Nguyễn thị lan anh qúa trình hình thàNH, phát triểN



tải về 162.93 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu13.06.2018
Kích162.93 Kb.
#39969

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN





NGUYỄN THỊ LAN ANH


QÚA TRÌNH HÌNH THÀNH, PHÁT TRIỂN

VÀ GIAO LƯU CỦA GỐM SỨ HIZEN

Chuyên ngành: Lịch sử thế giới cận đại và hiện đại

Mã số: 62 22 50 05

TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ LỊCH SỬ


HÀ NỘI - 2013

HÀ NỘI - 2013




Công trình được hoàn thành tại:

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn

Trường Đại học Quốc gia Hà Nội

Người hướng dẫn khoa học:



PGS.TS. Nguyễn Văn Kim

PGS.TS. Hoàng Anh Tuấn

Phản biện 1:……………………………………………………..

Phản biện 2:……………………………………………………..

Phản biện 3:…………………………………………………….


Luận án sẽ được bảo vệ trược Hội đồng cấp cơ sở chấm luận án tiến sĩ họp tại……………………………………………………

vào hồi …….. giờ …….ngày ……..tháng……. năm……..


Có thể tìm hiểu luận án tại:



  • Thư viện Quốc gia Việt Nam

  • Trung tâm Thông tin – Thư viện, Đại học Quốc gia Hà Nội





MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài

- Thứ nhất, sản xuất gốm sứ không chỉ là ngành sản xuất thủ công nghiệp đơn thuần, mà còn là một ngành kinh tế quan trọng ở Nhật Bản nói riêng và ở nhiều quốc gia trên thế giới nói chung.

- Thứ hai, với những đặc trưng về loại hình, kiểu dáng, hoa văn, gốm sứ là biểu tượng văn hóa được dùng để định danh các thời đại lịch sử. - Thứ ba, đến thế kỷ thứ XVI-XVIII, gốm sứ Hizen là một hiện tượng phát triển của Nhật Bản, đồng thời là sản phẩm thủ công được sử dụng rộng rãi trong nước và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

- Thứ tư, lợi nhuận thu được từ xuất khẩu gốm sứ đã khẳng định sức mạnh kinh tế, phạm vi ảnh hưởng văn hóa rộng lớn của Nhật Bản đối với các nước trên thế giới.

- Thứ năm, con đường mở rộng xuất khẩu gốm sứ ra bên ngoài của Nhật Bản khá đặc biệt, chủ yếu là qua thương nhân Trung Quốc và Hà Lan.

2. Lịch sử nghiên cứu

2.1. Tình hình nghiên cứu gốm sứ Hizen ở Việt Nam

- “Xã hội Việt Nam thế kỷ XVI – XVIII và quan hệ giao lưu gốm sứ Việt Nam – Nhật Bản (Nguyễn Văn Kim)

- “Gốm sứ Đàng Ngoài xuất khẩu ra Đông Nam Á thế kỷ XVII” (Hoàng Anh Tuấn)

- “Các thương cảng vùng Trung bộ Việt Nam và con đường gốm sứ ở vùng Tây nam Thái Bình Dương trong thời đại Đại thương mại – thế kỷ XVI-XVIII”(Trần Đức Anh Sơn)

- Gốm sứ Trung Quốc và gốm sứ Nhật Bản phát hiện trong các mộ Mường” (Phạm Quốc Quân và Bùi Minh Trí)

- “Gốm sứ nước ngoài phát hiện được trong khu Hoàng thành Thăng Long”(Bùi Minh Trí)

- “Gốm sứ Nhật Bản trong Hoàng thành Thăng Long” (Bùi Minh Trí)

- “Thêm một vài thông tin về gốm Hizen trong bối cảnh ngoại thương Việt – Nhật thế kỷ XVI – XVII” (Trịnh Cao Tưởng)

- “Vấn đề bảo tồn và phát triển Nghề thủ công truyền thống ở Nhật Bản”(Hồ Hoàng Hoa)

- Luận văn Thạc sĩ với đề tài Vai trò của gốm sứ Nhật Bản trong văn hóa đời sống”

- Gốm sứ Nhật Bản và gốm sứ Việt Nam” (Tạp chí nghiên cứu Đông Bắc Á)

- Nét độc đáo của ẩm thực Nhật Bản thông qua các đồ đựng gốm sứ” (Tạp chí khoa học Ngoại ngữ)



2.2. Tình hình nghiên cứu gốm sứ Hizen ở Nhật Bản

- Tổng quan về xuất khẩu gốm sứ Hizen ra thế giới”;Gốm sứ Hizen xuất khẩu ra các nước Đông Nam Á” (Ohashi Koji)

- “Nhật ký giao thương Hirado – Hà Lan: thiết lập ngoại giao thời cận thế” (Nagazumi Yoko)

- “Mậu dịch Hà Lan thời cận thế và bế quan tỏa cảng”(Yao Keisuke)

- “Mậu dịch: Xuất khẩu sứ Arita của thuyền buôn Trung Quốc và Hà Lan”( Yamawaki Tenjiro)

- Sứ Hizen xuất khẩu ra nước ngoài” Gốm sứ Hizen xuất khẩu qua biển Thái Bình Dương”(Nogami Takenori)

- Gốm sứ Hizen ở Việt Nam” (Kikuchi Seiichi)

- “Sứ Imari ở Hàn Quốc”(Ieda Junichi)

- “Sứ hoa lam Hizen và sứ trắng Kraak ở Goa – Ấn Độ” (Sasaki Hanae)

- “Đồ sứ Nhật Bản xuất khẩu đến Việt Nam và Đông Nam Á thế kỷ XVII” (Miki Sakuraba)



2.3. Tình hình nghiên cứu gốm sứ Hizen trên thế giới

- “Gốm sứ và công ty Đông Ấn Hà Lan qua hóa đơn của thành Batavia và các dữ liệu khác ở Hirado và Deshima 1602 ~ 1682” (T.Volker)

- “Mậu dịch gốm sứ Nhật Bản của công ty Đông Ấn Hà Lan sau năm 1683” ( T.Volker )

- “Gốm sứ Nhật Bản xuất khẩu sang Hà Lan: Ghi chép của Công ty Đông Ấn Hà Lan” (Vialle Cýthia)

- “Mậu dịch gốm sứ Nhật Bản” (Oliver Impey)

- Gốm sứ Hizen ở Ma Cao” (Roy, Sit Kai Sin)

- Gốm sứ Hizen xuất khẩu sang Manila” (Nida T. Cuevas)

- “Gốm sứ Hizen Nhật Bản phát hiện ở thành phố cổ Viên Chăn – Buôn bán sứ Imari và Karatsu dưới Vương triều Lane Xang” (Simizu Naho)

- “Nhật Bản – Quần đảo Indonesia: Bằng chứng thương mại” (Naniek Harkantiningsih Wibisono)

- Mậu dịch gốm sứ Hizen ở Malacca” (Lu Tai – Kang)



3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

- Phác thảo một cách khái quát về dòng gốm sứ Hizen.

- Luận án tập trung tìm hiểu về quá trình hình thành, phát triển, xuất khẩu ra thế giới của gốm sứ Hizen, chủ yếu tập trung vào thế kỷ XVII.

4. Nguồn tư liệu

Tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Việt và kết quả điền dã.

5. Phương pháp nghiên cứu

Tổng hợp tư liệu, thống kê, so sánh, phân tích những nội dung tư liệu đã có kết hợp với tư liệu đi thực tế thu thập được để rút ra những nhận xét, đánh giá chung về sự phát triển, quá trình thay đổi, giao thương với thế giới của gốm sứ Hizen.



6. Các đóng góp

- Công trình nghiên cứu có tính khái quát và có giá trị tham khảo về quá trình phát triển thăng trầm của gốm sứ Hizen trong khu vực và trên thế giới.

- Mở ra một hướng nghiên cứu mới mẻ trong hoạt động nghiên cứu văn hóa Nhật Bản nói chung và gốm sứ Nhật Bản nói riêng.

7. Cấu trúc của luận án



CHƯƠNG 1

GỐM SỨ HIZEN TRONG DÒNG CHẢY GỐM SỨ NHẬT BẢN

1.1. Tổng quan về gốm sứ Nhật Bản

1.1.1. Thời cổ đại

- Thời kỳ Jomon: Hầu hết các sản phẩm này đều có màu xám thẫm, hoa văn là những đường cong được bố trí rất nghệ thuật với hoa văn nan chiếu. Hình dáng phổ biến là dạng góc cạnh, đáy nhọn, có tay cầm hình đầu thú. Thời kỳ này, gốm Jomon được làm bằng tay, sau đó được nung qua lửa ở nhiệt độ thấp. Đến giữa thời Jomon, hình dáng của gốm Jomon đã có những bước thay đổi.

- Thời kỳ Yayoi: Gốm thời kì này cũng được nung ở nhiệt độ thấp, không tráng men. Màu chủ đạo là màu đỏ sẫm, bên cạnh đó còn có màu đỏ nhạt. Thời kì này, sản xuất nông nghiệp lúa nước ra đời. Đồ đồng, đồ sắt xuất hiện. Họ vẫn làm ra các sản phẩm Jomon giống như thời kì trước. Loại gốm này về cơ bản vẫn dựa trên kỹ thuật dải cuộn, nhưng tiến bộ hơn một bước là bắt đầu có sự pha màu và hình dáng cũng được trau chuốt với kỹ thuật cao hơn mặc dù hoa văn không phong phú như gốm Jomon.

- Thế kỷ thứ 5: kỹ thuật gốm từ Triều Tiên du nhập vào Nhật và loại gốm này hoàn toàn khác với đất nung. Người Nhật biết đến sự tồn tại của bàn xoay.



1.1.2. Thời Trung đại

- Đánh dấu một bước chuyển biến rất quan trọng của gốm sứ Nhật Bản, khi Kato Shirozaemon Kagesama – còn được gọi là Toshiro theo đoàn tùy tùng của Thiền sư Dogen (1200 – 1253) sang học nghề gốm ở Trung Hoa. Khi về Nhật Bản, ông đã dựng lò gốm ở làng Seto gần Nagoya – một trung tâm gốm cổ. Đây là vùng có loại đất sét phù hợp để làm gốm và mở ra thời kì phát triển thịnh đạt của gốm sứ Nhật Bản với nhiều dòng gốm nổi tiếng.

- Giữa thế kỷ thứ 7: Thợ gốm Nhật Bản bắt đầu học hỏi kỹ thuật của Trung Quốc và Triều Tiên. Họ học cách tráng men, nung đất sét ở nhiệt độ tương đối thấp. Một số lớp men tráng bằng kỹ thuật này có màu xanh lục đậm, trong khi các vật dụng gốm Nara sansai (tam thái) lại nổi trội với ba màu đỏ, vàng và xanh lục.

- Thời kỳ Muromachi (1336–1573): đánh dấu sự phát triển vượt bậc của gốm Bizen, còn gọi là Imbe yaki. Gốm được làm từ đất sét chất lượng tốt của Imbe, khi nung xong, xương gốm đặc biệt cứng chắc, sản phẩm thường là dụng cụ trà như chai, bình nhỏ.

- Thời Momoyama (1573-1603): nhiều loại gốm sứ mới ra đời như dòng gốm Raku, mang đậm ảnh hưởng của Trà đạo

- Thời kì Edo (1603-1868): Kỉ nguyên vàng của nghề thủ công truyền thống Nhật Bản với các hoạt động sản xuất diễn ra trên cả nước.

- Thế kỷ XVI: Thời điểm đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển đồ gốm, sứ Nhật Bản là “cuộc chiến tranh đồ sứ” giữa Nhật Bản và Triều Tiên. Đây cũng là dấu mốc mở ra thời kì phát triển nở rộ của đồ sứ đa sắc cao cấp Nhật Bản.

- Trong suốt thế kỷ XVII, hoạt động buôn bán đồ sứ đã diễn ra mạnh mẽ giữa Nhật Bản và châu Âu.



1.1.3. Thời Cận đại

- Từ nửa cuối thế kỷ XIX: Nhật Bản đã bước ra thế giới bên ngoài bằng các sản phẩm thủ công truyền thống giàu tính nghệ thuật của nền văn hóa tinh túy được tích lũy trong thời gian dài đóng cửa.



1.2. Tổng quan về gốm sứ Hizen

- Lịch sử gốm Kyushu được bắt đầu với dòng sản phẩm gốm tráng men Karatsu được sản xuất ở tỉnh Hizen cuối thế kỷ XVI.

- Hai lần tiến quân xâm lược Triều Tiên (1592 và 1597), Hideyoshi có vai trò to lớn trong việc đưa kỹ thuật sản xuất sứ mới vào Nhật.

- Từ cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, sản phẩm sành sứ Kyushu đã bắt đầu tiếp nhận kỹ thuật sản xuất của Triều Tiên.

- Sản phẩm sứ được sản xuất đầu tiên tại Arita, Hizen. Kỹ thuật sản xuất phát triển nhanh chóng trong suốt thời Edo và càng phát triển về sau. Sau này, mọi người quen với cái tên Imari, tên cảng xuất khẩu sứ Arita.

- Sản phẩm sứ trong thế kỷ XVII tập trung chủ yếu ở tỉnh Hizen.

- Ngay khi gốm sứ Nhật Bản bước vào giai đoạn hình thành, các lò gốm sứ ở Arita có chiều hướng phát triển tại các vùng đồi núi bỏ hoang để tiện cho việc khai thác nguyên liệu sản xuất sứ.

- Bên cạnh việc học hỏi kỹ thuật chế tác sứ từ Trung Quốc và Triều Tiên, người Nhật cũng sáng tạo ra những kỹ thuật của riêng mình. Vào khoảng giữa thế kỷ XVII, ngành công nghiệp gốm sứ của Nhật Bản đã phát triển rất mạnh. Để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, rất nhiều lò nung đã xuất hiện tại Arita.

- Đến thế kỷ XVIII, sứ bắt đầu lan sang các vùng khác như Buzen (Fukuoka), Chikuzen (Fukuoka), Higo (Kumamoto), Satsuma (Kagoshima). Sau đó kỹ thuật sản xuất sứ lan sang Bungo (Oita), Hyugaa (Miyazaki) và Chikugo (Fukuoka).

- Các dòng tiêu biểu: gốm Karatsu, sứ Hasami, Mikawachi và Arita

- Quá trình phát triển của gốm sứ Nhật Bản cho thấy sự ảnh hưởng sâu sắc của Trung Quốc và Triều Tiên, nhưng cũng chính cảm quan nghệ thuật và lối sống của người Nhật đã là nền tảng để hình thành nên một nghệ thuật độc đáo và một ngành công nghiệp phát triển.

1.2.1. Nguyên liệu

- Cao lanh tự nhiên lấy trong lãnh địa Hizen (núi Izumiyama, núi Mitsunomata, Ajiroishi và Amakusa)

+ Cao lanh nguyên sinh: Cao lanh hình thành ngay tại mỏ đá gốc

+ Cao lanh thứ sinh: Sản phẩm phong hoá tàn dư nhưng bị nước, băng hà, lũ lụt cuốn đi rồi lắng đọng tại các chỗ trũng, từ đó hình thành nên các mỏ cao lanh hay đất sét thứ sinh.



1.2.2. Sự biến đổi của gốm sứ Hizen

1.2.2. 1. Cấu trúc lò gốm

- Thời tiền sử: thợ gốm thường cho sản phẩm vào đụn rơm hay một hốc đất và phủ rơm rạ để nung. Lò nhỏ dùng để nung gốm được du nhập từ lục địa vào từ cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII. Lò nung thấp có thể sử dụng phù hợp cho tất cả các sản phẩm từ không tráng men, tráng men hay phủ men.

- Giai đoạn sau: do học kỹ thuật của Triều Tiên nên lò bầu (hay còn gọi là lò rồng) phổ biến trong các trung tâm sản xuất.

+ Waritake (Wari: chia, tách; take: tre): Thợ gốm vẫn dùng hình ảnh bẻ gập của các đốt tre để mô tả cho loại lò này. Các bầu được xây nối tiếp nhau trên sườn núi, tuy nhiên nếu nhìn từ phía ngoài không thấy sự tách biệt của các bầu với nhau

+ Renbo (Ren: liên tiếp; bo: các chuỗi, các chùm): Các khoang hình bầu tròn như những vỏ sò tạo thành các bầu chồng úp lên nhau tạo thành một dãy dài. Các khoang trong lò Renbo rộng hơn so với các khoang trong lò Waritake nên có thể nung sản phẩm có kích cỡ lớn hơn và số lượng nhiều hơn.

Cả Waritake và Renbo đều có nguồn gốc từ Triều Tiên và được tìm thấy tại tỉnh Saga trong thế kỷ XVI-XVII, nhưng hiện nay hai loại lò này đều được gọi chung với cái tên là Noborigama (lò leo, lò bầu hay lò rồng).

- Ngoài lò bầu, lò phổ biến cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII, người thợ gốm còn sử dụng một số các loại lò khác như lò đàn, lò hộp (hay lò đứng), hay lò con thoi (lò gas), lò tuynen (lò hầm, lò liên tục)..

1.2.2.2. Hình dáng sản phẩm

Gốm sứ Hizen đã có nhiều cải tiến không ngừng phát triển để phù hợp với thị hiếu theo từng giai đoạn

+ 1610 – 1630: Hầu hết các loại bát đều có hình tròn, hình trụ. Các họa tiết trang trí ở giữa có một lớp men nền màu xanh lam. Những chiếc bát hình trụ được trang trí các họa tiết hoa cỏ và hoa văn hình sóng nước ở xung quanh.

+ 1630 – 1650: Những chiếc bát không tráng men phía dưới đã xuất hiện trong thời gian này.

+ 1650 – 1680: Xuất hiện những chiếc bát lớn với lối vẽ trang trí hoa văn hình sóng nước ở trong lòng bát và hình rồng phượng ở phía bên ngoài.

+ 1690 – 1740: Các sản phẩm sứ được sản xuất nhiều với các họa tiết được trang trí trên bề mặt của bát, bình.

+ 1750 – 1790: Người ta bắt đầu sản xuất những chiếc bát có nắp với lớp men tráng bên trong màu xanh lam còn bên ngoài có màu xanh ngọc. Thời kì này các bát nhỏ hình tròn và hình trụ được dùng cho đồ uống.

+ 1780 – 1820: Những chiếc chén hình tròn và hình trụ dùng cho đồ uống được sản xuất với số lượng lớn.

+ 1820 – 1860: Những chiếc bát có nắp đậy được trang trí các đường viền bên trong trở nên phổ biến và các sản phẩm nhỏ với lớp men màu xanh lam được sử dụng chính cho các dụng cụ đựng đồ uống.

Cùng với sự phát triển của xã hội, nghề thủ công truyền thống Nhật Bản, đặc biệt là nghề gốm có sự thay đổi lớn trong kỹ thuật chế tác, thiết kế để đưa ra chủng loại, mẫu mã phù hợp với nhu cầu cũng như thị hiếu của người tiêu dùng từng thời đại.




CHƯƠNG 2

CÁC DÒNG GỐM SỨ HIZEN VÀ SỨ HIZEN XUẤT KHẨU SANG VIỆT NAM

2.1. Các dòng gốm sứ Hizen

2.1.1. Gốm Karatsu

- Khởi nguồn: Cuối thời Muromachi (1336-1573).

- Đặc trưng sản phẩm

  • Chất liệu: Chủ yếu dùng đất thô không mịn.

  • Men: Men đặc trưng là men tro, men khoáng, ôxít sắt

  • Họa tiết trang trí: Hoa cỏ, cây cối, động vật...

  • Sản phẩm đặc trưng:

Mujikaratsu (Gốm Karatsu trơn; Ekaratsu (Tranh gốm); Chosen Karatsu (Karatsu Triều Tiên); Okugourai; Madara Karatsu; Horikaratsu; Horiekaratsu ; Kobikigaratsu; Ekobiki; Mishima Karatsu

2.1.2. Sứ Hasami

- Khởi nguồn: Năm Khánh Trường thứ 3 (1598), Omura Yoshiaki, lãnh chúa vùng Omura, đã đưa thợ gốm Triều Tiên về lãnh địa của mình và bắt đầu sản xuất sứ vào khoảng 1610.

- Đặc trưng sản phẩm

  • Chất liệu: Thời gian đầu (thời Edo) dùng nguyên liệu ở núi Mitsunomata. Từ thời Minh Trị, pha trộn giữa nguyên liệu ở núi Mitsunomata với nguyên liệu ở Amakusa.

  • Họa tiết trang trí: Hoa cỏ (hoa đào, hoa mẫu đơn, cây đào...), chim, hoa văn sóng nước, hình tượng rồng và mây... những họa tiết gần gũi với cuộc sống thường nhật.

  • Sản phẩm đặc trưng: Bát sứ trắng Kurawanka, bình rượu Konpura, sứ men ngọc, sứ hoa lam

2.1.3. Sứ Mikawachi

- Khởi nguồn: Năm 1630

- Đặc trưng sản phẩm:

  • Chất liệu: Thời gian đầu (thời Edo) dùng nguyên liệu ở núi Ajiroishi. Từ thời Minh Trị, pha trộn giữa nguyên liệu ở núi Ajiroishi với nguyên liệu ở Amakusa.

  • Họa tiết trang trí: Hình búp bê, họa tiết sông núi, hoa lá, động vật (gà, rồng, chim muông...)

  • Sản phẩm đặc trưng: Dụng cụ trà đạo (bát, bình hương, bình đựng nước...), lư hương, dụng cụ kê đũa...

+ Sứ trắng: Sản phẩm Mikawachi có độ mỏng đến mức được gọi là vỏ trứng.

+ Sản phẩm sứ hoa lam

+ Tranh Karakoe: Sản phẩm làm quà tặng, được trang trí hình ảnh các cậu bé mặc trang phục truyền thống Trung Quốc.

2.1.4. Sứ Arita

- Khởi nguồn: Khoảng năm 1610.

- Đặc trưng sản phẩm:

+ Koimari: Họa tiết trang trí của sản phẩm sứ Imari được chia theo các thời kỳ khác nhau, tuy nhiên chủ đề trong thiết kế tập trung về động vật, thực vật, thiên nhiên, đồ vật, kiến trúc, chữ…

+ Kakiemon: 3 kiểu trang trí

* Kiểu trang trí thứ nhất: bút pháp tả chân theo phong cách hội họa Trung Hoa

* Kiểu trang trí thứ hai: theo phong cách thuần Nhật với cách trang trí vay mượn từ Akae của Trung Hoa.

* Kiểu trang trí thứ ba: theo phong cách Hà Lan



+ Nabeshima: “Gốm sứ quý tộc”. Sản phẩm đặc trưng: Nabeshima màu, Nabeshima hoa lam và sứ xanh Nabeshima

2.2. Đặc trưng sản phẩm Hizen xuất khẩu sang thị trường Việt Nam

2.2.1. Gốm sứ Hizen tìm được trong Hoàng Thành Thăng Long

- Bát (bát vẽ rồng và mây, chim phượng, bát vẽ chữ Hán, bát vẽ phong cảnh); Đĩa (Đĩa vẽ hoa cúc, cánh phù dung, chữ “Nguyệt”, đĩa vẽ chim phượng…); Chén; Bình rượu hình “củ tỏi”



2.2.2. Gốm sứ Hizen tìm thấy ở Hội An

- Bát vẽ hoa văn sóng nước, rồng và mây, bát vẽ hoa cỏ…




CHƯƠNG 3

GỐM SỨ HIZEN TRÊN THỊ TRƯỜNG THẾ GIỚI

3.1. Tổng quan về tình hình xuất khẩu gốm sứ Hizen thế kỷ XVII – XVIII

- Thế kỷ XVI: Trào lưu thưởng thức trà đạo thịnh hành kéo theo nhu cầu sử dụng sứ trong nước tăng lên, trong đó sản phẩm tách trà của Triều Tiên có mặt nhiều nơi ở Nhật Bản thời kì này. Vì thế, nhiều lãnh chúa ở Hizen đã đưa thợ gốm Triều Tiên về sản xuất tại địa phương mình, tuy nhiên tương truyền rằng Hideyoshi đã cho sản xuất gốm sứ dành riêng cho trà đạo mà không liên quan đến kỹ thuật của các thợ gốm Triều Tiên.

- Năm 1594: Thợ gốm Triều Tiên không có người bảo hộ đã li tán khắp nơi, vì vậy các lò gốm sứ mọc lên rộng rãi không chỉ ở phía Nam tỉnh Saga mà còn lan ra khắp đất nước.

- Đến năm 1610: Nhiều dụng cụ dùng trong trà đạo sản xuất tại Nhật được đưa sang Trung Quốc như bình đựng nước, chén trà, đĩa...

- Năm 1620 – 1640: Gốm sứ được chính thức đưa vào sử dụng rộng rãi trong trà đạo, đánh dấu một giai đoạn hưng thịnh của sản phẩm sứ Hizen.

- Do hệ quả của cuộc chiến trong nước, thêm vào đó là thuế trong nước tăng cao đã làm hạn chế số lượng gốm sứ xuất khẩu của Trung Quốc, Nhật Bản hầu như không nhập được gốm sứ từ Trung Quốc nên nhu cầu sử dụng trong nước đổ dồn về phía Hizen. Nhờ nắm bắt được điều kiện thuận lợi, thợ gốm Hizen đã cố gắng nỗ lực độc chiếm thị trường nội địa đem lại một thay đổi lớn cho Nhật Bản: từ một nước nhập khẩu đã trở thành một nước xuất khẩu gốm sứ.

- Các lò gốm sứ Hizen sử dụng kỹ thuật chế tác Trung Quốc, đặc biệt là kỹ thuật của Triều Tiên đã được phát triển ở Trung Quốc để đưa đến Nhật Bản và cho ra đời các sản phẩm mỏng giống với sản phẩm ở lò Cảnh Đức Trấn.

- Cho đến đầu thế kỷ XVII: Gốm sứ Trung Quốc phổ biến và được đánh giá cao trên thế giới chính là nhờ vào sản phẩm đạt chất lượng tốt và là một trong những mặt hàng đầu tiên VOC buôn bán với thị trường châu Á.

- Cho đến trước năm 1630, sản phẩm gốm sứ mà VOC cung cấp cho thị trường châu Âu chủ yếu là của Trung Quốc.

- Năm 1644: Nhà Thanh lật đổ nhà Minh và 20 năm sau đó diễn ra cuộc nội chiến chống lại các thế lực phục Minh, đã phá huỷ nền thủ công gốm sứ Trung Quốc, nhất là trung tâm Cảnh Đức Trấn, gây ra sự khan hiếm hàng gốm sứ ở Hà Lan và khu vực châu Á.

- Năm 1647: đồ sứ chất lượng cao Trung Quốc hầu như vắng bóng trên thị trường quốc tế.

- Nắm bắt những điều kiện thuận lợi do bối cảnh khu vực mang lại, gốm sứ Hizen tham gia vào mạng lưới thương mại khu vực và thế giới là năm 1647.

- Trong thế kỷ XVII và XVIII: Thuyền buôn Trung Quốc, Hà Lan thương thuyền của Ấn Độ, Ả-rập và châu Âu vận chuyển gốm sứ từ Nagasaki sang thị trường các nước trên thế giới.

- Năm 1661: Nhà Thanh ban hành lệnh “hải cấm” tiếp tục gây ra sự khan hiếm đồ sứ Trung Quốc trên thị trường khu vực.

- Sự khan hiếm của đồ sứ Trung Quốc do biến động lịch sử nêu trên đã tạo ra cơ hội cho đồ sứ Nhật Bản lần đầu tiên trong lịch sử được xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

- Năm 1684, nhà Thanh thống nhất đất nước, mở cửa lại các thương cảng buôn bán với nước ngoài, gốm sứ Trung Quốc đã nhanh chóng quay trở lại thị trường thế giới, đặc biệt là thị trường các nước Đông Nam Á. Đó cũng là lí do khiến gốm sứ Hizen mất đi cơ hội tham gia vào thị trường khu vực.

- Nguyên nhân chính cho việc mất chỗ đứng trên thị trường thế giới là do chất lượng sản phẩm chưa vượt qua được gốm sứ Trung Quốc. Hơn nữa, giá nhập khẩu của Nhật quá cao cũng là rào cản lớn cho gốm sứ Hizen trong giai đoạn này.

- Sau năm 1786, Nhật Bản đã thử xuất khẩu gốm sứ trở lại nhưng vẫn thất bại.



3.2. Nguồn xuất khẩu gốm sứ Hizen

Trong thế kỷ XVII-XVIII, gốm sứ Hizen được xuất khẩu ra thế giới qua ba con đường chính: Công ty Đông Ấn Hà Lan (1650-1757); Tư thương và thuyền mành Trung Hoa. Bên cạnh đó Hizen còn được xuất khẩu gián tiếp: tàu của Ả-rập hoặc Ấn Độ, tàu của người Tây Ban Nha.



3.3. Gốm sứ Hizen trên thị trường thế giới

3.3.1. Bối cảnh chung

3.3.1.1. Thị trường Đông Á

+ Thái Lan- Campuchia: Thời gian thâm nhập vào Thái Lan của gốm sứ Hizen được xác định từ khoảng giữa những năm 1650 đến 1670.

+ Lào: Sản phẩm xuất sang Lào vào khoảng thời gian từ 1650 đến 1680.

+ Malaysia: Năm 1511, người Bồ Đào Nha đã chiếm được Malacca va sử dụng cảng thị này như một tuyến đường thương mại qua vùng Đông Nam Á.



+ Manina: Năm 1571, người Tây Ban Nha đã lập nên thành phố Manina để quản lý Philipin và mậu dịch Đông Nam Á. Tuy nhiên, không có đề cập hay ghi chép gì về tình hình xuất khẩu đồ sứ Hizen. + Macao: Năm 1513, người Bồ Đào Nha đã đến Macao và năm 1557, Macao đã trở thành nơi định cư của họ.

+ Đài Loan: Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy một số mẫu vật gốm sứ Hizen ở Đài Loan và cho rằng các mẫu vật này là sản phẩm của thế kỷ XVII.

+ Việt Nam: 1627 Các phát hiện khảo cổ học cho thấy, thời kì này khu vực miền Trung nhập rất nhiều sản phẩm gốm sứ Trung Quốc và Nhật Bản. Lí do là thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh, sản phẩm của các lò miền Bắc ít được vận chuyển tới thị trường miền Trung. Mặt khác, miền Trung là nơi không có những lò gốm men như miền Bắc nên buộc phải nhập đồ sứ Trung Quốc và Nhật Bản thay thế.
3.3.1.2. Thị trường châu Âu

- Chủ yếu là thị trường Hà Lan sau đó chuyển sang các nước khác.



3.3.2. Tư liệu xuất khẩu dựa trên sổ kinh doanh và hóa đơn của VOC

3.3.2.1. Đài Loan – Phúc Kiến

Gốm sứ Hizen được xuất khẩu sang Đài Loan trong khoảng thời gian từ 1652 – 1660. Năm 1650, số lượng gốm sứ xuất khẩu sang Trung Quốc phần lớn là dụng cụ y tế như lọ và bình đựng thuốc, lọ đựng dầu. Trong tổng 7765 tiêu bản xuất khẩu sang Trung Quốc giai đoạn 1653-1665 có 7465 tiêu bản được xuất khẩu sang Đài Loan, dụng cụ y tế chiếm 6985 tiêu bản, còn lại 480 tiêu bản đĩa nông, đĩa sâu lòng và đĩa nhỏ. Một số lượng nhỏ chai, lọ đừng thuốc khác (120 tiêu bản) cũng được đưa đến Phúc Kiến trong năm 1665.



3.3.2.2.Indonesia

Giai đoạn từ năm 1653-1757, có 94.882 tiêu bản gốm sứ nói chung được đưa đến Batavia, tuy nhiên không chỉ rõ số lượng cụ thể các sản phẩm chuyên dụng cho y tế hay sản phẩm gia dụng. Vì vậy, khó có thể đưa ra một con số chính xác về chủng loại của sản phẩm xuất khẩu này. Tuy vây, theo dữ liệu ghi chép thì có thể thấy trong giai đoạn 1702-1741, Batavia chỉ nhập các sản phẩm dùng trong y tế như lọ, bình đựng thuốc (22.497 tiêu bản).



3.3.2.3. Xiêm – Malaysia

Xiêm là đầu mối buôn bán giữa phương Đông và phương Tây, tuy nhiên gốm sứ không hẳn là mặt hàng có nhu cầu cao nên thời gian này gốm sứ Hizen được xuất khẩu đến Xiêm không nhiều. Trong khoảng 11 năm (1666-1677), 2.258 tiêu bản được chuyển đến vùng này, trong đó hoàn toàn là các dụng cụ dùng trong ăn uống chứ không phải các dụng cụ chuyên dùng trong y tế như Indonesia.



3.3.2.4.Ấn Độ

Giai đoạn 1658-1714, gốm sứ Hizen được chuyển đến Bengal, Coromandel, Malabar, Ceylon, Kochi, Surat. Năm 1660 với 57.173 tiêu bản, năm 1662 với 44.520 tiêu bản, năm 1671 với 40.684 tiêu bản, còn những năm 1665, 1669, 1670 với gần 20.000 tiêu bản.



3.3.2.5. Srilanka

Giai đoạn 1670 – 1714, các sản phẩm gốm sứ chính như đĩa nông, đĩa sâu lòng, bát... được thuyền buôn đưa đến Ceylon, Sri-lanca. Theo số có thể nhận thấy hàng xuất khẩu sang Sri-lanca được chia thành 3 giai đoạn rõ rệt: giai đoạn 1 từ 1670-1677, giai đoạn 2 từ 1686-1689, giai đoạn 3 từ 1675-1714. Năm 1677 (2.022 tiêu bản), tuy nhiên sau hơn 10 năm không nhập khẩu gốm sứ Hizen, đến năm 1686 bắt đầu giao dịch lại nhưng con số rất khiêm tốn chỉ với 300 tiêu bản, số lượng giảm đáng kể so với năm 1677. Năm cuối của giai đoạn 2 (năm 1689), tổng số nhập khẩu là 5.536 tiêu bản và đến năm 1705 (năm đầu của giai đoạn 3) hàng nhập khẩu chỉ còn 1.232 tiêu bản, ước tính giảm gần 5 lần so với năm 1689.



3.3.2.6. Iran – Yemen

Giai đoạn 1670-1745, tổng số lượng xuất khẩu sang Ba Tư là 102.055 tiêu bản bao gồm dụng cụ bàn ăn (đĩa nông, đĩa sâu lòng, bát, bình hoa lam...), dụng cụ trà (chén sứ xanh, tách pha cà phê có đế…). Trong đó năm 1677 và 1679 có số lượng nhập khẩu nhiều nhất là 30.000 tiêu bản. Từ năm 1659, 1661 các sản phẩm Hizen cũng được xuất sang Mocha (Yemen) với tổng số là 60.567 tiêu bản.



3.3.2.7. Hà Lan

Giai đoạn 1660 – 1672, số lượng nhập khẩu gốm sứ Hizen tương đối lớn (38.150 tiêu bản), nhưng đến năm 1673 giảm đi 8 lần xuống còn 4.890 tiêu bản.



3.3.2.8. Gốm sứ Nhật Bản xuất sang thị trường Việt Nam

  • Công ty VOC

Theo ghi chép của VOC, hoạt động buôn bán gốm sứ của Nhật Bản giữa cảng Nagasaki và thương điếm Đàng Ngoài diễn ra trong giai đoạn 1650 – 1679. Trong thời gian này, theo số liệu gốc của VOC 13.850 tiêu bản, trong đó có 6.000 bát ăn cơm (43%); 4.080 đĩa (30%); 2.200 đĩa trà (16%); 1.321 tiêu bản sứ nói chung (10%) và 200 chén (1%) được đưa đến Việt Nam.

  • Mậu dịch của người Hoa

Theo một số nghiên cứu gần đây, người Hoa đã nhập một lượng lớn đồ sứ Nhật Bản vào Đàng Ngoài. Tổng số hàng xuất khẩu qua thuyền mành Trung Hoa là 96.693 tiêu bản, 728 bó rơm và 2 thùng. (782 bó rơm và “bossen” bao gồm 39.100 tiêu bản đồ sứ và tổng số hàng chở có thể ước đoán là khoảng 135.793 tiêu bản.)

Thông qua mậu dịch thuyền mành Trung Quốc, có 7.000 tiêu bản sứ Nhật Bản đã được chở từ Đàng Trong đến Batavia. Theo ghi chép của VOC về mậu dịch của người Hoa giữa Đàng Ngoài và Nagasaki thì có 96.693 sản phẩm, 72 bó rơm và 2 thùng đồ sứ Nhật được chở từ Nagasaki đến Đàng Ngoài vào các năm 1676 và 1681.

Điều này khẳng định rằng các thương cảng của Đàng Trong cũng như Đàng Ngoài đã có vai trò trung chuyển trong hoạt động xuất khẩu của Nhật Bản.

3.3.2.2. Gốm sứ Việt Nam ở Nhật Bản

Các tiêu bản gốm sứ Việt Nam được phát hiện ở 101 khu di tích ở Nhật Bản phân bố từ tỉnh Okinawa trải qua khu vực Kyushu, khu vực Kansai, đến khu vực Hokuriku, khu vực Kanto được xác nhận có niên đại là của thế kỷ XIV – XVIII: Khu vực Okinawa, Thành Sakai, Thành Osaka, khu vực Shikoku, khu vực Kinki, khu vực Hokuriku, khu vực Kanto, thành phố Tokyo, khu vực Kyushu



3. Ảnh hưởng của gốm sứ Hizen đến đời sống văn hóa xã hội

3.1. Đời sống kinh tế

- Các phường, hội được thành lập, thợ thủ công bắt đầu làm việc trong các tổ chức này.

- Không chỉ sản xuất dụng cụ gốm sứ dành cho người tiêu dùng trong nước, các lò gốm không ngừng cải tiến, học hỏi kỹ thuật của Triều Tiên để đưa ra các sản phẩm tinh túy hơn, đa dạng hơn, đủ khả năng thâm nhập vào thị trường thế giới.

- Không chỉ đơn thuần là mở rộng thị trường mà còn là một bước chứng minh sức mạnh cũng như tiềm năng kinh tế của Nhật Bản với các quốc gia trên thế giới.

- Ngoài ra, với số lượng lớn được xuất khẩu trên khắp thế giới đã giúp Nhật Bản có cơ hội phát triển đất nước, nâng cao đời sống của nhân dân.

- Tạo ra được một mạng lưới thương mại và thị trường tiêu thụ trên thế giới của gốm sứ Hizen.



3.2. Đời sống xã hội

- Gốm sứ có vai trò rất đặc biệt trong văn hóa Nhật Bản như ẩm thực, trà đạo và nghệ thuật cắm hóa Ikebana.

- Có vai trò lớn trong trang trí nội thất.

KẾT LUẬN

Hàng trăm năm qua, gốm sứ Nhật Bản luôn là một trong những vật phẩm quý hiếm được giới sưu tập ưa chuộng bởi kiểu dáng và màu sắc sang trọng, thanh lịch với những nét hoa văn trang trí tinh tế, quý phái mang giá trị thẩm mỹ cao. Dựa trên cơ sở tiếp nối truyền thống lâu đời của gốm cổ, Nhật Bản đã mạnh dạn tiếp nhận các kỹ thuật gốm sứ tiên tiến của Triều Tiên và Trung Quốc để đưa ra các loại sản phẩm phù hợp với xu hướng tiêu dùng trong nước và thế giới. Chính vì thế, cao cấp, sang trọng, tinh tế và tuyệt đẹp là những mỹ từ mà bất cứ ai cũng phải thốt lên khi được chiêm ngưỡng những sản phẩm sứ Nhật Bản. Trên cơ sở cần cù lao động sáng tạo tuyệt vời của mình, người Nhật đã tạo ra nhiều thành tựu to lớn về lịch sử, văn hóa và kỹ thuật vĩ đại trong đó có đồ sứ Hizen. Có thể đưa ra một số nhận xét chung như sau:

1. Trước khi người châu Âu tìm ra con đường hàng hải sang phương Đông, gốm sứ được coi là một thương phẩm quen thuộc trong mậu dịch khu vực châu Á và thế giới. Người Bồ Đào Nha sau khi tìm ra tuyến đường mũi Hảo vọng, đã thiết lập hệ thống buôn bán liên hoàn nối Ấn Độ với Malacca, Trung Quốc và khu vực Viễn Đông. Từ đây các sản phẩm phương Đông được đưa về phương Tây thường xuyên hơn. Có thể nói gốm sứ là một trong những sản phẩm mang tính thực dụng cao, đáp ứng nhiều nhu cầu thiết yếu của con người trong cuộc sống hàng ngày nhưng không vì thế mà mất đi tính nghệ thuật vốn có của nó.

Năm 1644, dưới sức ép của người Mãn Châu, nhà Minh sụp đổ, Trung Quốc rơi vào nội chiến kéo dài khiến các trung tâm sản xuất gốm sứ bị phá hủy. Nắm bắt được cơ hội khi sản phẩm gốm sứ chất lượng cao của Trung Quốc hầu như vắng bóng trên thị trường quốc tế, Nhật Bản đã chú trọng và quan tâm đặc biệt đến ngành sản xuất này với mục tiêu xuất khẩu để phát triển kinh tế. Với vị trí địa lý thuận lợi, Nhật Bản đã tiếp nhận phong cách thiết kế, kỹ thuật chế tác của Trung Quốc và Triều Tiên. Nhật Bản đã khéo léo kết hợp phong cách lục địa dựa trên nền tảng văn hóa và tâm hồn Nhật Bản để tạo ra nét riêng mà có thể coi đó như một bước đột phá quan trọng của nền kinh tế Nhật Bản. Kỹ thuật Triều Tiên, thiết kế Trung Quốc kết hợp với mô-tip bản địa đã cho ra một loạt các sản phẩm độc đáo mà thế giới không thể phủ nhận. Điều này cho thấy, thợ gốm Hizen đã rất chủ động trong việc học tập đồ sứ Trung Quốc nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân Nhật Bản, đồng thời dùng ảnh hưởng của gốm sứ Trung Quốc để đưa đồ sứ Hizen vào thị trường châu Âu và đặc biệt là Đông Nam Á. Họ cố gắng nắm bắt bản chất đặc biệt của đồ sứ Trung Quốc kết hợp với văn hóa Nhật Bản để tạo ra các sản phẩm Hizen tinh xảo khiến các nhà nghiên cứu sành sỏi gặp khó khăn trong quá trình nghiên cứu, phân biệt với gốm sứ Trung Quốc.

Việc tiếp nhận kỹ thuật từ bên ngoài này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của gốm sứ Hizen nói riêng và gốm sứ Nhật Bản nói chung. Chỉ sau một thời gian ngắn, gốm sứ Hizen chính thức xuất khẩu, thâm nhập thị trường các nước trong khu vực, đặc biệt là sau khi nhà Thanh ban bố lệnh Hải cấm (1656), Thiên giới (1661). Đây cũng là thời kỳ gốm sứ Hizen xuất khẩu với số lượng lớn và chính thức bước vào thị trường thế giới. Từ sự kiện này cho thấy rằng gốm sứ không chỉ là một ngành sản xuất thủ công nghiệp đơn thuần, mà còn là một ngành kinh tế quan trọng ở Nhật Bản.

2. Những nghiên cứu sâu sắc hơn về chất liệu và men, đặc biệt là phong cách nghệ thuật còn phản ánh rõ ràng sứ Hizen không chỉ bắt chước đơn giản khuôn mẫu của Trung Quốc mà còn phát triển với phong cách riêng biệt. Bên cạnh thiết kế du nhập, Hizen còn tìm cảm hứng sáng tác từ phong cảnh, hoa lá mang đậm dấu ấn văn hóa của đất nước mặt trời mọc như hoa cúc, hoa anh đào, lá đỏ… Họa tiết trên sản phẩm Hizen truyền đạt những sắc thái khác nhau rất ấn tượng và giàu cảm xúc. Trong thế kỷ XVI, Hizen là nơi sản xuất đồ sứ duy nhất ở Nhật Bản nên kỹ thuật chế tạo đồ sứ tuyệt đối bí mật, cuộc sống của người thợ được lãnh chúa bảo đảm nhưng gần như bị cô lập với bên ngoài. Chính vì vậy, sau khi tiếp nhận kỹ thuật từ Triều Tiên, thợ gốm ở các vùng đã sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có để phát triển độc lập, tạo nét riêng biệt nhưng vẫn hòa nhập trong dòng chảy gốm sứ Nhật Bản phục vụ nhu cầu đa dạng trong và ngoài nước. Từ sản phẩm dành cho thị dân với tên gọi Kurawanka huyền thoại đến sản phẩm cao cấp như sứ men ngọc đẳng cấp cao của Hasami, mỏng như vỏ trứng và đạt đến độ trắng sáng hoản hảo, tranh gốm Karakoe, sản phẩm nổi tiếng với kỹ thuật chạm khắc tinh xảo của Mikawachi hay dòng gốm sứ quý tộc của sứ Arita. Thời gian này, Hizen đã có sự phân tách trong sản xuất các sản phẩm hướng tới thị trường khác nhau. Arita đưa ra các sản phẩm sứ màu hay Kirande hướng tới thị trường châu Âu, trong khi đó Hasami và Mikawachi tập trung chủ yếu vào sản phẩm men ngọc, hoa lam hướng tới thị trường châu Á. Sự phân tách này là sự kết hợp giữa các yếu tố như: nguồn nguyên liệu, kỹ thuật chế tác với các hệ tư tưởng và trường phái văn hóa khác nhau của từng vùng. Việc phân tách thành nhiều dòng gốm sứ, kỹ thuật sản xuất thể hiện tính đa dạng và sáng tạo của người Nhật Bản.

3. Theo ghi chép, sứ Hizen được xuất khẩu ra nước ngoài lần đầu tiên vào năm 1647, nhưng từ 1650 mới bắt đầu xuất khẩu chính thức. Đặc biệt là sau năm 1661, sứ Hizen bước vào thời kỳ xuất khẩu với số lượng lớn. Từ vai trò của mặt hàng thay thế, gốm sứ Hizen không dừng lại ở thị trường trong nước mà Hizen còn vươn một tay ra thị trường các nước Đông Nam Á và nhiều trung tâm buôn bán khác. Thời gian này, thuyền mành Trung Hoa và Công ty VOC đóng vai trò lớn trong việc xuất khẩu gốm sứ Hizen ra thị trường khu vực và quốc tế nên Mạc phủ Tokugawa vẫn cho phép người Trung Quốc và người Hà Lan tới buôn bán dưới sự cai trị của mình trong thời bế quan tỏa cảng. Trong thế kỷ XVII-XVIII, gốm sứ Hizen được xuất khẩu ra thế giới qua ba con đường chính: Công ty Đông Ấn Hà Lan; tư thương và thuyền mành Trung Hoa. Tuy nhiên, gốm sứ Hizen còn được xuất khẩu một cách gián tiếp qua các con tàu của Ả-rập, Ấn Độ và tàu của người Tây Ban Nha.

Cho đến thế kỷ XVII, gốm sứ Trung Quốc là mặt hàng quan trọng VOC buôn bán với thị trường châu Á, Trung Đông và châu Âu. Đồ sứ của VOC cung cấp cho thị trường châu Âu phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc, nên khi nhận thấy nguy cơ khó có thể buôn bán trực tiếp với Trung Quốc, VOC đã nỗ lực tìm kiếm nguồn hàng thay thế bằng việc chuyển hướng sang đồ sứ Hizen. Nắm bắt khuynh hướng của khu vực và thế giới, gốm sứ Hizen nhanh chóng trở thành sản phẩm xuất khẩu quan trọng thay thế gốm sứ Trung Hoa và đã có mặt ở thị trường các nước khoảng thời gian dài. Năm 1684, nhà Thanh thống nhất đất nước, mở cửa lại các thương cảng buôn bán với nước ngoài, gốm sứ Trung Quốc đã nhanh chóng quay trở lại thị trường thế giới, đặc biệt là thị trường các nước Đông Nam Á. Đó cũng là lí do khiến gốm sứ Hizen mất đi cơ hội tham gia vào thị trường khu vực. Tuy nhiên, một số lượng nhỏ gốm sứ Hizen vẫn được VOC xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Gốm sứ Hizen được xuất khẩu sang thị trường châu Âu trong khoảng 85 năm (từ 1659 đến 1745), hầu hết là các sản phẩm trang trí cao cấp và chúng được trang trí trong các cung điện hoàng gia. Nguyên nhân chính cho việc mất chỗ đứng trên thị trường thế giới là do chất lượng sản phẩm chưa vượt qua được gốm sứ Trung Quốc. Hơn nữa, giá nhập khẩu của Nhật quá cao cũng là rào cản lớn cho gốm sứ Hizen trong giai đoạn này. Cuối năm 1680, do thiếu nguồn vốn và thợ gốm lành nghề nên một lần nữa gốm sứ Nhật Bản không đáp ứng được đơn đặt hàng sản phẩm cao cấp cho thị trường Hà Lan. Sau năm 1786, Nhật Bản đã thử xuất khẩu gốm sứ trở lại nhưng vẫn thất bại. Tuy gặp thất bại trong thị trường thế giới, Nhật Bản đã nhanh chóng tạo được mạng lưới thương mại cho mình nhờ mối quan hệ giữa công ty VOC và thuyền buôn Trung Hoa mà không phải nước nào cũng có được.

4. Đầu thế kỷ XVI, Mạc phủ Tokugawa thực hiện chính sách đóng cửa nhằm ổn định tình hình chính trị trong nước, xây dựng một nền kinh tế tự chủ và định hướng phát triển cho riêng mình. Chính trong giai đoạn này, các ngành nghề thủ công đã dần dần được ổn định và phát triển hơn. Nhật Bản đã tạo ra một bước ngoặt mới là từ một nước nhập khẩu sang vai trò của nước xuất khẩu gốm sứ.

Quá trình phát triển của gốm sứ Nhật Bản cho thấy sự ảnh hưởng sâu sắc của Trung Quốc và Triều Tiên, nhưng qua đó cũng cho thấy cảm quan nghệ thuật và lối sống của người Nhật đã giúp hình thành nên một nghệ thuật độc đáo và một ngành công nghiệp phát triển. Ngoài ra, với số lượng lớn được xuất khẩu trên khắp thế giới đã giúp Nhật Bản có cơ hội phát triển đất nước, nâng cao đời sống của nhân dân. Nhật Bản luôn coi trọng và lấy thị trường làm trung tâm, xuất phát từ khách hàng và hướng tới khách hàng. Điều này đã thể hiện rất sớm trong phong cách và đường lối kinh doanh của Nhật Bản. Chính vì đường lối phát triển theo hướng lấy khách hàng làm trung tâm, gốm sứ Hizen đã thay đổi mẫu mã thiết kế, hình dáng sản phẩm, cách trang trí họa tiết để phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng trong nước và thế giới.

Trong thế kỷ XVII – XVIII, Nhật đã có tương tác kinh tế mạnh mẽ với các cường quốc phương Tây. Thương nhân người Nhật đi lại rất năng động khắp Á Châu kéo theo nhiều thành thị Nhật Bản đã rất phát triển như Osaka và Kyoto. Năm 1647, ở Arita đã có 155 công xưởng sản xuất gốm bằng bàn xoay; Osaka có 6 cửa hàng bán sản phẩm Hizen và chính quyền Nabeshima có độc quyền buôn bán sứ Arita ở Osaka thời kì này. Hơn nữa,182 công ty được phép kinh doanh sản phẩm sứ Hizen năm 1801. Cùng với sự phát triển vượt bậc về kinh tế, đời sống của người dân Nhật Bản cũng được nâng cao do sự có mặt của các sản phẩm công nghiệp hiện đại, nhờ đó Nhật Bản trở thành cường quốc kinh tế nhất nhì thế giới.

5. Trong thế kỷ XVII, gốm sứ Trung Quốc vắng bóng trên thị trường khu vực và thế giới đã tạo điều kiện cho gốm sứ Hizen nói riêng, gốm sứ Nhật Bản nói chung nhìn nhận lại mình, nỗ lực cố gắng đem lại một thay đổi lớn cho Nhật Bản: từ một nước nhập khẩu đã trở thành một nước xuất khẩu gốm sứ. Bên cạnh đó còn là nguồn cung cấp chính cho thị trường các nước Đông Nam Á và châu Âu thời gian này. Sản phẩm được sản xuất theo đơn đặt hàng của VOC đều đáp ứng được nhu cầu sử dụng khác nhau của từng khu vực: đồ chuyên dụng hoặc đồ trang trí. Ở Nhật Bản hay các nước châu Á, những chiếc chén, bát, đĩa hay lọ đều được sử dụng để làm đồ ăn uống và đựng thức ăn. Các cuộc khai quật khảo cổ đã tìm thấy sứ Hizen ở nhiều nước Đông Nam Á như Xiêm, Indonesia, Philipin, trong đó rất nhiều đồ sứ Hizen được tìm thấy trong Hoàng Thành Thăng Long, Hội An... Tuy nhiên, thời gian này người châu Âu đã dùng chúng như những vật dụng trang trí trong nhà của mình. Nhiều gia đình khá giả, còn dành riêng một phòng để trang trí đồ gốm sứ và trào lưu này đã lan rộng ra ở châu Âu trong thế kỷ XVII, XVIII.



Gốm sứ Hizen được đánh giá là sản phẩm thành công đầy tự hào của người Nhật được cả thế giới yêu chuộng và sử dụng rộng rãi, tuy nhiên các sản phẩm này cũng phải trải qua nhiều thăng trầm để có được chỗ đứng trên thị trường nội địa cũng như thị trường thế giới. Trước khi có cơ hội vươn ra thị trường thế giới, Nhật Bản đã nhập khẩu phần lớn gốm sứ từ Trung Quốc bởi vì ở đây chưa có kỹ thuật sản xuất sứ. Với tinh thần học hỏi và tự sáng tạo của mình, Hizen được đánh giá là một bộ phận văn hóa trên biển của Nhật Bản.

DANH MỤC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN


  1. Nguyễn Thị Lan Anh (2010), “Gốm sứ Nhật Bản và gốm sứ Việt Nam”, Tạp chí nghiên cứu Đông Bắc Á (5), tr.65-71.

  2. Nguyễn Thị Lan Anh (2010), “Nét độc đáo của ẩm thực Nhật Bản thông qua các đồ đựng gốm sứ”, Tạp chí khoa học Ngoại ngữ (23), tr.44-49.

  3. Nguyễn Thị Lan Anh (2012), “Gốm sứ Mikawachi”, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật (342), tr.90-93.

  4. Nguyễn Thị Lan Anh (2013), “Đặc điểm sản phẩm Gốm sứ Hasami của Nhật Bản”, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật (347), tr.59-62.

  5. Nguyễn Thị Lan Anh (2013), “Tổng quan về gốm sứ Hizen Nhật Bản”, Tạp chí Nghiên cứu phát triển (2), tr.104-113.



tải về 162.93 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương