NHỚ CỐ HƯƠng xao xuyến tấc lòng đặng Tiến



tải về 32.16 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu04.01.2018
Kích32.16 Kb.
#35511

NHỚ CỐ HƯƠNG XAO XUYẾN TẤC LÒNG

Đặng Tiến

Chuyện Hòn Vọng Phu nằm trong truyền thuyết dân gian, có ghi lại trong phần phụ lục Linh Nam Chích Quái i, một tập truyện dân gian bằng chữ Hán, xuất hiện rất sớm, có lẽ từ thời Trần. Riêng phần phụ lục, thì người đời sau thêm thắt vào, có lẽ đầu thời Lê.

Theo truyện, núi Vọng Phu thuộc huyện Vũ Xương, ở cửa bể đạo Thuận Hóa thuộc tỉnh Quảng Trị bây giờ. Ngày xưa có hai anh em ruột, một trai, một gái, làm nghề đốn củi. Một hôm, người anh lỡ tay chặt trúng vào đầu em, rồi tưởng em chết, bỏ trốn. Cô em được người cứu, đem về nuôi, lớn lên lấy chồng lại kết hôn đúng ngay với anh mình. Người chồng một hôm thấy vết sẹo trên đầu vợ, khám phá ra là em mình, nhưng sợ, không dám nói ra. Anh lấy cớ đi buôn rồi bỏ nhà đi. Người vợ không rõ nguồn cơn, bế con ngày ngày trông đợi và biến thành hòn đá, được dân gian gọi là đá Vọng Phu.

Ở Việt Nam có nhiều tích như vậy. Cứ ở đâu có đá lớn, mang dáng dấp mẹ bồng con là nhân dân gọi là đá Vọng Phu. Ở Lạng Sơn có sự tích nàng Tô Thị vọng phu :


Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa

Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh


Núi Vọng Phu tại Lạng Sơn đã được Nguyễn Trãi nhắc đến trong Dư Địa Chí là sách ra đời từ 1438, nhưng bị đời sau thêm thắt nhiều. Riêng chuyện Tô Thị, thì Nguyễn Thiên Túng, người đương thời với Nguyễn Trãi, có lời giải thích sai, nhầm nàng Tô Thị Việt Nam với nàng Tô Huệ tác giả bài «Hồi Văn» bên Tàu (sử gia Hà Văn Tấn đã vạch ra điểm sai khác).ii

Dù sao đá Vọng Phu trên đỉnh núi Tam Thanh ở Lạng Sơn cũng đã bị sét đánh, sụp đổ từ lâu. Sử sách đời Tự Đức đã nói rõ ràng như thế iii. Gần đây, người ta phá núi để lấy đá xây cất, nhưng nói rằng «phá Hòn Vọng Phu » thì không chính xác. Nghe nói có xây tượng Vọng Phu bằng vôi.

Ở Quảng Trị có câu :

Mẹ thương con ngồi cầu Ái Tử

Vợ trông chồng đứng núi Vọng Phu


Núi Vọng Phu này, theo sách đã dẫn, thuộc huyện Vũ Xương thời Lê, đến thời Nguyễn đổi thành Đăng Xương, nay là Triệu Phong. Không rõ dáng Vọng Phu có còn không. Theo tên huyện có thể đặt truyện vào đầu thời Lê.

Tại Bình Định, trên đỉnh núi bên cửa Đề Gi thuộc huyện Phù Cát có hòn đá Trông Chồng, người địa phương cũng giải thích bằng truyền thuyết (đại khái) như đã kể, và có ghi lại trong Đại Nam Nhất Thống Chí.

Nhưng chính thức trên bản đồ địa dư, lập ra từ thời Pháp thuộc thì Hòn Vọng Phu thuộc tỉnh Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, giáp giới Phú Yên – thuộc tỉnh Phú Khánh ngày nay. Trên bản đồ người Pháp gọi là La Mère et l’Enfant, độ cao được ghi là 2022 mét.

Cảm động là hình ảnh người vợ trông chồng hóa đá ; còn vì đâu người chồng phải ra đi và đi đâu thì ai muốn giải thích kiểu gì cũng được. Người xưa dựng chuyện anh em ruột lấy nhầm nhau là để bảo vệ phong tục, đề phòng những quan hệ loạn luân – và sự việc nêu lên cũng hiếm. Đời sau cho rằng người chồng ra đi là vì chinh chiến là một dự tưởng hợp lý, trên một đất nước thường xuyên bị chiến tranh suốt mấy trăm năm. Truyền thuyết Vọng Phu, từ đó mang kích thước tâm cảm và nhân đạo, dân tộc rộng lớn hơn.

Người nới rộng kích thước tình cảm ấy là nhạc sĩ Lê Thương.

*

Lê Thương tên thật là Ngô Đình Hộ, sinh năm 1913, hiện sống tại thành phố Hồ Chí Minh, là một trong vài ba nhạc sĩ tiên phong trong trào lưu nhạc mới Việt Nam – thời đó gọi là nhạc cải cách để phân biệt với nhạc cổ truyền. Lê Thương là tác giả đầu tiên có tác phẩm được trình diễn thành công, với bài Tiếng Đàn Trong Đêm Khuya, do ban kịch Thế Lữ trình bày tại nhà hát lớn Hà Nội, đầu thu 1938. Sau đó mới đến Con Thuyền Không Bến của Đặng Thế Phong (1918-1942) tại hội quán Trí Tri Hà Nội, cuối thu 1938 iv. Cả hai bài hát đều là tác phẩm đầu tay. Lê Thương còn là người có công đầu trong việc phổ nhạc vào thơ: Bông Hoa Rừng (1941) của Thế Lữ, thơ Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư ; bài hát ngày nay còn nhiều người nghe là Thu Trên Đảo Kinh Châu, dựa trên một bản dịch bài Thu Dạ Lữ Hoài Ngâm của Đinh Nhật Thận. Sau đó, Phạm Duy mới phổ nhạc bài Cô Hái Mơ (1942) của Nguyễn Bính, cũng là nhạc phẩm đầu tay. Theo Phạm Duy, Lê Thương «là người soạn nhạc có nhiều tâm hồn thi sĩ nhất trong đám người tiên phong của nền tân nhạc. Lời ca của Lê Thương thật là vô địch, ngay từ lúc này cũng như mãi mãi về sau».v



Tác phẩm mới nhất của Lê Thương là ba bài Hòn Vọng Phu sáng tác từ năm 1946, muốn gọi là trường ca, truyện ca, tổ khúc gì cũng được. Lời ca đặc sắc, một phần do Lê Thương sáng tạo từ khối vốn ngữ vựng phong phú, lối kết hợp hình ảnh mới mẻ, táo bạo và cách sử dụng âm hưởng tác phẩm Chinh Phụ Ngâm được truyền tụng.

Đặc điểm trong nhạc phẩm là phần III, Lê Thương đã cho Người Chinh Phu Về, trong khi trong truyền thuyết, người chồng không trở về, và trong nguyên tác Chinh Phụ Ngâm, người vợ chỉ mơ ước ngày chồng về để «giữ gìn nhau vui thuở thanh bình».

Dường như phần I và phần II Ai Xuôi Vạn Lý được sáng tác đồng thời (1946), còn phần III làm sau, vì ý thức chính trị của tác giả dường như có biến đổi. Phần I rền vang tiếng trống lệnh xuất quân, ròn rã, phấn chấn, dồn dập :

Lệnh Vua hành quân trống kêu dồn


Quan với quân lên đường

Hàng cờ theo trống dồn

Đây là khí thế của những năm 1945-46 thời Nam Bộ kháng chiến, thời Nam tiến, Tổng khởi nghĩa. Nhưng sang đến phần II, không khí trở nên buồn thảm, bi quan :


Có ai xuôi vạn lý


Nhắn đôi câu giúp nàng

Lấy cây hương thật quý


Thắp lên thương tiếc chàng

Thôi đứng đợi làm chi…


Lê Thương tham gia kháng chiến tại Nam Bộ, rồi về thành rất sớm (1948). Thời gian này, ông làm bài Bà Tư Bán Hàng, giản dị, bình dân, nhưng có giá trị tuyên truyền cao. Phải chăng, ở Hòn Vọng Phu, phần I và phần II được sáng tác tùy hứng như thơ Chính Hữu, Quang Dũng, Hoàng Cầm cùng thời. Còn phần III, Người Chinh Phu Về, ông đã chín muồi về ý thức chính trị :

Tiếng núi non lưu luyến tấc lòng bao nghìn năm


Từ bóng cây ngôi mộ bên đường


Từ mái tranh bên đình trong làng

Nguồn sử xanh âm thầm vẫn sống…

Và hơi nhạc rộn ràng, ngây ngất, mang khí thế hào hùng của đoàn quân chiến thắng :


Bóng chàng chập chùng vượt núi non cũ

Với hành lương độ đường

Chiếc hùng gươm danh tướng…


Tác phẩm Hòn Vọng Phu là một bài hát yêu nước đậm đà, sâu sắc, ca ngợi đất nước và dân tộc, nhưng vẫn không được hát tại các vùng kháng chiến như nó được phổ biến tại các thành phố. Trước hết vì cá nhân tác giả đã bỏ kháng chiến về thành. Sau nữa, hình tượng chờ chồng hóa đá không phù hợp với biện chứng cách mạng, với hình ảnh người phụ nữ chiến đấu như những Út Sâm, Út Tịch, Bà Má Hậu Giang, Người Mẹ Cầm Súng ; v.v… Chưa kể đến ngôn ngữ gọt rũa mượn của Chinh Phụ Ngâm bị kết án lạc hậu, bi quan, phản chiến. Những câu «Bên Man Khê còn tung gió bụi mịt mùng» lấy từ Chinh Phụ Ngâm bị xem là vô ý thức vì ca ngợi Mã Viện là … kẻ thù ! (điều này chính Chế Lan Viên đã viết).
Hòn Vọng Phu của Lê Thương, khúc nhạc tuyệt vời, đã vươn lên từ những khắc bạc trong cuộc sống, những điêu linh của dân tộc. Trầm hùng, tha thiết, khi vút cao, khi sâu lắng, Hòn Vọng Phu là những đau thương đã thăng hoa. Trong lịch sử, chiến thắng của bên này là thất bại của bên kia; trong nghệ thuật thì khác: cái đẹp chiến thắng khổ đau – là chiến thắng của mọi người, của con người. Nghệ thuật là con người đánh ngã định mệnh.

Tìm về Hòn Vọng Phu là để lắng nghe những ấm lạnh, những ngọt bùi, giọt giọt chắt lọc từ cõi-người-ta u minh và bất hạnh.



Đặng Tiến

Xuân 1994

i Linh Nam Chích Quái, nxb Văn Hóa, 1960, Hà Nội, tr.116. Đọc thêm.

  • Vũ Ngọc Phan, Truyện Cổ Việt nam, nxb Văn Sử Địa, Hà Nội, 1957, tr.88. Sudestasie in lại, 1979, Paris, tr.65.

  • Nguyễn Đổng Chi, Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam, tái bản 1993, nxb Văn Nghệ TP HCM, cuốn I, tr.182.

  • Hữu Ngọc và François Corrrèze, Anthologie de la Littérature Populaire Vietnamienne, nxb l’Harmattan, 1982, Paris, tr. 136 có ghi các dị bản.

ii Nguyễn Trãi Toàn Tập, nxb Khoa Học Xã Hội, 1976, Hà Nội, tr.209, 239 và 651.

iii Đại Nam Nhất Thống Chí, cuốn 4, nxb Khoa Học Xã Hội, 1971, Hà Nội, tr.361.

iv Nguyễn Văn Tý, Kỷ Niệm Vui Đời Nhạc Sĩ, nxb TPHCM, 1993, tr.120.

v Phạm Duy, Tạp Chí Văn Học, California, số 2, tháng 3-1986, tr.80. Đọc thêm Hồi Ký II (1990), chương 20 và Hồi Ký III (1991), chương 2.


tải về 32.16 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương