Năm 2014, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt khá, xuất khẩu tăng kỷ lục



tải về 0.84 Mb.
trang7/8
Chuyển đổi dữ liệu18.08.2016
Kích0.84 Mb.
#22662
1   2   3   4   5   6   7   8

1. Giá trị


Trám trắng là cây bản địa gỗ lớn, đa mục đích, có giá trị kinh tế cao được nhân dân ta ưa chuộng. Quả Trám trắng dùng để chế biến nhiều loại ô mai, ngoài ra còn được dùng làm thuốc chữa sưng hầu, sưng amidan, ho nhiều đờm, viêm ruột, tiêu chảy, khát nước. Vỏ cây trị dị ứng sơn, đau nhức răng.

2. Đặc điểm hình thái và sinh thái

Trám trắng là cây bản địa gỗ lớn có chiều cao từ 20 - 30m, đường kính ngang ngực từ 50 - 70cm, thân tròn thẳng, tán lá rộng và xanh quanh năm. Vỏ mỏng màu nâu xám, nứt dọc nhẹ, thịt hồng, có mùi thơm đặc biệt và khi bị cắt có nhựa đặc chảy ra. Lá kép lông chim lẻ, mọc so le, dài 35 - 40 cm, mang 7 - 11 lá chét; gân lá hơi rõ; có lá kèm hình dùi, màu nâu bạc. Cụm hoa mọc ở ngọn thành chùm kép, dài 8 - 10 cm; lá bắc hình vảy. Hoa đơn tính cùng gốc, mọc thưa, thường tụ họp 2 - 3 cái ở một mấu; nhị 6 chỉ nhị ngắn; bầu hình trứng có lông màu nâu. Quả hạch hình trái xoan, hai đầu nhọn, dài 2,5- 3,5 cm, khi chín màu vàng nhạt. Hạt cứng hoá gỗ dày. Cây mọc khá phổ biến trong các kiểu rừng thường xanh ở độ cao dưới 1.000 m, tập trung nhiều ở độ cao 200 - 700 m, nơi có lượng mưa 1.400 - 2.000 mm/năm. Trám trắng có thể sống trên nhiều loại đất, nhưng tốt nhất là đất feralít đỏ vàng hay vàng đỏ, có tầng đất dày trên 50 cm, nhiều mùn. Trong tự nhiên, cây tái sinh tốt cả bằng hạt và chồi. Cây mọc tự nhiên từ hạt sẽ cho quả sau 8 - 10 năm, cây trồng cho quả sớm hơn, chỉ sau 6 - 7 năm. Mùa hoa tháng 3 - 4, mùa quả tháng 9 - 10.


3. Kỹ thuật nhân giống: Các nội dung tạo gốc ghép giống như tạo cây con từ hạt nhưng gốc ghép đòi hỏi cao hơn và phải đạt tiêu chuẩn bầu tạo gốc ghép là bầu PE kích thước 10x15cm hoặc 12x18cm; Cây con 12 - 18 tháng tuổi, thân cây thẳng, không sâu bệnh. Cây có đường kính gốc ≥1cm (hoặc đoạn thân cách mặt bầu 30cm có đường kính >0,7 cm), chiều cao cây trên 80 cm; Chọn cây mẹ lấy cành ghép cũng như chọn cây lấy giống, nhưng cần chú ý chọn những cây sai quả, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, quả to và đều. Chọn những cành bánh tẻ ở khoảng giữa của tán lá, nơi có nhiều ánh sáng và không sâu bệnh. Khi cắt cành ghép ta tiến hành cắt đoạn chồi dài 15cm, cắt các cuống lá cách thân cành 0,5cm. Nếu không ghép tại chỗ thì chúng ta cần phải bảo quản cành ghép không để mất nước bằng cách bọc kín cành ghép trong bẹ chuối tươi hoặc dùng vải ẩm bọc kín cành ghép sau đó cho vào hộp xốp. Không nên để cành ghép trong hộp hoặc ở ngoài quá 3 ngày. Để cành ghép nơi mát, ẩm. Thời vụ ghép vào mùa xuân có nhiều thuận lợi hơn: tỷ lệ sống cao, cành ghép dễ chọn và cây trồng sinh trưởng nhanh.

Cắt vát 2 bên của cành ghép và gốc ghép, độ sâu vết cắt ở gốc ghép không quá 1/3 đường kính thân cây. Ép cành ghép và gốc ghép sao cho cành ghép và gốc ghép trùng khít với nhau. Sau đó dùng nilông chuyên dụng buộc chặt và kín toàn bộ vết ghép, quấn 1 lượt nilon lên phần cành ghép để tránh hiện tượng mất nước của cành ghép.

Tưới nước ngày 2 lần vào buổi sáng và chiều, khi tưới nước nên tưới bằng ô doa để tránh hiện tượng vết ghép bị lung lay và bị gẫy.

Bón thúc: khi chồi ghép đã được 2 - 4 lá có thể tưới phân cho cây ghép mỗi tuần 1 lần, bằng đạm ure và kali. Cây ghép được nuôi trong vườn từ 9 - 12 tháng. Đoạn cành ghép 25 cm, đã có nhiều lá ở dạng bánh tẻ mới đem đi trồng. Các tỉnh phía Bắc có thể trồng 2 vụ, vụ xuân vào tháng 2 - 4 và vụ thu vào tháng 8 - 10. Nên chọn những ngày có thời tiết râm mát, có mưa để trồng.

Mật độ trồng 400 - 500 cây/ha (5x5m và 5x4m), trong đó giữa các hàng cây có thể trồng cây phù trợ bằng Keo tai tượng hoặc gieo một hàng cốt khí, có thể trồng xen cây nông nghiệp trong 3 - 4 năm đầu.

Đào hố và bón lót đối với cây trồng: Sau khi phát dọn thực bì tiến hành cuốc hố, kích thước hố 50x50x50cm. Trước khi trồng 15 – 30 ngày thì lấp hố và kết hợp bón lót 1 - 2 kg phân chuồng hoai + 0,5kg NPK. Trồng bằng cây con có bầu đã được ươm từ 9 - 12 tháng đối với cây trồng từ hạt và 9 - 12 tháng sau khi ghép đối với cây ghép. Lúc trồng cần rạch bỏ vỏ bầu, lấp đất đến cổ rễ và dẫm chặt đất. Cố gắng điều chỉnh cho trục thân cây đứng thẳng.



4. Kỹ thuật trồng: sau khi trồng cần phát, xới chăm sóc 3 năm tiếp theo:

- Năm thứ nhất, thứ hai mỗi năm chăm sóc 3 lần: 2 lần phát và xới quanh gốc với đường kính 0,8-1m, tra dặm cho đủ mật độ, bón thúc 0,1 kg NPK/cây, kết hợp điều chỉnh cây phù trợ không cho cây phù trợ che bóng ngọn Trám trắng.

- Năm thứ ba: chăm sóc 2 lần gồm 1 lần phát, xới quanh gốc với đường kính 0,8-1m, bón thúc 0,2 kg NPK/cây.

5. Chăm sóc và bảo vệ: trám trắng thường bị sâu vòi voi xanh phá hại nên cần chú ý bảo vệ phòng trừ sâu hại bằng cách dùng Melathion nồng độ 0,1% phun đều vào ngọn và lá những cây có sâu hại. Tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành các quy định về phòng chống cháy rừng. Ngăn chặn người và gia súc ra vào phá hoại rừng.

6. Kỹ thuật khai thác, sơ chế và bảo quản: Nên khai thác nhựa từ tháng 9 cho đến tháng 4 năm sau là thời gian cây cho nhiều nhựa nhất. Mỗi lần chích, cắt khoét đi lớp vỏ mỏng chừng 2 - 3 mm. Các mũi chích tiến hành từ trên xuống dưới. Nhựa trám sau khi thu về không cần sơ chế, nén chặt lại và bọc trong túi nilông để nhựa không bén gió, luôn mềm dẻo. Bảo quản nhựa ở nơi râm mát.

Quả trám khi chín có thể thu hoạch bằng cách trèo trực tiếp, bằng dùng sào có câu liêm hoặc bằng thang. Cần chú ý khi hái quả, không gây tổn thương nhiều cho cây Trám để ảnh hưởng xấu đến mùa quả năm sau. Quả hái về nếu làm ô mai phải ngâm quả, phơi khô rồi tẩm các gia vị cần thiết tuỳ loại ô mai. Cũng có thể chế biến quả thành mứt Trám để bảo quản được lâu.


(Kỳ sau đăng tiếp)

H.C. Nguồn: TTKNQG
KỸ THUẬT ĐỐN VÀ HÁI CHÈ LDP2 SẢN XUẤT KINH DOANH THEO CHU KỲ 6 NĂM
Từ kết quả nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu chu kỳ đốn 3 năm nâng cao hiệu quả sản xuất chè” do KS. Đỗ Thị Trâm chủ trì. Nhóm tác giả thuộc Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc đã xây dựng thành công “Quy trình kỹ thuật đốn và hái chè LDP2 sản xuất kinh doanh theo chu kỳ 6 năm” và đã được Cục trưởng Cục Trồng trọt công nhận tiến bộ tại Quyết định số 201/QĐ-TT-CNN ngày 28/05/2013. Thông tin KHCN và Kinh tế số này xin giới thiệu cùng bạn đọc kỹ thuật đốn và hái chè. Kỹ thuật đốn áp dụng trên giống chè LDP2 và các giống có kiểu hình tương tự cho tỉnh Phú Thọ và các tỉnh miền núi phía Bắc.

1. Kỹ thuật đốn chè

1.1. Kỹ thuật đốn chè kiến thiết cơ bản (KTCB)

a) Đốn tạo hình

Lần 1: Khi chè 2 tuổi, đốn thân chính cách mặt đất 15 - 20 cm, cành bên đốn cách mặt đất 30 - 35 cm. Thực hiện đốn khi chè được 1 tuổi, trên nương chè có trên 85% số cây có chiều cao trên 70 cm, đường kính gốc trên 5 mm.

Lần 2: Đốn cách mặt đất 40 - 45 cm.

Lần 3: Đốn cách mặt đất 50 - 55cm.

* Thời điểm đốn: Tháng 12 đến tháng 1 năm sau.

* Dụng cụ đốn: Dao, kéo và máy đốn (khi đốn lần 3).



b) Đốn phớt:

Hai năm đầu đốn trên vết cũ 5 cm. Sau đó mỗi năm đốn cao thêm 3 cm, khi vết đốn dưới cùng cao 70 cm so với mặt đất thì hàng năm chỉ đốn cao thêm 1 cm so với vết cũ.

Tuyệt đối không sửa cành la, đảm bảo độ che phủ khép tán trên nương chè.

1.2. Đốn chè sản xuất kinh doanh (SXKD)

a) Chu kỳ đốn phớt

Đối với chè sản xuất kinh doanh: Giống chè LDP2 và các giống có kiểu hình tương tự (như giống chè Phúc Vân Tiên).

Hai năm đầu, mỗi năm đốn trên vết đốn cũ 5 cm. Sau đó mỗi năm đốn cao hơn vết đốn cũ 3 cm. Khi chè được 8 - 9 tuổi thực hiện qui trình đốn theo chu kỳ:

- Giai đoạn 1 (3 năm đầu) năm thứ nhất đốn cách mặt đất 50 - 55cm, (hái lần đầu ở độ cao 15 cm so với vết đốn). Tiếp theo năm thứ 2 đốn cách mặt đất 55 - 60 cm, năm thứ 3 đốn cách mặt đất 60 - 65 cm (hái lần đầu ở độ cao 10 - 12 cm so với vết đốn), năm sau đốn cao hơn năm trước là 5 cm.

- Giai đoạn 2 (từ năm thứ 4 đến năm thứ 6), năm đầu chu kỳ, đốn cao hơn năm đầu của giai đoạn 1 từ 2 - 3 cm, (hái lần đầu ở độ cao 15 cm so với vết đốn). Năm thứ 2 tiếp theo đốn cao hơn so với năm trước là 5 cm, (hái lần đầu ở độ cao 10 - 12 cm so với vết đốn). Năm thứ 3 tiếp theo đốn cao hơn so với năm trước là 3 cm, (hái lần đầu ở độ cao 10 - 12 cm so với vết đốn).

- Tuổi đốn: Nên áp dụng khi chè được 8 - 9 tuổi đốn theo chu kỳ, các đồi chè hiện tại đốn theo quy trình hàng năm có tuổi cao hơn vẫn có thể áp dụng đốn theo chu kỳ.

- Độ cao đốn: Do độ cao đốn tỷ lệ nghịch với độ rộng tán chè ban đầu, nên độ cao đốn tùy thuộc vào khoảng cách trồng giữa 2 hàng chè, nếu khoảng cách hàng rộng nên đốn ở mức cao 50 - 55 cm.

- Thời gian của giai đoạn đốn có thể áp dụng chu kỳ 3 năm hoặc 4 năm vẫn có hiệu quả. Sau 6 năm thực hiện một chu kỳ đốn chè, năm thứ 7 quay về mức đốn như năm thứ nhất của giai đoạn 1.



b) Đốn lửng

Những nương chè đã được đốn phớt nhiều năm, vết đốn cao quá 90 cm so với mặt đất, nhiều cành tăm hương, u bướu, búp nhỏ, năng suất giảm thì đốn lửng cách măt đất 60 - 65 cm; hoặc chè năng suất khá nhưng cây cao quá cũng đốn lửng cách mặt đất 70 - 75 cm.



c) Đốn đau

Những nương chè được đốn lửng nhiều năm, cành nhiều mấu, cây sinh trưởng kém năng suất giảm rõ rệt thì đốn đau cách mặt đất 40 - 45 cm.



d) Đốn trẻ lại

Những nương chè già, cằn cỗi đã được đốn đau nhiều lần, năng suất giảm nghiêm trọng thì đốn trẻ lại cách mặt đất 10 - 25 cm.

Dụng cụ cắt cành la là máy cắt cành la EW - 17 máy đơn với độ dài lưỡi 75cm.

1.3. Thời vụ đốn

- Từ giữa tháng 12 đến hết tháng 1 năm sau;

- Nơi thường bị sương muối đốn muộn hơn, đốn sau đợt sương muối nặng;

- Đốn đau trước, đốn phớt sau;

- Đốn tạo hình, chè con trước, đốn chè trưởng thành sau;

- Đối với vùng đảm bảo độ ẩm, hoặc có điều kiện chủ động tưới chè và thu hoạch chè vụ Đông có thể đốn một phần diện tích vào tháng 4 - 5 sau đợt chè xuân góp phần rải vụ thu hoạch chè.



1.4. Cách đốn và dụng cụ đốn

- Đốn tạo tán có mặt bằng nghiêng theo sườn dốc, không làm dập cành, xây sát vỏ;

- Đốn đau, đốn lửng, đốn trẻ lại dùng dao, cưa;

- Đối với các chè sản xuất kinh doanh áp dụng máy đốn để nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh tế. Đốn bằng máy đốn đơn với nương chè có địa thế dốc và tán nhỏ với độ dài lưỡi 75 cm như máy E7B-750. Dùng máy đốn đôi đối với độ dài lưỡi 120 cm như máy R-8GA1200 với nương chè có địa thế bằng và tán rộng.



2. Thu hái và bảo quản

Chỉ thu hoạch khi đảm bảo thời gian cách ly thuốc BVTV và các hóa chất dùng trong xử lý cho chè theo hướng dẫn.



2.1. Kỹ thuật hái chè

a) Hái tạo hình chè KTCB

- Đối với chè tuổi 1 hái lần đầu: từ tháng 7, hái bấm ngọn những cây chè cao 60 cm trở lên để kích thích cành bên phát triển.

- Đối với chè 2 tuổi: hái búp trên những cây to khoẻ và cách mặt đất 50 cm trở lên, hái tạo tán bằng

b) Hái chè SXKD

- Hái bằng tay: nguyên liệu phục vụ cho chè xanh và chè đen Orthodox.

Hái kỹ và tạo mặt tán phẳng: hái búp đủ tiêu chuẩn 1 tôm có 2 - 3 lá non.

Khi trên tán chè có trên 75% số búp đủ tiêu chuẩn hái hết các búp tạo tán phẳng nghiêng theo sườn dốc nương chè

- Kỹ thuật để chừa theo vụ:

+ Đối với vụ xuân (tháng 3 - 4): thực hiện chăm sóc và hái để đảm bảo cho chè sinh trưởng tốt tạo điều kiện phục hồi sau đốn vụ đông, hái cao hơn vết đốn 10 - 12 cm, tạo tán phẳng.

+ Đối với vụ hè - thu (tháng 5 - 9) hái chừa 1 lá và tạo tán phẳng.

+ Đối với vụ thu đông: (tháng 10 -12): hái cả lá cá, tận thu.

- Kỹ thuật sửa tán: sửa tán 2 lần trong năm như sau:

+ Lần thứ nhất sau khi kết thúc vụ xuân tháng 4 tại vùng Bắc bộ;

+ Lần 2 vào tháng 7 vùng Bắc bộ;

+ Kỹ thuật sửa tán: loại bỏ những cành chè sinh trưởng vượt trên tán để tạo tán bằng cho chè sinh trưởng đều trên tán, thực hiện như đốn phớt nhẹ.

+ Dụng cụ sửa tán: có thể dùng máy E7B1-750 để sửa tán.



2.2. Bảo quản:

Chè đọt tươi thu xong phải để nơi râm mát, bỏ trong sọt không nén chặt, không đựng trong bao kín, không để héo, lẫn bẩn với vật lạ, tạp chất; đưa đến nơi chế biến không quá 4 - 6 h.

Sản xuất chè sạch - hướng đi mới của Hàm Yên
Ngoài thương hiệu cam sành huyện Hàm Yên (tỉnh Tuyên Quang), cây chè cũng luôn gắn bó mật thiết với người nông dân và là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình nơi đây. Người trồng chè ở Hàm Yên giờ đây không những đã thoát nghèo mà còn làm giàu từ loại cây này bằng cách làm ra những sản phẩm sạch, chất lượng cao, được người tiêu dùng tin tưởng.

Diện tích trồng chè lớn nhất của huyện Hàm Yên phải kế đến xã Tân Thành, cũng là xã đầu tiên thực hiện mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGap của huyện. Mô hình trồng và chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGap do Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Dự án hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh và huyện Hàm Yên thực hiện từ đầu năm 2013 với diện tích 5 ha chè của dự án và 8 ha chè vệ tinh. Từ khi thực hiện sản xuất chè sạch theo tiêu chuẩn VietGap, người trồng chè đã thu được kết quả khả quan, chất lượng, giá trị sản phẩm chè cũng như thu nhập của người dân được nâng cao hơn nhiều so với trước đây.

Gia đình ông Phạm Văn Luận, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất và chế biến chè thôn Làng Bát, xã Tân Thành, huyện Hàm Yên có 0,4 ha chè tham gia mô hình chè sạch theo tiêu chuẩn VietGap. Ông Luận cho biết, khi Tổ hợp tác sản xuất và chế biến chè sạch được thành lập có 19 hộ gia đình tham gia, trong đó có 2 hộ khá, 7 hộ cận nghèo, còn lại là hộ nghèo. Sau gần 2 năm thực hiện sản xuất chè sạch Tổ hợp tác chỉ còn 4 hộ nghèo. Đặc biệt, gia đình ông được Dự án hỗ trợ đầu tư nhà xưởng, thiết bị sao sấy, máy hút chân không... để chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho các hộ trồng chè.

Còn như gia đình ông Vũ Quốc Tụng, thôn 3 Làng Bát có 0,36 ha chè tham gia tổ hợp tác sản xuất chè sạch. Sau gần 2 năm thực hiện sản xuất chè sạch gia đình ông Tụng đã thoát nghèo. Ông Tụng cho biết, từ khi tham gia mô hình sản xuất chè sạch theo tiêu chuẩn VietGap, ông được tập huấn kỹ thuật, được đi tham quan mô hình ở Thái Nguyên và áp dụng đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc, thu hái, bảo quản sản phẩm chè theo tiêu chuẩn VietGap nên giá trị của cây chè được nâng cao. Hiện nay, giá 1 kg chè búp khô sản xuất theo tiêu chuẩn ViepGap cao hơn từ 30.000 - 50.000 đồng so với chè sản xuất thông thường. Với 0,36 ha chè sạch, mỗi năm gia đình ông thu nhập trên 170 triệu đồng. Thời gian tới, gia đình ông sẽ mở rộng thêm diện tích trồng chè, tuy không phải là chè trồng theo dự án nhưng sẽ sản xuất chè theo đúng quy trình VietGap để nâng cao thu nhập.

Theo ông Nguyễn Văn Quý, Chủ tịch UBND xã Tân Thành, hiện nay xã có hơn 129 ha chè, năng suất đạt 83 tạ/ha, sản lượng khoảng gần 2.000 tấn/năm. Cây chè đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho bà con nông dân. Việc áp dụng các kiến thức trong sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGap đã dần dần giúp người dân thay đổi những hình thức canh tác lạc hậu, biết áp dụng những tiến bộ trong sản xuất là cơ hội để người dân phát triển kinh tế theo hướng bền vững.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Hàm Yên có trên 1.886 ha chè, trong đó diện tích cho sản phẩm là trên 1.700 ha, năng suất bình quân 80 tạ/ha; sản lượng chè búp tươi đạt gần 13.700 tấn. Để giúp người dân thoát nghèo và làm giàu từ cây chè, chính quyền và người dân huyện Hàm Yên đã xây dựng các giải pháp nâng cao chất lượng cũng như giá trị của cây chè bằng các giống chè mới chất lượng cao và phương pháp sản xuất chè theo hướng an toàn, sạch bệnh.

Để có một sản phẩm chè ngon, sạch, người trồng chè phải thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt từ khâu chăm sóc, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Hiện thị trường của chè sạch Làng Bát ngày càng được mở rộng, thương hiệu đang được khẳng định. Để đảm bảo sản xuất chè sạch, các hộ gia đình trong Tổ hợp tác phải ký cam kết thực hiện theo nguyên tắc “4 đúng” đó là: đúng lúc, đúng cách, đúng liều lượng và đúng thời gian. Hộ gia đình nào không thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật thì lô chè đó không được chứng nhận và buộc phải trả lại.

Bên cạnh sự chủ động thực hiện quy trình chăm sóc, chế biến chè sạch của người dân, cán bộ khuyến nông của địa phương cũng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn người dân, kiểm tra điều kiện vệ sinh an toàn đối với các cơ sở sản xuất chè trên địa bàn huyện. Ông Nông Huy Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên, cho biết, xác định cây chè là cây thế mạnh phát triển kinh tế của địa phương, trong thời gian tới, huyện Hàm Yên sẽ tiếp tục tập trung triển khai có hiệu quả phát triển vùng chè sạch tại các xã vùng trồng chè của huyện, với mục tiêu xây dựng vùng sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, gắn với việc hỗ trợ, nâng cao năng lực thị trường cho người sản xuất, nâng cao vai trò liên kết các doanh nghiệp, các tổ hợp tác với nông dân trong sản xuất nguyên liệu… để sản phẩm chè Hàm Yên ngày càng khẳng định được thương hiệu và được mọi người tin dùng.



Quang Cường
Phú Yên tái cơ cấu ngành thuỷ sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng

Thủy sản là lĩnh vực giàu tiềm năng phát triển và cũng là mũi nhọn trong kinh tế nông nghiệp của tỉnh Phú Yên. Để phát huy lợi thế vốn có này, địa phương đang đặt ra định hướng tái cơ cấu lĩnh vực theo hướng tập trung nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản nhằm đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 bình quân giá trị sản xuất mỗi năm tăng từ 8% đến 9%, chiếm tỷ trọng 36% đến 37% tổng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp.

Ông Lê Văn Trúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết, các hoạt động tái cơ cấu ngành thuỷ sản ở Phú Yên đã được thực hiện từ năm 2014. Tuy nhiên, đặc biệt từ năm nay, địa phương sẽ tập trung nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm chủ lực trong nuôi trồng và khai thác gồm cá ngừ đại dương, tôm hùm, tôm thẻ chân trắng. Đồng thời, xây dựng thương hiệu các sản phẩm này nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh trong nước và quốc tế.

Theo đó, ở các vùng ven biển thị xã Sông Cầu, huyện Tuy An và huyện Đông Hoà đã tập trung sản xuất thâm canh các đối tượng nuôi chủ lực như tôm hùm, tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cá biển... trên diện tích mặt nước quy hoạch 3.038 ha. Tại đây, nông dân đang tích cực áp dụng các mô hình nuôi theo VietGAP, GlobalGAP; tăng cường hệ thống quan trắc cảnh báo môi trường, phòng ngừa dịch bệnh thuỷ sản và hệ thống kiểm nghiệm hướng tới nâng cao chất lượng sản phẩm, hạn chế rủi ro cho người nuôi trồng.

Trong hoạt động khai thác, toàn tỉnh Phú Yên hiện có hơn 6.150 tàu cá. Để ổn định sản lượng và nâng cao hiệu quả kinh tế, đồng thời góp phần bảo vệ nguồn lợi, tỉnh có định hướng giảm dần tỷ trọng, tiến tới ổn định sản lượng khai thác ven bờ (từ 6 hải lý trở vào); chuyển các hoạt động khai thác gần bờ sang khai thác bằng tàu công suất lớn xa bờ; tập trung khai thác các đối tượng có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ tốt như cá ngừ đại dương, cá thu…; phát triển khai thác hải sản xa bờ theo tổ đội, liên kết theo chuỗi giá trị.

Để nâng cao giá trị và đảm bảo sự phát triển bền vững trong tái cơ cấu, tỉnh Phú Yên xác định cần ứng dụng công nghệ cao trong chế biến, nhất là bảo quản sau thu hoạch thuỷ sản. Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, công nghệ bảo quản sau thu hoạch các sản phẩm thuỷ sản ở Phú Yên hiện nay còn lạc hậu, nhất là việc bảo quản cá ngừ đại dương của ngư dân trên biển dẫn đến thất thoát trên 25% giá trị sản phẩm. Nếu có sự đột phá trong áp dụng công nghệ sau thu hoạch, giá trị của ngành thuỷ sản sẽ được nâng cao hơn nhiều lần.

Được sự hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ, tỉnh Phú Yên cũng đang thí điểm triển khai đổi mới công nghệ bảo quản cá ngừ đại dương và tiến tới mở rộng ra bảo quản tôm hùm theo công nghệ CAS – đây là công nghệ cấp đông tiên tiến nhất thế giới do Công ty ABI (Nhật Bản) chuyển giao. Hướng đi này không chỉ góp phần nâng cao giá trị của cá ngừ mà còn mở ra nhiều hướng phát triển mới trong chế biến xuất khẩu cho doanh nghiệp.

Ông Lê Văn Hồng, Giám đốc Công ty cổ phần Bá Hải, đơn vị được chọn áp dụng thí điểm công nghệ này khẳng định, nếu áp dụng công nghệ mới này chất lượng và giá trị sản phẩm được nâng lên rất nhiều. Do đó, định hướng mặt hàng xuất khẩu của Công ty cũng sẽ thay đổi. Mục tiêu của Công ty là phát triển các mặt hàng tươi và cấp đông ăn liền (sashimi, sushi) chất lượng cao hướng tới thị trường xuất khẩu là Nhật Bản khoảng 50%, Hoa Kỳ khoảng 40% còn lại là các thị trường khác.

Năm 2014, tỉnh Phú Yên bắt đầu thực hiện tái cơ cấu ngành thuỷ sản, nhưng với hướng đi phù hợp đã cho thấy những tín hiệu khả quan. Cụ thể, giá trị sản xuất cả năm của ngành thuỷ sản đạt 3.213 tỷ đồng; sản lượng khai thác đạt 49.000 tấn, riêng cá ngừ đại dương hơn 4.000 tấn; sản lượng nuôi trồng đạt hơn 10.000 tấn, riêng tôm hùm là 630 tấn. So với năm 2013, giá trị sản xuất tăng 0,4%; sản lượng nuôi trồng tăng 4,7%.

Mặc dù vậy, tỉnh cũng còn gặp không ít thách thức trong thực hiện tái cơ cấu. Hiện tại, với 28.759 lao động tham gia hoạt động trong ngành thuỷ sản nhưng phần lớn lại chưa được đào tạo nghề. Mặt khác, các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá như cảng cá ngừ chuyên dụng, chợ đấu giá cá ngừ… vẫn đang trong giai đoạn quy hoạch xây dựng…

Để khắc phục những khó khăn trên, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Trúc, từ nay đến năm 2016, tỉnh sẽ ưu tiên cho đào tạo nguồn nhân lực để đáp yêu cầu của tái cơ cấu. Đồng thời, triển khai các dự án đầu tư hạ tầng vùng nuôi, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão và các cơ sở dịch vụ hậu cần đễ hỗ trợ sản xuất kinh doanh thuỷ sản. Để thực hiện việc này, tỉnh sẽ huy động tổng hợp cả trong và ngoài nước, sự hỗ trợ của trung ương, nguồn kinh phí của tỉnh, nhưng chủ yếu vẫn là huy động nguồn lực to lớn của các tổ chức và cá nhân hoạt động trong ngành thuỷ sản. Cùng với những thế mạnh vốn có để phát triển ngành thuỷ sản và những bước chuyển mạnh mẽ trong khai thác, nuôi trồng, chế biến sẽ hứa hẹn sự thành công trong tái cơ cấu ngành thuỷ sản của tỉnh Phú Yên trong thời gian tới.



Xuân Tùng

Lào Cai chuyển đổi diện tích cây trồng hiệu quả thấp sang cây trồng có hiệu quả cao


Dự án "Chuyển đổi diện tích cây trồng hiệu quả thấp sang cây trồng có hiệu quả cao" giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn tỉnh Lào Cai sau gần 4 năm thực hiện đã góp phần nâng cao nhân thức của người dân về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, tăng giá trị thu nhập trên diện tích đất canh tác, đồng thời tạo việc làm cho trên 50.000 lao động trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Trong giai đoạn 2011 - 2015, tỉnh Lào Cai đã ban hành chính sách hỗ trợ để khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, ngoài ra còn được hỗ trợ bằng nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, vốn sự nghiệp Nghị quyết 30a, nguồn vốn của các tổ chức nước ngoài, vốn tín dụng của Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Các cơ chế chính sách hỗ trợ cơ bản đã phù hợp với mục tiêu của đề án, bước đầu khuyến khích được một số gia đình đầu tư sản xuất cây ăn quả, rau an toàn với quy mô lớn thay đổi dần phương thức quảng canh lạc hậu sang sản xuất chuyên canh, phòng chống sâu bệnh, mang lại thu nhập cao cho gia đình.

Gia đình ông Tẩn Sài Chiêu, Bí thư đảng ủy xã Nậm Pung (Bát Xát) có gần 1 ha lê Tai Nung gồm 400 cây đã cho thu hoạch 2 năm, thu về mỗi năm 30 triệu đồng. Thấy rõ hiệu quả của cây lê, người dân hăng hái đăng ký trồng, đến nay trên địa bàn xã Nậm Pung đã có 9 ha cây lê Tai Nung, tập trung chủ yếu ở các thôn: Kin Chu Phìn, Tả Lé, Nậm Pung, Sín Chải. Trong đó, 3 ha đã cho thu hoạch lứa quả thứ 2.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai, đến nay tỉnh đã trồng được 410ha/300ha cây ăn quả ôn đới (đạt hơn 136% so với mục tiêu của đề án), trong đó cây lê Tai Nung là 318ha/250ha, đào Pháp 92/50ha, chủ yếu tập trung tại các huyện Sa Pa và Bắc Hà, Bát Xát. Diện tích cây ăn quả nhiệt đới (dứa, chuối) đạt 87% so với mục tiêu đề án với trên 2.300ha, được trồng tại Mường Khương, Bát Xát và Bảo Thắng. Vùng mận tam hoa Bắc Hà đã thực hiện xong diện tích cải tạo 300 ha đạt 100% mục tiêu đề án với hơn 2.200 hộ tham gia đốn tỉa, trồng mới và trồng thay thế. Đặc biệt, trên diện tích 53 ha cây mận được đốn tỉa tại 6 xã thị trấn của huyện Bắc Hà đã sinh trưởng và phát triển tốt, ít sâu bệnh, năng suất đạt khoảng 8 đến 10 tấn/ha. Hiệu quả thu được từ trồng mận Bắc Hà đạt từ 80 đến 100 triệu đồng/ha cao hơn so với những năm trước từ 25-30%.

Bà Trần Thị Hằng, Giám đốc Trung tâm Giống Nông lâm nghiệp Lào cai, cho biết, dự án còn đầu tư xây dựng vườn cây giống đầu dòng cây ăn quả ôn đới, quy mô 4 ha tại Trại thực nghiệm và sản xuất giống cây ăn quả Bắc Hà, lưu giữ giống gốc vườn ươm cây giống tại Trung tâm giống nông lâm nghiệp Lào Cai và huyện Bát Xát với quy mô vườn ươm ngoài trời là 2 ha và nhà lưới 600 m2 để nhân giống cây ăn quả tập trung vào các giống nuôi cấy mô. Đến nay, diện tích rau an toàn tỉnh đạt 586 ha (vượt 17% so với mục tiêu dự án), thực hiện tại 5 huyện thành phố. Việc triển khai trồng rau chuyên canh trái vụ tạo ra sản phẩm hàng hóa đa dạng, giá bán cao, bước đầu đã có sự liên kết với một số doanh nghiệp, tổ chức HTX trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ngay từ đầu vụ như Công ty Thùy Dung, Công ty Nông liên Đài Loan, HTX Dì Thàng (Bắc Hà), HTX Nông nghiệp Mai Anh, HTX nông nghiệp Hoa Đào (Sa Pa).... Thu nhập từ trồng rau an toàn đã mang lại lợi nhuận cao gấp 4 lần so với trồng lúa, tạo việc làm cho người dân ở các địa phương. Hiện nay, Lào Cai đã hình thành được một số vùng chuyên canh rau an toàn như 20 ha rau an toàn ở thôn Phìn Hồ xã Ý Tý huyện Bát Xát của Công ty Hoa Lợi, sản xuất rau su su ở Ô Quý Hồ, thị trấn Sa Pa, vùng rau xã Vạn Hòa, phường Bình Minh thành phố Lào Cai...

Tuy nhiên, sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP có chi phí đầu vào tăng cao so với sản phẩm thông thường cùng loại song đưa ra thị trường tiêu thụ khó cạnh tranh do không có cơ sở chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, không có thương hiệu đảm bảo. Ngoài ra, việc cung ứng giống không đúng quy định dẫn đến số cây bị chết nhiều và chậm phát triển.

Do đó, cùng với mở rộng diện tích các loại cây ăn quả nói chung, thời gian tới tỉnh Lào Cai sẽ quản lý chặt chẽ hơn nữa việc sản xuất cung ứng giống lê Tai Nung cho Trung tâm giống nông lâm nghiệp tỉnh. Ngoài ra, tỉnh sẽ tập trung xây dựng một số vườn mẫu áp dụng đầy đủ các biện pháp kỹ thuật thâm canh, có hàng rào bảo vệ, những năm đầu trồng xen cây họ đậu, vun gốc, bón phân, vít cành tạo tán đúng quy trình kỹ thuật. Mỗi xã trong vùng dự án chọn một hộ nông dân có tâm huyết, biết cách làm, có cam kết để thực hiện, có chính sách hỗ trợ thêm những vườn mẫu này để mời nông dân tham quan, học tập theo phương châm lấy nông dân dạy nông dân, đồng bào các dân tộc được học tập chính người dân ở thôn bản mình.

Thu Hương

Đắk Lắk hướng dẫn nông hộ tưới nước tiết kiệm cho cà phê trong mùa khô


Hiện nay, toàn vùng Tây Nguyên nói chung đang bước vào mùa khô nên tỉnh Đắk Lắk và Viện Khoa học kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên đã hướng dẫn các nông hộ, các doanh nghiệp sản xuất cà phê thực hiện quy trình tưới nước tiết kiệm, đúng thời điểm cho trên 202.850 ha cà phê vối. Việc làm trên không những giúp cà phê năng suất cao, ổn định mà còn sử dụng nguồn nước có hiệu quả, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ tài nguyên nước, giảm chi phí giá thành.

Qua các kết quả nghiên cứu, Viện Khoa học kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên đã khuyến cáo các nông hộ, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê cần xác định đúng thời điểm cây cà phê gần đến đỉnh điểm kiệt nước (kiểm tra độ ẩm trong đất) để tưới nước lần đầu. Những nơi, các nông hộ không có máy kiểm tra độ ẩm trong đất thì xem mầm hoa đầu cành phun nhựa mới bắt đầu tưới (hoa mỏ sẻ). Lúc này, vườn cà phê trong thời kỳ kinh doanh gặp nước sẽ bung hoa đồng loạt, thụ phấn có tỷ lệ quả đậu cao.

Theo quy trình quản lý tưới nước cho cà phê vối vào giai đoạn kinh doanh, Viện Khoa học kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên đã khuyến cáo chỉ cần tưới 500 đến 600 lít nước/gốc/lần tưới, đối với tưới gốc (tưới dí), tưới phun mưa từ 600 đến 700 m khối/ha/lần tưới, giảm từ 400 đến 500 lít nước/gốc/lần tưới so với trước đây và chu kỳ tưới là 20 đến 25 ngày. Đối với cà phê kiến thiết cơ bản, Viện cũng hướng dẫn các nông hộ chỉ tưới 120 lít/gốc/lần tưới đối với năm đầu tiên và tưới 240 lít nước/gốc/lần tưới đối với vườn cây cà phê kiến thiết cơ bản từ năm thứ hai trở đi. Như vậy, cũng giảm từ 200 đến 400 lít nước/gốc/lần tưới so với trước đây, chu kỳ tưới cách nhau cũng từ 20 đến 25 ngày nhưng cây cà phê vẫn phát triển bình thường.

Các nông hộ sản xuất cà phê trên địa bàn tỉnh cũng đã đầu tư tu bổ, sửa chữa các bồn xung quanh gốc cà phê để chứa nước, không cho nước chảy tràn lan gây rửa trôi độ mùn trong đất, đồng thời, làm vệ sinh vườn cây. Các nông hộ cũng đã tăng cường lao động cắt tỉa cành, chồi vượt, cành vô hiệu, cành sâu bệnh nhằm tập trung dinh dưỡng nuôi cây, nuôi cành, quả cà phê cho niên vụ sau. Hiện nay, các nông hộ cũng đã đầu tư mua sắm mới thêm hàng nghìn máy bơm các loại cùng với hàng chục nghìn mét ống dẫn nước. Các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất cà phê cũng đã tu bổ lại các công trình hồ đập, giếng nước nhằm có đủ nguồn nước phục vụ tưới cho cà phê trong mùa khô này. Riêng đối với các vườn cà phê mới trồng tái canh, các nông hộ, các doanh nghiệp còn tận dụng tốt các tàn dư thực vật, nhất là tận dụng thân các loại cây họ đậu để che, tủ, túp nhằm hạn chế việc bốc hơi, nắng nóng cho cây cà phê non.

Trước đây, cứ vào mùa khô, phần lớn các nông hộ, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đều tưới thừa nhiều nước cho cây cà phê từ 32% trở lên không những gây lãng phí nguồn nước mà còn làm tăng chi phí tưới rất lớn (lao động, xăng dầu), rửa trôi đi nhiều chất mùn trong đất…Mặt khác, nhiều nông hộ sản xuất cà phê trên địa bàn tỉnh cũng chưa xác định được thời điểm tưới nước lần đầu một cách tốt nhất, chỉ thấy đất, cây cà phê không tươi tỉnh là đưa máy ra tưới nên làm cho vườn cà phê kinh doanh nở không đều, đậu quả không cao, mất nhiều thời gian, lao động cho thu hoạch.

Quang Huy

Khai thác thủy sản trên ba vùng sinh thái giúp nông dân tăng thu nhập

Năm 2015, Tiền Giang đặt kế hoạch tiếp tục khai thác thủy sản trên cả ba vùng sinh thái (ngọt, lợ, mặn) gắn với chiến lược tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp giúp nông dân tăng thu nhập, ổn định cuộc sống và tạo thêm nguồn hàng hóa chất lượng tốt đáp ứng tiêu dùng và xuất khẩu.

Theo đó, tỉnh có kế hoạch đưa tổng diện tích mặt nước vào nuôi thủy sản trên 15.000 ha, phấn đấu đạt tổng sản lượng thu hoạch đạt khoảng 140.000 tấn tôm cá các loại. Trong đó, riêng diện tích nuôi nước ngọt trên 6.500 ha, còn lại nuôi nước lợ và nước mặn.

Theo ông Nguyễn Thanh Cẩn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tiền Giang sẽ tập trung áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật thâm canh để tăng năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm đối với các đối tượng nuôi chủ lực như tôm, nghêu, cá tra... Cùng với đó, Tiền Giang cũng tập trung tạo nguồn nguyên liệu chế biến xuất khẩu, đồng thời đa dạng hóa đối tượng nuôi, nhân rộng những mô hình nuôi hiệu quả như tôm + lúa, lúa + cá, nuôi cá da trơn thâm canh để phù hợp với từng tiểu vùng sinh thái cũng như trình độ nuôi của bà con.

Đáng chú ý, trong chủ trương tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tỉnh Tiền Giang coi trọng việc lồng ghép nuôi thủy sản nước ngọt trong nội đồng vùng ngập lũ trong các mô hình “chung sống với lũ” kiểu lúa + cá, VAC. Đối với khu vực cù lao nhiễm mặn ven biển, tỉnh đa dạng hóa các mô hình nuôi phù hợp với tôm sú, tôm thẻ làm đối tượng nuôi chủ lực: nuôi tôm quảng canh, nuôi tôm kết hợp luân vụ với trồng lúa (lúa + tôm), nuôi tôm thâm canh.

Nhiều mô hình sáng tạo từ thực tiễn sản xuất theo hướng giảm nhẹ thiệt hại thiên tai và chung sống với lũ mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp đổi mới nông nghiệp – nông dân – nông thôn đang được khuyến khích nhân rộng như: áp dụng trồng lúa với ương dưỡng cá giống trên ruộng ở Hậu Mỹ Bắc A (Cái Bè) giúp nông dân làm giàu. Theo đó, tại ấp Mỹ Chánh 4, Hậu Mỹ Bắc A có diện tích trên 100 ha đều đưa vào sản xuất theo mô hình mới đạt tổng thu trên 100 triệu đồng/ha/năm, như gia đình ông Âu Văn On, cư ngụ tại ấp Mỹ Chánh 4, xã Hậu Mỹ Bắc A có 2,4 ha đất canh tác áp dụng mô hình lúa + cá giống mỗi năm thu bình quân 250 triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Hậu Mỹ Bắc A, hiện nay, nhờ mô hình này, 100% hộ dân trong ấp đã khá và giàu, trên 90% hộ dân cất được nhà kiên cố và mua sắm đầy đủ tiện nghi gia đình. Đây là một trong đổi thay ấn tượng trên địa bàn trước đây vốn là vùng trũng, thường xuyên ngập lũ sông Cửu Long, cuộc sống nông dân hết sức khó khăn ở phía tây Tiền Giang.

Còn ông Đặng Văn Hà, cư ngụ tại ấp Cồn Cống, xã Phú Tân, địa bàn nằm tiếp giáp với biển Đông thuộc huyện Tân Phú Đông quanh năm bị nhiễm mặn, nhiều năm nay ông đã mạnh dạn áp dụng mô hình nuôi tôm quảng canh trên diện tích mặt nước 13 ha. Theo ông Hà, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông lãi trên 300 triệu đồng. Nhờ mô hình này mà từ một nông dân lam lũ vùng đất mặn, ông đã đổi đời, trở thành điển hình sản xuất – kinh doanh giỏi ven biển tỉnh Tiền Giang.

Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông cho hay, để khắc phục hậu quả hạn mặn, giúp nhân dân vùng ven biển cù lao nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, địa phương đã tái cơ cấu nền nông nghiệp phù hợp với đặc thù vùng đất nhiễm mặn ven biển theo hướng chuyên nuôi thủy sản hoặc kết hợp 1 vụ tôm và 1 vụ lúa/ năm. Hiện nay, Tân Phú Đông đã mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản lên trên 5.800 ha trong đó có khoảng 3.000 ha nuôi theo hình thức quảng canh, trên 500 ha nuôi theo mô hình 1 vụ tôm và 1 vụ lúa/ năm, còn lại nuôi thâm canh với 2 đối tượng chính là tôm sú và tôm thẻ.

Việc phát huy tiềm năng nuôi thủy sản trên cả ba vùng sinh thái ngọt, lợ, mặn là một trong những nhân tố để Tiền Giang đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới ngày một thịnh vượng trên những địa bàn khó khăn trước đây.

Minh Trí

Kiên Giang tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn


Ông Nguyễn Thanh Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang cho biết: Định hướng phát triển, tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh đến năm 2020 theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, chuyên canh trên cơ sở đầu tư hạ tầng đồng bộ; chuỗi giá trị sản xuất đồng bộ, hiệu quả, gắn liền với thị trường và xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản.

Theo đó, lĩnh vực trồng trọt, tỉnh phát triển sản xuất quy mô lớn gắn với bảo quản, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở tạo điều kiện, khuyến khích doanh nghiệp liên kết với nông dân, nhất là về lúa gạo. Ngoài việc duy trì, sử dụng diện tích đất trồng lúa 381.485 ha để đảm bảo sản lượng lương thực, tỉnh tập trung phát triển vùng chuyên canh lúa chất lượng cao 100.000 ha tại các huyện Hòn Đất, Tân Hiệp, Gò Quao, Giồng Riềng.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng áp dụng khoa học công nghệ, các biện pháp canh tác bền vững, cải thiện cơ cấu giống và cơ giới hóa để tăng năng suất, sản lượng lúa; đầu tư phát triển công nghiệp chế biến lúa gạo phục vụ tiêu thụ nội địa, xuất khẩu; quy hoạch, chuyên canh, thâm canh, bán thâm canh từng loại cây trồng khác sau lúa phù hợp với từng vùng, tiểu vùng sản xuất, nhất là áp dụng trồng cây màu với công nghệ cao, nhằm cung cấp nguyên liệu cho sản xuất chế biến thức ăn chăn nuôi công nghiệp, giảm nhập khẩu. Cùng với đó, tỉnh cũng phát triển chăn nuôi tập trung, trang trại gắn với áp dụng kỹ thuật, khoa học công nghệ, tăng tỷ trọng gia cầm trong đàn vật nuôi; hỗ trợ chăn nuôi nông hộ theo hình thức công nghiệp, vừa tăng hiệu quả và giá trị gia tăng, tạo sinh kế cho nông dân, vừa hạn chế dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của ngành chăn nuôi. Trong đó, tỉnh chú trọng phát triển đàn gà công nghiệp tại huyện Châu Thành, đàn trâu ở huyện Hòn Đất, đàn bò ở Hà Tiên, Giang Thành, Phú Quốc và một số vật nuôi khác giá trị kinh tế cao, thị trường có nhu cầu.

Đối với kinh tế thủy sản, tỉnh Kiên Giang từng bước giảm dần số lượng tàu khai thác thủy sản ven bờ, đầu tư phát triển mạnh tàu đánh bắt hải sản xa bờ theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp khai thác loài có giá trị kinh tế cao, giảm tổn thất sau thu hoạch. Đồng thời tăng cường cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ khai thác hải sản và hậu cần nghề cá; nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp vùng Tứ giác Long Xuyên diện tích 14.300 ha; nuôi tôm - lúa và xen canh vùng U Minh Thượng diện tích 88.600 ha.

Song song đó, tỉnh phát triển công nghiệp chế biến tinh sâu, đổi mới công nghệ, thiết bị kết hợp với các biện pháp về tổ chức sản xuất, tiêu thụ hàng hóa nhằm nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm. Cụ thể, tỉnh quy hoạch phát triển cơ sở công nghiệp chế biến gắn với từng vùng nuôi trồng, vùng cung ứng nguyên liệu chế biến tập trung ở U Minh Thượng, Tứ giác Long Xuyên, Tây Sông Hậu và các khu, cụm công nghiệp như Tắc Cậu, Xẻo Rô (An Biên), Thạnh Lộc (Châu Thành), Thuận Yên (Hà Tiên)…

Để tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn đạt hiệu quả, tỉnh Kiên Giang thực hiện các giải pháp về quản lý, kiểm soát chặt chẽ quy hoạch, sử dụng đất nông nghiệp. Đồng thời xây dựng cơ chế chính sách thúc đẩy sản xuất, đẩy mạnh cải cách hành chính để thu hút đầu tư và hỗ trợ liên kết doanh nghiệp - nông dân; đầu tư hạ tầng đồng bộ, nhất là điện, giao thông, thủy lợi, cơ sở sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Mặt khác, tỉnh cũng tăng cường công tác thông tin, xúc tiến thương mại, mở rộng và dự báo thị trường để sản xuất hàng hóa nông sản thích ứng nhu cầu thị trường.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, năm 2015, tỉnh ổn định diện tích đất trồng lúa 2 vụ chính là Hè Thu và Đông Xuân khoảng 300.000 ha; phấn đấu cả năm tổng diện tích gieo trồng 4 vụ lúa là 761.184 ha, nâng năng suất bình quân lên 6,1 tấn/ha, sản lượng hơn 4,6 triệu tấn. Đồng thời duy trì và mở rộng diện tích trồng ngô, mè, khoai lang, khoai mì, dưa hấu, rau màu các loại và các loại cây công nghiệp như: mía, hồ tiêu, dừa. Về khai thác và nuôi trồng thủy sản, tỉnh phấn đấu đạt sản lượng 647.125 tấn, trong đó tôm nuôi 56.000 tấn.

Trong năm 2014, giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh chiếm 37,65% GDP toàn tỉnh. Tổng diện tích gieo trồng lúa 754.212 ha, với sản lượng lúa hơn 4,5 triệu tấn; tổng sản lượng thủy sản 635.540 tấn, trong đó khai thác hải sản 462.705 tấn./.



Huy Hải

Những nông dân điển hình trong sản xuất giỏi tại Bà Rịa - Vũng Tàu



Trong những năm qua, phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày càng tăng về số lượng và chất lượng. Nhiều tấm gương vượt khó vươn lên làm giàu của nông dân đã trở thành điển hình tiên tiến, được nhiều hộ nông dân trong tỉnh đến học hỏi kinh nghiệm. Bên cạnh đó, những tấm gương nông dân sản xuất giỏi này đã giải quyết được việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Trước tiên phải kể đến gia đình anh Nguyễn Văn Thái, ở ấp 1, xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Gia đình anh Thái là một trong những hộ sản xuất nấm mèo thành công nhất của tỉnh. Hiện nay, ngoài việc cấy phôi bán cho các hộ có nhu cầu trồng nấm quanh vùng, tại các trại nấm của gia đình anh Thái hiện có khoảng 160.000 bịch nấm mèo và 30.000 bịch nấm bào ngư đang cho thu hoạch. Anh Thái bắt đầu thử nghiệm nuôi cấy phôi nấm và sản xuất nấm mèo từ năm 2003. Ban đầu chỉ là nấm mèo, nhưng vài năm trở lại đây gia đình anh Thái đã mạnh dạn sản xuất thêm cả nấm bào ngư. Hiện trại nấm của anh Thái vừa cung cấp bịch nấm mèo, nấm bào ngư bán cho bà con có nhu cầu trồng, và vừa mở rộng đầu tư trồng nấm tại nhà. Anh Thái cho biết, trồng nấm cho hiệu quả khá hơn các cây trồng khác. Ban đầu, anh Thái đầu tư vào 3 trại nấm với 30.000 bịch nấm mèo, chu kỳ một đợt nấm khoảng từ 1 - 1,5 tháng cho thu hoạch và mỗi vụ thu hoạch trong khoảng 3 tháng. Hiện với 12 trại nấm, gia đình anh Thái sản xuất trên 160.000 bịch, với giá bán nấm mèo khô từ 80.000 - 85.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi vụ nấm, anh Thái thu lời hơn 300 triệu đồng.

Riêng nấm bào ngư anh Thái thu lời hơn 100 triệu đồng/vụ. Ngoài sản xuất nấm ra, anh Thái còn tự mày mò sáng chế ra lò hơi hấp bịch nấm, hiện nay lò hơi này được anh bán rộng rãi cho bà con trồng nấm quanh vùng với gia 250 triệu đồng/lò hơi. Lò hơi do anh tự chế ban đầu hấp được 2.500 bịch, đến nay do được cải tiến nâng cao năng suất nên mỗi lần hấp được 6.000 bịch. Với công việc sản xuất nấm mèo và nấm bào ngư làm được quanh năm, nên hiện nay, gia đình anh Thái giải quyết việc làm cho 4 lao động thường xuyên và mỗi khi vào vụ chính là 10 lao động, với mức lương 3 - 5 triệu đồng/tháng. Từ nghề trồng nấm, gia đình anh chị đã có cuộc sống sung túc, không chỉ làm giàu cho bản thân mà chị cũng chia sẻ kinh nghiệm trồng nấm cho bà con xung quanh để giúp bà con sản xuất hiệu quả, kinh tế ổn định.

Ông Nguyễn Văn Sơn ở ấp Phú Bình, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc - một nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh. Để trồng tiêu hiệu quả, tốn ít công và chi phí, ông Sơn là một trong những hộ trồng tiêu đi tiên phong trong áp dụng hệ thống tưới phun sương trong vườn tiêu, bởi theo ông hệ thống này giúp tưới đều cho các gốc tiêu, không tốn nhiều công lao động vì thế cho năng suất và tiết kiệm chi phí hơn. Cùng với đó, ông cũng chịu khó học hỏi và biết áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào chăm sóc vườn tiêu, đến nay với 3 ha tiêu đang cho thu hoạch, sau khi trừ chi phí phân, thuốc trừ sâu, thuê nhân công ông Sơn thu lợi nhuận trên 1,7 tỷ đồng.

Theo bà Nguyễn Thị Giáng, Trưởng ban Kinh tế, Hội Nông dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong năm qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã gắn kết với nhiệm vụ chính trị của địa phương. Phong trào có sức lôi cuốn và cổ vũ mạnh mẽ trong cán bộ, hội viên nông dân. Xuất hiện ngày càng nhiều điển hình về cách làm ăn mới sáng tạo. Phong trào vừa là mục tiêu, vừa là động lực làm xuất hiện đội ngũ nông dân có tư duy sản xuất mới, làm cơ sở xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa, dần đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp trong thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới. Trong năm qua, phong trào được phát động và thực hiện trên 100% cơ sở của hội. Phong trào ngày càng đạt hiệu quả cao cả về số lượng và chất lượng. Riêng năm 2014, có 57.086 hộ hội viên, nông dân đăng ký danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, trong đó có, 39.050 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Danh hiệu nông dân đạt nông dân giỏi cấp Trung ương có 211 hộ; 1.431 hộ đạt danh hiệu nông dân giỏi cấp tỉnh, 8.706 hộ đạt danh hiệu nông dân giỏi cấp huyện, 28.702 hộ đạt danh hiệu nông dân giỏi cấp cơ sở. Hoạt động nông dân đoàn kết giúp nhau giảm nghèo cũng đã có được những kết quả khả quan. Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với các ngành hỗ trợ các hộ nông dân nghèo phát triển sản xuất; vận động hội viên, nông dân phát huy tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau; vừa động viên hộ nông dân nghèo nỗ lực phấn đấu đi lên.

Kết quả năm 2014, đã có 421 hộ được Hội giúp đỡ vươn lên thoát nghèo, góp phần vào thành tích giảm nghèo chung của tỉnh. Kết quả đạt được từ phong trào này đó là sự nỗ lực phấn đấu của hội viên, nông dân trong toàn tỉnh, biết phát huy nội lực, sáng tạo, tận dụng những điều kiện thuận lợi vượt qua những khó khăn để phát triển sản xuất - kinh doanh, vươn lên làm giàu chính đáng từ bàn tay và trí óc của chính mình.



Hoài Nam
Tin địa phương

Vĩnh Long nâng cao khả năng cạnh tranh 5 mặt hàng nông sản chủ lực

Ông Nguyễn Minh Tho, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long, cho biết, năm 2015, tỉnh Vĩnh Long thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao khả năng cạnh tranh cho 5 mặt hàng nông sản chủ lực gồm lúa gạo, cá tra, bưởi Năm Roi, cam sành và khoai lang.

Theo đó, tỉnh Vĩnh Long tập trung nâng cao chất lượng nông sản thông qua việc đầu tư giống mới, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất. Riêng 2 mặt hàng xuất khẩu chủ lực là lúa gạo và cá tra, tỉnh Vĩnh Long xây dựng hệ thống nhân giống và hỗ trợ sản xuất lúa nguyên chủng, với diện tích 75 ha cung ứng cho các vùng trồng lúa chất lượng cao; xây dựng vùng nuôi cá tra an toàn ứng dụng theo Quy trình Thực hành nuôi tốt và các tiêu chuẩn quốc tế và hỗ trợ nông dân phát triển các mô hình nuôi thủy sản đặc sản có giá trị kinh tế cao như: lươn đồng, cá quả, cá chạch Quế, cá bông lau…

Cùng với việc đẩy mạnh chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá nhãn hiệu các nông sản là khoai lang Bình Tân, chôm chôm Long Hồ, xà lách xoong Bình Minh…; làm cầu nối hỗ trợ cho 150 cơ sở có nhu cầu mua bán các mặt hàng nông sản với các doanh nghiệp xuất khẩu, chế biến nông sản trong và ngoài tỉnh; tỉnh cũng củng cố 35 hợp tác xã nông nghiệp, 234 tổ hợp tác tại các mô hình "Cánh đồng mẫu lớn" để làm nòng cốt trong việc tổ chức sản xuất gắn với hợp đồng tiêu thụ, đồng thời đẩy mạnh chương trình kết nối cung cầu hàng hóa giữa các vùng sản xuất chuyên canh với doanh nghiệp tại Tp.Hồ Chí Minh và Cần Thơ.

Hiện nay, tỉnh Vĩnh Long đã xây dựng vùng nguyên liệu rau củ quả gồm chôm chôm, nhãn, bưởi, hành lá, xà lách xoong, khoai lang… gắn với xây dựng nhãn hiệu hàng hóa; xây dựng mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” sản xuất cây màu luân canh (vừng, đỗ tương, khoai mỡ, ngô nếp), với diện tích 40 ha, đồng thời khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa theo các mô hình lúa - màu, lúa - thủy sản, chuyên màu mang lại hiệu quả cao.

Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2011-2015, tỉnh Vĩnh Long đã triển khai 14 dự án về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và tổ chức lại hình thức sản xuất, ưu tiên đầu tư cho các sản phẩm nông sản chủ lực, có quy mô lớn, chất lượng tốt và có thương hiệu. Nhờ vậy đến cuối năm 2014, Vĩnh Long mở rộng diện tích cây màu luân canh trên đất lúa tăng gần 8% so với năm 2013, xây dựng vùng chuyên canh cây ăn trái gắn với thương hiệu đứng thứ 2 vùng Đồng bằng sông Cửu Long với diện tích trên 40.000 ha, 80% diện tích sản xuất lúa sử dụng giống xác nhận đáp ứng yêu cầu chế biến xuất khẩu và khôi phục các vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp mà tỉnh là việc xây dựng liên kết doanh nghiệp - người sản xuất, xây dựng hình thức ký kết hợp đồng đa dạng để tạo thuận lợi trong tiêu thụ nông sản của nông dân trên địa bàn, góp phần nâng cao hiệu quả các dự án tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiện vẫn còn yếu. / K.P
Năm 2015, Bình Định xây dựng 250 cánh đồng mẫu lớn theo chuỗi giá trị

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Định - ông Phan Trọng Hổ, cho biết, năm 2015, tỉnh Bình Định đặt mục tiêu xây dựng 250 cánh đồng mẫu lớn (CĐML) theo chuỗi giá trị, tăng 17 CĐML so với năm 2014. Trong đó, có 230 CĐML trồng lúa với tổng diện tích 10.000 ha và 20 CĐML trồng các cây hoa màu như ngô, lạc và sắn với tổng diện tích 1.000 ha.

Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh Bình Định đã xây dựng CĐML theo hướng liên kết chuỗi giá trị gắn với đảm bảo chất lượng nông sản, liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ với sự tham gia của các doanh nghiệp cung ứng vật tư kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm và các Hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) là cầu nối trung gian giữa nông dân và doanh nghiệp. Tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp, các nhà khoa học và nông dân thực hiện các dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp, hỗ trợ tư vấn kỹ thuật canh tác, cho vay vốn. Ngoài ra, tỉnh có chính sách hỗ trợ kinh phí 500 triệu đồng để tổ chức tập huấn kỹ thuật và xây dựng mô hình chuyển đổi diện tích trồng lúa thiếu nước sang trồng cây hoa màu theo chuỗi giá trị.

Năm 2014, tỉnh Bình Định xây dựng được 233 CĐML, với tổng diện tích trên 9.700 ha, thu hút trên 58.000 lượt hộ nông dân tham gia. Năng suất lúa đạt bình quân trên 73 tạ/ha/vụ, cao hơn ngoài mô hình gần 5 tạ/ha/vụ; lợi nhuận đạt trên 23,6 triệu đồng/ha, cao hơn so với ngoài mô hình hơn 3,7 triệu đồng. Do các chi phí về giống, thuốc bảo vệ thực vật và công lao động đầu tư trên một CĐML giảm nên lợi nhuận đạt cao hơn so với ngoài mô hình từ 11-12 triệu đồng.

Ông Đỗ Chuyên, thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát, cho biết, gia đình ông tham gia trồng giống lạc L14, với diện tích 5 sào trung bộ và được áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật từ giống, phân bón và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý… Kết quả, vụ lạc năm 2014, năng suất đạt 74,8 tạ/ha, tăng 7,8 tạ/ha (lạc tươi) so với ngoài mô hình, thu nhập đạt 98 triệu đồng/ha, lãi ròng 53 triệu đồng/ha, tăng 20 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình.

Ông Lương Văn Ký, Công ty cây trồng Miền Trung - Tây Nguyên cho biết, tham gia vào xây dựng CĐML tại Bình Định, trong năm qua, công ty đã được tỉnh giao sản xuất giống 900 ha/vụ. Công ty đã hỗ trợ cho nông dân giống lúa tốt, chất lượng và kỹ thuật gieo sạ, chăm sóc đúng quy trình sản xuất để xây dựng CĐML đạt kết quả kinh tế cao. Thực hiện cam kết cuối vụ công ty đã thu mua hết sản phẩm cho nông dân./ V.Y


Thanh Hóa phát triển cây trồng, vật nuôi đặc sản ở vùng cao

Phát triển cây trồng, vật nuôi có lợi thế theo hướng bền vững; từng bước áp dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến nhằm tăng năng suất, chất lượng, tạo sản phẩm hàng hóa chủ lực, đặc trưng riêng cho địa bàn miền núi, đáp ứng nhu cầu đa dạng trong tỉnh và xuất khẩu… Đó là mục tiêu hướng đến của Đề án “Phát triển cây trồng, vật nuôi và các sản phẩm đặc sản trên địa bàn các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020” do UBND tỉnh phê duyệt.

Đề án được thực hiện tại 11 huyện miền núi bao gồm Mướng Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh, Ngọc Lặc, Thường Xuân, Như Xuân, Như Thanh, Cẩm Thủy, Thạch Thành. Thực hiện Đề án, các huyện miền núi sẽ phát triển 7 loại cây trồng đặc sản có lợi thế với tổng diện tích trên 10.000 ha, bao gồm: hơn 7.500 ha quế; 500 ha khoai sọ vàng; 700 ha lúa nếp hạt cau, lúa nếp hoa vàng; 200 ha lúa nếp nương; gần 1.500 ha các loại cây dược liệu, cây đào cảnh, cây Thanh Long. 5 loại vật nuôi đặc sản chủ yếu là: lợn cỏ khoảng 60.000 con; lợn lòi lai 10.000 con; dê 70.000 con; gà đồi, vịt cổ lũng và vịt bầu cổ xanh hơn 1 triệu con. Sản lượng thịt hơi các loại đạt trên 9.400 tấn…

Để Đề án phát huy hiệu quả, các huyện miền núi đang xây dựng và đăng ký thương hiệu cho các loại sản phẩm đặc sản của khu vực; mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Các sản phẩm đặc sản có giá trị kinh tế cao phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của từng vùng được đầu tư, phát triển.

Các địa phương tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao khoa học và nhân rộng mô hình sản xuất; tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh để sản xuất ra các sản phẩm đặc sản có chất lượng và an toàn. Việc kêu gọi đầu tư và tìm kiếm thị trường đầu ra để tiêu thụ sản phẩm, dần khẳng định thương hiệu cho sản phẩm đặc sản được đẩy mạnh.

Nhiều mô hình trọng điểm về sản xuất cây nguyên liệu phục vụ chế biến công nghiệp, mô hình chăn nuôi tập trung ngoài khu dân cư được xây dựng, tạo điều kiện để kinh tế hộ gia đình phát triển theo hướng mở rộng quy mô trang trại; khuyến khích liên kết hộ nông dân với các doanh nghiệp, hợp tác xã… Các huyện miền núi phát huy vai trò hệ thống khuyến nông và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế. /KT


Bạc Liêu tổ chức sản xuất nông nghiệp theo vùng sinh thái

Năm 2015, tỉnh Bạc Liêu đã chọn lúa và tôm tương ứng là cây trồng và vật nuôi chủ lực của địa phương. Theo đó, tỉnh tập trung tổ chức sản xuất theo vùng sinh thái phù hợp với đặc điểm của từng vùng và từng địa phương theo hướng bảo vệ môi trường.

Đối với nuôi tôm, tỉnh tổ chức nuôi thâm canh, bán thâm canh theo tiêu chuẩn VietGAP được ưu tiên thực hiện để tạo ra sản lượng tôm sạch, nâng tính bền vững cho môi trường trên địa bàn. Địa phương sẽ đầu tư sản xuất tại 2 vùng sinh thái mặn ở phía Nam vì đây khu vực tập trung cho việc sản xuất tôm công nghiệp với diện tích rộng tới 15.000 ha.

Đối với vùng ngọt phía Bắc chuyên sản xuất lúa và nuôi tôm xen canh thuộc các huyện Phước Long, Hồng Dân và Giá Rai, ngành nông nghiệp địa phương đã được hướng dẫn nâng cao năng lực ứng phó biến đổi khí hậu dưới sự tài trợ của Dự án GIZ do CHLB Đức tài trợ, sự hợp tác của Dự án Clues, do Chính phủ Úc tài trợ. Mục tiêu chọn tạo các giống lúa mới có khả năng chịu mặn, chịu ngập và chịu hạn.


Với cây lúa, tỉnh Bạc Liêu sẽ hình thành các vùng lúa hàng hóa tập trung bằng cách nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn ở huyện Phước Long; Hồng Dân với sự liên kết “4 nhà”. Khâu bao tiêu sản phẩm được quan tâm thông qua việc xúc tiến xây dựng giai đoạn 2 nhà máy chế biến gạo xuất khẩu công suất 200.000 tấn/năm tại huyện Hồng Dân do Công ty Bảo vệ Thực vật An Giang đầu tư.

Năm 2015, Bạc Liêu phấn đấu đạt sản lượng lúa 1.035.000 tấn, tăng 35.000 tấn so với năm 2014 và sản lượng tôm nuôi 110.000 tấn. Hiện nay, mùa tôm mới của Bạc Liêu đã bắt đầu, người nuôi tôm thực hiện cải tạo ao đầm xong hơn 45.000 ha, thả giống gần 50.000 ha. Vụ Đông Xuân 2014 - 2015, nông dân cũng đã xuống giống trên 25.000 ha, đạt 50% kế hoạch về diện tích./C.T



Cà Mau quy hoạch diện tích sản xuất rau màu thành cánh đồng lớn

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, tỉnh vừa quy hoạch diện tích sản xuất rau màu cánh đồng lớn giai đoạn 2015-2020 ở tổng diện tích 440 ha, tập trung chủ yếu tại hai huyện U Minh và Trần Văn Thời.

Việc quy hoạch này nhằm thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở địa phương. Theo đó, quy hoạch không chỉ bố trí, sắp xếp lại tổ chức sản xuất tập trung ổn định, bền vững mà còn tạo điều kiện thuận lợi trong việc hỗ trợ cho nông dân ứng dụng kỹ thuật - công nghệ tiến bộ, nhất là khuyến khích nông dân liên kết sản xuất rau màu sạch theo tiêu chuẩn VietGAP.

Điều quan trọng là có sự gắn kết chặt chẽ giữa bốn nhà là Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nông trong thực hiện mô hình sản xuất rau màu cánh đồng lớn theo hướng sản xuất ổn định, bền vững. Cùng với việc quy hoạch này, UBND tỉnh cũng ban hành Quyết định số 1823/QĐ-UBND về việc quy định tiêu chí cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Trong đó, tiêu chí khuyến khích cánh đồng lớn có hạng tầng kinh tế như hệ thống giao thông nội đồng, thủy lợi, điện và các công trình phục vụ sản xuất khác đáp ứng yêu cầu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và từng bước cải thiện theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung.

Bên cạnh đó, tỉnh áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, công nghệ tiên tiến sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, VietGAP và có cơ sở thu mua, bảo quản, chế biến nông sản gần nơi sản xuất. Đồng thời triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Do cánh đồng lớn rau màu ở Cà Mau được triển khai tại các xã có địa hình tương đối bằng phẳng, có hệ thống thủy lợi, thủy nông nội đồng hoàn chỉnh đảm bảo tiêu thoát nước nên cũng thuận tiện ở khâu thực hiện cơ giới hóa các khâu trong sản xuất khép kín, góp phần giảm phí sản xuất, tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả sản xuất, tỉnh khuyến cáo các địa phương cần xây dựng mỗi cánh đồng lớn cần đạt quy mô từ 5ha trở lên; đảm bảo đồng bộ các khâu chọn giống, xuống giống đồng loạt, chăm sóc, biện pháp kỹ thuật. /K.H


Vĩnh Long tập trung vào 3 mũi nhọn kinh tế nông nghiệp

Năm 2015, với mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp tăng trưởng cả về giá trị và chất lượng sản phẩm, tỉnh Vĩnh Long tập trung đẩy mạnh thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tập trung vào 3 mũi nhọn đột phá là khai thác tiềm năng nuôi trồng thủy sản, phát triển diện tích cây ăn trái đặc sản đã có thương hiệu và mở rộng diện tích cánh đồng mẫu lớn.

Năm nay, tỉnh Vĩnh Long quy hoạch diện tích nuôi trồng thủy sản 2.730 ha, 670 lồng bè, ước sản lượng đạt gần 120.000 tấn. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh tập trung nguồn lực bố trí cho các dự án trọng điểm như đầu tư 40 tỷ đồng thực hiện chương trình nuôi trồng thủy sản, đầu tư 25 tỷ đồng xây dựng hạ tầng vùng nuôi cá tra tập trung diện tích 230 ha tại 2 huyện Vũng Liêm, Mang Thít và 20,8 tỷ đồng nâng cấp trại giống thủy sản quy mô 18 ha. Phòng Nông nghiệp của các huyện có thế mạnh về nuôi trồng thủy sản như Long Hồ, Vũng Liêm, Mang Thít khuyến khích người nuôi hình thức nuôi hợp đồng gia công, tổ hợp tác, hợp tác xã và đẩy mạnh hoạt động Liên hiệp Hợp tác xã thủy sản làm đầu mối liên kết với doanh nghiệp hợp đồng tiêu thụ với người nuôi, qua đó đưa thuỷ sản trở thành mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của tỉnh.

Tỉnh tiếp tục phát huy thế mạnh kinh tế vườn, mở rộng diện tích vườn cây ăn trái lên 41.670 ha, trong đó, diện tích vườn cho sản phẩm trên 35.400 ha, dự kiến sản lượng 405.000 tấn, trong đó, tập trung đầu tư nhân rộng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế GlobalGAP đối với 2 sản phẩm thế mạnh có thương hiệu là bưởi Năm Roi Bình Minh và cam sành Tam Bình để cung ứng cho xuất khẩu.

Trong sản xuất lúa, năm nay, tỉnh Vĩnh Long ổn định diện tích sản xuất lúa 172.200 ha, dự kiến sản lượng cả năm 1.044.000 tấn. Tỉnh bố trí nguồn vốn 10 tỷ đồng cho 2 dự án trọng điểm đầu tư hạ tầng cánh đồng mẩu lớn quy mô 934 ha tại 2 xã: Đông Thạnh (thị xã Bình Minh) và Tân Long (huyện Mang Thít); đẩy mạnh xã hội hoá công tác giống, nhân và chuyển giao giống lúa tốt cho nông dân. Nông dân còn chủ động tìm và chọn những giống lúa chất lượng cao để sản xuất. Các huyện đều xây dựng khu vực sản xuất lúa chất lượng cao, thành lập các tổ nhân giống, từng bước hình thành cơ cấu giống lúa tốt, khuyến khích nông dân sử dụng giống lúa mới, có phẩm chất gạo ngon, trong đó có gần 80% diện tích sản xuất giống chất lượng cao như OM 4900, OM 5451, OM 7347… cung ứng cho chế biến xuất khẩu./ K.P
Mô hình đệm lót sinh thái tại Gia Lai cho hiệu quả cao
Mô hình đệm lót sinh thái trong chăn nuôi gia súc, gia cầm được huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai triển khai thí điểm tại 2 hộ gia đình từ đầu năm 2014. Mô hình có qui mô 100 m2 nuôi gần 90 con lợn với kinh phí thực hiện hơn 100 triệu đồng; trong đó, vốn sự nghiệp khoa học tỉnh hỗ trợ 90 triệu đồng, còn lại vốn đóng góp của 2 gia đình.

Mô hình này giúp giảm công vệ sinh chuồng trại hàng ngày, tiết kiệm chi phí điện và nước... Gia súc, gia cầm nuôi trên nền đệm lót sinh học có môi trường gần tương đồng với môi trường tự nhiên nên khả năng sinh trưởng mạnh, tăng trọng nhanh hơn từ 30 đến 35%. Đặc biệt, gia súc gia cầm có sức đề kháng tốt, hạn chế tối đa dịch bệnh ngoài da, thối móng, đặc biệt là các bệnh lý về đường ruột so với gia súc, gia cầm nuôi trên nền chuồng xi măng.

Mô hình đệm lót sinh thái có đặc tính tiêu hủy phân nhanh, khắc phục được mùi hôi, thối, cải thiện môi trường sống nên rất phù hợp với qui mô hộ gia đình ở khu dân cư, vùng ven đô thị và nông thôn. Nguyên liệu dùng làm đệm lót sinh học rất đa dạng, chủ yếu tận dụng các phế phụ phẩm nông nghiệp như mùn cưa, trấu, cùi ngô… Thời gian sử dụng khá dài, từ 3 đến 4 lứa mới thay đệm lót, đặc biệt đệm lót sau khi thay có thể sử dụng làm phân bón rất tốt cho các loại cây trồng.

Theo ông Đỗ Đức Định, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai, sau 1 năm triển khai thực tế tại các hộ gia đình trên địa bàn huyện, mô hình đệm lót sinh thái trong chăn nuôi gia súc, gia cầm được bà con đánh giá có tính khả thi cao với nhiều lợi ích thiết thực.

Với đặc tính đơn giản, dễ làm, mô hình đệm lót sinh thái trong chăn nuôi gia súc, gia cầm hứa hẹn nhiều triển vọng và cần được đầu tư nhân rộng trong nhân dân. Mô hình này thực sự hữu dụng đối với con vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số góp phần từng bước thay đổi tập tục chăn nuôi lạc hậu nâng cao chất lượng sản phẩm chăn nuôi, tăng thu nhập góp phần xóa đói, giảm nghèo vùng nông thôn./ H.N

Văn bản mới


Hướng dẫn quản lý, xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, công bố tiêu chuẩn quốc gia thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Ngày 16/12/2014, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Thông tư số 48/2014/TT-BNNPTNT về việc Hướng dẫn quản lý, xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, công bố tiêu chuẩn quốc gia thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến quản lý, xây dựng, ban hành quy chuẩn, công bố tiêu chuẩn thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Theo đó, yêu cầu đối với quy hoạch, kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia

- Đối với quy hoạch xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn: đảm bảo thể hiện đầy đủ mục tiêu, lộ trình và giải pháp thực hiện. Kết quả của từng giai đoạn phải phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và PTNT; Đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong hệ thống, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, chiến lược, quy hoạch phát triển của ngành và lĩnh vực.

- Đối với kế hoạch 5 năm xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn: Phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt; đáp ứng yêu cầu quản lý, nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh và hội nhập quốc tế; phù hợp với trình độ phát triển khoa học và công nghệ của ngành, quốc gia.

- Đối với kế hoạch hàng năm xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn. Kế hoạch hàng năm xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn phải phù hợp với kế hoạch 5 năm.

Lập và phê duyệt, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn: Nội dung của quy hoạch tiêu chuẩn, quy chuẩn gồm: quy hoạch tiêu chuẩn, quy chuẩn các chuyên ngành, lĩnh vực, đối tượng cần xây dựng tiêu chuẩn; tổng số tiêu chuẩn cho từng chuyên ngành, lĩnh vực, đối tượng; lộ trình thực hiện; nguồn lực để đáp ứng yêu cầu xây dựng tiêu chuẩn cho từng giai đoạn; các biện pháp thực hiện.

Lập quy hoạch: Căn cứ chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, các Tổng cục, Cục quản lý chuyên ngành thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT (sau đây gọi là Tổng cục, Cục) đề xuất quy hoạch xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn thuộc lĩnh vực chuyên ngành được phân công quản lý (phụ lục 1 kèm theo Thông tư này) và gửi Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường.

Đối với quy hoạch xây dựng tiêu chuẩn: Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường tổng hợp, thẩm tra và trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ký, gửi Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, phê duyệt.

Đối với quy hoạch xây dựng quy chuẩn: Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường tổng hợp, thẩm tra và trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt; Thông báo công khai trên trang tin điện tử của Bộ trong thời gian 30 ngày kể từ ngày phê duyệt và gửi Bộ Khoa học và Công nghệ.

Nội dung của kế hoạch 5 năm xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn gồm: lĩnh vực, đối tượng cụ thể cần xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn; phân loại tiêu chuẩn, quy chuẩn; số lượng cần xây dựng; thời gian thực hiện; nguồn kinh phí và kinh phí dự kiến; cơ quan, tổ chức, cá nhân đề nghị.

Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường tổng hợp, xây dựng dự thảo kế hoạch 5 năm xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn của Bộ gửi các tổ chức, cá nhân có liên quan và thông báo trên trang tin điện tử (website) hoặc tạp chí, ấn phẩm của Bộ để lấy ý kiến (thời gian lấy ý kiến ít nhất là 60 ngày kể từ ngày gửi dự thảo đi lấy ý kiến) và hoàn thiện dự thảo kế hoạch 5 năm (theo mẫu phụ lục 2 kèm theo Thông tư này).

Đối với kế hoạch 5 năm xây dựng tiêu chuẩn: Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường chủ trì hướng dẫn, tổng hợp, thẩm tra và trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT ký, gửi Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, phê duyệt.



Đối với kế hoạch 5 năm xây dựng quy chuẩn: Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường chủ trì hướng dẫn, tổng hợp, thẩm tra và trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT thôn phê duyệt; thông báo cho các cơ quan, tổ chức có liên quan và công khai trên trang tin điện tử (website) hoặc tạp chí, ấn phẩm của Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày phê duyệt.

Trên cơ sở đề nghị của các Tổng cục, Cục, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường chủ trì rà soát, thẩm tra và trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT: Phê duyệt sửa đổi, bổ sung kế hoạch 5 năm xây dựng quy chuẩn, sau đó thông báo công khai quyết định sửa đổi, bổ sung trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày phê duyệt; gửi Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét phê duyệt dự thảo kế hoạch sửa đổi, bổ sung kế hoạch 5 năm xây dựng tiêu chuẩn. Trình tự lập dự thảo kế hoạch điều chỉnh, bổ sung kế hoạch 5 năm theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.

Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Tổng cục, Cục thông báo việc ban hành, sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ quy chuẩn trên trang tin điện tử (website) hoặc tạp chí, ấn phẩm của Tổng cục, Cục và của Bộ trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành, sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ quy chuẩn. Tổng cục, Cục chủ trì tổ chức thực hiện kế hoạch triển khai việc phổ biến, hướng dẫn áp dụng quy chuẩn thuộc lĩnh vực được phân công quản lý. Việc phổ biến, hướng dẫn áp dụng quy chuẩn cần được thực hiện ngay sau khi quy chuẩn kỹ thuật được ban hành thông qua các lớp tập huấn, hội nghị, hội thảo và các hình thức thích hợp khác. Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường chủ trì, phối hợp với Tổng cục, Cục tổ chức thực hiện kế hoạch xuất bản và phát hành quy chuẩn./T.H
Ngành Nông nghiệp cần tiếp tục nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Hội nghị tổng kết ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2014 và triển khai kế hoạch năm 2015.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, trong năm 2015, ngành Nông nghiệp cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan chức năng, các địa phương tích cực phổ biến, cung cấp thông tin, kiến thức nhằm nâng cao nhận thức của người dân về thị trường, mô hình tổ chức sản xuất kinh doanh giỏi, xóa bỏ tư duy chỉ làm nông nghiệp giá rẻ và phải coi đây là nhiệm vụ quan trọng để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Trong tái cơ cấu đầu tư công cần nghiên cứu, có cơ chế, chính sách thu hút và nhân rộng mô hình tư nhân bỏ vốn đầu tư vào các công trình cung cấp nước sạch, xử lý chất thải ở nông thôn, thủy lợi và các lĩnh vực khác.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu ngành Nông nghiệp cần đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất. Phát triển các hình thức hợp tác, liên kết giữa người sản xuất với các doanh nghiệp, hợp tác xã để tổ chức sản xuất hàng hóa theo hướng tập trung quy mô lớn, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ; tiếp tục hình thành, nhân rộng các mô hình doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để sản xuất kinh doanh, cạnh tranh hiệu quả. Đồng thời, tăng cường nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, phát huy quyền tự chủ, hoạt động như doanh nghiệp của các cơ sở nghiên cứu; tăng cường mối liên kết giữa người dân với doanh nghiệp, với nhà khoa học trong tất cả các khâu, các lĩnh vực nhằm thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao nhanh tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, trong đó có chuyển giao kỹ thuật về sử dụng giống, phân bón cho nông dân.

Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công Thương kịp thời giải quyết các rào cản kỹ thuật về thị trường với các nước liên quan để không ngừng mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản; nghiên cứu áp dụng các rào cản kỹ thuật phù hợp với cam kết quốc tế nhằm kiểm soát, ngăn chặn hàng nông sản, thực phẩm kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm nhập khẩu vào nước ta.

Năm 2014, tốc độ tăng tổng giá trị sản lượng toàn ngành nông nghiệp đạt 3,6%, tốc độ tăng giá trị GDP đạt 3,3% trong khi năm 2012, 2013 đều đạt mức 2,67, 2,68%. Trong đó, sản xuất lúa được mùa cả 3 vụ, sản lượng đạt 45 triệu tấn, tăng 2,3%, ngô, sắn, cà phê, chè, tiêu... đều tăng từ 4,8-7,2%. Chăn nuôi tăng sản lượng, được giá với nhiều cơ sở kiểu công nghiệp, áp dụng công nghệ cao. Thủy sản tăng mạnh về khai thác xa bờ, tăng 3,9%, nuôi trồng tăng 4%. Tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông lâm nghiệp năm qua đạt 30,86 tỷ USD, tăng 11,2% với trên 10 mặt hàng trên 1 tỷ USD.

Chuyển dịch, tái cơ cấu ngành nông nghiệp đạt những kết quả tích cực. Trong trồng trọt, việc chuyển đổi đất lúa và các cây trồng kém hiệu quả sang các cây trồng có giá trị cao, phù hợp với lợi thế của nhiều địa phương và nhu cầu thị trường được triển khai trên diện rộng. Diện tích cao su đã được ổn định, cà phê, điều được đẩy mạnh tái canh…

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các chương trình phát triển nông thôn khác được triển khai mạnh mẽ. Đến nay đã có 97% số xã phê duyệt quy hoạch nông thôn mới, 87% phê duyệt đề án, 9.000 mô hình được đưa vào sản xuất. Đến hết năm, bình quân mỗi xã đạt 10 tiêu chí, trong đó gần 1.000 (8,8%) xã đạt chuẩn./ T.H

Quy định các bệnh phải kiểm tra định kỳ đối với cơ sở chăn nuôi gia súc giống, gia cầm giống, bò sữa
Ngày 01/12/2014, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Thông tư số 44/2014/TT-BNNPTNT về việc Quy định các bệnh phải kiểm tra định kỳ đối với cơ sở chăn nuôi gia súc giống, gia cầm giống, bò sữa.

Thông tư này quy định về các bệnh phải kiểm tra định kỳ; nội dung, phương pháp kiểm tra; xử lý kết quả kiểm tra đối với các bệnh phải kiểm tra định kỳ.. Thông tư này áp dụng đối với các các cơ sở chăn nuôi gia súc giống, gia cầm giống, bò sữa trên lãnh thổ Việt Nam; các cơ quan nhà nước có liên quan.




tải về 0.84 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương