Nhà Tây Sơn



tải về 338.67 Kb.
trang2/3
Chuyển đổi dữ liệu31.07.2016
Kích338.67 Kb.
#11215
1   2   3

Trận Rạch Gầm - Xoài Mút

Bài chi tiết: Trận Rạch Gầm - Xoài Mút

Sau khi vào Gia Định, Nguyễn Huệ cho bố trí trận địa và nhử quân Xiêm đến gần Rạch GầmXoài Mút ở phía trên Mỹ Tho, rồi đánh một trận, tiêu diệt quân Xiêm.

Đêm 19 rạng 20 tháng 1 năm 1785 (đêm 9 rạng 10 tháng 12 năm Giáp Thìn), quân Xiêm lợi dụng thủy triều xuôi theo dòng sông để tấn công Mỹ Tho nhằm phá vỡ đội thuyền phòng thủ của Tây Sơn. Quân Tây Sơn giả thua rút dần về hướng Mỹ Tho, nhử đối phương lọt vào trận địa mai phục đoạn Rạch Gầm - Xoài Mút. Khi quân Xiêm lọt vào trận mai phục, bất ngờ quân Tây Sơn bắn pháo ở cù lao Thới Sơn và bờ sông Tiền, khóa chặt hai đầu, dồn quân Xiêm vào thế "tiến thoái lưỡng nan". Bên cạnh đó, hỏa hổ ở hai bên bờ nã đạn tới tấp vào đội hình làm quân Xiêm rối loạn, tinh thần hoang mang rồi bỏ chạy. Cùng lúc đó, một đội thuyền cảm tử chở đầy rơm và những vật liệu dễ cháy đâm thẳng vào thuyền quân Xiêm làm cho số bị chìm, số bị cháy. Trong khi đó, cánh quân bộ Xiêm La ngay từ đầu đã bị quân Tây Sơn chặn đánh không cho cứu viện.

Chỉ một trận quyết chiến diễn ra không đầy một ngày đã tiêu diệt quân Xiêm, chỉ sót được vài nghìn người, chạy theo đường thượng đạo trốn về nước. Các tướng Chiêu Tăng, Chiêu Sương và Nguyễn Ánh phải bỏ chạy theo đường bộ về Xiêm La, 4000 quân chỉ còn lại 800. Cánh quân Xiêm trên bộ nghe tin thất trận cũng tan rã và tháo chạy.

Trận đánh chớp nhoáng là một kỳ tích của Nguyễn Huệ và quân Tây Sơn. Sau trận đánh này, quân Tây Sơn nổi tiếng đến mức số quân Xiêm còn lại phải thốt lên rằng: "Sợ Tây Sơn như sợ cọp"[19].

Đánh dẹp xong, Nguyễn Huệ đem quân về Quy Nhơn để đô đốc Đặng Văn Trấn ở lại trấn đất Gia Định.



Lật đổ chúa Trịnh

Đánh chiếm Phú Xuân

Bài chi tiết: Chiến dịch Phú Xuân 1786

Tại Bắc Hà, năm 1782, Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm chết. Con nhỏ Trịnh Cán được lập. Phe người con lớn là Trịnh Tông (hay Trịnh Khải) làm binh biến, giết quan phụ chính là quận Huy Hoàng Tố Lý (cháu lão tướng Hoàng Ngũ Phúc) đưa Trịnh Tông lên ngôi, tức là Đoan Nam vương (1782-1786).

Một tướng cùng phe với quận Huy là Nguyễn Hữu Chỉnh không hợp tác với Trịnh Tông, bỏ chạy vào nam hàng Tây Sơn và được Nguyễn Nhạc rất tín nhiệm.

Bắc Hà ngày một suy yếu. Kinh thành Thăng Long bị quân kiêu binh - những kẻ có công tôn lập chúa Trịnh - càn quấy, tàn phá. Sau khi đánh bật được Nguyễn Ánh ra khỏi lãnh thổ, Nguyễn Nhạc quyết định đánh chiếm Phú Xuân (đất cũ của chúa Nguyễn). Năm 1786, ông cử Nguyễn Huệ làm tổng chỉ huy đánh ra Bắc.

Về phía Trịnh, năm 1775, sau khi nhận hàng Nguyễn Nhạc, lão tướng Hoàng Ngũ Phúc rút đại quân về Bắc, để lại Phạm Ngô Cầu và Hoàng Đình Thể giữ thành Phú Xuân, sau đó không lâu qua đời.

Nguyễn Huệ lập kế lung lạc chủ tướng Phạm Ngô Cầu[20]. Nguyễn Hữu Chỉnh lại dùng kế ly gián Cầu và phó tướng Hoàng Đình Thể[21]. Quân Tây Sơn bất ngờ đánh úp thành Phú Xuân. Cầu bỏ mặc Thể chết trận, dâng thành hàng Tây Sơn[22].



Tiến ra Thăng Long

Bài chi tiết: Chiến dịch Thăng Long 1786



Đền Quán Cháo ở Tam Điệp với truyền thuyết tiên nữ dâng cháo cho nghĩa quân Tây Sơn

Do sự thuyết phục của Nguyễn Hữu Chỉnh, Nguyễn Huệ quyết định đem quân ra Bắc đánh Thăng Long để diệt họ Trịnh dù chưa được lệnh của vua anh Nguyễn Nhạc.

Với danh nghĩa "Phù Lê diệt Trịnh", Nguyễn Huệ sai Chỉnh làm tiên phong Bắc tiến. Quân Trịnh rệu rã nhanh chóng thua trận, các danh tướng phần nhiều nghe tin Phú Xuân thất thủ đã khiếp sợ, đến khi nghe quân Tây Sơn kéo ra, đa số đã bỏ trốn. Chúa Trịnh không được lòng dân, bỏ thành Thăng Long chạy, bị dân bắt đem nộp Tây Sơn. Trên đường áp giải, Trịnh Tông tự sát.

Nguyễn Huệ vào thành Thăng Long yết kiến vua Lê Hiển Tông. Tuy về danh nghĩa Nguyễn Huệ trao trả quyền chính lại cho vua Lê và nhận phong Nguyên súy Dực chính phù vận Uy quốc công, nhưng trong thực tế, ông nắm toàn bộ quyền chính ở Bắc Hà. Do sự sắp xếp của Nguyễn Hữu Chỉnh, vua Lê Hiển Tông gả công chúa Ngọc Hân cho Nguyễn Huệ.

Tháng 7 năm 1786, vua Lê Hiển Tông qua đời, thọ 70 tuổi. Do ý kiến của công chúa Ngọc Hân thiên về lập hoàng thân Lê Duy Cận (anh của Ngọc Hân), Nguyễn Huệ muốn hoãn lễ đăng quang của Lê Duy Kỳ. Do áp lực của tôn thất nhà Lê đối với Ngọc Hân, Nguyễn Huệ đành thu xếp cho Lê Duy Kỳ lên ngôi vua, đó là vua Lê Chiêu Thống. Ít lâu sau, Nguyễn Huệ đem công chúa Ngọc Hân cùng Nguyễn Nhạc rút quân về Nam.



Dẹp Án Đô vương

Sau khi quân Tây Sơn rút đi, các thế lực của chúa Trịnh từng bỏ trốn khi Tây Sơn kéo ra như Đinh Tích Nhưỡng, Hoàng Phùng Cơ trỗi dậy, lập Trịnh Bồng lên ngôi vương, tức là Án Đô vương, tái lập chính quyền chúa Trịnh.

Vua Lê Chiêu Thống đang muốn chấn hưng nhà Lê bèn mời Nguyễn Hữu Chỉnh đang trấn ở Nghệ An ra dẹp Trịnh Bồng. Chỉnh nhanh chóng đánh tan quân Trịnh, đốt phủ chúa, Trịnh Bồng bỏ đi mất tích. Họ Trịnh mất hẳn, nhưng Nguyễn Hữu Chỉnh lại lộng hành như chúa Trịnh trước kia.

Mâu thuẫn nội bộ

Nguyên nhân

Sử sách không ghi chép thật rõ ràng về sự kiện mâu thuẫn giữa anh em Tây Sơn. Các sử gia nhà Nguyễn cho rằng tại Nguyễn Nhạc "tư thông" với vợ Nguyễn Huệ, nhưng lý do này có vẻ không xác đáng. Có tài liệu nói rằng Nguyễn Nhạc yêu cầu Nguyễn Huệ nộp vàng bạc lấy từ kho của họ Trịnh ở Bắc Hà mang về Nam nhưng vua em không chịu; hơn thế vua em lại xin vua anh cho cai quản thêm Quảng Nam và vua anh không chấp thuận, do đó Nguyễn Huệ chủ động mang quân vào nam đánh Nguyễn Nhạc. Ý kiến sau có vẻ xác đáng hơn.

Có ý kiến bàn thêm rằng, chủ trương của Nguyễn Nhạc là tập trung tiêu diệt chúa Nguyễn, chỉ đánh chiếm phần đất của chúa Nguyễn để thay thế cai trị tại miền Nam và giữ hòa bình với Bắc Hà, cho nên việc Nguyễn Huệ tự ý đem quân Bắc tiến là trái ý vua anh. Ngay khi biết tin Nguyễn Huệ đánh Thăng Long, vua Tây Sơn vội mang quân ra Bắc, thực chất là để gọi em về. Mặt khác, Nguyễn Nhạc không yên tâm với sự phát triển thế lực riêng của Nguyễn Huệ. Trong khi đó, là người có hùng tâm, Nguyễn Huệ có chủ trương tự lực phát triển ra ngoài tầm kiềm chế của vua anh và việc Bắc tiến của ông không hẳn chỉ vì lời khuyên của Nguyễn Hữu Chỉnh. Đây mới chính là nguyên nhân dẫn tới mâu thuẫn của anh em Tây Sơn[23].

Sử cũ ghi rất vắn tắt và không thật rõ ràng về sự kiện này, chỉ biết khoảng đầu năm 1787, Nguyễn Huệ mang 60.000 quân nam tiến vây thành Quy Nhơn. Theo thư của một số linh mục Pháp, để có đủ 6 vạn quân vây bọc thành Quy Nhơn, Nguyễn Huệ bắt thêm toàn bộ số đinh Thuận - Quảng vào lính, khiến nhiều vùng không còn đàn ông nữa. Nguyễn Nhạc bị vây ngặt bèn gọi Đặng Văn Trấn, đang trấn thủ Gia Định, ra cứu. Trấn vâng lệnh mang quân ra, nhưng đến Phú Yên đã bị Nguyễn Huệ bắt sống. Nguyễn Huệ nã pháo tới tấp vào thành Quy Nhơn. Nguyễn Nhạc bị vây bức quá phải lên thành khóc xin em đừng đánh thành nữa. Nguyễn Huệ bằng lòng giảng hòa với anh.

Tuy nhiên, theo một giáo sĩ phương Tây tại Việt Nam lúc đó, anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ tuy mâu thuẫn nhưng cho đến khi Nguyễn Huệ bắt được Đặng Văn Trấn, quân đội hai bên vẫn chưa thực sự đánh nhau thì Nguyễn Lữ đứng ra điều đình và hai bên vì tình cảm trong nhà đã đồng ý giảng hoà[24].

Nguyễn Nhạc phong vương cho hai em, mỗi người chia nhau giữ một khu vực từ tháng 4 năm 1787:



  • Nguyễn Nhạc xưng là Trung ương Hoàng đế, đóng đô ở Quy Nhơn.

  • Phong Nguyễn Lữ làm Đông Định Vương, cai quản vùng đất Gia Định.

  • Phong Nguyễn Huệ làm Bắc Bình Vương, cai quản vùng đất từ đèo Hải Vân trở ra Bắc.

Nguyễn Huệ giảng hoà và nhận chức Bắc Bình vương của vua anh phong. Hai anh em lấy Bản Tân làm ranh giới, từ Thăng Hoa, Điện Bàn ra Bắc thuộc Nguyễn Huệ, từ Quảng Ngãi trở vào thuộc vua Thái Đức. Như vậy vua Thái Đức đã thoả mãn yêu cầu được cai quản Quảng Nam của vua em. Còn Nguyễn Lữ trấn thủ Gia Định, có thái bảo Phạm Văn Tham giúp sức.

Hậu quả

Việc bất hòa giữa anh em Tây Sơn để lại hậu quả nghiêm trọng và lập tức bị kẻ địch từ hai phía tận dụng.

Ở phía nam, sau trận Rạch Gầm - Xoài Mút, Nguyễn Huệ đã chủ động giao hảo với vua Xiêm để cởi bỏ thù hằn, do đó vua Xiêm không có ý giúp Nguyễn Ánh trở về lần nữa[25]. Tuy nhiên sau 3 năm lưu vong ở Xiêm, Nguyễn Ánh nhận ra cơ hội này để về nước và đã tập hợp lực lượng, trở về vào tháng 8 năm 1787.

Nguyễn Lữ hèn yếu nghe tin Nguyễn Ánh trở về vội vã tránh đi nơi khác để Gia Định cho Phạm Văn Tham giữ. Sau đó thế quân Nguyễn Ánh ngày càng mạnh khiến Nguyễn Lữ sợ hãi mang quân bản bộ rút chạy về Quy Nhơn. Quân Tây Sơn đã mỏng lại càng mỏng. Mặc dù sau đó Phạm Văn Tham đã nỗ lực chống trả nhưng vì không được viện binh trợ lực nên tháng 8 năm 1788 Nguyễn Ánh chiếm lại được Gia Định. Phạm Văn Tham rút chạy ra ngoài vẫn cố đơn độc chiến đấu để chờ viện binh nhưng lúc đó Nguyễn Nhạc chỉ lo phòng bị vua em Bắc Bình vương ở phía bắc mà không đoái hoài đến việc cứu phía nam nữa. Thế cùng sức kiệt, đầu năm 1789 Phạm Văn Tham bị Nguyễn Ánh vây chặt, lại bịt đường ra biển về Quy Nhơn nên buộc phải đầu hàng. Tây Sơn lại mất Nam Bộ.

Sau một thời gian để mất Gia Định trở về Quy Nhơn, Đông Định vương Nguyễn Lữ lâm bệnh qua đời. (Xem thêm bài về Nguyễn Lữ)

Ở Bắc Hà, Nguyễn Hữu Chỉnh nhân lúc Tây Sơn lục đục bèn có ý chống lại Tây Sơn. Nguyễn Huệ phái Vũ Văn Nhậm, con rể của Nguyễn Nhạc, ra tiêu diệt Nguyễn Hữu Chỉnh. Tuy nhiên, đến lượt Vũ Văn Nhậm chuyên quyền, có ý chống Nguyễn Huệ. Tháng 4 năm 1788, Lê Chiêu Thống đã bỏ kinh đô lưu vong. Nguyễn Huệ phải đem quân ra Bắc lần thứ hai, giết Vũ Văn Nhậm. Ông tổ chức lại hệ thống cai trị ở Bắc Hà, đưa các danh sĩ có tên tuổi như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích ra đảm đương công việc.

Sau khi đã lập Sùng nhượng công Lê Duy Cận làm Giám quốc, Nguyễn Huệ lại rút quân về Phú Xuân.

Đại phá quân Mãn Thanh

Xem thêm: Nguyễn Huệ, Chiến thắng Kỷ Dậu





Trống trận thời Tây Sơn

Quân Thanh tiến vào Thăng Long

Cuối năm 1788, vua Thanh đương thời là Càn Long sai Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị chỉ huy hơn 29 vạn quân, huy động từ Lưỡng Quảng, Vân Nam và Quý Châu[26] hộ tống Lê Chiêu Thống về Việt Nam với danh nghĩa phù , vào chiếm đóng Thăng Long.

Càn Long còn đặc cử Phúc An Khang chuyên trách hậu cần. Theo sách Thánh vũ ký, phần "Càn Long chinh phủ An Nam ký" của Ngụy Nguyên đời Thanh, Phúc Khang An đã thiết lập trên 70 đồn quân lương to lớn và kiên cố từ hai đường Quảng Tây và Vân Nam tới Thăng Long. Riêng chặng đường từ ải Nam Quan tới Thăng Long, Khang An thiết lập 18 kho quân lương trong khi Tôn Sĩ Nghị hành quân.

Quân Tây Sơn do Đại Tư mã Ngô Văn Sở chỉ huy, theo mưu kế của Ngô Thì Nhậm, chủ động rút quân về đóng ở Tam Điệp - Biện Sơn (Ninh Bình) cố thủ chờ lệnh.



Quang Trung đại phá quân Thanh

Nghe tin báo, ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân (22 tháng 12 năm 1788), Bắc Bình vương Nguyễn Huệ xuất quân tiến ra Bắc Hà. Với lý do vua Lê đã bỏ nước và rước giặc về, để có danh nghĩa chính thống, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu Quang Trung.

Ngày 29 tháng 11 năm Mậu Thân (26 tháng 12 năm 1788), đại quân của hoàng đế Quang Trung tới Nghệ An, dừng quân tại đó hơn 10 ngày để tuyển quân và củng cố lực lượng, nâng quân số lên 10 vạn, tổ chức thành 5 đạo quân: tiền, hậu, tả, hữu và trung quân. Ngoài ra còn có một đội tượng binh với hơn 100 voi chiến[27]. Vua Quang Trung còn tổ chức lễ duyệt binh ngay tại Nghệ An để khích lệ ý chí quyết chiến, quyết thắng của tướng sĩ đối với quân xâm lược Mãn Thanh. Ngay sau lễ duyệt binh, Quang Trung tiến quân ra Bắc Hà.

Ngày 20 tháng Chạp năm Mậu Thân (15 tháng 1 năm 1789), đại quân của Quang Trung đã ra đến Tam Điệp, Ninh Bình. Sau khi xem xét tình hình, Quang Trung nói với toàn quân rằng chỉ trong 10 ngày sẽ quét sạch quân Thanh.

Sớm hơn cả dự kiến, chỉ trong vòng 6 ngày kể từ đêm 30 Tết âm lịch, quân Tây Sơn đã đánh tan 29 vạn quân Thanh[28] bằng hàng loạt trận đánh tập kích, mai phục, thần tốc và chớp nhoáng mà trận Ngọc Hồi - Đống Đa là tiêu biểu. Trưa mồng 5 Tết Kỷ Dậu - 1789, quân Tây Sơn tiến vào Thăng Long.

Tôn Sĩ Nghị dẫn tàn quân bỏ chạy, trên đường chạy liên tiếp bị quân Tây Sơn mai phục chặn đánh. Cuối cùng, Tôn Sĩ Nghị và Lê Chiêu Thống chạy thoát về Trung Quốc.



Vua Quang Trung dựng nước

Bài chi tiết: Nguyễn Huệ

,

Bài chi tiết: Tiền tệ Đại Việt thời Tây Sơn





Tiền thời vua Quang Trung (Quang Trung thông bảo)



Đối nội, đối ngoại

Ngay sau chiến thắng Kỷ Dậu, Quang Trung vội trở lại Phú Xuân để đề phòng Nguyễn Ánh, trao lại binh quyền cho Ngô Văn SởNgô Thì Nhậm.

Một mặt lo chống thù trong giặc ngoài, mặt khác vua Quang Trung rất quan tâm tới việc xây dựng đất nước. Vua khuyến khích người hiền tài ra giúp nước, phân phối đất đai cho những người nông dân nghèo, thúc đẩy thủ công nghiệp từng bị cấm trước kia, cho phép tự do tôn giáo, mở cửa Việt Nam với ngoại thương quốc tế và bỏ chữ Hán như là chữ viết chính thức của quốc gia. Chọn chữ viết chính thức của quốc gia là chữ Nôm.

Về ngoại giao, ngay từ trước khi giao chiến với quân Thanh, Quang Trung đã tính đến chiến lược ngoại giao với nhà Thanh. Theo phương lược vạch sẵn, với tài ngoại giao khéo léo của Ngô Thì Nhậm, Tây Sơn nhanh chóng bình thường hóa bang giao với nhà Thanh. Vua Thanh Càn Long đã cho sứ giả vào tận Phú Xuân để phong vương cho Nguyễn Huệ; rồi hoàng đế Quang Trung giả đã sang triều kiến và dự lễ mừng thọ 80 tuổi của vua Càn Long nhà Thanh.

Việc nhà Thanh công nhận nhà Tây Sơn khiến Lê Duy Kỳ (Chiêu Thống) phải uất hận chết ở Trung Quốc cuối năm 1792.

Dẹp Lê Duy Chi, tấn công Vạn Tượng



Chân dung người lính Tây Sơn của William AlexanderHội An năm 1793

Quân Thanh, lực lượng cứu trợ cho nhà Lê bị đánh tan nhưng các lực lượng thân nhà Lê vẫn tiếp tục hoạt động ở phía bắc khiến vua Quang Trung tiếp tục phải đánh dẹp. Em Lê Duy Kỳ là Lê Duy Chi được sự hợp tác của các tù trưởng Hoàng Văn Đồng, Nông Phúc Tấn đẩy mạnh hoạt động ở Cao Bằng, Tuyên Quang. Duy Chi tìm cách liên kết với các tù trưởng người Vạn Tượng (vương quốc Viêng Chăn thời vua (Chao) Nanthasen (tức Chiêu Nan) và vua (Chao) Intharavong Setthathirath III (tức Chiêu Ấn)) để chống Tây Sơn. Nước Xiêm La khi đó cũng muốn trả thù Tây Sơn sau Trận Rạch Gầm - Xoài Mút nên tìm cách khống chế nước Vạn Tượng và tràn sang tác động tới các tù trưởng người Việt ở Trấn Ninh, Quy Hợp xứ Nghệ An và liên lạc với cựu thần nhà Lê là Trần Phương Bính[29]. Mặt khác, Xiêm La cũng liên lạc với Nguyễn Ánh ở Gia Định để cùng Duy Chi tổ chức tấn công Tây Sơn. Theo kế hoạch này, quân Duy Chi sẽ đánh xuống từ Cao Bằng, Nguyễn Ánh đánh lên từ Gia Định, còn quân Vạn Tượng và Xiêm sẽ đánh vào Thanh Hóa, Nghệ An[30].

Đứng trước nguy cơ bị tấn công từ ba mặt, sau khi thực hiện thành công việc bang giao với nhà Thanh, đầu năm 1791, Quang Trung tập trung đối phó với Lê Duy Chi và quân Vạn Tượng – Xiêm. Ông sai sứ sang Trấn Ninh, Quy Hợp để thăm dò tình hình nhưng bị vua Vạn Tượng bắt giữ và nộp cho Xiêm La. Xiêm La sai sứ mang cờ và trống của Tây Sơn vào Gia Định cho Nguyễn Ánh để khuyến khích Ánh ra quân[31].

Quang Trung quyết định ra quân. Ông sai hoàng tử Nguyễn Quang Thùy đang trấn thủ Thăng Long cùng các tướng Bắc Hà mang quân đánh Lê Duy Chi; sai Trần Quang Diệu và Lê Trung mang quân đánh Trấn Ninh, Quy Hợp. Quang Thùy đánh lên Cao Bằng nhanh chóng đánh bại và bắt được cả Lê Duy Chi, Hoàng Văn Đồng và Nông Phúc Tấn mang về Thăng Long xử tử.

Ở phía tây, Trần Quang Diệu cũng nhanh chóng diệt được Trần Phương Bính ở ven núi Hồng Lĩnh[32]. Tới tháng 6 năm 1791, Quang Diệu mang 3 vạn quân sang Trấn Ninh bắt được các tù trưởng thiệu Kiểu, thiệu Đế. Tháng 8 năm đó, Quang Diệu đánh bại Quy Hợp. Tháng 10, quân Tây Sơn tiến sang Vạn Tượng. Vua Vạn Tượng là Chao Nan (Chao Nanthasen) không chống nổi phải bỏ trốn sang Xiêm. Quang Diệu tiến vào Viên-chăn đến tận biên giới Xiêm, các tướng Vạn Tượng là tả phan Dung, hữu phan Siêu tử trận.

Nguyễn Ánh ở Gia Định không dám ra quân[32]. Chân Lạp là đồng minh của Tây Sơn cũng chuẩn bị lực lượng để phối hợp nếu quân Tây Sơn vượt biên giới Vạn Tượng tiến vào Xiêm hoặc Gia Định khiến các giáo sĩ ở Gia Định lo sợ, chuẩn bị tìm đường chạy[33]. Nhưng Trần Quang Diệu đi đánh xa lâu ngày, được lệnh rút về.

Đầu năm 1792, quân Tây Sơn trở về Đại Việt. Không lâu sau, lực lượng phù Lê của Trần Quang Châu ở Kinh Bắc cũng bị tiêu diệt.

Giữa năm 1792, Quang Trung đã gửi thư đến Càn Long cầu hôn một nàng công chúa Thanh triều và "xin" hai tỉnh Quảng ĐôngQuảng Tây. Ông cũng sai đô đốc Vũ Văn Dũng làm chánh sứ sang triều kiến vua Càn Long. Tuy nhiên, dự định không thực hiện được vì cái chết đột ngột và bí ẩn của ông. (Xem bài viết về Nguyễn Huệ)

Sự sụp đổ của nhà Tây Sơn

Huynh đệ tương tàn



Thạp đồng làm vào năm 1800 (năm thứ 8 niên hiệu Cảnh Thịnh

Kể từ năm 1787, với sự giúp đỡ mạnh mẽ hơn của người Pháp thông qua giám mục Pigneau de Béhaine (tức Bá Đa Lộc), Nguyễn Ánh quay trở lại Gia Định. Trong lúc Nguyễn Huệ bận đối phó tình hình Bắc Hà, Nguyễn Lữ qua đời, Nguyễn Nhạc bất lực, Ánh nhanh chóng chiếm lại đất đai ở Nam Bộ rồi đánh lấn ra Diên Khang, Bình Thuận - đất của Nguyễn Nhạc. Nguyễn Nhạc già yếu không cứu được chỉ còn lo giữ Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Phú Yên. Khi nghe tin quân Thanh giúp Chiêu Thống sang đánh Tây Sơn, Ánh từng sai người chở 50 vạn cân gạo ra giúp nhưng thuyền đi giữa đường bị đắm hết[34].

Vua Quang Trung đang định chuẩn bị phối hợp với vua anh đem quân vào Nam đánh Gia Định thì qua đời (1792), con là Nguyễn Quang Toản còn nhỏ tuổi lên nối ngôi, tức là vua Cảnh Thịnh. Nhà Tây Sơn nhanh chóng suy yếu. Nội bộ xảy ra tranh chấp, quyền hành rơi vào tay ngoại thích Bùi Đắc Tuyên.

Năm 1793, Nguyễn Ánh đem quân đánh Nguyễn Nhạc. Vua Thái Đức cầu cứu Phú Xuân. Quang Toản sai Ngô Văn Sở, Phạm Công Hưng đem 17.000 quân và 80 thớt voi vào cứu, quân Nguyễn Ánh rút lui. Quân Phú Xuân nhân đó lại đánh chiếm luôn đất đai của vua Thái Đức. Lúc đó Nguyễn Nhạc đang bệnh trên giường, nghe tin cơ nghiệp của con mình là Quang Bảo bị chiếm mất uất quá thổ huyết mà qua đời. Quang Toản an trí Quang Bảo ra huyện Phù Ly và cai quản toàn bộ đất đai của vua bác.

Tuy nhiên nội bộ Tây Sơn lại mâu thuẫn, các tướng tranh quyền. Vũ Văn Dũng giết Bùi Đắc Tuyên và Ngô Văn Sở (1795), Quang Toản không làm gì được. Trần Quang Diệu đang đi đánh Nguyễn Ánh, nghe tin bị nghi oan đành rút quân về, định cùng với Lê Trung phế Quang Toản lập Quang Thiệu. Việc không xong, Quang Thiệu và Trung bị giết, Trần Quang Diệu hòa giải với Vũ Văn Dũng.



Tây Sơn suy sụp

Biến loạn tạm thời dẹp yên nhưng đã làm chính quyền Tây Sơn suy sụp. Do Quang Toản đã giết Lê Trung trong vụ biến loạn tại Phú Xuân nên con rể Trung là Lê Chất bỏ sang hàng Nguyễn Phúc Ánh[35]. Ánh nhân thời cơ đó ra sức Bắc tiến.

Năm 1800, Nguyễn Ánh chiếm được Quy Nhơn, tướng Vũ Tuấn đầu hàng. Quang Toản sai Trần Quang DiệuVõ Văn Dũng đem quân vào chiếm lại. Tướng của Nguyễn Ánh là Võ Tánh tử thủ cầm chân hai danh tướng Tây Sơn trong hơn một năm. Năm 1801, Nguyễn Ánh nhận thấy tinh binh Tây Sơn đều tập trung cả ở chiến trường Quy Nhơn nên mang quân chủ lực vượt biển ra đánh Phú Xuân. Quang Toản thua trận bỏ chạy ra Bắc.

Đầu năm 1802, Tây Sơn chiếm lại thành Quy Nhơn, Võ Tánh tự vẫn. Nhưng lúc đó Nguyễn Ánh đã ồ ạt Bắc tiến tới Nghệ An. Trần Quang Diệu vội mang quân ra cứu, bị quân Nguyễn chặn đường, phải vòng qua đường Vạn Tượng (Lào). Tới Nghệ An thì thành đã mất, quân sĩ bỏ chạy gần hết, vợ chồng Trần Quang Diệu - Bùi Thị Xuân bị bắt, Vũ Văn Dũng không biết trốn đi đâu[36].

Giữa năm 1802 Nguyễn Ánh tiến ra chiếm được Thăng Long, Quang Toản không chống nổi, bỏ chạy và bị bắt. Nguyễn Ánh đã trả thù gia đình Quang Toản những người theo Tây Sơn vô cùng tàn bạo[37]

Về vấn đề thống nhất quốc gia cuối thế kỷ 18



Tiền thời vua Cảnh Thịnh (Cảnh Thịnh thông bảo)



Giáo sư Nguyễn Phan Quang đã tập hợp ý kiến của các nhà nghiên cứu về vấn đề "Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh - ai thống nhất quốc gia" như sau[38]:

  • Ý kiến của Nguyễn Phương: "Nguyễn Ánh là cha đẻ của nước Việt Nam", là "người tiêu biểu cho tinh thần ái quốc", "là một anh hùng dân tộc". Và tác giả khẳng định: "Nếu Nguyễn Ánh không còn có công nào khác - mà thực sự còn nhiều - ngoài công cuộc thống nhất Việt Nam, thống nhất lãnh thổ và tinh thần ái quốc, thì với bấy nhiêu thiết tưởng ông đã đủ đáng được mọi người dân Việt Nam biết ơn rồi vậy". So sánh với Nguyễn Huệ, tác giả viết: "Chẳng những Nguyễn Huệ chưa phục vụ gì cho việc thống nhất, mà trái lại đã giúp đắc lực vào việc chia cắt đất nước ra một cách sâu xa hơn thời Trịnh Nguyễn". Còn Nguyễn Ánh "chẳng những đã thống nhất Việt Nam về địa lý mà còn thống nhất về tinh thần ái quốc" (Tạp chí Bách Khoa," số 149).

  • Ý kiến Tân Việt Điểu: Tác giả có thừa nhận chút ít đóng góp của Tây Sơn khi cho rằng: "Tây Sơn là những tay thợ đã dọn quang đãng những chướng ngại vật để sau này Gia Long thênh thang đi đến thống nhất", nhưng lại khẳng định: "Nguyễn Ánh mới là người đem tất cả tâm huyết, tất cả tài đức ra để thống nhất nước Việt... Sở dĩ Nguyễn Ánh thắng được Cảnh Thịnh, một phần lớn là nhờ vào cái địa thế "phụng chử lân chầu và "long bàn hổ cứ" của miền Nam rất thuận lợi để làm bàn đạp cho cuộc Bắc tiến, nhằm mục đích thống nhất lãnh thổ" (Văn Hóa nguyệt san, số 64).

  • Ý kiến Tạ Chí Đại Trường: Vận dụng luận điểm "sức mạnh Nam hà kết hợp với sức mạnh Tây phương", tác giả giải thích: "Trong lịch sử của họ, Tây Sơn đã xô đổ được Nam hà, rồi không tìm được đồng minh bên ngoài, bên trong lại hãnh diện về sức mạnh quân lực, họ không tìm được cách tổ chức khai thác những khả năng địa phương để tâm phục lâu dài dân chúng. Quay ra Bắc hà, họ lại chui đầu và trong cái rối rắm mà người trước đã gỡ không ra vì sự cằn cỗi của đất đai, vì không khí bảo thủ lâu đời khó tẩy xóa của sinh hoạt vua,quan, dân chúng". Cho nên, theo tác giả, cái ngày Nguyễn Ánh thắng Tây Sơn, chiếm được Bắc hà cũng là ngày "đóng hết một giai đoạn rối rắm, tàn bạo". Và tác giả gói ghém ý tưởng của mình như sau: "Ngày 20 tháng 7, Nguyễn Ánh ra tới Thăng Long, đặt chân lên nơi mà hơn 200 năm trước tổ tiên ông phải giả tiếng mới về Nam được. Thăng Long, Thanh Hóa, Phú Xuân, Gia Định, rồi nối vòng Gia Định, Phú Xuân, Thăng Long, con đường thật dài, thật đầy gian nan cực nhọc mà cũng đầy vinh quang. Đất nước mệt mỏi vì chiến tranh, nay đã tìm được đường thoát trong thống nhất, yên nghỉ..." (Lịch sử nội chiến Việt Nam từ 1771 đến 1802 - Sài Gòn, 1971).

  • Ý kiến Lê Thành Khôi: Năm 1955, trong cuốn Le Việt Nam, histoire et civilisation xuất bản ở Paris, tác giả cho rằng phong trào Tây Sơn "chỉ mới dọn đường cho sự khôi phục nền thống nhất dân tộc mà Nguyễn Ánh sẽ thực sự hoàn thành vào đầu thế kỷ XIX". Vẫn theo tác giả, "một nước gọi là thống nhất khi chỉ có một chính quyền trong bờ cõi". Từ luận điểm trên, tác giả đối chiếu các niên đại và thấy rằng: năm 1786 tồn tại 4 chính quyền (Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ và vua Lê), năm 1788 tồn tại 3 chính quyền (Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh), năm 1794 vẫn còn hai chính quyền (Nguyễn Quang Toàn và Nguyễn Ánh), đến năm 1802 "Gia Long thắng Cảnh Thịnh, chỉ còn một chính quyền của nhà Nguyễn, lúc bấy giờ nước Việt Nam mới thống nhất". Năm 1981, Lê Thành Khôi tái bản cuốn sách trên với nhiều bổ sung, đổi tên sách là Histoire du Vietnam des origines à 1858 và vẫn giữ luận điểm cũ khi tác giả viết: "Nếu chỉ cần vượt giới tuyến là thống nhất đất nước rồi, thì công... đó phải thuộc về họ Trịnh khi quân Trịnh vượt sông Gianh năm 1774 và vào Huế năm 1775", và "[thời Tây Sơn] không những đất nước chưa trở lại hòa bình thống nhất, mà nội chiến vẫn tiếp tục khi ở Bắc khi ở Nam, và thanh niên lại đổ máu". Cuối cùng, "sự bất hòa của anh em Tây Sơn đã cho phép Nguyễn ánh trở về Gia Định và tổ chức việc khôi phục nhà nước của mình. Cuộc chiến tranh lâu dài và đẫm máu, khi thắng khi bại diễn ra trong 15 năm trước khi kết thúc vào năm 1802 với thắng lợi của họ Nguyễn và sự thống nhất hoàn toàn nước Việt Nam".

  • Ý kiến Đỗ Bang: "Nguyễn Huệ, lãnh tụ của phong trào Tây Sơn, sau khi giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Xiêm (1785) đã đi từ Nam ra Bắc bằng sự nghiệp vượt sông Gianh năm 1786, xóa bỏ Đàng trong và Đàng ngoài, thủ tiêu chế độ thống trị của hai họ Trịnh - Nguyễn chia cắt đất nước. Nguyễn Huệ có nhiều nỗ lực củng cố nền thống nhất và cứng rắn độc lập dân tộc trong những năm sau đó nhưng vẫn không vượt qua được những hạn chế phân phong nghiệt ngã trong nội bộ vương triều Tây Sơn, và cũng là cơ hội để Nguyễn Ánh trở lại củng cố thế lực ở đất Gia Định. Sau ngày Quang Trung chết (1792), thế lực Nguyễn Ánh ngày càng mạnh, năm 1801 chiếm Phú Xuân. Năm 1802, Nguyễn Ánh ra Bắc tiêu diệt lực lượng Tây Sơn còn lại, hoàn thành công cuộc thống nhất đất nước. Vậy thống nhất đất nước là một quá trình đấu tranh gay go, mà sự kiện xóa bỏ Đàng Trong, Đàng Ngoài năm 1786 là sự kiện vĩ đại và có ý nghĩa nhất. Sự kiện năm 1802 là sự kiện kết thúc, hoàn thành công cuộc thống nhất. Nguyễn Huệ, Nguyễn Ánh là hai đối thủ không đội trời chung, nhưng cùng chung số mệnh là đấu tranh "thống nhất sơn hà", thực hiện niềm khát vọng của nhân dân sau hơn 200 năm nội chiến, chia cắt". Trong Kỷ yếu HTKH phú Xuân - Thuận Hóa thời Tây Sơn (Huế, tháng 12-2001), tác giả Đỗ Bang nói thêm: "[từ Phú Xuân Thuận Hóa] phong trào Tây Sơn lớn mạnh phát triển ra toàn quốc, đã xóa bỏ chế độ thống trị vua Lê - chúa Trịnh, chấm dứt tình trạng cát cứ Đàng Trong - Đàng Ngoài, lập lại nền thống nhất đất nước, quét sạch 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh vào đầu xuân Kỷ Dậu (1789)". Ở một đoạn khác, tác giả dẫn ý kiến của nhà nghiên cứu Lê Quý Thi cho rằng: việc Nguyễn Huệ vượt qua sông Gianh ra Đàng Ngoài "là một hành động hợp với quy luật lịch sử, cũng là một hành động vượt qua chính mình của cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn".

  • Ý kiến GS. Phan Huy Lê: Khái quát toàn bộ sự nghiệp của phong trào Tây Sơn, tác giả viết: "Đó là sự nghiệp lật đổ chính quyền họ Nguyễn ở Đàng Trong, chính quyền chúa Trịnh cùng chế độ vua Lê - chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, đánh tan quân xâm lược Xiêm ở phía Nam, quân xâm lược Thanh ở phía bắc, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc, xóa bỏ tình trạng chia cắt đất nước kéo dài trên hai thế kỷ, bước đầu lập lại nền thống nhất quốc gia, xây dựng vương triều Tây Sơn trong đó triều Quang Trung đã đề ra và thực thi nhiều chính sách tích cực..." (Kỷ yếu HTKH "Phú Xuân - Thuận Hóa - thời Tây Sơn" - Huế, tháng 12-2001).



Một mô hình tàu chiến được cho là của thủy quân Tây Sơn, hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Tây Sơn (Bình Định)



  • Ý kiến Phan Thuận An: "Nguyễn Huệ, người anh hùng kiệt xuất của thời đại ấy đã lần lượt phá tan từng mảng xã hội mâu thuẫn, bất công, nhiễu nhưng từ Nam ra Bắc để bước đầu đưa đất nước đến chỗ thống nhất" (Kỷ yếu HTKH "Phú Xuân – Thuận Hóa thời Tây Sơn" - Huế, tháng 12-2001).

  • Ý kiến GS. Trần Văn Giàu: "Phần đóng góp của Nguyễn Huệ vào hệ thống tư tưởng yêu nước Việt Nam là ý thức về sự nghiệp thống nhất nước nhà (...). Từ năm 1527, Đại Việt bị phân liệt. Tình trạng phân liệt kéo dài đến gần cuối thế kỷ 18, hơn 200 năm (...). Mạc, Trịnh, Nguyễn, không ai có tư tưởng thống nhất, tất cả họ chỉ có ý đồ xâm chiếm lẫn nhau. Cứ như thế ấy thì cái họa xâm lăng ắt khó tránh. Nội chiến chỉ chấm dứt khi khởi nghĩa Tây Sơn thắng lợi, lần lượt đánh đổ cả hai chúa Nguyễn, chúa Trịnh, đánh đổ luôn vua Lê, trong Nam thì đuổi quân Xiêm, ngoài Bắc thì đuổi quân Thanh, lãnh tụ Tây Sơn đường đường chánh chánh lên ngôi hoàng đế, vua Càn Long nhà Thanh dù mới đại bại (hay là vì đại bại) mà phải công nhận Quang Trung là vua nước Việt Nam (...). Trong việc lập lại sự thống nhất sau thời gian phân liệt kéo dài thời Lê mạt, thì người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ là vĩ nhân đã khởi xướng và bắt đầu thực hiện sự nghiệp ấy" (Sự hình thành về cơ bản của hệ thống tư tưởng yêu nước Việt Nam - Tham luận tại Hội thảo Việt Nam học tại Hà Nội, tháng 7-1998).

Giáo sư Trần Văn Giàu còn cho rằng:

"Ngày xưa không phải là không có ý thức thống nhất, nhưng phải hiểu rằng ý thức thống nhất lúc bấy giờ là thôn tính theo lối phong kiến"[39].



  • Ý kiến GS. Hoàng Xuân Hãn: "Về Quang Trung, cái công đánh bạt Tôn Sĩ Nghị ở Thăng Long, cái công ấy rất to... Chứ còn trong anh em (viết sử) sau này thường cứ nói rằng là: Công thống nhất nước Việt Nam là Tây Sơn, tức là Quang Trung, đối với tôi thì tôi không đồng ý. Cái sự quân Tây Sơn có đánh bại quân Xiêm ở Rạch Gầm cũng là một sự thực. Đánh bại quân Thanh ở Thăng Long cũng là một sự thực. Nhưng hai cái thắng trận ấy không phải là đồng thời, mà trái lại, có thể nói cái hồi mà vua Quang Trung ở ngoài Bắc thì Nguyễn Nhạc còn đang chiếm vùng giữa, vùng trong thì lúc ấy nhà Nguyễn đã chiếm cả trong Nam rồi. Không phải là thống nhất. Đấy chỉ là đánh được giặc ở Nam, đánh được giặc ở Bắc. Nếu ông ấy sống lâu nữa, có lẽ sẽ thống nhất; nhưng vì ông chết sớm thành ra không thống nhất được" (Đài phát thanh Quốc tế của Pháp [RFI] phỏng vấn Hoàng Xuân Hãn - Tạp chí Xưa và Nay trích đăng trên số 3-1-1997 với tựa đề "Học giả Hoàng Xuân Hãn nói về Hoàng đế Quang Trung".

  • Ý kiến Đặng Thành Nam: "Việc đất nước chia đôi là do Trịnh Nguyễn phân tranh suốt trong hai thế kỷ. Khi nhà Tây Sơn nổi lên...; Nguyễn Ánh phải chạy qua Xiêm lưu vong và cầu cứu ngoại bang. Cuối cùng ai là người diệt được nhà Trịnh mà suốt 200 năm nhà Nguyễn không những không làm gì được mà còn bị mất kinh đô về tay nhà Trịnh nữa. Chính Nguyễn Huệ đã diệt Trịnh, đuổi Thanh (...) chấm dứt việc hai trăm năm đất nước bị chia đôi, đưa đến việc thống nhất đất nước về cơ bản (...). Việc Gia Long rước hàng vạn quận Xiêm về giết dân, tàn phá đất Nam Bộ, bị Quang Trung đánh chạy thục mạng ở Rạch Gầm kia dâu phải là chuyện tuyên truyền chính trị. Việc Gia Long nhờ vũ khí, nhờ đại bác của Pháp, nhờ chính bọn đánh thuê, bọn cha cố phương Tây để chiếm lấy đất nước đâu phải là chuyện bịa đặt!" (Về những hiện tượng bất thường trong văn học và sử học - Báo Công An Tp.Hồ Chí Minh, 21-5-1998, tr.18).

  • Ý kiến Jean Chesneaux: "(...) Sự kiện lớn nhất dường như việc khôi phục thống nhất đất nước, việc xóa bỏ sự chia cắt đất nước thành hai vương quốc đối địch. Chính là Tây Sơn chứ không phải là nhà Nguyễn ở thế kỷ XIX, như người ta thường gán cho họ, đã có công trong việc xây dựng một nước Việt Nam thống nhất; dù chia ra các miền khác nhau nhưng vẫn cùng một mục đích... Niềm kiêu hãnh khôi phục lại uy danh của nước Việt Nam thể hiện rõ trong bài hịch [Hịch Tây Sơn]" (Contribution à l’ histoire de la nation vietnamienne - Paris 1955, tr.37).

  • Ý kiến Joseph Buttinger: Trong cuốn The Smaller Dragon (New York, 1962), tác giả viết: "Khi Hà Nội thất thủ trước chính quyền mới ở Đàng Trong [ý nói: Tây Sơn], Việt Nam đã trở lại thống nhất (...). Triều đại Tây Sơn ngắn ngủi, song nền thống nhất của Việt Nam tồn tại suốt cho đến lúc đương triều cuối cùng của nó bị lật đổ vào năm 1802 trước những lực lượng mới trỗi dậy từ phương Nam. Nhương đây lại là một phần của câu chuyện khác: khi nhà Tây Sơn đổ, vận mệnh Việt Nam được đặt dưới ảnh hưởng của những lực lượng phương Tây đưa vào châu Á".

Mười hai ý kiến trên chia thành 4 luồng:

  1. Khẳng định công thống nhất thuộc về Nguyễn Ánh.

  2. Khẳng định công thống nhất thuộc về Nguyễn Huệ.

  3. Công mở đầu công cuộc thống nhất là của Nguyễn Huệ nhưng hoàn thành thống nhất là do Nguyễn Ánh.

  4. Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh không ai là người thực hiện sứ mệnh thống nhất đất nước mà chỉ có thôn tính lẫn nhau theo kiểu phong kiến.

Каталог: download -> version
version -> Nhật Bản Đất nước mặt trời mọc (Phần 1) Lịch sử Nhật Bản
version -> CÁc hàm thông dụng các hàm tóan học (math & trig)
version -> ĐỀ CƯƠng kt hoc ky 1 khốI 10 2013-2014
version -> CHƯƠng II: TỔng quan về ĐẦu tư quốc tế Khái niệm và đặc điểm của đầu tư quốc tế
version -> BÊn thắng cuộC – chưƠng III: ĐÁnh tư SẢN
version -> United States of America Hợp chúng quốc Hoa Kỳ
version -> Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á tiếng Anh: Association of Southeast Asia Nations, viết tắt là asean
version -> BÊn thắng cuộC – chưƠng IX: XÉ RÀO
version -> TIÊu chuẩn qui đỊnh sử DỤng phụ gia trong thực phẩM 28tcn 156: 2000 Qui định sử dụng phụ gia thực phẩm trong chế biến thuỷ sản

tải về 338.67 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương