Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2013 và tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2014



tải về 356.76 Kb.
trang1/4
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích356.76 Kb.
#29331
  1   2   3   4


CHÍNH PHỦ

----------------------------
Số: 145/BC-CP

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

-----------------------------------------------------------------------

Hà Nội, ngày 16 tháng 5 năm 2014



BÁO CÁO

Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển
kinh tế - xã hội năm 2013 và tình hình triển khai
kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014


----------------------------------------------------------------

Kính gửi: Đại biểu Quốc hội khóa XIII


Căn cứ chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, Chính phủ trình Quốc hội báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 và tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 như sau:
Phần I
ĐÁNH GIÁ BỔ SUNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN
KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2013

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 dựa trên đánh giá tình hình thực hiện 9 tháng đầu năm và ước thực hiện cả năm 2013. Đến nay, trên cơ sở tổng hợp kết quả thực hiện cả năm, Chính phủ xin báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013.

Năm 2013 kinh tế thế giới tiếp tục xu hướng phục hồi nhưng với tốc độ chậm hơn dự kiến (các tổ chức quốc tế liên tục hạ dự báo về mức tăng trưởng kinh tế thế giới). Nét tích cực của kinh tế thế giới là sự phục hồi của một số nền kinh tế phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, trong khi EU tránh được kịch bản sụp đổ do khủng hoảng nợ công. Tuy nhiên, sự giảm sút tăng trưởng tại một số nền kinh tế đang phát triển, nhất là các nền kinh tế lớn mới nổi (BRICS), gây ra những quan ngại đối với triển vọng phục hồi kinh tế thế giới.

Ở trong nước, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 được thực hiện trong bối cảnh tiềm ẩn nhiều bất ổn kinh tế vĩ mô, sức ép lạm phát lớn, nợ xấu gia tăng, nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế bắt đầu được triển khai ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực có những biến động phức tạp cùng với những khó khăn ở trong nước, năm 2013, chúng ta đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội theo mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 đã được Quốc hội đề ra.



I. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2013

1. Tình hình thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu trong Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 như sau:

STT

Chỉ tiêu

Đơn vị

Kế hoạch năm 2013

Ước thực hiện năm 2013 đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6

Thực hiện năm 2013




Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP)

%

5,5

5,4

5,42



Tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu

%

10

14,4

15,4



Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu

%

-8,0

-0,4

Xuất siêu gần 9,4 triệu USD



Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP

%

4,8

5,3

5,3



Tỷ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP

%

~30,0

29,1

30,4



Chỉ số giá tiêu dùng

%

<8,0

~ 7

6,04



Tạo việc làm

Triệu người

1,6

1,54

1,543



Tỷ lệ lao động đang làm việc trong nền kinh tế đã qua đào tạo

%

49

49

48



Tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị

%

<4

3,48

3,59



Tỷ lệ giảm hộ nghèo

Riêng các huyện nghèo giảm

%

%


2,0

4

1,8-2

4

1,8

5



Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng

%

16

15,7

15,6



Số giường bệnh trên 1 vạn dân (không tính giường trạm y tế xã)

Giường bệnh

22

22,3

22,3



Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg) được xử lý

%

84

85

86



Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường

%

75

75

76



Tỷ lệ che phủ rừng

%

40,7

41,1

41,1

So với ước thực hiện đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XIII, kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 có thêm một chỉ tiêu hoàn thành vượt kế hoạch là Tỷ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP. Như vậy, trong tổng số 15 chỉ tiêu chủ yếu Nghị quyết Quốc hội đề ra trong kế hoạch năm 2013 có 10 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; 3 chỉ tiêu đạt xấp xỉ kế hoạch (tốc độ tăng trưởng GDP, tạo việc làm, tỷ lệ lao động qua đào tạo); 2 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch là tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP và tỷ lệ giảm hộ nghèo (riêng tỷ lệ giảm hộ nghèo ở các huyện nghèo vượt kế hoạch). So với số đã báo cáo Quốc hội, kết quả đánh giá lại có 9 chỉ tiêu đạt cao hơn, 2 chỉ tiêu đạt thấp hơn (tỷ lệ lao động qua đào tạo và tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị). Với kết quả như vậy, những nhận định, đánh giá trong báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013 đã trình Quốc hội trong kỳ họp thứ 6 vẫn cơ bản phù hợp, trong đó ở một số lĩnh vực đạt kết quả tích cực hơn.

2. Về thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát

Nhờ kiên trì thực hiện đồng bộ các giải pháp, chính sách tiền tệ, tài khóa và các biện pháp chính sách khác, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định. Lạm phát năm 2013 xuống mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Chỉ số giá tiêu dùng đã giảm từ 18,13% năm 2011 xuống 6,81% năm 2012 và năm 2013 được kiểm soát ở mức 6,04% (số đã báo cáo Quốc hội là khoảng 7%). Trong năm 2013, chỉ số giá nhóm hàng lương thực giảm và nhóm hàng thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình vẫn duy trì mức tăng thấp so với cùng kỳ các năm1. Mặc dù chỉ số giá của một số nhóm hàng khác như thuốc và dịch vụ y tế, giáo dục tăng cao nhưng nhờ có sự phối hợp liên ngành về lộ trình điều chỉnh giá nên không tạo ra sự cộng hưởng tăng giá. Ngoài ra, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp còn do tác động của suy giảm kinh tế, tổng cầu của nền kinh tế thấp, tín dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh chưa được cải thiện nhiều, giá lương thực trên thị trường quốc tế trong xu thế giảm.

Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định. Chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt, thận trọng, vừa kiềm chế được lạm phát vừa từng bước hạ lãi suất, ổn định thị trường tiền tệ, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Tổng phương tiện thanh toán (M2) năm 2013 tăng 18,5% so với cuối năm 2012, cao hơn so với định hướng từ 14-16% cho cả năm 2013 chủ yếu do lượng ngân hàng tiếp tục mua được lượng ngoại tệ bổ sung cho dự trữ ngoại hối. Huy động vốn tăng 19,78% (trong đó huy động vốn bằng VND tăng 19,92%; huy động bằng ngoại tệ tăng 18,96%). Tăng trưởng tín dụng có chuyển biến, dư nợ tín dụng năm 2013 tăng 12,5% (số đã báo cáo Quốc hội là khoảng 12%), trong đó tín dụng bằng VND tăng 18,57%, tín dụng bằng ngoại tệ giảm 15,04% phù hợp với chủ trương chống đô la hoá.

Xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng đã đạt được kết quả bước đầu với việc xử lý được trên 101 nghìn tỷ đồng nợ xấu bằng dự phòng rủi ro của các tổ chức tín dụng. Công ty Quản lý tài sản (VAMC) đến hết năm 2013 đã mua 38,9 nghìn tỷ đồng nợ gốc (tính đến 31/12/2013), tương đương 32,4 nghìn tỷ đồng giá trị trái phiếu đặc biệt của các tổ chức tín dụng. Tỷ lệ nợ xấu đã giảm dần2.

Tỷ giá ngoại tệ tương đối ổn định, trong tầm kiểm soát. Dự trữ ngoại hối nhà nước tăng. Thị trường ngoại tệ tự do dần bị thu hẹp, thị trường vàng được quản lý tốt hơn, giảm đáng kể tình trạng vàng hóa. Niềm tin vào giá trị tiền đồng Việt Nam được tăng lên.

Năm 2013 là năm thứ hai xuất siêu liên tiếp. Xuất khẩu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao hơn kế hoạch đề ra với thị trường ngày càng được mở rộng và đa dạng hoá, cơ cấu hàng hoá có sự đóng góp ngày càng nhiều của nhóm hàng công nghiệp chế biến. Hoạt động nhập khẩu, nhất là nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ đầu tư và sản xuất kinh doanh được cải thiện. Kim ngạch xuất khẩu năm 2013 đạt 132.134,9 triệu USD, tăng 15,4% so với năm 2012 (số đã báo cáo Quốc hội là đạt 131 tỷ USD, tăng 14,4%); Tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 132.125,5 triệu USD, tăng 16,1% so với năm 2012; xuất siêu 9,4 triệu USD (số đã báo cáo Quốc hội là nhập siêu 0,5 tỷ USD, bằng 0,4% tổng kim ngạch xuất khẩu).

Về thu, chi ngân sách nhà nước:

- Tổng thu NSNN năm 2013 đạt 822 nghìn tỷ đồng, vượt 0,7% dự toán năm. Trong đó, thu nội địa đạt 563,33 nghìn tỷ đồng, tăng 3,3% dự toán; thu từ dầu thô đạt 120,44 nghìn tỷ đồng, tăng 21,7% dự toán (giá dầu thanh toán bình quân đạt khoảng 113 USD/thùng, tăng 23 USD/thùng so với giá tính dự toán); thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 129,88 nghìn tỷ đồng, giảm 22% dự toán.

- Tổng chi NSNN năm đạt 1.012,25 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% dự toán; trong đó chi đầu tư phát triển đạt 214,35 nghìn tỷ đồng, tăng 22,4 % dự toán; chi trả nợ và viện trợ đạt 105 nghìn tỷ đồng, bằng dự toán năm; chi phát triển các sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính đạt 692,8 nghìn tỷ đồng, tăng 2,7% dự toán.

- Bội chi NSNN năm 2013 là 190,25 nghìn tỷ đồng, tương đương 5,3% GDP.

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2013 đạt 1.091,1 nghìn tỷ đồng, bằng 30,4% GDP, cao hơn so với số đã báo cáo Quốc hội (1.075,5 nghìn tỷ đồng, bằng 29,1% GDP), vượt kế hoạch đề ra (khoảng 30% GDP). Trong đó: Vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước là 205,7 nghìn tỷ đồng (số đã báo cáo Quốc hội là 201,6 nghìn tỷ đồng); Vốn trái phiếu Chính phủ là 56,1 nghìn tỷ đồng (số đã báo cáo Quốc hội là 57,8 nghìn tỷ đồng); Vốn tín dụng đầu tư của nhà nước là 46,9 nghìn tỷ đồng (số đã báo cáo Quốc hội là 53,4 nghìn tỷ đồng); Vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước (vốn tự có) là 49,7 nghìn tỷ đồng (số đã báo cáo Quốc hội là 39,8 nghìn tỷ đồng); Vốn đầu tư của dân cư và tư nhân là 410,5 nghìn tỷ đồng (số đã báo cáo Quốc hội là 407,4 nghìn tỷ đồng).

Trong điều kiện cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt và Việt Nam đã là nước có thu nhập trung bình nhưng kết quả vận động, thu hút và giải ngân các nguồn vốn ODA vẫn tăng mạnh đã đóng góp quan trọng làm tăng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội. Tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết năm 2013 đạt 6,431 tỷ USD, tăng 9,07% so với năm 2012. Tổng giá trị giải ngân ODA năm 2013 đạt 5,137 tỷ USD3, tăng 23% so với năm 2012. Trong năm 2013, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm vốn FDI là 22,35 tỷ USD, tăng 35,9% so với năm 2012, số vốn giải ngân đạt khoảng 11,5 tỷ USD, tăng 9,9%. Lĩnh vực thu hút chủ yếu nguồn vốn FDI vẫn là công nghiệp chế biến, chế tạo, thiết bị điện tử. Việc cấp phép cho các dự án đầu tư có sự chọn lọc hơn đối với dự án thực sự mang lại hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội và bảo vệ môi trường.

Cùng với thặng dư thương mại hàng hoá, diễn biến tích cực của dòng vốn FDI, ODA và chuyển tiền một chiều ròng của khu vực tư nhân là những nhân tố cơ bản đưa cán cân thanh toán tiếp tục thặng dư năm thứ hai liên tiếp sau nhiều năm thâm hụt.

Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2013 đã có những diễn biến và kết quả khả quan. Chỉ số VN-Index tăng gần 23% và HN-Index tăng trên 13% so với cuối năm 2012. Mức vốn hóa vào khoảng 964 nghìn tỷ đồng (tăng 199 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2012), tương đương 31% GDP. Quy mô giao dịch bình quân mỗi phiên tăng 31%. Tổng giá trị huy động vốn kể cả phát hành riêng lẻ ước đạt 222 nghìn tỷ đồng, tăng 25%; trong đó cổ phiếu là 20,5 nghìn tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2012; trái phiếu Chính phủ đạt 177,5 nghìn tỷ đồng, tăng 24%. Tổng dòng vốn nước ngoài luân chuyển đến nay đạt 4,4 tỷ USD, tăng 54% so với cùng kỳ năm ngoái và giá trị danh mục tăng khoảng 3,8 tỷ USD so với cuối năm 2012.



3. Về tăng trưởng kinh tế và phát triển các ngành, lĩnh vực

Năm 2013 đã cơ bản chặn được đà suy giảm kinh tế từ năm 2010. Tăng trưởng GDP cả năm đạt 5,42% (số đã báo cáo Quốc hội là 5,4%), cao hơn mức tăng 5,25% của năm 2012, đưa quy mô nền kinh tế lên khoảng 170,4 tỷ USD và thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 1.900 USD.

Khu vực dịch vụ có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất, đạt 6,57% (số đã báo cáo Quốc hội là 6,56%), cao hơn mức 5,9% của năm 2012 và đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng GDP. Trong đó, một số ngành chiếm tỷ trọng lớn có mức tăng khá là: bán buôn và bán lẻ, dịch vụ lưu trú và ăn uống, hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm... Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam có xu hướng tăng trở lại trong những tháng cuối năm, cả năm 2013 ước đón khoảng 7,57 triệu lượt khách (số đã báo cáo Quốc hội là 7,2 triệu lượt khách), tăng 10,6% so với năm 2012.

Sản xuất công nghiệp năm 2013 có dấu hiệu phục hồi, nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (có tỷ trọng lớn nhất trong toàn ngành công nghiệp) đã có sự chuyển biến với mức tăng đạt 7,6%, cao hơn mức 5,5% năm 2012. Tính chung cả năm 2013, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 5,9% so với năm 2012 (số đã báo cáo Quốc hội là 5,6%), cao hơn mức tăng năm 2012 (5,8%), trong đó quí I tăng 5%, quí II tăng 5,5%, quí III tăng 5,4% và quí IV tăng 8%. Chỉ số tồn kho, chỉ số tiêu thụ cũng diễn biến theo xu hướng tích cực. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 12 tháng năm 2013 tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước4. Chỉ số tồn kho tại thời điểm 01/12/2013 toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,2% so với cùng thời điểm năm 20125. Tăng trưởng của ngành xây dựng năm 2013 đạt 5,87%, cao hơn nhiều mức tăng 3,25% của năm 2012 cũng là yếu tố tích cực trong tăng trưởng kinh tế năm 2013.

Sản xuất nông nghiệp tuy diễn ra trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do bất lợi về thời tiết, khó khăn về thị trường tiêu thụ và giá cả đầu vào tăng cao nhưng vẫn tăng trưởng khá. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản năm 2013 tăng gần 3% so với năm 2012 (số đã báo cáo Quốc hội là 2,81%); trong đó nông nghiệp tăng 2,2%, lâm nghiệp tăng 5,8%, thuỷ sản tăng 4,3%. Tốc độ tăng GDP nông, lâm và thủy sản năm 2013 so với năm 2012 đạt 2,64% (số đã báo cáo Quốc hội là 2,52%).

Tình hình phát triển doanh nghiệp có dấu hiệu tốt lên khi số doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2013 tăng trở lại so với năm 2012.

Về số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới; giải thể, ngừng hoạt động và quay trở lại hoạt động:

Trong năm 2013 có 76.955 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 398,7 nghìn tỷ đồng, tăng 10,1% về số lượng và giảm 14,7% về số vốn đăng ký so với năm 2012. Số doanh nghiệp giải thể và gặp khó khăn phải dừng hoạt động trong năm 2013 là 60.737 doanh nghiệp (trong đó số doanh nghiệp hoàn thành thủ tục giải thể là 9.818 doanh nghiệp, số doanh nghiệp gặp khó khăn và rơi vào trạng thái tạm ngừng hoạt động là 50.919 doanh nghiệp), tăng 11,9% so với năm 2012.

Số doanh nghiệp khó khăn rơi vào tình trạng ngừng hoạt động nay quay trở lại hoạt động trong năm 2013 là 14.402 doanh nghiệp. Đây cũng là dấu hiệu tích cực về phục hồi của nền kinh tế và hoạt động đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp.

Giai đoạn 2011-2013, cả nước đã sắp xếp được 180 doanh nghiệp nhà nước: trong đó cổ phần hóa 99 doanh nghiệp (riêng năm 2013 là 74 doanh nghiệp)6 với tổng số cổ phần chào bán trị giá gần 19 nghìn tỷ đồng; sắp xếp theo các hình thức khác 81 doanh nghiệp. Tổng số doanh nghiệp cổ phần hóa từ trước đến nay là 4.065 doanh nghiệp. Qua đó, các doanh nghiệp Nhà nước tập trung hơn vào những ngành, lĩnh vực, địa bàn then chốt, quan trọng mà Nhà nước cần nắm giữ. Hầu hết các doanh nghiệp sau cổ phần hóa có tốc độ tăng trưởng khá, hoạt động hiệu quả hơn. Trong năm 2013, các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước đã tích cực triển khai thực hiện các Đề án tái cơ cấu nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư và sản xuất kinh doanh.

Công tác sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường quốc đạt được những kết quả tích cực, đã chuyển hầu hết các công ty nông, lâm nghiệp thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Thí điểm cổ phần hóa 35 công ty, chuyển thành Ban quản lý rừng phòng hộ 91 công ty, giải thể 36 công ty.

4. Về thực hiện mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân

Năm 2013 quy mô dân số Việt Nam đã đạt 89,7 triệu người; lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế là 52,2 triệu người7. Quy mô dân số và lực lượng lao động lớn như vậy vừa là lợi thế về thị trường tiêu thụ sản phẩm và nguồn nhân lực, đồng thời cũng tạo nhiều áp lực về an sinh xã hội. Mặc dù tình hình kinh tế khó khăn nhưng nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội luôn được ưu tiên thực hiện. Đời sống của người dân, đặc biệt là những người nghèo, người dân tộc thiểu số, người mất việc làm, hộ gia đình bị thu hồi đất sản xuất được quan tâm.

Công tác bảo trợ xã hội và chính sách ưu đãi người có công được quan tâm. Thực hiện chi trả trợ cấp xã hội thường xuyên cho khoảng 2,6 triệu người với tổng kinh phí hơn 7.121 tỷ đồng. 15 tỉnh, thành phố tự cân đối được ngân sách đã chủ động nâng mức trợ cấp hàng tháng cho đối tượng bảo trợ xã hội cao hơn mức quy định của Chính phủ, các tỉnh nghèo được bổ sung ngân sách đảm bảo xã hội để đảm bảo chi trả đầy đủ cho đối tượng theo quy định.

Trên 1,5 triệu người có công với cách mạng được chi trả trợ cấp ưu đãi thường xuyên kịp thời, đầy đủ; tổ chức điều dưỡng luân phiên cho trên 600 ngàn người, trong đó điều dưỡng tập trung trên 140 ngàn người; nuôi dưỡng, chăm sóc tập trung 1.300 thương bệnh binh nặng… Các chế độ, chính sách đối với người có công được mở rộng về đối tượng thụ hưởng với mức trợ cấp được nâng lên từ ngày 01/7/2013. Đã phát hiện và xử lý kịp thời một số đối tượng lợi dụng ngoại cảm để lừa đảo trong việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ.

Năm 2013 ước tạo việc làm cho khoảng 1,543 triệu người (số đã báo cáo Quốc hội là 1,54 triệu người); trong đó, giải quyết việc làm trong nước đạt 1,455 triệu lao động, tăng 1,04% so với năm 2012; xuất khẩu lao động đạt 88.155 người, tăng 10% so với năm 2012. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị là 3,59% (số đã báo cáo Quốc hội là 3,48%). Tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 3,31%.

Các hoạt động bảo hiểm xã hội tiếp tục được đẩy mạnh. Số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tăng 3,6% so với cuối năm 2012, đạt 10.670 nghìn người; tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng 16,4% so với cuối năm 2012, đạt 156 ngàn người. Quan hệ lao động được cải thiện, tranh chấp lao động, đình công giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2012 (cả nước đã xảy ra 355 cuộc đình công, giảm 151 cuộc so với năm 20128).

Với việc thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo và các chính sách hỗ trợ cho địa phương nghèo, tỷ lệ hộ nghèo cả nước ước cuối năm 2013 còn 7,8% theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2011-2015, giảm 1,8% so với cuối năm 2012 (số đã báo cáo Quốc hội là giảm 1,8-2%).

Chương trình Xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện. Bên cạnh nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ 1.620 tỷ đồng, ngân sách các địa phương và thu hút nguồn lực xã hội đã đầu tư khoảng 12.600 tỷ đồng. Các địa phương đã tập trung hoàn thành công tác quy hoạch và lập đề án nông thôn mới cấp xã đảm bảo đúng tiến độ. Đến nay, đã có 93% số xã phê duyệt quy hoạch chung, trong đó 79,2% số xã đã phê duyệt xong đề án xây dựng nông thôn mới. Hết năm 2013 đã có 144 xã được công nhận đạt cả 19 tiêu chí, chiếm 1,6%; số xã chưa đạt tiêu chí nào chỉ còn 7 xã, chiếm 0,1%; bình quân 8,48 tiêu chí/xã so với 5,27 tiêu chí/xã tháng 12/20119.

Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ có tiến bộ. Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp, huy động được gần 200 tỷ đồng, trong đó Quỹ Trung ương huy động trên 62 tỷ đồng. Đã triển khai thực hiện các hoạt động, chương trình: phẫu thuật tim; phẫu thuật dị tật vận động; hỗ trợ cơ sở phục hồi chức năng tại địa phương; nước sạch; hỗ trợ xây dựng lớp học và trạm xá; hỗ trợ xây dựng điểm vui chơi; học bổng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt... được các nhà tài trợ, nhân dân đánh giá cao.

Cai nghiện, quản lý sau cai tại cộng đồng gắn với dạy nghề, tạo việc làm, giảm tái nghiện và hoà nhập cộng đồng được thực hiện với các mô hình hiệu quả10. Năm 2013, cả nước cai nghiện cho 56.823 người; quản lý sau cai nghiện cho 9.628 người; dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ vay vốn cho 8.016 người (trong đó 2.893 người được hỗ trợ tạo việc làm).

Mạng lưới cơ sở y tế được tăng cường, chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân được nâng lên. Việt Nam được Liên hiệp quốc đánh giá là một điểm sáng trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ về y tế, gồm giảm suy dinh dưỡng trẻ em, giảm vong trẻ em, giảm tử vong mẹ, phòng chống HIV/AIDS, sốt rét, các bệnh dịch lây khác. Chỉ tiêu giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng năm 2013 đạt 15,6% (số đã báo cáo Quốc hội là 15,7%).

Các giải pháp chống quá tải tại bệnh viện được tập trung thực hiện11. Một số cơ sở khám chữa bệnh đã được cải tạo, nâng cấp và đưa vào sử dụng, nhờ đó đã tăng thêm 6% số giường bệnh so với năm trước. Chỉ tiêu số giường bệnh trên 1 vạn dân (không kể trạm y tế xã) đạt 22,3 giường.

- Hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thể thao kỷ niệm các ngày lễ lớn được tổ chức sôi nổi, rộng khắp, bảo đảm yêu cầu nội dung tư tưởng và chất lượng nghệ thuật. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ phát triển rộng khắp ở cơ sở với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thu hút được đông đảo quần chúng tham gia; chất lượng các hội thi, hội diễn, liên hoan dần được nâng lên, góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân.

Hoạt động bảo tồn, tôn tạo và phát huy di sản văn hoá được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Các di sản văn hóa phi vật thể tiếp tục được sưu tầm, bảo vệ và phát huy nhằm từng bước góp phần làm đa dạng hóa và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Công tác quản lý lễ hội được tăng cường. Ý thức thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội của người dân có chuyển biến.

Các hoạt động thể thao quần chúng được triển khai rộng rãi trên toàn quốc. Công tác thể thao thành tích cao đạt được kết quả nhất định. Nhiều đoàn vận động viên tham gia các giải thi đấu thể thao cấp khu vực, châu lục và thế giới,... giành được nhiều thành tích. Các hoạt động chuẩn bị lực lượng vận động viên tham dự các giải thể thao khu vực, châu lục và thế giới được tập trung triển khai.

Công tác thông tin truyền thông tiếp tục được đẩy mạnh, mạng lưới được mở rộng, thông tin tuyên truyền có hiệu quả, đúng hướng, đưa tin kịp thời các sự kiện chính trị xã hội, các hoạt động ngoại giao, phán ánh tình hình triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhất là nỗ lực của các ngành, các cấp trong việc thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, tuyên truyền về công tác sửa đổi Hiến pháp, về bảo vệ chủ quyền biển đảo...



Каталог: Portals
Portals -> Phan Chau Trinh High School one period test no 2 Name: English : 11- time : 45 minutes Class: 11/ Code: 211 Chọn từ hoặc cụm từ thích hợp A, B, C, d để điền vào chỗ trống trong đoạn văn sau
Portals -> PHẦn I: thông tin cơ BẢn về ĐẠi hàn dân quốc và quan hệ việt nam-hàn quốc I- các vấN ĐỀ chung
Portals -> Năng suất lao động trong nông nghiệp: Vấn đề và giải pháp Giới thiệu
Portals -> LẤy ngưỜi học làm trung tâM
Portals -> BÀi tậP Ôn lưu huỳnh hợp chất lưu huỳnh khí sunfurơ so
Portals -> TỜ trình về việc ban hành mức thu phí tham gia đấu giá quyền sử dụng đất
Portals -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Portals -> GIẤY Ủy quyền tham dự Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2016

tải về 356.76 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương