MỘt vài suy nghĩ VỀ MÔi trưỜng giáo dục gia đÌNH



tải về 102.87 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu14.08.2016
Kích102.87 Kb.
#18717
MỘT VÀI SUY NGHĨ

VỀ MÔI TRƯỜNG GIÁO DỤC - GIÁO DỤC GIA ĐÌNH

Đặt vấn đề: Trước đây, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, mặc dầu đời sống vô cùng khó khăn gian khổ, trình độ thầy giáo và điều kiện dạy học còn hạn chế, nhưng chất lượng giáo dục lại tốt. Ngày nay, đời sống đã được nâng cao, đội ngũ nhà giáo đã được chuẩn hóa, nhà trường khang trang hơn, điều kiện dạy học đã được cải thiện nhiều, nhưng giáo dục lại xuống cấp. Điều đó cho thấy môi trường giáo dục đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục biết chừng nào!

Đứng trước tình hình này, các nhà giáo dục nghĩ sao? Theo các tài liệu giáo dục học, giáo dục tồn tại trong 3 môi trường cơ bản: nhà trường, gia đình và xã hội.

Nhưng cải tạo xã hội là việc làm của toàn Đảng, toàn dân, toàn hệ thống chính trị. Cải tạo nhà trường là việc làm của Bộ giáo dục và hệ thống giáo dục quốc dân. Đó là bài toán vĩ mô, chúng ta chỉ có thể tham gia như một thành viên nhỏ bé của xã hội.

Còn giáo dục gia đình là việc làm hàng ngày của chúng ta, kết quả giáo dục gia đình phụ thuộc vào tấm lòng và trí tuệ của mỗi một chúng ta, vì vậy, trong bài báo này chúng tôi có nhã ý trình bày một số suy nghĩ của mình về giáo dục gia đình với mong muốn góp phần nhỏ bé của mình vào sự thành công của hội thảo.



I. VÀI NÉT LỊCH SỬ

Gia đình là một hiện tượng xã hội lịch sử, được hình thành và phát triển cùng xã hội loài người.



Khổng Tử (551 - 479 TCN) là người đầu tiên nêu lên những luận điểm khoa học về gia đình. Ông rất coi trọng các mối quan hệ người - người: 1) Quân thần (vua tôi); 2) Phụ tử (Cha con); 3) Phu thê (vợ chồng); 4) Huynh đệ (anh em, họ hàng); 5) Bạn bè, tình làng, nghĩa xóm, rồi mở rộng ra tình yêu quê hương, tổ quốc. Lớn lên trong gia đình, mỗi người đều thấm đượm lòng yêu mến, kính trọng cha mẹ (hiếu) một cách tự nhiên, biết nhường nhịn anh em (đễ), biết giữ đúng vị trí (lễ)... là những phẩm chất rất cơ bản của mỗi con người, là cơ sở để trở thành những công dân tốt: Trung với nước, hiếu với dân.

Hơn một thế kỷ sau, Pla tông (428 - 348TCN, Hy lạp) trong tác phẩm vĩ đại "Nền cộng hòa" đã bàn về nhiều vấn đề trong đó có vấn đề gia đình. Ông đã khẳng định đàn ông và đàn bà đều có vai trò như nhau đối với nhà nước, đều cần được giáo dục như nhau.

Sau đó, Aristốt (384-322 TCN, Hy lạp), học trò của Platông, đã hoàn thiện thêm một bước lý luận về gia đình. Ông cho rằng quan hệ hôn nhân đã nâng xã hội, cộng đồng chính trị vượt qua nguồn gốc tự nhiên để nâng lên tầm lý trí và gia đình có quan hệ chính trị. Sự tồn tại của gia đình gắn bó với cộng đồng, xã hội. Đời sống chính trị và đạo đức đảm bảo cơ sở xã hội để quan hệ vợ chồng là quan hệ tự do và tương đối bình đẳng.

Ở Việt Nam, Đào Duy Anh (1904 - 1988) trong "Việt Nam Văn hóa sử cương" đã nhắc đến luật Hồng Đức (1483) bảo vệ quyền lợi phụ nữ (qui định quyền người con gái trưởng trong gia đình không có con trai) và luật Gia Long (đầu thế kỷ XIX) qui định nghĩa vụ của vợ chồng đối với nhau. Tuy Khổng giáo trọng nam khinh nữ, nhưng pháp luật Việt Nam từ đầu thế kỷ XIX đã qui định: "người vợ có địa vị tương đương với người chồng".



Nguyễn Văn Huyên (1908 - 1976) trong "Văn minh Việt Nam" (1939) đã có một chương về gia đình với tiêu đề là "nhà" và khẳng định: "gia đình là cơ sở của xã hội Việt Nam... gia đình đóng vai trò cực kỳ hệ trọng trong xã hội".

Sau năm 1945, có một thời kỳ vấn đề gia đình bị xem nhẹ. Đến thời kỳ đổi mới, tình hình đã thay đổi nhiều: năm 1986 đã ban hành luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi năm 2004), luật phòng chống bạo lực gia đình 2007. Trong chương trình nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước KX07, có một đề tài nghiên cứu về gia đình "Vai trò của gia đình trong sự hình thành và phát triển nhân cách con người Việt Nam" (KX07-09) do GS Lê Thi làm chủ nhiệm (1991 - 1996).

Ngày nay, xã hội đang có nhiều biến đổi: loài người đang bước vào một nền văn minh mới: nền văn minh thông tin; các nước trên thế giới đang hội nhập vào nhau. Bên cạnh những thành tựu vĩ đại, nhân loại đang đứng trước những thách thức rất nghiêm trọng, mà đó lại là những hậu quả do bản thân con người, do con em của các gia đình tạo ra. Vậy, gia đình ngày nay phải làm gì để góp phần vào việc phát triển xã hội?

II. BẢN CHẤT GIÁO DỤC GIA ĐÌNH

1. Khái niệm gia đình

Gia đình là một cộng đồng, một tế bào của xã hội mà các thành viên của nó liên kết với nhau bằng quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống (ông, bà, cha mẹ, con cháu), bằng sinh hoạt chung và có trách nhiệm với nhau theo đạo lý và pháp luật.

Cùng với sự phát triển của xã hội, gia đình cũng đã có nhiều thay đổi về quan niệm, về quy mô, cấu trúc và chức năng... Hiện nay người ta ước tính trên thế giới có khoảng 2 tỷ gia đình tồn tại dưới nhiều hình thức rất đa dạng.

Để tìm hiểu một gia đình nào đó, người ta thường chú ý đến những mặt sau đây:

- Văn hóa - xã hội: phản ánh trình độ được giáo dục của cha mẹ, vị trí của họ trong đời sống, những đặc điểm về đạo đức, tư tưởng, phong tục, tập quán, lối sống của gia đình...

- Kinh tế - xã hội: được xác định bằng tài sản, mức thu nhập, các hình thức lao động sản xuất và hoạt động kiếm sống...

- Kỹ thuật vệ sinh: phản ánh điều kiện ăn ở, trang thiết bị nhà cửa, mức sống...

- Nhân khẩu: được xác định bằng số người và cơ cấu của gia đình...



2. Các chức năng của gia đình. Chức năng giáo dục

Để xã hội loài người có thể tồn tại và phát triển, là một tế bào của xã hội, gia đình đã thực hiện một số chức năng được hình thành một cách tự phát, từ thời xa xưa, cùng với sự xuất hiện của gia đình và ngày càng hoàn thiện theo sự phát triển xã hội. Sau đây là những chức năng chính và được mọi người thừa nhận:

- Chức năng tái sản xuất tự nhiên (sinh đẻ, nuôi con...).

- Chức năng kinh tế (sản xuất, tiêu dùng, tổ chức đời sống...).

- Chức năng xã hội (thực hiện các nghĩa vụ với cộng đồng, làng, nước... họ tộc).

- Chức năng giáo dục (nuôi dạy con cái...).

- v.v...

- Các chức năng trên có mối liên hệ chặt chẽ. Tùy theo sự phát triển của gia đình và hoàn cảnh xã hội mà vị trí và độ dài của các chức năng thay đổi. Nhưng, nhìn chung, chức năng giáo dục là một trong những chức năng quan trọng và có độ dài lớn nhất.

Như đã nói, chức năng giáo dục được hình thành một cách tự phát, đồng thời với sự ra đời của gia đình, như một hoạt động tự nhiên. Nhưng dần dần, các bậc cha mẹ đã ý thức được giáo dục con cái như một trách nhiệm xã hội của gia đình: "con dại cái mang", "con hư tại mẹ, cháu hư tại bà".

Ngày nay, xã hội đã xác định giáo dục con cái là trách nhiệm của giáo dục. Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 có viết: "Cha mẹ có trách nhiệm nuôi dạy con thành những người công dân tốt. Con cháu có bổn phận kính trọng và chăm sóc ông bà, cha mẹ" (Điều 64).

Các gia đình đã thực hiện chức năng này một cách tự giác, với một tình cảm tự nhiên. Người nào cũng muốn có những đứa con khỏe mạnh, thông minh, ngoan ngoãn, lớn lên giúp ích cho nhà, cho nước. Ai cũng trông chờ, hy vọng vào con, xem đó như là sức mạnh hùng hậu tương lai, sẽ đem lại vinh quang cho gia đình, dòng họ, sẽ làm rạng rỡ gia đình với làng, với nước. Vì vậy, gia đình nào cũng chăm sóc, nuôi dạy con, hy sinh tất cả vì con.

Từ gia đình các em đã bước đầu được hình thành những chuẩn mực đạo đức, thói quen lao động, cách suy nghĩ, thái độ và quan hệ với các hiện tượng và sự vật xung quanh; nói chung đã hình thành những ý niệm đầu tiên về những giá trị mà gia đình thừa nhận và thực hiện trong cuộc sống hàng ngày. Từ gia đình các em được nuôi dưỡng chu đáo, là cơ sở cho sự phát triển thể chất và tinh thần trong tương lai. Tất cả những gì được hình thành ở trẻ từ gia đình thường để lại trong tâm hồn các em những ấn tượng không bao giờ phai mờ và có ảnh hưởng quan trọng đến các em trong suốt cuộc đời.

Nhận thấy tầm quan trọng của giáo dục gia đình, từ lâu, nhiều nhà giáo dục đã quan tâm nghiên cứu vấn đề này. Sau đây là một số nội dung liên quan đến chức năng giáo dục của gia đình mà J.A.Komenxki, nhà giáo dục kiệt xuất (người Tiệp Khắc) đã nêu lên từ thế kỷ thứ XVII, trong cuốn sách "Lý luận dạy học vĩ đại" của ông.

"Bổn phận của cha mẹ là cùng nhau chăm lo việc dạy bảo con cái. Mục đích đặt ra là làm sao cho con cái trưởng thành để lo lắng cho bản thân và cả cho những người khác". Bởi vậy, cha mẹ phải tạo điều kiện để hình thành ở trẻ những đức tính sau đây:



- Cần cù: Từ nhỏ đã bắt chúng làm một công việc gì đó lúc đầu là những công việc mang tính giải trí, rồi dần dần đến những việc nghiêm túc.

- Kiên nhẫn và nghiêm túc: Bố mẹ phải khiển trách khi con cái phạm khuyết điểm.

- Làm quen với một nghề nào đó sau này tự nuôi sống bản thân và phục vụ Tổ quốc.

- Năng động và nhanh nhẹn trong lao động cũng như trong khi làm các công việc khác.

- Giản dị trong ăn mặc và trong sinh hoạt khác. Cần tránh thói lười biếng và cau có.

- Sạch sẽ, tao nhã và biết xấu hổ: dạy con biết tránh xa những hành động tối tăm. Mọi việc phải làm trước ánh sáng: danh dự và lẽ phải không cần sự che dấu.

- Bổn phận người con có nề nếp là biết lắng nghe lời cha mẹ, không được làm phiền lòng và xúc phạm cha mẹ.

Nội dung giáo dục gia đình ngày nay tuy đã có thêm nhiều nét theo yêu cầu của xã hội hiện đại, nhưng nhiều điểm trên đây là hết sức cơ bản và còn giữ nguyên giá trị của nó.

3. Gia đình truyền thống

3.1. Các hình thức gia đình

Hiện nay, gia đình tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau. Tùy theo nhiệm vụ nghiên cứu có thể phân ra thành nhiều loại.

- Gia đình truyền thống, gia đình hiện đại.

- Gia đình hạt nhân (có hai thế hệ chung sống cha mẹ và con cái).

- Gia đình mở rộng (trong đó có từ 3 thế hệ trở lên: ông bà, cha mẹ, con cháu, cô dì, chú bác...).

- Gia đình độc thân.

- Gia đình pha trộn (trên cơ sở xây dựng lại của các cặp vợ chồng).

- Gia đình đồng tính luyến ái (do pháp luật của một số nước trên thế giới cho phép).

Ngoài ra, trên thế giới đã có nhiều hình thức chung sống vợ chồng một cách tự nguyện của các đôi nam nữ nhưng không có cưới xin.

Người ta còn phân loại gia đình theo đẳng cấp, theo hình thái kinh tế - xã hội: nông dân, công nhân, trí thức, địa chủ, tư bản...



3.2. Đặc điểm gia đình truyền thống Việt Nam.

Sau đây, chúng ta sẽ tìm hiểu gia đình truyền thống là loại hình đang giữ vai trò rất quan trọng trong xã hội Việt Nam hiện nay.

Gia đình truyền thống là loại gia đình đã được hình thành từ lâu đời; gia đình truyền thống Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn của Nho giáo và văn hóa làng, xã, gắn liền với cộng đồng nông thôn.

Về cơ cấu, gia đình truyền thống Việt Nam, nhìn chung, không phải là gia đình lớn. Từ xa xưa, bình quân mỗi hộ chỉ vào khoảng 4 đến 6 người.

Về kinh tế, gia đình truyền thống là một đơn vị kinh tế độc lập, khép kín, chủ yếu là làm ruộng còn làm thêm một số nghề phụ khi nông nhàn: dệt vải, đan lát, nghề mộc, nề, có khi buôn bán lặt vặt. Các thành viên trong gia đình là những người hiền lành, chất phác, cần kiệm, dễ hòa nhập, chung lưng đấu cật làm ăn: chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa".

Về văn hóa - xã hội, cái triết lý chung chỉ đạo hoạt động của gia đình là chuộng gốc, nhớ nguồn, coi trọng lòng hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, thờ cúng tổ tiên, coi trọng dòng giống, họ hàng, coi trọng gia đình, tình chung thủy vợ chồng, coi trọng đức tính siêng năng, cần kiệm..., lấy "lễ, nghĩa, tình" làm chuẩn mực giải quyết các mối quan hệ cha - con, vợ - chồng, anh - em nhằm đảm bảo gia đình hòa thuận.

Quan niệm trên đây về gia đình đã ăn sâu vào nếp nghĩ và lối sống của mọi người, nên trong nhiều trường hợp cũng được áp dụng khi giải quyết việc nước, việc làng: Vua được xem là cha của dân; Thuyết trời và người hợp nhất ăn sâu vào tiềm chức xã hội; vua là con trời, trời sản sinh ra vạn vật, gặp khó khăn thì kêu "cha mẹ", "kêu trời", "làng, nước".

+ Nho giáo chủ trương gia đình phải có chủ. Người cha có uy quyền tối thượng, cầm cân nẩy mực mọi hoạt động trong gia đình.

+ Người mẹ được coi trọng và được con cái yêu quí, là chỗ dựa của gia đình, là nguồn an ủi, động viên con cái:

• "Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra"

• "Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa.

Miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương".

+ Quan hệ hòa thuận, bình đẳng vợ chồng được dân gian ca ngợi:

• "Thuận vợ, thuận chồng tát bể Đông cũng cạn".

• "Vợ chồng chớ cãi nhau hoài

Sao cho trong ấm thì ngoài mới êm"

+ Người vợ là nhân tố không thể thiếu trong sự thành đạt của chồng:

• "Của chồng, công vợ"

• "Nhà khó cậy vợ hiền, nước loạn nhờ tướng giỏi"

• "Nhất vợ, nhì trời"

+ Trong nhiều trường hợp Người vợ thực sự là người chủ, điều khiển mọi hoạt động gia đình, nhất là khi người chồng bận công việc xã hội hoặc lo dùi mài kinh sử:

• "Lệnh ông không bằng cồng bà"

+ Gia đình truyền thống có kỷ cương nghiêm minh, trật tự trên dưới rõ ràng; dân gian cũng không tán thành tình trạng "cá đối bằng đầu". Con phải vâng lời cha mẹ;

• "Cá không ăn muối cá ươn,

Con cãi cha mẹ trăm đường con hư".

+ Vợ phải phục tùng chồng:

• "Có chồng thì phải theo chồng,

Đắng cay cũng chịu mặn nồng cũng vui".

+ Người vợ rất thương yêu và chiều chồng:

• "Đi đâu cho thiếp theo cùng,

Đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam".

• "Chồng giận thì vợ làm lành,

Miệng cười chúm chím rằng, anh giận gì,

Thưa rằng, anh giận em chi.

Có muốn vợ bé em thì lấy cho".

+ Họ thích có con và thích đẻ nhiều con:

• "Có vàng, vàng chẳng hay phô,

Có con con nói trầm tồ mẹ nghe".

• "Mỗi con, mỗi của".

+ Nho giáo sợ nhất là không có con trai nối dõi, vì vậy có thái độ trọng nam, khinh nữ: "Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô" (Một con trai cũng là có con, mười con gái cũng xem như là không có con). Dân gian thì thái độ công bằng hơn: "Ruộng sâu trâu nái, không bằng con gái đầu lòng".

+ Nho giáo cũng như người bình dân đều đề cao tình nghĩa anh em, chị em.

• "Anh em như thể chân tay,

Anh em hòa thuận hai thân vui vầy".

• "Chị ngã, em nâng".

• "Em khôn cũng là em của chị, chị dại cũng là chị của em".

+ Đối với bạn bè, làng xóm gia đình truyên thống có thái độ hữu nghị, hiếu khách:

• "Bán anh em xa, mua láng giềng gần".

• "Giàu vì bạn, sang vì vợ".

Quan hệ cha con, vợ chồng, anh em, bên cạnh những cái hay, cái tốt, gia đình truyền thống cũng còn nhiều cái dở, bị chê cười, phê phán.

Trong quá trình tìm kiếm con đường xây dựng gia đình mới, phải thừa kế, phát huy những cái hay cái tốt của gia đình truyền thống, đồng thời phải khắc phục những mặt yếu kém, tiêu cực.



III. NHỮNG BIẾN ĐỔI CỦA GIA ĐÌNH VIỆT NAM VÀ VẤN ĐỀ GIÁO DỤC GIA ĐÌNH HIỆN NAY

1. Cùng với sự phát triển của xã hội, gia đình Việt Nam hiện nay đang có nhiều biến đổi.

Đó là một quá trình bắt đầu từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân (8/1945), đến cách mạng Xã hội chủ nghĩa (1960) và thời kỳ "đổi mới" từ năm 1986. Đường lối đổi mới với việc chuyển nền kinh tế, quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, với việc mở rộng nền dân chủ Xã hội chủ nghĩa và chính sách mở cửa... đã làm thay đổi hệ thống giá trị xã hội, trong đó có hệ thống giá trị của gia đình.

Dưới ánh sáng của tư tưởng đổi mới, gia đình trở thành một đơn vị kinh tế độc lập, chức năng kinh tế được trả lại cho gia đình, các gia đình được tự do sản xuất, kinh doanh, tư tưởng làm giàu được động viên, khuyến khích. Chính sách mở cửa cho phép giao lưu trao đổi với nước ngoài, tham gia cạnh tranh lành mạnh vì sự phát triển. Điều đó đã làm cho đời sống tăng lên, đem lại sự vui tươi phấn khởi trong toàn dân, nền kinh tế - xã hội phát triển nhiều mặt và sâu sắc, gia đình được củng cố và phát triển.

Nhưng bên cạnh mặt tích cực, những yếu tố tiêu cực đã nảy sinh: tệ nạn xã hội, tư tưởng chạy theo đồng tiền, cá nhân, ích kỷ, tham ô, hủ hóa, lơ là công việc..., những tư tưởng độc hại của chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa hiện sinh đang xâm nhập vào Việt Nam, đã ảnh hưởng xấu đến gia đình và xã hội.



Những đặc điểm thời đại như sự phát triển khoa học kỹ thuật ở trình độ cao của loài người, sự hội nhập vào nhau giữa các nước trên thế giới cũng góp phần phá vỡ cơ chế khép kín của các gia đình truyền thống trước đây. Các thành viên của gia đình có nhiều nguồn thông tin mới, có điều kiện giao tiếp rộng rãi trong nước và thế giới, đã làm thay đổi nhận thức, thái độ và lối sống của gia đình.

2. Ảnh hưởng của xã hội đối với gia đình rất nhiều mặt và sâu sắc.

Dưới đây là một số điểm cần quan tâm nhất:



- Về hôn nhân: Nói đến gia đình, trước hết là phải nói về vấn đề hôn nhân. Đến nay, tuyệt đại bộ phận người Việt Nam vẫn cho hôn nhân là vấn đề hệ trọng, đánh giá cao vai trò của gia đình, ca ngợi sự chung thủy vợ chồng, chăm lo đến hạnh phúc gia đình, chăm lo đến hạnh phúc gia đình, xây dựng gia đình bền vững

Kết quả điều tra gia đình Việt Nam năm 2006 do Bộ văn hóa, thể thao và du lịch; Tổng cục thống kê, UNICEF và viện gia đình và giới thiệu tiến hành (2006 - 2008) cho thấy: Tỷ lệ kết hôn vẫn rất cao. Sống độc thân (Nam từ 40 tuổi trở lên, nữ từ 45 tuổi trở lên chưa từng có vợ, có chồng) chỉ chiếm 2% dân số trong độ tuổi. Tuổi kết hôn trung bình năm 2006: nam giới 25,6 tuổi, nữ 22,3 tuổi.

Hiện tượng ly hôn có xu hướng tăng lên, chủ yếu là ở thành phố. Tỷ lệ ly hôn hoặc ly thân so với số dân tuổi từ 20 trở lên, nam giới 10,4%, nữ giới 27,9% (năm 2005 có gần 60.000 vụ ly hôn). Đó là một hiện tượng tiêu cực, chưa từng có trong xã hội ta trước đây).

- Vấn đề sinh con và thực hiện kế hoạch hóa gia đình:

Như đã nói ở phần trên, người Việt Nam coi sinh đẻ con cái là một trách nhiệm lớn đối với cha mẹ, tổ tiên, đồng thời là hạnh phúc của vợ chồng, và họ thích đẻ nhiều con.

Mặc dầu trong nhiều năm gần đây công tác "Sinh đẻ và kế hoạch hóa gia đình đã vận động mỗi gia đình chỉ sinh từ 1 đến 2 con, tâm lý thích con trai, thích nhiều con vẫn còn khá phổ biến, nhất là ở nông thôn. Tỷ lệ sinh năm 1990 là 2,99%; năm 1992 là 2,97% trong cả nước.

Tỷ lệ sinh đẻ không giảm mà tuổi thọ lại ngày càng tăng lên. Việc tăng nhanh dân số đã ảnh hưởng đến việc cải thiện đời sống. Đó là vấn đề trọng đại và lâu dài của toàn xã hội.

- Từ khi chuyển sang cơ chế thị trường, chức năng kinh tế gia đình phát triển, đã thu hút nhiều thì giờ, trí tuệ, sức lực,... vào việc làm ăn, làm ảnh hưởng tới việc nuôi dạy con cái, chăm sóc người già, tham gia các hoạt động xã hội...

- Mâu thuẫn giữa các thế hệ trong gia đình trở nên gay gắt, do nhận thức khác nhau giữa các thế hệ đối với các giá trị xã hội, do có sự thay đổi trong lối sống của thế hệ trẻ (ăn, mặc, sinh hoạt, nghỉ ngơi, giải trí, thưởng thức nghệ thuật...).

- Điều đặc biệt đáng chú ý là Người cha không còn giữ được địa vị độc tôn về trí tuệ, về kinh tế..., không còn giữ được uy quyền tối thượng trong gia đình như xưa nữa. Trong nhiều vấn đề con cái hiểu biết hơn bố mẹ do tiếp xúc rộng rãi hơn với những nguồn thông tin mới; về kinh tế, con cái có thu nhập cao hơn bố mẹ, do làm ăn theo những phương thức mới, năng động hơn. Vì vậy, nhiều khi con cái làm theo ý mình, không vâng lời bố mẹ.

- Về đạo đức, nhìn chung đang có sự suy thoái cả trong gia đình, cũng như ngoài xã hội, mà gia đình không thể không chịu phần trách nhiệm.

Trong gia đình xuất hiện nhiều trường hợp con cái không vâng lời cha mẹ, không kính trọng và chăm sóc cha mẹ, ông bà. Quan hệ vợ chồng lục đục, nhiều trường hợp bị tổn thương do vi phạm lòng chung thủy, bạo lực gia đình đưa đến ly hôn, gia đình tan vỡ. Những vấn đề này được phản ánh khá sinh động trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là phim ảnh.

Ngoài xã hội thì tội phạm và tệ nạn xã hội gia tăng, lỏng lẻo về kỷ cương, gian lận trong thi cử, tham nhũng trở thành quốc nạn.

Những vấn đề đã trình bày trên đây là những biến đổi đáng lưu ý trong gia đình Việt Nam hiện nay.

- Về giáo dục gia đình hiện nay có một số vấn đề đáng chú ý sau đây:

a. Trừ một số ít gia đình, nhìn chung phần lớn các gia đình chưa quan tâm đúng mức đến việc giáo dục con cái. Điều đó là kết quả của nhiều nguyên nhân: hoặc đời sống quá khó khăn, hoặc quá bận rộn làm ăn, lo thăng quan tiến chức, hoặc chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của vấn đề...

b. Còn thiếu những kiến thức cần thiết về khoa học giáo dục, không rõ dạy cái gì và dạy con như thế nào? Phải nói rằng, những tài liệu về vấn đề này còn rất ít.

c. Sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội tuy đã có thực hiện trong nhiều năm, nhưng chất lượng còn thấp. Chỉ trừ một số địa phương, nói chung, mối quan hệ này còn lỏng lẻo. Ngay các cơ quan trung ương như Bộ giáo dục và Đào tạo, Bộ văn hóa thông tin, Đài phát thanh và Truyền hình Trung ương... đều làm một nhiệm vụ là giáo dục những người công dân tốt, nhưng cũng chưa có sự phối hợp cần thiết, làm giảm hiệu quả giáo dục.

Tóm lại, gia đình Việt Nam đang tự vận động và biến đổi rất nhiều mặt và sâu sắc, đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết nhằm góp phần củng cố và phát triển gia đình, làm cơ sở cho sự phát triển xã hội.

IV. CÁC GIẢI PHÁP

Tìm kiếm các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục gia đình là một vấn đề rất khó khăn, vì nó có liên quan đến nhiều vấn đề xã hội. Sau đây là một vài giải pháp cơ bản nhất:



1. Nâng cao chất lượng gia đình

Hiệu quả giáo dục gia đình phụ thuộc vào chất lượng gia đình. Nếu bố mẹ bất hòa, gia đình lục đục sẽ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ, trẻ mất phương hướng, không biết vâng lời ai, buồn nản, đau khổ, không an tâm học tập; tình cảm lệch lạc, bè phái nảy sinh, theo mẹ chống bố hoặc theo bố chống mẹ, có thể nảy sinh ở trẻ một số thói hư tật xấu: vô lễ, nói dối, tính tình cáu bẩn, cay nghiệt...



Nếu bố mẹ là những đối tượng nghiện hút, mại dâm, tội phạm... thì làm sao không ảnh hưởng đến đạo đức của con cái được?

Vì vậy, biện pháp có tầm quan trọng hàng đầu là nâng cao chất lượng gia đình bằng những con đường khác nhau như:

- Có các chủ trương chính sách về kinh tế và xã hội nhằm hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình thương binh liệt sỹ, các gia đình nghèo khó phát triển sản xuất, tăng thu nhập, nhanh chóng vượt qua ngưỡng đói nghèo, giúp những người tàn tật hòa nhập với cuộc sống cộng đồng; giúp đỡ những người nghiện hút, mại dâm, tội phạm sửa chữa lỗi lầm, có điều kiện làm ăn lương thiện để hòa nhập với xã hội.

Để làm được việc này đòi hỏi phải có một chiến lược toàn diện, lâu dài về sự phát triển các gia đình Việt Nam.



- Các phương tiện thông tin đại chúng như: sách báo, phim ảnh, phát thanh... đặc biệt là ti vi với những nguồn thông tin nhanh chóng, phong phú, đa dạng và diễn cảm... có ảnh hưởng rất tốt đến trí tuệ, đạo đức và thế giới tâm hồn của trẻ. Ảnh hưởng của các phương tiện thông tin đại chúng có thể tích cực hay tiêu cực phụ thuộc vào nội dung của chúng. Vì vậy, cần quản lý chặt chẽ các phương tiện thông tin đại chúng, tuyệt đối cấm những sách báo, phim ảnh, vô tuyến, băng hình, video... phổ biến những hình ảnh khiêu dâm, bạo lực, tệ nạn xã hội...

- Phát động các phong trào thi đua, các cuộc vận động quần chúng "xây dựng gia đình văn hóa" dưới mọi hình thức mà nội dung chủ yếu là: các thành viên trong gia đình đoàn kết yêu thương nhau; ăn ở vệ sinh, sạch đẹp; đoàn kết, hữu nghị với làng xóm, cộng đồng, tôn trọng pháp luật; nuôi dạy con ngoan, sinh đẻ có kế hoạch...



2. Bồi dưỡng tri thức và kỹ năng giáo dục con cái cho các bậc cha mẹ

- Cha mẹ là người thầy đầu tiên và lâu dài của mỗi con người. Kết quả giáo dục gia đình phụ thuộc rất nhiều vào phẩm chất, trình độ học vấn và nghệ thuật sư phạm của các bậc cha mẹ. Nhưng "đội ngũ thầy giáo" này lại hầu như bị xã hội bỏ quên, không được đào tạo, mà cũng ít người ý thức được vai trò thầy giáo của mình. Họ tự đảm nhiệm lấy nhiệm vụ của mình như một việc làm tự nhiên, theo truyền thống với những kinh nghiệm ít ỏi và không có hệ thống mà họ thu thập được qua sự trải nghiệm của cuộc sống. Vì vậy, việc bồi dưỡng kiến thức về khoa học giáo dục (KHGD) cho các bậc cha mẹ có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc cải thiện công tác giáo dục gia đình.

- Có 3 nhóm tri thức về KHGD cần bồi dưỡng:

a. Những kiến thức chung về mục tiêu, nhiệm vụ giáo dục người công dân và những nhiệm vụ do nhà trường đảm nhiệm. Ở đây cần nói rõ mục tiêu đào tạo con người phát triển toàn diện để gia đình hiểu rõ và thống nhất cùng nhà trường phấn đấu cho mục tiêu đó. Như vậy, không phải chỉ chú ý đến học "chữ", mà còn phải chú ý đến tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, ý chí, thẩm mỹ, thể lực, lao động..., phải cân đối thì giờ học tập, vui chơi, giải trí, văn nghệ, thể thao.

b. Những kiến thức về nội dung, phương pháp giáo dục gia đình. Cần làm rõ vai trò quan trọng của giáo dục gia đình, và thấy được thế mạnh của gia đình trong việc giáo dục đạo đức: lòng nhân ái, tính trung thực, cần kiệm, hiếu thảo, thủy chung, tình thần trách nhiệm đối với công việc... tất cả đều được nhen nhóm lên từ gia đình.

Về phương pháp, chú ý đến sự mẫu mực của cha mẹ về tinh thần trách nhiệm đối với công việc, lòng hiếu thảo đối với cha mẹ, thủy chung trong tình cảm vợ chồng, bạn bè... nhằm làm gương cho các con học tập. Cần thường xuyên kiểm tra theo dõi, động viên khen thưởng, chia sẻ nỗi vui buồn trước những thành quả trong học tập, lao động và cuộc sống.

Đối với các cháu nhỏ, việc hát ru, kể chuyện cổ tích là điều các cháu rất yêu thích và có ảnh hưởng rất sâu sắc đến tâm hồn trẻ thơ. Khi đã lớn cần mua chuyện cổ tích, chuyện cười dân gian... cho các cháu vì chúng có tác dụng lớn trong việc hình thành ở các cháu tình yêu quê hương, yêu thiên nhiên, yêu con người, phát triển trí tưởng tượng sáng tạo và niềm lạc quan trong cuộc sống.

Cần chú ý là không được quá nuông chiều hoặc quá nghiêm khắc, khắt khe đối với trẻ; cần kết hợp giữa uy quyền và sự khoan dung trong giáo dục..

c. Cung cấp cho các bậc cha mẹ những tri thức về đặc điểm tâm lý và sinh lý của trẻ. Những đặc điểm tâm sinh lý này thay đổi theo độ tuổi và phụ thuộc rất nhiều vào đặc điểm kinh tế - xã hội của thời đại, của địa phương, của gia đình. Cần chú ý đến những biến đổi tâm sinh lý, những biến đổi về định hướng giá trị của các em trong điều kiện kinh tế thị trường, trong thời đại mà loài người đang bước vào nền văn minh mới và sự hội nhập của thế giới.

Cần quan tâm đến những hứng thú cá nhân; biết trân trọng những năng khiếu của con cái, xem đấy như là vốn quý của gia đình và xã hội để sớm phát hiện và có kế hoạch bồi dưỡng có hiệu quả.

- Về hình thức bồi dưỡng cần mềm dẻo, linh hoạt, đa dạng... cho phù hợp với trình độ và điều kiện sinh hoạt rất đa dạng của các gia đình. Các hình thức phổ biến hiện nay là: tuyên tuyền qua sách báo, phim ảnh, truyền thanh, truyền hình, các câu lạc bộ, hội thảo, các lớp đào tạo... Cần chú ý sao cho nội dung có chất lượng gọn nhẹ mới có hiệu quả.



3. Nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục của các bậc cha mẹ

Việc nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục hàng ngày trong đời sống gia đình của các bậc cha mẹ có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Thật vậy , cha mẹ là người thường xuyên gần con cái từ thuở nhỏ, được con cái tin yêu, lại có uy quyền về mọi mặt.

Đặc biệt, người cha là biểu tượng về sức mạnh cơ bắp, trí tuệ và ý chí, là chỗ dựa tinh thần và vật chất của gia đình. Dù đi xa, người cha luôn như hiện diện trong gia đình thông qua sự tôn trọng, niềm tin cậy, lòng yêu thương của vợ đối với chồng, của con cái đối với bố.

Người mẹ thường tỉ mỉ, gần gũi con hàng ngày, thương yêu chăm sóc con từ tấm bé, có thái độ dịu dàng, tế nhị, vị tha, nên đã cảm hóa, thuyết phục con, có ảnh hưởng lớn trong việc giáo dục con lòng nhân ái, tính cần kiệm, tác phong, nếp sống... ngay cả khi các con đã khôn lớn, trưởng thành, người mẹ cũng là người đặt nền tảng và duy trì mối quan hệ tình cảm của các thành viên trong gia đình, giữa gia đình và xã hội.

Nội dung hoạt động giáo dục hàng ngày của cha mẹ có thể tóm tắt như sau:

- Gương mẫu trong mọi hoạt động trong gia đình cũng như ngoài xã hội;

- Thường xuyên bảo ban, nhắc nhở con trong học tập, lao động, rèn luyện đạo đức, tác phong...

- Thường xuyên kiểm tra việc hoàn thành các nhiệm vụ được giao;

- Quản lý chặt chẽ thời gian, phân bố hợp lý thời gian học tập, lao động, vui chơi, giải trí;

- Quản lý chặt chẽ các mối quan hệ xã hội;

- Có quan hệ chặt chẽ với nhà trường và các tổ chức xã hội để phối hợp với gia đình trong việc giáo dục con cái.

GS.TSKH. Thái Duy Tuyên


Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo khoa học toàn quốc

Tâm lý học và vấn đề cải thiện



môi trường giáo dục hiện nay”

do Hội các khoa học tâm lý- giáo dục Việt Nam tổ chức

tại Cần thơ 13 – 7 - 2013



TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lê Thi (Chủ biên). Gia đình Việt Nam ngày nay. NXB "Khoa học xã hội" HN, 1996



2. Tổng cục thống kê Việt Nam. Nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình với phụ nữ VN HN 2010.

3. Thái Duy Tuyên. Giáo dục học hiện đại. NXB "Đại học quốc gia" HN, 2001. Chương XVI - giáo dục gia đình tr 306.324.
Каталог: sites -> default -> files
files -> BÁo cáo quy hoạch vùng sản xuất vải an toàn tỉnh bắc giang đẾn năM 2020 (Thuộc dự án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học ) Cơ quan chủ trì
files -> Mẫu tkn1 CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
files -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc ĐĂng ký thất nghiệP
files -> BỘ TÀi chính —— Số: 25/2015/tt-btc cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
files -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc TỜ khai của ngưỜi hưỞng trợ CẤP
files -> BỘ giáo dục và ĐÀo tạO –––– Số: 40
files -> BỘ y tế CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập – Tự do – Hạnh phúc
files -> Mẫu số 1: Ban hành kèm theo Thông tư số 19/2003/tt-blđtbxh ngày 22 tháng 9 năm 2003 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Tên đơn vị Số V/v Đăng ký nội quy lao động CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
files -> CỦa bộ XÂy dựng số 04/2008/QĐ-bxd ngàY 03 tháng 4 NĂM 2008 VỀ việc ban hành “quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựNG”

tải về 102.87 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương