Nghị ĐỊnh thư kyoto



tải về 177.39 Kb.
trang2/3
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích177.39 Kb.
#28733
1   2   3

Điều 9

1. Hội nghị các Bên tức là cuộc họp các Bên của Nghị định thư sẽ xem xét lại thường kỳ Nghị định thư này trên cơ sở thông tin khoa học tốt nhất có được, những đánh giá về biến đổi khí hậu và những tác động của nó, cũng như thông tin kỹ thuật, kinh tế và xã hội liên quan. Những sự xem xét lại này sẽ được đối chiếu với những xem xét trước theo Công ước, đặc biệt những xem xét theo yêu cầu của Điều 4, mục 2(d), và Điều 7, mục 2(a) của Công ước. Dựa trên những xem xét lại này, Hội nghị các Bên tức là cuộc họp các Bên của Nghị định thư sẽ có hành động thích hợp.

2. Cuộc xem xét lại đầu tiên sẽ được tiến hành tại khoá họp lần thứ hai Hội nghị các Bên tức là cuộc họp các Bên của Nghị định thư này. Những cuộc xem xét tiếp theo sẽ được thực hiện một cách thường kỳ và đúng hạn.

Điều 10

Tất cả các Bên, có xem xét những trách nhiệm chung nhưng có phân biệt và các tình huống, mục tiêu và những ưu tiên phát triển đặc biệt của quốc gia và khu vực, không đưa thêm bất kỳ cam kết mới nào cho các Bên không thuộc Phụ lục I, nhưng một lần nữa khẳng định những cam kết hiện tại theo Điều 4, mục 1 của Công ước, và tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện những cam kết nhằm đạt được sự phát triển bền vững, có xét đến Điều 4, mục 3, 5 và 7 của Công ước, sẽ:

a) Thiết lập, ở nơi thích hợp và ở mức độ có thể được, các chương trình quốc gia có tính chi phí-hiệu quả, và ở nơi thích hợp, các chương trình khu vực nhằm cải tiến chất lượng của các yếu tố phát thải địa phương, các số liệu hoạt động và/hoặc các mô hình phản ảnh các điều kiện kinh tế-xã hội của mỗi Bên nhằm chuẩn bị và cập nhật thường kỳ đạt các kiểm kê quốc gia về sự phát thải do con người gây ra từ các nguồn và sự thủ tiêu bởi các bể hấp thụ tất cả các khí nhà kính không được kiểm soát bởi Nghị định thư Montreal, sử dụng các phương pháp so sánh do Hội nghị các Bên nhất trí, và nhất quán với các hướng dẫn chuẩn bị các thông báo quốc gia do Hội nghị các Bên thông qua;

b) Thiết lập, thực hiện, công bố và thường xuyên cập nhật các chương trình quốc gia, và các chương trình khu vực ở nơi thích hợp, với các biện pháp giảm nhẹ biến đổi khí hậu và các biện pháp nhằm tạo điều kiện đủ thích ứng với biến đổi khí hậu:

(i) Ngoài những vấn đề khác, những chương trình như vậy sẽ liên quan đến các lĩnh vực năng lượng, vận tải và công nghiệp cũng như nông nghiệp, lâm nghiệp và quản lý chất thải. Hơn nữa, các công nghệ và phương pháp thích ứng nhằm cải thiện qui hoạch không gian sẽ cải thiện sự thích ứng với biến đổi khí hậu; và

(ii) Các Bên thuộc Phụ lục I sẽ nộp thông tin về hành động theo Nghị định thư này, bao gồm các chương trình quốc gia, phù hợp với Điều 7; và các Bên khác sẽ tìm cách đưa vào các thông báo quốc gia của mình, khi thích hợp, thông tin về các chương trình có các biện pháp mà Bên đó tin là có đóng góp vào việc đối phó với biến đổi khí hậu và những tác động có hại của nó, gồm việc giảm nhẹ sự tăng phát thải khí nhà kính, và tăng thêm sự thủ tiêu bởi các bể hấp thụ, tăng cường năng lực và các biện pháp ứng phó;

c) Hợp tác trong việc đẩy mạnh các phương thức có hiệu quả nhằm phát triển, áp dụng và truyền bá, và tiến hành tất cả những bước thực tế để đẩy mạnh, tạo điều kiện dễ dàng và cấp tài chính khi thích hợp cho việc chuyển giao hoặc tiếp cận với các công nghệ lành mạnh về môi trường, kiến thức, tập quán và các quá trình thích hợp với biến đổi khí hậu, đặc biệt đối với các nước đang phát triển, bao gồm việc thiết lập các chính sách và chương trình nhằm chuyển giao có hiệu quả các công nghệ lành mạnh về môi trường, thuộc sở hữu công cộng hoặc trong lĩnh vực công cộng và sự tạo ra một môi trường thuận lợi cho lĩnh vực tư nhân, nhằm đẩy mạnh và tăng cường việc chuyển giao và tiếp cận với các công nghệ lành mạnh về môi trường;

d) Hợp tác trong nghiên cứu khoa học và kỹ thuật và đẩy mạnh việc duy trì và phát triển các hệ thống quan trắc có hệ thống và phát triển các kho lưu trữ số liệu nhằm giảm những bất trắc liên quan tới hệ thống khí hậu, những tác động có hại của biến đổi khí hậu và những hậu quả kinh tế và xã hội của các chiến lược ứng phó khác nhau, và đẩy mạnh sự phát triển và tăng cường nội lực và khả năng tham gia những nỗ lực quốc tế và liên chính phủ, các chương trình và mạng lưới nghiên cứu và quan trắc có hệ thống, có xét đến Điều 5 của Công ước;

e) Hợp tác và đẩy mạnh ở mức quốc tế, và khi thích hợp, sử dụng các tổ chức hiện có, phát triển và thực hiện các chương trình giáo dục và đào tạo, bao gồm việc tăng cường xây dựng năng lực quốc gia, đặc biệt năng lực của các tổ chức, nhân lực và việc trao đổi hoặc thuyên chuyển nhân sự để đào tạo các chuyên gia trong lĩnh vực này, đặc biệt cho các nước đang phát triển, và tạo điều kiện ở mức quốc gia về nhận thức và tiếp cận của công chúng đối với các thông tin về biến đổi khí hậu. Các phương thức thích hợp cần được phát triển để thực hiện các hoạt động này thông qua các tổ chức liên quan của Công ước, có xét đến Điều 6 của Công ước;

f) Đưa vào các thông báo quốc gia của mình các thông tin về các chương trình và hoạt động thực hiện theo Điều này, phù hợp với những nghị quyết liên quan của Hội nghị các Bên; và

g) Trong khi thực hiện những cam kết theo Điều này, có xem xét đầy đủ Điều 4, mục 8 của Công ước.

Điều 11

1. Trong việc thực hiện Điều 10, các Bên sẽ xem xét các khoản của Điều 4, mục 4, 5, 7, 8 và 9 của Công ước.

2. Trong khuôn khổ việc thực hiện Điều 4, mục 1 của Công ước, phù hợp với các khoản của Điều 4, mục 3, và Điều 11 của Công ước, và thông qua một thực thể hay nhiều thực thể được giao phó điều hành cơ chế tài chính của Công ước, các Bên nước phát triển và các Bên là nước phát triển khác thuộc Phụ lục II của Công ước sẽ:

a) Cung cấp các nguồn tài chính mới và bổ sung để đáp ứng đầy đủ các chi phí đã nhất trí do các Bên là nước đang phát triển đã chi trong việc thúc đẩy thực hiện các cam kết hiện có theo Điều 4, mục 1(a) của Công ước, được bao hàm trong Điều 10, tiểu mục (a); và

b) Cũng cung cấp các nguồn tài chính như vậy, kể cả đối với việc chuyển giao công nghệ, cần thiết cho các Bên nước đang phát triển để đáp ứng đầy đủ các chi phí gia tăng đã nhất trí để thúc đẩy thực hiện các cam kết hiện có theo Điều 4, mục 1 của Công ước, được bao hàm trong Điều 10, đã được nhất trí giữa một Bên nước đang phát triển và một hay nhiều thực thể quốc tế nêu ở Điều 11 của Công ước, phù hợp với Điều đó.

Việc thực hiện các cam kết hiện có sẽ tính đến yêu cầu về sự rót vốn đầy đủ và tính chất dự đoán được và tầm quan trọng của việc chia sẻ gánh nặng thích hợp giữa các Bên nước phát triển. Những hướng dẫn cho một hay nhiều thực thể được giao phó điều hành cơ chế tài chính của Công ước trong các nghị quyết liên quan của Hội nghị các Bên, bao gồm những nghị quyết được nhất trí trước khi thông qua Nghị định thư, sẽ áp dụng với các sửa đổi thích đáng về chi tiết đối với các khoản của mục này.

3. Các Bên nước phát triển và các Bên phát triển khác thuộc Phụ lục II của Công ước cũng có thể cung cấp, và các Bên nước đang phát triển sử dụng, các nguồn tài chính cho việc thực hiện Điều 10, thông qua các kênh song phương, khu vực và các kênh đa phương khác.

Điều 12

1. Một cơ chế phát triển sạch được định rõ dưới đây.

2. Mục đích của cơ chế phát triển sạch sẽ là nhằm giúp các Bên không thuộc Phụ lục I đạt được sự phát triển bền vững và đóng góp vào mục tiêu cuối cùng của Công ước, và giúp các Bên thuộc Phụ lục I đạt được sự tuân thủ các cam kết của mình về giảm và hạn chế phát thải định lượng theo Điều 3.

3. Theo cơ chế phát triển sạch:

a) Các Bên thuộc Phụ lục I sẽ được lợi nhờ các hoạt động dự án đưa đến những sự giảm phát thải được chứng nhận; và

b) Các Bên thuộc Phụ lục I có thể sử dụng sự giảm phát thải được chứng nhận đạt được nhờ các hoạt động dự án như vậy để đóng góp vào việc tuân thủ một phần các cam kết của mình về giảm và hạn chế phát thải định lượng theo Điều 3, như đã xác định bởi Hội nghị các Bên tức là cuộc họp các Bên của Nghị định thư này.

4. Cơ chế phát triển sạch sẽ chịu sự điều hành và hướng dẫn của Hội nghị các Bên tức là cuộc họp các Bên của Nghị định thư này và sẽ được giám sát bởi một ban chấp hành về cơ chế phát triển sạch.

5. Những giảm phát thải do mỗi hoạt động dự án đem lại sẽ được xác nhận bởi các tổ chức tác nghiệp do Hội nghị các Bên tức là cuộc họp các Bên của Nghị định thư này chỉ định, trên cơ sở của:

a) Sự tham gia tự nguyện được từng Bên liên quan tán thành;

b) Những lợi ích thực sự, có thể đo được và dài hạn liên quan đến việc giảm nhẹ biến đổi khí hậu; và

c) Các giảm phát thải bổ sung vào bất kỳ sự giảm phát thải nào đạt được mà không có hoạt động dự án được xác nhận.

6. Cơ chế phát triển sạch sẽ giúp dàn xếp tài trợ cho các hoạt động dự án được xác nhận khi cần thiết.

7. Hội nghị các Bên tức là cuộc họp các Bên của Nghị định thư này, tại khoá họp đầu tiên sẽ hoàn thiện các phương thức và thủ tục với mục đích bảo đảm sự minh bạch, hiệu quả và độ tin cậy, thông qua sự thẩm tra và kiểm toán độc lập các hoạt động dự án.

8. Hội nghị các Bên tức là cuộc họp các Bên của Nghị định thư này sẽ bảo đảm rằng một phần của thu nhập từ các hoạt động dự án được xác nhận được sử dụng để chi trả cho công tác hành chính cũng như giúp các nước đang phát triển đặc biệt dễ bị ảnh hưởng do tác động có hại của biến đổi khí hậu, nhằm đáp ứng các chi phí ứng phó.

9. Sự tham gia theo cơ chế phát triển sạch, kể cả các hoạt động nêu trong mục 3(a) ở trên và việc tiếp nhận các giảm phát thải được chứng nhận, có thể thu hút các thực thể tư nhân và/hoặc công cộng, và phải tuân theo mọi hướng dẫn do Ban chấp hành của cơ chế phát triển sạch đưa ra.

10. Các giảm phát thải được chứng nhận, đạt được trong thời kỳ từ năm 2000 cho tới lúc bắt đầu thời kỳ cam kết đầu tiên, có thể được sử dụng để giúp đạt được sự tuân thủ trong thời kỳ cam kết đầu tiên.



Điều 13

1. Hội nghị các Bên, cơ quan tối cao của Công ước, sẽ là cuộc họp của các Bên của Nghị định thư này.

2. Các Bên của Công ước không phải là các Bên của Nghị định thư này có thể tham gia với tư cách quan sát viên trong tiến trình của bất kỳ khoá họp nào của Hội nghị các Bên tức là cuộc họp các Bên của Nghị định thư này. Trong Hội nghị các Bên là cuộc họp các Bên của Nghị định thư này, các nghị quyết theo Nghị định thư sẽ chỉ được thông qua bởi các Bên là các Bên của Nghị định thư này.

3. Trong Hội nghị các Bên tức là cuộc họp các Bên của Nghị định thư này, bất kỳ thành viên nào của Ban điều hành Hội nghị các Bên đại diện cho một Bên của Công ước, nhưng vào lúc đó không phải là một Bên của Nghị định thư này, sẽ được thay thế bởi một thành viên bổ sung được lựa chọn trong số các Bên của Nghị định thư này.

4. Hội nghị các Bên tức là cuộc họp các Bên của Nghị định thư này sẽ thường xuyên duyệt lại việc thực hiện Nghị định thư này và trong phạm vi chức năng của mình, sẽ đưa ra các nghị quyết cần thiết để đẩy mạnh việc thực hiện chúng một cách có hiệu quả. Nó sẽ thực hiện các chức năng mà Nghị định thư này giao phó và sẽ:

a) Trên cơ sở mọi thông tin nó có được, phù hợp với những điều khoản của Nghị định thư này, đánh giá việc các Bên thực hiện Nghị định thư này, những ảnh hưởng toàn diện của những biện pháp tiến hành theo Nghị định thư này, đặc biệt các ảnh hưởng về môi trường, kinh tế và xã hội, cũng như những tác động tổng hợp của chúng và mức độ tiến bộ đạt được trong quá trình thực hiện mục tiêu của Công ước;

b) Xem xét thường kỳ những nghĩa vụ của các Bên theo Nghị định thư này, có xem xét thích đáng bất kỳ việc xét duyệt nào theo yêu cầu của Điều 4, mục 2(d), và Điều 7, mục 2 của Công ước, chiếu theo mục tiêu của Công ước, kinh nghiệm thu được trong việc thực hiện Công ước và sự tiến triển của trình độ khoa học và Công nghệ, và về mặt này, xem xét, thông qua các báo cáo thường kỳ về việc thực hiện Nghị định thư này;

c) Đẩy mạnh và tạo điều kiện trao đổi thông tin về các biện pháp do các Bên thông qua nhằm đối phó với biến đổi khí hậu và những ảnh hưởng của nó, có tính đến những hoàn cảnh, trách nhiệm và năng lực khác nhau của các Bên và những cam kết tương ứng của họ theo Nghị định thư này;

d) Theo yêu cầu của hai hay nhiều Bên, tạo điều kiện cho việc điều phối các biện pháp do họ tán thành nhằm đối phó với biến đổi khí hậu và những ảnh hưởng của nó, có tính đến những hoàn cảnh, trách nhiệm và năng lực khác nhau của các Bên và những cam kết tương ứng của họ theo Nghị định thư này;

e) Phù hợp với mục tiêu của Công ước và những điều khoản của Nghị định thư này, và có xem xét đầy đủ các nghị quyết liên quan của Hội nghị các Bên, đẩy mạnh và hướng dẫn việc phát triển và thanh lọc các phương pháp so sánh được nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị định thư này, như đã được nhất trí tại hội nghị các Bên tức là cuộc họp các Bên của Nghị định thư này;

f) Đưa ra kiến nghị về bất kỳ vấn đề nào cần thiết cho việc thực hiện Nghị định thư này;

g) Tìm cách động viên các nguồn tài chính bổ sung phù hợp với Điều 11, mục 2;

h) Thiết lập những cơ quan bổ trợ cần thiết cho việc thực hiện Nghị định thư này;

i) Khi thích hợp, tìm cách và sử dụng các dịch vụ, hợp tác và thông tin từ các tổ chức quốc tế, các cơ quan liên chính phủ và phi chính phủ có thẩm quyền; và

j) Thực hiện các chức năng khác khi thấy cần thiết cho việc thực hiện Nghị định thư này, và xem xét bất kỳ công tác nào do nghị quyết của Hội nghị các Bên đưa ra.

5. Các qui tắc về thủ tục của Hội nghị các Bên và các thủ tục tài chính áp dụng theo Công ước sẽ được áp dụng với những sửa đổi thích đáng về chi tiết theo Nghị định thư này, trừ khi có quyết định khác được nhất trí tại Hội nghị các Bên tức là cuộc họp các Bên của Nghị định thư này.

6. Khoá họp đầu tiên của Hội nghị các Bên tức là cuộc họp các Bên của Nghị định thư này sẽ được triệu tập bởi ban thư ký cùng với khoá họp đầu tiên của Hội nghị các Bên được xắp xếp sau ngày Nghị định thư này có hiệu lực. Các khoá họp thường lệ tiếp theo của Hội nghị các Bên tức là cuộc họp các Bên của Nghị định thư này sẽ được triệu tập hàng năm và đi đôi với các khoá họp thường lệ của Hội nghị các Bên, trừ khi Hội nghị các Bên tức là cuộc họp các Bên của Nghị định thư này có quyết định khác.

7. Các khoá họp bất thường của Hội nghị các Bên tức là cuộc họp các Bên của Nghị định thư này sẽ được tổ chức vào những thời gian khác nếu Hội nghị các Bên tức là cuộc họp các Bên của Nghị định thư này thấy cần thiết, hoặc theo yêu cầu bằng văn bản của bất kỳ Bên nào, miễn là trong vòng sáu tháng được Ban thư ký thông báo cho các Bên, yêu cầu đó được ít nhất một phần ba các Bên ủng hộ.

8. Liên hợp quốc, các cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc và Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế, cũng như bất kỳ quốc gia thành viên nào hoặc các quan sát viên của chúng, không phải là bên của Công ước, có thể có đại diện tại các khoá họp của Hội nghị các Bên tức là cuộc họp các Bên của Nghị định thư này với tư cách quan sát viên. Bất kỳ cơ quan hoặc tổ chức nào, dù là quốc gia hay quốc tế, chính phủ hay phi chính phủ, có đủ tư cách về những vấn đề thuộc Nghị định thư này và đã thông báo cho Ban thư ký về ý định của mình muốn có đại diện tại một khoá họp của Hội nghị các Bên tức là cuộc họp các Bên của Nghị định thư này với tư cách quan sát viên, có thể được chấp nhận trừ phi ít nhất một phần ba các Bên có mặt phản đối. Việc chấp nhận và tham gia của các quan sát viên sẽ tuân theo các qui tắc thủ tục như nêu trong mục 5 ở trên.

Điều 14

1. Ban thư ký thiết lập theo Điều 8 của Công ước sẽ là Ban thư ký của Nghị định thư này.

2. Điều 8, mục 2 của Công ước về các chức năng của Ban thư ký, và Điều 8, mục 3 của Công ước về các sắp xếp đối với hoạt động chức năng của Ban thư ký sẽ áp dụng với những sửa đổi thích đáng liên quan Nghị định thư này. Ngoài ra, Ban thư ký sẽ thực hiện các chức năng qui định cho mình theo Nghị định thư này.

Điều 15

1. Ban Bổ trợ về tư vấn Khoa học và Công nghệ và Ban Bổ trợ về việc thực hiện được thiết lập theo Điều 9 và 10 của Công ước sẽ hoạt động như là Ban Bổ trợ về tư vấn Khoa học và Công nghệ và Ban Bổ trợ về việc thực hiện của Nghị định thư này. Những điều khoản liên quan đến chức năng của hai cơ quan này của Công ước sẽ áp dụng với những sửa đổi thích đáng đối với Nghị định thư này. Các khoá họp của Ban Bổ trợ về tư vấn Khoa học và Công nghệ và Ban Bổ trợ về việc thực hiện của Nghị định thư này sẽ được tổ chức một cách tương ứng liền với các khoá họp của Ban Bổ trợ về tư vấn Khoa học và Công nghệ và Ban Bổ trợ về việc thực hiện của Công ước.

2. Các Bên của Công ước mà không phải là các Bên của Nghị định thư này có thể tham gia với tư cách quan sát viên trong tiến trình của bất kỳ khoá họp nào của các cơ quan bổ trợ. Khi các cơ quan bổ trợ được coi là các cơ quan bổ trợ của Nghị định thư này, thì chỉ các Bên là các Bên của Nghị định thư này mới được đưa ra các nghị quyết theo Nghị định thư.

3. Khi các Ban Bổ trợ được thiết lập theo Điều 9 và 10 của Công ước thực hiện các chức năng về các vấn đề liên quan Nghị định thư này, bất kỳ thành viên nào của các Ban điều hành của các ban bổ trợ đó đang đại diện cho một Bên của Công ước, nhưng vào thời điểm đó không phải là một bên của Nghị định thư này, sẽ được thay bằng một thành viên bổ sung được lựa chọn trong các Bên của Nghị định thư này và do các Bên của Nghị định thư bầu ra.



Điều 16

Hội nghị các Bên tức là cuộc họp các Bên của Nghị định thư này sẽ, ngay khi thấy có thể áp dụng được, xem xét việc áp dụng cho Nghị định thư này, và sửa đổi khi thích hợp, quá trình tư vấn đa phương nêu trong Điều 13 của Công ước, chiếu theo bất kỳ nghị quyết nào có thể do Hội nghị các Bên đưa ra. Bất kỳ quá trình tư vấn đa phương nào có thể được áp dụng cho Nghị định thư này sẽ hoạt động không làm phương hại đến các thủ tục và cơ chế được thiết lập theo Điều 18.



Điều 17

Hội nghị các Bên sẽ định rõ các nguyên tắc, phương thức, qui tắc và hướng dẫn thích hợp, đặc biệt cho việc kiểm chứng, báo cáo và trách nhiệm giải thích cho việc mua bán phát thải. Các Bên thuộc Phụ lục B có thể tham gia mua bán phát thải nhằm các mục đích hoàn thành các cam kết của mình theo Điều 3. Bất kỳ sự mua bán phát thải nào như vậy sẽ bổ sung cho các hành động trong nước nhằm mục đích đáp ứng các cam kết giảm và hạn chế phát thải định lượng theo Điều đó.



Điều 18

Hội nghị các Bên tức là cuộc họp các Bên của Nghị định thư này, tại khoá họp đầu tiên, sẽ thông qua các thủ tục, các cơ chế thích hợp và có hiệu quả để xác định và xử lý các trường hợp không tuân thủ với các điều khoản của Nghị định thư này, bao gồm thông qua việc lập một danh sách chỉ số các hệ quả, có tính đến nguyên nhân, loại, mức độ và tần xuất việc không tuân thủ. Bất kỳ thủ tục và cơ chế nào theo Điều này kéo theo các hệ quả ràng buộc sẽ được thông qua như là một sửa đổi Nghị định thư này.



Điều 19

Các qui định tại Điều 14 của Công ước về giải quyết các tranh chấp sẽ áp dụng với những sửa đổi cần thiết cho Nghị định thư này.



Điều 20

1. Bất kỳ Bên nào cũng có thể đề xuất các sửa đổi cho Nghị định thư này.

2. Các sửa đổi đối với Nghị định thư này sẽ được thông qua tại một khoá họp thường kỳ của Hội nghị các Bên tức là cuộc họp các Bên của Nghị định thư này. Văn bản của bất kỳ đề nghị sửa đổi nào đối với Nghị định thư này sẽ được Ban thư ký thông báo cho các Bên ít nhất sáu tháng trước cuộc họp để thông qua đề nghị sửa đổi đó. Ban thư ký cũng sẽ thông báo văn bản của bất kỳ đề nghị sửa đổi cho các Bên và các bên ký Công ước và cho Người lưu chiểu để biết.

3. Các Bên sẽ hết sức cố gắng để đạt được thoả thuận về đề nghị sửa đổi Nghị định thư này bằng nhất trí. Nếu mọi cố gắng đi đến nhất trí không thành công và không đạt được thoả thuận, thì cuối cùng sửa đổi đó sẽ được thông qua bằng bỏ phiếu đa số ba phần tư các Bên có mặt bầu tại cuộc họp. Sửa đổi được thông qua sẽ được Ban thư ký thông báo cho Người lưu chiểu và Người lưu chiểu sẽ gửi cho các Bên để phê duyệt.

4. Văn bản phê duyệt về một sửa đổi sẽ được lưu trữ tại Người lưu chiểu. Một sửa đổi được thông qua phù hợp với mục 3 nói trên sẽ có hiệu lực đối với các Bên đã phê duyệt nó vào ngày thứ chín mươi tính từ ngày Người lưu chiểu nhận được văn bản phê duyệt của ít nhất ba phần tư các Bên của Nghị định thư này.

5. Sự sửa đổi sẽ có hiệu lực đối với bất kỳ Bên nào vào ngày thứ chín mươi tính từ ngày Bên đó gửi cho Người lưu chiểu văn bản phê duyệt sửa đổi đó.



Điều 21

1. Các phụ lục của Nghị định thư này sẽ là một bộ phận cấu thành của Nghị định thư và trừ khi có sự trình bầy khác, việc quy chiếu đối với Nghị định thư này cũng đồng thời nghĩa là tham khảo các phụ lục của Nghị định thư đó. Bất kỳ phụ lục nào được thông qua sau khi Nghị định thư này có hiệu lực sẽ được giới hạn trong khuôn khổ các bảng liệt kê, hình thức và bất kỳ tài liệu nào khác có tính chất mô tả về tính chất khoa học, kỹ thuật, thủ tục hoặc hành chính.

2. Bất kỳ Bên nào có thể đưa ra đề xuất về một phụ lục cho Nghị định thư này và có thể đề nghị sửa đổi cho các phụ lục của Nghị định thư này.

3. Các phụ lục của Nghị định thư này và những sửa đổi của các phụ lục của Nghị định thư này sẽ được thông qua tại một khoá họp thường kỳ của Hội nghị các Bên tức là cuộc họp các Bên của Nghị định thư này. Văn bản phụ lục đề xuất hoặc các sửa đổi phụ lục sẽ được Ban thư ký thông báo cho các Bên ít nhất sáu tháng trước cuộc họp mà tại đó đề nghị sẽ được thông qua. Ban thư ký cũng sẽ thông báo văn bản của mọi phụ lục đề xuất hoặc các sửa đổi phụ lục cho các Bên và các bên ký Công ước, và cho Người lưu chiểu.

4. Các Bên sẽ hết sức cố gắng để đạt được thoả thuận về phụ lục đề xuất hoặc sửa đổi phụ lục bằng nhất trí. Nếu mọi cố gắng đi đến nhất trí không thành công và không đạt được thoả thuận, cuối cùng phụ lục hoặc sửa đổi phụ lục sẽ được thông qua bằng bỏ phiếu đa số ba phần tư của các Bên có mặt bầu tại cuộc họp. Phụ lục hoặc sửa đổi phụ lục được thông qua sẽ được Ban thư ký thông báo cho Người lưu chiểu và Người này sẽ gửi cho các Bên để phê duyệt.

5. Một phụ lục hoặc sửa đổi phụ lục khác với Phụ lục A hoặc B, đã được thông qua phù hợp với mục 3 và 4 ở trên sẽ có hiệu lực cho tất cả các Bên của Nghị định thư này sáu tháng tính từ ngày Người lưu chiểu thông báo cho các Bên đó việc thông qua phụ lục hay thông qua sửa đổi phụ lục, trừ những Bên đã thông báo bằng văn bản cho Người lưu chiểu, trong thời gian đó, về việc mình không phê duyệt phụ lục hoặc sửa đổi phụ lục. Phụ lục hoặc sửa đổi một phụ lục sẽ có hiệu lực cho các Bên rút thông báo của mình về việc không phê duyệt vào ngày thứ chín mươi tính từ ngày Người lưu chiểu nhận được thông báo đó.

6. Nếu việc thông qua một phụ lục hay một sửa đổi một phụ lục liên quan đến việc sửa đổi Nghị định thư này, phụ lục hay sửa đổi một phụ lục đó sẽ không có hiệu lực cho tới khi sửa đổi của Nghị định thư này có hiệu lực.

7. Những sửa đổi của các Phụ lục A và B của Nghị định thư này sẽ được thông qua và có hiệu lực phù hợp với thủ tục nêu tại Điều 20, miễn là bất kỳ sửa đổi nào đối với Phụ lục B sẽ chỉ được thông qua với sự đồng ý bông văn bản của Bên liên quan.



Điều 22

1. Mỗi Bên sẽ có một phiếu, trừ trường hợp quy định tại mục 2 dưới đây.

2. Các tổ chức liên kết kinh tế khu vực, về những vấn đề trong phạm vi thẩm quyền của mình, sẽ thực hiện quyền bỏ phiếu của mình với số phiếu bằng số quốc gia thành viên của mình là các Bên của Nghị định thư này. Những tổ chức này sẽ không thực hiện quyền bỏ phiếu nếu bất kỳ quốc gia thành viên nào của tổ chức thực hiện quyền bỏ phiếu và ngược lại.

Điều 23

Tổng thư ký Liên hợp quốc sẽ là Người lưu chiểu Nghị định thư này.



Điều 24

1. Nghị định thư này sẽ được mở ký và được phê chuẩn, phê duyệt hoặc chấp thuận bởi các Quốc gia và các tổ chức liên kết kinh tế khu vực là các Bên của Công ước. Nghị định thư sẽ được mở ký tại trụ sở Liên hợp quốc tại New York từ ngày 16 tháng 3 năm 1998 đến 15 tháng ba năm 1999. Nghị định thư này sẽ được mở để gia nhập ngay sau ngày đóng ký. Các văn bản phê chuẩn, phê duyệt, chấp thuận hoặc gia nhập sẽ được lưu trữ bởi Người lưu chiểu.

2. Bất cứ tổ chức liên kết kinh tế khu vực nào trở thành một Bên của Nghị định thư này mà không có quốc gia thành viên nào là một Bên sẽ bị ràng buộc bởi tất cả các nghĩa vụ theo Nghị định thư này. Trong trường hợp các tổ chức có một hay nhiều Quốc gia thành viên của nó là các Bên của Nghị định thư này, tổ chức ấy và các quốc gia thành viên của nó sẽ quyết định về các trách nhiệm tương ứng với từng nước để thi hành các nghĩa vụ theo Nghị định thư này. Trong những trường hợp như vậy, tổ chức ấy và các quốc gia thành viên sẽ không có quyền thực hiện các quyền theo Nghị định thư này một cách đồng thời.

3. Trong các văn bản phê chuẩn, phê duyệt, chấp thuận hoặc gia nhập của mình, các tổ chức liên kết kinh tế khu vực sẽ tuyên bố mức độ thẩm quyền của mình về các vấn đề do Nghị định thư này chi phối. Các tổ chức đó cũng sẽ thông báo cho Người lưu chiểu, và về phần mình, Người lưu chiểu cũng sẽ thông báo cho các Bên về bất kỳ thay đổi quan trọng nào về mức độ thẩm quyền của các tổ chức ấy.




tải về 177.39 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương