộc rong ruổi xanh của gió



đã theo kịp chúng ta.

Đất cắm sâu trong nước

với bập bềnh một tiếng vỗ ngắn.

Bàn tay tôi luồn vào đất,

tôi ngẩng đầu lên,

và biển xô tới gần tôi

màu trắng chói chang của nước.

*** 


 

Bài ca của Fedia Dobrovolski

 

Ngọn gió vàng Mãn Châu



cất cao tiếng nói

về những người Do-thái và những người Nga

bị chôn vùi dưới núi.

 

Những mái hoàng hôn



nhà hai tầng!

Đất không bao giờ thay đổi,

chỉ có trời là ngày càng đến gần chúng ta.

 

Ánh sáng chỉ mới cho chúng ta chút ít,



chỉ có những con chim mảnh mai bay qua

như mây của sự chết

trên mặt đất những cuộc viễn chinh.

 

Và nhìn về phương đông,



cong vòng dưới gió,

là cánh hoa đen trắng

của thế kỷ hai mươi. 

-------------

Trích Tĩnh vật và những bài thơ khác, thơ Joseph Brodsky do HNB tuyển dịch, Nhà xuất bản Thuận Hóa - Huế, 1991. Hai bài thơ trên được dịch từ bản Pháp ngữ của Jean-Jacques Marie trong Joseph Brodsky, Collines et autres poème (Éditions du Seuil, 1966).

***


Con ngựa đen

 

Bầu trời đen sáng hơn cả những chân kia



và không thể chìm trong bóng đêm.

Cạnh bếp lửa chúng ta, tối hôm nọ

Ta đã nhìn thấy con ngựa đen.

 

Tôi không nhớ có cái gì đen hơn.



Đứng trên chân đen như những trụ

than, con ngựa đen như đêm tối,

như hư vô, đen từ bờm đến đuôi,

và lưng nó ánh lên một màu đen khác

cái lưng không hề biết đến yên cương.

Nó chờ bất động và có vẻ đang ngủ

đứng thẳng trên móng guốc đen như nỗi sợ.

 

Nó đen đến nỗi đã xua tan bóng tối,



đen như thế gian u tối nhất,

đen như sương mù nửa đêm,

đen như cái lỗ của cây kim,

đen như những rừng cây cao mất hút,

giống như khoảng không giữa sườn và ngực,

giống như cái lỗ có hạt giống nằm yên trong đất,

giống như bóng đêm đang xuống trong lòng ta.

 

Tuy thế dưới mắt ta nó còn đen lên nữa.



Đồng hồ chúng ta chỉ đúng nửa đêm.

Nó không đi về phía chúng ta,

bóng tối kỳ diệu đã nhận chìm hai cạnh sườn của nó

và cái lưng nó biến mất trong đêm.

Mọi vệt sáng đều tan biến,

mắt nó ngả trắng như một cái búng tay,

con ngươi chiếu sáng còn ghê sợ hơn nữa.

 

Nó giống như âm bản của một người lạ.



Thế thì tại sao, chạy đến chỗ này,

nó dừng lại bên chúng ta đến tận bình minh?

Tại sao nó không bỏ bếp lửa ra đi?

Tại sao nó hít thở không khí đen

trong tiếng xào xạc của cành lá bị giẫm?

Tại sao trong mắt nó chập chờn ánh sáng tối mù?

 

Nó chờ đợi trong chúng ta một kỵ sĩ đứng dậy.



*** 

 



tải về 0.98 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương