ĐẢng cộng sản việt nam lịch sử §¶ng bé Vµ nh¢n d¢n x· T¢n hång 1930 2010



tải về 2.06 Mb.
trang5/16
Chuyển đổi dữ liệu11.08.2016
Kích2.06 Mb.
#17403
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   16

Từ đây quyền sở hữu ruộng đất và tư liệu sản xuất của giai cấp địa chủ phong kiến bị xoá bỏ. Ngoài ra Đội còn tiến hành điều chỉnh ruộng đất trong nội bộ nhân dân để đảm bảo bình quân mỗi đầu người là 3 sào 6 thước. Ngày cắm thẻ nhận ruộng là ngày hội lớn của nhân dân lao động trong xã.

Cải cách ruộng đất ở xã nhà đã đạt được kết quả to lớn.

- Đánh đổ toàn bộ giai cấp địa chủ phong kiến trừng trị bọn địa chủ cường hào gian ác. Uy thế chính trị của giai cấp địa chủ phong kiến bị đập tan.

- Vĩnh viễn xoá bỏ quyền phong kiến chiếm hữu ruộng đất, đem hàng trăm mẫu ruộng đất do giai cấp địa chủ chiếm giữ chia cho hàng trăm hộ nông dân lao động không có hoặc thiếu ruộng đất. Thực hiện khẩu hiệu: “Người cầy có ruộng”, niềm mơ ước bao đời, nay đã trở thành hiện thực.

- Hoàn toàn giải phóng nông dân khỏi ách phong kiến có hàng ngàn năm ở trên đất nước ta, đưa giai cấp nông dân trong xã lên địa vị làm chủ nông thôn cả về chính trị, kinh tế.

Trong quá trình tiến hành cải cách ruộng đất tại địa phương chúng ta cũng phạm một số sai lầm khuyết điểm nghiêm trọng. Mọi quyền hành (kể cả vai trò lãnh đạo của chi bộ Đảng) đều do Đội cải cách quyết định. Dẫn đến tình trạng Đội không tin và dựa vào các đồng chí tham gia cách mạng, trong kháng chiến hoặc đang đứng trong tổ chức của Đảng, chính quyền. Ngược lại Đội còn đả kích, quy sai thành phần, không phân biệt rõ địa chủ thường, địa chủ kháng chiến. Đội dùng hình thức truy bức nhục hình một số đảng viên bị quy là Quốc dân đảng hoặc tổ chức phản động. Vì vậy đã bắt giam nhầm một số đảng viên cán bộ tốt của Đảng, chính quyền, đoàn thể, dẫn đến quần chúng hoang mang, nội bộ nghi kỵ lẫn nhau. Tình hình thôn xóm mất đoàn kết. Trong một số gia đình tình cảm cũng bị mất mát đi ít nhiều. Những sai lầm trên đã vi phạm đường lối chung của Đảng, vi phạm chính sách, nguyên tắc điều lệ Đảng và pháp chế dân chủ.

Những sai lầm trong cải cách ruộng đất đã được cấp trên kịp thời phát hiện, kiểm điểm, rút kinh nghiệm và đề ra chủ trương biện pháp sửa sai. Tháng 9-1956 huyện uỷ Bình Giang đã tổ chức hội nghị cấp uỷ mở rộng để học tập nghị quyết của ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 10 khoá II, thư của Hồ Chủ Tịch, nghị quyết của Tỉnh uỷ về công tác sửa sai và có những chủ trương biện pháp sửa chữa. Nghị quyết của huyện uỷ đã nhấn mạnh: Phải thận trọng, khách quan, toàn diện, công minh tránh “hữu” hoặc “tả khuynh” trong việc xem xét đánh giá đúng, sai khi tiến hành phải làm từng bước, có việc vừa làm vừa sửa, có việc phải thẩm tra xem xét kỹ, nếu thấy thực sự sai thì sửa ngay. Tránh vội vã, nôn nóng, làm ảnh hưởng đến thắng lợi trong cải cách”. Huyện uỷ đã cử cán bộ, kết hợp với cán bộ cấp trên xuống địa bàn xã nhà để tiến hành công tác sửa sai.

Sau khi học tập nghị quyết lần thứ 10 của Ban chấp hành Trung ương, các tổ chức đã kiểm điểm rút kinh nghiệm về những sai lầm trong cải cách ruộng đất và có nhiều chủ trương, biện pháp trong công tác sửa sai. Đặc biệt xã tổ chức học tập thư của Hồ Chủ tịch (8-8-1956) gửi cho đồng bào nông thôn và cán bộ. Trong thư người khẳng định những thắng lợi đã giành được trong cải cách ruộng đất, khen ngợi cán bộ, nông dân, quân đội đã góp phần vào thắng lợi đó. Hồ Chủ Tịch kêu gọi mọi người đoàn kết kiên quyết sửa chữa sai lầm.

Tiếp đó xã triển khai Nghị quyết của Tỉnh ủy, Huyện ủy cùng 7 điều quy định về công tác sửa sai. Hầu hết cán bộ, đảng viên, nhân dân đều nhất trí với đánh giá của Đảng về thắng lợi của công cuộc cải cách ruộng đất. Về mặt tổ chức sau khi hầu hết cán bộ, đảng viên được phục hồi đã tạo nên sự phấn khởi trong nông thôn. Chi bộ Đảng được củng cố với 45 đồng chí đều hoạt động. Từ đây sự lãnh đạo của chi bộ giữ vai trò quyết định, toàn diện và tuyệt đối với mọi mặt công tác trong toàn xã. Chi bộ Đảng đã kết hợp cùng cán bộ làm công tác sửa sai tiến hành từng bước theo sự chỉ đạo của Huyện ủy.

Mặc dầu địa phương có nhiều khó khăn, phức tạp, nhưng có sự chỉ đạo trực tiếp của Chi bộ Đảng (Nhất là các đồng chí bị quy oan, bắt oan,…) có phương châm, phương pháp sát, kế hoạch, biện pháp tiến hành từng bước đúng. Nhân dân hưởng ứng, đến đầu năm 1957, công tác sửa sai tại xã nhà đã thành công tốt đẹp. Đã sửa lại thành phần cho những hộ gia đình mà đội cải cách ruộng đất phân định chưa chính xác.

Kết quả công tác sửa sai: địa chủ thường trong cải cách 26 hộ, sau sửa sai còn 16 hộ. Ruộng đất, trâu bò, nông cụ, tài sản tuy có đền bù song vẫn đảm bảo đúng nguyên tắc giữ nguyên thành quả trong cải cách ruộng đất. Qua công tác sửa sai tinh thần đoàn kết nhất trí trong nhân dân dần dần được nâng cao.

Cải cách ruộng đất là một cuộc đấu tranh giai cấp ở nông thôn rất gay go, phức tạp. Do vậy không sao tránh khỏi sai lầm khuyết điểm. Nhưng sau khi Đảng ta đã sớm phát hiện thấy sai lầm và chủ trương sửa sai, chi bộ đã nhanh chóng tổ chức thực hiện sửa chữa và hoàn thành tốt đẹp. Suốt trong quá trình sửa sai không xảy ra trường hợp nào đáng tiếc. Nhìn chung đã căn cứ vào tình hình thực tế địa phương vận dụng chính sách của Đảng và Nhà nước một cách cương quyết, sáng tạo. Tinh thần đoàn kết thống nhất trong Đảng, giữa Đảng với nhân dân, nay lại được củng cố. Thể hiện rất rõ nét là giữa đảng viên, cán bộ cũ (kể cả các đồng chí vừa bị xử lý oan) với đảng viên cán bộ mới đã đoàn kết thành một khối thống nhất. Những mâu thuẫn trong gia đình, thôn xóm dần dần được giải quyết, ổn định. Tình hình thôn xóm trong xã trở lại bình thường, bà con nông dân hăng hái sản xuất và tham gia công tác. Uy tín của Đảng, chính quyền được đề cao, chi bộ Đảng được củng cố, tăng cường. Những thắng lợi trong cải cách ruộng đất được phát huy, sản xuất được đẩy mạnh.

Năm 1956, thiên nhiên khắc nghiệt cản trở sản xuất. Chính quyền đã kết hợp với đội cải cách ruộng đất lãnh đạo nhân dân ra đồng làm công tác chống hạn, chống úng. Các đoàn thể quần chúng như thanh niên, dân quân phụ nữ, thiếu nhi,… hồ hởi tham gia thành một phong trào rộng lớn. Toàn xã đã đào đắp được một con sông từ Cống Tranh đến đường 194 với khối lượng hàng trăm nghìn mét khối, hết hàng vạn ngày công.

Phong trào xây dựng tổ đổi công của xã đã có nhiều chuyển biến. Những tổ đổi công khi ra đời đã được chính quyền quan tâm giúp đỡ về mọi mặt. Các tổ đổi công hướng dẫn nhân dân tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau xây dựng cuộc sống mới. Vận động nhân dân san lấp vùng trũng, phục hồi sản xuất, chống úng, hạn. Nhất là từ sau khi sửa sai, thực hiện chủ trương của huyện ủy về việc xây dựng các tổ đổi công ở hầu khắp các thôn xóm. Vì vậy đến cuối năm 1957 toàn xã đã xây dựng được 28 tổ đổi công nhờ có các tổ đổi công, nhân dân đã tạo điều kiện giúp đỡ nhau trong việc cầy cấy, chăm bón, thu hoạch. Nhờ vậy sản xuất phát triển. Diện tích lúa năm 1957 có 600 mẫu tăng hơn năm 1954 hàng chục mẫu. Năng suất và tổng sản lượng đều tăng. Các cây mầu gối vụ, xen kẽ như khoai lang, đỗ,… phát triển. Nhiệm vụ đóng góp cho Nhà nước đều hoàn thành. Những kết quả đạt được trên đã góp phần làm ổn định đời sống nông thôn, tạo cơ sở hoàn thành kế hoạch phục hồi sản xuất và mở ra nhiều triển vọng mới.

Cùng với việc lãnh đạo trồng trọt, công tác chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng được chú ý. Song nhìn chung về mặt này còn phát triển chậm, một số thôn hầu như dậm chân tại chỗ.

Phong trào bình dân học vụ vẫn được duy trì và phát triển, với phương châm “Người biết chữ dạy người không biết chữ” tiến tới xóa bỏ nạn mù chữ trong toàn xã. Hầu hết các thôn đều mở lớp bình dân học vụ. Nhiều biện pháp để thúc đẩy phong trào học tập xưa kia lại được áp dụng như hỏi chữ tại ngang đường, cổng chợ (ai không biết chữ phải chịu qua ngáng). Do vậy phong trào phát triển mạnh, toàn xã có 30 lớp học được tổ chức. Hầu hết các lớp đều học vào buổi trưa, riêng thanh niên học vào buổi tối.

Công tác phòng chữa bệnh, bài trừ các tệ nạn xã hội cũ như mê tín dị đoan cùng những hủ tục lạc hậu được quan tâm. Tệ nạn ma chay, cưới xin, nghiện hút giảm. Đã tổ chức những đám cưới theo nếp sống mới (đám cưới không có ăn uống linh đình và được chính quyền tổ chức). Tổ chức y tế được xây dựng, xã đã thành lập trạm y tế do 1 y tá phụ trách. Hàng năm nhân dân được tổ chức tiêm chủng theo định kỳ. Phong trào múa hát của thanh thiếu niên trong các thôn xóm được phát triển rầm rộ. Đường sá trong xã được mở mang, tu bổ. Trong các thôn xóm được phát quang bụi rậm, khơi cống rãnh, phong trào “Sạch làng tốt ruộng” của đội thiếu niên được thực hiện thường xuyên.

Song song với công tác phục hồi, xây dựng kinh tế - xã hội, chính quyền các đoàn thể quần chúng cũng được củng cố. Từ sau hòa bình lập lại, nhiệm vụ của chính quyền chủ yếu lúc này là xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chuyên chính dân chủ nhân dân làm nhiệm vụ lịch sử của chuyên chính vô sản, chính quyền chỉ đạo lực lượng dân quân, công an bảo vệ trật tự xóm làng. Bảo vệ thành quả cách mạng đã giành được. Cuối năm 1957, theo sự chỉ đạo của cấp trên, xã đã tiến hành bầu cử nhân dân các cấp đã có 98% số cử tri đi bỏ phiếu.

Mặt trận Tổ quốc với chức năng của mình làm chỗ dựa cho chính quyền ngày một vững chắc, cùng các ngành giới ở địa phương khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh sau khi quê hương hoàn toàn giải phóng.

Các đoàn thể quần chúng như: Đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân,… cũng được củng cố và phát triển. Từ sau đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 2 của đoàn thanh niên Cứu quốc (11-1956) Đại hội Đoàn đã quyết định đổi tên đoàn là Đoàn thanh niên lao động, cùng những phương hướng, chủ trương công tác của Đoàn trong tình hình mới. Đây là nguồn phấn khởi, cổ vũ tinh thần thanh niên hăng hái công tác. Tiếp đó đoàn thanh niên tỉnh, huyện, xã được củng cố và mang tên là Đoàn thanh niên lao động Việt Nam. Các phân đoàn, chi đoàn, xã đoàn đều được bố trí, sắp xếp tổ chức cho phù hợp với tình hình, nhiệm vụ mới.

Trong cải cách ruộng đất, lực lượng dân quân du kích được củng cố lại. Lực lượng này bao gồm những anh em dân quân du kích cũ (từ kháng chiến) và mới (trong cải cách ruộng đất). Hầu hết anh em là những cán bộ, đội viên có bản lĩnh vững vàng. Anh em đoàn kết, phấn khởi cùng nhau làm nhiệm vụ bảo vệ Đảng, chính quyền giữ gìn trật tự an ninh, làm nòng cốt trong phong trào lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống mới.

Thực hiện nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng (lần thứ 12 tháng 3-1957) về phương hướng tăng cường lực lượng quốc phòng: “Xây dựng quân đội theo hướng chính quy hiện đại”. Đồng thời nhà nước quyết định giảm 8 vạn quân (số quân tình nguyện trong cuộc kháng chiến chống Pháp do tuổi cao, sức yếu, hoàn cảnh khó khăn,…). Đây là cuộc ra quân lớn từ đầu cuộc kháng chiến đến nay. Chấp hành chủ trương trên xã đã tổ chức đón tiếp anh em rất ân cần, chu đáo. Mặt khác xã đã giải quyết kịp thời những chế độ chính sách cho từng đối tượng.do đó hầu hết anh em về địa phương đã yên tâm phấn khởi, bắt tay ngay vào xây dựng cuộc sống mới. Nhiều anh em đã hăng hái tham gia vào các lĩnh vực công tác.

Mùa thu năm 1957, huyện đã triển khai huấn luyện cho lực lượng dân quân du kích theo chương trình chính quy. Anh em đã được học tập về kỹ chiến thuật. Sau học tập có kiểm tra, diễn tập bắn đạn thật, bình xét khen thưởng (Đợt huấn luyện năm 1957) thu được kết quả khá cao, nhiều cá nhân, đơn vị đã đạt tiêu chuẩn xuất sắc, được huyện đội biểu dương.

Công tác xây dựng Đảng từ cuối năm 1954 đến hết năm 1957 có nhiều khó khăn, phức tạp, nhất là từ khi tiến hành cải cách ruộng đất, chỉnh đốn tổ chức, sửa sai. Song hầu hết đảng viên đều kiên trì phấn đấu phát huy được tinh thần hy sinh, dũng cảm của người đảng viên. Sau hòa bình lập lại, chi ủy chi bộ đã có nhiều nghị quyết, chủ trương biện pháp lãnh đạo, tổ chức quần chúng hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng kinh tế. Cuối năm 1955 Đội cải cách về xã, do nhận thức thiếu toàn diện, không thực tế... nên Đội đã quy kết cho đa số đảng viên trong chi bộ thiếu tiêu chuẩn chính trị, là địch, là đảng phản động. Vai trò lãnh đạo ở xã lúc này tập trung vào đội cải cách. Chi bộ Đảng, chính quyền không còn phát huy được sự lãnh đạo và chức năng nhà nước của mình. Tình hình tư tưởng đảng viên rất căng thẳng và diễn biến phức tạp. Sau khi được học tập, quán triệt nghị quyết lần thứ 10 của Ban chấp hành trung ương Đảng (9-1956), thư của Hồ Chủ Tịch và nghị quyết của thường vụ huyện ủy phục hồi, trả lại đảng tịch, công quyền, chức vụ cho một số đảng viên bị xử lý oan, củng cố chi bộ, chỉ định ban chi ủy mới, tình hình chi bộ được ổn định. Tinh thần đoàn kết nhất trí được nâng lên. Số đảng viên trong chi bộ sau khi hòa bình lập lại là 40 đồng chí, trong cải cách ruộng kết nạp trong CCRĐ 5 đồng chí, đưa tổng số đảng viên lên 45 đồng chí. Từ đây vai trò lãnh đạo của cấp ủy, đảng viên được phát huy. Chi bộ đi vào hoạt động có nề nếp, lãnh đạo nhân dân hoàn thành nhanh gọn việc sửa sai và đẩy mạnh mọi mặt công tác.

Trong 3 năm xây dựng sau hòa bình, làm nhiệm vụ hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, hoàn thành cải cách ruộng đất. Đây là một thời kỳ đầy khó khăn gian khổ. Nhưng dưới sự lãnh đạo trực tiếp của huyện ủy, nhân dân Tân Hồng vốn có truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết, chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, tự lực tự cường nên đã vượt được những khó khăn trở ngại, từng bước đẩy mạnh mọi mặt công tác, giành thắng lợi. Đời sống nhân dân ngày dần dần ổn định. Khí thế cách mạng của quần chúng được phát huy.

Chi bộ đảng, nhân dân xã Tân Hồng phấn khởi trước thắng lợi của công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, hoàn thành cải cách ruộng đất, nhất định sẽ vững vàng trên con đường đi tiếp để thực hiện nhiệm vụ cải tạo xã hội chủ nghĩa vào những năm sau.

2. Thực hiện kế hoạch 3 năm cải tạo xã hội chủ nghĩa (1958-1960)

Cải cách ruộng đất và phục hồi kinh tế đã làm cho xã hội miền Bắc có nhiều biến đổi quan trọng, nhưng nhìn chung nền kinh tế còn có nhiều thành phần, trong đó kinh tế là cá thể của nông dân, thợ thủ công và tiểu thương còn chiếm một phần rất lớn. Hội nghị lần thứ 14 của Ban chấp hành Trung ương Đảng tháng 11 năm 1958 đã chỉ rõ: “Trọng tâm trước mắt là cải tạo xã hội chủ nghĩa, khâu chính là cải tạo và phát triển nông nghiệp”.

Dưới ánh sáng đường lối chung của Đảng, nghị quyết của Tỉnh ủy Hải Dương đã nhấn mạnh: “Đẩy mạnh cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với thành phần kinh tế cá thể... Tỉnh coi công tác cải tạo toàn diện nền kinh tế nông nghiệp của tỉnh là nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch 3 năm (1958-1960). Trong cải tạo nền nông nghiệp tỉnh chú trọng lấy việc hợp tác hóa là khâu chính để thúc đẩy toàn bộ công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa.

Mùa thu năm 1958, đại hội đại biểu huyện đảng bộ Bình Giang lần thứ VIII đã khẳng định: quyết tâm cải tạo nền kinh tế cá thể đối với nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và người buôn bán nhỏ thành nền kinh tế tập thể xã hội chủ nghĩa. Xây dựng từng bước có trọng điểm các hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác xã mua bán, hợp tác xã tín dụng, hợp tác xã tiểu thủ công. Đến cuối năm 1960 phải căn bản hoàn thành. Đi đôi với xây dựng các hợp tác xã phải thực hiện các biện pháp đẩy mạnh sản xuất.

Dưới sự lãnh đạo của huyện ủy Bình Giang, chi bộ Tân Hồng đã mở đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn trong cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã nhằm làm cho mọi người quán triệt chủ trương cải tạo xã hội chủ nghĩa của Đảng ở nông thôn.

Thông qua đợt sinh hoạt chính trị, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã đã sớm thấm nhuần đường lối chủ trương xây dựng hợp tác xã hóa nông nghiệp của Đảng. Sau khi dự đại hội rút kinh nghiệm về xây dựng hợp tác xã thí điểm “Đan Loan” (Nhân Quyền) của huyện, cuối năm 1958 chi bộ Tân Hồng đã mở hội nghị chuyên đề bàn về xây dựng hợp tác xã nông nghiệp và quyết định xây dựng hợp tác xã thí điểm tại xóm Tân Trung (Mộ Trạch). Vì xóm Tân Trung hầu hết các hộ nông dân đã vào tổ đổi công và có bình công chấm điểm. Xóm Tân Trung đã có 1 tổ đảng, hầu hết các đảng viên đã trải qua cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp: gương mẫu, hăng hái tham gia công tác. Nhân dân có truyền thống lao động cần cù đấu tranh cách mạng, tin tưởng tuyệt đối vào đường lối chính sách của Đảng. Xây dựng củng cố vững chắc hợp tác xã ở Tân Trung sẽ là hạt nhân để mở rộng ra toàn xã. Quá trình xây dựng HTX nông nghiệp thí điểm được chia ra làm 3 bước:

+ Tổ chức cho bà con xã viên học tập quán triệt mọi chủ trương chính sách và nguyên tắc xây dựng hợp tác xã nông nghiệp. Trên cơ sở đó phát động mọi gia đình tự nguyện làm đơn gia nhập hợp tác xã. Cán bộ, đảng viên gương mẫu làm đơn trước.

+ Khi đã có đơn xin vào HTX, căn cứ vào thực tế thống kê toàn bộ ruộng đất, trâu bò, nông cụ,.. Những hộ vào hợp tác xã, quy định giá cả nông cụ, định sản từng loại ruộng...

+ Tổ chức đại hội xã viên, bầu ban quản trị hợp tác xã.

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của chi bộ Đảng, nhân dân xóm Tân Trung sau khi học tập đã có nhiều gia đình làm đơn tự nguyện góp ruộng, trâu bò, nông cụ xin vào hợp tác xã nông nghiệp. Cuối năm 1958 hợp tác xã xóm Tân Trung chính thức được thành lập với tổng số 42 hộ, 50 mẫu ruộng, 120 con trâu, 80 lao động. Đại hội xã viên đã thông qua phương hướng, chỉ tiêu sản xuất và bầu ban quản trị gồm 5 người do ông Nguyễn Văn Khay làm chủ nhiệm.

Từ lúc chuẩn bị đến khi thành lập và trong quá trình sản xuất, hợp tác xã nông nghiệp thí điểm được chi bộ Đảng, chính quyền, nông hội xã thường xuyên quan tâm giúp đỡ. Kết quả sản xuất bước đầu khá phấn khởi, vụ đầu tiên mỗi sào Bắc Bộ thu được 60 kg thóc. Trừ chi phí sản xuất, trả hoa lợi cho xã viên đóng góp với nhà nước, mỗi ngày công lao động được chia 5 kg thóc. Đời sống của nhân dân đã vào hợp tác xã nông nghiệp được nâng lên.

Khoảng giữa năm 1959 đại hội chi bộ Đảng xã Tân Hồng được tổ chức, đại hội kiểm điểm đánh giá tình hình công tác trong thời gian qua nhất là công tác vận động xây dựng tổ đổi công, hợp tác xã thí điểm. Thảo luận chủ trương mở rộng, phát triển hợp tác xã từ điểm ra diện của huyện ủy. Đồng thời bàn nhiệm vụ cho thời gian tới và bầu ban chi ủy. Đại hội nhất trí đề ra phương hướng nhiệm vụ thời gian tới.

+Mở rộng phát triển hợp tác xã nông nghiệp trong phạm vi toàn xã. Mạnh dạn đưa khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng như: Tăng cường làm phân bùn, phân xanh, xếp ải, đảo ải để cải tạo đất, hồ phân rễ mạ, cấy cầy,... Đẩy mạnh phong trào làm thủy lợi.

+ Chú trọng công tác xây dựng Đảng, củng cố chính quyền, đoàn thể để đáp ứng tình hình nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.

+Làm tốt công tác trị an, bảo vệ tài sản tập thể và của nhân dân. Chống mê tín, dị đoan.

+ Đẩy mạnh công tác văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, vệ sinh phòng bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Chú trọng công tác giáo dục phổ thông và bình dân học vụ.

Thực hiện Nghị quyết của huyện ủy Bình Giang là: Đưa phong trào hợp tác xã nông nghiệp lên thành cao trào và mở rộng ra ở hầu khắp các thôn xã. Đồng thời triển khai nghị quyết của Đại hội chi bộ đảng, chính quyền cùng các đoàn thể thành lập các ban vận động đi sâu vào các thôn xóm để vận động từng gia đình, mở đợt tuyên truyền sâu rộng (kẻ khẩu hiệu, bảng tin, loa tuyên truyền,...) làm cho nhân dân thấy rõ tính hơn hẳn của con đường làm ăn tập thể. Trên cơ sở đó mỗi gia đình tự nguyện làm đơn xin gia nhập hợp tác xã nông nghiệp.

Chi bộ đảng đã giao cho chính quyền, nông hội tập trung chỉ đạo tổ chức xây dựng hợp tác xã cho từng thôn, nơi chuẩn bị tốt, đủ điều kiện thì cho thành lập trước, chưa tốt cho thành lập sau.

Những chủ trương đúng đắn của Huyện ủy, cùng nghị quyết của chi bộ đảng về xây dựng hợp tác xã nông nghiệp và được đông đảo bà con nông dân hưởng ứng. Do vậy, từ giữa năm 1959 cuộc vận động xây dựng hợp tác xã nông nghiệp ở Tân Hồng đã trở thành cao trào trong toàn xã. Kết quả đến 1-1959 đã có 2 hợp tác xã nông nghiệp được thành lập gồm 125 hộ 535 khẩu 198 mẫu 0 sào 5 thước (diện tích cấy 2 vụ 153 mẫu 9 sào 3 thước) trâu 29 con, 7 “cầy 51”. Đầu năm 1960 có hàng trăm lá đơn xin vào hợp tác xã, đến cuối năm 1960 toàn xã đã xây dựng được 6 hợp tác xã gồm 570 hộ bằng 95% số hộ. 2850 khẩu 950 lao động, diện tích canh tác 1600 mẫu 0 sào 103 con trâu bò. Vụ mùa năm 1960 lúa khá tốt đã cho 1 vụ lúa bội thu, sản lượng bình quân đạt 70 kg/sào. Giá trị ngày công của hợp tác xã từ 10-12 kg. Nhân dân hồ hởi, phấn khởi bởi cuộc sống được nâng lên. Tính ưu việt của con đường làm ăn tập thể căn bản xóa bỏ chế độ người bóc lột người, đưa nền kinh tế từ sản xuất cá thể, sản xuất phân tán, độc canh đi lên sản xuất tập thể, thống nhất quản lý, thống nhất thu chia phân phối. Chế độ canh tác từng bước thay đổi, tình trạng hoang hóa chấm dứt, 60% diện tích đã được trồng 2 vụ lúa. Sản lượng bình quân hàng năm đạt 1500 tấn. Hợp tác xã bắt đầu tiến hành cải tiến nông cụ sản xuất như thay cày “Chìa vôi” bằng cày 51, dùng guồng thay gầu tát, dùng cào cỏ nghệ an... và tận dụng mọi phương tiện sẵn có để sản xuất.

Các HTX đã đẩy mạnh phong trào thâm canh tăng vụ, thực hiện các biện pháp kỹ thuật như hố phân rễ mạ trước khi cấy, cấy dầy 20 x 5, 20 x 10, mở rộng diện tích thả bèo dâu, đào ải. Thực hiện chế độ bình công chấm điểm, phân phối theo lao động. Các HTX đã đẩy mạnh phong trào làm thủy lợi, đã bỏ ra hàng ngàn ngày công để đào đắp nạo vét kênh mương nhất là phong trào đi dân công làm công trình đại thủy nông Bắc - Hưng - Hải. Cũng nhờ có biện pháp thủy lợi mà đồng ruộng của Tân Hồng đã từ 20-30% lên 50-60% diện tích cấy chiêm, từ đó năng suất ngày một tăng lên. Bà con xã viên càng ra sức đẩy mạnh sản xuất, xây dựng hợp tác xã ngày một vững mạnh.

Ba năm cải tạo xã hội chủ nghĩa đã đưa nông dân vào HTX nông nghiệp, đây là thời kỳ đánh dấu bước nhảy vọt chưa từng có đối với cách nghĩ, cách làm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã. Qua mấy vụ sản xuất các hợp tác xã đã đạt được nhiều thành tích trong sản xuất lương thực, thực phẩm. Con đường làm ăn tập thể đã mở ra một tiềm năng lớn về sức lao động, về điều kiện xây dựng những công trình công cộng như cầu cống, sân phơi, nhà kho, trạm xá, trường sở và các công trình thủy lợi có tác động trở lại sản xuất.

Cùng với phát triển sản xuất nông nghiệp, công tác thả cá, chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng có điều kiện phát triển. Hầu hết số hộ trong các gia đình đều có từ 1-2 con lợn, hàng chục con gà, vịt.

Song trong hơn 2 năm xây dựng hợp tác xã nông nghiệp, chi bộ đảng và nhân dân trong xã cũng gặp không ít khó khăn, gian khổ. Đây là một cuộc đấu tranh gay go, quyết liệt giữa hai con đường xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa, giữa cá thể và tập thể, giữa quan hệ sản xuất cũ với quan hệ sản xuất mới. Từ Đảng bộ, chính quyền, hợp tác xã đều chưa quan tâm tới việc tổ chức, vận động nhân dân làm kinh tế và quản lý kinh tế tập thể xã hội chủ nghĩa. Trong khi đó tính tư hữu của người nông dân còn nặng nề. Mặt khác khi tiến hành vận động có lúc, có nhiều trường hợp gò ép. Đôi khi còn dùng cả biện pháp hành chính, tổ chức, kinh tế, một số cán bộ kém gương mẫu, các HTX mới thành lập cơ sở vật chất ít, lạc hậu... Từ thực tế đó đã nảy sinh tư tưởng diễn biến phức tạp dẫn đến có những hộ “chân trong chân ngoài” làm đơn xin ra hợp tác xã.

Thực hiện chủ trương chung, đồng thời với phong trào xây dựng HTX nông nghiệp, thì các HTX mua bán, HTX tín dụng được xây dựng. HTX mua bán của xã được thành lập từ cuối năm 1958 do ông Dương Công Xuyến làm chủ nhiệm. Lúc đầu có 96 cổ phần, mỗi cổ phần đóng góp 3 đồng, số vốn ban đầu của HTX gần 300 đồng. HTX mua bán ra đời đã nhanh chóng ổn định và đi vào hoạt động thường xuyên đảm bảo việc mua sắm nông cụ để phục vụ sản xuất. Các mặt hàng tạp hóa cán bộ cửa hàng mang xuống tận thôn xóm để phục vụ nhân dân. Mối quan hệ giữa HTX mua bán, HTX nông nghiệp ngày càng chặt chẽ. HTX mua bán đã thực sự trở thành lực lượng hỗ trợ tích cực cho sản xuất phát triển.

HTX tín dụng cũng được xây dựng từ đầu năm 1959 do ông Vũ Đức Nghệ làm chủ nhiệm. Lúc đầu huy động được gần 100 cổ phần, mỗi cổ phần 3 đồng. Số vốn ban đầu của HTX là 300 đồng tương đương 1 tấn rưỡi gạo. HTX tín dụng thường xuyên giao dịch với ngân hàng và huy động vốn trong nhân dân, tạo điều kiện cho HTX nông nghiệp, HTX mua bán chủ động kinh doanh phục hồi kinh tế, khắc phục khó khăn trong đời sống hàng ngày. Đồng thời cho nhân dân vay vốn phát triển chăn nuôi, mua thêm gia súc, gia cầm, mua thêm công cụ lao động, sửa chữa nhà cửa...

Như vậy đến cuối năm 1959, trên mảnh đất xã Tân Hồng đã hình thành 3 HTX: HTX nông nghiệp, HTX tín dụng, HTX mua bán. Ba HTX luôn luôn thúc đẩy lẫn nhau thi đua cùng phát triển.

Song song với việc cải tạo quan hệ sản xuất, phát triển kinh tế, chi bộ đảng quan tâm đến phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục, xã hội ở địa phương. Phong trào bình dân học vụ trước đây nay trở thành phong trào bổ túc văn hóa vẫn được duy trì nhằm phổ cập giáo dục trong nhân dân. Toàn xã có 3 lớp bổ túc văn hóa với 250 học viên, đa số là cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên đều gương mẫu đi học.

Sự nghiệp giáo dục phổ thông phát triển khá nhanh, đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân trong xã. Năm 1959 đã xây dựng được trường phổ thông cấp 1 gồm 9 lớp và 395 học sinh (3 lớp 1; 3 lớp 2, 2 lớp 3; 1 lớp 4). Đội ngũ giáo viên mỗi ngày một đông. Bên cạnh đội ngũ giáo viên “Quốc Lập” đã hình thành đội ngũ giáo viên “Dân Lập”. Nhờ vậy đã có đủ giáo viên đảm bảo việc giảng dạy cho học sinh. Những năm đầu thầy và trò phải dạy và học ở đình, chùa,... bàn ghế đồ dùng giảng dạy thiếu thốn, thầy trò phải tìm cách khắc phục. Mặc dầu cơ sở vật chất quá thiếu thốn, thầy trò vẫn đảm bảo dạy và học tốt, chất lượng học sinh được đảm bảo. Tỷ lệ lên lớp đảm bảo 80-85%.

Công tác y tế - vệ sinh phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân cũng được coi trọng. Xã đã xây dựng được 2 khu vực trạm xá ở thôn Mộ Trạch và Mạc Xá. Y tế xã có 3 cán bộ có trình độ y tá, mỗi xóm có 1 vệ sinh viên, trạm xá có nữ hộ sinh, để thay thế các bà đỡ vườn ở các thôn. Phong trào vệ sinh phòng bệnh, vận động nhân dân ăn ở hợp vệ sinh được phát động thường xuyên. Phong trào “Sạch làng tốt lúa” được duy trì. Toàn xã đã đào được 10 giếng nước, phát triển phong trào đắp hố xí 2 ngăn. Hai trạm xá đã xây dựng được tủ thuốc, các trạm y tế xã hàng năm còn tổ chức tiêm phòng khám chữa bệnh cho nhân dân, nhờ vậy các loạt dịch bệnh được ngăn chặn.

Những tệ tục lạc hậu cùng mê tín dị đoan cũng giảm dần. Việc ma chay, cưới xin, ăn uống lãng phí hạn chế rất nhiều, nếp sống mới được tiếp tục thực hiện, nông thôn ngày một đổi mới.

Phong trào văn hóa, văn nghệ cũng được đẩy mạnh như: dạy hát, dạy múa, diễn kịch đã thu hút hầu hết thanh niên, thiếu niên vào hoạt động. Đội văn nghệ của xã được củng cố với chương trình tự biên tự diễn, nội dung lành mạnh thiết thực thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia.

Công tác củng cố chính quyền, các đoàn thể quần chúng được coi trọng. Đầu năm 1959 cuộc bầu cử hội đồng nhân dân các cấp đã thành công tốt đẹp. Toàn xã đã bầu được 15 đại biểu hội đồng nhân dân. Hầu hết đại biểu hội đồng nhân dân là những cán bộ đảng viên, xã viên HTX, đại diện cho ngành, các giới và mọi tầng lớp nhân dân trong xã. Ngày 8-5-1960, cùng với cử tri cả nước, cử tri xã nhà đã đi bầu cử Quốc hội khóa II. Toàn Đảng, toàn dân trong xã đã đón nhận và tổ chức học tập bản Hiến pháp mới của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Ba năm thực hiện nhiệm vụ cải tạo kinh tế và xây dựng kinh tế - xã hội ,chính quyền đã không ngừng được củng cố làm tròn chức năng nhiệm vụ là một cơ quan nhà nước ở địa phương: Bảo vệ, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Thực hiện đầy đủ các chỉ tiêu pháp lệnh đối với nhà nước...

Các đoàn thể quần chúng như Mặt trận Tổ quốc, Đoàn thanh niên lao động, Hội liên hiệp phụ nữ... cũng được chi bộ đảng chăm lo củng cố. Các ban chấp hành, phân chi, chi hội, chi đoàn được kiện toàn từ xã xuống thôn. Đưa sinh hoạt các đoàn thể vào nề nếp đúng nội dung. Đảng cử các đảng viên sang lãnh đạo các tổ chức này, cho nên mọi phong trào lực lượng thanh niên, phụ nữ là nòng cốt. Nhất là trong sản xuất nông nghiệp anh chị em đã đi đầu trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật, thâm canh tăng năng suất lúa (cày cải tiến, kéo cắt đất, làm bèo dâu, phân xanh, công tác thủy lợi...).

Năm 1958 thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự thí điểm của Nhà nước tại tỉnh Hải Dương (đợt 1 thí điểm tại Vĩnh Phú, đợt 2 tại Hải Dương). Ngay đợt giao quân đầu tiên đã đạt kết quả tốt. Sang năm 1959 và 1960 công tác tuyển quân theo nghĩa vụ quân sự được tiến hành rộng rãi và đã trở thành ý thức tự giác trong nhân dân. Trong 3 năm (1958- 1960) toàn xã đã có 20 thanh niên nhập ngũ. Năm nào cũng đạt và vượt chỉ tiêu quân số khám tuyển và nhập ngũ.

Chấp hành chỉ thị của cấp trên về việc tổ chức dân quân ở địa phương, dưới sự hướng dẫn trực tiếp của ban chỉ huy huyện đội, tổ chức du kích được đổi là dân quân tự vệ, từ đây nữ dân quân được tổ chức riêng, lão dân quân và hội bảo trợ cũng được tổ chức. Toàn xã có đại đội gồm 2b độc lập thu hút đại bộ phận quân nhân phục viên, thanh niên khỏe và lực lượng hậu bị và làm tốt việc giáo dục quốc phòng toàn dân.

Suốt năm 1959 theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, xã đã tiến hành kê khai, xét duyệt, bình đẳng trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Nhiều gia đình, cá nhân có công với cách mạng, kháng chiến đã được Quốc hội, Chính phủ tặng thưởng huân, huy chương, Bằng gia đình vẻ vang danh dự.

Cùng với công tác trên, chính sách thương binh liệt sĩ được thực hiện đầy đủ. Hàng năm vào các ngày lễ lớn, nhất là ngày 27-7, tết nguyên đán, cấp ủy đảng, chính quyền đoàn thể, quần chúng đặt vòng hoa tưởng niệm những người đã hy sinh vì độc lập dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Các gia đình liệt sĩ, thương binh đều được đảng , chính quyền, tổ chức quần chúng quan tâm, chăm sóc và thực hiện đúng chế độ đãi ngộ.

Nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn cách mạng mới, chi bộ không ngừng chăm lo công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ đảng viên. Chi bộ lấy nhiệm vụ cải tạo xã hội chủ nghĩa làm trọng tâm, đồng thời giáo dục tính tiên phong gương mẫu, chịu đựng khó khăn, gian khổ, nghiêm chỉnh chấp hành đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho mỗi đảng viên. Mặt khác, Chi bộ luôn quan tâm bồi dưỡng những quần chúng tốt, đoàn viên ưu tú, hăng hái công tác, hoàn thành nghĩa vụ được giao để bồi dưỡng giới thiệu kết nạp vào Đảng. Năm 1959 chi bộ đã kết nạp được 6 đảng viên. Năm 1960 theo chỉ thị của cấp trên về việc phát triển đảng viên lớp “6-1” nhằm kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng, chi bộ đã kết nạp được 21 đảng viên lớp “6-1”.

Qua 3 năm cải tạo xã hội chủ nghĩa (1958-1960) bước đầu phát triển văn hóa, dưới ánh sáng của các nghị quyết 14, 15 của Ban chấp hành trung ương Đảng, cùng các chỉ thị, nghị quyết của Tỉnh ủy, Huyện ủy, chi bộ đảng xã Tân Hồng đã lãnh đạo nhân dân trong xã giành được thắng lợi có tính chất quyết định trong công cuộc hợp tác hóa nông nghiệp. Xác lập được quan hệ sản xuất mới. Tính đến năm 1960 đã có 95% số hộ nông dân vào hợp tác xã. Trải qua vài ba vụ làm ăn tập thể, căn bản xóa bỏ chế độ người bóc lột người, đưa nền sản xuất phân tán độc canh đi lên sản xuất tập thể thống nhất quản lý, phân phối, thay đổi chế độ canh tác, bước đầu áp dụng một số biện pháp khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng có kết quả. Diện tích hàng năm được mở rộng, năng suất và tổng sản lượng đều tăng.

Song song với việc xây dựng hợp tác xã nông nghiệp, HTX mua bán, HTX tín dụng được thành lập và đi vào hoạt động. Những năm qua văn hóa, giáo dục, y tế, quân sự có sự phát triển và sản xuất, năng suất và tổng sản lượng đều tăng.

Song song với việc xây dựng hợp tác xã nông nghiệp, HTX mua bán, HTX tín dụng được hoàn thành và đi vào hoạt động.

Những thành tích trrong 3 năm qua là tiền đề cần thiết để cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất.



tải về 2.06 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   16




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương