Nguoitinhuu. Com


Chương 23 ĐỘC THÂN VÀ KHIẾT TỊNH



tải về 2.2 Mb.
trang8/8
Chuyển đổi dữ liệu10.01.2018
Kích2.2 Mb.
#35967
1   2   3   4   5   6   7   8

Chương 23
ĐỘC THÂN VÀ KHIẾT TỊNH

(Đoạn trích Kinh Thánh: 1 Côrintô 6:15-20)

Có lẽ bạn đã quen thuộc với câu chuyện có thật về Giáo Hội Nhật Bản. Vào cuối thế kỷ 16, tất cả các nhà truyền giáo ngoại quốc đều bị trục xuất khỏi Nhật, nơi hạt giống đức tin vừa mới gieo và bắt đầu đâm chồi. Những cuộc bách hại dữ dội sau đó đã đưa đến sự tử đạo dã man của Thánh Phaolô Miki và các bạn. Ánh sáng đức tin dường như tắt lịm.
Hai trăm sáu mươi năm sau, các nhà truyền giáo trở lại. Trong một chỗ hẻo lánh của vùng đông bắc quốc gia, các nhà truyền giáo Dòng Tên đã sửng sốt kinh ngạc khi khám phá ra một ngôi làng nhỏ bé mà hàng trăm dân cư đã tụ tập mỗi Chúa Nhật để đọc kinh Tin Kính, Lậy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh, Đức Tin, Đức Cậy, Đức Mến, và Ăn Năn Tội, cũng như mười điều răn và tám mối phúc.
Bàng hoàng, các linh mục hỏi dân làng nhờ đâu họ có thói quen này, và được cho biết, đâu đó trong quá khứ xa xăm, những người được họ gọi là "cha" đã dậy các kinh này, và, vì đoán trước được sự bách hại, các "cha" đã dậy cho họ thuộc lòng và dặn họ hãy quy tụ vào ngày Chúa Nhật để cùng nhau đọc kinh.
Các "cha" cũng trấn an họ rằng, một ngày nào đó, các "cha" khác sẽ trở lại để dậy bảo họ thêm về Chúa Giêsu và đời sống của Người. Thật ngất ngây, các nhà truyền giáo buộc miệng, "Chúng tôi là các cha ấy," nhưng họ im lặng nghi ngờ và lạnh lùng. Ông tiên chỉ làng tiến ra, "Chúng tôi cũng được trao truyền lại rằng, khi những người trở lại tự xưng là 'cha', chúng tôi phải hỏi họ bốn câu hỏi để biết chắc họ xuất phát từ Giáo Hội đích thật."
Hơi chút bối rối, các linh mục mới đến trả lời, "Ông cứ tự nhiên đặt câu hỏi." Ông tiên chỉ tiến lên:
"Khi bước vào nhà thờ, các ông làm gì?" Các linh mục dòng Tên trả lời bằng cử chỉ bái quỳ, điều đó khiến đám đông há miệng kinh ngạc.
"Thứ hai, Chúa của các ông có Mẹ không?" "Có", các linh mục trả lời, "và tên là Maria." Đám đông càng xôn xao hơn.
"Vị lãnh đạo Giáo Hội trần thế của các ông sống ở đâu?" ông tiên chỉ tiếp tục hỏi. "Ở Rôma," các nhà truyền giáo trả lời và đám đông như muốn reo lên vui mừng.
"Sau cùng," ông tiên chỉ băn khoăn hỏi, "các 'cha' của ông có vợ không?" Và, khi các linh mục mỉm cười trả lời, "Không," dân làng tuôn đến kiệu các nhà truyền giáo lên vai đi đến ngôi nhà thờ nhỏ mà ở đó đã không có linh mục trong hơn hai thế kỷ rưỡi.
Câu chuyện có thật. Bây giờ, ở điểm này, tôi có thể trình bầy về Sự Hiện Diện Thật của Chúa Kitô trong Thánh Thể, hay về Đức Mẹ, Đức Thánh Cha, hay sự độc thân của linh mục, vì những điều này hiển nhiên là bốn dấu chỉ đích thực mà các nhà truyền giáo xa xưa đã dặn dân làng tìm kiếm khi các nhà truyền giáo mới đến. Đó là điều sau cùng tôi sẽ đề cập đến.
Bây giờ, trong một phương cách nào đó, các nhà truyền giáo can đảm không còn hoàn toàn đúng nữa, phải không, vì tất cả chúng ta đều biết sự độc thân không còn là điều thiết yếu cho chức linh mục. Đó là một kỷ luật của Giáo Hội được các linh mục trân quý ngay tự ban đầu, rất phổ thông trong thế kỷ thứ tư, và được bó buộc ở Tây Phương trong chín trăm năm gần đây.
Trong khi không phải là điều thiết yếu cho chức linh mục, cần có một vài nhận xét ngay tự đầu: trước hết, không có dấu hiệu nào cho thấy điều đó sẽ thay đổi, và - tôi không nghi ngờ gì, nhưng chúng ta đừng vội cho là đúng - nếu bạn mong đợi điều đó thay đổi trong đời sống linh mục thì bạn thực sự sai lầm. Không ai được chịu chức phó tế nếu tin rằng sự đòi hỏi thiêng liêng này sẽ được giảm bớt trong tương lai.
Thứ hai, dù thiết yếu hay không, sự độc thân trở nên một dấu chỉ được tôn trọng, được trân quý có dính dáng đến chức linh mục đến nỗi nó là một phần của đặc sủng, huyền bí, và hữu hiệu trong việc tông đồ của chúng ta. Đức Fulton Sheen trong cuốn Those Mysterious Priests (các linh mục bí ẩn đó), vẫn còn đáng đọc sau gần bốn thập niên, công nhận là sự độc thân đem lại cho linh mục sự đáng tin cậy, một bí ẩn, một tinh hoa làm cho linh mục hầu như trở thành một thần tượng mời người ta đi vào thế giới bên kia và nhìn vào vĩnh cửu.
Bạn có thấy điều tôi muốn nói không? Các nhà truyền giáo kia có thể thiếu chính xác thần học khi đặt sự độc thân linh mục ngang hàng với ba dấu chỉ độc đáo của Giáo Hội, nhưng họ đúng mục tiêu khi nhận biết rằng sự độc thân là một báu vật được tán dương và trân quý như một chúc lành dồi dào cho Giáo Hội nhằm đảm bảo căn tính, đức ái, và nhiệt huyết của các linh mục.
Bây giờ, tôi không nói nhiều về khía cạnh thần học của sự độc thân linh mục. Điều này không có nghĩa là nó không quan trọng trong sự đào tạo linh mục. Nó chỉ giả sử rằng việc cân nhắc về đức tính này là một phần của việc học hỏi thần học, nghiên cứu riêng, sự hiểu biết khi tĩnh tâm, và thường xuyên đối thoại với cha linh hướng và cố vấn của bạn. Chúng ta phải hiểu đầy đủ lý do của sự độc thân linh mục. Như một ngạn ngữ có nói, "Người ta có thể thi hành bất cứ gì một khi họ biết được lý do." Chúa biết, nếu bạn không hiểu lý do của sự độc thân, việc trung thành sống điều ấy sẽ khó khăn.
"Lý do" tốt nhất tôi tìm thấy trong tông thư của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI về sự độc thân linh mục, Sacerdotalis Caelibatus, mà vào năm 1967, giữa cơn bão hồ nghi và những la hét đòi thay đổi, người dậy bảo một cách thân thiện, trầm tĩnh, và chắc chắn về giá trị cao vời của ơn đoàn sủng cổ xưa này.
Người hùng hồn nói về lý do Kitô học của sự độc thân, trong gương trinh khiết của chính Chúa Kitô, và trong lời mời theo Chúa Giêsu với sự mật thiết quá sâu đậm đến độ không thể chia sẻ cho người nào khác; người diễn tả giá trị có tính cách giáo hội của sự độc thân, khi linh mục quá kết hợp với Chúa Giêsu trong sự yêu mến Giáo Hội đến độ người thực sự kết hôn với Giáo Hội trong một mối giây mạnh mẽ đến độ độc đáo; Đức Phaolô VI diễn tả lý do căn bản liên hệ đến ngày cánh chung của sự độc thân, khi nó mạnh mẽ nhắc nhở người ta về một quan hệ, một tình yêu, một ràng buộc vượt lên trên đời sống này; và người thảo luận giá trị mục vụ của sự độc thân, khi nó cho phép các linh mục phục vụ Thiên Chúa và người dân với một tình yêu không bị sao nhãng và không bị nhạt phai.
Đó là tóm lược của lý do. Tất cả những gì tôi có thể làm là cổ vũ bạn hãy hiểu lý do càng rõ càng tốt, bởi vì chúng ta cần biết lý do khi thi hành bất cứ gì, và lý do của Giáo Hội về sự độc thân thì vững chắc, phong phú và có sức thuyết phục.
Có lẽ nếu có thể gom lại mọi lý do trong một chữ mà tôi nghĩ nó mạnh mẽ giải thích về lý do để chấp nhận sự độc thân của chúng ta, chữ đó là khiết tịnh. Là linh mục, chúng ta hoàn toàn, độc quyền, triệt để, sâu đậm, trọn vẹn,thanh khiết, thuộc về Chúa. Người không chia sẻ chúng ta với ai, và như vậy có thể chia sẻ chúng ta với mọi người. Từng sức lực nhỏ bé của chúng ta, từng ham muốn trong cảm xúc chúng ta, từng xu hướng tình dục, chúng ta tự do trao cho Chúa Giêsu và Giáo Hội. Chúng ta thuần tuý thuộc về Người, từ tế bào trên óc não đến tế bào tinh trùng, tất cả thuộc về Người. Chúng ta thuần tuý thuộc về Người, totus tuus. Vì vậy, sự khiết tịnh phải có nghĩa rằng tất cả tư tưởng, lời nói, và hành động xuất phát từ một con tim hoàn toàn tận hiến trong tình yêu Chúa Kitô.
Có lẽ một chữ khác của khiết tịnh đó là chính trực. Thật vậy, Giáo Lý Công Giáo nói về khiết tịnh trong nghĩa chính trực. Thách đố sống khiết tịnh trong nền văn hóa chúng ta thường là một thử thách có tính cách anh hùng. Nhưng đó là sự thử thách của chúng ta, và chúng ta không được nhượng bộ. Thân thể và linh hồn chúng ta đã được trả bằng máu châu báu của Chúa Kitô, với giá trị ngàn đời. Vào giây phút này chúng ta được mời gọi đến điều mà Giáo Lý gọi là "một ơn gọi sống khiết tịnh." Và sách Giáo Lý nói về sự khiết tịnh trong nghĩa chính trực: trước hết, một sự hòa hợp tốt đẹp ở bên trong con người (sự hợp nhất của thân xác và tinh thần con người), và, thứ hai, sự hòa hợp tốt đẹp của chính tôi, một người có tình dục, tinh thần, vào cộng đồng.
Bây giờ, tôi muốn chú trọng vào ý niệm của sự thanh khiết, chính trực, khiết tịnh, bạn muốn gọi thế nào cũng được, khi tôi nghĩ đến sự độc thân. Dĩ nhiên, bạn biết rằng theo truyền thống, sự độc thân được nhìn đến trong phương cách tích cực cũng như tiêu cực, cả hai đều quan trọng. Khi lựa chọn sống độc thân, linh mục tự do khước từ một điều gì đó, và hăng hái đón nhận một điều gì đó. Chúng ta hãy nhìn đến cả hai.
Từ quan điểm tiêu cực, khi chọn sống độc thân, chúng ta tự do chối từ sự mỹ miều của vợ con, một trong những điều quý báu nhất của cuộc đời. Vì Chúa cho biết rằng sự khoái lạc tình dục quá linh thiêng đến độ nó chỉ được vui hưởng giữa người nam và người nữ trong hôn nhân, sự lựa chọn độc thân của chúng ta có nghĩa, khi tự do khước từ một người vợ, chúng ta tự do từ bỏ mọi sinh hoạt và khoái lạc tình dục, đồng tính hay lưỡng tính, một mình hay với người khác, trong tư tưởng, lời nói, và việc làm. Đó là sự thẳng thừng, dứt khoát, thực tế của sự độc thân.
Bây giờ, sự thanh khiết, chính trực, và khiết tịnh là các nhân đức bảo vệ sự độc thân của chúng ta.
Giáo Hội rất đúng khi nhấn mạnh rằng sự độc thân là một điều kiện tiên quyết khi từ phó tế (chuyển tiếp) lên linh mục. Tuy nhiên, chúng ta là người khờ dại nếu chỉ chấp nhận sự độc thân bởi vì nó bị đòi hỏi. Nói cách khác, bạn phải tin rằng bạn được mời gọi sống độc thân một cách cá biệt. Chúng ta không chỉ nói rằng, "Tôi phải sống độc thân nếu tôi muốn chịu chức." Tôi được nghe Đức TGM Harry Flynn nhận xét rằng sự độc thân không phải được "sơn phết" lên, là một điều gì ngẫu nhiên đi theo chức linh mục, như máy rađiô có thể đi với chiếc xe mới. Như ngài nói trong Thượng Hội Đồng Giám Mục 1990, "Độc thân không chỉ là một điều kiện cần thiết cho việc phong chức linh mục; không, độc thân và chức linh mục là hai ơn gọi tuy liên hệ nhưng khác biệt. Những ai cảm thấy Chúa mời gọi họ đến chức linh mục cũng phải khám phá ra ơn gọi sống độc thân."
Vậy bạn phải suy nghĩ lâu và liên lỉ cầu nguyện, và tìm sự cố vấn từ những người bạn tin tưởng, nhất là cha linh hướng và cố vấn ơn gọi, để phân định lời mời gọi sống độc thân. Đừng bỏ qua điều đó và nói rằng, "Không ích gì để suy nghĩ nhiều về điều đó, vì nếu tôi muốn trở thành linh mục, tôi phải chấp nhận sự độc thân như một phần của toàn bộ." Không, sự lựa chọn cuộc đời độc thân của bạn phải tự do, thành khẩn, và cá biệt.
Điều này có hệ luận: nếu khi là chủng sinh bạn không thể sống một cuộc đời khiết tịnh đúng đắn ngay bây giờ, đó là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy bạn không thể yêu quý đời độc thân, điều đó có nghĩa bạn không được mời gọi đến chức linh mục. Ngay bây giờ chúng ta được mời gọi sống khiết tịnh; nếu, trong giai đoạn phân định ơn gọi này, từ tỏ tường đến chắc chắn, chúng ta thường xuyên cảm nghiệm, rõ ràng sa ngã trong sự khiết tịnh, chúng ta phải giải thích đó là một dấu hiệu hiển nhiên rằng chúng ta không được làm linh mục. Tôi có thể nói rõ hơn không? Tôi hy vọng bạn không cảm thấy xúc phạm với sự bộc trực này:


  • nếu bạn thấy mình trong sự tương giao tình dục với nữ giới hay nam giới…

  • nếu bạn mua sách báo, phim ảnh khiêu dâm, hay mua dâm trên Internet…

  • nếu bạn đến xóm điếm, nữ hay nam, hoặc thường xuyên đến các quán, công viên, hay khu vực thành phố với hy vọng thỏa mãn tình dục dưới bất cứ hình thức gì…

  • nếu bạn bỏ qua hay chôn vùi các câu hỏi về thái độ hay xu hướng tình dục, hay không thể bình tĩnh thảo luận vấn đề này mà không bị líu lưỡi hay cười khúc khích như học sinh lớp chín…

  • nếu bạn không cảm thấy thoải mái khi có mặt nữ giới, không thể trò chuyện và cộng tác với họ như những người bình đẳng…

  • nếu bạn mở ngõ cơ hội có thể xảy ra để giao hợp hay duy trì một quan hệ lãng mạn trong tương lai…

  • nếu bạn trông đợi những lần cảm nghiệm tình dục, hoặc trông chờ thỉnh thoảng được giao hợp…

  • nếu bạn liên lụy đến một tình bạn rất ích kỷ với nữ giới hay nam giới, đòi hỏi họ phải dành mọi thời gian, sự chú ý và tình cảm cho bạn…

  • nếu bạn thấy mình bị kích thích tình dục với trẻ em…

  • nếu bạn có thói quen không thể kiểm soát nổi về sự thường xuyên thủ dâm…

  • nếu bạn thấy mình luôn luôn nhìn ngắm nữ giới—hay nam giới—như đối tượng tình dục, chỉ để thoả mãn thèm khát dục vọng…

  • nếu bạn thấy mình không thể sống một mình hay sống mà không thường xuyên có người bên cạnh…

Nếu một trong những điều trên áp dụng cho bạn, bạn phải tìm kiếm thời giờ, nơi chốn, và sự cố vấn cần thiết để kiểm soát bất cứ gì thuộc về bạn trước khi tiếp tục con đường tiến đến chức linh mục. Nếu bạn đã chịu chức, bạn phải tìm kiếm sự giúp đỡ cần thiết để tự tái thề hứa sống thanh khiết mà bạn đã hứa với Giáo Hội.



Bây giờ, tôi không nói về những lần thỉnh thoảng sa ngã, những cám dỗ thường xuyên, hay những cố gắng sống khiết tịnh mà mọi người lành mạnh đều phải đương đầu, tôi nói về những sa ngã trầm trọng, liên tục, kéo dài hay những dục vọng không thể kiểm soát được.
Trong lãnh vực khiết tịnh này tôi thúc giục bạn đừng bao giờ quyết định mà không được khuyên bảo đầy đủ. Trong sự chiến đấu với sự khiết tịnh chúng ta luôn nghĩ rằng chỉ có chúng ta mới phải chiến đấu. Đừng tuyệt vọng! Bạn không phải là người đầu tiên đối phó với điều này. Nhưng tôi bảo bạn: bạn có bổn phận phải đương đầu với nó. Cách tốt nhất để đương đầu với nó là đưa nó vào một phương cách công khai, thích hợp, với vị giám đốc linh hướng, một chuyên gia, vị cố vấn ơn gọi, hay bất cứ người bạn nào khôn ngoan, đáng tin cậy.
Sự hoà hợp lành mạnh được giúp đỡ nhiều bởi sự thông tin đầy đủ và được đảm bảo rằng bạn không bị cô lập khi đương đầu với vấn đề tình dục. Trong lãnh vực khiết tịnh, đừng bao giờ tin vào sự an ủi chính mình. Chúng ta có khuynh hướng hoặc quá khắt khe, hoặc quá lỏng lẻo, và cần sự hướng dẫn cũng như thẩm định của người đáng tin cậy. Satan thật siêu việt khi sử dụng tình dục để hủy hoại chúng ta, hoặc bởi dụ dỗ chúng ta quên đi các vấn đề nghiêm trọng bằng cách phủ nhận chúng và lý luận theo kiểu chúng ta là không có vấn đề, hoặc bởi chồng chất lên chúng ta tội lỗi và sự rối loạn đó khiến chúng ta tuyệt vọng. Đây là những vấn đề rất cá nhân, phải, nhưng chúng là các vấn đề tối quan trọng đối với Giáo Hội. Nếu bạn có bất cứ khó khăn nào với sự khiết tịnh, vì công bằng với chính bạn và với Giáo Hội, hãy ổn định chúng trước khi chịu chức, và đừng ổn định chúng một mình.
Sự khiết tịnh phải được hài hòa. Tôi muốn nói gì với điều đó? Với các chủng sinh, công việc chính bây giờ là chuẩn bị chức linh mục, là hài hòa, đó là ráp lại với nhau, với sự giúp đỡ lớn lao của Chúa Thánh Thần, để hình thành một con người, tự do và trung tín. Chúng ta kết hợp con người chúng ta, những gì chúng ta biết, sự khôn ngoan của Giáo Hội và con người của Chúa Giêsu vào một đời sống lành mạnh. Thật hiển nhiên là bạn phải cố gắng hài hòa tình dục của bạn, đó là, những thèm khát, tư tưởng, cám dỗ, hành động, thôi thúc, cũng như tội lỗi và kinh nghiệm quá khứ vào sự hiểu biết về chính bạn như một người sẵn sàng ôm ấp một cuộc đời độc thân khiết tịnh với sự tự do, chín chắn, và thành khẩn.
Có ai trong chúng ta không mủi lòng trước các thảm kịch của các linh mục là những người không sống khiết tịnh và hủy hoại cuộc đời và sứ vụ của họ, làm đau khổ người vô tội, và sỉ nhục Giáo Hội? Chúng ta thấy những người đáng thương này trên truyền hình và, trong khi máy thu hình hoạt động, dường như cuộc đời họ tan nát ngay trước mắt chúng ta. Nhưng sự tan nát đó đã có từ lâu. Họ giữ kín những ẩn giấu cuộc đời, là nơi ánh sáng đức tin và sự tin tưởng không bao giờ rọi đến. Vấn đề là, bạn không thể sống cuộc đời bạn lâu trong những ẩn giấu tách biệt. Khi bạn đi vào phần đời sống mà nó thiếu thành thật hay vô luân lý, bạn đem thân xác, linh hồn, thanh danh, và chức linh mục theo với bạn. Vào lúc ấy, bạn đang liều lĩnh đánh bài với mọi thứ, và bạn có thể mất mọi thứ.
Tôi nhớ lại sự hiểu biết sâu sắc của hai chuyên gia khi trình bầy về sự khiết tịnh cho các chủng sinh vào cuối tuần. Họ nhận xét rằng một đặc tính hiển nhiên của các linh mục được gửi đi chữa trị sau khi bị mang tiếng lạm dụng tình dục: không ai thú nhận điều đó, không ai đối phó với nó một cách thành thật, hay tìm sự giúp đỡ; không ai hài hòa đời sống tình dục của mình! Nó vẫn đóng kín, giấu diếm, phủ nhận, trong phòng tối tăm, tách biệt khỏi ánh sáng của đức tin, chân lý, và ơn sủng.
Do đó, không thể có đời sống nước đôi; không có "Chúa Nhật độc thân"; không có "thời gian ngừng sống tốt"; không có lối sống lén lút khác biệt với Chúa Kitô và lời mời gọi luôn luôn hoán cải của Người. Hãy biết rõ chính mình, và để ai đó đáng tin cậy, là người yêu mến Chúa Giêsu và Giáo Hội một cách nồng nhiệt như bạn, cũng biết bạn. Như Thánh Philip Neri nói, "Khiêm tốn là sự bảo vệ tốt nhất cho sự khiết tịnh."
Nhưng, tôi đã đề cập khá nhiều đến khía cạnh tiêu cực của sự độc thân--những gì chúng ta phải khước từ--và vì lợi ích cho chính mình, chúng ta phải quay về với khía cạnh tích cực: những gì chúng ta yêu quý, những gì chúng ta chọn, những gì chúng ta thu thập.
Chúng ta thường thấy sự độc thân trong các ý nghĩa tiêu cực của sự từ bỏ mình, trong khi Thánh Phaolô coi đó như một đức tính mà những người không kết hôn "có thể dâng hiến chính mình cho công việc của Chúa" và chỉ lo lắng đến việc làm hài lòng Chúa (1 Côrintô 7:32). Nếu độc thân là một phương cách để dâng hiến chính mình "cho công việc của Chúa," thì nó phải là một phương cách yêu thương, một tình yêu không có đối thủ và đem lại một tính khí vui tươi cho tâm hồn để phục vụ. Định nghĩa sự độc thân chỉ là chối bỏ tình dục thì cũng thiếu thực tế như một chàng rể coi hôn nhân là chối bỏ mọi phụ nữ khác.
Hôn nhân và sự độc thân không thể nào sống được nếu không có sự thề hứa yêu thương thật sâu đậm đến độ khiến người ta phải từ bỏ mọi thứ khác. Như Dietrich Bonhoeffer nói, "Bản chất của khiết tịnh thì không phải là đè nén thèm khát, nhưng là trọn vẹn hướng cuộc đời về một mục tiêu. Nếu không có mục tiêu ấy, sự khiết tịnh sẽ trở nên nực cười."
Đức Ông Daniel Thomas, một trong các giám đốc linh hướng của trường, chia sẻ với tôi một câu nói đầy ý nghĩa của một mục sư Tin Lành là người đã viết cho các linh mục để khích lệ họ sống độc thân. Mục sư hỏi, "Sống độc thân có điên không?" Ông trả lời, "Có, cũng điên khùng như một người lính nhảy nằm lên trái lựu đạn để cứu bạn đồng đội." Cả hai được thi hành chỉ vì tình yêu hy sinh.
Do đó cần phải xác định rằng tình trạng độc thân và người độc thân là hai điều khác nhau. Cả hai đều giống ở sự khước từ-không lấy vợ; nhưng chúng khác nhau ở động lực; người độc thân không lấy vợ để được tự do, tiện nghi, và thoải mái; tình trạng độc thân để độ lượng và yêu mến Chúa Kitô và Giáo Hội.
Một người bạn thân của tôi, một phụ nữ đạo đức, trong năm đầu khi là nữ tu, chị nhớ lại khi dậy học lớp một nhiều năm trước đây, chị cảm thấy nghi ngờ trầm trọng về lời thề sống độc thân. Một ngày kia, có em học sinh bảy tuổi, chị biết là em xuất thân từ một gia đình đổ vỡ và người cha thường đánh đập, em hỏi chị, "Thưa dì, dì có kết hôn không?"
"Không," bạn tôi trả lời.
"Dì có con không?" em hỏi.
"Không," chị trả lời.
"Ô vậy thì tốt," em mỉm cười, an tâm, "vì bây giờ dì thuộc về mọi người chúng con."

Phải, đúng vậy, và tình trạng độc thân sẽ cho phép chúng ta thi hành điều ấy. Bạn thấy đó, chúng ta rơi vào cuộc tình từ đầu đến chân với Chúa Giêsu và Hôn Thê của Người, là Giáo Hội. Tình yêu của chúng ta thì tinh tuyền, trọn vẹn, đích thật. Chúng ta sẽ chết cho tình yêu của chúng ta, nhưng, hơn thế nữa, chúng ta sẽ sống cho tình yêu ấy, sống với sự chính trực và khiết tịnh.


Mục đích của đời sống độc thân là để được tự do cho một tình yêu vô tận mà nó sẽ triển nở trong niềm vui và sự độ lượng. Trong những lời cảm động của Pastores Dabo Vobis, "Giáo Hội, là Hiền Thê của Đức Giêsu Kitô, ao ước được yêu thương bởi linh mục theo phương cách trọn vẹn và độc đáo như Đức Giêsu Kitô, là đầu và là phu quân, yêu mến Giáo Hội. Do đó, sự độc thân của linh mục là quà tặng chính con người mình cho Giáo Hội trong và với Đức Kitô, và biểu lộ sự phục vụ của linh mục cho Giáo Hội trong và với Chúa Kitô" (Số 29).
Có thể nào để tôi nhắc đến một số duy trì thực tiễn nhằm nuôi dưỡng và bảo vệ "viên ngọc vô giá," sự độc thân khiết tịnh của chúng ta không? Có lẽ tốt nhất nên dùng cùng các loại tiêu cực và tích cực.
Điều tiêu cực--những gì phải tránh:


  • Lạm dụng rượu. Hãy lắng nghe bất cứ ai sa ngã trong sự khiết tịnh và, nhiều hơn bạn tưởng, chính việc uống rượu quá đáng đã góp phần. Sự kiểm soát các đam mê thì đã đủ khó khăn khi chúng ta tỉnh táo, biết rõ mình; khi chúng ta uống rượu, nó gần như bất khả.

  • Sách báo, phim ảnh, truyền hình khêu gợi. Thưa các bạn, văn hóa đời cố ý dẫn dụ chúng ta nghĩ rằng mình có thể chế ngự được các hình ảnh khêu gợi trên truyền hình, phim ảnh, báo chí, và internet. Như một linh mục già cộc lốc nói với tôi, "Khêu gợi, đồ chết tiệt—chúng chẳng 'khêu gợi' gì cả--chúng công khai như ban ngày." Chúng ta khờ dại nếu nghĩ rằng mình có thể nhìn xem những thứ này và không bị ảnh hưởng. Chúng ta cần thiết kế bộ phận kiểm soát "V-chip"! Cơ quan tình dục chính yếu là bộ óc, xưa nhất là máy VCR, và khi chúng ta mất cả giờ đồng hồ để xem những cảnh tượng mà xác ướp Ai Cập cũng phải bật dậy thì làm thế nào chúng ta có thể gạt bỏ những tư tưởng dâm dục ở trong đầu? Điều đó xưa như trái đất, có phải không!

  • Lời nói dâm dật. Thánh Anphong Liguori viết, "Chúng ta phải chết đi cái lưỡi của mình bằng cách tránh lời tục tĩu. Một lời nói diễu cợt dơ bẩn có thể là điều xấu cho người khác, và đôi khi một lời hai nghĩa, được nói cách dí dỏm, thì thiệt hại hơn một lời dơ bẩn công khai." Chúng ta là linh mục và linh mục tương lai đôi khi dùng ngôn ngữ khiến một thủy thủ phải đỏ mặt, ngôn ngữ trong phòng thay quần áo của học sinh trung học. Chúng ta cần khích lệ nhau đến sự thanh khiết, chứ đừng níu kéo nhau xuống. Cách chúng ta nói về điều gì đó thường được thấy qua cách đối xử. Nếu chúng ta nói về tình dục với sự tôn trọng và kính sợ, chúng ta sẽ có khuynh hướng đối xử như vậy; nếu ngôn ngữ chúng ta khiếm nhã và hạ cấp, đừng ngạc nhiên khi thấy các cám dỗ thiếu thanh sạch sẽ thường xuyên.

  • Không đặt ra các giới hạn thích hợp. Chúng ta không bao giờ tự cho phép mình ở với người mà chúng ta bị hấp dẫn mạnh mẽ, hay không bao giờ đến những nơi nhiều cám dỗ, dù đó là một khu vực trong thành phố, hay quán rượu, hay ngay cả nhà hàng ăn nổi tiếng về đồi trụy. Chúng ta phải cảnh giác về những yếu đuối của mình, phải khôn ngoan đặt ra các giới hạn, mà nếu không—như chúng ta thường nói ngày xưa--tự đưa mình vào dịp tội.

  • Các giới hạn… mà chúng ta biết rõ. Chúng ta không chuốc lấy khó khăn bằng cách tự đặt mình vào hoàn cảnh với những người mà chúng ta bị lôi cuốn và rồi có thể vượt ra ngoài lãnh vực khiết tịnh.

Tôi hy vọng chúng ta có được tình bạn đích thật với các phụ nữ, vui tình bằng hữu, có ích nhờ lời khuyên bảo của họ, tìm cách cộng tác với họ. Tôi cũng hy vọng tình bạn ấy luôn luôn thanh khiết. Như Hans Urs von Balthasar đã viết, "Trong tương giao với phụ nữ, các linh mục phải noi gương tao nhã và tự nhiên của Đức Giêsu." Cũng như người ta nói về đàn ông có vợ thế nào thì chúng ta cũng phải như vậy. Một người chồng có thể vui thích tình bằng hữu với phụ nữ khác, nhưng không bao giờ để tình cảm ấy nguy hại đến sự tương giao yêu thương với vợ ông.

Chúng ta cũng có thể vui thích tình bằng hữu với phụ nữ, nhưng không bao giờ để tình cảm ấy nguy hại đến lời thề độc thân của chúng ta. Như người chồng luôn luôn tự hỏi, "Tôi có thể giải thích thế nào với vợ tôi về sự tương giao này một cách thành thật và bình an?" thì chúng ta cũng phải tự hỏi về sự tương giao của mình với một phụ nữ. "Tôi có thể giải thích thế nào về sự tương giao này với vợ tôi, với nàng dâu của tôi, là Giáo Hội?" Tôi hy vọng là chúng ta có thể trả lời trong hầu hết mọi trường hợp. Nhưng cũng có khi chúng ta phải thú nhận, "Điều này không thể tiến xa hơn nữa."



  • Tránh dùng tiêu chuẩn thế gian làm sự hướng dẫn cho mình. Thế giới này sẽ nói với bạn: "Mọi người thỉnh thoảng cũng cần phải chơi liều!" "Khiết tịnh thì phản tự nhiên và không thích hợp!" "Ngay cả anh em linh mục khác cũng quên đi lời thề… vậy sao bạn lại nghiêm trọng?" "Những lề luật điên khùng của Giáo Hội được dựa trên một số lý tưởng thời trung cổ, lỗi thời. Bỏ đi!" "Khiết tịnh không còn là một đức tính chẳng khác gì hơn suy dinh dưỡng."

Động lực thúc đẩy chúng ta sống theo đường lối thế gian không đâu mạnh bằng trong lãnh vực tình dục. Thay vào đó, chúng ta chỉ thích nghi với những hoạch định của Thiên Chúa, gương mẫu của Chúa Giêsu, giáo huấn của Giáo Hội, và những quan hệ của một sự tự do lựa chọn được quyết định dựa trên một lương tâm có giáo dục, và không còn gì khác! Như Đức Gioan Phaolô II đã viết, "Từ thập giá, Chúa Giêsu nói với tất cả các linh mục của Người, mời gọi họ, cùng với Người, trở nên dấu hiệu mâu thuẫn đối với thế gian."
Những giúp đỡ tích cực-để được trân quý:


  • Cầu nguyện. Sao chúng ta thấy bối rối khi đưa tình dục vào sự cầu nguyện? Sao chúng ta sợ không dám thú nhận những yếu đuối của chúng ta, thú nhận sự sa ngã của chúng ta, và xin Chúa ban ơn? Có phải khiết tịnh và độc thân là một quà tặng? Vậy hãy xin món quà ấy trong sự cầu nguyện! Cha Dominic Maruca nói, "Bạn tự tử về đàng tinh thần nếu nghĩ rằng bạn có thể thực sự sống độc thân mà không có một tương giao mạnh mẽ với Chúa."

Đời sống độc thân có những lúc cô đơn, chán nản, tranh đấu quyết liệt với sự cám dỗ. Đó là khi chúng ta cần kết hợp với Chúa Giêsu trong sự thống khổ ở vườn Cây Dầu, trong sự hy sinh trên thập giá. Sự độc thân có những giây phút vui mừng và hoàn mãn của nó. Đó là khi chúng ta cần gần với Chúa Giêsu trong sự vinh quang phục sinh của Người.

Hãy nghe Đức TGM Flynn nói:

Lời thề sống độc thân chỉ có thể được duy trì trong sự cầu nguyện. Sự ồn ào của thế gian phải được thường xuyên dập tắt để tạo thành một ốc đảo thinh lặng là nơi linh mục hay chủng sinh có thể nghe được Chúa nói. Chúng ta phải luyện tập được sự tuyệt đối cần thiết của sự cầu nguyện trong cô độc và bền bỉ… Trong những lúc đó… Chúa sẽ uốn nắn và Người sẽ hỗ trợ, nhưng nếu không có điều đó ánh sáng độc thân sẽ dần dà tắt lịm.

Hãy nhìn nó theo phương cách này: sự độc thân khiết tịnh của chúng ta là dấu chỉ bên ngoài của một tình yêu bên trong dành cho Chúa Giêsu và Giáo Hội. Nếu đời sống bên trong đó đã chết, dấu chỉ bên ngoài chỉ là sự dối trá! Như người chồng khó giữ được sự khiết tịnh nếu không có một tương giao vững mạnh với vợ mình, chúng ta cũng khó để sống độc thân nếu chúng ta không duy trì một tình bạn sống động với Người Yêu Thần Thánh.

Những tranh đấu với sự khiết tịnh đưa chúng ta đến sự cầu nguyện: cầu xin, phải, khi chúng ta tìm kiếm sức mạnh từ Thiên Chúa; cầu khẩn thương xót, khi chúng ta xin Chúa tha thứ cho những sa ngã; và, thật ngược đời, lời tạ ơn, khi chúng ta cảm tạ Thiên Chúa vì sự yếu đuối của chúng ta, tình dục của chúng ta, vì nó dẫn chúng ta đến với Người và nhắc nhở chúng ta phải cần đến Người và cần phải yêu thương người khác. Một loại cầu nguyện hữu hiệu để thêm sức mạnh cho lời thề độc thân của chúng ta là bí tích hòa giải.


  • Vui thích sự cô tịnh. Chúng ta có vui với chính mình, vui khi cầu nguyện, đọc sách, viết lách, nghe nhạc, tập thể dục, hay tiêu khiển có tính cách xây dựng hoặc lao động? Hay chúng ta là con mòng mòng lúc nào cũng bay lượn tìm kiếm các trò chơi mới, điều kỳ cục, và bè bạn mới? Một đời sống độc thân lành mạnh đòi hỏi yêu thích sự cô tịnh.

  • Một lối sống quân bình, có kỷ luật. Điều này đòi hỏi phải sắp xếp cẩn thận về sự cầu nguyện, làm việc, nghỉ ngơi, giải trí và tình bằng hữu, với một phương pháp có kỷ luật về ăn uống, cách tiêu xài, và giải trí. Chúng ta thường gọi đó là phương pháp sống "khổ hạnh". Ngày nay chúng ta gọi đó là thiết lập một nếp sống nhịp nhàng lành mạnh. Tâm lý gia Richard Sipe, người đã viết rất nhiều về sự độc thân linh mục, nói rằng các yếu tố căn bản để duy trì "nếp sống nhịp nhàng lành mạnh" này là làm việc, cầu nguyện, sống cộng đoàn, phục vụ, chăm sóc sức khỏe chính mình, sống có trật tự và quân bình, luôn luôn học hỏi, và biết thưởng thức vẻ đẹp.

  • Các linh mục anh em tốt lành. Đây là những người mà chúng ta có thể tin tưởng, chia sẻ niềm vui, sự chán nản, và xả cơn giận, những người có tương giao bền chặt với chúng ta, và họ có thể thẳng thắn nói với chúng ta khi chúng ta tự lừa dối mình về lý tưởng và lời thề của linh mục.

  • Các bạn hữu có gia đình tốt lành. Đời sống độc thân được xây dựng trên một cảm nhận chân thành về hôn nhân. Như ĐHY O'Connor nói, "Những người độc thân tốt là những người sẽ là người chồng và người cha tốt." Sự tương giao tốt đẹp với các đôi vợ chồng sẽ làm nền tảng cho tình yêu độc thân của chúng ta về lương tri, và mạnh mẽ nhắc nhở rằng chúng ta được mời gọi để yêu thương Giáo Hội thật trìu mến như người chồng yêu thương vợ ông, và để chúng ta yêu thương dân chúng như đôi vợ chồng này yêu thương con cái. Họ cũng còn là một nhắc nhở cho đầu óc cứng cỏi của chúng ta khi chúng ta bắt đầu khao khát hôn nhân như một thiên đàng!

Tôi kết thúc với sự thú nhận rằng tôi chỉ mới bàn sơ qua. Và tôi kết thúc với một nhận xét sau cùng: người ta có thể sống một cuộc đời hạnh phúc, lành mạnh, có kết quả, trung thành với lời thề độc thân khiết tịnh. Thế gian sẽ nói với bạn là không thể, họ sẽ từ chối giá trị của đời sống độc thân, họ dám chắc rằng đó là điều bệnh hoạn, phản tự nhiên, và không thể được. Họ sẽ khiêu khích bạn và nói, "Thôi mà, bạn giấu giếm làm gì." Và, chúng ta hãy đối diện với điều đó, quá nhiều linh mục hành động theo một phương cách mà nó chỉ cung cấp thêm cho họ thuốc nổ.


Nhưng, với ơn Chúa, điều đó có thể, và, không những thế, nó còn lành mạnh và vui vẻ rành rành. Nó có khó không? Chắc chắn có những lúc như vậy, nhưng sự khiết tịnh và hy sinh trong hôn nhân cũng thế. Có những lúc khắc nghiệt không? Chắc là như vậy, và, không chỉ thiếu sót tình yêu nhục dục, nhưng còn thiếu cả sự bầu bạn trìu mến, hiểu biết, hỗ trợ của một phụ nữ mà thế giới của họ bao vây bạn và là người đem cho bạn các kết quả sống động, biết thở của tình yêu, đó là con cái.
Nhưng đối diện với các thách đố ấy một cách thực tế đưa chúng ta vào vòng tay của một tình yêu vô tận, thoả mãn nhất trong tất cả, và giải thoát chúng ta khỏi mọi ràng buộc để cả đời hy sinh phục vụ người Hiền Thê đầy vui thú, là Giáo Hội. Và chính những người chế nhạo rằng đời sống độc thân thì bất khả và nguy hiểm, sâu trong tâm khảm họ lại bàng hoàng khi thấy những người có một tình yêu thật thỏa mãn và phấn khởi hơn cả những người có gia đình; và rồi những cay đắng đó trở nên một thúc giục họ tìm kiếm khi chúng ta, tuy vấp ngã nhưng thành khẩn yêu thương Chúa Giêsu và Giáo Hội, cho thấy rằng cuộc đời này không chỉ có những gì nhìn thấy được.
Do đó chúng ta yêu quý sự độc thân khiết tịnh một cách thành thật, thực tế, lành mạnh, vui vẻ, tự do. Sự sợ hãi, đè nén, hay thiếu thành thật không có chỗ đứng trong sự thơ mộng này. Như Thánh Francis de Sales đã viết:
Đừng Sợ…

Đừng nhìn đến những thay đổi và cơ hội trong cuộc đời này với sự sợ hãi; đúng hơn hãy nhìn chúng với hy vọng tràn trề rằng, khi chúng xuất hiện, Chúa sẽ giúp bạn thoát khỏi chúng. Người đã gìn giữ bạn cho đến bây giờ, vậy hãy nắm chặt bàn tay yêu dấu của Người, và Người sẽ dẫn đưa bạn một cách an toàn qua mọi sự; và, khi bạn không thể đứng vững, Người sẽ bồng ẵm bạn trên tay. Đừng nhìn đến những gì có thể xảy đến ngày mai; chính Cha hằng hữu đã chăm sóc bạn hôm nay sẽ lo cho bạn ngày mai và mọi ngày. Hoặc Người sẽ che chở bạn khỏi mọi đau khổ, hoặc Người sẽ ban cho sức mạnh để bạn chịu đựng. Vậy hãy bình thản, và gạt bỏ mọi lo lắng trong ý nghĩ và sự tưởng tượng.
Chúng ta hãy cầu nguyện… như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II kết thúc Lá Thư Thứ Năm Tuần Thánh gửi các Linh Mục:
Lạy Thiên Chúa, chúng con cảm tạ Ngài vì món quà Chức Linh Mục.

"Te Deum laudamus. Te Dominum confitemur. …"
Chúng con chúc tụng và cảm tạ Chúa, ôi lạy Chúa: mọi trái đất đều thờ lạy Ngài. Chúng con, các thừa tác viên của Ngài, cùng với tiếng nói của các ngôn sứ và toàn thể tông đồ, tuyên xưng Ngài là Cha và Chúa của sự sống, của mọi hình thức sự sống xuất phát từ một mình Ngài.

Chúng con nhận biết Ngài, ôi Ba Ngôi Cực Thánh, là nơi phát sinh và khởi đầu ơn gọi của chúng con: Ngài, là Chúa Cha, từ muôn thuở đã nghĩ đến chúng con, ao ước chúng con và yêu thương chúng con; Ngài, là Chúa Con, đã chọn chúng con và mời gọi chúng con đến chia sẻ chức tư tế vĩnh viễn và độc đáo của Ngài; Ngài, là Chúa Thánh Thần, đã đổ tràn ơn sủng của Ngài trên chúng con và thánh hóa chúng con với dầu thánh thiện của Ngài. Ngài, là Chúa của thời gian và lịch sử, đã đặt chúng con vào ngưỡng cửa của Ngàn Năm Thứ Ba, để trở thành chứng nhân cho ơn cứu độ mà Ngài đã hoàn thành cho tất cả nhân loại. Chúng con, là Giáo Hội đang tuyên xưng sự vinh hiển của Ngài, van xin Ngài: đừng bao giờ để thiếu các linh mục thánh thiện để phục vụ Tin Mừng; hãy để mọi Thánh Đường và mọi nơi trên thế giới long trọng vang lên lời ca "Veni, Creator Spiritus"—Xin hãy đến, ôi Thần Khí Sáng Tạo! Xin hãy đến để xây dựng một thế hệ người trẻ sẵn sàng làm việc trong vườn nho của Chúa, để lan truyền Nước Chúa cho đến tận cùng trái đất. Và Ngài, Đức Maria, Mẹ Đức Kitô, là người đã chấp nhận chúng con với Tông Đồ Gioan như con cái của Ngài khi ở chân thập giá, xin hãy tiếp tục trông nom ơn gọi của chúng con. Chúng con xin dâng lên Ngài những năm tác vụ mà Đấng Quan Phòng sẽ để chúng con sống. Xin hãy gần với chúng con để dẫn dắt chúng con trên các nẻo đường thế giới, để gặp gỡ những người nam và nữ mà Con Ngài đã cứu độ với máu châu báu. Xin giúp chúng con chu toàn thánh ý của Đức Giêsu, được sinh ra bởi Ngài để cứu chuộc nhân loại. Ôi Chúa Kitô, Ngài là niềm hy vọng của chúng con! "In te, Domine, speravi, non confundar in aeternum."



Chương 24
SÙNG KÍNH ĐỨC MẸ

(đoạn trích Kinh Thánh: TĐCV 1:12-14)

Trong nguyện đường của North American College, khi cầu nguyện và xem lễ buổi sáng tôi thường ngồi bên phía có tòa giảng. Lý do thật đơn giản. Vào khoảng thời gian đó trong ngày, tôi cần tập trung tư tưởng. Ngồi phía này tôi có thể nhìn thẳng lên bức tranh Truyền Tin to lớn vẽ ở trên tường, và đối với tôi, việc tập trung vào Đức Maria và Thiên Thần Gabrien cung cấp cho tôi "sự cấp cứu," đích điểm tôi cần. Theo sử gia về nghệ thuật Kenneth Clark, cảnh Truyền Tin là cảnh thường được thấy nhất trong lịch sử hội họa, do đó hiển nhiên là không chỉ có một mình tôi mới thấy nó hấp dẫn.
Khi tôi hỏi ba chủng sinh vừa từ Đất Thánh trở về trong cuộc hành hương rằng nơi nào khiến họ cảm động nhất, tuy trả lời riêng rẽ họ đều cho biết, "Nhà Thờ Truyền Tin ở Nagiarét," và, nhất là dấu ấn ở trên sàn, Hic Verbum caro factum est ("Ở đây Ngôi Lời đã hóa thành Nhục Thể")
Vì vậy, một lần nữa, tôi thấy mình không lẻ loi khi bị thu hút bởi biến cố Truyền Tin. Martin Luther viết, "Biến cố Truyền Tin, khi thiên thần đến với Đức Maria và đem cho ngài sứ điệp của Thiên Chúa, có lẽ thích hợp để gọi là lễ về nhân tính Chúa Kitô, vì sau đó chúng ta bắt đầu được giải thoát."
Sự Nhập Thể; mầu nhiệm chủ yếu của Kitô Giáo; "tin mừng"—đó là Thiên Chúa trở nên một con người, Ngôi Lời hóa thành nhục thể, Ngôi thứ hai trong Ba Ngôi Thiên Chúa tự mặc lấy bản tính con người trong lòng của một trinh nữ. Chính chân lý đó cung cấp cho tôi một trọng điểm vào mỗi buổi sáng, chính cảnh Trinh Nữ đó đã nhắc nhở tôi về căn tính, ơn gọi, và nhiệm vụ của tôi khi khởi sự một ngày mới.
Vì, như Đức Fulton Sheen từng giảng thật hay, tin mừng thực sự là sự Nhập Thể vẫn tiếp tục, khi Ngôi Lời Thiên Chúa được trở thành máu thịt mỗi ngày trong tâm trí, trong lời nói và hành động của các môn đệ Chúa. Như thế các linh mục rất giống với Đức Maria, vì câu hỏi căn bản được đặt ra cho họ, câu trả lời mà qua đó đem lại căn tính, ơn gọi và nhiệm vụ cho họ thì rất giống với câu hỏi được đặt ra cho Đức Maria trong khi Truyền Tin: Cô có đồng ý đem xương thịt cho Con Thiên Chúa không? Liệu Thiên Chúa sẽ trở nên loài người qua con người của cô không? Cô có cung cấp cho Thiên Chúa Con bản tính loài người không? Khi tôi ngồi nhìn lên Đức Maria, nhiệm vụ, căn tính, và ơn gọi của tôi là một linh mục lại được tái khẳng định; tôi được nhắc nhở rằng trong một vài phút nữa đây, ở bàn thờ, về phương diện bí tích tôi sẽ cung cấp máu thịt cho Chúa, và tôi quyết tâm rằng trong suốt ngày hôm nay, với sự giúp đỡ của Người, Chúa sẽ lại nhập thể cho dân Người trong tôi và qua tôi.
Kể từ khi các linh mục đầu tiên đưa Đức Maria về sống với họ sau khi Thăng Thiên để chờ đợi lễ Hiện Xuống trong nhà tiệc ly, thì các linh mục của giao ước mới cũng luôn vui hưởng sự tương giao đặc biệt với Mẹ của Thượng Tế Đời Đời, điều đó có đáng ngạc nhiên không? Chính sự sùng kính Đức Mẹ trong cuộc đời linh mục mà tôi muốn đề cập.
Việc cổ vũ lòng yêu mến Đức Mẹ sẽ không thiếu thực tế và không lý thuyết suông. Tôi đưa ra tình yêu sâu đậm như con thảo đối với Đức Maria như một phương cách thực tiễn và hợp lý để luôn trở nên một linh mục trung tín và có kết quả. Tôi có thể nói rất thành thật rằng mọi linh mục làm gương cho tôi đều có một sự tín thác không lay chuyển vào Mẹ Maria; và tôi phải thú nhận rằng, khi tôi hỏi các "nhân vật phi thường" trong các anh hùng linh mục cho biết lý do về sự thành công của họ, tất cả đều coi việc trông cậy vào Mẹ Maria như đứng gần hàng đầu.
Có lần tôi tham dự ngày cầu nguyện cho các linh mục của Chị Bridge McKenna, và chị thúc giục chúng tôi hãy yêu mến Đức Maria như con cái của ngài. Chị nói, "Không ngạc nhiên gì, các linh mục quý vị gần với ngài, vì quý vị cũng như ngài nhìn đến Chúa Giêsu--trước kia ngài ở mặt đất và bây giờ trên thiên đàng, và quý vị, trong Thánh Lễ--và cả hai đều nói, mà không ai có thể nói được rằng, 'Đây là mình tôi; đây là máu tôi'."
Khi nhìn chung trường North American College, tôi thấy có nhiều lý do để cảm tạ Thiên Chúa, và một trong những lý do hàng đầu là sự sùng kính đầy sức sống đối với Đức Mẹ. Điều này từng nổi tiếng trong chủng viện của chúng tôi vì nó được thành lập vào ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội năm 1859. Tôi thật vui mừng khi thấy các chủng sinh cùng nhau lần chuỗi Mai Khôi, mừng các lễ về Đức Mẹ, hăng say hành hương các đền Đức Mẹ, và phát động các việc đạo đức như hành động hoàn toàn tận hiến cho Mẹ. Như tôi thường nhắc nhở các tân chủng sinh vào ngày đầu tiên ở trường, vai trò của Đức Maria trong trường thì trổi vượt và rõ ràng như bức khảm đằng sau bàn thờ, và sự chân thành sùng kính Mẹ là một đặc điểm của đời sống chủng viện ngay tự ngày đầu.
Tương tự như vậy, Thành Thánh cũng ấp ủ một tình yêu cho Mẹ; từ các bích họa cổ xưa ở các hang toại đạo đến nhà thờ Đức Bà Cả và Santa Maria ở Trastevere; từ Salus Populi Romant đến Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp của Thánh Anphong; từ các buổi lễ ở giáo xứ và địa phương đến các bức ảnh Đức Mẹ hầu như trang hoàng mọi góc cạnh của thành phố--Mẹ đều ở đó.
Và sau đó, dĩ nhiên, một gương mẫu sáng ngời của Đức Giám Mục Rôma, là người, có lẽ hơn ai hết, đã làm sống lại sự sùng kính Mẹ Maria (*). Lòng yêu mến Mẹ Maria một cách kiên cường, chân thật, theo tinh thần Phúc Âm của đức giáo hoàng được thấy trong mọi bài diễn văn, thông điệp, lời nói, cuộc thánh du, và hoạt động tông đồ của triều đại giáo hoàng đặc biệt của ngài. Lời kết trong thông điệp "Ơn Sủng và Mầu Nhiệm" của đức giáo hoàng có thể dùng như một dẫn giải về toàn thể nhiệm vụ chăn dắt của ngài: "Xin Đức Trinh Nữ Maria chấp nhận lời chứng này như một sự tôn kính của người con, để vinh danh Ba Ngôi Thiên Chúa. Xin Mẹ làm cho lời chứng ấy sinh hoa kết quả trong tâm hồn của các anh em linh mục và mọi phần tử của Giáo Hội. Xin Mẹ làm cho lời chứng ấy trở nên men đoàn kết cho nhiều người thiện tâm, tuy họ không chia sẻ cùng đức tin, nhưng thường lắng nghe lời con và chân thành đối thoại với con."
Chúng ta có thể xác nhận rằng niềm hy vọng của Đức Gioan Phaolô II đã được hoàn tất.
Một lần nữa, tôi cảm tạ Thiên Chúa vì sự sùng kính sốt mến đối với Đức Mẹ mà trường chúng ta được chúc phúc. Và, vì chủng viện thường là thế giới tiểu vi của Giáo Hội hoàn vũ, chúng ta không ngạc nhiên khi Giáo Hội--thật vậy, toàn thế giới—đang cảm nghiệm sự canh tân lớn lao về sự lưu ý và sùng kính đối với Mẹ. Bạn khó có thể tìm thấy một dụng cụ nào để đo lường chiều hướng thế giới tốt cho bằng tờ báo Life, và, có lẽ bạn biết là hình của Mẹ được in ngay trang bìa của số tháng Mười Hai, 1996. Trong một bài báo khá đầy đủ họ cố gắng khám phá ra điều họ gọi là "bí ẩn của Đức Maria", để kết luận rằng sự thu hút đến Mẹ là một trong những động lực mạnh mẽ nhất thế giới, không chỉ thu hút người Công Giáo và Chính Thống Giáo như thường lệ, mà còn người Hồi Giáo, Tin Lành, Do Thái Giáo, và cả những người không thuộc giáo phái nào.
Cho phép tôi đề cập đến lịch sử đôi chút để nhận xét rằng, trong trí nhớ của nhiều người, sự sùng kính Đức Maria đã không thường phổ thông như bây giờ. Trong những năm hồ hởi, gay go, thu dọn sau Công Đồng Vatican II, nhiều người cảm thấy rằng phong trào Cải Cách không ưa thích gì Đức Maria đã kéo dài đến tận Rôma, và sau cùng Mẹ đã bị loại bỏ trong nhà kho và bảo tàng viện. Có những lời kêu gọi hãy lưu ý đến Đức Maria một cách hợp lý, điềm tĩnh, phù hợp thần học, và sáng suốt. Ngay cả một số người bắt đầu chế nhạo lòng hiếu thảo đối với Đức Maria. Như tôi sẽ giải thích sau đây, có lẽ một số cải cách này thì cần thiết và ngay cả có ích, nhưng bây giờ chúng ta thấy một tình yêu trìu mến đối với Mẹ Chúa Giêsu thì thật mạnh mẽ và ăn sâu trong tinh thần Kitô Giáo đến độ không thể tẩy xóa được. Như Đức Hồng Y Carlo Martini mới đây nhận xét với các linh mục ở Milan: "Tôi tin rằng đã đến lúc phải có cái nhìn mới mẻ về việc sùng kính Đức Maria, để tìm ra một sự quân bình giữa thần học sáng tỏ và tình thương mến của người tín hữu Kitô. Nói cách khác, có thể chúng ta phải đương đầu với nguy cơ mất mát sự nồng ấm và xúc động trong đức tin, trong lời cầu nguyện và trong đời sống chúng ta.… Chúng ta đã đến thời điểm mà thái độ lạnh lùng, khoa học không còn đáp ứng được nhu cầu xúc cảm hiển nhiên nhờ gắn bó với Đức Maria."
Như tôi đã gợi ý, có những thái quá đáng tiếc trong việc canh tân sự sùng kính Đức Maria thời hậu công đồng, nhưng cũng có các thái quá trong việc sùng kính Đức Maria thời tiền công đồng. Hy vọng là tôi không ngây thơ khi đồng ý với đức tổng giám mục Milan rằng có lẽ bây giờ, sau khi đã thấy các thái cực của hai phía, có thể chúng ta được ích lợi từ sự sùng kính đã canh tân và hợp lý đối với Đức Maria mà dường như đang lan tràn trong Giáo Hội ngày nay.
Trong tình yêu đích thực đối với Đức Maria, một bài giáo lý có giá trị là tông thư Marialis Cultis, 1974, của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, nói về thứ tự chính đáng trong việc sùng kính Đức Maria. Sau khi bác bỏ sự sùng kính có tính cách ngọt ngào, đầy cảm xúc, và đáng nghi ngờ về học thuyết của một số phong trào thời trước công đồng, cũng như bác bỏ việc coi thường vai trò trọng yếu của Đức Maria trong những năm cuối thập niên sáu mươi và bẩy mươi, Đức Phaolô VI đã kêu gọi một sự sùng kính đích thật, hăng say đối với Mẹ Maria, một "cultus" đã được tẩy sạch mọi tì vết thường được gọi là thờ bái Đức Bà, nhưng nhấn mạnh đến vai trò không thể thay thế được của ngài trong công trình cứu độ.
Đức giáo hoàng đưa ra bốn điểm cần kiểm soát để biết chắc sự sùng kính của chúng ta đối với Mẹ Thiên Chúa thì thuần túy, hợp lý, và trưởng thành; đó là phù hợp với Kitô học, có nguồn gốc kinh thánh, có tính cách phụng vụ và thuộc giáo hội, và nhậy cảm với tinh thần đại kết. Bây giờ tôi đưa ra các điểm đáng duyệt xét lại này khi chúng ta tiếp tục mong muốn sự sùng kính Đức Maria của chúng ta phù hợp với Giáo Hội.
Phù hợp Kitô học: như một châm ngôn xưa có nói, "Ad Jesum per Mariam" ("Đến với Chúa Giêsu qua Mẹ Maria"). Mục đích duy nhất mà chúng ta chú ý đến Mẹ Maria là để đến với Chúa Giêsu. Nó là sự uyên thâm đơn giản của Công Giáo, một trong những phương cách hữu hiệu, bền bỉ, thích thú và dịu dàng để gần với Chúa Giêsu đó là nắm lấy tay của Mẹ Người. Người phụ nữ mà những lời sau cùng được ghi lại trong Phúc Âm, "Hãy thi hành bất cứ gì Đức Giêsu bảo," thì phản đối và khinh chê bất cứ toan tính nào đưa ngài lên trên hay đi trước Con của ngài.
Có thể nào quá đáng trong sự sùng mộ đối với Mẹ Maria không? Vậy thì, có thể quá đáng trong sự sùng mộ sai lầm đối với Đức Maria chứ! Tuy nhiên, thật khó có thể quá đáng sùng kính Mẹ một cách chân thành, thích hợp. Như Thánh Bernard đã giảng, "Đừng nghĩ rằng chúng ta làm mất đi vinh dự của Người Con bởi chúng ta quá đáng tôn vinh Người Mẹ, vì ngài càng được vinh dự bao nhiêu, thì Con ngài càng được vinh dự hơn bấy nhiêu." Hãy lắng nghe Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhớ lại sự sùng kính Đức Maria của người trong thời thơ ấu:
Vào lúc ơn gọi đi tu của tôi ngày càng phát triển… một sự thay đổi xảy ra trong sự hiểu biết của tôi về sự sùng kính Mẹ Thiên Chúa. Tôi từng tin rằng Đức Maria dẫn chúng ta đến với Chúa Kitô, nhưng vào lúc đó tôi bắt đầu nhận ra rằng Chúa Kitô cũng dẫn chúng ta đến với Mẹ của Người. Có lúc tôi bắt đầu thắc mắc về sự sùng kính Đức Maria, vì tin rằng, nếu sự sùng kính ấy quá đáng, nó có thể nguy hại đến sự thờ phượng bó buộc đối với Chúa Kitô. Vào lúc ấy, tôi được giúp ích rất nhiều bởi cuốn sách của Thánh Louis Marie Grignion de Montfort, "Treatise of True Devotion to the Blessed Virgin" (Luận thuyết về sự sùng kính đích thật đối với Đức Trinh Nữ). Trong sách đó tôi tìm thấy câu trả lời cho các thắc mắc. Phải, Đức Maria đem chúng ta đến gần với Chúa Kitô hơn; ngài thực sự dẫn chúng ta đến với Người, nếu chúng ta sống mầu nhiệm của ngài trong Chúa Kitô… Đây là nguồn gốc của khẩu hiệu Totus Tuus, chữ viết tắt của hình thức phó thác mà phải đọc là: Totus tuus ego sum et omnia mea Tua sunt. Accipio Te in mea omnia. Praebe mihi cor Tuum, Maria. (Con hoàn toàn thuộc về ngài, và tất cả những gì con có đều là của ngài. Con đưa ngài vào mọi sự thuộc về con. Hãy cho con trái tim của ngài, ôi Đức Maria).
Nếu sự chú ý của chúng ta đối với Đức Maria chỉ dừng ở nơi ngài, đó là điều sai lầm. Ngài rất thích là một khí cụ cho một cùng đích, cùng đích đó là được ở với Con của ngài. Một sự tôn kính Đức Maria đích thật, chân thành, chính thống thì luôn luôn phù hợp Kitô học.
Tương tự, sự sùng kính phải có nguồn gốc kinh thánh, Đức Phaolô VI nói như vậy. Tất cả những gì chúng ta cần cho sự sùng mộ phong phú, bền bỉ đối với Đức Maria thì được tìm thấy trong Kinh Thánh. Điều này không có nghĩa là cả một chuỗi những ngày lễ, danh hiệu, lần hiện ra, kinh kệ, thánh ca, thi phú, và truyền thống của Giáo Hội thì đều sai lạc. Không, chúng cần đón nhận và hữu ích vì xuất phát từ sự mặc khải sinh động của Thiên Chúa về người con gái được chọn của Người mà đã được ghi lại trong Sách Thánh, được trao lại qua Truyền Thống, và được gìn giữ bởi huấn quyền. Một sự sùng kính thuần tuý và đích thật đối với Mẹ Maria thì không lệ thuộc vào những việc hiện ra, những bí mật, những phép lạ và những mặc khải mới. Thomas Merton nói rất đúng, "Vì Thiên Chúa tiết lộ rất ít về Đức Maria, những người không biết chút gì về Chúa và điều mặc khải thì thường thêm vào một số điều mà Thiên Chúa đã cho chúng ta biết về ngài."
Sự tôn kính Đức Maria đích thật thì có nền tảng Kinh Thánh.
Thứ ba, sự sùng kính có tính cách phụng vụ và thuộc giáo hội. Phương cách phong phú để Giáo Hội vinh danh Đức Maria thì trong các lời nguyện chính thức của Giáo Hội, trong việc cử hành ngày lễ kính và mãn nguyện với các kinh phụng vụ mà chúng ta đã có. Một lần nữa, những sự sùng kính và lời nguyện riêng tư thì đáng khen ngợi, một khi chúng đưa dẫn chúng ta đến lời ca tụng chung của Giáo Hội, là phụng vụ. Chữ được dùng bởi Đức Giáo Hoàng Phaolô VI là thuộc giáo hội, vì chúng ta đã quá mệt mỏi với những việc sùng kính quá cá nhân và quá đáng.
Sau cùng, Đức Phaolô VI nói, chúng ta phải để ý đến chiều kích đại kết trong sự sùng kính Đức Maria. Về phương diện tích cực, điều này có nghĩa chúng ta phải hăng hái chia sẻ với anh chị em Tin Lành sự phong phú của việc sùng kính đích thật đối với Đức Maria; về phương diện tiêu cực, điều này có nghĩa chúng ta phải nhậy cảm về những băn khoăn canh tân và có tính cách phúc âm được gây nên bởi những sai lầm và quá đáng trong quá khứ.
Nhân đây, một sự phát triển đại kết rất được hoan nghênh, như bạn đã biết, là Kitô Hữu cải cách và duy phúc âm đang từ từ quý mến vai trò của Đức Maria. Một trong những nghiên cứu hiện đại về Đức Maria có ảnh hưởng lớn, như bạn có lẽ đã thấy, là cuốn "Mary Through the Centuries" (Đức Maria qua các thế kỷ) của học giả Jaroslav Pelikan, thuộc giáo phái Luther. Tôi nhớ một vài năm trước đây khi thảm kịch xảy ra với chuyến bay 800 của hãng TWA, Tiến Sĩ Forrest Church, mục sư của nhà thờ All Souls thuộc giáo phái Unitarian, Nữu Ước, nhận định: "Dân chúng thường hỏi, 'Sao Chúa lại để một điều như vậy xảy ra?' Nhưng rồi họ quay về với nhau và cầu nguyện cho nạn nhân, và tôi thấy nhiều người cầu nguyện với Đức Maria… để được giúp đỡ và được nuôi dưỡng. Và tôi muốn nói đến sự nuôi dưỡng trong một phương cách mạnh mẽ, chứ không phải yếu đuối. Ngài sẽ thay mặt họ đưa những câu hỏi khó khăn của họ lên Thiên Chúa! Ngài sẽ nâng họ lên và giúp họ tiến bước! Tôi ghen với đạo Công Giáo vì Đức Maria."
Phải, bạn nghe đó! Đây là từ một người Unitarian!
Do đó, một sự sùng mộ đích thật đối với Đức Maria thì phù hợp với Kitô học, có nguồn gốc kinh thánh, có tính cách phụng vụ và thuộc giáo hội, và trưởng thành về phương diện đại kết.
Bây giờ, hãy đón nhận kho báu của đời sống Kitô Hữu này, là tình yêu của chúng ta đối với Mẹ Thiên Chúa, và xem ngài có thể giúp đỡ đặc biệt thế nào với các linh mục. Thánh Bernardine ở Siena nhận xét, "'Đây là mẹ của con.' Qua lời này, Đức Maria, bởi tình thương ngài gánh chịu, trở nên người Mẹ, không chỉ của Thánh Gioan, nhưng của mọi người."
Anh em thân mến, đó không phải là ích kỷ hay độc quyền để cho rằng tình mẫu tử của ngài được áp dụng đặc biệt cho các linh mục. Ngài yêu mến Chúa Giêsu hơn ai hết. Thật có ý nghĩa khi kết luận rằng những ai đồng hình dạng với Con của ngài qua chức thánh, những ai hành động trong danh Người, được đặc biệt tự nhận ngài là mẹ chung của họ.
Người ta thường nói phương cách hiển nhiên nhất ngài giúp chúng ta là qua sự cầu bầu của ngài. Thánh Philip Neri kết luận: "Không cách nào tuyệt hảo hơn để có được ơn Chúa bằng cách tìm kiếm ơn ấy qua Đức Maria, vì Con của ngài không thể từ chối ngài bất cứ điều gì."
Các linh mục không thể sai lầm khi quay về với ngài, như Con ngài đã làm, vị tư tế đầu tiên của giao ước mới. Nhất là trong lúc thử thách, cám dỗ và cô đơn chúng ta có thể tìm thấy trong ngài một đôi tai biết lắng nghe và một đôi vai êm ái—và, tin tôi đi, tôi biết điều đó từ cảm nghiệm. Bạn sẽ thấy rằng các linh mục nào đang chiến đấu với sự khiết tịnh, điều độ, hồ nghi, tuyệt vọng và bệnh tật đều có một tương giao mật thiết với ngài. Như thế, hiển nhiên nhất, ngài giúp chúng ta vì ngài là đấng cầu bầu mạnh thế. Thánh quan thầy của chúng ta, Cha sở họ Ars, đã giảng, "Chỉ cần quay về với Đức Maria để được nghe Chúa nói với ngài, 'Mẹ ơi, con không thể từ chối mẹ điều gì.'"
Người Pháp có một câu rất đúng: Nếu muốn biết bí quyết thành công của một người đàn ông, Cherchez la femme ("hãy tìm người đàn bà"). Vậy thì, chúng ta hy vọng chắc chắn là tác vụ linh mục của chúng ta sẽ có kết quả và thành công. Nếu, "hãy tìm người đàn bà", đó là người đã gây ra điều đó, và người đàn bà đó trong đời sống linh mục là Bà Maria. Như người chồng trở về nhà từ sở làm và trút mọi khó khăn lên vợ ông, thì chúng ta cũng có thể tìm thấy đôi tai lắng nghe và đôi mắt trìu mến khi chúng ta giãi bầy tâm sự với Đức Maria. Tôi không muốn nói đến tình cảm ủy mị ở đây. Tất cả những gì tôi biết là điều đó hữu hiệu, và Chúa Giêsu biết rõ điều Người thi hành khi từ bàn thờ thập giá Người giao phó chính Mẹ của Người cho các linh mục đầu tiên.
Một trong những bạn thân linh mục của tôi thì rất thương mẹ của anh, nhất là sau cái chết của cha anh. Sau khi chồng chết, bà phải chiến đấu với bệnh trầm cảm, và ngay cả phải nằm bệnh viện. Thật cảm động khi thấy bạn tôi âu yếm chăm sóc mẹ anh. Một trong những ngày được nghỉ, anh vội đến nhà bà để thăm hỏi nhưng chỉ để thấy rằng bà đã tự kết liễu đời mình. Bạn có thể tưởng được anh tan nát đến thế nào.
Một vài tuần sau tang lễ, anh tiếp tục chương trình đã được dự định cả năm trước và anh đến Rôma để tham dự cuộc tĩnh tâm cho các linh mục. Đó là thời điểm suy nhược nhất của anh. Chưa bao giờ anh cảm thấy quá cô đơn, quá mồ côi. Anh cho biết, khúc quanh quan trọng xảy đến trong phần cầu nguyện khi một tấm ảnh Mẹ và Con được rước vào sảnh đường. Vào lúc ấy, khi nhìn đến tấm ảnh, được hàng ngàn anh em linh mục vây quanh cầu nguyện, anh mới thấy rằng Đức Maria thật sự là Mẹ của anh. Anh đã cùng với ngài ở dưới chân thập giá. Anh bật khóc nức nở, và hai linh mục gần đó đã đỡ anh ra ngoài và lắng nghe anh kể lại thảm kịch khi mẹ anh tự tử và chính anh đã khám phá ra Đức Maria vào giây phút trước giờ cầu nguyện. Anh coi tình tiết đó là một khởi đầu cho sự tái sinh tinh thần cho anh.
Bởi thế, ngài ở đó cho mọi linh mục.
Nhưng tôi dám chắc rằng ngài còn có thể giúp đỡ chúng ta bằng gương mẫu của ngài, và tôi có một số thực tiễn trong đầu, một trong những điều đó là không ai có thể bằng ngài để dậy bảo chúng ta về tính chất trần tục của Giáo Hội. "Đức Maria là đấng cứu độ chúng ta từ một Kitô trừu tượng," Coventry Patmore nhận xét. Một Thiên Chúa được thụ thai và được ở trong lòng ngài, được sinh ra trong một chuồng thú vật, được bú mớm từ bầu sữa của ngài, khóc trên vai ngài, và lớn lên do sự chăm sóc của ngài, thì không thể trừu tượng và hão huyền. Cũng vậy, Người—hay Thân Thể Mầu Nhiệm của Người, là Giáo Hội—cũng không luôn luôn ngăn nắp, gọn gàng, có thể đoán trước, và sạch sẽ.
Tuy nhiên, nhiều khi chúng ta mong đợi Giáo Hội luôn như vậy, có phải không? Cha sở của chúng ta phải tuyệt hảo, giáo dân nâng đỡ, đức giám mục luôn luôn lưu ý, Giáo Triều đầy khả năng, sự bài sai thật ly kỳ, chương trình có thể tiên đoán được, và Giáo Hội thì thật thanh khiết và sạch sẽ như mới. Trời đất! Tỉnh dậy đi chứ anh em! Đức Maria sẽ sửa lưng chúng ta! Bạn đang làm việc cho một Thiên Chúa là người không thể kiếm được ngay cả một căn phòng tươm tất cho Con duy nhất của Người, và bạn muốn có một Giáo Hội mà mọi phân công đều lý tưởng hết sao?
Trước đây tôi có trích câu mà Walker Percy viết cho tiểu thuyết gia Mary Lee Settle khi bà trở lại Công Giáo. "Đó là một tổ chức rất bừa bãi mà bạn dính dáng vào." Như một linh mục có lần nói với tôi khi mới là chủng sinh. "Nếu con muốn tất cả đều lịch sự, sạch sẽ, chỉnh tề, ngăn nắp, hãy gia nhập Anh Giáo." Có ai nói với tôi rằng, vào lúc trốn sang Ai Cập, Đức Maria đã sẵn sàng gặp lại Thiên Thần Gabrien để từ chối. Không có gì là tiện nghi và thoải mái về bất cứ gì—nó có thể lộn xộn, lôi thôi lếch thếch, trần tục--tất cả đồng nghĩa với "hiện thân," và khốn cho linh mục nào không nhớ đến điều đó.
Đức Maria dậy chúng ta rằng tinh thần môn đệ, phục vụ Con của ngài, đem đến điều không chắc chắn. Các linh mục có thể hãnh diện về tiểu sử tóm lược của mình, và vạch ra mọi con đường sự nghiệp. Đức Maria mỉm cười và nói, khi bạn xin vâng với Chúa bạn từ bỏ mọi tiện nghi quý giá nhất của bạn—tương lai và sự an toàn hoạch định cuộc đời. Hãy sẵn sàng để ngạc nhiên, một chút béo bở, một chút cắt tỉa, một chút Bêlem, một chút tình tiết lạc trong đền thờ. Nói cách khác, hãy chuẩn bị cho những điều không chắc chắn.
Mẹ chúng ta cho thấy cần phải trung tín trong những lúc vui cũng như lúc buồn khi sống tinh thần môn đệ. Ngài ở đó vào giây phút hạnh phúc nhất—đêm Giáng Sinh đầu tiên. Và ngài ở đó vào giây phút buồn thảm nhất--dưới chân thập giá. Tương tự, đời linh mục chúng ta cũng có Bêlem và Canvê. Ngài dậy chúng ta bài học, đó là điều xảy ra cho chúng ta thì không quan trọng bằng với ai điều đó xảy ra, vì điều quan trọng hiển nhiên là, ở chiếc nôi hay ở thập giá, ngài gần gũi với Chúa Giêsu. Đó là trung tín.
Ảnh hưởng của Đức Maria sẽ giảm đi rất nhiều nếu chúng ta chỉ muốn câu chuyện của ngài ở đêm Giáng Sinh chứ không ở Canvê, chúng ta chỉ muốn Mẹ và Con chứ không muốn Pietà. Bởi đó chúng ta trung thành với Giáo Hội khi còn tươi mát, đầy sức sống và hứa hẹn, sinh động và bặt thiệp—như Hài Nhi ở Bêlem; và chúng ta trung thành với Chúa Kitô và Giáo Hội khi lâm tử, bất động, chảy máu và tan nát—như ở Canvê.
Như châm ngôn có nói, "Thiên Chúa có thể không ưa thích ai đặc biệt, nhưng Mẹ Người thì có." Đức Maria là một thí dụ tiêu biểu cho sự chăm sóc đặc biệt những người nào đó, có thể nói là người đau yếu, bị lãng quên, nghèo, tội lỗi và gặp khó khăn, và ngài làm gương cho sự lưu tâm của một mục tử đích thật. Chúng ta gọi ngài là "đấng an ủi người muộn phiền," "nơi nương náu của kẻ tội lỗi", "sức mạnh của người đau yếu," "sự giúp đỡ người Kitô Hữu". Như một người mẹ tốt lành luôn chứng tỏ tình thương đặc biệt cho bất cứ người con nào đau yếu, khó khăn, hay bị bỏ rơi, thì Đức Maria cũng vậy đối với các con tinh thần. Tỉ như, hãy đến Lộ Đức, đừng hy vọng tìm thấy những người giầu có, mạnh khoẻ, béo tốt, hay ưu tú, nhưng hãy xem những người quằn quại, méo mó, và bệnh tật thể xác cũng như tinh thần, họ đang phơi mình trong sự chăm sóc của ngài.
Vì vậy một linh mục tốt lành cũng phải có một tâm hồn rộng mở cho những ai có nhu cầu. Chúng ta có những người được ưa thích đặc biệt, và đó là người bệnh tật, nghèo nàn, bị lãng quên, tội lỗi. Hãy để ý người mục tử nhân hậu: trong buổi tiệc cho giáo dân, họ sẽ dành nhiều thời giờ cho những người từng xa cách Giáo Hội; họ sẽ lái xe xa hơn một chút đến thăm một nơi chỉ có vài gia đình Công Giáo và dừng chân thăm hỏi người đau liệt. Được mời tham dự hai mươi bữa tiệc sau khi Rước Lễ Lần Đầu, họ chỉ tham dự bữa tiệc mà em đó mồ côi; trong tất cả các em chơi bóng rổ, sau trận đấu họ sẽ để ý rủ các em không được chơi đi ăn pizza hay hamburger. Đức Maria dậy chúng ta chứng tỏ sự lưu tâm đặc biệt đối với những người có nhu cầu--người đau yếu, nghèo nàn, tội lỗi, và gặp khó khăn, họ là những người được ngài ưa thích đặc biệt, và họ cũng phải là những được chúng ta lưu tâm.
Tôi thấy phấn khởi bởi gương mẫu của Cha Juan Julio Wicht, một linh mục ở Lima, Peru, là một trong các con tin ở toà đại sứ Nhật một vài năm trước đây. Nhóm khủng bố muốn tha cho ngài; họ nói ngài được tự do ra về bất cứ lúc nào ngài muốn. Nhưng ngài đã không đi; ngài muốn ở lại với người dân, để hỗ trợ họ, an ủi họ, cầu nguyện với và cho họ. Đó là một linh mục vĩ đại, vì biết ơn gọi của mình là gần với những người cần đến ngài.
Đức Maria có thể dạy chúng ta về phẩm giá và tôn trọng phụ nữ. Ngài thì cương quyết, tín cẩn, và có một vai trò thiết yếu trong chương trình của Thiên Chúa. Thiên Chúa vinh danh ngài hơn tất cả mọi người, và, khi làm như vậy, như Đức Gioan Phaolô II nhắc nhở chúng ta trong Mulieris Dignitatem, đã chấm dứt mọi nhận định rằng nữ giới thì thứ yếu và ít quyền lợi hơn nam giới. John Ruskin nhận xét, "Toàn thể Âu Châu trong thời kỳ Kitô giáo, có lẽ chẳng có mái nhà nào vô tội mà sự hiện diện qua hình ảnh của Đức Mẹ đã không đem lại sự thánh thiêng cho bổn phận và sự an ủi cho những thử thách và đời sống của nữ giới."
Bạn thấy, bất cứ tôn giáo nào cho rằng Ngôi Hai Thiên Chúa đã mặc lấy xác phàm trong lòng một phụ nữ, và chính Thiên Chúa đã chờ đợi sự đồng ý của một phụ nữ trước khi tiến hành chương trình của Người, và một con người duy nhất ở trên thiên đàng với hồn và xác là một phụ nữ thì tôn giáo đó, Giáo Hội đó, phải nhận biết phẩm giá của phụ nữ, thực sự bình đẳng, và Giáo Hội đó là người bảo vệ mọi quyền lợi của phụ nữ trong ý nghĩa cơ bản nhất của nó. Pelikan nhận xét về biến cố Truyền Tin, "Toàn thể chương trình cứu độ trong tình trạng hồi hộp chờ đợi. Bởi vì nếu Thiên Chúa không cưỡng ép, Thiên Chúa nài nỉ, thì Đức Maria phải tự do và độc lập hành động để điều đó xảy ra. Điều này khiến cho ngài không chỉ là một chỗ chứa thụ động."
Và như tiểu thuyết gia Mary Gordon nhắc nhở, "Sự sùng kính Đức Maria là một tổng hợp khách quan mọi ao ước nguyên thủy đã dẫn con người đến đời sống đức tin. Ngài là hiện thân của khao khát của chúng ta muốn trọn vẹn là con người nhưng vượt trên sự chết. Sự ghét bỏ phụ nữ là di sản của sự chết; trong Đức Maria, là Mẹ và Nữ Vương, chúng ta thấy, lời hứa cứu độ được hóa thành xương thịt trong một hình thể con người mà nó đã đụng đến những khao khát cổ xưa nhất của chúng ta…"
Bạn muốn biết một gương mẫu đối xử với người nữ? Hãy xem cách Thiên Chúa đối xử với Đức Maria.
Tôi muốn nhắc đến cách sau cùng Đức Maria giúp các linh mục. Ngài nhắc nhở các linh mục về căn tính của họ.
Tâm lý gia và tác giả Robert Coles nhận xét rằng thường giây phút đầu tiên một trẻ sơ sinh nhận biết căn tính của nó là khi nó nhìn thẳng vào mắt mẹ nó và thấy hình ảnh của nó. Vì giây phút đầu tiên này, trong con mắt của mẹ nó, trẻ sơ sinh nhận biết một ai đó thật khác biệt, nhờ đó nó có căn tính.
Có thể nào tôi đề nghị rằng một phương cách hữu hiệu để chúng ta khám phá ra căn tính linh mục của mình là nhìn vào đôi mắt của Đức Mẹ không? Trong đó, chúng ta thấy sự phản chiếu của Chúa Giêsu, và trong đó chúng ta thấy chính mình.
Có thể nói theo nghĩa đen là ngài đã mang Ngôi-Lời-hóa-thành-nhục-thể ở trong lòng. Ngài cảm thấy sự cục cựa, lớn dần, và đời sống của Thần-nhân bên trong lòng. Do đó, chúng ta cũng phải bắt chước ngài để Chúa Giêsu chuyển động, tăng trưởng, và đến với đời sống bên trong chúng ta. Đó là căn tính của chúng ta là linh mục.
Vào tháng Sáu 1996 tôi đến viếng Đền Đức Mẹ Guadalupe. Nhờ đọc trước tài liệu, tôi thấy bàng hoàng về câu chuyện đôi mắt của Đức Maria. Dưới sự khảo sát có tính cách khoa học, tinh vi tấm tilma mà trên đó, như bạn biết, có in hình Đức Maria, các học giả khám phá rằng trong đôi mắt của Đức Trinh Nữ có hình bóng của một người khác, và người đó đúng với sự diễn tả về ông Juan Diego.
Ngày tôi đến viếng đền là trong cuộc hành hương cho các linh mục. Đứng trên bục ngay trước hình Đức Mẹ, tôi quan sát, cầu nguyện và nhìn xem hàng chục, hàng trăm linh mục, già và trẻ, đau yếu và mạnh khoẻ, da trắng, da vàng, da nâu, và da đen, đi qua trước ngài, nhìn vào đôi mắt ngài. Và tôi tưởng tượng ra hình ảnh của mỗi một linh mục trong đôi mắt Đức Trinh Nữ, như khi ngài nhìn đến mỗi người chúng ta với cùng một tình yêu mãnh liệt, say đắm như ngài đã nhìn đến Chúa Giêsu, đến Juan Diego. Ngài giúp chúng ta khám phá, làm sâu đậm thêm, và kiên trì trong căn tính, ơn gọi và tác vụ của chúng ta.

Vergine Immacolata! Aiutateci!

("Hỡi Trinh Nữ Vô Nhiễm Nguyên Tội! Xin giúp chúng con!")


* Chú thích của dịch giả: ĐGM Dolan viết sách này khi Đức Gioan Phaolô II là giáo hoàng.
Hoàn tất việc chuyển ngữ vào Phục Sinh 2007

Pt Giuse Trần Văn Nhật





tải về 2.2 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương