NIỀm vui yêu thưƠng (amoris laetitia)



trang3/17
Chuyển đổi dữ liệu28.07.2016
Kích1 Mb.
#8621
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   17

48. “Đa số các gia đình có lòng tôn kính đặc biệt dành cho những người cao tuổi, vây quanh họ với đầy ắp tình cảm và xem họ như một ân phúc. Cần phải tuyên dương cách riêng các hiệp hội và các phong trào gia đình dấn thân phục vụ những người cao tuổi, cả về tâm linh lẫn xã hội… Tại các xã hội công nghiệp hóa cao, nơi mà con số người cao tuổi gia tăng ngay cả khi tỉ lệ sinh sản sụt giảm, họ có thể bị xem như một gánh nặng. Đàng khác, sự săn sóc mà họ cần thường tạo nên một căng thẳng cho những người thân của họ”.34 “Sự săn sóc và quan tâm dành cho những giai đoạn cuối cùng của đời sống là điều càng cần thiết hôm nay, khi mà xã hội hiện đại cố tháo gỡ mọi dấu vết của sự chết và sự hấp hối. Những người cao tuổi yếu ớt và phải lệ thuộc đôi khi bị khai thác một cách bất công để chỉ nhắm đến mối lợi kinh tế. Nhiều gia đình cho thấy rằng có thể tiếp cận những giai đoạn cuối cùng của cuộc sống bằng cách nhấn mạnh tầm quan trọng của cảm thức hoàn thành một đời người và sự tham dự vào mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa. Nhiều người cao tuổi được chăm sóc tại các cơ sở của Giáo Hội, ở đó, về vật chất và tinh thần, họ có thể sống trong một bầu khí gia đình êm ấm. Cái chết êm dịu và việc tự tử được hỗ trợ là những đe dọa nghiêm trọng cho các gia đình trên khắp thế giới; tại nhiều nước, những thực hành ấy đã được hợp pháp hóa. Giáo Hội, trong khi kiên quyết chống lại những thực hành ấy, cảm thấy cần phải hỗ trợ các gia đình đang chăm sóc cho các thành viên cao tuổi và yếu ớt của mình”.35
49. Ở đây tôi cũng muốn đề cập hoàn cảnh của các gia đình sống trong cái nghèo tận cùng và những hạn chế chồng chất. Các vấn đề mà những gia đình nghèo phải đối mặt thường gay go hơn rất nhiều.36 Ví dụ, nếu một người mẹ đơn thân phải tự chăm sóc đứa con, và chị cần để đứa bé ở nhà một mình trong khi chị đi làm, đứa trẻ sẽ lớn lên trong tình trạng phó mặc cho mọi loại nguy cơ và mọi ngáng trở đối với sự trưởng thành nhân vị. Trong những hoàn cảnh khó khăn ngặt nghèo như thế, Giáo Hội phải quan tâm cách riêng để cung ứng sự thông cảm, an ủi và đón nhận, hơn là bất nhẫn áp đặt một mớ qui tắc chỉ làm cho người ta cảm thấy bị xét đoán và bỏ rơi bởi chính người Mẹ được mời gọi bày tỏ cho họ thấy lòng thương xót của Thiên Chúa. Thay vì cung ứng năng lực chữa trị của ân sủng và ánh sáng của sứ điệp Tin Mừng, một số người sẽ “giáo điều hóa” sứ điệp ấy, biến nó thành “những viên đá để ném vào người khác”.37
MỘT SỐ THÁCH ĐỐ
50. Những phúc đáp cho hai cuộc tham vấn tiền Thượng Hội Đồng đã đề cập đến nhiều hoàn cảnh và những thách đố mới mà các hoàn cảnh ấy đặt ra. Ngoài tất cả những gì đã được nhắc đến, nhiều phúc đáp đã chỉ ra những vấn đề mà các gia đình phải đối mặt trong việc nuôi dạy con cái. Trong nhiều trường hợp, cha mẹ (từ sở làm) về nhà mệt lả, không muốn nói chuyện, và nhiều gia đình thậm chí không còn dùng bữa chung với nhau. Bao nhiêu thứ làm phân tán tâm trí, kể cả chứng nghiện ti-vi. Điều này làm cho cha mẹ càng khó hơn trong việc chuyển thông đức tin cho con cái. Có những câu trả lời lưu ý tác dụng của tình trạng áp lực đè nặng trên các gia đình, trong đó người ta thường lo toan cho tương lai hơn là cảm nếm hiện tại. Đây là một vấn đề văn hóa rộng lớn, càng trở nên tệ hại hơn nữa bởi những nỗi lo lắng về việc làm ổn định, về tài chánh và về tương lai của con cái.
51. Ma túy cũng được đề cập như một trong những hiểm họa của thời đại chúng ta, gây bao nỗi khổ lớn lao và thậm chí phá vỡ nhiều gia đình. Tình hình cũng như thế đối với nạn nhậu nhẹt, cờ bạc và các thứ nghiện khác. Gia đình có thể là nơi đề phòng và khắc phục những vấn đề này, nhưng xã hội và chính trị không nhìn thấy rằng các gia đình đang có nguy cơ “mất khả năng hành động trong việc giúp các thành viên của mình… Chúng ta thấy những hậu quả nghiêm trọng của thất bại này nơi các gia đình bị phân rã, nơi những người trẻ bị trốc rễ và những người già bị hất hủi, nơi những con cái ‘mồ côi’ dù cha mẹ vẫn đang còn sống, nơi các bạn thanh niên và những người mới bước vào tuổi trưởng thành gặp hoang mang và không được ai nâng đỡ.”38 Như các giám mục Mêhicô đã chỉ ra, bạo lực trong các gia đình sinh ra những dạng mới của xung đột xã hội, vì “các mối tương quan gia đình cũng có thể là nguyên nhân của một tính cách ưa bạo lực. Điều này thường xảy ra với các gia đình trong đó thiếu sự liên lạc cách trầm trọng, thái độ phòng thủ được thấy tràn lan, các thành viên không nâng đỡ nhau, không có những hoạt động gia đình khích lệ sự nối kết, mối tương quan giữa cha mẹ thường đầy xung đột và bạo lực, còn tương quan giữa cha mẹ và con cái thì đầy dấu vết xung khắc. Bạo lực bên trong gia đình sản sinh ra sự phẫn uất và căm thù ngay trong những mối tương quan nhân văn nền tảng nhất”.39
52. Không ai nghĩ rằng sự suy yếu của gia đình - trong tư cách là dạng xã hội tự nhiên đặt nền trên hôn nhân ấy - sẽ đem lại ích lợi cho xã hội xét như một toàn thể. Điều ngược lại mới đúng: nó là mối đe dọa cho sự trưởng thành của các cá nhân, sự vun xới các giá trị cộng đồng, và sự thăng tiến đạo đức của các đô thị và các quốc gia. Người ta không nhận ra rằng duy chỉ mối kết hợp độc nhất và bất khả phân ly giữa một người nam và một người nữ mới đảm nhận vai trò đầy đủ trong xã hội xét như một mối ràng buộc vững chắc đem lại hoa trái sự sống mới. Ta cần nhìn nhận rằng có nhiều hoàn cảnh gia đình khác nhau có thể cung ứng một sự ổn định nào đó, nhưng những sự kết hợp de facto hay đồng giới, chẳng hạn, thì không thể đơn giản đánh đồng với hôn nhân. Không sự kết hợp nào chỉ có tính tạm bợ hoặc đóng cửa đối với việc truyền sinh lại có thể bảo đảm cho tương lai của xã hội. Nhưng hiện nay, ai là những người đang cố gắng củng cố hôn nhân, giúp các đôi vợ chồng vượt qua những vấn đề của họ, hỗ trợ họ trong việc nuôi dạy con cái và, nói chung, khích lệ sự ổn định của mối dây hôn phối?
53. “Một số xã hội vẫn duy trì chế độ đa thê; tại những nơi khác, dạng hôn phối được dàn xếp vẫn còn tiếp tục… Tại nhiều nơi, không chỉ ở phương Tây, việc sống chung trước hôn nhân đang lan rộng, cũng như có một kiểu chung sống mà hoàn toàn không có ý định kết hôn”.40 Tại nhiều nước, pháp luật hậu thuẫn cho rất nhiều dạng thức thay thế hôn nhân, mà hậu quả là hôn nhân – với những đặc tính đơn nhất, bất khả phân ly và mở ra đón nhận sự sống – hóa ra bị coi như là một sự chọn lựa ngổ ngáo và lỗi thời. Nhiều quốc gia đang chứng kiến một sự phân rã hợp pháp của gia đình, hướng tới vận dụng những kiểu thức hầu như duy chỉ đặt nền trên sự tự trị của ý chí cá nhân. Đành rằng thật là hợp lẽ và đúng đắn việc loại bỏ những dạng thức cũ của gia đình truyền thống mang dấu ấn của chủ nghĩa độc đoán và thậm chí bạo lực, nhưng điều này không được phép dẫn tới việc bôi bác chính hôn nhân, mà đúng hơn phải dẫn tới việc khám phá lại ý nghĩa đích thực của nó và canh tân nó. Sức mạnh của gia đình “nằm ở khả năng yêu thương và dạy cách yêu thương. Bất chấp tất cả các vấn đề xảy ra cho gia đình, nó luôn luôn có thể lớn lên, khởi đi từ tình yêu.”41
54. Trong cái nhìn toát lược này, tôi muốn nhấn mạnh rằng cho dù đã có những bước tiến quan trọng trong việc nhìn nhận các quyền của phụ nữ và sự tham dự của họ vào đời sống công cộng, tại một số nước vẫn còn rất nhiều việc phải làm để thăng tiến những quyền này. Những tập tục không thể chấp nhận vẫn cần được loại bỏ. Tôi nghĩ cách riêng đến sự bạc đãi đáng xấu hổ mà đôi khi phụ nữ phải chịu, những bạo lực trong gia đình và rất nhiều hình thức nô dịch hóa, trong đó không hề cho thấy sức mạnh của đàn ông mà đúng hơn chỉ là những hành động nhu nhược nhát đảm. Bạo lực trong lời nói, trên thân thể và trong tình dục mà phụ nữ phải chịu đựng trong một số cuộc hôn nhân là điều mâu thuẫn với chính bản chất của sự kết hợp vợ chồng. Tôi nghĩ đến việc cắt xẻo rất đáng khiển trách trên cơ quan truyền sinh của phụ nữ, vẫn được thực hành trong một số nền văn hóa, cũng như tình trạng phụ nữ thiếu cơ hội bình đẳng để có được việc làm xứng đáng và có những vai trò đưa ra quyết định. Lịch sử đã bị đè nặng bởi những thái quá của các nền văn hóa gia trưởng vốn xem phụ nữ là thấp kém, nhưng trong thời của chúng ta, không thể bỏ qua việc sử dụng các bà mẹ đẻ thay cũng như “việc khai thác và thương mại hóa thân xác phụ nữ trong văn hóa truyền thông hiện nay”.42 Có những người cho rằng nhiều vấn đề của ngày nay đã xuất hiện là do sự giải phóng phụ nữ. Tuy nhiên, lập luận ấy không có căn cứ, “nó sai lạc, không đúng,và nó là một hình thức của chủ nghĩa đàn ông trị”.43 Phẩm giá bình đẳng của nam và nữ làm cho chúng ta vui mừng khi nhìn thấy những dạng kỳ thị của thời trước biến mất, và trong các gia đình đang có sự tương nhượng ngày càng tăng. Trong khi một số hình thức dấy lên của phong trào nữ quyền phải được xem là không phù hợp, thì ta cũng phải nhìn phong trào phụ nữ như là hoạt động của Chúa Thánh Thần, để phẩm giá và các quyền của phụ nữ được nhìn nhận rõ hơn.
55. Người đàn ông “đóng một vai trò có tính quyết định không kém trong đời sống gia đình, nhất là liên quan đến việc bảo vệ và nâng đỡ vợ con… Nhiều người đàn ông ý thức tầm quan trọng của vai trò mình đảm nhận trong gia đình, và họ sống tính cách đàn ông của mình một cách thích đáng. Sự vắng mặt của người cha sẽ ảnh hưởng nặng nề đến đời sống gia đình, việc nuôi dạy con cái và việc hội nhập chúng vào xã hội. Sự vắng mặt này – có thể là vắng mặt về thể lý, tình cảm, tâm lý hay tâm linh – sẽ tước mất khỏi con cái một hình ảnh người cha thích hợp”.44
56. Một thách đố nữa được đặt ra bởi các dạng khác nhau của một ý thức hệ về phái tính chủ trương “phủ nhận sự khác biệt và tính hỗ tương vốn thuộc bản chất của người nam và người nữ, và hình dung một xã hội không có những khác biệt về tình dục, từ đó loại trừ cả nền tảng nhân học của gia đình. Ý thức hệ này dẫn đến những chương trình giáo dục và sự ban hành các đạo luật cổ xúy một căn tính cá nhân và sự mật thiết tình cảm tách rời hẳn khỏi những khác biệt sinh học giữa nam và nữ. Hệ quả là căn tính con người trở thành một sự chọn lựa của cá nhân, là điều có thể thay đổi qua thời gian”.45 Thật rất đáng ưu tư khi một số ý thức hệ loại này – vốn nhằm đáp ứng những cảm hứng đôi khi là chính đáng – có thể tự khẳng định như một cái gì tuyệt đối và không thể chất vấn, thậm chí chúng qui định cả cách mà người ta phải nuôi dạy con cái nữa. Cần nhấn mạnh rằng “giới tính sinh học và vai trò văn hóa xã hội của giới tính là những thứ có thể phân biệt nhau nhưng không tách rời nhau”.46 Đàng khác, “cuộc cách mạng công nghệ trong lãnh vực sinh sản của con người đã dẫn đến khả năng bóp méo hành động truyền sinh, làm cho nó độc lập đối với mối tương quan tính dục giữa một người nam và một người nữ. Theo đó, sự sống con người và tư cách cha mẹ đã trở thành những chi tiết rời và những thực tại có thể bóc tách được, chủ yếu tùy vào ước muốn của các cá nhân hay của các đôi bạn”.47 Việc thông cảm sự yếu đuối của con người và những phức tạp của cuộc sống, đó là một chuyện; còn việc chấp nhận những ý thức hệ nhắm làm phân rã những khía cạnh bất khả phân ly của thực tại, thì đó lại là chuyện khác. Chúng ta đừng rơi vào tội cả gan thay thế Đấng Tạo Hóa. Chúng ta là những thụ tạo, và chúng ta không toàn năng. Công trình sáng tạo có trước chúng ta và phải được đón nhận như một quà tặng. Đồng thời, chúng ta được mời gọi bảo vệ nhân tính của mình, và điều này trước hết có nghĩa là đón nhận nhân tính ấy và tôn trọng nó như nó đã được sáng tạo nên.
57. Tôi tạ ơn Thiên Chúa về nhiều gia đình, dù họ không hề dám tự nghĩ mình hoàn hảo, nhưng đang sống trong yêu thương, đang chu toàn tiếng gọi của mình và tiếp tục bước tới, cho dẫu họ vấp ngã nhiều lần trên đường đi. Những suy tư của Thượng Hội Đồng cho chúng ta thấy rằng không có nguyên mẫu cho gia đình lý tưởng, mà đúng hơn đó là một bức khảm đầy thách đố hình thành từ nhiều thực tại khác nhau, với tất cả những niềm vui, hy vọng, và những vấn đề. Các hoàn cảnh liên quan tới chúng ta quả là những thách đố. Chúng ta không nên mắc kẹt trong việc phung phí năng lực vào những than thở ai oán, thay vào đó hãy tìm kiếm những hình thức mới cho tính sáng tạo trong sứ mạng. Bất luận tình huống nào, “Giáo Hội vẫn ý thức rằng cần phải cung ứng một lời của sự thật và hy vọng… Các giá trị lớn lao của hôn nhân và của gia đình Kitô giáo tương ứng với một khát vọng gắn không rời với hiện sinh con người”.48 Dù chúng ta nhìn thấy bao nhiêu vấn đề đi nữa, thì – theo cách nói của các giám mục Colombia – những vấn đề ấy nên là một lời hiệu triệu chúng ta “khôi phục niềm hy vọng của mình, biến chúng thành nguồn của những tầm nhìn ngôn sứ, những hành động chuyển hóa, và những dạng thức đầy sáng tạo của đức ái”.49

CHƯƠNG BA:

HƯỚNG NHÌN ĐỨC GIÊSU:

ƠN GỌI CỦA GIA ĐÌNH


58. Trong và giữa các gia đình, sứ điệp Tin Mừng cần phải luôn vang vọng; cốt lõi của sứ điệp ấy, tức lời rao giảng tiên khởi (kerygma), là phần “đẹp nhất, trỗi vượt nhất, đánh động nhất và đồng thời cần thiết nhất”.50 Sứ điệp này “phải chiếm chỗ trung tâm trong tất cả hoạt động Phúc Âm hóa”.51 Đó là lời rao giảng đầu tiên và quan trọng nhất, “mà chúng ta phải nghe đi nghe lại bằng nhiều cách khác nhau, và phải luôn luôn loan báo bằng cách này hay cách khác”.52 Thật vậy, “không có gì vững chắc, thâm sâu, bảo đảm, súc tích và khôn ngoan hơn sứ điệp ấy”. Do đó, “mọi sự đào tạo Kitô giáo đều bao hàm việc đi sâu hơn vào trong lời rao giảng tiên khởi”.53
59. Giáo huấn của chúng ta về hôn nhân và gia đình nhất thiết phải được gợi hứng và chuyển hóa bởi sứ điệp yêu thương và dịu dàng này; nếu không, nó chẳng là gì ngoài sự bảo vệ cho một giáo điều khô khan và thiếu sinh khí. Mầu nhiệm gia đình Kitô giáo chỉ có thể được nhận hiểu đầy đủ trong ánh sáng tình yêu vô hạn của Chúa Cha, được mạc khải nơi Đức Kitô, Đấng đã hiến mình vì chúng ta và vẫn tiếp tục cư ngụ giữa chúng ta. Giờ đây tôi muốn hướng ánh nhìn đến Đức Kitô hằng sống, Đấng nằm ở trung tâm của biết bao câu chuyện tình yêu, và khẩn cầu ngọn lửa Thánh Thần xuống trên mọi gia đình của thế giới này.
60. Chương ngắn này, vì thế, sẽ toát lược giáo huấn của Giáo Hội về hôn nhân và gia đình. Ở đây tôi cũng sẽ đề cập những gì các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đã nói về ánh sáng nhận được từ đức tin của chúng ta. Các Nghị Phụ bắt đầu với ánh nhìn của Đức Giêsu, các ngài nói về cách mà Đức Giêsu “nhìn những con người, nam và nữ, mà Người gặp gỡ, với tình yêu và sự dịu dàng, đồng hành với những bước chân của họ trong sự thật, kiên nhẫn và thương xót, như những đòi hỏi của Nước Thiên Chúa mà Người đã công bố”.54 Chúa cũng ở với chúng ta hôm nay, khi chúng ta tìm cách thực hành và chuyển đạt Tin Mừng về gia đình.
ĐỨC GIÊSU KHÔI PHỤC VÀ HOÀN THÀNH

CHƯƠNG TRÌNH CỦA THIÊN CHÚA


61. Đối ngược với những kẻ tẩy chay hôn nhân vì coi đó là sự dữ, Tân Ước dạy rằng “mọi sự Thiên Chúa dựng nên đều tốt và không được loại bỏ bất cứ gì” (1Tm 4,4). Hôn nhân là “một quà tặng” của Chúa (1Cr 7,7). Đồng thời, chính do ý nghĩa tích cực này mà Tân Ước mạnh mẽ nêu bật sự cần thiết phải giữ gìn quà tặng của Thiên Chúa: “Ai nấy phải tôn trọng hôn nhân, chớ làm cho loan phòng ra ô uế” (Dt 13,4). Quà tặng thần linh này có bao gồm tính dục: “Đừng từ chối nhau” (1Cr 7,5).
62. Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng ghi nhận rằng Đức Giêsu, “khi nói về kế hoạch nguyên thủy của Thiên Chúa cho người nam và người nữ, đã tái khẳng định mối kết hợp bất khả phân ly giữa họ, thậm chí Người tuyên bố rằng ‘vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môsê đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu, không có thế đâu’ (Mt 19,8). Tính bất khả phân ly của hôn nhân – tức “điều Thiên Chúa đã kết hợp, con người không được phân ly’ (Mt 19,6) – không nên được nhìn như một ‘cái ách’ áp đặt lên con người, nhưng như một ‘quà tặng’ được ban cho những ai gắn kết với nhau trong hôn nhân… Tình thương khoan dung của Thiên Chúa luôn luôn đi theo hành trình cuộc đời chúng ta; qua ân sủng, tình thương ấy chữa trị và biến đổi những trái tim chai cứng, dẫn chúng về lại từ đầu xuyên qua con đường thập giá. Tin Mừng trình bày rất rõ mẫu gương của Đức Giêsu, Đấng công bố ý nghĩa của hôn nhân như sự tròn đầy của mạc khải có sức vãn hồi kế hoạch nguyên thủy của Thiên Chúa (x. Mt 19,3)”.55
63. “Đức Giêsu, Đấng hòa giải mọi sự nơi chính Người, đã phục hồi hôn nhân và gia đình theo dạng thức nguyên thủy (x. Mt 10,1-12). Hôn nhân và gia đình đã được cứu chuộc bởi Đức Kitô (x. Ep 5,21-32) và được khôi phục theo hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi, là mầu nhiệm mà từ đó mọi tình yêu đích thực tuôn trào ra. Giao ước vợ chồng, bắt nguồn trong sáng tạo và được mạc khải trong lịch sử cứu độ, đạt được ý nghĩa đầy đủ của nó trong Đức Kitô và Giáo Hội của Người. Qua Giáo Hội, Đức Kitô ban cho hôn nhân và gia đình ơn sủng cần thiết để làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa và để sống hiệp thông. Tin Mừng về gia đình trải suốt dòng lịch sử thế giới, từ việc sáng tạo người nam và người nữ theo hình ảnh Thiên Chúa và giống như Thiên Chúa (x. St 1,26-27), cho tới sự hoàn thành mầu nhiệm giao ước trong Đức Kitô ở cuối thời gian với hôn lễ Chiên Con (x. Kh 19,9)”.56
64. “Mẫu gương của Đức Giêsu là một kiểu thức cho Giáo Hội… Người bắt đầu sứ vụ công khai của Người với phép lạ tại tiệc cưới Cana (x. Ga 2,1-11). Người chia sẻ những khoảnh khắc tình bạn đời thường với gia đình của Ladarô và các chị của anh ấy (x. Lc 10,38), và với gia đình của Phêrô (x. Mc 8,14). Người đồng cảm với những người cha và mẹ đang than khóc con mình, và Người trao lại sự sống cho con cái họ (x. Mc 5,41; Lc 7,14-15). Bằng cách đó Người cho thấy ý nghĩa đích thực của lòng thương xót, là nguồn đem lại sự khôi phục giao ước (x. Gioan Phaolô II, Dives in Misericordia, 4). Điều này thật rõ trong cuộc trò chuyện với người phụ nữ Samaria (x. Ga 4,1-30), và với người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình (x. Ga 8,1-11), trong đó cảm thức về tội được đánh thức bởi một cuộc gặp gỡ với tình yêu nhưng không của Đức Giêsu”.57
65. Cuộc nhập thể của Lời trong một gia đình nhân loại, ở Nadarét, bằng chính tính mới mẻ của nó đã thay đổi lịch sử thế giới. Chúng ta cần đi vào trong mầu nhiệm Giáng Sinh của Đức Giêsu, đi vào trong tiếng “xin vâng” của Maria đáp lại sứ điệp của thiên thần, khi Lời được thành thai trong cung lòng Mẹ, cũng như tiếng “xin vâng” của Giuse, người đã đặt tên cho Giêsu và đã chăm sóc Maria. Chúng ta cần chiêm ngắm niềm vui của các mục đồng trước máng cỏ, sự tôn thờ của các nhà chiêm tinh và cuộc trốn chạy sang Ai Cập, trong đó Đức Giêsu chia sẻ kinh nghiệm lưu đày, tình trạng bị bách hại và nhục nhã của dân Người. Chúng ta cần chiêm ngắm mối kỳ vọng đầy lòng mộ đạo của Dacaria và niềm vui của ông khi Gioan Tẩy Giả chào đời, sự ứng nghiệm của lời hứa được ban cho Simêon và Anna trong Đền Thờ, và thái độ sửng sốt của các kinh sư khi lắng nghe sự khôn ngoan của trẻ Giêsu. Rồi chúng ta cần nhìn chăm chú vào ba mươi năm ròng rã ấy, trong đó Đức Giêsu sinh sống bằng chính lao động của đôi tay mình, khi Người đọc các kinh nguyện truyền thống, các diễn tả đức tin của dân tộc mình, và nhận biết đức tin của cha ông, cho tới khi Người làm cho đức tin ấy sinh hoa trái trong mầu nhiệm về Nước Trời. Đó là mầu nhiệm Giáng Sinh và bí mật Nadarét, tỏa ra vẻ đẹp của đời sống gia đình! Chính mầu nhiệm này đã cuốn hút Phanxicô Assisi, Têrêsa Hài Đồng Giêsu và Charles de Foucauld, và vẫn tiếp tục đổ đầy hy vọng và niềm vui cho các gia đình Kitô hữu.
66. “Giao ước yêu thương và trung thành được sống bởi Thánh Gia Nadarét soi sáng cho nguyên tắc giúp định hình mọi gia đình, và giúp gia đình có thể đương đầu tốt hơn với những thăng trầm của cuộc sống và của lịch sử. Trên nền tảng này, mọi gia đình, bất chấp những yếu kém, có thể trở thành một ánh sáng trong đêm tối của thế giới. ‘Nadarét dạy chúng ta ý nghĩa của đời sống gia đình, mối hiệp thông yêu thương của nó, vẻ đẹp đơn sơ và giản dị của nó, đặc tính thánh thiêng và bất khả xâm phạm của nó. Ước gì nó dạy ta nhận hiểu trường đào tạo của nó ngọt ngào và bất khả thay thế như thế nào, nhận hiểu vai trò của nó đối với trật tự xã hội có tính nền tảng và độc đáo như thế nào’ (Phaolô VI, Diễn từ tại Nadarét, 5.1.1964)”.58
GIA ĐÌNH TRONG

CÁC VĂN KIỆN CỦA GIÁO HỘI


67. Công đồng Vatican II, trong Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, bày tỏ ưu tư về sự “thăng tiến phẩm giá của hôn nhân và gia đình (x. các số 47-52)”. Hiến chế này “định nghĩa hôn nhân là một cộng đồng sự sống và tình yêu (x. 48), đặt tình yêu ở trung tâm gia đình… ‘Tình yêu đích thực giữa vợ và chồng (49) gắn liền với việc tự hiến cho nhau, bao gồm và hội nhập những chiều kích tính dục và tình cảm, phù hợp với kế hoạch của Thiên Chúa (x. 48-49)”. Văn kiện này của Công đồng cũng nhấn mạnh “việc đôi vợ chồng cắm rễ trong Đức Kitô. Đức Kitô ‘đích thân hiện diện với đôi vợ chồng Kitô hữu trong Bí tích Hôn phối’ (48) và vẫn ở lại với họ. Trong cuộc nhập thể, Người đảm nhận tình yêu nhân loại, thanh luyện nó và đem nó đến chỗ viên mãn. Nhờ Thánh Thần của Người, Người trao cho đôi vợ chồng khả năng sống tình yêu ấy, làm thấm nhuần mọi khía cạnh của đời sống họ bằng đức tin, đức cậy và đức ái. Nhờ đó, đôi vợ chồng được thánh hiến, và nhờ một ân sủng đặc biệt họ xây dựng Thân Mình Đức Kitô và làm nên Hội Thánh tại gia (x. Lumen Gentium, 11), để cho Giáo Hội, nếu muốn hiểu biết đầy đủ mầu nhiệm của mình, sẽ hướng nhìn gia đình Kitô hữu, là sự thể hiện của Giáo Hội một cách thực tiễn”.59
68. “Chân Phước Phaolô VI, ngay sau Công đồng Vatican II, đã phát triển thêm giáo huấn của Giáo Hội về hôn nhân và gia đình. Đặc biệt, với Thông điệp Humanae Vitae, ngài chỉ ra mối gắn kết nội tại giữa tình yêu vợ chồng và việc sinh sản: ‘Tình yêu hôn nhân đòi hỏi người chồng và người vợ ý thức đầy đủ về các nghĩa vụ của mình trong vấn đề làm cha mẹ có trách nhiệm, điều mà ngày nay người ta có lý để nhấn mạnh rất nhiều, nhưng đồng thời đó cũng là điều cần phải được hiểu đúng… Việc thực thi vai trò làm cha mẹ có trách nhiệm đòi hỏi rằng người chồng và vợ, giữ một thứ tự đúng đắn các mối ưu tiên, phải nhận ra các bổn phận của mình đối với Thiên Chúa, với chính mình, với gia đình mình và với xã hội con người’ (số 10). Trong Tông huấn Evangelii Nuntiandi, Đức Phaolô VI đã nhấn mạnh mối tương quan giữa gia đình và Giáo Hội”.60
69. “Thánh Gioan Phaolô II dành quan tâm đặc biệt cho gia đình trong những bài giáo lý của ngài về tình yêu nhân loại, trong Thư của ngài gửi các gia đình, Gratissimam Sane, và nhất là trong Tông huấn Familiaris Consortio. Trong những văn kiện này, vị Giáo hoàng đã định nghĩa gia đình là ‘con đường của Giáo Hội’. Ngài cũng đưa ra một tầm nhìn chung về ơn gọi của những người nam và nữ, đó là yêu thương, và ngài đề ra những hướng dẫn căn bản cho sự săn sóc mục vụ đối với gia đình, cũng như cho vai trò của gia đình trong xã hội. Cách riêng, khi nói về tình yêu vợ chồng (x. số 13), ngài mô tả cách mà các đôi vợ chồng, trong tình yêu thương nhau, nhận được quà tặng bởi Thánh Thần của Đức Kitô và đáp trả tiếng gọi nên thánh dành cho mình”.61
70. “Giáo hoàng Bênêđictô XVI, trong Thông điệp Deus Caritas Est, đã trở lại với chủ đề về sự thật của tình yêu nam nữ, vốn chỉ được soi sáng đầy đủ trong tình yêu của Đức Kitô chịu đóng đinh (x. số 2). Ngài nhấn mạnh rằng ‘hôn nhân, dựa trên một tình yêu dứt khoát và độc hữu, trở thành một biểu tượng của mối tương quan giữa Thiên Chúa và dân Ngài, và ngược lại. Cung cách yêu thương của Thiên Chúa trở thành thước đo cho tình yêu nhân loại’ (11). Hơn nữa, trong Thông điệp Caritas in Veritate, ngài nêu bật tầm quan trọng của tình yêu như một nguyên tắc cho đời sống trong xã hội (x. 44), nơi mà ở đó chúng ta học kinh nghiệm về thiện ích chung”.62
BÍ TÍCH HÔN PHỐI
71. “Thánh Kinh và Truyền Thống trao cho chúng ta nẻo đường tiếp cận để nhận thức về Chúa Ba Ngôi, được mạc khải với những nét của một gia đình. Gia đình là hình ảnh của Thiên Chúa, Đấng là sự hiệp thông của các ngôi vị. Khi Đức Kitô chịu Phép Rửa, tiếng Chúa Cha vang lên, gọi Đức Giêsu là Con yêu dấu, và trong tình yêu này chúng ta có thể nhận ra Chúa Thánh Thần (x. Mc 1,10-11). Đức Giêsu, Đấng hòa giải mọi sự nơi chính Người và đã cứu chuộc chúng ta khỏi tội lỗi, không chỉ trả hôn nhân và gia đình về dạng thức nguyên thủy của nó, mà còn nâng hôn nhân lên thành dấu hiệu bí tích của tình yêu mà Người dành cho Giáo Hội (x. Mt 19,1-12; Mc 10,1-12; Ep 5,21-32). Trong gia đình nhân loại, được qui tụ bởi Đức Kitô, “hình ảnh và sự giống với” Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh (x. St 1,26) đã được phục hồi, đó là mầu nhiệm mà từ đó mọi tình yêu đích thực tuôn tràn ra. Xuyên qua Giáo Hội, hôn nhân và gia đình đón nhận ân sủng Chúa Thánh Thần từ Đức Kitô, để làm chứng cho Tin Mừng về tình yêu của Thiên Chúa”.63


Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   17




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương