Nghiên cứu trao đỔi vai trò CỦa giám sát và phản biện xã HỘI ĐỐi với việc xây dựng nhà NƯỚc pháp quyền ts. ĐOÀn minh huấn phó Giám đốc Học viện Chính trị



tải về 40.23 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu10.05.2018
Kích40.23 Kb.
#38054
NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI
VAI TRÒ CỦA GIÁM SÁT VÀ PHẢN BIỆN XÃ HỘI

ĐỐI VỚI VIỆC XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN
TS. ĐOÀN MINH HUẤN

Phó Giám đốc Học viện Chính trị -

Hành chính khu vực I
Thứ nhất, giám sát xã hội và phản biện xã hội đảm bảo quyền phản hồi xã hội trực tiếp hoặc bán trực tiếp đối với thể chế cầm quyền, nhờ đó, có tác dụng phòng ngừa hoặc hạn chế sai lầm. Trước khi ban hành quyết định chính trị bao giờ giới cầm quyền cũng cần đến các nguồn thông tin (thông tin lý luận và thông tin tin xã hội). Thông tin chính xác, đa chiều giúp giới cầm quyền có điều kiện phân tích, xử lý để đưa ra quyết định đúng đắn nhất. Sau khi đã ban hành quyết định chính trị, những người cầm quyền lại có nhu cầu nắm bắt sự phản hồi của các nhóm dân cư trong xã hội. Giám sát xã hội là hình thức những người cầm quyền nhận biết được mức độ đón nhận quyết định chính trị, phát hiện độ “vênh” giữa quyết định chính trị với nhu cầu của thực tiễn, kể cả những biểu hiện lệch lạc. Điều đó có ý nghĩa đảm bảo cho quyết định chính trị đúng đắn được thực thi có hiệu quả, quyết định chính trị còn khiếm khuyết được phát hiện và bổ khuyết. Phản biện xã hội giúp các quyết định chính trị ngay khi còn ở giai đoạn dự thảo đã chịu sự cọ sát với các chính kiến khác nhau và nhờ đó gạn lọc được phương án bất lợi, lựa chọn phương án tối ưu. Khi chuyển sang khâu tổ chức thực hiện, phản biện xã hội giúp đo đạc phản hồi xã hội, nhờ đó phát hiện được mặt bất cập cần hiệu chỉnh, mặt sai lầm cần loại bỏ, mặt thiếu sót cần bổ khuyết. Cả trước và sau khi ban hành quyết định chính trị đều cần đến vai trò của giám sát xã hội và phản biện xã hội. Nhưng ở khâu ban hành quyết định chính trị, vai trò của phản biện xã hội quan trọng hơn nhằm đảm bảo các quyết định có chất lượng tốt nhất, hạn chế sai lầm, tối ưu hóa phương án xã hội. Còn ở khâu tổ chức thực hiện lại cần đến giám sát xã hội hơn, nhằm nắm bắt diễn biến triển khai thực hiện các quyết định chính trị, những lực cản gặp phải cần có biện pháp tháo gỡ, những lệch lạc cần uốn nắn, hiệu chỉnh.

Thứ hai, giám sát xã hội và phản biện xã hội có vai trò kiểm soát quyền lực nhà nước sau quá trình ủy quyền. Đây là nhu cầu khách quan của bất kỳ hệ thống quyền lực nhà nước nào, bởi không bị kiểm soát thì quyền lực sẽ tha hóa.V.I.Lênin cho rằng, nếu buông lỏng kiểm kê, kiểm soát thì những người vô sản sẽ lại trở thành nô lệ; nếu không tiến hành kiểm kê, kiểm soát toàn diện đối với việc sản xuất và phân phối các sản phẩm thì chính quyền của người lao động, nền tự do của họ sẽ không thể nào duy trì được và nhất định họ sẽ phải sống trở lại dưới ách của chủ nghĩa tư bản(1). Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng hết sức nhấn mạnh đến vai trò của “kiểm tra”, “kiểm soát”, “xem xét”, “điều tra”, “nắm tình hình”, “nghe báo cáo”, “phê bình” trong giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viêcn; chủ động phòng ngừa những sai phạm của cán bộ, công chức, nhất là chống “bệnh quan liêu, bênh bàn giấy, chỉ lo khai hội và thảo nghị quyết, đánh điện và gửi chỉ thị”, “có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấy, có chế độ mà không giữ đúng, có kỉ luật mà không nắm vững…..”. “ Kiểm tra có tác dụng thúc đẩy và giáo dục đảng viên và cán bộ làm tròn nhiệm vụ đối với Đảng, đối với Nhà nước, làm gương mẫu tốt cho nhân dân. Do đó mà góp phần vào việc củng cố Đảng về tư tưởng, về tổ chức”(2).

Thứ ba, giám sát xã hội và phản biện xã hội có tác dụng giải tỏa tâm trạng xã hội. Qua giám sát và phản biện xã hội mà các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân bộc lộ thành phản hồi xã hội, nhờ đó giới cầm quyền nắm được thông tin và kịp thời điểu chỉnh phương cách quản lý, phòng ngừa xung đột xã hội. Con người sinh tồn và phát triển luôn đứng trước sự thống trị của các lực lượng tự nhiên và lực lượng xã hội. Thống trị của tự nhiên và xã hội luôn tạo ra trạng thái đớn đau và con người thường tìm cách giả tỏa bằng hình thức phi thế tục hoặc hình thức thế tục. Giải tỏa bằng hình thức phi thế tục là trong chờ sự cứu vớt, che trở của các đấng siêu nhiên, đây là cách giải tỏa tiêu cực. Giải tỏa trạng thái đớn đau bằng hình thức thế tục là thông qua cách phản ứng hữu ngôn và vô ngôn khác nhau, trong đó có phản biện xã hội. Do đó, khước từ đòi hỏi chính đáng về giám sát và phản biện của nhân dân chính là tạo “nguyên liệu” đầu vào cho xung đột xã hội. Khi nhu cầu đòi hỏi chính đáng của người dân bị khước từ mà họ chưa tìm được lối thoát để giải tỏa trạng thái căng thẳng của mình thường xuất hiện “lãn công chính trị”. Đây là một hình thức phản ứng xã hội mà biểu hiện của nó là sự bàn quan trước mọi động thái của thể chế cầm quyền. Lãn công chính trị làm cho chính quyền khó nhận dạng được mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân và khi bộc lộ thành xung đột thường đẩy giới cầm quyền rơi vào thế bị động không chuẩn bị sẵn cho khả năng ứng phó. Giám sát và phản biện của nhân dân chính là một phương cách để các mâu thuẫn xã hội được bộc lộ thành phản ứng ngôn luận, nhờ đó giúp thể chế cầm quyền nhận biết và tìm phương hướng điều chỉnh chính sách, ngăn ngừa xung đột xã hội. Kinh nghiệm cho thấy chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên xô sụp đổ không phải do lực lượng đối lập có sức mạnh áp đảo, thậm chí vào lúc đó các lực lượng chống đối chưa có cơ sở xã hội rõ ràng; sự trở cờ của giới chóp bu lãnh đạo là yếu tố quyết định nhưng không phải có tính chất gốc rễ, mà sự sụp đổ đó chủ yếu do đông đảo đảng viên, quần chúng đã không bảo vệ thể chế lúc cần thiết. Xảy ra điều này là do trước đó quần chúng không được lôi cuốn vào công việc chính trị, họ thấy mình không còn là người trong cuộc của các vấn đề phát triển đất nước, từ đó xuất hiện thái độ lãn công chính trị. Nguyên nhân của lãn công chính trị có nhiều, trong đó có phần rất quan trọng là những người cầm quyền đã gạt bỏ đảng viên và quần chúng ra ngoài lề, quá trình hoạch định và tổ chức thực hiện các chính sách phát triển đất nước(3). Nhân diện điều đó mới thấy hết vai trò rất quan trọng của giám sát xã hội, đặc biệt là phản biện xã hội, trong củng cố, gia cường ý thức chính trị của nhân dân, lôi cuốn nhan dân vào những vấn đề trọng đại của đất nước.

Thứ tư, giám sát xã hội và phản biện xã hội có tác dụng khắc phục các biểu hiện dân chủ hình thức, thúc đẩy minh bạch hóa và quản trị quốc gia theo nguyên tắc dân chủ. Dân chủ, dân trị, dân quyền vẫn là mục tiêu phấn đấu của nhân loại, kể cả các nhà nước tư sản dù nhân danh “dân chủ” nhưng vẫn tìm mọi cách lắt léo, tinh vi để tạo rào cản dân chủ. Họ “không phá hủy mà chỉ ngăn cản, không khủng bố mà chỉ kìm hãm… không bẽ gãy ý chí tự do mà chỉ làm cho mòn mỏi, cùn nhụn, sợ hãi, khiến nhân dân trở thành một b ầy đàn những con vật chăm chỉ và sợ hãi, xem nhà nước là người chủ chăn”(4) – theo cách nói của Alexis de Tocqueville ở thế kỉ XIX. Do đó, giám sát xã hội và phản biện xã hội góp phần giúp thể chế chính trị thoát khỏi tình trạng bất lực trong thực hành dân chủ, mà trong nhiều trường hợp là các biểu hiện dân chủ hình thức chỉ làm “mòn mỏi, cùn nhụt” ý chí của nhân dân.

Trong quá trình thực hành dân chủ đòi hỏi đối tượng chịu sự giám sát và phản biện phải cung cấp thông tin, minh bạch hóa căn cứ của các chính sách, chương trình, dự án. Điều đó không chỉ làm cơ sở cho giám sát xã hội và tranh luận giữa hai phía, mà còn từng bước đưa những vấn đề thường bị “bưng bít” sau hậu trường ra công khai. Một nhà nước dân chủ là một nhà nước minh bạch. Thiếu minh bạch, công khai của nhiều thể chế chính trị cũng là nguyên cớ cho các thế lực thù địch bên ngoài “thọc gậy bánh xe”, xuyên tạc những vấn đề nội bộ đất nước mà bản thân quần chúng cũng không có điều kiện kiểm chứng đúng – sai, thật – giả. Vì vậy, những thông tin minh bạch, chính thống từ thể chế trong quá trình giám sát xã hội và phản biện xã hội có tác dụng củng cố và nuôi dưỡng lòng tin của nhân dân, làm một cách phản tuyên truyền hữu hiệu trước tình trạng xuyên tạc, gây hỗn loạn thông tin. Thông tin còn là “nguyên liệu” đầu vào hình thành chính sách của thể chế cầm quyền. Chính trong quá trình phản biện xã hội với nhiều ý kiến đa chiều mới tạo cho giới cầm quyền có điều kiện so sánh, thu thập thêm dữ liệu để củng cố hoặc điều chỉnh những giả thuyết, những phương án trước đó.

Thứ năm, giám sát xã hội và phản biện xã hội có tác dụng trực tiếp chống lãng phí, thực hành tiết kiệm. Thực tế cho thấy, nhiều chương trình, dự án nhờ phản biện xã hội đã tiết kiệm được cho nhà nước và nhân dân hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng, khắc phục được tình trạng sử dụng tài chính công sai mục đích hoặc kém hiệu quả. Đối với những chương trình, dự án được tiến hành bằng nguồn lực tư, thì bản thân mỗi doanh nghiệp, hộ gia đình và cá nhân đã trở thành những bộ lọc tự nhiên đảm bảo cho đầu tư đạt hiệu quả. Còn đối với các chương trình, dự án sử dụng nguồn lực công, do thiếu những cơ chế gạn lọc cần thiết, thì không gì thay thế được phản biện xã hội trong đánh giá tính hiệu quả, sự cần thiết của chúng.

Thứ sáu, giám sát xã hội và phản biện xã hội đòi hỏi giới cầm quyền phải chấp nhận sự cọ sát, tranh luận, đối thoại với nhân dân và nhờ đó rèn luyện thêm kỹ năng chính trị hiện đại, khắc phục tình trạng né tránh công luận, gây sự trì trệ của hệ thống. Giám sát xã hội và phản biện xã hội cũng là môi trường tốt cho giáo dục, rèn luyện, lôi cuốn quần chúng vào các phong trào xã hội theo định hướng của thể chế cầm quyền. Chấp nhận đối thoại biết và lắng nghe ý kiến phản biện, biết thích nghi với sự thay đổi của xã hội là phẩm chất cần có của người lãnh đạo trong nền chính trị hiện đại, rèn luyện bản lĩnh cầm quyền, nâng cao năng lực tự phát hiện các khuyết điểm của chính mình để vượt qua. Ngược lại, một thể chế chính trị tê liệt năng lực tự nhận thức và tự điều chỉnh, chắc chắn dẫn tới tha hóa. Khuyết điểm không được phát hiện thường tích tụ, dồn nén và biến thái từ nhỏ thành lớn, từ hẹp thành rộng, từ đơn giản thành phức tạp, rồi khi nhận ra thường vượt quá khả năng xử lý. Do đó, một thể chế chính trị chấp nhận giám sát và phản biện của nhân dân thường có khả năng thích ứng cao trước mọi biến đổi của hoàn cảnh và định hình được tính năng động trong phương cách cầm quyền.

Không phải trong tranh luận, đối thoại bao giờ phương án chính thống cũng lùi bước trước phương án phản biện, mà trong rất nhiều trường hợp, nhờ phản biện mới thấy sáng rõ tính đúng đắn của phương án chính thống. Phản biện không có nghĩa là chỉ tìm ra cái cần sửa chữa, khắc phục, điều chỉnh, mà còn bình luận, chỉ ra cái hay, cái đúng cần khẳng định, gia cường phát triển. Không chấp nhận phản biện sẽ không thấy được tính đúng đắn của phương án chính thống và dẫn tới quần chúng hồ nghi, thiếu tin tưởng, nhất là khi bị “nhiễu loạn” thông tin. Qua phản biện, tranh luận, phương án đúng được công khai trước công chúng, củng cố lòng tin nơi nhân dân và tìm được động lực cuốn hút quần chúng tham gia trong quá trình tổ chức thực hiện. Kinh nghiệm của Đảng Hành động Nhân dân (PAP – People Action Party) của Xinh-ga-po cho thấy, trong thời kỳ đầu mới trở thành đảng cầm quyền, bất cứ chương trình xã hội nào đưa ra cũng bị các đảng đối lập bác bỏ, phê phán, nhưng nhờ chấp nhận tranh luận, đối thoại trực tiếp trên các phương tiện thông tin đại chúng mà đẩy lùi được những công kích mang tính gây rối, củng cổ được niềm tin nơi công chúng. Trong những trường hợp như vậy, chính thông qua phản biện xã hội để tìm sự đồng tình, ủng hộ của quần chúng đối với mục tiêu xã hội chính đáng của những người lãnh đạo, quản lý, để rèn luyện quần chúng trưởng thành hơn về chính trị, để đề kháng với những hoạt động cực đoan, phá hoại mang màu sắc “dân túy”.

Thứ bảy: trong rất nhiều trường hợp giám sát và phản biện xã hội không đem lại tác dụng trước mắt, nhưng về lâu dài góp phần tạo môi trường rèn luyện dân chủ, tăng cường tính tích cực và năng động trong thực hành dân chủ, thúc đẩy hiện đại hóa xã hội. Bất kỳ một thuyết nào cũng có nguy cơ bị lạc hậu trước thực tiễn vốn rất năng động và đòi hỏi phải được bổ sung bằng thực tiễn. Chỉ qua tranh luận, phản biện mới tăng thêm sức sống cho từ tưởng, lý luận, khắc phục chủ nghĩa giáo điều, kinh nghiệm. Cũng qua phản biện mới khẳng định được giá trị của hệ tư tưởng, lý luận chính thống, bóc tách được ranh giới giữa giá trị đích thực của hệ tư tưởng, lý luận chính thống với những giải thích chủ quan. Độc thoại là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn tới nhận thức tư tưởng, lý luận phiến diện, mà ở đó thường đan cài cả nhận thức chủ quan của người giải thích. Vì vậy, đảng chính trị nào không muốn rơi vào bị động về tư tưởng, lý luận, muốn bảo vệ tính khoa học và cách mạng của tư tưởng, lý luận chân chính, không để tư tưởng, lý luận cách mạng bị lạc hậu hoặc bị bóp méo… thì phải tạo môi trường cho tự do tư tưởng, mà ở đó phản biện xã hội của giới tinh hoa có vai trò rất quan trọng. Sự lạc hậu về mặt tư tưởng, lý luận của chúng ta trong thời gian dài như nhiều nghị quyết của Đảng đã xác nhận, có một nguyên nhân sâu xa từ việc chưa tạo được môi trường thật sự dân chủ cho tranh luận về tư tưởng, lý luận, để phát hiện mặt giá trị cần gia cường; mặt lạc hậu cần vượt qua; mặt chống vắng cần bổ sung; mặt sai lệch cần phê phán, uốn nắn….

Khác biệt ý kiến phản ánh tính đa dạng của xã hội, là nguồn gốc tự nhiên của phản biện xã hội. Nếu độc thoại về mặt tư tưởng, lý luận sẽ không tạo ra môi trường cho phản biện xã hội. Nhu cầu khác biệt về ý kiến nếu không được quan tâm và đáp ứng đúng mức sẽ dẫn đến dồn nén tâm trạng xã hội. Vì vậy trong trường hợp một đảng cầm quyền, chấp nhận và tôn trọng những ý kiến khác biệt mà không trái với lợi ích chung, thông qua tranh luận, tranh biện, càng có điều kiện, nhận biết các quan điểm đa chiều trong xã hội để dung nạp vào chủ thuyết phát triển đất nước. Các ý kiến khác biệt không được lắng nghe sẽ tồn tại bất hợp pháp, dồn nén, tích tụ và chờ thời cơ bùng nổ thành đa nguyên tư tưởng. Ngược lại, nếu làm tốt phản biện xã hội thì các mâu thuẫn được phát hiện trên diễn đàn tranh luận, chủ động chuyển hóa vào phương án chính thống và nhờ đó phòng ngừa được khả năng xuất hiện đa nguyên tư tưởng. Phản biện xã hội chính là một con đường tạo ra sự năng động về tư tưởng, lý luận trong điều kiện một đảng cầm quyền.



Tóm lại, giám sát và phản biện xã hội có vai trò quan trọng trong thực hành dân chủ, góp phần năng động hóa sự cầm quyền, gia cường chất lượng thể chế, nâng cao ý thức và năng lực làm chủ của người dân. Tuy vậy , cũng không nên tuyệt đối hóa vài trò của giám sát xã hội và phản biện xã hội, nhất là trong điều kiện thiếu hệ thống thể chế, luật pháp cần thiết, cán bộ, công chức và nhân dân chưa có nhiều thời gian rèn luyện dân chủ. Giám sát xã hội và phản biện xã hội cần phải được đặt trong mối quan hệ tương tác với giám sát, kiểm tra và phê bình trong đảng; giám sát, thanh tra, kiểm soát và phê bình trong bộ máy nhà nước… Tất cả cùng hợp thành một cơ chế hỗn hợp kiểm soát quyền lực, đảm bảo tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, bảo vệ bản chất dân chủ của chế độ./.
Ghi chú:


  1. V.IVLênin: Toàn tập, T.6, Sđd, tr224.

  2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H, 1996, T11, tr300

  3. Trần Đăng Tuấn: Câu hỏi đặt ra từ cuộc sống: Phản biện xã hội. Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng, 2006, tr.172-173.

  4. Alexis de Tocqueville: Nền dân trị Mỹ, T.1, Phạm Toàn dịch, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính và giới thiệu, Nxb Tri thức, H, 2007, tr.40.


tải về 40.23 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương