MỤc thứ I thay lời tựa II địa-lý Biển Đông với Hoàng-Sa và Trường-Sa



tải về 1.84 Mb.
trang5/18
Chuyển đổi dữ liệu19.08.2016
Kích1.84 Mb.
#23677
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   18

3.3- HẢI-SINH-VẬT NGOÀI BIỂN

Một số lớn các thủy-tộc thông-thường mà ta thấy ở bờ biển Việt-Nam cũng sinh-sống ngoài biển Hoàng-Sa và Trường-Sa như cá thu, cá nhám, cá hồng, cá mú, lươn bể, cá đuối, cá mực, đồn đột, tôm cua, sò ốc...

Thống-kê về những hải-sinh-vật Biển Đông cho đến nay vẫn còn thiếu sót. Các chuyên-viên tiếp-tục phát hiện nhiều loài cá mới.

Theo công bố của Viện Nghiên cứu hải sản (NCHS), Bộ Thủy sản, nguyên vùng quần đảo Trường-Sa, các nhà nghiên cứu đã tìm được tới 414 loài cá, trong đó hơn 35% là loài mới phát hiện lần đầu ở vùng biển Việt Nam.

Đặc biệt lần đầu tiên, Việt Nam đã phát hiện họ cá bống biển sâu (Microdesmidae) gồm có 2 giống và loài mới. Theo Viện NCHS, khu hệ sinh vật trong vùng biển quần đảo Trường-Sa rất phong phú và có tính đa dạng rất cao: 223 loài thực vật phù du đã được phát hiện, trong đó có 2 giống và 43 loài mới ở biển Việt Nam; tìm thấy 223 loài động vật phù du, trong đó phát hiện 8 giống và 19 loài mới.

Biển Đông có nhiều loại cá đáng kể là những mối lợi lớn về kinh-tế. Chúng tôi sẽ trình bày về các loài cá của ngư-nghiệp trong phần tài-nguyên hải-sản ở những trang sau. Ở đây chúng tôi xin đề-cập trước vài điều về những hải-sinh-vật lớn như cá voi, cá heo.

- Chúng ta thường hay gọi cá voi, cá kình, cá heo nhưng trong sinh-vật-học, chúng không phải loài "Cá" mà được xếp hạng cùng với con người trong loài "có vú” (hữu-nhũ, mammalia) máu nóng, thở bằng phổi, đẻ con nhỏ (không đẻ ra trứng). Cá voi thực-sự (true whale) không có răng cứng mà chỉ có những màng lưới bằng sụn mềm xếp kín như cái lược. Chúng sống bằng các phiêu-sinh-vật (plankton) là những sinh-vật nhỏ li-ti sống trôi nổi trong nước.

- Viện Nghiên-cứu Đông-Tây tại Hawaii cho biết ở Đông-Nam-Á có tới 11 loài cá voi được xếp thứ-tự nhìn thấy sinh-sống nhiều ít như sau: Bryde's whale, Sperm whale, Sei whale, Fin whale, Blue whale, Minke whale, Goosebeaked whale, Humpback whale, Beaked whale, Black right whale, Pygmy sperm whale.

- Riêng ở khu trung-ương của Biển Đông, những cá voi mà người ta thường thấy nhất là loại cá voi có vi (fin whale), tên khoa-học là Balaenoptera Physalus. Cá voi này có thể dài tới 70 hay 80ft, mầu xám trên lưng trắng ở bụng, mang thai trong 10 tháng. Cá voi lưng gù (humpback) Megaptera Novaeangliae là loại cá voi thường thấy sau loại trên. Cá này dài đến 50ft, tương đối ngắn nhưng to ngang.

- Người Việt lúc xưa cũng săn giết cá voi như mọi giống dân Á-Đông khác. Dân duyên-hải nước ta chỉ mới thờ cá voi và ngưng giết cá voi cách nay không lâu thời Nam-tiến, khi tiếp-xúc nhiều với người Chiêm-Thành.




Hình 45 Cá voi lưng gù, một loài có thể sắp bị tuyệt-chủng.
Những loài cá lớn nhất như cá voi xanh (dài tới 100ft) chỉ thỉnh-thoảng mới xuất-hiện ở vùng biển phía Nam gần Nam-Dương. Hàng năm, một vài con bị săn và bị bắn chết khi chúng di-chuyển từng đàn theo mùa. Một loài cá voi khác cũng xuất hiện quanh vùng đáy biển nông Sunda như Sperm whale (Physeter catadon), Sei whale (Balaenoptera borealis).

- Ngoài cá voi, Biển Đông cũng là nơi sinh sống của loại cá heo (Delphinadae). Trong sinh-vật-học, người ta cho rằng cá voi và cá heo có nhiều điểm tương-tự; trừ ra cá heo có hàm răng, chúng sinh sống bằng các loại cá và cá mực. Cá heo vùng biển nước ta có vài điểm hơi khác biệt nên thường được gọi là cá heo South China Sea hay cá heo Malacca Dolphin. Chúng đi từng bày, thân dài trong khoảng từ 1.5m tới 2m, bơi rất nhanh và thích đùa giỡn khi chạy qua chạy lại trước mũi tàu những khi đẹp trời.




Hình 46 Cá heo của Biển Đông cũng cần được bảo-vệ…
Ở Việt-Nam không thấy người ta nuôi dậy cá heo nhưng ở Thái-Lan, Mã-lai-Á và vịnh Bengal, cá heo rất hữu-ích vì giúp ngư-dân lùa cá vào lưới.
3.4 - BIỂN ĐÔNG VÀ MÔI-TRƯỜNG SINH-VẬT-HỌC VIỆT-NAM

Như đã trình-bày ở trên về môi-trường thực-vật, Biển Đông hoàn-toàn có tính-chất Việt-Nam. Những cuộc khảo-cứu về phương-diện sinh-vật-học lại còn cho biết thêm rằng Biển Đông cũng có môi-trường sinh-sống gần với Việt-Nam hơn là gần Trung-Hoa hay Phi-Luật-Tân.


3.4.1 – VÙNG MÔI-SINH Á-ĐÔNG.

Theo khoa Sinh-vật Địa-lý-học, thế-giới được chia làm 6 vùng môi-sinh (biogeographical zones); Bắc-Mỹ, Nam-Mỹ, Bắc Á Âu, Phi-Châu, Đông-Phương và Úc-châu.




Hình 47 Sáu vùng môi-sinh trong khoa Sinh-vật Địa-lý-học. Biển Đông và Việt-Nam cùng nằm trong vùng Oriental Region.
Khu-vực phía nam dẫy núi Hi-mã-lạp-Sơn bao gồm Ấn-Độ và Đông-Nam-Á được đặt tên là Vùng Đông-Phương (Oriental Region). Vùng này không lớn lắm nhưng là khu-vực mà môi-trường sinh-vật phong-phú nhất trên trái đất, trong đó có Việt-Nam cũng như Biển Đông.

Trong khi đó, hầu hết lãnh thổ Trung-Hoa nằm trong khu-vực mà khoa sinh-vật-học gọi là Palearctic. Vùng này tuy rộng lớn nhất, bao-trùm hết cả Bắc-Á, toàn-thể Âu-châu và Tây-Bắc Phi-châu nhưng lại ít có những loài sinh-vật đặc-thù.

Căn-cứ theo giới-tuyến Himalaya - Đông-Nam-Á, Biển Đông không có nhiều liên-hệ về sinh-vật với Trung-Hoa.
3.4.2 – ĐƯỜNG WALLACE – HUXLEY.

Môi-sinh Biển Đông cũng xa lạ với Phi-luật-Tân, miền đông Nam-Dương và Úc-Châu. Ranh-giới chia cắt môi-sinh này thường được gọi là đường Wallace-Huxley.




Hình 48 Về môi-sinh, Biển Đông thuộc về Việt-Nam: Đường Wallace/Huxley cắt Phi-luật-Tân ra khỏi Biển Đông.
Nước Việt-Nam nằm trong khu-vực mà các nhà sinh-vật gọi là Wallacea, đặt theo tên của Alfred Russel Wallace. Wallacea là vùng đất sinh-sống của các động-vật Á-đông. Không những Trung-Hoa nằm ngoài vùng môi-sinh Á-đông như đã nói ở trên, Phi-luật-Tân cũng không ở trong vùng này.

Nhà thiên-nhiên-học người Anh này nhận ra rằng ở đảo Bali có tới 94% loài bò-sát và 87% loài chim nguồn gốc Á-Đông, nhưng ở Lombok là đảo kế cận hướng đông của Bali, thì các tỷ-lệ trên sụt giảm xuống còn 85% và 72.5%. Nhiều loài hữu-nhũ từ Á-Đông sang sinh-sống ở Java, chúng tới được Bali nhưng không thấy tồn-tại xa hơn về hướng Đông như Lombok, Celebe.

Tiếp theo Wallace, một nhà sinh-vật-học người Anh nữa là Huxley nghiên-cứu thêm và thấy rằng tình-trạng sinh-vật ở Phi-luật-Tân (trừ đảo Palawan) cũng giống như ở Lombok và Celebe, nghĩa là khác-biệt với Việt-Nam. Bên bờ phía Tây của đường này sinh-vật mang đậm những nét Á-Đông đáng kể (overwhelmingly Oriental fauna). Càng đi xa về phía Đông của đường Wallace-Huxley, ảnh hưởng môi-trường sinh-vật Úc-châu (Australian fauna) càng nhiều hơn; cho tới đường Weber thì bách-phân sinh-vật Á-đông chỉ còn lại là 50%.

Tóm lại, các lý-lẽ trên chứng-minh rõ ràng Biển Đông thuộc Việt-Nam về phương-diện Sinh-vật Địa-lý-học.


3.5 - TRỮ-LƯỢNG HẢI-SẢN BIỂN ĐÔNG

Biển Việt Nam có trên 2,000 loài cá, trong đó khoảng 130 loài cá có giá trị kinh tế. Theo những đánh giá mới nhất, là 4.2 triệu tấn, trong đó sản lượng cho phép khai thác là 1,7 triệu tấn/năm, bao gồm 850 nghìn cá đáy, 700 nghìn tấn cá nổi nhỏ, 120 nghìn tấn cá nổi đại dương. Sau cá có tôm, mực, cua được coi là có giá trị kinh tế cao.

Toàn ngành thủy sản có khoảng nửa triệu lao động đánh bắt hải sản, trong đó hoạt động gần bờ chiếm tới khoảng 70%. Trong khi ngành được ghi nhận trả lương cho người lao động cao nhất tại Việt-Nam là sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước, với mức thu nhập bình quân của người lao động là 4 triệu đồng/người/tháng. Người lao động có mức thu nhập thấp nhất là ngành thủy sản, với mức thu nhập bình quân 819,000 đồng/người/tháng.

Ngành thủy sản đang tích cực đào tạo nâng cao trình độ tay nghề cho đội ngũ lao động nghề cá để họ tiến kịp với sự phát triển về ứng dụng khoa học, công nghệ, trang bị của đội tàu xa bờ.

Tuy vậy sự thu-hoạch thủy-sản ngoài thiên-nhiên có giới-hạn. Người Việt sẽ phải nuôi trồng thêm tôm cá trong các trại tôm, trại cá.

Từ năm 1990 trở lại đây với tôm nuôi cho xuất khẩu là mũi đột phá quan trọng. Năm 1991, diện tích nuôi trồng thủy sản mới đạt 520,000ha, sản lượng đạt 335,910 tấn, đến năm 1996 diện tích nuôi trồng thủy sản là 585,000ha, sản lượng nuôi trồng đạt 411,000 tấn, năm 2000, diện tích nuôi là 652,000ha, sản lượng đạt 723,110 tấn, năm 2003 sản lượng nuôi trồng đã đạt hơn 1 triệu tấn. Nuôi trồng thủy sản đang từng bước trở thành một trong những ngành sản xuất hàng hoá chủ lực.

Hiện nay ngành nuôi trồng hải sản nước mặn tuy có phát triển kém hơn ngành nuôi trồng thủy sản nước ngọt và nước lợ, nhưng xin nhớ rằng môi-trường nước mặn ngoài biển rộng lớn bao la hơn nội-địa rất nhiều, còn chờ được khai thác quy-mô.
 Hình 49 Thống-kê cho biết mức-độ nuôi trồng thủy-sản gia-tăng đáng kể tại Việt-Nam.
3.6 – BẢO-VỆ MÔI-TRƯỜNG BIỂN

Con người càng ngày càng chiếm đóng thêm nhiều hải-đảo. Những nơi xưa kia chim chóc, rùa vít... thường làm tổ một cách tự-do thì nay không còn nữa. Chẳng những người đã chiếm đất của vật, con người lại còn tàn-sát các sinh-vật khác không tiếc tay. Trên Biển Đông số lượng sinh-vật đang suy-giảm nhiều, đặc-biệt là những loài rùa biển, như vít, đồi mồi, như cá voi, cá heo... Nếu không được bảo-tồn, chúng có thể bị tuyệt-chủng. Những cơ-quan bảo-vệ thiên-nhiên đã kêu gọi các quốc-gia duyên-hải lưu-tâm tham-gia những chương-trình của họ.

Theo đà tiến-bộ chung của nhân-loại, các nước Đông-Nam-Á cũng bắt đầu khởi-sự những chương-trình bảo-vệ môi-sinh quan-trọng từ hơn một thập-niên qua. Dẫn đầu những công-tác ngoài Biển Đông là Nam-Dương. Nhờ nền kinh-tế phát-triển mạnh, tiền bạc dồi dào, các chính-phủ Mã-lai-Á và Tân-gia-Ba cũng đang hăng-hái tham-gia và đã chi-phí những khoản tiền lớn về chống ô-nhiễm, bảo-vệ môi-sinh.

Mới đây, Bộ Thủy Sản đã xây dựng quy hoạch tổng thể hệ thống các khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2010, dự kiến trình Chính phủ vào cuối năm nay. Bản quy hoạch đề xuất 15 khu bảo tồn biển dọc theo chiều dài đất nước, với mục tiêu khoảng 2% diện tích vùng biển nước ta được bảo tồn vào năm 2010.

Hệ thống các khu bảo tồn này được phân làm 3 loại theo tiêu chí của IUCN, gồm: Vườn quốc gia (biển), Khu bảo tồn loài và nơi cư trú, và Khu dự trữ tài nguyên thủy sinh vật. Tồn tại song song với hệ thống này là các khu bảo tồn được phân loại theo những hệ thống khác như Khu bảo tồn đất ngập nước (điểm RAMSAR, Xuân Thủy), Khu dự trữ sinh quyển (Cát Tiên)...



Hình 50 Các khu bảo tồn biển Việt Nam.



Hình 51 Các khu bảo tồn biển Việt Nam (tiếp theo).
Danh sách các điểm được đề xuất thành khu bảo tồn biển:

- Đảo Trần,

- Đảo Cô Tô (Quảng Ninh)

- Đảo Cát Bà,

- Bạch Long Vĩ (Hải Phòng)

- Hòn Mê (Thanh Hoá)

- Đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị)

- Sơn Trà - Hải Vân (Thừa Thiên Huế)

- Cù Lao Chàm (Quảng Nam)

- Đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi)

- Hòn Mun,

- Nam Yết (Khánh Hoà)

- Hòn Cau,

- Đảo Phú Quý (Bình Thuận)

- Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu)

- Phú Quốc (Kiên Giang)

Vì thiếu ngân-khoản, sự thành lập các “khu bảo tồn biển” rất chậm-trễ. Với sự trợ giúp của Chính phủ Đan Mạch, khu bảo tồn biển đầu tiên của Việt Nam được xây dựng tại Hòn Mun (Khánh Hòa) vào năm 2000. Bốn năm sau, khu bảo tồn thứ hai trong mạng lưới khu bảo tồn biển Việt Nam chỉ vừa mới được thiết lập tại vùng biển Cù lao Chàm (tỉnh Quảng Nam).
3.7 – HẢI SINH-VẬT CẦN BẢO-VỆ

Những hải-sinh-vật như rùa biển, cá heo, cá voi... được ghi trong danh-sách những sinh-vật cần bảo-vệ. Cơ-quan International Whaling Commission (IWC) thuộc Liên-Hiệp-Quốc, đặc-trách việc này đã thông-báo nguy-cơ tuyệt-chủng của các loài cá voi, cấm săn-bắn cá voi lưng gù (Humpback whale, Megaptera novaeangliae) vào năm 1966, cá voi xanh (Blue Whale, Balaenoptera musculus) năm 1967 và cá voi có vi (Fin whale, Balaenoptera physalus) vào năm 1975.





Hình 52 voi xanh, dài tới 100ft, là loài động-vật lớn nhất của địa-cầu. Một số di-chuyển theo mùa trong vùng biển ĐNÁ. Số lượng đang suy-giảm rõ rệt.
Trong khi đẩy mạnh sản-lượng ngư-nghiệp, hầu hết các quốc-gia duyên-hải đã có kế-hoạch khuyến-cáo những ngư-dân tránh sát-hại các loài hải-vật nào cần-thiết được bảo-tồn để chúng tiếp-tục sinh-sản.

Trường-hợp Việt-Nam, ý-thức về việc bảo-vệ môi-sinh rất thấp, đặc-biệt về môi-sinh ngoài biển có lẽ còn xa lạ với phần đông dân ta. Chính-quyền nào cũng cần lưu-tâm đến công-tác này, sự giáo-dục phải khởi-sự ngay từ học-đường ra đến đại-chúng.

Trong số lượng lớn quân-nhân trú-phòng trên các hải-đảo, không chắc có bao nhiêu cá-nhân ý-thức đến môi-trường sinh-sống chung quanh. Một khi nước biển bị ô-nhiễm, ánh-sáng không còn chiếu xuống được sâu, nước biển đục ngầu thì san-hô chết và sự tồn-tại của hải-đảo lệ-thuộc vào đó. Người quân-nhân cũng như thường-dân phải ý-thức được sự sinh-tồn của con người liên-hệ ra sao với san-hô, với biển, với hải-sinh-vật... Đời sống vốn là sự cộng-sinh giữa muôn loài, sẽ thay đổi theo chiều-hướng tốt đẹp hơn.



Hình 53 Số lượng Bò Biển đang suy-giảm rõ rệt, gần tuyệt-chủng.
4 – KHÍ-TƯỢNG BIỂN ĐÔNG

Khí-tượng Biển Đông khác với khí-tượng trong lục-địa.



4.1- TÌNH-TRẠNG KHÍ-TƯỢNG TỔNG-QUÁT

Nói chung Hoàng-Sa Trường-Sa nhờ nằm giữa Biển Đông nên khí-hậu điều-hòa, không lạnh quá về mùa Đông, không nóng quá về mùa hè nếu so với những vùng đất cùng vĩ-độ trong lục-địa. Không-khí Biển Đông ít bị ô-nhiễm. Bầu trời thường trong trẻo, tuy đôi khi u-ám và có mưa lớn trong giông bão nhưng thời-gian này tương-đối qua đi khá nhanh. Mưa ngoài biển qua nhanh, ở Hoàng-Sa không có mùa nào ảm-đạm kéo dài như kiểu mưa dầm gió bấc ở Bắc-phần hay mù-mịt như trong mùa mưa ở Huế. Buổi sáng cũng ít khi có sương mù.

- Nhiệt-độ. Nhiệt-độ ở Hoàng-Sa không chênh lệch lắm giữa mùa Hạ (28-29 độ bách-phân) và mùa Đông (24-25 độ). Tuy xa cách Hoàng-Sa tới 6, 7 độ vĩ-tuyến, gần hơn về phía Xích-đạo nhưng Trường-Sa cũng chỉ nóng hơn Hoàng-Sa chừng vài độ. Có thể nói hai quần-đảo Hoàng-Sa Trường-Sa không có mùa lạnh, khí-hậu dịu mát nhờ ảnh-hưởng đại-dương.

- Vũ-lượng. Ở Hoàng-Sa mưa trung-bình trong năm lối 1,170mm, tuy được kể là mưa nhiều nhưng không quá đáng như ở Huế (3,000mm). Mưa nhiều nhất trong tháng 10 (17 ngày/228mm). Trường-Sa là vùng rộng lớn gấp 10 lần hơn Hoàng-Sa, hiện không đủ dữ-kiện nhưng chúng ta có thể ước-đoán rằng vũ-lượng tổng-quát thấp hơn Hoàng-Sa một chút.

- Ẩm-độ. Không-khí Biển Đông tương-đối ẩm-thấp hơn những vùng biển khác trên thế-giới. Ở cả Hoàng-Sa lẫn Trường-Sa, ẩm-độ đều cao, ít khi nào bách-phân ẩm-độ xuống dưới 80%. Trung-bình vào tháng 6, ẩm-độ ở Hoàng-Sa suýt soát 85%.

Những sự kiện khí hậu ở Hoàng-Sa

Tháng

Giêng

Hai

Ba



Năm

Sáu

Bảy

Tám

Chín

Mười

M.Một

M.Hai

TB Nhiệt

TB Ẩm Độ

TB Vũ Lượng

Số Ngày Mưa

23,5


82,1

21

8


24

83,7



17

5

26,2

83,8


21

3

27,7

83,5


60

5

29,2

83,9


73

8

29,1

84,8


128

8

28,9

84,2


93

7

28,7

83,7


141

9

28,1

84,4


197

15

27,1

83,8


228

17

25,8

83,7


143

14

24,4

81,5


47

13


(Trích Khí Hậu V.N. – Nha Giám Đốc Khí Tượng 1964)



Hình 54 Nhiệt-độ, ẩm-độ, vũ-lượng ở Hoàng-Sa.
4.2 – MÙA GIÓ

Có hai mùa gió Đông-Bắc và Tây-Nam rất rõ rệt:

* Mùa gió Đông-Bắc thổi mạnh trên Biển Đông, từ tháng 11 đến tháng 1, gió 20-25 gút, biển động mạnh, tới cấp 4 cấp 5. Người đi biển hay dân đánh cá rất khổ cực. Vịnh Thái-Lan trong mùa này tương-đối êm-dịu.

* Mùa gió Tây-Nam thổi trong những tháng 3, 4, 5. Gió mùa này thường yếu hơn gió mùa Đông-Bắc và biển cũng ít động. Trong mùa gió Tây-Nam, biển Hoàng-Sa khá êm dịu trong khi Trường-Sa và vịnh Thái-Lan bị ảnh-hưởng sóng gió nhiều hơn.


4.3 – THỦY-TRIỀU

Thủy-triều là một hiện-tượng nước biển lên xuống, nguyên-do vì hấp-lực của các tinh-tú mà chính-yếu là mặt trăng và mặt trời. Hiện-tượng này tuy phức-tạp nhưng lại đi theo chu-kỳ. Sau nhiều nghiên-cứu, chiêm-nghiệm; ngày nay người ta có thể tiên-đoán khá chính-xác cao-độ thủy-triều tại bất cứ một hải cảng trong bất cứ một thời-điểm nào

Hoàng-Sa và Trường-Sa nằm ngoài khơi Việt-Nam nhưng thủy-triều lên xuống tại đây lại không theo đúng nhịp điệu, chu-kỳ hay biên-độ của những con nước lớn và nước ròng ở các bến quy-chiếu chính của Việt-Nam là Đồ-Sơn và Vũng-Tàu.


Hình 55 Một đường biểu-diễn cao-độ tiêu-biểu cho thủy-triều loại hỗn-hợp.
Nói chung, biên-độ thủy-triều không lớn lắm, khoảng 4-5ft (1.2m-1.5m). Chu-kỳ thủy-triều Hoàng-Sa thuộc loại hỗn-hợp giữa bán-nhật và toàn-nhật; với đặc-tính toàn-nhật vượt trội hơn (chiefly diurnal). Thông-thường, mỗi ngày một con nước lớn, một con nước ròng, chuyển qua hai con nước một ít ngày, rồi trở lại một con.

Người đi biển thường dùng những Bảng Thủy-triều (Tide Table) để tính-toán thời-gian và cao-độ mực nước lên xuống.




Hình 56 Tài-liệu trích trong "Bảng thủy-triều". Thủy-triều các cảng Việt-Nam có bến quy-chiếu tại Manila, Phi-luật-Tân.
Sự tiên-đoán thủy-triều ngày nay khá chính-xác, Tide Table trợ giúp rất đắc-lực cho những nhà hải-hành khi đi qua các vùng nước cạn, đưa tàu chui dưới những cây cầu thấp, ra vô hải-cảng, tính toán giờ giấc vận-chuyển v.v...

Bảng Thủy-triều do Bộ Thương-mại Hoa-Kỳ biên-soạn, chỉ-dẫn việc dùng bến quy-chiếu ở Manila, Phi-luật-Tân cho thủy-triều Hoàng-Sa và các bến vùng Đà-Nẵng, cộng trừ thêm những sai-biệt đã được cơ-sở Thủy-Đạo tính toán sẵn. Chúng tôi xin trích-dẫn một vài dòng trong sách trên làm tài-liệu.

Trong khi đó ở Vũng-Tàu, Kê Gà, Côn-Sơn, Hòn Khoai, Vịnh Phú-Quốc, Sài-Gòn; thủy-triều là loại bán-nhật (semi-diurnal) với con nước dâng lên hạ xuống mỗi ngày hai lần. Bến quy-chiếu tại Mũi Vũng-Tàu.

Đồ-Sơn là một bến quy-chiếu khác trong bảng Tide Table dùng tính toán thủy-triều các bến dọc theo Vịnh Bắc-Việt, trải dài từ đảo Cái Bầu, Hải-Phòng, Hòn Me đến cửa Nhật-Lệ và ra ngoài xa đến đảo Bạch-long-Vĩ. Thủy-triều này là loại toàn-nhật (diurnal).




Hình 57 Bản-đồ nhiệt-độ nước biển, biên-độ thủy-triều, năng-lực sóng Biển Đông.
Theo Giáo-Sư Lê-Bá-Thảo, Thủy-triều trong Biển Đông rất phức tạp với sự biểu hiện đồng thời của 4 loại khác nhau trên những đoạn bờ biển khác nhau. Trên bờ biển Việt Nam, chế độ nhật triều, quan sát thấy rõ nhất ở đoàn từ Hòn Gai về đến Đồ Sơn, càng lên phía bắc càng giảm tính thuần nhất cũng như càng xuống phía nam. Từ nam Đồ Sơn đến nam Thanh Hóa, nếu nhật triều còn chiếm 2/3 số ngày trong tháng thì ở ven biển Nghệ Tĩnh, số ngày đó chỉ còn chiếm già nữa tháng, và như vậy là đã xuất hiện nhật triều không đều.

Đoạn Quảng Bình - Quảng Trị đã thấy có chế độ bán nhật triều không đều nhưng ở bờ biển Thừa Thiên lại thấy có bán nhật triều đều và là đoạn duy nhất ở Việt Nam có chế độ ấy.

Tính chất bán nhật triều lại chuyển dần sang nhật triều không đều từ bờ biển Quảng Nam xuống đến bắc Nam Bộ. Từ đó trở đi đến mũi Cà Mau, chế-độ bán nhật triều lại trở nên rõ rệt nhưng ở vịnh Thái Lan thì đã có nhật triều không đều và đều.

Như có thể thấy, chế-độ thủy-triều trên suốt chiều dài của bờ biển Việt Nam luôn thay đổi và người ta chỉ có thể cắt nghĩa điều đó bằng ảnh hưởng của các điều kiện địa phương, trong đó các dao động nước khu vực và các dao động của sóng triều tạo nên những hiện tượng cộng hưởng phức tạp.

Sóng và thủy-triều là hai yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến dải đất ven biển: các cửa sông hình phễu, các hiện tượng xói lở bờ và bồi tụ, các lạch triều và bãi triều, các quần xã thực vật ngập mặn v.v... nói lên điều đó.34
4.4 – VÙNG NƯỚC XOÁY

Nước thủy-triều di-chuyển lên xuống theo đường thẳng đứng, Nước cũng di-chuyển ngang, tạo nên những dòng nước chảy qua chảy lại trên biển. Vì nhiều yếu-tố ngoại-lai như địa-thế bờ đất, hải-đảo, đáy biển, luồng gió ảnh-hưởng đến, những dòng nước thủy-triều có thể chạy ngược lại với nhau trong một vùng nào đó làm nước xoáy tròn.

Hiện-tượng nước xoáy này làm những khối lượng nước bị cuốn xuống đáy biển theo vòng trôn ốc như tại khu-vực ngoài khơi những ghềnh đá Na-Uy. Trong những trường-hợp đặc-biệt, vùng nước xoáy mạnh đến nỗi có thể hút cả ghe thuyền, đáng sợ nhất là ở khu-vực nằm giữa hai vùng biển Phi-luật-Tân và Nhật-Bản.

Tại Biển Đông, biên-độ thủy-triều thường nhỏ nên những dòng nước gây nên bởi thủy-triều không mạnh lắm. Dân đánh cá thường biết rõ những vùng nước xoáy gần bờ để lái ghe thuyền nhỏ bé của họ tránh ra xa. Ngoài biển khơi, tuy nước có xoáy ở vài nơi nhưng không gây nguy-hại hiểm-nghèo cho các tàu thuyền đi biển lớn hơn mức trung-bình.




Hình 58 Cách giải-thích hiện-tượng những con nước xoáy. Hình vẽ có hơi phóng-đại cơ-nguy trên Biển Đông.
4.5 – NƯỚC BIỂN, NỒNG-ĐỘ MUỐI

Nước biển các vùng Hoàng-Sa và Trường-Sa lúc nào cũng ấm-áp. Nhiệt-độ cả năm thường cao hơn 20 độ bách-phân. Nước biển chứa nhiều oxy, rất trong vì không bị ô-nhiễm và cũng vì xa các cửa sông nước đục. Độ mặn của muối dưới mức trung-bình, thường không cao quá 35 phần ngàn (%o). Bầu trời Hoàng-Sa và Trường-Sa thường quang đãng ít mây, mặt trời nhiệt-đới quanh năm chiếu ánh-sáng thật sâu xuống dưới nước. Những điều-kiện này tạo môi-trường lý-tưởng cho san-hô sinh-tồn và phát-triển ở độ sâu hàng trăm thước.



tải về 1.84 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   18




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương