Năm thứ ba mươi sáu. Phát hành mỗi tháng một kỳ Số 107 (229) Xuân Quý Tỵ 2013 Trong số này



tải về 0.68 Mb.
trang2/4
Chuyển đổi dữ liệu23.07.2016
Kích0.68 Mb.
#2956
1   2   3   4

Ngày xuân bói Kiều
quê tôi thời trước, mấy ngày đầu xuân, ngoài việc chơi bài chòi, đổ tam hường, xem đua ghe, hát bội..., nhiều người còn thêm cái thú bói Kiều để đoán thời vận cho năm mới. Nhưng tự mình lấy cuốn Kiều ra bói, ai cũng cho là không hay, không linh, mà phải bói qua một người chuyên làm việc này vào dịp Tết. Người đó sẽ khấn hộ “tín chủ” và sau đó là bàn, là giải.

Làng tôi thuở ấy có ba ông chuyên bói Kiều nhưng ai cũng cho người “hay” nhất là ông Cửu ở gần nhà tôi. Ông có một cuốn Kiều rất cũ như được xuất bản lần thứ nhất. Nhiều trang sách vàng ố bị rách, chủ nhân phải lấy giấy quyến dán lại. Loại giấy này dùng để quấn thuốc hút, rất mỏng, tuy dán chồng lên nhưng vẫn đọc được chữ. Bìa sách được ông bồi mấy lớp giấy dày bằng nước rễ cây sim. Khi không sử dụng, cuốn Kiều “linh thiêng” ấy được bọc trong một vuông khăn lụa điều. Ông đặt cuốn Kiều trên bàn thờ. Nàng Kiều, Kim Trọng, Từ Hải... luôn được hưởng phần hương khói. Dẫu là người thân nhất, năn nỉ hết lời cũng không bao giờ mượn được cuốn Kiều của ông.

Ông Cửu nhớ rành những ai trong thôn thích bói Kiều. Từ chiều mùng một Tết, ông mặc áo dài lương (the đen), đội khăn đóng đi chúc Tết bà con trong xóm, ưu tiên đến những nhà mà chủ nhân trông chờ ông về việc bói Kiều.

Sau phần chúc qua chúc lại, gia chủ mời ông ngồi lại bàn có sẵn rượu, trà. Họ mở lời nhờ ông bói cho một quẻ. Ông thắp một cây hương cặm vào chiếc ly đựng gạo. Nếu ai hỏi sao không thắp ba cây hương như cách cúng vái thông thường thì được ông giải thích rằng nhân vật trong truyện Kiều nhiều lắm, thắp bao nhiêu hương cho đủ. Vậy nên ông chỉ thắp một cây hương cho nhân vật chính là nàng Kiều mà thôi.

Ông mở bọc vải lụa điều lấy cuốn Kiều ra. Ông cầm cuốn sách bằng hai tay đưa ngang trán khấn tên Vương Thúy Kiều rồi cũng khấn tiếp những nhân vật tốt như Kim Trọng, Thúy Vân, Đạm Tiên, Tam Hợp đạo cô, Giác Duyên sư nữ... Rồi ông đặt sách xuốn bàn, bìa trước cuốn sách lật lên phía trên. Đoạn ông bảo người bói đặt bàn tay trái lên sách khấn xin cho hai câu nơi dòng thứ mấy ở trang bên trái hay bên phải về gia đạo, tình duyên hay “cho” gì cũng được.

Khấn xong, cũng với bàn tay trái, người bói lật sách ra. Ông Cửu cùng người bói nhìn vào trang sách tìm hai câu đúng vị trí đã xin. Ông đọc vài lần hai câu ấy, đôi mắt lim dim như đang suy nghĩ lung lắm. Rồi ông nói lên lời bàn qua hai câu Kiều đã ứng. Phần nhiều là ứng chuyện sẽ xảy ra trong năm ấy hoặc vài ba năm sau. Nếu cô gái chưa chồng bói về tình duyên, khi lật mỏng nơi mấy trang đầu sẽ gặp cảnh nàng Kiều và Kim Trọng gặp nhau, đôi trai tài gái sắc thập phần hoan hỉ. Nếu lật vào khoảng giữa sách sẽ dễ gặp những cảnh lận đận, gian truân, hờn tủi của nàng Kiều. Còn nếu lật sâu hơn ở phần gần cuối sách sẽ dễ gặp “năm ăn năm thua” là cảnh tái hợp Kim-Kiều sau “mười lăm năm ấy”; nhưng cũng nhiều khả năng trúng nhằm cảnh... Kiều nhảy xuống sông Tiền Đường tự vẫn.

Ông Cửu chia kết quả bói Kiều của ông thành ba bậc. Bậc một là vui, tốt. Ấy là khi người bói lật trúng hồi Kim Trọng và Thúy Kiều mới gặp nhau, tiếng sét ái tình dù nổ lớn mấy cũng rất dễ chịu; lúc Kiều được vớt lên tại sông Tiền Đường hay khi nàng được tái hợp cùng Kim Trọng... Bậc hai là buồn nhưng không nặng lắm. Bậc ba là “trệ”, tức là quá buồn, như lật sách nhằm chỗ gia đình Kiều bị lũ sai nha nách thước tay đao đến xét nhà, Vương ông bị vu oan giá họa, bị bắt đi, bị đòi hối lộ ba trăm lạng, như Từ Hải chết đứng giữa trận tiền...

Ông Cửu có tài giải Kiều, bàn Kiều rất được lòng người bói. Gặp hai câu vui, ông tán rộng ra cho vui hơn. Còn như gặp hai câu buồn, ông cố tạo cho “tín chủ” một hậu vận “tiền hung hậu kiết”. Ông khuyên người bói: “Tuy số là vậy, nhưng chị (hay anh, cô) trong năm nay hãy làm những việc thiện để lập đức thì mọi sự xui xẻo sẽ qua hết, đức năng thắng số, nhân định thắng thiên”... Gặp hai câu “trệ” quá, tức là quá buồn, thấy người bói có vẻ lo, ông Cửu cầm quyển Kiều lên áp vào ngực, đôi mắt lim dim. Hồi lâu ông mới nói: Hôm nay rõ ràng là quẻ bói không linh, hãy quên đi, bữa khác tôi sẽ ghé lại.

Mẹ tôi có thuộc một số câu thơ trong truyện Kiều và rất thích bói Kiều. Cha tôi không phản đối mẹ tôi cũng như với bao người tin và thích chuyện này. Không bao giờ ông van vái, cầu khẩn “người cõi trên”. Còn tôi là cậu bé còn học ở trường làng, đâu đã biết suy nghĩ thấu đáo sự việc. Tuy tôi không nhờ ông Cửu bói nhưng cứ ngồi nghe ông giảng cho mẹ tôi và còn đi theo ông để xem ông bói cho những người khác. Tôi chưa được đọc truyện Kiều nhưng nghe câu nào cũng hay và ông bàn, ông giảng càng hay.

Có lần, trong bữa cơm gia đình đông đủ, cha tôi có ý kiến với mẹ tôi về việc bói Kiều. Ông nói:

- Truyện Kiều có đến 3.254 câu, đủ chuyện vui buồn, tan hợp, tử biệt sinh ly..., lật không trúng câu này thì cũng gặp câu khác. Lại nữa, “bà” Thúy Kiều và các nhân vật trong truyện đều không phải người có thật đã vi thần, hiển thánh cho ta bói. Mà dẫu là thần, thánh cũng đâu phải hễ vái là họ tới ngay? Truyện Kiều rất hay, đọc và thuộc là tốt, nhưng bói thì... thì...

Rồi ông cười khan chứ không nói hết ý.

Vài năm sau, quê tôi cùng cả nước đứng lên làm cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945 thắng lợi. Sử nước đã sang trang, cuộc đời đã đổi mới. Tiếp theo là kháng chiến chống Pháp. Chẳng ai còn nghĩ tới việc bói Kiều. Ông Cửu là ủy viên Ban chấp hành hội Nông dân cứu quốc. Ngày đầu xuân, nếu có ai nhắc chuyện bói Kiều liền bị ông rầy: Đời bây giờ còn nói chuyện bói toán làm chi nữa?

T.L

Lương Mỹ Linh

Phố gần

Truyện ngắn
Tụi bạn hay nhắn: Nhất mày còn gì. Chả phải chạy đây chạy đó, cứ ôm rịt lấy gốc tre làng, mà bây giờ sống cũng chẳng thua ai. Mở mắt là phố, sau lưng là phố, quờ tay sang bên cũng là phố. Mà toàn “cỡ bự” cả, nào là đô thị loại một, di sản thế giới...

Di còn hồ hởi: Phố sát bên rồi. Nhà cửa, xe cộ, đường sá... Ôi, còn gì bằng!

Thi không muốn đôi co với Di. Đã bao lần như vậy rồi còn gì. Di vẫn hăng say với bao viễn cảnh, không để ý đến ánh mắt Thi nhìn Di ngày càng xa lạ. Thi biết Di không khoa trương, những đồ án, quy hoạch gì đó, là ngành của Di mà. Nhưng trong lòng Thi không muốn tin, cũng không muốn nghe ai nói đến, nhất là Di. Di càng tin chắc, càng hứng khởi, Thi càng buồn thêm. Một khoảng cách mơ hồ nào đó cứ lớn dần, đẩy Thi và Di về hai phía. Thi muốn nắm lấy tay Di thật chặt, nhưng càng níu kéo, càng bị đẩy trôi xa hơn...

Nhà Di bên kia sông, nơi ngày trước vẫn là làng với những khu vườn xanh ngắt. Con sông trong xanh lững lờ như dải lụa vắt qua làng. Nhưng với Thi và Di, đó không hề là khoảng cách. Thoáng thấy Thi la cà bên bến sông này, Di nhảy tùm xuống nước, lặn vài hơi đã hiện lên trước mắt Thi. Mùa nước buốt, con thuyền nhỏ nhà Di cứ lờn vờn ven sông, nơi vườn rau cải nhà Thi sắp sửa lên ngồng. Bao ước vọng tuổi thơ, cứ như con nước dạt dào vươn ra bể lớn. Những tình cảm quấn quýt, như hạt phù sa lắng đọng đôi bờ, ươm xanh những mầm lúa, mầm hoa.

Tốt nghiệp đại học, Thi quay về quê nhà, thực hiện giấc mơ làm nghề dạy học, cùng lớp đàn em ríu rít. Di ở lại thành phố. Giữa hai đứa cũng có trận “đấu khẩu” kịch tính. Nhưng lần ấy Thi không nhường. Di phân tích bao lẽ thiệt hơn, lợi hại. Thi chỉ khăng khăng một điều: Thi là cỏ. Cỏ phải về với làng. Di là cánh chim, hãy bay đến những chân trời mơ ước!

Di thường xuyên về nhà vào cuối tuần. Cũng chẳng xa xôi gì. Cho đến một ngày, phố như con bạch tuột khổng lồ vươn vòi đến sát dòng sông. Bờ bên nhà Di nhanh chóng thành phố. Đường sá rộng thênh, nhà cửa chồng lên nhau, ngất ngưỡng. Đêm đêm, ánh đèn loang hết cả mặt sông. Di vui lắm. Di có thể đi về mỗi ngày. Di kể biết bao điều mới, bao điều sắp xảy ra. Tụi nhỏ trong làng Thi thích lắm. Khoái chí, chúng oán giận, trách cứ cả con sông hiền hòa. Tại con sông này hết cả đó, ngày trước ngăn chia làng thành hai phía, bây giờ lại như vật cản chân phố tiến qua. Chúng mong dòng nước kia cạn kiệt, bãi bồi nối cả đôi bờ, để tất cả mau mau là phố!

Thi lặng lẽ ra ngồi bến sông. Trăng cuối đông cao và lạnh. Bóng trăng loang loáng, chập chờn dưới nước. Thi không phân biệt nổi ánh trăng hay ánh sáng hắt từ bên kia bờ sông. Tiếng nhạc vọng theo con nước xập xình. Những đêm trăng yên tĩnh mơ màng theo dòng sông có lẽ chỉ là ký ức. Ngày trước, Thi cũng từng ao ước dòng sông nhỏ bé lại, đến mức Thi có thể nắm lấy bàn tay Di đang dang ra từ phía bờ bên kia. Nhưng bây giờ, Thi thèm muốn một phép màu, muốn dòng sông vỡ toạc, để trong tầm mắt Thi không còn bờ bên kia mờ ảo, để mãi mãi, trả Thi lại với những bãi bờ hồn nhiên.

- Thi buồn à! Sao lại trốn ra đây?

- Di...

- Mình biết, Thi có nhiều suy nghĩ. Nhưng Thi không biết đó thôi, tại bên mình vừa được đầu tư xây dựng thành phố, nên có chút xô bồ. Thi cho ít thời gian, khi nào thành nề nếp, phố cũng nhiều cái hay lắm. Lần nào có việc ra phố, Thi cũng khăn mũ xùm xụp, không chịu nhìn ngắm gì cả. Rảnh rỗi, Di sẽ chở Thi đến nhiều nơi, nhất định Thi sẽ thích. Thi ưa phong cảnh hữu tình, cây cầu, hồ sen, bụi tre, bụi trúc... đều có cả đấy! Tha hồ...



T

Minh họa: VÕ NHƯ DIỆU

hi mỉm cười nhìn Di. Lần này Thi cũng không muốn làm Di cụt hứng. Lâu nay, Thi cứ ngỡ Di là người hiểu Thi nhiều nhất. Nhưng hình như không phải vậy. Thi có ghét bỏ gì phố đâu. Ngược lại, Thi rất cảm ơn là khác. Chẳng phải đó là nơi Thi gởi gắm ước mơ, cho Thi được trở thành cô giáo. Đó là nơi, mà rất nhiều bà con trong làng Thi, và ở những làng quê xa hơn nữa, có thể đến mưu sinh, có thể có những cơ hội đổi đời. Phố mang đến hơi thở mới, mang đến niềm tin mới, như người làng Di đó thôi. Hơn nữa, chẳng phải cách đây không lâu, nhờ phố với những cơ sở, phương tiện hiện đại mà bà Thi thoát khỏi cơn bệnh hiểm nghèo...

Nhưng Thi vẫn buồn. Cái buồn mông lung của loài cỏ bãi bờ. Thi nhận ra, Di thay đổi nhiều quá, bắt đầu

từ khi Di không muốn quay về làng cùng Thi nữa. Di luôn mong chờ cái mới, cái đẹp, cái tiện nghi, nhưng đó là sự trông đợi từ đâu mang đến. Ước mơ xây dựng ngôi làng thật đẹp, những phác thảo hào hứng trên nền cát ướt ven sông, Di bỏ quên đâu đó mất rồi. May mà, Di còn chút nghĩa tình, còn quẩn quanh về làng, dẫu đôi lúc vô ý gieo vào đầu óc bọn trẻ những thèm muốn xa xỉ, khiến Thi giận run người. Nhưng như thế vẫn còn hơn một số bạn khác của Thi. Nói đi là đi biền biệt. Có việc cấp thiết phải quay về làng, chân e dè như sợ bụi làng bén gót, mắt cúi chào người khác mà ngực ưỡn lên như muốn vỗ ngang trời. Đã thế, còn nhan nhản rêu rao, nào nhớ quê, nào thèm quay về với bờ tre, giếng nước, với bữa đậu, bữa khoai. Thi có cảm giác, họ đang đem làng quê ra bán dần bán mòn. Chắc đến lúc không còn nguyên liệu nữa, sẽ nấu ra thành những tạp canh lỡm lờ...

Còn chuyện Di nói với Thi, những nhà, những tre, những trúc trong phố ấy, Di trẻ con thật. Những cái đó chẳng phải là dành cho những người chưa từng nếm vị quê, hay huyễn hoặc cho những người không thể, hay không muốn về quê nữa hay sao.

- Thi này!

Tiếng Di cắt ngang dòng suy nghĩ của Thi.

- Chắc Thi biết rồi phải không. Tết này, thành phố sẽ tổ chức bắn pháo hoa bên bờ sông để hòa cùng niềm vui khi làng được lên phố. Tụi mình sẽ chẳng mất công đi đâu, cứ ngồi bên này mà tha hồ nhìn ngắm. Thi tưởng tượng thử xem, hàng trăm sắc màu lung linh tỏa sáng trên bầu trời này. Lúc ấy, làng mình sẽ đẹp biết bao!

Thi ngước nhìn bầu trời cao vợi, nơi trăm ngàn hoa pháo sẽ bừng sáng. Bất giác, Thi buột miệng:

- Giá mà không chỉ có pháo hoa bung nở trên bầu trời trong chốc lát, mà trên khắp các khu vườn, đồng làng, nơi nào cũng tươi thắm những sắc màu. Hoa của cây cối, hoa trên gương mặt người. Đó mới thực sự là vẻ đẹp diệu kỳ!

L.M.L

Vũ Thị Huyền Trang

Căn nhà mùa xuân...

Truyện ngắn
Chị hai chín. Tôi hai bảy. Giới tính bình thường, nhan sắc có thừa, tính cách không đến nỗi quái đản. Cũng chẳng còn ở trong độ tuổi lý tưởng để độc thân thế mà vẫn thế giới không đàn ông. Thiên hạ bảo “hai đứa này như hoa có độc”. Tôi giật mình bảo chị:

- Hay là thật nhỉ?

Chị phá lên cười:

- Khỉ gió! Hoa nào mà chả có độc. Không có độc sao giết chết được bọn đàn ông khi trói buộc họ bằng hai từ “hôn nhân”. Chị em mình là hoa không có chút độc dược nào thì phải. Thế nên mới ế đến giờ.

Không biết những người ở độ tuổi của tôi và chị khi chưa có chồng thì thường làm những gì? Còn tôi mỗi buổi sáng thức dậy thường tự hỏi mình làm gì cho qua hết một ngày không hò hẹn, không tình yêu, không nhung nhớ. Chị thì khác tôi một chút, bởi ít ra chị vẫn còn biết chờ đợi một tình yêu đã mãi mãi ra đi. Dù người ta gọi đó là ngõ cụt, là mê muội, mù quáng thì tôi vẫn thấy cuộc đời chị ý nghĩa hơn tôi rất nhiều. Có một người để mà nhớ thương thì ít ra cũng thấy mình đang tồn tại.

Tôi thường mò mẫm dậy lúc 5h sáng. Chẳng biết thức để làm gì vào cái giờ những người trẻ khỏe thì lăn ra ngủ còn các cụ ông, cụ bà thì chạy bộ, vươn vai ngoài đường. Tôi thường tự pha cho mình một tách cafe, ngồi nhâm nhi một mình ngoài sân thượng, nhìn một tương lai không quá xa xôi của mình trong cái sồ sề, mập mạp, nhăn nheo của những người phụ nữ trung tuổi. Họ đang cố lắc mông, xoay khớp để níu kéo tuổi xuân nhưng hình như vô vọng. Tôi nhìn những gã trai trẻ lướt nhanh trên phố một cách ơ hờ, đôi lúc cũng thấy thú vị nhưng tuyệt nhiên chẳng đọng chút cảm xúc hay một khuôn mặt nào rõ rệt. Chị bảo:

- Khi ngắm trai đẹp mà không có cảm xúc là có vấn đề rồi em ạ. Đừng bảo em thích ngắm các cô gái hơn đấy nhé!

- Phải! Em bị les nên mới bám theo chị đến tận bây giờ đấy. Chị thấy sợ chưa?

Chị phì cười, lườm tôi bảo:

- Ái chà! Hoang mang quá cơ! Không theo chị được đâu nhé. Yêu đi. Lấy chồng đi. Thế giới không đàn ông nhạt nhẽo, buồn tẻ lắm cưng ạ.

- Em còn trẻ mà. Thong thả yêu vẫn chưa muộn. Mà chị không nghe câu “muốn nhanh thì phải từ từ” à?

Chị lại lườm tôi một cái, vừa nhảy chân sáo vừa hát như con chim nhỏ trong căn nhà hai tầng, khiến buổi sáng trong tôi cũng lây phần chộn rộn. Mùi xào nấu thức ăn, tiếng cốc chén va vào nhau lách tách, tiếng chân chị nhẹ nhàng lướt đi như một con mèo nhỏ. Nhìn chị, tôi cứ tự hỏi, chị lấy đâu ra mà nhiều năng lượng sống đến vậy. Hình như chẳng bao giờ tôi thấy chị mệt mỏi hay buồn chán. Tình yêu có sức mạnh đến thế sao, dẫu cho nó chỉ là thứ tình yêu đầy mộng ảo?

Buổi sáng, tôi thường rời khỏi nhà trước chị. Dù cho cơ quan tôi gần hơn chỗ làm của chị rất nhiều. Tôi rất sợ, khi chị đi rồi, một mình ở lại căn phòng thiếu đi tiếng nói cười của chị thì tôi chẳng có đủ dũng khí để bắt đầu một ngày làm việc mệt nhoài. Thà đi sớm hơn nhưng lúc bước chân ra cửa vẫn còn nghe thấy tiếng chị bảo “Cưng ơi! Cưng đi làm ngoan nhé! Chiều về chị nấu món này ngon lắm...”, thì ít ra cũng thấy có một người sẽ chờ mình trong bữa cơm chiều. Một ngày vì thế mà bớt đi cái cô đơn của tuổi.

*

* *



Khu nhà tôi ở mới có thêm hàng xóm. Tôi nhận được thông báo ấy từ chị trong bữa cơm chiều. Vậy là căn nhà bị bỏ không cả năm trời nằm ngay bên cạnh giờ cũng đã có người đến ở. Ít ra tôi sẽ không còn cảm thấy mùi rêu cũ đang mọc lên trong căn nhà đó, và biết đâu đấy mỗi buổi sáng lại có người thức dậy và nhâm nhi cùng tôi ly cafe sữa. Tôi đã từng nói với chị rằng, nếu biết trước chỉ có hai chị em mà phải trông coi hai căn nhà rộng thênh thang này giùm bà chủ chắc tôi đã không đồng ý về đây ở. Bởi thuở nhỏ, khi thường bị bỏ ở nhà một mình, tôi rất sợ căn nhà tràn ngập bóng tối và sự lạnh lẽo. Tôi đã từng lớn lên trong những đêm dài thức trắng, co mình trong nỗi khiếp đảm bóng đêm, tiếng ếch nhái và cả những con lợn trời kêu thảm thiết trên không trung. Cha mẹ tôi vắng nhà triền miên bởi những ca làm đêm trong nhà máy gốm sứ. Tôi cũng phải tự mình lớn lên trong sợ hãi triền miên như vậy. Riết rồi tôi không còn sợ bóng đêm nữa, nhưng tôi vẫn bị ám ảnh bởi sự đơn độc, vì thế tôi không thích những căn nhà quá rộng.

Thấy tôi có vẻ tò mò về người hàng xóm mới. Chị cười bảo:

- Là một người đàn ông trông có vẻ điềm đạm.

- Chuyển đến có một mình thôi hả chị?

- Ừ! Một mình và rất nhiều chậu hoa nhỏ. Có vẻ thích trồng cây, uống cafe và đọc sách.

- Sao chị biết?

- À thì người ta mới có lời mời hai chị em mình tối sang uống cafe đấy. Còn sách thì chị thấy chuyển về cả đống.

Hình như tôi khẽ mỉm cười.

Chị vẫn líu lo như con chim nhỏ. Tôi ngồi chống cằm nhìn bước chân chị thoăn thoắt lên xuống những bậc cầu thang. Nghe chị kể những câu chuyện công sở một cách bình thản như thể chẳng có chuyện cãi vả, chẳng có thất bại, chẳng có gì khiến ai phải phiền lòng. Chị có thể nói suốt ngày, nói từ sáng sớm khi thấy tôi ngồi buồn uống cafe, cho đến khi tôi chìm dần vào giấc ngủ vẫn còn nghe thấy tiếng chị nhẹ bẫng như những đám mây. Bởi vậy nên tôi luôn cảm thấy an toàn và bình yên bên chị. Bởi tôi biết chị sẽ không bao giờ bỏ lại tôi với căn nhà tràn ngập bóng đêm.



Minh họa: VÕ NHƯ DIỆU

Tôi chạm mặt người hàng xóm của mình vào ngay buổi sáng hôm sau. Khi tôi đang lụi cụi lau sạch bụi mấy chiếc chuông gió nhiều màu sắc thì anh đánh tiếng chào:

- Chào cô hàng xóm. Tiếng chuông gió của em đã đánh thức anh dậy sớm đấy.

Tôi đáp trả anh bằng một nụ cười có lẽ vẫn còn ngái ngủ:

- Đêm qua anh ngủ ngon chứ? Ngôi nhà mới này cũng không đến nỗi tệ đúng không?

- Anh thích nơi này mà, nó khá yên tĩnh và rất thoáng. Em thường thức dậy sớm vậy à?

Tôi trả lời anh bằng cách giơ tách cafe lên như một lời mời. Anh đáp trả hành động ấy bằng một nụ cười. Sáng đó. Hai bên ban công, hai con người, hai tách café và tiếng chuông gió leng keng bên tai không dứt. Tôi chợt thấy mùa xuân hình như đã sắp ùa về. Một cảm giác rất lạ lùng cứ nhen nhóm rồi tràn ngập lòng tôi. Tôi hít căng lồng ngực bầu không khí trong lành của buổi sáng. Đã rất lâu mới có cái cảm giác thoải mái khi bắt đầu ngày mới. Một niềm vui reo lên khe khẽ trong lòng, chộn rộn, lanh canh như những tiếng chuông gió. Sao vậy nhỉ? Tự nhiên tôi bỗng giật mình...

Chị nhận ra tất cả những thay đổi dù là nhỏ nhất trong tôi. Như buổi sáng hôm nay, khi chị vươn vai thức dậy. Chị thôi líu lo như con chim nhỏ, chị nhìn tôi với ánh mắt tò mò, lém lỉnh như trẻ nhỏ. Chị không biết rằng tôi yêu chị trong giây phút ấy biết nhường nào. Chỉ muốn cả cuộc đời này cứ lẵng nhẵng bám theo chị như một cái đuôi, cứ muốn bé bỏng mãi trong vòng tay chị. Cũng may là đến tuổi này, khi không có một người đàn ông để mơ ước về một ngôi nhà và những đứa trẻ, thì tôi vẫn còn có chị để cuộc sống bớt cô đơn, nhạt nhẽo. Để sáng nay tôi thấy hơi ngượng ngùng khi bị chị tóm ngọn những suy nghĩ bắt đầu “lạc lối” của mình. Trước khi tôi rời khỏi nhà để lẫn vào dòng người ngoài kia, chị níu tay tôi lại, nói nhỏ:

- Có lẽ hôm nay chị sẽ đi siêu thị mua loại sữa tắm mới. Loại chị em mình đang dùng hình như không quyến rũ cho lắm. Ít ra thì có lẽ đàn ông họ thích một mùi thơm nồng nàn hơn.

Tôi nguýt chị một cái rồi ngượng ngùng bước vội ra khỏi cổng. Khi ngoảnh lại, ngước lên ban công, thấy anh nhìn theo tôi cười. Hôm nay đường phố dường như bớt ngột ngạt hơn nhiều. Một ngày vì thế mà cũng trôi đi một cách nhẹ nhàng. Thi thoảng một cơn gió cuối đông ùa về, khẽ co vai lại, tôi thầm ước “giá chi có một vòng tay...”. Lâu lắm rồi mới ước một điều viễn vông như vậy nên cứ tự cười mình suốt.

Căn nhà này, tôi đã thuê nó với cái giá không hề rẻ chỉ vì tôi thích chiếc ban công nhìn ra một bờ hồ nhỏ. Bà chủ có nhờ tôi trông coi luôn căn hộ bên cạnh của người em trai khi cả gia đình họ ra nước ngoài sinh sống. Hai căn nhà vốn chung lối đi, chung một mảnh sân nhỏ khiến tôi thấy nó quá rộng so với nỗi cô đơn trong mình. Khi đăng tin tìm người ở chung, chị là người đã gọi đến đầu tiên và bảo:

- Cho mình share tiền nhà với nhé!

Tôi cười bảo:

- Có thích uống cafe không?

- Còn biết nấu ăn rất giỏi và hát mua vui cũng rất hay nữa đó.

Thế rồi thành chị em, thân thiết và khăng khít. Nhiều lúc chị cười bảo thân nhau quá nên đến nỗi “ống chề” cũng giống nhau nốt. Những lúc ấy thấy thương chị nhiều hơn. Bố mẹ chị mất đã lâu, anh em thân thích không còn. Chị giống như con chim cứ bay qua đại ngàn bằng đôi cánh nhỏ nhoi, đơn độc nhưng lại luôn mang tiếng hót líu lo tươi vui tưới tắm cho cuộc sống. Chị yêu một người đàn ông đã có gia đình, cứ chờ đợi trong mỏi mòn mà không biết mình đang chờ đợi điều gì nữa. Mỗi lần tôi giục chị đi tìm cho mình một người mới là thể nào chị cũng bảo:

- Con người có duyên số cả. Nếu có một người đàn ông dành riêng cho chị thật thì chị cũng không thể làm gì hơn là chờ đợi.

*

* *



Hàng xóm mới đã biến chiếc sân chung thành một khu vườn nhỏ. Những chậu phong lan được treo lên một chiếc giàn mà anh hì hụi bao ngày mới giăng mắc xong. Cây ngọc lan nhỏ được trồng ngay trước cửa sổ phòng tôi. Còn lại quanh khu nhà là rất nhiều những chậu cây xanh tươi tốt. Anh mang về những chậu sỏi trắng tinh trải khắp sân, chỉ chừa lại lối đi nhỏ vào hai nhà. Cứ mỗi chiều khi tôi trở về, tôi lại thấy căn nhà thêm một phần đổi khác. Dần dần tôi cảm tưởng như mình đang bước vào khu vườn cổ tích, đẹp lung linh trong câu chuyện ngày xưa bà thường kể. Ngày nghỉ, chúng tôi cùng nhau chăm cây, uống cafe và cùng bình luận về một cuốn sách nào đó. Thường thì anh hay im lặng nghe tôi nói, không hiểu từ bao giờ tôi cảm thấy thật bình yên mỗi khi được ở bên anh như thế.

Chị bắt đầu làm mứt để chuẩn bị cho một cái tết không có người thân. Mùi mứt xào thơm lừng khắp cả căn nhà, quyện vào tôi cái hương vị tết ấu thơ xa lắc. Chị làm thật nhiều món mứt mà tôi thích: mứt khế, mứt dứa dẻo, mứt dâu tây, thơm mùi vani, ngậy vị đường. Chị làm khéo đến mức chỉ cần ngửi mùi thôi là có thể mường tượng được từng vị mứt đang tan trong đầu lưỡi. Tôi bỗng nhiên trở thành đứa trẻ chạy lăng xăng trong gian bếp, quanh quẩn bên chị như một con mèo nhỏ. Những ngày vui đó không thể thiếu vắng anh. Anh sang đôi khi chỉ để nhìn hai chị em vui đùa tíu tít. Anh bảo:

- Giống như anh đang bước vào căn nhà không tuổi vậy. Bất cứ ai nhìn thấy cảnh tượng vui vẻ này thì họ sẽ hiểu vì sao mà hai cô nàng xinh đẹp mãi không chịu lấy chồng.

- Sống làm hoa không chủ cũng có cái thú vị của nó phải không anh?

Anh nhìn tôi cười bảo:

- Thế em định làm hoa không chủ mãi đấy à?

Chị đi lướt qua tôi, rồi ghé tai anh thì thầm vừa đủ cho tôi nghe rõ:

- Cho đến khi có người chịu rước nó đi. Anh có định nhanh chân đăng kí không?

- Còn để xem hoa có độc không đã chứ.

Chị cười:

- Thôi đừng thử em tôi. Sợ cái kiểu thử của đàn ông các anh lắm rồi. Nó đánh gục được trái tim anh thì có nghĩa là có độc rồi còn gì nữa.

- Anh sợ không? - Tôi ngoảnh sang hỏi anh.

- Càng có độc anh càng muốn hái.

Khi anh nói xong câu ấy, chị mở toang tất cả các cánh cửa sổ cho gió ùa vào nhà. Tôi ngửi thấy mùi của cỏ cây hoa lá trong khoảnh sân nhỏ, thấy ánh trăng lướt trên nền sỏi trắng. Một cảm giác bình yên tràn ngập lòng tôi. Đã rất lâu rồi, kể từ khi nội ra đi, mang theo thế giới thần tiên đầy tốt đẹp về thế giới bên kia, dường như tôi đã mất đi bến bờ bình yên nhất. Những đêm sống trong bóng đêm và sự sợ hãi khiến tôi không cảm nhận được tình yêu thương của bố mẹ. Dù tôi đã đủ lớn hiểu rằng họ rất yêu tôi, chỉ là do cuộc sống mưu sinh mà để lại tôi hàng đêm trong căn nhà vắng. Khi xuống thành phố học hành, lập nghiệp, tôi thành ra rất sợ trở về quê. Tôi sợ gặp lại những cảm giác năm xưa, nỗi sợ hãi trong thẳm sâu đầy ám ảnh. Khi tôi kể với anh về điều đó thì anh bảo:

- Thay vì chạy trốn, em hãy đối mặt với nỗi sợ hãi ấy. Em sẽ thấy nó không còn đáng sợ. Cũng giống như tình yêu vậy. Nếu em cứ đứng ngoài nhìn ngắm, em sẽ chỉ thấy người khác đau khổ mà thôi. Nhưng khi trái tim đã rung động, em sẽ thấy tràn ngập yêu thương. Hãy trông chị của em kìa. Chị ấy lúc nào cũng căng tràn sức sống, sự trẻ trung, yêu đời dù chị ấy đã cận kề tuổi 30 và ngay cả khi đang chờ đợi một tình yêu mỏng manh như sương khói.

- Phải! Chị ấy giống như những chiếc chuông gió vậy.

*

* *


Gần tết, anh đi chợ hoa đêm chở về nào đào, nào quất. Biết hai chị em rất thích mai nên anh đã lùng mua được một chậu mai rất đẹp. Khu nhà của chúng tôi chưa năm nào lại tràn ngập không khí tết đến như vậy. Chị chăm chỉ đi siêu thị sắm đồ, nào thì phong bao lì xì, câu đối đỏ, bánh kẹo... Cũng cặm cụi ngồi bóc hành cay chảy nước mắt, cũng mày mò làm thịt đông, cũng tính chuyện dự trữ đồ ăn cho mấy ngày tết. Tôi nhìn chị, lòng chực trào nỗi thương cảm. Năm nào tôi cũng về nhà đón tết cùng bố mẹ, chị ở lại một mình thui thủi, lụi cụi nấu nướng rồi lại một mình ngồi vào mâm cơm. Thế mà năm nào cũng lo sắm tết, cũng sợ thiếu thứ này thứ kia. Nghĩ mà thương chị quá!

Cận tết, đường phố thưa vắng hơn nhiều. Ba chúng tôi ngồi ngoài ban công uống cafe, tôi nhìn ra đường, thấy vắng đi dòng người đua chen tấp nập ngoài kia, chợt nghe hụt hẫng. Tôi bảo chị:

- Tết này về quê ăn tết với gia đình em đi chị. Đừng ở lại đây một mình nữa.

- Em lo chị sẽ nhớ em quá mà không ngủ được à?

- Không! Em sợ chị cứ chờ đợi mãi một điều không có thực rồi sẽ càng làm chị khổ.

- Chị biết. Nhưng trái tim chị vẫn hướng về người đó, vẫn cứ đợi cho đến khi người ấy đi tìm chị. Hoặc là có một trái tim đủ yêu thương nào đó đến kéo chị đi. Còn phần em thì chị không lo tết này em buồn đâu. Hình như có người muốn theo chân em về quê ăn tết đấy - Chị vừa nói vừa liếc sang anh cười tủm tỉm. Còn tôi thì cứ tự trách mình sao bỗng nhiên bối rối.

Anh cười bảo:

- Coi như em là hoa đã có chủ rồi đấy nhé!

- Hồi nào thế nhỉ?

- À thì tết này anh sẽ tìm về tận nơi “sản xuất” để đăng kí quyền sở hữu.

- Chưa gì đã tính chuyện xa xôi. Chắc gì em đã cho anh theo về mà...

- Ô này! Em hãy suy nghĩ cẩn thận. Không nắm bắt cơ hội tốt, sau này đừng có tiếc đấy nhé.

Tôi huých nhẹ tay anh cười, tách cafe trên tay anh sóng sánh, tiếng chuông gió leng keng mang theo mùi vị, hương sắc của mùa xuân tràn trên mái tóc chúng tôi, tràn trong lồng ngực nhỏ và căng đầy, thổn thức. Chị nói sẽ ở lại thành phố, giữ chặt không khí xuân tràn ngập khu nhà để chờ tôi và anh trở lại...

V.T.H.T

Phi Khanh



Каталог: Uploaded -> file -> thuydung -> Tap%20chi%20-%20Ban%20tin
thuydung -> QUỐc hội luật số: 34/2009/QH12 CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
thuydung -> TỈnh quảng nam
thuydung -> Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992
thuydung -> THỦ TƯỚng chính phủ Số: 10
thuydung -> Thông tư liên tịch 03/2001/ttlt-tchq-bng ngày 21 tháng 6 năm 2001 bổ sung, sửa đổi một số điểm quy định tại Thông tư liên tịch số 03/2000/ttlt/tchq-bng ngày
thuydung -> Ban quản lý khu kinh tế MỞ chu lai dự Án cơ HỘi khu công nghiệp cơ khí Đa dụng và Ô TÔ TẬp trung chu lai
thuydung -> QuyếT ĐỊnh phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật năm 2013 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
thuydung -> QuyếT ĐỊnh quy định quản lý, sử dụng tiền thu được từ việc xử lý tang vật, phương tiện VI phạm hành chính bị tịch thu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
thuydung -> TỈnh quảng nam số: 2615 /QĐ-ubnd cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam

tải về 0.68 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương