Năm 2014, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt khá, xuất khẩu tăng kỷ lục



tải về 0.84 Mb.
trang5/8
Chuyển đổi dữ liệu18.08.2016
Kích0.84 Mb.
#22662
1   2   3   4   5   6   7   8

Kết quả nghiên cứu

Kết quả từ 60 mô hình trình diễn diện rộng giải pháp tích hợp GroMore trên cả nước đã giảm một các đáng kể lượng giống gieo sạ (11,5%), lượng phân đạm (6,3%) và lượng hoạt chất thuốc BVTV (32,3%). Qua đó, giúp tiết kiện chi phí sản xuất cũng như giảm những tác động tiêu cực cho môi sinh.

Giải pháp tích hợp GroMore đã thể hiện sự khác biệt rõ rệt so với TQND về năng suất.

Năng suất bình quân khác biệt giải pháp tích hợp GroMore so với TQND là 624kg/ha.

Hiệu lực trừ dịch hại cao và tỉ lệ đổ ngã thấp hơn rất ý nghĩa giữa giải pháp tích hợp GroMore so với TQND. Điều này cho thấy, các sản phẩm nông dược được khuyến cáo trong giải pháp tích hợp GroMore có khả năng kiểm soát tốt dịch hại, đồng thời, các biện pháp canh tác trong giải pháp cũng góp phần giảm thấp tỉ lệ đổ ngã.

Hiệu ứng cây khỏe thể hiện qua màu sắc lá cũng cho thấy cao hơn rất ý nghĩa khi so sánh giữa giải pháp tích hợp GroMore so với TQND:

So sánh số lần phun thuốc BVTV ở khu vực phía Bắc, giải pháp tích hợp GroMore có cao hơn so với TQND trung bình 0,5 lần/vụ nhưng ở khu vực miền Trung và phía Nam thì lại thấp hơn trung bình là 0,7 và 0,9 lần/vụ. Như vậy, bình quân trên cả nước, trung bình số lần phun thuốc BVTV ở giải pháp tích hợp GroMore so với TQND giảm đi 0,4 lần/vụ. Tuy sự khác biệt này chưa cao nhưng qua đó cũng cho thấy bước đầu khi áp dụng theo giải pháp này người nông dân sử dụng thuốc BVTV có hợp lý hơn, hiệu quả hơn, dần giảm đi số lần phun không cần thiết trên đồng ruộng.

(*) Lần phun thuốc bao gồm cả phun đơn và phối trộn 2 hay nhiều loại thuốc với nhau.

Khi áp dụng giải pháp tích hợp GroMore cũng cải thiện được tỉ lệ hạt lép (3%); tỉ lệ xay chà (2%); riêng tỉ lệ gạo nguyên gia tăng đến 6% so với TQND. Điều này rất có ý nghĩa trong việc làm gia tăng năng suất và chất lượng hạt, góp phần cải thiện thu nhập cho người nông dân khi áp dụng giải pháp tích hợp GroMore trên chính thửa ruộng của họ.

Lợi nhuận tăng thêm ở giải pháp tích hợp GroMore so với TQND 4.146.000 đ/ha, đạt 26,4%.

Qua kết quả thực hiện các mô hình trên diện rộng cho thấy, giải pháp tích hợp GroMore đã đạt được các mục tiêu trước mắt như đề ra như năng suất gia tăng 10,1% (624 kg/ha); Tỉ lệ gạo nguyên tăng 6,0%; Lợi nhuận tăng thêm 4.146.000 đ/ha, tương ứng 91,8% so với đầu tư; Số lần phun thuốc BVTV là 5,9 lần/vụ. Ngoài ra, canh tác theo giải pháp tích hợp GroMore còn giảm được lượng giống (11,5%), lượng phân đạm (6,3%), lượng thuốc BVTV (32,3%). Trong bối cảnh áp lực dịch hại cao bất thường trong những năm gần đây, cũng như sự biến động ở mức cao của giá cả vật tư nông nghiệp, công lao động và sự biến động ở mức thấp của giá cả nông sản thì đây là kết quả rất đáng khích lệ. Hiệu quả của giải pháp GroMore còn có thể sẽ cao hơn nữa trong những điều kiện sản xuất và thị trường ổn định hơn.

Trên kết quả đó, giải pháp GroMore đã được công nhận là tiến bộ kỹ thuật, phù hợp để áp dụng vào sản xuất tại 11 tỉnh trồng lúa trọng điểm trên cả nước như Kiên Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Trà Vinh, Hậu Giang; Phú Yên, Hà Tĩnh; Thái Bình, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bắc Giang.

Nhìn chung, giải pháp tích hợp GroMore – Syngenta, một cách linh động đã kết hợp hài hòa tất cả các giải pháp tiên tiến từ trong và ngoài nước, hoàn toàn phù hợp với điều kiện canh tác tại nhiều địa phương khác nhau trên cả nước, dễ áp dụng, phù hợp với tập quán canh tác của bà con nông dân, đã cải thiện được năng suất lúa và nâng cao thu nhập cho người nông dân so với tập quán canh tác truyền thống. Giải pháp tích hợp GroMore cũng góp phần làm thay đổi dần tập quán lạm dụng thuốc BVTV, sử dụng các nông dược độc hại của một số đông nông dân, từ đó, góp phần tiết giảm chi phí trong sản xuất cũng như bảo vệ môi trường tự nhiên và giảm thiểu sự tác động đến quần thể thiên địch trên đồng.



Nguồn: Công ty TNHH Syngenta VN

CÔNG NGHỆ CAO –

CHÌA KHÓA VÀNG TRONG TÁI CƠ CẤU NÔNG NGHIỆP
TH là đơn vị đang thực hiện các dự án sữa tươi sạch, trồng - chiết xuất dược liệu, trồng rau sạch tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Để phát triển nông nghiệp, Tập đoàn TH xác định, đổi mới diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống nông dân cần tăng lợi nhuận trên một ha canh tác, tạo ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, có giá trị cao. Chìa khóa vàng cho mục tiêu này, không gì khác, chính là ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất nông nghiệp.

Dự án sữa tươi sạch TH True MILK của Tập đoàn TH do Ngân hàng Bắc Á tư vấn đầu tư có tổng mức đầu tư 1,2 tỷ USD trên tổng diện tích 37.000 ha với 137.000 con bò được chia làm 2 giai đoạn (từ năm 2009 - 2017). Dự án đến nay cơ bản đã hoàn thành xong giai đoạn I với mức vốn đầu tư là 450 triệu USD trên diện tích đất sử dụng 8.100 ha với 45.000 con bò cho sữa với năng suất bình quân toàn đàn trên 30 lít/con/ngày, vượt xa năng suất cho sữa của các dự án và hộ nông dân đang nuôi bò sữa ở Việt Nam hiện nay. Dự kiến khi dự án hoàn thành vào năm 2017, tổng đàn bò sữa sẽ chiếm khoảng 50% tổng đàn bò trong cả nước. Ngày 9/7/2013, Nhà máy Chế biến sữa tươi sạch TH true MILK hiện đại nhất Đông Nam Á với công suất 500.000 lít/ngày đi hoạt động đánh dấu sự hoàn thiện mô hình khép kín từ chăn nuôi, sản xuất đến phân phối sữa của Tập đoàn TH.

Dự án được khởi động từ năm 2009 với định hướng: Tạo ra bước đột phá trong nông nghiệp và thị trường sữa Việt Nam, từng bước nâng cao tầm vóc, trí tuệ nòi giống Việt, đóng góp hiệu quả cho nền kinh tế. Ý tưởng của dự án xuất phát từ năm 2008, khi những thông tin về sữa nhiễm chất độc mêlamin gây ung thư cho trẻ em ở Trung Quốc làm bàng hoàng dư luận. Lúc đó, thị trường sữa trong nước có đến 92% là sữa bột, nhập về pha lại. Ma trận nhãn mác của các hãng sữa, cùng với khái niệm về sữa thiếu minh bạch của cơ quan quản lý Nhà nước tạo ra nhiều rủi ro cho người tiêu dùng, nhất là trẻ em – tương lai đất nước. Ngoài ra, việc tiêu tốn hơn 1 tỷ USD/năm để nhập sữa bột là một sự phi lý đối với đất nước có thế mạnh về nông nghiệp như Việt Nam. Đến nay, sau 4 năm ra đời, dự án sữa tươi sạch TH true MILK đạt được kết quả sau:

- TH góp phần chủ lực kéo giảm tỷ lệ nhập khẩu sữa bột xuống còn 70%. Sữa tươi sạch TH true MILK từ mô hình chăn nuôi tập trung, sản xuất, chế biến khép kín theo công nghệ hiện đại nhất thế giới từ Israel, Đức, Newzeland, Italia … của TH chiếm được lòng tin yêu của người tiêu dùng. TH đã tạo ra cuộc cách mạng về sản phẩm sữa tươi sạch, đưa TH true MILK trở thành sản phẩm tiêu chuẩn quốc tế có thương hiệu số 1 về sữa tươi tại thị trường Việt Nam. TH true MILK đã định nghĩa lại sản phẩm sữa, giúp người tiêu dùng phân biệt và hiểu rõ chất lượng của sữa tươi và sữa bột hoàn nguyên; giữa sữa tươi từ mô hình chăn nuôi sản xuất theo CNC và sữa tươi từ mô hình chăn nuôi nông hộ. Kế hoạch đến năm 2015, TH đáp ứng 50% nhu cầu sữa tươi sạch trên thị trường nhờ tự chủ về nguồn nguyên liệu. Doanh thu thuần của TH true MILK năm 2013 là 3.700 tỷ đồng, dự kiến tới năm 2015 là 15.000 tỷ, 2017 là 23.000 tỷ.

Trước năm 2009, tốc độ tăng trưởng đàn bò sữa chỉ ở mức 7 - 9%/năm. Bắt đầu từ năm 2010 đến nay, đàn bò sữa tăng đều 15% mỗi năm với sự đóng góp phần lớn từ TH. Đến nay, TH là đơn vị duy nhất trong lĩnh vực chăn nuôi bò sữa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cấp chứng nhận doanh nghiệp ứng dụng CNC. Trước TH true MILK, tại Việt Nam chưa hề có một quy trình chuẩn nào về sản xuất sữa tươi sạch. Vì thế, có thể khẳng định, TH đã đặt viên gạch đầu tiên cho ngành chăn nuôi và sản xuất sữa theo chuẩn quốc tế ngay tại Việt Nam.

- Mô hình của TH góp phần khẳng định ứng dụng CNC, hiệu quả sử dụng đất tăng vượt bậc. Trước đây, 1 ha đất tại Nghĩa Đàn (Nghệ An) - nơi dự án đóng chân, chỉ cho thu nhập trung bình khoảng 50 triệu đồng/năm. Nay, nhờ trồng ngô, cỏ, cao lương... theo CNC đã cho doanh thu từ 500 triệu - 1,5 tỷ đồng/năm.

- Dự án của TH mang lại cho miền Tây Nghệ An một diện mạo hoàn toàn mới: Một thành phố du lịch sinh thái trong tương lai. Những nông dân trong vùng dự án sau khi được đào tạo nghề đã trở thành cán bộ, công nhân có thu nhập ổn định.

Một số kinh nghiệm cụ thể được Tập đoàn TH áp dụng như sau:

- Việc lựa chọn loại sản phẩm để sản xuất là yếu tố quan trọng hàng đầu. Kinh nghiệm của TH là lựa chọn sản phẩm sữa, một sản phẩm thiết yếu chỉ sau lúa gạo. Hiện nay, TH đang triển khai dự án trồng và chiết xuất dược liệu. Đây cũng là sản phẩm thiết yếu, khai thác hiệu quả đất đai bằng chính các giống cây của nền nông nghiệp Việt Nam.

- Công nghệ được áp dụng tại TH là công nghệ đầu cuối, hiện đại nhất thế giới. Khi triển khai dự án sữa tươi sạch tại Nghĩa Đàn - Nghệ An, công ty đã tìm hiểu và mua công nghệ chăn nuôi bò sữa của Israel, nơi có khí hậu bán sa mạc, khắc nghiệt hơn nước ta nhưng năng suất và chất lượng sữa đứng hàng đầu thế giới.

Hiện nay, trang trại TH được trực tiếp quản lý bởi hai công ty đa quốc gia là Afikim của Israel chuyên về quản trị đàn bò và Công ty Totally Vets của New Zealand quản trị về mặt thú y.

Bò ở trang trại TH được ở trong các trại lợp tôn lạnh 3 lớp. Thiết kế trại bò được tính toán khoa học, đủ độ cao, đặt đúng hướng để đảm bảo thoáng gió, tránh nắng. Mỗi con bò được gắn chíp ở chân để theo dõi sức khoẻ, kiểm soát thời kỳ phối giống… Khu chuồng trại còn được lắp đặt quạt gió, phun sương tắm mát cho bò cùng hệ thống âm thanh, phát nhạc cổ điển để kích thích bò tiết sữa.

Thức ăn cho bò gồm thực phẩm xanh (như ngô, cao lương, hạt hướng dương, cỏ giống Mỹ) và tinh bột, bã mía, gỉ mật… Thực phẩm xanh cho bò được trồng trên cánh đồng nguyên liệu với sự hỗ trợ của các máy làm đất, gieo hạt cỡ lớn; hệ thống tưới, bón phân tự động; thu hoạt bằng máy có công suất bằng 800 người làm thủ công. Cỏ thu hoạch về được ủ chua để diệt khuẩn, tăng dinh dưỡng, phối trộn bằng hệ thống máy móc tự động. Thực đơn cho bò thay đổi từng ngày; có chế độ riêng cho bò đang vắt sữa, bò dưỡng bệnh, bê con. Thức ăn được vận chuyển đến chuồng được thực hiện bằng máy xúc, ô tô, máy rải cỡ lớn. Nước uống cho bò được lọc qua hệ thống máy móc của công ty Amiad (Israel) với các chỉ số sinh, hoá của nước sinh hoạt; người có thể uống trực tiếp, không cần qua đun nấu.

Hệ thống vắt sữa được tự động hoá tối đa. Sau khi bò vào khu vực vắt sữa, công nhân tiến hành rửa, sát trùng bầu vú của bò rồi gắn máy vắt sữa. Sữa sẽ được dẫn ngay theo các đường ống qua hệ thống lọc; tăng, giảm nhiệt độ đột ngột để diệt khuẩn. Với hệ thống quản lý bằng chíp, những con bò bị bệnh; đặc biệt là viêm vú sẽ tự động loại ra khỏi chuồng, đưa đi chữa trị. Điều này đặc biệt quan trọng để đảm bảo chất lượng sữa luôn được sạch, không bị trộn lẫn với máu hay mủ của những con bò bị viêm vú.

- Kinh nghiệm ứng dụng CNC của TH là tuân thủ tuyệt đối về thiết bị và quy trình. Nhờ đó, nhà trại hiện nay hạ được tối đa nhiệt độ, tạo ra vùng tiểu khí hậu cho bò sữa – loại vật vốn quen với khí hậu ôn đới. Ngoài các chuyên gia từ nhiều nước trên thế giới đến làm việc, khi trại bò đầu tiên vào vận hành, công ty còn “nhập khẩu” cả nông dân Israel sang trang trại làm việc trong 6 tháng để truyền đạt kỹ năng và kỷ luật lao động cho công nhân của trang trại.

Ngày 4/9/2014 vừa qua, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn TH phối hợp khởi động Chương trình Chung tay vì tầm vóc Việt nhằm kêu gọi các nguồn lực xã hội tham gia vào Đề án Sữa học đường – một trong 6 nội dung của Đề án tổng thể Phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 641/QĐ-TTg ngày 28/4/2011. Đề án mang mục tiêu lớn, tác động đến nhiều thế hệ. Nhưng trong bối cảnh vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn nạn, sữa cũng không ngoại lệ, thì việc kiểm soát chất lượng sữa là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Với nhận thức đó, từ năm 2013, TH chủ động đề xuất, kết hợp với Viện Dinh dưỡng quốc gia và mời chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu của Pháp nghiên cứu công thức và sản xuất sữa học đường - TH school MILK phù hợp với thể trạng trẻ em Việt Nam. Kết quả thử nghiệm lâm sàng với quy mô 3.600 học sinh tại 13 trường mầm non và tiểu học ở Nghĩa Đàn (Nghệ An) được Hội đồng Khoa học của Viện Dinh dưỡng quốc gia xác nhận: TH school MILK góp phần giảm đáng kể tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi, nhẹ cân và cải thiện đáng kể tình trạng thiếu máu và thiếu kẽm.

Việc ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp mang một sứ mệnh lịch sử quan trọng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà Nước theo định hướng “Trí tuệ Việt + Tài nguyên thiên nhiên Việt + công nghệ đầu cuối của thế giới”, sự đồng hành cùng các doanh nghiệp có đủ “TÂM + TRÍ + LỰC” sẽ tạo ra một cuộc cách mạng lớn trong nông nghiệp, góp phần không nhỏ vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.



V.A. Nguồn:Tập đoàn TH

Giới thiệu các tiến bộ kỹ thuật mới

Với mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững ngành nông nghiệp cũng như thay đổi đời sống nhân dân, nông dân rất cần có những tiến bộ kỹ thuật mới để chuyển giao vào sản xuất. Những tiến bộ kỹ thuật đã chuyển giao là thành tựu to lớn của các Viện nghiên cứu, các trường đại học, cao đẳng, các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực trong ngành nông nghiệp. Nhằm giới thiệu để ứng dụng nhanh vào sản xuất và phát huy hiệu quả những tiến bộ kỹ thuật mới trong thời gian gần đây, chúng tôi xin giới thiệu một số tiến bộ kỹ thuật do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổng hợp đã được công nhận từ các Viện nghiên cứu, trường đại học thuộc lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản… được công bố trong những năm gần đây.

A. GIỐNG CÂY TRỒNG

  1. Giống lúa thuần

GIỐNG LÚA P6ĐB

  1. Nguồn gốc

Tác giả: Hà Văn Nhân, Lương Thị Hưng, Nguyễn Thị Luân, Nguyễn Thị Lý và Trần Thị Liền - Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm.

Nguồn gốc: P6ĐB được chọn lọc từ quần thể P6 được xử lý đột biến bằng Co60.

Giống được công nhận chính thức năm 2013 tại Quyết định số: 522/QĐ-TT-CLT ngày 18/11/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.


  1. Một số đặc điểm chính

Là giống lúa cực ngắn ngày, thời gian sinh trưởng:

  • Vụ Mùa: 75 - 85 ngày

  • Vụ Xuân: 105 - 110 ngày

Chiều cao cây: 85 – 90cm, có dạng hình gọn, thân đứng, lá có màu xanh đậm.

Tốc độ sinh trưởng và thời gian vào chắc đến chín hạt nhanh, số hạt/bông đạt 115-150, tỷ lệ lép thấp (8-10%), khối lượng 1.000 hạt 26-27g.

Khả năng chịu rét, chịu nóng và chống đổ khá. Nhiễm nhẹ bệnh đạo ôn trong vụ Xuân.

Năng suất khoảng 50- 55 tạ/ha, thâm canh tốt có thể đạt 60 tạ/ha.

Chất lượng gạo khá, chiều dài hạt gạo 7,12mm, hàm lượng amyloza thấp (15,5%).

3. Quy trình kỹ thuật

- Thời vụ:

+ Vụ Xuân: Gieo sau lập xuân khoảng 10 - 30 ngày.

+ Vụ Mùa: Gieo từ 25/5 – 25/7 (cho vùng đồng bằng Bắc bộ và các vùng có điều kiện tương tự).

- Lượng giống và cách ngâm ủ: Mỗi sào (360 m2) đất cấy cần 1,5 – 2,0 kg thóc giống (45 - 55kg/ha).

- Mật độ cấy: 50 - 55 khóm/m2, 2 - 3 dảnh/khóm.

- Lượng phân bón cho 1 sào Bắc bộ: Bón phân theo 2 cách:

+ Cách 1: Phân hữu cơ: 500 kg, Phân đạm Urê: 8 - 10 kg, Super lân: 15 kg,  Kali Clorua: 8 - 10 kg.

Bón lót: 100% phân hữu cơ + 100% Super lân + 80% Urê + 80% Kali (bón trước bừa cấy).

Bón đón đòng: 20% Urê + 20% Kali. Bón trước khi lúa phân hoá đòng 5 ngày (sau khi gieo mạ 20 ngày).

+ Cách 2: Phân NPK tổng hợp: 25 kg/ sào Bắc bộ. Bón lót 100%.

Bón nuôi hạt: Khi lúa trỗ hoàn toàn nếu xấu thì bón thêm 1 kg Urê/sào. Có thể phun phân qua lá.

- Phòng trừ sâu bệnh: Theo dõi phòng trừ sâu bệnh kịp thời, chú ý phòng bệnh đạo ôn vụ Xuân .

- Thu hoạch: Sau khi lúa trỗ hoàn toàn 28 ngày là có thể gặt được, không nên gặt muộn hơn vì rụng ngoài đồng và chuột phá hoại.



  1. Phạm vi áp dụng

Tất cả các chân đất vàn, vàn cao, đất làm vụ Đông sớm, đất làm mạ Mùa, vùng hay bị lũ sớm ở miền Trung, chân đất hay bị thiếu nước cuối vụ hoặc làm giống dự phòng.

Điển hình áp dụng thành công giống lúa P6ĐB: Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Giang, Thái Bình, Quảng Bình...



GIỐNG LÚA P376

1. Nguồn gốc

Tác giả: Nguyễn Trọng Khanh, Đỗ Thế Hiếu, Mai Thị Miên và nhóm cộng tác viên ĐANN-08 - Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm.

Nguồn gốc và phương pháp: Chọn tạo từ nguồn nhập nội.

Giống được công nhận chính thức năm 2013 theo Quyết định số: 70/QĐ-TT-CLT ngày 28/02/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.



2. Một số đặc điểm chính

Thời gian sinh trưởng:



  • Vụ Mùa 115 - 120 ngày

  • Vụ Xuân 140 - 145 ngày

P376 có kiểu hình thâm canh; thân lá đứng, cứng, uốn lòng mo; chiều cao cây 115 - 120 cm, bông to dài, hạt nhỏ dài, gạo trong, ít bạc bụng; tỷ lệ hạt chắc cao (85 - 90%).

Năng suất trong vụ Xuân đạt 60 - 65 tạ/ha, nếu thâm canh tốt có thể đạt 70 tạ/ha; vụ mùa đạt 55 - 60 tạ/ha. Chất lượng cơm mềm, ngon, có giá trị hàng hóa.



3. Quy trình kỹ thuật

- Giống lúa P376 có thể cấy được cả hai vụ/năm trên các chân vàn, vàn hơi thấp, chủ động tưới tiêu. Giống P376 có thể tham gia tốt vào cơ cấu của các vùng canh tác cây màu vụ Đông chính vụ (khoai tây, rau, ngô chính vụ...), không phù hợp với các vùng canh tác màu Đông cực sớm. Có thể sử dụng giống lúa P376 tại các vùng sản xuất cá-lúa.

* Thời vụ và mật độ gieo cấy:

- Vụ Xuân:

+ Tại các tỉnh Đồng bằng sông Hồng: gieo mạ dược từ 25/12 - 5/1 (thời vụ cho phép đến 10/1), cấy sau tiết Lập Xuân. Đối với mạ sân, gieo từ 10- 20/1, cấy khi mạ 13-15 ngày tuổi. Mật độ cấy trong vụ Xuân: 50 khóm/m2, cấy 2-3 dảnh/ khóm.

+ Tại các tỉnh Bắc Trung bộ: gieo mạ dược từ 15 - 25/12 (thời vụ cho phép đến 1/1)

- Vụ Mùa:

+ Tại các tỉnh Đồng bằng sông Hồng: gieo mạ dược từ 25/5 - 10/6. Gieo mạ sân từ 10/6 - 15/6. Mật độ cấy trong vụ Mùa: 50 khóm/m2.

+ Tại các tỉnh Bắc Trung bộ: giống P376 có thời gian sinh trưởng trung ngày (thu hoạch 25/9 - 5/10) nên không phù hợp trên các chân ruộng Hè Thu chạy lụt.

* Kỹ thuật bón phân và chăm sóc:

- Lượng phân bón: Giống lúa P376 chịu thâm canh khá. Liều lượng phân bón thích hợp trong vụ Xuân: 1,2 tấn phân hữu cơ vi sinh + 100 kg N + 100 kg P2O5 + 80 kg K2O; Vụ Mùa: 1,2 tấn phân hữu cơ vi sinh + 90 - 100 kg N + 90-100 kg P2O5 + 70-80 kg K2O.

- Cách bón: Nên bón nặng đầu nhẹ cuối.

Ngoài ra, cũng có thể sử dụng phân bón NPK tổng hợp để bón với liều lượng cho 1 ha là: 1,2 tấn phân hữu cơ vi sinh + 550 - 600 kg NPK (16:16:8) + 30 - 40 kg Kali. Quy thành 90 - 100 kg N + 90 - 100 kg P2O5 + 70 - 80 kg K2O/ha.

- Cần thường xuyên thăm đồng làm cỏ, quản lý nước tốt, phát hiện sâu bệnh hại và phòng trừ kịp thời.



4. Phạm vi áp dụng

Cấy được cả hai vụ/năm trên các chân vàn, vàn hơi thấp, chủ động tưới tiêu.

Có thể tham gia tốt vào cơ cấu của các vùng canh tác màu Đông chính vụ (khoai tây, rau, ngô chính vụ...), không phù hợp với các vùng canh tác màu Đông cực sớm. Có thể sử dụng giống lúa P376 tại các vùng sản xuất cá - lúa.
GIỐNG LÚA VS1


  1. Nguồn gốc

Tác giả: Giống độc quyền của Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương.

Giống được công nhận theo Quyết định số 493/QĐ-TT-CLT ngày 18/10/2012



  1. Một số đặc điểm chính

Là giống lúa thuần chất lượng ngắn ngày.

Cao cây từ 100 - 110 cm, phiến lá đứng, dầy, lá đòng lòng mo, đẻ nhánh khá, khóm gọn.

Thời gian sinh trưởng vụ Xuân từ 120 - 125 ngày; vụ Mùa và vụ Hè thu từ 95 - 100 ngày.

Hạt nhỏ, thon dài, màu vàng sáng, khối lượng 1000 hạt 21 - 22 gram, chất lượng gạo tốt, cơm mềm, vị đậm, có mùi thơm nhẹ.

Năng suất trung bình 55 - 60 tạ/ha, thâm canh tốt đạt 65 - 70 tạ/ha.

Chống đổ tốt, chống chịu khá với một số sâu bệnh hại chính (đạo ôn, khô vằn, bạc lá…), khả năng thích ứng rộng.



  1. Quy trình kỹ thuật

Chân đất: thích hợp loại đất chân vàn, vàn cao trong các trà Xuân muộn và Mùa sớm ở các tỉnh phía Bắc.

Thời vụ gieo cấy: trà Xuân muộn gieo từ 25/1 - 15/2, gieo mạ dày xúc hoặc mạ nền, cấy tuổi mạ 3 - 3,5 lá; nếu gieo mạ dược (cấy tuổi mạ 4 - 4,5 lá); vụ Hè thu gieo 25/5 - 5/6 và vụ Mùa gieo đầu tháng 6, cấy trong tháng 6 (cấy tuổi mạ từ 12 - 15 ngày).

Mật độ cấy: 50 - 55 khóm/m2, cấy 2 - 3 dảnh/khóm, cấy nông tay.

Phân bón: để đạt năng suất cao cần bón phân bón cân đối, bón tập trung, bón sớm và khuyến cáo bón phân tổng hợp NPK bón lót và bón thúc. Lượng bón tùy theo loại đất, trên chân đất trung bình bón:

* Đối với phân tổng hợp NPK:

- Bón lót (trước khi bừa cấy): bón 560 - 700 kg/ha phân NPK (5.10.3) cho vụ Xuân ; bón 420 - 560 kg/ha cho vụ Mùa.

- Bón thúc lần 1 (khi lúa bén rễ hồi xanh): bón 360 - 380 kg/ha phân NPK (12.5.10) + 25 - 30 kg phân đạm urê, kết hợp làm cỏ sục bùn.

- Bón thúc lần 2 (khi lúa đứng cái): 80 - 100 kg/ha phân Kali-clorua.

* Đối với phân đơn:

- Lượng bón cho 1 ha: 8 - 10 tấn phân hữu cơ hoặc 2 tấn phân vi sinh + 200-220 kg đạm urê + 450 - 500 kg supe lân + 140-160 kg kaliclorua. Vụ Mùa, vụ Hè thu giảm 10 % lượng đạm, tăng 15 % lượng phân kali so với vụ Xuân.

- Cách bón: bón lót (trước khi bừa cấy) toàn bộ phân hữu cơ hoặc phân vi sinh, phân lân + 40% phân đạm + 20% phân kali; bón thúc lần 1 (khi lúa bén rễ hồi xanh): 50% phân đạm + 30% phân Kali; bón thúc lần 2 (khi lúa đứng cái) bón lượng phân còn lại.

- Phòng trừ sâu bệnh: thường xuyên kiểm tra các loại sâu bệnh, phát hiện sớm và phòng trừ kịp thời theo hướng dẫn của cơ quan Bảo vệ thực vật địa phương.



3. Phạm vi áp dụng: Các tỉnh phía Bắc
GIỐNG LÚA CẠN LC93-4

  1. Nguồn gốc

Tác giả: Viện Bảo vệ Thực vật

Giống được công nhận chính thức theo Quyết định số 319/QĐ-TT-CLT ngày 31//7/2013 của Bộ Nông nghiệp và PTNT



  1. Một số đặc điểm chính

Đặc tính nông học tốt, dáng cây gọn, lá đòng to, góc lá đòng hẹp, đẻ nhánh trung bình, lá có màu xanh đậm, bông dài (20 - 23 cm), trọng lượng 1000 hạt 27 - 29 gr, chống đổ tốt.

Thời gian sinh trưởng ngắn từ 115 - 135 ngày ở vụ mùa vùng núi phía Bắc, 100 - 110 ngày ở các tỉnh phía Nam. Năng suất cao, có khả năng chịu hạn tốt, khả năng phục hồi sau hạn nhanh, là giống chịu thâm canh, có khả năng thích ứng sinh thái rộng.

Là giống ít sâu bệnh, có khả năng chống chịu bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh thối thân khá, chất lượng gạo và tỷ lệ cao, hạt trong dài.

Năng suất bình quân đạt 28 - 35 tạ/ha, đất tốt hoặc thâm canh cao có thể đạt 50 - 55 tạ/ha.

  1. Quy trình kỹ thuật

  • Chọn đất

+ Đất đồi dốc < 150 có tầng canh tác đủ ẩm.

+ Có thể trồng xen ở diện tích đất trống trong nương cà phê, tiêu, cao su hoặc vườn cây ăn quả đang thời kỳ kiến thiết cơ bản lúc cây chưa khép tán, kín hàng.

+ Có thể gieo cấy, gieo xạ trên ruộng bậc thang, chân đất bằng 1 vụ không chủ động nước hoặc phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời.

- Làm đất: Theo phương pháp đất khô, cày 2 lượt bừa 2 - 3 lượt. Nếu đất dốc không có điều kiện cày bừa cần làm sạch cỏ phơi đất và làm bờ chống xói.

- Thời vụ: Căn cứ vào quy luật mưa để định lịch gieo.

+ Ở các tỉnh phía Bắc: Cần gieo sớm trong tháng 4 dương lịch để tránh sâu năn.

+ Các tỉnh Bắc Trung bộ có thể kéo dài thời vụ sang đến giữa tháng 5.

+ Các tỉnh ven biển miền Trung, Tây Nguyên, Nam Trung bộ và Đông Nam bộ có thể kết thúc gieo muộn hơn tuỳ tình hình mưa nhưng không nên gieo muộn quá 16/6 để tránh gặp hạn vào thời kỳ cuối vụ.

+ Một số tỉnh thuộc Duyên hải miền Trung có chế độ mưa đặc thù có thể gieo trong tháng 8 để thu hoạch tháng 12.

- Phương pháp gieo: Gieo hạt khô (không ngâm ủ) ngay sau khi làm đất xong lần cuối để đất còn đủ ẩm. Có thể gieo theo 3 cách:

Gieo hốc theo hàng với khoảng cách 23 - 25 x 10 - 12 cm mỗi hốc 2 - 3 hạt sau đó lấp đất nhẹ (để có mật độ 35 - 40 khóm/m2).

Gieo vãi theo hàng với khoảng cách hàng x hàng 23 - 25 cm.

Gieo bằng máy: Là phương pháp gieo cho mật độ rất đều và tiết kiệm giống.

- Lượng giống gieo: Đất tốt và có điều kiện thâm canh gieo 90 - 110 kg/ha còn đất xấu hơn có thể gieo 130 kg/ha.

- Phân bón: Lượng phân tính cho 1000 m2.

Phân chuồng: 600 - 900 kg.

Vôi bột: 30 - 40 kg.

Phân Urê: 15 - 18 kg.

Phân Lân: 30 - 40 kg.

Phân Kali: 8 - 10 kg.

- Cách bón "áp dụng cho đất dốc"

Bón lót toàn bộ phân chuồng, vôi, lân và 20% đạm Urê.

Bón thúc đợt 1: Sau khi lúa mọc 15 - 20 ngày, 30% đạm Urê và 30% đạm Kali.

Bón thúc đợt 2: Sau gieo 35 - 40 ngày, 30% đạm Urê và 70% đạm Kali.

Bón đòng: 20% lượng đạm Urê còn lại vào thời kỳ lúa sắp trỗ (65 - 70 ngày sau khi lúa mọc).

Trừ cỏ bằng tay hoặc bằng thuốc Ally 20DF (Phun thuốc 2 tuần sau gieo). Phun lục diệp tố khi lúa bắt đầu trổ cho lúa trổ đều. Trừ bọ xít bằng thuốc Fastac kết hợp phun Tilt super hoặc Anvil để trừ bệnh và làm cho quả sáng khi lúa trỗ.

  1. Phạm vi áp dụng

Các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên


GIỐNG LÚA NẾP PHÚ QUÝ (PHU THÊ)

  1. Nguồn gốc

Tác giả: Công ty TNHH Nông nghiệp Nhiệt đới làm chủ sở hữu và đã đăng ký bảo hộ độc quyền sản xuất, phân phối giống lúa này.

Giống được công nhận chính thức theo Quyết định số 102/QĐ-TT-CLT ngày 27/03/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.



  1. Một số đặc điểm chính

Cây cao 1m, cây gọn, lá xanh, đẻ nhánh vừa, bông to, nhiều gié kép, nhiều hạt (130- 140 hạt/bông); hạt xếp xít, hạt bầu, vỏ trấu vàng; gạo đẹp; xôi rất thơm và dẻo.

Thời gian sinh trưởng:



  • Vụ xuân từ 140- 150 ngày.

  • Vụ mùa từ 110- 115 ngày.

Năng suất 45- 50 tạ/ha, trong điều kiện thâm canh tốt đạt trên 60 tạ/ha.

Mạ chịu rét khỏe, cấy được cả hai vụ Chiêm và Mùa, ít sâu bệnh; có thể gieo sạ.



3. Quy trình kỹ thuật

- Thời vụ:

+ Xuân chính vụ: gieo từ 5 - 10/12; cấy 5- 10/2 (mạ có 5 lá).

+ Xuân muộn: gieo 20/1 - 5/2; cấy khi mạ 4,0- 4,5 lá.

+ Vụ Mùa: gieo 5/6 - 20/6; cấy khi mạ 15- 20 ngày tuổi.

- Kỹ thuật ngâm ủ mạ:

+ Vụ Xuân: ngâm thóc 48 giờ, cứ sau 12 giờ đãi chua và thay nước một lần (khi ủ mầm, phải đảm bảo đủ ấm, nhiệt độ ủ ≥ 30oC.

+ Vụ Mùa: Đối với giống cũ ngâm ủ giống như vụ Xuân. Đối với giống chuyển vụ phải ngâm đủ 72 giờ, cứ sau 12 giờ đãi chua và thay nước một lần, sau đó ủ bình thường.

Có thể xử lý phá ngủ bằng cách như sau: ngâm trong dung dịch nước Lân 5% (10 lít nước cần 0,5kg Lân) trong 10- 12 giờ sau đó đãi sạch Lân và ngâm ủ bình thường. Hoặc dùng Lufain để ngâm ủ theo hướng dẫn.

- Phân bón cho 1 sào Bắc Bộ (360m2).

+ Bón mạ: Bón lót 10 - 15kg Lân supe hoặc 10kg NPK 5.10.3. Bón thúc 2,0kg urê 5 ngày trước cấy.

+ Bón lúa: Bón lót 300kg phân chuồng (có thể thay thế bằng phân hữu cơ vi sinh với lượng tương đương), 10- 15kg Lân supe, 2 kg urê.

Thúc lần 1 (sau cấy 15 ngày): 3,0kg urê + 3 kg Kaliclorua.

Thúc lần 2 (bón đón đòng): 1,0kg urê + 4 kg Kaliclorua.

Nên phun Siêu Kali trước và sau trỗ 5 ngày, liều lượng 100g pha 16- 18 lít nước cho một sào để đạt năng suất tối đa.

Chú ý:


- Thường xuyên theo dõi và phòng trừ sâu bệnh kịp thời. Thu hoạch khi lúa đã chín trên 80%.

- Khi phơi cào luống, che đậy để lúa giữ mùi thơm lâu.



4. Phạm vi áp dụng: Các tỉnh đồng bằng sông Hồng.


GIỐNG LÚA KHANG DÂN 28

  1. Nguồn gốc

Tác giả: Cổ Phần Công nghệ cao Hà Phát

Giống được công nhận sản xuất chính thức theo quyết định 457/QĐ-TT-CLT ngày 10/8/2013 của Bộ Nông nghiệp và PTNT



  1. Một số đặc điểm chính

Là giống lúa thuộc nhóm ngắn ngày:

- Vụ Đông xuân từ 110 – 115 ngày

- Vụ Hè thu khoảng 87-90 ngày

Phù hợp với điều kiện sản xuất ở vùng miền Trung – Tây nguyên.

Dạng hình gọn, cứng cây, độ thoát cổ bông tốt, bông đóng hạt dày, hạt thon dài, tỷ lệ gạo cao (68-70%).

Tính chống chịu : KD28 ít nhiễm sâu bệnh, khả năng chống chịu các điều kiện ngoại cảnh tương đối tốt.

Năng suất : trung bình 65-70 tạ/ha, thâm canh tốt đạt 75-80 tạ./ha


  1. Quy trình kỹ thuật

Thời vụ gieo sạ dự kiến: Tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của từng địa phương và vùng sinh thái để bố trí thời vụ gieo sạ hợp lý, tốt nhất là theo hướng dẫn lịch gieo sạ của Sở Nông nghiệp & PTNT cho từng vụ.

Lượng giống gieo sạ: 4-5 kg/sào (500m² )

Chọn đất và làm đất: Chọn vùng đất chủ động nước. Cày bừa kỹ, sạch cỏ dại, lúa chét, bằng phẳng.

Ngâm ủ giống: Trước khi ngâm ủ phải đãi sạch những hạt lép, lửng, ngâm trong nước sạch từ 36-48 giờ, thay nước 2 lần /ngày, khi hạt giống hút đủ nước, vớt xã sạch chua để ráo nước, đem ủ giống bằng nong, nia và dùng bao tải, chiếu, lá chuối khô…để tủ, không ủ giống ngoài nắng, không dùng bao kín để tủ giống.

Phân bón: Tính cho 1sào (500m2 ): 500-600 kg p/chuồng + 10 - 12 kg Urê + 23 - 25 kg phân lân + 7 – 9 kg Kali

Trong đó:

- Bón lót: Toàn bộ P/chuồng và phân lân + 2 kg urê

-Thúc: + Đợt 1 (Sau sạ 8-10 ngày): bón 3 - 4 kg urê + 4 – 5 kg Kali.

+ Đợt 2 (Sau sạ 20-22 ngày): bón 3- 4 kg urê.

+ Đợt 3 Bón đòng (Sau gieo sạ 40-45 ngày): bón 3 kg Urê + 4 kg kali.

* Lưu ý: Tuỳ tình hình sinh trưởng của lúa và điều kiện thổ nhưỡng mỗi vùng có thể tăng hoặc giảm lượng phân cho phù hợp.

Phòng trừ sâu bệnh: Chú ý các đối tượng chính: Bọ trĩ, Đục thân; bệnh khô vằn, Đốm nâu, đạo ôn. Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sâu bệnh sớm để có biện pháp phòng trừ kịp thời.

Thu hoạch: khi lúa chín >95 % số hạt/bông, chọn ngày nắng ráo, phơi khô và bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát.


  1. Phạm vi áp dụng: Các tỉnh miền núi phía Bắc, Duyên hải Nam Trung Bộ.

Nguồn: TTKNQG

Đồng Nai ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp


Ông Phạm Minh Đạo, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, cho biết, thời gian qua, Ðồng Nai đã tập trung công tác phát triển các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực, chú trọng ứng dụng KH-CN vào sản xuất, nên tình hình sản xuất nông nghiệp đã có những kết quả tích cực.

Trong đó, tỉnh đã hình thành những vùng chuyên canh nông sản năng suất cao, kết hợp với việc áp dụng khoa học - công nghệ (KH-CN) vào sản xuất góp phần phát triển một nền nông nghiệp bền vững, căn cơ, giúp người nông dân tăng cao thu nhập.

Ðến nay, toàn tỉnh hiện có khoảng 7.000 ha cây trồng lâu năm đã lắp hệ thống tưới nước tiết kiệm và bón phân qua đường ống, chiếm tỷ lệ 12% diện tích cây trồng có khả năng áp dụng hệ thống này. Với công nghệ này đã giúp nông dân giảm được 40% lượng nước tưới và chi phí nhiên liệu, điện; giảm 60% công lao động làm bồn, tưới nước và bón phân. Giảm 20% lượng phân bón, tăng 30% năng suất, chất lượng và độ đồng đều của sản phẩm tăng.

Đồng Nai cũng đã hình thành được các vùng chuyên canh cây trồng, trong đó, có 20% diện tích vùng chuyên canh, tương ứng với 2.300 ha sản xuất theo hướng đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt nông nghiệp (GAP) và 98 ha đã được chứng nhận GAP. Các khâu từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ đã được liên kết với nhau khá chặt chẽ, dần dần khắc phục được sự bấp bênh cho đầu ra nông sản. Từ đó, đã giúp tăng giá trị thu nhập bình quân trên 1 ha đất nông nghiệp lên mức 98 triệu đồng. Thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn cũng đạt hơn 32 triệu đồng/người/năm.

Hiện nay, tỉnh Đồng Nai đã xây dựng quy hoạch cánh đồng lớn và hiện đang tổ chức triển khai trên một số loại cây trồng như: lúa, cà phê, tiêu, mía…Ðồng Nai cũng đã đẩy mạnh việc áp dụng các giống cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất. Trên địa bàn tỉnh hiện có 100% diện tích bắp và lúa sử dụng các giống lai, giống mới cho phẩm chất, năng suất cũng như chống chịu sâu bệnh cao.

Nổi bật nhất trong thời qua là với rất nhiều đề tài mang tính ứng dụng cao thành tựu khoa học hướng tới sản xuất sạch trong nông nghiệp, trong đó,Trung tâm Ứng dụng Công nghệ sinh học (CNSH) Đồng Nai đang tiến gần hơn đến mục tiêu hỗ trợ nông dân trên địa bàn tỉnh tiếp cận những thành tựu tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp.


Theo ông Phạm Văn Sáng, Giám đốc Sở Khoa học - công nghệ Đồ ng Nai, Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH ) Đồng Nai (huyện Cẩm Mỹ), đã thu hút nhiều DN đầu tư vào khâu sản xuất cây, con giống ứng dụng công nghệ cao và có mặt hàng xuất khẩu tốt; xây dựng xưởng sản xuất phân vi sinh từ phế phẩm nông nghiệp; mô hình trồng các loại rau, củ, quả tươi có chứng nhận GlobalGAP; trồng cây dược liệu... Trung tâm đã trồng thử nghiệm thành công nhiều giống rau, quả của Nhật Bản trong nhà màng và đang hợp tác xuất khẩu các mặt hàng này sang Nhật. Tới đây nếu có thị trường, trung tâm sẽ liên kết, chuyển giao giống, kỹ thuật cho nông dân mở rộng diện tích trồng rau, quả trong nhà màng để xuất khẩu.

Ngoài ra, Trung tâm Ứng dụng CNSH của tỉnh đang triển khai thực hiện 16 đề tài, dự án. Hầu hết những đề tài, dự án liên quan đến ngành nông nghiệp. Trong đó một số đề tài đã được nghiệm thu, chuyển giao cho nông dân bước đầu mang lại hiệu quả như: sản xuất nấm theo hướng Gap tại huyện Cẩm Mỹ; dự án “Sử dụng một số chế phẩm sinh học xử lý mùi hôi và sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ chất thải chăn nuôi tại huyện Trảng Bom” sau khi triển khai kết quả nghiên cứu vào thực tế đã đem lại lợi ích trên nhiều mặt, giúp các hộ chăn nuôi giảm tình trạng ô nhiễm môi trường và kết hợp sản xuất phân bón từ chất thải.

Từ kết quả nghiên cứu, Trung tâm cũng ứng dụng sản xuất chế phẩm sinh học để cung cấp cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Hay đề tài “Xây dựng các KIT chẩn đoán tác nhân gây bệnh tai xanh và bệnh tiêu chảy cấp trên heo nuôi bằng phương pháp sinh học phân tử” đã tìm ra 6 tác nhân gây bệnh tiêu chảy cấp PEDV và tai xanh giúp chẩn đoán nhanh 2 dịch bệnh lớn trên heo nuôi hiện nay, từ đó góp phần hạn chế dịch bệnh, nâng cao hiệu quả chăn nuôi heo.

Trung tâm đang tiếp tục nghiên cứu và thực hiện các đề tài trong lĩnh vực nông nghiệp trên diện tích được mở rộng thêm 30ha với các cây trồng chủ lực của tỉnh: mô hình trồng xen canh cây hồ tiêu, măng cụt trong vườn cà phê nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất; mô hình vườn Sầu riêng theo hướng GAP ở Đồng Nai; mô hình ứng dụng trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGap tại Đồng Nai; Mô hình ứng dụng công nghệ cao sản xuất ớt ngọt, ớt cay, cà chua, trồng rau ăn lá và gia vị trong nhà màng, nhà lưới.



Lê Hiền

Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long cùng nông dân vươn ra thế giới

Từ một quốc gia thiếu lương thực, đến nay Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu của thế giới, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm đến 90% sản lượng gạo xuất khẩu. Có được thành quả như ngày nay không thể không nhắc đến sự đóng góp to lớn của Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, thành công nổi bật nhất của Viện là công tác chọn tạo ra các giống lúa có năng suất cao, rút ngắn thời gian canh tác và có chất lượng gạo cao. Đây là bước đột phá của Viện không những góp phần rất lớn cho an ninh lương thực Quốc gia mà còn đưa hạt gạo Việt Nam có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, mặc dù khu vực đồng bằng sông Cửu Long rất trù phú về đất đai nhưng lại thiếu lương thực do nông dân chỉ sản xuất 1 vụ lúa/năm, năng suất chỉ đạt từ 2 đến 3 tấn/ha, sản lượng lúa toàn vùng chỉ đạt 4,2 triệu tấn (năm 1976). Nhờ lai tạo được các giống lúa ngắn ngày có năng suất cao đã giúp cho năng suất lúa tăng lên từ 6-8 tấn/ha hiện nay và nông dân có thể sản xuất từ 2 đến 3 vụ/ năm, đưa sản lượng lúa của khu vực năm 2014 đạt trên 25 triệu tấn, tăng gấp 6 lần so với ngày đầu thành lập Viện.

Đến nay, Viện đã chọn tạo và được công nhận đưa vào sản xuất 166 giống lúa. Các giống lúa do Viện chọn tạo với ký hiệu OM (tức Ô Môn- tên địa phương nơi Viện mới thành lập) thường đáp ứng được các đặc tính: chống chịu sâu bệnh, năng suất cao, phẩm chất gạo tốt; thích nghi vùng khó khăn, biến đổi khí hậu như: phèn, mặn, khô hạn, ngập úng; thời gian sinh trưởng ngắn, từ 90-100 ngày. Viện cũng đã chọn tạo được tập đoàn giống lúa dưới 90 ngày, nhóm Ao (các giống ký hiệu OMCS) mà vẫn đảm bảo năng suất, chất lượng và tính chống chịu sâu bệnh tốt đã giúp nông dân trong vùng có điều kiện thâm canh, tăng vụ, né mặn, tránh lũ. Không chỉ chọn tạo các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao mà Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long còn đẩy mạnh công tác chuyển giao, ứng dụng để đưa nhanh các giống mới vào sản xuất.

Theo điều tra của Trung tâm Khảo Kiểm Nghiệm giống cây trồng Trung ương, trong 10 giống lúa được trồng phổ biến trên cả nước, Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long đã đóng góp 5 giống. Đặc biệt tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong 10 giống được trồng phổ biến và có diện tích gieo trồng cao nhất đã có 8 giống do Viện chọn tạo, chiếm trên 70% diện tích gieo trồng.

Theo báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện “Công tác giống cây trồng, vật nuôi” ngày 05/12/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy: chỉ riêng 4 giống lúa chủ lực của Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long: OM 5451, OM 6976, OM 4218, OM 4900 đã chiếm 40 – 60% diện tích trồng lúa ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Giống lúa OM của Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ được trồng tốt trong nước mà nay đã vươn ra nước ngoài rất tốt như: Campuchia, Lào, Brunei, các nước Nam Á và Châu Phi.

Về kỹ thuật canh tác, Viện đã xây dựng được 11 quy trình kỹ thuật được công nhận ở cấp Quốc gia, trong đó có 5 quy trình kỹ thuật canh tác lúa, 2 quy trình kỹ thuật canh tác cây trồng cạn luân canh với lúa và 4 quy trình phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng. Việc sử dụng công cụ và máy gieo lúa theo hàng, dùng kỹ thuật sạ hàng do Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long đưa ra là một đột phá trong kỹ thuật canh tác lúa. Đến nay đã được nông dân Đồng bằng sông Cửu Long ứng dụng khoảng 20% diện tích, đem lại hiệu quả rất lớn: giảm 50% lượng hạt lúa giống, giảm phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật, tăng năng suất, là giải pháp chủ lực cho gói kỹ thuật thâm canh tổng hợp “3 giảm - 3 tăng”, “1 phải - 5 giảm”. Công cụ gieo lúa theo hàng hiện nay đã được áp dụng rộng rãi ra đồng bằng sông Hồng và các tỉnh phía Bắc giúp cho chi em phụ nữ không phải còng lưng trong những ngày đông giá rét trên đồng ruộng.

Trong biện pháp phòng trừ sinh học, thuốc trừ sâu sinh học Ometar/Biovip phòng trừ sâu, rầy hại lúa, hai loài nấm có ích là nấm trắng và nấm xanh cũng đã được Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long nghiên cứu, nhân nuôi, đưa vào sản xuất để phục vụ công tác phòng trừ rầy nâu ở Đồng bằng sông Cửu Long rất hiệu quả.

Theo cách tính của Tổ chức Nông Lương thế giới (FAO), khoa học và công nghệ đã đóng góp khoảng 30 - 40% vào sự gia tăng sản lượng lúa, thì việc gia tăng sản lượng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long từ 4,2 triệu tấn năm 1976 lên trên 25 triệu tấn hiện nay có sự đóng góp quan trọng của Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, đem lại lợi ích tăng thêm mỗi năm hàng chục ngàn tỉ đồng. Các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa của Viện cũng góp phần làm cho năng suất lúa của nước ta đứng đầu khu vực ASEAN (năng suất bình quân trên 5,7 tấn/ha, cao nhất khu vực, gấp trên 1,5 lần so với lúa của Thái Lan). Ngoài các hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ nói trên, Viện còn tham gia đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long trên nhiều cấp độ khác nhau từ tập huấn kỹ thuật, đào tạo nghề, đào tạo đại học và sau đại học. Các nhà khoa học của Viện tham gia giảng dạy đại học với nhiều chuyên ngành tại các trường Đại học trong vùng.

Đối với nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các chuyên gia của Viện là hết sức quan trọng và không thể thiếu trong quá trình sản xuất giống, phòng trừ dịch bệnh trên lúa, sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn phục vụ xuất khẩu...

Để phát huy những thành quả đã đạt được, Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long có kế hoạch phát triển trong thời gian tới, đó là nỗ lực phấn đấu trở thành Viện nghiên cứu lúa đạt trình độ tiến tiến trong khu vực, đủ năng lực giải quyết những vấn vấn đề lớn đặt ra trong phát triển nông nghiệp của vùng và của cả nước.



Ngọc Thiện
Sản xuất nấm bằng phế phẩm nông nghiệp giúp tăng lợi nhuận

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, thời gian qua hầu hết nguồn nguyên liệu dùng làm giá thể sản xuất nấm ăn trong tỉnh cũng như các tỉnh khu vực phía Nam chủ yếu đều dùng loại mùn cưa cao su và gỗ tạp... để sản xuất nấm. Tuy nhiên, hiện nay nguồn nguyên liệu này có giá thành ngày càng cao và khó kiểm soát chất lượng. Vừa qua, Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc (huyện Thống Nhất) thuộc Viện Khoa học - Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, đã nghiên cứu thành công dự án trồng nấm bằng nguồn phế - phụ phẩm nông nghiệp, như: thân, gốc sắn, lõi thân cây ngô… kết hợp với ứng dụng một số công nghệ mới của Hàn Quốc trong sản xuất nấm đã cho lợi nhuận tăng hơn từ 40-100% so với cách làm truyền thống.

Theo các hộ nông dân trồng nấm, việc sử dụng nguồn nguyên liệu phế phụ phẩm trong nông nghiệp để nuôi trồng nấm sẽ nâng cao hiệu quả kinh tế do kiểm soát được nguồn nguyên liệu đầu vào. Việc đa dạng hoá nguồn nguyên liệu trồng nấm không chỉ làm tăng thu nhập cho nhà nông mà còn giải quyết được vấn đề môi trường khi mỗi năm có hàng nghìn tấn lõi ngô, thân cây sắn bị thải bỏ.

Đồng Nai có nhiều vùng nổi tiếng với nghề trồng nấm, gồm Long Khánh, Xuân Lộc, Trảng Bom, Cẩm Mỹ và Nhơn Trạch, hàng năm sản xuất ra gần 10 loại nấm phục vụ nhu cầu thị trường như nấm mèo, bào ngư trắng, xám, bào ngư Nhật và nấm rơm. Trong đó, 1/2 sản lượng nấm sản xuất ở Đồng Nai được đưa về tiêu thụ ở các trung tâm siêu thị và Thành phố Hồ Chí Minh...

Ông Phan Minh Báu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, Đồng Nai là tỉnh có nghề trồng nấm phát triển, đứng đầu cả nước với gần 3.000 hộ trồng nấm, mỗi năm cung cấp cho thị trường trên 35.000 tấn nấm tươi các loại, trong số đó có khoảng 1.400 hộ sản xuất với quy mô lớn, bình quân mỗi hộ trồng 30.000 bịch, có hộ trồng lên tới 150.000 bịch gồm nấm mèo chiếm khoảng 60%, còn lại là nấm rơm, nấm bào ngư, nấm sò.

Trong khi đó, hiện nay Đồng Nai có diện tích trồng sắn và ngô lên đến hàng chục nghìn ha, hầu hết sau khi thu hoạch sản phẩm, các phụ phẩm như thân gốc sắn, lõi ngô... đều bị nông dân đem đốt bỏ. Vì vậy, với việc ứng dụng dự án này, người trồng nấm trong tỉnh sẽ hạ được giá thành nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nấm.

Theo Viện Khoa học - Kỹ thuật miền Nam, sản lượng nấm của Việt Nam hiện đạt khoảng 250.000 tấn với 16 loại nấm. Riêng các tỉnh miền Đông Nam bộ có thế mạnh sản xuất các loại nấm rơm, nấm mèo, bào ngư… Nấm được Chính phủ đưa vào danh mục sản phẩm quốc gia với mục tiêu vào năm 2020 sẽ phát triển lên 1 triệu tấn nấm/năm, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu.

L.H

Gia Lai đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất

Năm 2015, tỉnh Gia Lai đặt mục tiêu phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP 12,98%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 15.500 tỷ đồng tăng gần 17% so với năm 2014; tổng thu ngân sách đạt 2.700 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 440 triệu USD; giải quyết việc làm cho 24.000 lao động và giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 12,41%, tỷ lệ che phủ rừng đạt (kể cả diện tích cây công nghiệp dài ngày) 53,1%.

Theo đó, tỉnh Gia Lai sẽ tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích đưa công nghệ khoa học vào sản xuất, xây dựng các mô hình sản xuất chuyên sâu và hiệu quả. Đồng thời, tỉnh tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, có giá trị gia tăng lớn và có nhiều sản phẩm xuất khẩu, nhất là tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến nông - lâm sản và mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường tiêu thụ mủ cao su.

Ông Võ Ngọc Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho rằng, thế mạnh kinh tế của Gia Lai trước mắt vẫn là kinh tế nông nghiệp và từ nhiều năm nay, tỉnh đã hình thành được các vùng cây trồng chuyên canh như hơn 100.000 ha cao su, 80.000 ha cà phê, hơn 12.000 ha tiêu cùng hàng chục nghìn ha mía ở vùng Đông Trường Sơn. Vấn đề quan trọng hơn cả là hướng việc thâm canh, chế biến sản phẩm đi vào chiều sâu trên cơ sở đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào trong sản xuất như tiếp tục thực hiện việc tái canh cây cà phê, nâng cao chất lượng chế biến mủ cao su và tìm đầu ra cho sản phẩm, nâng cao năng suất mía ở độ đồng đều ở mức 100.000 tấn mía cây/ha.

Trước mắt, tỉnh vận động và tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân đẩy nhanh tiến độ gieo cấy và chăm sóc tốt hơn 50.000 ha các loại cây trồng vụ sản xuất Đông Xuân 2014 - 2015, trong đó chủ lực là hơn 24.000 ha lúa nước 2 vụ với năng suất và sản lượng cao. Đồng thời, tập trung giải quyết những khó khăn vướng mắc như hỗ trợ nguồn vốn, giải phóng mặt bằng...để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình phục vụ dân sinh trên địa bàn.

Trên công trình thuỷ lợi Ia Mơ, tỉnh đã huy động hơn 100 xe, máy và các loại thiết bị chuyên dùng với khoảng 300 công nhân lao động tổ chức làm việc liên tục 2 - 3 ca trong ngày; tập trung thi công khu đầu mối công trình gồm thân đập, cống lấy nước, hệ thống tiêu nước...nhằm phấn đấu đến cuối năm 2015 sẽ chặn dòng đợt 1 và bước đầu tưới cho hơn 5.000 ha lúa nước.

Đây là công trình thuỷ lợi lớn thứ 2 sau thuỷ lợi Ayun hạ, có năng lực tưới cho 12.500 ha các loại cây trồng, trong đó có 8.500 ha tại vùng tưới thuộc xã biên giới Ia Mơr (huyện Chưprông) và 4.000 ha cho một số xã thuộc huyện Ia H'Leo (tỉnh Đăk Lăk). Hầu hết các nhà máy trên địa bàn cũng đã huy động lực lượng tối đa tập trung sản xuất ngay từ những ngày đầu năm, nhất là các cơ sở sản xuất tại khu công nghiệp Trà Đa, kể cả trong những ngày nghĩ lễ đầu năm 2015.

Ngoài ra, tỉnh cũng đẩy mạnh thu hút khách du lịch trong và ngoài nước trên cơ sở đầu tư mạnh và đồng bộ tại các điểm du lịch, nhất là các khu du lịch sinh thái, văn hoá dân tộc. Thực hiện tốt Chương trình, mục tiêu "xoá đói - giảm nghèo", giải quyết việc làm ổn định và bền vững, huy động sự đóng góp của các doanh nghiệp và toàn xã hội, thực hiện có kết quả các chính sách dân tộc và nhất là các chương trình lớn của Chính phủ như Chương trình 132, 134, 135...

Năm 2014, mặc dù nằm trong xu thế khó khăn và thách thức của cả nước, song tỉnh Gia Lai vẫn giữ vững được sự phát triển ổn định, với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 12,71% (kế hoạch là 12,5%), sản xuất nông nghiệp vượt về diện tích gieo trồng; chăn nuôi có bước chuyển biến mạnh mẽ. Kim ngạch xuất khẩu đạt 580 triệu USD, cao nhất từ trước tới nay và tăng gấp 2,24 lần so với năm 2013, thu ngân sách đạt 103% so với dự toán.



Minh Tuấn

Tin Khoa học công nghệ

Các nhà khoa học trồng thành công giống hành tây qua mùa đông trong các đường hầm thấp

Để đáp ứng nhu cầu cao đối với hành tây, các nhà nghiên cứu của Đại học New Hampshire đã trồng thành công hành tây vào mùa thu cho thu hoạch vào mùa xuân với việc sử dụng các đường hầm thấp.

Nghiên cứu mới được tài trợ bởi Trạm thí nghiệm nông nghiệp Đại học New Hampshire (NHAES) và Cơ quan Nghiên cứu & Giáo dục Nông nghiệp bền vững. Kết quả của nghiên cứu có thể tạo thêm cơ hội cho những người trồng hành ở vùng khí hậu lạnh để có hành bán quanh năm.

Nhà nghiên cứu Becky Sideman, Giáo sư về Sản xuất trồng trọt bền vững tại Đại học New Hampshire, và các đồng nghiệp của mình tại các trường Đại học Massachusetts Amherst và Đại học Massachusetts đã trình bày kết quả nghiên cứu của họ trên Tạp chí Công nghệ Trồng trọt.

Sideman và các đồng nghiệp đã đánh giá quá trình sinh trưởng và tạo củ của một số giống hành tây trồng mùa thu ở hai khu vực ở New Hampshire qua hai mùa sinh trưởng. Cây được gieo trồng vào tháng Tám và tháng Chín và được đem ra ruộng trồng vào tháng Chín và tháng Mười, được bao phủ bởi lớp nhựa phủ màu đen. Các đường hầm thấp đã được thiết lập ở các ruộng hành tây vào cuối mùa thu. Hành tây được thu hoạch từ giữa tháng 4 đến đầu tháng 6 năm 2012 và cuối tháng 5 đến đầu tháng 7 năm 2013.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng tất cả các giống hành tây đều có tỷ lệ sống cao từ 65 đến 100%. Loại giống hành, ngày trồng và sự tương tác giữa hai yếu tố này đã có một tác động đáng kể đến đường kính củ hành tây khi thu hoạch. Nói chung, các cây hành trồng muộn hơn sẽ cho củ nhỏ hơn một chút khi thu hoạch.

Việc lựa chọn giống đóng vai trò quan trọng trong thành công của việc trồng hành tây qua mùa đông ở vùng khí hậu lạnh. Giống hành tây T420 đã sống sót qua mùa đông và cho củ hành tây có kích thước đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Đặc biệt, đối với với giống hành tây Bridger, T420, Top-Keeper và giống màu vàng Keepsake, 85 đến 100% các cây đáp ứng các tiêu chí này, cho sản lượng tiềm năng từ 37.000 đến 43.500 củ hành trên mỗi mẫu Anh.

Nguồn: Phys.org

Nghiên cứu tìm thấy gien chịu mặn ở cây đậu tương

Một dự án hợp tác nghiên cứu giữa các nhà khoa học Australia và Trung Quốc đã chỉ ra cách lai tạo giống đậu tương có thể chống chịu với tình trạng đất bị nhiễm mặn tốt hơn so với các giống khác.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Adealaide, Australia và Viện Khoa học cây trồng, Học viện Khoa học Nông nghiệp ở Bắc Kinh, Trung Quốc đã xác định được một gien cụ thể ở cây đậu tương có tính kháng đất nhiễm mặn. Phát hiện này có tiềm năng lớn để cải tiến các giống đậu tương hiện có.

Nhà nghiên cứu Giáo sư Matthew Gilliham, Đại học Adelaide cho biết, đậu tương là cây nông nghiệp đứng thứ năm trên thế giới cả về diện tích và sản lượng thu hoạch. Tuy nhiên, nhiều giống đậu tương thương mại rất nhạy cảm với độ mặn của đất và điều này có thể gây ra thiệt hại lớn đến năng suất đậu tương. Diện tích đất nông nghiệp bị nhiễm mặn đang gia tăng nhanh chóng và được dự đoán sẽ tăng gấp đôi trong 35 năm tới. Việc xác định các gien cải thiện khả năng chịu mặn sẽ rất cần thiết cho những nỗ lực cải thiện an ninh lương thực toàn cầu.

Giáo sư Tiến sĩ Lijuan Qiu và Rongxia Guan tại Viện Khoa học cây trồng đã xác định chính xác một gien chịu mặn sau khi kiểm tra các chuỗi gien của hàng trăm giống đậu tương. Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Sinh học Năng lượng Thực vật, trường Đại học Adelaide sau đó đã tiến hành kiểm tra các chức năng của gien này.

Giáo sư Qiu cho biết: “Ban đầu, chúng tôi xác định gien này bằng cách so sánh hai giống đậu tương thương mại. Chúng tôi đã rất ngạc nhiên và vui mừng nhận thấy rằng gien này cũng tạo nên đặc tính chịu mặn ở một số giống đậu tương thương mại khác, một số giống đậu tương cũ và thậm chí cả ở giống đậu tương hoang dã. Gien này có xu hướng bị mất đi khi nhân giống đậu tương mới ở vùng đất không nhiễm mặn”.

Thông qua việc xác định gien chịu mặn, các dấu hiệu di truyền có thể được sử dụng trong chương trình nhân giống để đảm bảo rằng khả năng chịu mặn có thể được duy trì trong tương lai ở các giống đậu tương sẽ được trồng ở những vùng đất dễ bị nhiễm mặn.

Phó giáo sư Gilliham cho biết: “Chức năng gien này hoàn toàn khác chức năng của các gien chịu mặn khác mà chúng tôi đã biết. Bây giờ chúng ta có thể sử dụng thông tin này để tìm các gien tương tự trong các loại cây trồng khác nhau như lúa mì và cây nho để chọn lọc lai tạo, nâng cao khả năng chịu mặn của các giống cây trồng”.

Nghiên cứu này đã nhận được sự hỗ trợ từ Hội đồng nghiên cứu Australia (ARC).

Nguồn: Phys.org
Sử dụng biện pháp xử lý chân khônghơi nước giải quyết loài ốc sên xâm lấn
Khu vực Bờ Đông Hoa Kỳ và một số khu vực cảng như Houston, Texas đang bị xâm chiếm bởi loài ốc sên xâm lấn qua các container vận chuyển hàng từ vùng Địa Trung Hải. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Virginia Tech, Bộ Tài nguyên và Môi trường Mỹ đã chứng minh công nghệ xử lý của họ có thể tiêu diệt ốc sên.

Các hàng hóa sẽ được xử lý trong 45 phút trong một buồng chân không và sau đó hơi nước được sử dụng cho các tấm kê hàng hóa bị nhiễm khuẩn. Đây là một giải pháp đầy hứa hẹn để ứng phó với sự xâm lấn của loài ốc sên.

Các nhà nghiên cứu tiến hành thử nghiệm đối với các tấm kê hàng hóa bị loài ốc sên Cernuella Cisalpine bám vào. Sau khi lô hàng đến Mỹ, các con ốc sên thoát khỏi các tấm kê hàng đã được bốc dỡ tại cảng và tại các địa điểm khác nhau trong chuỗi phân phối. Zhangjing Chen, một nhà khoa học nghiên cứu tại Trung tâm Lâm sản Brooks và là một trong những nhà sáng chế ra việc sử dụng chân không cho biết: “Ốc sên ăn tất cả các thứ. Chúng cũng có thể là vật chủ trung gian cho tất cả các loại ký sinh trùng”.

Chen đã bắt các con ốc bám vào phía dưới một đường ray xe lửa ở Baltimore và lưu trữ chúng trong một phòng thí nghiệm kiểm dịch tại Virginia Tech để sử dụng trong thử nghiệm.

Giáo sư Emeritus Marshall White cho biết: “Giải pháp là tạo ra một môi trường chân không, sau đó bơm hơi nước, đưa nhiệt độ lên 56 độ C và duy trì trong 30 phút”.

Đó là lịch trình nhiệt độ và thời gian được nêu trong Tiêu chuẩn quốc tế cho các biện pháp kiểm dịch thực vật số 15 được quy định bởi Công ước Bảo vệ thực vật quốc tế về xử lý vật liệu đóng gói bằng gỗ. Nhiệt độ và thời gian này không làm hại vật liệu đóng gói nhưng giết được dịch hại. Đầu tiên các nhà nghiên cứu sẽ xem xét hiệu quả của việc xử lý ốc sên. Tiếp theo họ sẽ xem xét tác dụng của biện pháp này đối với vật liệu đóng gói.

Trong các thử nghiệm, quá trình hút chân không và sử dụng hơi nước đã giết chết tất cả các con ốc sên bám trên vật liệu đóng gói. Viện Kiểm dịch Động vật và Thực vật của Bộ Nông nghiệp Mỹ là Cơ quan tài trợ cho nghiên cứu từ năm 2011. Thử nghiệm được tiến hành với các loại gỗ sử dụng đóng thùng đựng các nông sản như anh đào đen, quả óc chó Mỹ và gỗ sồi đỏ xuất khẩu.

Mack giải thích: “Nếu quá trình hút chân không bằng hơi nước gây thiệt hại cho sản phẩm, biện pháp này không thể sử dụng. Tiến sĩ Chen đã tiến hành kiểm tra quá trình tạo chân không và hơi nước để thiết lập một hồ sơ về nhiệt trong nhật ký kiểm tra và sau đó xem xét những tác động đối với các tấm gỗ đóng thùng bằng cách đánh giá màu sắc và kiểm tra sau khi áp dụng các biện pháp xử lý ốc sên”.

Viện Kiểm dịch Động vật và Thực vật của Bộ Nông nghiệp Mỹ muốn thiết lập các buồng xử lý chân không tại các địa điểm cảng để xử lý loài ốc sên xâm lấn qua các lô hàng xuất khẩu và nhập khẩu.

Sau thành công với quá trình hút chân không hơi nước, cơ quan này đang xem xét các thử nghiệm khác đối với hàng ngàn mầm bệnh trên quả óc chó đen và gỗ sồi. Chen và đồng nghiệp lần đầu tiên thử nghiệm biện pháp chân không và hơi nước để kiểm soát côn trùng, nấm và nấm mốc trong gỗ được sử dụng trong các thùng đóng hàng vào năm 2006. Họ đã áp dụng kỹ thuật này để xử lý củi bị nhiễm sâu đục thân vào đầu năm nay. Các nghiên cứu này được tài trợ bởi Cơ quan Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp Mỹ.



Nguồn: Phys.org
Nghiên cứu về những đặc điểm của cây lúa giúp giải quyết những thách thức của biến đổi khí hậu

Các điều kiện về nhiệt độ và lượng mưa luôn luôn thay đổi trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu. Vì vậy, các nhà khoa học muốn xác định những đặc điểm thực vật có thể được sử dụng để lai tạo các giống cây lương thực và hoa màu phát triển mạnh trong các điều kiện thay đổi về CO2, nguồn nước và nhiệt độ không khí.

Nhà nghiên cứu nông nghiệp sinh lý học thực vật Lewis Ziska, Martha Tomecek và David Gealy đã tiến hành nghiên cứu một số giống lúa để xác định những thay đổi của nhiệt độ và CO2 ảnh hưởng thế nào đến sản lượng hạt. Họ cũng xem xét các đặc điểm có thể là dấu hiệu cho thấy giống cây trồng có tiềm năng thích ứng với điều kiện khí CO2 cao.

Trong nghiên cứu, các nhà khoa học xem xét loại cỏ lúa đỏ, loài cây khi trồng sẽ gây hại cho đất trồng lúa. Mặc dù cây trồng có nhược điểm như vậy, các đánh giá trước đó chỉ ra rằng trong điều kiện CO2 cao, lúa cỏ có năng suất hạt cao hơn giống lúa khác.

Các nhà khoa học sử dụng các buồng thí nghiệm có điều kiện môi trường khác nhau để nghiên cứu đa dạng di truyền giống lúa. Họ quan sát thấy rằng tất cả các giống lúa cho sinh khối cao hơn ở các cấp độ CO2 cao, mặc dù phản ứng này giảm khi nhiệt độ không khí tăng.

Đối với năng suất hạt, chỉ lúa cỏ và các giống lúa Rondo cho sản lượng hạt cao trong điều kiện mức CO2 cao và nhiệt độ không khí tối ưu ngày/đêm là 84°F và 70°F. Các nhà nghiên cứu cũng đã bị hấp dẫn bởi một khảo sát bổ sung: Chỉ lúa cỏ đạt được mức tăng đáng kể về sinh khối và năng suất hạt ở các mức độ CO2 cao trong nhiệt độ cao hơn dự kiến xảy ra ở các vùng trồng lúa vào giữa thế kỷ này.

Khi Ziska và các đồng nghiệp phân tích các dữ liệu nghiên cứu cho lúa cỏ, họ quan sát thấy sự gia tăng năng suất hạt dưới điều kiện CO2 cao nhờ sự gia tăng kích thước hạt lúa và chồi lúa.

Do việc sản sinh chồi rễ được quy định một phần bởi di truyền của giống lúa, công tác nhân giống lúa có thể sử dụng đặc điểm này của cây lúa cỏ để phát triển các giống lúa thương mại cho sản lượng hạt cao trong điều kiện nồng độ CO2 tăng cao. Đối với các nhà nghiên cứu, những phát hiện này cũng cho thấy rằng các giống cỏ, loài cây cùng họ với các giống ngũ cốc có thể có những đặc điểm khác hữu ích trong việc thích ứng với những thách thức về môi trường đi kèm với biến đổi khí hậu.



Ziska cho biết: “Chúng tôi biết rằng nhiệt độ và CO2 trong khí quyển sẽ tăng cùng lúc. Nghiên cứu này giúp chúng tôi lai tạo các giống lúa thích ứng tốt với mức CO2 cao và mang những đặc điểm tốt đối với sự sinh trưởng của cây trồng dù điều kiện nhiệt độ thay đổi”.

Nguồn: Phys.org


tải về 0.84 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương