NIỀm vui yêu thưƠng (amoris laetitia)



trang12/17
Chuyển đổi dữ liệu28.07.2016
Kích1 Mb.
#8621
1   ...   9   10   11   12   13   14   15   16   17

258. Nếu chúng ta chấp nhận cái chết, chúng ta có thể sửa soạn cho nó. Cách sửa soạn là lớn lên trong tình yêu của chúng ta đối với những người đang bước đi bên mình, cho tới ngày mà “không còn sự chết, không còn than khóc và đau khổ nữa” (Kh 21,4). Như thế chúng ta sẽ chuẩn bị để hội ngộ với những người thân của mình đã qua đời. Như Đức Giêsu đã “trao lại cho người mẹ” (x. Lc 7,15) đứa con trước đó đã chết, thì với chúng ta cũng thế. Chúng ta đừng phí sức vào việc cố níu bám cái quá khứ đã qua. Chúng ta càng sống tốt hơn ở đời này, thì càng có thể chia sẻ hạnh phúc lớn lao hơn với những người thân của mình trên thiên quốc. Càng trưởng thành và triển nở trên trần gian này, chúng ta càng có thể mang nhiều món quà hơn vào bữa tiệc trên trời.

CHƯƠNG BẢY:

ĐỂ GIÁO DỤC CON CÁI TỐT HƠN


259. Cha mẹ luôn ảnh hưởng đến sự phát triển luân lý của con cái mình, theo hướng tích cực hay tiêu cực. Vì thế họ phải đảm nhận vai trò thiết yếu và thực thi vai trò đó một cách ý thức, nhiệt thành, có lý và có tình. Vì vai trò giáo dục của các gia đình rất quan trọng, và ngày càng phức tạp hơn, nên tôi muốn đề cập việc này cách chi tiết.
CON CÁI CỦA CHÚNG TA ĐANG Ở ĐÂU?
260. Gia đình chắc chắn là nơi nâng đỡ, hướng dẫn và dạy bảo, dù người ta có thể phải xem xét lại các phương pháp và phải khám phá các nguồn lực mới. Cha mẹ cần suy nghĩ xem mình muốn con cái tiếp cận những gì, và điều này nhất thiết có nghĩa là phải để ý xem ai đang cung cấp sự giải trí cho chúng, ai đang bước vào phòng của chúng xuyên qua ti-vi và các thiết bị điện tử, và chúng đang dùng thời giờ rảnh của mình với ai. Chỉ cần chúng ta dành thời gian cho con cái, nói về những điều quan trọng một cách dễ hiểu và đầy quan tâm, và tìm ra những phương cách lành mạnh để chúng sử dụng thời gian, thì chúng ta sẽ có thể bảo vệ chúng khỏi bị tổn hại. Cảnh giác là điều luôn luôn cần thiết, còn thờ ơ thì không bao giờ là điều hay. Cha mẹ phải giúp chuẩn bị cho con cái, trẻ em và thanh thiếu niên, giáp mặt với những nguy cơ, chẳng hạn, sự xâm hại, lạm dụng hay nạn nghiện ma túy.
261. Tuy nhiên, lo lắng đến mức ám ảnh thì không phải là giáo dục. Chúng ta không thể kiểm soát mọi tình huống mà một đứa trẻ có thể trải nghiệm. Ở đây, vẫn ứng dụng đúng nguyên tắc “thời gian quan trọng hơn không gian”.291 Nói cách khác, khởi sự những tiến trình thì quan trọng hơn là kiểm soát các nơi chốn. Nếu cha mẹ luôn luôn bị ám ảnh với việc muốn biết con cái mình đang ở đâu và muốn kiểm soát mọi động thái của chúng, thì đó là họ chỉ cố kiểm soát về nơi chốn. Nhưng đó không phải là giáo dục, không phải là củng cố và chuẩn bị cho con cái đương đầu với các thách đố. Điều quan trọng nhất là khả năng ân cần giúp chúng lớn lên trong tự do, trưởng thành, trong tinh thần kỷ luật và trong sự tự trị thực sự. Chỉ bằng cách này con cái mới tiến tới sở hữu được vốn liếng cần thiết để lo liệu cho chính mình, và biết hành động một cách thông minh và khôn ngoan bất cứ khi nào chúng gặp phải khó khăn. Câu hỏi thực, vì thế, không phải là con cái mình đang ở đâu theo nghĩa thể lý, hay chúng đang ở với ai vào những lúc nhất định nào đó, nhưng đúng hơn phải tự hỏi chúng đang ở đâu theo nghĩa hiện sinh, tức là chúng đang ở đâu xét về các xác tín của chúng, những mục đích, những khát vọng và những giấc mơ của chúng. Tôi muốn đặt những câu hỏi này cho các bậc cha mẹ: “Chúng ta có tìm hiểu con cái mình thực sự ‘ở đâu’ trong hành trình của chúng hay không? Linh hồn của chúng đang ở đâu, chúng ta có thực sự biết không? Và trên hết, chúng ta có muốn biết không?”.292
262. Nếu trưởng thành chỉ là sự phát triển một cái gì đó vốn có sẵn rồi trong mã di truyền của chúng ta, thì sẽ không có gì nhiều cần phải làm. Nhưng sự khôn ngoan, sự phán đoán tốt và lương tri thì không tùy thuộc vào duy chỉ những yếu tố phát triển theo lượng tính, mà đúng hơn chúng tùy thuộc vào một toàn thể các yếu tố tập hợp lại ở trong thâm sâu mỗi người, hay nói đúng hơn, ở chính cốt lõi sự tự do của chúng ta. Rõ ràng, mỗi đứa trẻ sẽ làm chúng ta ngạc nhiên với những ý tưởng và những dự án phát sinh từ sự tự do ấy, điều này thách đố chúng ta xem xét lại các ý nghĩ của mình. Đây là một điều tốt. Giáo dục bao gồm sự khích lệ việc sử dụng tự do có trách nhiệm để đương đầu với các vấn đề, với lương tri và trí tuệ. Nó liên quan đến việc đào tạo những con người hiểu rõ rằng đời sống của mình, và đời sống của cộng đoàn, là do mình định đoạt, và rằng sự tự do là một quà tặng tuyệt vời.
DẠY ĐẠO ĐỨC CHO CON CÁI
263. Cha mẹ cậy dựa vào học đường để bảo đảm nền giáo dục căn bản cho con cái mình, nhưng không bao giờ có thể phó thác hoàn toàn nơi người khác việc đào tạo đạo đức cho con cái mình. Sự phát triển tâm cảm và đạo đức của một người, nói cho cùng, đặt nền trên một kinh nghiệm riêng, đó là, kinh nghiệm rằng mình có thể tin tưởng cha mẹ mình. Điều này có nghĩa rằng cha mẹ, xét như nhà giáo dục, có trách nhiệm – bằng tình thương và gương sáng – truyền vào trong con cái mình sự tin tưởng và kính mến. Khi đứa con, dù do lỗi lầm của nó, không còn cảm thấy rằng nó rất quan trọng đối với cha mẹ, hoặc nó cảm thấy rằng cha mẹ không chân thành quan tâm đến nó, thì điều này sẽ gây tổn thương sâu sắc và nhiều sự khó khăn trên con đường trưởng thành của nó. Sự vắng mặt về thể lý hay về tâm cảm này tạo ra thương tổn lớn hơn bất cứ sự trách mắng nào mà một đứa trẻ có thể nhận do làm gì đó sai trái.
264. Cha mẹ cũng trách nhiệm về việc đào tạo ý chí cho con cái, thúc đẩy những thói quen tốt và sự hướng thiện cách tự nhiên. Điều này giả thiết việc trình bày một số cách nghĩ và cách làm đáng giá và đáng mong ước, như một phần của tiến trình trưởng thành tiệm tiến. Mong ước thích nghi với xã hội, hay thói quen từ khước một thú vui trước mắt để giữ một lối sống tốt và nề nếp hơn chiếu theo cảm thức chung, điều này tự nó là một giá trị, và rồi nó có thể thúc đẩy sự mở ra đón nhận những giá trị lớn hơn. Việc đào tạo đạo đức phải luôn diễn ra với những phương pháp tích cực, và sự đối thoại có sức giáo huấn, nhờ sự nhạy cảm và nhờ sử dụng một ngôn ngữ mà trẻ em có thể hiểu được. Nó cũng phải diễn ra một cách cảm ứng, để trẻ em có thể tự nhận thức về tầm quan trọng của một số giá trị, nguyên tắc và tiêu chuẩn, thay vì tìm cách áp đặt những điều ấy như là những chân lý tuyệt đối và không thể chất vấn.
265. Làm điều đúng không chỉ có nghĩa là “phán đoán xem cái gì có vẻ là tốt nhất”, hay biết rõ cái gì cần được làm, dù những điều này cũng rất quan trọng. Chúng ta thường tỏ ra không nhất quán trong chính những xác tín của mình, dù chúng vững chắc đến mấy đi nữa; ngay cả khi lương tâm thúc đẩy chúng ta có một quyết định đạo đức rõ ràng, thì những yếu tố khác đôi khi lại được thấy là mạnh mẽ và có sức lôi cuốn hơn. Chúng ta phải đạt tới chỗ mà ở đó sự thiện được trí năng nắm hiểu có thể cắm rễ trong mình như một thiên hướng tình cảm thâm sâu, như một khát vọng hướng thiện mạnh mẽ hơn so với những lôi cuốn khác, và có sức giúp chúng ta nhận ra rằng điều mà mình xem là tốt cách khách quan thì cũng tốt “cho mình” ở đây và lúc này. Một nền giáo dục đạo đức tốt đẹp bao gồm việc giúp một người thấy rằng cần phải hành động đúng. Ngày nay, ngày càng ít hiệu nghiệm việc đề ra một điều gì đó đòi hỏi sự nỗ lực và hy sinh, mà không cho thấy rõ những ích lợi mà nó mang lại.
266. Các thói quen tốt cần phải được phát triển. Ngay cả các thói quen trong thời thơ ấu cũng có thể giúp chuyển những giá trị quan trọng được nội tâm hóa thành những nếp hành động lành mạnh đúng đắn. Một đứa trẻ có thể hòa đồng và cởi mở với người khác, nhưng nếu qua một thời gian lâu nó không được những người lớn dạy nói “Làm ơn …”, “Cám ơn”, và “Xin lỗi”, thì thái độ tốt lành bên trong của đứa trẻ không dễ được bộc lộ. Sự củng cố ý chí và việc lặp đi lặp lại những hành động đặc biệt nào đó là những viên gạch xây dựng nếp sống đạo đức; không có sự lặp đi lặp lại một cách ý thức, tự do và trân trọng một số mẫu ứng xử tốt đẹp, thì việc giáo dục đạo đức sẽ không xảy ra. Chỉ ước ao suông, hay chỉ với sự hấp dẫn của một giá trị nào đó, chừng ấy không đủ để làm thấm nhuần một nhân đức, nếu không có những hành động được thúc đẩy cách thích hợp.
267. Tự do là một cái gì rất kỳ vĩ, nhưng nó cũng có thể bị làm tan biến mất. Giáo dục đạo đức phải bao gồm việc vun xới sự tự do qua các ý tưởng, các động cơ, những áp dụng thực tiễn, những khơi gợi, phần thưởng, gương sáng, kiểu mẫu, biểu tượng, nhận xét, khích lệ, đối thoại, và sự xem xét lại thường xuyên về cách làm của chúng ta; tất cả những điều này có thể giúp phát triển các nguyên tắc vững chắc bên trong hướng dẫn chúng ta biết tự nhiên làm điều thiện. Nhân đức là một xác tín đã trở thành một nguyên tắc vững chắc bên trong cho hành động. Như vậy, đời sống nhân đức sẽ xây dựng, củng cố và định hình sự tự do, nhờ đó chúng ta không trở thành nô lệ cho các xu hướng vô nhân đạo và chống lại xã hội. Vì phẩm giá con người tự nó đòi hỏi rằng mỗi chúng ta phải “hành động với sự chọn lựa tự do và ý thức, như được thúc đẩy một cách riêng tư từ bên trong”.293
GIÁ TRỊ CỦA SỰ SỬA SAI

NHƯ MỘT CÁCH KHÍCH LỆ


268. Cũng rất thiết yếu việc giúp trẻ em và thanh thiếu niên nhận thức rằng những cư xử sai trái có các hậu quả của nó. Chúng cần được khích lệ để đặt mình vào vị trí của người khác và nhận hiểu sự tổn thương mà mình gây ra. Một số hình phạt đối với những hành động hung hăng, chống lại xã hội có thể phần nào phục vụ cho mục đích này. Rất cần dạy trẻ em luôn biết xin lỗi và sửa chữa những thiệt hại gây ra cho người khác. Khi tiến trình giáo dục phát huy kết quả nơi sự trưởng thành của tự do cá nhân, trẻ em sẽ cảm nhận rằng thật quí hóa được lớn lên trong một gia đình, và thậm chí chúng sẽ biết chấp nhận những đòi hỏi mà mọi tiến trình giáo dục đặt ra.
269. Sửa sai cũng có ý nghĩa khích lệ, bất cứ khi nào những cố gắng của trẻ được trân trọng và nhìn nhận, và chúng cảm thấy sự tin tưởng mà cha mẹ luôn kiên nhẫn dành cho chúng. Những trẻ được ân cần sửa sai sẽ cảm nhận chúng được săn sóc; chúng cảm nhận rằng chúng là những con người với các tiềm năng của mình được nhìn nhận. Điều này không đòi hỏi cha mẹ phải hoàn hảo, mà chỉ đòi hỏi cha mẹ biết khiêm tốn nhìn nhận các giới hạn của mình và cố gắng cải thiện. Nhưng một trong những điều mà trẻ cần học nơi cha mẹ, đó là không để cho cơn giận cuốn mình đi. Một đứa trẻ làm gì đó sai trái phải được sửa sai, nhưng đừng bao giờ cư xử với trẻ như kẻ thù hay như một đối tượng để mình trút sự thất vọng. Người lớn cũng cần nhận ra rằng một số loại ứng xử sai trái có liên quan với sự non yếu và những giới hạn đặc trưng của tuổi trẻ. Việc thường xuyên lạm dụng hình phạt sẽ có hại, và không giúp trẻ nhận hiểu rằng một số hành động thì nghiêm trọng hơn những hành động khác. Nó sẽ dẫn đến ngã lòng và phẫn uất: “Hỡi các bậc cha mẹ, đừng làm con cái bực tức” (Ep 6,4; x. Cl 3,21).
270. Thật quan trọng việc liệu sao để kỷ luật không gây nản lòng, nhưng trái lại đó là một thúc đẩy để tiến bộ nhiều hơn. Làm sao để kỷ luật có thể được nội tâm hóa tốt nhất? Bằng cách nào chúng ta bảo đảm rằng kỷ luật là một sự hạn chế có tính xây dựng, được đặt ra cho các hành động của trẻ, chứ không phải là một tường rào ngăn chặn con đường trưởng thành? Một mức cân bằng phải được tìm ra giữa hai thái cực tai hại ngang nhau. Một thái cực là cố làm cho mọi sự xoay vần xung quanh những ước muốn của trẻ; những đứa trẻ như vậy sẽ lớn lên với cảm thức về quyền của chúng nhưng lại không có cảm thức trách nhiệm. Thái cực kia là tước đi khỏi đứa trẻ ý thức về phẩm giá của nó, về căn tính riêng và các quyền của nó; những đứa trẻ này rốt cục bị ngộp bởi các bổn phận và bởi nhu cầu phải thực hiện các mong muốn của người khác.
THỰC TIỄN MỘT CÁCH KIÊN NHẪN
271. Giáo dục đạo đức bao hàm việc yêu cầu một đứa trẻ hay một thanh thiếu niên chỉ những gì không đòi một hy sinh bất tương xứng, và chỉ yêu cầu một mức độ cố gắng sao cho không dẫn tới phẫn uất hay những hành động quá bị áp lực. Thường điều này được làm bằng cách đề ra những bước nhỏ có thể được hiểu, được chấp nhận và trân trọng, trong khi có bao gồm một sự hy sinh hợp lý. Nếu chẳng vậy, chúng ta đòi hỏi quá nhiều, thì sẽ không đạt được gì cả. Một khi đứa trẻ được tự do khỏi quyền bính của chúng ta, nó có thể ngừng làm điều tốt.
272. Việc đào tạo đạo đức nhiều khi không được hưởng ứng, do bởi những kinh nghiệm về sự thờ ơ, thất vọng, thiếu tình thương hay những cung cách dạy con thiếu mẫu mực. Các giá trị đạo đức được liên kết với những hình ảnh tiêu cực của cha mẹ hay những khuyết điểm của người lớn. Vì vậy, các bạn trẻ cần được giúp đỡ để rút ra những loại suy: nhìn nhận rằng các giá trị được thể hiện tốt nhất nơi một số người mẫu mực, nhưng cũng được thể hiện một cách không hoàn hảo và với những mức độ khác nhau nơi những người khác. Đồng thời, vì sự phân vân của họ có thể do ảnh hưởng từ những kinh nghiệm xấu, họ cần được giúp đỡ trong tiến trình chữa trị nội tâm, và nhờ đó họ lớn lên trong khả năng hiểu và sống hòa hợp với những người khác và với cộng đồng rộng lớn hơn.
273. Trong việc đề ra các giá trị, chúng ta phải làm từ từ, có xét đến tuổi và các khả năng của đứa trẻ, mà không bừa bãi áp dụng những phương pháp cứng nhắc và thiếu uyển chuyển. Những đóng góp có giá trị của khoa tâm lý và các khoa giáo dục đã cho thấy rằng việc thay đổi cung cách ứng xử của một đứa trẻ giả thiết một quá trình tiệm tiến, nhưng cũng lưu ý rằng sự tự do cần phải được thông truyền và khơi động, vì tự nó sự tự do không bảo đảm tiến trình phát triển đến trưởng thành. Sự tự do trong bối cảnh, tức sự tự do thực tế, thì giới hạn và bị điều kiện. Nó không đơn thuần là khả năng chọn điều tốt một cách hoàn toàn tự động. Người ta không luôn luôn phân biệt cách thích đáng giữa những hành vi “tự nguyện” và “tự do”. Một người có thể rõ ràng và tự ý ao ước một điều gì đó xấu, nhưng sở dĩ thế vì đó là kết quả của một đam mê bất khả kháng hay một sự giáo dục kém cỏi. Trong những trường hợp như thế, trong khi cái quyết định là tự nguyện, trong chừng mực nó không đi ngược lại xu hướng khao khát của họ, nhưng nó không tự do, vì trong thực tế họ không thể không chọn điều xấu ấy. Chúng ta thấy điều này trong trường hợp những người nghiện ma túy do áp lực. Khi họ muốn điều chỉnh, họ hoàn toàn muốn như vậy, nhưng họ bị điều kiện quá nhiều đến nỗi lúc ấy họ không thể quyết định cách nào khác. Quyết định của họ có tính tự nguyện nhưng không tự do. Thật vô nghĩa việc “cho phép họ tự do lựa chọn”, vì thực tế họ không thể lựa chọn, và việc bỏ mặc họ cho ma túy chỉ làm gia tăng sự nghiện ngập của họ. Họ cần được giúp đỡ bởi những người khác và cần một tiến trình phục hồi.
ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH

NHƯ MỘT KHUNG CẢNH GIÁO DỤC


274. Gia đình là trường học đầu tiên của các giá trị nhân bản, ở đó chúng ta học biết dùng sự tự do một cách khôn ngoan. Một số xu hướng hình thành ở thời thơ ấu và bám rễ sâu đến nỗi chúng vẫn còn suốt cuộc đời, hoặc như những hấp lực của một giá trị nào đó, hay như sự dị ứng tự nhiên đối với một số cách hành động. Nhiều người suy nghĩ và hành động theo một cách nào đó bởi vì họ cho rằng như vậy là đúng, dựa trên cơ sở những gì họ đã học, dường như bằng cách thẩm thấu, từ những năm đầu đời: “Tôi đã được dạy như thế”. “Đó là điều tôi đã học”. Trong gia đình, chúng ta cũng có thể học biết phê phán một số thông điệp do các phương tiện truyền thông đem lại. Đáng buồn để nói rằng một số chương trình truyền hình hay những hình thức quảng cáo thường gây ảnh hưởng tiêu cực và hạ giá những giá trị được ghi khắc trong đời sống gia đình.
275. Trong thời chúng ta, bị thống trị bởi sự căng thẳng và những tiến bộ công nghệ nhanh chóng, một trong những công tác quan trọng của các gia đình là dạy cho trẻ biết kiên nhẫn. Điều này không có nghĩa là ngăn chặn không cho trẻ em chơi với những thiết bị điện tử, nhưng đúng hơn đó là tìm những cách thế để giúp chúng phát triển khả năng phê bình của chúng và không nghĩ rằng tốc độ kỹ thuật số có thể áp dụng cho mọi sự trong đời sống. Việc đình hoãn các ước muốn không có nghĩa là phủ nhận chúng nhưng chỉ đơn thuần là hoãn lại việc thực hiện chúng. Khi trẻ em hay thanh thiếu niên không được giúp để nhận ra rằng một số điều phải được chờ đợi, chúng có thể trở nên bị ám ảnh với việc thỏa mãn những nhu cầu trước mắt, và hình thành thói xấu “muốn tất cả ngay lập tức”. Đây là một ảo tưởng lớn, không giúp cho sự tự do mà làm suy yếu nó. Mặt khác, khi chúng ta được dạy hoãn lại một số điều cho tới lúc thích hợp, chúng ta học làm chủ chính mình và thoát khỏi những xung năng của chúng ta. Khi trẻ nhận ra rằng chúng phải có trách nhiệm về bản thân chúng, lòng tự trọng của chúng được phát huy. Điều này, đến lượt nó, sẽ dạy cho chúng biết tôn trọng sự tự do của người khác. Rõ ràng ở đây không có nghĩa là kỳ vọng đứa trẻ hành động như người lớn, nhưng cũng không có nghĩa là đánh giá thấp khả năng của chúng trong việc phát triển sự tự do có trách nhiệm. Trong một gia đình vững mạnh, tiến trình học này diễn ra xuyên qua những đòi hỏi do đời sống chung đặt ra.
276. Gia đình là khung cảnh đầu tiên để hội nhập xã hội, vì đó là nơi mà chúng ta lần đầu tiên học liên hệ với người khác, lắng nghe và chia sẻ, kiên nhẫn và bày tỏ sự tôn trọng, giúp đỡ nhau, và sống hiệp nhất. Công việc giáo dục là làm cho người ta cảm thấy rằng thế giới và xã hội cũng là nhà của mình; nó dạy chúng ta cách sống với nhau trong ngôi nhà lớn này. Trong gia đình, chúng ta học sự gần gũi, quan tâm và tôn trọng người khác. Chúng ta bứt ra khỏi thói loay hoay với chính mình đầy tai hại, và đi đến nhận ra rằng chúng ta đang sống cùng với những người khác, đó là những người xứng đáng được ta quan tâm, cư xử tử tế và yêu thương. Sẽ không có mối gắn kết xã hội nếu không có chiều kích đầu tiên này của đời sống hằng ngày, xem ra rất nhỏ: sự kiện sống bên nhau, gần gũi, gặp nhau nhiều lúc trong ngày, quan tâm về mọi sự có ảnh hưởng tới mình, giúp nhau trong những chuyện lặt vặt đời thường. Hằng ngày gia đình phải có những cách thức mới để trân trọng và nhìn nhận các thành viên của mình.
277. Cũng trong gia đình, chúng ta có thể xem xét lại các thói quen tiêu thụ của mình và hưởng ứng việc chăm sóc môi trường như căn nhà chung của chúng ta. “Gia đình là tác nhân chính của một sinh thái toàn vẹn, vì đó là chủ thể xã hội hàng đầu chứa đựng trong mình hai nguyên lý nền tảng của văn minh con người trên trái đất: nguyên lý hiệp thông và nguyên lý sinh hoa quả”.294 Cũng vậy, những thời khắc khó khăn và lo lắng trong đời sống gia đình có thể dạy những bài học quan trọng. Điều này xảy ra, chẳng hạn, khi ốm đau bệnh tật, vì “đứng trước bệnh tật, ngay cả trong gia đình, những khó khăn sẽ nổi lên, do sự yếu đuối của con người. Nhưng nói chung, những thời khắc bệnh tật giúp các mối ràng buộc gia đình có thể trở nên chặt chẽ hơn… Một nền giáo dục không khích lệ sự nhạy cảm đối với bệnh tật con người sẽ làm cho trái tim trở nên lạnh lùng; nó làm cho người trẻ ‘mất cảm giác’ trước những đau khổ của người khác, không thể đối mặt với đau khổ và không thể sống cái kinh nghiệm hữu hạn”.295
278. Tiến trình giáo dục xảy ra giữa cha mẹ và con cái có thể được hỗ trợ - hay bị cản trở - bởi tính phức tạp gia tăng của truyền thông và giải trí. Khi được sử dụng đúng đắn, những phương tiện truyền thông này có thể hữu ích cho việc nối kết các thành viên gia đình sống xa cách nhau. Sự liên lạc thường xuyên giúp vượt qua các khó khăn.296 Song thật rõ rằng những phương tiện truyền thông này không thể thay thế nhu cầu đối thoại có tính trực tiếp và cá vị hơn, là điều đòi hỏi sự hiện diện thực sự hay ít nhất là nghe được tiếng nói của người kia. Chúng ta biết rằng đôi khi những phương tiện này có thể tách biệt người ta thay vì nối kết, như khi ở bàn ăn tối, mọi người loay hoay với điện thoại di động của mình, hay khi người vợ hay chồng đi ngủ nhưng phải chờ người kia mải mê hàng giờ với một thiết bị điện tử. Đây cũng là một điều mà các gia đình phải thảo luận và giải quyết theo hướng khích lệ sự tương tác mà không áp đặt những cấm đoán phi thực tế. Trong bất luận tình huống nào, chúng ta không thể phớt lơ nguy cơ mà những hình thức truyền thông mới này đặt ra cho trẻ em và tuổi thanh thiếu niên; nhiều khi chúng có thể làm gia tăng sự thờ ơ và tách rời khỏi thế giới thực. Sự “ngắt mạch có tính công nghệ” này làm cho trẻ dễ bị dẫn dụ bởi những kẻ xâm lăng vào không gian riêng tư của chúng nhằm đạt được những mối lợi ích kỷ.
279. Cũng không tốt nếu cha mẹ tỏ ra độc đoán. Khi con cái bị nhồi sọ rằng chỉ có thể tin tưởng cha mẹ mình mà thôi, thì điều đó sẽ cản trở một tiến trình thích đáng giúp hòa nhập xã hội và lớn lên trong sự trưởng thành tâm cảm. Để giúp mở mối tương quan với cha mẹ tới những thực tại rộng lớn hơn, “các cộng đoàn Kitô hữu được mời gọi cung ứng sự hỗ trợ cho sứ mạng giáo dục của các gia đình”,297 nhất là xuyên qua hoạt động huấn giáo được liên kết với việc khai tâm Kitô giáo. Để thúc đẩy một nền giáo dục toàn vẹn, chúng ta cần “phục hồi giao ước giữa gia đình và cộng đoàn Kitô hữu”.298 Thượng Hội Đồng muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của các trường Công giáo vốn “đóng một vai trò sống động trong việc giúp cha mẹ trong bổn phận giáo dục con cái… Các trường Công giáo phải được thúc đẩy trong sứ mạng của mình để giúp các học sinh lớn lên thành những người trưởng thành, có thể nhìn thế giới với tình yêu của Đức Giêsu, và có thể hiểu đời sống như một tiếng gọi phụng sự Thiên Chúa”.299 Vì vậy, “Giáo Hội mạnh mẽ khẳng định sự tự do của mình trong việc trình bày giáo huấn, và quyền phản đối theo lương tâm của các nhà giáo dục”.300
CẦN CÓ GIÁO DỤC GIỚI TÍNH
280. Công đồng Vatican II đề cập đến sự cần thiết phải có “một nền giáo dục giới tính khôn ngoan và tích cực” dành cho trẻ em và thanh thiếu niên “khi chúng lớn lên”, với “sự lưu tâm thích đáng đối với những tiến bộ trong các khoa tâm lý, sư phạm và giáo dục”.301 Chúng ta có thể tự hỏi phải chăng các cơ chế giáo dục của chúng ta đã trả lời cho thách đố này. Thật không dễ tiếp cận vấn đề giáo dục giới tính trong một thời đại mà tính dục có xu hướng bị tầm thường hóa và bị làm cho khô kiệt ý nghĩa. Nó chỉ có thể được nhìn thấy trong khuôn khổ rộng hơn của một nền giáo dục về tình yêu, về tự hiến cho nhau. Theo cách đó, ngôn ngữ của tính dục sẽ không bị làm nghèo kiệt cách đáng tiếc, nhưng sẽ được chiếu sáng và làm cho phong phú. Bản năng tính dục có thể được dẫn dắt xuyên qua một tiến trình lớn lên trong sự hiểu biết mình và sự kiểm soát chính mình, giúp người ta có thể nuôi dưỡng những khả năng quí giá là vui tươi và gặp gỡ chân tình.
281. Giáo dục giới tính nên cung cấp thông tin, trong khi lưu ý rằng trẻ em và thanh thiếu niên chưa đạt được sự trưởng thành đầy đủ. Thông tin phải đến đúng lúc và theo cách thế phù hợp với lứa tuổi. Sẽ không ích lợi việc nhồi nhét đầy những dữ liệu mà không đồng thời giúp trẻ phát triển một cảm thức phê bình khi đứng trước sự tràn ngập của những ý tưởng và những đề nghị mới mẻ, của cơn lũ khiêu dâm và sự lan tràn của những kích động có thể làm méo mó tính dục. Người trẻ cần nhận ra rằng họ bị oanh tạc bởi những thông điệp không ích lợi cho sự triển nở hướng đến trưởng thành của họ. Họ phải được giúp đỡ để nhận ra và tìm kiếm những ảnh hưởng tích cực, trong khi biết lảng xa những thứ làm què quặt khả năng yêu thương của mình. Chúng ta cũng phải ý thức rằng cần có “một ngôn ngữ mới và phù hợp hơn” để “giới thiệu chủ đề về tính dục cho trẻ em và thanh thiếu niên”.302
282. Một nền giáo dục tính dục thúc đẩy một cảm thức lành mạnh về sự chừng mực sẽ có một giá trị lớn lao, cho dù một số người ngày nay xem tính chừng mực như một tàn dư của một thời đại đã qua. Chừng mực là một phương thế tự nhiên nhờ đó chúng ta bảo vệ sự riêng tư cá nhân của mình và phòng tránh sa vào chỗ trở thành đối tượng bị người ta sử dụng. Nếu không có cảm thức chừng mực, tình cảm và tính dục có thể bị giảm trừ đến chỉ còn là một ám ảnh với nhục cảm tình dục và những cách ứng xử không lành mạnh làm méo mó khả năng yêu thương của chúng ta, và với những hình thức bạo lực tình dục dẫn tới sự cư xử phi nhân tính hay gây tổn thương cho người khác.
283. Rất thường, giáo dục giới tính quan tâm chủ yếu tới việc “bảo vệ” xuyên qua thực hành “tình dục an toàn”. Những diễn tả như thế chứa đựng một thái độ tiêu cực đối với cứu cánh truyền sinh tự nhiên của tình dục, như thể đứa con là một kẻ thù phải bị ngăn chặn. Cách nghĩ này cổ súy tính tự yêu (narcissism) và sự áp chế thay vì chấp nhận. Luôn luôn là vô trách nhiệm việc mời thanh thiếu niên đùa nghịch với thân thể và với những thèm khát của chúng, như thể chúng đã làm chủ được sự trưởng thành, các giá trị, sự cam kết dấn thân cho nhau và các mục đích riêng của hôn nhân. Rốt cục vô tình chúng được khuyến khích sử dụng người khác như một phương tiện để lấp đầy các nhu cầu hay những giới hạn của mình. Điều quan trọng là dạy chúng biết nhạy cảm trước những diễn tả khác nhau của tình yêu, sự quan tâm và săn sóc nhau, sự tôn trọng trong yêu thương và sự liên lạc hàm súc ý nghĩa. Tất cả những điều này giúp chúng chuẩn bị cho một sự dâng hiến chính mình toàn vẹn và quảng đại vốn sẽ được thể hiện, theo sau một cam kết công khai, trong sự trao hiến thân mình. Sự kết hợp tình dục trong hôn nhân như vậy sẽ được thấy như một dấu hiệu của sự cam kết dấn thân toàn diện, được làm phong phú bởi tất cả những gì đi trước nó.


Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   9   10   11   12   13   14   15   16   17




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương