NIỀm vui yêu thưƠng (amoris laetitia)



trang7/17
Chuyển đổi dữ liệu28.07.2016
Kích1 Mb.
#8621
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   ...   17

146. Tuy nhiên, nếu đam mê đi kèm theo một hành động tự do, thì nó có thể biểu lộ chiều sâu của hành động ấy. Tình yêu hôn nhân cố gắng bảo đảm rằng toàn thể đời sống tâm cảm của người ta sinh ích cho gia đình xét như một toàn thể, và nhằm phục vụ cho đời sống chung của gia đình. Một gia đình trưởng thành khi đời sống tâm cảm của các thành viên trở nên một dạng nhạy bén không đè nén cũng không che mờ những quyết định và những giá trị lớn, nhưng đúng hơn tôn trọng sự tự do của mỗi người,141 xuất phát từ sự tự do ấy, làm phong phú nó, hoàn thiện và hòa điệu nó nhằm phục vụ mọi người.
Thiên Chúa yêu thích niềm vui của con cái Ngài
147. Điều này cần đến một tiến trình có tính sư phạm liên quan đến việc từ bỏ. Xác tín này của Giáo Hội thường bị tẩy chay viện lẽ rằng nó đi ngược lại hạnh phúc của con người. Đức Bênêđictô XVI đã đúc kết cáo buộc này thật rõ ràng: “Với tất cả những điều răn và những cấm đoán của mình, chẳng phải Giáo Hội muốn biến điều quí giá nhất trong đời thành sự cay đắng đó sao? Chẳng phải Giáo Hội thổi còi chính khi niềm vui - vốn là quà tặng của Tạo Hóa - đem lại cho chúng ta một niềm hạnh phúc mà tự nó là một cảm nếm trước thiên giới đó sao?”142 Ngài trả lời rằng mặc dù đã có những sự cường điệu và những hình thức khổ hạnh lệch lạc trong Kitô giáo, nhưng giáo huấn chính thức của Giáo Hội, trong sự trung thành với Thánh Kinh, không hề bác bỏ “nhục cảm theo đúng nghĩa của nó, mà đúng hơn Giáo Hội tuyên chiến với một dạng méo mó và tàn phá của nó, bởi vì sự thần thánh hóa giả hiệu này của nhục cảm […] thực ra tước mất của nó phẩm giá thần linh và làm mất cả tính người của nó nữa”.143
148. Thật cần thiết phải có sự đào tạo trong các lãnh vực cảm xúc và bản năng, và có những khi điều này đòi hỏi phải lập ra những giới hạn. Sự thái quá, sự thiếu kiểm soát hay sự ám ảnh với một dạng lạc thú đơn độc sẽ rốt cục làm suy yếu và bại hoại chính lạc thú ấy144 và phá hỏng đời sống gia đình. Một người có thể chuyển thông những đam mê của mình bằng một cách thế đẹp đẽ và lành mạnh, không ngừng hướng chúng về phía vị tha và sự hoàn thành chính mình một cách toàn nhập, điều này luôn làm phong phú các mối tương quan liên vị ở trung tâm đời sống gia đình. Điều này không có nghĩa là khước từ những khoảnh khắc thích thú cực độ,145 nhưng đúng hơn là hội nhập chúng với những khoảnh khắc khác của sự dấn thân quảng đại, của niềm hy vọng bền bỉ, của sự mệt mỏi không tránh được và của sự chiến đấu để đạt một lý tưởng. Đời sống gia đình là tất cả những điều này, và nó đáng được sống đến mức trọn vẹn nhất.
149. Một số trào lưu linh đạo dạy rằng cần phải từ bỏ sự thèm khát như một con đường giải phóng khỏi đau khổ. Nhưng chúng ta tin rằng Thiên Chúa yêu thích niềm vui thú mà con người cảm nghiệm: Ngài đã dựng nên chúng ta và “trang bị dồi dào cho chúng ta mọi sự để hưởng dùng” (1Tm 6,17). Chúng ta hãy vui mừng vì với tình yêu hải hà Ngài bảo chúng ta: “Hỡi con, hãy săn sóc lấy mình… Đừng tước mất của mình một ngày hạnh phúc” (Hc 14,11-14). Các đôi vợ chồng cũng đáp lại thánh ý Thiên Chúa khi họ tuân theo huấn thị của Thánh Kinh: “Vào ngày thịnh vượng, hãy hưởng lấy phúc” (Gv 7,14). Điều quan trọng là có sự tự do để nhận ra rằng lạc thú có thể có những cách diễn tả khác nhau vào những giai đoạn khác nhau của đời sống, phù hợp với các nhu cầu của tình yêu đối với nhau. Theo nghĩa này, chúng ta có thể trân trọng những giáo huấn của một số bậc thầy Đông phương thúc đẩy chúng ta giãn rộng ý thức của mình, phòng tránh việc chúng ta bị giam hãm bởi một kinh nghiệm giới hạn có thể bó hẹp tầm nhìn của mình. Sự giãn rộng ý thức này không phải là phủ nhận hay tiêu diệt lòng khát khao cho bằng là mở nó rộng ra và hoàn thiện nó.
Chiều kích nhục cảm của tình yêu
150. Tất cả những điều này đưa chúng ta đến với chiều kích tình dục của hôn nhân. Chính Thiên Chúa tạo dựng nên tính dục, là món quà kỳ diệu cho các thụ tạo của Ngài. Nếu món quà này phải được phát huy và hướng dẫn, thì đó là để phòng tránh “sự phá giá một giá trị đích thực”.146 Thánh Gioan Phaolô II bác bỏ quan điểm cho rằng giáo huấn của Giáo Hội là “một sự phủ nhận giá trị của tính dục con người”, hay cho rằng Giáo Hội miễn cưỡng chấp nhận tính dục “chỉ vì nó cần cho việc truyền sinh”.147 Sự thèm khát tình dục không phải là một cái gì đáng bị coi thường, và “người ta không thể nào chất vấn sự cần thiết của nó”.148
151. Nói với những người lo sợ rằng việc uốn nắn các đam mê và tình dục sẽ làm ảnh hưởng đến tính tự nhiên của tình yêu nam nữ, Thánh Gioan Phaolô II trả lời rằng nhân vị con người được “mời gọi đạt đến tính cách tự nhiên đầy đủ và trưởng thành trong các mối tương quan của mình”, một sự trưởng thành vốn “là hoa trái trổ sinh dần dần từ một sự phân định các xung năng trong lòng mình”.149 Điều này đòi hỏi tính kỷ luật và khả năng tự chủ, bởi vì mọi người đều “phải học – một cách kiên trì và nhất quán – để biết ý nghĩa của thân xác mình”.150 Tính dục không phải là một phương tiện để thỏa mãn hay để giải trí; nó là một ngôn ngữ liên vị trong đó người kia được nghiêm túc trân trọng, trong phẩm giá thánh thiêng và bất khả xâm phạm của người ấy. Như vậy, “trái tim con người tiến tới tham dự vào, có thể nói, một loại tính cách tự nhiên khác”.151 Trong bối cảnh này, nhục cảm xuất hiện như một sự thể hiện tính dục chuyên biệt của con người. Nó giúp chúng ta khám phá “ý nghĩa hoàn hợp của thân xác và phẩm giá đích thực của ơn ban ấy”.152 Trong các bài giáo lý về thần học thân xác của ngài, Thánh Gioan Phaolô II dạy rằng sự dị biệt về tính dục không chỉ là “một nguồn của hoa trái và sinh sản”, mà nó còn sở hữu “khả năng diễn tả tình yêu: tình yêu mà chính ở đó nhân vị trở thành một quà tặng”.153 Một khao khát tình dục lành mạnh, cho dù gắn với một sự mưu cầu lạc thú, luôn luôn liên quan tới một cảm thức ngạc nhiên, và chính bởi đó mà nó có thể làm cho các xung năng có tính người.
152. Vì thế, chúng ta không thể xem chiều kích nhục cảm của tình yêu đơn thuần như một sự dữ được phép, hay như một gánh nặng phải chịu đựng vì thiện ích của gia đình. Đúng hơn, nó phải được xem như quà tặng từ Thiên Chúa, giúp làm phong phú mối tương quan của vợ chồng. Xét như một đam mê được thăng hoa bởi một tình yêu đầy kính trọng phẩm giá của người kia, nó trở thành một “khẳng định tinh thuần và trọn vẹn” cho thấy những điều kỳ diệu có thể ẩn chứa trong trái tim con người. Bằng cách này, thậm chí ngay lập tức, chúng ta có thể cảm thấy rằng “đời sống quả thật rất tốt lành và hạnh phúc”.154
Bạo lực và lệch lạc
153. Trên cơ sở của cái nhìn tích cực này về tình dục, chúng ta có thể tiếp cận toàn thể chủ đề với một tinh thần hiện thực lành mạnh. Nói cho cùng, thực tế là tình dục thường bị phi nhân vị hóa và trở thành bệnh hoạn; kết quả là, “nó trở thành cơ hội và phương tiện cho người ta tự khẳng định mình và thỏa mãn cách ích kỷ những thèm khát và những bản năng của mình”.155 Trong thời của chúng ta, tình dục có nguy cơ bị nhiễm độc bởi não trạng “sử dụng và vứt bỏ”. Thân xác của người kia thường được xem như một đồ vật để sử dụng bao lâu nó còn đem lại thỏa mãn, và bị vứt bỏ khi nó không còn gây thích thú nữa. Liệu chúng ta có thể thực sự phớt lờ hay bỏ qua những hình thức đang tiếp diễn của sự thống trị, ngạo mạn, lạm dụng, lệch lạc tình dục và bạo lực, vốn là sản phẩm của một cách nhận hiểu méo mó về tình dục? Hay chúng ta có thể bỏ qua sự kiện rằng phẩm giá của người khác và ơn gọi yêu thương của con người rốt cục trở thành không quan trọng bằng một nhu cầu ẩn kín muốn “tìm chính mình”?
154. Chúng ta cũng biết rằng ngay trong chính hôn nhân, tình dục có thể trở thành một nguồn cơn của đau khổ và của sự thao túng. Vì thế cần phải xác nhận lại rõ ràng rằng “một hành vi vợ chồng áp đặt trên người phối ngẫu mà không xem xét đến điều kiện của người đó, hay không cần biết người đó có muốn hay không, thì không phải là hành vi đích thực của tình yêu, và do đó nó xúc phạm trật tự luân lý trong chức năng chuyên biệt của nó phục vụ cho mối tương quan mật thiết của vợ chồng”.156 Những hành vi dành riêng cho sự kết hợp tính dục giữa vợ chồng phù hợp với bản chất của tính dục như được Thiên Chúa muốn khi chúng diễn ra trong “một cách thế thực sự có tính người”.157 Thánh Phaolô nhấn mạnh: “Về điểm này, đừng ai làm tổn thương hay lừa dối người anh em mình” (1Tx 4,6). Ngay cả dù Thánh Phaolô đang viết trong bối cảnh một nền văn hóa có tính gia trưởng, trong đó người phụ nữ bị coi như là hoàn toàn phụ thuộc vào đàn ông, song ngài vẫn dạy rằng tình dục phải liên quan đến sự tương giao giữa vợ chồng: Thánh Phaolô nêu ra khả năng của việc đình hoãn quan hệ tình dục trong một giai đoạn nào đó, nhưng dĩ nhiên là “có sự đồng thuận” (1Cr 7,5).
155. Thánh Gioan Phaolô II cảnh giác một cách rất tinh tế rằng đôi vợ chồng có thể bị “đe dọa bởi sự ham hố vô độ”.158 Nói cách khác, trong khi được mời gọi đạt tới một mối kết hợp không ngừng thâm sâu hơn, thì có thể có nguy cơ hai người xóa bỏ những sự khác biệt và khoảng cách chính đáng giữa họ. Vì mỗi người sở hữu phẩm giá riêng và bất khả nhượng của mình. Khi tính cách thuộc về nhau chuyển thành thống trị, thì “cấu trúc hiệp thông trong những mối quan hệ liên vị sẽ bị thay đổi về bản chất”.159 Một phần của tâm thức thống trị, đó là những người thống trị rốt cục phủ nhận phẩm giá của chính mình.160 Cuối cùng, họ không còn “tự đồng hóa một cách chủ quan với thân xác của chính mình nữa”,161 vì họ lấy đi ý nghĩa sâu xa nhất của nó. Kết cuộc, họ dùng tình dục như cách để thoát ly thực tế và chối bỏ vẻ đẹp của sự kết hợp vợ chồng.
156. Mọi hình thức nô dịch tình dục phải bị dứt khoát loại trừ. Điều này bao gồm tất cả những diễn dịch sai lạc đoạn văn trong Thư gửi các tín hữu Êphêsô, trong đó Phaolô bảo các phụ nữ hãy “tùng phục chồng mình” (Ep 5,22). Đoạn văn này phản ảnh những phạm trù văn hóa của thời đó, nhưng mối quan tâm của chúng ta không ở chỗ ma trận văn hóa của nó, mà ở chỗ cái sứ điệp mạc khải mà nó chuyển tải. Như Thánh Gioan Phaolô II ghi nhận rất hay: “Tình yêu loại trừ mọi loại qui phục theo nghĩa người vợ có thể trở thành một tôi tớ hay nô lệ của người chồng… Tính cộng đồng hay sự hợp nhất mà họ phải kiến tạo xuyên qua hôn nhân được xây dựng bởi một sự tự hiến cho nhau, sự tự hiến này vốn cũng là một sự qui phục nhau”.162 Vì thế Phaolô tiếp tục nói rằng “những người chồng phải yêu vợ mình như yêu chính thân xác mình” (Ep 5,28). Bản văn Thánh Kinh này thực sự nhằm thúc đẩy mọi người vượt qua một chủ nghĩa cá nhân có tính tự mãn và biết không ngừng lưu tâm tới người khác: “Hãy tùng phục nhau” (Ep 5,21). Trong hôn nhân, sự “tùng phục” hỗ tương này mang một ý nghĩa đặc biệt, và được thấy như một sự thuộc về nhau được tự do chọn lựa, được đánh dấu bởi lòng trung thành, kính trọng và quan tâm. Tính dục gắn không rời với việc phục vụ cho tình bạn này giữa vợ chồng, vì nó được đặt định để giúp hoàn thành người kia.
157. Cũng vậy, việc tẩy chay những bóp méo tính dục và nhục cảm không bao giờ được dẫn chúng ta đến chỗ xem thường hay dửng dưng với chúng xét trong bản chất của chúng. Lý tưởng của hôn nhân không thể bị xem đơn thuần như sự quảng đại trao hiến và quên mình, trong đó mỗi người phối ngẫu từ bỏ tất cả những nhu cầu riêng và chỉ tìm cách phục vụ người kia mà không quan tâm gì đến sự thỏa mãn riêng của mình. Chúng ta cần nhớ rằng tình yêu đích thực cũng cần khả năng đón nhận người kia, chấp nhận sự chênh vênh và các nhu cầu của riêng mình, và chân thành tri ơn đón nhận những diễn tả thể lý của tình yêu như trong một cử chỉ vuốt ve, một ôm siết, một nụ hôn, và sự kết hợp tính dục. Đức Bênêđictô XVI tuyên bố điều này rất rõ ràng: “Nếu người ta mong muốn trở thành tinh thần thuần túy và loại bỏ xác thịt như cái gì chỉ thuộc về bản tính động vật của mình mà thôi, thì cả tinh thần và thân xác đều sẽ đánh mất phẩm giá của nó”.163 Vì vậy, “người ta không thể sống với tình yêu trao hiến mà thôi. Không thể luôn luôn cho đi, người ta cũng phải đón nhận nữa. Bất cứ ai muốn trao hiến tình yêu thì cũng phải đón nhận tình yêu như một quà tặng”.164 Hơn nữa, chúng ta không bao giờ được quên rằng sự cân bằng của con người chúng ta rất mong manh; có một phần trong chúng ta đề kháng lại sự trưởng thành nhân bản thực sự, và bất cứ lúc nào nó cũng có thể bộc lộ những xu hướng ích kỷ và thô thiển nhất.
Hôn nhân và trinh khiết
158. “Nhiều người không kết hôn không chỉ tận tụy với gia đình mình mà thường cống hiến những sự phục vụ lớn lao trong nhóm bạn hữu của họ, trong cộng đoàn Giáo Hội và trong đời sống nghề nghiệp của họ. Đôi khi sự hiện diện và những đóng góp của họ không được ghi nhận, gây cho họ một cảm giác đơn độc. Nhiều người dùng các tài năng của mình để phục vụ cộng đoàn Kitô hữu qua việc bác ái và thiện nguyện. Những người khác duy trì tình trạng không kết hôn vì họ thánh hiến cuộc đời của họ cho tình yêu đối với Đức Kitô và tha nhân. Sự hiến dâng của họ góp phần lớn lao làm phong phú cho gia đình, Giáo Hội và xã hội”.165
159. Trinh khiết là một hình thức của tình yêu. Xét như một dấu chỉ, nó nói với chúng ta về Nước Thiên Chúa đang đến và về nhu cầu dấn thân hoàn toàn cho Tin Mừng (x. 1Cr 7,32). Trinh khiết cũng là một phản ảnh của sự viên mãn trên thiên quốc, ở đó “người ta không còn dựng vợ gả chồng” (Mt 22,30). Thánh Phaolô cổ võ sự trinh khiết vì ngài kỳ vọng sự trở lại nhanh chóng của Đức Giêsu và ngài muốn mọi người chỉ tập trung vào việc truyền rao Tin Mừng: “Thời gian chẳng còn bao lâu” (1Cr 7,29). Tuy nhiên, ngài nêu rõ rằng đây là quan điểm và ý muốn cá nhân của ngài (x. 1Cr 7,6-9), chứ không phải một cái gì do Đức Kitô đòi hỏi: “Tôi không có chỉ thị nào của Chúa” (1Cr 7,25). Cũng vậy, ngài nhìn nhận giá trị của những tiếng gọi khác nhau: “Mỗi người nhận được ân ban riêng của Thiên Chúa, người ơn này kẻ ơn khác” (1Cr 7,7). Suy tư về điều này, Thánh Gioan Phaolô II ghi nhận rằng các bản văn Thánh Kinh “không cho ta lý do để khẳng định tính ‘thấp kém’ của hôn nhân, cũng không khẳng định tính ‘ưu việt’ của trinh khiết hay độc thân”166 dựa trên sự tiết dục. Thay vì nói một cách tuyệt đối về tính ưu việt của trinh khiết, ta nên chỉ ra rằng những bậc sống khác nhau bổ sung cho nhau, và vì thế một số người có thể hoàn hảo hơn trong cách sống này và những người khác sẽ hoàn hảo hơn trong cách sống khác. Alexander (gốc ở Hales), chẳng hạn, tuyên bố rằng theo một nghĩa nào đó thì hôn phối có thể được xem như ưu việt hơn các bí tích khác, trong mức độ nó là biểu tượng của thực tại lớn lao, đó là “sự kết hợp của Đức Kitô với Hội Thánh, hay sự kết hợp giữa thiên tính và nhân tính của Người”.167
160. Do đó, “đây không phải là vấn đề giảm trừ giá trị của hôn nhân để thiên vị sự trinh khiết”.168 “Không có nền tảng nào để ta hạ giá bên này và đề cao bên kia… Nếu người ta nói về “bậc trọn lành” (status perfectionis) theo một truyền thống thần học nào đó, thì điều đó không liên hệ với sự trinh khiết xét tự thân nó, nhưng là liên hệ tới toàn thể đời sống đặt nền trên các lời khuyên của Phúc Âm”.169 Một người kết hôn có thể kinh nghiệm mức độ cao nhất của đức ái và do đó “đạt tới sự hoàn thiện phát xuất từ đức ái, xuyên qua việc trung thành với tinh thần các lời khuyên Phúc Âm. Sự hoàn thiện như thế là điều có thể, và mọi người nam nữ đều có khả năng đạt được”.170
161. Giá trị của trinh khiết nằm ở chỗ nó là biểu tượng của một tình yêu vốn không có nhu cầu chiếm hữu người khác; bằng cách này nó phản ảnh sự tự do của Nước Trời. Trinh khiết khích lệ những người vợ chồng sống tình yêu phu phụ của họ dựa trên cơ sở tình yêu dứt khoát của Đức Kitô, đồng hành với nhau tiến tới sự viên mãn của Nước Trời. Về phần mình, tình yêu vợ chồng biểu tượng cho những giá trị khác. Một đàng, nó là một phản ảnh đặc biệt của sự hợp nhất trọn vẹn ngay trong những khác biệt như thấy nơi Chúa Ba Ngôi. Gia đình cũng là một dấu hiệu của Đức Kitô. Nó biểu thị sự gần gũi của Thiên Chúa, Đấng có mặt trong mọi đời sống con người, vì Ngài trở nên một với chúng ta qua cuộc nhập thể, cái chết và sự sống lại. Mỗi người phối ngẫu trở thành “một xương một thịt” với người kia, như một dấu chỉ sẵn sàng chia sẻ mọi sự với người ấy cho tới chết. Trong khi trinh khiết là một dấu chỉ “cánh chung” của Đức Kitô Phục sinh, thì hôn nhân là một dấu chỉ “lịch sử” cho chúng ta sống trên thế giới này, một dấu chỉ của Đức Kitô tại thế, là Đấng đã chọn trở thành một với chúng ta và tự hiến cho chúng ta đến mức đổ máu mình ra. Trinh khiết và hôn nhân là – và phải là – những cách thế khác nhau để yêu thương. Vì “con người không thể sống mà không có tình yêu. Con người sẽ là một hữu thể không thể hiểu nổi đối với chính mình, đời sống của con người sẽ vô nghĩa, nếu tình yêu không được mạc khải cho con người”.171
162. Độc thân có thể có nguy cơ trở thành một đời sống thoải mái một mình, trong đó người ta có sự tự do để sống độc lập, để di chuyển từ chỗ ở này đến chỗ ở khác, từ công việc này đến công việc khác, hay từ sự chọn lựa này đến sự chọn lựa khác, để sử dụng tiền bạc và thời giờ với người khác theo cách mình muốn. Trong những trường hợp như thế, chứng tá của những người kết hôn trở thành hùng hồn cách đặc biệt. Những người được gọi để sống trinh khiết có thể gặp thấy trong một số cuộc hôn nhân một dấu hiệu rõ ràng của lòng trung thành bền bỉ và quảng đại của Thiên Chúa đối với giao ước của Ngài, và điều này có thể thúc đẩy họ sẵn sàng phục vụ người khác cách quảng đại và cụ thể hơn. Nhiều đôi vợ chồng vẫn trung thành với nhau khi một người trong họ trở nên không còn hấp dẫn về mặt thể lý, hay không còn có thể thỏa mãn các nhu cầu của người kia, bất chấp trong xã hội có những tiếng xúi quẩy họ bất trung hoặc rời bỏ người bạn đời của mình. Một người vợ có thể chăm sóc người chồng bệnh tật của mình, và như vậy, trong khi tiến gần tới Thập giá, chị làm mới lại lời cam kết yêu chồng mình đến suốt đời. Trong tình yêu như thế, phẩm giá của người yêu đích thực tỏa sáng, theo tiêu chuẩn rằng đức ái được đặc trưng ở yêu người nhiều hơn ở được người yêu.172 Chúng ta cũng có thể nghĩ đến nhiều gia đình có khả năng phục vụ cách ân cần và quên mình khi con cái gây phiền nhiễu và thậm chí phụ bạc. Các bậc cha mẹ ở đây trở thành một dấu chỉ của tình yêu nhưng không và quên mình của Đức Giêsu. Những trường hợp này khích lệ những người độc thân sống sự dấn thân của họ cho Nước Trời một cách cởi mở và quảng đại nhiều hơn. Ngày nay, hiện tượng tục hóa đã che mờ giá trị của một sự kết hợp suốt đời và vẻ đẹp của ơn gọi hôn nhân. Vì thế, “cần phải đào sâu nhận thức về những khía cạnh tích cực của tình yêu vợ chồng”.173

SỰ CHUYỂN HÓA CỦA TÌNH YÊU


163. Ngày nay, tuổi thọ dài hơn có nghĩa rằng những mối tương quan mật thiết và độc hữu phải kéo dài bốn, năm hay thậm chí sáu thập niên; vì thế, cái quyết định ban đầu phải thường xuyên được làm mới lại. Trong khi một người phối ngẫu có thể không còn kinh nghiệm một khao khát tình dục mạnh mẽ đối với người kia, thì đương sự vẫn có thể kinh nghiệm niềm hoan lạc của sự thuộc về nhau, cũng như ý thức rằng không ai trong họ cô đơn, nhưng có một “bạn đời” để chia sẻ mọi sự trong đời sống của mình. Người này là bạn đồng hành trong hành trình cuộc sống của người kia, cả hai cùng đương đầu với những khó khăn và cùng hưởng những hoan lạc của đời sống. Niềm thỏa mãn này thuộc về tâm cảm riêng của tình yêu vợ chồng. Không có gì bảo đảm rằng chúng ta sẽ cảm nghiệm theo cùng một cách giống nhau trong suốt cuộc sống. Nhưng nếu một đôi bạn có thể thực hiện được dự án chia sẻ đời sống suốt đời, thì họ có thể yêu nhau và sống gắn bó cho đến khi cái chết tách lìa họ, họ vui hưởng và đào sâu sự mật thiết. Tình yêu mà họ cam kết thì lớn hơn mọi cảm tính, xúc cảm, hay mọi tình trạng tâm tưởng, dù nó có thể bao gồm tất cả những yếu tố ấy. Đó là một tình yêu sâu xa hơn, một quyết định có tầm vĩnh viễn của trái tim người ta. Ngay cả giữa những xung đột ngổn ngang và những hoàn cảnh tâm cảm lộn xộn, họ vẫn hằng ngày xác nhận lại quyết định yêu thương của mình, thuộc về nhau, chia sẻ đời sống với nhau, và tiếp tục yêu thương và tha thứ. Mỗi người tiến bộ trên con đường trưởng thành cá nhân và phát triển. Trên hành trình này, tình yêu vui mừng ở mỗi bước đi và ở mỗi chặng đường mới.
164. Trong mọi cuộc hôn nhân, những dáng vẻ ngoại hình sẽ thay đổi, nhưng điều này không có nghĩa rằng tình yêu và sự hấp dẫn nhất thiết phải phai nhạt. Chúng ta yêu người kia vì chính con người của người ấy, không duy chỉ vì thân xác của người ấy. Dù thân xác già đi, nó vẫn diễn tả cái căn tính con người vốn đã chinh phục trái tim chúng ta lúc ban đầu. Ngay cả dù những người xung quanh không còn thấy được vẻ đẹp của căn tính ấy, thì người phối ngẫu vẫn tiếp tục nhìn thấy nó với đôi mắt của tình yêu, và vì thế tình cảm không suy giảm. Người phối ngẫu tái xác nhận quyết định thuộc về người kia và diễn tả sự chọn lựa này trong sự gần gũi trung thành và đầy yêu thương. Sự cao quí của quyết định này, do tính thâm sâu của nó, sẽ làm phát sinh một loại cảm xúc mới khi người ta chu toàn sứ mạng đời sống hôn nhân của mình. Vì “cảm xúc, gây ra bởi một người khác trong tư cách là một con người… tự nó không hướng đến hành vi vợ chồng”.174 Nó tìm thấy những diễn tả khả giác khác. Thật vậy, tình yêu “là một thực tại đơn nhất, nhưng với những chiều kích khác nhau; vào những lúc khác nhau, chiều kích này hay chiều kích kia có thể hiện lộ rõ ràng hơn”.175 Mối dây hôn nhân tìm thấy những hình thức diễn tả mới và không ngừng tìm kiếm những cách thức mới để thắt chặt hơn. Cả hai điều này sẽ giữ gìn và củng cố mối dây. Chúng giả thiết những cố gắng hằng ngày. Tuy nhiên, những điều này sẽ là không thể, nếu người ta không cầu nguyện với Chúa Thánh Thần để xin Ngài đổ tràn ân sủng của Ngài, sức mạnh siêu nhiên và ngọn lửa thiêng liêng của Ngài, để củng cố, hướng dẫn và biến đổi tình yêu của chúng ta trong mỗi hòan cảnh mới.

CHƯƠNG NĂM:

LÀM CHO TÌNH YÊU

SINH HOA KẾT QUẢ


165. Tình yêu luôn luôn đem lại sự sống. Tình yêu phu phụ “không kết thúc nơi đôi vợ chồng… Đôi bạn, khi tự hiến cho nhau, không phải chỉ trao ban chính mình mà cả thực tại con cái nữa, con cái là một phản ảnh sống động của tình yêu giữa vợ chồng, một dấu hiệu vĩnh viễn về sự hiệp nhất phu phụ, và là một tổng hợp sống động không thể tách rời của căn tính làm cha làm mẹ nơi đôi bạn”.176
ĐÓN NHẬN MỘT SỰ SỐNG MỚI
166. Gia đình là khung cảnh trong đó một sự sống mới không chỉ được sinh ra mà còn được đón nhận như quà tặng của Thiên Chúa. Mỗi sự sống mới “cho phép chúng ta trân trọng chiều kích hoàn toàn nhưng không của tình yêu, chiều kích mãi còn làm chúng ta ngạc nhiên. Trước hết là vẻ đẹp của tình trạng được yêu: con cái được yêu thương ngay cả trước khi chúng xuất hiện”.177 Ở đây chúng ta thấy một phản ảnh của tính khởi phát của tình yêu Thiên Chúa, Đấng luôn luôn đi bước trước, vì con cái “được yêu thương trước khi chúng có thể làm bất cứ gì để xứng đáng với tình yêu ấy”.178 Tuy nhiên, “từ những khoảnh khắc đầu tiên của cuộc đời chúng, nhiều con cái bị loại trừ, bỏ rơi, và bị tước mất tuổi thơ và tương lai của chúng. Có những kẻ dám nói, như để biện minh cho chính mình, rằng thật là sai lầm việc đưa những đứa con này vào đời. Đáng xấu hổ biết bao! … Làm sao chúng ta có thể đưa ra những tuyên bố dõng dạc về nhân quyền và quyền trẻ em, nếu chúng ta trừng phạt trẻ em vì những sai lỗi của người lớn?”179 Nếu một đứa trẻ xuất hiện trên đời trong những trường hợp ngoài ý muốn, những người cha mẹ và các thành viên khác của gia đình phải làm mọi sự có thể để đón nhận đứa trẻ ấy như một quà tặng của Thiên Chúa và có trách nhiệm đón nhận nó với lòng quảng đại và yêu thương. Vì “khi nói về những đứa con có mặt trên đời, thì không có hy sinh nào của người lớn có thể được xem là quá đắt hay quá lớn, nếu nhờ nó mà đứa trẻ không bao giờ phải cảm thấy rằng mình là một sự sai sót ngoài ý muốn, hay mình hoàn toàn vô giá trị hay bị bỏ mặc cho sự vùi dập của đời và sự ngạo mạn của con người”.180 Một đứa con mới chào đời như một quà tặng, được Chúa ký thác cho một người cha và một người mẹ, bắt đầu với sự chấp nhận, rồi tiếp tục với sự bảo vệ suốt cả đời, và mục tiêu cuối cùng là đạt đến niềm vui của sự sống vĩnh cửu. Qua việc trầm lắng chiêm ngắm sự hoàn thành cuối cùng của mỗi nhân vị con người, các bậc cha mẹ sẽ ý thức hơn về quà tặng quí giá được ủy trao cho mình. Vì Thiên Chúa cho phép cha mẹ chọn lựa tên gọi mà theo đó chính Ngài sẽ gọi con cái của họ vào đời sống vĩnh cửu.181


Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   ...   17




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương