Ngoại giao Việt Nam 67 năm: Vươn tới những tầm cao mới


Những nẻo đường hòa bình tới Hiệp định Paris



tải về 0.54 Mb.
trang2/7
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích0.54 Mb.
#13702
1   2   3   4   5   6   7

Những nẻo đường hòa bình tới Hiệp định Paris


Dù đã 40 năm, nhưng hình ảnh các đoàn đàm phán Việt Nam vẫn in đậm trong ký ức những nhân chứng và thế hệ sau.




Quảng trường Hiệp định Paris sẽ được khánh thành vào tháng 3/2013.
Để đi tới lễ ký kết cuối cùng tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Clébère, thì trong gần 5 năm, các cuộc thương lượng về Hiệp định hòa bình Paris đã được tiến hành tại nhiều địa điểm trên đất Pháp. Dù 40 năm sau, các địa điểm đã ít nhiều đổi khác, nhưng hình ảnh các đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt Trận miền Nam Việt Nam vẫn in đậm trong ký ức những nhân chứng và thế hệ con cháu họ; cùng như tạo âm hưởng sâu rộng trong lòng những người bạn Pháp nay còn sống tại những địa điểm lịch sử đó.

1. Khách sạn Lutetia – Nơi khởi đầu và nơi ăn mừng chiến thắng:




Khách sạn Lutetia hiện nay
Năm 1968, khi đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do ông Xuân Thủy dẫn đầu đến Paris, đã ở tại khách sạn Lutetia ở số 45 Đại lộ Raspail, quận 16 Paris. Chỉ vài ngày sau, vì nhiều lý do, đoàn đã nhờ Đảng Cộng sản Pháp tìm một địa điểm khác. Trường Đảng ở Choisy Le Roi đã được chọn, trở thành nơi lưu lại suốt gần 5 năm của đoàn. Trở lại thăm Lutetia ngày nay, sau 40 năm, khách sạn bên ngoài vẫn giữ nguyên dáng hình, trở thành một trong những khách sạn nổi tiếng nhất ở Paris, bởi những thời khắc lịch sử mà nó đã từng chứng kiến, từ chiến tranh thế giới thứ 2, cho tới sự có mặt, dù ngắn của đoàn đàm phán Việt nam.

Theo ông Dương Văn Quảng, Đại sứ, trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO hiện nay, người từng nằm trong số những thực tập sinh học tập tại Pháp vào thời điểm Hiệp định được ký kết, thì Khách sạn Lutetia cũng là nơi hai đoàn đàm phán của Việt nam tổ chức tiệc lớn ăn mừng thắng lợi. 



2. Tòa nhà số 2, Le Verrier, quận 4: “Tổng hành dinh” ngoại giao của Việt Nam:

Cũng theo Đại sứ, trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO ông Dương Văn Quảng, thì cũng chính tại tòa nhà của phái đoàn hiện nay, tại số 2, Le Verrier, quận 4 Paris, 40 năm về trước, ông cùng các thực tập sinh có mặt tại Pháp đã vui mừng đến giúp chuẩn bị những tấm thiệp mời chiêu đãi, mừng Hiệp định được ký kết: “Đây là tổng đại diện nên toàn bộ thủ tục liên quan đến vấn đề chiêu đãi đều làm ở đây. Ví dụ cả tuần trước ngày chiêu đãi, huy động toàn bộ thực tập sinh đến đây giúp ghi thiệp mời. Nhưng vì mời quá gấp, nên phải chia nhỏ thư ra, sáng sớm hôm sau mang ra tận bưu điện của từng quận để họ mang đi phát giúp mình. Nhà này là tổng đại diện trước khi quan hệ Việt - Pháp lên mức chính thức, sau đó là Đại sứ quán nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngôi nhà này chứng kiến toàn bộ quá trình dẫn đến đàm phán, rồi đấu tranh để thực hiện hiệp định, rồi chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công mùa xuân 1975, tạm gọi là toàn bộ phần ngoại giao của việc đàm phán rồi tiến tới ký kết Hiệp định Paris và tiếp theo đó là quá trình đấu tranh ngoại giao để thực hiện Hiệp định và phục vụ cuộc tổng tiến công Mùa xuân năm 1975, tiến tới hòa bình cuối cùng ở Việt nam”.

Tòa nhà hiện là trụ sở phái đoàn Việt nam bên cạnh UNESCO cho đến nay được giữ nguyên cấu trúc, kể cả những trang trí trên trần, trên tường khi xưa. Cách đó chỉ vài trăm thước, là trụ sở cũ của Thông tấn xã Việt nam, nơi những thông tin thắng lợi trên bàn đàm phán được thảo và phát đi.

3. Choisy le Roi - Tâm điểm của cuộc đấu tranh của đoàn đàm phán Việt nam Dân chủ Cộng hòa:




Tấm biển trước khu nhà tại Choisy le Roi
Nói đến Hiệp định Paris, không thể không nói tới thành phố Choisy-le-Roi nằm ở ngoại ô, cách Paris khoảng 20 km về phía Đông Nam. Nhà báo, nhà làm phim người Pháp Daniel Roussel – người đang làm một bộ phim tài liệu mang tên “Hiệp định Paris” đã gọi Choisy Le Roi là “tâm điểm của thế giới” trong giai đoạn diễn ra các cuộc đàm phán hòa bình: “Tháng 5/1968, đoàn đàm phán miền Bắc của Việt nam Dân chủ Cộng hòa tới ở khách sạn Lutetia rồi sau đó, chuyển sang Choisy le Roi vì nhiều lý do. Và Đảng Cộng sản Pháp đã quyết định dành tòa nhà của Trường đào tạo, bồi dưỡng Đảng viên của Đảng Cộng sản Pháp cho đoàn ở. Đoàn Hà nội lúc đó dẫn đầu bởi ông Xuân Thủy, tưởng sẽ ở đó vài tháng, nhưng cuối cùng họ đã ở gần 5 năm”.

Trong suốt thời gian đó, Choisy- le Roi đã chứng kiến những câu chuyện đàm phán tài tình được giữ kín tới mức “bí ẩn”. Bà Nicole Trampoglieri, Chủ tịch Hội hữu nghị Pháp - Việt tại Choisy le Roi cho biết thông tin về đoàn khi đó được giấu kín tới mức không có mấy người dân ở chính thành phố này biết chỗ đoàn sống và hoạt động. “Vào thời điểm đó, tôi là một đảng viên rất trẻ trong Đảng Cộng sản Pháp sống gần đây, tôi cũng chỉ biết là nơi này có đoàn đàm phán của Việt nam ở, nhưng hiếm khi nào tận mắt nhìn thấy gương mặt của ai trong đoàn. Họ được bảo vệ rất nghiêm ngặt. Báo chí cũng không tiếp cận được. Nhưng tôi có được nghe kể về “căn phòng hạnh phúc” trong khu nhà này, hồi đó, không ai hiểu vì sao lại gọi là “căn phòng hạnh phúc” nhưng sau đó mới biết đấy là cách các thành viên trong đoàn “ám hiệu” với nhau là “căn phòng bí mật”. Khi nào có chuyện công việc tuyệt mật cần trao đổi, các thành viên trong đoàn lại cùng vào căn phòng đó”.

Choisy le Roi còn là minh chứng rõ nét về “tình đoàn kết, hữu nghị” của Đảng Cộng sản Pháp, của bạn bè Pháp yêu chuộng hòa bình đối với  người dân Việt nam. Bà Jéanine Rubin, một trong những người từng tình nguyện phục vụ bữa ăn cho đoàn đàm phán Việt nam 40 năm về trước, nay đã 80 tuổi, cho biết khi đó bà cũng không biết rõ tình hình do tính tuyệt mật trong hoạt động đoàn. Nhưng bà vẫn nhớ như in không khí ấm cúng như trong một gia đình khi gặp gỡ các thành viên trong đoàn. “Khi ấy, tôi đang làm phục vụ trong trường học, Đảng Cộng sản đề nghị tôi có muốn làm việc tình nguyện hỗ trợ cho đoàn đàm phán của Việt nam hay không, và tôi đã đồng ý. Dù thời gian tiếp xúc không nhiều, nhưng những cảm nhận lúc đó về đoàn sau này đã là động lực khiến tôi quyết định gia nhập Đảng Cộng sản Pháp và tham gia các hoạt động hữu nghị Pháp- Việt cho đến bây giờ”.

Cũng tại Choisy le Roi, tòa biệt thự nằm yên bình tại số 11, phố Darthé giờ vẫn mang dáng dấp cũ, cây cherry vẫn cao vút trong vườn sau nhà. Nhưng ít ai biết rằng 40 năm về trước, các cuộc đàm phán bí mật và gay go giữa đoàn miền Bắc với đại diện phía Mỹ là Henry Kissinger đã diễn ra tại đây.

40 năm sau, đầu năm 2013, lãnh đạo thành phố Choisy le Roi sẽ cho khánh thành một quảng trường lớn mang tên “Hiệp định Paris”, ngay trên Đại lộ mang tên người đứng đầu thành phố thời điểm hiệp định được ký kết ông Louis Luc. Vợ của ông, bà Hélène Luc từ hàng chục năm qua vẫn luôn là người bạn thủy chung nhiệt thành đối với nhân dân Việt nam.

4. Verriere le Buisson và Massy – tràn đầy ký ức về đoàn Mặt Trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam:

Nếu như Choisy le Roi từng gắn liền với câu chuyện đàm phán tài tình của đoàn đàm phán Việt nam Dân chủ Cộng hòa, thì tại hai vùng ngoại ô Verrière le Buisson và Massy, nằm cách Paris khoảng 10 km về hướng Tây Nam, tràn đầy những ký ức về đoàn đàm phán Mặt Trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt nam do bà Nguyễn Thị Bình, khi đó là Bộ trưởng ngoại giao, dẫn đầu.

Tòa biệt thự tại số 17, đại lộ Cambacérès, Verriere le Buisson đến nay vẫn giữ nguyên kiến trúc tuyệt đẹp trên một con dốc thoai thoải, nhìn ra hồ nước. Đây là nơi trong suốt gần 5 năm đàm phán, bà Nguyễn Thị Bình cùng một số thành viên trong đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt nam sống và làm việc. Trong vườn, vẫn còn đó ngôi nhà nơi đài phát thanh giải phóng từng phát đi những thông tin nóng hổi về Hiệp định.




Ông Gueguen lưu giữ nhiều tư liệu về Hiệp định Paris.
Ông Pierre Gueguen, người từng làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh cho tòa nhà, ngày ngày vẫn đi dạo qua đây và nhớ lại những kỷ niệm về một “gia đình Việt nam” thực sự mà ông cảm nhận được khi gắn bó với các thành viên trong đoàn đàm phán của Việt nam. Kể lại nhiệm vụ khi xưa, ông Gueguen cho biết : “Đó là niềm vui đối với tôi khi được làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh cho đoàn đàm phán để chấm dứt chiến tranh, giành lại hòa bình ở Việt nam. Chúng tôi thường có 6 người chia làm hai ca bảo vệ an ninh trong khuôn viên ngôi nhà. Ngôi nhà nằm ở giữa hai tòa biệt thự, xung quanh các hàng rào với hàng xóm khá thấp, nên chúng tôi luôn phải canh phòng rất kỹ nhất là ban đêm. Tôi nhớ lần đầu tiên tôi nhận nhiệm vụ, đã xảy ra một sự cố là có một người phụ nữ cùng chồng của ông ta xông thẳng vào nhà. Rất may là chúng tôi đã ngăn chặn kịp thời và giao họ cho lực lượng cảnh sát bảo vệ vòng ngoài để họ giải quyết”.

Suốt 40 năm qua, hai vợ chồng ông bà Gueguen đã cần mẫn sưu tầm và gìn giữ nhiều tư liệu về Hiệp định Paris, về Việt nam, từ những chiếc tem thư về Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt nam, cho tới những bài báo bằng bất kỳ ngôn ngữ nào mà ông có được viết về một thành viên nào đó trong đoàn đàm phán… Bởi đơn giản như ông nói, “Đó là những ngày lịch sử mà cuộc đời tôi có may mắn được là một phần nhỏ trong đó”.

Tại Massy, khu căn hộ chung cư nơi mà các thành viên còn lại trong đoàn đàm phán Mặt Trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt nam từng sống và làm việc trong 4 căn hộ tầng 2 và 3, đến nay gần như vẫn giữ nguyên. Ông Đoàn Hữu Trung, một Việt kiều từng gắn bó với đoàn suốt những năm đàm phán dẫn chúng tôi quay lại Massy, chỉ vào ngôi trường mẫu giáo nằm đối diện, cho biết hơn 40 năm trước, gần như ngày nào, sau khi đưa con vào trường học, ông cũng ghé qua thăm đoàn đàm phán của Việt nam, xem có thể trợ giúp gì cho đoàn. Sau này, dù đã chuyển nhà đi thành phố khác, ông vẫn thỉnh thoảng qua lại nơi đây, đi dạo và nhớ lại những câu chuyện về những thành viên đoàn khi xưa, tài

tình, kiên quyết trong công việc nhưng cũng rất giản dị, chân thành trong đời sống.



5. Gif sur Yvette – Sự trùng hợp của hai ngôi nhà “hòa bình”:




Ngôi nhà ở Gif sur Yvette
Đi qua số 106 Avenue du Général Leclerc của thị trấn Gif-sur-Yvette, bắt gặp một căn nhà bình thường như biết bao ngôi nhà khác ở vùng ngoại ô Paris, ít ai biết rằng nơi đây 40 năm trước đã diễn ra các cuộc đàm phán bí mật giữa đoàn đàm phán Việt nam Dân chủ Cộng hòa do ông Lê Đức Thọ làm trưởng đoàn với phía Mỹ- do ông Henry Kissinger dẫn đầu. Các tài liệu lịch sử ghi lại những cuộc trao đổi giữa hai ông tháng 10 và tháng 11/1972 tại ngôi nhà này đi vào giai đoạn quyết định, chốt lại ở một dự thảo hiệp định mà hai bên có thể chấp nhận được. Khi đó, những tưởng hòa bình đã tới rất gần, thì phía Mỹ bất ngờ “tráo trở”, ném bom xuống miền Bắc Việt nam.

40 năm sau, ngôi nhà không có gì nổi bật, nhìn từ bên ngoài có phần cũ kỹ và bao phủ bởi cây cối um tùm. Một tấm biển khiêm tốn treo trên tường bên ngoài căn nhà với dòng chữ “Tại ngôi nhà này ngày 22/11/1972, đã mở ra các cuộc đàm phán hòa bình giữa ông Lê Đức Thọ và ông Henry Kissinger”. Chủ nhân ngôi nhà ông  Bernard Mimier vui vẻ mời chúng tôi vào thăm ngôi nhà và hồ hởi kể lại “cái duyên” của họ với nơi này.

“Lúc đó tôi còn trẻ lắm, mới 17 tuổi, tôi có đi qua nơi này, thấy rất nhiều nhà báo vây quanh ngôi nhà và nghe nói có các cuộc đàm phán hòa bình bí mật diễn ra trong đó. Khi đó ngôi nhà thuộc về một họa sỹ tên Fernand Leger- một đảng viên Đảng Cộng sản Pháp và là nơi đón nhiều khách của đảng sang Pháp làm việc. Sau này năm 1989, tôi cần tìm một ngôi nhà rộng để mở phòng chụp và làm ảnh; và duyên số đã dẫn tôi đến đây, mua lại ngôi nhà và ở đây cho đến nay. Gia đình chúng tôi rất tự hào được sống ở đây, một ngôi nhà lịch sử đóng góp cho hòa bình cho người dân Việt nam, vợ tôi cũng từng tham gia các hoạt động phản chiến và con gái tôi cũng có những cảm xúc đặc biệt khi nói về ngôi nhà”.

Tại Gif sur Yvette, các cuộc đàm phán diễn ra hết sức bí mật, đến các nhà hàng xóm cũng không hay biết gì cho đến ngày 22/11/1972 báo chí Pháp và nước ngoài mới biết tới, đổ dồn về đây. Và thật trùng hợp khi họ chạy sang nhà hàng xóm, nhờ sự giúp đỡ để chụp được ảnh vào bên trong ngôi nhà đàm phán bí mật, thì lại được chứng kiến những hoạt động của tổ chức “Giúp đỡ trẻ em Việt nam” cũng hướng về Việt nam. Giáo sư Trần Thanh Vân, người sáng lập Tổ chức “Giúp đỡ trẻ em Việt nam” và sau này là Hội “Gặp gỡ Việt nam”,  dẫn chúng tôi ra vườn sau nhà, chỉ vào rặng cây thông giờ cao ngút, cho biết 40 năm trước, rặng cây còn thấp và phóng viên đứng từ vườn nhà ông hoặc trèo lên mái nhà ông có thể chụp ảnh vào ngôi nhà đàm phán. Và trong khi cuộc đàm phán chính trị bí mật giữa ông Lê Đức Thọ và ông Henry Kissinger đang diễn ra, thì ở ngôi nhà bên cạnh, Giáo sư Trần Thanh Vân cùng các thành viên tổ chức “Giúp đỡ trẻ em Việt nam” đang tích cực với các hoạt động bán thiệp Giáng sinh để quyên tiền xây dựng làng trẻ SOS tại Đà Lạt (sau này làng được khánh thành năm 1974). Hai hoạt động cùng lúc tại Gif sur Yvette, một bên là chính trị và bên kia là nhân đạo, vô tình lại cùng hướng về hòa bình và ấm no ở Việt nam.

Những nẻo đường hòa bình, từ các hướng khác nhau, cuối cùng ngày 27/1/1973 đã dẫn về Trung tâm Hội nghị Kléber.  Hiệp định Paris được ký kết. Bên ngoài, kiều bào đổ về đông chật cả đại lộ Kléber, cờ hoa rợp trời, niềm vui như vỡ òa. Dù giờ đây trung tâm đang được phá đi để xây dựng một trung tâm thương mại, hội nghị mới, song những ai từng biết tới câu chuyện của Hiệp định Paris đều như sống lại không khí lịch sử lúc đó khi đến thăm lại Kléber. Một câu chuyện mới đang hình thành, nhưng ký ức khi xưa vẫn mãi mãi được lịch sử lưu lại./.

Thùy Vân – Đào Dũng/VOV-Paris



http:/vov.vn


Tín hiệu về cuộc hòa đàm Việt Nam

Trước và ngay cả trong khi Hội nghị Paris đang diễn ra, có nhiều quốc gia và nhân vật nổi tiếng như Tổng thư ký Liên Hợp Quốc U Thant, Giáo Hoàng…đã cố gắng làm trung gian giữa Mỹ và Việt Nam. Raymond Aubrac, một người bạn thân thiết của Bác Hồ và nhân dân Việt Nam đã dành nhiều trang trong cuốn hồi ký "Nơi ký ức dừng chân" để viết về chuyến đi Việt Nam năm 1967 với vai trò một "nhà trung gian". Được sự đồng ý của nhà báo Đào Hùng, Tạp chí Xưa và Nay, Báo TG&VN xin trích đăng một phần bản dịch về chuyến đi này. (Kỳ 1)

... Ngày 21/7/1967, lúc 4 giờ sáng, một người của Đại sứ quán Việt Nam đến gõ cửa phòng, thông báo chúng tôi được cấp visa vào Việt Nam... Chúng tôi mua vé với giá khá đắt. Hồi đó, đường bay do một công ty tư nhân khai thác, chỉ có một cổ đông duy nhất là Sylvain Floirat, một nhà công nghiệp Pháp. Lúc đầu, đường bay được trang bị 6 chiếc máy bay Boeing sản xuất từ năm 1942, nay chỉ còn 3 chiếc. Một năm trước, một chiếc đã mất tích không để lại dấu vết.

S

Bác Hồ chụp ảnh kỷ niệm với ông Raymond Aubrac (người đầu tiên bên trái) tại nhà ông Aubrac ở Pháp năm 1946.
au khi ghé Viêng Chăn lúc nửa đêm, chỉ còn lại hai sỹ quan Ấn Độ trên máy bay, Herbert và tôi. Trong khoang máy bay không có điều áp, bay rất cao trên hành lang được các bên tham chiến tôn trọng. Nhìn thấy tên tôi trên danh sách hành khách, một cô tiếp viên đến hỏi tôi có phải là ông Aubrac… Tôi lấy làm hãnh diện vì điều này.

Khi hạ cánh, sân bay Hà Nội chìm trong bóng đêm. Chúng tôi được dẫn vào một căn phòng và được mời uống trà. Hai tiếng sau, một chiếc xe hơi đưa chúng tôi đến khách sạn Thống Nhất, trước đây gọi là Métropole, sau khi len lỏi qua cầu Long Biên, (cầu Doumer cũ), giữa một đoàn xe tải, xe bò và xe đạp đi lại tấp nập.

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Bộ trưởng Bộ Y tế đón chúng tôi ở khách sạn và sau đó hướng dẫn chúng tôi suốt chuyến thăm. Chúng tôi nói với ông Thạch muốn được đến chào Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Bác sĩ Thạch rất vui vì được gặp Herbert và tôi. Ông Thạch là một người sâu sắc, hiểu biết và rất tinh tế trong ứng xử. Ông Thạch có nhiều bạn bè ở Pháp và là người nổi tiếng ở Việt Nam. Giữa muôn vàn khó khăn không thể tưởng tượng nổi, ông Thạch đã tổ chức được mạng lưới y tế cho quân đội và nhân dân Việt Nam.

Ông Thạch đã vạch ra cho chúng tôi một chương trình dày đặc. Chúng tôi đi thăm khu công nghiệp ngoại vi Hà Nội và các khu dân cư, một phần đã bị san phẳng. Một buổi tối, ông Thạch đến tìm chúng tôi để đi thăm việc sửa chữa một khúc đê sông Hồng bị bom Mỹ, cách Hà Nội chừng 15 cây số.

Tối hôm đó, tôi được chứng kiến một câu chuyện đã để lại trong tôi những ấn tượng mạnh. Sau khi đi bộ qua dòng người gồm đàn bà và trẻ em gánh trên vai hai sọt đất để đổ vào những hố sâu, chúng tôi quay trở lại chiếc xe Jeep Liên Xô để về thành phố. Bác sĩ Thạch ngồi cạnh người lái xe. Herbert và tôi ngồi sau Chiếc xe đi từ từ qua đám đông...

Đến một chỗ dừng, bác sĩ Thạch túm lấy tay một chú bé đang nhìn chúng tôi. Chú bé khoảng 11 hay 12 tuổi. Bác sĩ hỏi: “Cháu ở làng nào tới?”. Không có tiếng trả lời. Ông lại hỏi tiếp. Chú bé đáp: “Cháu không muốn nói. – Nhưng bác là bác sĩ Thạch. – Cháu biết, đứa bé trả lời, cháu nhận ra bác. Nhưng hai người kia, ngồi đằng sau, cháu không biết họ”.

Người ta đưa chúng tôi đi thăm nhiều bệnh viện. Bác sĩ Thạch muốn chỉ cho người đồng nghiệp Pháp biết họ đã làm việc trong điều kiện như thế nào. Bác sĩ Marcovitch nhận thấy trong phòng mổ một số dụng cụ giải phẫu được làm bằng tre. Người ta cho ông một cái kẹp tre mà ông đã đem về Pháp và được chuyền tay nhau trong bạn bè, trong số đó có cả ông Kissinger.

Trong một bệnh viện người ta đưa chúng tôi đến, họ điều trị những người bị thương vì bom bi. Phát minh ma quỷ đó là một khối tròn rỗng to bằng quả bóng quần vợt. Vỏ của nó rất dày, bằng thép, có cánh nhỏ làm cho quả cầu quay tròn: giữa quả cầu là thuốc nổ sẽ làm quả cầu vỡ thành mảnh và bắn đi xa. Nhưng sự can thiệp của quỷ dữ là gắn trong lần vỏ thép đó những hòn bi bằng chất dẻo rất cứng để xuyên vào người mà không phát hiện được bằng chụp x-quang. Khi chúng tôi đưa cho ông Kissinger xem thứ vũ khí được tính toán một cách hoàn hảo như vậy của Mỹ, ông ta cũng có vẻ rất kinh hoàng, giống như chúng tôi.

Trong một lần khác thăm Hà Nội, còi rú lên inh ỏi báo tin có máy bay. Hầm trú ẩn là những cái ống bằng bê tông, đường kính chừng 1 mét và cao 1,5 mét, cắm xuống vỉa hè sâu dưới đất hai phần ba chiều cao. Mọi người dừng xe đạp lại cạnh vỉa hè, chống bàn đạp xe lên bờ hè rồi bình thản tìm cái hố gần nhất còn trống. Mọi người đều đứng, nói đùa với người bên cạnh. Những cái loa hướng dẫn (người ta dịch cho chúng tôi) cho biết máy bay địch đến từ phía Đông. Chúng cách 30 cây số, rồi 20 cây số.... “Hãy nấp đi”, loa kêu gọi. Tất cả ngồi xổm xuống trong khi nghe thấy có tiếng nổ phía xa. Mười phút sau loa loan tin hết báo động và những chiếc xe đạp lại đi. Tất cả đều diễn ra trong không khí hoàn toàn bình thản và nụ cười…

Trong bốn ngày đó ở Hà Nội, người ta cho chúng tôi xem tất cả những gì có thể giúp chúng tôi hiểu được cuộc chiến tranh của Việt Nam và những điều liên quan đến chuyên môn nghề nghiệp của mình: y tế đối với Herbert, nông nghiệp đối với tôi.

Chúng tôi đến thăm bảo tàng về các cuộc chiến tranh mà đất nước này phải trải qua với Trung Quốc, Pháp và Mỹ. Người ta cho xem triển lãm máy bay Mỹ bị bắn rơi. Họ cho chúng tôi những cái nhẫn làm từ vỏ “máy bay thứ hai nghìn”. Chúng tôi gặp Chủ tịch Ủy ban tội ác chiến tranh, đại tá Hà Văn Lâu, Bộ trưởng Bộ Đại học Tạ Quang Bửu, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Văn Tính, Giám đốc Vụ Quan hệ quốc tế Bộ Y tế Nguyễn Văn Trong, Chủ nhiệm Khoa Giải phẫu bệnh viện Saint-Paul, bác sĩ Phúc, Thứ trưởng Bộ Thủy lợi Phạm My, Trưởng Phòng Khoa học kỹ thuật Bộ Nông nghiệp Hồ Sĩ Phấn, Giám đốc Tạp chí Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Trịnh Văn Thịnh... Chúng tôi đến thăm xã giao tùy viên văn hóa của Tổng đại diện Pháp, Charles-Louis Le Guern.

Nhưng ba thời khắc quan trọng của chuyến đi của chúng tôi là lần được đến thăm Chủ tịch Hồ Chí Minh và được tiếp xúc với Thủ tướng Phạm Văn Đồng...

Ông Raymond Aubrac (31/7/1914 - 10/4/2012) - anh hùng kháng chiến của nước Pháp, người bạn lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam.

Năm 1946, ông Aubrac gặp Bác Hồ lần đầu tiên, khi Bác dẫn đầu phái đoàn Việt Nam sang Pháp đàm phán. Sớm có thiện cảm với nhau, Bác Hồ đã chuyển đến ở nhà ông Aubrac ở Soisy-sous-Montmorency, ngoại ô Paris. Trong thời gian sinh hoạt cùng gia đình Aubrac, Bác còn trở thành cha đỡ đầu của Babette, người con gái mới sinh của ông Aubrac.

Ghi nhận những công lao của ông với cách mạng Việt Nam, ngày 25/9/2012 tại Phủ chủ tịch, thay mặt Đảng và Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho ông Raymond Aubrac. Bà Elizabeth Aubrac con gái ông đã thay mặt gia đình nhận phần thưởng cao quý này.

Đào Hùng (dịch)(Còn nữa)

http://www.tgvn.com.vn/



Tín hiệu về cuộc hòa đàm Việt Nam

(Kỳ cuối)



Hình ảnh Bác Hồ và Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong những giờ phút khó khăn nhất của đất nước đã được tái hiện sinh động qua ngòi bút của Raymond Aubrac trong cuốn hồi ký Nơi ký ức dừng chân của ông.

Sáng sớm ngày 24/7/1967, người ta đưa chúng tôi đến một ngôi nhà nhỏ trong vườn của Dinh chính phủ, nơi Thủ tướng Phạm Văn Đồng đang chờ ở đó. Đó là một cuộc viếng thăm ngắn. Mục đích của chuyến đi không được nói đến. Sau đó, chúng tôi lên xe và được đưa đến ngôi nhà nhỏ nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đang ở.

Bác Hồ ngồi trên một chiếc ghế mây, cạnh Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Vừa nhìn thấy tôi, cụ đứng dậy đón và ôm hôn. Tôi ngạc nhiên vì sự thay đổi của cụ kể từ lần gặp cuối cùng ở Bắc Kinh 12 năm trước. Cụ đã 77 tuổi. Người chiến sĩ nhỏ nhắn, dáng nhanh nhẹn giờ đã già đi nhiều, chòm râu trắng như cước và cử chỉ chậm rãi, nhưng cái nhìn vẫn sắc bén.

Sau khi hỏi thăm tin tức của tôi, cụ đi thẳng vào vấn đề:

- Thế nào ông bạn, tại sao ông lại bắt Đại sứ quán chúng tôi ở Phnom Penh gọi dậy lúc nửa đêm để xin visa? Tôi già rồi và cần được nghỉ ngơi.

Tôi không xin được visa ở Paris. Giải pháp duy nhất là đến Phnom Penh. Tôi không biết việc này có xứng đáng để quấy rầy Chủ tịch hay không.

Tôi kể cho Chủ tịch Hồ Chí Minh về phong trào Pugwash, cuộc họp ngày 29/6 và việc họ đề nghị tôi đưa thông điệp của Ban chấp hành cho Chủ tịch.

Tán thành sáng kiến của tôi, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở lại câu chuyện về Hội nghị Genève năm 1954. Cụ trách nước Pháp vì đã không giữ đúng lời cam kết: “Hãy thay tôi nói lại với Mendès France. Đúng ra là chúng tôi đã thống nhất từ năm 1956. Nhưng nước Pháp lại đưa người Mỹ đến”. Cụ nhắc lại diễn văn ở Phnom Penh tháng 9/1966, trong đó tướng Gaulle khuyên người Mỹ hãy rút khỏi Việt Nam. Khi tôi gợi lại rằng chính De Gaulle đã ủng hộ chính sách hiếu chiến của d Argenlieu thì cụ trả lời: “Chúng tôi thường nói, đồ tể cũng trở thành Phật lúc về già”.

Rồi cụ kể về câu chuyện người Mỹ đến miền Nam Việt Nam, sự ủng hộ của Mỹ đối với chính quyền Sài Gòn, cuộc đấu tranh của Mặt trận chống ngụy quyền và đồng minh, về sự giúp đỡ của miền Bắc trong cuộc đấu tranh. Cụ khẳng định rằng cụ muốn đàm phán với người Mỹ mà không làm họ mất thể diện, nhưng chỉ khi nào Mỹ chấm dứt không điều kiện việc oanh kích miền Bắc. Còn về cuộc đàm phán ở miền Nam chỉ có thể tiến hành khi quân đội Mỹ đã rút hết.

Sau khoảng 30 phút nghe cụ trình bày, tôi bèn hỏi:

- Thưa Chủ tịch, mặc dầu tôi không biết chi tiết vị thế của các bên tham chiến, tôi cảm thấy lời tuyên bố của cụ rất quan trọng. Vậy tôi có thể làm gì?

Thế thì ông bạn muốn đề xuất điều gì?

- Tôi nghĩ rằng cụ cần phải cho Tổng thống Johnson biết trực tiếp. Phong trào Pugwash có thể đảm nhiệm. Nhưng tôi đã nói, chúng tôi có hai “nhân chứng-đưa tin”. Vì vậy chúng ta cần phải trao đổi cả với người bạn của tôi là anh Herbert Marcovitch.

Quay sang Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu tiếp cả hai chúng tôi để giải đáp mọi câu hỏi của chúng tôi. Cụ hỏi thăm tôi về ngôi nhà ở Soisy-sous-Montmorency. Tôi bảo rằng, tôi đã bán.

- Vậy thì tôi ở đâu khi đến Paris? Và tôi có được tiếp đón ở Paris không?

- Vâng, thưa Chủ tịch. Khẩu hiệu phổ biến nhất ở Paris là “Hòa bình ở Việt Nam”.

- Tôi biết. Nhưng khẩu hiệu đó không phù hợp. Điều cần thiết là phải lên án quân Mỹ.

Cụ đi khỏi căn nhà nhỏ và trở lại với mảnh lụa đẹp thêu những hình của Việt Nam: “Gửi cho cháu Babette, khi cháu lấy chồng”. Tôi ôm Bác Hồ.

Phạm Văn Đồng đưa tôi ra tận xe và nói:

- Chúng tôi rất muốn Người được thấy đất nước thống nhất. Ông đến như vậy là rất tốt. Chuyến đi của ông có thể có tác dụng. Chúng ta sẽ nói chuyện lại ngày mai. Tình hình rất phức tạp…

Tôi rất cảm động. Tôi không hề biết đó là lần cuối cùng được gặp Người. Cụ qua đời ngày 3/9/1969.

Hôm sau, Herbert cùng tôi gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Tôi biết ông từ Hội nghị Fontainebleau năm 1946, gặp lại ở Genève năm 1954, rồi ở Hà Nội năm 1955. Sau cuộc nói chuyện năm 1967, tôi còn gặp lại ông năm 1975, năm 1978 và trong một số chuyến đi của tôi sau đấy. Ông là một chính khách nhã nhặn và thông minh. Tất cả những người từng nói chuyện với ông đều khen ngợi khả năng đối thoại của ông. Ông kiên nhẫn lắng nghe và đưa ra những câu hỏi xác đáng, những kết luận bất ngờ nhưng luôn thích hợp. Cá nhân tôi đánh giá cao nụ cười có phần hơi xa cách của ông. Có thể ở châu Á, đôi khi nụ cười là dấu hiệu của sự lúng túng. Nhưng nụ cười của Thủ tướng Phạm Văn Đồng lại luôn bày tỏ sự quan tâm và thông cảm. Sự gắn bó của ông và Hồ Chủ tịch đã trở thành huyền thoại. Hai con người đó đã cùng nhau vượt qua những diễn biến lịch sử đau thương của đất nước.

Thủ tướng tiếp chúng tôi một cách thân mật, nhưng không suồng sã. Ông trình bày về tình hình chung, những cuộc thương lượng và giải pháp cụ thể, chính sách của Mặt trận.

Theo Thủ tướng, tình hình chung thời điểm đó vừa đơn giản, vừa phức tạp. Mỹ tìm cách tạo dư luận để ủng hộ cho những chính sách của mình. Sức mạnh quân sự khổng lồ và chính sách ngoan cố đã làm Mỹ mù quáng. Nhà Trắng và Lầu Năm góc có chủ thuyết là ném bom miền Bắc. Tuy nhiên, tiềm năng quân sự của Việt Nam cũng được tăng cường không ngừng nhờ sự giúp đỡ quí báu của Liên Xô và các nước XHCN khác. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng tiến hành một cuộc chiến tranh trên bộ.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng khẳng định Chính phủ sẵn sàng thương lượng với điều kiện Mỹ phải ngừng mọi hoạt động ở miền Bắc. Đấy là điều kiện tiên quyết. Cuộc thương lượng toàn diện đòi hỏi sự ra đi hoàn toàn của quân đội Mỹ ở miền Nam. Như vậy, dự kiến sẽ có hai giai đoạn: thương lượng với miền Bắc sau khi ngừng ném bom; thương lượng toàn thể sau khi quân đội Mỹ rút hết. Thủ tướng còn nêu rõ ông không có ý định “làm nhục” nước Mỹ, nhưng nước Mỹ phải ý thức rằng mình đã thua trận. Lênin, ông nói tiếp, không muốn chiến tranh, nhưng đã tiến hành chiến tranh.

Thủ tướng nhấn mạnh quan hệ giữa cuộc chiến với lương tri loài người, đề nghị chúng tôi nỗ lực phối hợp để làm sáng tỏ tình hình này trong mắt người Mỹ.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhấn mạnh, Mặt trận Dân tộc Giải phóng dự kiến một chính phủ liên minh dân tộc rộng rãi, và chúng tôi nghĩ đó là đúng. Chính phủ sẽ chấp nhận mọi người có ích bất kể quá khứ của họ, kể cả các thành viên chính phủ và sĩ quan quân đội ngụy. Chúng tôi cũng sẵn sàng tiếp nhận Bảo Đại. Mặt trận cũng như Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiến hành chiến tranh là để thống nhất đất nước. Không cần thúc ép, chúng tôi sẽ thảo luận và tìm con đường tốt nhất”.

Tôi thường nghĩ rằng đấy đúng là ý định của các nhà lãnh đạo Việt Nam, ở miền Bắc cũng như miền Nam. Nếu nhà chức trách Mỹ không điên cuồng ngoan cố tiếp tục tấn công quân sự, nếu họ ngừng ném bom vào thời điểm đó, thì họ có thể tiết kiệm xương máu của hàng nghìn binh sĩ tại chiến trường. Việt Nam sẽ chỉ bị tàn phá một phần và nhanh chóng tái thiết lại đất nước.

Chúng tôi nhắc lại nội dung thông điệp của Pugwash, do Kissinger gợi ý: sẽ ngừng leo thang bằng chấm dứt ném bom với điều kiện miền Bắc không tăng cường tiếp tế cho Mặt trận miền Nam. Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói rõ rằng việc ngừng ném bom là không điều kiện. Cuộc thảo luận xoay quanh ý nghĩa của cụm từ “không điều kiện”. Việc ngừng ném bom có phải tuyên bố công khai không? Cuộc thương lượng có phải mở ra ngay sau đó không?

“Đối với chúng tôi, việc ngừng ném bom là một tuyên bố chính thức, nghĩa là công khai, của nhà cầm quyền Mỹ. Tuy nhiên, chúng tôi không phải cố chấp trong vấn đề đó. Chúng tôi có thể bằng lòng với một cuộc ngừng ném bom trên thực tế và không đòi hỏi một thời hạn nào từ khi ngừng ném bom đến khi bắt đầu đàm phán”, Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói.

Bốn ngày ở Hà Nội đã làm thay đổi sâu sắc quan niệm của chúng tôi đối với cuộc chiến tranh. Khi lên đường, tôi tin chắc Việt Nam sẽ giành được độc lập, thống nhất đất nước và Mỹ sẽ phải ngừng cuộc xâm lược, nhưng tôi không hề nghĩ đến việc Mỹ sẽ bị đánh bại hoàn toàn. Sức mạnh của nước Mỹ, đã từng đánh bại Hitler không thể chịu thất bại trước một dân tộc thuần nông, không có công nghiệp, không có không quân, không có thủy quân, chỉ được tiếp tế của Nga và Trung Quốc, mà bản thân các quốc gia đó cũng thua kém về kỹ thuật so với Mỹ.

Đào Hùng (dịch)



http://www.tgvn.com.vn/

40 năm ngày ký hiệp định Paris về Việt Nam:



Vẫn thức thời và ý nghĩa

Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam đã được ký kết vào ngày 27/1/1973 tại Paris (Pháp). Đây là thắng lợi lớn trên bàn ngoại giao, có ý nghĩa chiến lược dẫn đến đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; là kết quả của đường lối đấu tranh toàn dân, toàn diện của Đảng ta tiến hành trên 3 mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao.

Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày ký hiệp định Paris về Việt Nam (27/1/1973 - 27/1/2013), UBND tỉnh Phú Yên đã phối hợp với Quỹ Hòa bình - Phát triển Việt Nam, Viện Nghiên cứu phát triển phương Đông và Câu lạc bộ giao lưu kinh tế - văn hóa quốc tế tổ chức buổi giao lưu hữu nghị quốc tế.

Phát biểu tại buổi giao lưu, bà Nguyễn Thị Bình, nguyên phó Chủ tịch nước đánh giá cao việc UBND tỉnh Phú Yên phối hợp tổ chức hoạt động ý nghĩa này và khẳng định: Lễ kỷ niệm được tỉnh Phú Yên tổ chức cùng với 7 tỉnh duyên hải miền Trung có ý nghĩa đặc biệt vì đây là nơi diễn ra cuộc chiến đấu khốc liệt nhất, nơi Mỹ đưa quân vào xâm lược nước ta sớm nhất, gây ra những vụ tàn sát đẫm máu trong lịch sử, đồng thời cũng là nơi mà quân và dân ta chiến đấu anh dũng nhất.

S




Đoàn VN trên bàn đàm phán Hiệp định Paris.
au cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Chính phủ Mỹ chấp nhận ngồi lại để đàm phán. Qua những năm tháng đấu tranh quyết liệt trên cả 2 mặt trận, chúng ta từng bước giành thắng lợi. Cuối cùng, cuối năm 1972, khi cuộc công kích tàn bạo bằng B52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng bị thất bại nặng nề, Mỹ mới chấp nhận đàm phán thực sự và đi đến ký kết hiệp định Paris về Việt Nam.

Hiệp định Paris về Việt Nam ghi, điều 1: “Mỹ và các nước khác tôn trọng quyền dân tộc của nhân dân Việt Nam, độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ”, Mỹ phải rút quân hoàn toàn ra khỏi miền Nam Việt Nam, vấn đề chính trị miền Nam sẽ do các bên miền Nam tự giải quyết lấy, qua việc hình thành một chính quyền và 3 thành phần (Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, chính quyền Sài Gòn và lực lượng thứ 3) sẽ bàn việc tổng tuyển cử và các vấn đề chính trị khác.

Có thể khẳng định, có Tết Mậu Thân mới có hội nghị Paris, có Hiệp định Paris mới có cuộc tổng tiến công và kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng năm 1975. Việc ký hiệp định Paris là thắng lợi trọng đại của nhân dân Việt Nam và cũng là thắng lợi của phong trào đoàn kết quốc tế rộng lớn chưa từng có. Cho đến nay, những kinh nghiệm, ý nghĩa thắng lợi của Hiệp định Paris vẫn thức thời, sống mãi.

Minh Tuấn



http://www.kinhtenongthon.com.vn/



Triển lãm

“Hội nghị Paris – Tài liệu lưu trữ nhìn từ hai phía”


Thứ Sáu 28/12/2012

Hướng tới kỷ niệm 40 năm ngày ký kết Hiệp định Paris (27/01/1973-27/01/2013), chiều ngày 27/12/2012, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III tổ chức khai mạc triển lãm “Hội nghị Paris- Tài liệu lưu trữ nhìn từ hai phía”.



Đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành đến dự và tham quan Triển lãm

(Ảnh: Hải Phong)

Với hơn 200 tài liệu, hình ảnh và hiện vật, triển lãm được trưng bày theo 3 phần với 3 chủ đề: Bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, Hội nghị Paris- Tài liệu lưu trữ nhìn từ hai phía, Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Phát biểu tại Lễ khai mạc Triển lãm, ông Nguyễn Xuân Hưởng - Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III cho biết: Sau những thất bại liên tiếp ở miền Nam Việt Nam, nhất là sau Chiến dịch Mậu Thân năm 1968, Mỹ buộc phải thương lượng với Đoàn đại biểu của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam về Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Tuy nhiên, Mỹ đã tìm cách trì hoãn, không chịu ký Hiệp định. Cuộc đàm phán về việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam kéo dài nhiều năm. Chỉ sau những thất bại nặng nề ở cả hai miền Nam - Bắc, đặc biệt là trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, khi quân và dân ta đã đập tan cuộc tập kích chiến lược của Mỹ bằng máy bay B52 trên bầu trời Thủ đô Hà Nội, tại Hội nghị Paris, Mỹ buộc phải ký Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Hiệp định Paris là thắng lợi hết sức to lớn trên mặt trận ngoại giao, đánh dấu bước phát triển mới của cách mạng nước ta. Việc Mỹ buộc phải rút quân khỏi Việt Nam là điều kiện thuận lợi để nhân dân ta tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Triển lãm góp phần phát huy giá trị, nâng cao hiệu quả sử dụng tài liệu lưu trữ và hiện vật lịch sử, góp phần bồi dưỡng, giáo dục tinh thần kiên cường, bất khuất, yêu nước, yêu độc lập tự do, ca ngợi truyền thống anh hùng của dân tộc Việt Nam.



Theo Báo Điện tử ĐCSVN
1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương