Nghị ĐỊnh của chính phủ SỐ 16/2005/NĐ-cp ngàY 07 tháng 02 NĂM 2005 VỀ quản lý DỰ ÁN ĐẦu tư XÂy dựng công trìNH



tải về 0.52 Mb.
trang1/5
Chuyển đổi dữ liệu07.07.2016
Kích0.52 Mb.
#995
  1   2   3   4   5


NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 16/2005/NĐ-CP NGÀY 07 THÁNG 02 NĂM 2005
VỀ QUẢN LÝ DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH

CHÍNH PHỦ



Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Theo đề nghị của Bộ tr­ưởng Bộ Xây dựng,

NGHỊ ĐỊNH:

CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG


Điều 1. Phạm vi áp dụng

Nghị định này hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng về lập, thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình; hợp đồng trong hoạt động xây dựng; điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân lập dự án đầu tư xây dựng công trình, khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng và giám sát xây dựng công trình.



Điều 2. Phân loại dự án và quản lý nhà nước đối với dự án đầu tư xây dựng công trình

1. Các dự án đầu tư xây dựng công trình (sau đây gọi chung là dự án) được phân loại như sau:

a) Theo quy mô và tính chất: dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội thông qua chủ trương và cho phép đầu tư; các dự án còn lại được phân thành 3 nhóm A, B, C theo quy định tại Phụ lục 1 của Nghị định này;

b) Theo nguồn vốn đầu tư:

- Dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước;

- Dự án sử dụng vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước;

- Dự án sử dụng vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước;

- Dự án sử dụng vốn khác bao gồm cả vốn tư nhân hoặc sử dụng hỗn hợp nhiều nguồn vốn.

2. Việc đầu tư xây dựng công trình phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, quy hoạch xây dựng, bảo đảm an ninh, an toàn xã hội và an toàn môi trường, phù hợp với các quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan.

3. Ngoài quy định tại khoản 2 Điều này thì tuỳ theo nguồn vốn sử dụng cho dự án, nhà nước còn quản lý theo quy định sau đây:

a) Đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước kể cả các dự án thành phần, Nhà nước quản lý toàn bộ quá trình đầu tư xây dựng từ việc xác định chủ trương đầu tư, lập dự án, quyết định đầu tư, lập thiết kế, tổng dự toán, lựa chọn nhà thầu, thi công xây dựng đến khi nghiệm thu, bàn giao và đưa công trình vào khai thác sử dụng. Người quyết định đầu tư có trách nhiệm bố trí đủ vốn theo tiến độ thực hiện dự án, nhưng không quá 2 năm đối với dự án nhóm C, 4 năm đối với dự án nhóm B.

Các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định theo phân cấp, phù hợp với quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước;

b) Đối với dự án của doanh nghiệp sử dụng vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước và vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp Nhà nước thì Nhà nước chỉ quản lý về chủ trương và quy mô đầu tư. Doanh nghiệp có dự án tự chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện và quản lý dự án theo các quy định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;

c) Đối với các dự án sử dụng vốn khác bao gồm cả vốn tư nhân, chủ đầu tư tự quyết định hình thức và nội dung quản lý dự án. Đối với các dự án sử dụng hỗn hợp nhiều nguồn vốn khác nhau thì các bên góp vốn thoả thuận về phương thức quản lý hoặc quản lý theo quy định đối với nguồn vốn có tỷ lệ % lớn nhất trong tổng mức đầu tư.

4. Đối với dự án do Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư và dự án nhóm A gồm nhiều dự án thành phần, nếu từng dự án thành phần có thể độc lập vận hành, khai thác hoặc thực hiện theo phân kỳ đầu tư được ghi trong văn bản phê duyệt Báo cáo đầu tư thì mỗi dự án thành phần được quản lý, thực hiện như một dự án độc lập.

Điều 3. Chủ đầu tư xây dựng công trình

Chủ đầu tư xây dựng công trình là người sở hữu vốn hoặc là người được giao quản lý và sử dụng vốn để đầu tư xây dựng công trình bao gồm:

1. Đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước thì chủ đầu tư xây dựng công trình do người quyết định đầu tư quyết định trước khi lập dự án đầu tư xây dựng công trình phù hợp với quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

2. Các dự án sử dụng vốn tín dụng thì người vay vốn là chủ đầu tư.

3. Các dự án sử dụng vốn khác thì chủ đầu tư là chủ sở hữu vốn hoặc là người đại diện theo quy định của pháp luật.

4. Đối với các dự án sử dụng vốn hỗn hợp thì chủ đầu tư do các thành viên góp vốn thoả thuận cử ra hoặc là người có tỷ lệ góp vốn cao nhất.



CHƯƠNG II
LẬP, THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT DỰ ÁN
ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH


Điều 4. Lập Báo cáo đầu tư xây dựng công trình và xin phép đầu tư

1. Các dự án quan trọng quốc gia phải lập Báo cáo đầu tư xây dựng công trình để trình Quốc hội thông qua chủ trương và cho phép đầu tư; các dự án nhóm A không phân biệt nguồn vốn phải lập Báo cáo đầu tư xây dựng công trình để trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư.

2. Nội dung Báo cáo đầu tư xây dựng công trình bao gồm:

a) Sự cần thiết phải đầu tư xây dựng công trình, các điều kiện thuận lợi và khó khăn; chế độ khai thác và sử dụng tài nguyên quốc gia nếu có;

b) Dự kiến quy mô đầu tư: công suất, diện tích xây dựng; các hạng mục công trình bao gồm công trình chính, công trình phụ và các công trình khác; dự kiến về địa điểm xây dựng công trình và nhu cầu sử dụng đất;

c) Phân tích, lựa chọn sơ bộ về công nghệ, kỹ thuật; các điều kiện cung cấp vật tư thiết bị, nguyên liệu, năng lượng, dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật; phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư nếu có; các ảnh hưởng của dự án đối với môi trường, sinh thái, phòng chống cháy nổ, an ninh, quốc phòng;

d) Hình thức đầu tư, xác định sơ bộ tổng mức đầu tư, thời hạn thực hiện dự án, phương án huy động vốn theo tiến độ và hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án và phân kỳ đầu tư nếu có.

3. Xin phép đầu tư xây dựng công trình

a) Chủ đầu tư có trách nhiệm gửi Báo cáo đầu tư xây dựng công trình tới Bộ quản lý ngành. Bộ quản lý ngành là cơ quan đầu mối giúp Thủ tướng Chính phủ lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương liên quan, tổng hợp và đề xuất ý kiến trình Thủ tướng Chính phủ.

b) Thời hạn lấy ý kiến:

Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Báo cáo đầu tư xây dựng công trình, Bộ quản lý ngành phải gửi văn bản lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương có liên quan.

Trong vòng 30 ngày làm việc kể từ khi nhận được đề nghị, cơ quan được hỏi ý kiến phải có văn bản trả lời về những nội dung thuộc phạm vi quản lý của mình. Trong vòng 7 ngày sau khi nhận được văn bản trả lời theo thời hạn trên, Bộ quản lý ngành phải lập báo cáo để trình Thủ tướng Chính phủ.

c) Báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ bao gồm:

Tóm tắt nội dung Báo cáo đầu tư, tóm tắt ý kiến các Bộ, ngành và đề xuất ý kiến về việc cho phép đầu tư xây dựng công trình kèm theo bản gốc văn bản ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương có liên quan.



Điều 5. Lập dự án đầu tư xây dựng công trình

1. Khi đầu tư xây dựng công trình, chủ đầu tư phải tổ chức lập dự án để làm rõ về sự cần thiết phải đầu tư và hiệu quả đầu tư xây dựng công trình, trừ những trường hợp sau đây:

a) Công trình chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình quy định tại khoản 1 Điều 12 của Nghị định này;

b) Các công trình xây dựng là nhà ở riêng lẻ của dân quy định tại khoản 5 Điều 35 của Luật Xây dựng.

2. Nội dung dự án bao gồm phần thuyết minh theo quy định tại Điều 6 và phần thiết kế cơ sở theo quy định tại Điều 7 của Nghị định này.

3. Đối với các dự án nhóm B chưa có trong quy hoạch kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, quy hoạch xây dựng thì trước khi lập dự án phải có ý kiến thoả thuận bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt về quy hoạch.



Điều 6. Nội dung phần thuyết minh của dự án

1. Sự cần thiết và mục tiêu đầu tư; đánh giá nhu cầu thị trường, tiêu thụ sản phẩm đối với dự án sản xuất; kinh doanh hình thức đầu tư xây dựng công trình; địa điểm xây dựng, nhu cầu sử dụng đất; điều kiện cung cấp nguyên liệu, nhiên liệu và các yếu tố đầu vào khác.

2. Mô tả về quy mô và diện tích xây dựng công trình, các hạng mục công trình bao gồm công trình chính, công trình phụ và các công trình khác; phân tích lựa chọn phương án kỹ thuật, công nghệ và công suất.

3. Các giải pháp thực hiện bao gồm:

a) Phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư và phương án hỗ trợ xây dựng hạ tầng kỹ thuật nếu có;

b) Các phương án thiết kế kiến trúc đối với công trình trong đô thị và công trình có yêu cầu kiến trúc;

c) Phương án khai thác dự án và sử dụng lao động;

d) Phân đoạn thực hiện, tiến độ thực hiện và hình thức quản lý dự án.

4. Đánh giá tác động môi trường, các giải pháp phòng, chống cháy, nổ và các yêu cầu về an ninh, quốc phòng.

5. Tổng mức đầu tư của dự án; khả năng thu xếp vốn, nguồn vốn và khả năng cấp vốn theo tiến độ; phương án hoàn trả vốn đối với dự án có yêu cầu thu hồi vốn; các chỉ tiêu tài chính và phân tích đánh giá hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội của dự án.



Điều 7. Nội dung thiết kế cơ sở của dự án

1. Nội dung phần thiết kế cơ sở của dự án phải thể hiện được giải pháp thiết kế chủ yếu, bảo đảm đủ điều kiện để xác định tổng mức đầu tư và triển khai các bước thiết kế tiếp theo, bao gồm thuyết minh và các bản vẽ.

2. Thuyết minh thiết kế cơ sở được trình bày riêng hoặc trình bày trên các bản vẽ để diễn giải thiết kế với các nội dung chủ yếu sau:

a) Tóm tắt nhiệm vụ thiết kế; giới thiệu tóm tắt mối liên hệ của công trình với quy hoạch xây dựng tại khu vực; các số liệu về điều kiện tự nhiên, tải trọng và tác động; danh mục các quy chuẩn, tiêu chuẩn được áp dụng.

b) Thuyết minh công nghệ: giới thiệu tóm tắt phương án công nghệ và sơ đồ công nghệ; danh mục thiết bị công nghệ với các thông số kỹ thuật chủ yếu liên quan đến thiết kế xây dựng.

c) Thuyết minh xây dựng:

- Khái quát về tổng mặt bằng: giới thiệu tóm tắt đặc điểm tổng mặt bằng, cao độ và toạ độ xây dựng; hệ thống hạ tầng kỹ thuật và các điểm đấu nối; diện tích sử dụng đất, diện tích xây dựng, diện tích cây xanh, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, cao độ san nền và các nội dung cần thiết khác.

- Đối với công trình xây dựng theo tuyến: giới thiệu tóm tắt đặc điểm tuyến công trình, cao độ và tọa độ xây dựng, phương án xử lý các chướng ngại vật chính trên tuyến; hành lang bảo vệ tuyến và các đặc điểm khác của công trình nếu có;

- Đối với công trình có yêu cầu kiến trúc: giới thiệu tóm tắt mối liên hệ của công trình với quy hoạch xây dựng tại khu vực và các công trình lân cận; ý tưởng của phương án thiết kế kiến trúc; màu sắc công trình; các giải pháp thiết kế phù hợp với điều kiện khí hậu, môi trường, văn hoá, xã hội tại khu vực xây dựng;

- Phần kỹ thuật: giới thiệu tóm tắt đặc điểm địa chất công trình, phương án gia cố nền, móng, các kết cấu chịu lực chính, hệ thống kỹ thuật và hạ tầng kỹ thuật của công trình, san nền, đào đắp đất; danh mục các phần mềm sử dụng trong thiết kế;

- Giới thiệu tóm tắt phương án phòng chống cháy, nổ và bảo vệ môi trường;

- Dự tính khối lượng các công tác xây dựng, thiết bị để lập tổng mức đầu tư và thời gian xây dựng công trình.

3. Các bản vẽ thiết kế cơ sở bao gồm:

a) Bản vẽ công nghệ thể hiện sơ đồ dây chuyền công nghệ với các thông số kỹ thuật chủ yếu;

b) Bản vẽ xây dựng thể hiện các giải pháp về tổng mặt bằng, kiến trúc, kết cấu, hệ thống kỹ thuật và hạ tầng kỹ thuật công trình với các kích thước và khối lượng chủ yếu, các mốc giới, toạ độ và cao độ xây dựng;

c) Bản vẽ sơ đồ hệ thống phòng chống cháy, nổ.

4. Đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình có mục đích sản xuất kinh doanh thì tuỳ theo tính chất, nội dung của dự án có thể giảm bớt một số nội dung thiết kế cơ sở quy định tại khoản 2 Điều này nhưng phải bảo đảm yêu cầu về quy hoạch, kiến trúc, xác định được tổng mức đầu tư và tính toán được hiệu quả đầu tư của dự án.

5. Số lượng thuyết minh và các bản vẽ của thiết kế cơ sở được lập tối thiểu là 09 bộ.



Điều 8. Hồ sơ trình phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình

1. Chủ đầu tư có trách nhiệm gửi hồ sơ dự án đầu tư xây dựng công trình tới người quyết định đầu tư để phê duyệt.

2. Hồ sơ dự án đầu tư xây dựng công trình bao gồm:

a) Tờ trình phê duyệt dự án theo mẫu tại Phụ lục số 2 kèm theo Nghị định này;

b) Dự án bao gồm phần thuyết minh và thiết kế cơ sở; văn bản thẩm định của các Bộ, ngành liên quan (nếu có);

c) Văn bản cho phép đầu tư của cấp có thẩm quyền đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A.



Điều 9. Thẩm quyền thẩm định dự án đầu tư xây dựng công trình

1. Thẩm định dự án đầu tư xây dựng công trình bao gồm thẩm định phần thuyết minh và thẩm định thiết kế cơ sở của dự án.

2. Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước về các dự án đầu tư để tổ chức thẩm định các dự án do Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư và các dự án khác do Thủ tướng Chính phủ yêu cầu.

3. UBND cấp tỉnh tổ chức thẩm định các dự án sử dụng vốn ngân sách thuộc quyền quyết định của mình. Các dự án khác do người có thẩm quyền quyết định đầu tư tổ chức thẩm định.

4. Thẩm quyền thẩm định thiết kế cơ sở đối với dự án nhóm A được quy định như sau:

a) Bộ Công nghiệp thẩm định thiết kế cơ sở của các dự án đầu tư xây dựng công trình hầm mỏ, dầu khí, nhà máy điện, đường dây tải điện, trạm biến áp và các công trình công nghiệp chuyên ngành;

b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thẩm định thiết kế cơ sở của các dự án đầu tư xây dựng công trình thuỷ lợi, đê điều;

c) Bộ Giao thông vận tải tổ chức thẩm định thiết kế cơ sở của các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông;

d) Bộ Xây dựng tổ chức thẩm định thiết kế cơ sở của các dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng, công nghiệp (trừ các công trình công nghiệp do Bộ Công nghiệp thẩm định) và các dự án đầu tư xây dựng công trình khác do Thủ tướng Chính phủ yêu cầu.

đ) Đối với dự án đầu tư xây dựng công trình liên quan tới nhiều chuyên ngành thì Bộ chủ trì thẩm định thiết kế cơ sở là Bộ có chức năng quản lý nhà nước về ngành có yếu tố quyết định về tính chất mục tiêu của dự án, chịu trách nhiệm lấy ý kiến của các Bộ, ngành có liên quan.

5. Thẩm quyền thẩm định thiết kế cơ sở đối với các dự án nhóm B, C của các Bộ, ngành, địa phương và các thành phần kinh tế khác xây dựng tại địa phương thực hiện theo quy định sau đây:

a) Sở Công nghiệp tổ chức thẩm định thiết kế cơ sở của các dự án đầu tư xây dựng công trình hầm mỏ, dầu khí, nhà máy điện, đường dây tải điện, trạm biến áp và các công trình công nghiệp chuyên ngành;

b) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thẩm định thiết kế cơ sở của các dự án đầu tư xây dựng công trình thuỷ lợi, đê điều;

c) Sở Giao thông vận tải tổ chức thẩm định thiết kế cơ sở của các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông;

d) Sở Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở của các dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng, công nghiệp (trừ các công trình công nghiệp do Sở Công nghiệp tổ chức thẩm định) và các dự án đầu tư xây dựng công trình khác do Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu.

đ) Trường hợp dự án đầu tư xây dựng công trình liên quan tới nhiều chuyên ngành thì Sở chủ trì thẩm định thiết kế cơ sở là Sở có chức năng quản lý nhà nước về ngành có yếu tố quyết định tính chất, mục tiêu của dự án, chịu trách nhiệm lấy ý kiến của các Sở liên quan.

6. Đối với thiết kế cơ sở của các dự án nhóm B, C có công trình xây dựng theo tuyến qua nhiều địa phương do Bộ được quy định tại khoản 4 Điều này tổ chức thẩm định và có trách nhiệm lấy ý kiến của các Sở liên quan về quy hoạch xây dựng, tác động môi trường nơi có công trình xây dựng.

7. Việc thẩm định các dự án đầu tư xây dựng công trình có yêu cầu bí mật an ninh, quốc phòng thực hiện theo quy định của Chính phủ.

8. Chủ đầu tư có trách nhiệm gửi hồ sơ dự án đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại khoản 4, 5, 6 Điều này để lấy ý kiến thẩm định thiết kế cơ sở. Thời gian thẩm định thiết kế cơ sở không quá 30 ngày làm việc đối với các dự án nhóm A, 15 ngày làm việc đối với các dự án nhóm B và 10 ngày làm việc với các dự án nhóm C, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

9. Thời gian thẩm định dự án, kể cả thời gian thẩm định thiết kế cơ sở, không quá: 60 ngày làm việc đối với các dự án nhóm A; 30 ngày làm việc với các dự án B, 20 ngày làm việc với các dự án nhóm C, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp đặc biệt, thời gian thẩm định dự án có thể dài hơn nhưng phải được người quyết định đầu tư cho phép.

10. Lệ phí thẩm định dự án, thiết kế cơ sở do Bộ Tài chính quy định sau khi thống nhất với Bộ Xây dựng.

Điều 10. Nội dung thẩm định dự án đầu tư xây dựng công trình

1. Sự phù hợp của dự án với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch xây dựng; trường hợp chưa có các quy hoạch trên thì phải có ý kiến thoả thuận của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực đó.

2. Nội dung thuyết minh của dự án thực hiện theo quy định tại Điều 6 của Nghị định này.

3. Sự phù hợp với Báo cáo đầu tư xây dựng công trình đã được Quốc hội hoặc Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư đối với dự án phải lập Báo cáo đầu tư xây dựng công trình.

4. Sự phù hợp của thiết kế cơ sở về quy hoạch xây dựng, quy mô xây dựng, công nghệ, công suất thiết kế, cấp công trình; các số liệu sử dụng trong thiết kế, các quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng; các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật so với yêu cầu của dự án.

5. Sự phù hợp của thiết kế cơ sở với phương án kiến trúc đã được lựa chọn thông qua thi tuyển đối với trường hợp có thi tuyển phương án kiến trúc.

6. Sự hợp lý của các giải pháp thiết kế trong thiết kế cơ sở.

7. Điều kiện năng lực hoạt động của tổ chức tư vấn, năng lực hành nghề của cá nhân lập dự án và thiết kế cơ sở theo quy định.



Điều 11. Thẩm quyền quyết định đầu tư xây dựng công trình

1. Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư các dự án đã được Quốc hội thông qua chủ trương và cho phép đầu tư.

2. Đối với các dự án khác sử dụng vốn ngân sách nhà nước:

a) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan quản lý tài chính của Đảng, cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp và Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định đầu tư các dự án nhóm A, B, C.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch UBND cấp tỉnh được uỷ quyền hoặc phân cấp quyết định đầu tư đối với các dự án nhóm B, C cho cơ quan cấp dưới trực tiếp;

b) Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã được quyết định đầu tư các dự án trong phạm vi ngân sách của địa phương sau khi thông qua Hội đồng nhân dân cùng cấp;

c) Tùy theo điều kiện cụ thể của từng địa phương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quy định cụ thể cho Chủ tịch UBND cấp huyện được quyết định đầu tư các dự án thuộc ngân sách địa phương có mức vốn đầu tư không lớn hơn 5 tỷ đồng và Chủ tịch UBND cấp xã không lớn hơn 3 tỷ đồng. Đối với các thành phố trực thuộc Trung ương, việc phân cấp theo quy định riêng được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

3. Các dự án sử dụng vốn khác, vốn hỗn hợp chủ đầu tư tự quyết định đầu tư và chịu trách nhiệm.

4. Người có thẩm quyền quyết định đầu tư chỉ được quyết định đầu tư khi đã có kết quả thẩm định dự án. Riêng đối với các dự án sử dụng vốn tín dụng, tổ chức cho vay vốn thẩm định phương án tài chính và phương án trả nợ để chấp thuận cho vay hoặc không cho vay trước khi người có thẩm quyền quyết định đầu tư.

5. Nội dung quyết định đầu tư xây dựng công trình theo mẫu tại Phụ lục số 3 của Nghị định này.



Điều 12. Báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình

1. Khi đầu tư xây dựng các công trình sau đây, chủ đầu tư không phải lập dự án mà chỉ lập Báo cáo kinh tế- kỹ thuật xây dựng công trình để trình người quyết định đầu tư phê duyệt:

a) Công trình xây dựng cho mục đích tôn giáo;

b) Công trình cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới trụ sở cơ quan có tổng mức đầu tư dưới 3 tỷ đồng;

c) Các dự án hạ tầng xã hội có tổng mức đầu tư dưới 7 tỷ đồng sử dụng vốn ngân sách không nhằm mục đích kinh doanh, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng và đã có chủ trương đầu tư hoặc đã được bố trí trong kế hoạch đầu tư hàng năm.

2. Nội dung của Báo cáo kinh tế- kỹ thuật xây dựng công trình thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 35 của Luật Xây dựng.

3. Người có thẩm quyền quyết định đầu tư quy định tại Điều 11 của Nghị định này có trách nhiệm tổ chức thẩm định Báo cáo kinh tế- kỹ thuật xây dựng công trình và quyết định đầu tư.

4. Các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước có tổng mức đầu tư từ 500 triệu đồng trở lên thì thiết kế bản vẽ thi công trong Báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình do các Sở quy định tại khoản 5 Điều 9 của Nghị định này tổ chức thẩm định. Đối với các công trình còn lại, việc thẩm định thiết kế bản vẽ thi công trong Báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình do chủ đầu tư tự tổ chức thẩm định và báo cáo người quyết định đầu tư trước khi phê duyệt.



Điều 13. Điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình

1. Dự án đầu tư xây dựng công trình đã được quyết định đầu tư chỉ được điều chỉnh khi có một trong các trường hợp sau đây:

a) Xuất hiện các yếu tố bất khả kháng do thiên tai như động đất, bão, lũ, lụt, lốc, sóng thần, lở đất; chiến tranh hoặc có nguy cơ xảy ra chiến tranh;

b) Do biến động bất thường của giá nguyên vật liệu, do thay đổi tỷ giá hối đoái đối với phần vốn có sử dụng ngoại tệ hoặc do Nhà nước ban hành các chế độ, chính sách mới có quy định được thay đổi mặt bằng giá đầu tư xây dựng công trình;

c) Do người quyết định đầu tư hoặc chủ đầu tư thay đổi khi thấy xuất hiện những yếu tố mới đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao hơn cho dự án;

d) Khi quy hoạch xây dựng đã được duyệt thay đổi có ảnh hưởng trực tiếp đến dự án.

2. Khi điều chỉnh dự án không làm thay đổi quy mô, mục tiêu đầu tư và không vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt thì chủ đầu tư được phép tự điều chỉnh dự án. Trường hợp điều chỉnh dự án làm thay đổi thiết kế cơ sở về kiến trúc, quy hoạch, quy mô, mục tiêu đầu tư ban đầu hoặc vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt thì chủ đầu tư phải trình người quyết định đầu tư xem xét, quyết định. Những nội dung thay đổi phải được thẩm định lại.

3. Người quyết định điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.



CHƯƠNG III
THỰC HIỆN DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH


MỤC 1
THIẾT KẾ, DỰ TOÁN XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH


Điều 14. Các bước thiết kế xây dựng công trình

1. Dự án đầu tư xây dựng công trình có thể gồm một hoặc nhiều loại công trình với một hoặc nhiều cấp công trình khác nhau theo quy định tại Nghị định quản lý chất lượng công trình xây dựng. Tuỳ theo quy mô, tính chất của công trình xây dựng, việc thiết kế xây dựng công trình có thể được thực hiện theo một bước, hai bước hoặc ba bước như sau:

a) Thiết kế một bước là thiết kế bản vẽ thi công áp dụng đối với công trình chỉ lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình được quy định tại khoản 1 Điều 12 của Nghị định này;

b) Thiết kế hai bước bao gồm bước thiết kế cơ sở và thiết kế bản vẽ thi công áp dụng đối với công trình quy định phải lập dự án trừ các công trình được quy định tại điểm a và c của khoản này;

c) Thiết kế ba bước bao gồm bước thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật và thiết kế bản vẽ thi công áp dụng đối với công trình quy định phải lập dự án và có quy mô là cấp đặc biệt, cấp I và công trình cấp II có kỹ thuật phức tạp do người quyết định đầu tư quyết định.

Trường hợp thực hiện thiết kế hai bước hoặc ba bước thì các bước thiết kế tiếp theo phải phù hợp với bước thiết kế trước đã được phê duyệt.

2. Đối với những công trình đơn giản như hàng rào, lớp học, trường học, nhà ở thì có thể sử dụng thiết kế mẫu, thiết kế điển hình do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành để triển khai thiết kế bản vẽ thi công.

3. Thiết kế xây dựng phải tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và phải được thể hiện trên các bản vẽ theo quy định. Thiết kế phải thể hiện được các khối lượng công tác xây dựng chủ yếu để làm cơ sở xác định chi phí xây dựng công trình.



Каталог: resources -> upload -> File -> vanban
vanban -> CỦa chính phủ SỐ 01/2003/NĐ-cp ngàY 09 tháng 01 NĂM 2003
vanban -> CHÍnh phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Độc lập Tự do Hạnh phúc
vanban -> Nghị ĐỊnh của chính phủ SỐ 33/2003/NĐ-cp ngàY 02 tháng 4 NĂM 2003 SỬA ĐỔI, BỔ sung một số ĐIỀu củA nghị ĐỊnh số 41/cp ngàY 06 tháng 7 NĂM 1995 CỦa chính phủ
vanban -> CHÍnh phủ Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001; Căn cứ Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu số 45/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005
vanban -> Quy chế Áp dụng tiêu chuẩn xây dựng nưỚc ngoài trong hoạT ĐỘng xây dựng ở việt nam
vanban -> CỦa bộ khoa họC, CÔng nghệ và MÔi trưỜng số 55/2002/tt-bkhcnmt ngàY 23 tháng 7 NĂM 2002
vanban -> Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001
vanban -> CỦa chính phủ SỐ 27/2003/NĐ-cp ngàY 19 tháng 3 NĂM 2003 SỬA ĐỔI, BỔ sung một số ĐIỀu của nghị ĐỊnh số 24/2000/NĐ-cp ngàY 31 tháng 7 NĂM 2000 quy đỊnh chi tiết thi hành luậT ĐẦu tư NƯỚc ngoài tại việt nam
vanban -> 1. Nghị định này quy định về hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các nhà đầu tư tại Việt Nam
vanban -> Quyết định của Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường

tải về 0.52 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương