NIỀm vui yêu thưƠng (amoris laetitia)



trang4/17
Chuyển đổi dữ liệu28.07.2016
Kích1 Mb.
#8621
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   17

72. Bí tích Hôn Phối không phải là một qui ước xã hội, một nghi thức trống rỗng, hay duy chỉ là dấu hiệu bên ngoài của một cam kết. Bí tích này là một quà tặng nhắm đến sự thánh hóa và ơn cứu độ của đôi vợ chồng, vì “việc họ thuộc về nhau là một diễn tả thực sự, qua dấu chỉ bí tích, về chính mối tương quan giữa Đức Kitô và Hội Thánh. Vì thế đôi bạn kết hôn là một sự nhắc nhớ thường hằng cho Giáo Hội về điều đã xảy ra trên thập giá; đối với nhau và đối với con cái, họ là những chứng nhân của ơn cứu độ mà họ tham dự nhờ bí tích này”.64 Hôn nhân là một ơn gọi, xét như đó là sự đáp trả trước một tiếng gọi đặc biệt đưa người ta vào kinh nghiệm tình yêu vợ chồng, như một dấu hiệu không hoàn hảo của tình yêu giữa Đức Kitô và Hội Thánh. Vì thế, quyết định kết hôn và xây dựng gia đình phải là kết quả của một tiến trình phân định ơn gọi.
73. “Việc tự hiến cho nhau trong Bí tích Hôn Phối cắm rễ trong ơn Phép Rửa, ở đó giao ước nền tảng được thiết lập giữa mỗi người với Đức Kitô, trong Giáo Hội. Khi đón nhận nhau, và với ơn sủng của Đức Kitô, đôi bạn hứa với nhau sẽ hoàn toàn tự hiến cho nhau, trung thành với nhau và sẵn sàng cởi mở đón nhận sự sống mới. Đôi bạn nhìn nhận đó là những yếu tố thiết yếu của hôn nhân, những quà tặng được Thiên Chúa ban cho mình, và nghiêm túc cam kết thuộc về nhau, nhân danh Thiên Chúa và trước sự hiện diện của Giáo Hội. Như vậy đức tin làm cho họ có thể đảm nhận những thiện ích của hôn nhân, như những sự cam kết dấn thân, những cam kết mà họ có thể giữ tốt hơn nhờ sự hỗ trợ của ơn sủng bí tích… Vì thế, Giáo Hội nhìn đôi bạn như trái tim của toàn thể gia đình, và đến lượt mình, đôi bạn hướng nhìn Đức Giêsu”.65 Bí tích Hôn Phối không phải là một “vật” hay một “quyền lực” gì đó, vì trong bí tích này chính Đức Kitô “giờ đây gặp gỡ đôi vợ chồng Kitô hữu… Người cư ngụ với họ, trao cho họ sức mạnh để vác thập giá của họ và đi theo Người, để đứng lên mỗi khi vấp ngã, để tha thứ cho nhau, và để mang lấy gánh nặng của nhau”.66 Hôn nhân Kitô giáo là một dấu hiệu cho thấy Đức Kitô yêu Giáo Hội của Người biết bao trong giao ước được đóng ấn trên thập giá, nhưng nó cũng làm cho tình yêu ấy hiện diện trong mối hiệp thông của đôi vợ chồng. Bằng cách trở nên một xương một thịt, họ diễn tả việc Con Thiên Chúa đón lấy bản tính nhân loại của chúng ta. Vì thế “trong niềm vui của tình yêu và của đời sống gia đình, ngay trong đời sống dương thế này họ được Đức Kitô cho cảm nếm trước tiệc cưới của Chiên Con”.67 Mặc dù sự so sánh loại suy giữa đôi vợ chồng nhân loại và mối tương quan giữa Đức Kitô và Hội Thánh của Người thì “không hoàn toàn tương ứng”,68 nó cũng thúc đẩy chúng ta nài xin Chúa ban cho mọi đôi vợ chồng dồi dào tình yêu thần linh của Người.
74. Sự kết hợp tính dục, được cảm nghiệm với đầy yêu thương và được thánh hóa bởi Bí tích Hôn Phối, đến lượt nó trở thành một nẻo đường để lớn lên trong đời sống ân sủng cho đôi vợ chồng. Đó là “mầu nhiệm kết hợp phu phụ”.69 Ý nghĩa và giá trị của sự kết hợp thể lý được diễn tả trong những lời ưng thuận, trong đó người này chấp nhận và trao hiến chính mình cho người kia, để chia sẻ toàn thể cuộc sống với nhau. Những lời ấy trao ý nghĩa cho mối tương quan tính dục và giải phóng nó khỏi sự hàm hồ. Nói cách khái quát hơn, đời sống chung của vợ chồng, toàn thể mạng lưới các mối quan hệ mà họ xây dựng với con cái và với thế giới xung quanh, sẽ được nhận chìm trong ân sủng của bí tích và được củng cố bởi ân sủng ấy. Vì Bí tích Hôn Phối phát nguồn từ cuộc nhập thể và từ mầu nhiệm Vượt Qua, ở đó Thiên Chúa cho thấy sự viên mãn của tình yêu mà Ngài dành cho con người qua việc trở thành một người giữa chúng ta. Không có người vợ hay người chồng nào sẽ đơn độc khi đối diện với bất luận thách đố nào xuất hiện trên đường mình đi. Cả hai được mời gọi đáp lại quà tặng của Thiên Chúa với thái độ dấn thân, sáng tạo, kiên trung, và với sự cố gắng mỗi ngày. Họ luôn luôn có thể khẩn cầu sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, Đấng đã thánh hiến mối kết hợp của họ, để họ cảm nghiệm được ân sủng của Ngài trong mọi hoàn cảnh mới mà họ gặp.
75. Trong truyền thống Giáo Hội La tinh, các thừa tác viên của Bí tích Hôn Phối là chính người nam và người nữ đang kết hôn;70 qua việc bày tỏ sự ưng thuận và diễn tả nó một cách cụ thể, họ nhận được một quà tặng lớn lao. Sự ưng thuận của họ và sự kết hợp thân xác là phương tiện được Thiên Chúa đặt định nhờ đó họ trở nên “một xương một thịt”. Nhờ sự thánh hiến trong Phép Rửa, họ được trao khả năng bước vào hôn nhân trong tư cách những thừa tác viên của Chúa, và do đó có thể đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa. Vì thế, khi đôi bạn ngoài Kitô giáo lãnh Phép Rửa, họ không cần lặp lại những lời hứa kết hôn; chỉ cần họ đừng loại bỏ các lời hứa ấy, vì do việc lãnh Phép Rửa, sự kết hợp của họ trở nên bí tích một cách tự động. Giáo Luật cũng nhìn nhận tính hữu hiệu của một số sự kết hợp được cử hành mà không có sự hiện diện của một thừa tác viên chức thánh.71 Trật tự tự nhiên đã được thấm đẫm ơn cứu chuộc của Đức Giêsu đến nỗi “một khế ước hôn nhân hữu hiệu không thể tồn tại giữa những người đã nhận Phép Rửa nếu khế ước ấy không phải là một bí tích”.72Giáo Hội có thể đòi hỏi rằng lễ cưới phải được cử hành công khai, với sự hiện diện của những người làm chứng, và những điều kiện khác nữa vốn thay đổi qua thời gian, nhưng điều này không hề làm sút giảm sự thật rằng chính đôi bạn kết hôn là những thừa tác viên của bí tích. Nó cũng không ảnh hưởng đến tính cốt lõi của sự ưng thuận được diễn tả bởi người nam và người nữ, tự nó sự ưng thuận này thiết lập mối dây bí tích. Với tất cả những gì đã đề cập như thế, vẫn cần phải suy tư thêm về hành động của Thiên Chúa trong nghi thức hôn phối; điều này được thể hiện rõ ràng trong các Giáo Hội Đông phương với tầm quan trọng của việc chúc phúc cho đôi bạn như dấu chỉ của ân huệ Thánh Thần.
HẠT GIỐNG CỦA LỜI VÀ

NHỮNG HOÀN CẢNH BẤT TOÀN


76. “Tin Mừng về gia đình cũng nuôi dưỡng những hạt giống vẫn còn đang đợi phát triển, và phục vụ như cơ sở cho việc chăm sóc những cây đang héo rủ mà ta không được dửng dưng.”73 Như thế, được xây dựng trên ân ban của Đức Kitô trong bí tích, đôi vợ chồng “có thể được hướng dẫn bền bỉ tiến tới, để đạt được một sự nắm hiểu sâu xa hơn và một sự hội nhập đầy đủ hơn mầu nhiệm này trong đời sống của họ”.74
77. Dựa vào giáo huấn của Thánh Kinh rằng mọi sự đã được tạo dựng nhờ Đức Kitô và cho Đức Kitô (x. Cl 1,16), các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng ghi nhận rằng “trật tự cứu chuộc soi sáng và hoàn thành trật tự sáng tạo. Vì thế, hôn nhân tự nhiên được nhận hiểu đầy đủ trong ánh sáng sự hoàn thành của nó trong Bí tích Hôn Phối: chỉ bằng cách chiêm ngắm Đức Kitô người ta mới có thể đạt đến hiểu biết sự thật sâu xa nhất về các mối tương quan nhân loại. ‘Chỉ trong mầu nhiệm Lời Nhập Thể mầu nhiệm con người mới được soi sáng… Qua mạc khải mầu nhiệm của Chúa Cha và tình yêu của Ngài, Đức Kitô, Ađam mới, cho con người thấy đầy đủ về chính mình và làm cho ơn gọi nền tảng nhất của con người nên rõ ràng’ (Gaudium et Spes, 22). Thật rất hữu ích việc nhận hiểu thiện ích của đôi vợ chồng qua chìa khóa qui Kitô (bonum coniugum)”,75 những thiện ích ấy bao gồm sự hiệp nhất, sự mở ra đón nhận sự sống, lòng chung thủy, tính bất khả phân ly, và – trong hôn nhân Kitô giáo – sự nâng đỡ nhau trên con đường hướng đến tình thân hữu trọn vẹn với Chúa. “Việc phân định sự hiện diện của ‘các hạt giống Lời’ trong các nền văn hóa khác (x. Ad Gentes 11) cũng có thể áp dụng cho thực tại hôn nhân và gia đình. Bên cạnh hôn nhân tự nhiên đích thực, các yếu tố tích cực cũng tồn tại trong những dạng hôn nhân được gặp thấy trong các truyền thống tôn giáo khác”,76 dù cho đôi khi chỉ thấy rất mờ nhạt. Chúng ta có thể mạnh dạn nói rằng “bất cứ ai muốn đem lại cho thế giới này một gia đình mà ở đó con cái được dạy biết vui thích mọi hành động nhắm thắng vượt sự dữ – một gia đình cho thấy rằng Thánh Thần đang sống hoạt và hành động – thì sẽ nhận được lòng biết ơn và sự trân trọng của chúng ta. Cho dẫu họ thuộc dân tộc, tôn giáo hay vùng miền nào đi nữa!”77
78. “Ánh sáng Đức Kitô chiếu soi mọi người (x. Ga 1,9; Gaudium et Spes, 22). Việc nhìn mọi sự với đôi mắt của Đức Kitô sẽ gợi cảm hứng cho Giáo Hội trong việc chăm sóc mục vụ các tín hữu đang sống với nhau, hay chỉ kết hôn dân sự, hay đã ly dị và tái hôn. Đi theo khoa sư phạm thần linh này, Giáo Hội ân cần hướng đến những ai tham dự vào đời sống của mình trong một cách thế không hoàn hảo: Giáo Hội tìm kiếm ơn hoán cải cho họ; Giáo Hội khích lệ họ làm điều thiện, ân cần chăm sóc lẫn nhau và phục vụ cộng đồng nơi họ sống và làm việc… Khi một đôi bạn trong mối kết hợp bất thường đạt được một sự ổn định đáng ghi nhận xuyên qua một mối ràng buộc công khai – và được đặc trưng bởi tình cảm sâu xa, trách nhiệm đối với con cái và khả năng vượt qua các thử thách – thì điều này có thể được coi như một cơ hội, để nếu có thể, dẫn họ tới việc cử hành Bí tích Hôn Phối”.78
79. “Khi đứng trước những hoàn cảnh khó khăn và những gia đình bị thương tích, luôn luôn cần phải nhớ lại nguyên tắc chung này: ‘Các mục tử phải biết rằng, vì sự thật, họ buộc phải cẩn thận phân định các hoàn cảnh’ (Familiaris Consortio, 84). Mức trách nhiệm không ngang nhau trong mọi trường hợp, và có thể tồn tại các yếu tố làm hạn chế khả năng quyết định. Vì thế, trong khi nêu rõ ràng giáo huấn của Giáo Hội, các mục tử phải tránh những phán đoán không xét đến sự phức tạp của các hoàn cảnh khác nhau, và các ngài cần lưu tâm đến nỗi khổ mà người ta đang chịu do tình trạng của họ”.79
THÔNG TRUYỀN SỰ SỐNG

VÀ NUÔI DẠY CON CÁI


80. Hôn nhân trước hết là một “liên kết mật thiết của sự sống và tình yêu”80 vốn là một thiện ích cho chính đôi vợ chồng,81 trong khi tính dục được “sắp xếp cho tình yêu phu phụ giữa người nam và người nữ”.82 Theo đó thì “những vợ chồng mà Thiên Chúa không ban con cái vẫn có thể có một đời sống phu phụ đầy ý nghĩa, xét cả về nhân bản lẫn Kitô giáo”.83 Tuy nhiên, mối kết hợp vợ chồng “tự bản tính của nó” được sắp xếp để sinh sản.84 Đứa con được sinh ra không đến từ bên ngoài như thể một cái gì được đính thêm vào tình yêu thương nhau giữa vợ chồng, nhưng đứa con phát xuất từ chính trung tâm của việc trao hiến cho nhau, như hoa trái và sự hoàn thành của việc trao hiến ấy”.85 Đứa con không xuất hiện ở cuối một tiến trình, nhưng hiện diện từ đầu của tình yêu như nét thiết yếu, và nó không thể bị phủ nhận nếu không muốn làm méo mó chính tình yêu ấy. Ngay từ đầu, tình yêu từ khước mọi sức ép đóng kín với chính mình; nó mở ra cho khả năng sinh hoa trái có sức thúc đẩy tình yêu vượt quá chính nó. Vì thế không một hành vi giao hợp vợ chồng nào có thể khước từ ý nghĩa này,86 ngay cả dù, vì nhiều lý do, nó có thể không luôn luôn thực sự đem lại một sự sống mới.
81. Đứa con xứng đáng được sinh ra từ tình yêu như thế, chứ không phải bằng bất cứ phương tiện nào khác, vì “đứa con không phải là một món nợ trả cho người ta, nhưng là một quà tặng”,87 đứa con là “hoa trái của hành vi chuyên biệt của tình yêu phu phụ giữa cha mẹ”.88 Đó là sự thật, bởi vì “theo trật tự sáng tạo, tình yêu phu phụ giữa một người nam và một người nữ, và sự thông truyền sự sống, hai thực tại này được sắp xếp cho nhau (x. St 1,27-28). Vì thế Đấng Sáng Tạo đã làm cho người nam và người nữ tham dự vào công trình sáng tạo của Ngài, và đồng thời làm cho họ thành những dụng cụ diễn tả tình yêu của Ngài, ủy thác cho họ trách nhiệm đối với tương lai của loài người xuyên qua việc thông truyền sự sống con người”.89
82. Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng tuyên bố rằng “sự lan tràn của một não trạng muốn giảm trừ việc thông truyền sự sống con người đến chỉ còn là một ý muốn thất thường của những kế hoạch cá nhân hay của đôi bạn, đó là điều quá rõ ràng”.90 Giáo huấn của Giáo Hội nhằm “giúp các vợ chồng kinh nghiệm, một cách trọn vẹn, hòa điệu và ý thức, về mối hiệp thông vợ chồng của họ, cũng như về trách nhiệm của họ đối với việc sinh sản. Chúng ta cần trở lại với Thông điệp Humanae Vitae của Chân Phước Phaolô VI, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải tôn trọng phẩm giá của nhân vị khi đánh giá về mặt đạo đức những phương pháp điều hòa sinh sản… Việc chọn lựa con nuôi cũng có thể diễn tả hoa trái vốn là đặc trưng của đời sống vợ chồng”.91 Với lòng biết ơn đặc biệt, Giáo Hội “ủng hộ các gia đình đón nhận, nuôi dưỡng và bao bọc bằng tình thương những con cái bị các khuyết tật khác nhau”.92
83. Ở đây tôi thấy thật khẩn thiết phải tuyên bố rằng nếu gia đình là cung thánh của sự sống, là nơi mà sự sống được thai nghén và chăm sóc, thì quả là mâu thuẫn khủng khiếp khi nó trở thành một nơi mà sự sống bị loại bỏ và hủy diệt. Giá trị của sự sống con người cao cả biết bao, và quyền được sống của một trẻ thơ vô tội lớn lên trong cung lòng người mẹ là quyền bất khả nhượng, đến nỗi không ai có thể viện lẽ rằng mình có quyền trên thân thể mình để biện minh cho quyết định chấm dứt sự sống ấy, vốn là cứu cánh nơi chính nó, và không bao giờ có thể bị xem như “tài sản” của một con người khác. Gia đình bảo vệ sự sống con người trong mọi giai đoạn của nó, kể cả giai đoạn cuối cùng. Do đó, “những ai làm việc trong các cơ sở y tế được nhắc nhớ về bổn phận luân lý phải biết phản đối theo lương tâm. Cũng vậy, Giáo Hội không chỉ cảm thấy cần phải khẳng định quyền được chết tự nhiên, không chấp nhận sự can thiệp thô bạo và cái chết êm dịu (euthanasia)”, mà Giáo Hội còn “mạnh mẽ phản đối án tử hình” nữa.93
84. Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng cũng muốn nhấn mạnh rằng “một trong những thách đố nền tảng mà các gia đình hôm nay phải đối mặt, đó hẳn là việc nuôi dạy con cái, việc này càng khó khăn và phức tạp hơn nữa do thực tế văn hóa thời nay và do ảnh hưởng mạnh mẽ của truyền thông”.94 “Giáo Hội đảm nhận một vai trò đầy ý nghĩa trong việc nâng đỡ các gia đình, bắt đầu với việc khai tâm Kitô giáo, xuyên qua các cộng đoàn luôn sẵn sàng đón tiếp”.95 Đồng thời tôi cảm thấy thật quan trọng việc lặp lại rằng toàn bộ việc giáo dục con cái là một “bổn phận hệ trọng nhất” và đồng thời là một “quyền bậc nhất” của cha mẹ.96 Đây không chỉ là một công tác hay một gánh nặng, nhưng còn là một quyền thiết yếu và bất khả nhượng mà cha mẹ được mời gọi để bảo vệ và không ai có thể tước nó khỏi cha mẹ. Nhà nước cung ứng các chương trình giáo dục một cách bổ trợ, hỗ trợ các cha mẹ trong vai trò không thể phủ nhận này của họ; cha mẹ giữ quyền tự do chọn lựa loại giáo dục – có phẩm chất tốt và tiếp cận được – mà họ muốn trao cho con cái mình, phù hợp với những xác tín của họ. Trường học không thay thế cha mẹ, nhưng chỉ bổ sung thôi. Đây là một nguyên tắc căn bản: “tất cả những người tham dự vào tiến trình giáo dục chỉ có thể thi hành trách nhiệm của mình nhân danh các phụ huynh, với sự đồng thuận của phụ huynh và, trong mức độ nào đó, với sự ủy quyền của các phụ huynh”.97 Thế nhưng, “một kẽ nứt đã lộ ra giữa gia đình và xã hội, giữa gia đình và học đường; khế ước giáo dục ngày nay đã bị phá vỡ, và vì thế sự liên kết có tính giáo dục giữa xã hội và gia đình đang lâm vào khủng hoảng”.98
85.Giáo Hội được mời gọi cộng tác với các bậc cha mẹ xuyên qua những sáng kiến mục vụ thích hợp, hỗ trợ họ trong việc chu toàn sứ mạng giáo dục của họ. Giáo Hội phải luôn luôn làm việc này bằng cách giúp các bậc cha mẹ trân trọng vai trò riêng của mình và nhận ra rằng với việc lãnh Bí tích Hôn Phối, họ trở thành những thừa tác viên của công cuộc giáo dục con cái mình. Trong việc giáo dục con cái, họ xây dựng Giáo Hội,99 và khi làm thế, họ chấp nhận một ơn gọi do Thiên Chúa ban.100
GIA ĐÌNH VÀ GIÁO HỘI
86. “Với niềm vui bên trong và niềm an ủi thâm sâu, Giáo Hội hướng nhìn đến các gia đình kiên trung với các giáo huấn của Tin Mừng, khích lệ họ và cám ơn họ về chứng từ mà họ trao. Vì họ làm chứng, một cách đáng tin, về vẻ đẹp của hôn nhân trong đặc tính bất khả phân ly và chung thủy. Trong gia đình, ‘vốn có thể gọi là Giáo Hội tại gia’ (Lumen Gentium, 11), các cá nhân đi vào một kinh nghiệm Giáo Hội về mối hiệp thông giữa các nhân vị mà, nhờ ân sủng, vốn có sức phản ảnh chính mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. ‘Ở đây người ta học về sự nhẫn nại và niềm vui làm việc, về tình huynh đệ, sự quảng đại tha thứ (ngay cả tha thứ hết lần này đến lần khác), và trên hết là học thờ phượng Thiên Chúa trong cầu nguyện và hiến dâng chính mình’ (Giáo lý của Hội Thánh Công giáo, 1657)”.101
87.Giáo Hội là một gia đình của các gia đình, thường xuyên được làm phong phú bởi đời sống của tất cả các Giáo Hội tại gia ấy. “Với Bí tích Hôn Phối, mọi gia đình thực sự trở thành một thiện ích cho toàn Giáo Hội. Từ quan điểm này, việc suy tư về mối tương tác giữa gia đình và Giáo Hội sẽ là một ân ban quí giá cho Giáo Hội trong thời chúng ta. Giáo Hội rất tốt cho gia đình, và gia đình rất tốt cho Giáo Hội. Việc gìn giữ ân ban của Chúa trong Bí tích Hôn Phối là một mối quan tâm không chỉ của các gia đình riêng lẻ, nhưng là của toàn thể cộng đoàn Kitô hữu”.102
88. Kinh nghiệm yêu thương trong các gia đình là một nguồn sức mạnh bất tận cho đời sống của Giáo Hội. “Cứu cánh kết hợp của hôn nhân là một lời kêu gọi không ngừng làm sao cho tình yêu này được lớn lên và đào sâu. Xuyên qua sự kết hợp trong tình yêu của mình, đôi bạn kinh nghiệm vẻ đẹp của vai trò làm cha làm mẹ, và họ chia sẻ những kế hoạch, những thử thách, những kỳ vọng và những ưu tư; họ học biết chăm sóc nhau và tha thứ cho nhau. Trong tình yêu này, họ cử hành những khoảnh khắc hạnh phúc của mình và nâng đỡ nhau trong những thời khắc khó khăn của đời sống chung… Vẻ đẹp của món quà nhưng không và hỗ tương này, niềm vui đến từ một sự sống được sinh ra và sự săn sóc ân cần của mọi thành viên gia đình – từ thơ bé cho đến tuổi già – chỉ là một số trong rất nhiều hoa trái làm cho việc đáp trả đối với ơn gọi của gia đình trở nên độc đáo và không thể thay thế được”,103 cả về phần Giáo Hội lẫn về phần xã hội xét như một toàn thể.

CHƯƠNG BỐN:

TÌNH YÊU TRONG HÔN NHÂN


89. Tất cả những gì đã đề cập cho tới đây vẫn là chưa đủ để diễn tả Tin Mừng về hôn nhân và gia đình, nếu chúng ta không nói về tình yêu. Bởi vì chúng ta không thể thúc đẩy một nẻo đường trung thành và tự hiến cho nhau nếu không khích lệ sự lớn lên, sự củng cố và đào sâu tình yêu phu phụ và gia đình. Thật vậy, ơn sủng của Bí tích Hôn Phối được nhắm trước hết là “để làm cho tình yêu của đôi bạn nên trọn hảo”.104 Ở đây chúng ta cũng có thể nói rằng “ngay cả dù tôi có đức tin có thể chuyển núi dời non, nhưng nếu tôi không có tình yêu, thì tôi cũng chẳng là gì. Nếu tôi trao tặng tất cả những gì tôi có, nếu tôi nộp mình chịu thiêu đốt, nhưng không có tình yêu, thì tôi cũng chẳng được gì” (1Cr 13,2-3). Tuy nhiên, nếu từ “tình yêu” rất hay được dùng thì nó cũng rất hay bị lạm dụng.105
TÌNH YÊU HẰNG NGÀY CỦA CHÚNG TA
90. Trong một bản văn tuyệt đẹp của Thánh Phaolô, chúng ta gặp thấy một số nét của tình yêu đích thực:
Yêu thì nhẫn nhục,

nhân hậu,

yêu thì không ghen tương,

không vênh vang,

không tự đắc hay thô lỗ.

Yêu thì không cố chấp theo cách của mình,

không nóng giận,

không nuôi hận thù,

yêu thì không mừng khi thấy sự gian ác,

nhưng vui khi thấy điều chân thật.

Tình yêu bao dung tất cả,

tin tưởng tất cả,

hy vọng tất cả,

chịu đựng tất cả (1Cr 13,4-7).
Tình yêu được kinh nghiệm và được nuôi dưỡng trong đời sống hằng ngày của đôi vợ chồng và con cái họ. Thiết tưởng ở đây cần suy nghĩ sâu hơn về ý nghĩa bản văn của Thánh Phaolô, và tính phù hợp của nó đối với hoàn cảnh cụ thể của mỗi gia đình.
Yêu thì nhẫn nhục
91. Từ ngữ đầu tiên được dùng là makrothyméi. Ở đây không duy chỉ liên quan tới ý nghĩa “chịu đựng tất cả”, vì chúng ta gặp thấy ý tưởng ấy ở cuối câu 7. Ý nghĩa của từ này được làm sáng tỏ nhờ bản dịch tiếng Hy lạp của Cựu Ước, ở đó chúng ta đọc thấy rằng Thiên Chúa “chậm giận” (Xh 34,6; Ds 14,18). Như vậy, nó qui chiếu đến phẩm chất của một người không hành động khi bức xúc và tránh gây tổn thương. Chúng ta tìm thấy phẩm chất này nơi vị Thiên Chúa của Giao ước, Đấng kêu gọi chúng ta bắt chước Ngài cả trong đời sống gia đình. Từ ngữ này trong bản văn của Thánh Phaolô cần phải được đọc trong ánh sáng của sách Khôn Ngoan (x. 11,23; 12,2.15-18), ở đó ca ngợi sự kiềm chế của Thiên Chúa, như để ngỏ cho khả năng thống hối, nhưng vẫn khẳng định quyền lực của Ngài, như được mạc khải trong những hành động thương xót của Ngài. “Sự nhẫn nhục “ của Thiên Chúa, được thấy nơi lòng thương xót của Ngài đối với tội nhân, là một dấu hiệu cho thấy quyền năng thực sự của Ngài.
92. Nhẫn nhục không có nghĩa là cho phép mình thường xuyên bị xử tệ, nhận chịu sự bạo hành trên thân xác, hay cho phép người khác sử dụng mình. Chúng ta gặp vấn đề bất cứ khi nào chúng ta đòi rằng các mối tương quan hay thiên hạ chung quanh mình phải hoàn hảo, hay khi chúng ta đặt mình ở trung tâm và kỳ vọng mọi thứ đi theo đường của mình. Rồi mọi sự làm chúng ta mất kiên nhẫn, mọi sự làm chúng ta phản ứng cách bức xúc. Trừ phi chúng ta vun xới thái độ nhẫn nhục, chúng ta sẽ luôn luôn phải hối tiếc vì cư xử giận dữ. Rốt cục chúng ta sẽ không thể sống với nhau, ta chống lại xã hội, ta không có khả năng kiểm soát các xung năng của mình, và gia đình chúng ta sẽ trở thành bãi chiến trường. Vì thế Lời Chúa nói với chúng ta: “Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thóa mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác” (Ep 4,31). Sự nhẫn nhục sẽ bắt rễ khi tôi nhận ra rằng người khác cũng có quyền sống trong thế giới này, như sự thật quá hiển nhiên. Không thành vấn đề việc họ ngáng trở tôi, làm xáo trộn các kế hoạch của tôi, hay họ làm tôi bực mình do cách suy nghĩ và hành động của họ, hoặc họ không sống theo cách mà tôi muốn họ sống. Tình yêu luôn luôn có một khía cạnh thương cảm sâu xa dẫn tới việc chấp nhận người khác như một phần của thế giới này, ngay cả khi người ấy hành động khác với kỳ vọng của tôi.
Yêu là phục vụ người khác
93.Từ ngữ kế tiếp mà Thánh Phaolô dùng là chrestéuetai. Trong toàn bộ Thánh Kinh, từ này chỉ được dùng ở đây mà thôi. Nó có gốc ở từ chrestós, có nghĩa: một người tốt, một người cho thấy lòng tốt qua các việc làm của mình. Ở đây, trong quan hệ song song chặt chẽ với động từ đi trước, nó phục vụ như một sự bổ sung. Phaolô muốn nêu rõ rằng “nhẫn nhục” không phải là một thái độ hoàn toàn thụ động, nhưng là một thái độ gắn liền với hoạt động, với một tương tác năng động và đầy sáng tạo với người khác. Từ ngữ này cho thấy rằng tình yêu giúp ích cho người khác. Vì vậy nó được dịch là “nhân hậu”, yêu thì luôn sẵn sàng giúp đỡ.
94. Xuyên suốt bản văn, rõ ràng Thánh Phaolô muốn nhấn mạnh rằng tình yêu không phải là một cảm xúc thuần túy. Đúng hơn, nó phải được hiểu theo động từ “yêu” của tiếng Híp-ri; nghĩa là “làm điều tốt”. Như Thánh Inhaxiô Loyola nói: “Tình yêu được thể hiện bằng việc làm nhiều hơn bằng lời nói”.106 Như vậy nó cho thấy hoa quả của nó và cho phép chúng ta cảm nghiệm niềm hạnh phúc của việc trao ban, sự cao quí và vĩ đại của việc dâng hiến chính mình một cách hào phóng, mà không yêu cầu được đền đáp, nhưng chỉ thuần túy vì niềm vui của việc trao ban và phục vụ.
Yêu thì không ghen tương
95. Thánh Phaolô tiếp tục loại bỏ một thái độ đối ngược với tình yêu được diễn tả trong động từ zelói – tức ghen tương hay đố kị. Điều này có nghĩa là tình yêu không có chỗ cho sự khó chịu trước điều may mắn tốt lành của kẻ khác (x. Cv 7,9; 17,5). Ghen tị là một dạng buồn bực trước sự thành đạt của người khác; nó cho thấy rằng chúng ta không quan tâm đến hạnh phúc của người khác mà chỉ lo cho lợi ích của chính mình. Trong khi tình yêu nâng chúng ta lên trên chính mình, thì sự ghen tị đóng kín chúng ta nơi chính mình. Tình yêu đích thực thì trân trọng sự thành công của người khác. Nó không xem người ấy như sự đe dọa đối với mình. Nó giải phóng chúng ta khỏi sự chua chát của ghen tị. Nó nhìn nhận rằng mỗi người có những ân ban khác nhau và có một lối đi độc đáo trong cuộc sống. Vì thế nó cố gắng khám phá con đường hạnh phúc của mình, trong khi cho phép người khác tìm thấy con đường của họ.


Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   17




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương