Nguoitinhuu. Com



tải về 2.2 Mb.
trang3/8
Chuyển đổi dữ liệu10.01.2018
Kích2.2 Mb.
#35967
1   2   3   4   5   6   7   8

Chương 5
TRUNG TÍN

(Đoạn trích Kinh Thánh 2 Timôthê 1:11-13)
Hãy trung tín, luôn luôn trung tín!" Tôi nhắc lại những lời đơn giản này của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI nói với lớp chúng tôi vào tối hôm trước khi chịu chức, khoảng 20 năm trước đây. "Khi một người 'xin vâng' với chức linh mục, lời 'xin vâng' đó thì mãi mãi!" Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói như thế khi ngài truyền chức linh mục cho 40 tân chức của giáo phận Rôma trong năm 1995. Sắc lệnh của Công Đồng Vatican II về chức linh mục cũng đã diễn tả một cách tốt đẹp về sự trung tín là một nhân đức thích hợp nhất cho linh mục, vì vai trò mục vụ của người phản ảnh tình yêu trung tín và dồi dào của Thiên Chúa dành cho dân của Người, và của Đức Giêsu dành cho Giáo Hội.
Trong "Lời Thánh Hiến" của Nghi Thức Truyền Chức, đức giám mục cầu nguyện cho các tân chức "luôn được trung tín để lời Phúc Âm có thể vang đến tận cùng trái đất, và các dân tộc, được hiệp nhất trong Đức Kitô, sẽ trở thành một dân tộc thánh thiện và duy nhất của Thiên Chúa. "
Trung tín, dĩ nhiên, có nghĩa rằng chúng ta phải thành thật với bản chất của chúng ta cũng như sự đòi hỏi của ơn gọi, rằng chúng ta phải sống một cuộc đời chính trực phát sinh từ niềm xác quyết về căn tính của chúng ta dưới con mắt của Thiên Chúa, rằng chúng ta phải bền bỉ chu toàn nhiệm vụ của ơn gọi, rằng chúng ta là những người đáng tin cậy trong lời nói và là người dám sống những gì chúng ta tuyên xưng.
Trung tín là một điều thiết yếu trong toàn thể cuộc đời của một người muốn trở nên hoặc đã trở nên đồng hình dạng với Đức Kitô cho đến tận cốt lõi của con người qua bí tích truyền chức thánh.
Nói một cách thực tế, sự đào tạo vẫn tiếp tục ở bên ngoài khuôn viên chủng viện. Như Đức Thánh Cha đã nói trong tông thư Pastores Dabo Vobis và trong Chương Trình Đào Tạo Linh Mục, chủng viện đem lại một bầu khí mà các giá trị và thói quen về sự cầu nguyện, học tập, luyện tập các nhân đức tự nhiên và siêu nhiên, và các khả năng về mục vụ có thể triển nở và thấm nhập. Một trong những phương cách mà chủng viện thể hiện điều này là qua chương trình huấn luyện, trong đó các mục tiêu được đề ra và các mong đợi được thực hiện để giúp đỡ một chủng sinh có thể phát triển các giá trị và thói quen.
Bây giờ, qua thử thách mới biết hay dở, và sự thách đố thực sự để biết các giá trị và thói quen này có thấm nhập hay chưa, đó là khi các cơ cấu bề ngoài không còn nữa, khi mà guồng máy huấn luyện được lấy đi khỏi. Điều đó thực sự xảy đến khi truyền chức linh mục, nhưng nó cũng xảy đến trong mỗi lần đi nghỉ hè, đó là khi chúng ta thực sự nhìn thấy chín tháng ươm trồng và vun xới có sinh hoa kết quả trong đời sống của các chủng sinh hay không. Tất cả những giá trị mà chúng ta vun trồng trong chủng viện:Thánh Lễ, cầu nguyện hàng ngày, kinh nhật tụng, thường xuyên xưng tội, những suy tư về đời sống, phục vụ tha nhân, lớn lên trong nhân đức… có phải tất cả những giá trị ấy vẫn còn tiếp tục khi không có ai dòm ngó và khi sự đều đều của đời sống chủng viện không còn nữa? Dịp nghỉ hè có thể là cơ hội tốt để kiểm điểm lương tâm xem những gì chúng ta thi hành ở đây có được thấm nhập từ trước hay không, và để xem chúng ta có trung tín với ơn gọi của mình hay không.
Chúng ta thật có phúc khi có những gương trung tín trong đời sống chúng ta. Hầu hết mọi người chúng ta được lớn lên trong các gia đình mà chúng ta nhìn thấy sự trung tín hàng ngày của cha mẹ chúng ta, người vợ và người chồng sống cho nhau, họ là những người mà nếp sống của họ được hình thành bởi sự tương giao giữa hai người, và từng hành động của họ phát sinh từ tình yêu dành cho nhau và cho con cái. Tôi nhớ khi đến phòng cấp cứu của bệnh viện nơi cha tôi qua đời vì chấn động tim, khi ấy ông được năm mươi mốt tuổi. Người ta đưa cho tôi một cái túi đựng những vật dụng riêng của ông, trong cái bóp của ông tôi thấy có một đồng bạc, bằng lái xe, và hình của mẹ tôi và năm anh em chúng tôi. Có thể nói ông đã làm việc cho đến hơi thở cuối cùng vì sự trung tín với chúng tôi.
Hầu hết chúng ta được thấy các linh mục tốt lành là những người đáng tin cậy, bền bỉ, sẵn sàng thi hành nhiệm vụ-sự trung tín-luôn luôn có mặt ở đó vì giáo dân. Khi tôi từ phòng cấp cứu trở về nhà với gia đình, tại sao tôi không ngạc nhiên khi thấy cha sở của chúng tôi đã có mặt ở đó để an ủi gia đình chúng tôi? Ngài là một linh mục trung tín, là người sẵn sàng có mặt với những ai cần đến mình.
Chúng tôi được chúc phúc với các gương mẫu trung tín ở đây, tôi hy vọng là như vậy. Một trong những giá trị của Viện Nghiên Cứu Thần Học Tiếp Liên cho chúng tôi là cứ hai lần một năm, chúng tôi có được sự hiện diện của các linh mục trung tín ở hàng đầu. Cha Terry Morgan, giám đốc của chương trình này, trong năm 1995 nói với tôi rằng các linh mục trong năm ấy tổng cộng đã đóng góp được 1,141 năm phục vụ. Đó là sự trung tín. Tôi nhớ có lần phải thông tin cho Cha Donovan vào lúc 11:45 tối, mà trước cửa phòng ngài, đèn báo hiệu "đang bận" vẫn còn sáng, điều đó có nghĩa ngài đang giúp đỡ cho một chủng sinh nào đó; tôi nhớ Cha Vaughan quỳ trên sàn nhà trong phòng một chủng sinh với thau nước và khăn lau để chùi những vết tích ói mửa vì sự hoành hành của loại vi khuẩn quái lạ trong mùa đông năm ấy; tôi nhớ Tiến Sĩ Greco đứng trước máy "photocopy" vào sáng sớm lúc 5:20 để chuẩn bị cho phần thánh nhạc. Đó là sự trung tín.
Mặc dù sự trung tín được nhận thấy qua các thành quả đáng tin cậy, bền bỉ như được mong đợi, đó chỉ là các kết quả, là hoa trái của sự trung tín đích thực. Chúng ta chỉ trung tín với những gì chúng ta thi hành nếu chúng ta trung tín với căn tính của chúng ta. Trung tín phát sinh từ căn tính.
Điều đó có nghĩa gì? Sự trung tín trong hành động của chúng ta phát sinh từ sự tin tưởng vững vàng, chắc chắn, khiêm tốn, với lòng biết ơn về chúng ta là ai, là các linh mục ngay trong cốt lõi con người. Tôi vừa mới đọc bài giảng Thánh Lễ Truyền Dầu của Đức Hồng Y Hickey năm 1995 ở Hoa Thịnh Đốn, và ngài đã đề cập đến điều này: "Qua quyền năng của việc truyền chức, chúng ta được ban cho khả năng để trở nên các linh mục đích thực mà quyền năng ấy đã thay đổi căn tính của chúng ta. Sự truyền chức ban cho chúng ta khả năng hành động nhân danh Đức Kitô, và quyền năng như một thầy dạy, một thượng tế cao cả, một mục tử, và một người phối ngẫu của Giáo Hội. Chúng ta không còn hành xử trong danh nghĩa của chúng ta, nhưng trong danh nghĩa và con người của Đức Giêsu, Đức Kitô… Qua sự truyền chức, căn tính của chúng ta đã bị biến đổi tự bên trong; chúng ta là linh mục trong tất cả những gì chúng ta thi hành. "
Tôi nhớ có lần giữ trẻ cho một gia đình hàng xóm, lúc ấy tôi chừng mười bốn tuổi. Khoảng 11g đêm, em bé khóc và tôi bế bé trong tay, ru em nín, nhưng nó khóc mãi. Khoảng nửa tiếng sau, cha mẹ em về và bà mẹ ẵm em trên tay. Cùng một việc ẵm bế, ru ngủ, cùng một hành động mà tôi đã phải thi hành trong nửa giờ đồng hồ mà không thành công, thế mà bây giờ em đã ngủ ngon lành. Điều quan trọng đối với em bé này không phải là hành động được thể hiện mà là người thể hiện hành động đó.
Hành động có hiệu quả vì căn tính của người thi hành; nếu dùng lời của Đức Thánh Cha viết trong Pastores Dabo Vobis, "con người thì quan trọng hơn hành động." Cũng vậy, đối với chúng ta là các linh mục bây giờ hay tương lai, sự trung thành với nhiệm vụ cầu nguyện, học hỏi, công việc mục vụ, và lớn lên trong nhân đức phải phát xuất từ một ý thức có tính cách khiêm tốn, biết ơn và không ngừng về căn tính của chúng ta là các linh mục bây giờ hay tương lai, về một con người được khuôn đúc lại, để trở nên đồng hình dạng với Đức Kitô ngay từ cốt lõi con người mà Người là đầu, là mục tử và là phu quân của Giáo Hội. Như vậy, sự trung tín không thể bị ép buộc, có phải không? Nó phát xuất tự bên trong, từ một ý thức về con người chúng ta. Do đó, là các linh mục, những điều như là được bài sai về đâu, làm cái gì, làm việc với ai, tất cả đều thứ yếu so với điều quan trọng hàng đầu: chúng ta là linh mục. Trung thành với bổn phận của một linh mục là điều tự nhiên sẽ xảy đến. Dân chúng gọi chúng ta, không phải là "Linh Mục", không phải là "Tiến Sĩ," không phải là "Kinh Sư", mà là "Cha" và "Cha" là một đặc tính dựa trên bản chất, chứ không phải chức năng.
Một trong những linh mục rất đắc lực mà tôi quen biết thì ngài bị mù, thận bị hư và lúc nào cũng phải ngồi trên xe lăn, nói cách khác, ngài không thể thi hành nhiều công việc mục vụ. Tuy nhiên ngài là người giải tội cho gần một phần ba linh mục trong giáo phận, và các linh mục đến với ngài chỉ vì con người của ngài. Tôi lại xin trích dẫn lời của Đức Hồng Y Hickey: "Căn tính của linh mục thì không phải là chiếc áo quan tòa, được khoác vào khi đến phiên xử. Chúng ta vẫn giữ căn tính linh mục dù chúng ta đi đâu, dù chúng ta làm gì… Chúng ta luôn luôn cần nhìn đến căn tính linh mục như một lối sống, một cách yêu thương Đức Kitô và tất cả anh chị em giáo dân là những người mà Chúa Giêsu đã chết cho họ. Cuộc đời chúng ta phải trở nên trong suốt: ánh sáng Đức Kitô phải chiếu qua chúng ta trong tất cả tư tưởng, lời nói và hành động của chúng ta. Chúng ta được mời gọi để trở nên con người đích thực của chúng ta, là linh mục của Giáo Hội, những người tận tụy cho Thiên Chúa mà không một chút e ngại. "
Như thế, chúng ta không chỉ trung tín với một công việc, một sứ vụ, một nghề nghiệp, một chuyên môn, một chức năng. Sống trung tín, một mục tiêu cao cả, phát sinh từ ý thức có tính cách khiêm tốn, biết ơn và không ngừng về căn tính linh mục của chúng ta. Chúng ta trung tín với một Ngôi Vị, trung tín với Chúa Giêsu và hôn thê của Người, là Giáo Hội.
Khi tôi học ở lớp hai, một học sinh hỏi Cha Callahan: "Thưa cha, cha có vợ không?" Ngài trả lời: "Có. Tôi kết hôn với Giáo Hội." Nghe xưa quá có phải không? Có lẽ như vậy. Điều đó có đúng không? Chắc là như vậy. Như người chồng trung tín với vợ, người cha với con cái, thì linh mục trung tín với Hôn Thê của Đức Kitô, là Giáo Hội. Nếu chúng ta đồng hình dạng với Đức Kitô một cách triệt để như một linh mục, một thầy sáu, thì chúng ta phải hành động trong ngôi vị của Người, và phải triển nở một kết hợp mầu nhiệm với lòng quý mến đời sống và Giáo Hội của Người. Có ai ngạc nhiên khi thấy Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thường nói một cách văn vẻ về khía cạnh hôn nhân của chức linh mục không? Cũng giống như một người chồng khi bị một phụ nữ gạ gẫm thì ông ta trả lời rằng, "Tôi đã bị chiếm đoạt," vì ý thức về căn tính của mình đối với người vợ, thì chúng ta, các linh mục cũng như linh mục tương lai, cũng đã bị chiếm đoạt, nói theo một cách nào đó, đã bị ràng buộc.
Chúng ta yêu quý Giáo Hội và trung tín với Giáo Hội như một chàng rể hồ hởi, vui vẻ, phấn khởi trong tuần trăng mật. Thật đúng là kết hôn càng lâu với hôn thê của chúng ta, là Giáo Hội, chúng ta càng ý thức hơn về những tì tích, khuyết điểm, nếp nhăn của Giáo Hội, nhưng chúng ta càng yêu quý Giáo Hội hơn nữa. Như Henri de Lubac có viết:

Làm thế nào mà tôi biết Người nếu không có Giáo Hội? Có thể Giáo Hội dường như yếu ớt, chậm phát triển, cách hành động thì nực cười, các chứng tá thường giấu kín. Con cái Giáo Hội có thể không hiểu, nhưng vào những lúc đó, tôi sẽ nhìn đến diện mạo khiêm tốn của vị hôn thê của tôi và sẽ yêu mến nàng hơn nữa, vì khi một số người bị thôi miên bởi những đặc điểm khiến diện mạo của nàng trông vẻ già nua, thì tình yêu sẽ giúp tôi khám phá ra các động lực ẩn giấu, một hoạt động thầm lặng đã đem cho nàng sự tươi trẻ mãi mãi.


Tôi nhớ có lần tham dự kỷ niệm sáu mươi lăm năm thành hôn của một đôi vợ chồng. Khi ngồi bên cạnh hai người trong bữa tiệc, người chồng chỉ về ba đứa cháu, buồn bã cho biết cả ba đều ly dị. Ông nói, "Cha biết không, khi nhìn lại quá khứ, có những lúc Anna và con tưởng như đã đổ vỡ. Chúng con cãi nhau và làm nhau đau khổ, và có những quãng thời gian nhiều khi cả năm chúng con không có hạnh phúc theo cái nhìn của thế gian. Nhưng thật phúc đức vì chúng con đã không nghĩ đến chuyện li dị! Chúng con chỉ biết rằng một khi đã kết hôn, trong cái nhìn của Thiên Chúa, chúng con là vợ chồng cho đến suốt đời, dù bất cứ điều gì xảy ra. Nhờ thế, mới có ngày hôm nay, và con"-vừa nói ông vừa nắm lấy bàn tay bà vợ-"chưa bao giờ sung sướng như vậy!"
Chất phác quá? Có lẽ vậy. Ngây thơ quá? Có thể. Thiếu thực tế? Dường như đúng theo tiêu chuẩn thế gian. Lãng mạn? Thật như vậy! Và những người yêu nhau là những người lãng mạn một cách tuyệt vọng. Chúng ta là các linh mục đang trong cuộc tình với một người được gọi là Giáo Hội, cùng với Chúa Giêsu trung thành với Giáo Hội cho đến chết, khi thịnh vượng hay khi gian nan. Chúng ta trung tín với một ngôi vị, chứ không phải một ý tưởng hay một công việc.
Hầu hết mỗi linh mục đều tìm ra những phương cách để nuôi dưỡng và gìn giữ lòng trung tín của họ, và các phương cách này thường rất nhiều, ở đây tôi chỉ kể ra ba điều rất quan trọng.
Điều thứ nhất giúp chúng ta trung tín với chức linh mục là Thánh Lễ hàng ngày. Tôi nhớ có lần đến thăm cha sở đầu tiên tôi giúp việc khi ngài nằm bệnh viện sau cuộc giải phẫu. Ngài phải nằm liệt giường khoảng một tuần lễ, và khi tôi bước vào phòng, ngài mỉm cười. Tôi hỏi thăm sức khỏe và dường như ngài tươi rói trả lời, "Họ nói ngày mai tôi có thể dâng lễ. " Điều đó cho thấy Thánh Lễ thật quan trọng đối với ngài. Có lẽ tôi cũng hân hoan khi nghĩ đến thức ăn đầu tiên của tôi đem cho ngài, đó là dâng Thánh Lễ.
Một cha dòng Tên giải tội nổi tiếng là Walter Ciszek kể lại những năm ngài bị cầm tù ở trại lao động Siberia, mỗi sáng ngài giữ lại một chút vụn bánh của bữa điểm tâm, với một chút rượu được lén lút đem vào nhờ sự tử tế của người lính gác, thế là ngài chui vào một góc phòng cử hành Thánh Lễ hàng đêm trước khi tắt đèn với tất cả những gì nhớ được ở trong trí. Một ngày kia, khi Cha Rob Jaskot và tôi gặp Đức Hồng Y Keeler sau khi ngài đến Baltimore, điều đầu tiên ngài phát biểu sau khi đến chỗ trọ là, "Sau khi tắm rửa, cạo râu xong, tôi sẽ dâng lễ, và sau đó nằm nghỉ một chút." Bạn thấy rằng các linh mục trung tín thì trung thành với Thánh Lễ hằng ngày.
Truyền thuyết về Cha Theodore Hesburgh, là người có thể tự hào về nhiều thứ, một trong những điều ngài tự hào nhất được kể trong tự truyện của ngài, đó là trong suốt nửa thế kỷ của đời linh mục, ngài chỉ quên dâng Thánh Lễ có một lần. Nếu bạn muốn trung tín với ơn gọi của mình, hãy trung tín với Thánh Lễ hàng ngày.

Điều thứ hai giúp bạn trung tín với chức linh mục là đọc kinh thần vụ hàng ngày. Tiến sĩ Greco kể cho tôi nghe về một linh mục thân với ông ta, từng phải trải qua nhiều khó khăn khi tìm kiếm ơn gọi. Khi ông hỏi một linh mục xem ngài khuyên bảo gì cho các linh mục tương lai, ngài nói, "Bảo họ trung tín với kinh nhật tụng." Bộ kinh nhật tụng tôi dùng là được thừa hưởng từ cha sở ở quê của tôi, ngài là một linh mục rất trung tín và được thương mến. Khi viên chức thi hành di chúc gửi cho tôi bốn cuốn sách kinh của ngài, tôi nhìn đến cuốn kinh mà ngài sử dụng trong thời gian cuối đời thì, không nghi ngờ gì, giây đánh dấu vẫn còn ở trang kinh nguyện vào tối hôm ngài tắt thở. Trung tín cho đến cùng.


Bạn nghe câu chuyện của những đôi vợ chồng thường liên lạc với nhau trong ngày. Họ nói chuyện vào buổi sáng trước khi đi làm, họ gọi điện thoại vào bữa trưa, cùng nhau dọn bữa tối và chuyện trò trước khi đi ngủ. Đó có phải là điều chúng ta thi hành trong kinh thần vụ với Chúa: là thường xuyên giữ liên lạc với Chúa Giêsu trong ngày và với vị Hôn Thê của chúng ta là Giáo Hội, khi chúng ta cầu nguyện trong phụng vụ các giờ kinh không?
Người linh mục đầu tiên hoàn tục mà tôi còn nhớ đã kể cho tôi nghe khi ông ta đến gặp đức tổng giám mục để xin cởi áo. Đức tổng rất hiền hòa và, trong những điều khuyên bảo, đức tổng khuyên người linh mục muốn cởi áo là giờ đây ông không bị buộc phải đọc kinh thần vụ nữa. Khi kể lại điều này, ông cười khúc khích, nhận xét rằng, "Thứ chết tiệt ấy tôi đã không đọc trong nhiều năm." Chẳng cần phải nói nhiều. Không ai nghi ngờ rằng, trung tín với kinh thần vụ nuôi dưỡng sự trung tín với ơn gọi.
Sự trợ giúp thứ ba là một lối sống đều hòa, bền bỉ. Bạn thường nghe các cha linh hướng, các nhà trị liệu, và các chuyên gia tâm lý nói rằng sự điều dưỡng có kế hoạch, thận trọng, sự quân bình giữa cầu nguyện, học hành, làm việc, giải trí, thể thao, thời giờ cho bạn hữu, ăn uống, ngủ nghỉ…là một đảm bảo tốt cho một đời sống vui vẻ và mạnh khoẻ. Bất kể chúng ta ở đâu và làm gì, bất kể là ở đây hay khi nghỉ hè, một số điều chắc chắn cần phải có, tôi vừa mới nhắc đến hai điều, Thánh Lễ và kinh thần vụ. Nhưng còn những điều khác, từ việc ngủ nghỉ đều độ và thể thao; thời giờ cho bạn hữu và đọc sách, bạn biết tôi muốn nói gì.
Tôi nghe không phải chỉ có một cha sở than phiền về các cha phó không biết tổ chức cuộc sống của mình, hoạch định giờ giấc, biết phòng xa, không phản ứng với khủng hoảng và khó khăn.
Chúng ta sống một cuộc đời rất sôi nổi và nhiều đòi hỏi, với các yêu cầu về tinh thần, học hành, tông đồ, cộng đồng. Học cách quân bình những điều đó với sự khôn ngoan và cân xứng có lẽ là một trong những bài học đáng giá mà bạn cần có.
Một lối sống bền bỉ, ngăn nắp giúp chúng ta trải qua những thời gian khó khăn. Thật đúng là khi chúng ta bị xô đẩy, bị đối chất, bị thử thách nhiều nhất thì chúng ta lại rơi trở về các căn bản vững vàng này. Có nhớ Đức Hồng Y Newman khuyên nhủ những ai muốn biết bí mật của ngài là gì không? "Nếu bạn hỏi tôi bạn phải làm gì để trở nên tuyệt hảo, điều đầu tiên tôi nói là đừng ngủ nướng khi đã đến lúc thức dậy; nghĩ đến Chúa trước hết; tham dự Thánh Lễ; đọc kinh Truyền Tin một cách sốt sắng; ăn uống để làm vinh danh Chúa; cũng nên lần chuỗi Mai Khôi; nên hồi tưởng những gì đã qua; đừng nghĩ điều xấu; suy niệm mỗi đêm; xét mình hàng ngày; đi ngủ đúng giờ và bạn đã tuyệt hảo."
Bất cứ người nông dân nào cũng bảo bạn giống như vậy! Bất cứ ai thành công cũng có thể nói với bạn về một lối sống đều hòa, quân bình, bền bỉ, đó là bí quyết của họ; bất cứ linh mục trung tín nào cũng bảo bạn giống như vậy.
Trung tín với Chúa, trung tín với Giáo Hội của Người, trung tín với ơn gọi của chúng ta. Sự minh chứng sẽ xảy đến khi vui vẻ và thành công cũng như khi thử thách và nhiều khó khăn. Như Kinh Thánh nói với chúng ta về Thiên Chúa, "Đừng quên Người khi thịnh vượng và đừng nguyền rủa Người khi hoạn nạn." Sự khó khăn là vẫn gần với Người trong những lúc lên xuống, trung thành với Người trong lúc thành công hay thất bại.
Chúng ta có một gương mẫu tuyệt hảo về sự trung tín là Đức Mẹ Maria. Chúng ta gọi ngài vừa là "căn nguyên của niềm vui" và vừa là "Đức Mẹ Sầu Bi". Mẹ luôn luôn kề cận với Người, một môn đệ trung tín và là người mẹ ở giây phút sung sướng nhất của lịch sử cứu độ: Bêlem; và giây phút buồn thảm nhất: Can-vê.


  • từ gỗ máng cỏ đến cái dằm thập giá

  • từ cái tã đến khăn liệm đẫm máu

  • từ một sự sống mới đến một thân xác vô hồn…

  • người phụ nữ trung tín mà chỉ nói với chúng ta điều duy nhất được ghi lại trong Phúc Âm, "Hãy thi hành bất cứ gì Người dạy!"

Có lần tôi nghe một chuyên gia tâm lý nói rằng, giây phút đầu tiên mà đứa trẻ ý thức về căn tính độc đáo của mình là khi nó nhìn vào mắt của mẹ nó. Bạn và tôi tìm ra con người của mình trong lời cầu nguyện khi đăm chiêu nhìn vào đôi mắt của người Mẹ tinh thần của chúng ta, có thể đó là đôi mắt lo sợ của Đức Bà Czestochowa, hay con mắt đầy an ủi của Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Khi chăm chú nhìn vào mắt của Đức Mẹ, chúng ta sẽ nhận ra căn tính của mình: một người con của Thiên Chúa, được Cha yêu thương, được Đức Giêsu cứu chuộc, được mời gọi bởi Thượng Tế Đời Đời để trở nên đồng hình dạng với Người từ tận đáy tâm hồn. Chính nhờ ý thức về căn tính siêu nhiên đó, được học biết từ Mẹ, mà sự trung tín với Thiên Chúa, Giáo Hội của Người, lời mời gọi của Người sẽ xảy đến.


Như Đức Gioan Phaolô II đã viết trong Lá Thư Thứ Năm Tuần Thánh cho các linh mục vào năm 1995: "Nếu chức linh mục tự bản chất là phụng sự Thiên Chúa, thì chúng ta phải sống thiên chức ấy trong sự hiệp nhất với Mẹ, ngài là Nữ Tì của Thiên Chúa. Và rồi chức linh mục của chúng ta sẽ được gìn giữ an toàn trong tay Mẹ, ngay cả trong con tim của ngài."

Chương 6
VÂNG PHỤC

(Đoạn Kinh Thánh: Do Thái 5:7-10)
“Nếu hôm nay bạn nghe tiếng Người, thì đừng cứng lòng”, có lẽ là đoạn thường thấy nhất trong kinh thần vụ, vì hàng ngày chúng ta lập lại câu này đến bảy lần trong phần Mời Gọi (invitatory). Người mẹ khôn ngoan của chúng ta, là Giáo Hội, biết rằng chúng ta cần lời cổ vũ đó hàng ngày để sống đức vâng lời.
Vâng phục có lẽ là nhân đức thật dễ để diễn tả nhưng thật khó để sống. Sự vâng phục đơn giản là thích ứng cuộc đời chúng ta theo thánh ý Chúa, tự ý quy phục quyền năng của Người đã được bày tỏ trong Kinh Thánh, trong Truyền Thống và huấn quyền của Giáo Hội, trong luật tự nhiên, trong sự hướng dẫn của các bề trên, trong mệnh lệnh của một lương tâm tốt lành, và trong sự thúc giục của Chúa Thánh Thần được dẫn giải một cách khôn ngoan qua sự phân biệt tinh tế.
Như thế, căn bản, đây là nhân đức duy nhất mà Thiên Chúa mong đợi ở tổ tiên loài người, và hoạch định nguyên thủy của Đấng Tạo Hóa đã bị sái lệch một cách thảm thương bởi "tội nguyên tổ" mà đó là một hành vi cố ý, kiêu ngạo bất tuân phục. Như triết gia Montaigne đã nhận xét:
Lề luật đầu tiên mà Thiên Chúa ban cho loài người là luật của sự vâng phục. Đó là một mệnh lệnh đơn giản và tinh tuyền, mà trong đó con người không có gì để hỏi hay tranh luận, vì vâng lời là nhiệm vụ xứng hợp của một linh hồn có lý trí khi biết ơn bề trên và ân nhân siêu phàm của mình. Từ sự vâng lời và quy phục phát sinh mọi nhân đức khác, cũng thế, mọi tội lỗi phát sinh từ sự bướng bỉnh và cố chấp.
Như vậy hành vi tuân phục một cách độ lượng của Đức Mẹ khi Truyền Tin được coi là "đúng" mà qua đó sự "sai lầm" ban đầu của Evà đầu tiên được sửa đổi bởi Evà thứ hai. Như Thánh Irenaeus nhận xét, "Sự quyến rũ của thiên thần sa ngã đã lôi kéo được Evà, trong khi các đợt sóng vui mừng của thiên thần thánh thiện lôi kéo Đức Maria, để khởi sự một kế hoạch làm tiên tan những ràng buộc của cạm bẫy đầu tiên… Như thế Đức Trinh Nữ Maria đã trở nên người bào chữa cho Evà Nguyên Thủy… Sự sống đã chiến thắng bởi sự vâng phục của Đức Trinh Nữ Maria, mà sau cùng đã quân bình lại món nợ của sự bất tuân phục. "
Vì vậy, Đức Giêsu được ca tụng như một người Con tuân phục tuyệt hảo. Bossuet đã giảng: "Ba mươi năm của Chúa được ẩn giấu trong những lời sau đây của Phúc Âm: 'Người vâng phục ông bà.'" Tuy nhiên chứng cớ rõ ràng hơn nữa rằng Đức Giêsu là người rất tuân phục khi Người ôm lấy thập giá, mà người kiêu ngạo có thể giải thích đó là điều thảm thương, vô lý, tuyệt vọng, vô ích, và đầy thù hận. Thánh Irenaeus lại viết: "Trong ADong đầu tiên, chúng ta chống báng Thiên Chúa bởi không thi hành mệnh lệnh của Người. Trong ADong thứ hai chúng ta được hòa giải, trở nên 'vâng phục cho đến chết.'"
Tuy nhiên, dù chúng ta ý thức được sự quan trọng nòng cốt của nhân đức này mạnh mẽ thế nào đi nữa, sự vâng phục là một trong những nhân đức khó thực hiện, chỉ vì nó đi ngược lại một sức mạnh có thể làm cho trái bom nguyên tử trông như cái bật lửa: đó là ý muốn ương ngạnh, kiêu hãnh của con người.
Cha linh hướng của tôi tin rằng chính trong sự vâng phục--chứ không phải sự độc thân, thật lạ lùng--mà các linh mục ngày nay hầu như đi ngược trào lưu văn hóa. Vì chúng ta sống trong một thế giới thần thánh hóa ý muốn, cho rằng hạnh phúc thực sự chỉ xảy đến khi bạn có quyền thi hành bất cứ gì bạn muốn, bất cứ lúc nào bạn muốn, bất cứ với ai và cho ai bạn muốn, bất cứ kiểu cách nào bạn muốn, bất cứ đâu bạn muốn; và rằng bất cứ hạn chế nào dựa trên sự vâng phục đối với bất cứ thẩm quyền nào cao hơn thì đều không chính đáng, có tính cách đàn áp, và phải bị coi thường--vì, trên thực tế, không có "thẩm quyền nào cao hơn" là ước muốn, nhu cầu và ý thích của chính tôi.
Trào lưu khinh miệt sự vâng phục này thật hiển nhiên trong quốc gia Hoa Kỳ yêu dấu của chúng ta, được thành lập dựa trên sự bất tuân phục. Chúng ta chính đáng ca tụng lòng yêu nước can đảm của các nhà cách mạng đã chịu tất cả nguy hiểm để dành độc lập khỏi tay một ông vua đàn áp, đúng như vậy, nhưng chúng ta cũng phải thú nhận rằng lúc đó chúng ta có khuynh hướng đồng hóa quyền tự do với sự phóng túng, sự tự do với các quyền lợi không bị hạn chế bởi bổn phận; đó là chúng ta ca ngợi sự bất đồng ý kiến trên sự dễ sai bảo, và với con mắt nghi ngờ nhìn đến thẩm quyền, truyền thống, và chấp nhận mọi điều chỉ dựa trên đức tin. Những ai quen thuộc với lịch sử Giáo Hội Hoa Kỳ đều biết rằng một nguyên do chính yếu đưa đến căn cơ của một xã hội bài Công Giáo là ấn tượng cho rằng người Công Giáo thì ngu đần, là nô lệ bị kềm kẹp bị đòi hỏi phải vâng lời cách mù quáng một hệ thống thối nát, lỗi thời và xa lạ. Chúng ta miễn cưỡng thán phục đòn vận động quần chúng thật ngoạn mục của nhóm ủng hộ phá thai khi dùng danh xưng "phò-lựa-chọn" (pro-choice), xúi giục dân chúng Hoa Kỳ chống đối lại ngay cả ý tưởng có ai buộc tôi phải làm điều gì đó. Các quan sát viên ngoại quốc tinh khôn về hiện trường Hoa Kỳ, từ Tocqueville đến Solzhenitsyn, và từ Bedini đến Mẹ Têrêsa, đều sắc sảo nhận ra khuyết điểm này của xã hội Hoa Kỳ, có thể nói là chống lại sự tuân phục Thiên Chúa, chống với truyền thống, với các nguyên tắc luân lý, vì lợi lộc của sự lựa chọn, sự tiện nghi, hay ý thích cá nhân. Những nhấn mạnh mới đây về việc tự-hoàn-thành, tự-thực-hiện, tự lo cho chính mình--tất cả đều thực sự tốt đẹp khi được hiểu một cách đúng đắn--đã làm sâu đậm thêm sự nghi ngờ của người dân Hoa Kỳ về sự vâng phục.
Như vậy, linh cảm của cha linh hướng của tôi thật đúng. Chính trong sự vâng phục mà chúng ta đi ngược trào lưu văn hóa: trong một xã hội thúc giục chúng ta mở rộng mọi lựa chọn, đừng bị trói buộc, luôn sẵn sàng theo đuổi những gì hấp dẫn hơn, đặt điều kiện cho mọi thề hứa, bảo vệ ích lợi của mình trên hết mọi sự, tìm cách đi lên và kiếm chác nhiều hơn, đòi hỏi quyền lợi và chống lại các hạn chế thì chúng ta lại hứa tuân phục hoàn toàn với một người và một lãnh vực được xác định là vườn nho của Thiên Chúa. Đó là sự vâng phục. Đó là ngược dòng văn hóa!
Và dĩ nhiên, sự nghịch lý đó xảy ra vì chúng ta là dấu chỉ của một chân lý sâu xa: chính trong sự vâng phục Thiên Chúa mà chúng ta có sự tự do trọn vẹn, sự bình an lâu dài chỉ đạt được khi chúng ta được dẫn dắt không bởi ý muốn của chúng ta nhưng bởi thánh ý Thiên Chúa.
Khi tôi mới chịu chức linh mục có một nữ tu tốt lành làm hiệu trưởng trường tiểu học trong giáo xứ. Chị là một trong những nữ tu trẻ và tài giỏi của dòng, và tôi lo cho chị vì tu hội của chị đang suy sụp, tái phối trí, đóng cửa các hoạt động tông đồ, và dường như thật lộn xộn. Có lần tôi hỏi chị: "Tương lai của chị sẽ ra sao?" Không bao giờ tôi quên câu trả lời của chị:
"Con không biết và con cũng không lưu tâm. Thật tự do là dường nào khi không phải lo cho tương lai của mình. Đó là món quà của sự vâng phục."
Như vậy sự nghịch lý là: người được giải thoát nhiều nhất lại là người vâng phục nhiều nhất. Qua tấm gương của mình, các vị tử đạo ở Rôma đã hoán cải hàng ngàn người đến chứng kiến cái chết của họ. Thay vì nhìn thấy những người nô lệ bị xiềng xích, suy nhược vì sợ hãi khi đối diện với cái chết, họ lại chứng kiến những người can đảm, tin tưởng, vui mừng và tự do hơn cả những người hành hạ. Đó là những người mà sự vâng phục Thiên Chúa đã giải thoát họ khỏi mọi lo lắng, mọi nhượng bộ và hồ nghi. Đó là điều mà Thánh Têrêsa Lisieux đã nghĩ đến khi viết: "Đó không phải điều lạ thường hay sao, khi chỉ bởi lời thề vâng phục, bạn có thể tránh được sự căng thẳng lo âu? Thật đáng ghen tị là chừng nào, vì với một tuyên xưng đơn giản của dòng tu, bạn chỉ còn một hướng để nhắm đến, là ý muốn của vị bề trên? Ngài biết chắc là ngài đi đúng đường."
Hoặc như Thánh Philip Neri đã nhận xét, "Triệt để tuân theo thánh ý Chúa là con đường đích thực mà chúng ta không thể sai, và đó là con đường duy nhất dẫn chúng ta đến vui hưởng sự bình an mà con người trần tục không thể biết được. "
Có thể nào chúng ta nhìn đến các chi tiết của sự vâng phục, và bắt đầu suy tư trong một ý nghĩa rộng hơn: vâng phục là lắng nghe Thiên Chúa? Đã bao lần các bạn nghe giảng rằng "vâng lời" và "lắng nghe" đều phát xuất từ gốc Latinh? Vậy, chúng ta hãy xem xét sự vâng phục Thiên Chúa trong đôi phút.
Tôi nhớ có lần gặp một chủng sinh khi còn làm linh hướng ở Đại Chủng Viện Kenrich ở St. Louis. Để trả lời cho một câu hỏi thẳng thừng và khó xử về ơn gọi của anh, tôi mau mắn đề cập đến sự cần thiết của việc vâng phục thánh ý Chúa.
Anh biện hộ, "Nhưng thưa Cha, vấn đề của con không phải là vâng phục ý Chúa, mà là tìm hiểu xem thánh ý đó là gì!" Thật đúng là dường nào! Khi ý Chúa đã rõ, có thể chỉ cần sự hy sinh để vâng theo, nhưng tối thiểu chúng ta đã biết những gì phải làm. Vấn đề xảy ra khi ý Chúa không rõ ràng. Rồi làm sao?
Như Đức Tổng GM Giuseppe Pittau đã cảm động phát biểu khi chủ tọa lễ phong chức đọc sách cho các chủng sinh vào năm 1999 ở Trường North American, các chủng sinh muốn trở nên linh mục không chỉ vì họ muốn thi hành những điều mà các linh mục thi hành, không chỉ vì họ có khả năng và đức tính cần thiết, không chỉ vì những người mà họ thương mến và tin tưởng nói với họ rằng họ sẽ là linh mục tốt lành; không phải vậy, chủng sinh muốn trở nên linh mục trước hết và trên hết vì linh mục khiêm tốn và thành thật tin rằng Chúa mời gọi họ. Nếu đó là thánh ý của Người, thì sự đáp ứng thích hợp phải là vâng phục.
Tiến trình khám phá ý Chúa được gọi là tinh tường nhận thức, và đó là một công việc khó khăn nhưng linh thiêng và cao quý. Một hiện tượng căn bản để nhận biết ý Chúa và rồi vâng phục thánh ý là sự cầu nguyện. Nếu sự vâng phục được khẳng định là nhờ vào sự lắng nghe Thiên Chúa thì tốt hơn chúng ta phải cố gắng lắng nghe, và điều đó chỉ xảy đến trong sự cầu nguyện.
Chúng ta không thể trở nên người môn đệ vâng phục nếu chúng ta không đảm bảo có thời gian cầu nguyện hàng ngày, và một trong những nhiệm vụ chính của chúng ta trong cuộc đời là tập thói quen cầu nguyện. Chúng ta không thể biết được ý Chúa nếu chúng ta không cầu nguyện.
Người viện trưởng nổi tiếng của Notre Dame, Cha Theodore Hesburgh, trong tự truyện đã nhận xét rằng các thành quả trong đời ngài sẽ không thể nào xảy ra "nếu không có sự bình an nội tâm, phát sinh từ sự cầu nguyện, nhất là với Chúa Thánh Thần, để tìm kiếm sự soi dẫn, linh hứng và can đảm. Tôi có lời cầu nguyện đơn giản chỉ có 5 chữ từng giúp đỡ tôi trong rất nhiều năm: 'Xin Thánh Thần ngự đến. ' Lời cầu nguyện đó chưa bao giờ làm tôi thất vọng. "
Nhưng tôi nghĩ đến một hình thức cầu nguyện đặc biệt rất cần thiết để lắng nghe tiếng Chúa và là cốt lõi của sự vâng phục. Hầu hết chúng ta đều được điểm "B" hay cao hơn nữa khi nói đến loại cầu nguyện tích cực: Thánh Lễ hàng ngày, kinh thần vụ, lần chuỗi, đọc sách thiêng liêng, việc đạo đức, viếng Thánh Thể, và đọc những kinh mình ưa thích. Không phải là tôi muốn lấy đi sự quan trọng của loại cầu nguyện "tích cực" này, nhưng tôi sợ rằng đa số chúng ta chỉ được điểm "D" khi đề cập đến loại cầu nguyện tiêu cực hơn, khi chúng ta không làm gì cả nhưng chỉ mở lòng cho những tác động của Chúa. Đó là chiêm niệm; đó là suy ngắm; đó là điều khó khăn. Để lắng nghe tiếng Chúa, để nhận ra sự hiện diện của Người, để hấp thu tình yêu, ơn sủng và lòng thương xót của Người--đó là khi chúng ta lắng nghe để có thể vâng phục.
Chúng ta thích nói nhiều, có phải không?
Tôi nhớ đến câu chuyện của một người cha chết đi, để lại bà vợ sầu khổ và hai đứa con trai. Một người con vắng mặt khi người cha từ trần, vội vã chạy về nhà và đến gặp người em, đã ở bên cạnh người cha cho đến hơi thở cuối cùng, và hỏi: "Nói cho anh biết cha chết như thế nào. Cha có trăn trối lời gì không?"
Người em trả lời: "Không, cha đâu có nói gì đâu. Mẹ ở đó cho đến cuối cùng."
Đó là hình ảnh của chúng ta: nói quá nhiều, nói với Chúa những gì chúng ta muốn, nói với Chúa về kiểu cách của một vị chúa, đến nỗi chúng ta quên đi lời Người nhỏ nhẹ. "Giá trị của lời cầu nguyện liên lỉ thì không phải là Thiên Chúa sẽ nghe chúng ta, nhưng chúng ta sẽ nghe Chúa, " William McGill đã viết như thế. Lời cầu nguyện âm thầm, liên lỉ, lắng đọng, tiêu cực, lắng nghe là công việc khó khăn, chậm rãi, và khổ sở. Nhưng chúng ta phải duy trì. Chúng ta không thể nhận ra ý Chúa, cũng như không thể vâng phục thánh ý, nếu chúng ta không duy trì.
"Nếu hôm nay bạn nghe tiếng Người, đừng cứng lòng!" Hãy vâng phục Thiên Chúa.
Như vậy, đối với Chúa là sự vâng phục theo nghĩa rộng. Chúng ta nên chi tiết hóa sự vậng phục, và khởi sự nghĩ đến những loại vâng phục đặc biệt thích hợp với linh mục.
Sự vâng phục đầu tiên và hiển nhiên nhất là vâng phục đức giám mục. Yếu tố then chốt để hiểu vai trò linh mục triều là sự vâng phục mà chúng ta nợ đức giám mục. Trong nghi thức tấn phong phó tế cũng như linh mục, ngài hỏi tân chức: "Con có hứa tôn trọng và vâng phục ta và các đấng kế vị không?" Vì Chúa, hãy biết bạn đang hứa gì.
"Con có ý định dùng cả cuộc đời mình để phục vụ dân Chúa trong giáo phận theo sự vâng phục đức giám mục không?" đó là câu tôi thường hỏi các chủng sinh năm thứ ba và thứ tư khi thẩm định xem họ có được chịu chức hay không.
Sự tôn trọng và vâng phục đức giám mục được tỏ lộ trong sự trung thành của bạn qua lời nói và hành động. Bạn ủng hộ các chương trình của ngài, bạn nói tốt về ngài, không bao giờ bạn xúc phạm đến ý thức luân lý của dân chúng khi chế giễu ngài hay phê bình ngài. Nếu chúng ta chế nhạo ngài, có thể họ cười khúc khích và có thể bạn nghĩ rằng họ thán phục sự độc lập và bạo dạn của bạn, nhưng họ bị xúc phạm về luân lý. Họ thán phục bạn hơn nữa khi thấy bạn trung thành và thông cảm, nhất là khi họ biết rằng thật khó cho bạn để thi hành điều đó.
Một lần trong buổi tĩnh tâm vị linh mục giám đốc làm chúng tôi sững sờ khi ngài nói, "Các cha biết không, tôi không thích đức giám mục, tôi không muốn hợp tác với ngài, tôi bất đồng với đường hướng cai quản địa phận. Tôi khác biệt với lý tưởng của ngài, và tôi đau lòng với cách đối xử của ngài. Tôi không thích đức giám mục-- nhưng, tôi thương ngài, và tôi từng long trọng tuyên hứa sẽ vâng phục và tôn trọng ngài, và tôi sẽ thi hành điều đó cách tốt đẹp. Tôi sẽ sống cho ngài và chết cho ngài." Lạy Chúa, chúng con sẽ yêu mến đức giám mục, nhưng vị linh mục đó quả thật đã đề cập đúng vấn đề.
Chúng ta coi sự vâng phục đức giám mục như sự giải thoát, như một ơn sủng, chứ không phải một xiềng xích. Không giống như người đời, chúng ta không phải băn khoăn về sự an toàn của công việc, về chỗ mà chúng ta sẽ được sai đến, về đơn xin việc hay bản lý lịch. Chúng ta tự do đặt tương lai của mình vào bàn tay một người, và điều đó thật thoải mái là dường nào. Như vậy, một đàng, chúng ta có thể hiển nhiên bất tuân đức giám mục bằng cách từ chối chỉ thị và bài sai của ngài; nhưng đàng khác, chúng ta cũng có thể bất tuân phục đức giám mục nếu chúng ta mưu mẹo để được bổ nhiệm, hoạch định sự nghiệp chúng ta, và nuôi tham vọng cho những địa vị và bài sai nào đó.
Như bạn biết, ngày nay các giám mục cố gắng hết sức để hội ý và cộng tác trong việc bổ nhiệm các linh mục. Các ngài có phòng nhân viên và ngay cả hỏi ý kiến của bạn về sự bổ nhiệm ấy. Như vậy, khi cộng tác trong tiến trình đó là chúng ta vâng phục ngài. Nếu một giám mục hỏi chúng ta có thích nhận sự bổ nhiệm đó không, chúng ta thành thật với ngài là vâng phục ngài. Nếu giáo phận chúng ta có hệ thống mà linh mục có thể nộp đơn xin về giáo xứ nào hay bài sai nào đó, chúng ta vâng phục qua sự cộng tác. Nhưng điểm cốt yếu là, "Thưa Đức Cha, vì được hỏi nên con vui mừng nói lên ý muốn của con, nhưng con vẫn thi hành bất cứ gì hay đi bất cứ đâu đức cha muốn. "
Khi tôi rời Giám Quản Tông Tòa ở Hoa Thịnh Đốn, đức tổng giám mục của tôi là John L. May, hỏi tôi muốn đi đâu. "Cha muốn làm cha sở, hay muốn về đại chủng viện?" Tôi trả lời, "Thưa đức cha, con muốn thi hành bất cứ điều gì đức cha muốn. "
Ngài nói, "Tốt. Cám ơn cha. Tôi sẽ nói với cha điều tôi muốn cha thi hành. Nhưng cha sẽ giúp tôi quyết định bằng cách nói cho tôi biết điều cha muốn. "
Do đó, tôi nói. "Con muốn làm cha sở. "
Ngài gửi tôi về đại chủng viện. Ngài thi hành công việc của ngài. Tôi làm công việc của tôi.
Một số linh mục bề ngoài nói rằng họ muốn vâng phục khi chấp nhận một bài sai từ đức giám mục, nhưng trong lòng thì giận dữ, nghĩ rằng họ đã bị qua mặt hay đối xử thậm tệ; và rồi, họ cũng đi, nhưng không bao giờ họ chấp nhận bài sai ấy và thực sự thi hành công việc. Họ nói một cách rất trẻ con, "Tôi sẽ cho ông ấy biết. Tôi sẽ đi, nhưng tôi sẽ không làm điều gì cả." Dĩ nhiên, giáo dân là người bị thiệt hại. Sự vâng phục không chỉ có chấp nhận sự bổ nhiệm mà còn phải thi hành cách tốt đẹp. Như Thánh Bernard đã nói, "Nếu bạn buồn bã với sự bổ nhiệm, phán đoán bề trên, lầu bầu trong tâm hồn, dù rằng bên ngoài bạn đã chu toàn những gì được ra lệnh, đó không phải là sự vâng phục, nhưng là che đậy ác tâm của bạn."
Các người cổ lỗ sĩ nói rằng, "Đừng bao giờ xin được bổ nhiệm và đừng bao giờ xin ra khỏi sự bổ nhiệm, hoặc bạn sẽ hối hận. " Có ít nhiều sự thật trong câu nói ấy. Một người cổ lỗ sĩ khác, Đức Ông McRae, nói với các thầy sáu trước khi họ ra đi, "Vì Chúa, đừng là cái của nợ". Một số người chẳng bao giờ vui. Họ luôn than phiền về sự bổ nhiệm. Sau một vài năm là linh mục, tôi được chọn vào phòng nhân viên của địa phận--thật nhức đầu--sau nhiệm kỳ ba năm tôi được ngưng việc, sáu năm sau tôi lại được chọn cho một nhiệm kỳ khác. Trong buổi họp đầu tiên của nhiệm kỳ thứ hai tôi lại thấy tên của các linh mục mà sáu năm trước đây họ đã than phiền. Đừng là một trong những người ấy.
Bây giờ, nếu giả như đức giám mục yêu cầu bạn suy nghĩ về một bổ nhiệm đặc biệt, nhưng nói thêm là ngài sẽ không ra lệnh cho bạn đến đó nhưng chỉ bổ nhiệm nếu bạn chân thành đồng ý đi? Hãy tin vào lời ngài. Hãy thành thật với ngài. Hãy hội ý những người bạn tin tưởng. Tôi đoán là sẽ có những lý do chấp nhận được để bạn không nhận sự bổ nhiệm đó. Đây là ba điều không thể chấp nhận:
"Xin lỗi Đức Cha, con rất vui ở chỗ hiện nay nên con không muốn đi. " Ngài đâu có hỏi bạn điều đó, phải không? Xin lỗi tôi quá thẳng thừng, nhưng sự mãn nguyện của bạn đâu có ăn nhập gì. Tất cả chúng ta đều ổn định, thoải mái và vui vẻ ở một chỗ--và có lẽ đó là lúc tốt nhất để di chuyển. Chỉ vì bạn sung sướng ở một chỗ điều đó không có nghĩa bạn phải từ chối một chỗ khác.
Một câu trả lời khác cũng không vững: "Thưa Đức Cha, chỗ này rất cần đến con; thật không công bằng để con ra đi bây giờ. Chỗ này không thể tồn tại." Hãy nhớ câu châm ngôn: "Nghĩa trang đầy những người không thể thiếu. "
Lời bào chữa thứ ba cũng khó chấp nhận: "Thưa Đức Cha, con không thể làm được. Con không xứng đáng." Hiển nhiên là đức giám mục nghĩ rằng bạn xứng đáng, vì ngài đã hỏi. Hãy nhớ điều Đức Tổng GM Pittau nói: "Thiên Chúa không kêu gọi bạn vì bạn mạnh mẽ nhất, tài giỏi nhất, hay xứng đáng nhất. Chúa gọi bạn vì Người yêu thương bạn, và có thể hoạt động trong bạn. "
Cán cân luôn nghiêng về phía đức giám mục và Giáo Hội, chứ không phải bạn, những điều bạn muốn, hay ưa thích. Đó là sự vâng phục.
Một phần khác của sự vâng phục đức giám mục, rất thích hợp ngày nay: sự vâng phục của bạn thì đối với đức giám mục của địa phận. Có hai điều tất nhiên xảy đến ở đây:
Thật là một ơn sủng tuyệt diệu khi cá nhân bạn có một liên hệ vững bền, thiện cảm, tôn kính, và trung thành với đức giám mục. Nhiều người có thể cảm tạ Chúa vì điều đó. Một số bạn có thể nhận ra ơn gọi của mình là nhờ ảnh hưởng trực tiếp cá nhân của đức giám mục. Tạ ơn Chúa! Nhưng--sự vâng phục của bạn thì không đối với một người nhưng đối với chức vụ, và "sẽ có một pha-ra-ô không biết đến Giuse." Và bạn sẽ được kêu gọi để tôn trọng và vâng lời đức giám mục mới cũng như đức giám mục cũ. Ơn gọi làm linh mục của bạn, dĩ nhiên lời hứa vâng phục của bạn, thì không tùy thuộc vào tên của một người đang ngồi trong ngai tòa, nhưng đối với chức vụ.
Là linh mục triều sự vâng phục của chúng ta thì đối với chức vụ. Đó là lý do thật lý tưởng để một người làm linh mục trong một giáo phận mà ngài gọi là nhà, trong giáo phận mà ngài đã lớn lên. Tôi biết có những lý do chính đáng tại sao một người có thể là linh mục trong một giáo phận không phải là giáo phận nhà, như một số các bạn đây. Nhưng hãy biết chắc rằng bạn không bị thu hút vào giáo phận ấy chỉ vì một số lý do phù du, tỉ như cá tính của đức giám mục hay sự mơ tưởng đang thịnh hành hiện thời. Khi Anthony O'Connell được tấn phong làm giám mục đầu tiên ở Knoxville, ngài lấy chiếc nhẫn mới đeo vào tay, và nói, "Hỡi giáo dân của giáo phận Knoxville, với chiếc nhẫn này tôi kết hôn với anh chị em." Đó là mối ràng buộc giữa các linh mục triều với giáo phận. Chúng ta yêu quý giáo phận; chúng ta biết giáo phận từ trong ra ngoài; chúng ta muốn cả đời phục vụ giáo phận; chúng ta muốn chết ở đó.
Chúng ta không chỉ vâng phục đức giám mục, nhưng còn đối với chức linh mục. Điều này tôi muốn nói chúng ta trung thành với ơn gọi linh mục, chúng ta độ lượng vâng theo những mong đợi của Giáo Hội nơi chúng ta, hàng ngày chúng ta nuôi dưỡng và kiên cường căn tính linh mục của chúng ta, và chúng ta tránh bất cứ gì hay bất cứ ai có thể đe dọa ơn gọi ấy.
Có bao giờ bạn nghe nói "sự vâng phục lâu dài" để diễn tả các linh mục âm thầm trung thành, ngày này sang ngày khác, vui lòng chấp nhận các bài sai, không nhìn đến việc đề bạt, yêu quý giáo dân, và sống như vậy năm này sang năm khác? Sự "vâng phục lâu dài"--vâng phục lâu dài chức linh mục của chúng ta--đó không chỉ là một chức năng, một nghề nghiệp, một công việc, hay một thừa tác vụ mà chúng ta có thể từ bỏ khi buồn tẻ, chán nản, hay thất bại--như nó sẽ xảy đến. Đó là một lời mời, một đời sống, một ơn gọi kêu mời sự vâng phục lâu dài. Nó dễ vỡ và phải được gìn giữ; nó là một ngọn lửa có thể sắp tắt và phải được thổi bùng lên; nó là một ơn sủng mà có thể bị quên lãng, trừ khi chúng ta hàng ngày vâng theo những yêu cầu của nó.
Thật nực cười, chúng ta thường bị cám dỗ bất tuân phục chức linh mục, không chỉ những lúc buồn tẻ, chán nản hay thất bại, nhưng khi nổi tiếng, được hoan hô, và thành công.
Trong bài diễn văn mở đầu mừng các tân linh mục hàng năm ở Casa, Đức Ông Elmer đã thức tỉnh họ khi thúc giục họ "bảo vệ chức linh mục, " bởi vì chính những linh mục nào đạt được bằng cấp cao, thông minh lại thường trở nên ngạo mạn, kiêu hãnh, quá độc lập-kết quả là họ từ bỏ chức linh mục. Dominic Maruca nhận thấy cùng một hiện tượng, trong cuộc phân tích tìm hiểu các linh mục đã cởi áo, ngài nhận thấy rằng những ai nổi tiếng, được giáo dân mến mộ, được lương cao, và được tôn sùng, kết cuộc là quên đi sự vâng phục đối với những căn bản của chức linh mục và cởi áo.
Vâng phục chức linh mục có nghĩa chú ý không ngừng về các nhiệm vụ của ơn gọi của chúng ta: Thánh Lễ và kinh thần vụ hàng ngày, suy ngắm, lớn lên trong các nhân đức khiết tịnh, khiêm tốn, đời sống thanh bạch, phát triển tình bạn lành mạnh với các anh em linh mục, ăn uống điều độ, bền bỉ xưng tội, tĩnh tâm hàng năm, và định hướng tâm linh hàng năm--tất cả những điều đó giúp chúng ta trung thành với chức linh mục.
Sự vâng phục đối với ơn gọi được khởi sự từ chủng viện. Một trong những chủng sinh năm thứ nhất nhớ lại những tuần lễ đầu ở chủng viện: "Tôi nhớ nhà khủng khiếp, lạc lõng, hoang mang, tôi tự hỏi tại sao lại ở đây, và tin rằng tôi phải về nhà. Nhưng tôi nghĩ, không được, tôi phải vâng lời. Có những người khôn ngoan hơn đã gửi tôi đến đây; ban giám đốc và anh em chủng sinh bảo tôi hãy từ từ. Chúa muốn tôi ở đây. Tôi tín thác vào Người." Và giờ đây anh rất sung sướng vì sự vâng phục đó. Bởi thế chúng ta hoàn toàn tự chìm ngập trong những đòi hỏi của ơn gọi: không phê bình thêm nữa, không tìm cách tránh né, không còn "tôi biết nhiều hơn thế." Nếu người nào chỉ muốn tìm kiếm những ngoại lệ thì họ sẽ luôn nghĩ rằng mình cao hơn các đòi hỏi mà người khác phải lệ thuộc, có nghĩa họ không vâng phục ơn gọi của mình.
Sau đó là vâng phục người dân. Phải, họ là chủ nhân của chúng ta. Chúng ta phục vụ họ. Sự cứu độ và chăm sóc linh hồn họ là công việc hàng ngày của chúng ta. Một linh mục mà tôi rất quý trọng đã lớn tiếng hỏi rằng hình như chúng ta đang đánh mất điều mà ngài gọi là "ý thức về bổn phận của chúng ta. " Ngài giải thích, "Thông thường là nếu có giáo dân nào nằm nhà thương, tôi không thể nghỉ ngơi cho đến khi thăm viếng họ; nếu có ai từ trần, tôi không thể chấm dứt một ngày mà không đến nhà quàn; nếu có ai gọi điện thoại muốn nói chuyện, tôi phải gọi lại ngay lập tức; nếu có ai muốn gặp, tôi phải cố gắng dành thời giờ. Đó là nhiệm vụ của tôi; tôi mắc nợ điều đó với giáo dân, tôi phải luôn có mặt vì họ. Nhưng giờ đây tôi thấy thật dễ để tự bào chữa cho mình, để bỏ qua điều đó, để xin họ đừng quấy rầy, để thảnh thơi một mình." Ý thức về bổn phận; một sự vâng phục người dân. Là linh mục tôi mắc nợ điều đó đối với họ. Chúa không ban cho tôi chức linh mục như một lợi nhuận thoải mái, dễ chịu nhưng để phục vụ dân của Người.
Một vài năm trước đây, một linh mục truyền giáo người Hoa Kỳ, Cha Jim Tully, dừng chân đến thăm tôi. Ngài đang hoạt động ở quốc gia Phi Châu, Sierra Leone, và vừa mới thoát chết. Khi trốn trong bụi, ngài chứng kiến bọn cướp đốt ngôi nhà thờ nhỏ bé, trường học, bệnh xá của ngài và vây bắt giáo dân. Với các người tị nạn khác, ngài đã trốn khỏi quốc gia này và sau cùng đến Rôma để xin ý kiến của bề trên. Khao khát duy nhất của ngài là gì? Được trở lại sứ vụ của ngài.
"Tôi phải gặp lại giáo dân của tôi. Tôi phải biết xem họ có bằng an hay không. Tôi đã không có thời giờ ngay cả để nói lời tạm biệt. " Đó là điều tôi muốn nói về sự vâng phục người dân.
Sau cùng, vâng phục chịu đau khổ. Như trong Thánh Thư gửi tín hữu Do Thái nhắc nhở chúng ta, "Tuy người là con, người đã học vâng phục qua sự đau khổ." Và chúng ta cũng vậy. Đó có thể là sự đau khổ vì chấp nhận một bài sai mà chúng ta không muốn và vẫn lao mình vào; đó có thể là sự thử thách khi sống chung với một người không hợp với mình; đó có thể là sự mệt mỏi vì công việc khó khăn và đòi hỏi ngày càng gia tăng; đó có thể là sự thất bại, tội lỗi, hay sự chiến đấu làm kiệt sức và cám dỗ chúng ta phải kêu lên "đã quá đủ"! Trong tất cả những điều này, chúng ta vâng phục trong đau khổ, thường chỉ tìm thấy trên môi miệng chúng ta những lời của vị Thượng Tế Đời Đời, "Cha ơi, xin hãy cất chén này; nhưng, không phải ý con, mà ý Cha được thể hiện. "
Thật vậy, Thánh Y Nhã nói với chúng ta rằng sự khó khăn có thể là một phần của hành vi vâng phục, trong đó, nếu chúng ta được lựa chọn giữa hai sự bổ nhiệm, tốt hơn nên chọn cái khó khăn hơn, ít hấp dẫn hơn. Khác hẳn với ngày nay, chúng ta phải xem xét nhà băng trước khi gửi tiền, trước khi ưng thuận. Đôi khi chính sự thất vọng của việc bài sai đè nặng trên chúng ta, khi chúng ta cảm thấy vô dụng, đồ bỏ, hay không được dùng cách thích đáng. Sự vâng phục chịu đau khổ nhắc nhở chúng ta rằng, nói cho cùng, điều quan trọng không phải là những gì chúng ta thi hành với vai trò linh mục, cũng không phải chỗ chúng ta thi hành, mà là con người linh mục của chúng ta khi thi hành điều đó.
Một đan sĩ của Đan Viện Giệt-si-ma-ni nói với tôi là ngài thật sung sướng với công việc làm bánh và rồi một ngày kia đan viện trưởng nói rằng ngài sẽ được thụ phong linh mục. Sau nhiều năm chuẩn bị, ngài được chịu chức và, một ngày sau Thánh Lễ mở tay, ngài nôn nóng chờ đợi vị đan viện trưởng sau giờ kinh sáng để hỏi xem sự bổ nhiệm mới của ngài là gì. Đan viện trưởng rất ngạc nhiên và nói, "Tại sao lại hỏi như vậy, dĩ nhiên là trở về làm bánh. " Vị đan sĩ trẻ trả lời, "Nhưng đó là điều con đã làm trước khi được chịu chức." Đan viện trưởng trả lời, "Đúng vậy, nhưng giờ đây cha sẽ làm điều đó với tư cách của một linh mục. "
Chính vào lúc cùng cực nhất của cuộc đời trần thế, vào lúc Người cảm thấy bị bỏ rơi, bị quên lãng, vô dụng nhất, đau đớn nhất--đó chính là khi đau khổ nhất-trên thập giá, vâng phục cho đến chết, mà Đức Giêsu đã hoàn thành tất cả.
Nếu mục đích của chúng ta là đồng hình dạng với Đức Kitô, thì sự vâng phục là con đường đến đó. Thánh Y Nhã Loyola có dạy: "Sự vâng phục là của lễ toàn thiêu mà trong đó toàn thể con người, không giữ lại một chút gì, được hiến dâng trong ngọn lửa bác ái cho Tạo Hóa và Thiên Chúa… Ít linh hồn hiểu được điều mà Thiên Chúa muốn thực hiện trong con người họ nếu họ hoàn toàn từ bỏ chính mình cho Người, và nếu họ để cho ơn sủng của Người khuôn đúc họ. "
Thánh Gioan Vianney, là người bị cám dỗ từ bỏ xứ Ars để được sống dễ dãi hơn, nhưng rồi lại chấp nhận ý đức giám mục, đã giảng rằng, "Sự vâng phục làm mềm ý muốn của chúng ta. Nó đem lại sức mạnh để chiến thắng bản thân, để vượt qua sự lười biếng, và để chống lại các cám dỗ. Nó khơi dậy sự can đảm để chu toàn những nhiệm vụ khó khăn nhất.”
Vậy sự vâng phục là nhân đức trung gian mà qua đó các nhân đức khác sẽ đến; chúng ta theo đuổi sự thánh thiện, khiêm tốn, khiết tịnh, thanh bạch, và bác ái vì chúng ta lưu tâm đến ý Chúa, vâng theo hoạch định của Người, và chúng ta biết đây là điều Người muốn. Người có chương trình cho chúng ta, và chúng ta cộng tác. Hoạch định ấy ít khi rõ ràng nếu chúng ta muốn biết trước tương lai, nhưng chỉ khi nhìn lại quá khứ chúng ta mới biết đó là sự quan phòng của Thiên Chúa, nếu chúng ta vâng phục.
Như chúng ta tìm thấy trong sự suy gẫm của Đức Hồng Y Newman:
Thiên Chúa đã dựng nên tôi để thi hành cho Người một số công việc; Người giao các công việc ấy cho tôi mà không giao cho người khác--tôi không bao giờ biết được điều đó khi trong cuộc đời này nhưng tôi sẽ được cho biết ở đời sau.
Người không dựng nên tôi để chẳng làm gì cả. Tôi sẽ thi hành một cách tốt đẹp, tôi sẽ làm công việc của Người, tôi sẽ là một thiên thần của sự bình an, một người rao giảng chân lý trong chính nơi tôi ở--nếu tôi giữ các giới răn của Người và phục vụ Người trong ơn gọi của tôi.
Bởi đó, tôi tín thác vào Người. Bất cứ gì, bất cứ đâu tôi sống, tôi không bao giờ bị loại bỏ. Nếu tôi đau yếu, sự đau yếu của tôi có thể phục vụ Người; nếu tôi sầu muộn, sự sầu muộn của tôi có thể phục vụ Người.
Người không làm điều gì cách vô dụng. Người biết công việc của mình. Có thể Người lấy đi các bạn hữu của tôi. Có thể Người quăng tôi vào chỗ xa lạ. Có thể Người khiến tôi cảm thấy lạc lõng, tinh thần tôi chìm đắm, tương lai tôi mờ mịt--nhưng Người biết công việc của Người--và tôi tín thác vào Người.
Do đó, trong sự vâng phục của chúng ta là các linh mục chúng ta rất đồng hình dạng với Đức Giêsu, giao phó hoạch định, khao khát và ý muốn của chúng ta tùy theo sự sử dụng của Thiên Chúa Cha. Chúng ta kết thúc chương này với kinh Dâng Hiến của Charles de Foucauld:
Lạy Cha

Con phó thác con trong tay Cha;

hãy dùng con như ý Ngài muốn.

Bất cứ gì Cha làm, con đều cảm tạ;

Con sẵn sàng tất cả, chấp nhận tất cả.

Xin chỉ để ý Cha được thể hiện nơi con,

và trong mọi tạo vật của Cha-

lạy Chúa, con không khao khát gì hơn điều này.

Trong tay Chúa con phó thác hồn con;

con dâng hiến hồn con cho Chúa

với tất cả tình yêu trong tâm hồn con,

vì con yêu Ngài, ôi lạy Chúa,

và vì thế con cần dâng hiến chính con,

từ bỏ chính con trong tay Chúa,

không chút dè dặt,

và với sự tin tưởng vô bờ,



vì Ngài là Cha của con.

Chương 7
LỊCH THIỆP

(Đoạn trích Kinh Thánh: Philípphê 2:1-4)

Một trong những sử gia nổi tiếng của Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ là Đức Ông John Tracy Ellis, công trình lớn của ngài là hai bộ sách có uy tín về Đức Hồng Y James Gibbons, ngài rất thích kể câu chuyện về một công dân lỗi lạc của Baltimore là người mà ngài đã phỏng vấn khi nghiên cứu tiểu sử đức hồng y. Ông này cho biết khi còn nhỏ cha mẹ ông thường dẫn ông đi dạo mỗi chiều Chúa Nhật sau bữa cơm tối. Cứ mỗi Chúa Nhật ông đều gặp một giáo sĩ nhỏ bé nhưng có nét đặc biệt và ngài thường ngả nón chào và mỉm cười với gia đình ông. Cứ mỗi Chúa Nhật, ông cũng muốn chào đáp lễ, và ngay cả muốn trò chuyện với vị giáo sĩ ấy vì ngài có vẻ rất lịch thiệp, nhưng cha mẹ ông, không bao giờ đáp trả, vội kéo ông tránh sang một bên. Dường như họ là các nhân vật có tiếng trong giáo phái Presbyter và họ giải thích cho con họ rằng người đàn ông trong y phục đen đó là một linh mục Công Giáo, người mà họ không muốn giao tiếp.
Nụ cười thật thu hút của vị linh mục, sự chào đón thật thành khẩn của ngài từ Chúa Nhật này sang Chúa Nhật khác, dù liên tục bị làm ngơ bởi cha mẹ ông, đã khích lệ ông tìm hiểu về người Công Giáo, đến độ khi hai mươi hai tuổi, trước sự lo sợ của cha mẹ, ông đã học giáo lý và trở thành một người Công Giáo. Thật xúc động là dường nào khi ở Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời để được thêm sức, ông thấy trong phái đoàn tiến lên cung thánh là người mà ông từng gặp trong những lần đi dạo và không bao giờ quên chào hỏi gia đình ông, giờ đây trong phẩm phục lộng lẫy đang chúc lành cho giáo đoàn mà họ đang rỉ tai nhau "Đó là Đức Hồng Y Gibbons."
Tôi mở đầu với câu chuyện đơn sơ này, vì nó cho thấy tính cách tối quan trọng của sự lịch thiệp. Sự lịch thiệp liên tục, ngay cả khi không được đáp trả của một linh mục trong cuộc đi dạo ngày Chúa Nhật đã chiến thắng được một linh hồn cho Giáo Hội. Như Belloc viết:
Về sự lịch thiệp, nó thua xa sự can đảm của tâm hồn hay sự thánh thiện. Tuy nhiên, trong hành trình cuộc đời, đối với tôi dường như ơn huệ của Thiên Chúa nằm trong sự lịch thiệp.
Vậy, sự lịch thiệp là một nhân đức tôi hy vọng không cần phải định nghĩa. Chúng ta biết khi chúng ta nhận thấy điều ấy; chúng ta càng biết rõ hơn khi không thấy. Sự lịch thiệp có liên hệ đến sự tử tế, sự quan tâm, cách cư xử, sự đúng đắn và tao nhã. Tôi cho rằng sự lịch thiệp phát sinh từ đức ái, một đặc tính cao cả nhất của Kitô Giáo. Thánh Phanxicô nhận xét: "Anh em thân mến, hãy biết rằng sự lịch thiệp là một trong những đặc tính của Thiên Chúa, Người ban mặt trời và mưa xuống cho người công chính và không công chính vì sự lịch thiệp; và lịch thiệp là chị em với đức ái, bởi đó hận thù bị chế ngự và tình yêu được ấp ủ. "
Châm ngôn có câu, "Thiên Chúa ở trong sự tỉ mỉ, " và tôi có thể nói thêm ma qủy cũng vậy, và tôi cho rằng sự lịch thiệp điều hành các chi tiết, các mấu chốt của đức ái. Sự lịch thiệp được dựa trên ba nguyên tắc:


  1. Thứ nhất, sự tự trọng: chúng ta tôn trọng chính mình như một người con của Chúa, được dựng nên theo hình ảnh của Người, một công trình vô giá của Người, được cứu chuộc bằng giá máu của Con duy nhất của Người, được dành cho sự sống vĩnh cửu. Điều này đem lại cho chúng ta một sự tự trọng lành mạnh để tự đối xử với mình một cách đàng hoàng, và chỉ cho phép các lời lẽ cũng như hành động xuất phát từ chúng ta xứng với tư cách của chúng ta.

  2. Thứ hai, tôn trọng người khác: điều tôi tin tưởng về chính mình thì cũng phải tin tưởng chắc chắn về người khác, và như thế tôi đối xử với họ như một phản ảnh thực sự của Thiên Chúa, đó là sự lịch thiệp.

  3. Thứ ba, lịch thiệp: nhân đức này được xây dựng trên quan điểm chung về một xã hội, dù nhỏ hay lớn, chỉ có thể tồn tại, thịnh vượng, và hoàn tất mục đích của nó nếu được xếp đặt theo các quy tắc của sự lễ độ, lo âu, và ân cần.

Nói thực tế hơn, tôi có thể tổ chức một buổi họp về sự lịch thiệp cho tổ chức đánh bài, cho người móc túi, vì đó là một nhiệm vụ căn bản của con người thường được dậy bảo trong những năm đầu tiên ở gia đình. Lịch thiệp là phận sự của mọi người. Nhưng nó tuyệt đối cần thiết cho một linh mục! Giáo dân mong đợi chúng ta là những người quý phái (gentleman). Tôi không muốn nói một người chưng diện, đua đòi, lên mặt đạo đức, chuyên viên ngoại giao và nghi thức, nhưng một người chín chắn, biết lưu tâm và lễ độ. Tại sao? Vì Đức Giêsu là như vậy và chúng ta dám đại diện cho Người! Và nếu chúng ta thiếu suy nghĩ, khinh suất, cẩu thả, thô lỗ thì chúng ta đạo đức giả!


Tôi vừa mới đọc một bài phỏng vấn thật hay của Tiến Sĩ Laura Schlessinger, một nhân vật trong truyền thông và là tác giả nổi tiếng không ngờ. Hãy nghe bà ấy nói:
Nếu tôi có một công ty bán cà-rem và bạn lái chiếc xe kem của công ty tôi với hàng chữ "Kem Schlessinger" được vẽ bên hông, và bạn trông thật nhếch nhác:tóc tai dơ bẩn, điếu thuốc trễ một bên môi, quần áo bẩn thỉu, và bạn thật hung dữ với con nít, thì ai là người bị khinh dể? Hãng Kem Schlessinger, đó là người bị khinh dễ! Như vậy, một người tự cho mình là đạo đức thì thực tế đại diện cho Thiên Chúa, và trách nhiệm cho danh Chúa trong cộng đồng.
Cám ơn Tiến Sĩ Laura! Bà nói điều đó thật hay! Qua sự lịch thiệp chúng ta thu hút người dân đến với Chúa Giêsu, với chân lý và Giáo Hội của Người, như Đức Hồng Y Gibbons đã làm đối với người trẻ ấy. Và sự khiếm nhã hay thiếu lịch thiệp của chúng ta thì sao? Chúng ta xua họ đi chỗ khác!
Để tôi đưa ra một lý do khác tại sao sự lịch thiệp lại cốt yếu cho linh mục. Khi tôi đưa ra điều thiết thực, bạn có thể nhận định về một thí dụ hay một điểm nào đó, "Điều đó có gì đáng kể. Với đủ mọi loại bạo lực, tội ác và vấn nạn trên thế giới, Đức Cha Dolan lại nói về cách dùng muỗng nĩa?" Đồng ý, có thể việc viết thư cám ơn đứng cuối danh sách của những điều tỉ như đức tin, đức ái, sự chính trực, và thánh thiện…nhưng tôi vẫn xác nhận rằng sự lịch thiệp không chỉ là một tùy ý cho những ai không coi thường con đường trọn lành.Và, nếu bạn không ở trên con đường trọn lành đó, bạn không nên tiến đến chức linh mục.
Mẹ Têrêsa cho rằng, "Sự ân cần là khởi đầu cho sự thánh thiện. Nếu bạn học được nghệ thuật quan tâm, bạn sẽ ngày trở nên giống Đức Kitô… Ơn gọi của chúng ta … phải đầy sự lịch thiệp với người khác. " Có thể các hành động lịch thiệp tự nó thì nhỏ nhoi và không đáng kể. "Nếu thật như vậy," Emerson nói, "thì các giọt sương cũng vậy mà nó lại tạo thành lớp sương mỏng sáng sớm."
Được… với các điều tỉ mỉ. Thiên Chúa thì trong các điều tỉ mỉ, nhớ chứ! Đây là cách tôi giải quyết điều này: tôi kể ra tám đặc tính của sự lịch thiệp--có thể nhiều hơn, có thể được trình bầy cách khác biệt, cứ cho là như vậy--nhưng trong tám thuộc tính này tôi sẽ đưa ra các thí dụ cụ thể mà trong đó nhiều thí dụ được các linh mục và chủng sinh đưa ra.
Đây là danh sách: một người lịch thiệp thì--tôn trọng, thân thiện, hiếu khách, đáng tin cậy, lễ độ, cao thượng, biết ơn và có phẩm giá.

Một người quý phái thì biết tôn trọng. "Đừng làm điều gì vì ích kỷ hay tự kiêu tự đại, " Thánh Phaolô viết cho tín hữu thành Philípphê (2:3), "nhưng trong sự khiêm tốn coi người khác hơn mình. Mỗi người trong anh chị em đừng chỉ tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng còn vì lợi ích của người khác." Điều đó giải thích rõ ràng thế nào là tôn trọng. Chúng ta luôn luôn đặt nhu cầu của người khác trước của mình. Cha Henri Nouwen dạy rằng tình yêu Kitô Giáo chân chính thì không chỉ ý thức nhu cầu của tha nhân, nhưng còn đoán trước các nhu cầu đó. Ngay cả bây giờ tôi vẫn còn nhớ đến cha tôi, sau một ngày làm việc vất vả hiển nhiên ông là người đói nhất nhà trong bữa ăn tối, nhưng ông luôn luôn lấy thức ăn sau cùng, nhường cho vợ con ăn trước.


Người lịch sự tôn trọng bất cứ ai, nhưng có những người cần được chúng ta tôn trọng:


  • Cha mẹ và gia đình chúng ta, theo điều răn thứ tư, đáng được chúng ta tôn trọng và hiếu thảo.

  • Những người có thẩm quyền đáng được chúng ta tôn trọng. Khi ở giáo xứ, luôn luôn tôn trọng cha sở, không chỉ trong các quyết định, nhưng còn trong các điều đơn giản, như chỗ ngồi, hướng dẫn cầu nguyện, và đề cập đến ngài với sự tôn trọng. Người có thẩm quyền đáng được tôn trọng.

  • Người phụ nữ có quyền được tôn trọng. Tôi không muốn nói chúng ta phải hạ mình chiếu cố đến họ, nhưng tôi tin rằng một vài tác phong lịch sự đối với phụ nữ vẫn còn giá trị, tỉ như mở cửa dùm, kéo ghế cho họ ngồi, v. v.

  • Người già, người bệnh tật đáng được tôn trọng, không phải trong một phương cách hạ mình, nhưng tế nhị để ý đến họ. Có lần tôi nghe biết một cha xứ cử hành Thánh Lễ Chúa Nhật trong một căn phòng chật cứng không còn ghế ngồi, và ngài thấy một phụ nữ đang mang thai nặng nhọc đi lên đi xuống tìm chỗ ngồi. Ngài bắt đầu thấy nóng mặt khi không có ai nhường chỗ cho bà. Sau cùng, ngài lên tiếng, "Bà lên đây, ngồi chỗ của tôi." Về phương diện phụng vụ thì không đúng có phải không? Cũng không khôn ngoan lắm về phương diện cư xử vì có lẽ ngài làm bà thêm bối rối, nhưng chắc chắn ngài đã thành công khi dạy bảo giáo dân về nhiệm vụ lịch thiệp!

"Tôn trọng nhau vì tình yêu dành cho Đức Kitô. "


Một người lịch thiệp thì thân thiện. Để tôi kể cho các bạn nghe một nghịch lý trong gần sáu năm làm cha giám đốc chủng viện. Một trong những lời khen tôi thường được nghe về các chủng sinh là "Các chú của cha thật thân thiện! Họ mau mắn chào hỏi, trò chuyện và giúp đỡ. " Còn ngược lại thì sao? Một trong những lời buộc tội mà tôi thường nghe là "Các chú chẳng có thân thiện chút nào! Họ đi ngang qua mặt tôi mà không một lời chào hỏi, cũng chẳng chào lại, họ không gợi chuyện, và họ hợm mình, khiếm nhã." Lời diễn tả nào đúng nhất? Dĩ nhiên cả hai! Tôi tin rằng lời đầu thì nhiều hơn, và tôi nghe các chủng sinh được khen ngợi vì sự thân thiện hơn là bị chê trách vì thiếu thân thiện. Nhưng, cũng không thiếu gì người nhận thấy sự khiếm nhã thiếu thân thiện của các chủng sinh và điều đó cần để ý.
Một vài thí dụ:


  • "Không chào lại khi có người chào hỏi." Đó là sự lịch thiệp sơ đẳng, là điều mà chúng ta trông đợi ở người lái xe công cộng. Khi mới đến Trường North American, tôi chào một chủng sinh cũng trên đường ra nhà nguyện: chẳng thấy đáp trả. Tôi nghĩ anh ta không nghe thấy, tôi lập lại lời chào: cũng không đáp trả. Tôi chặn anh lại, "Thật khiếm nhã khi anh không biết chào lại." Nghe thế, anh trả lời, "Ồ con xin lỗi. Con còn ngái ngủ." Tôi đáp lại: "Nếu vậy thì đừng làm linh mục triều, vì con sẽ phải gặp hầu hết giáo dân vào buổi sáng trước 8 giờ."

  • "Không chúc bình an trong Thánh Lễ." Tôi xin lỗi, đó là điều phải đi xưng tội chứ không phải nhỏ.

  • "Cúi đầu, tránh né đi sang một bên hành lang không muốn gặp người đối diện."

Cách đây không lâu, Cha Williams và tôi đến thăm chủng viện St. Mary ở Emmitsburg. Chúng tôi đến trễ vào tối hôm đó, khoảng 9:30, đậu xe và ra sau xe lấy hành lý. Ba chủng sinh đang trò chuyện đi ngang qua, và, rất thành thật họ tự giới thiệu, chào đón chúng tôi và giúp chúng tôi đem hành lý vào phòng. Tôi nhận xét với Cha Williams, "Ở vị thế được đón nhận sự hiếu khách tôi mới thấy nó quan trọng là dường nào. Tôi chỉ mong là các chủng sinh của North American College cũng hiếu khách như ba chủng sinh này!"

Phải luôn luôn tự giới thiệu với khách lạ! Nếu bạn không nhớ là thi hành điều đó hay chưa, hãy nói, "Tôi không nhớ là tôi đã gặp bạn hay chưa, tôi là… Và bạn là?" Luôn luôn nói tên của mình khi ai đó giới thiệu họ với bạn!
Một người lịch thiệp thì hiếu khách. Thầy chúng ta, khi còn trong bụng mẹ đã bị xua đuổi khỏi quán trọ ở Bê Lem, Người được hân hoan chào đón vào nhà của Martha và Maria, Giakêu, và Mát-thêu, dành một chỗ đặc biệt trong Thánh Tâm Người cho những ai hiếu khách.

Và đó phải là một đức tính của linh mục! Để gặp người mới đến, người lạ đến thăm viếng giáo xứ, và giúp người đó cảm thấy tự nhiên. Venit hospis, venit Christus ("Khi khách đến, Đức Kitô đến").


Người lịch thiệp thì đáng tin cậy. Khi có hứa với ai, chúng ta phải chu toàn lời hứa ấy vì sự tự trọng cũng như sự tôn trọng người khác. Sau đây là một vài đặc biệt:


  • Chúng ta bền bỉ trong công việc được giao phó. Sự lịch thiệp của một người sẽ bị ảnh hưởng khi họ không thi hành việc được giao phó, dù đó là việc phụng vụ hay mục vụ.

  • Các linh mục dễ bị mang tiếng khi không đáp lại các lời mời. Khi bạn được mời, hãy trả lời là nhận hay không; nếu bạn phải đến đâu, hãy đến đó! Dân chúng trông mong bạn là người đáng tin cậy. Thuyết giáo quyền là một tai họa của Giáo Hội. Nó có nghĩa các linh mục tin rằng họ đáng được đối xử cách đặc biệt. Nó thật hiển nhiên khi các linh mục nghĩ là họ được miễn trừ khỏi các quy tắc bình thường của sự lịch thiệp, tỉ như không đếm xỉa đến các lời mời hay không đến nơi mà họ phải đến.




  • Không bao giờ đi qua đêm mà không báo cho những người có thẩm quyền về nơi mình đến và khi nào sẽ trở về.

  • Sốt sắng: thường xuyên đến trễ là một vi phạm nghiêm trọng đến sự đáng tin cậy. Tại sao bạn lại ích kỷ cho rằng thời giờ của bạn thì quý báu hơn của người khác?

Một người lịch thiệp thì đáng tin cậy!

Người lịch thiệp thì lễ độ. Tôi muốn nói đến một tinh thần tôn trọng người khác, không chua cay, và một bầu khí tin cậy phải là đặc tính trong cách đối xử của chúng ta, nhất là trong những hoàn cảnh căng thẳng và khó chịu.
Các tiếng nói khôn ngoan trong xã hội và trong Giáo Hội, than thở về sự mất lễ độ. Dù muốn hay không, mọi người đều đồng ý với một khía cạnh nhỏ bé nhất của đề nghị "Bước Khởi Đầu Chung" của cố Hồng Y Joseph Bernardin, trong đó ngài thúc đẩy trở về tính cách lễ độ trong mọi thuyết trình trước đám đông. Sự chửi rủa, nghi ngờ, đả kích trong các bài viết cũng như nói chuyện của người Công Giáo thì đáng kết tội. Thánh Augustine cho rằng trong mọi lạc giáo, điều ghê gớm nhất là thiếu bác ái.
Một vài nhận xét:


  • Không bao giờ chúng ta nhận xét cá nhân. "Đừng nghe ông ta, hắn là người lạc giáo!" "Bà ấy không chính thống." "Ông ta là một người cuồng tín phe hữu." Đối với người lễ độ thì ai cũng tốt, thành thật, và đáng tôn trọng. Chúng ta có thể bất đồng ý với điều người khác nói hay làm, nhưng chúng ta luôn luôn lễ độ với người ấy. "Tôi không để sơ ấy nói chuyện với người dự tòng, sơ ấy là một phụ nữ cấp tiến lạc giáo!" Không như vậy được. Sơ ấy là con cái của Thiên Chúa và là một người tận hiến của Giáo Hội, mà quan điểm của sơ về một vấn đề nào đó có thể sai lầm và cần được sửa đổi nhưng sơ đáng được tôn trọng, và lời lẽ của chúng ta về sơ ấy phải luôn luôn lễ độ.

  • Sự lễ độ có nghĩa không chửi rủa, không tức giận nói bừa, không kết án. Chúng ta bày tỏ lời phê bình của chúng ta một cách bình tĩnh, độ lượng và đầy sự tôn trọng.

  • Sự lễ độ cũng còn có nghĩa khi chúng ta có những vấn đề và trình các vấn đề ấy lên giới có thẩm quyền, chúng ta phải tin vào thiện ý của người có trách nhiệm giải quyết vấn đề ấy. Chúng ta không được đánh du kích để đạt được mục tiêu của mình.

Cách đây không lâu, đức giám mục của Pittsburgh là Donald Wuerl, có công bố một lá thư mục vụ về vấn đề này. Ngài viết: "Chúng ta không thể đề cao việc phúc âm hóa và sau đó lại tiêu diệt mọi hy vọng cao quý của công việc phúc âm hóa qua kiểu cách chúng ta đề cập đến hoặc chuyện vãn với nhau." Hãy lắng nghe các nguyên tắc ngài đề ra:




  • "Đi vào cuộc đối thoại mà tin rằng người khác không thành thật, dối trá, hay có ý định làm hại chúng ta, điều đó làm mất đi mọi kết quả tốt đẹp có thể mang đến."

  • "Cuộc đối thoại thành công bắt đầu bằng sự tin tưởng."

  • "Căn bản cho cuộc đàm luận Kitô Giáo là tin tưởng rằng chính chân lý đã đủ mạnh để chiến thắng."

  • Các kiểu nói đụng chạm, bêu xấu, chửi rủa thật phổ thông trên truyền hình và truyền thanh không thể trở thành kiểu cách đàm luận trong Giáo Hội.

Sự lịch thiệp đòi hỏi sự lễ độ.


Một người quý phái thì cao thượng. Điều này có nghĩa có sự bao quát về tinh thần, sự rộng lớn của con tim của người quý phái. Phương cách hay nhất để hiểu sự cao thượng là nêu lên điều trái ngược của nó: nhỏ nhen. Do đó, phán đoán sự thích đáng về phương diện phụng vụ của một người chỉ bởi áo lễ bề ngoài thì không phải cao thượng; phân tích tỉ mỉ một linh mục hay thầy sáu sau mỗi Thánh Lễ hay bài giảng là điều nhỏ nhen.
Người cao thượng có một tinh thần bao quát được chứng tỏ qua lời chia buồn ai đó vừa mất người thân yêu, hay có lời an ủi người bệnh hoạn. Người độ lượng thì mau tha thứ và không nuôi dưỡng hận thù, họ bỏ qua điều nhỏ mọn và đem lại ích lợi cho người hồ nghi.
Cũng được coi là độ lượng khi tôi vẫn nhã nhặn đối với người luôn cộc cằn với tôi. Đó là một thách đố thực sự. Chúng ta biết lịch thiệp khi chính mình cảm thấy thiếu điều đó.
Người lịch thiệp thì độ lượng.
Biết ơn: mọi sự chúng ta có đều từ một Thiên Chúa nhân hậu qua sự độ lượng của người khác, và điều đó khiến chúng ta biết ơn. "Cảm ơn" là câu thường thấy trong cuộc đối thoại của một người lịch thiệp với Thiên Chúa, và với người khác.
Sự biết ơn được thể hiện trong các thiệp cám ơn các ân nhân và những người đón tiếp, giúp đỡ, tặng quà cho chúng ta. Các linh mục thường nổi tiếng là không viết thư cám ơn.
Sự biết ơn cũng hiển nhiên trong cách chúng ta săn sóc tài sản và môi trường chung quanh. Là các linh mục, chúng ta sống trong các căn nhà và vui hưởng sự tiện nghi được ban cho chúng ta qua cộng đồng dân Chúa. Việc quản lý cẩn thận các tài sản ấy là một dấu chỉ của sự lịch thiệp. Giữ gìn phòng ốc, đồ dùng, đóng cửa tắt đèn, nhặt rác, dọn dẹp, trả lại những gì chúng ta mượn, đây là những gì trong lãnh vực quản lý, được phát xuất từ lòng biết ơn những gì chúng ta được ban cho.
Không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên khi những câu nói đầu tiên chúng ta được dạy bảo là "cảm ơn": cũng không phải là tình cờ khi chữ ơn huệ và biết ơn cũng có chung một chữ.
Một đặc điểm sau cùng của sự lịch thiệp: có phẩm giá. Sự tự trọng cũng như tôn trọng người khác đem lại cho chúng ta một phẩm giá, một tư cách, một cảm nhận đúng đắn. Tất cả chúng ta đều có một khía cạnh hèn hạ mà nó đe dọa phẩm giá của con người, và sự lịch thiệp cũng như cách đối xử có thể kiểm soát thú tính này.
Sau đây là một vài thí dụ:


  • Bạn đừng ngạc nhiên là ngay khi ăn uống, chúng ta cần phải kiềm chế tật ăn phàm uống tục của mình bằng phẩm giá! Chúng ta thường đầu hàng thói quen ăn uống thật mau lẹ, không biết đến người chung quanh, ăn thật nhanh cho xong. Bữa ăn là để thưởng thức, nhâm nhi với người khác một cách tốt đẹp nhất.

  • Tôi cũng phải nhận xét rằng sự lịch thiệp đòi hỏi chúng ta ăn uống chung hoặc, khi là linh mục, ăn trong nhà xứ với cha sở. Vì tôi chưa bao giờ bỏ qua một bữa ăn trong đời nên tôi sững sờ khi nghe các cha sở ngày nay nhận định rằng các cha phó ít khi ăn trong nhà xứ. Điều này không tốt: nó có thể trở nên thô lỗ nếu quá thường xuyên.

  • Chúng ta bày tỏ phẩm giá của mình, vì chúng ta và vì người khác, trong cách ăn mặc và phong thái. Tôi nghĩ chúng ta hành động cách tốt đẹp khi mặc y phục của giáo sĩ; đôi khi tôi cảm thấy khúm núm trong quần áo thường. Ngoại trừ bạn để râu, mà luôn luôn được tỉa gọn, hãy nhớ cạo râu mỗi ngày.

  • Và, tôi thật do dự khi đề cập đến điều này, nhưng tôi phải nói: khi hút thuốc, hay nhai thuốc trước mặt người khác đó là điều vi phạm phẩm giá của chúng ta và người khác. Hãy đi ra ngoài, dùng phòng riêng hay biết chắc là mình trong một phòng cho phép hút thuốc và không làm phiền người khác.

Chúng ta chứng tỏ phẩm giá của mình trong bàn ăn, trong y phục, và trong diện mạo bên ngoài.


Tôi có thể kết luận bằng cách trưng ra Chúa Giêsu là một gương mẫu tuyệt hảo về sự lịch thiệp, tao nhã, cách cư xử và quan tâm đến người khác. Để chấm dứt, hãy để ý đến đoạn văn sau đây của Belloc:
Trong thời gian làm đan sĩ ở Storrington, họ đưa tôi thẳng vào hội trường. Tôi nhìn thấy ba tấm hình trên tường. Và tất cả đều lịch thiệp. Tấm thứ nhất là cảnh Truyền Tin. Tấm thứ hai là Cảnh Thăm Viếng. Tấm thứ ba là Đức Giêsu Được An Ủi.
Đức Giêsu, sự lịch thiệp của Thiên Chúa nhập thể:

được tôn trọng khi đến để phục vụ, chứ không được phục vụ,

quá thân thiện đến nỗi không ai để Ngài yên,

hiếu khách ngay cả với kẻ lọc lừa và đĩ điếm,

đáng tin cậy ngay cả sự bài sai trên Canvê,

lễ độ với người kiêu ngạo và người tự cho là quan trọng,

độ lượng mở rộng con tim rực lửa yêu thương,

biết ơn khi quy tất cả mọi sự về Chúa Cha và không muốn gì hơn là mọi người quay về với Chúa Cha;

thật có phẩm giá ngay khi ở chuồng bò, khi mệt mỏi, khi bị xỉ nhục, khi bị đóng đinh.

Sự lịch thiệp của Đức Giêsu, sự lịch thiệp của các linh mục của Người… Đó có phải quá đáng khi nói rằng, trong sự lưu tâm đến người khác được tỏ lộ qua cách đối xử và suy nghĩ chín chắn, có phải chúng ta đang đi vào mầu nhiệm vượt qua không? "Lịch thiệp là một cách để chết đi chính con người mình," được diễn tả tốt đẹp nhất trong quy luật vàng của Phúc Âm, "Hãy làm cho người khác những gì bạn muốn họ làm cho bạn."


Trong thời đại trọng danh xưng, chúng ta được bảo phải để ý đến các nhân vật số một, chúng ta bị nhồi nhét để tin rằng rồi mọi sự sẽ đến với chúng ta, chúng ta bị cám dỗ để yêu cầu người khác làm cho mình thay vì chúng ta làm cho họ, và Thiên Chúa, quê hương, xã hội, Giáo Hội, và chủng viện này làm ơn cho chúng ta nhưng có thể không đòi hỏi chúng ta phải đáp trả, và thời đại này là nơi sự riêng tư, khoái lạc, và tiện nghi dường như là các quyền bất khả chuyển nhượng, thế hệ chúng ta được nói là phải ích kỷ, thì chúng ta được yêu cầu "hãy khiêm tốn nghĩ đến người khác như bề trên của mình. "
Như John Andrew Holmes đã viết, "Sự lịch thiệp đích thực là một mẩu gỗ từ thập giá đích thực."

Chương 8
LIÊM CHÍNH

(Đoạn trích Kinh Thánh: 1 Tim 6)
Vào ngày 28 tháng Tư 1997, dân quân võ trang Hutu tấn công một đại chủng viện ở Burundi, ép buộc ba mươi bốn chủng sinh phải ra tập họp trước sân nhà nguyện, tại đây thủ lãnh nhóm dân quân yêu cầu các chủng sinh phải tự tách riêng thành hai nhóm: nhóm người Hutu và nhóm người Tutsi. Các chủng sinh từ chối, họ đứng chụm lại với nhau và tuyên bố tất cả chỉ thuộc có một bộ lạc. Người thủ lãnh lại nhấn mạnh và ra lệnh đám thuộc hạ khát máu chĩa súng vào các chủng sinh, hắn đe dọa sẽ nổ súng nếu họ không tự động đứng tách rời thành hai nhóm. Các chủng sinh vẫn đoàn kết, không tuân lệnh. Người thủ lãnh lạnh lùng ra lệnh nổ súng và đã tàn nhẫn giết chết ba mươi bốn người trẻ Phi Châu mà cuộc đời họ không muốn gì khác hơn là được làm linh mục cho Hoàng Tử Hoà Bình.
Tôi mở đầu với câu chuyện tử đạo này để khảo sát một đức tính mà tôi muốn đề cập. Thú thật, khi nghe câu chuyện ấy, nhiều điều nảy ra trong đầu:


  • Nói đến sự dũng cảm thì thật dễ là chừng nào, như các người trẻ này đã không sợ khi đứng trước sự đe dọa của kẻ sát nhân để làm chứng cho nguyên tắc đạo đức Kitô Giáo.

  • Sự can đảm của họ một cách sống động cho thấy thế nào là căn tính của một Kitô Hữu và của một linh mục, như họ đã ý thức căn tính của họ là con cái của Thiên Chúa, môn đệ của Đức Giêsu, và là những người cùng chia sẻ một ơn gọi linh mục, không nhượng bộ bất cứ sự chia cách chủng tộc nào.

  • Thật cảm động chừng nào khi sự tử đạo của họ đã dạy chúng ta về sức mạnh của tình yêu, vì họ biết rằng khi chia thành hai nhóm điều đó sẽ quyết định số phận của người anh em Tutsi kia, và họ hy vọng rằng sự đoàn kết trước bạo lực sẽ bảo vệ được người cô thế…

Nhưng tôi có thể nói rằng sự tử đạo của họ là một bài học mạnh mẽ dạy chúng ta về sự liêm chính, khi họ muốn nói lên điều họ tin tưởng bên trong được phản ánh ra bên ngoài qua các thái độ can đảm, nói lên tình huynh đệ phát sinh từ căn tính Kitô Hữu và linh mục, và tình yêu thương nhau dù có phải hy sinh mạng sống. Vì trong các chủng sinh gan dạ này, không có sự chia cắt giữa những điều họ tin tưởng và lối sống, không giả hình trong lời giảng chân thành với một quy tắc nào đó nhưng trên thực tế lại nhượng bộ, và không giả dối trong sự tin tưởng rằng họ là con cái Thiên Chúa luôn trung thành với Vua của các vua, chứ không phải binh đội của thế gian. Những người liêm chính này đã chứng tỏ lòng đạo đức, sự bền bỉ, sự đáng tin cậy, và sự chân thật ngay cả khi bị đe dọa với cái chết, họ xứng đáng được đứng chung với những người như Thánh Gioan Tẩy Giả, các tông đồ, Thánh Tôma Becket, Thánh Gioan Fischer, Thánh Tôma More, và Thánh Maximilian Kolbe. Đứng trước câu hỏi hung ác là họ có thực sự tin tưởng điều họ thường rêu rao hay không thì họ đã dùng cuộc đời thanh xuân và trong trắng của họ để trả lời cho câu hỏi ấy. Và đó là sự liêm chính.


Tôi thường hỏi Giáo Hội, thế giới trông đợi điều gì nơi các linh mục, và tôi đã tự trả lời cho mình câu hỏi ấy, đó là "sự thánh thiện. " Thật quá đúng! Điều thứ hai, rất gần và rất có liên hệ, đó là sự liêm chính. Giáo Hội, giáo dân, và, đúng vậỵ, ngay cả thế giới, khao khát các linh mục là những người liêm chính.
Và điều đó có nghĩa gì? Liêm chính là một trong những nét khó định nghĩa nhưng dễ nhận thấy. Một người liêm chính là người chân thật, không mưu mẹo, là người thành thực, đáng tin, những tin tưởng bên trong được bộc lộ ra bên ngoài, lời nói và hành động của họ phù hợp với con người của họ: một người ngay thật, đúng đắn, có nguyên tắc, có chí khí, và đáng tín cẩn, lời nói của họ đáng tin, và họ khiến người khác phải tôn trọng. Một trong những giáo phụ đã viết: "Tôi hy vọng sẽ có được sự cương quyết và đức hạnh đủ để duy trì điều mà tôi cho là đáng khát khao của mọi tước vị, đó là đặc tính của một người liêm chính." Thánh Gioan Cassian dùng chữ "minh bạch" khi diễn tả người liêm chính như "một người không thay đổi dù ngày hay đêm, khi cầu nguyện hay khi đi ngủ, khi một mình hay với đám đông, tuyệt đối không có gì giấu diếm. "
Như với nhiều đức tính khác, chúng ta dễ nhận thấy sự liêm chính khi thiếu xót đức tính này. Với sự liêm chính, thí dụ điển hình nhất về sự thiếu xót đức tính ấy có thể trích từ người Pharisiêu, họ bị Đức Giêsu kết án là giả hình, sự giả hình thì trái với sự liêm chính.
Vấn đề của người Pharisiêu thì dĩ nhiên không phải là điều họ tuyên bố-thái độ của họ đối với lề luật, nghi thức, phụng tự, giáo thuyết và luân lý là những gì được Đức Giêsu khen ngợi-nhưng là lối sống của họ; lời nói và hành động của họ thì quá xa với điều họ công bố đến độ họ bị coi là một cái thùng rỗng.


  • Họ hùng hồn rao giảng về lòng thương người, bác ái, và công bình trong các giảng dạy của các ngôn sứ, nhưng họ lại đối xử với nhau một cách kiêu căng, lỗ mãng, và thù hận.

  • Họ trau chuốt tính cách phức tạp của lề luật với sự tỉ mỉ chính xác và đòi hỏi sự vâng phục, nhưng rồi lại tìm những sơ hở để không tuân giữ.

  • Họ tự đưa mình lên như các gương mẫu nhân đức nhưng rồi trở nên ngạo mạn và phán đoán người khác.

Nói tóm lại, họ thiếu sự liêm chính.
Là các linh mục hiện tại hay tương lai, chúng ta phải cúi đầu xấu hổ mỗi khi nghe về các luật sĩ và người Pharisiêu trong Phúc Âm, vì họ đối với Israel cũ như thế nào thì chúng ta đối với Israel mới cũng vậy. Chúng ta tự cho rằng mình là người có đức tin, siêng cầu nguyện, sống thanh bạch, khiết tịnh, trung tín, trọng danh dự và độ lượng--nhưng nhiều khi không như vậy. Lời hứa hẹn, lời rao giảng, và các phụng vụ của chúng ta có thể trở nên "ngoài môi miệng" trừ phi chúng ta là người thực sự liêm chính. Không phải là không có lý do khi Giáo Hội đòi hỏi chúng ta hằng năm phải dành một tuần lễ để suy gẫm về Kinh Thần Vụ. Linh mục mà không có sự liêm chính là người Pharisiêu, luật sĩ, giả hình ngày nay, và ai cho rằng điều đó không áp dụng cho mình thì còn tệ hơn nữa!
Dường như có những lãnh vực đặc biệt mà dân chúng trông đợi các linh mục phải liêm chính. Để tôi kể ra sáu lãnh vực này:
Lãnh vực thứ nhất thì trong sự khiết tịnh. Thật thú vị khi Giáo Lý Công Giáo nói về khiết tịnh dưới dạng sự liêm chính. Sau khi làm linh mục được mới có vài tuần, một bà đến gõ cửa nhà xứ xin gặp một linh mục, và hôm đó là ngày trực nên tôi đến gặp bà ở phòng khách. Trong gần một giờ đồng hồ, bà giải bầy tâm sự với tôi về những trở ngại tính dục của bà, tiết lộ các chi tiết thầm kín đến độ tôi ao ước phải chi tôi được học hỏi thêm, không phải về thần học luân lý, nhưng về sinh vật học. Người đàn bà đau khổ này, dù không biết tên tôi, nên gọi tôi là "cha, " và chỉ vì tôi là một linh mục, nên bà đã có thể nói với tôi trong sự tin tưởng tuyệt đối. Trong một thế giới đầy những người đàn ông lợi dụng tình dục của bà, tôi là người ở đó không phải nhìn đến thân xác nhưng là linh hồn của bà. Trong khi chỉ biết đến những người đàn ông coi bà như đồ chơi tình dục, bà đã nhìn đến tôi, một linh mục, như người tôn trọng phẩm giá của bà, sự mỹ miều bên trong con người bà. Sống trong một thế giới mà mọi cử chỉ của bà được giải thích như sự khiêu gợi, bà đã có thể thư thái ở bên một người mà bà tin tưởng là trong sạch và đức hạnh.
Dân chúng tin tưởng chúng ta khi chúng ta nói mình là người độc thân khiết tịnh, để chúng ta có thể yêu mến và chấp nhận họ một cách trong sạch, để chúng ta tôn trọng họ không vì họ có thể đền đáp cho sự thèm khát tình dục của chúng ta nhưng vì con người của họ. Thử hỏi làm thế nào dân chúng còn tin tưởng chúng ta khi chúng ta nói sự khiết tịnh vượt sức của mình, khi nhiều người trong chúng ta đã dụ dỗ các phụ nữ, làm đổ vỡ hôn nhân, và săn đuổi con cái của họ. Nhưng dân chúng sẽ tiếp tục tin tưởng chúng ta là người liêm chính trong vấn đề khiết tịnh, và, cảm ơn Chúa, hầu hết các linh mục đều như vậy. Trong một thế giới điên cuồng vì kích thích tố và lang chạ tình dục, chúng ta nhìn đến "sự an toàn", điều đó có nghĩa, những người trong sạch, tự kềm chế, biết rõ tình dục của mình, và là người đã thấm nhập ơn đoàn sủng của sự độc thân khiết tịnh.
Như tôi đã nói trước đây, một dấu chỉ cho các chủng sinh biết là họ có giữ được sự khiết tịnh khi làm linh mục hay không là họ phải biết ngay tự bây giờ. Một liên hệ tình dục thường xuyên với người khác, dù đàn ông hay đàn bà, hay khuynh hướng tìm kiếm tình dục trong các mối quan hệ; sự bất lực khi nói về vấn đề tình dục một cách bình tĩnh, trưởng thành; một khuynh hướng nhìn người khác với sự thèm muốn, coi họ như các đối tượng nhằm thoả mãn khao khát tình dục; luôn luôn tưởng tượng kỳ quặc dẫn đến sự thủ dâm thường xuyên; dùng các phương tiên khiêu dâm (sách báo, phim ảnh, ngay cả Internet!), hoặc được gọi là "lùng kiếm" nhân tình hay ngay cả đĩ điếm, hoặc tìm cách gạ gẫm các thiếu niên nam nữ--tất cả đều có thể là nguyên do cần được lưu tâm và phải thúc giục người liêm chính chấm dứt điều đó và ổn định vấn đề tính dục của mình trước khi thề hứa sống đời độc thân khiết tịnh. Vì Chúa, Giáo Hội không cần thêm một linh mục gây đau khổ cho chính mình, cho người khác, cho Giáo Hội, và cho Chúa vì vi phạm đến sự toàn vẹn trong lãnh vực độc thân khiết tịnh.
Một lãnh vực thứ hai mà người dân trông đợi sự liêm chính nơi các linh mục là trong sự đáng tin cậy. Họ nhìn đến chúng ta là những người tôn trọng lời nói, có thể tin cậy được. Như Thánh Phaolô viết cho tín hữu Côrintô, "Dân chúng phải nghĩ đến chúng ta như các tôi tớ của Đức Kitô, là các quản lý được giao phó trông coi các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Điều mong đợi nơi các quản lý là mỗi người phải được tìm thấy là đáng tin cậy" (1 Cor. 4:1-2). Một cách tổng quát, phải, họ mong đợi chúng ta bền bỉ khi sống một cuộc đời mà chúng ta đã tuyên xưng là một alter Christus (Kitô khác). Tuy nhiên, trong các phương cách thực tiễn nhất, họ mong muốn là có thể trông đợi ở chúng ta. Khi họ muốn gặp chúng ta, họ muốn chúng ta có mặt ở đó; khi họ để lại lời nhắn cho chúng ta, họ trông đợi chúng ta sẽ trả lời; khi chúng ta phải có mặt trong cuộc họp, chúng ta phải ở đó; khi họ muốn chúng ta đem Mình Thánh cho họ khi đau yếu, chúng ta phải thi hành; khi chúng ta được sắp xếp để cử hành lễ lúc 6:30 sáng, chúng ta phải có mặt. Chúng ta đáng tin cậy; chúng ta giữ lời hứa và chúng ta là những người có bổn phận và có trách nhiệm- liêm chính-Chúng ta có thể trông cậy được, và như Chúa đã nói, người có thể đáng tin cậy trong việc nhỏ mới được giao cho việc lớn hơn.
Tất cả chúng ta ao ước là đáng tin cậy, bởi thế tôi xin hỏi: Ngay bây giờ, bạn có thể là người đáng tin cậy không?

Một lãnh vực của sự đáng tin cậy bền bỉ mà các linh mục phải trổi vượt là sự cẩn mật. Dân chúng tin rằng họ có thể tín thác chúng ta với những bí ẩn. Họ có thể nói với chúng ta những điều mà họ không thể nói với ai khác, và chúng ta phải giữ kín điều đó cho đến khi chết. Một linh mục thích tầm phào, tán gẫu, vòng vo tam quốc thường vi phạm đến sự liêm chính.


Trong năm đầu tiên tôi coi xứ, có một bác sĩ vừa mới khám bệnh cho mẹ tôi, và sau Thánh Lễ, tôi hỏi ông về bệnh tình của bà. Ông trả lời, "Ô, thưa Cha, con nghĩ Cha nên hỏi bà mẹ thì hơn." Ông ta thật thận trọng về tính cách cẩn mật nghề nghiệp đến nỗi ông không nói cho tôi nghe về bệnh nhân của ông, dù đó là mẹ của tôi và tôi là cha sở của ông. Do đó, chúng ta cần phải luôn luôn kín đáo, luôn luôn là một người khôn ngoan dè dặt.
Không nói gì cả thì tốt hơn là có thể vi phạm đến sự tín cẩn. Dĩ nhiên, điều này đặc biệt áp dụng cho tòa giải tội, là nơi chúng ta buộc phải giữ bí mật. Các linh mục liêm chính không bao giờ đề cập đến tòa giải tội, và sẽ không bao giờ nói tên ai đó đến xưng tội với mình. Trong năm đầu coi xứ, tôi thấy một trong các giám mục phụ tá thường đến nhà xứ vào sáng thứ Bảy. Tôi nói với đức ông chánh xứ là sáng nay tôi thấy ĐGM McNicholas trong nhà xứ và người trả lời, "Ờ, đúng vậy, khi đức cha ở gần đây người thường ghé ngang thăm hỏi." Chỉ nhiều năm sau ĐGM McNicholas mới cho tôi biết là ngài thường đến xưng tội với Đức Ông Flavin mỗi sáng thứ Bảy. Có thể đó là điều tự nhiên khi Đức Ông Flavin cho tôi biết là đức giám mục đến xưng tội hàng tuần, nhưng người rất liêm chính trong vấn đề đó.
Nếu không cẩn thận, chúng ta rất dễ vi phạm đến sự tín cẩn. Một đôi trẻ đến với tôi để chuẩn bị hôn nhân. Chúa Nhật hôm đó tôi thấy cha mẹ của cô gái đến dự lễ và tôi chúc mừng họ về hôn nhân của cô con gái, lúc đó họ nhìn tôi sững sờ. Thì ra đôi trẻ muốn cha mẹ họ ngạc nhiên với tin mừng đó, nhưng ông cha Lắm Mồm đã làm hỏng cả. Sau đó tôi tự hứa rằng không bao giờ tôi nói với ai về bất cứ điều gì mà tôi biết được với tư cách là linh mục, dù đó là điều tốt, xấu, hay tầm thường.
Tôi sợ rằng nhiều khi các linh mục bị mang tiếng là thích nói tầm phào. Một số người nói "bí mật toà thánh" có nghĩa bạn chỉ nói với từng người một lúc thôi, hoặc ai ai ở Rôma cũng biết, ngoại trừ đức thánh cha! Người ta nói rằng lý do mà chúng tôi không có hệ thống báo động cứu hỏa ở trường North America là vì tin về lửa cháy còn nhanh hơn hệ thống báo động. Nếu bây giờ bạn là một người thích tầm phào, muốn biết tin tức mới nhất và luôn luôn thổi phồng những gì đang xảy ra thì làm sao bạn xứng đáng với sự tín cẩn mà dân chúng sẽ đặt nơi bạn khi là linh mục?
Một lãnh vực đặc biệt thứ ba mà dân chúng mong đợi sự liêm chính của các linh mục là luôn luôn nói sự thật. Chúa Giêsu đã cảnh cáo chúng ta: "Có thì nói 'có', không thì nói 'không'; mọi thứ khác đều do ma qủy" (Mt. 5:37). Hoặc như Đức Hồng Y Newman đã viết, "Chúng ta hãy nhắm đến ý nghĩa của những điều chúng ta nói, và chỉ nói những gì có ý nghĩa. "
Người dân muốn nghe sự thật, ngay cả khi họ phản đối. Về phương diện học thuyết, họ trông đợi chúng ta trình bầy các giáo huấn một cách trung thực, ngay cả khi nhiều người bất đồng với giảng dạy đó; về phương diện luân lý, họ muốn được chân lý thách đố họ, ngay cả chân lý ấy khiến họ bối rối. Vua Louis XIV có cả một chuỗi các người giảng thuyết trong triều đình để chọn, tất cả những vị ấy chỉ muốn làm vui lòng nhà vua, nhưng sau cùng vua đã chọn Cha Jean Baptiste Massillon, và vua giải thích cho những người bị loại: "Cho đến nay tôi rất hài lòng với các vị giảng thuyết, nhưng bây giờ tôi lại không thấy hài lòng với chính tôi." Phải, chúng ta cố gắng trình bầy chân lý một cách nhẹ nhàng, khiêm tốn, tích cực, không xét đoán, nhưng không bao giờ chúng ta nhượng bộ chân lý. Chúng ta nói thế nào, khi nào, nơi nào thì có thể xét lại được.
Đặc điểm thứ tư của sự liêm chính mà người dân trông đợi nơi các linh mục là sự công bằng. Họ mong đợi chúng ta trước sau như một, rõ ràng, vô tư, và đúng đắn. Nhất là khi họ đánh hơi thấy sự thiên vị. Và đó là sự cám dỗ lớn lao! Thiên vị người giầu, sang trọng, mạnh khỏe, đẹp đẽ, có địa vị để chúng ta cũng được thơm lây! Đó là một cám dỗ lớn lao cho linh mục.
Tổng Thống Lyndon Johnson trở nên rất thích vị linh mục mà khu vực giáo xứ của ngài bao bọc trang trại của ông, thỉnh thoảng ông đến nhà thờ giáo xứ để cầu nguyện. Khi được hỏi lý do, ông cho biết một ngày Chúa Nhật nọ khi ông ra về sau Thánh Lễ, vị linh mục chào đón ông và ông đã mời ngài đến ăn cơm tối. Vị linh mục trả lời, "Cám ơn Tổng Thống. Thật là một vinh dự! Nhưng tôi không thể đến được vì hôm nay tôi có rửa tội, và sau đó tôi đã hứa với gia đình ấy đến ăn cơm tối." Vị tổng thổng ngạc nhiên khi có một người bỏ qua cơ hội được ăn uống với một tổng thống, người ấy trung thành với bổn phận, với sự liêm chính và đã coi một gia đình trong giáo xứ cũng quan trọng như vị tổng thống của Hoa Kỳ, và vị linh mục ấy đã trở nên người bạn tâm giao.
Và lãnh vực sau cùng của sự liêm chính là bác ái. Chúng ta công khai tự nhận mình là người đồng hình dạng với Tình Yêu Nhập Thể, với Đấng là gương mẫu tinh tuyền của lòng thương xót, sự nhẫn nại, nhân từ, độ lượng và luôn chăm sóc. Sự liêm chính đòi hỏi chúng ta phải hành động như những gì chúng ta tuyên bố. Có lẽ đây là lãnh vực nhiều tiếng xấu nhất trong đời sống linh mục--hơn cả việc nghiện rượu, vô ý trong vấn đề tình dục, lười biếng, giảng dở--mà là chúng ta không thực hành những gì chúng ta tuyên xưng trong lãnh vực đơn thuần của đức ái, mà chúng ta trở nên lạnh nhạt, vô tâm, hay gắt gỏng! Tất cả chúng ta ai cũng đã một lần trải qua; tất cả chúng ta đều cảm thấy ray rứt khi có một linh mục nhỏ nhen, bần tiện.
Tôi nhớ có đọc cuốn Angela's Ashes của Frank McCourt, và tôi cảm thấy xấu hổ khi tác giả đã miêu tả các linh mục kiêu căng, nhẫn tâm đã làm ngơ, không giúp đỡ các gia đình đau khổ ở Limerick. Phải, có hàng chục linh mục lưu tâm chăm sóc, nhưng chính các linh mục vô tâm lại gây ấn tượng mạnh nơi Frank McCourt khi còn bé. Sự liêm chính đòi hỏi lời lẽ và hành động của chúng ta phải phản ánh lời chúng ta hứa khi chịu chức sáu, khi chúng ta thưa "vâng" với câu hỏi của đức giám mục, "Con có quyết tâm thay đổi đời sống để noi gương Đức Kitô-và phục vụ dân Chúa không?"
Đã quá đủ về những thử thách đặc biệt đối với sự liêm chính; còn những giúp đỡ để duy trì sự liêm chính mà chúng ta khao khát thì sao? Tạ ơn Chúa, có rất nhiều.
Có thể nào tôi nhắc đến điều đầu tiên là sự khiêm tốn biết mình không? Thật ngộ nghĩnh-một trong những nghịch lý đầy dẫy trong kỷ luật Kitô Giáo--để có được sự liêm chính và duy trì được đức tính đó chúng ta phải thú nhận là chúng ta rất thiếu sót.
Bạn thấy đó, chắc chắn rằng tất cả chúng ta đều khao khát trở nên người liêm chính, nhưng chúng ta còn thiếu sót rất nhiều.

  • Chúng ta muốn sống thành thật, nhưng hằng ngày chúng ta muốn nói dối, lừa gạt, làm sái lệch hay bẻ cong sự thật.

  • Chúng ta khao khát trở nên người đáng tin cậy, biết xử thế và có nghị lực, nhưng chúng ta thấy mình không kiên định, chập chờn, tương nhượng và tự để mình đi lùi…

  • …và sự trợ giúp lớn lao cho sự liêm chính là nhìn nhận và cố gắng trau dồi đức tính đó. Như vậy, chúng ta không chỉ liêm chính với người khác mà còn với chính mình, bởi vì chúng ta thành thật và ngay thẳng với chính mình. Như Thánh Têrêsa Lisieux đã viết, "khiêm tốn biết mình là khởi đầu nên thánh. "

Như thế, bạn có thể đoan chắc rằng người nào cười xòa khi có ai nhận xét rằng họ hay say sưa và tự hào rằng họ không có trở ngại gì về vấn đề nghiện rượu thì chắc chắn rằng đó là người có vấn đề, còn người muốn được giúp đỡ lại là người đang trên đường liêm chính về sự nghiện ngập.


Hãy để ý người nào bướng bỉnh khi đối diện với vấn đề tình dục nguy hiểm thì một ngày nào đó chính họ sẽ xuất hiện trên trang nhất về việc các linh mục lạm dụng tình dục, còn ai khiêm tốn cảnh giác sự yếu đuối của mình sẽ trở nên một linh mục thánh thiện và khiêm tốn.
Tôi dám cá rằng người nào cứ khăng khăng về sự bất công của bề trên, về sự thiếu thân thiện của anh em linh mục, và sự hiểu lầm của giáo dân thì đó là người rất khó để chung sống, trong khi người biết xin lỗi về tính tình ủ rũ của mình lại là người đồng hành tốt trong nhà xứ.
Bởi vì, như Edward Benson nhận xét, "Thành thật với chính mình thật khó khăn biết chừng nào! Nhưng lại rất dễ để thành thật với khuyết điểm của người khác!"
Bây giờ, sự trợ giúp thứ hai để có được và duy trì được sự liêm chính là khả năng lắng nghe sự thật về chính mình. Vì, nếu đúng là "thật khó để thành thật với chính mình," thì chúng ta cần yêu mến người liêm chính dám nói thật về chúng ta, dù có đau lòng. Tôi nhắc lại rằng người dân mong đợi các linh mục rao giảng sự thật; tương tự như vậy, một linh mục liêm chính phải sẵn sàng nghe sự thật!
Trong khi tìm hiểu về tiểu sử của một người được dùng trong luận án tiến sĩ của tôi, đó là Edward O'Hara, tôi khám phá rằng trong mười bẩy năm làm giám mục ở Kansan City--St. Joseph, ngài luôn luôn có một linh mục trong số các cộng tác viên mục vụ để "chỉ trích" ngài. Người này gặp ngài mỗi thứ Hai hàng tuần, và nhiệm vụ của người là chỉ trích đức tổng giám mục, để nói với ngài về những tin buồn, để cho ngài biết các linh mục và giáo dân nói gì về ngài. Bây giờ, cần một người thực sự liêm chính để thiết lập một hệ thống như vậy.
Như Samuel Goldwyn đã nói, "Tôi không muốn những người chỉ biết gật đầu vâng dạ ở chung quanh. Tôi muốn những người dám nói sự thật, dù điều đó khiến họ mất việc."
Do đó, nuôi dưỡng thói quen lắng nghe sự thật về chính mình là một bước tiến lớn trong sự liêm chính. Nếu có người bày tỏ sự lưu tâm đến bạn, bạn có lắng nghe, có chấp nhận, và có thay đổi không? Hay bạn sẽ lánh xa người ấy? Đó là điều đáng buồn vì họ là người bạn chân tình. Nếu có ai nêu lên các thiếu sót, sai lầm để bạn lưu ý, bạn có nói, "Thành thật cám ơn-đó là điều mà tôi cần để trở nên một linh mục tốt lành" không? Hay bạn lại nói, "Ông/bà không hiểu gì cả! Ông/bà không thích tôi chỉ vì các người quá phóng túng--hay quá bảo thủ--và ngoài ra, hãy nhìn lại những điều mà các người bỏ qua không thấy!"
Chín mươi chín phần trăm các linh mục gặp trở ngại khi thi hành sứ vụ-về vấn đề tình dục, cô đơn, thiếu rõ ràng và thiếu tự tin, nghiện ngập, v. v.-sẽ thú nhận rằng trở ngại này đã có từ lâu, và họ khước từ hay bỏ qua không muốn giải quyết. Những người làm việc với các linh mục gặp khó khăn sẽ cho bạn biết điệp khúc của các linh mục này là, "Ồ, phải chi tôi biết điều này từ lâu!" Thì đấy, đây là thời điểm tốt để thi hành điều đó!
Người liêm chính muốn nghe sự thật về chính mình, và biết ơn khi có người nói cho họ biết.
Sự giúp đỡ thứ ba cho đức tính liêm chính, có thể nói là tìm kiếm phương tiện để nghe người khác nói về mình. Ở đây tôi nhắc đến hai điều:
Thứ nhất là sự tương giao thành thật, bền bỉ với cha linh hướng. Thật đúng để nói rằng sự thành thật, khiêm tốn và nghị lực-sự liêm chính mà bạn tìm kiếm-có thể thật khó để tìm thấy nếu không có sự hướng dẫn tâm linh cách bền bỉ và ngay thẳng. Người liêm chính biết họ cần một cha linh hướng và đều đặn gặp ngài một cách tự do, vui vẻ, và nghiêm túc trong một tương giao có đặc điểm là rất thành thật.
Chúng ta không có trở ngại gì khi gặp bác sĩ ngay khi chúng ta thúng thắng ho--và phải như thế. Chúng ta lại càng phải gặp các bác sĩ của linh hồn để đo lường nhiệt huyết của chúng ta, để lắng nghe tiếng thở của Thần Khí bên trong, và để thấy đâu bị tắc nghẽn và nhận định chỗ bị nhiễm độc cản trở ơn Chúa.
Điều rất liên hệ là thường xuyên xưng tội. Thánh Francis de Sales nói rất đúng khi ngài nhận xét rằng việc xưng tội tốt đẹp là như linh hồn nhìn vào tấm gương. Nếu sự liêm chính tùy thuộc việc khiêm tốn biết mình, thì không có công cụ nào tốt hơn là bí tích hòa giải. "Không giấu diếm điều gì với cha giải tội, vì người bệnh chỉ có thể khỏe mạnh bởi chữa lành các vết thương," Thánh Margaret ở Cortona đã viết như thế.
Sự trợ giúp thứ tư để phát triển đức liêm chính là có trách nhiệm về đời mình. Người liêm chính thì ý thức về khả năng cũng như khiếm khuyết của mình, biết rõ các quy tắc cũng như điều tin tưởng và bổn phận để sống những điều đó với vinh dự và bổn phận, và can đảm nhận trách nhiệm những điều đã làm hoặc không làm. Họ biết đó là điều dễ dàng nhưng không chính xác khi đổ lỗi cho người khác về lỗi lầm của chính mình.
Có một bài viết tuyệt vời trong tạp chí Human Development của Cha Thomas Morgan, mang tựa đề "The Anatomy of Priestly Morale" (Mổ xẻ chí khí linh mục). Cha kết luận với một nhận định đáng kinh ngạc rằng chí khí cao hay thấp của một linh mục thì đầu tiên và trên hết là tùy thuộc ở chính mình! "Trách nhiệm về chí khí có nghĩa cá nhân linh mục chịu trách nhiệm với Thiên Chúa, với chính mình, và với tha nhân về phẩm chất của tâm linh, cảm xúc, và đời sống thể chất. Chúng ta không thể biện hộ bằng cách đổ lỗi cho người khác về phẩm chất đời sống chúng ta. Chính cá nhân linh mục có thể làm gia tăng hay giảm bớt chí khí của mình, mà đó là một phản ánh của phẩm chất về sự lành mạnh và thánh thiện của linh mục ấy. Không giám mục nào, bề trên nào, cha linh hướng nào hay bất cứ ai khác ngoài chúng ta có thể ban cho hay lấy đi chí khí của một linh mục… Chúng ta phải chịu trách nhiệm về tâm tính và lối sống của chúng ta… Nhận trách nhiệm về chí khí của mình là bước đầu tiên trên đường thăng tiến cuộc đời chúng ta. "
Hãy cố gắng trở nên một người liêm chính là người có thể nghe sự thật về chính mình, ngay cả những điều đáng buồn. Tôi làm việc trong phòng nhân viên hai nhiệm kỳ và thật ngạc nhiên khi thấy một số linh mục không thể nhận trách nhiệm về hành động của mình, và luôn luôn đổ lỗi cho người khác. Trong giáo xứ thứ nhất: "Ông cha xứ ấy ồn ào quá-đưa tôi ra khỏi đó!"; trong giáo xứ thứ hai: "Giáo dân ở đây không biết ơn-đưa tôi ra khỏi đó!"; trong giáo xứ thứ ba: "Các cộng tác viên ở đây không thể làm việc được-đưa tôi ra khỏi đó!"; trong giáo xứ thứ tư: "Ngài không để tôi làm gì cả!". Và sau cùng, một ai đó-đức tổng giám mục, cha giám đốc phòng nhân viên, đại diện các linh mục-phải nói rằng, "Này anh, vấn đề là ở anh."
Tôi nhắc đến khả năng chấp nhận trách nhiệm về hành động của mình và sự hữu hiệu của nó như một trợ giúp cho sự liêm chính bởi vì thiếu sót khả năng ấy sẽ gây nhiều trở ngại. Khi chúng ta không thể chấp nhận trách nhiệm về chính cuộc đời mình với sự bình thản, khiêm tốn và tín thác vào Đấng Quan Phòng, chúng ta trở nên nham hiểm, nhỏ nhen và hận thù, tất cả là điều cấm đoán đối với một người liêm chính. Chúng ta bắt đầu luồn lách các quy tắc và đánh mất các nguyên tắc cũng như điều tin tưởng cao đẹp là vinh dự và đặc tính của chúng ta. Chúng ta trở nên hay cáu kỉnh và dễ bị tổn thương, mau chóng nhìn thấy lỗi của người khác, dễ buồn phiền, và như đứa con nít cảm thấy ai ai cũng gây chuyện với mình.
Và điều sau cùng giúp cho sự liêm chính là chịu khó luyện tập sự bình thản nội tâm và sự thanh khiết của tâm hồn. "Chỉ có Chúa là sự an ủi và nơi ẩn náu của tôi. Tôi đặt sự tin tưởng nơi Người!" (TV 144:2).
Thật thú vị khi chữ "integrated" (hòa đồng) lại xuất phát từ chữ "integrity" (liêm chính). Chúng ta cố gắng có được sự bình thản nội tâm và một tâm hồn thanh khiết mà các điều đó lại đến từ một đời sống hòa đồng, là nơi có sự hài hòa rõ rệt giữa những gì chúng ta tuyên xưng và cách chúng ta sống, một bản hòa tấu giữa hành động bên ngoài và những điều tin tưởng bên trong của chúng ta. Cuộc đời chúng ta có thứ tự, với các mục tiêu rõ rệt và các nguyên tắc căn bản hướng dẫn lời chúng ta nói và hành động chúng ta làm. Như vậy, một "người rất hòa đồng," là người biết họ là ai và sống bình an với Thiên Chúa, với chính mình, với tha nhân, là một người liêm chính.
Một người thiếu liêm chính, là người dối gạt, không đáng tin, đạo đức giả, và mau sợ hãi, nghi ngờ thay vì tín thác, hiển nhiên là thiếu bình an nội tâm và tâm hồn thanh khiết. Sống giả dối sẽ đưa đến sự thiệt hại:


  • người rao giảng các quy tắc đạo đức nhưng lại tương nhượng,

  • người thề sống đức ái nhưng lại ích kỷ,

  • người nói về đức tin nhưng lại đầy hồ nghi và yếm thế,

  • người rêu rao sống thanh bạch nhưng lại hoang phí và tích trữ,

  • người hứa vâng lời nhưng lại thèm khát độc lập và thích chỉ huy,

  • người thề sống khiết tịnh nhưng lại có hai bộ mặt…

… người như vậy không thể trở nên liêm chính, và đời sống giả dối đó sẽ gây thiệt hại về luân lý, tâm linh, sự lành mạnh về tình cảm cũng như thể xác…
Trong khi đó, ngược lại, với sự trợ giúp của Thiên Chúa, người đạt được một đời sống mà trong đó có sự hòa đồng, cân đối và hài hòa giữa nội tâm và bên ngoài, người như vậy thực sự có được sự bình an nội tâm và tâm hồn thanh khiết để duy trì được sự liêm chính.
Khi điều đó xảy đến, chúng ta không cần bợ đỡ các bề trên, hay tìm được thăng quan tiến chức, gây thanh thế và được suy tôn, vì giá trị của chúng ta xuất phát tự bên trong chứ không phải bên ngoài.
Khi điều đó xảy đến, chúng ta không phẫn uất, nhỏ nhen hay có ác ý khi bị hiểu lầm hay bị coi thường, vì giá trị của chúng ta đến từ bên trong.
Khi điều đó xảy đến, chúng ta không cần dài dòng về quy tắc đạo đức, không phải hai mặt, vì mục đích của chúng ta không phải làm hài lòng người khác nhưng hài lòng Thiên Chúa bởi trung thành với các quy tắc mà chúng ta thực sự yêu quý.
Khi điều đó xảy đến chúng ta là những người liêm chính.
Như thế, đời sống chúng ta sẽ đơn giản và không huyên náo. Những điều chúng ta tin tưởng thì rất rõ ràng và chúng ta cố gắng sống các điều ấy một cách bền bỉ và thành thật. Chắc chắn có những điều chúng ta phải thi hành và có những điều chúng ta không thể thi hành. Chúng ta có một lương tâm trong sáng để trợ giúp chúng ta và lương tâm ấy phải được thường xuyên duyệt xét; chúng ta tin vào thanh danh của những người nhắc nhở chúng ta khi chúng ta bị dao động, và thấy rằng người khác đến với chúng ta là vì họ tin tưởng chúng ta. Khi được hỏi về mục đích đời sống, Don Bosco trả lời: "Để sống mãi trong tình trạng ơn sủng." Điều thánh nhân muốn nói là đời sống liêm chính, bình an bên trong và tràn ra bên ngoài trong một đời sống hoà đồng.
Ba cựu chủng sinh mà tôi biết trong nhiều năm có thể coi là thí dụ ở đây. Một người rời chủng viện và vất vả đi tìm việc làm, và sau cùng anh được thuê vào một văn phòng địa ốc có uy thế. Sau sáu tháng làm việc, anh được tăng lương và thăng chức cho đến khi anh khám phá rằng một phần công việc của anh là đòi tăng tiền thuê nhà của các người già da đen trong khu chung cư tồi tàn. Anh bỏ việc. Anh nói, "Con không thể sống với công việc như vậy. "
Một người khác rời chủng viện và được nhận làm trong một công ty dược phẩm, cho đến khi anh khám phá công ty ấy bán thuốc ngừa thai và phá thai. Anh bỏ việc. Anh nói, "Con không thể sống với công việc như vậy. "
Một người khác rời chủng viện chỉ hai tháng trước khi chịu chức linh mục. Anh nói, "Tâm hồn con bị phân tán, và có những thắc mắc con cần phải trả lời trước khi thực sự tiến lên bàn thánh. Con biết con không thể sống giả dối như vậy. "
Thiên Chúa chúc lành cho những người liêm chính. Họ không thể sống vì đó là những công ty xấu, đi ngược với những điều họ tin tưởng và có giá trị.
Tôi nhớ một bài giảng tuyệt vời của Cha Walsh về tâm hồn thanh khiết. Lấy Chúa Giêsu làm gương mẫu, chúng ta khao khát một tâm hồn không bị phân tán, không bị xâu xé bởi các bất đồng bên trong và một chương trình hoạt động thật mơ hồ. Tâm hồn chúng ta thật thanh khiết, tận hiến cho Chúa Giêsu và dân của Người trong tình yêu. Đức Kitô ngự trị tâm hồn chúng ta, không phải là Satan hay thế gian này, và kết quả của sự ngự trị đó là sự thanh khiết của ý định và hành động--sự liêm chính.
Bạn có nhớ mẩu tin nổi tiếng về Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến thăm Ba Lan và ngài đứng cạnh Tướng Jaruzelski, người lãnh đạo cộng sản Ba Lan không? Đức Thánh Cha thì bình thản, hoàn toàn điềm tĩnh, và tuyệt đối bình an trong khi viên tướng đọc bài diễn văn chào mừng, tờ giấy trong tay ông run lên bần bật, đầu gối của ông có thể nói khua vào nhau, ông thật bồn chồn lo lắng. Không lạ gì: người có sự bình thản nội tâm vì sứ điệp của họ dựa trên chân lý và được sự tín thác của dân chúng, trong khi người kia bồn chồn lo lắng vì sứ điệp của họ dựa trên sự dối trá và chỉ tạo nên sự sợ hãi và hoài nghi.
Ôi, sự bình thản nội tâm đó, sự thanh khiết tâm hồn đó xuất phát từ một lương tâm tốt lành và cố gắng liêm chính!
Tổng hợp các điều đó lại, tôi muốn nhắc đến vài điều mà cả hai đều đặc biệt, đó là người dân tìm kiếm sự liêm chính nơi các linh mục, và họ cũng là sự trợ giúp cho sự liêm chính, có thể nói là lời cầu nguyện.
Cầu nguyện là lãnh vực của đời sống linh mục mà người dân mong đợi sự liêm chính, chỉ vì chúng ta tuyên xưng mình là người siêng cầu nguyện. Ít khi nào bài giảng của chúng ta không thúc giục giáo dân cầu nguyện, như thế sự liêm chính đòi hỏi chúng ta phải thi hành điều đó. Ít có ngày nào trôi qua mà không có người xin chúng ta cầu nguyện cho họ và chúng ta mau mắn trả lời, "Tôi sẽ cầu nguyện cho bạn," và sự liêm chính đòi hỏi chúng ta phải thi hành điều đó.
Và dĩ nhiên, cầu nguyện là một sự giúp đỡ để đạt được và duy trì sự liêm chính. Khi cầu nguyện chúng ta nhắc nhớ lại các tín điều sâu xa, các quy tắc đạo đức của chúng ta, và tìm kiếm sự trợ giúp của Thiên Chúa để sống mà không phản bội các điều đó.
Khi cầu nguyện chúng ta cũng nuôi dưỡng sự thành thật mà nó đồng nghĩa với liêm chính, vì khi cầu nguyện chứ không ở đâu khác chúng ta hết sức thành thật với chính mình và với Thiên Chúa. Cùng với các tác giả thánh vịnh, chúng ta đọc:
Lạy Chúa, Ngài tìm kiếm con và Ngài biết rõ con…

Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa.

Mọi đường lối của con Ngài đều quen thuộc.

Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời,

Thì lạy Chúa, Ngài đã am tường hết.

Đi đâu cho thoát khỏi thần trí Ngài?

Lẩn nơi nào cho khuất được Thánh Nhan?

Vì chính Ngài đã cấu tạo nên con,

Dệt hình hài con trong lòng thân mẫu.

Hồn con đây Ngài biết rõ mười mươi,

Chẳng bí mật nào con giấu được Ngài.

Mắt Ngài thấy rõ con hành động…
TV 149
Không bí mật nào giấu được Thiên Chúa! Không che đậy được các chương trình! Không thể hai lòng! Không thể dối trá! Không thể tương nhượng! Thật ngu xuẩn khi tìm cách dối gạt Người. Thiên Chúa biết chúng ta rõ hơn chính chúng ta, từng tật xấu, từng tư tưởng và hành động, từng tội lỗi và điều bối rối--nhưng Người vẫn yêu thương và chấp nhận chúng ta một cách thiết tha! Nếu sự nhận biết đó không đưa đến sự liêm chính, thì còn gì khác?
Mẹ Têrêsa đề nghị một hình thức cầu nguyện mà chúng ta hãy tưởng tượng ra Chúa Giêsu đang nhìn đăm đăm vào mắt chúng ta, như xuyên thấu tâm hồn. Trước khi từ trần, ngài viết: "Tôi lo ngại rằng một số các bạn vẫn chưa thực sự gặp gỡ Chúa Giêsu--diện đối diện--chỉ có bạn và Chúa Giêsu. Với con mắt của linh hồn, bạn có thấy Ngài nhìn bạn không?"
Đó là một kiểu cầu nguyện mỹ miều, hãy tưởng tượng Chúa Giêsu đăm đăm nhìn bạn. Bạn có nhớ Người "nhìn đến" chàng thanh niên giầu có không? Hãy nhớ khi Phêrô chối Chúa, các thánh sử kể cho chúng ta biết, Chúa Giêsu đi ngang qua và "nhìn ông," và rồi Phêrô đi ra ngoài khóc lóc thảm thiết. Khi chúng ta để Chúa Giêsu nhìn chúng ta, tình cảm duy nhất là hoàn toàn thành thật, mà trên đó sự liêm chính được bồi đắp.
"Tất cả những gì Người thực sự muốn nói với bạn là Người yêu thương bạn, ngay cả khi bạn cảm thấy không xứng đáng. Người không chỉ yêu thương bạn, nhưng Người khao khát bạn!" như Mẹ Têrêsa đã kết luận về Chúa chúng ta. Sự cầu nguyện như vậy sẽ nuôi dưỡng sự thành thật và tạo nên sự liêm chính.
Một vài năm trước đây, tôi được hân hạnh nói về đức tin cho một thanh niên, đã kết hôn với một cô trong xứ và có ba con. Anh ta rất cảm kích về giáo xứ, linh mục, Giáo Hội, vợ anh, các giáo huấn của Giáo Hội, và anh trở nên một người Công Giáo tốt lành. Khoảng năm năm sau, vợ anh bỏ anh đi theo… một linh mục. Anh đến gặp tôi, "Cha biết điều gì đau lòng nhất không?" anh hỏi tôi.
"Chắc là mất Katy, " tôi trả lời.

"Không, " anh trả lời. "Tôi thật ngu xuẩn khi tin rằng mọi thứ trong Giáo Hội đều là sự thật!" Bạn phải nói gì về điều đó?


Một số các bạn đã từng nghe--còn một số khác chắc sẽ được nghe những lời sau đây từ đức giám mục:
Con ơi, giờ đây con sẽ được tiến lên chức linh mục… Hãy suy nghĩ về luật của Thiên Chúa. Hãy tin những gì con đọc, hãy giảng dạy những gì con tin, và hãy sống điều con giảng dạy… Hãy để gương mẫu đời sống của con thu hút người ta đến với Đức Kitô, như thế qua lời nói và hành động con xây dựng căn nhà là Giáo Hội của Thiên Chúa… Hãy biết những gì con đang làm và hãy bắt chước các mầu nhiệm mà con cử hành… Hãy dự phần trong công trình của Đức Kitô, vị Tư Tế với tình yêu và niềm vui đích thật, và hãy đưa dẫn người ta đến với Chúa Cha qua Đức Kitô.
Nói cách khác, hãy trở nên người liêm chính.


tải về 2.2 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương