Mục Lục Người em Xóm Học – 2 Hãy nằm im nghe … – Cổ Ngư – 18 Em vịt vàng nhỏ của tôi ơi – 25 Ba điều về Kiệt Tấn – Nguyễn Văn Lục – 33 Phụ đính



tải về 0.99 Mb.
trang7/7
Chuyển đổi dữ liệu20.05.2018
Kích0.99 Mb.
#38872
1   2   3   4   5   6   7

 

Tôi chạnh nhớ con chim sẻ nhỏ trong vườn chanh miệt biển. Con chim sẻ buổi trưa vắng lặng xập xòe đáp xuống mẩu bánh mì, cắn mổ, ngó chừng, sợ chết và ham sống. Không giải thích, đừng giải thích. Chỉ ham sống ,vậy thôi. Quá đủ. Hình ảnh thơ ngây, hạnh phúc. Giờ đây con chim sẻ đã bay đi mất rồi, và tôi luyến tiếc. Như tôi đã từng luyến tiếc và khóc đứt ruột Em vịt vàng nhỏ của tôi đã bị xe nhà binh cán nát bấy một chiều cuối năm trên mặt lộ đá, hồi tôi vừa được sáu tuổi. Hồi đó tôi còn có xóm nhỏ, tôi còn có quê hương và tôi không biết oán hận. Bây giờ tôi biết oán hận và tôi không còn xóm nhỏ, không còn quê hương. Cái đáng còn thì tôi mất, cái đáng mất thì tôi còn. Trong bất cứ cuộc chia tay nào, tôi vẫn ao ước mình là kẻ ra đi chớ không phải là người ở lại, nhưng rốt cuộc tôi vẫn thường đóng vai người ở lại. Cũng như hồi ở bệnh viện tâm lý, người ta đã giựt Evelyne ra khỏi tay tôi để chở nàng tới một bệnh viện khác dành cho những người điên hơn. Tôi ra băng đá ngồi ôm đầu khóc sướt mướt. Kể từ đó, không ai đem trả nàng lại cho Thằng Người Gỗ nữa.



 

Cũng như bây giờ người ta đem Gigi ra khỏi vườn chanh. Rồi kể từ đó…

Kể từ đó tôi không ngớt mơ màng được mơ lại Giấc Mơ Vọng Nguyệt. Tôi mơ màng được trở lại vườn chanh lần nữa.

Dù chỉ một lần

 

Anh như tiếng hát em như lời nguyền đẹp bao ước mơ



anh như lầu vắng em như ánh trăng gieo muôn ý thơ

muốn nói với em đôi lời trìu mến

tim anh băng giá đang ngại ngùng câu năm tháng mong chờ…”

 

Dứt câu hát, tôi cầm miếng đồi mồi run khua lẳng tẳng trên dây đờn măng-đô-lin sợi kép. Lòng ngất ngây mê mẩn, rào rạt si tình, bồi hồi lãng mạn. Tôi ao ước nàng còn thao thức để nghe tiếng hát thiết tha và ngón đàn khờ khạo của tôi. Bên kia biệt thự màu gạch nung cũ úa hai cánh cửa sổ trên cao đã mở toang, sáng trăng lọt vào phẳng lặng.

 

Dứt tiếng đàn dạo lại, tôi định hát tiếp bỗng thấy bóng người thấp thoáng ở vườn chanh bên dưới. Tôi buông đàn hồi hộp đi xuống. Không thấy ai. Tôi đi băng qua vườn chanh bây giờ bỗng trở nên rộng minh mông. Cuối vườn, một bóng người đứng lẫn khuất dưới tàng chanh lớn lù mù om tối. Tôi đến gần hơn. Bóng người rời khỏi vòm chanh bước ra chỗ trăng sáng. Tôi giật mình kêu khẽ “ Kìa dì Gigi!”.

 

Người đàn bà ngó tôi mỉm cười hiền hậu tươi tắn. Đầu dì quấn khăn, mình mặc áo ngủ màu trăng sáng bằng chất tơ mềm. Tôi còn đang chấn động tần ngần thì người đàn bà đã đưa tay lên đầu gỡ chiếc khăn quấn. Tóc dì Gigi xòa ra, dài hơn và bồng hơn lần gặp gỡ sau cùng, sáng chói một màu bạch kim óng ánh. Tôi định cất tiếng hỏi thì dì đã đưa một ngón tay lên môi ra dấu bảo tôi im lặng. Đoạn dì đưa ngón tay chỉ lên tít cao trên nóc biệt thự bên kia rào dậu. Tôi ngó theo thấy vằng vặc một vừng trăng sáng. Nguyệt bạch!

 

Tôi ngó hồi lâu, chợt thấy ánh sáng động đậy ở khung cửa sổ mở toang, rồi bóng một người con gái xuất hiện. Tôi giật mình quay lại ngó: dì Gigi không còn đứng đó nữa! Nhưng người con gái đã ra đứng tựa bên kia cửa sổ. Tôi leo qua rào dậu và lần mò trong khu vườn chanh nhà nàng. Chanh chín rộ thơm phức. Rồi bằng cách nào không rõ, tôi chợt thấy mình đang đứng trong ngôi biệt thự màu gạch nung cũ úa, ngay đầu cầu thang dẫn vào phòng nàng. Tôi nghe tiếng hát đâu đó :

 

hẹn em từ muôn kiếp trước



nhớ em mấy thuở bạc đầu

anh đã âu sầu vì đường tơ vương vấn

em để cung đàn

đưa anh về đâu…”

 

Tôi nhận ra tiếng của người hát. Tiếng hát của tôi. Tiếng hát của tôi hồi mười một tuổi. Tiếng hát tình si thuở ấu thời. Tim rộn ràng hồi hộp như mới lần đầu biết rung động vì con gái. Tôi bước hẳn vào phòng nàng.

 

Người thiếu nữ đang ngồi trên chiến ghế trường kỷ, áo lụa trắng tay rộng kết kim tuyến lấp lánh. Tóc nàng quấn cao có trâm cài hai bên, đầu trâm run nhẹ những hạt ngọc nhỏ màu trắng đục. Nàng ăn mặc như một cung nữ. Nàng có dáng dấp và điệu bộ của một cung nữ. Trước mặt nàng, trên chiếc bàn thấp chạm trổ bằng gỗ quý đen tuyền, một ấm trà và một chén ngọc dạ quang chói sáng long lanh, màu ngọc xanh trong veo phơn phớt ửng lộ. Trên mặt trà trong chén, lững lờ một vệt đen trông giống như chiếc hài nhỏ.

 

Nghe bước chân tôi tới gần, người cung nữ giật mình ngửng lên và vội vàng đưa tay áo lụa che ngang mặt. Tuy nhiên tôi cũng kịp bắt gặp trong ánh mắt nàng một cái nhìn rất quen thuộc – quen thuộc tới mức gần như âu yếm. Tôi nín lặng ngắm nàng, tim chùn theo nhịp thở, có cảm tưởng khoảng cách giữa tôi và nàng không hề có, không còn nữa. Không có thời gian, không có không gian, không có xiêm y, các mạch máu của tôi và nàng như đã giao tiếp. Nàng từ từ buông tay áo lụa che ngang mặt xuống. Cổ nàng thon dài trắng tinh, môi nàng cong hình trái tim mở hờ, mi mắt nàng bụp nhẹ mướt hiền như nhung. Tôi đã nhận ra nàng. Hoa! Hoa Bến Đò! Hoa người yêu đầu tiên của tôi lúc nàng mười lăm tuổi. Hoa người yêu mà trên môi nàng tôi đã hái nụ hôn đầu đời đêm hò hẹn trước hàng ba nhà nàng, ra về hễ nhắm mắt tôi thấy mình la dà bay bổng, kiểng đổ ngân nga trong đầu, đất trời choáng váng. Nụ hôn đầu đời, chỉ phớt nhẹ trên môi nàng, chỉ một lần, một lần thôi, mà vĩnh viễn. Tôi đã nhận được Hoa của tôi trong người cung nữ đó. Tôi chết lặng, lòng sung sướng quá đỗi, mọi lời nói đã lịm tắt trên môi mấp máy ngù ngờ.



Nàng cung nữ với bàn tay ngà dịu dàng cầm ấm trà lên rót vào chén ngọc dạ quang thánh thót. Chiếc hài nhỏ hiện lên rõ hơn, lộ ra hình dạng một chiếc thuyền lá. Nàng khoan thai đặt ấm trà lại bàn, tôi và nàng đều nín lặng. Từ trên thuyền chợt vẳng ra một điệu đàn măng-đô-lin run khua lẳng tẳng rồi một tiếng hát nho nhỏ cất lên – tiếng hát của tôi, của tôi ấu thời. của tôi khờ khạo hồi mười một tuổi mà đã si tình :

 

dư âm tiếng hát reo lên trong lòng anh bao nhớ nhung



đê mê lòng nhớ đêm qua giấc mơ môi em hé run

anh muốn thành mây nương nhờ làn gió

đưa anh đến cõi mơ hồ nào đây muôn kiếp bên nàng..”

 

Người cung nữ cúi xuống đưa hai ngón tay thon dài bốc nhẹ đứa nhỏ đặt lên lòng bàn tay mình – đầu mũi tôi thoang thoảng hương thơm của nguyệt quế nồng nàn gói trong trăm năm phím kiều diễm. Nàng cung nữ chăm chú nhìn chàng ca sĩ bé con. Đứa nhỏ tha thiết ôm cây đàn măng-đô-lin vào lòng và bật khóc, giọt lệ long lanh rớt xuống bàn tay ngọc đa tình. Nàng cung nữ chợt rùn mình rồi cả người nàng từ từ rã tan thành một vũng nước trong vắt… Cùng lúc, trên má tôi những giọt lệ nghẹn ngào cũng lăn xuống từ hồi nào không biết. Trước mắt tôi không còn gì nữa hết. Chỉ còn vũng nước trong suốt, đang bốc hơi thành bụi trăng mỏng lù mù.

 

Tôi đứng chết lặng như vậy không biết bao lâu. Chợt có tiếng hạc trong veo cất lên ngòai vườn chanh rồi tiếng vỗ cánh lướt qua khung cửa sổ. Tôi bước ra ngoáy cổ ngó theo. Trong vầng nguyệt bạch tròn sáng lung linh, bóng một con hạc thanh tú xòe đôi cánh rộng  màu bạch kim óng ánh đang giăng tay cùng nàng cung nữ thướt tha và chàng ca sĩ bé con tay cầm cây đàn từ từ bay về cung quảng. Những chấm đen xa dần, nhỏ dần, run khẽ rồi tan đi trong nguyệt huyễn mơ màng…

 

tích nhân dĩ thừa hoàng lạc khứ



thử địa không dư hoàng hạc lâu

hoàng hạc nhất khứ bất phục phản”

 

Chợt có tiếng lay động sau lưng. Tôi giật mình quay lại. Trong bóng tối hằng tịch của căn buồng còn thơm tho mùi nguyệt quế, chén ngọc bỗng cựa mình rực sáng chóa lòa rồi bùng vỡ như giấc mơ vọng nguyệt muôn đời giờ đã rã tan thành bụi trăng mơ mòng giả tướng.


Gigi đã chết.

 

Nàng cung nữ trong giấc mơ Vọng Nguyệt của tôi đã tan thành vũng nước trước trong vắt. Người thiếu nữ tóc bạch kim bên Cap Ferrat cũng đã trở vào đáy gương phản dọi bóng mình. Chỉ còn lại tôi và nỗi thắt thỏm lo âu cho Jacques, người bạn già của mình, với những buổi trưa quạnh quẽ nằm trong bóng tối lơ láo ngó trần nhà trắng tinh giữa căn nhà trống vắng. Đợi chết? Đợi cơn sợ hãi thường trực? Hay đợi Gigi trở về một đêm trăng sáng?



 

Tôi sẽ trở lại Villefranche? Tôi sẽ trở lại vườn canh lần nữa? Không rõ. Tôi sẽ trở lại bên cửa sổ ngôi biệt thự màu gạch nung cũ úa? Tôi sẽ mơ lại giấc mơ có người con gái đợi chờ dưới ánh trăng bên mái lầu cong vút? Tôi làm sao biết được!

 

Đập vỡ giấc mơ vọng tuyệt bên vườn chanh miệt biển trở về cuộc sống thường nhựt trong căn nhà của mình ở ngoại ô Paris, những đêm trăng sáng tôi thường tắt đèn ra đứng tựa trán lên cửa kiếng nhà mình ở tầng mười lăm ngó xuống vườn cây ngã bóng dã dượi trên thảm cỏ công viên trống vắng mênh mông bên dưới. Tôi vặn lại nho nhỏ bài Mưa rơi, từng giọt nhạc dội vào lòng tôi bồi hồi như một tối nào bên vườn chanh trời chợt sa mưa ngùi thương lắc rắc…Bâng khuâng! Nghe tiếng tơ dịu dàng, nhìn lá úa theo hoa tàn, khóc than phút giây lìa tan…tim chùn bước nhịp nhàng theo điệu tango dìu dặt, tôi nghe lại tiếng đàn măng-đô-lin run khua lẳng tẳng và tôi khóc lặng lẽ. Lòng rạn nứt. Biết rằng điều đó đã thực sự xảy ra rồi, không còn cách nào hàn gắn được nữa.



 

Ánh ngồi lẩn khuất trong bóng tối nhìn tôi lo âu thở dài. Những lúc đó tôi không muốn ai nhìn thấy mình khóc. Tôi muốn chỉ có mình tôi. Và ánh trăng. Và tiếng ca bỏ quên lại từ đời kiếp nào trong một dĩ vãng mù xa biệt vụt:

 

Nghẹn ngào miền nhớ nhau

thương xót ai trăng sầu bên mái lầu

hay đớn đau vì câu chờ kiếp sau

trăng úa mầu lệ dâng ướt ngàn sao…

 

Kiếp sau. Có chăng một kiếp sau. Như đã từng có một kiếp trước hoang đường, một thuở sáo ngọc sầu trăng, canh khuya Trương Chi si tình chợt buông tiếng hát – hay mơ thấy mình buông tiếng hát khi ngỡ thấp thoáng trong mộng mị của mình hình bóng một cô gái yêu kiều bên mái lầu vọng nguyệt rồi bỗng chợt si tình



 

ngày nào một giấc mơ

đâu những đêm trăng mờ

ai ngóng chờ

 

Một giấc mơ. Phải chăng tất cả chỉ là một giấc mơ. Giấc mơ vọng nguyệt. Đêm đêm vong nguyệt. Duyên khởi từ một kiếp xưa nguyệt ngủ mơ màng. Như giấc điệp mơ màng trong mộng mị trùng trùng củaCon Bướm Trang Sinh bên vườn chanh miệt biển./.


***

 

Những ca khúc trong truyện này trích từ “Trở về bến mơ” của Ngọc Bích. “Dư âm” của Nguyễn Văn Tý, “Mưa rơi”…



Điểm hẹn cuối năm
Giăng giăng mưa bụi qua phòng tuyến
Quạnh vắng chiều sông lạnh bến Tề

Quang Dũng 
Nhiều tiếng nổ ầm ì vẳng lại từ xa. Tiếp theo những loạt phản pháo chấn dội phát ra từ khu rừng trước mặt. Một đoàn xe nhà binh mở đèn từ phía Tân Cảng Sài  Gòn rầm rộ tiến trên xa lộ Bình Dương, kéo lê theo sau những thùng sắt khổng lồ chứa đựng quân lương và đạn dược. Bánh xe ép trên mặt lộ truyền từng cơn chấn động đến chỗ Cúc đang ngồi trong quán nước cạnh xa lộ. Chiếc xe quân cảnh mở đường hụ còi, đèn đỏ lớn hai bên vè chớp tắt cuống quít. Người lính ngồi trên xe nổ súng, đoàn xe dừng lại trước cuộn rào kẽm gai kéo chắn ngang con đường đất đỏ khá rộng dẫn vào rừng, hai người lính đứng sát hai bên rào gai. Gã quân cảnh bước xuống xe móc túi đưa lộ trình. Đoàn xe chậm chạp quẹo vào con đường đất đỏ, động cơ rầm rì. Cúc ngồi trong quán bên kia đường ngó qua. Cho tới lúc chiếc xe bọc hậu khuất sau đám bụi đỏ mịt mù. Trời xế trưa, nóng hực.

Chàng hẹn Cúc nơi đây, chiều cuối năm. Cấm trại một trăm phần trăm. Chàng nói chỉ có thể vọt ra gặp Cúc đọ nửa giờ rồi quay trở về đơn vị. Về Sài Gòn như mọi bận, không được. Hôm trước Cúc đòi theo chàng tới chỗ đóng quân cho biết. Chàng ô-kê. Chàng phóng xe jeep ào ào trên xa lộ Bình Dương. Cúc ngồi cạnh bên ở băng trước, ở băng sau là chú binh nhì Hiệp có ria mép đen, lưng đeo máy truyền tin, hai tay bấu lấy khẩu súng dựng đứng. Qua khỏi dốc cầu nhỏ có thành vuông bằng xi măng gồ ghề và lính địa phương quân đứng gác độ trăm thước, chàng xẹt qua bên kia xa lộ rồi đậu lại trước quán nầy. Quán lá có hai chiếc dù rơm xòe lớn bên hông vườn. Chàng nói giải lao xong sẽ đưa Cúc đến đơn vị. Chàng đứng trước cửa quán kêu lớn Sáu Cụt! Một người đàn ông tóc dài bận áo chim cò bỏ ngoài chiếc quần rằn ri, chưn đi dép Nhựt  Bổn, cánh tay trái cụt tới cùi chỏ, chạy ra ngó chàng đưa tay mặt lên chào theo kiểu nhà binh: “Dạ, Thiếu Tá gọi em”. “ Cho nước uống coi!”

Chàng đưa Cúc tới ngồi dưới chiếc dù rơm có bóng mát. Hiệp ngồi trên xe chờ. Uống nước xong chàng biểu Cúc đón xe lam ba bánh về Sài Gòn. Cúc phản đối, nói là chàng đã hứa đưa nàng đến xem đơn vị. Chàng nói sự có mặt của đàn bà luôn luôn làm mất trật tự giữa chốn ba quân. Cúc cãi nằng nặc. Chàng hỏi có muốn chàng làm như  hồi nãy không? Cúc đỏ mặt chịu phép.

Sáng nay Cúc thay chiếc áo dài trắng có vẽ bông cúc vàng dọc theo hông thân áo, điểm vài chiếc lá xanh non. Nàng nhờ đứa em trai chở Honda đưa nàng tới đây. Dọc đường xe dằn xóc, chiếc kính cận của nàng rớt xuống mặt đường bị chiếc xe đò phía sau trờ tới cán bể mát. Tiêu tùng! Giờ ngó xa chỉ thấy mờ mờ. Nàng chỉ đeo kiếng khi đi xem xi nê hoặc chép cua trên bảng đen. Đọc sách và làm bài không cần đeo kiếng. Nàng cằn nhằn đứa em mình sao không tránh ổ gà. Nó nói bốn năm ổ tứ tung tránh làm sao cho kịp. Nó ngồi lại cho có bạn với nàng tới trưa rồi vọt về Sài Gòn cho kịp hẹn với bồ. Nàng ngồi lại một mình. Lo sợ vẩn vơ và buồn buồn trong bụng. Nàng đưa cho Sáu Cụt cuộn băng nhựa nàng mang theo và nói hắn vặn lên cho nàng nghe cho bớt lẻ loi.

“Gác nhỏ nhiều lần nghe mơ ước riêng mình. Ước mơ lúc trong tay người thương. Sẽ chào mừng loài hoa trên vách trinh thường, những hoa hồng thắm như tình mơ…” Từ ngoài xa lộ một bầy xe Honda độ năm sáu chiếc lạng tới lạng lui, cười la chỉ trỏ, ập vào sân quán rú rồ ầm ĩ, đoạn tắt máy. Cả bọn con trai đi vòng qua phía hông quán chỗ có đặt hai chiếc dù rơm, kéo nhau vào quán nói cười, chửi thề nghinh ngang, kéo ghế ngồi vây quanh chiếc bàn đặt sát hông quán, ngó nghiêng sang bàn Cúc đặt dựa sát quầy. Một tên móc pháo đại đốt quăng qua ngoài sân nổ đùng một tiếng lớn khiến Cúc giật mình đánh thót. Cúc nghĩ thầm bộ súng nổ như vầy chưa chán tai hay sao mà còn đốt pháo. Một tên lén quăng pháo lăn tới sát chân Cúc. Pháo nổ, nàng giật mình thiếu chút nữa làm lật đổ nước trên bàn, Sáu cụt từ phía sau quán đi ra. Một chiếc pháo rớt trên bàn, lăn xuống vạt áo Cúc, nàng chỉ kịp phủi cho rơi xuống đất. Đùng! Áo nàng suýt cháy. Tuy nhiên ngòi pháo cũng đã làm cho áo nám một vết nhỏ. Sáu Cụt tiến về phía lũ con trai nghịch ngợm: 

- Thôi đủ rồi! Tụi bay để cho cô Hai yên ổn ngồi uống nước nghe chưa?

Một chiếc trực thăng lượn vòng vòng trên vòm lá dầy, động cơ lạch xoạch. Bỗng chiếc trực thăng chao mình chúi đầu xuống khu rừng mất dạng. Từ trong đường đất đỏ một chiếc xe cứu thương bít bùng hụ còi liên hồi phóng ra. Rào kẽm gai được kéo giạt sang bên. Chiếc xe quẹo trái trực chỉ Sài Gòn, tiếng còi hụ nghe sốt ruột, văng vẳng xa dần rồi tắt ngúm.

Cúc ngồi ở lại quán một mình. Những bài ca lại đưa nàng về hồi tưởng. Sau lần gặp gỡ đầu tiên, có bận nàng tò mò hỏi Liên, em gái chàng, về gia cảnh của Chinh. Tóm tắt, nàng muốn biết Chinh đã có vợ hay chưa. Liên nói chính nó cũng không biết. Cúc nói sao kỳ vậy. Liên nói thì bữa nay ổng đi với cô này, ngày mai ổng đi với bà khác. Rồi những lúc đóng quân lâu ở xa, buồn tình ổng lấy vợ đẻ con ai mà làm sao biết được. Có hỏi cũng như không.

Lần gặp gỡ thứ hai vào lúc xế trưa. Cúc và Liên đang dạo thương xá và bát phố Nguyễn Huệ thì xe thiếu tá xịt đậu lại trước mặt. Chinh lôi hai nàng vào Pôle Nord ăn kem giải khát. Xong hẹn tối đi ăn chả cá ở Tân Định. Con nhỏ Liên lại làm tài khôn đè cổ Cúc xuống nói nó gật đầu chịu rồi. Chàng thả cho hai nàng về nhà tắm rửa thay quần áo, hẹn sẫm tối tới đón nàng ở đầu xóm Nguyễn Thiện Thuật.

Tới giờ hẹn, Cúc bước ra đường, tay cầm quyển Mối Tình Của Nàng Tess d'Uberville - bản dịch Việt ngữ --- lóng ngóng có ý ngó tìm chiếc xe jeep dã chiến. Bỗng Liên từ phía sau chạy lại nắm lấy tay nàng kéo tới một chiếc xe đỏ sẫm đậu bên kia đường. Không biết Chinh đào đâu ra chiếc xế dân sự láng coóng. Chàng cũng ăn mặc dân sự. Chinh mở cửa xe, Liên đẩy Cúc vào ngồi cạnh bên chàng.  Chinh cầm tay lái. Phần con nhỏ ra ngồi băng sau với chú Hiệp, cũng ăn mặc dân sự. Chàng nói Cúc có hương thơm nhẹ thoang thoảng, đoạn rồ máy xe trực chỉ Tân Định.

Sau bữa ăn, Chinh thu xếp cho chú Hiệp đưa Liên về trước, rồi quay xe trở lại đón Cúc và chàng. Vứt điếu thuốc ra lối mòn rắc sỏi, Chinh bất thần đưa tay nắm lấy hai bàn tay Cúc áp lên môi mình. Chàng hôn nhẹ lên lòng bàn tay Cúc. Cúc không kịp phản ứng, kêu khẽ:

-Đừng anh! Đừng

Nàng không có can đảm rút tay lại:

-Đừng anh!.. Đừng… Cúc đã có hôn phu

Tay nàng đeo nhẫn. Tay chàng trơn tru sạm nắng, chai cứng. Chinh hôn mạnh trong lòng bàn tay thơm nhẹ dịu dàng rồi chống khủyu tay mình trên bàn, áp hai bàn tay Cúc trên má mình.

- Chuyện đó ăn thua gì tới anh? Người ta cưới nhau rồi còn bỏ nhau được thì nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ, hôn phu với lại hôn phối.

Cúc nghĩ thầm anh chàng nầy thiệt là vô luân. Nàng nhẹ rút hai bàn tay lại, nhìn hai bàn tay trơn tru của chàng, tò mò hỏi nhỏ:

-Anh đã có vợ chưa?

Chàng ngó thẳng vào đôi mắt mở to của nàng:

-Liệu anh nói ra Cúc có tin không?

Cúc nghiêm chỉnh:

-Anh nói thực đi thì Cúc tin anh.

-Cúc tin thì anh không nói, Cúc không tin thì anh mới nói.

Cúc hơi bực mình vì lối đối đáp kỳ quặc của chàng. Tuy nhiên, bị tò mò thúc đẩy nên nàng cũng đáp đại:

-Thôi thì Cúc không tin lời anh nói đâu. Anh trả lời Cúc đi.

-Cúc không tin lời anh nói, thiệt không?

Cúc gật đầu. Chàng đáp chậm rãi:

-Vợ lớn anh có rồi. Vợ nhỏ anh cũng có rồi. Nhưng mà anh chưa có bồ.

Anh chàng nầy giỡn mặt thực. Cúc hỏi:

-Bộ anh muốn cho Cúc làm bồ của anh đấy hở?

Và chàng gật đầu:

-Cúc làm bồ ai cũng vậy. Cúc làm bồ anh anh cảm ơn.

Nàng vùng vằng đứng dậy lách mình qua ghế bỏ về. Ra tới cổng quán, Cúc đứng dừng lại vài giây. Chinh không buồn rượt theo. Nàng hờn dỗi quẹo trái rồi bỏ đi lững thững trên con đường Chi Lăng, mong đón được taxi về nhà. Gió lùa vào tóc và cổ nàng mát rượi. Nàng chưa hết bực mình. Một chiếc xe dừng lại bên kia đường, đèn lái chớp chớp đỏ chói. Chinh băng qua đường. Nàng quay gót định đi ngược trở lại. Nhưng chàng đã theo kịp nắm chặt lấy cánh tay Cúc. Nàng kêu khẽ:

-Đau! Anh

Chàng nói ngắn gọn:

-Để anh đưa Cúc về.

Chàng phăng phăng dắt Cúc băng qua đường. Chinh mở cửa sau cho nàng lên ngồi một mình, Hiệp ngồi băng trước với chàng. Nàng bằng lòng nhưng vẫn chưa nguôi hờn dỗi. Làm bồ của Chinh! Trong lúc nàng đã đính hôn với Khải từ lâu. Ông tướng nầy ngang thiệt. Và tự  tin đến phát ghét. Cúc quay kiếng sau lên cho bớt gió.

Ánh sáng của đèn điện thành phố và bóng tàn lá cây hai bên đường thi nhau lấp loáng đùa giỡn trên tà áo Cúc. Xe dừng lại ở đầu xóm Nguyễn Thiện Thuật. Chinh bước xuống mở cửa sau đưa tay cho nàng vịn bước xuống. Cúc bước xuống, không vịn tay chàng. Nàng nói chỏ: “Thôi Cúc về”, rồi đi thẳng một mạch. Chinh chớp chớp đèn pha sau lưng nàng. Cúc quẹo ở đầu hẻm dẫn vào nhà. Trên tay trống trãi. Nàng sực nhớ đã bỏ quên cuốn Mối tình của Nàng Tess d'Uberville ở quán ăn. Thội kệ. Nhưng khi vừa đặt bước chân lên thềm nhà, Cúc tự hỏi mình giận Chinh vì chàng đã dám hỏi mình làm bồ hay vì chàng đã có vợ lớn lẫn vợ bé?

 

Cuộc tình mong manh chưa đẹp sắc thắm hoa hồng mà đạn thù in sâu cho tường trắng bỗng hoen mầu. Được tin bên chiến hào rằng người yêu không còn nữa. Trở về nơi xưa, trời còn giăng mưa cho đêm nằm tưởng ảnh xưa…” Trời đã xế chiều mà nắng còn hực nóng như chưa nguôi cơn giận lửa sắt phừng phừng đang trút xuống trên khu rừng trước mặt. Cúc bắt đầu lo sợ vẩn vơ cho Chinh. Một nỗi lo sợ mà nàng không dám kêu tên, nhận diện, hình dung.

Một bầy trực thăng lao chao lên xuống rậm rật trên vòm lá xanh um tùm có khói bốc, chiếc xuống tiếp tế, chiếc lên tản thương, không ngớt. Sáu Cụt ra đứng trước cửa quán ngó lên trời, tay che trên mày cho đỡ chói nắng, mắt nheo nheo. Bốn giờ chiều. Từ phía Bình Dương ào ào xô tới một đoàn xe tăng rầm rĩ, xích sắt chấn động làm rung rinh ghế Cúc đang ngồi, ly chai trên bàn va chạm leng keng. Cúc sốt ruột đứng dậy ra đứng bên cạnh Sáu Cụt. Đoàn xe tăng kéo lê theo sau mỗi chiếc một khẩu trọng pháo, nhiều cỡ khác nhau. Chiến xa dẫn đầu từ từ quẹo vô con đường đất đỏ, những chiếc sau nối đuôi, bầy rùa sắt chậm rãi bò tới, nặng nề, dọa nạt. Tiếp đến bốn chiếc cuối cùng có gắn liền ở tháp xe những khẩu trọng pháo dài ngoằn độ sáu bảy thước, theo sự ước lượng của Cúc, nòng pháo chĩa nghiêng chếch lên trời. Sáu Cụt lên tiếng:

- Đại bác 155ly! Kỳ nầy chắc đụng trận lớn à Cô Hai.

Cúc chợt cảm thấy đau lâm râm ở bụng, nỗi lo sợ cấu lên ruột nàng những vuốt nhọn. Đoàn chiến xa đã khuất dưới vòm cây và bụi đỏ. Cúc quay trở vào quán ngồi y lại như cũ, bỏ Sáu Cụt đứng một mình ngó dáo dác lên trời. Ngồi hiu quạnh trong quán vắng, những ý nghĩa về Chinh kéo về ám ảnh Cúc.

Chinh là một con chó hoang. Và là con chó hoang cứng đầu. Hay là chó điên không biết chừng. Sau lần Cúc bỏ ra về và quyết định không tới nhà Liên nữa, nàng tưởng đã yên thân. Một bữa. Hai bữa. Ba bữa… Rồi bốn bữa. Yên trí lớn. Đến bữa thứ năm, buổi tối khoảng tám giờ, bỗng từ đâu xuất hiện một quân nhân đi xồng xộc vào nhà Cúc. Người đàn ông dừng lại trên bực thềm, đưa tay gõ lên cánh cửa gỗ. Con chó cái trong nhà đánh hơi người lạ xông ra sủa inh ỏi. Bố nàng vừa ăn cơm tối xong, đang ngồi ở ghế trường kỷ hút thuốc lào giựt mình ngó lên, bỏ điếu cầy nạt con chó đứng dậy bước ra chào khách:

- Dạ thưa ông… thưa thiếu tá tìm nhà ai vậy?

Người đàn ông đáp:

- Dạ thưa cụ, đây có phải là nhà cô Cúc?

Ông cụ nhướng mắt:

- Dạ thưa ông tìm con Cúc nhà tôi có việc chi? (Thấy khách còn đứng). Mời thiếu tá vào trong nhà ngồi chơi.

Chinh đưa một bao thơ lớn cho bố nàng, nói là bài vở Liên nhờ chàng trao lại cho Cúc.

Bố nàng cầm tách trà đưa lên:

- Rước thiếu tá xơi nước.

Chàng cầm tách trà lên: “Không dám. Xin mời cụ”, rồi uống tự nhiên. Chàng đặt tách xuống, móc túi trên lấy ra gói thuốc lá gõ gõ cho hai điếu trồi lên ở lỗ xé, đưa về phía bố nàng:

- Zước cụ xơi xi- gà-zét.

Rồi! Ông tướng Nam Kỳ Cu-uốc nầy hết nhạo nàng bây giờ còn dám  tới đây giỡn mặt với bố nàng!” Cúc cắn răng hậm hực. Tức ơi là tức! Thiệt là quá thể. Đã thế mà mặt Chinh  vẫn cứ  tỉnh bơ. Bố nàng đáp thực tình:

- Tôi vừa xơi thuốc lào xong. Xin thiếu tá cứ tự nhiên cho.

Thì chàng tự nhiên quá rồi, còn phải xin xỏ gì nữa”,” Cúc lại lầm thầm. Chàng bật lửa cái zippo, châm lấy cho mình điếu thuốc. Câu chuyện trao đổi giữa hai người đàn ông ngắn ngủi. Chàng cáo từ ra về. Bố nàng đưa khách ra đến tận cửa, đoạn quay vào trong gọi lớn:

- Cúc à!

Nàng vén màn bước ra, chị nàng cũng tò mò bước theo.

- Dạ! Bố gọi con.

Bố nàng hỏi:

- Ông hồi nãy là ông nào vậy con?

- Dạ là ông thiếu tá.

Bố nàng nhìn nàng:

- Thì ông thiếu tá, ai mà chả biết! Bố muốn hỏi ông ấy là ông gì vậy?

Nàng đáp không do dự:

- Dạ, chắc cũng là ông gì đó!

Chị nàng bực dọc chen vào:

- Con nhỏ này đôn rày nói chuyện nghe chối tai thực tình. Hôm nào tao đét vào đít cho chừa.

Cúc vọt miệng:

- Chưa chắc con nhỏ nào sợ con nhỏ nầy.

Thôi rồi! Nàng đã bị nhiễm độc cách nói của Chinh một cách chóng vánh đến không ngờ. Bố nàng trừng mắt.

- Con nhỏ nầy hôm nay nói chuyện chả ra làm sao cả! Thôi này, cầm lấy bài vở rồi về buồng đi.

Ông cụ lắc đầu. Cúc cầm lấy phong bì đi về buồng riêng khóa chốt lại cẩn thận. Nàng mở phòng bì rút xấp giấy ra. Chỉ toàn là bài vở của Liên, không có gì khác lạ.  Nàng lại mở phong bì lớn ngó lần thứ hai. Bên trong có một phong bì nhỏ không dán. Nàng hồi hộp rút tờ giấy nhỏ bên trong ra đọc: “Hẹn Cúc trưa thứ bảy tới đây lúc hai giờ chiều ở quán Sing Sing đường Phan Đình Phùng. Cúc hãy đến. Anh hứa không bắt Cúc là bồ anh nữa đâu. Anh chờ. Ký tên: Chinh”.  Cúc thở dài ngồi xuống cạnh giường cắn môi ngẫm nghĩ. Đến hay không đến? Nàng vẫn hãy còn bực tức Chinh. “Chưa chắc con nhỏ này bực tức hơn con nhỏ nào!” Thôi mày lậm bùa ngãi rừng thiêng quá rồi Cúc ơi! Đến hay không đến? Cúc nằm bật xuống giường mở tờ giấy nhỏ ra đọc lại lần nữa cho hết ngờ vực. Nàng nhắm mắt ,xong lại hé ra mở hờ. Đến hay không đến?...

 

Mây từ đâu trôi đến mờ dấu chân trời. Em tại sao em tới cho anh yêu vội? Cho một lần yêu cuối là những lẻ loi. Em ơi! Hãy  nói vạn lời sầu đắng như anh vừa trách anh…” Chiếc loa đen nhỏ gắn trên tường phả ra tiếng ca trầm ấm kín đáo trong quán có gắn máy lạnh. Chinh ngó đồng hồ: hai giờ rưỡi. Chàng nhứt định ngồi lì cho tới năm giờ. Sau bữa ăn trưa, khách còn ngồi lại trong quán thưa thưa. Cửa quán sịt mở. Chinh ngó ra. Một cô gái lạ mặt xuất hiện, áo dài xanh rêu tà ngắn , quần trắng, cổ đeo nhiều sợi day vàng, môi tô son nhạt, mắt kẻ xanh phớt. Nhìn kỹ. Cúc! Phải, Cúc đã đến, đứng sững ở cửa ngó trông. Cúc trang điểm khác lạ, làm mất mấy giây Chinh mới nhận ra. Chàng xô ghế đứng dậy, tiến ra cửa đón Cúc. Chàng nói nhỏ: “Cúc đẹp lắm, làm anh nhận em không ra”.Cúc để ý chàng đã lấn ranh trong cách xưng hô, từ tiếng Cúc lướt sang tiếng “em” một cách hồn nhiên và ngây thơ ông cụ. Ăn gian ngầm một cây! Chàng kéo ghế ngang mặt mình mời Cúc:

- Em ngồi xuống đây.

 Cúc vén vạt áo sau ngồi xuống những thanh gỗ sơn xanh rêu bóng. Chinh hỏi:

-Sao em tới muộn vậy? Tưởng là em giận anh luôn rồi chớ.

Cúc đặt hai tay trên đùi, chớp mắt chỉnh lý chàng:

- Xin anh đừng gọi Cúc bằng em như mọi cô gái khác. Cúc là Cúc. Và Cúc hãy còn giận anh.

- Cúc nói đúng. Cho anh xin lỗi Cúc. Và cũng cho anh vuốt giận Cúc.

- Cúc không cho anh xin lỗi mà cũng không cho anh vuốt giận.

- Sao em gái Hà Nội hôm nay khó tính thế? Bác một lúc liền hai đơn xin ân xá.

Chàng gọi thức uống cho Cúc. Cúc lặng thinh, mân mê chiếc khăn xanh nhỏ trong tay mình. Nhạc dạo tiếp, tiếng ca trở lại điệp khúc: “…Em một đêm cúi mặt để cay đắng rơi thành giọt lệ đời. Anh niềm đau đến muộn, từng chiều lặng im nhìn mưa bão tới…” Cúc thở dài cúi xuống ngó chéo khăn tay đang bị mình vò nát: “…Khi hồn em rã rời, ngày vui xẻ đôi, tình ngỡ xa xôi. Anh xin trọn đời gói thân trong một lần hối tiếc mãi thôi”…

Rời quán, Chinh đưa Cúc ra xe jeep có Hiệp ngồi ở băng sau, rồ máy. Xe chạy quanh co. Nhựa đường hực nóng. Xe đậu lại trên con đường nhỏ đâm thẳng ra đại lộ Hàm Nghi. Chàng quay ra sau kéo Hiệp sát tới, kề tai dặn nhỏ. Chinh đưa tay cho nàng vịn bước xuống. Cúc không thôi thắc mắc:

- Anh đưa Cúc đi đâu đây?

Chinh lặng thinh đưa tay choàng quanh vòng eo của Cúc dìu đi. Được khoảng mười thước, chàng dừng lại rồi quẹo vào một khách sạn sạch sẽ. Cúc kêu khẽ “Thôi anh!”và gượng lại, thối lui. Nhưng bàn tay trên vòng eo đã giữ nàng chặt cứng. Cúc có cảm tưởng mình là tù nhân bị áp tải không cần hỏi ý kiến. Người tiếp viên có vẻ quen mặt chàng:

- Chào thiếu tá. Hôm nay mấy ông bạn của thiếu tá đâu không theo chơi?

Chàng lắc đầu:

- Anh cho tôi vào một phòng đôi ngó ra mặt đường. Anh cho đem lên phòng một chai bia và một ly nước cam.

Cúc lo sợ người quen ngó thấy, không dám quay lại nhìn. Chàng đẩy Cúc vào thang máy và ấn nút. Cúc cắn lấy môi dưới củamình. Chiếc khăn tay một phen nữa, lại khổ sở. Chàng mở khóa đưa Cúc bước vào phòng có gắn máy lạnh, giường trải chăn vải trắng tinh. Chàng đặt Cúc ngồi ở ghế bành có tay vịn. Chàng ra đứng ở cửa sổ ngó mông xuống đường. Tim Cúc đập rộn rã, lòng nàng thấp thỏm. Một hồi chàng khép cửa sổ quay vào đứng sau lưng Cúc. Hai bàn tay sạm nắng của chàng mân mê cổ Cúc, lần xuống vai rồi từ từ xuống ngực căng đang phập phồng của nàng mơn trớn. Cúc kêu khẽ: ”Đừng anh!”, tay nắm tay chàng gỡ ra. Bàn tay chàng quay trở lại nhũ hoa nàng như chim tìm suối nước. Cúc giữ chặt bàn tay Chinh không cho cục cựa hoặc tiến thêm. Một hồi chàng nói:

- Cúc thay áo ra, kẻo nhầu hết.

Miệng nói, tay chàng lần cởi nút và móc bên hông áo nàng. Cúc cảm thấy có chống cự cũng vô ích. Có khi rách áo. Cúc ngoan ngoãn đứng dậy cho chàng trút bỏ chiếc áo dài xanh rêu. Hai cánh tay nàng khép chéo trước ngực, hai bàn tay úp chụp trên chiếc nịt vú đen che đậy. Đồi xuân vun tròn nhấp nhô. Chinh dìu nàng tới giường nệm, giở chăn cho nàng chui vào. Cúc còn mặc nguyên chiếc quần tây. Cúc tuột người xuống kéo chăn trùm phủ kín đầu, gò má nàng hực nóng mà tay chưn lạnh ngắt. Nàng kẹp chặt hai tay vào giữa đùi, người co ro như con tôm nhỏ cuộn mình trong tư thế phòng ngự. Chinh cởi giầy, để nguyên quần áo giở chăn chen vào, nằm gối cao lên hơn đầu Cúc. Nàng cảm thấy mình nhỏ nhít, bấn loạn, lo sợ. Chinh vén chăn cho Cúc thò đầu ra khỏi chăn. Nàng ngó lên liếc nhìn Chinh rồi nhắm tít hai mắt lại như buồn ngủ. Chinh cúi xuống hôn lên gò má Cúc và thì thầm:

- Thôi Cúc ngủ một giấc đi, rồi anh đưa về.

Chàng tấn chăn quanh cổ Cúc lại. Cúc thầm nghĩ nếu chàng cứ tiếp tục chờn vờn tấn công, có lẽ nàng sẽ la khóc bỏ chạy, nhưng không quên vói lấy chiếc áo dài xanh rêu của mình. May thay chàng dừng lại đó. Chinh đốt thuốc thở khói ra mũi, mắt mơ màng ngó lên trần. Cúc nằm co ro chập chờn một hồi rồi thiếp đi…

Không biết được bao lâu. Khi Cúc tỉnh dậy, Chinh đưa nước cam cho nàng uống và mặc áo lại cho nàng. Chinh đưa nàng về hẹn tuần sau gặp lại.

 

Một tuần lóng nhóng sốt ruột. Vô ích. Đến hay không đến? Không đến hay đến? Vô ích! Nàng đi chơi với Khải để đánh lạc nỗi ám ảnh của mình. Vô ích! Câu hỏi chạy lòng vòng trong đầu. Đến hay không đến? Vô ích! Vô ích vì Cúc thừa biết nàng sẽ đến. Sẽ đến với Chinh. Sẽ đến với Chinh như con lươn trườn lên bờ sông lúc tròn trăng để tìm con rắn nạp mình. Nó vượt khỏi lý luận, nó vượt khỏi mọi giải thích. Sẽ đến như giọt nước trót lìa khỏi trời xanh sa xuống. Trong trí Cúc, cái ngày nàng cùng Chinh nằm chung giường thì cuộc hôn phối đã xảy ra. Nàng cảm thấy mình đã thuộc về Chinh một trăm phần trăm. Trong tim Cúc chỉ còn có mỗi một hình ảnh: Chinh. Những Chinh và Chinh. Chinh duy nhất. Chinh độc đoán. Chinh kỳ quặc.

Sing Sing. Cúc trở lại với Chinh trong chiếc áo dài trắng vẽ hoa cúc vàng, loại áo có kiểu vẽ riêng biệt cho từng chiếc thời đó. Thuở làm thơ yêu em, hoa cúc vàng bên thềm, nắng hanh lưng bờ giậu. Nghe nhạc. Uống nước .

Thời khắc chậm rãi trôi qua “…Em ơi hãy nói vạn lời sầu đắng như anh vừa trách anh…” Chinh trả tiền. Dời ghế cho Cúc đứng dậy. Ra đường bước lên xe dân sự sơn đỏ. Trời Sài Gòn nóng hầm như nồi áp suất trên lửa hiu hiu. Cúc vã mồ hôi trên lưng, trên nách áo. Cúc thèm những giọt nước mát trên thân thể mình. Gió thổi. Vài cụm mây đen đột ngột xuất hiện. Không khí đầy hơi nước. Xe chạy quanh co về phía Đại lộ Hàm Nghi. Vẫn khách sạn hôm trước. Vẫn người tiếp viên hôm trước. Vẫn căn buồng hôm trước. Sự quen thuộc làm Cúc đỡ sợ hơn hôm trước, tuy vẫn còn ngượng ngùng khép nép.

Chinh nói: Cúc đi tắm cho đỡ oi bức. Chàng lần cởi bỏ áo nàng. Rồi đến chiếc quần tây trắng. Cúc thẹn thùng chạy vội vào buồng tắm kéo màn lại. Cúc cởi quần áo lót thân mật treo lên móc. Nước lạnh từ gương sen tỏa xuống trùm lên thân thể mới tinh khôi. Cúc vốc lấy nước úp lên mặt mình cho đỡ hực nóng. Cúc nhắm mắt lại hân hoan đón nhận cơn mưa nhân tạo đang tỏa xuống rì rào. Khi nàng mở mắt ra, Chinh đã tần ngần đứng đó tự bao giờ. Ăn mặc như nàng. Như thuở ban sơ sa xuống địa đàng. Anh! Cúc kêu khẽ, hai tay che vội nhũ hoa mình, hai đùi khép chặt, gối kê lên gối. Chinh nói nhỏ: “Để anh chà lưng cho Cúc”. Nàng vội vàng quay mặt vào lớp gạch cẩn hồng trơn láng. Chinh xoa xà bông lên lưng nàng, bên bờ mông chớm vun xòe của nàng, lên đôi mông chắc nịch của nàng, lần mò, dọ dẫm. Chàng xoay Cúc trở mặt ra, gỡ hai tay nàng xuống. Cúc nhắm mắt lại. Chàng bôi xà bông từ cổ nàng lần xuống dưới. Kỳ kỳ, cọ cọ… Cọ cọ, kỳ kỳ… Bàn tay chàng tỏ tình trên da thịt Cúc. Cúc rên khẽ, mặt ngước trên trần, hai tay bấu lấy tường gạch trơn láng, cố kềm hãm cho đôi chân mình bớt run. Nàng nhón gót lên… Chinh tắt nước, Lau khô mình mẫy Cúc, mình mẫy chàng. Chinh bồng Cúc đặt giữa hai lớp chăn sạch trắng. Chàng trườn mình lên cạnh Cúc. Chàng cúi xuống hôn lên đôi môi son mềm. Cúc không biết đáp ứng ra sao. Nàng thụ động đón nhận. Đôi môi Chinh lần xuống cổ, lên dốc ngực dậy thì, ướm thử. Môi chàng đổ xuống thung lũng bụng, xuống xoáy rún, lần xuống dạ dưới tỏa rộng, lần xuống, lần xuống.. Cúc rên ấm ức trong cổ họng. Thân thể chàng trùm lên thân thể Cúc, xâm nhập... Từ  từ xâm nhập, bất cưỡng... Cúc cắn răng cố nén tiếng kêu, hai tay xòe ra cấu lấy mặt nệm… Năm xưa đêm ấy giường này. Nghiến răng, nhắm mắt, cau mày, cực chưa?... Cơn mưa tình kéo dài từ  tốn, chậm rãi, kết thúc trong hoan lạc và ê ẩm. Trời đổ mưa bên ngoài lắc rắc.

Cúc nằm úp mặt xuống nệm. Chinh cúi hôn lên tóc nàng, hôn lên gáy nàng, hôn lên vai nàng, hôn lên lưng nàng, hôn lên dốc mông nàng. Phát hiện Cúc hãy còn là xử  nữ. Chinh giật mình, lay lay vai Cúc thốt kêu:

- Trời ơi! Sao Cúc còn trinh mà Cúc không nói cho anh biết? Anh đâu có dè!

Cúc lặng thinh. Chàng lại lay lay vai Cúc:

- Sao vậy? Sao Cúc không nói cho anh biết?

Cúc ngửng mặt lên, ngấn lệ long lanh:

- Cúc có nói anh… cũng đâu có chịu tin…

- Tin chớ sao không.

- Tin? Anh mà tin ai! Mà cho dù có tin đi nữa anh cũng vẫn đi tới như  thường... Anh chỉ làm theo ý muốn của anh. Cái bướng của anh ai mà cản ngăn cho nổi… Phải vậy không?

- Không chắc! Từ đó tới giờ anh chưa hề phá hoại tiết trinh một cô gái nào hết. Và anh cũng không hề có ý định như vậy. Một mặt anh không màng tới trinh tiết, mặt khác anh thấy anh không xứng đáng. Nói theo ngôn ngữ hè phố thì anh là thằng bụi đời.

Cúc úp mặt khóc thút thít. Chinh nói tiếp:

- Anh tưởng đâu Cúc đã thất thân với hôn phu của Cúc rồi chớ. Anh đâu có dè!

Cúc nói trong lòng bàn tay mình:

- Anh Khải đâu có quỉ quái như anh vậy! Anh ấy để dành cho đêm tân hôn.

Chinh đấm tay xuống mặt nệm:

- Trời ơi! Sao mà mấy người cải lương quá vậy?

Bên ngoài trời vẫn tiếp tục mưa lắc rắc. Cúc thút thít lớn hơn: “Cúc không bắt đền anh đâu mà anh bực tức”. Chinh thở dài vói tay lấy gói thuốc châm một điếu, thở khói xanh um uốn éo bốc cao lên trần mất dạng. Chàng dịu dàng vuốt tóc Cúc. “Khi người yêu tôi khóc, trời cũng giăng sầu. Cho từng cơn nước lũ, xoáy trong tâm hồn. Khi người yêu tôi khóc, thành phố buồn thiu. Em ơi tôi níu, một lần ưu ái trên cung ngà  hắt hiu…” Chinh hát nho nhỏ, như nói chuyện. Cúc càng tủi thân sụt sùi. Nàng sịt mũi trong chiếc khăn tay xanh nhạt. Đến giờ phút này Cúc mới thấm thía lời mời “nếm thử  thương đau” của Chinh ở quán hôm trước. Nhưng nàng biết mọi sự sẽ không dừng lại ở đó. Nàng đang tuột trên một triền dốc bất kham, càng lúc càng nhanh, càng lúc  càng chóng mặt. Mà nàng có làm một động tác nào để cưỡng lại không? Hình như không. Nàng cảm thấy mình đồng lõa. Con đường trở lại với Khải đã bị cắt đứt. Con đường tiến tới với Chinh thì mịt mù. Nàng bất lực. Nàng nhỏ nhít. Nàng mít ướt. “Cúc ơi Cúc! Mày hư rồi!” Lệ lã chã. “Khi người yêu tôi khóc xin rất im lìm. Như từ lâu tôi giấu những cơn muộn phiền.Xin đừng đem nước mắt gội xóa niềm đau. Cho yêu đương đó em còn được giữ trong tâm hồn rất lâu…”

Năm giờ rưỡi chiều. Trời tạnh nắng, ngả màu vàng cam. Cúc lóng ngóng về phía bên kia đường, mong bắt gặp hình ảnh người quân nhân có buộc chiếc băng xanh nhạt trên vai. Chiếc khăn tay thấm nước mắt mà nàng yêu cầu Chinh buộc làm tín hiệu cho nàng dễ nhận ra chàng giữa chốn ba quân. Không một bóng người, ngoại trừ hai người lính đứng gác cạnh bên cuộn rào kẽm gai giăng ngang con đường đất đỏ. Cúc bồn chồn đứng ngồi không yên, “… Nhưng đâu có ngờ rằng trời xanh kín mây dài, lần yêu cuối cùng trong đời là lần yêu trong lửa khói. Cuộc tình mong manh chưa đẹp sắc thắm hoa hồng, mà đạn thù in sâu cho tường trắng bỗng hoen mầu…”  “Một thời để yêu và một thời để chết!” Như một tựa sách. Cúc không dám nghĩ tới điều đó. Nàng cố xua đuổi những hình ảnh thê thảm ra khỏi đầu, ruột nàng quặn lên đau thắt lâm râm. Lại nhìn đồng hồ. Sáu giờ thiếu mười lăm. Cúc đứng dậy bước ra khỏi quán, băng qua đường tiến về phía hai người lính gác. Nàng dọ hỏi:

- Xin lỗi, hai chú có biết Thiếu tá Chinh không ạ?

Người lính có thẹo xước trên mặt trả lời:

- Biết chớ! Tôi phục vụ trong tiểu đoàn của Thiếu tá Chinh.

Cúc mừng rỡ.

- Chú có biết Thiếu tá hiện giờ ở đâu không?

- Tôi không biết. Hồi sáng, Thiết tá dắt một đại đội đi truy lùng, không dè đụng độ với một tiểu đoàn địch. Hai bên xáp chiến cho tới bây giờ.

Cúc bồn chồn:

- Mà Thiếu tá có sao không?

- Dạ tôi được cắt gác ở đây nên không rõ (ngó Cúc), nhưng Thiếu tá Chinh đánh giặc chì lắm, cô đừng có lo cho ổng.

Trọng pháo vẫn tiếp tục đối đáp nhau liên tục ầm ĩ. Trên cao chiếc trực thăng trúng hỏa tiễn ù cháy trong vòm lửa tỏa rộng, rớt chúi mũi xuống khu rừng, khói đen nghịt bốc cao lên khỏi ngọn cây cuồn cuộn. Cúc càng thêm hoảng hốt. Chợt một chiếc xe jeep tản thương từ trong lộ đá đỏ phóng ra thiệt nhanh, thắng gấp lại sau rào kẽm gai. Cúc nhận diện được người thương binh đang nằm trên băng ca, máu đỏ loang ra đầy ngực. “Chú Hiệp!” Cúc thốt kêu. Rào kẽm gai được mở ra, Cúc vội vàng chạy tới bên cạnh băng ca, cầm lấy cánh tay người thương binh lắc lắc: “Chú Hiệp! Chú Hiệp! Thiếu tá có sao không? Hiện giờ Thiếu tá đâu?” Im lặng. Người thương binh mất nhiều máu đã bất tỉnh.

Người  tài xế thúc giục:

Cô dang ra cho tôi tản thương.

Cúc thối lui mấy bước. Chiếc xe rú ga vọt chạy, bỏ lại phía sau vòm bụi đỏ trộn lẫn mùi xăng khét bốc lên mù mịt. Cúc đứng xớ rớ bên cạnh rào kẽm gai hồi lâu, trước khi trở lại quán. Nàng dã dượi gieo mình ngồi xuống chỗ cũ. Cúc có cảm tưởng mình sắp bật khóc. Cuộn phim hồi tưởng tiếp tục chiếu dọi trong đầu nàng. 

“…Khi người yêu tôi khóc, trời cũng giăng sầu. Cho từng cơn mưa lũ xoáy trong tâm hồn. Xin đừng đem nước mắt gội xóa niềm đau…” Chinh nhẹ vuốt tóc nàng nói nhỏ: Bây giờ Cúc đã lột xác trở thành người tình của anh rồi đó. Có lẽ Cúc đã phân định được sự khác biệt giữa người yêu và người tình rồi chớ?” Cúc khẽ buông tiếng thở dài.

Rời thân thể Chinh về tới nhà, Cúc vội vàng nấu lấy cho mình một nồi nước lớn, như thể nàng muốn gột rửa cho kỳ hết dư hương của thú đực còn tích đọng trên thân thể mình. Bây giờ, mỗi lần đưa bước nàng có cảm giác kỳ lạ và ngượng nghịu giữa hai đùi, như  thể cả người mình bị rạn nứt. Thêm nữa nàng lại có cảm tưởng rất khó chịu là hình như tất cả mọi người đều dồn mắt nhìn nàng chăm chú và khám phá được niềm bí mật của mình.

Tắm rửa xong, Cúc tự săm soi mình thật tỉ mỉ trong gương hầu dò xét xem mình có để lộ ra ngoài điềm gì khác lạ không. Mặt Cúc hơi tái xanh, tuy nhiên môi vẫn còn ửng đỏ. Nét mặt nàng hao hao giống nữ ca sĩ Thanh Lan, có gương mặt xinh xinh, đang được mến yêu thời đó. Đã có lần trong tiệm kem, một cô nữ sinh đến xin nàng chữ ký trên cuộn băng nhạc Thanh Lan cô ta vừa mới mua. Mái tóc của nàng phía trước rũ xuống trán, phía sau uốn cong lên ngang vai. Đôi mắt đa tình đen láy ẩn hiện dưới hàng lông nheo mọc đều đan khít. Mi dưới của nàng hợp bụp lên, có lẽ vì nàng vừa mới  khóc. Dáng nàng cao dong dỏng, người mảnh khảnh nhưng không gầy. Khi xuôi tay, thân thể nàng tròn trịa. Khi đưa tay lên cao, bờ hông nàng dợn sóng. Nhìn nghiêng, triền ngực hiển lộ điểm hai nụ đào hường lợt tốt tươi vừa chớm nhú. Nàng e ngại một ngày nào đó nhũ hoa nàng sẽ nẩy nở quá trớn và thõng xuống. Nàng nâng dạ dưới lên ướm thử. Chưa sao, hãy còn săn chắc. Mông nàng vun tròn ra sau, hai bên chưa bừng nở hết nữ tính. Nàng khép chân lại, giữa hai đùi tươi tắn vẫn còn chút ánh sáng lọt qua. Nàng vuốt ve bụng mình, lo ngại vẩn vơ. Tơ nhung dợn uốn qui tụ giữa gò tình như muốn phủ che suối Đào Nguyên giờ đã khai mở. Nàng cảm thấy bứt rứt. Dù sao cũng phải gặp lại Khải. Mặc cảm phạm tội cắn rứt nàng không yên. Cúc thở dài. Đây rồi đêm nay nàng sẽ mất ngủ cho mà xem!... …

Như một người trót để cho đôi giầy mới lấm bùn, kể từ lúc đoạn tuyệt với Khải Cúc buông thả hết mình trong vòng tay ôm ấp của Chinh. Đi từ khám này đến khám nọ. Lần nào cũng như mới bắt đầu. Hoan lạc. Ê ẩm. Khổ sở. Ngượng ngùng. Đê mê. Thảng thốt. Đắm đuối. Tưởng chừng đứt hơi. Chính Cúc cũng không ngờ khả năng đáp ứng của mình bồng bột tới mức đó. Còn tương lai? Tạm thời Cúc xếp tương lai mình lại như đóa hoa mỏng manh ép giữa hai trang sách. Mà cho dù có muốn tính đi nữa, Cúc cũng không biết đàng nào mà tính. Chinh thì lúc nào cũng bỡn cợt, và độc đoán khi lấy quyết định.

Một bữa cao hứng Chinh rủ nàng đi coi xi nê, tuồng Khiêu Vũ Trong Bóng Mờ, một phim tuy xưa mà rất hay do đôi tài tử Robert Taylor và Vivien Leigh thủ vai chính. Chàng đoan chắc rằng khi xem tới hồi kết cuộc thế nào nàng cũng sẽ khóc như mưa bấc. Nhưng nàng đã không khóc. Không phải tại tuồng hát không cảm động, mà bởi vì nàng có theo dõi phim được từ đầu đến cuối đâu. Trong rạp hát người đi coi rất đông. Khi Cúc và Chinh vào rạp thì đã hết ghế ngồi. Đành phải đứng dựa theo sát vách hai bên như mọi khán giả đến muộn khác. Nhưng Chinh đâu có chịu đứng yên sau lưng nàng. Hai tay chàng cứ tí toáy dưới vạt áo nàng nghịch phá. Cúc gỡ tay nầy thì tay kia chờn vờn.  Nàng e gây huyên náo cho người đứng trước kẻ đứng sau nên đành thả lỏng cho hôn quân vô đạo mặc tình thao túng. Cúc có cảm tưởng Chinh muốn trêu chọc nàng chơi vậy thôi, chớ không phải vì thèm muốn thúc đẩy. Chàng còn lạ lùng gì thân thể Cúc nữa!

Một tối Chinh rủ nàng đi ăn để mừng sinh nhựt chàng sau hai tuần lễ đăng đẵng vắng tin. Chinh đưa Cúc lên lầu trên của tiệm ăn, chỗ thưa người và ấm cúng. Chàng kêu rượu vang đỏ. Cúc lên mặt làm tàng, tình nguyện nếm thử thương đau. Coi bộ rượu vang dễ nuốt hơn whisky - như vậy mới tai họa. Vừa mới tợp mấy ngụm mà Cúc đã cảm thấy bụng mình ấm hẳn, còn mặt thì hực nóng rần rần. Nàng nhớ mang máng mình đã nói chuyện rất nhiều với Chinh, nhưng nói những gì nàng đã quên hết. Cúc có mang theo một lọ nước hoa dành cho đàn ông để làm quà sinh nhựt. Nàng hứng chí mở nút trút hết nửa lọ nước hoa lên tóc chàng, khiến cho cả người Chinh và cả quán cơm thơm lừng. Xong Cúc hỏi mượn cây súng lục nhỏ chàng giắt bên hông. Cúc cầm súng nhắm ngay trân tim chàng lãy cò. Cách! Một tiếng kim khí vang lên khô khan. Chinh đã cẩn thận lấy hết đạn ra từ hồi nào không biết. Tới lúc ra về, Cúc ngấm rượu chếnh choáng, hai chân mềm nhũn. Chinh phải kè nàng xuống thang lầu và điệu nàng ra xe. Trong tình trạng rượu thấm mềm môi nầy thì không thể nào đưa nàng thẳng về nhà được rồi. Cúc gục đầu trên vai chàng lí nhí: “Cúc muốn làm vợ anh đêm nay… anh đừng từ chối… Cúc muốn làm vợ anh đêm nay… Chỉ một đêm nay thôi…” Chinh lái xe chạy lòng vòng trong thành phố  Sài Gòn hết vô Chợ Lớn rồi tới Bà Chiểu, hết vô Bà Chiểu rồi tới Chợ Lớn, chở cô em đi mấy vòng. Sắp đến giờ giới nghiêm mà Cúc vẫn chưa có dấu hiệu tỉnh rượu. Cuối cùng Chinh đành đưa nàng về khách sạn.

Chinh lấy khăn thấm nước lạnh đắp lên trán để chập chộ nàng. Khi Cúc lấy lại được phần nào ngôn ngữ bình thường và mạch lạc thì đã quá giờ giới nghiêm. Chinh tỏ ý lo lắng cho nàng, muốn đưa nàng về giữa giờ giới nghiêm. Nàng nũng nịu: “Hôm nay là ngày sinh nhật của anh. Bộ anh không muốn Cúc làm cô dâu bé bỏng của anh đêm nay sao?” Chinh ôm nàng vào lòng, Cúc gối đầu trên vai chàng, môi chàng tìm môi Cúc thì thầm: “ Cúc đừng hỏi anh một câu nhảm nhí như vậy…Nghe chưa cô dâu mới? Chẳng qua anh sợ Cúc về nhà bị đòn đó thôi.”” “Đó là chuyện của Cúc, anh để mặc Cúc lo liệu.” Nàng nói tỉnh bơ như vậy nhưng thực tình Cúc cũng chưa biết sáng mai phải ăn nói làm sao để giải thích với bố mẹ nàng. Đánh liều nhắm mắt đưa chân.  Đi chơi với Chinh riết rồi Cúc cũng bị nhiễm cái tánh liều lĩnh và ngổ ngáo của chàng. Không những thế, khác với trước khi chưa gặp Chinh, bây giờ Cúc không còn phân biệt được rõ rệt đâu là ranh giới giữa cái xấu và cái tốt, giữa đạo đức và cái vô đạo, giữa cái luân lý và cái vô luân, giữa cái bình thường và cái bất thường. Cơn lốc của Chinh đã bứt rời Cúc ra khỏi những qui ước xã hội và các điểm tựa của những giá trị thông lệ. Nàng có cảm tưởng mình đi lạc vào một khu rừng hoang, giữa lá hoa bốn bề chằng chịt. Nàng lạc đường. Nàng đã đi lạc vào mê cung của tình yêu. Nàng dò dẫm tìm lối ra mà chừng như vô vọng. Thì thôi!...

Và đêm nay là lần đầu tiên trong đời Cúc bỏ nhà đi hoang. Chinh bồng nàng ve vuốt và đắm đuối hôn lên khắp thân thể nàng… “Cúc ơi! Mày hư quá mất rồi!”” Trong đêm tối Cúc hân hoan đón nhận cơm mưa dục tình đê mê choáng váng của người chồng một đêm của mình… 

“Anh Chinh! Anh Chinh!”

Cúc đứng bật dậy vừa gọi lớn tên người tình của mình, vừa đưa một cánh tay lên cao khoát khoát làm hiệu. Bên kia con đường đất đỏ, một quân nhân chợt xuất hiện, trên vai mặt buộc chiếc khăn xanh phất phới trong cơn gió nóng. Nỗi mừng vui bất thần dâng ngập trái tim thấp thỏm của nàng, cùng lúc với những giọt nước mắt hân hoan nóng hổi. Khoảng cách còn khá xa. Vì không có kính cận nên Cúc không phân biệt rõ khuôn mặt người đàn ông. Người quân nhân xô giạt cuộn kẽm gai bước tới, chuẩn bị băng qua xa lộ. Hai chiếc xe đò nối đuôi nhau trờ tới áng khuất. Người quân nhân băng qua đường, nét mặt trầm tĩnh, chiếc cằm vuông bạnh ra giữa hai bông mai trên cổ áo. Tới gần, rồi gần hơn nữa. Cúc nhận ra bông mai trên cổ áo người đàn ông màu vàng, chứ không phải màu bạc. Người sĩ quan không phải là Chinh! Tim Cúc chùng lại, rồi đập lên bấn loạn. Người thiếu úy mặc đồ dã chiến bước ra tới gần trước mặt Cúc, dở nón sắt ra nghiêng mình chào nàng:

- Chào cô. Thưa có phải là cô Cúc đây không ạ?

Chàng cất tiếng hỏi, giọng Bắc Hà Nội lễ phép. Cúc cúi đầu chào đáp lễ chàng:

- Dạ thưa vâng Tôi là Cúc, thế còn ông… …

Người sĩ quan đưa ngón tay trỏ lên miệng túi áo có in chữ đen lớn:

- Thưa cô tôi là Trung, Thiếu úy Trung.

Cúc tò mò:

- Làm thế nào mà thiếu úy biết được tôi là Cúc?

- Thưa cô đó là do Thiếu  tá Chinh nói lại. Sáng nay trước khi xuất trận Thiếu tá có dặn dò tôi buộc chiếc khăn xanh này trên vai và ra đây gặp cô.

Cúc bồn chồn:

- Thiếu tá có dặn thêm gì nữa không ạ?

- Thưa có. Thiếu tá căn dặn tôi là nếu sau sáu giờ chiều mà Thiếu tá hành quân chưa trở về đơn vị thì tôi ra quán này đây nói lại với cô là cô nên đón xe về Sài Gòn đi, vì ở đây giới nghiêm sớm hơn ở Sài Gòn. Sài Gòn giới nghiêm lúc 12 giờ đêm chứ ở vùng này vào khoảng 7 giờ rưỡi 8 giờ thì dây kẽm gai đã được kéo ra giăng ngang các trục lộ và cầu. (Nhìn đồng hồ) Bây giờ đã ngót sáu giờ rưỡi rồi, tôi thiết nghĩ…

Người sĩ quan vừa đang nói tới giữa chừng thì Cúc òa ra khóc, hai tay bưng mặt khiến người đối diện bối rối.

Người sĩ quan nghiêng người tới trước chào giã biệt nàng, đưa nón sắt đội trở lại rồi vội vàng quay gót băng qua xa lộ. Chờ cho Thiếu úy Trung khuất dạng, Cúc quay trở vô quán gieo mình ngồi trở lại chiếc ghế cũ, nước mắt hàng hàng. Nàng ôm lấy mặt mình khóc nức nở. Sáu Cụt linh tính chuyện không vui, nhưng không dám vặn hỏi, chỉ thỉnh thoảng liếc nhìn Cúc e ngại.

“… Dấu đạn thù còn in vách hoa gầy, giấu che kín yêu thương từ đây. Liễu thường khi thương nhớ vơi đầy, xác hoa hồng thắm trên đường xưa…” Bản nhạc đã dứt. Và hy vọng gặp lại người tình hôm nay cũng tan biến theo bụi đỏ bên kia đường. Viễn tượng đen tối bừng nở trong trí Cúc. Và hình ảnh của Hiệp nằm bất tỉnh nhân sự trên băng ca, máu đỏ loang đầy ngực áo. Cúc nấc nhẹ tủi thân, và bật khóc sướt mướt. Ôi! Nàng yêu Chinh biết chừng nào! Cúc chạnh nhớ lại lần nàng và Chinh cùng tắm chung trong bồn lớn, Chinh giỡn hớt với thân thể nàng, Cúc loay hoay gỡ tay chàng. Chinh nói:

- Khi ân ái, Cúc hãy xem như đó có thể là lần cuối chúng mình làm tình với nhau. Biết đâu! Có như vậy Cúc mới tha thiết với giây phút âu yếm và sống hết mình cho giây phút tự tình đó. Sẽ chết như sao rơi vào bất tận, sẽ yêu như giọt nước hân hoan…

Cúc bây giờ mới càng thấm thía lời chàng nói. Biết đâu giờ này Chinh đã bị trúng đạn thù hay dẫm lên mìn bẫy? Chinh còn sống sót hay đang oằn oại hấp hối, và đã trút hơi thở cuối cùng mà không giáp mặt nàng trong giây phút lâm chung? Một chiếc xe đò xả hết tốc độ vụt qua trước quán. Sáu Cụt lên tiếng:

- Chuyến xe chót về Sài Gòn mới vừa chạy ngang qua rồi đó cô.

Cúc chống hai khuỷu tay lên bàn, mặt úp vào lòng tay “khi người yêu tôi khóc trời cũng giăng sầu… khi người yêu tôi khóc thành phố buồn thiu…” Nàng ngồi bất động, trong đầu đầy ắp hình ảnh và giọng nói Chinh, tưởng chừng như đang thì thầm bên tai nàng. Cúc hết còn biết mình nghĩ ngợi gì nữa. Hoàng hôn chập choạng tiếp tục xô lấn dần chiều tà hiu quạnh. Chợt ba tiếng súng chát chúa vang dội lên thật gần. Cúc thẫn thờ đứng dậy bước ra cửa quán mong ngóng.

Trên đầu cầu,  người lính gác vừa bắn ba phát súng chỉ thiên báo hiệu giờ giới nghiêm. Người lính bận bộ đồ đen bèo nhèo uể oải lôi các vòng kẽm gai rỉ sét chắn ngang hai bên thành cầu.

Hoàng hôn dần tím. 
Lời ca trong bài này trích từ Vết Đạn Thù, Khi người yêu tôi khóc. Thơ của Thanh Tâm Tuyền và Trần Dạ Từ.

Chuông ngân chạnh nhớ yêu đầu

« Ma đưa lối quỷ đem đường
Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi
 »

Kiều



Tôi ngồi xếp bằng rất nghề và rất gọn dưới Phật đài. Cứ xem thế ngồi, có thể xác định được người việt gốc cũ hay gốc mới. Dân gốc cũ ăn thì ngồi xếp bằng (kiểu ăn giỗ), ỉa thì ngồi chồm hổm (kiểu cóc ngồi). Dân gốc mới lâm vào tư thế này người cứ bật ngửa ra đằng sau, hay cứ lắc la lắc lư như con lật đật.

Tôi bắt đầu ê a theo mọi người, quyển kinh chú đặt ngang tầm rún: "A di rị đa tỳ ca lan đế, Á Nàm Dành di rị đa tỳ ca lan đa, dà di nị, dà dà na..." Ngôi chùa tọa lạc vùng ngoại ô Paris, không xa nghĩa địa mấy. Tôi được vợ chồng người bạn mời tham dự lễ cầu siêu cho ông già vừa mất ở Sài gòn. Trên Phật đài, một vị sư trẻ nện chày trên một cái mõ lớn để giữ nhịp. Giọng sư rền rền rất tốt (tưởng có thể hát opéra được). Tóc sư mọc lún phún một lớp dày, không nhẵn thín như các nhà sư tôi thấy ở chùa hồi nhỏ. A di rị đa... dà dà na...

Buổi sáng hôm đó trời quang mây tạnh. Trời vừa chớm thu mát mẻ. Trên mảnh kính đục nằm nghiêng trên mái chùa, bóng tàn lá gì như thể lá chuối phất phơ. Bóng đen và ánh sáng đùa giỡn với nhau thật linh động. Một chút mùi thiền ngấm vào hồn. Lòng tôi thanh tịnh nhưng đồng thời cũng nao nức ham sống. Một lần nữa tôi nhận thức tôi chưa thể tu được. Tôi chợt cảm ngộ cái không khí ngày xưa tôi thường theo má lên chùa lạy Phật. Chùa là một ngôi nhà lá nằm trong miệt vườn Vĩnh long. Đó là chánh điện thờ Phật. Trong sân chùa có một cái am nhỏ để thờ các Bà các Cô và dành cho đồng bóng. Hình như chùa không có tên, hoặc có tên mà tôi không nhớ ra trong bộ óc chưa già mà đã lẫn này. Chỉ quen gọi là chùa Bà Đội.

Hồi nhỏ tôi đi chùa không phải vì tin Trời hay tin Phật gì ráo. Chùa có hủ tiếu chay, có xôi có chè. Ngày cúng cô hồn có cả heo quay, thủ vĩ, bánh ít nhưn lạp xưởng. Và dĩ nhiên ăn ở chùa thì đúng là "ăn chùa". Từ ngữ này sau đó lọt vào thế tục thành tiếng lóng: "ăn chùa", "chơi chùa", "tiên chùa",... và có lần tôi đã bị một em chỉnh: bộ "của chùa" sao cứ tằn mằn hoài vậy? Kẻ cắp gặp bà già, mặt mày tôi sượng trân.

Tuy chưa biết tin Trời Phật nhưng tôi cũng không có lý do gì chính đáng để chống báng việc đi chùa lạy Phật với má tôi cả. Trái lại, dần dần theo năm tháng, tôi tìm được một lạc thú mới khi lên chùa. Nhưng cái vui vốn lại dính liền với cái khổ (sau này tôi mới biết Phật đã nói như vậy từ khuya)

Ô em áo đỏ bay bay,

Bên chùa chợt ngó, bụng hoài tương tư.

Quả vậy, lần đầu tiên trong đời tôi biết tương tư, vào tuổi xuân 11 hoặc 12 gì đó. Tương tư một cô gái nhỏ cùng đi theo mẹ lễ chùa (và ăn chùa) như tôi. Cô bé có đôi mắt lớn dễ thương, ưa nhìn. Hai đứa tôi chỉ lén lén ngó nhau, chớ đứa nào cũng nhát hít, chẳng ai dám nói với ai một câu nào, tuy trong lòng đã có bụng ưa. Nhưng rồi xa nhau cũng vì nhút nhát. Tình yêu đầu đành để cuốn theo chiều gió... sau chùa. Bây giờ mỗi lần nghe tiếng đại hồng chung ngân nga tôi thấy tim mình rúng động, ngẫm ra mới biết:

Chuông ngân chạnh nhớ yêu đầu,

Tóc xưa giờ đã qua cầu gió bay...

Tôi theo má đi chùa giống như nghị gật theo chân lãnh tụ, lập trường tạm gọi là khá vững. Ngược lại, ba tôi thì đối lập 150 phần trăm. Âu đó cũng là cái nghiệp của ông. Tiếc thay ông không làm chánh trị. Nếu lọt vào chính trường thì ông sẽ đứng về phe đối lập... cho tới chết. Nếu không còn ai để chống thì ông sẽ quay ra đối lập với chính mình.

Ba tôi lúc còn ở miệt vườn cũng học chữ nho, vận khăn đóng áo dài và búi tóc. Nhưng ông là người đầu tiên trong dòng họ tự ý xởn tóc, bận sơ mi và ra thành học chữ quốc ngữ. Khổ nỗi khi ông viết thư thì tỉ như gián điệp viết mật mã, chỉ mình tôi khám phá được bí mật, đọc và hiểu nổi. Ông cũng biết chút ít bùa chú. Khi tôi bị sưng hàm, ông khóan bùa Lỗ Ban dán lên chỗ đau thì thấy có xọp thiệt. Nhưng ông vẫn không tin. Mấy đời trước, dòng họ tôi nhiều vị làm pháp sư có tiếng. Ba tôi kể một bận ông chú pháp sư của tôi đi cầu ở bờ sông nước lớn ban đêm. Bỗng thấy Bà xẹt, ông chơi cắc cớ bắt ấn một cái, buộc Bà phải đứng lại cái rụp (mới biết tay ấn ông cao!) Sau khi phóng uế xong, ông lơ đãng khoát nước rửa, nên buông lơi tay ấn, thừa cơ Bà xẹt tiếp trúng đầu ông một cái bật ngửa lọt xuống sông. Khi người ta vớt được ông lên thì ông bị á khẩu. Sau đó phải rước sư phụ của ông tới giải phép, ông mới nói lại được, nhưng đồng thời cũng bị phế hết võ công, giải nghệ thầy pháp luôn.

Đã ghét thầy pháp, ba tôi lại còn đại kỵ đồng bóng. Ông nói mấy bọn đó gieo rắc dị đoan, lừa đời dối thế, dụ con nít, gạt bà già. Không phải vô cớ đâu. Hồi ở Xóm Mới, chủ nhà của tôi là một người đàn bà góa bụa, có đứa con cứ đau yếu hoài, nên mời bóng tới cúng rỗi trừ căn. Má tôi cũng nhân thể mời bóng sau đó ghé nhà mình lên đồng một phát. Bóng này là bóng đực rựa, có cái hỗn danh độc nhất vô nhị võ lâm là "Mười Lòng Thòng" (cái tên không khá được). Bóng dọn bàn hương án giữa nhà bà chủ rồi gõ trống hát rỗi... "vui lắm Lịnh bà ơi!"... Một chập, say nhang đèn hay sao không biết, tự nhiên bóng nổi hứng hát tiếp: "ứ ự ứ ự... bây giờ gia chủ làm Lan... ứ ư... ta làm Điệp... ứ ư... thì gia đạo mới yên... ứ ứ ứ...", khiến bà chủ nhà nghe qua đỏ mặt tía tai, còn lối xóm thì che miệng cười thầm. Đã thế, Mười Lòng Thòng còn quấn một cái khăn lau mặt trước rún, vừa hát rỗi vừa ưỡn ẹo trông rất quái gở. Bọn con nít chúng tôi thì coi như pha cái đề nghị "Lan và Điệp" của Mười Lòng Thòng với bà chủ. Chúng tôi biết chắc sau khi màn vũ chấm dứt sẽ có màn thí cô hồn, thế nào cũng vớ được chút kẹo đậu phọng, kẹo mè, bánh men, bánh gai, thèo lèo cứt chuột. Chúng tôi hờm sẵn.

Rời nhà bà chủ, bóng ghé nhà tôi để má tôi cầu đồng. Bóng hỏi gia chủ có cái khăn đỏ để phủ đầu không? Má tôi nói không có khăn đỏ, chỉ có khăn vằn ăn trầu của bà mà thôi. Bóng nói "không có khăn đỏ xái đỡ khăn vằn cũng được". Khăn vằn vừa chụp lên đầu là hắn ợ ngáp một hơi rồi cười ăng ắc: đồng đã nhập! Đồng trả lời vớ vẩn mấy câu hỏi rồi mở túi hành nghề lấy mấy viên thuốc tễ bán cho má tôi để trị chứng ăn không tiêu. Má tôi vừa đặt tiền xong là đồng đánh tiếng "thôi ta kiếu gia chủ ta thăng", đoạn ợ một cái thiệt dài rồi thăng luôn. Sau khi Mười Lòng Thòng ra về, ba tôi nói: "Bà cho tôi mượn cái khăn vằn của bà để đi làm ăn như thằng cha hồi nãy coi vậy mà khá!" Dĩ nhiên má tôi cũng không phải bạ đâu tin đó: bà liệng mấy viên thuốc tễ xuống đường mương kèm theo câu rủa "thứ đồ mắc dịch!"

Nhưng không phải kinh nghiệm chiến trường nào cũng "mắc dịch" như vậy. Hồi tản cư mới về thành tôi bị đau chứng gì không biết, ho luôn hai ba tháng muốn đứt hơi mà không có thuốc uống. Kế bên nhà có ông (bà?) bóng lại cái một tối lên đồng, lấy một tách nước lạnh vẽ bùa lẳn tẳn đưa cho tôi uống, vậy mà dứt ho luôn. Thành thử bây giờ ai hỏi tôi tin bùa chú hoặc quỷ thần hay không, tôi không biết thế nào mà trả lời dứt khoát cho được. Ba tôi thì vẫn đối lập là cái cẳng. Chẳng những không tin cốt đồng mà còn nghi cả cái vụ bán nam bán nữ của bóng. Ông xúi anh rể tôi: Bữa nào mầy rình thằng chả đi đái rồi xông ra kéo quần coi thử.

Nói ông già, cần phải phân biệt ông già vợ và ông già ruột, nhứt là trong trường hợp đặc thù của tôi. Khi tôi nói ông già, nên hiểu là ông già ruột, tức ba tôi đó. Ông già vợ tôi thích nuôi cá thia thia và nuôi gà đá độ, đặc biệt là gà nòi. Một bữa ba tôi ghé nhà thăm anh suôi. Thấy ông đang ngồi chuốt cựa gà ngoài sân, ba tôi kề tai nói nhỏ: anh đi đá vịt với tôi vui hơn. Đá vịt? Ông già vợ tôi tưởng ông già tôi nói lộn, cho nói lại. Ba tôi vẫn nhất quyết là đá vịt chớ không phải đá gà. Ông cho thêm chi tiết: Bà Tư Cắc Kè ở xóm ti ?? mới có mấy con vịt mái tơ ngộ lắm. Bấy giờ ông già vợ tôi mới hiểu ra, nhưng chỉ cười trừ. Rốt cuộc, mạnh ai nấy theo nghiệp căn của mình, một đàng đá gà dài dài, một đàng đá vịt mút mùa (lệ thủy).

Hồi ở Vĩnh long, tôi cư ngụ cả thảy ba nơi, mà nơi nào cũng ở gần bên hoặc ngó ngang nhà chứa: căn nhà đầu tiên là nhà của anh tôi do Sở Bách Phần cấp cho, tôi ở tạm đó để anh tôi tiện kèm bài vở. Ngày ngày "tung trời xanh, én nô đùa reo mừng..." tôi phải đi ngang một cái "bọt đền" dành cho lính tây và lính lê dương xả xú báp. Lúc nào cũng có một hai cô son phấn toe toét, đứng chống nạnh trước nhà chứa hút thuốc phì phà, áo hở ngực phơi hai quả tuyết lê thắt dưới cho trồi lên, trông phát ớn chè đậu. Mỗi bận đi ngang tôi đều kéo nón xuống che ngang mày, nhưng dưới vành nón không ai để ý tôi liếc xéo qua một bên, bên mặt hay bên trái tùy theo bận đi hay bận về. Mấy ả đâu thèm để ý đồ nhóc con, vậy mà tôi cứ lo sợ mấy ả nghe được tiếng nuốt nước bọt của mình. Qua khỏi nhà chứa tới đầu đường, trước khi tới trường Cao Tiểu tôi quẹo trái, đi ngang một cái Miễu Bà khá lớn nằm trên một gò đất cao, dưới gốc một cây đa xà già nua, nhánh rễ chằng chịt. Tôi giở nón cúi đầu chào Miễu, mà trong bụng cứ nơm nớp không yên. Nghe đồn Miễu linh lắm, ai có ý nghĩ gì xằng bậy, Bà biết được vật chết liền. Thành thử thằng lỏi cũng hơi teo.

Một bữa tự nhiên mắt tôi nổi mụt lẹo. Ba tôi cười nói: tại mầy ngó tầm bậy chớ gì? Tôi đâm hoảng, tưởng ông đọc được thấu tim đen của mình. Má tôi nói ông đừng có chộ thằng nhỏ; rồi bà mua lười ươi hột é về ngâm cho tôi uống không có đường cho hạ hỏa, mụt lặn. Ba tôi kiếm ở đâu không biết cặp kiếng mát, đưa cho tôi với cọng rau răm biểu giắt lỗ tai để chống ô uế. Tôi cũng bấm bụng nghe theo. Mỗi lần đi ngang bọt đền tôi cứ lo rui rủi có ả nào cắc cớ hỏi "sao hôm nay em đeo kiếng mát?" tôi sẽ không biết trả lời ra làm sao. Nhưng rồi sau đó tôi lại tự hỏi chẳng biết có ả nào để ý cái lối hóa trang kỳ cục của tôi không nữa: thằng lỏi với cặp kiếng mát bự tổ chảng và cọng rau răm tòn teng ở tai!

Qua đâu hai năm sau tôi về ở với ba má tôi gần rạp hát Lạc Thanh. Ngang nhà, bên kia đường, sau một khoảng đất trống là nhà ông Bảy Trào, vừa giặt ủi vừa nuôi em. Khách tìm hoa cứ vô rậm rật. Có một bà đĩ già người Miên lai, tên Ba Lĩ (Marie?) rất ba gai, mỗi lần say rượu là cởi trần ngồi bên lề đường, đụng ai chửi nấy, đụng gì chửi nấy. Vậy mà gặp tôi là một mực "chào cậu" và hỏi thăm sức khỏe. Nhà tôi cũng chỉ đủ ăn, chẳng hách về mặt tài chánh, nhưng được cái tôi học giỏi có hạng, mà xóm tôi thì lại khoái và nể những người học giỏi. Chẳng riêng xóm tôi mà cả tỉnh đều vậy. Như bận nọ, tôi đưa một em bán nước dừa ở ngoài chợ về xóm vắng ban đêm, một đám côn đồ ganh tị chận đường kiếm chuyện, tính đập tôi một trận cho bõ ghét. Em bé bèn lột guốc cao gót ra cầm ở tay, đoạn lấy thân bồ liễu án ngữ trước người tôi rồi hét: "Tụi bay đừng có đụng tới anh Kiệt của tao! Anh Kiệt tao đậu tới... hai cái tú tài!" Nhưng một tú hai tú gì bọn kia cũng vẫn sấn tới. Em bé dọa la làng bọn kia mới chịu de. Tôi mở ngoặc như vậy để cho thấy học giỏi có thớ với xóm làng và mấy em trong tỉnh lẻ dữ lắm.

Nhưng khổ nỗi, ở ngay tại xóm mình, có thớ kiểu đó cũng hơi kẹt. Xóm tôi có ông Bảy Hoàng, cả ngày nhậu li bì, mặt mũi đỏ lưỡng, sần sùi, vậy mà sanh bốn cô con gái cô nào cũng đẹp như tiên, nét mặt giống như cô gái mà họa sĩ Lê Trung thường vẽ lịch. Bốn cô đều tứ chiếng giang hồ, đổi kép như thay áo. Tôi trông mấy cô ngực mông đâu ra đó, cũng ham lắm. Nhưng đối với mấy cô, tôi là loại thư sinh chân chỉ hạt bột, gặp cũng chào hỏi nể nang... vậy thôi. Riêng tôi cứ thầm ao ước được sống một màn liêu trai, một trong bốn cô là hồ ly tinh, nửa đêm đổi xác làm mỹ nhân đến dụ dỗ gã thư sinh mặt trắng (dù mặt tôi cũng không được trắng gì cho lắm).

Đâu có ai ngờ ít lâu sau giấc mơ đó thành sự thật – hay sự thật đã đi vào giấc mơ? Theo diễn tiến tự nhiên của trời đất, tôi chấm dứt giai đoạn "thằng lỏi", thân thể cũng tăng trưởng theo. Chợt một đêm tôi nằm mơ thấy một người đàn bà đẹp (hao hao giống cả bốn cô) cởi áo phơi ngực trắng phau, và tôi xuất... hạn dầm dề. Tôi phải thức dậy thay quần mà trong bụng lo lắm, dù cảm giác ngất ngây còn tần ngần trong cơ thể. Tôi không dám tâm sự với ai. Nhưng đến lần thứ ba thì tôi hoảng quá đành phải "thú thiệt với đại ca". Đại ca đây là anh tôi. Nguy thay! Tôi đâu dè mình trót trao duyên lầm tướng cướp! Thay vì giảng cho tôi một đoạn về "người con trai sắp nhổ giò nên biết", anh chàng lại hù tôi bị bịnh "lở đập" (?), nếu tiếp tục coi chừng cu bị thụt mất. Cách trị: không một lời, lại thêm một tràng cười chế nhạo. Đọc báo thấy quảng cáo "Cửu long hoàn" trị di tinh, mộng tinh, tôi lén mua và lén uống thử. Nhưng càng uống thuốc bổ thận tôi lại càng lở đập dữ hơn. Vì thế, lúc đi tè thỉnh thoảng tôi lại "hò dô ta! nắm cu kéo ra" thăm chừng, lỡ thằng bé thụt mất thì kể như đời tàn trong ngõ hẹp.

Quá sức lo lắng và sợ hãi, người tôi vàng võ xanh xao. Má tôi thấy vậy sợ tôi bị quỷ trù ma ám hay Bà Cô gì đó quở, nên biểu tôi theo bà vô chùa lạy Phật, niệm kinh sám hối, may ra nhờ đó mà tai qua nạn khỏi. Tôi cũng nghe lời, nghị gật lại theo gót lãnh tụ. Nhưng bây giờ lập trường nghị gật đã có rung rinh phần nào so với thời thơ ấu. Vì lẽ sau những chuyến bay đêm, mộng mị ngực nghiếc, hồ ly và lở đập, ý niệm tội lỗi nảy sinh trong đầu tôi. Tôi cảm thấy mình nhớp nháp, do đó đâm ra sợ sợ khi quỳ trước bàn Phật hay trong am Bà. Nhiều đêm tôi bị dày vò bởi các cặp ý niệm đối nghịch tốt-xấu, thiện-ác, sạch-dơ, trên-dưới, tội-phước, đau-khoái, vui-khổ... và bị trì kéo giữa cái bọt đền và cái miễu Bà lúc trước, rồi giữa cái nhà chứa và cái nhà chùa bây giờ.

Dĩ nhiên đì chùa là một lẽ, còn lở đập là một lẽ khác. Do đó, lạy thì có lạy thật đấy, mà lở thì vẫn cứ lở tự nhiên. Rồi chuyện gì phải đến đã đến: chuyện lở đập thấu đến tai ba tôi (kẻ bán rao không nói chắc ai cũng đã đoán biết). Ba tôi cười (lại cười!) hà hà rồi dạy rằng: "mầy uống Cửu long hoàn làm gì mất công, cứ cầm hai chục đồng qua Bảy Trào, ổng bổ cho một thang thuốc là hết lở đập liền, mà lại còn khỏe re nữa!" Tôi bán tín bán nghi, không biết ông già nói chơi hay nói giỡn, nên chỉ dám ghi nhận để đó. Và tiếp tục bay đêm một mình. Và tiếp tục bị dày vò. Và tiếp tục bị trì kéo.

Thời gian này sự xung đột lập trường giữa ba và má tôi xảy ra như cơm bữa, sự xung đột mang màu sắc của một cuộc thánh chiến giữa ác quỷ và thiên thần. Má tôi niệm kinh lần chuỗi, ông châm chọc là biết chuỗi có bao nhiêu hột rồi mà còn làm bộ đếm hoài. Má tôi cúng lạy, ông chỉ trích muốn ăn con gà cần gì phải lạy nó rồi mới dám đem xuống ăn. Giận lắm má tôi cũng chỉ đến mức sử dụng văn chương, đại khái: "ông đừng có "hành chánh" tui, "ông đừng có thiên ám địa hôn tui". tôi đoán bà muốn nói gì. Đôi khi tôi phải đóng vai trọng tài xây-cái-nại, hoặc nhân chứng thời cuộc bất đắc dĩ. Tôi cũng bớt hành nghề nghị gật. Bên kia đường nhà Bảy Trào vẫn xôn xao ngoài ngõ thiếu gì yến anh. Bên này đường đêm đêm tôi chong đèn học bài và mơ tưởng một cuộc tam canh dạ đáo của hồ ly nữ, khuya tàn đêm muộn nhẹ bước chiêm bao tưởng lạc đường, rưng rưng mùi phấn bỗng ngùi thương, sương đầm vạt áo mong manh lệ... Cái nhà chùa của tôi càng lúc càng mờ nhạt dần sau cái màn sương vạt áo của yêu nữ.

Và nó tiếp tục mờ nhạt đến tưởng chừng như biến mất trong nhãn trường của tôi khi tôi lên Sài gòn học (tôi học quá giỏi, tỉnh lẻ hết lớp). Trước khi bước chân vào Sài gòn hoa lệ, tôi học trọ một năm ở Mỹ tho. Năm này tôi có cô bồ đầu tiên trong đời. Nhà trọ tôi ở cạnh nhà em tại Bến đò. Bên kia bờ (ba la?) là chùa Vĩnh tràng. Tôi thường đưa em qua đó, không phải để đi vào trong chùa mà là để đi ra đàng sau chùa, ngồi giữa mấy cái mả đá tỏ tình cùng tính chuyện tương lai.

Trên lối đi giữa các mồ mả có dựng một tấm bảng, trên viết mấy chữ như sau: "Xin đừng lợi dụng chốn tôn nghiêm mà làm điều thất giáo". Tôi không làm điều thất giáo, chẳng phải vì muốn tôn trọng lời dặn của nhà chùa. Chẳng qua, cái thuở đó tôi quá cù lần, mà xiêm y của các cô lại là một trò "đố vui để chọc" đối với thủ thuật thô sơ của tôi.

Lên Sài gòn tôi chẳng còn thiết tha gì đến chùa miễu nữa, ngoại trừ cái chùa Chà và. Nhưng tôi đến đó không phải để thực hành tín ngưỡng hay quay về với thiền môn, mà là để... ăn hủ tiếu tôm cua bên vỉa hè cạnh chùa.

Ở chốn phồn hoa đô thị, nhà chùa tôi không biết, chớ nhà chứa thì đã bắt đầu biết một hai nhờ bọn đàn anh tận tình hướng dẫn. Thỉnh thoảng cuối tháng tôi về thăm nhà. Bốn cô con gái mỹ miều của ông Bảy Hoàng đã tung cánh chim biệt mù đâu mất. "Mây xưa cũng bỏ non về, em xưa cũng giã câu thề đó đây..." Tôi thấy buồn buồn. Trông mặt mày của thằng quý tử mình thất thần, má tôi lại dắt tôi lên chùa lạy Phật, ăn chay và ngủ lại luôn ở chùa. Đó là một đêm đầu hạ trăng sáng, yên tĩnh. tôi nằm trên bộ ván ngựa mát lạnh ngó ánh trăng trong dần dần đổi chỗ trên nền đất ngoài hè, nóc chùa theo bóng trăng lên cũng dần dần thu ngắn lại. Đằng xa mờ mờ mái am xanh lạnh lẽo kỳ quái. Cây vú sữa khua lá xào xạc. Trong không khí hâm hấp có mùi hoa cam, hoa lài. Lòng tôi lắng tịnh. Chợt bóng một cành cây lay gió như cánh tay ngoắc làm dậy lại ở trí tôi giấc mơ không thành với hồ ly nữ. Qua tâm khảm tôi, yêu nữ đã lọt vào nhà chùa. Rồi đây biết có ngày nào (và bằng cách nào?) tôi có thể mang mùi thiền vào nhà chứa để giải nghiệp (hay để tạo thêm nghiệp chướng?)

Bẵng đi một dạo bốn năm đằng đẵng tôi xa hẳn cuộc thánh chiến giữa ác quỷ và thiên thần, xa hẳn sự giằng co giữa nhà chùa và yêu nữ để lọt vào thế giới của nhà tu và... đực rựa. Đó là thời kỳ tôi du học Canada, tại một đại học công giáo ở Québec. Xứ đã lạnh lẽo mà năm học đầu tôi chỉ có toàn là bạn trai nên cô đơn và buồn bã hết nói, buồn tới mức khủng hoảng, mất ngủ triền miên. Một bận cuối năm, bọn ở nhà trọ đều về quê ăn Giáng sinh hết, bỏ lại tôi một mình ở nhà trọ hơn mười ngày. Xung quanh xứ lạ quê người, nhà cửa đóng im ỉm. Buồn quá tôi lang thang ra phía sau trường, leo lên một ngọn đồi nhỏ nhìn tuyết xuống rợp trời trên thành phố dưới chân đồi. Cô đơn mãnh liệt tới mức tạo cho tôi một cảm giác đau đớn vật chất, như một mũi tên bắn phủng qua đầu. Cô đơn muốn ngất xỉu. Xung quanh chỉ có tuyết rơi và tuyết rơi. Thình lình tôi chợt thấy mình tan ra trong tuyết. Tôi và vũ trụ chỉ là một. Cảm giác tạo nên ngây ngất mãnh liệt bàng hoàng. cô đơn chợt tan biến. Tôi sảng khoái trở về gác trọ ngủ vùi một giấc hơn hai mươi bốn tiếng đồng hồ, bỏ cả cơm nước (hay đúng hơn là bánh mì và xúp). Dĩ nhiên thời gian sau tôi phải cố lôi kéo cho bằng được yêu nữ vào đời mình, khi đó cuộc sống tôi mới trở lại quân bình. Nhưng đó là loại chuyện "kéo dài xa tít tận chân trời", xin miễn bàn sâu tán rộng ở đây. Goodbye yêu nữ!

Trở về nước, tôi thuê nhà ở Bàn cờ, sau chùa Kỳ viên, gần chùa Tam tông miếu. Giữa hai kiểng chùa những tưởng tôi được chở che khỏi ác nghiệp. Ngờ đâu cách chùa Kỳ viên mấy căn nhà lại là động của các yêu nữ. Má tôi còn lui tới chùa, còn tôi thì tuyệt nhiên không. Nếu bà là thân mẫu của thầy Mạnh tử, không rõ bà có quyết định dời nhà không nữa, và nếu dời, dời đi đâu? Nhưng cho dù không muốn dời đi nữa, mà hoàn cảnh đưa đẩy bắt buộc dời thì cũng phải dời.

Tôi dọn về Hàng xanh. Cũng lại giữa hai kiểng chùa: chùa Liên hoa và chùa Long vân tự. Hai chùa không được biết nhiều nhờ tu hành, mà nổi tiếng là vùng ẩn núp của nhiều du đãng. Má tôi không lui tới hai chùa này. Nghị gật càng có lý do để thống nhất hành động với lãnh tụ. Cách nhà không xa là thạch động của hai yêu nữ, một nữ đầm lai và một nữ kia to khỏe không kém, ngực mông rất phây phây. Lần này không phải ông già tôi điềm chỉ chỗ "đá vịt" mà là ông già vợ... của anh tôi, tức một ông suôi khác của ba tôi. Tôi bắt đầu kiểm điểm lại các nơi cư ngụ của mình, và nhận thấy có sự trùng hợp kỳ lạ: lẩn quẩn tôi vẫn ở cạnh bên, ngang hông, đối diện, xéo xéo... với "nhà chứa" và "nhà chùa". Gần như một chướng nghiệp. Nhưng lần này có thêm một loại nhà khác nữa xen vào đời sống thân mật của mình mà tôi chưa có dịp ghi nhận: "nhà mồ". Từ nhà tôi quẹo ra xa lộ, đi lên một đỗi không xa là nghĩa trang Quân đội. Về sau, loại nhà này cứ lởn vởn xáp lại gần chỗ tôi cư ngụ nên tôi mới bắt đầu để ý.

Rồi đất nước chiến tranh dai dẳng cho tới lúc Sài gòn sập tiệm. Tôi tình cờ đi tu nghiệp ở Pháp trước cái ngày hắc ám đó hai tháng. Vợ con tôi nhào đại lên một chiếc tàu Đại hàn đậu ngoài Tân cảng nên kịp di tản may mắn vào phút chót. Tôi và vợ con tốt phước, tôi cho là phần lớn cũng nhờ công đức của má tôi hay đi chùa lạy Phật. Mà tôi không kẹt nhưng má tôi kẹt. Một tay bà bồng ẵm hai đứa con tôi từ nhỏ, tụi nhỏ theo má chạy mất! Bặt tin hai tháng sau, bà buồn rầu lâm bệnh rồi trút hơi thở cuối cùng tại nhà tôi. Ba tôi chôn cất bà tại Nghĩa trang Tương tế. Như vậy chưa yên, nghĩa trang bị giải tỏa sau đó, bà được mai táng lần thứ hai trong khuỷnh vườn nhỏ của ông suôi (thứ hai) tại Thủ đức. Như vậy không biết đã yên chưa. Ba tôi thì đang lâm bệnh nặng sợ không qua khỏi tuổi tám lăm. Người nhà đã nhắc hòm sẵn. Khi xưa ba tôi thường dặn tao có chết tụi bây chôn thẳng xuống đất làm phân bón, khỏi cần hòm (ông đã bán cái hòm tự đóng cho mình để có tiền xoây xài). Từ ngày nhà nước kêu gọi mọi người bón phân cho chế độ, ông đổi ý đòi chôn cất có hòm đàng hoàng. Tôi còn nhớ những ngày ở ngang nhà Bảy Trào, khi đóng đồ mộc trong trại ba tôi thường hát nghêu ngao: "Ôi quỷ vô thường đâu có vị người tri kỷ, còn đó âm dương lại đưa rước vô chừng". Lần trước được tin má chết tôi không khóc, lần này nếu được tin ba chết có lẽ tôi cũng sẽ không khóc . "Thế gian tiếu ngã bất tang thương, ngã tiếu thế gian khấp đoạn trường", đó cũng là một câu ba tôi thường hay hát.

Tôi ở Paris ngót nghét cũng đã mười năm, trong ba căn nhà khác nhau, nhà nào cũng ở gần nghĩa địa. Lần đầu tiên ở đường Pyrénées, gần nghĩa địa Père Lachaise. Lần thứ hai ở đường Odessa gần nghĩa địa Montparnasse. Lần thứ ba về Bagnolet, trở lại nghĩa địa Père Lachaise, cộng thêm nghĩa địa Bagnolet. Tôi thường tự nhủ như vậy cũng tiện, lúc biết mình sắp chết có thể đi bộ ra nhà mồ, tiết kiệm được một vé métro. Ở đây tôi không quen một vị sư nào nên chẳng biết chùa nào mà đi. Nhà chứa thì ở tại các khu dành riêng, yêu nữ và khách hàng mặc cả lộ liễu coi chẳng văn nghệ một chút nào. Tôi ngán ngẩm và hơn nữa cũng chẳng có nhu cầu. Thằng lớn thằng bé gì cũng đã mỏi mệt sau mấy mươi năm thế sự thăng trầm. Nhà chùa: vãn! Nhà chứa: vãn. Chỉ còn lại nhà mồ. Tôi giật mình!

Trong khoảng thời gian thất nghiệp tôi thường ra nghĩa địa Père Lachaise ngồi nghiền ngẫm sự đời. Hình như kinh Phật cũng có khuyên người ta thỉnh thoảng nên ra nghĩa địa mà suy tư đời sống và kiếp người. Suy tư chán mà tôi chẳng thấy mình được soi sáng thêm một chút nào. Tôi quay ra tìm kiếm mối liên hệ giữa ba yếu tố không ngớt quanh quẩn trong cuộc sống của tôi: nhà chùa, nhà chứa, nhà mồ. Tôi cố tìm vị trí thích hợp tương đối của nhà này đối với nhà kia. Tôi xoay chỗ tuần tự các nhà, rồi ngắm nghía các mô thức do mình đề ra: nhà chùa-nhà chứa-nhà mồ, nhà chùa-nhà mồ-nhà chứa, nhà chứa-nhà mồ-nhà chùa, nhà chứa-nhà chùa-nhà mồ, nhà mồ-nhà chứa-nhà chùa, nhà mồ-nhà chùa-nhà chứa. Hết. Cả thảy sáu mô thức, không thể hơn được. Với mỗi mô thức tôi bóp trán cố hình dung một cảnh ngộ phù hợp với hoàn cảnh đó tuần tự theo đời sống của một kiếp người: Lúc thất nghiệp tôi có khối thì giờ để bóp trán. Nhưng rồi không có cái nào ổn hết. Nếu thuận theo cái lý của Kiều thì diễn tiến hợp lý phải là: nhà chứa-nhà chùa-nhà mồ. May nhờ có Giác Duyên trực sẵn ở sông Tiền đường để vớt lên, bằng không thì Kiều đã đi tàu suốt ra nghĩa địa, sè sè nấm đất bên đàng, dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh. Nhưng hoàn cảnh đó chỉ thích hợp với yêu nữ. Gặp trường hợp đực rực như tôi mới tính làm sao? Có lẽ tôi sẽ đi tu và dựng một cái am mây nằm giữa nhà chứa và nhà mồ. Biết đâu nhờ chó dắt tôi có thể vớt được Kiều mang về chùa (để làm gì? nghi lắm!) Hoặc giả có thể chờ khi trăng lặn, hồ ly tinh sẽ đội mồ trút xác biến thành con gái Bảy Hoàng đột nhập vào chùa tìm chàng thư sinh mặt trắng (để làm gì? bí mật!) Hoặc giả yêu nữ và hồ ly tinh đụng độ nhau rồi đánh ghen ngay tại chùa chờ ông đạo ra... giảng hòa? Cũng không ổn. Bóp trán một hồi nữa tôi nhức đầu như thể Tề thiên bị vòng kim cô xiết chặt. Tôi bỏ cuộc. Nhưng chính lúc đó tôi nhận thức tâm mình còn quá vọng chấp, còn quá phân biệt (có cái nhà chùa, có cái nhà chứa, có cái nhà mồ), thành thử cứ oan khổ triền miên không dứt. Có thể chăng ba nhà chỉ là một nhà? Mà mộtnhà cũng không phải  một nhà? Nếu má tôi còn sống chắc chắn bà sẽ rầy tôi: "Con đừng nói tầm bậy mà có tội với Trời Phật". Nếu ba tôi có đây kể như ông sẽ chửi tôi: "Mầy mà tu kiểu đó thì tao đốt chùa!" Má tôi đúng, ba tôi đúng, tôi sai? Má tôi sai, ba tôi sai, tôi đúng? Má tôi sai, ba tôi sai, tôi sai?

Trả lời có lẽ giờ đây chỉ còn chăng ngọn lửa chập chờn trên mái chùa đang bốc cháy trong tâm tưởng của tôi.


(Paris)




Каталог: groups -> 19983123
groups -> Viettudan an ban/ Edition: unicode fonts Dau tranh cho Tu-do Ca-nhan & Nguyen-tac Dan-chu Xa-hoi tai Viet-Nam
groups -> Lời Tuyên Bố của các Công Dân Tự Do
groups -> PHẦn chuyển tiếp kính thưa quý vị và các bạn trẻ, giữa những ngưới Việt chúng ta, tôi nói
groups -> Ý Nga sưu tầm và cập nhật hóa ngày 21-4-2013, với nhạc của nhạc sĩ: TừYên, Hà Thúc Sinh vừa thêm vào
groups -> BÁo cáo môn: RÈn luyện nghiệp vụ SƯ phạM 3
19983123 -> Phản Bội hay Tự Do cho Việt Nam ?
groups -> Tin khoa hoc december 31, 2010 Những vụ phóng vệ tinh thất bại trong 2010 Trong năm 2010, một số quốc gia đã vấp phải các sự cố trong việc phóng vệ tinh vào không gian
groups -> Một Thời Bạn Học Revised 8/4/10 việt nam
19983123 -> Uống Rượu với Lê Văn RƯỢu vang mỹ

tải về 0.99 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương