NIỀm vui yêu thưƠng (amoris laetitia)



trang8/17
Chuyển đổi dữ liệu28.07.2016
Kích1 Mb.
#8621
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   17

167. Những gia đình lớn là niềm vui cho Giáo Hội. Đó là một biểu hiện của hoa trái tình yêu. Đồng thời, Thánh Gioan Phaolô II giải thích rất hay rằng vai trò làm cha mẹ có trách nhiệm không có nghĩa là “sinh sản vô giới hạn hay không ý thức về những gì liên quan đến việc nuôi dạy con cái, nhưng đúng hơn nó thúc đẩy cha mẹ dùng sự tự do bất khả xâm phạm của mình một cách khôn ngoan và có trách nhiệm, biết cân nhắc đến các thực tế về nhân khẩu và xã hội, cũng như hoàn cảnh riêng và những ước vọng chính đáng của mình”.182
Tình yêu và việc mang thai
168. Mang thai là một giai đoạn khó khăn nhưng rất kỳ diệu. Một người mẹ cộng tác với Thiên Chúa trong việc thực hiện cái phép lạ đem lại sự sống mới. Thiên chức làm mẹ là một “tiềm năng sáng tạo riêng của thân thể phụ nữ, được định hướng dẫn đến việc thụ thai và sinh hạ một con người mới”.183 Mỗi người nữ đều chia sẻ trong “mầu nhiệm sáng tạo, được tái hiện nơi mỗi cuộc sinh hạ”.184 Tác giả Thánh Vịnh nói: “Ngài dệt con trong dạ mẫu thân con” (Tv 139,13). Mỗi đứa con lớn lên trong cung lòng người mẹ là một phần của kế hoạch yêu thương vĩnh cửu của Chúa Cha: “Trước khi ngươi thành hình trong lòng mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi chào đời, Ta đã thánh hiến ngươi” (Gr 1,5). Mỗi đứa trẻ có một chỗ trong trái tim của Thiên Chúa từ đời đời; khi đứa trẻ được thụ thai, giấc mơ vĩnh cửu ấy của Đấng Tạo Hóa trở thành hiện thực. Chúng ta hãy nghĩ đến giá trị cao cả của phôi thai ngay từ khoảnh khắc thụ thai. Chúng ta cần nhìn nó với cái nhìn của Thiên Chúa, Đấng luôn luôn nhìn thấy điều vượt quá những dáng vẻ đơn thuần bề ngoài.
169. Một phụ nữ mang thai có thể tham dự vào kế hoạch của Thiên Chúa bằng cách dệt ước mơ về đứa con của mình. “Trong chín tháng, mọi người mẹ và người cha đều ước mơ về đứa con của họ… Bạn không thể có một gia đình mà không có những giấc mơ. Một khi gia đình mất khả năng ước mơ, con cái sẽ ngừng lớn lên, tình yêu sẽ ngừng lớn lên, sự sống sẽ héo hắt và tàn lụi”.185 Đối với các đôi bạn Kitô hữu, Phép Rửa phải nhất thiết hiện ra như một phần của giấc mơ ấy. Với lời cầu nguyện của mình, các bậc cha mẹ chuẩn bị cho Phép Rửa, ký thác đứa trẻ của mình cho Chúa Giêsu ngay cả trước khi nó chào đời.
170. Những tiến bộ khoa học ngày nay cho phép chúng ta biết trước về màu tóc của đứa trẻ hay những bệnh tật tiềm tàng, vì tất cả những sắc thái thể lý của con người được ghi sẵn trong mã di truyền của người ấy ở giai đoạn còn là phôi thai. Nhưng chỉ có Chúa Cha, Đấng Sáng Tạo, mới biết đầy đủ về đứa trẻ; chỉ mình Ngài biết căn tính và giá trị sâu xa nhất của nó. Những người mẹ đang mang thai cần xin Chúa ban cho mình sự khôn ngoan đủ để hiểu biết con cái mình và đón nhận chúng như sự thật của chúng. Một số cha mẹ nghĩ rằng đứa con mình không xuất hiện đúng vào lúc tốt nhất. Họ nên xin Chúa chữa trị và củng cố mình để biết chấp nhận đứa con cách trọn vẹn với cả tấm lòng. Thật quan trọng việc đứa con phải cảm thấy rằng mình được cha mẹ mong muốn. Nó không phải là một món đồ dùng hay một giải pháp cho một nhu cầu cá nhân nào đó. Đứa con là một con người có giá trị cao cả, và không bao giờ có thể bị sử dụng cho lợi ích riêng của người ta. Vì thế không thành vấn đề chuyện sự sống mới này có thuận tiện cho bạn hay không, nó có những dáng nét mà bạn thích hay không, hoặc nó có phù hợp với các kế hoạch và các mong muốn của bạn hay không. Vì “con cái là một quà tặng. Mỗi đứa con đều độc đáo và không thể thay thế… Chúng ta yêu thương con cái vì chúng là con cái, không phải vì chúng đẹp, hay chúng trông giống chúng ta hoặc suy nghĩ giống chúng ta, hay chúng chứa đựng các giấc mơ của chúng ta. Chúng ta yêu thương chúng vì chúng là con cái. Một đứa con là một đứa con”.186 Tình yêu của cha mẹ là phương tiện qua đó Thiên Chúa, Cha chúng ta, diễn tả tình yêu của chính Ngài. Ngài chờ đợi cuộc chào đời của mỗi đứa trẻ, Ngài chấp nhận đứa trẻ một cách vô điều kiện, và Ngài chào đón nó một cách quảng đại.
171. Với đầy thương mến, tôi tha thiết kêu gọi tất cả các người mẹ tương lai: hãy vui mừng và đừng để bất cứ gì tước mất của bạn niềm vui thâm sâu của thiên chức làm mẹ. Đứa con của bạn xứng đáng có được niềm hạnh phúc của bạn. Đừng để những sợ hãi, lo lắng, những bình phẩm của người khác hay những vấn đề nào đó làm giảm đi niềm vui của bạn trong tư cách là phương tiện Thiên Chúa dùng để đem lại một sự sống mới cho thế giới này. Hãy chuẩn bị chính mình cho cuộc chào đời của đứa con, nhưng không quá lo lắng ám ảnh, và hãy kết hợp với lời ca ngợi đầy hân hoan của Đức Maria: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ của tôi, vì Ngài đã nhìn đến phận hèn tôi tớ của Ngài” (Lc 1,46-48). Hãy cố gắng cảm nghiệm niềm phấn khích thâm trầm này giữa tất cả bao ưu tư của bạn, và xin Chúa giữ gìn niềm vui của bạn, để bạn có thể chuyển thông niềm vui ấy cho đứa con của mình.
Tình yêu của người mẹ và người cha
172. “Con cái, khi được chào đời, bắt đầu đón nhận sự nuôi dưỡng và chăm sóc, và đón nhận cả ân ban thiêng liêng của việc biết chắc rằng chúng được yêu thương. Tình yêu này được bày tỏ cho chúng xuyên qua tên gọi riêng được trao cho chúng, việc chia sẻ ngôn ngữ, những ánh nhìn yêu thương và sự tỏa sáng của một nụ cười. Bằng cách này, chúng học biết rằng vẻ đẹp của các mối tương quan con người đụng chạm đến linh hồn chúng ta, tìm kiếm sự tự do của chúng ta, chấp nhận sự khác biệt của người khác, nhìn nhận và kính trọng họ như một thành phần trong đối thoại… Đó là tình yêu, và nó chứa đựng một tia lửa của tình yêu Thiên Chúa!”187 Mỗi đứa con có quyền nhận được tình yêu từ một người mẹ và một người cha; cả hai đều cần cho sự phát triển có tính hòa điệu và toàn vẹn của đứa trẻ. Như các giám mục Úc châu ghi nhận, mỗi người cha và mẹ “đóng góp bằng một cách thế riêng biệt cho sự lớn lên của đứa con. Tôn trọng phẩm giá của đứa trẻ có nghĩa là khẳng định nhu cầu và quyền tự nhiên của nó cần có một người mẹ và một người cha”.188 Ở đây chúng ta đang nói đến không chỉ tình yêu của người cha và người mẹ xét như những cá thể, nhưng còn nói đến tình yêu thương nhau giữa họ nữa, được hiểu như là nguồn của sự sống con người và là nền tảng vững chắc của gia đình. Không có tình yêu ấy, một đứa trẻ có thể trở thành một đồ chơi đơn thuần. Chồng và vợ, cha và mẹ, cả hai “cộng tác với tình yêu của Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo, và – theo nghĩa nào đó – là những người thông ngôn cho Ngài”.189 Họ cho con cái thấy khuôn mặt của Chúa như người cha và người mẹ. Cùng với nhau, họ dạy về giá trị của sự tương nhượng, sự kính trọng những khác biệt, và khả năng cho và nhận. Nếu vì lý do nào đó không tránh được mà phải thiếu người cha hay người mẹ, thì thật quan trọng việc phải bù đắp cho sự mất mát này, để đứa trẻ có thể phát triển lành mạnh hướng đến trưởng thành.
173. Cảm thức về thân phận mồ côi tác động đến nhiều trẻ em và người trẻ ngày nay thì thâm sâu hơn chúng ta tưởng. Ngày nay chúng ta nhìn nhận là hợp lẽ và thực sự đáng ao ước việc phụ nữ muốn học tập, làm việc, phát triển các kỹ năng của mình và có những mục tiêu cá nhân. Đồng thời, chúng ta không thể phớt lơ nhu cầu rằng con cái phải có sự hiện diện của người mẹ, nhất là trong những tháng đầu tiên sau khi chào đời. Thật vậy, “người phụ nữ đứng trước người đàn ông trong tư cách một người mẹ, là chủ thể của sự sống mới được thụ thai và phát triển trong mình và chính từ mình mà sự sống ấy được sinh vào đời”.190 Việc làm suy yếu sự hiện diện của người mẹ với những phẩm chất phụ nữ của sự hiện diện ấy sẽ đặt ra một nguy cơ lớn cho thế giới chúng ta. Dĩ nhiên tôi trân trọng phong trào nữ quyền, nhưng là một nữ quyền không đòi hỏi sự đồng nhất hay phủ nhận thiên chức làm mẹ. Vì tính cao quí của phụ nữ bao gồm tất cả các quyền rút ra từ phẩm giá con người bất khả nhượng của họ, và cả thiên năng nữ tính của họ nữa, điều rất thiết yếu đối với xã hội. Các khả năng chuyên biệt của phụ nữ - cách riêng thiên chức làm mẹ - đặt ra các bổn phận, vì tính cách phụ nữ cũng gắn liền với một sứ mạng chuyên biệt trên thế giới này, một sứ mạng mà xã hội cần bảo vệ và gìn giữ vì ích lợi của tất cả.191
174. “Những người mẹ là thuốc giải độc mạnh nhất trước sự lan tràn của chủ nghĩa cá nhân đầy ích kỷ… Chính những người mẹ làm chứng cho vẻ đẹp của đời sống”.192 Chắc chắn, “một xã hội mà không có những người mẹ thì sẽ bị mất tính người, vì các bà mẹ – ngay cả trong những thời khắc tệ hại nhất – luôn luôn là chứng nhân cho sự dịu hiền, đảm đang và cho sức mạnh đạo đức. Những người mẹ thường thông truyền ý nghĩa sâu xa nhất của thực hành tôn giáo trong các kinh nguyện ban đầu và các thực hành mộ đạo mà con cái họ học theo… Nếu không có các bà mẹ, thì chẳng những sẽ không có các tín hữu mới, mà ngay chính đức tin cũng sẽ mất đi phần nhiều sự sốt sắng đơn sơ mà sâu xa của nó… Các người mẹ thân mến, xin cám ơn các chị em! Xin cám ơn các chị em vì vai trò của các chị em trong gia đình, và vì những gì các chị em cống hiến cho Giáo Hội và cho thế giới”.193
175. Người mẹ trông nom đứa con mình với sự sự âu yếm và tình thương sẽ giúp đứa con lớn lên trong niềm tin tưởng, và nó sẽ kinh nghiệm rằng thế giới này là một nơi tốt lành và ấm cúng. Điều này giúp đứa con lớn lên với lòng tự trọng và, đến lượt nó, sẽ phát triển một khả năng mật thiết và thấu cảm. Người cha, về phần mình, giúp đứa con nhận hiểu những giới hạn của đời sống, để biết sẵn sáng đón nhận những thách đố của một thế giới rộng lớn hơn, và để hiểu được nhu cầu phải gắng sức làm việc. Một người cha có được một tính cách đàn ông sáng tỏ và sâu lắng, là người biểu hiện lòng yêu thương và sự quan tâm đối với vợ mình, thì cũng cần thiết như một người mẹ đầy lòng quan tâm. Có thể có một sự linh động nào đó về các vai trò và các trách nhiệm, tùy vào các hoàn cảnh cụ thể của mỗi gia đình. Nhưng sự hiện diện rõ ràng và xác định của cả hai người, nữ và nam, sẽ tạo ra môi trường tốt nhất cho sự phát triển của đứa con.
176. Chúng ta thường nghe rằng xã hội của chúng ta là “một xã hội không cha”. Trong nền văn hóa Tây phương, người ta nói rằng hình ảnh người cha cách nào đó đang vắng mặt, thất lạc hay biến mất. Chính tính cách đàn ông dường như cũng bị chất vấn. Hệ quả là một sự nhập nhằng có thể hiểu được. “Đầu tiên, điều này được coi như một sự giải phóng: giải phóng khỏi người cha như là ông chủ, như là đại diện của một luật lệ áp đặt từ bên ngoài, như là nhà độc tài đối với hạnh phúc của con cái, và như là một cản trở sự giải phóng và sự tự trị của những người trẻ. Trong một số gia đình, chủ nghĩa độc đoán từng thống trị và, có những lúc, thậm chí là sự đàn áp”.194 Nhưng, “như vốn thường xảy ra, người ta đi từ thái cực này đến thái cực khác. Trong thời chúng ta, dường như vấn đề không còn là sự hiện diện ngột ngạt của người cha cho bằng là sự vắng mặt của ông, ông không có mặt ở đó. Những người cha thường mải mê với chính mình và công việc của mình, có khi mải mê với sự hoàn thành bản thân, đến nỗi họ phớt lơ gia đình của họ. Họ bỏ mặc con cái còn nhỏ dại”.195 Sự hiện diện của người cha, và cùng với nó là quyền bính của ông, cũng bị chi phối bởi lượng thời gian dành cho thông tin liên lạc và truyền thông giải trí. Ngày nay quyền bính thường bị xem là đáng ngờ và người lớn thường bị cư xử hỗn láo. Chính họ cũng trở nên bất quyết và do đó không cung cấp được sự hướng dẫn vững chắc cho con cái mình. Đảo ngược vai trò giữa cha mẹ và con cái là một điều không lành mạnh, vì nó làm ách tắc tiến trình phát triển đúng đắn mà con cái cần kinh nghiệm, và nó tước mất khỏi chúng tình yêu và sự hướng dẫn cần thiết cho sự trưởng thành.196
177. Thiên Chúa đặt người cha vào trong gia đình để nhờ những ân ban gắn liền với nam tính của mình, người ấy có thể “gần gũi với vợ mình và chia sẻ mọi sự, niềm vui và nỗi buồn, hy vọng và khó khăn. Và để gần gũi con cái khi chúng lớn lên – khi chúng chơi hay làm việc, khi chúng vô tư hay lo lắng, khi chúng nói huyên thiên hay thinh lặng, khi chúng gan dạ hay sợ hãi, khi chúng đi lạc và khi chúng phục thiện. Hãy làm một người cha luôn luôn hiện diện. Khi tôi nói ‘hiện diện’, tôi không có ý nói về sự ‘kiểm soát’. Những người cha quá kiểm soát sẽ che mờ con cái mình, không cho chúng phát triển”.197 Một số người cha cảm thấy mình vô dụng hay không cần thiết, nhưng thực tế là “con cái cần một người cha chờ đợi chúng khi chúng về nhà với những vấn đề của chúng. Chúng có thể cố không nhìn nhận điều đó, không tỏ cho thấy điều đó, nhưng thực sự chúng cần như vậy”.198 Thật đáng tiếc cho những con cái thiếu một người cha và phải lớn lên một cách dò dẫm.
178. Một số đôi vợ chồng không thể có con. Chúng ta biết rằng đây có thể là một nguyên nhân đau khổ thực sự cho họ. Đồng thời, chúng ta cũng biết rằng “hôn nhân không được thiết lập chỉ cho việc sinh sản con cái… Ngay cả trong những trường hợp mà dù cho hai vợ chồng ước muốn mãnh liệt, họ vẫn không có con, thì hôn nhân vẫn còn nguyên đặc tính toàn vẹn và hiệp thông sự sống, và bảo tồn giá trị cũng như tính bất khả phân ly của nó”.199 Cũng vì thế, “thiên chức làm mẹ không phải là một thực tại chỉ có tính sinh học, mà còn được diễn tả bằng nhiều cách thức đa dạng”.200
179. Nhận con nuôi là một một cách rất quảng đại để làm cha mẹ. Tôi khích lệ những ai không thể có con hãy mở rộng tình yêu hôn nhân của mình để đón nhận những đứa con thiếu một hoàn cảnh gia đình thích hợp. Họ sẽ không bao giờ phải hối hận vì mình đã quảng đại như thế. Nhận nuôi một đứa con là một hành động của tình yêu, là trao tặng món quà gia đình cho ai đó không có nó. Thật quan trọng việc nhấn mạnh rằng luật pháp nên tạo điều kiện cho thủ tục nhận con nuôi, nhất là trong trường hợp những đứa con không được mong muốn, để đề phòng việc phá thai hay bỏ rơi chúng. Những người chấp nhận sự thách đố của việc nhận con nuôi và đón nhận một người con như vậy, một cách nhưng không và vô điều kiện, sẽ trở thành kênh chuyển thông tình yêu của Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa phán: “Ngay cả dù người mẹ có quên con đi nữa, thì Ta vẫn không bao giờ quên con” (Is 49,15).
180. “Việc quyết định nhận con nuôi và cung cấp sự chăm sóc biểu hiện một loại hoa trái đặc biệt trong kinh nghiệm hôn nhân, và đây không chỉ là trường hợp của những người không có con. Trong ánh sáng của những hoàn cảnh trong đó người ta ao ước có một đứa con bằng mọi giá, như là điều cần thiết để hoàn thành chính mình, thì việc nhận con nuôi và việc cung cấp sự chăm sóc, nếu hiểu đúng, sẽ thể hiện một khía cạnh quan trọng của việc nuôi dạy con cái. Nó làm cho người ta ý thức rằng con cái, dù là con tự nhiên, con nuôi hay con được nhận để chăm sóc, vốn dĩ là những con người cần được chấp nhận, yêu thương và săn sóc, chứ không chỉ cần được đưa vào thế giới này mà thôi. Những quyền lợi thiết yếu nhất của đứa trẻ phải luôn luôn nằm bên trong bất cứ quyết định nào liên quan đến việc nhận con nuôi và nhận chăm sóc”.201 Đàng khác, “nạn buôn bán trẻ em giữa các quốc gia và các lục địa cần phải được ngăn chặn bởi hành động pháp lý thích đáng và sự kiểm soát của nhà nước”.202
181. Chúng ta cũng ghi nhớ rõ rằng sinh con và nhận con nuôi không phải là những cách duy nhất để kinh nghiệm hoa trái của tình yêu. Ngay cả những gia đình lớn cũng được mời gọi in dấu vào xã hội, tìm ra những cách khác để thể hiện hoa trái mà một cách nào đó sẽ kéo dài tình yêu vốn nâng đỡ họ. Các gia đình Kitô hữu không bao giờ được quên rằng “đức tin không tách chúng ta khỏi thế giới, nhưng đẩy chúng ta vào sâu hơn trong đó… Thật vậy, mỗi chúng ta có một vai trò đặc biệt trong việc chuẩn bị cho Nước Thiên Chúa đến trong thế giới này”.203 Các gia đình không nên coi mình như một nơi tị nạn khỏi xã hội, trái lại nên bước ra khỏi nhà mình trong một tinh thần liên đới với người khác. Bằng cách này, các gia đình trở thành một trung tâm hội nhập người ta vào xã hội, và là một tiếp điểm giữa các cảnh vực công cộng và riêng tư. Các đôi vợ chồng cần ý thức rõ về các bổn phận xã hội của mình. Nhờ đó, tình cảm của họ sẽ không suy giảm nhưng sẽ đầy tràn với ánh sáng mới. Như có nhà thơ nói:
Đôi bàn tay em cho anh sự âu yếm,

sự hòa điệu đổ đầy đời anh.

Anh yêu em vì đôi bàn tay em

làm việc phụng sự cho công lý.

Anh yêu em, vì em là

tình yêu của anh, bạn đồng hành của anh, và tất cả của anh.

Và trên đường phố, vai chen vai,

chúng ta không chỉ là hai”.204
182. Không gia đình nào có thể sinh hoa trái nếu xem chính mình như quá khác biệt hay “được tách rời ra”. Để tránh nguy cơ này, chúng ta phải nhớ rằng gia đình của Đức Giêsu, đầy ân sủng và khôn ngoan, đã không tỏ ra khác thường hay không giống với những gia đình khác. Đó là lý do tại sao người ta người ta khó nhận ra sự khôn ngoan của Đức Giêsu: “Bởi đâu mà ông này được như vậy? Đây không phải là anh thợ mộc, con của bà Maria sao?” (Mc 6,23). “Đây không phải là con bác thợ mộc sao?” (Mt 13,55). Những câu hỏi này cho thấy rõ rằng gia đình của các ngài là một gia đình bình thường, gần gũi với những gia đình khác, là một thành phần bình thường trong cộng đồng. Đức Giêsu đã không lớn lên trong một mối tương quan khép kín ngột ngạt với Đức Maria và Thánh Giuse, nhưng Người sẵn sàng tương tác với gia đình rộng lớn hơn, với bà con và các bạn hữu của cha mẹ Người. Điều này giải thích tại sao trên đường trở về từ Giêrusalem, Đức Maria và Thánh Giuse có thể nghĩ rằng, trong cả ngày ấy, cậu bé Giêsu mười hai tuổi chắc hẳn ở đâu đó trong đoàn người hành hương, lắng nghe những câu chuyện của người ta và chia sẻ những quan tâm của họ: “Sau một ngày đường, ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành” (Lc 2,44). Thế nhưng có một số gia đình Kitô hữu, có thể do ngôn ngữ họ dùng, do cách họ hành động hoặc ứng xử với những người khác, hay do họ cứ thường xuyên lặp đi lặp lại vài ba chuyện gì đó thôi, rốt cục họ bị coi là xa rời và không thực sự là một thành phần của cộng đồng. Ngay cả những người họ hàng của họ cũng cảm thấy bị họ coi thường hay xét đoán.
183. Một đôi bạn kinh nghiệm về sức mạnh của tình yêu sẽ biết rằng tình yêu ấy được mời gọi để băng bó các vết thương của những người bất hạnh, cổ võ một nền văn hóa gặp gỡ và chiến đấu cho công lý. Thiên Chúa đã trao cho gia đình cái công việc biến thế giới này thành “gia đình”205 và giúp mỗi người nhìn thấy những người xung quanh mình là anh chị em của mình. “Một cái nhìn đầy lưu tâm đến đời sống hằng ngày của những con người nam nữ thời nay chắc chắn sẽ nhận thấy nhu cầu ở khắp mọi nơi về việc phải làm thấm nhiễm cách lành mạnh một tinh thần gia đình… Không chỉ việc tổ chức đời sống hằng ngày bị ngáng trở ngày càng hơn bởi một thứ quan liêu hoàn toàn xa lạ với những mối quan hệ nhân bản nền tảng, mà ngay cả những tập tục xã hội và chính trị cũng cho thấy những dấu hiệu của sự xuống cấp”.206 Về phần mình, các gia đình cởi mở và đầy quan tâm sẽ tìm thấy một chỗ cho người nghèo, và xây dựng mối dây thân hữu với những người kém may mắn hơn mình. Trong những cố gắng của họ để sống theo Tin Mừng, họ ý thức về những lời của Đức Giêsu: “Những gì các ngươi làm cho một trong những anh em bé mọn nhất của ta đây, đó là các ngươi làm cho chính ta (Mt 25,40)”. Một cách rất thực tế, đời sống của họ diễn tả những điều vốn đòi hỏi tất cả chúng ta: “Khi ngươi có một bữa ăn hay bữa tiệc, đừng mời bạn hữu, hay anh em, hay bà con, hay những người khá giả, kẻo họ sẽ mời lại ngươi, và ngươi được đáp đền. Nhưng khi đãi tiệc, hãy mời những người nghèo, người tàn tật, người què, người mù, và ngươi sẽ được chúc phúc” (Lc 14,12-14). Ngươi sẽ được chúc phúc! Đây là bí quyết của hạnh phúc gia đình.
184. Bằng chứng tá và lời nói của mình, các gia đình trình bày với người khác về Đức Giêsu. Họ chuyển thông đức tin, khơi lên khát vọng Thiên Chúa, và họ phản ảnh vẻ đẹp của Tin Mừng và lối sống theo Tin Mừng. Như vậy, hôn nhân Kitô giáo làm sinh động xã hội bằng chứng tá tình huynh đệ của mình, bằng mối quan tâm xã hội và việc lên tiếng thẳng thắn nhân danh những người thấp cổ bé miệng, bằng đức tin sáng ngời và niềm hy vọng năng động của mình. Hoa trái của hôn nhân Kitô giáo mở rộng ra, và bằng vô vàn cách thế nó làm cho tình yêu của Thiên Chúa hiện diện trong xã hội.
Phân định thân thể [của Chúa]
185. Cũng trong chiều hướng này, chúng ta hãy nghiêm túc xem xét một bản văn Thánh Kinh vốn thường bị diễn dịch ở ngoài văn mạch hay theo một nghĩa chung chung, với nguy cơ là bỏ qua ý nghĩa trực tiếp của nó, một ý nghĩa in đậm dấu xã hội. Tôi đang nói về đoạn văn 1Cr 11,17-34, trong đó Thánh Phaolô đối mặt với một tình huống đáng xấu hổ trong cộng đoàn. Các thành viên khá giả hơn có khuynh hướng kỳ thị những người nghèo, và điều này đã bộc lộ ngay cả tại bữa ăn agape tiếp theo sau cử hành Thánh Thể. Trong khi người giàu hưởng dùng thức ăn riêng của mình, thì người nghèo đứng nhìn và cảm thấy đói: “Kẻ thì đói, người thì say sưa. Anh em không có nhà để ăn uống sao? Hay anh em khinh thị Hội Thánh của Chúa và sỉ nhục những người không có của?” (câu 21-22).
186. Thánh Lễ đòi hỏi rằng chúng ta là thành viên của một thân thể Hội Thánh. Những ai đến với Mình và Máu Đức Kitô không thể gây thương tích cho chính Thân Thể ấy bằng cách tạo ra những sự phân biệt và chia rẽ đầy tai tiếng giữa các thành viên. Đây là ý nghĩa của việc “phân định” thân thể của Chúa, nhận ra thân thể ấy với đức tin và đức ái, cả trong những dấu hiệu bí tích lẫn trong cộng đoàn; những ai không làm thế thì đang ăn và uống sự lên án chính mình (x. câu 29). Cử hành Thánh Thể, vì thế, trở thành một lời hiệu triệu thường xuyên mời gọi mọi người “khảo sát chính mình” (câu 28), mở cửa gia đình mình để thông hiệp nhiều hơn với những người hèn mọn, và bằng cách này người ta lãnh nhận bí tích tình yêu ấy, bí tích làm cho chúng ta thành một thân thể. Chúng ta không được quên rằng “‘huyền nhiệm’ của bí tích này có một đặc tính xã hội”.207 Khi những người lãnh nhận bí tích này dửng dưng với người nghèo và người đau khổ, hay hùa theo những hình thức khác nhau của sự chia rẽ, khinh miệt và bất bình đẳng, thì Thánh Thể được lãnh nhận một cách không xứng đáng. Đàng khác, các gia đình chuẩn bị sẵn sàng và lãnh nhận Thánh Thể thường xuyên sẽ củng cố khát vọng tình huynh đệ, ý thức xã hội và sự dấn thân cho những người túng thiếu.
ĐỜI SỐNG TRONG GIA ĐÌNH RỘNG LỚN
187. Gia đình hạt nhân (gia đình nhỏ) cần tương tác với gia đình rộng lớn hơn, bao gồm cha mẹ, cô dì chú bác, anh chị em họ và ngay cả láng giềng. Gia đình lớn này có thể có những thành viên cần sự giúp đỡ, hay ít nhất cần sự đồng hành và tình cảm, hay sự an ủi trong hoàn cảnh đau khổ.208 Chủ nghĩa cá nhân quá lan tràn ngày nay có thể dẫn đến việc tạo ra những cái tổ nhỏ an toàn, trong đó những người khác được thấy là sự quấy rầy hay sự đe dọa. Tuy nhiên, tình trạng cô lập như thế không thể đem lại bình an hay hạnh phúc lớn lao được; thay vào đó, nó làm chật hẹp trái tim của một gia đình và làm cho đời sống gia đình trở nên nghèo nàn hơn.
Phận làm con
188. Trước hết, chúng ta hãy nghĩ đến cha mẹ chúng ta. Đức Giêsu bảo những người Pharisêu rằng bỏ bê cha mẹ là chống lại luật của Thiên Chúa (x. Mc 7,8-13). Chúng ta nhớ rõ rằng mỗi chúng ta là một người con, con trai hay con gái. “Dù người ta đã trưởng thành, hay đã cao niên, ngay cả đã trở thành cha hay mẹ, hay đã đảm nhận những vai trò trách nhiệm, thì đàng sau tất cả những điều ấy vẫn là căn tính của một người con. Tất cả chúng ta là những người con. Và điều này luôn luôn đưa chúng ta trở lại với sự thật rằng không phải chúng ta đã tự trao cho mình sự sống, nhưng là đã nhận lãnh nó. Món quà sự sống vĩ đại là món quà đầu tiên mà chúng ta đã nhận lãnh”.209
189. Vì thế, “điều răn thứ tư yêu cầu con cái… tôn kính cha mẹ mình (x. Xh 20,12). Điều răn này đến liền sau những điều răn liên quan tới chính Thiên Chúa. Thật vậy, nó có liên hệ với một cái gì đó thánh thiêng, một cái gì đó thần linh, một cái gì đó nằm ở nền móng của mọi loại tôn kính khác dành cho con người. Phát biểu của Thánh Kinh về điều răn thứ tư tiếp tục nói: ‘để ngươi được sống lâu trên đất mà Chúa là Thiên Chúa ngươi ban cho ngươi’. Mối ràng buộc đạo đức giữa các thế hệ là sự bảo đảm cho tương lai, và cũng là sự bảo đảm cho một xã hội thực sự nhân văn. Một xã hội trong đó con cái không tôn kính cha mẹ mình là một xã hội không có danh dự… Đó là một xã hội sẽ gồm toàn những người trẻ gắt gỏng và tham lam”.210


Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   17




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương