MỤc lục phần mở ĐẦU


Công chúng quyết định vị trí của báo chí



tải về 0.51 Mb.
trang2/7
Chuyển đổi dữ liệu18.08.2016
Kích0.51 Mb.
#22777
1   2   3   4   5   6   7

1.2. Công chúng quyết định vị trí của báo chí

1.2.1. Sự tồn tại và phát triển của báo chí là do chính người đọc

Người phán quyết tối hậu cái gì là quan trọng và câu chuyện nào đáng được thuật lại chính là những người tiêu thụ báo chí, là công chúng. Thực tế, sự tín nhiệm của công chúng, của bạn đọc quyết định vị trí của các sản phẩm báo chí.

Theo xu thế phát triển, một mặt các phương tiện truyền thông đại chúng phải không ngừng thoả mãn nhu cầu ngày càng tăng của công chúng, mặt khác bản thân công chúng lại liên tục đặt ra những yêu cầu mới đối với hoạt động của hệ thống này. Đó chính là những đòi hỏi của công chúng trước cuộc sống, và những nhu cầu tinh thần ngày một đa dạng phong phú. Sự phát triển của khoa học công nghệ cũng mở ra những hình thức truyền tải thông tin hấp dẫn hơn. Cũng chính điều này đang là lý do tạo ra cạnh tranh quyết liệt giữa các cơ quan truyền thông đại chúng để làm sao ngày càng có thêm nhiều bạn đọc, người nghe, người xem.
1.2.2. Công chúng thay đổi, báo chí thay đổi

Trước khi phát hành một tờ báo hay cho ra đời một chương trình phát thanh, truyền hình, các cơ quan báo chí đều phải dựa trên nhu cầu của công chúng tiếp nhận thông qua thư, các cuộc điều tra.... Công chúng tiếp nhận thông tin từ những sản phẩm báo chí và họ có những sự phản hồi giúp cho cơ quan báo chí có sự điều chỉnh phù hợp. Nếu chương trình không hay công chúng sẵn sàng loại bỏ để lựa chọn một kênh thông tin khác phù hợp vì họ có rất nhiều kênh để chọn lựa.

Một khảo sát lần đầu tiên về độc giả Internet của hãng dịch vụ thống kê truy cập Nielsen/NetRatings công bố mới đây cho thấy 1/5 số người lướt web thích đọc báo mạng hơn các phiên bản phi trực tuyến. Cùng với sự phát triển chóng mặt của các công nghệ kết nối, giúp đẩy nhanh tốc độ truy tải, số lượng các tờ báo điện tử cũng nở rộ khắp nơi trên thế giới.

Công ty Gannett (Mỹ), nơi đã xuất bản hơn 100 tờ báo, thiết lập một nhóm chuyên trách để tạo ra một tờ báo kiểu mẫu sẽ hấp dẫn những độc giả thế kỷ XXI. Tin tức viết cho lớp độc giả mới, theo báo cáo của nhóm này, phải có những tính chất sau:



Hình thức bắt mắt: Tờ báo phải nhiều màu sắc, hấp dẫn, sinh động, thỏa mãn mắt người xem cũng như thách thức trí óc họ hoạt động.

Thông tin dày đặc nhiều tầng nhiều lớp: Những cột văn bản không đủ. Đồ thị, hình ảnh, biểu đồ, danh sách và phần tham khảo từ nhiều nguồn khác nhau sẽ thỏa mãn được những bạn đọc đói tin tức bổ ích mà lại bị áp lực về thời gian.

Tính tương tác: Cho bạn đọc biết cách cùng tham dự vào tờ báo, cách phản hồi tin tức, cách liên hệ với chuyên gia, với độc giả khác hay với chính tờ báo.

Tính liên quan: Cho những độc giả hoài nghi thấy tin tức thiết thực với họ như thế nào. Đưa những con người gần gũi với độc giả vào bài báo của bạn. Thuật lại tác động và tầm quan trọng của tin tức.

Tính đa dạng: Xã hội có nhiều mặt hơn là những gì tin tức phản ánh. Hãy chắc rằng bạn bao quát được toàn bộ cộng đồng.

Ngoài những nội dung chuẩn mực của tin tức địa phương và thế giới, nhóm chuyên trách này đã đề xuất những chủ đề có thể giúp người đọc trong đời sống hằng ngày – bao gồm tin tức về mua sắm và tiêu dùng, về Internet và kỹ thuật, sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình, sự hòa hợp giữa tâm hồn và cơ thể, và tạo ra được những cộng đồng.


1.3. Báo mạng điện tử và công chúng báo mạng điện tử

1.3.1. Ưu thế của báo mạng điện tử so với các loại hình truyền thông khác

Bảng 1.1. So sánh giữa báo điện tử với báo in, phát thanh và truyền hình.

Báo in

Báo mạng điện tử

Chậm (Tính định kỳ)

Tương tác thấp

Hạn chế bởi khuôn khổ

Quy trình sản xuất phức tạp, cồng kềnh

Kém bắt mắt

Chi phí sản xuất đắt

Không có tính đa phương tiện


Nhanh (Tính phi định kỳ)

Tương tác cao

Không hạn chế bởi khuôn khổ

Quy trình sản xuất giản đơn

Đẹp và bắt mắt hơn

Chi phí sản xuất thấp

Tính đa phương tiện cao

Có thể sử dụng đa ngôn ngữ




Báo phát thanh

Báo mạng điện tử

Tính đa phương tiện kém

Khả năng lưu giữ hạn chế

Thính giả tiếp nhận bị động

Thiếu chuyên sâu, lượng thông tin ít

Khó truyền đạt thông tin chuyên sâu

Độ sai lệch thông tin lớn

Khả năng tương tác hạn chế

Lệ thuộc nhiều vào yếu tố người phát thanh

Quy trình sản xuất thông tin tốn kém


Tính đa phương tiện cao

Lưu giữ tốt

Đối tượng tiếp nhận chủ động hơn

Lượng thông tin nhiều hơn

Dễ dàng truyền đạt thông tin chuyên sâu

Tương tác cao

Chi phí cho quy trình sản xuất thấp


Truyền hình

Báo mạng điện tử

Chi phí sản xuất cao

Khung thời lượng chương trình phát sóng nhỏ hẹp

Lưu trữ thông tin kém

Người xem bị động trong tiếp nhận

Khoảng cách giữa người tiếp nhận và người truyền thông tin cao.

Yêu cầu hình ảnh minh họa trong từng thời điểm cao

Quy trình sản xuất lâu, phức tạp


Chi phí sản xuất thấp

Không hạn chế khuôn khổ


Lưu trữ tốt, cho phép tìm kiếm

Đối tượng tiếp nhận chủ động


Từ những so sánh trên có thể nêu ra một số ưu thế nổi trội của báo mạng điện tử so với các loại hình báo chí khác như sau:

- Cập nhật từng giây (tính phi định kỳ)

Với báo in, kỳ phát hành tối đa cũng chỉ dừng lại ở 3 kỳ một ngày. Phát thanh truyền hình tiến xa hơn một bước, có thể truyền, phát thông tin trực tiếp song song với sự kiện nhưng lại đòi hỏi sự chuẩn bị chu đáo, công phu về nhân lực và nhiều trang thiết bị cồng kềnh, tốn kém.

Báo trực tuyến đã vượt qua những rào cản này và tỏ rõ tính năng động, linh hoạt có một không hai. Báo trực tuyến không mất thời gian chuẩn bị, không bị chậm trễ trong khâu in ấn, tổ chức phát hành…

Nội dung thông tin của báo trực tuyến không bị giới hạn trong khuôn khổ cố định, hạn hẹp trên mặt giấy, cũng không bị chế ước bởi nguyên tắc bất di bất dịch về thời gian và thời lượng phát sóng.

Thông tin của báo trực tuyến được lưu giữ dưới dạng tập dữ liệu trên đĩa từ nên có thể được bổ sung bất kỳ lúc nào, bất kể dung lượng bao nhiêu. Khả năng này khẳng định thông tin của báo trực tuyến là thứ thông tin “nóng” nhất, tươi mới nhất, đầy đủ nhất.

Thông tin báo chí trực tuyến phá vỡ tính định kỳ thường xuyên của các loại hình báo chí truyền thống khác. Đó là thứ thông tin không chỉ được cập nhật từng giây. Khi một sự kiện xảy ra, thông tin đầu tiên sẽ được thông báo và sẽ đến với công chúng và tiếp theo đó sẽ là sự bổ sung những tình tiết mới.

Đưa tin nhanh là một lợi thế và cũng là một tiêu chí hàng đầu của các báo điện tử. Những sự kiện thời sự nóng (breaking news) là trận địa nóng bỏng nhất. Họ thường huy động sức mạnh tổng lực cho những sự kiện này. Như mới đây việc trục vớt chiếc xe khách bị chìm từ đáy sông Lam (xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) được báo Tuổi trẻ Online tường thuật chi tiết là một ví dụ. Nhóm phóng viên của báo Tuổi trẻ, gồm người viết và phóng viên ảnh tay nghề cao được cử đến hiện trường để đưa tin cập nhật liên tục quá trình trục vớt chiếc xe và xác các nạn nhân.

Thông thường với các tin được dư luận quan tâm, để chạy đua đưa tin sớm nhất, trước hết, báo điện tử có thể chỉ chạy một cái tít và một câu mở đầu tin để thông báo sự kiện mới xảy ra. Sau đó họ mới bổ sung dần thông tin, ảnh, các dữ liệu khác. Thậm chí, với những sự kiện được công chúng quan tâm đặc biệt, báo mạng điện tử còn có thể tường thuật trực tiếp sự kiện bằng hình ảnh (web TV) và bằng chữ để độc giả có thể theo dõi liên tục sự kiện đang diễn ra.


- Khả năng đa phương tiện

Khả năng đa phương tiện của báo trực tuyến thể hiện ở sự kết hợp chặt chẽ hài hoà các yếu tố chữ viết, âm thanh, hình ảnh, màu sắc, đồ hoạ, hình khối… trong một sản phẩm báo chí. Khi tiếp cận một tờ báo trực tuyến, công chúng bắt gặp đồng thời sự có mặt của báo in, phát thanh, truyền hình. Không chỉ đọc được nội dung của thông tin, họ còn có thể nghe một khúc nhạc, xem một đoạn phim ngắn hay ngắm những bức ảnh sinh động minh họa…

Hiện nay, việc nghe các chương trình âm thanh hay xem video trên báo trực tuyến không còn là điều lạ lẫm. Trong thời đại công nghiệp hiện nay, công chúng không thể có thời gian để xem, nghe hết các chương trình phát thanh, truyền hình và như thế một số lượng không nhỏ những chương trình hấp dẫn đã bị bỏ lỡ. Song với những ưu điểm vượt trội của mình, báo mạng điện tử không những có thể lưu giữ và phát lại cho công chúng xem những chương trình hấp dẫn đó bất kỳ lúc nào mà còn giúp họ tự lựa chọn và sắp xếp những chương trình họ thích xem theo một thứ tự như ý muốn.

Trước kia, nếu thế mạnh của Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam chỉ là các chương trình phát thanh và kho dữ liệu âm thanh, thì nay, Đài Tiếng nói Việt Nam còn có Hệ phát thanh có hình và báo giấy. Là trong 4 phương tiện truyền thông của Đài phát thanh quốc gia, VOVNews có cơ hội khai thác, tích hợp những thông tin đa phương tiện để sản xuất thông tin của mình, nếu có được sự phối hợp tốt với các bộ phận khác trong Đài. Hiện mỗi tháng VOVNews khai thác và đưa lên mạng hơn 200 file âm thanh các loại gồm: âm thanh minh họa cho bài viết, thơ, bài hát, chương trình phát thanh, chương trình ca nhạc, kịch truyền thanh…

Theo khảo sát, hầu hết các tờ báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay đều chưa tận dụng và phát huy hết các ưu thế của loại hình. Trong tương lai chắc chắn các tờ báo mạng điện tử của Việt Nam sẽ chú ý nhiều hơn tới khả năng đa phương tiện. Đó không phải là sự xuất hiện rời rạc mà phải là sự kết hợp hài hoà giữa các yếu tố văn bản, hình ảnh (động, tĩnh), âm thanh, đồ hoạ… trong một sản phẩm báo chí. Bên cạnh việc biên tập, sưu tầm, phát lại các chương trình của nhiều kênh truyền hình, các trang web chia sẻ video thì các tờ báo mạng điện tử sẽ đầu tư để tự sản xuất ra các sản phẩm đa phương tiện của riêng mình.

Các đặc điểm tương tác trên báo mạng điện tử sẽ được tập trung khai thác vừa nhằm giữ chân các độc giả trung thành vừa kéo theo sự quan tâm của các độc giả mới.


- Tính tương tác cao

Hơn bất kỳ một loại hình báo chí nào khác, báo trực tuyến có tính tương tác cao thể hiện rõ ở tính đại chúng và thoả mãn được nhu cầu thông tin đa chiều của người đọc.

Theo lý thuyết truyền thông, tương tác qua lại giữa công chúng và toà soạn qua kênh thông tin phản hồi là một yếu tố quan trọng thể hiện hiệu quả truyền thông đồng thời tạo ra cơ sở để toà soạn điều chỉnh nội dung, hình thức thông tin theo hướng tăng cường chất lượng.

Ngoài ra, báo trực tuyến trội hơn phương tiện truyền thông đại chúng truyền thống ở khả năng gắn kết lưu giữ độc giả bằng hình ảnh phân phối báo theo yêu cầu. Khi người đọc bằng vài thao tác đơn giản như tiến hành đăng ký và cung cấp địa chỉ thư điện tử của mình cho toà soạn, toà soạn sẽ gửi bản tóm tắt số báo mới dưới dạng thư điện tử có chứa siêu liên kết với toàn văn nội dung.

Gần đây, tính tương tác của báo chí trực tuyến được nâng lên ở mức độ cao hơn: Tương tác trực tuyến. Công chúng ở khắp mọi nơi trên trái đất có thể tham gia vào quá trình giao lưu trực tuyến, được các nhân vật khách mời hoạc phóng viên trực tiếp cung cấp thông tin và giải đáp thắc mắc. Hình thức này ở Việt Nam đang được nhiều toà soạn báo chú ý khai thác. Tại VOVNews, báo điện tử của Đài Tiếng nói Việt Nam, các chương trình trực tuyến cũng được thực hiện khá thường xuyên.

Tính tương tác thu hút được độc giả vì “tính vô danh”, chỉ cần vài thao tác vô cùng đơn gian, người ta đã có thể bày tỏ quan điểm, ý kiến cá nhân của mình mà có thể không cần lộ diện.

Tính tương tác có thể góp phần làm phong phú thông tin trên trang báo. Khảo sát trên các trang báo điện tử lớn của Việt Nam hiện nay có thể thấy, nhiều thước phim nóng hổi, có giá trị do công chúng cung cấp chứ không phải do phóng viên thực hiện. Bởi thực tế, mỗi tòa soạn chỉ có một lượng phóng viên nhất định, trong khi công chúng thì có mặt mọi nơi, mọi lúc và có thể ghi lại được các sự kiện một các chân thực, tức thì. Điều quan trọng là mỗi tòa soạn cần tạo ra một “cơ chế” để thu hút sự cộng tác của công chúng.


- Khả năng truyền tải thông tin không hạn chế

Báo trực tuyến không có số trang hạn định, báo trực tuyến cũng không quan tâm đến thời gian, thời lượng phát sóng nên nội dung thông tin của báo trực tuyến có thể phát triển không giới hạn nhờ việc thiết lập các siêu liên kết.

Chính nhờ những siêu liên kết này mà đôi khi, chỉ cần một dòng thông tin vắn tắt hiện lên trên trang báo nhưng đằng sau nó là cả một kho tư liệu khổng lồ.

Một trong những thế mạnh mà báo trực tuyến dành cho độc giả là khả năng cho phép bạn chọn lựa thông tin ở bất kỳ đâu và khi nào bạn muốn. Với một máy tính và một cổng vào Internet, khán giả, độc giả không phải chờ đợi bản tin buổi tối trên tivi hay khi phát hành tờ tin buổi sáng.

Báo điện tử cũng cho phép một tính năng rất đặc biệt: Tìm kiếm. Với phát thanh và truyền hình thì đương nhiên là không thể, với báo in thì cũng vô cùng khó khăn nếu muốn lục lại thông tin từ các số báo trước. Với báo điện tử thì chỉ cần gõ từ khóa và click chuột; độc giả có thể tìm thấy ngay được bài viết từ rất lâu, hoặc nhiều bài viết về cùng một chủ đề đang cần tìm kiếm.

Tóm lại: Với những ưu thế rõ nét của báo trực tuyến so với các loại hình truyền thông đại chúng truyền thống, báo điện tử trên thế giới đang có bước phát triển nhảy vọt. Ở Việt Nam, với xu hướng như hiện nay, báo điện tử đã và đang trở thành một loại hình báo chí phổ biến và mạnh mẽ trong nền báo chí của đất nước.


1.3.2. Công chúng báo mạng điện tử

Công chúng của báo mạng điện tử có sự sàng lọc, đòi hỏi phải có trình độ, hiểu biết nhất định về Internet. Bên cạnh đó, người đọc báo phải có thiết bị máy tính nối mạng thì mới đọc, xem, nghe báo điện tử được.

Theo nghiên cứu của Hiệp hội báo chí Mỹ (Newspaper Association of America):

- Các độc giả thường xuyên của báo mạng điện tử đa số là người trẻ.

- Những độc giả báo trực tuyến thường có trình độ văn hoá cao hơn so với độc giả báo in và thu nhập bình quân của họ cũng cao hơn so với các đối tượng độc giả khác.
- Độc giả báo mạng điện tử thường không có nhiều thời gian và họ chọn cách cập nhật thông tin về các lĩnh vực khác nhau từ nhiều nguồn mà không chú trọng đến những bài phân tích sâu.

- Độc giả báo mạng điện tử thường không bị phụ thuộc bởi quy luật không gian hay thời gian. Họ có thể tự do chọn lựa tin bài cảm thấy hứng thú để đọc trước.


- Độc giả báo mạng điện tử thường đọc lướt qua các chuyên mục, đầu đề ở trang chính, tuỳ thuộc nội dung có hấp dẫn hay không họ mới quyết định đọc những bài báo cụ thể.

- Độc giả báo mạng thường theo dõi theo ý kiến chủ quan của mình, quan tâm và đọc kỹ hơn đến những lĩnh vực mà mình yêu thích trước tiên rồi mới đến những mục khác.

- Tính tương tác giữa các độc giả báo mạng điện tử thường rất cao. Nói cách khác, họ có nhu cầu trao đổi, chia sẻ, ngôn luận rất lớn, đặc biệt là thông qua “mạng xã hội ảo” (virtual social network).

Tuy nhiên, một nghiên cứu mới nhất tại Mỹ năm 2010 cho thấy những người đọc tin qua mạng Internet thường chú ý đến nhiều chuyên mục và bài viết hơn độc giả báo in. Kết luận này hoàn toàn trái ngược với những định kiến cho rằng người lướt web thường chỉ "xem lướt" chứ ít khi đọc kỹ. Cuộc thăm dò EyeTrack 07 do Viện báo chí Poynter Hoa Kỳ tiến hành cho thấy độc giả báo trực tuyến đọc khoảng 77% trang báo mà họ truy cập. Trong khi đó, tỷ lệ này ở báo in chỉ là 62%.

Theo bà Sara Quinn, Giám đốc dự án Poynter EyeTrack 07, đây là cuộc nghiên cứu lớn trên quy mô quốc tế đầu tiên, với mục đích là tìm ra những điểm khác biệt giữa cách đọc báo trực tuyến và báo in của độc giả. "Tôi đã rất ngạc nhiên khi tỷ lệ các bài viết (kể cả rất dài) đăng trên mạng được đọc nhiều đến vậy. Nó đã phá vỡ định kiến rằng độc giả web có sự tập trung và chú ý thấp hơn… Một khi đã click vào một tin/bài nào đó, gần 2/3 số độc giả báo mạng sẽ kiên nhẫn đọc cho bằng hết", bà Quinn cho biết. "Sức mạnh của những bài báo dài vẫn còn nguyên giá trị trên Internet đấy chứ".

Những kết quả nghiên cứu được tiến hành ở những thời gian khác nhau, cho người ta cũng có thể hiểu rằng, đặc điểm của công chúng báo mạng tiếp tục thay đổi.

Cuộc nghiên cứu mới đây của Poynter cũng cho thấy người đọc sẽ chú ý hơn đến những thông tin được trình bày dưới dạng hỏi-đáp hoặc liệt kê danh sách. Họ thích những bức ảnh báo chí, tài liệu hơn là ảnh chụp trong studio hay trên sân khấu.

Một phát hiện thú vị khác là độc giả báo in luôn đọc báo theo một nguyên tắc nhất định: từ trên xuống dưới chứ không nhìn ngang liếc dọc trang báo. Nếu chú tâm đến một bài báo nào, họ sẵn sàng đọc lại lần nữa. Nhưng đối với độc giả báo mạng, việc đọc tin diễn ra tự do, "phóng túng hơn".

Tại Việt Nam, một nhóm nghiên cứu của Vietnam Report vừa hoàn thành Báo cáo Nghiên cứu hành vi sử dụng Internet tại Việt Nam thông qua việc lấy ý kiến của gần 5.000 người được thực hiện trong thời gian 2 tháng (tháng 9 và tháng 10/2010). Các trang mạng thuộc đối tượng của cuộc điều tra là: Dantri, Vnexpress, Vietnamnet, Tuoitre, Thanhnien, Vnmedia, Zing, 24h, VTC. Kết quả cho thấy, đa số bạn đọc các trang báo điện tử tập trung tại hai thành phố lớn nhất nước đó là Hà Nội và TP HCM chiếm tỷ lệ lần lượt là 36,4% và 21,7%, các địa phương khác có tỷ lệ không đáng kể, phần lớn dưới 5%. Điều đó chỉ ra rằng, nhu cầu thông tin vẫn tập trung nhiều nhất ở hai trung tâm kinh tế chính trị và văn hoá lớn nhất cả nước, trong đó Hà Nội chiếm tỷ lệ áp đảo gần gấp đôi so với TP HCM (tỉ lệ là 62% và 38%).
1.3.3. VOVNews với thế mạnh mảng thông tin đa phương tiện

* Ứng dụng Nghe- Nhìn trên VOVNEWS

Trên VOVNews hiện tại, ngoài phần văn bản và hình ảnh, người truy cập còn có thể nghe các chương trình âm thanh và xem video clip.

Thuộc về loại hình báo chí hội tụ các thế mạnh của thời đại công nghệ số- báo điện tử VOVNEWS cũng đặt ra yêu cầu nghiên cứu, thay đổi và ứng dụng những tiện ích mới của công nghệ thông tin- truyền thông đa phương tiện (multimedia) để không ngừng “nối dài cánh sóng” Đài TNVN.

Sự thay đổi mang tính căn bản của VOVNEWS là việc thay đổi giao diện và trình duyệt mới (2.0) với nhiều tính năng ưu việt hơn trong việc ứng dụng multimedia đúng vào dịp kỷ niệm 63 năm thành lập Đài TNVN (7/9/2008). Tính ưu việt đó trước hết được thể hiện ở việc phát triển Nghe- Nhìn (cụ thể là Audio và Video), các phóng sự ảnh, chùm ảnh trên website.



- Audio

Năm 1993, chương trình phát thanh trực tuyến trên báo mạng điện tử xuất hiện đầu tiên trên thế giới. Tuy nhiên, chỉ khoảng 4 năm sau, những chương trình tương tự đã xuất hiện tại Việt Nam. Khai thác các chương trình đa phương tiện trên báo mạng điện tử Việt Nam tuy mới chủ yếu là nhằm mục đích giải trí và chất lượng của những chương trình đó cũng chưa thực sự làm hài lòng công chúng. Nhưng việc những từ báo mạng điện tử Việt Nam đã có những bước thử nghiệm đầu tiên trong việc khai thác tính năng mới mẻ này đã góp phần đa dạng hoá các phương thức truyền tải thông tin đến với công chúng của báo mạng điện tử. Nhiều độc giả của loại hình báo chí này đã dần quen với những cách thức tiếp cận mới như “nghe”, “xem” bên cạnh việc “đọc” đã quá quen thuộc. Có tới gần 10.000 đài phát thanh trên thế giới đã có website riêng để truyền tải chương trình của mình không chỉ trên sóng phát thanh mà cả mạng Internet.

VOVNEWS, hiện tại đang phát trực tuyến (streaming) các hệ phát thanh: Hệ thời sự chính trị tổng hợp (VOV1); Hệ Văn hoá- Đời sống- Khoa giáo (VOV2); Hệ Âm nhạc và Giải trí (VOV3); Hệ phát thanh đối ngoại (VOV5); Kênh phát thanh Giao thông Hà Nội và Kênh phát thanh Giao thông TPHCM. Thiết kế mới dựa trên tính năng đường truyền băng thông rộng khắc phục được chất lượng âm thanh bị nhiễu, ngắt đoạn và lệch chuẩn thời gian thực khi phát streaming.

Trong thời đại công nghiệp hiện nay, công chúng không thể có thời gian để xem, nghe hết các chương trình phát thanh, truyền hình và như thế một số lượng không nhỏ những chương trình hấp dẫn đã bị bỏ lỡ. Song với những ưu điểm vượt trội của mình, báo mạng điện tử không những có thể lưu giữ và phát lại cho công chúng xem những chương trình hấp dẫn đó bất kỳ lúc nào mà còn giúp họ tự lựa chọn và sắp xếp những chương trình họ muốn xem theo một thứ tự như ý muốn.

Đài TNVN đang sở hữu một kho băng khổng lồ với hơn 30.000 giờ âm thanh, những tư liệu bằng âm thanh mà không một cơ quan truyền thông nào của Việt Nam có được. Thế mạnh đó đã được VOVNEWS khai thác và đưa lên trang một phần.

Cụ thể, VOVNEWS đã hình thành 12 chuyên mục: Những tin tức thời sự; Tư liệu lịch sử; Âm nhạc; Dân ca; Cửa sổ tình yêu; Quick and Snow show, Tiếng thơ, Học tiếng Việt, Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm, Phóng sự, Kịch truyền thanh.





Hình 1.3. Giao diện trang âm thanh
Hầu hết các chuyên mục này đều đã trở thành “thương hiệu” của Đài TNVN trên làn sóng phát thanh. Việc đưa lên mạng những file âm thanh “chỉ có ở Đài TNVN” phần nào đáp ứng được nhu cầu của đối tượng là những khán thính giả gắn bó với Đài phát thanh Quốc gia và những độc giả yêu thích các chương trình phát thanh chất lượng cao.

Chỉ tính riêng từ cuối năm 2008 đến nay, hơn 2.000 file âm thanh các chương trình nổi tiếng, hấp dẫn đã được đưa lên VOVNEWS. Các file được định dạng MP3 và cho phép người truy cập download.


- Video

Hình ảnh động là một bước tiến lớn trong việc phát triển các trang web nói chung và báo mạng điện tử nói riêng. Việc tích hợp video (bao gồm hình ảnh động và âm thanh) là một yêu cầu quan trọng giúp báo mạng điện tử trở nên vượt trội so với các loại hình báo chí ra đời trước đó. Bản thân những đoạn video đã mang tính đa phương tiện (gồm cả hình ảnh động và âm thanh), được kết hợp thêm những tính chất sẵn có của báo in là hình ảnh tĩnh và văn bản, có thể nói báo mạng điện tử đã thâu tóm được toàn bộ những phương tiện ưu việt nhất của tất cả các loại hình báo chí từng có trong lịch sử.

Những sản phẩm báo chí có tích hợp những video cho người xem một cảm giác chân thật hơn nhiều so với chỉ những hình ảnh tĩnh hay văn bản thông thường. Nhận thấy được thế mạnh trên, VOVNEWS cũng đã thực hiện, khai thác và đưa lên trang các video clips theo 8 chuyên mục, trong đó có những chương trình được đầu tư rất công phu và độc đáo như các video clips bằng tiếng Anh với nội dung phản ánh đa dạng đời sống xã hội. Đến nay, đã có hơn 300 video clips được đăng tải trên VOVNEWS.

Bên cạnh đó, theo xu thế phát triển tất yếu của báo điện tử và nhu cầu thông tin của công chúng, những video clips do phóng viên, độc giả thực hiện bằng các phương tiện đơn giản như: Máy quay cầm tay, điện thoại di động… được đăng tải trên báo điện tử ngày càng nhiều nhờ vào tính thời sự và độc đáo của nội dung clips. VOVNEWS cũng đã thực hiện đăng tải những Clips như vậy trong một số bài viết, bên cạnh việc chèn các file âm thanh. Tuy vậy, trong giao diện cũ, cách trình bày còn chưa hấp dẫn khi chưa đưa được cửa sổ màn hình video và thanh công cụ (lệnh chạy, dừng…) trực tiếp mà phải nhấn vào đường liên kết. Vấn đề này đã được giải quyết trong giao diện mới.


- Phóng sự ảnh, chùm ảnh

Thành phần này được sử dụng nhiều và có vai trò quan trọng trong bài báo. Hình ảnh ở đây bao gồm ảnh chụp (ảnh phim, ảnh số) và hình hoạ. Tuỳ theo từng tờ báo mà định dạng và kích thước của những ảnh tĩnh đó được quy định dùng khác nhau. Những định dạng được dùng phổ biến hiện nay là GIF (Graphics Interchange Format) và JPEG (Joint Photographic Expert Group). Hình ảnh trên báo điện tử cũng có tác dụng tương tự như trên báo in truyền thống nhưng không hạn chế về số lượng màu khi thể hiện nên hình ảnh trên báo điện tử đạt độ trung thực cao.

Ngoài những ảnh mang tính chất minh hoạ, các ảnh tĩnh khác được chụp vào đúng thời điểm để làm nổi bật tính xác thực của thông tin, nó góp phần làm rõ và xác minh thông tin. Ngoài ra, những bức ảnh tĩnh ghi lại được những khoảnh khắc gắn liền với sự việc, sự kiện sẽ làm nổi bật cảm xúc, nhấn mạnh một điểm quan trọng trong bài báo, dễ dàng tạo ra cảm xúc đặc biệt đối với người truy cập.

Riêng với VOVNEWS, chuyên mục Phóng sự ảnh được duy trì đều đặn với hàng trăm phóng sự ảnh, chùm ảnh đã được đăng tải. Chủ đề phong phú, chất lượng ảnh tốt đã góp phần làm nên một chuyên mục ấn tượng và ngày càng thu hút độc giả. Qua điều tra mới nhất cho thấy, 33,1% số người được hỏi yêu thích chuyên mục Phóng sự ảnh (bên cạnh những lựa chọn khác).


*** Như vậy, rõ ràng nhận thức về vai trò của công chúng trong quá trình truyền thông đã có sự thay đổi quan trọng. Từ vai trò thụ động, công chúng báo chí đã trở thành một thành tố chủ động trong quá trình truyền thông. Họ là người tiếp nhận và tiêu thụ sản phẩm báo chí, là chủ thể sáng tạo sản phẩm truyền thông và có khi còn là người đồng sáng tạo sản phẩm báo chí. Khoa học kỹ thuật phát triển cũng ảnh hưởng lớn đến thói quen và phương tiện tiếp nhận thông tin báo chí của công chúng. Chính vì thế, nghiên cứu công chúng của mình trong bối cảnh hiện đại là một điều không thể không làm đối với mọi cơ quan báo chí, mọi người làm báo.

CHƯƠNG 2

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU ĐỘC GIẢ VOVNEWS
2.1. Nghiên cứu đối tượng độc giả- kinh nghiệm từ một số báo mạng điện tử nước ngoài

Để hiểu độc giả, các hãng truyền thông thường lập riêng một bộ phận chuyên nghiên cứu về độc giả; bên cạnh đó, họ thuê các công ty chuyên về nghiên cứu thị trường và truyền thông để nghiên cứu độc giả. Người ta thường sử dụng nhiều phương pháp như: phỏng vấn (qua thư, email, chat, trực tiếp, điện thoại), bảng hỏi (phát trực tiếp tận tay, phát lên website, phát qua email HTML), điều tra định tính, nuôi dưỡng phản hồi, thống kê, xâm nhập thực tế, dùng phần mềm phân tích web (tự xây dựng hoặc mua, thuê trọn gói), điều tra riêng cho web, điều tra trong tổng thể chung, khảo sát mẫu trên 1 nhóm nghiên cứu ...

Dưới đây xin nêu kinh nghiệm cụ thể việc khảo sát độc giả của một số cơ quan báo chí nước ngoài:

* Đài phát thanh quốc tế Đức Deuche Welle (DW)

Werner Neven, Trưởng ban Nghiên cứu thị trường và truyền thông của DW cho biết: Nhóm này có 13 nghiên cứu viên, tất cả đều thuộc DW. Họ dùng 1 công cụ phân tích web để đo lưu lượng truy cập. Công cụ này (hoạt động liên tục 24/7) cung cấp thông tin về ấn tượng đối với trang, các chuyến thăm, các bài viết hoặc mục ưa thích nhất, phân tích việc truy cập trong suốt cả ngày, nguồn gốc các khách ghé thăm, thời gian khách lưu lại trên web, v.v. Công cụ này do họ tự xây dựng về nội dung và thuê đơn vị kỹ thuật bên ngoài viết phần mềm.

DW cũng tiến hành phỏng vấn độc giả về mức độ tiện lợi của website DW và về các chương trình của họ. Khảo sát được thực hiện 1 đến 2 lần/năm, hoàn toàn do nhóm tự đảm nhận, từ thiết kế câu hỏi đến phân tích dữ liệu... Về cách thức, DW tiến hành điều tra thực địa (gặp mặt trực tiếp) hoặc qua điện thoại. Các nghiên cứu thực địa hướng tới mục tiêu phục vụ cả 3 loại hình truyền thông (radio, TV, online). Vì là Đài Đối ngoại, có đối tượng độc giả, thính giả ở nước ngoài nên DW phối hợp với các Viện nghiên cứu ở từng nước đối tượng, với chi phí dao động trong khoảng 20.000 đến 50.000 Euro (tương đương khoảng 0,5 tỷ VND – 1,250 tỷ VND)/một cuộc khảo sát. Quy mô mở rộng thì giá có thể còn cao hơn nhiều. Neven cho biết thêm nếu mua sẵn các kết quả nghiên cứu thì giá trung bình từ 10.000 đến 15.000 Euro (khoảng 250 triệu VND- 375 triệu VND).

Theo điều tra độc giả gần đây, độc giả DW thích tính năng cá nhân hóa trên website.



* Đài phát thanh Thụy Điển (SR)

Miruam Larsson, thuộc bộ phận nghiên cứu đối tượng của Đài phát thanh Thụy Điển ngay từ đầu đã khẳng định "việc nghiên cứu công chúng website không dễ chút nào". SR sử dụng các kênh sau để thu thập thông tin:

- Thu lượm số liệu về thính giả nghe đài qua web từ ngay cuộc khảo sát thông thường hàng năm về bạn nghe đài trên quy mô quốc gia. Các số liệu ở đây đại diện cho những người dùng máy vi tính thay cho máy thu thanh FM để nghe các kênh phát thanh của SR. SR có 4 cuộc điều tra chung như vậy trong 1 năm, nhưng công ty nghiên cứu thì gọi điện phỏng vấn quanh năm, ngoại trừ mùa hè và dịp Giáng sinh. Đối tượng khảo sát được hỏi về việc nghe đài vào “hôm qua”. Trong vòng 1 năm, phỏng vấn được chừng 70.000 người, tuổi từ 9 đến 79.

- Dùng công cụ kỹ thuật để đo lượng khách duy nhất (unique visitor). Hiện tại SR dùng 3 công cụ đo về kỹ thuật là Google Analytics, SiteCensus của Nielsen Online, và một sản phẩm tự xây dựng có tên là Topsy.

- Thu thập thông tin từ 1 cuộc điều tra tổng hợp cấp quốc gia (có tên là Orvesto Konsument), với diện khảo sát từ 40.000 đến 50.000 người mỗi năm. Cuộc điều tra hỏi về nhiều lĩnh vực, như thói quen tiêu dùng, sở thích và các giá trị, trong đó có hỏi về thói quen nghe-đọc-xem truyền thông đại chúng. Khảo sát này giúp SR nắm được cấu trúc nhân khẩu của các vị khách đến website họ.

-SR cũng khởi xướng 1 cuộc khảo sát web riêng. Xấp xỉ 2.000 người, từ 15 đến 74 tuổi, được hỏi về cách họ sử dụng và khai thác nội dung của Radio Thụy Điển. SR đang định làm việc này đều đặn, khoảng 3-4 lần 1 năm. Ngoài ra phòng Truyền thông Số của SR thi thoảng tiến hành khảo sát dạng pop-up, chủ yếu là về trải nghiệm của người dùng.

Dù đã có các kênh trên, SR vẫn trăn trở tìm giải pháp nâng cao một bước nữa chất lượng nghiên cứu, đặc biệt là đo đếm, các chỉ số kỹ thuật về bạn đọc.

*Đài phát thanh quốc tế Pháp (RFI)

Philippe Couve, chuyên gia truyền thông đa phương tiện nhiều năm làm việc cho RFI vừa rời RFI để sang làm cho Rue89, hiện được coi là báo điện tử độc lập hàng đầu của Pháp. Philippe Couve từng có thời gian làm việc với VOVNews. Anh cho biết: RFI tiến hành khảo sát định kỳ bằng bảng hỏi trực tuyến để biết về đối tượng của mình. RFI và một số đài phát thanh khác ở Pháp có sử dụng 2 cách đo công chúng:

- Qua mẫu khảo sát ổn định (gồm 120.000 người), được khảo sát hàng quý để cung cấp thông tin tổng quan về thị phần phát thanh. (tham gia vào “sân chơi” này, mỗi đài phải trích ra 1 phần kinh phí).

- Nghiên cứu cụ thể từng chuyên mục của Đài. RFI tiến hành thu thập địa chỉ email của độc giả- thính giả để gửi cho họ các câu hỏi điều tra về đài này (thực hiện từ 2 tới 3 lần/năm).

Đài RFI phối hợp với Đài BBC (đôi khi cùng với một số đài truyền hình quốc tế khác nữa) bỏ tiền ra tổ chức mỗi năm một số khảo sát ở 5-10 thành phố trên thế giới.

Pháp có 1 website (NetRatings Panel của Mediametrie) chuyên cung cấp thông tin nghiên cứu về độc giả trang web cho các nhà xuất bản, hãng truyền thông, và công ty quảng cáo nhằm giúp các thực thể này xây dựng kế hoạch chiến lược, cạnh tranh và truyền thông. Họ khảo sát theo một số chủ đề nhất định, ví dụ: có 1 mẫu tìm hiểu về dân Pháp lướt web, dự định khảo sát 25.000 người (9.000 người được chọn qua điện thoại và 16.000 qua mạng). Người ta khảo sát về địa điểm kết nối Internet (tại nhà hay nơi làm việc), thời gian truy cập…



* Đài phát thanh quốc gia Hà Lan (RW)

Bà Marijke Koeman, nguyên giảng viên Trung tâm Đào tạo Đài phát thanh Hà Lan, người làm việc tại Ban Internet của Đài này cho đến hết tháng 2 năm 2010 (hiện đã chuyển cơ quan), cho biết: website Đài Hà Lan (RNW) dùng phần mềm Google Analytics (miễn phí) và NetSat (phải trả tiền) để khảo sát thính giả, độc giả. Các công cụ này tự động tạo các bản báo cáo hàng tuần. RNW chia sẻ các kết quả của báo cáo này với tất cả nhà báo của họ và đôi khi có thuê chuyên gia phân tích sâu các số liệu thu được rồi trình bày kết quả của việc này trên mạng nội bộ (intranet) để mọi nhân viên đều được biết. Theo như những gì bà Koeman cho biết thì RW không còn tiến hành điều tra phỏng vấn ở ngoài (gặp trực tiếp, kiểu truyền thống) nữa và phán đoán tương lai họ cũng không muốn chi tiền cho cách này. Bản thân Koeman cho rằng điều tra kiểu cũ (gặp trực tiếp) không hiệu quả lắm và internet là 1 công cụ tuyệt vời để nắm được hành vi của người dùng web. Bà Koeman đề xuất nên thuê cơ quan bên ngoài phân tích các số liệu để có 1 góc nhìn mới và hiểu thêm về các xu hướng mới trong hành vi của người truy cập. Bà Koeman cũng đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết phải phổ biến các dữ liệu phân tích người truy cập đến mọi thành viên của tòa soạn. Thậm chí người sản xuất trực tiếp còn cần thông tin này hơn cả người quản lý, để có thể điều chỉnh cho phù hợp với người truy cập. Quan trọng hơn nữa, những người làm nội dung phải định kỳ ngồi lại với nhau để xác định ý nghĩa của các con số trên và có thể sẽ điều chỉnh việc sản xuất và trọng tâm nội dung.



* Đài phát thanh quốc gia Australia (ABC)

Ông Mark Colbert thuộc bộ phận nghiên cứu công chúng của ABC cho hay: Báo điện tử Đài phát thanh quốc gia Australia không tiến hành khảo sát online một cách thường xuyên. Tuy nhiên cơ quan mẹ - Hãng phát thanh truyền hình Australia thì lại tiến hành điều tra trực tuyến cho các kênh phát thanh đối nội khá đều đặn: ít nhất 1 lần mỗi năm. Lượng người tham gia vào các khảo sát này dao động trong khoảng từ vài trăm đến trên 10.000 người.

ABC có thuê ngoài một số công việc nghiên cứu. Chẳng hạn ABC có thuê 1 công ty chuyên môn khảo sát các trường học về việc sử dụng các chương trình ABC sản xuất riêng cho các lớp học. Bên cạnh đó ABC tiến hành khảo sát trực tuyến bằng 1 gói phần mềm có tên SurveyPro của hãng Apian. ABC không sử dụng phần mềm tự xây dựng. Họ dùng SurveyPro để thiết kế bảng hỏi rồi thu thập và phân tích dữ liệu.

ABC đặc biệt quan tâm nghiên cứu về mức độ dễ sử dụng của website – yếu tố được đánh giá có tác động mạnh đến việc phát triển website của ABC hơn bất cứ loại hình nghiên cứu nào khác. Trong đó có 1 mẫu thử nghiệm nhỏ được mô tả gồm 10 người được yêu cầu ngồi 1 chỗ và dùng website của ABC, tìm các nội dung thông tin trên đó. (mẫu thử nghiệm này kiểm tra độ khó/dễ khi truy cập website và phản ứng của người dùng đối với giao diện của website - màu sắc, phông chữ, cách bố trí nội dung...). Nghiên cứu dạng này được ABC thuê một hãng bên ngoài ABC thực hiện.



* Đài phát thanh KBS Hàn Quốc

KBS có Ban Chiến lược Nội dung nhưng họ không cung cấp các thông tin cụ thể khi nhóm nghiên cứu đề tài của VOVNews liên hệ hỏi. Qua các thông tin hạn chế thu được có thể thấy KBS dùng 2 phương pháp để nghiên cứu đối tượng:

- Khảo sát theo nhóm (panel). KBS thuê công ty nghiên cứu thu thập các nhóm tương ứng với các mẫu nhân khẩu. Mục đích là để so sánh với các đối thủ. Ở Hàn Quốc có 2 công ty hàng đầu chuyên về khoản này là Nielson Korean Click và Metrix.

- Phân tích web để đưa ra con số về lượng xem trang (page view). Phương pháp này thu thập và phân tích các log lưu trữ trên mỗi server mỗi lần có khách ghé thăm hoặc đăng nhập.



* Wall Street Journal:

Tại tạp chí Wall Street, các biên tập viên sử dụng dữ liệu lượng độc giả để đưa ra các quyết định về cách trình bày bài báo trên trang WSJ.com. Bài báo có nhiều người đọc sẽ được xuất hiện lâu hơn trên trang chủ. Ngược lại, những bài báo ít độc giả sẽ nhanh chóng bị chuyển xuống.



* Los Angeles Times:

Bên cạnh việc sử dụng công nghệ để tìm hiểu thói quen của độc giả, trang web của các tờ báo còn phát triển thêm nhiều phương thức mới để thuyết phục độc giả nói lên mong muốn của họ.

Thời báo Los Angeles sử dụng công cụ gọi là "đố vui tính cách" dành cho độc giả trên trang web. Công cụ này bao gồm một bài trắc nghiệm gồm 17 câu hỏi như "Thành công có ý nghĩa như thế nào với bạn" và đề nghị độc giả lựa chọn từ 12 bức ảnh. Nhờ đó, công cụ này giúp bổ sung thêm dữ liệu cho các tùy chọn cá nhân hóa đã xuất hiện trên các trang web trong vài năm qua. Cuối bài trắc nghiệm, độc giả sẽ được phân loại thành các kiểu tính cách khác nhau như "dynamo", tức là người "luôn luôn tìm kiếm những cuộc phiêu lưu mới để mở rộng chân trời và thoát ra khỏi vùng an toàn vốn có". Sean Gallagher, giám đốc điều hành các hoạt động trực tuyến tại Thời báo Los Angeles, nói: "Bài kiểm tra tính cách giúp tôi hiểu độc giả theo cách mà công cụ đo lưu lượng không thể làm được" và giải thích hiện nay báo này sắp xếp chuyên mục “Thể thao” cạnh “Ẩm thực” là do các khảo sát cho thấy mối quan hệ giữa 2 chuyên mục này.

Tại cuộc họp gần đây với các biên tập viên hàng đầu Thời báo Los Angeles, một hãng chuyên tư vấn giúp các công ty truyền thông tăng lợi nhuận từ các trang web của báo đã giới thiệu một phần mềm mới có thể thay đổi toàn bộ ngành báo chí. Nhờ phần mềm này, tòa báo sẽ biết được mỗi bài báo trực tuyến đang tạo ra bao nhiêu lợi nhuận mỗi khi độc giả click vào các quảng cáo bên cạnh. Tim Ruder, tổng giám đốc doanh thu của Perfect Market, một công ty chuyên phát triển phần mềm đếm số lần click vào quảng cáo, phát biểu: "Với việc sở hữu và công bố dữ liệu này, chúng ta đang thúc đẩy các cuộc đối thoại mang tính xây dựng".



* Washington Post:

Raju Narisetti, Giám đốc điều hành của các hoạt động trực tuyến của Washington Post, thừa nhận rằng công cụ đo độc giả giúp ông đưa ra quyết định sáng suốt hơn về việc sử dụng các tài nguyên trực tuyến. Narisetti nói: "Chúng tôi phải thường xuyên tự hỏi: Có thể làm những gì trên mạng trực tuyến để khiến các bài báo trở nên hấp dẫn hơn? Có thể dùng podcast không? Có thể tạo lập một gallery trực tuyến không? Có thể sử dụng chức năng cho phép người dùng tùy biến nội dung bài viết không?". Ông tin rằng các dữ liệu này rất có ích trong thời buổi hiện nay khi ngân sách cho các tòa soạn ngày càng bị thu hẹp. Narisetti cho biết năm ngoái, khi tờ Washington Post phải lên kế hoạch cắt giảm biên chế, ông đã tìm hiểu xem chuyên mục nào không hấp dẫn được độc giả. Và ông phát hiện ra các video dài có lượng người xem rất thấp, vì vậy ông đã giảm một số nhân viên ở phòng này.

Tóm lại, có thể nói các hãng truyền thông nước ngoài rất coi trọng công tác nghiên cứu đối tượng phục vụ của mình - độc giả, thính giả và/ hoặc khán giả (sau đây sẽ gọi chung là độc giả). Công tác nghiên cứu đối tượng của họ thường gắn liền với nghiên cứu thị trường; độc giả khi ấy cũng được xem như khách hàng. Và do vậy, việc nghiên cứu thường được tiến hành bài bản, tích cực. Tính chuyên nghiệp và sự đầu tư kỹ lưỡng trong công tác này có ngay từ các loại hình truyền thông truyền thống như báo in và báo nói. Đến kỷ nguyên số thì càng phát triển hơn nữa. Bản thân internet cũng trở thành công cụ điều tra hiệu quả và kinh tế cho chính loại hình báo chí mới này.

2.2. Nghiên cứu công chúng báo mạng điện tử ở Việt Nam

2.2.1. Tổng quan về người truy cập Internet ở Việt Nam- những độc giả tiềm năng của báo mạng điện tử

Internet tại Việt Nam đã chứng kiến một sự tăng trưởng nhanh chóng chỉ trong một vài năm trở lại đây. Từ năm 2003, số người sử dụng Internet cũng như số lượng các trang web tại Việt Nam đã tăng trưởng một cách ổn định, các nguồn lực kỹ thuật cho việc kết nối Internet cũng không ngừng mở rộng.

Theo số liệu của Trung tâm internet Việt Nam (VNNIC), số người sử dụng Internet ở Việt Nam là 25.099.411 người (thống kê tháng 7/2010). Tính theo tỷ lệ dân số thì số người sử dụng Internet tại Việt Nam chiếm 29,24% (căn cứ con số thống kê dân số Việt Nam đạt 85,847 triệu người vào tháng 4/2009).

Tỷ lệ này khá tương tự với các quốc gia khác như Trung Quốc, Philippines và Thái Lan. Tuy nhiên Internet tại Việt Nam đã chứng kiến một sự tăng trưởng nhanh chóng trong vòng vài năm trở lại đây, hơn hầu hết các quốc gia khác trong khu vực. Trong khoảng thời gian từ năm 2003 đến năm 2009, số lượng người sử dụng Internet trung bình tăng thêm 3,1 triệu người. Tỷ lệ tăng trưởng rất cao trong giai đoạn năm 2003-2006 sau đó chậm lại. Năm 2009 là năm đầu tiên có tỷ lệ tăng trưởng dưới 10%; tuy nhiên số lượng người sử dụng vẫn tăng gần 2 triệu người trong năm này.

- Tại các khu vực thành thị, khoảng 50% dân số có truy cập Internet. Tỷ lệ sử dụng ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh thậm chí còn cao hơn.

- Hai phần ba (2/3) số người sử dụng truy cập Internet hàng ngày. Họ sử dụng trung bình khoảng 2 giờ 20 phút trên Internet vào các ngày trong tuần. Thời lượng này thấp hơn một chút vào các ngày cuối tuần.

- Internet thường được truy cập tại nhà (75%) hay nơi làm việc (28%). Nhóm tuổi trẻ thường sử dụng tại dịch vụ Internet công cộng/quán cà phê Internet nhiều hơn (21%).

- So với tổng dân số, người sử dụng Internet nằm trong độ tuổi trẻ hơn, tỷ lệ nam giới cao hơn và thường thuộc thành phần kinh tế cao.

- 1/3 số người sử dụng Internet vẫn đang còn đi học và 40% là nhân viên văn phòng.

Còn theo số liệu trong bảng phân tích tình hình phát triển mạng Việt Nam trong tháng 7/2010 mà Phòng nghiên cứu và phân tích số liệu VNG công bố, thì lượng người dùng internet tại Việt Nam trong tháng 7/2010 là 31 triệu (tăng 3 triệu so với tháng 6).

NetCitizens đã tiến hành nghiên cứu khảo sát người sử dụng Internet ở thành thị Việt Nam trong khoảng thời gian tháng 10 và 11/2009. NetCitizens phỏng vấn 2.940 người sử dụng Internet tại 6 thành phố, cụ thể như sau:

TP HCM: 528 người

Hà Nội: 533 người

Đà Nẵng: 506 người

Cần Thơ: 419 người

Nha Trang: 459 người

Hải Phòng: 49 người

Bên cạnh đó, khoảng 3.000 thông tin nhân khẩu của những người không sử dụng Internet đã được thu thập (khoảng 500 người cho mỗi thành phố) để so sánh dữ liệu nhân khẩu của người sử dụng Internet với tổng dân số.

Trong các thành phố thực hiện trong nghiên cứu NetCitizens, tỷ lệ sử dụng Internet cao nhất là ở Hà Nội, nơi có hơn 60% dân số truy cập Internet. Tại thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ này là 50%. Còn ở các thành phố khác (Đà Nẵng, Hải Phòng, Nha Trang, Cần Thơ), tỷ lệ sử dụng Internet vào khoảng 40% mỗi thành phố. Như vậy nhìn chung tại các khu vực thành thị Việt Nam, khoảng 50% đã từng truy cập Internet.

Trong nghiên cứu NetCitizens, người sử dụng Internet là những người sống tại thành thị Việt Nam có độ tuổi từ 15 trở lên và đã từng truy cập Internet trong quá khứ. Do các cách định nghĩa khác nhau, tỷ lệ sử dụng Internet có thể không hoàn toàn đầy đủ như các nguồn dữ liệu khác (ví dụ như số liệu của VNNIC).

Người sử dụng lướt mạng Internet rất thường xuyên. Khoảng 90% người sử dụng Internet truy cập nhiều hơn 1 lần mỗi tuần, trong đó khoảng 70% sử dụng hàng ngày. Chỉ có một số nhỏ trong số họ (5%) sử dụng Internet ít hơn 1 lần 1 tuần. Mức độ sử dụng ở đô thị lớn tại Việt Nam (Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh) cao hơn các thành phố khác và tăng cao hơn ở các nhóm thành phần kinh tế cao.
2.2.2. Người truy cập Internet Việt Nam là ai?

- Độ tuổi và giới tính

Tất cả những số liệu liên quan đến dân số được định nghĩa trong nghiên cứu NetCitizen (dân số thành thị Việt Nam trong độ tuổi 15-64).

Người sử dụng Internet nhìn chung có độ tuổi nhỏ hơn nhiều so với độ tuổi trung bình của dân số Việt Nam. Trong 6 thành phố thực hiện trong khảo sát, độ tuổi trung bình của người sử dụng Internet là 29 (trong khi độ tuổi trung bình của tổng dân số là 36). Có 50% số người sử dụng Internet dưới 27 tuổi (con số này đối với dân số Việt Nam là 34 tuổi). Chỉ có khoảng một phần tư (1/4) người sử dụng Internet từ 35 tuổi trở lên.

Người sử dụng Internet tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có độ tuổi lớn hơn các thành phố khác. Tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang và Cần Thơ, độ tuổi trung bình là 26-27 tuổi, trong khi độ tuổi trung bình của người sử dụng Internet tại Hà Nội/ thành phố Hồ Chí Minh là 32/30 tuổi.

Internet phổ biến đối với nam giới hơn, 54% người sử dụng Internet là nam giới và 46% là nữ giới (trong khi tỷ lệ dân số tương ứng là 49:51). Vào các ngày trong tuần, trung bình mỗi người dùng Internet truy cập khoảng 2 giờ 20 phút. Nam giới truy cập Internet nhiều hơn nữ giới 20 phút. Người sử dụng có tuổi càng cao thì thời lượng truy cập càng giảm, và thời lượng tăng cùng với thành phần kinh tế cao. Gần một nửa (<1/2) số người sử dụng truy cập Internet hơn 2 giờ mỗi ngày.
- Thành phần kinh tế

Thành phần kinh tế của người sử dụng Internet cao hơn so với dân số nói chung. Hơn một nửa (> 1/2) số lượng người sử dụng Internet thuộc thành phần kinh tế A và B, trong khi dân số ở thành thị có tỷ lệ thành phần kinh tế A và B là khoảng 35%. Ngược lại, số lượng người thuộc thành phần kinh tế D và E của tổng dân số (35%) cao hơn so với người sử dụng Internet (17%).


- Trình độ học vấn và nghề nghiệp

Khoảng một nửa (1/2) số người sử dụng Internet đã hoặc đang học tại các trường đại học/cao đẳng. 8% có trình độ trên đại học, và 10% học tại các trường dậy nghề hoặc trung học chuyên nghiệp. Khoảng một phần ba (1/3) trong số họ ở trình độ trung học phổ thông (lớp 10-12) hoặc thấp hơn. Người sử dụng Internet ở các đô thị lớn ở Việt Nam (Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh) có trình độ học vấn cao hơn các thành phố khác.

Một phần ba (1/3) số người sử dụng Internet là sinh viên/học sinh. Tỷ lệ này ở các thành phố như Cần Thơ và Nha Trang cao hơn các đô thị lớn tại Việt Nam, vì dân số sử dụng Internet ở những thành phố này nhìn chung trẻ hơn. Trong số nhóm tuổi từ 15-24, 80% là sinh viên/ học sinh.

Nghề nghiệp chủ yếu của những người sử dụng Internet là nhân viên/ viên chức, hành nghề chuyên môn và công nhân nhà máy/người bán lẻ.

Nhìn chung khoảng 40% người sử dụng Internet có thể được xếp là trí thức và nhân viên văn phòng. Có 13% là công nhân.
- Nơi truy cập Internet và thời điểm truy cập

Hầu hết mọi người truy cập Internet tại nhà (75%). Những nơi khác mà mọi người thường hay truy cập là tại nơi làm việc (28%), và dịch vụ Internet hay quán cà phê Internet (21%).

Tại các đô thị lớn ở Việt Nam (Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh), người sử dụng truy cập Internet ở nhà nhiều hơn các thành phố khác, và tương ứng tỷ lệ truy cập từ các dịch vụ Internet/ quán cà phê Internet thấp hơn. Dịch vụ Internet chủ yếu là nơi truy cập của giới trẻ và những người thuộc thành phần kinh tế thấp.

Trong vòng 2 năm trở lại đây, việc sử dụng Internet tại nhà đã dần dần thay thế dịch vụ Internet/quán cà phê Internet. Truy cập Internet tại nhà đã tăng thêm 15%, trong khi cùng giai đoạn này lượng truy cập từ các nơi cung cấp dịch vụ truy cập Internet đã giảm xuống 10%. Lượng truy cập từ nơi làm việc tăng nhẹ và trở thành nơi truy cập Internet nhiều thứ hai (dữ liệu dựa trên việc sử dụng Internet vào các ngày trong tuần tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh).

Người sử dụng Internet tại Việt Nam đang có khá nhiều thời gian để lên mạng. Vào các ngày trong tuần, trung bình họ truy cập khoảng 2 giờ 20 phút. Vào cuối tuần, thời lượng sử dụng Internet giảm đi khoảng 10 phút. Khoảng 10% người sử dụng hoàn toàn không truy cập Internet trong các ngày cuối tuần. Tuy nhiên, trong số nhóm tuổi trẻ (15-24 tuổi), thời lượng sử dụng Internet không hề giảm trong các ngày cuối tuần.
- Các hoạt động trực tuyến của người dùng Internet Việt Nam

Theo nghiên cứu của VNG (7/2010), hầu hết các trang web tăng trưởng mạnh về người dùng và lượt xem đều thuộc về các cổng thông tin, trang tin tức giải trí và mạng xã hội. 24h.com.vn đang đứng đầu các trang tin tức với 8,2 triệu người dùng. Xếp thứ 2 là vnexpress.net (6,8 triệu người dùng). Xếp thứ 3 là dantri.com.vn (6,2 triệu người dùng). Tiếp theo là vietbao.vn và vietnamnet.vn.

Về mạng xã hội, Zing Me (me.zing.vn) đứng đầu với 5,1 triệu thành viên và 450 triệu lượt xem. Hai mạng facebook.com và yume.vn có cùng lượng người dùng là 2,6 triệu. Tuy nhiên, facebook.com có lợi thế hơn về lượt xem.

Ở phân khúc giải trí, đứng đầu các trang web âm nhạc vẫn là mp3.zing.vn với 8,2 triệu người dùng, đứng đầu các trang phim là phim88.com (1,6 triệu người dùng), đứng đầu các trang video là clip.vn (3,5 triệu người dùng).

NetCitizens đã tiến hành nghiên cứu khảo sát người sử dụng Internet ở thành thị Việt Nam trong khoảng thời gian tháng 10 và 11/2009. Còn nghiên cứu của Yahoo được thực hiện vào cuối năm 2009. Nghiên cứu của Yahoo Việt Nam và NetCitizens cho thấy:

• Hoạt động quan trọng nhất trên Internet là thu thập thông tin (đọc, xem tin tức). Hơn 90% đã từng sử dụng các trang web tìm kiếm và thường xuyên đọc tin tức trực tuyến.

• Giải trí (như nghe nhạc, xem phim, chơi game) cũng là các hoạt động chủ yếu. 76% người sử dụng Internet đã từng nghe nhạc và 40% đã từng xem phim trực tuyến. Các hoạt động giải trí quan trọng hơn đối với nhóm trẻ tuổi.

• Khoảng 70% người sử dụng Internet có sử dụng chat hay truy cập email. 40-45% đã từng sử dụng diễn đàn, blog và mạng xã hội.

• Các trang web mua sắm trực tuyến và đấu giá chưa được sử dụng thường xuyên.

Việc sử dụng các hoạt động và ứng dụng trực tuyến có sự khác nhau giữa các nhóm tuổi. Nói chung, những người trẻ tuổi sử dụng nhiều trang web hơn. Sự khác biệt lớn nhất có thể thấy ở chơi game trực tuyến, gửi tin nhắn và đăng bài trên diễn đàn/ blog. Những hoạt động này gần như được nhóm tuổi trẻ (15-24) sử dụng với mức độ thường xuyên gấp hai lần so với nhóm tuổi còn lại (25-65).

Tuy nhiên, một vài hoạt động không tuân theo mô hình này: đọc tin tức, sử dụng các trang web tìm kiếm, email, tìm kiếm việc làm và mua sắm trực tuyến đều được sử dụng bởi tất cả các nhóm tuổi với cùng mức độ.

Các kết quả được phân tích cụ thể như sau, theo 5 nhóm hoạt động chính của người truy cập Internet:



tải về 0.51 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương