Nguồn tư liệu thư TỊch phưƠng tây với tiến trình lịch sử thăng long – HÀ NỘI



tải về 262.95 Kb.
trang3/3
Chuyển đổi dữ liệu30.07.2016
Kích262.95 Kb.
#10240
1   2   3

*

* *

Những tư liệu phương Tây thời kỳ Pháp thuộc xứng đáng có một vị trí tương đương (thậm chí còn cao hơn) với những tư liệu thời kỳ tiền thực dân về Thăng Long – Hà Nội, mặc dù thời gian 6 thập kỷ ít hơn nhiều nếu so với 3 thế kỷ trước đó. Lý do chủ yếu là ở đây đã có một sự thay đổi về chất, một sự chuyển đổi mô hình từ một đô thị truyền thống mang tính chất phong kiến sang một đô thị cận hiện đại mang tính thuộc địa thực dân. Mặt khác, những tư liệu thời kỳ này đã tăng vọt về số lượng, đa dạng phong phú hơn về loại hình.

Nội dung trước hết ta có thể khai thác được qua mảng tư liệu này là đường lối chính sách cai trị của nhà cầm quyền Pháp, ở cấp độ toàn quốc cũng như cấp độ thành phố, với những thay đổi, điều chỉnh qua từng giai đoạn.

Các tư liệu cho chúng ta thấy rằng sau khi đánh chiếm thành Hà Nội lần 2, những năm từ 1883 đến 1886 là một giai đoạn quá độ từ một chính quyền quân sự do các tướng lĩnh Pháp nắm giữ chuyển sang một chính quyền dân sự của các quan chức mà Paul Bert là vị tổng trú sứ đầu tiên. Sau cái chết đột ngột của P. Bert, những người kế nhiệm là quyền Tổng trú sứ Paulin Vial và toàn quyền De Lanessan.

Về đường lối chung, trong khoảng thời gian từ 1883 đến 1897, khuynh hướng “hợp tác” mà những đại diện tiêu biểu là P. Bert và D. Lanessan đã thắng thế trước khuynh hướng “đồng hóa” của các tướng lĩnh và những phần tử thực dân cực đoan. Khuynh hướng Bảo hộ hợp tác này chủ trương cần phải thi hành một chính sách mị dân khôn khéo để tranh thủ sự hợp tác của người Việt bản xứ trong công cuộc bình định và cai trị. Đối tượng hợp tác là giới quan liêu ôn hòa của Nam triều, tầng lớp văn thân nho sĩ trí thức và hệ thống kỳ hào ở cấp chính quyền cơ sở.

Không ngừng củng cố và mở rộng một quyền lực kiểm soát đích thực, người Pháp đồng thời vẫn dựng lên và tô vẽ cho một thứ chính quyền bản xứ mù mờ lấy làm chiêu bài là Nha Kinh lược Bắc kỳ. Trong đó, hai nhân vật cộng tác đắc lực và trung thành mà Pháp sử dụng nhưng không che giấu sự khinh thường là Nguyễn Hữu Độ và Hoàng Cao Khải. Vị Kinh lược sứ Nguyễn Trọng Hợp là một gương mặt lịch sử khá phức tạp. Người Pháp đã sử dụng ông, nhưng lại vừa nể trọng vừa thù ghét ông. Tình cảm đó đã được phản ánh khá rõ nết trong các hồi ký của quan chức Pháp.

Ở cấp thành phố, trong những năm đầu, có một tình trạng mập mờ giữa quyền lực của viên Công sứ Pháp R. Bonnal phối hợp với tổng đốc Hà Nội người Việt Nguyễn Hữu Độ, một thuộc hạ đích thực đóng vai một người cộng tác trên danh nghĩa. Tới 1888, tình trạng lưỡng quyền mập mờ đó chấm dứt, khi Hà Nội chính thức trở thành một thành phố nhượng địa của Pháp, dưới sự cai trị của một viên Đốc lý mà quyền lực ngày càng được tăng cường và mở rộng.

Tư liệu đã phản ánh một bước ngoặt lịch sử của Hà Nội khi Paul Doumer sang Hà Nội nhậm chức Toàn quyền Đông Dương vào năm 1897. Lúc này, về căn bản thực dân Pháp đã bình định được phong trào kháng chiến Cần Vương ở Bắc kỳ và những hoạt động vũ trang chống Pháp ở Hà Nội. Doumer là một quan chức cai trị có ý chí, năng lực và tinh thần thực dụng. Ông ta phê phán và từ bỏ khuynh hướng cộng tác được cho là mị dân và không có hiệu quả, chuyển sang đường lối trực trị, tăng cường vai trò của người Pháp, tổ chức lại hệ thống cai trị, xúc tiến tạo lập hạ tầng cơ sở cho một chiến lược khai thác kinh tế thuộc địa lớn, lâu dài.

Về mặt hành chính, P. Doumer đã hủy bỏ một cách không thương tiếc các dấu vết cuối cùng của Nam triều ở Hà Nội là Nha kinh lược. chức vụ Tổng đốc Hà Nội thì đã chết trước đó một cách lặng lẽ không kèn trống. Viên toàn quyền đã ấp ủ và bước đầu xúc tiến một kế hoạch đầy tham vọng đối với thành phố Hà Nội, muốn biến nó thành một “Paris thu nhỏ” trở thành thủ phủ của Liên Bang Đông Dương đã được thành lập từ năm 1887. Sau khi P. Doumer mãn hạn về Pháp, năm 1902, Hà Nội chính thức trở thành thủ phủ của Liên Bang Đông Dương với những cơ quan của ba cấp chính quyền đồng thời tồn tại: Phủ Toàn quyền Đông Dương, Dinh Thống sứ Bắc Kỳ và tòa Đốc Lý Hà Nội bên cạnh có Hội đồng thành phố. Bộ máy cai trị cấp dưới bao gồm các hộ (khu phố) và hệ thống trưởng phố lúc này cũng được xác lập. Mặc dù sau đó còn có những bổ sung, điều chỉnh, hệ thống chính quyền Pháp ở Hà Nội do Doumer dựng lên về cơ bản vẫn tồn tại cho đến tận đầu năm 1945, trước cuộc đảo chính Nhật.

Lĩnh vực đầu tiên mà các tư liệu phương Tây có thể cung cấp cho chúng ta những thông tin khá phong phú là sự chuyển đổi về quy hoạch đô thị và cảnh quan đô thị của Hà Nội trong những thập kỷ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.

Theo đạo dụ và nghị định năm 1888, một thành phố nhượng địa Pháp đã xuất hiện trong lòng tỉnh Hà Nội về nguyên tắc cho đến lúc đó vẫn nằm dưới quyền kiểm soát của Nam triều. Những địa giới của thành phố Hà Nội thuộc Pháp lúc ban đầu không được xác định rõ ràng. Nhưng các tư liệu cho ta thấy bằng chính sách “gậm nhấm”, trong những năm sau đó, nhà cầm quyền Pháp không ngừng tùy tiện mở rộng đường biên giới của thành phố bằng những nghị định bổ sung, những cọc cắm mốc địa giới, những bản đồ vẽ mới, lấp đầy và có chỗ vượt qua đường biên giới quy ước của thành Đại La cũ năm 1749, với hệ thống các cửa ô.

Trong không gian đô thị từng bước “dãn nở” đó, một thành phố thuộc địa hiện đại từ chỗ phác thảo đã dần dần định hình nó bao gồm một vùng nội thành và một vùng ngoại thành nửa đô thị - nửa nông thôn.

Về đại thể không kể Tòa thành Hà Nội và khu Nhượng địa cũ ở bờ sông Hồng, nội thành Hà Nội gồm 3 khu chính: khu phố cổ, khu phố Tây đông nam hồ Hoàn Kiếm, khu phố Tây chung quanh tòa thành cổ ở phía Tây bắc thành phố.

Khu phố cổ phía bắc hồ Hoàn Kiếm được xác định là một hình tam giác có một cạnh là đê sông Hồng, tương đối ít thay đổi nhất, cả về mặt diện mạo phố phường lẫn đời sống thị dân, trừ một vài sự chỉnh trang đô thị làm cho cảnh quan trở nên gọn ghẽ và sạch sẽ hơn.

Một khu đệm là những khoảnh đất chung quanh hồ Hoàn Kiếm mà sự thay đổi rõ nét nhất là con đường chung quanh hồ được hình thành vào cuối thập kỷ 80 của thế kỷ XIX. Tiếp đến là khu phố Tây đầu tiên xuất hiên vào những năm 1886 – 1887, ở phía Đông nam hồ, gần khu nhượng địa cũ. Điểm nhấn ở đây là con phố hiện đại đầu tiên, phố Paul Bert (Tràng Tiền) trên trục phố Thợ Khảm cũ, kéo dài ra thành một tuyến đường nối khu nhượng địa và khu thành cổ. Một quần thể công sở bao quanh một công viên thành phố đầu tiên (vườn hoa Paul Bert tức công viên Lý Thái Tổ ngày nay), thường được gọi là Bốn Tòa (dinh Thống Sứ, Bưu Điện, Kho Bạc và tòa Đốc Lý) tượng trưng cho quyền lực nước Pháp thực dân.

Khu phố Tây thứ hai phía tây bắc thành phố ra đời là hệ quả gắn liền với việc phá hủy một phần lớn diện tích của tòa thành cổ, được thực hiện trong những năm 1894-1897. Khu phố Tây này sang trọng, thoáng rộng và hiện đại hơn khu phố đầu tiên, với những đại lộ hai chiều có 3 hàng cây trồng, những biệt thự kiểu Âu lịch sự, và điểm nhấn của nó là dinh Toàn quyền được hòan thành năm 1906.

Ngoài 3 khu chính đó, ở phía Nam thành phố gần hồ Bảy Mẫu, trong những thập kỷ 30,40 của thế kỷ XIX đã hình thành một khu hỗn hợp các nhà ở của tầng lớp trung lưu người Việt. Nhà cầm quyền Pháp đã lập ra một kế hoạch (kế hoạch Cérutti – Pineau) dự định chỉnh trang và phát triển khu Bảy Mẫu nhưng vì nhiều lý do, đã không được thực hiện.

Những sự chuyển biến và phát triển đô thị của Hà Nội cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX được phản ánh qua các tư liệu phương Tây thể hiện ở các mặt chỉnh trang đường phố, xây dựng nhà cửa, công sở và cung cấp những tiện nghi sinh hoạt đô thị. Trong buổi đầu thời Pháp thuộc, công sứ R. Bonnal, tổng trú sứ Paul Bert cùng các tòa Thống sứ Bắc Kỳ, Đốc lý Hà Nội đã có vai trò đáng kể trong công việc chỉnh trang này.

Vào thập kỷ 80 của thế kỷ XIX, một loạt các nghị định quy chế của các cấp chính quyền được ban hành về các việc nắn thẳng đường phố, cấm dựng nhà lá và buộc phải xây nhà gạch, xây dựng cống rãnh và vỉa hè, các điều kiện và điều lệ kỹ thuật xây nhà mới. Từ năm 1897, số nhà gạch trong nội thành Hà Nội đã bắt đầu vượt quá số nhà tranh. Công sứ Bonnal cũng là người cho thực hiện việc rải đá và dựng cột đèn đường thắp sáng bằng dầu trong một số tuyến chính của khu phố cổ. Chính quyền còn ra nghị định phân loại các tuyến phố và xếp hạng các loại nhà, quy định chiều rộng của lòng đường và vỉa hè một số phố mới…

Bộ mặt thành phố cũng dần dần thay đổi do sự cải tiến và cung cấp các tiện nghi sinh hoạt đô thị. Nhà cầm quyền đã cho phá hủy các cổng phố, tiếp đến là sự phổ biến loại xe kéo tay. Hà Nội có điện thắp sáng trước Sài Gòn, những năm cuối thế kỷ XIX được cung cấp nước máy sạch. Đầu thế kỷ XX, hệ thống xe điện là một bước nhảy vọt của giao thông nội thị. Các tuyến đường xe lửa liên vùng xuất phát từ Hà Nội, ga xe lửa Hà Nội, cầu Long Biên được xây dựng, là những điểm nhấn trong chương trình phát triển thành phố của Doumer. Diện mạo và quy hoạch đô thị của một Hà Nội mới, một thành phố thuộc địa hiện đại xứng với vị thế thủ phủ Liên bang Đông Dương được định hình, làm nền tảng cho sự phát triển bổ sung trong những thập kỷ sau đó.

Các tư liệu cho thấy trong những thập kỷ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, ở Hà Nội đã hình thành một kết cấu kinh tế - xã hội đô thị mang tính đan xen lai ghép.

Về kinh tế, đó là sự pha trộn giữa những yếu tố Việt, Hoa, Âu, sự đan xen giữa một nền kinh tế hàng hóa sản xuất lưu thông nhỏ mang tính phong kiến với những hoạt động kinh tế tư bản thực dân có những mối liên hệ giữa thị trường nội địa với chính quốc và thị trường quốc tế. Trong tư liệu, người ta có thể gặp những trang nói về các cửa hiệu buôn bán ở khu phố cổ, mạng lưới chợ náo nhiệt, điển hình là những cầu chợ của Chợ Lớn (Đồng Xuân), mới được hoàn thành những năm cuối thế kỷ. Bên cạnh đó, chúng ta đã thấy những cửa hiệu tráng lệ của người Âu ở phố Tràng Tiền bán mọi loại sản phẩm ngoại quốc và những cửa hàng dịch vụ, rồi những loại nhà máy chủ yếu thuộc ngành công nghiệp nhẹ như nhà máy dệt, nhà máy diêm, nhà máy da, nhà máy rượu… Tuy nhiên, chủ nghĩa thực dân Pháp không chủ trương phát triển mạnh tiềm năng kinh tế của bản thân thuộc địa, muốn nó gắn bó lệ thuộc vào chính quốc. Do vậy, bức tranh kinh tế của Hà Nội thời Pháp thuộc, tuy có những tiến bộ so với thời phong kiến trước kia nhưng vẫn ở một mặt bằng tương đối thấp, có phần lạc hậu so với khu vực và quốc tế.

Đặc điểm đan xen lai ghép cũng được thể hiện trong kết cấu xã hội đô thị Hà Nội thời thuộc địa. Dưới tác động của cuộc chinh phục và sự thống trị thực dân Hà Nội đã trải qua một sự xáo trộn xã hội mà nét nổi bật nhất là sự thay thầy đổi chủ.

Những người bình dân đô thị vẫn tiếp tục cuộc sống lao động tần tảo và khó nhọc của mình, với thân phận của tầng lớp bị trị. Nhưng những ông chủ cũ của đô thị là những quan lớn phụ mẫu kiêu ngạo và tham lam đã chuyển sang những ông chủ mới là những ông quan Tây hống hách và miệt thị, lạ lẫm với dân chúng cả về chủng tộc lẫn văn hóa. Trong những thập kỷ đầu thời thuộc Pháp, chưa hẳn là người thị dân Hà Nội đã phải gánh chịu sự bóc lột kinh tế bạo tàn hơn dưới thời phong kiến. Thậm chí họ có thể được hưởng một số phúc lợi công cộng trong đời sống đô thị văn minh hơn trước. Nhưng mâu thuẫn xã hội không hề suy giảm, có điều ở đây tính dân tộc đậm hơn tính giai cấp. Quần chúng Hà Nội ghét Tây, trước hết là do nỗi ô nhục mất nước, hành động đàn áp bạo ngược về chính trị và thái độ khinh miệt về chủng tộc và văn hóa của những con người tự xưng là có sứ mạng đem lại sự “khai hóa văn minh” cho người bản xứ.

Một chuyển biến dễ thấy trong xã hội Hà Nội những thập kỷ đầu thời Pháp thuộc là sự sa sút của tầng lớp quan liêu nho sĩ và sự phân hóa của nó. Tầng lớp này đã mất đi quyền lực chính trị, địa vị uy tín xã hội và nguồn lợi kinh tế, buộc phải chọn lựa thái độ ứng xử trước tình hình mới. Một số gia nhập phong trào Cần Vương, tiếp tục đấu tranh vũ trang chống Pháp, vẫn có thừa lòng dũng cảm nhưng hình như đã thiếu đi sự tin tưởng vào thắng lợi. Những tác giả Pháp đã nói về họ như những thủ lĩnh phiến loạn cần phải tiêu diệt, nhưng với một sự trân trọng cảm phục.

Ở một cực khác, một bộ phận quan lại đã cam tâm bán rẻ khí tiết của mình chuyển từ một vị quan phụ mẫu đến một người cộng tác với Pháp và cuối cùng trở thành một tên tay sai cho thực dân ngoại bang. Cùng với họ là một số tôi tớ, bồi bếp, lưu manh lợi dụng buổi giao thời đục nước béo cò, trở thành những thuộc lại, “quan chức mới”, tranh thủ vơ vét, bóp nặn dân chúng. Người Pháp thường mô tả họ với giọng điệu mỉa mai, diễu cợt, khen nịnh đôi câu, nhưng đã bộc lộ một thái độ khinh rẻ không cần giấu diếm đối với loại “đầy tớ trung thành” này kể cả đối với những quan lại cấp cao như Nguyễn Hữu Độ và Hoàng Cao Khải.

Đông hơn cả là những quan liêu nho sĩ thất thời và thức thời, lui về ẩn dật yên phận thanh bần, giữ gìn danh dự khí tiết như một sự phản kháng thụ động nhưng cũng là một sự cam chịu thúc thủ trước tình hình mới, ngoại trừ một bộ phận chuyển qua phong trào đấu tranh chính trị, cải cách duy tân.

Trong sự chuyển biến đô thị của Hà Nội, một số tầng lớp xã hội mới đã nảy sinh và trưởng thành. Đáng chú ý hơn cả lúc này là tầng lớp trí thức mới, học sinh, sinh viên, viên chức học chữ quốc ngữ và chữ Pháp trong hệ thống nhà trường do người Pháp mở một số du học tại Pháp. Không hẳn tin tưởng, nhưng người Pháp cố gắng đào tạo và hy vọng biến họ thành những người cộng tác chân thành và đắc lực của chính quyền thuộc địa. Điều trớ trêu là chính chủ nghĩa thực dân và nền văn hóa Pháp đã dạy dỗ tôi luyện cho họ tinh thần yêu nước và chất men phản kháng. Một bộ phận trong số họ sau này đã trở thành những hạt giống của phong trào cách mạng chống đế quốc…

Tầng lớp xã hội sau cùng của Hà Nội mà các tư liệu Pháp đề cập đến nhiều đó là giới Hoa kiều. Mọi tư liệu đều thống nhất rằng cả trong thời kỳ trước và sau thuộc địa, các phú thương Hoa kiều ở Hà Nội, nhờ vào tài buôn bán giỏi, giao thiệp khéo léo và kể cả những thủ đoạn gian manh đã khống chế và lũng đoạn các hoạt động buôn bán đường dài và xuất nhập khẩu.Sau thời kỳ Pháp thuộc, một số những “tên Do Thái Viễn đông” này (như một tư liệu đã gọi họ) đã trở thành những nhà tư bản thương mại cộng tác đắc lực với người Pháp trong những công việc cung ứng hàng hóa ngoại nhập.

Thái độ chính trị của những Hoa kiều này phức tạp hơn, nhưng nhìn chung là biết xu thời để trục lợi, thực dụng. Trong cuộc xâm lược và bình định của thực dân Pháp, một số ít Hoa kiều liên lạc và ủng hộ Lưu Vĩnh Phúc, đại đa số chọn thái độ cộng tác với Pháp, giúp nhà cầm quyền thực dân trong việc tiếp tế, cho mượn địa điểm, giữ quan hệ tốt đẹp để kiếm mối làm ăn. Người Pháp thường cảnh giác đối với họ, nhưng luôn luôn vẫn cần đến sự hợp tác và giúp đỡ của họ.

Cũng có nhiều trang tư liệu phương Tây đề cập đến sự chuyển biến trong đời sống văn hóa của Hà Nội thời Pháp thuộc.

Đời sống tín ngưỡng tâm linh của dân chúng nhìn chung không thay đổi lớn, đó là sự nối dài của hiện tượng tam giáo tịnh tồn Nho – Phật – Đạo truyền thống. Một số chùa quán nay được trùng tu, điển hình là cuộc trùng tu lớn của quán Trấn Vũ cuối thế kỷ XIX.

Một nét mới là sự phát triển của đạo Thiên Chúa. Trong cuộc xâm lược vào cuối đầu thời Pháp thuộc, tôn giáo này thường bị “mang tiếng” là cấu kết với chủ nghĩa thực dân, có lẽ vì những hoạt động tích cực, gắn bó với nhà cầm quyền của cố đạo Puginier, người đã khôn khéo vận động cho phá chùa Báo Thiên, trên nền đất đó cho xây dựng Nhà thờ lớn Saint Joseph, một trong những công trình được xây dựng sớm nhất thời Pháp thuộc còn lại đến ngày nay. Thực ra, chính quyền Pháp cũng cố gắng giữ một thái độ dè dặt với Giáo hội Công giáo. Toàn quyền Paul Doumer, một hội viên Tam Điểm, đã giữ vững quan điểm trung lập, theo đường lối chung của Chính phủ bên chính quốc lúc đó, là “tách quyền lực của nhà thờ ra khỏi nhà nước” trước hết là trong các trường học.

Trong những thập kỷ cuối thế kỷ XIX đầu XX, một vấn đề nổi cộm lên là sự đấu tranh giữa cựu học (nho học) và tân học (Tây học). Nó phản ánh sự xung đột giữa hai thế lực trong nội bộ những người Pháp thuộc phái “hợp tác” và phái “đồng hóa”, nhưng ở một bình diện văn hóa rộng lớn hơn. Chủ soái của phái bảo tồn nho học và chữ Hán lúc đó là G. Dumoutier, trong khi thủ lĩnh của phái loại bỏ chữ Hán thay bằng tiếng Pháp là cha cố Puginier. Nhà giáo Dumoutier bị thất sủng và chết tức tưởi, nho học truyền thống đã chính thức bị khai tử với việc loại bỏ thi Hương ở Bắc kỳ năm 1917. Chữ Quốc ngữ theo mẫu hệ La tinh là một hiện tượng khá phức tạp. Lúc đầu, nó được coi là một công cụ văn hóa – chính trị của thực dân Pháp gắn liền với việc truyền đạo Gia Tô, được rụt rè đưa vào các trường hành chính đào tạo thuộc hạ như trường Hậu Bổ và trường Thông ngôn. Nhưng ngôn ngữ, văn hóa bao giờ cũng là một con dao hai lưỡi. Chính chữ Quốc ngữ sau đó lại trở thành một công cụ tinh thần đắc lực trong các phong trào dân chủ (đặc biệt là Đông kinh nghĩa thục và các báo chí tiếng Việt) và dân tộc yêu nước chống Pháp.

Một hiện tượng không đơn giản và mang tính hai mặt trong đời sống văn hóa Hà Nội thời Pháp thuộc là những cải cách Âu hóa trong tâm thức và lối sống, đã có những tác dụng, hệ quả ngoài ý muốn. Đó là một sự tiếp biến văn hóa Tây – Đông vừa áp đặt vừa tự nguyện. Cũng như chữ quốc ngữ, lúc đầu Âu hóa bị coi là thuộc tính của những phần tử thân Pháp, cộng tác với Pháp và làm tay sai cho Pháp. Điều đó càng được củng cố với lối sống bắt chước người Tây một cách sống sượng, kệch cỡm, mang tính mất gốc của tầng lớp quan lại mới và viên chức thuộc hạ. Dần dần, nó trở thành một phong trào xã hội thời thượng cấp tiến, nhất là trong giới trẻ và giới trí thức. Nó đẩy mạnh những cuộc vận động dân chủ, cải cách duy tân và mài sắc những phong trào dân tộc, với những lý tưởng vốn có về tự do dân chủ của phương Tây.

Đó chính là những tác dụng “khai hóa” ngoài ý muốn của nước Pháp thực dân, một thứ “gậy ông đập lưng ông” về văn hóa tư tưởng.

Sự chuyển hóa đô thị của Hà Nội trong thời Pháp thuộc được phản ánh qua nguồn tư liệu phương Tây có thể được coi là một thí dụ vi mẫu về chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam trong thời cận đại, một thứ chủ nghĩa thực dân mập mờ (une colonisation ambigue) như tiếng dùng của P. Brocheux và D. Hémery, mang tính hai mặt, có bao hàm những yếu tố cấp tiến tích cực trên một phông nền phản động tiêu cực. Nó phá bỏ một rào cản này để dựng nên một rào cản khác, giải quyết một phần của mâu thuẫn xã hội này trong khi lại tạo nên những mâu thuẫn khác còn trầm trọng hơn. Vấn đề là chúng ta nên có một cách tiếp cận lịch sử mới, với những “suy nghĩ lại” và “tư duy cái phức”.

*

* *

Xem xét lại một cách toàn diện nguồn tư liệu thư tịch phương Tây viết về Thăng Long – Hà Nội, cả về thời kỳ tiền thực dân lẫn thời kỳ thuộc địa, chúng ta chỉ cần nhắc lại một ý cơ bản: đó là một nguồn tư liệu phong phú, đa dạng và phức tạp, mang tính nguyên gốc. Đó là một nguồn tài sản quý hiếm, nhưng là thứ quặng thô mới được khai thác từ lòng đất, cần được tiếp tục tinh luyện, xử lý. Những sản phẩm tốt hay xấu còn tùy thuộc ở người chế tạo và người sử dụng.

Những ước muốn lớn của nhóm người dịch chỉ nằm trong một mục đích nhỏ, khiêm tốn: giới thiệu trung thành nguyên bản. Nó gắn với lòng mến yêu tha thiết thủ đô Thăng Long – Hà Nội nghìn năm tuổi, với những khát vọng nó sẽ trở thành một đô thị văn minh hiện đại, sánh vai với các bạn bè trong khu vực và thế giới, một đô thị trân trọng những giá trị truyền thống cổ kính, nhưng không phải là dẫm chân trên những lối mòn cằn cỗi, kể cả về mặt diện mạo lẫn tư duy.

Dù đã có cố gắng với nhiệt tình và lao động khoa học nghiêm túc, nhóm người dịch ý thức rằng chắc chắn vẫn còn những thiếu sót trong các khâu khai thác, tuyển chọn, dịch thuật cần phải sửa chữa và bổ sung nhất là đối với phần chú thích và khảo chứng. Những ý kiến đóng góp của đông đảo bạn đọc đối với quyển sách sẽ được rất hoan nghênh, để cho những lần tái bản sau sẽ được hoàn thiện hơn.








tải về 262.95 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương