MỤc thứ I thay lời tựa II địa-lý Biển Đông với Hoàng-Sa và Trường-Sa



tải về 1.84 Mb.
trang3/18
Chuyển đổi dữ liệu19.08.2016
Kích1.84 Mb.
#23677
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   18

2.3 - BIỂN ĐÔNG THUỘC ẤN-ÐỘ DƯƠNG?

Vào thời Thượng-cổ sang thời Trung-cổ, không có một vùng biển nào của Á-Ðông nổi tiếng trong giới thượng-lưu cũng như thương-mại Âu-Châu bằng Vịnh Bắc-Việt. Người giàu có hãnh-diện mỗi khi mua được những món hàng quý-giá mang về từ Ðông-phương.

Một thế-kỷ sau Tây-lịch, học-giả uy-thế Ptolemy vẽ bản-đồ thế-giới, ghi-nhận những địa-danh của "bán-đảo Vàng" Mã-lai/Đông-Dương, Biển Đông với Vịnh Bắc-Việt tận cùng về phía Đông của Ấn-Ðộ, Ông chú-giải chi-tiết và vẽ hải-đồ hàng-hải giao-thương với một Hải-cảng thuộc Giao-Chỉ, được ghi rõ rệt là Cattigara (hoặc Cattigara, Kattigara, hay Katigara) tọa-độ 177 độ Đông kinh-tuyến, 8 độ 30' Nam vĩ-tuyến.

Một chuyện hạn-hữu mang tính-chất lịch-sử đã xảy ra. Ðó là chuyện những bản-đồ Ptolemy được các học-giả Ả-Rập sử-dụng và nỗ-lực phổ-biến khắp nơi suốt thời-gian hơn 1,200 năm. Người ta tin-tưởng vào công-trình của Ptolemy đến độ một số sai-lầm trong tác-phẩm của Ông còn tồn-tại cho đến cuối thế-kỷ thứ 18. Trong những sai lầm đó, quan-trọng nhất là những yếu-tố địa-lý căn-bản của Vịnh Bắc-Việt bị nhiều nhà hàng-hải và cả một số nhà địa-lý lừng danh lập lại một cách lệch lạc đến 1,700 năm sau.




Hình 11 Biển Đông với hải-cảng chính Cattigara vẽ theo bản-đồ Ptolemy. "Ancient History Atlas" Michael Grant, Cartograph by Arthur Bank, Mcmillan Publishing Co., Inc., New York, 1971: 75.
Theo Ptolemy, Vịnh Biển Lớn (Signus Magnus - chỉ Vịnh Bắc-Việt hay rất có thể là cả Biển Đông) là một phần của biển Ấn-Ðộ. Hải-cảng chính của Vịnh này là Cattigara nằm bên bờ phía Ðông của Ấn-Ðộ-Dương cạnh hai con sông lớn. Tài-liệu của Trường Viễn-Ðông Bác-Cổ phỏng-định vị-trí hải-cảng Cattigara nằm trong khu-vực Quảng-Yên, Hồng-Gai22.


Hình 12 Họa-đồ Pháp phân-giải sự nhầm-lẫn về vị-trí và hình-thể Vịnh Bắc-Việt của các bản-đồ cổ Ptolemy.
2.4 – BIỂN ĐÔNG TƯƠNG-LAI, LÃNH-HẢI THÀNH LÃNH-THỔ

Xem xét qua các lý-thuyết như vậy, những nhận xét sau đây đáng được nêu ra:

- Biển Đông và Việt-Nam không những chỉ có liên-hệ trong thời hữu-sử mà sự liên-hệ mật-thiết còn phải kể từ thuở xa xưa hơn vào thời tiền-sử.

- Nước Biển Đông khi lên khi xuống, tuy đôi lúc làm giông-bão cuồng-loạn thổi trôi người vật, nhà cửa ra biển nhưng luôn luôn là cái nôi hiền dịu, thai-nghén và ấp-ủ văn-minh nông-nghiệp và hàng-hải của dân Việt.


Hình 13 Mực nước biển lên xuống trong quá-khứ. Nếu không có gì thay đổi, nước Biển Đông sắp bắt đầu khô cạn trở lại.
- Nước Biển Đông đã lên đến mức tối-đa. Khoảng chừng ngàn năm trở lại đây, nhiều nơi tại vùng châu-thổ sông Hồng-Hà và Cửu-Long-giang từng bị ngập nước. Đôi khi mực nước biển có thể đã dâng cao hơn hiện thời.

Trong một vài thế-kỷ tới, mực nước có thể tăng giảm, nhưng có tăng lên cũng một vài thước là cùng. Các vùng đất thấp đông dân-cư đáng lo ngại bị ngập lụt nhiều nhất là khu châu-thổ các cửa sông Mae Nam và thủ-đô Vọng-Các của Thái-Lan. Sau đó, nước sẽ phải rút xuống.

Trong vòng dăm ba ngàn năm tới, cả vịnh Bắc-Việt và Thái-Lan sẽ trở thành khô-cạn, người Việt chúng ta không còn có dịp theo mẹ lên núi nữa mà lại khởi-sự theo cha tiếp-tục tiến xuống Biển Đông.

- Thềm lục-địa chúng ta bảo-vệ hôm nay sẽ là lãnh-thổ để lại cho con cháu chúng ta sau này. Thời-gian tuy có thể nói là xa, nhưng cũng cần tiên-liệu bây giờ.

- Trong vòng dăm ba ngàn năm tới, khi nước rút xuống 20m, eo biển Malacca trở thành khô cạn. Biển Đông thực sự biến thành một cái biển nội-địa. Sự phồn-thịnh của các thương-cảng tại Tân-gia-Ba và Mã-lai-Á chìm vào quá-khứ. Nước biển sẽ không còn thoát ra Ấn-độ-Dương. Biển Đông chỉ còn thông được với Thái-bình-Dương qua eo biển Đài-Loan và có lẽ mấy rãnh nhỏ xuyên qua ngả Phi-luật-Tân mà thôi.

Tại vịnh Thái-Lan, hải-cảng Vọng-Các lùi dần vào đất liền, trở nên một giang-cảng. Khmer giống như Ai-Lao sẽ biến thành một quốc-gia nội-địa. Thái-Lan chỉ còn khu phía Tây thông ra được biển Andaman và Ấn-độ-Dương. Các hải-cảng Hải-phòng, Sài-Gòn mất dần tầm-mức quan-trọng. Tuy vậy nhờ nằm cạnh vùng biển sâu, Cam Ranh và các cảng miền Trung-Việt sẽ còn tiếp-tục hoạt-động và phát-triển mạnh. Tất cả khu-vực nội-địa rộng lớn từ Vân-Nam và Thái-Lan sang Ai-Lao, qua Khmer, tới Việt-Nam chỉ còn trông cậy vào sự thông-thương ra biển qua các cửa ngõ này mà thôi.




Hình 14 Hình-thể Biển Đông nếu nước rút xuống chừng 70m, lãnh-thổ sẽ rộng ra, nhiều hải-cảng ngày nay biến mất. (trích bản-đồ của National Geographic March 197).
Chỉ cần mực nước biển rút xuống 50, 60m; vịnh Bắc-Việt thành khô cạn, vịnh Thái-Lan thâu lại như một cái hồ nội-địa, và diện-tích lãnh-thổ Việt-Nam tăng lên gấp hai lần. Phần đất mới do thiên-nhiên sắp ban-phát này rất phẳng-phiu, không núi non rừng rậm. Với sự cần-cù nhẫn-nại cố-hữu của dân ta, hầu hết đất nước Việt-Nam với vùng đồng-bằng bao la sẽ phì-nhiêu xanh tốt kéo dài suốt dọc từ Bắc xuống Nam qua nhiều ngàn cây số.

Tuy vậy, khi diện-tích đất đai gia-tăng, dân-số toàn-thể nhân-loại cũng gia-tăng. Trong lúc diện-tích mặt biển suy-giảm, số lượng hải-sản cũng suy-giảm theo; nhiều đổi thay về môi-trường sinh-sống sẽ xảy ra và nhịp-độ tranh-chấp lãnh-thổ cùng hải-phận cũng tăng theo cùng với mực nước rút... Những luật-lệ đặt ra hôm nay không còn phù-hợp trong lúc đó. Vì thềm lục-địa thoai-thoải của mình, người Việt-Nam cũng nên tiên-liệu những gì xem ra lợi-ích hay tệ-hại cho các thế-hệ mai sau.

Sức người không tát cạn Biển Đông nhưng thuận vợ thuận chồng hòa anh em, thương đồng-bào, dân Việt hy-vọng vẫn trường-tồn và ngự-trị Biển Đông. Nếu khoa khảo-cổ đúng, tiền-nhân Việt ta đã tiền-tiến trong nhiều lãnh-vực, từng vẫy vùng trên mặt biển mênh mông thì hậu-nhân Việt sẽ vẫn tiếp-tục vững chắc tiến bước trên con đường đó cho dù Biển Đông có ngày khô-cạn.
2.5 – BIỂN ĐÔNG, NGÃ TƯ THẾ-GIỚI

Biển Đông hay Đông-Hải là một bán-nội-hải (semi-enclosed sea) nằm về phía Đông của Việt-Nam. Cũng có người gọi là Nam-Hải với ý-nghĩa rằng "biển của người (Việt) Nam. Vì biển này cũng ở phía Nam của Trung-Hoa nên bản-đồ quốc-tế thường ghi là South China Sea. Nói khác đi, danh-từ Anh-ngữ này (Biển Nam Nước Trung-Hoa) còn gợi ý cho những nhà hàng-hải hiểu rằng vị-trí nước Tàu nằm ở phía Bắc của "Biển Đông" này.




Table 1. Dimensions of Southeast Asian Seas




Area

Perimeter

Length

Water Body

(nmi2)

(nmi)

(nmi)

South China Sea

959,160

5,901

1,901

Gulf of Thailand

85,521

1,241

339

Gulf of Tonkin

46,961

1,050

268

TOTAL

1,091,642







Hình 15 Một vài con số về kích-thước của Biển Đông. Theo tài-liệu này, bờ biển Việt-Nam chiếm tới 35% chu-vi Biển Đông.

Biển Đông được bao quanh tới 90% bởi biển các nước Việt-Nam, Kampuchea, Thái-Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia, Brunei, Philippines, Taiwan và Trung-Hoa; trong đó phần bờ biển dài nhất là của Việt-Nam (2,828 hải-lý). Chỉ có 10% chu-vi của biển này (perimeter = 8192 nautical miles) thông-thương được ra các biển Thái-bình-Dương và Ấn-độ-Dương.

Theo tài-liệu của văn-phòng International Hydrographic Bureau, diện-tích Biển Đông vào khoảng 1,091,642 hải-lý vuông, bao gồm cả hai vịnh biển khá lớn là vịnh Bắc-Việt (46,961 hải-lý vuông) và vịnh Thái-Lan (85,521 hải-lý vuông). Chiều dài nhất theo chiều Bắc-Nam, tới 1,901 hải-lý.

Không có một vùng biển nào trên thế-giới với diện-tích tương-đương mà lại có tầm-mức quan-trọng về phương-diện giao-thông như Biển Đông. Muốn từ Thái-bình-Dương sang Ấn-độ-Dương, tàu thuyền phải chạy qua đây. Biển Đông nằm ngay trên ngã tư đường hàng-hải, từ phía Bắc (Trung-Hoa, Đài-Loan, Đại-Hàn, Nhật-Bản) xuống Nam (Mã-Lai, Nam-Dương, Úc-Châu) và từ Tây (Âu-Châu, Phi-Châu, Trung-Đông, Ấn-Độ) sang Đông (Nam-Dương, Phi-luật-Tân, Đại-dương-Châu, Mỹ-châu).

Thời xưa cũng như ngày nay, bao quanh Biển Đông là nhiều thương-cảng quốc-tế quan-trọng. Trước khi Trung-Hoa phát-triển hàng-hải vào thế-kỷ thứ 5, hải-cảng sầm-uất nhất của Biển Đông nằm trong vịnh Bắc-Việt vùng Hòn-gay Hải-phòng mà các nhà hàng-hải quốc-tế thường gọi là Cattigara (phiên-âm của các tên thời cổ như Kẻ Chợ- Kesho hay Cửa Gay).


Hình 16 Biển Đông mở ra Ấn-Độ-Dương với hải cảng chính Kattigara (thuộc Giao-Chỉ) theo bản-đồ Ptolemy.
Hơn một thế-kỷ sau Tây-lịch, Ptolemy tuy không vẽ hoàn-toàn bản-đồ thế-giới, nhưng sách của ông có ghi chép về sinh-hoạt của "bán-đảo Vàng" Mã-lai/Đông-Dương và Biển Đông. Hải-cảng tận cùng về phía Đông có đường hàng-hải giao-thương là thuộc Giao-Chỉ, được ghi rõ rệt là Kattigara (tọa-độ 177o Đông kinh-tuyến, 8o30' Nam vĩ-tuyến với kinh-tuyến gốc qua quần-đảo Canary)23.

Ngay trong thời-kỳ bị Tàu đô-hộ, người Việt vẫn tiếp-tục nắm giữ độc-quyền đường biển vùng Hoa-Nam và Biển Đông như đã từng nắm giữ từ hàng ngàn năm trước đó. Hàng-hóa xuất nhập Đông-Á đều qua cửa khẩu Giao-chỉ, bên chính-quốc Trung-Hoa lúc đó không có một hải-cảng nào quan-trọng. Các đoàn thương-nhân và ngoại-giao phương Tây sang Á-Đông đều ngừng lại bến cuối cùng là "Cattigara" ở xứ ta24.

Ngày nay, Trung-Cộng thường tuyên-bố người Tàu là giống dân đầu tiên khám-phá Biển Đông, khám-phá Hoàng-Sa. Sự kiện này chỉ có những người nào thiếu kém hiểu-biết mới tin-tưởng mà thôi. Trước khi người Tàu lập-quốc (chỉ chừng 3 thiên-kỷ trước Tây-lịch) thì nhiều ngàn năm đó, thổ-dân vùng Đông-Nam-Á đã đi đi, lại lại thường-xuyên trên Biển Đông, di-chuyển qua Đài-Loan, Nhật-Bản và đi ra cả các đảo ngoài Thái-bình-Dương.

Đường biển thời cổ nhộn-nhịp đến độ các dân-tộc cả một vùng rộng lớn có nhiều sinh-hoạt, kiến-thức, văn-hóa tương-tự. Qua đường hàng-hải, ngôn-ngữ các dân-tộc ảnh-hưởng lẫn nhau. Ngày nay bao quanh Biển Đông, người ta thấy các ngôn-ngữ hỗn-hợp giữa hai họ Nam-Á và Nam-Đảo mà nhà ngữ-học Wilhelm Schmidt đề-nghị góp chung lại và gọi là các tiếng Nam-phương (Austric).




Hình 17 Địa-bàn các ngôn-ngữ Nam-đảo hay Mã-lai Đa-đảo.
Trường-hợp tiếng Việt-Nam là một thí-dụ về sự pha trộn đó. Ngôn-ngữ ta được một số học-giả xếp vào gia-đình Việt-Mường, tức một chi của tiểu-họ Môn-Khmer, một số khác xếp vào chi Nam-Thái. Dù Môn-Khmer hay Nam-Thái, Việt- ngữ đứng về vị-trí địa-dư, thuộc họ Nam-Á. Tuy vậy lại có rất nhiều bằng-chứng hiển-nhiên về sự liên-hệ chặt chẽ giữa tiếng Việt và các thứ tiếng Nam-Đảo. Địa bàn các tiếng Nam-Đảo này trải dài hơn nửa vòng trái đất, từ đảo Madagascar, gần Phi-châu đến đảo Easter, gần Nam-Mỹ.

Đặc-điểm của họ ngôn-ngữ này là sự phân-tán tiếng nói nhờ vào đường biển mà trung-tâm khởi đi từ khu-vực chung quanh Biển Đông, khác hẳn các họ ngôn-ngữ khác truyền đi bằng đường bộ.

Trong khi nước Trung-Hoa thành-hình ở bình-nguyên sông Hoàng-Hà và còn xa lạ với biển, dân Việt đã sinh sống tại vùng duyên-hải phía Đông và Đông-Nam châu Á. Đặc-biệt dân-cư nền văn-minh Hòa-Bình (Bắc-Việt) rất giỏi hàng-hải, đã mang văn-minh đi reo rắc khắp vùng Biển Đông, xuống tận Nam-Dương và các quần-đảo phía Nam.


Hình 18 Ảnh-hưởng văn-hóa hàng-hải của người Việt (Yueh) thời cổ ở Đông-Á. Đường biển đi Nhật-Bản, buộc họ đi ngang Đài-Loan và đường đi Nam-Dương buộc họ qua Hoàng-Sa Trường-Sa. (Theo tài-liệu: A History of China, Wolfram Eberhard, 1977: 6-7).
Sử Tàu cũng ghi chép những chi-tiết xa gần liên-hệ đến những đường hàng-hải như vậy. Còn riêng người Tàu, họ chỉ mới bành-trướng xuống Hoa-Nam vài thế-kỷ trước Tây-lịch mà thôi.

Hiện nay, nhờ nằm trong vùng địa-thế đặc-biệt phát-triển hàng-hải như vậy, các quốc-gia láng giềng với ta như Mã-Lai, Tân-Gia-Ba đang trở nên những nước giàu có nhất nhì thế-giới. Việt-Nam tuy chậm hơn họ nhưng vẫn có cơ-hội tiến lên.

Nếu lấy giữa Biển Đông làm trung-tâm nhìn ra thế-giới:

- Trong vòng bán-kính 1500 hải-lý, ta thấy các thành-phố hải-cảng quan-trọng như Bangkok, Rangoon, Calcutta, Singapore, Djakarta, Manila, Taipei, Hongkong, Shanghai, Nagasaki.

- Trong vòng bán-kính 2500 hải-lý, ta thấy các thành-phố hải-cảng Madras, Colombo, Bombay, Bali, Darwin, Guam, Tokyo, Yokohama, Seoul, Beijing...

Nhìn kỹ vòng tròn 2500 hải-lý này, ta thấy nó bao trùm hầu hết lãnh-thổ các nước lớn có dân-cư vào hàng đông nhất trên thế-giới như Trung-Hoa, Ấn-Độ, Nam-Dương, Nhật-Bản. Sự cận kề của Biển Đông với gần nửa phần nhân-loại trong vòng tròn tương-đối hẹp 2500 hải-lý là ưu-điểm hàng đầu mà người ta không thể tìm thấy ở bất cứ một vùng biển nào khác trên thế-giới.




Hình 19 Vị-trí Biển Đông và thế-giới. Vòng tròn có tâm ở Biển Đông và bán kính 2500 hải-lý bao trùm gần nửa phần nhân-loại.
Trong các thế-kỷ vừa qua, những hải-cảng Việt-Nam như Cam-Ranh, Sài-Gòn, Hải-Phòng..., vì hoạt-động suy-giảm nên thường được xếp vào hạng những hải-cảng kém quan-trọng; đứng sau các cảng San Francisco, New York, Yokohama, Hongkong, Sidney, Singapore... Bước sang thế-kỷ tới, khi những vùng hậu-cảng nước ta giàu có thêm, kỹ-nghệ phát-triển và tầm khai-thác tài-nguyên của Biển Đông đạt đến đúng mức, thứ hạng quan-trọng của Cam-Ranh cũng như của các cảng Việt-Nam khác sẽ thay đổi hẳn.
2.6 – BIỂN ĐÔNG, HÀNH-LANG CHIẾN-LƯỢC

BẬN RỘN CỦA THẾ-GIỚI
Biển Đông là một trong những tuyến đường biển quan trọng nhất thế giới. Dưới góc độ giá trị kinh tế và chiến lược, eo biển Ma-lắc-ca cửa phía Nam của Biển Đông là một trong những tuyến vận tải biển quan trọng nhất trên thế giới, sánh ngang với kênh đào Su-ez hoặc kênh đào Pa-na-ma.

Báo Hà Nội Mới viết: Biển Đông là hành lang tàu thủy chính giữa Ấn-Độ-Dương và Thái-Bình-Dương, nối liền các quốc-gia Trung-Đông và Nam-Á với vùng Đông-Á. Hải-lộ này cũng nối ba nước đông dân nhất thế giới là Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a và Trung Quốc, và vì vậy được xem là điểm điều tiết giao thông quan trọng nhất ở châu Á25.

Hải-lộ quốc-tế Biển Đông nằm kẹt giữa hai quần-đảo Hoàng-Sa và Trường-Sa của Việt-Nam. Đây là một khu vực có ý nghĩa chiến lược trên hai mặt: ngoài các giá trị to lớn về nguồn tài nguyên thiên nhiên, các quần đảo này còn sở hữu một trong những hành lang biển quốc tế quan trọng nhất thế giới, nơi thông thương của ¼ nền thương mại thế giới.

Ví dụ, năm 1988, Biển Đông chiếm tám phần trăm tổng số lượng đánh bắt hải-sản của thế giới, một con số chắc chắn còn tăng lên. Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã dự đoán rằng Biển Đông chứa lượng cá và các nguồn dầu mỏ, khí gas tự nhiên có giá trị lên đến một nghìn tỷ đô la.

Vùng Biển Đông cũng là một trong những vùng có mật độ hàng hải đông đúc nhất trên thế giới. Trong những năm 1980, ít nhất có hai trăm bảy mươi tàu đi qua quần đảo Trường-Sa mỗi ngày, và hiện tại hơn một nửa tàu chở dầu siêu cấp của thế giới chạy qua vùng biển này hàng năm. Lượng tàu chở dầu chạy qua Biển Đông lớn gấp ba lần lượng chạy qua Kênh Suez và năm lần lớn hơn Kênh Panama; hai mươi phần trăm dầu thô thế giới được chuyên chở qua Biển Đông26.



Hình 20


Hình 21



Hình 22

3 hình trên vẽ về hải-trình và thống-kê lưu-lượng dầu thô, hàng-hoá ngang qua Biển Đông trích ra từ trang web U.S. Pacific Command: http://www.pacom.mil/about/mvp-statements.shtml
Bộ Năng Lượng Hoa-Kỳ và Bộ Tư-Lệnh Thái-Bình-Dương của Quân-Lực Mỹ đã phổ-biển tài-liệu và hình-ảnh nói rất rõ-ràng về tầm quan-trọng của hành-lang chiến-lược này.
2.7 – VỚI EO KRA, BIỂN ĐÔNG VN SẼ CÀNG THÊM BẬN RỘN

Các hải-lộ nối hai đại-dương Thái-Bình và Ấn-Độ đều phải đi vòng xuống phía Nam qua các eo biển Mã-Lai-Á và Nam-Dương. Các tàu thuyền nếu đi xuyên qua được eo Kra tại miền Nam Thái-Lan thì hải-trình sẽ ngắn lại được 2, 3 ngày.

Kế-hoạch đào một con kinh dài 12 km đủ sâu để tàu thuyền qua lại dễ-dàng đã được hoạch-định từ thời quốc-Vương Narai của xứ Thái Ayudhya vào năm 1677. Dù vậy cho đến nay, vì tình-hình an-toàn cho xứ sở phải cân nhắc, Thái-Lan vẫn do-dự, chưa dám cho khởi công đào sới. Các nước như Trung-Hoa, Nhật-Bản, Mã-Lai-Á, Đức, Pháp đã ngỏ ý tài-trợ hay đầu tư.

Trong tình-thế hiện nay, Trung-Hoa chắc-chắn phải coi vụ kinh-đào Kra rất quan-trọng cho chiến-lược cũng như quốc sách của họ. Người Trung-Hoa, vốn là chuyên-viên tài giỏi trong các công-trình trị thủy, khai kinh, đắp đập; chắc chắn họ đầy đủ khả-năng để thực-hiện dự án này.




Hình 23 Hải-lộ Kra sẽ cắt ngắn nhiều ngày đi biển qua lại giữa hai đại-dương Ấn-Độ và Thái-Bình. Phú-Quốc, Cà Mau, Côn Đảo, Cù lao Thu nằm sát bên hải-lộ quốc-tế này.

Kinh-đào Kra trước sau gì cũng sẽ phải thành hình. Hải-lộ quốc-tế này ảnh-hưởng rất lớn đến Việt-Nam trong tương-lai. Riêng Việt-Nam lại có chuyện quá khứ liên-hệ với eo đất này, (hay eo biển ngày mai?) từ những ngày trước công-nguyên. Sách Geography của Ptolemy ghi chép về những chuyến hải-hành trên Biển Đông đến "bán-đảo Vàng" Mã-lai/Đông-Dương. Hiếm hoi, ông cung-cấp cả tên một vị Thuyền-Trưởng nữa là Alexander.

Theo Đại-tá (Colonel) G. E. Gerini27, Vịnh Biển Lớn trên bản-đồ cổ (Magnus Sinus) khởi-sự từ Cape Ti-won (Mũi Kỳ Vân, Bà Rịa ngày nay) kéo dài tới Pak-hoi (Bắc-Hải, Trung-Hoa ngày nay), thời ấy có hai địa-phương tranh-chấp nhau là Giao-Chỉ và Champa. Ông Gerini chỉ danh rõ những địa-danh thương-cảng cũ trong sách Ptolemy với tên các cảng-thị mới dọc bờ Biển Đông của Việt-Nam ngày nay.



Hình 24 Bản-đồ này lược-duyệt lại chuyến đi của Thuyền-Trưởng Alexander đến Bán đảo Vàng, đồng thời giúp ta hiểu tạo sao hải-đồ thời đó vẽ Biển Đông là “Vịnh Lớn” có Katigara mở về hướng Tây.
Gerini giống như Anthony Christie28, cùng cho rằng Thuyền Trưởng Alexander có lẽ vượt qua eo đất Kra bằng đường bộ, rồi đáp thuyền khác tiếp-tục thẳng hướng Đông qua Katigara (vùng “Kẻ Thị Gay/Hồng Gay ngày nay). Nguyên-văn Christie viết như sau: “... sea-captain Alexander had made a voyage to Cattigara, a port which probably lay rather to the east of Saigon, and Ptolemy drew on his report for his Geography (Pl. 35). It is possible that Alexander took the land route across the Isthmus of Kra and did not sail around the Malay Peninsula...”
2.8 – CÔNG-TRÌNH XÂY CẤT, SINH-HOẠT BIỂN & BỜ

Một số công-trình xây cất đã được thực-hiện ngoài biển cũng như dọc bờ biển liên-hệ đến phòng-thủ và hàng-hải được đề-cập tới dưới đây:


2.8.1 – CÔNG-TRÌNH MỒ HÔI, NƯỚC MẮT

Những năm đầu khi người lính thủy ra đảo “chìm” Trường-Sa, nhà ở chỉ là cái thùng sắt lênh đênh trên mặt biển, còn gọi là "Bông tông", được neo đậu bằng dây chằng. Sau đó đến thế hệ “nhà cao cẳng" - tức là nhà sàn đậu trên những chiếc cọc bê tông. Rồi đến nhà kiểu "lò vôi" được xây dựng bằng "bê tông mặn". Nhưng ngày nay thì mọi chuyện đã khác. Nhà được xây kiên cố, có hệ thống bể chứa nước ngọt dùng quanh năm, có bồn trồng rau quả.





Hình 25 Vòng hoa tưởng-niệm những chiến-sĩ đã hy-sinh trong nhiệm-vụ gìn-giữ Biển Đông, kể cả những quân-nhân chết khi Nhà Giàn bị bão đánh xập.


Hình 26 Đảo chìm được xây-dựng thành đảo nổi.
Cho đến thập-niên 1990, nhiều hải-đăng được dựng lên giữa biển khơi giúp cho tàu thuyền hải-hành qua lại được an-toàn. Xếp hạng theo hệ thống bảo đảm an toàn hàng hải quốc tế, nhà đèn trên các đảo An Bang, Đá Tây, Đá Lát, Tiên Nữ là nhà cấp 2, riêng nhà đèn trên đảo Song Tử Tây là nhà cấp 1.



Hình 27 Có cả cầu tàu ngư-cảng lớn tại Trường-Sa.


Hình 28 Trường-Sa đi từ những những rạn san-hô, do sức người biến đổi thành nguồn sinh-lực quốc-gia. Những hải-đăng đồ sộ vươn lên giữa biển khơi.
Ðảo xa cũng nên kể Bạch-Long-Vĩ. Đảo này nằm gần trung-tâm vịnh Bắc-Việt, cách đất liền nước ta khoảng 110km, cách đảo Hải-Nam (Trung Hoa) khoảng 130km, cách đảo Cát Bà khoảng 95km và cách thành-phố Hải-Phòng khoảng 13km về phía Ðông Nam.

Ðảo Bạch-Long-Vĩ có chiều dài 4.5km, chiều ngang nơi rộng nhất là 1.6km, diện-tích 250ha (2.5km). Đảo trong chương-trình tái định-cư phát-triển rất mạnh, nay có chừng 1,000 dân-cư. Điểm cao nhất của đảo là 62m. Biên-độ thủy-triều trong vùng biển này tăng đến mức tối-đa 3.76m.

Ðây là một khu bảo-tồn biển. Tổng diện-tích là 550ha, trong đó diện-tích đảo nổi là 250ha và diện-tích mặt biển là 300ha, ấn-định vào năm 1995. Sau đó, Ngân-hàng Phát-triển Châu Á (Asian Development Bank, ADB 1999) đề-nghị tăng diện-tích lên 90,000 ha, trong đó diện-tích đảo nổi là 250ha và diện-tích mặt biển là 89,750ha.

Ðảo Bạch-Long-Vĩ là một trong những vị-trí chiến-lược quan-trọng nhất của Miền Bắc-Việt-Nam. Ðảo đứng đơn-độc, trong phạm-vi bán kính rộng tới 75km không còn một hòn đảo nào khác. Ðảo có hải-đăng, được trang-bị radar viễn-thám, là nơi cặp bến sửa chữa cho các thuyền đánh cá xa bờ. Kể từ ngày 13/8/1999. một trạm viễn-thông qua vệ-tinh (VSAT) đã được thiết-lập để giúp cho việc thông-tin liên-lạc với Hải-Phòng được dễ-dàng hơn.

Cuối năm 2003, công nghệ lọc nước biển thành nước ngọt được thực-hiện tại đảo. Kết-quả đầu tiên tốt đẹp trên Bạch-Long-Vĩ sẽ tiếp-tục trên các hải-đảo Việt-Nam khác. Sân bay cho phi-cơ nhỏ như Cessna và Trực-thăng lớn sẽ thực-hiện.



Hình 29 Bến cảng cá và Cầu tàu Bạch-Long-Vĩ được xây cất.



tải về 1.84 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   18




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương