MỤc thứ I thay lời tựa II địa-lý Biển Đông với Hoàng-Sa và Trường-Sa



tải về 1.84 Mb.
trang4/18
Chuyển đổi dữ liệu19.08.2016
Kích1.84 Mb.
#23677
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   18

2.8.2 – HỆ-THỐNG HẢI-ĐĂNG VIỆT-NAM

Kể về những công-trình xây cất khó-khăn nhọc-nhằn, người ta không thể quên việc xây cất đèn biển, hay hải-đăng.

Việt Nam hiện có tới 79 ngọn đèn biển, trải dài từ Móng Cái đến Hà Tiên và trên các hải-đảo ngoài Biển Đông. Không kể một số ít đèn biển ở gần các thành phố lớn như Hòn Dấu (Hải Phòng), Tiên Sa (Đà Nẵng), hoặc ở gần cửa sông tấp nập thuyền bè vào ra, hầu hết các ngọn đèn biển đều nằm ở vị trí heo hút, xa xôi và cao tít như tổ chim đại bàng trên các vách đá, mõm núi cheo leo xa cách bóng người. Các toà nhà đều rất kiên-cố, được xây dựng để có thể chịu được những cơn bão có sức gió trên cấp 12.

Phần lớn các ngọn đèn biển thường được xây dựng ở độ cao thuận tiện, đạt yêu cầu về tầm nhìn địa lý và tầm hiệu lực ánh sáng từ 10-25 hải-lý (hl. = 1.852m). Hằng năm phí thu được từ các tàu bè qua các luồng biển trên hải phận Việt Nam lên tới 284 tỉ đồng.

Theo Hiệp Hội Đại Lý và Môi Giới Hàng Hải, trong hệ-thống đèn hiệu hải-hành đó có đến 18 đèn biển ở các hải đảo như Nam Du, Thổ Chu, Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) Hòn Khoai, Hòn Chuối (tỉnh Cà mau), Bãi Cạnh (Côn Đảo), Phú Quý (Bình Thuận), Hòn hải, Trường-Sa (tỉnh Khánh Hòa), 9 đèn biển ở các đảo Trường-Sa và các báo hiệu ở vùng dầu khí nơi xa đơn vị và thời tiết khắc nghiệt29.



Hình 30 Hải đăng Hòn Dáu.


Hình 31 Hải đăng Vũng Tàu (trái).
Nhà đèn trong quần đảo Trường-Sa được đặt ở những đầu chỏm của biển, nơi những doi đất xa xôi, cam go nhất - nơi mà các tàu đánh cá xa bờ, tàu vận tải... thường gặp hiểm nguy như mắc cạn hay đắm tàu. Ngọn hải đăng Tiên Nữ đứng ở vùng cực Đông của hải-phận. Ngọn đèn mới này đẹp nhất Trường-Sa, xây dựng năm 2000, nơi nhận ánh sáng mặt trời lên đầu tiên của Việt Nam trong ngày.


Hình 32 Hải đăng Ba Lạt (Thái Bình).

Hình 33 Hải đăng Đá Tây (quần đảo Trường-Sa).
2.8.3 – HỆ-THỐNG CẢNG BIỂN VIỆT-NAM

Từ trước đến giờ, nước ta chỉ có 2 cảng lớn cỡ quốc-tế là Hải-phòng và Sài-gòn. Ðể phát-triển kinh-tế, Việt-Nam đang cải-tiến và xây-cất thêm nhiều cảng biển trong vòng 10 năm tới. Từ Bắc vào Nam, ta có thể kể các cảng: Cái Lân (Quảng-Ninh) Cửa Lò (Nghệ An) Ðà Nẵng, Qui Nhơn, Dung Quát (Quảng Ngãi)...

Ngày nay, cảng nước ta xây-dựng khắp nơi. Hệ-thống cảng biển bao gồm phần lớn là các cảng cá, phân bố trên địa-bàn của 111 huyện, thành-phố hoặc thị xã - thị trấn ven biển. Các cảng lớn như Hải-Phòng, Đà Nẵng, Vũng Tàu... có nhiều chức năng nhưng cũng có cảng cá phụ thuộc.

Vào thời điểm năm 2010, Việt Nam dự-trù sử-dụng 114 cảng biển được chia thành 8 nhóm, phân bố dọc theo bờ biển từ Móng-Cái đến Kiên Giang. Mỗi nhóm cảng là một hệ thống cảng nhỏ, có sự hỗ trợ liên-hoàn với nhau.

Hiện đã có 74 cảng biển nước ta được kiểm tra và cấp chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn Bộ Luật quốc tế về An ninh Tàu và Bến cảng (ISPS Code). Việt Nam cũng có 1,200 sĩ quan an ninh cảng biển được đào tạo và cấp giấy chứng nhận quốc tế về an ninh tàu biển, 203 tàu biển được phê duyệt kế hoạch an ninh.

Cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải được dự kiến là cảng biển lớn nhất Việt Nam trong giai đoạn 2010 - 2020. Cảng sẽ được khởi công vào năm 2006, hoàn thành đưa vào sử dụng cuối năm 2009. Cảng Cái Mép - Thị Vải sẽ có công suất 1,1 triệu TEU cho hàng container và 1,1 triệu tấn hàng tổng hợp vào năm 2010, từng bước giúp di dời cảng Sài Gòn ra khỏi nội đô, giảm lượng xe tải giao thông trong thành phố.

Tiến sĩ Chu Quang Thứ, Quyền Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam có nhận-xét: hệ thống cảng biển Việt Nam đang thừa các cảng nhỏ mà không có (dù chỉ một) cảng biển có tầm vóc quốc tế. Còn cảng địa phương như Hải Hậu (Nam Định), Diêm Điền (Thái Bình)... lúc có tàu vào thì cần, lúc không có tàu là thừa.


Hình 34 Hệ-thống Cảng Biển Việt-Nam.
Nhìn xa về tương-lai, các cảng biển lớn nhất Việt-Nam sẽ phải xây-dựng ở miền Trung vì khu-vực này có nhiều vịnh tốt, kín gió lại không bị phù-sa bồi lấp. Ưu-thế hơn tất cả các cảng khác là chúng nằm sát hải-lộ giao-thương. Trong khi các cảng của Vịnh Bắc-Việt như Hải Phòng cách hải-lộ đó 18 giờ hải-hành hay lâu hơn nữa, các cảng miền Trung chỉ cách đó vài ba tiếng đồng-hồ. Ðặc-biệt Vịnh Cam Ranh (1 giờ tàu biển là tới) được xếp vào loại một trong ba hải cảng có điều-kiện tự nhiên tốt nhất thế giới, với diện tích vùng vịnh kín tới 60km2 và độ sâu trung bình 18-20m nước, xung quanh có núi bao bọc làm cho vùng biển luôn lặng gió. Ngay gần đó là Văn Phong ưu-điểm cũng không kém. Tiến sĩ Chu Quang Thứ từng phát-biểu rằng: Các tài liệu hàng hải quốc tế tuy không nói cụ thể, nhưng Việt Nam có Văn Phong (Khánh Hoà) may ra mới có thể nói là cảng biển hàng trăm năm.
2.8.4 – SINH-HOẠT NGƯ-NGHIỆP

Tuy bãi đánh cá diện-tích nhỏ ở khắp nơi, nhưng tính ra chỉ có 12 bãi cá chính tại các khu-vực ven bờ và 3 bãi cá trên các gò nổi ngoài khơi là có giá-trị hơn cả.




Hình 35 Các bãi cá chính của Biển Đông.
Các bãi cá chính thường có kích-thước lớn và tương-đối ổn-định trong đó đáng chú ý là các bãi ở Bạch-Long-Vĩ, bãi giữa vịnh Bắc-Bộ, ở Hòn Gió, Thuận An, Cù Lao Thu có thể khai-thác 15-20 nghìn tấn năm. Các bãi cá gò nổi vùng khơi chỉ cho sản-lượng khoảng 2-3 ngàn tấn năm. Ở Đông Nam Bộ và Nam Bộ, các bãi cá ở vùng nước xa bờ sâu trên dưới 50m có năng suất ổn-định hơn là ở vùng biển phía bắc. Một số loài cá có giá-trị kinh-tế cao thường tập trung ở đấy, thí-dụ như cá Nục (Carangidae), cá Hồng (Lutianidae), cá Mối (Synodidae), cá Chỉ Vàng (Selaroides leptolepis), cá Thu Ngừ (Seombridae), cá Mú (Serranidae) v.v...


Hình 36 Bản-đồ ghi-nhận mật-độ hải-sản vùng biển Việt-Nam

 Hải-Sinh-Vật có mật-độ cao nhất tại vùng ngoài khơi Vũng-Tàu, Nghệ-An, Thừa-Thiên, Cà Mau.


Những lần nghiên-cứu gần đây, đặc-biệt là cuộc khảo-sát bằng siêu-âm vào tháng 4 và tháng 5-1999 cho những con số ước-lượng đầu tiên về hải-sản một cách cụ-thể. Chuyên-viên của Trung-Tâm Phát-triển Nghề Cá Ðông-Nam-Á (SEAFDEC) dùng một con tàu nghiên-cứu chạy với vận-tốc đều-đặn là 10 gút (hải-lý/giờ) qua lại thành những luống trên biển. Trong khi tàu chạy, người ta cho máy trắc-lượng ghi nhận mật-độ của các hải-sinh-vật bằng cách đo hồi-ba của siêu-âm phát ra. Nguyên-tắc này giống như của sonar hay decca, chỉ khác là chùm sóng phát ra quét rộng lớn. Sonar hay decca cần hội-tụ chùm sóng vì mục đích là phát-hiện và theo dõi tàu địch.

Kết-quả được Rosidi Ali, Nguyễn Lam Anh, Vũ Duyên Hải, Shunji Fujiwara, Kunimune Shiomi và Nadzri Seman lập thành một báo-cáo khá dài với những điểm chính sau đây:

- Quan-sát tổng-quát vào khoảng 27.6% diện-tích thăm-dò đạt tới mật-độ hải-sản khá cao, vượt 20 tấn/km2 (tối-đa 113 tấn/km2, tối thiểu 0.1 tấn/km2)

- Trong khu-vực biển Việt-Nam được thăm dò, tổng-số hải-sản ước-lượng vào khoảng 9.26 triệu tấn với mật-độ trung-bình 15.93 tấn/km2.

- Sự phỏng-định được dựa trên giả-thuyết là loài cá thu Decapterus maruadsi được coi như hải sản chính bao-phủ khắp vùng. Cá thu này được tính làm căn-bản, có chiều dài 15.4 cm và nặng 63g.30

Trong việc Tuyên Truyền Biển Đảo, kế-hoạch 35 /KH/MTTƯ ngày 25 tháng 9 năm 2003 của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ghi nhận rằng: Nước ta có bờ biển dài 3.260km, ven biển có 22 vịnh, có 112 cửa sông lớn nhỏ. Tuyến biển có 28 tỉnh, thành phố gồm: 109 huyện, thị xã với 511 xã, phường (trong đó có 11 huyện đảo, 49 xã đảo) với khoảng 20 triệu người sống ở ven bờ và 17 vạn người sống ở các đảo (ngư dân làm nghề biển có khoảng 370,000 người). Có trên 90,000 chiếc tàu thuyền các loại hoạt động trên biển, trong đó chủ yếu là tàu thuyền hoạt động nghề cá, khoảng trên 80,000 chiếc.

Như vậy nghề cá có lớn mạnh, đội ngũ lao động đang được nâng cao trình độ tay nghề về ứng dụng khoa học, công nghệ, trang bị cho các đội tàu xa bờ.

Thế nhưng vì thấy xa trông rộng, Bộ Thủy sản đã kêu gọi việc khai thác ngư-nghiệp phải hợp lý, giữ bền vững cho các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Việc bảo vệ môi trường biển đã trở thành mục tiêu chiến lược lâu dài trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của nước ta.

Bộ cũng ra Thông tư số 03/2006/TT-BTS ngày 12 tháng 4 năm 2006, trong đó đoạn (e) viết những sự hạn-chế như sau:

e) Sở Thủy sản các tỉnh, thành phố ven biển tổ chức chỉ đạo thực hiện tốt kế hoạch khai thác hải sản hàng năm của địa phương; phấn đấu trong cả nước đến năm 2010, số lượng tàu cá giữ ở mức 50,000 chiếc, trong đó tàu có công suất máy lớn hơn 75CV không quá 6,000 chiếc, tàu có công suất máy từ 46-75 CV không quá 14,000 chiếc, tàu có công suất máy từ 21-45 CV không quá 20,000 chiếc; duy trì sản lượng khai thác trong cả nước giữ ở mức 1.5-1.8 triệu tấn, trong đó Vịnh Bắc Bộ khoảng 0,27 triệu tấn, vùng biển miền Trung khoảng 0,37 triệu tấn, vùng Biển Đông Nam Bộ khoảng 0,71 triệu tấn, vùng biển Tây Nam Bộ khoảng 0,2 triệu tấn, vùng giữa Biển Đông và hợp tác khai thác vùng biển quốc tế khoảng 0,25 triệu tấn.


2.8.4 – CÔNG NGHỆ ĐÓNG TÀU, MỘT ĐIỂM LOÉ SÁNG

Trong giai đoạn 1991 tới nay, số lượng tàu thuyền máy được đóng tăng nhanh, thuyền thủ công giảm dần: Năm 1991, tàu thuyền máy có 44,347 chiếc, chiếm 59.6%; thuyền thủ công 30,284 chiếc, chiếm 40.4%; đến năm 2003 tổng số thuyền máy là 83,123 chiếc, tổng công suất đã đạt tới 3,497,457 CV, gấp 5 lần so với năm 1991. Số tàu thuyền có công suất cao tăng khá nhanh, năm 1997, thời điểm bắt đầu triển khai chương trình vay vốn tín dụng đầu tư đóng tàu đánh bắt xa bờ, cả nước có khoảng 5,000 tàu đánh cá xa bờ, đến năm 2000 đã có 5,896 chiếc, năm 2003 có 6,258 chiếc.

Còn ngành công nghệ nặng đóng tàu lớn, nhờ cơ-duyên hãn-hữu, đã nổi lên như một điểm sáng chói. Gần đây, ngành công nghiệp đóng tàu đang có xu hướng chuyển dịch từ các nước châu Âu sang châu Á, đây là cơ hội rất lớn cho ngành công nghiệp tàu thủy và hàng hải nước ta phát triển. Từ chỗ chỉ đóng được tàu vài ngàn tấn dùng nội địa, nay Việt Nam đã đóng được tàu container, tàu hàng 11,500–12,500 tấn, các loại tàu hút bùn với khoang chứa 15,000 m3, tàu dầu lớn, tàu chở hóa khí lỏng.

Ông Andre Haspels, đại sứ Hà Lan nhận xét: “Việt Nam có những thuận lợi rất lớn để phát triển ngành công nghiệp đóng tàu. Đó là vị trí địa lý thuận lợi cho giao lưu hàng hoá, lực lượng lao động cần cù sáng tạo, đồng thời Việt Nam nằm ở khu vực có tốc độ tăng trưởng cao. Hiện nay, đã có nhiều công ty, chủ tàu ở châu Âu đang hướng tới Việt Nam để đặt hàng…”

Ngành đóng tàu Việt Nam đang phát triển một kế hoạch đầy tham vọng với mức đầu tư lên đến 3 tỉ đô la.

Theo Đài Tiếng Nói Việt Nam phát đi ngày Chủ nhật, 12/03/2006: Năm 2005 đánh dấu sự phát triển vượt bậc của ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam trên các lĩnh vực: Đóng mới, sửa chữa tàu thủy, vận tải, xây dựng, thương mại - dịch vụ. Hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vianshin) đạt mức tăng trưởng cao, giá trị tổng sản lượng đạt trên 11,000 tỷ đồng, tăng 47% so với năm 2004. Về mặt sản phẩm, Vinashin đang tiến hành đóng mới tàu 53,000 tấn, tàu 34,000 tấn xuất khẩu cho Anh, tàu 8.700 tấn xuất khẩu cho Nhật Bản, hoàn thành và bàn giao 1 tàu hàng 15,000 tấn, 3 tàu 12.500 tấn cho Vinalines, bàn giao 1 tàu 1,016 TEU cho Công ty vận tải Biển Đông, khởi công đóng mới tàu 22,000 tấn… Các cơ sở đóng tàu phía Nam như: công ty công nghiệp tàu thủy Sài Gòn đã đóng mới được tàu hàng 6,500 DWT, công ty đóng tàu và công nghiệp hàng hải Sài Gòn đóng mới sà lan 15,000 DWT…




Hình 37 Một chiếc tàu lớn sắp hoàn-thành.
Ngành công nghiệp tàu thủy thực-sự là niềm hãnh-diện Việt Nam, nước ta được xếp hạng thứ 11 trong các quốc-gia có công-nghệ này. Các con “tàu vĩ-đại” 100,000 tấn có thể sẽ nằm trong danh-sách sản-xuất không lâu. Thế nhưng nói về kỹ-thuật cao trong nghề thì Việt-Nam chưa tự-túc được. Mong rằng những “con tàu thành-trì bảo-vệ tổ-quốc” căn-bản, nhỏ bé nhất như hộ-tống-hạm 800 tấn hay nhỉnh hơn chút nữa là khu-trục-hạm 4,000 tấn cũng nhất-định phải là con đẻ 100% từ hải-xưởng Việt-Nam.

Hiện tại, trung tâm đóng tàu của thế giới đang ở Đông Á với ba nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc chiếm đến 85% tổng sản lượng, EU chỉ có 11%, các nước còn lại chiếm hơn 4%. Tuy nhiên, xét về giá trị, EU lại là khu vực chiếm một tỷ lệ doanh thu lớn nhất (gần 30%) do họ tập trung vào những loại tàu cao cấp như: tàu chở khí lỏng và tàu chở khách.

Bên cạnh những nước kỹ-nghệ khổng-lồ trên, Việt-Nam chỉ là thứ “bé con” học nghề, may được chia phần trăm nhỏ bé, nếu có cạnh-tranh thì sẽ bị thiếu hơi. Ngành đóng tàu Việt Nam có năng lực nhỏ bé, trình độ lạc hậu, đầu tư phân tán và manh mún, không có lợi thế so sánh, trong khi ngành này ngày càng đòi hỏi kỹ thuật cao và trở nên thâm dụng vốn.

Hai Ông Huỳnh Thế Du - Vũ Thành Tự Anh (TBKTSG), sau khi nghiên-cứu đã đề nghị: Nhà nước có thể xem xét mở rộng thêm cơ hội và phương thức đầu tư cho các đối tác nước ngoài, nhất là Hàn Quốc và Nhật Bản. Trên cơ sở đó thúc đẩy sự chuyển giao công nghệ và phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ hạ nguồn. Có như vậy, may ra mới có thể xây dựng được một ngành đóng tàu mạnh có khả năng cạnh tranh cao trong tương lai31.


3 – HẢI-SINH-VẬT BIỂN-ĐÔNG.

Động-vật chính ngoài Biển Đông là các loài chim, rùa, tôm cá.


3.1 – CHIM CHÓC.

3.1.1 - Biển Đông, Vùng bay của Di-điểu

Việt-Nam nằm trên bờ phía Ðông của bán-đảo Ðông-Dương. Động vật nước ta được xếp vào phạm vi “động vật viễn đông”. Bản-đồ ghi nhận Bán-đảo Ðông-Dương và Biển Ðông nằm ở khu trung-ương những đường bay thường-xuyên của các giống chim di-cư, gọi theo một tên quen thuộc của giới điểu-học là Đường Bay Á-Ðông / Úc-Ðại-Lợi “East Asian – Australasian Flyway”.

Có nhiều loại di-điểu nhận nước ta làm nơi tạm-trú trong cuộc đời nay đây mai đó của chúng. Nhiều loài chim từ Tây-Bá Lợi Á bay xuống cũng như Úc-Châu bay lên, ghé qua và tạm ngừng nghỉ một vài tuần hay năm ba tháng tại đây.

Người ta biết rằng động-vật di-chuyển để kiếm thực-phẩm. Khi mùa thay đổi, thường là vào mùa Ðông, đồ ăn khan-hiếm ở vùng vĩ-độ cao, thú-vật và chim-chóc đều đi tìm thực-phẩm. Giống chim nhờ bay nhanh, hợp thành đoàn cùng di-chuyển về phía xích-đạo có nắng ấm để kiếm ăn.

Ngỗng và Vịt trời bay rất xa ở cao-độ tới 29,000 feet, tức là cao hơn cả núi Everest. Bộ lông chúng giữ nhiệt rất tốt, ta dùng may áo ấm. Trước khi bay hay trong khi bay bị đói, mệt phải nghỉ lại, các loài di-điểu cần ăn thật nhiều để có sức thực-hiện cuộc hành-trình. Có con tăng trọng-lượng thân-thể lên tới gấp rưỡi.

Trong hơn 200 loài chim tham gia vào đường bay này có nhiều chim biển, chim nước. Đặc-biệt một số chim quý gồm 15 loài di-điểu đang bị đe doạ tuyệt-chủng trên thế giới cũng tìm thấy ở Việt-Nam. Những loài tiêu-biểu thuộc họ vịt trời, cò, én… có tên khoa-học kèm Anh-Ngữ như sau:



Gaviidae

Loons

Vịt

Podicipedidae

Grebes

Cộc trắng

Phalacrocoracidae

Cormorants

Còng Cọng

Pelecanidae

Pelicans

Chằng bè

Ardeidae

Herons, Egrets and Bitterns

Diệc

Ciconiidae

Storks

Hạc

Threskiornithidae

Ibises and Spoonbills

Cò Thìa

Phoenicopteridae

Flamingos

Hồng- hạc

Anatidae

Swans, Geese and Ducks

Ngỗng

Gruidae

Cranes

Sếu

Laridae

Gulls, Terns and Skimmer

Hải-âu

Rallidae

Rails, Gallinules and Coots

Cuốc

Charadriidae

Plovers

Óc cau

Heliornithidae

Finfoots

Chân bơi

Scolopacidae

Sandpipers

Rẽ

Dromadidae

Crab Plover

Choi choi

Jacanidae

Jacanas

Gà lôi nước

Recurvirostridae

Stilts and Avocet

Phân họ Cà kheo

Glareolidae

Pratincoles

(Họ Dô nách)

Haematopodidae

Oystercatchers

Chim ăn sò, ốc




Hình 38 Ðường bay của di-điểu “East Asian – Australasian Flyway”.
Những loài chim sinh sống trên các bãi biển cũng có thể là các loài chim di-điểu tham-dự vào đường bay East Asian – Australasian Flyway. Ðó là những con chim ăn cua, ốc, dã-tràng, sò hến...

Chim di cư là một trong những yếu tố khiến dịch cúm gia cầm lây lan trên toàn cầu. Virus như H5N1 được mang từ châu lục này sang châu lục khác. Tuy vậy theo với “luật tiến-hoá” để sinh tồn, các loài chim hoang dã, kể cả chim di-cư đều có một số khả-năng miễn nhiễm với bệnh tật. Khi một con bị bệnh, cả đàn sẽ tách ra để tránh lây nhiễm. Chúng tiếp-tục tồn-tại sau hàng chục triệu năm trên trái đất này.

Vì sinh-hoạt của chim-chóc khác nhau, có con sống trong lục-địa, con ngoài đại-dương, con trên bãi biển, gần hay xa khơi ngoài biển. Người ta quan-sát và ghi vào tài-liệu hình vẽ như sau đây:


Hình 39 Một số loài chim của biển.
3.1.2 - Hải-Âu, bạn thân-thiết của người đi biển

Đối với người đi biển, hải-âu là loài chim mà họ thường gặp nhất khi hải-hành.

Các đảo là những nơi ẩn-trú của các loài chim biển, nhất là chim hải-âu. Chim bay ra biển kiếm ăn rồi trở về đảo, chúng đẻ ngay trên đất, không cần làm tổ. Trứng của chúng to hơn trứng gà, vỏ mỏng mầu trắng điểm nhiều đốm đen. Hải-âu trên Biển Đông (họ Laridea) không lớn lắm, ít con nào sải cánh (wing-span) tới 80cm. Người Việt chúng ta thường gọi chung các chim biển đủ mọi loại là "hải-âu". Thật ra, theo khoa-học, hải-âu có nhiều loại khác nhau.

Những chim Biển Đông không phải cùng họ với loài hải-âu to lớn Albatros (họ Diomedeidae). Vì chúng có đôi phần tương-cận, nên nhân-tiện đây chúng tôi xin kể vài tính-chất của loài hải-âu Albatros như sau:

- Là loài chim có cánh sải ra rất dài. Wandering Albatros đo được 12 feet (3.65 m) từ đầu cánh này tới đầu cánh kia. Chúng là loài chim lớn nhất khi bay. Dạng bay lượn của chim rất nhẹ nhàng đẹp mắt, chim bay xa nhiều ngàn hải-lý và sống lâu hơn hầu hết các loài chim khác. Một hải-âu được đánh dấu năm 1860, đã sống qua nhiều thập-niên cho đến khi bị ngẫu-nhiên giết chết vào năm 1894 tại đảo Faero Island (bắc Tô-cách-Lan).


Hình 40 Bề sải cánh của Hải-Âu Albatros, so sánh với người cao 6ft và chim hummingbird loại nhỏ.
- Nhờ cánh dài và hẹp bề ngang, chim rất giỏi liệng qua liệng lại nhưng vì đập cánh một cách khó khăn nên albatros thích sinh sống trong những vùng biển có gió mạnh.

- Là loài chim di-cư sinh sống trên đại-dương vùng Nam-bán-cầu, bay theo gió mùa vòng quanh thế-giới. Chim Albatros không có nhiều lắm ở Bắc-bán-cầu và người Âu-châu chỉ mới biết loài hải-âu này vào những thế-kỷ gần đây khi họ khởi sự giương buồm về Nam, đi thám-hiểm.

- Là bạn thân-thiết của người đi biển, hải-âu đôi khi liệng cánh bay theo tàu nhiều ngày liên-tiếp. Thủy-thủ kiêng-cữ việc giết hải-âu, tác-phẩm văn-học nổi-tiếng nhất đã bi-hùng-hóa niềm mê-tín này là "The Rime of the Ancient Mariner" của thi-hào Anh-cát-Lợi, ông Samuel Taylor Coleridge (1772-1834).

3.1.3 – Chim trên các đảo Hoàng-Sa và Trường-Sa

Về các loại chim trên các đảo ngoài Biển Đông, chúng được chia làm ba họ: Laridés, Stéganopodés và Zosterops. Theo Jean de Lacour và Jabouillé, người Việt-Nam thường gọi chim thuộc họ Zosterops là "Chim Sâu Nghệ". Hai ông thấy chúng trên đảo Phú-Lâm32.





Hình 41 Một loài chim thuộc họ Zosterops.
Chim Laridea sinh sống suốt đời ngoài biển, chúng chỉ dành một phần nhỏ cuộc đời trên hải-đảo. Theo sự tiến-hóa chân chim biến-đổi, có màng để bơi lặn trong nước. Đường thực-quản của chim có cơ-phận đặc-biệt để loại bớt chất muối hiện-hữu quá nhiều trong nước biển. Chim rất nhanh nhẹn ngoài biển cả, trên không lẫn dưới nước; nhưng di-chuyển chậm chạp trên bờ. Chúng không biết leo cây, thường đậu trên bãi, đẻ trứng trên cát và không làm tổ. Đời các hải-âu khá dài, chúng có thể sống tới 36 tuổi hay lâu hơn nữa.


Hình 42 Chim hải-âu thuộc họ Laridés.
Chim biển có thức ăn thường ngày là hải-sản nên phân chứa nhiều acid phosphoric. Chất này tác-dụng lên chất vôi là biến-chất của xác thân san-hô sau khi chết, tạo thành phosphate, song-hành với sự bay hơi của khí CO2. Chất phosphate này là một thứ phân-bón giúp cây cối có cơ-hội phát-triển nhanh chóng.
3.2 - RÙA VÀ SINH-VẬT TRÊN ĐẢO NGOÀI BIỂN ĐÔNG.

Bên cạnh chim biển, động-vật đáng kể đến là rùa biển.

Rùa biển sinh sản trong vùng nhiệt-đới. Rùa đẻ trứng vùi trong cát. Trứng rùa cần nhiệt-độ cao mới nở được. Đối với người Trung-Hoa thời cổ sống nơi vùng ôn-đới thì những con rùa to lớn xuất-xứ từ vùng Biển Đông xem ra rất lạ lùng với họ. Sử Tàu ghi-nhận chứng-cớ đó.

“Câu truyện "cống rùa thần" được chép trong sách Cương-Mục Tiền-Biên của Kim-Lý-Tường và sách Thông-Chí của Trịnh-Tiều, theo đó đời vua Đường-Nghiêu bên Tàu (2357-2258 tr T.C.), họ Việt-Thường có đến chầu và cống con rùa thần, sống tới cả ngàn năm, lưng có mang chữ viết ghi việc từ khi trời đất mới mở mang. Vua Nghiêu sai người chép lại gọi là lịch rùa"33.

Một loại rùa biển có giá-trị thương-mại đáng kể là đồi-mồi. Nhiều sản-phẩm rất mỹ-thuật làm bằng mai đồi-mồi bán được giá cao trong cả hai thị-trường quốc-nội và quốc-ngoại. Khi để lớn hết cỡ, mỗi con có thể cho tới 3.6 kg đồi-mồi.

Người dân duyên-hải, kể cả ngoại-nhân xâm-nhập bất hợp-pháp, đã khai-thác bừa bãi khiến cho giống đồi mồi đang suy-giảm rõ rệt và có cơ tuyệt-chủng.




Hình 43 Mai đồi-mồi rất đẹp, có giá-trị thương-mại.
Rùa biển khác với rùa sống trên cạn ở vài điểm như 4 chân biến thành vây để bơi. Rùa biển bơi lẹ làng và vì sự tiến-hóa, vây dài thêm không còn thu gọn lại được trong mai như rùa đất. Rùa biển có thể lớn tối-đa tới 6 feet (1.85m), sống lâu hàng trăm năm. Đồi-mồi nhỏ hơn, mai rộng chừng 80cm gồm nhiều miếng vẩy xếp như mái ngói. Vẩy đồi-mồi có vân mầu nâu óng ánh rất đẹp, dùng làm quạt, gương, lược, bìa sách... thật đẹp mắt. Đồi-mồi sống nhiều trong vịnh Thái-Lan, nhất là vùng Phú-Quốc.

Rùa biển nằm trong danh-sách các loài sinh-vật cần được bảo-tồn của tổ-chức Liên-Hiệp-Quốc.




Hình 44 Vít cũng như các loại rùa biển khác đẻ trứng trên bãi cát. Đẻ trứng xong, con rùa này đang trở ra biển.
Ngoài đồi mồi còn một loài rùa biển mà người ta gọi là con Vít. Ban đêm vít từ biển bò lên bãi đẻ trứng. Trứng vít lớn như trứng vịt, có thể ăn được. Muốn bắt Vít hay lấy trứng, người ta cứ đi theo những vết chân của nó như hai vệt bánh xe tăng kéo dài trên cát. Vít bị lật ngửa thường không tự lật lại được. Thịt vít cũng ăn được, lại có thể sẻ ra làm khô. Chúng đẻ trứng vùi dưới cát. Nhờ cát nóng, trứng nở ra vít con chạy tứ tán ra biển. Trên đường chạy ra biển như vậy, vô-số vít sơ-sanh bị chim ăn thịt nhưng vẫn còn nhiều con sống sót nhảy được xuống nước.

Cũng có chuột trên các đảo, loại to bằng chuột cống. Người đi biển cho biết ở đảo nào cũng có muỗi.

Theo các nhà Địa-chất-học như Linh-mục La Fontaine mà nhiều tài-liệu của ông được tra-cứu và trích-dẫn trong sách này, thì thú-vật sống trên các đảo của Biển Đông đều là các loài đã gặp trên đất liền. Ông R. Bournet (1937) đã tìm thấy rắn mối Emoia Atrocostatum tại Hoàng-Sa, loài này sống ở khắp nơi từ bán-đảo Mã-Lai qua Phi-luật-Tân và Đại-dương-Châu.



tải về 1.84 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   18




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương