Năm 2016 là năm đầu tiên thành phố thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI và Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020; năm diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII



tải về 318.88 Kb.
trang1/4
Chuyển đổi dữ liệu12.01.2018
Kích318.88 Kb.
#35984
  1   2   3   4

ỦY BAN NHÂN DÂN

THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG


CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc


Số: /BC-UBND

Đà Nẵng, ngày tháng năm 2016

BÁO CÁO

KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2017

THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

PHẦN THỨ 1:

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN

KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2016
Năm 2016 là năm đầu tiên thành phố thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020; năm diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; Đại hội Thể thao Bãi biển châu Á lần thứ 5 (ABG5), Cuộc đua thuyền buồm quốc tế Clipper Race 2015-2016 và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức Hội nghị cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng. Ngay từ đầu năm, Thành ủy, HĐND và UBND thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tích cực triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07/01/2016 của Chính phủ, Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 11/12/2015 của Thành ủy Đà Nẵng, Nghị quyết số 136/2015/NQ-HĐND ngày 10/12/2015 của HĐND thành phố và Quyết định số 414/2016/QĐ-UBND ngày 19/01/2016 của UBND thành phố về phương hướng, nhiệm vụ năm 2016 v.v... Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội và sản xuất kinh doanh được duy trì ổn định, Thành phố hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra, tăng trưởng GRDP đạt khá. Kết quả một số chỉ tiêu chủ yếu theo Nghị quyết 136/NQ-HĐND như sau:

(1) Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP, giá so sánh 2010) ước đạt 53.962 tỷ đồng, tăng 9,2% so với năm 2015 (NQ: 9-10%);

(2) Giá trị sản xuất các ngành dịch vụ ước tăng 10% (NQ: 10-11%);

(3) Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng ước tăng 10,5% (NQ: 10,5-11,5%), trong đó công nghiệp ước tăng 11,5% (NQ: 11-12%);

(4) Giá trị sản xuất thủy sản - nông - lâm ước tăng 3,6% (NQ: 2-3%);

(5) Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tăng 15,5% (NQ: 15-16%);

(6) Tổng thu NSNN trên địa bàn ước thực hiện 17.313 tỷ đồng, đạt 116,2% dự toán HĐND giao (NQ: tăng 5% so với TW giao);

(7) Tổng vốn đầu tư phát triển tăng 9,4% (NQ: tăng 9-10%);



(8) Tỷ lệ tạo việc làm tăng thêm 4,1% (NQ: 4-5%), tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 47% (NQ: 47%) và tỷ lệ thất nghiệp giảm còn 3,8% (NQ: 3,8%);

(9) Tỷ lệ giảm sinh ước đạt 0,1%o (NQ: 0,1%o);

(10). Tỷ lệ hộ nghèo còn lại cuối năm (theo chuẩn mới TP đến năm 2020) đạt 5,54% (NQ: 6,11%);

(11) Gọi công dân nhập ngũ đạt 100% chỉ tiêu HĐND thành phố giao.



Kết quả cụ thể các lĩnh vực như sau:

1. Về kinh tế

1.1. Các lĩnh vực dịch vụ phát triển ổn định. Thành phố tiếp tục tập trung chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện nâng cao chất lượng tăng trưởng và duy trì định hướng cơ cấu kinh tế “dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp”. Giá trị sản xuất dịch vụ (giá SS2010) năm 2016 ước đạt 47.732 tỷ đồng, đạt 97% kế hoạch, tăng 10% so với năm 2015 (KH: tăng 10-11%).

Dịch vụ du lịch tiếp tục khởi sắc, sôi nổi với nhiều sản phẩm du lịch mới như: Khu du lịch Suối khoáng nóng Núi Thần Tài, Lễ hội Rượu vang 2016 lần thứ 3 và Lễ hội đường phố Carnaval tại Khu du lịch Bà Nà Hills, các trò chơi mới sôi động tại Công viên Châu Á, đưa vào khai thác tuyến du lịch sông Hàn - Bán đảo Sơn Trà - Hòn Chảo (Đảo Ngọc) và tổ chức thành công các hoạt động trong sự kiện Cuộc đua thuyền buồm quốc tế Clipper Race 2015-2016 (thu hút 40.000 lượt du khách lưu trú), Chương trình khai trương mùa du lịch biển, Chương trình Đà Nẵng - Điểm hẹn mùa hè, Hội chợ Du lịch quốc tế Đà Nẵng 2016, Diễn đàn du lịch mùa xuân, Sự kiện Fun Beach, Sự kiện Cocofest, đặc biệt Đại hội Thể thao bãi biển Châu Á lần thứ 5 năm 2016 với nhiều hoạt động phụ trợ đặc sắc góp phần quảng bá, giới thiệu hình ảnh thành phố đến người dân và bạn bè quốc tế. Thành phố tiếp tục thực hiện Đề án phát triển du lịch Đà Nẵng đến năm 2020, trong đó tập trung phát triển du lịch biển, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch đường thủy nội địa, du lịch văn hoá, lịch sử, thắng cảnh, làng quê, làng nghề và nâng cao chất lượng phục vụ lưu trú. Đến nay, thành phố có 83 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch với tổng vốn đầu tư 7,3 tỷ USD1. Tổng lượt khách tham quan, du lịch năm 2016 ước đạt 5,51 triệu lượt, đạt 107,2% kế hoạch, tăng 17,7% so với năm 2015, trong đó khách quốc tế ước đạt 1,67 triệu lượt, đạt 126,3% kế hoạch, tăng 31,6%; tổng thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch ước đạt 15.979 tỷ đồng, đạt 107,1% kế hoạch, tăng 24,7%. Đến nay, thành phố có 21 đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng đang hoạt động, trong đó có 11 đường bay trực tiếp thường kỳ2 và 10 đường bay trực tiếp thuê chuyến3.

Thành phố thường xuyên kiểm tra, quản lý đảm bảo môi trường du lịch, không để xảy ra tình trạng đeo bám, chèo kéo khách du lịch tại trung tâm thành phố và các điểm tham quan; theo dõi, kiểm tra tình trạng xử lý ăn xin biến tướng, bán hàng rong lấn chiếm lòng đường tại một số tuyến đường chính và các khu vực nhà hàng ven biển; kiểm tra công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường tại các bãi biển, các khu điểm du lịch, khu vực đỉnh đèo Hải Vân và tập trung kiểm tra hoạt động lữ hành, hướng dẫn du lịch trái phép, xử phạt 12 đơn vị lữ hành, 16 trường hợp người nước ngoài hoạt động du lịch trái phép và chuyển 17 trường hợp đến cơ quan Công an xử lý theo quy định.

Hoạt động thương mại khá sôi động, nguồn hàng phong phú, đa dạng với nhiều sự kiện trong các dịp Lễ, Tết và thời điểm bước vào mùa du lịch như: Hội chợ Xuân 2016, Triển lãm Quốc tế Xây dựng Vietbuild 2016, Hội chợ Quốc tế Thương mại - Du lịch và Đầu tư Hành lang kinh tế Đông Tây Đà Nẵng 2016 v.v.. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm 2016 ước đạt 77.554 tỷ đồng, đạt 91,8% kế hoạch, tăng 16,1% so với cùng kỳ 2015 (KH: tăng 16-17%). Thành phố tiếp tục triển khai các giải pháp xúc tiến đầu tư Trung tâm thương mại chợ Cồn, chợ Hàn thành các Trung tâm thương mại hiện đại, kết hợp với chợ truyền thống và các tuyến phố chuyên doanh. Thành phố đã tổ chức thành công Hội nghị kết nối cung - cầu khu vực miền Trung - Tây Nguyên tại Đà Nẵng năm 20164 và Hội nghị kết nối cung cầu giữa doanh nghiệp tỉnh Bình Phước và doanh nghiệp thành phố Đà Nẵng5. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được tăng cường, tình hình thị trường ổn định, không xảy ra các hiện tượng biến động về giá, găm hàng, nâng giá bất hợp lý, ngăn chặn hiện tượng bán hàng giả, kém chất lượng v.v..

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 1.370 triệu USD, đạt 91,6% kế hoạch năm, tăng 15,5% so với năm 2015 (KH tăng 15-16%). Một số mặt hàng chủ yếu duy trì mức tăng khá như: cao su thành phẩm tăng 40,7%; đồ chơi trẻ em tăng 14,4%; sản phẩm gỗ và TCMN tăng 12,6%; động cơ, thiết bị điện và sản phẩm điện tử tăng 10,7%; riêng hàng dệt may tăng thấp (tăng 6,7%) do nhu cầu tại các thị trường nhập khẩu chính giảm, các doanh nghiệp dệt may cả nước nói chung và Đà Nẵng nói riêng đang gặp khó khăn do thiếu hụt đơn hàng, giá xuất khẩu giảm trong khi giá nguyên liệu đầu vào tăng và phải cạnh tranh mạnh với các thị trường xuất khẩu khác; thủy sản xuất khẩu giảm 6,1% do thiếu hụt nguyên liệu và đơn hàng hạn chế do các đối tác vẫn lo ngại về chất lượng thủy sản tại khu vực miền Trung. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1.194 triệu USD, đạt 91,5% kế hoạch năm, tăng 10,6%.

Hoạt động vận tải đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân. Khối lượng luân chuyển hành khách và hàng hóa ước đạt 1.332 triệu khách.km, đạt 100% kế hoạch năm, tăng 25,7% so với năm 2015 và 2.971 triệu T.Km, đạt 100% kế hoạch, giảm 1,2% với doanh thu vận tải ước đạt 7.685 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, tăng 2,9%; khối lượng hàng hóa qua Cảng ước đạt 6,68 triệu tấn, đạt 96,8% kế hoạch, tăng 2,8%. Thành phố tăng cường quản lý hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, xe taxi và chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ6. Thành phố đã phối hợp với tỉnh Quảng Nam thống nhất mở tuyến xe buýt R1 (Sân Bay Đà Nẵng - Hội An) có dịch vụ tiêu chuẩn BRT thuộc Hợp phần 2 Dự án Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng7 và phối hợp với tỉnh Thừa Thiên - Huế nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư tuyến xe buýt liên tỉnh giữa thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên - Huế. Công tác quản lý vận tải, bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa được chấn chỉnh, thành phố đã lắp đặt hệ thống Camera khu vực Cảng Sông Hàn và các tàu du lịch, kết nối dữ liệu về Trung tâm điều hành Cảng vụ; lắp đặt còi báo động, các bảng thông tin về tải trọng phương tiện, đường dây nóng, hệ thống loa khu vực Cảng, hàng rào an ninh, tăng cường công tác kiểm soát, giám sát, đảm bảo trật tự tại khu vực Cảng Sông Hàn, đưa hoạt động của các tàu du lịch vào nề nếp.

Hoạt động bưu chính - thông tin - truyền thông phát triển khá. Doanh thu toàn ngành ước đạt 19.915 tỷ đồng, đạt 102,1% kế hoạch, tăng 4,5% so với năm 2015. Kim ngạch xuất khẩu phần mềm ước đạt 54,3 triệu USD, đạt 95,3% kế hoạch, tăng 10%, tập trung chủ yếu vào các thị trường Nhật Bản, Bắc Mỹ, Châu Âu. Thành phố thường xuyên chỉ đạo, giám sát triển khai sắp xếp, chỉnh trang cáp thông tin; đẩy mạnh thanh tra kiểm tra, yêu cầu các đơn vị chấn chỉnh và xử lý, thu hồi cáp thông tin kéo treo không đúng quy định. Từ đầu năm đến nay, đã triển khai sắp xếp, chỉnh trang hơn 64,5 km cáp thông tin tại 213 đoạn/tuyến, tăng 37,9% so với năm 2015. Tiếp tục phát huy kết quả đạt được của Chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin (ICT) 7 năm qua, thành phố đã phê duyệt 47 chương trình, dự án, tổng kinh phí 7 tỷ đồng để triển khai nâng cấp, hoàn thiện Hệ thống thông tin Chính quyền điện tử thành phố.

Hoạt động ngân hàng tiếp tục được đẩy mạnh. Tổng nguồn vốn huy động năm 2016 ước đạt 100.000 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2015; tổng dư nợ cho vay các thành phần kinh tế ước thực hiện 90.000 tỷ đồng, tăng 21,3%. Đến ngày 30/9/2016, các ngân hàng đã 1.328 khách hàng vay hỗ trợ nhà ở với tổng dư nợ đạt 437,84 tỷ đồng; Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đà Nẵng tăng cường đảm bảo an toàn kho quỹ, công tác thu chi tiền mặt và công tác lưu thông tiền mặt, đáp ứng đủ nhu cầu tiền mặt về số lượng lẫn cơ cấu các loại mệnh giá.

1.2. Sản xuất công nghiệp duy trì ổn định. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2016 (giá SS2010) ước đạt 50.735 tỷ đồng, đạt 103,5% kế hoạch, tăng 11,5% so với năm 2015 (KH tăng 11-12%); Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 11% (KH: tăng 10,8%). Một số ngành sản xuất tăng trưởng cao so với cùng kỳ do có thị trường tiêu thụ ổn định và mở rộng thị trường, có dự án đầu tư mới, đầu tư mở rộng đã đi vào giai đoạn khai thác phát huy công suất như: sản xuất bê tông (46,8%); sản xuất cấu kiện kim loại (33%); sản xuất dụng cụ thể dục thể thao (32%); sản xuất săm lốp cao su (21,2%); sản xuất sản phẩm điện tử-máy vi tính (16,3%); sản xuất vải dệt thoi (15,3%). Bên cạnh đó, một số ngành hàng giảm sút chủ yếu do khó khăn lớn về nguồn nguyên liệu và cạnh tranh thị trường, số lượng đơn hàng giảm như: sản xuất dây bện và lưới giảm 24,3%; chế biến thủy sản giảm 3,8%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 3,7% v.v..

Thành phố đã xây dựng và trình HĐND thành phố thông qua chính sách khuyến công địa phương và chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ; tổ chức 02 đợt làm việc với hơn 50 doanh nghiệp để nắm thông tin về tình hình hoạt động và các vướng mắc, khó khăn, xử lý 15 lượt kiến nghị và gửi Bộ Công Thương đề nghị xử lý 06 lượt kiến nghị; tập trung xây dựng hạ tầng Khu Công nghệ cao, đến nay đã thu hút được 04 dự án đầu tư, trong đó có 03 dự án sản xuất CNC với tổng vốn đầu tư 137 triệu USD (trong đó: 02 dự án FDI với 100% vốn Nhật Bản) và 01 dự án nghiên cứu CNC với vốn đầu tư 10 tỷ đồng.



1.3. Giá trị sản xuất thuỷ sản - nông - lâm (giá CĐ 2010) năm 2016 (giá SS2010) ước đạt 2.048 tỷ đồng, đạt 101,5% kế hoạch, tăng 3,6% so với năm 2015. Thành phố tiếp tục tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ của Trung ương và địa phương để phát triển năng lực khai thác hải sản xa bờ8, số tàu cá từ 400cv trở lên đạt 303 chiếc, tăng 41,6% so với cùng kỳ 20159. Sau sự cố ảnh hưởng của môi trường biển tại một số tỉnh miền Trung, tình hình khai thác và tiêu thụ hải sản của thành phố đã ổn định, tuy nhiên trong tháng 10 do ảnh hưởng của 02 cơn bão số 6 và 7, thời tiết mưa lớn, ảnh hưởng đến hoạt động khai thác thuỷ sản, thời gian bám biển khai thác của tàu thuyền giảm, sản lượng khai thác 10 tháng ước đạt 32.225 tấn, đạt 96% kế hoạch, giảm 2,3% so với cùng kỳ 2015.

Sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2015-2016 và vụ Hè Thu 2016 đạt kết quả tốt, năng suất vụ Đông - Xuân đạt bình quân 60 tạ/ha và vụ Hè Thu ước đạt 59,8 tạ/ha10. Tập trung thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo theo định hướng sản xuất lúa hữu cơ, trong vụ Đông xuân 2016-2017 thực hiện tại các cánh đồng lúa Hòa Quý - Quận Ngũ Hành Sơn, Hòa Phước, Hòa Tiến, Hòa Liên - huyện Hòa Vang. Thành phố đã chỉ đạo, hướng dẫn chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, triển khai mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP tại 05 vùng rau an toàn11. Tình hình chăn nuôi ổn định, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát12.

Công tác quản lý bảo vệ rừng được tập trung chỉ đạo và triển khai các biện pháp quyết liệt nhằm bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng13, từ đầu năm đến nay, ngành chức năng đã tổ chức 381 đợt kiểm tra tại rừng, phát hiện và lập biên bản 55 trường hợp vi phạm14, thu nộp ngân sách 568 triệu đồng. Do tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài, từ đầu năm đến nay đã xảy ra 16 vụ phát lửa, cháy trên diện tích 132,51 ha15, các lực lượng chức năng đã phối hợp kịp thời ứng phó xử lý, khắc phục hậu quả, đồng thời tổ chức trực 24/24 trong thời điểm nắng nóng.

2. Thu hút đầu tư trong, ngoài nước và các hoạt động đối ngoại

Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn năm 2016 ước đạt 34.640 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ 2015 (KH: tăng 9-10%).



Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp dân doanh duy trì ổn định. Ngành cũng đã triển khai thực hiện nghiêm túc Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Đầu tư 2014, chủ động rà soát các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp v.v.., tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ thực hiện các giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2016-2017 trên địa bàn thành phố; tổ chức buổi gặp gỡ, đối thoại doanh nghiệp trên địa bàn với hơn 300 doanh nghiệp cùng các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, các Hội, Hiệp hội doanh nghiệp tham gia.

Tính đến ngày 20/9/2016, thành phố đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 3.345 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 11.635 tỷ đồng, tăng 37% về số doanh nghiệp và tăng 33% về số vốn so với cùng kỳ 2015; làm thủ tục thay đổi, bổ sung giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 3.140 doanh nghiệp. Ngành chức năng tiếp tục đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thường xuyên hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình thực hiện đăng ký doanh nghiệp; tính đến ngày 20/9/2016, đã có 1.283 hồ sơ đăng ký qua mạng, chiếm tỷ lệ 33% tổng số hồ sơ đăng ký thành lập mới. Công tác quản lý sau cấp phép đăng ký doanh nghiệp được duy trì, đến ngày 20/9/2016, có 326 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện hoàn tất thủ tục giải thể; 891 doanh nghiệp khó khăn, hoạt động kinh doanh không hiệu quả đăng ký tạm ngừng hoạt động và 65 doanh nghiệp đăng ký khôi phục hoạt động trở lại trước thời hạn. Lũy kế đến nay, trên địa bàn thành phố có 18.078 doanh nghiệp với tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 89.369 tỷ đồng.

Đến ngày 20/9/2016, thành phố đã thu hút 07 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đầu tư 6.279,86 tỷ đồng, trong đó cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 03 dự án, vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng16, quyết định chủ trương đầu tư cho 04 dự án, tổng mức đầu tư 4.879,86 tỷ đồng17. Lũy kế đến nay, có 254 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đầu tư hơn 84,5 ngàn tỷ đồng.

Hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục được chú trọng, thành phố đã triển khai thực hiện Đề án Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2016-2020; tổ chức chương trình xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực CNTT&TT (Danang ICTD) gồm các hoạt động chính: hội thảo hợp tác đầu tư CNTT&TT Nhật Bản; triễn lãm về thành tựu và tiềm năng phát triển ngành ICT của thành phố Đà Nẵng; giới thiệu, kết nối doanh nghiệp; tour thực địa tham quan doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nhân lực ICT tại thành phố. Trong 9 tháng thành phố đã cấp mới giấy chứng nhận đầu tư cho 43 dự án, tổng vốn đầu tư 14,71 triệu USD, giảm 17 dự án và giảm 30,0 triệu USD so với cùng kỳ 2015; 11 dự án có vốn tăng thêm, tổng vốn tăng thêm 7,06 triệu USD, giảm 01 dự án và giảm 84,98 triệu USD so với cùng kỳ 2015 và 01 dự án giảm vốn với số vốn giảm là 14,375 triệu USD. Đến nay, trên địa bàn thành phố có 420 dự án FDI, tổng vốn đầu tư 3,680 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 1,98 tỷ USD, tỷ lệ 53,8%.

Tuy tổng vốn đầu tư FDI cấp mới và tăng thêm 9 tháng 2016 còn thấp (giảm khoảng 115 triệu USD so với cùng kỳ 2015, tương đương khoảng 2.500 tỷ đồng)18, song kết quả thu hút đầu tư trong nước và đăng ký doanh nghiệp dân doanh tăng khá, phần nào bù đắp sự giảm sút của đầu tư nước ngoài và tình hình thu hút đầu tư chung của thành phố vẫn đạt kết quả khá. Bên cạnh đó, thành phố cũng đã ban hành Quyết định số 18/2016/QĐ-UBND ngày 08/6/2016 về Quy định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và Quyết định số 3926/QĐ-UBND ngày 20/6/2016 về ban hành một số nội dung hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn thành phố Đà Nẵng để tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển từ xã hội.

Hoạt động thu hút và xúc tiến các dự án ODA đạt kết quả tốt. Thành phố hiện có 05 dự án sử dụng vốn ODA do thành phố quản lý đang được triển khai thực hiện (dự án Quỹ đầu tư phát triển địa phương do Ngân hàng thế giới (WB) tài trợ đã kết thúc thời hạn rút vốn). Tổng vốn đầu tư 05 dự án trên khoảng 390 triệu USD, trong đó vốn ODA đạt 314 triệu USD, chiếm 80%, vốn đối ứng đạt 76 triệu USD. Các dự án tập trung vào đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng cấp, thoát nước v.v.. Tổng giải ngân vốn ODA và vốn đối ứng của các dự án ước đạt khoảng 626,4 tỷ đồng, trong đó, vốn ODA ước đạt 386,7 tỷ đồng, đạt 60% kế hoạch, vốn đối ứng 239,7 tỷ đồng, đạt 67% kế hoạch. Bên cạnh các dự án đang triển khai, thành phố hiện có 12 dự án đang trong giai đoạn xúc tiến chính thức đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét và vận động các nhà tài trợ19. Đến ngày 25/10/2016, thành phố đã phê duyệt 71 khoản viện trợ phi chính phủ nước ngoài (NGO), tổng giá trị cam kết ước đạt 163,66 tỷ đồng.

Các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế được tăng cường. Lãnh đạo thành phố đã tiếp và làm việc với 75 đoàn khách quốc tế, tăng 03 đoàn so với cùng kỳ 2015, tiêu biểu có các đoàn: đoàn Thủ tướng Slovakia; đoàn Phó Thủ tướng , Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Lào; đoàn Bí thư, Tỉnh trưởng Savannakhet; đoàn Đại diện đặc biệt của Tổng Thư kí LHQ về chống bạo lực đối với trẻ em v.v..; đến nay, thành phố đã thiết lập quan hệ hợp tác với 37 địa phương của 19 quốc gia và vùng lãnh thổ với 65 thỏa thuận được ký‎ kết. Thành phố đã phối hợp tổ chức thành công các hoạt động trong khuôn khổ Cuộc đua thuyền buồm quốc tế Clipper 2015-2016; tổ chức các sự kiện ngoại giao văn hóa như: Lễ hội hoa anh đào 2016, Lễ hội giao lưu văn hóa Việt-Nhật 2016, Lễ hội Việt - Hàn và các cuộc họp Ban chỉ đạo APEC 2017, các Tiểu ban, Ban Thư ký APEC 2017 v.v..

3. Quản lý quy hoạch, đô thị, đầu tư - xây dựng cơ bản và tài nguyên môi trường

Thành phố đã sáp nhập, hợp nhất, tổ chức lại và ban hành quy chế làm việc của các Ban Quản lý dự án trên địa bàn thành phố theo Nghị định 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ và hoàn thành báo cáo chuyên đề Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trọng điểm. Công tác quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản được tăng cường, đầu tư có trọng điểm, quy mô hợp lý và nâng cao hiệu quả đầu tư. Công tác chuẩn bị đầu tư, thẩm định dự án, thiết kế - dự toán, thẩm định đấu thầu và quản lý chất lượng công trình được thực hiện đúng quy trình và luật định. Tổng chi XDCB theo dự toán từ nguồn vốn trong nước đến 20/9/2016 ước thực hiện 2.572 tỷ đồng, đạt thấp so với dự toán (47,7%)20.

Các công trình trọng điểm được tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công 21; khẩn trương công tác chuẩn bị đầu tư, khởi công Nút giao Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương - Lê Độ; phối hợp đẩy nhanh công tác đền bù, giải toả, thi công các dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Tuý Loan; chủ động làm việc với các bộ, ngành Trung ương để triển khai các dự án, công trình trong Nghị quyết 33-NQ/TW, Kết luận 75-KL/TW của Bộ Chính trị, Tuần lễ cấp cao APEC 2017; tạo điều kiện để triển khai một số dự án lớn như Bệnh viện Quốc tế Vinmec, Khu Công viên Bách thảo - Bách thú theo mô hình Safari, Công viên Đại dương v.v.. Nhiều công trình giáo dục, y tế, xã hội, hạ tầng kỹ thuật và các khu tái định cư được đưa vào sử dụng như: Bệnh viện đa khoa Hòa Vang (giai đoạn 2), Khu Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đà Nẵng, Trường THPT Phan Châu Trinh (cơ sở 167 Lê Lợi), Trường mẫu giáo Hòa Thọ Tây, Trường Mẫu giáo Hoà Sơn - khu vực Xuân Phú, Trường Tiểu học Hoà Bắc thôn Nam Mỹ, Trường Tiểu học An Khê (giai đoạn 1), Trường THCS Thanh Khê giai đoạn 1, Trường Tiểu học Ngô Quyền (giai đoạn 3), Cải tạo, nâng cấp đường Nam Cao, Nâng cấp đường Bà Huyện Thanh Quan (đoạn cuối tuyến), Cảnh quan công viên tại đường Hùng Vương, Yên Bái, Nguyễn Chí Thanh và Nguyễn Thái Học, Bể bơi tại Trung tâm VHTT quận Thanh Khê, Chung cư 11 tầng tại Khu dân cư Phong Bắc v.v..

Nhiều công trình cũng đã khởi công trong năm như: khởi công dự án Nút giao thông phía Tây cầu Sông Hàn, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Nhà Trưng bày Hoàng Sa, Mở rộng Cơ sở cai nghiện ma túy và Quản lý sau cai nghiện tập trung tại Bàu Bàng, Trường Tiểu học Hòa Phước, Trường Tiểu học số 2 Hòa Liên, Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân, Trường Tiểu học Duy Tân, Trường Mầm non đầu tuyến Sơn Trà - Điện Ngọc, Trung tâm y tế quận Cẩm Lệ, Trụ sở Ban Tổ chức Thành ủy, Trụ sở Ủy ban Kiểm tra Thành ủy; Cải tạo, sửa chữa Trụ sở HĐND và Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng…



Thành phố tiếp tục tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đô thị, xây dựng, kiến trúc, tài nguyên, môi trường như: cấp giấy phép xây dựng, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng; quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm các vi phạm trên lĩnh vực quản lý, bố trí chung cư. Đến nay, thành phố đã phê duyệt 169 đồ án quy hoạch xây dựng, tổng diện tích 2.802,5 ha; phê duyệt 22 đồ án ranh giới quy hoạch sử dụng đất, tổng diện tích 4.756,4 ha; tổ chức kiểm tra 162 lượt công trình, phát hiện và xử lý 106 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, ban hành 106 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền xử phạt 1,7 tỷ đồng.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường, tăng cường thanh tra, kiểm tra trong hoạt động khoáng sản và tài nguyên nước, ngành chức năng đã triển khai nhiều biện pháp giải quyết các điểm nóng về môi trường mang lại những chuyển biến tích cực, như: khắc phục tình trạng ô nhim môi trường tại khu vực bãi rác Khánh Sơn, sông Phú Lộc, trạm Sơn Trà, các khu đất trống; tiến hành kiểm tra 65 cơ sở trong các KCN và các hệ thống thu gom và XLNT đô thị, hệ thống XLNT tập trung KCN Dịch vụ Thủy sản Đà Nẵng, KCN Hòa Cầm, Làng đá Mỹ nghệ Non Nước, Khu neo đậu Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, Chợ đầu mối Thủy sản Đà Nẵng, Trung tâm Giết mổ gia súc.v.v..; thực hiện Chương trình quan trắc môi trường tổng hợp22; quan trắc, giám sát sự cố môi trường biển tại một số tỉnh miền Trung23 , kết quả phân tích cho thấy các thông số đều nằm trong giới hạn cho phép, đảm bảo yêu cầu phục vụ mục đích thể thao, giải trí dưới nước. Trong 9 tháng, ngành chức năng đã tổ chức 32 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 58 đơn vị về lĩnh vực bảo vệ môi trường, quản lý khoáng sản, tài nguyên nước, xử phạt vi phạm hành chính 29 trường hợp với tổng số tiền hơn 1,2 tỷ đồng.


tải về 318.88 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương