Ngoại giao Việt Nam 67 năm: Vươn tới những tầm cao mới


Ngoại giao trong thời kỳ Đổi mới



tải về 0.54 Mb.
trang5/7
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích0.54 Mb.
#13702
1   2   3   4   5   6   7

Ngoại giao trong thời kỳ Đổi mới


Đề tài “ngoại giao trong thời kỳ đổi mới” đã được đề cập nhiều lần và khá cặn kẽ; những thành tựu của nó đem lại cũng thật rõ ràng: chính sách bao vây cô lập Việt Nam bị đẩy lùi, nước ta có quan hệ đối ngoại rộng rãi chưa từng có; nhờ tăng cường sự hợp tác quốc tế thị trường được mở rộng, thu hút được nguồn vốn đầu tư và công nghệ đáng kể từ bên ngoài, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội; vị thế quốc tế của Việt Nam được nâng cao. Nhân tố đem lại những thành tựu ấy cũng được khẳng định; đó là “đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở; chính sách đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ động hội nhập kinh tế khu vực và thế giới”.

Đường lối ấy đã được hình thành không phải trong một sớm một chiều mà trong một số năm thông qua sự trăn trở, lần tìm cam go, nhiều khi tranh luận gay gắt để “đổi mới tư duy”, đi tới những cách tiếp cận mới, sát với thực tế cuộc sống và quy luật khách quan.

Quá trình này đã diễn ra ngay trong ngành ngoại giao. Nhân đây, tôi xin chia sẻ những trải nghiệm cá nhân trong giai đoạn giao thời từ “cái cũ” sang “cái mới” để bạn đọc biết được phần nào câu chuyện “bếp núc” hình thành nền ngoại giao trong thời kỳ đổi mới.

Về lý thuyết ai cũng biết ngoại giao chẳng qua chỉ là sự tiếp nối của chính sách đối nội. Mà giữa những năm 80 của thế kỷ trước nước ta đã lâm vào một cuộc khủng hoảng kinh tế – xã hội khá trầm trọng đặt ra yêu cầu bức thiết phải tìm lối thoát ra và đương nhiên ngoại giao phải đóng góp vào việc này.

Tuy các Đại hội Đảng lần thứ IV sau ngày thống nhất đất nước và Đại hội lần thứ V đều nêu nhiệm vụ tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi để khôi phục và phát triển kinh tế, song từ năm 1979, sau khi quân tình nguyện Việt Nam vào Campuchia để giúp nhân dân nước bạn thoát khỏi nạn diệt chủng, nước ta đã bị bao vây, cô lập. Thấu hiểu những khó khăn kinh tế của đất nước, kể cả qua cuộc sống hàng ngày, ngành Ngoại giao đã kiến nghị và được trên chấp nhận chủ trương “kiên quyết thực hiện nhiệm vụ chiến lược giữ vững hòa bình, tranh thủ điều kiện bên ngoài thuận lợi và tranh thủ thời gian tập trung những cố gắng cao nhất nhằm từng bước ổn định và tạo cơ sở cho bước phát triển kinh tế, không để các vấn đề cục bộ và tạm thời làm chệch hướng mục tiêu cơ bản lâu dài…”. Và để thực hiện nhiệm vụ chiến lược ấy, một chủ trương cực kỳ khó khăn đã được đưa ra: đó là rút quân tình nguyện khỏi Campuchia, đi vào giải pháp chính trị cho vấn đề Campuchia.

Bây giờ nói thì dễ, song lúc ấy đây quả là một bước ngoặt cam go về tư duy và dũng cảm về quyết sách, vì các chiến sĩ ta đã phải đổ biết bao xương máu trên chiến trường Campuchia, các lực lượng cách mạng ở Campuchia còn đang gặp biết bao khó khăn; nguy cơ Khmer Đỏ trở lại không phải là điều hoàn toàn loại trừ.

Đi đôi với những nỗ lực giải quyết vấn đề Campuchia, ngành Ngoại giao đã thực hiện một bước chuyển mình quan trọng: phải chuyển mạnh sang “làm kinh tế”. Lúc ấy, nhiều người ngoài ngành và cả trong ngành cũng không thông với quyết định này vì cho rằng như vậy là ngoại giao “lấn sân” và ngoại giao biết gì về kinh tế mà làm kinh tế?

Nhưng rồi từng bước ngành Ngoại giao cũng lần tìm ra cách tiếp cận và phương pháp tiến hành công việc phù hợp với chức năng và khả năng của mình. Thực ra, ngoại giao nước nào và thời đại nào nói cho cùng cũng là tranh thủ điều kiện để “làm giàu” cho nước mình, chỉ có khác là bằng con đường chính nghĩa hay phi nghĩa mà thôi. Ngay “ngoại giao pháo hạm” cũng là để chiếm đất đai, tài nguyên, bóc lột nhân công của nước khác làm lợi cho mình.

Nền kinh tế của bất kể quốc gia nào cũng như một cơ thể sống, luôn chịu tác động của bầu không khí xung quanh; không thích nghi với nó thì sẽ ốm yếu, thậm chí là tử vong. Về mặt triết lý chẳng qua đó là mối quan hệ biện chứng giữa cái chung và cái riêng, song không phải lúc nào các quy luật chung của loài người đều được tôn trọng. Với lợi thế tiếp cận với thế giới, ngành Ngoại giao phải ra sức nghiên cứu kinh tế thế giới, nhất là những quy luật vận hành của nó. Theo tinh thần này, ngành ngoại giao đã bắt tay vào làm ba việc:

Một là, qua nghiên cứu ngành ngoại giao thấy rõ trên thế giới đang diễn ra một cuộc chạy đua khốc liệt về kinh tế, nhất là khoa học công nghệ và một phần dưới tác động của nó, đang hình thành một thị trường và đang diễn ra quá trình quốc tế hóa (lúc ấy chưa dùng từ “toàn cầu hóa”); nếu nước ta không tiếp cận thì sẽ lạc hậu ngày càng xa, thậm chí bị đào thải, do đó chủ trương chiến lược nói trên càng cấp bách hơn đối với nước ta. Xu thế ấy cũng mở ra khả năng mở rộng hợp tác kinh tế, tranh thủ vốn và công nghệ của nước ngoài.

Bây giờ nghe chuyện này thì thấy quá đơn giản, nhưng vào cuối những năm 1980, cách tiếp cận như vậy đã từng bị phê phán nặng nề là “chủ nghĩa kinh tế”, là theo “chủ nghĩa hội tụ”, “phi giai cấp”… Cuối cùng thì cách tiếp cận trên đã được ghi vào Văn kiện Đại hội VI, VII và cả Cương lĩnh 1991, biến cái “nhu cầu” mở rộng hợp tác kinh tế để phát triển thành “khả năng” hiện thực. Tới Đại hội VIII đã xuất hiện chủ trương hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.

Hai là, do Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch là Trưởng nhóm tài chính-tiền tệ trong Tiểu ban chống lạm phát của Bộ Chính trị, nên anh em trong ngành Ngoại giao đã phải giúp Thủ trưởng nghiên cứu kinh nghiệm và lý thuyết thị trường về lạm phát trên thế giới, nhất là của Liên Xô đầu những năm 1920, của Trung Quốc và Hungari sau Thế chiến II, của Bolivia; đồng thời đi xuống cơ sở để tìm hiểu thực trạng ở nước ta, đem cái “phổ biến” của thế giới về áp dụng vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, góp phần vào công việc khó khăn này.

Thứ ba là nghiên cứu kinh nghiệm các nước về thu hút FDI để góp phần xây dựng Luật Đầu tư nước ngoài đầu tiên vào năm 1987, vận động và xúc tiến Câu Lạc bộ Paris để giải quyết nợ Nhà nước và CLB London giải quyết nợ tư nhân, đồng thời tranh thủ các nguồn ODA đầu tiên (riêng cá nhân tôi được giao nhiệm vụ tiến hành đàm phán “bí mật” với Nhật Bản về việc này).

Như vậy là từ “đổi mới tư duy” ngành Ngoại giao đã kiến nghị “đổi mới chính sách” và “đổi mới hành vi”, góp phần thiết thực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vào thời điểm hiểm nghèo lúc đó.

Quay về công việc chủ yếu của ngành về chính trị, ngành Ngoại giao cũng có những đổi mới rất cơ bản về tư duy để từ đó đề xuất một đường lối đối ngoại hoàn toàn mới. Ngoài việc xác định mục tiêu chiến lược nói trên thì ngành Ngoại giao đã trực tiếp đóng góp thiết thực vào việc hình thành và tiến hành chính sách, phương châm ngoại giao của thời kỳ đổi mới.

Xác định rõ mục tiêu và nhận diện rõ xu thế bên ngoài là điều rất quan trọng, song thực thi chính sách như thế nào để biến khả năng thành hiện thực, đạt cho được mục tiêu là điều quan trọng không kém.

Ở khúc quanh này nhiều tư tưởng lớn của Bác Hồ về ngoại giao đã trở thành kim chỉ nam hành động. Đó là tư tưởng “dĩ bất biến” – bất luận thế nào cũng phải kiên trì cho được nền độc lập và lợi ích dân tộc, còn cách tiến hành thì phải rất cơ động, linh hoạt. Đó là tư tưởng “thêm bạn bớt thù”, đa dạng hóa quan hệ quốc tế. Theo tinh thần đó, chính ngành Ngoại giao đã đề nghị và được Đại hội VII chấp thuận ghi vào văn kiện khẩu hiệu nổi tiếng: “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”, phỏng theo tư tưởng của Bác Hồ nêu ra từ năm 1946 là “nước Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”, mặc dầu thú thực lúc ấy cũng chưa phát hiện ra câu nói này của Bác. Rồi tư tưởng “bà con xa không bằng láng giềng gần” đã làm nền tảng cho sự đổi mới chính sách, coi trọng một cách thỏa đáng hơn mối quan hệ với các nước láng giềng, trước tiên bình thường hóa quan hệ với các nước Đông Nam Á và Trung Quốc, rồi sau đó gia nhập ASEAN. Kế đến là phương châm vừa hợp tác vừa đấu tranh, hợp tác càng nhiều càng tốt, đấu tranh một cách khôn khéo với những biểu hiện xâm hại lợi ích của dân tộc mình và những hành vi phi nghĩa song hết sức tránh đối đầu, không để bị lôi cuốn vào những sự tập hợp không có lợi cho lợi ích của dân tộc.

Và trên thực tế gần 30 năm qua những sự đổi mới rất cơ bản ấy, từ tư duy đến chính sách và hành vi đã đưa nền ngoại giao nước nhà đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Ngày nay, thế và lực của nước ta đã khác xa 30 năm trước; tình hình khu vực và thế giới cũng có nhiều thay đổi, song những sự đổi mới về đối ngoại manh nha vào cuối những năm 1980, đầu những năm 1990 vẫn có giá trị, cần được kế thừa một cách sáng tạo.

Vũ Khoan

Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ



Báo Thế giới & Việt nam
1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương