Nghị định số 75/2000/NĐ-cp về công chứng, chứng thực Nghị định Số : 75/2000/NĐ-cp ngày 08/12/2000


Điều 56. Công chứng, chứng thực chữ ký của cá nhân



tải về 183.42 Kb.
trang3/3
Chuyển đổi dữ liệu21.08.2016
Kích183.42 Kb.
#25316
1   2   3

Điều 56. Công chứng, chứng thực chữ ký của cá nhân

1. Cá nhân yêu cầu công chứng, chứng thực chữ ký của mình trong giấy tờ phục vụ cho các giao dịch phải chịu trách nhiệm về nội dung của giấy tờ và ký trước mặt người thực hiện công chứng, chứng thực. Sau khi xác định người đó đúng với giấy tờ tuỳ thân, giấy tờ giao dịch và yêu cầu không trái pháp luật, đạo đức xã hội, thì thực hiện việc công chứng, chứng thực chữ ký của người đó.

2. Việc công chứng, chứng thực chữ ký của cá nhân được thực hiện ngay trong ngày.

3. Trong trường hợp người yêu cầu công chứng, chứng thực không ký được, thì việc công chứng, chứng thực chữ ký được thay thế bằng việc công chứng, chứng thực điểm chỉ.



Điều 57. Công chứng bản dịch giấy tờ

1. Việc dịch giấy tờ từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt hoặc ngược lại để công chứng phải do người dịch là cộng tác viên của Phòng Công chứng thực hiện. Cộng tác viên phải là người tốt nghiệp Đại học ngoại ngữ hoặc Đại học khác mà thông thạo thứ tiếng nước ngoài đó thực hiện. Cộng tác viên của Phòng Công chứng do Trưởng phòng Công chứng công nhận và chịu trách nhiệm về trình độ dịch của người đó.

2. Phòng Công chứng tiếp nhận bản chính và giao cho người dịch thực hiện. Người dịch phải ký và chịu trách nhiệm về tính chính xác, phù hợp của nội dung bản dịch, công chứng viên công chứng chữ ký của người dịch trên bản dịch đó. Từng trang của bản dịch giấy tờ phải được đóng dấu chữ "Bản Dịch" vào chỗ trống phía trên bên phải. Bản dịch phải được đính kèm với bản sao của bản chính và được đóng dấu giáp lai.

Người yêu cầu công chứng có thể tự dịch giấy tờ của mình và chịu trách nhiệm về tính chính xác, phù hợp với nội dung bản dịch. Trong trường hợp cần thiết, bản dịch phải được hiệu đính. Cộng tác viên thực hiện việc hiệu đính, ký và chịu trách nhiệm về tính chính xác, phù hợp của nội dung bản dịch đã hiệu đính.

Trong trường hợp công chứng viên có tiêu chuẩn và được công nhận là người dịch theo quy định tại khoản 1 Điều này, thì công chứng viên này có thể trực tiếp dịch và công chứng bản dịch.

3. Việc công chứng bản dịch giấy tờ được thực hiện ngay sau khi người dịch đã dịch xong. Về nguyên tắc việc dịch phải được thực hiện trong 1 ngày làm việc, trừ trường hợp bản dịch có nhiều trang hoặc có nội dung phức tạp thì thời hạn dịch không quá 5 ngày làm việc; trong trường hợp đặc biệt thời hạn trên có thể kéo dài nhưng không quá 15 ngày làm việc.

4. Không được công chứng bản dịch giấy tờ trong các trường hợp sau đây :

a) Công chứng viên biết hoặc phải biết bản chính được cấp sai thẩm quyền hoặc không hợp lệ; bản chính giả;

b) Giấy tờ đã bị tẩy xoá, sửa chữa, thêm, bớt hoặc đã bị hư hỏng, cũ nát không thể xác định rõ nội dung;

c) Giấy tờ có xác định độ mật của cơ quan nhà nước, đoàn thể, tổ chức xã hội và tổ chức kinh tế; giấy tờ bị cấm phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng.



Chương VIII

Hình thức văn bản công chứng,

văn bản chứng thực, chế độ lưu trữ

Điều 58. Chữ viết trong văn bản công chứng, văn bản chứng thực đối với hợp đồng, giao dịch

1. Chữ viết trong văn bản công chứng, văn bản chứng thực đối với hợp đồng, giao dịch phải dễ đọc, được thể hiện bằng loại mực bền trên giấy có chất lượng, bảo đảm lưu trữ lâu dài. Chữ viết có thể là chữ viết tay, đánh máy hoặc đánh bằng vi tính; không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, không được viết xen dòng, viết đè dòng, không được để trống, trừ xuống dòng; trong trường hợp có sửa chữa hoặc viết thêm, thì được thực hiện bằng cách người thực hiện công chứng, chứng thực ghi bên lề, ký và đóng dấu vào chỗ sửa hoặc viết thêm đó.

2. Thời điểm công chứng, chứng thực phải được ghi cả ngày, tháng, năm bằng số và chữ; có thể ghi giờ, phút nếu người yêu cầu công chứng, chứng thực đề nghị hoặc người thực hiện công chứng, chứng thực thấy cần thiết.

3. Các con số liên quan đến tiền phải được ghi cả bằng số và chữ.



Điều 59. Việc ghi trang, tờ trong văn bản công chứng, văn bản chứng thực đối với hợp đồng, giao dịch

Văn bản công chứng, văn bản chứng thực đối với hợp đồng, giao dịch có từ 2 trang trở lên, thì từng trang phải được đánh số thứ tự, có chữ ký tắt của người yêu cầu công chứng, chứng thực và người thực hiện công chứng, chứng thực, riêng trang cuối phải có chữ ký đầy đủ; số lượng trang phải được ghi vào cuối văn bản; văn bản công chứng, văn bản chứng thực có từ 2 tờ trở lên phải được đóng dấu giáp lai, có từ 10 tờ trở lên còn phải được đục lỗ, xâu gáy và gắn xi.



Điều 60. Hồ sơ công chứng, hồ sơ chứng thực

1. Hồ sơ công chứng, hồ sơ chứng thực bao gồm : Phiếu yêu cầu công chứng, chứng thực, bản chính văn bản công chứng, văn bản chứng thực, kèm theo bản chụp các giấy tờ mà người yêu cầu công chứng, chứng thực đã xuất trình, các giấy tờ xác minh và giấy tờ liên quan khác, nếu có.

2. Mỗi hồ sơ phải được đánh số theo thứ tự thời gian phù hợp với việc ghi trong sổ công chứng, sổ chứng thực, bảo đảm dễ tra cứu.

Điều 61. Sổ công chứng, sổ chứng thực

1. Mỗi việc công chứng, chứng thực đều phải được ghi vào sổ theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

2. Sổ của Phòng Công chứng bao gồm : Sổ công chứng hợp đồng, giao dịch, Sổ công chứng bản sao giấy tờ, Sổ công chứng bản dịch giấy tờ và Sổ công chứng chữ ký.

Sổ của ủy ban nhân dân cấp huyện bao gồm : Sổ chứng thực bản sao giấy tờ, Sổ chứng thực chữ ký và Sổ chứng thực hợp đồng, giao dịch.

Sổ của ủy ban nhân dân cấp xã bao gồm : Sổ chứng thực chữ ký và Sổ chứng thực di chúc, văn bản từ chối nhận di sản.

3. Trong trường hợp phát sinh các việc công chứng, chứng thực khác theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 21, điểm e khoản 1 Điều 22 và điểm c khoản 1 Điểu 24 của Nghị định này, thì Bộ Tư pháp hướng dẫn việc ghi sổ.



Điều 62. Chế độ lưu trữ

1. Hồ sơ công chứng, hồ sơ chứng thực, sổ công chứng, sổ chứng thực phải được bảo quản chặt chẽ, lưu trữ lâu dài tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền công chứng, chứng thực, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.

Ngoài việc lưu trữ hồ sơ công chứng, hồ sơ chứng thực, cơ quan nhà nước có thẩm quyền công chứng, chứng thực cần nhập vào máy vi tính các việc công chứng, chứng thực hợp đồng, giao dịch.

2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền công chứng, chứng thực phải thực hiện các biện pháp an toàn, phòng chống cháy, ẩm ướt, mối, mọt đối với hồ sơ, sổ công chứng, sổ chứng thực.

3. Thời hạn lưu trữ hồ sơ bản sao, hồ sơ bản dịch giấy tờ là 5 năm, kể từ thời điểm công chứng, chứng thực.

4. Trong trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu bằng văn bản về việc cung cấp hồ sơ công chứng hoặc hồ sơ chứng thực phục vụ cho việc kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử liên quan đến việc đã công chứng hoặc chứng thực, thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền công chứng, chứng thực có trách nhiệm cung cấp bản sao văn bản công chứng hoặc văn bản chứng thực và các giấy tờ khác có liên quan. Việc đối chiếu bản sao văn bản công chứng, văn bản chứng thực với bản chính chỉ được thực hiện tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền công chứng, chứng thực nơi đang lưu trữ hồ sơ.



Điều 63. Tiêu hủy hồ sơ bản sao, hồ sơ bản dịch giấy tờ

1. Hồ sơ bản sao, hồ sơ bản dịch giấy tờ, khi hết hạn được tiêu huỷ theo định kỳ mỗi năm một lần vào cuối năm; trong trường hợp hồ sơ có nhiều thì có thể được tiêu huỷ lần nữa vào giữa năm. Khi tiêu hủy hồ sơ bản sao, hồ sơ bản dịch giấy tờ phải có Hội đồng tiêu hủy.

2. Thành phần Hội đồng tiêu hủy hồ sơ bản sao giấy tờ tại ủy ban nhân dân cấp huyện gồm có : Trưởng phòng hoặc Phó Trưởng phòng Tư pháp, công chức phụ trách lưu trữ của ủy ban nhân dân cấp huyện, đại diện cơ quan lưu trữ cấp tỉnh, đại diện Sở Tư pháp là ủy viên, Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện là Chủ tịch Hội đồng. Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện ra quyết định về việc thành lập Hội đồng.

Thành phần Hội đồng tiêu hủy hồ sơ bản sao, hồ sơ bản dịch giấy tờ tại Phòng Công chứng gồm có: Trưởng phòng hoặc Phó Trưởng phòng Công chứng, công chức phụ trách lưu trữ tại Phòng Công chứng, Chánh Văn phòng Sở Tư pháp, đại diện cơ quan lưu trữ cấp tỉnh là uỷ viên, Giám đốc hoặc Phó Giám đốc Sở Tư pháp là Chủ tịch Hội đồng. Giám đốc Sở Tư pháp ra quyết định về việc thành lập Hội đồng.

3. Việc tiêu hủy hồ sơ bản sao, hồ sơ bản dịch giấy tờ phải lập thành biên bản có chữ ký của tất cả các thành viên trong Hội đồng và tuân theo quy định của pháp luật về lưu trữ; trong biên bản ghi rõ việc tiêu hủy đó từ số nào đến số nào, trong quyển nào.

                                                             Chương IX



Giải quyết khiếu nại, tố cáo,

và khen thưởng, xử lý vi phạm

Điều 64. Quyền khiếu nại của người yêu cầu công chứng, chứng thực

Người yêu cầu công chứng, chứng thực có quyền khiếu nại việc từ chối công chứng, chứng thực không đúng với quy định của pháp luật.



Điều 65. Thẩm quyền và thời hạn giải quyết khiếu nại đối với ủy ban nhân dân cấp xã

1. Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã giải quyết khiếu nại lần đầu đối với việc từ chối chứng thực thuộc thẩm quyền của ủy ban nhân dân cấp xã, trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý để giải quyết khiếu nại.

2. Người yêu cầu chứng thực không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại của Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã, thì có quyền khiếu nại tiếp lên Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện. Trong trường hợp khiếu nại tiếp, người yêu cầu chứng thực phải gửi đơn kèm theo bản sao quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã và các tài liệu liên quan (nếu có) đến Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện.

Trong thời hạn không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý để giải quyết tiếp đơn khiếu nại, Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện phải giải quyết và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại và Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã đã giải quyết khiếu nại trước đó biết.

3. Người yêu cầu chứng thực không đồng ý với giải quyết khiếu nại của Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện, thì có quyền khiếu nại tiếp lên Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Trong trường hợp này, người khiếu nại phải gửi đơn kèm theo bản sao quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã và các tài liệu liên quan (nếu có) đến Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Trong thời hạn không quá 20 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý để giải quyết tiếp đơn khiếu nại, Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải giải quyết và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại và Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã đã giải quyết khiếu nại trước đó biết. Quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh là quyết định cuối cùng.

4. Đối với khiếu nại về chứng thực phức tạp, thì thời hạn giải quyết khiếu nại của Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh có thể được kéo dài nhưng không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết.

Điều 66. Thẩm quyền và thời hạn giải quyết khiếu nại của Phòng Tư pháp cấp huyện

1. Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện được Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện uỷ quyền thực hiện các việc chứng thực theo quy định tại khoản 2 Điều 22 Nghị định này giải quyết khiếu nại lần đầu đối với việc từ chối chứng thực thuộc thẩm quyền, trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý để giải quyết đơn khiếu nại.

2. Người yêu cầu chứng thực không đồng ý với giải quyết khiếu nại của Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện, thì có quyền khiếu nại tiếp lên Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện. Trong trường hợp này, người khiếu nại phải gửi đơn kèm theo bản sao quyết định giải quyết khiếu nại của Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện và các tài liệu liên quan (nếu có) đến Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện.

Trong thời hạn không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý để giải quyết tiếp đơn khiếu nại, Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện phải giải quyết và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại và Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện đã giải quyết quyết khiếu nại trước đó biết.

3. Người yêu cầu chứng thực không đồng ý với giải quyết khiếu nại của Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện, thì có quyền khiếu nại tiếp lên Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Trong thời hạn không quá 30 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý để giải quyết tiếp đơn khiếu nại, Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải giải quyết và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại và Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện đã giải quyết khiếu nại trước đó biết. Quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh là quyết định cuối cùng.

4. Đối với khiếu nại về chứng thực phức tạp, thì thời hạn giải quyết khiếu nại của Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể được kéo dài nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết.

Điều 67. Thẩm quyền và thời hạn giải quyết khiếu nại đối với Phòng Công chứng

1. Trưởng phòng Công chứng giải quyết khiếu nại lần đầu đối với việc từ chối công chứng thuộc thẩm quyền của Phòng Công chứng, trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý để giải quyết đơn khiếu nại.

2. Người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Trưởng phòng Công chứng, thì có quyền khiếu nại tiếp lên Giám đốc Sở Tư pháp. Trong trường hợp này, người khiếu nại phải gửi đơn kèm theo bản sao quyết định giải quyết khiếu nại của Trưởng phòng Công chứng và các tài liệu liên quan (nếu có) đến Giám đốc Sở Tư pháp.

Trong thời hạn không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý để giải quyết tiếp đơn khiếu nại, Giám đốc Sở Tư pháp phải giải quyết và thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu công chứng và Trưởng phòng Công chứng đã giải quyết khiếu nại trước đó biết.

3. Người yêu cầu công chứng không đồng ý với giải quyết của Giám đốc Sở Tư pháp, thì có quyền khiếu nại lên Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Trong trường hợp này, người khiếu nại phải gửi đơn kèm theo bản sao quyết định giải quyết khiếu nại của Giám đốc Sở Tư pháp, Trưởng phòng Công chứng và các tài liệu liên quan (nếu có) đến Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý để giải quyết tiếp đơn khiếu nại, Bộ trưởng Bộ Tư pháp phải giải quyết và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại và Giám đốc Sở Tư pháp, Trưởng phòng Công chứng đã giải quyết khiếu nại trước đó biết. Quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng Bộ Tư pháp là quyết định cuối cùng.

4. Đối với khiếu nại về công chứng phức tạp, thì thời hạn giải quyết khiếu nại của Giám đốc Sở Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp có thể được kéo dài nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết.

Điều 68. Thẩm quyền và thời hạn giải quyết khiếu nại đối với Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài

1. Người đứng đầu Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài giải quyết khiếu nại lần đầu đối với việc từ chối công chứng thuộc thẩm quyền của Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý để giải quyết đơn khiếu nại.

2. Người yêu cầu công chứng không đồng ý với giải quyết khiếu nại của Người đứng đầu Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, thì có quyền khiếu nại lên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Trong trường hợp này, người khiếu nại phải gửi đơn kèm theo bản sao quyết định giải quyết khiếu nại của Người đứng đầu Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các tài liệu liên quan (nếu có) đến Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý để giải quyết đơn khiếu nại, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao phải giải quyết và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại và Người đứng đầu Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã giải quyết khiếu nại trước đó biết. Quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao là quyết định cuối cùng.

Đối với khiếu nại về công chứng phức tạp, thì thời hạn giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao có thể được kéo dài nhưng không quá 20 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết.

Điều 69. Thẩm quyền khởi kiện của người yêu cầu công chứng, chứng thực

Trong trường hợp người yêu cầu công chứng, chứng thực không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại lần đầu của các cơ quan có thẩm quyền quy định tại các điều 65, 66, 67 và 68 của Nghị định này, thì có quyền khởi kiện tại Toà án có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về thủ tục giải quyết các vụ án hành chính.



Điều 70. Giải quyết tố cáo

Việc tố cáo hành vi trái pháp luật của người thực hiện công chứng, chứng thực được giải quyết theo quy định của pháp luật về tố cáo.



Điều 71. Khen thưởng

Người thực hiện công chứng, chứng thực có thành tích trong việc thực hiện công chứng, chứng thực, thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật về khen thưởng.



Điều 72. Xử lý vi phạm

1. Trong khi thi hành nhiệm vụ, quyền hạn về công chứng, chứng thực, người thực hiện công chứng, chứng thực, người dịch là cộng tác viên của Phòng Công chứng do thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc cố ý làm trái với các quy định của Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật khác về công chứng, chứng thực, thì tuỳ theo mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Người yêu cầu công chứng, chứng thực có hành vi sửa chữa giấy tờ, sử dụng giấy tờ giả mạo khi yêu cầu công chứng, chứng thực, thì tuỳ mức độ vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Chương X

Điều khoản cuối cùng

Điều 73. Việc cấp, sử dụng bản sao giấy tờ

1. Bản sao giấy tờ được cấp đồng thời với bản chính hoặc được cấp từ sổ gốc có giá trị như bản sao được công chứng, chứng thực theo quy định tại Nghị định này.

2. Người đã được cấp bản chính văn bằng, chứng chỉ và các giấy tờ khác có quyền yêu cầu trường học, cơ sở giáo dục và đào tạo cấp bản sao giấy tờ đó; trường học, cơ sở giáo dục và đào tạo đã cấp bản chính có trách nhiệm cấp bản sao giấy tờ cho họ. Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm hướng dẫn các trường học, cơ sở giáo dục và đào tạo trong cả nước về việc cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ và các giấy tờ khác.

Cơ quan, tổ chức đã cấp bản chính giấy tờ có quyền cấp bản sao các giấy tờ đó.

3. Người yêu cầu có thể gửi đề nghị cấp bản sao giấy tờ đến cơ quan, tổ chức đã cấp bản chính qua đường bưu điện; trong trường hợp pháp luật có quy định, thì phải gửi kèm theo lệ phí.

Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ khi nhận được đề nghị, cơ quan, tổ chức phải cấp bản sao đó cho họ.

4. Cơ quan, tổ chức khi tiếp nhận giấy tờ mà yêu cầu phải xuất trình bản chính để đối chiếu thì phải có trách nhiệm tự mình đối chiếu bản chụp với bản chính, không được đòi hỏi nộp bản sao có công chứng, chứng thực.

Điều 74. Điều khoản chuyển tiếp

1. Các Phòng Công chứng đã được thành lập theo quy định của Nghị định số 45/HĐBT ngày 27 tháng 2 năm 1991 của Hội đồng Bộ trưởng về tổ chức và hoạt động Công chứng nhà nước, Nghị định số 31/CP ngày 18 tháng 5 năm 1996 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động Công chứng nhà nước được tiếp tục hoạt động. Trong trường hợp Phòng Công chứng chưa đáp ứng được tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Điều 26 của Nghị định này, thì Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp kiện toàn, sắp xếp lại Phòng Công chứng đó trong thời hạn 1 năm, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.

2. Người được bổ nhiệm làm công chứng viên theo quy định của Nghị định số 45/HĐBT và Nghị định số 31/CP nêu trên tiếp tục được công nhận là công chứng viên theo quy định của Nghị định này.

Điều 75. Điều khoản thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2001 và thay thế Nghị định số 31/CP ngày 18 tháng 5 năm 1996 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động Công chứng nhà nước.

2. Bộ trưởng Bộ Tư pháp có trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này.

Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành Nghị định này.

3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

Tm. Chính phủ



Thủ tướng Phan Văn Khải- Đã ký

tải về 183.42 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương