Năm thứ ba mươi sáu. Phát hành mỗi tháng một kỳ Số 107 (229) Xuân Quý Tỵ 2013 Trong số này



tải về 0.68 Mb.
trang3/4
Chuyển đổi dữ liệu23.07.2016
Kích0.68 Mb.
#2956
1   2   3   4

Chút bùi ngùi hương tết
Tôi còn nhớ như in cái tết ấy, năm tôi lên mười ba, thằng Ân lên sáu, tháng chạp không lạnh nhưng nhiều sương mù, se se. Buổi sáng, tôi vừa thức dậy chuẩn bị sách vở đi học thì nghe mẹ nói dì Ba qua đời. Dường như lúc ấy tôi không xúc động mấy, tôi thấy bình thường nữa là khác. Mẹ dắt tôi sang nhà dì Ba, tôi thấy thằng Ân đang ngồi bên cạnh xác mẹ, mặt nó buồn buồn, nhưng không khóc. Nó cứ nhìn mẹ nó đăm đăm… Đó là một buổi sáng hăm ba tháng chạp, mọi nhà đưa ông Táo về trời, còn thằng Ân đưa mẹ nó về trời. Nhà quạnh quẽ, chỉ có hai mẹ con, ba nó đi biệt từ khi nó chưa ra đời, nghe nói có một người đàn bà khác xinh đẹp và chịu chơi hút hồn ông ấy. Thằng Ân đưa mẹ về trời cùng những người hàng xóm và mẹ tôi. Nó không khóc nhiều, dường như thi thoảng nó có rơi nước mắt.

Mẹ tôi đưa thằng Ân về nhà tôi sống nhưng nó không chịu, nó đòi mẹ, nó bảo nó phải ở nhà với mẹ. Hai mẹ con tôi dọn sang ở với nó để lo cơm nước cho nó, và tối lại, tôi bày nó tập đánh vần cho đến khi nó buồn ngủ… Hồi đó, nhà nghèo, mà hình như ai cũng nghèo, cứ tết đến cả xóm chung tiền mua một con heo về mổ thịt rồi chia nhau mỗi gia đình môt miếng nhỏ về luộc cúng ông bà, cúng xong đem kho mặn để dành ba ngày tết ăn với bánh tét. Tết quê, vài nhành hoa vạn thọ, vài nhành cúc, một nhánh mai vàng ngoài vườn mang vô chưng trước bàn thờ gia tiên, một bộ quần áo mới mặc đi chơi và cho cả năm học... Chỉ ngần ấy thôi nhưng nhiều đứa trẻ nằm mơ cũng không có được.

Mẹ dắt tôi và thằng Ân ra phố. Đà Nẵng hồi đó không như bây giờ, im vắng và có chút gì đó tạo cảm giác uy nghi, bí ẩn cho một đứa trẻ nhà quê. Mùi tết thành phố hồi đó cũng khác, chỉ nghe toàn mùi cá thu, cá ngừ kho dưa cải, mùi thuốc pháo, thi thoảng mới có thêm mùi thịt nướng, mùi xào ngũ sắc.

Nhưng có lẽ cái mùi làm tôi nhớ nhất (không biết thằng Ân giờ còn nhớ không) là mùi da thuộc quyện với xăng thơm tỏa ra từ những hiệu giày. Hiệu giày Thanh Hải, tôi nhớ là vậy, mẹ dắt hai đứa vào, cho mỗi đứa chọn một đôi san-đanh. Tôi thấy thằng Ân mê mẩn nhìn hết đôi này đến đôi khác, còn tôi thì tha hồ hít lấy mùi thơm... Bất giác, thằng Ân gọi to: "Mẹ ơi!", những người thợ làm giày ngoái nhìn nó, cô nhân viên bán giày nói với mẹ tôi: "Con chị nó kêu chị kìa!". Mẹ tôi gật đầu, không nói gì, đến ôm thằng Ân vào lòng, tôi thấy nó khóc. Năm đó tôi lên mười ba, thằng Ân lên sáu.

Năm thằng Ân lên mười ba, đang học lớp bảy, ba nó quay về dọn sửa lại nhà cửa, hai mẹ con tôi trở về nhà, thằng Ân sống với ba. Mùa hè năm đó, ông dắt nó đi mà không nói một lời từ biệt mẹ con tôi. Mẹ tôi buồn và lo cho thằng Ân, không biết nó đi đâu, việc học hành sẽ ra sao...

*

* *



Mỗi dịp tết về, làng tôi tổ chức cúng làng, cúng miếu, cúng xóm trong những ngày cuối năm, và chơi bài chòi trong những ngày đầu năm. Dường như không thiếu năm nào, những người già trong xóm dắt nhau đi chúc tết, áo dài, khăn đóng, đi bộ, cười nói vui vẻ, mặc cho đám thanh niên trai trẻ "ngựa xe như nước áo quần như nêm"... Người già mỗi lúc một thưa dần, sân bài chòi mỗi tết sau thường vắng hơn tết trước đôi chút. Những ông cụ râu tóc bạc phơ đứng giữa sân vừa rung hộp thẻ bài vừa đọc vè rồi nhìn tấm thẻ ngẫu nhiên mình vừa rút ra mà đọc to: Năm Rún, Bạch Huê, Hoàng Hậu, Thái Tử, Nhì Nghèo... được thay bằng những cô gái, chàng trai trẻ trung, giọng khỏe, trong, đứng hô bài chòi mải miết, mê mệt, mặc cho hàng hàng những loại hình trò chơi, những dòng văn minh khác đang ngấp nghé ngoài sân. Nỗi đam mê bài chòi dường như có tự trong máu huyết.

Mẹ cắm mấy thanh tre làm chói cho vạt hoa cải trước sân, tôi cắt một nhành mai, đốt lửa thui phần gốc cho nó giữ nước được lâu. Tục thui gốc mai có từ lâu đời ở quê tôi, mà hình như ở đâu cũng làm vậy, không riêng gì làng tôi. Người chơi mai rất kị chuyện hoa mai héo trong ngày đầu năm vì cho rằng đó là điềm gở, chính vì vậy, khi cắt xong cành mai, chưa mang vào nhà ngay mà người ta đặt nó ngoài sân, chất lửa lên thui gốc. Làm như vậy với ý nghĩa là cho cành mai chết một lần trước, để "nó" cảm nghiệm cái chết mà không sợ chết nữa, một khi không sợ chết thì "nó" sẽ sống vui vẻ hơn, tươi tắn hơn... Còn xét về mặt khoa học thì chuyện thui gốc mai cũng có lý của nó vì làm như vậy, những giọt mủ ở chỗ bị thui sẽ vón lại, đông đặc, ngăn sự mất nước trong thân cây... đảm bảo nhành hoa sống bền hơn...

*

* *


Nhà có khách, một người trung niên, một thanh niên, không xa lạ với tôi, hai cha con thằng Ân về thăm quê nhà, thăm mộ người thân. Giờ nó lớn ra, to con, khỏe mạnh, đẹp trai, nói giọng lơ lớ, người bốc mùi nước hoa thơm phức. Tôi đâm ra e dè khi nói chuyện với nó, tôi cảm thấy mình nhà quê làm sao trước hai cha con Việt kiều này.

Cúng ông bà, đi thăm mộ mẹ xong, thằng Ân rủ tôi đi uống cà phê, nó hỏi tôi có quán nào hay hay dắt cho nó đi chơi với. Tôi nói ở đây quê mà, chẳng có quán cà phê nào hay đâu em ơi. Nó hơi buồn, tôi dắt nó ra thành phố đi siêu thị, shopping, nó có vẻ không tha thiết gì. Nó yêu cầu tôi chở đi quanh thành phố, đi mãi một hồi, nó dắt tôi vào quán cà phê ven đường, trông mặt nó buồn buồn. "Anh hai ơi, anh còn nhớ hiệu giày Thanh Hải không? Em nhìn hoài chẳng thấy!" - nó hỏi tôi. "Ồ, người ta dẹp tiệm lâu rồi em ơi, bây giờ thanh niên chuộng giày ngoại, giày hiệu, mấy ai vô tiệm đo chân nữa, hiệu giày chuyển về vùng quê hoặc thay đổi cung cách làm ăn, dễ gì tìm thấy một hiệu giày ọp ẹp giữa phố như xưa!" - tôi trả lời nó. Thằng Ân im lặng, một lúc sau nó bảo tôi đưa về nhà.

Trên đường về, nó dắt tôi vào một quán cà phê khác, cũng ven đường, nó khen cà phê ngon, ngồi nhìn cảnh quê thấy hay hay...

Tôi im lặng không nói gì, hai mươi năm trôi qua, mọi thứ đã đổi thay, hai mươi cái tết phai mờ dần trong kí ức, mỗi người mỗi phương trời. Tôi nhìn nó, nó cũng im lặng như tôi, giọng nói nó giờ thay đổi ít nhiều. Nó đứng dậy, bảo tôi dắt nó đi chơi bài chòi, chơi tôm cua bầu cá. Tôi mỉm cười, dường như tiếng trống hội bài chòi, tiếng cười nói khi thắng cuộc, tiếng xì hơi khi thua... bầu cua tôm cá vẫn theo nó suốt hai mươi năm nay trên đất khách.

Tự dưng tôi nhớ đến hai tiếng "Mẹ ơi!" nó đã thốt lên trong hiệu giày, nghe mùi da thuộc và xăng thơm hăng hăng cay trong mũi, trên mắt...

Tết này tôi ba mươi ba!



P.K

Đặng Trương Khánh Đức

Gói thuốc rê của ngoại
Vườn nhà ngoại tôi không rộng lắm, chỉ vừa đủ để trồng vài cây ổi, mấy cây mít mật có dây trầu bao quanh bốn mùa lá xanh um và hàng cau vươn mình thẳng tắp lên trời xanh bên cái giếng đất chẳng biết ông ngoại đào từ khi nào. Ở giữa mảnh vườn xinh xắn ấy, ngoại dành một khoảnh đất nhỏ cứ mỗi độ cuối thu lại trồng hai hàng thuốc lá cho cậu tôi mời bạn bè dịp Tết. Cậu tôi là con trai cả, lại là con trai duy nhất nên được ngoại cưng chiều, dù đã vợ con đuề huề, nhưng cái gì cũng được ngoại lo chu đáo. Những năm làm ăn tập thể, hạt gạo củ khoai đã quý, những loại hàng hóa xa xỉ như thuốc lá, thuốc rê... lại càng hiếm hơn.

Cuối thu, nắng bắt đầu nhạt dần trên những dây trầu vườn nhà ngoại tôi. Gió heo may nhẹ nhàng lướt qua hàng cau nghe xào xạc những ban trưa có tiếng chim về khu vườn làm tổ. Ấy là lúc ngoại tôi sọ sẹ lục tìm trong ngăn tủ gỗ cũ kỹ gói hạt giống thuốc bà để dành từ mùa trước mang ra sân hong nắng. Chừng như hạt giống đã ấm hơn sau một thời gian nằm im lìm trong tủ gỗ, ngoại tôi cẩn thận đem gieo vào trạc đất có trộn lẫn phân chuồng đã chuẩn bị sẵn từ trước rồi gác nó lên cái giàn tre bên giếng. Ít ngày sau, mầm hạt thuốc bung ra, những thân cây mỏng mảnh bắt đầu trồi lên khỏi mặt đất đón ánh mặt trời. Ngoại tôi chăm trạc thuốc con rất kỹ càng. Ngày nào cũng vậy, khi con chim cu cất tiếng gáy gọi ban mai và nắng sớm xuyên qua kẽ lá trong khu vườn, tôi đã thấy dáng ngoại lom khom bên trạc thuốc con rồi. Ngoại cẩn thận vạch từng chiếc lá thuốc bé tí tìm bắt sâu. Xong đâu đó, ngoại tưới đều cho mỗi cây thuốc con bằng nước bánh dầu phụng ngâm nơi chiếc thùng bên góc giếng như thể vỗ về cho lũ thuốc con ăn ngoan chóng lớn. Nhìn cái cách ngoại nâng niu những cây thuốc lá con, tôi biết bà cũng dành tình cảm cho chúng như những đứa cháu bé bỏng của mình. Tôi nhìn vào ánh mắt và bao nhiêu cử chỉ của ngoại, thấy trong đó ngời lên niềm vui, niềm hạnh phúc khi được chăm chút từng ly, từng tý cho con cháu của mình.

Trong lũ cháu chúng tôi, ngoại thương đều hết cả, nhưng với tôi ngoại có phần ưu ái hơn. Bởi, ngoại chiều theo ý mẹ tôi gả con gái vào đúng chỗ nhà nghèo nên từ khi có thêm tôi, cuộc sống ngày càng thêm khốn khó. Mẹ tôi từ một tiểu thư con nhà khá giả, chân tay chưa biết lấm bùn đã phải nhập cuộc với nắng mưa, bùn đất. Tôi được gởi sang ở với nhà ngoại ngày càng nhiều hơn.

Đầu đông, nắng tắt, nhường chỗ cho những cơn mưa. Trạc thuốc con lúc này cũng đã xanh um những lá thuốc bằng bàn tay người lớn. Cậu tôi mang cuốc ra mảnh đất nhỏ giữa vườn xới đất thành hai luống bằng nhau theo ý ngoại. Sau khi rải phân chuồng đều tắp lự trên hai luống đất ấy, ngoại tôi bứng từng cây thuốc con khỏe khoắn trong chiếc trạc tre bên giếng rồi cẩn thận cấy vào hai luống đất. Ngoại dạy cậu tôi: cây con còn yếu, khi bứng ra khỏi chỗ cũ thể nào cũng mất sức ít nhiều nên tốt nhất bắt đầu trồng nó vào chỗ đất mới khi chưa có ánh nắng mặt trời. Quả vậy, dù cái nắng của buổi đầu đông rất hiếm hoi và yếu ớt nhưng cũng có thể làm hanh khô những cây non mới trồng. Sáng sáng, cậu tôi ra vườn nhìn hai hàng thuốc lá ngày càng lớn nhanh, lòng khấp khởi vui mừng nghĩ về sự ấm cúng trong mấy ngày xuân khi bạn bè, anh em tề tựu.

Ngoại tôi là một người hiền từ nhân hậu. Chưa bao giờ tôi thấy ngoại làm mếch lòng ai điều gì. Ông ngoại tôi mất sớm, bà ở vậy nuôi bốn người con trưởng thành đuề huề gia thất. Duy chỉ có mẹ tôi là vướng vào số cực. Ngoại chỉ buồn nhưng không giận con gái. Ngoại thường nói với mẹ tôi, mỗi người đều có số phận của mình, cái số con nó vậy thì đành chịu mà ăn ở cho đàng hoàng với người ta. Thương con, rất nhiều lần ngoại tôi giấu cậu mợ, gởi sang cho mẹ tôi một vài món đồ. Cũng chẳng nhiều nhặn gì, nhưng ngoại ngại cậu mợ biết chuyện đâm ra rầy rà. Con gái đã đi lấy chồng thì coi như người nhà người ta rồi. Máu mủ, ruột rà vẫn thế, nhưng cuộc sống phần ai nấy lo. Trong những món quà ngoại gói ghém gởi cho mẹ tôi có khi là vài lon đậu xanh, dăm quả trứng gà và ký nếp thơm mà hồi ấy chỉ nhà ngoại tôi mới có. Nhưng, có một thứ không bao giờ ngoại tôi quên gởi kèm, ấy là gói thuốc rê ngoại dành cho ba tôi. So với những người con rể khác, ba tôi được ngoại quan tâm nhiều hơn. Có lẽ vì nhà ba tôi nghèo hoặc là ngoại có ý chiều con rể để mong con gái cưng của mình được đối xử tốt hơn. Những sợi thuốc rê xắt đều đem phơi nắng giòn tan, thơm nồng đặc trưng. Ngoại tôi không biết hút thuốc, càng không khuyến khích các con mình hút thuốc lá, nhưng chuyện ngoại lọ mọ, nắn nót cho công việc gieo hạt rồi trồng thuốc mỗi độ cuối thu dường như đã trở thành nếp sinh hoạt bất biến của ngoại. Ba tôi rất hồ hởi mỗi bận nhận được quà thuốc rê của ngoại. Ông thường bảo, thuốc rê ngoại thơm và ngon hơn thuốc người ta bán ngoài chợ. Sau này lớn lên, mỗi lần nghĩ về câu nói ấy của ba, tôi chợt hiểu rằng, có lẽ thuốc rê của ngoại thơm ngon một phần vì chứa chan tình cảm của bà trong ấy. Trong gói thuốc rê ngoại gởi cho ba tôi, luôn có một thứ rất hấp dẫn tuổi thơ tôi. Đó là những viên bi chai xanh đỏ tím vàng chẳng biết ngoại mua chúng từ bao giờ lặng lẽ nằm giữa những sợi thuốc lá rồi vỡ òa trong niềm vui trẻ thơ và cứ thế lăn tròn trong ký ức tôi cho đến tận bây giờ.

Ngoại tôi về với cõi tiên rất lạ. Một chiều xuân, sau khi sai đứa cháu nội đun nồi nước sôi, để nước hâm hẩm rồi cho mớ bồ kết vừa hái trong vườn vào, ngoại gội đầu sạch sẽ, ăn bận tinh tươm đi khắp lượt xóm làng thăm thú bà con... Tối về ngoại ngủ như mọi ngày và thanh thản ra đi... Chiều nay tôi về thắp hương cho ngoại, nhìn làn khói hương bảng lảng bay, lòng lại bâng khuâng nhớ về mảnh vườn xưa của ngoại. Nhớ dáng ngoại lom khom bên hai hàng cây thuốc lá. Chợt nghe thoang thoảng đâu đây mùi thuốc lá đầu mùa.



Đ.T.K.Đ

NGUYỄN HẢI TRIỀU

Ban mai
Khi sợi đêm dang tay ghì kéo mặt trời

Giấc thức trở mình ngày mới

Tiếng chim khỏa bằng sông suối mai sương

Góc chợ quê cỏ non cười xanh mắt rêu tường...
Tôi gặp một ban mai

Vừa đi qua nhiều cuộc hẹn hò vội vã

Người ta về bằng bước chân của khách bộ hành

Một sự bắt đầu tất bật

Những nẻo đời tất bật!...
Em kể với tôi về con đường

Mặn mồ hôi thơm như hương lúa tháng mười

Mẹ đếm ban mai gập ghềnh ước mơ và lửa

Trên chiếc xe đạp không xích. Mỏi mòn

những buồng chuối xanh

Duy nhất một niềm tin cháy bỏng nguyên lành
Để tôi biết yêu giọt nắng trổ ngồng bông cải

Tiếng rao hàng khản giọng

Người bán vé số giấu nụ cười nửa miệng

Nhào nặn huyễn hoặc đa nghi hy vọng

Từ câu thơ tiếng gà và góc chợ quê
Em kể với tôi nơi chốn quay về

Của tình yêu và gió bão

Góc chợ lấm lem buồng chuối

Ước vọng ban mai của bao cuộc đời

Chỉ có tấm lòng là nhụy mật em ơi!

Ban mai của riêng tôi

Một góc chợ quê ngời mắt nhớ

Những câu thơ không đầu không cuối

Trăm ngả về gói lấy nụ cười em!

N.H.T


PHƯƠNG DUNG

Uống rượu

chiều phương Nam
Chiều cuối năm uống rượu với đồng hương

Chuyện thường tình của đàn ông xa xứ

Ta cũng bùi ngùi chén lai chén khứ

Bên bờ sông. Chiều phương Nam gió lay
Ly hương giờ này thêm ta góp chén

Chụm đầu bạc thếch nhớ chuyện xanh xưa

Đàn ông Quảng Nam say thì đọc thơ

Ta say ngậm ngùi uống thêm nước mắt
Chợt nghe ai hát giữa chiều tháng Chạp

Khúc cũ bâng quơ mà nghe nhói lòng

Điệu lý sang sông. Con sáo một mình

Như ta của ngày đò không cập bến
Chiều cuối năm trời phương Nam đầy nắng

Ta biết bây chừ cố xứ mưa bay

Rót xuống dòng sông nửa ly rượu đắng

Uống giùm ta, cạn nỗi nhớ quê nhà...

P.D


NGUYỄN TẤN SĨ 

Tìm xuân em hát bè trầm...
Mò từ đáy biển mò lên

Xuân thiên thu đã bỏ quên chốn nào

Nhân gian sóng gió ba đào

Đêm đêm ai với thét gào cuồng si

 

Đi tìm từ chỗ bờ mi



Khóc gì cạn kiệt nỗi gì vô âm

Một đôi lá rụng âm thầm

Âm dương khép tán để mầm chịu đau

 

Anh vờ vịt nửa đêm thâu



Biết là xuân đến gọi nhau con đường

Đi trong hẻm phố hẻm phường

Chân sinh ra để vô phương tìm người

 

Vớt lên được một tiếng cười



Nhìn trong ha hả thấy rơi lệ thầm

Xuân về cư ngụ tại tâm

Xuân không về nữa là trầm hương bay

 

Đã sinh là nợ tháng ngày



Câu thơ là những đường cày dã tâm

Xéo dày. Em hát bè trầm

Tôi đi bè nứa lỗi lầm trăng treo
Đành thôi, có dạt cũng bèo

Mây trời vô tận. Trôi theo làm gì!...

N.T.S


NGUYỄN THỊ THANH THẢO

Dạ khúc
Cứ tưởng người không nhớ mùa xuân

Phố đã cũ trơ những cành mai cũ

Hoa cải ven sông vàng mê mải

Ta loanh quanh cũng rũ áo quay về
Cứ tưởng người không còn quay quắt

Trên phố xuân tay không ấm tay người

Ngại cầm đỡ chiếc bong bóng đỏ

Để qua đường đau ký ức tuổi thơ
Cứ ngỡ mặt trời không còn mọc

Từ khi môi lạnh ngắt môi người

Áo em đỏ hay vàng không biết nữa

Và ru lòng quanh quất với ba mươi
Cứ tưởng muôn đời mùa đông lạnh

Hoa cải vàng đâu biết cũng khoe xuân

Em khoảnh khắc trở về không tiếng pháo

Ta điếng người cúi lượm mấy tàn bay...

N.T.T.T





ĐÀO ĐỨC TUẤN

Giấc cuối
Phía cuối con đường

ngôi nhà ở đó

không gian đơn giản

tâm hồn neo sâu...
Phía cuối bình an

nhịp đời bỏ ngỏ

vàng hoa sân si

khuôn lòng bày tỏ...
Phía cuối vô thường

nhụy nhòa trang sách

ngan ngát trang đời

nhân gian trinh bạch...

Đ.Đ.T


H. MAN

Xuân
Mây in trắng muốt giữa dòng

Đã xanh - xanh biếc từ trong mắt người

Chao nghiêng đầu gió hoa cười

Em thay áo mới làm tươi sắc trời
Tôi loay hoay suốt một đời

Níu mùa xuân cũ

gọi lời yêu thương

Chân mòn sợi tóc còn vương

Vườn lòng kín lá trơ xương lạnh đầy
Em về làm nắng lên ngày

Để vàng thêm cánh hoa lay cuối vườn

Nghiêng vai mà giũ bụi đường

Mùa xuân

con nước

ngùi hương xuân thì...

H.M


TRƯƠNG ĐỨC TỚI

Viết bên kia đèo
Ngày anh về Huế có còn mưa

Đèo vắng ai đưa tiễn người năm cũ

Ký ức như rong rêu như lau thưa giữa thung sâu buồn rũ

Tím một trời chiều thương nhớ những ngày xanh
Em khóe mắt long lanh tháng năm dài đã mỏi

Anh bước phong trần trở lại sắp tàn hơi

Lưng dốc Ngự Bình tiếng chuông chùa thấm mệt

Tuổi hoa niên hò hẹn lỡ nhau rồi
Phía giang đầu có người ngồi ngắm mây trôi

Mây vẫn một sắc phiêu bồng thuở nọ

Sông vẫn chảy muôn đời như thế đó

Cầu Bạch Hổ trăng lên sao chẳng thấy người về
Đêm gõ mạn thuyền rồng trên dòng Hương quạnh quẽ

Mười mấy năm trôi câu hát đã gieo mình

Hỏi sóng sóng chìm hỏi nước nước lặng thinh

Em biền biệt anh trở về biền biệt...

T.Đ.T


THÁI BẢO - DƯƠNG ĐỲNH

Mùa sang
Thả trôi mấy sợi mây mềm

Chiều nghe lá rụng bên thềm, mùa sang...

Sương phớt nhẹ, nắng hanh vàng

Thu theo màu nhớ giữa bàng bạc rơi

Nghe chừng thương nhớ bẻ đôi

Chút se se lạnh bên trời cô liêu...
Người đi ừ đã ít nhiều

Gởi cho tôi chút quạnh hiu với mùa!

T.B-D.Đ



NGUYỄN THÀNH GIANG

Niềm xuân
Em còn lạc giọng ầu ơ

Ta tàn cuộc rượu, xuân chờ cơn say

Cỏ quê thương một dấu giày

Người quê phiêu dạt chân mây, có còn?
Ba mươi, khói bếp chon von

Mẹ rong ruổi chợ, cha mòn mỏi trông...

Ta nương mấy ngọn cải ngồng

Về bên ngõ nhỏ, nghe lòng vương vương...

N.T.G


NGUYỄN CƯỜNG

Kí ức rời

"Xin đừng bất hiếu với quê

Mai kia còn chỗ quay về mà thương"

(Huỳnh Trương Phát)


Úp mặt vào ngực quê

nghe thổn thức đôi bờ dòng sông tuổi nhỏ

nhòe nhoẹt tôi những tâm sự không lời

rưng rức tôi những nỗi niềm xưa cũ

ngày tôi đi...
Gởi lại dấu chân thơ trên bãi bồi mịn mát

níu lòng hoa sậy hoa lau

Mẹ xắn quần tất tả ngược xuôi

dúi vào tay những đồng tiền vay mượn

thấm mặn nhọc nhằn

gói ghém hi vọng

giục tôi đi...
Bao năm nơi phố thị được gì

vẫn đau đáu đời cha

gieo trồng quanh năm

thấp thỏm trông trời trông đất

năm hai vụ trật trầy được mất

nơi chái bếp sau nhà khói cay mắt mẹ tôi
Trăm nỗi lo toan tất tả ngược xuôi

trăng phố vuông

không tròn như làng cũ

phòng trọ chật

chen ước mơ không đủ

thèm ngả lưng bộ ván ngựa giữa nhà
Đêm cuối năm văng vẳng tiếng gà

ủ men nhớ

vọng vào tôi nhoi nhói

Chắc bây chừ mẹ cha đang mòn mỏi

ngóng ngoài xa chờ bước con về!
Nhảy lò cò men dọc đường quê

những mảnh kí ức rời theo về tận ngõ

tôi nhận ra bóng mình

nương dây diều căng gió

cùng lũ bạn nghèo gởi gắm ước mong
Gió thời gian vẫn miên man triền sông

lao xao chuyến đò giọng quê hiền như đất

cánh đồng sau vụ mùa thất bát

nứt nẻ hết mình

vẫn ăm ắp bao dung...

N.C


VÕ VĂN TRƯỜNG

Gió đêm

(Viết cho những cây mạ lạc vào vườn nhà)


Có gì như thể mùa xuân

Chạm vào tôi, khu vườn khuya ngà ngã

Ánh trăng lành lạnh, gió lùa

Ai đã vớt trên dòng sông quê kiểng

Ai đã nhặt đem về từ những thửa ruộng đêm

Những cua cáy và đen ngòm gốc rạ

Nước mệt nhoài phèn váng trầm ngâm

Gió đêm thổi qua khu vườn, có mảnh đất nhỏ nhoi sót lại

Giữa phố hiếm hoi tôi nhận ra những thân mạ quê mình
Không theo kịp mùa xuân, không thể nào khác được

Gió đêm cưỡng bức dậy thì...

Trong khu vườn trăng không hề lên tiếng

Như phía cánh đồng, sau trước những bước chân

Lẽ nào chạy là hết thì con gái

Mà đành thức với gió đêm phụ rẫy quê nhà...

V.V.T


HUỲNH TRƯƠNG PHÁT

Cây nêu
Chỉ cần một cái ngoái nhìn

Cũng làm thổn thức con tim ngũ tuần

Hình như trong cái xa gần

Nụ hôn vừa rớt từ thân nêu gầy...

H.T.P
Người đưa thư


Anh xin làm người đưa thư

Tin cho em biết bây chừ đã xuân

Vườn thơ trút lá mấy lần

Cũng không trổ kịp một nhành giêng hai!

H.T.P


Mùa xuân hát trên cây tùng

Nhạc & lời: VŨ ĐỨC SAO BIỂN




Khúc quê(*)

Nhạc & lời: HỒ XUÂN HƯƠNG




Theo bước mùa xuân

Nhạc: THANH ĐÍNH

Lời : Thơ TỐ HẢI




Fay Weldon

(Anh)

Bước qua năm mới



Truyện ngắn
Cha mẹ cô theo lối cổ, đặt tên cô là Eve, với hy vọng cô sẽ có tố chất nữ tính thuần túy. Và đầu tiên chắc chắn là vậy. Cô sinh vào đêm giao thừa năm 1932, kháu khỉnh và dễ thương. Cha mẹ rất yêu thương cô. Nhưng giao thừa năm 1935, một bé trai sinh ra và được gọi là Adam, với hy vọng nó đủ tố chất nam tính. Và cậu đã như vậy.

Eve nhìn em bé trên tay mẹ và nói: “Trả nó về cửa hàng đi, con không thích nó”. Sự thù ghét kéo dài suốt 74 năm, chính xác là giáng sinh năm 2006. Lúc đó cha mẹ cô không còn nữa nên không biết con gái mình thế nào.

Cô đặt cậu em vào chiếc nôi, cúi xuống nhìn mặt em. Cô mở vòi nước ấm khi em trai tắm. Thật ngẫu nhiên vì hai chị em sinh cùng ngày, cùng tháng. Các gia đình hạnh phúc đều mong sự ngẫu nhiên
Minh họa: TRẦN ĐỨC

đầy ý nghĩa này. Nhưng cha mẹ của Eve có ý nghĩ khác. Họ bận rộn mở công ty ấn loát Hambeldon để làm giàu và lưu ý nhiều thứ khác.

Khi Eve 6 tuổi, nó nhốt em trai 3 tuổi vào chiếc rương trên gác rồi ném chìa khóa đi, bỏ em trai suýt chết. Người ta hỏi nhà chiêm tinh. Chuyên gia nói rằng dù cả hai sinh với sao Thái Dương ở cung Dương Cưu, Eve có sao Thổ, sao Kim và sao Hỏa gắn kết rất mạnh ở cung Bảo Bình tại căn nhà thứ hai và “khắc” với sao Thủy của Adam, định vị tương tự, các mối quan hệ không thể cải thiện.

Cha mẹ giải quyết vấn đề bằng cách gởi Eve đến ở nhà bà con tại Canada. Thế chiến II bùng nổ. Cuộc xâm lăng của Hitler xảy ra từng phút, trẻ em được đưa ra khỏi nước Anh để tìm lối thoát. Adam được giữ lại ở nhà. Nó sẽ đi học, nhưng rồi lại đi Rugby. Một sự giáo dục tốt cho con trai. Học xong, hôn nhân là chuyện dĩ nhiên của các cô gái.

Cha mẹ mất từ lâu. Bây giờ thì quá trễ để xin lỗi với bất kỳ ai. Người ta có thể tự nguyền rủa mình hoặc đổ lỗi cho số phận.

Trễ còn hơn không bao giờ. Ngày 31/12/2006, giao thừa, sao Thái Dương ở cung Kim Ngưu, sao Hỏa và sao Thủy cũng có liên kết, một ngày tốt cho cả hai. Sinh nhật thứ 75 của Eve và sinh nhật thứ 72 của Adam. Họ mắc nợ nhau nên kết hợp tổ chức sinh nhật và tiệc mừng năm mới. Họ làm vậy để tránh xa các cổ đông. Tiền lời giảm. Người ta xì xầm rằng ngày nay làm việc theo nhóm và hợp tác là yếu tố chính để thành công trên thương trường. Người ta còn bàn tán rằng các kẽ hở trong việc quản lý không tốt cho ai hết. Tin đồn! Để tôi giải thích.

Eve 15 tuổi khi cô trở về Anh. Cô đã trưởng thành hơn khi vắng em trai. Cô học đại học và làm ở ngân hàng, xinh xắn, ngọt ngào, mặc áo cổ chữ V trông rất gợi cảm, nhưng chững chạc hẳn ra.

Cô bắt gặp cái nhìn của Adam khi vào căn nhà mới ở Esher. Trông cậu tự tin. Cậu không thông minh và cạnh tranh như chị, nhưng cậu dễ nhìn và hấp dẫn. Sao Kim ở cung Hổ Cáp mà. Cậu luôn nghĩ về điều gì đó tốt đẹp hơn có thể đang ở phía chân trời. Cậu không lập gia đình. Adam nói với Eve: “Không thể liều được”. Cô cho cậu là “bóng”. Cô hỏi: “Giả sử các đứa trẻ đều như em thì sao?”.

Cô lập gia đình, có hai con trai thông minh và đẹp trai, đều ở cung Bảo Bình. Cô không nói xấu ai, ngoại trừ... Adam! Khi cô 45 tuổi, cô làm mọi người ngạc nhiên vì cô giải phẫu thẩm mỹ nâng mũi, sửa cằm và cắt mắt.

Adam nhìn có vẻ già trước tuổi, hói đầu, không hấp dẫn với phụ nữ. Còn Eve trông càng đẹp ra. Chồng mất. Cô có tình yêu mới dù ở tuổi thất thập. Adam tham gia công ty gia đình. Người cha bị bệnh Alzheimer rồi qua đời. Người mẹ bị nứt xương hông và cũng qua đời. Adam và Eve chỉ miễn cưỡng gặp nhau ở buổi họp. Cũng như mẹ, Eve là người canh tân. Cô muốn chính các con mình điều hành công ty.

Nếu Adam chết trước, cổ phần của cậu sẽ thuộc về Eve, và rồi sẽ thuộc về các con. Nếu cô chết trước thì tất cả là của Adam. Các thư mời công ty cổ phần được gởi đi vào tháng 11/2006. Adam muốn ghi “Adam và Eve Hambeldon”, Eve muốn ghi “Eve và Adam Hambeldon”. Adam hỏi: “Sao vậy? Em ghi theo mẫu tự mà”. Eve nói: “Nhưng chị sinh trước mà”. Mỗi người một ý, không ai chịu ai. Adam nói: “Được, cứ ghi Eve và Adam Hambeldon”.

Adam đón Eve đi dự tiệc. Cô có cảm giác được quan tâm. Nhưng vừa đi một chút, cô nói: “Dừng lại, chị quên đôi giày”. Cậu nói: “Chị đang đi giày mà”. Cô nói: “Đôi giày dự tiệc kìa. Phải quay lại thôi. Chị không thể đi đôi giày này”. Adam nhìn chị. Eve nói: “Tin chị đi, chị của em mà”. Cậu nói: “Đó mới là vấn đề”.

Nhưng rồi chị em cũng thuận thảo từ sau bữa tiệc đêm giao thừa. Họ cùng đi thăm mộ cha mẹ, và cùng xin lỗi nhau. Bỏ qua hết những gì thuộc về năm cũ để bắt đầu một năm mới tốt đẹp...


Каталог: Uploaded -> file -> thuydung -> Tap%20chi%20-%20Ban%20tin
thuydung -> QUỐc hội luật số: 34/2009/QH12 CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
thuydung -> TỈnh quảng nam
thuydung -> Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992
thuydung -> THỦ TƯỚng chính phủ Số: 10
thuydung -> Thông tư liên tịch 03/2001/ttlt-tchq-bng ngày 21 tháng 6 năm 2001 bổ sung, sửa đổi một số điểm quy định tại Thông tư liên tịch số 03/2000/ttlt/tchq-bng ngày
thuydung -> Ban quản lý khu kinh tế MỞ chu lai dự Án cơ HỘi khu công nghiệp cơ khí Đa dụng và Ô TÔ TẬp trung chu lai
thuydung -> QuyếT ĐỊnh phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật năm 2013 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
thuydung -> QuyếT ĐỊnh quy định quản lý, sử dụng tiền thu được từ việc xử lý tang vật, phương tiện VI phạm hành chính bị tịch thu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
thuydung -> TỈnh quảng nam số: 2615 /QĐ-ubnd cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam

tải về 0.68 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương