Mục Lục Người em Xóm Học – 2 Hãy nằm im nghe … – Cổ Ngư – 18 Em vịt vàng nhỏ của tôi ơi – 25 Ba điều về Kiệt Tấn – Nguyễn Văn Lục – 33 Phụ đính



tải về 0.99 Mb.
trang5/7
Chuyển đổi dữ liệu20.05.2018
Kích0.99 Mb.
#38872
1   2   3   4   5   6   7
Biệt thự Nikasa
Đứng ngoài bao lơn, Jacques vỗ vai tôi :

- Tôi đã đọc vài chương trong Con Đườn Đoạn Luyến bạn cho tôi mượn. Lối lý luận kiểu Á Đông của các bạn thật lạ kỳ, tôi không thể tiếp nhận được hết. Tuy nhiên, có một câu thật ngắn nhưng đã đánh thật mạnh vào trí tôi, đó là “ khi già đi, ta phải chấp nhận sự mất mát”.Từ lâu, tôi vẫn chống cự sự mất mát, chống cự một cách tuyệt vọng trộn lẫn sự sợ hãi.

Tôi mỉm cười :

- Thay vì sợ hãi, lẽ ra bạn nên vui mừng vì được mất mát, có thể bạn đang bắt gặp lại mình thời nguyên thủy, như người ta tìm thấy lại chiếc lọ quý sau khi đã cạy gỡ lớp vôi cáu bẩn đóng xung quanh.

- Bạn nói nghe dễ, nhưng đối với một người đã quen thành công như tôi thì quả thiệt là một chiến đấu cam go với chính mình. Hồi đó, hồi còn trẻ, hồi còn hăng say hoạt động, bất cứ việc gì tôi bắt tay vào thực hiện cũng đều thành công hết. Rồi...rồi...bỗng đùng một cái!..

Jacques bỏ lửng câu nói. Tôi cũng không gạn hỏi thêm. Ông bạn già nói tiếp :

- Tôi làm ăn thất bại, bị lường gạt, bị quịt, bị mất mát và thua lỗ rất nhiều. Dĩ nhiên không đến nỗi mất hết, nhưng mất đi phần lớn bất động sản. Rồi mất con. Rồi mất cả con chim sẻ nhỏ tôi lượm được trên máng xối ( Jacques chỉ lên mái nhà) và nuôi để làm bạn. Tôi đi đâu cũng mang nó theo, lên phi cơ nó cũng ngoan ngoãn đậu trên vai cùng du lịch khiến hành khách ai nấy cũng tò mò ngạc nhiên. Được hai năm, nó già rồi chết đi. Nó không đau khổ, nhưng còn tôi, tôi đau khổ.

Jacques trầm ngâm một hồi, đoạn vỗ vai tôi :

- Bạn thiệt là một người can đảm ! ( Biết rồi, khổ quá nói mãi !) Bạn đã mất hết ở Việt Nam, khởi sự lại từ con số không nơi xứ người mà không chùn chân chút nào.

 

Jacque vừa nói vừa vòng hai ngón tay lại tròn vo. Tôi mỉm cười lắc đầu :



- Bạn tưởng vậy chớ tôi cũng nhiều phen ngó cái lỗ rún mình mà than khóc triền miên, tới mức phát khùng phải đi nằm nhà thương. Nhưng khóc chán tôi thấy rún mình không tròn hơn một chút nào ( ngập ngừng)... ờ ờ... có chăng nó càng lúc càng méo thêm đi là đằng khác.

Tôi phá ra cười. Jacques cũng cười theo :

- Vậy mà bạn vẫn giữ được tính cười cợt và sự khôi hài cố hữu, giỏi thiệt !

- Ối bạn ơi ! Bạn thử nghĩ nếu không giữ được cái khôi hài và sự giễu cợt thì làm sao mà tôi có thể sống sót được trong cuộc chiến tranh ba mươi năm dai dẳng ở Việt Nam ? Bạn để ý mà coi, thế giới chúng ta hiện nay sống trong buồn rầu, nghi kỵ và đạo đức giả. Mà một khi con người thấy cái gì cũng buồn rầu, cái gì cũng nghi kỵ, cái gì cũng rắc rối, cái gì cũng nghiêm chỉnh hết thì giặc giã còn hoài hoài. Giặc trong lòng ta mà ra...

 

Jacques ngắt lời :



- Bạn muốn nói sự nghiêm chỉnh sanh ra giặc giã ?

- Không đâu ! Tôi không có ý chứng minh như vậy hay chứng minh một cái gì hết ráo. Nhưng nếu để ý, bạn sẽ thấy cũng như tôi là khi giết người, bọn đồ tể rất nghiêm chỉnh. Chẳng có ai vừa cười ngất vừa đâm vừa chém vừa bắn vừa giết hết. Khi nướng sáu triệu Do Thái, Hitler không cười một tiếng, trừ khi cười khoái trá. Khi đày ải hai chục triệu dân Nga, Stalin cũng không cười một tiếng, trừ khi cười nham hiểm. Tôn giáo cũng rất nghiêm chỉnh. Tôi không hình dung nổi người ta vừa gặp gỡ Thượng Đế vừa cười cợt. Chỉ có vừa khiếp đảm vửa run lẩy bẩy như cái đuôi thằn lằn.

- Nhưng nếu không nghiêm chỉnh thì làm sao mà giải quyết các khó khăn cho được, nhứt là trước những vấn đề trọng đại ?

- Chính vì nhiều lúc đối đầu với vấn đề và cho rằng nó quá sức trọng đại mà thành ra không giải quyết được gì hết. Càng giải quyết chỉ càng làm cho nó rắc rối thêm, hoặc giả chỉ thay thế sự khó khăn này bằng sự khó khăn khác còn lớn hơn thập bội. Đồng ý với bạn là không thể thủ tiêu cộng sản bằng sự khôi hài và cợt nhả thôi mà được. Bởi lẽ chính sự nghiêm chỉnh của người khác bắt buộc mình phải nghiêm chỉnh, sự rắc rối của người khác bắt buộc mình phải rắc rối, rồi tới phiên sự nghiêm chỉnh và rắc rối của mình lại truyền nhiễm sang người khác, rồi cứ thế, vân vân... Không phải chỉ một mình mình mà Hitler có thể tạo ra cuộc Đệ nhị thế chiến đẫm máu chết hằng chục triệu người khắp hoàn cầu vừa qua. Có rất nhiều, rất nhiều đồng lõa, đếm không kể hết, và cũng không phải dân Do Thái hoàn toàn vô tội và bỗng dưng bị thù ghét, săn đuổi, ruồng bắt trên khắp lục địa Âu Châu. Dân Việt Nam chúng tôi cũng vậy. Chẳng phải khi không từ trên trời rớt xuống mà dân tộc chúng tôi lãnh đủ định mệnh thảm khốc suốt hậu bán thế kỷ hai mươi này, cho tới bây giờ vẫn còn trôi sông lạc biển, và tiếp tục bị thảm sát, bị cướp bóc, bị hãm hiếp. Dĩ nhiên ngó thấy ai mà chẳng phẫn uất, thương tâm. Hơn nữa, tôi lại là một người Việt. Nhưng hãy bình tâm nhìn lại lịch sử và nghĩ lại mà coi. Tôi không có ý chứng đúng điều gì. Dù sao đi nữa cũng không thể nào chứng đúng được sự bạo ngược. Giải thích hoặc biện chứng thế nào thì bạo ngược vẫn là bạo ngược, và chiến tranh vẫn là một cuộc tàn sát xuẩn ngốc qui mô có tổ chức. Tôi chỉ muốn nói phải cố gắng nhận định cho rõ cội nguồn và ý thức. Không riêng ai, mà là mỗi người chúng ta. May ra nhờ vậy mà con người bớt bạo ngược chăng ? Vẫn biết rằng kêu gọi mỗi người ý thức quả thiệt là một điều không tưởng !

 

Jacques có vẻ nghĩ ngợi, tôi hỏi tiếp :



- Trong cuộc Đệ nhị thế chiến vừa qua, bạn có biết ai đã đẻ ra bom nguyên tử hay chăng ?

- Là Einstein, nếu tôi không lầm.

- Trên bình diện khoa học, bạn không lầm. Einstein quả là cha đẻ trực tiếp của Thuyết Tương Đối và bom nguyên tử. Nhưng nếu truy nguyên ra thì chính lòng sân hận của toàn thể nhân loại đã đẻ ra bom nguyên tử. Nếu không oán hận nhau thì chẳng ai khi không đi chế tạo bom nguyên tử làm gì cho hao tiền và mệt xác. Và cũng chẳng phải khi không trái bom nguyên tử đầu tiên rớt xuống Hiroshima mà lại không rớt xuống một thành phố nào đó ở Phi Châu chẳng hạn. Chính cái bản tánh của dân tộc Phù tang đã hút chặt trái bom nguyên tử đầu tiên xuống đầu mình như một khối nam châm đồ sộ. Như một cộng nghiệp bất kham !

 

Jacques thở dài :



- Và bây giờ bom nguyên tử, hỏa tiễn, vũ khí nguyên tử tràn lan khắp thế giới, bên khối tư bản cũng như bên khối cộng sản...

...và tràn qua luôn cả các quốc gia cho rằng mình không thuộc khối nào. Lòng sân hận của con người bộc tràn tới đâu thì cầu sập, tuyết chảy, rừng rú bốc cháy, núi đồi trở thành bình địa, con nít bị đập đầu, đàn bà bị hiếp dâm, chẳng những con người không có chỗ dung thân mà đến muông thú cũng bị vạ lây, lá rừng rụng sạch, cây cối tàn héo, cỏ hoa cũng không làm sao mọc nổi. Sân hận bộc tràn thì vũ khí nguyên tử tràn theo.

- Tôi vẫn hằng tưởng Đông Phương thấm nhuần Phật Giáo lẽ ra ít bạo động hơn Tây Phương vốn được nuôi nấng trong tình thần Công Giáo chủ động, muốn lôi kéo người khác xáp nhập vào đạo mình bằng thuyết phục hoặc dùng bạo lực cưỡng bách và phía sau âm ỉ một tham vọng chính trị, đất đai.

- Nhưng nghịch lý thay ! những dân tộc hiếu hòa, lấy Phật Giáo bất bạo động làm quốc giáo như Lào, Cao Miên cũng đã lãnh đủ định mệnh khốc liệt không kém Việt Nam chút nào. Nhưng nước Lào thi đỡ hơn, cũng do cái bản tánh hiền hòa của xứ đó. Còn Cao Miên thì lãnh đủ Pol Pot với những cánh đồng tràn ngập xương máu và hàng triệu người bị thảm sát. Phần dân tộc Việt Nam chúng tôi cũng kì cục lắm ! Cứ chê các nước láng giềng là ngu xuẩn mà rốt cuộc suốt lịch sử vùng Đông Nam Á các nước này đều hưởng thái bình an lạc nhiều hơn Việt Nam hết thảy. Vậy thì ai khôn, ai dại ? Cũng vì lẽ đó mà cho rằng dân Do Thái thông minh tôi cũng không dám chắc. Tôi muốn nói cái  thông minh thực sự. Người ta thường nhầm lẫn hiền triết và thông minh thực sự với cái khôn vặt.

 

Ở mức tiến hóa hiện tại, con người vẫn còn quanh quẩn với cái khôn vặt, cái khôn nhằm khai thác muôn vật muôn loài để phục vụ mình, chỉ mình và cho mình. Còn nếu như nói « ngu si hưởng thái bình » thì hưởng thái bình chưa chắc đã là ngu si. Còn hơn được tiếng thông minh ( thông minh?) mà bị nướng rụi.



Jacques đăm chiêu nhìn tôi thở dài :

- Ngu cũng chết, khôn cũng chết, hiền cũng chết, dữ cũng chết. Chết ráo ! Vậy biết làm sao bây giờ ?

- Tôi cũng không biết ( gật gù)...tuy nhiên tôi cũng có cảm tưởng là nếu bây giờ toàn thể nhân loại ai nấy đều « ăn, ngủ, đ..,ỉa » một cách lương thiện và kiếm chuyện vui mà làm thì có lẽ thế giới này sẽ hết giặc  (vỗ vai). Tôi dám cam đoan với bạn như vậy.

Jacques phá ra cười :

- Bạn lại khôi hài !... Nhưng biết đâu? Cái ý kiến của bạn cũng thiệt là ngộ nghĩnh !

- Thôi thôi ông bạn già ơi ! Tôi xin can ông bạn. Bạn mà lôi cái ý kiến đó ra để lập thuyết hòa bình thì chắc chắn sẽ loạn lạc càng dữ hơn nữa, riết rồi hết biết đường đâu mà rờ. Thuyết càng lờn thì loạn càng to, loạn càng to thì giặc càng dữ, giặc càng dữ thì chết càng nhiều. Nói cho cùng, chính vì sống là chuyện hết sức nghiêm chỉnh nên ta phải...cười mà sống. Không có thái độ nào cà chớn cho bằng thái độ nghiêm chỉnh kinh niên. Nếu chơi chữ thì nghiêm chỉnh quả là một thái độ không nghiêm chỉnh một chút nào hết. Một thái độ vọng chấp tột bực. Chắc bạn khó lòng mà đồng ý với tôi.

Jacques đưa tay vỗ lên trán :

- Thiệt là bể cái đầu !

Tôi vỗ vai Jacques :

- Allez, ne vous cassez pas la tête ! Bạn chỉ có một cái đầu, chớ nên làm bể nó vì kẻ khác. Thôi bỏ đi tám, laissez tomber, rien d’important tout ca !

Rồi cứ vậy, cứ vậy. Ngoài những giờ chơi chọi banh sắt hào hứng vô tư lự, Jacques và tôi đâm đầu đều đều vào ngõ cụt của lý luận mong tìm một giải pháp cứu rỗi khả dĩ làm hài lòng hết mọi người. Lý luận lật sấp, lý luận lật ngửa, lý luận dài dài cho tới hết mùa hè. Và mùa hè nóng bức năm đó đã hết, cuộc tìm kiếm vô vọng, tịt ngòi.

 

Mùa hè năm sau, tôi và Ánh đã trở lại Villefranche-sur-Mer, chỉ có hai đứa. Phương và Thụy đã xé lẻ đi nghỉ hè riêng ở Corse với một cô bạn người Pháp.



 

Những lúc Ánh lui cui làm bếp, tôi nhấm nháp pastis ngó ra vườn chanh xanh lá, nhớ đất nhớ trời, nhớ người yêu cũ, nhớ con bướm Trang Sinh năm ngoái.

 

Gió chiều xòe bàn tay ẩm đục hơi nước xoa dịu cơn say nắng mê sốt cả ngày trong lòng Vịnh rồi ùa lên luồn ngón vào tóc chanh chải gỡ gào gội hong thổi. Những trái chanh chín vàng lườm chưa kịp hái đong đưa như những bóng đèn tròn căng tràn sinh lực ở công viên trong dịp lễ có tiếng phong cầm và nhịp trống háo hức. Những trái chanh no nắng, những bóng đèn no sáng, những váy xòe no nhạc, những cặp đùi no muốt dục tình. Nhạc sĩ ve ve so dây, lũ ruồi lớn rã cánh té xuống mặt đất. Và tôi sắp mê sảng rớt lật vào cơn điên chưa dứt. Cơn điên thường trực, đỏ lòm...



 

Buổi sáng tắm biển trong lòng vịnh với Gigi và Ánh. Buổi chiều nhâm nhi với Jacques ngoài bao lơn, bàn tiếp chuyện đời, chuyện ngắn, chuyện dài tẩm mùi pastis thơm ngọt.

Jacques đưa ly rượu lên môi hớp một ngụm rồi lại đề cập lần nữa về mấy cuốn sách tôi gởi biếu :

- Khi chọn gởi cho tôi quyển Trở lại tôi nghĩ chắc là bạn tin ở thuyết luân hồi, phải vậy chăng ?

- Tôi không rõ, vì quyển sách đó đến tay tôi hết sức tình cờ, thú thiệt với bạn là tôi chưa đọc.

- Điều đó không quan trọng. Tôi chỉ muốn hỏi là bạn tin hay không tin có luân hồi ?

- Tôi lại nghĩ điều tôi tin hay không tin chẳng có gì quan trọng. Tin hay không tin thì luân hồi, nếu có, nó vẫn có. Tôi chẳng muốn nhức đầu về chuyện đó làm gì.

Jacques nghiêng người tới trước :

- Dĩ nhiên, nhưng chắc là bạn cũng đã có ý kiến, bạn cũng đã có nghiền ngẫm về vấn đề này chớ làm gì không ?

Tôi lắc lắc viên đá cục khua long cong trên vách ly pastis :

- Hồi ba tôi lâm bịnh nặng, ông có viết thơ nói với tôi rằng ba già thì ba chết, người ta chết là hết, con chớ khá rầu buồn, ba không tin có luân hồi. Trong thơ tôi đáp lại, tôi nó là tôi cũng không tin có luân hồi theo cái nghĩa có một ông Lê Minh Châu ( tức là ba tôi) bất biến cứ trở đi trở lại trên dương thế này hoặc trong trời đất này, dù là bất cứ dưới hình dạng nào. Tuy nhiên tôi tin có luân hồi theo cái nghĩa vũ trụ tuần hoàn, tuy có trở đi trở lại nhưng cứ biến dịch hoài hoài, mới thì không mới hẳn, mà cũ thì cũng không cũ hẳn. Như trên mặt đại dương những đợt sóng này vừa lắng xuống thì đã có những đợt sóng khác dấy lên liền tức thì. Đại dương tuy không khác mà các đợt sóng không hề giống nhau bao giờ. Nhưng chính vì các đợt sóng không hề giống nhau bao giờ mà bộ mặt đại dương cứ hoài hoài đổi khác, không bao giờ ngừng nghỉ. Vẫn cứ trùng trùng duyên khởi...

- Nhưng còn cái cá nhân của tôi với bạn thì sao ? Có bao giờ luân hồi trở lại một lần nữa hay không, dù chỉ một lần ?

Tôi trầm ngâm một chập vì tôi biết rằng Jacques, cũng như rất nhiều người trong chúng ta muốn được biết rằng « ta » có luân hồi hay không có luân hồi. Tôi nói :

- Có lần đọc ở đâu đó tôi thấy có vị đạo sĩ đưa ra ý kiến như sau : Mỗi ngày thể xác chúng ta mệt mỏi và đòi được nghỉ ngơi. Chúng ta mê ngủ, đó là cái  chết ngắn. Khi hồi sinh, chúng ta thức dậy trong cái thể xác cũ trước khi chết. Lúc về già, tới một lúc nào đó, thể xác chúng ta quá  sức mệt mỏi và đòi được nghỉ ngơi dài hạn. Chúng ta ngủ một giấc dài, đó là cái  chết trần tục. Nhưng đến khi hồi sinh, chúng ta thức dậy trong một thể xác khác với cái thể xác trước khi chết. Đó là cái nhìn của đạo sĩ nọ về sự luân hồi. Không biết bạn có thỏa mãn về cái nhìn đó chăng?

Jacques gật gù hồi lâu:

- Cũng có phần nào. Tuy nhiên, còn thiên đàng với địa ngục?

- Bạn có để ý là khi ngủ bạn nằm mơ. Giữa hai lần hồi sinh cũng vậy, bạn mộng du trong tâm thức của bạn. Mộng lành hay mộng dữ, thiên đàng hay địa ngục là cũng do cái tâm lành hay cái tâm dữ mà ra. Nói theo ngôn ngữ Phật thì đó là do cái nghiệp sống, hay cái nghiệp từ nhiều kiếp trước chồng chất sinh ra. Khi sống trên trần thế này thì tâm thức bên kia là cõi mộng. Khi sang cõi tâm thức bên kia và ngoảnh đầu ngó lại thì trần thế này là cõi mộng. Cõi nào mộng ? Cõi nào thực? So với gì mà xác định là mộng hay thực? Ai biết? Ngay như bạn đây , bạn có biết chăng?

Jacques tư lự:

- Thế nhưng...

Ông bạn già ngập ngừng. Tôi vỗ vai Jacques cười xòa:

- Tôi cũng chỉ biết mù mờ vậy thôi. Bạn có hỏi thêm tôi cũng chẳng biết đằng nào mà lần

Tôi day sang Gigi đưa tay chỉ lên khung cửa sổ khép hờ của ngôi biệt thự cũ úa bên kia rào dậu :

- Đêm đêm, dì có nghe tiếng đàn từ bên đó vọng sang nữa hay không ?

- Tiếng đàn?... Tiếng đàn nào?

- Tiếng đàn dương cầm, bản Pour Elise... lá la lá la lá là lá la là… đó

- Vậy hả, mà ai đàn mới được?

- Thì cô gái tóc bạch kim chớ ai!

Gigi càng ngơ ngác, tôi tiếp:

- Cái cô vẫn thường thấy thấp thoáng bên của sổ năm ngoái đó.

Gigi mở mắt tròn xoe:

- Cô nào?... đâu có cô gái nào tóc bạch kim. Biệt thự bên đó đã hoang phế từ lâu. Từ lâu đâu có ai lai vãng! Cháu nói gì kỳ lạ vậy?

Tim tôi chấn động, linh tính lao chao, mắt chóa đom đóm, lòng bỗng hồi hộp dị kỳ. Không biết nói gì, không biết giải thích sao. Tôi thấy điều không ai thấy. Tôi nghe điều không ai nghe. Điều có thiệt mà hoàn toàn hoang tưởng. Tôi điên, tôi nổi điên trở lại ? Tôi nổi điên lần nữa ? Cơn điên đỏ lòm, thường trực, ngất ngất, lóa chóa hình ảnh vụt xẹt trong tâm trí theo tốc độ ánh sáng, không kịp chụp giữ, níu bắt. Tôi luồn các ngón tay lên đầu, cấu lấy tóc níu chặt, ghịt kéo, hai màng tang bừng bừng, muốn bật khóc...em !em !...em đã bớt điên hay có còn sống sót ?...Tôi mấp máy. Có cảm tưởng tim mình ngừng đập, đã chết

Kiệt ! Kiệt ! bạn làm sao vậy ? Bạn... bạn có sao không ?

 

Jacques nắm lấy vai tôi lắc lắc, bạn làm sao vậy? Tôi nhắm mắt hồi lâu, hoa đóm rớt xuống từ từ, đầu óc dần bớt choáng váng,tim rướn lên đập lại, dần dần đều trở lại, dần dần tỉnh giấc, hồi sinh.



 

 

Nước mắt ứa giọt ở khóe (không ai nhìn thấy), lắp bắp không! không sao... tôi không sao... không sao hết... Một con chim én vụt xẹt xuống vườn chanh.



Chiều tàn...

 

« ngày nào một giấc mơ



đâu những đêm trăng mờ ai ngóng chờ

khi ánh trăng thành thơ nhẹ gió đưa

theo tiếng đàn thuyền mơ tìm bến xưa... »

 

Vườn nàng năm nay trăng nở rộ hơn năm ngoái. Chanh cũng nở rộ, đong đưa những bóng vàng lườm thắp sáng dưới dòng nguyệt bạch. Tôi đứng dựa lưng vào thân dừa cao vút có tàng lá xòe cánh quạt trong khu vườn nhà nàng, lòng hân hoan hồi hộp như có hẹn với người yêu lần đầu. Cũng như đã nhiều lần tôi tình cờ bắt gặp nàng đang xòe cánh hồng đứng lim dim trong nắng, và lần nào tôi cũng có cảm tưởng như nàng đang đứng đợi tình nhân – nàng ăn mặc đẹp đẽ, tóc gội bồng mỹ miều, nhưng nàng chẳng chờ ai hết, nàng cũng chẳng chờ tôi, nàng cũng chẳng hẹn tôi. Tôi gọi nhỏ « Em điên » và nàng giật mình ngó tôi lúng túng như có điều gì muốn giấu che. Rồi mỉm cười buông rớt một tiếng ngọc vang chạm trên thủy tinh trong leo lẻo.

 

Tôi chờ nàng trở lại khung cửa sổ, tôi biết chắc chắn thế nào nàng cũng sẽ trở lại khung cửa sổ năm ngoái, dù nàng chẳng ước hẹn gì với tôi hết. Nhưng tôi linh tính. Đêm đã khuya muộn. Nhưng chắc chắn nàng sẽ ra đứng bên khung cửa mà vọng nguyệt. Mái lầu từ từ mọc dài ra và chậm rãi uốn lên cong vút. Từ ô vuông tối chợt vẳng ra tiếng hát, mới đầu ngập ngừng nghe không rõ, rồi sau đó rõ dần...



 

... « em mơ tiếng sáo dập dìu bên trăng

đêm đến u tối về đây thắp sao

dư âm tiếng hát vương buồn mắt nhung

em xin gió biếc ca ngợi mà suối tóc... »

 

Tôi nhận ra tiếng nàng. Tôi quên sao được giọng nàng lần cuối, ở nhà thương điên, nàng nói « Anh ! Em không muốn đi » rồi nhìn tôi mà rưng rưng nước mắt. Buổi chiều người ta chở nàng đi mất biệt, đến một nhà thương khác có máy chạy điện dành cho những người điên hơn, tôi ra băng đá ôm đầu ngồi khóc sướt mướt. Kể từ đó không ai đem nàng trả lại cho Thằng Người Gỗ nữa. Và kể từ đó tới nay, tôi cũng không ngớt đi hết nhầm lẫn này tới nhầm lẫn khác – cho đến bao giờ ? Tôi quên sao được cái giọng nói nhu mì đó. Nàng điên điên khùng khùng ăn nói đã vụng về, mà bây giờ nàng lại ca hát, tiếng ca lại vụng về hơn nữa, nhưng giọng nàng rất ngù ngờ ngộ nghĩnh, dễ thương như giọng con nít.

 

Nàng để cho tiếng ca nắm tay nàng dắt ra bên cửa sổ. Em điên xõa tóc bồng ra ngoài vườn chanh bụm vốc suối trăng ngà và mùi chanh chín rộ mà gội rửa  « ...buồn vương man mác theo lời gió theo lời thơ, trầm tư se sắc tơ lòng đắm theo đàn khóc ... ». Tôi bước xuống giường bệnh viện, để chân trần băng qua hành lang bước tới phòng nàng đối diện. Cửa phòng nàng mở hờ. Tôi đẩy cửa bước vào « ...bao nhiêu nước mắt chôn sầu đắng cho lời thơ, giờ nầy em hát câu chiều mơ... ». Tôi gọi nhỏ « Evelyne ! », nàng không nghe, vẫn tiếp tục vốc ánh nguyệt bạch xối lên mái tóc bồng – nỗi ám ảnh đã đánh lạc hướng cơn điên của tôi hồi ở bệnh viện. Tôi lại cất tiếng gọi nhỏ một mình  « Evelyne ! » Nàng chợt ngừng tay, ngửng đầu ngó lên vầng ngọc thỏ « ...đừng quên em nhé môi còn thắm duyên còn xanh, đèn trăng phô sắc như hoàng sáng như màu nắng... » Tôi lại gọi nhỏ. Nàng lại ngừng tay, vươn chiếc cổ dài thanh tú ra ngoài cửa sổ có ý lắng nghe. Tiếng con ve khàn đục trộn lẫn tiếng vạt sành trong sáng như nắng ngọc, bay lên ngọn dừa mất hút.

 

Tôi nín lặng bước đến gần hơn, rón rén. Dưới ánh trăng mờ mờ lọt vào căn phòng, tôi thấy nàng vói tay qua chiếc bàn thấp cạnh bên cầm chiếc gương hình bầu dục nạm vàng có cán và chiếc lược sừng ẩm đục rồi ngó vào gương mà bắt đầu chải gỡ tóc ướt. Bỗng tôi nghe một giọng hát nam giống hệt tiếng tôi, nhưng không biết của ai, vì tôi không mở miệng. “Bao giờ tôi về gần em, cùng đếm này trăng này sao! Chia nhé em! Trăng sao dâng ý thơ, mây bay khắp trời…”. Nàng ngừng lược, có vẻ như chú ý, rồi nghiêng mái tóc bồng qua phía bên kia, nửa gương mặt nàng lồ lộ ửng sáng, sáng hơn cả ánh trăng dịu dàng, và tiếp tục chải gỡ. Giọng nam thiết tha dìu dặt “…Cho anh giọt thắm đem về  nhớ nhung lời thơ, đường đời anh muốn em còn mơ…”



Chợt nàng dừng hẳn lược gỡ, day hết người lại ngó, nhận ra tôi, buông tiếng kêu mừng rỡ “Anh Kiệt!”

 

Tôi chấp chới đến cạnh bên nàng bằng cách nào không rõ. Nàng đặt lược gương xuống trở lại bàn thấp ngó tôi bất động, miệng mỉm cười. Tôi cũng mừng quá đỗi, một chân quỳ bên cạnh ghế nàng ngồi, hai tay áp lên hai bàn tay nàng đặt suôn sẻ trên đùi nắm siết “Evelyne!”, lòng bồi hồi mê mẩn. Sau cơn xúc động bồng bột, tôi lên tiếng hỏi em chờ ai ở đây. Nàng đáp em đâu có chờ ai- y hệt những lần tôi chợt bắt gặp nàng đang xõa tóc điên gọi nắng. Thấy nàng có vẻ tươi tỉnh, tôi hỏi tiếp “Em đã hết điên chưa?”. Nàng chợt tiu nghỉu cúi đầu. Tôi lập lại câu hỏi lần nữa. Và nàng nín thinh đưa tay lên quẹt nước mắt.

 

Tôi hoảng hốt siết hai bàn tay nàng lắc lắc “ Họ đã làm gì em?”. Nàng nín thinh đưa mấy ngón tay muốt dài vén mấy sợi tóc mai ngắn mọc không đều ở hai bên màng tang. Tôi ngửng lên rồi cúi sát vén ngó hai bên: hai dấu nám. Hai dấu cháy nám của hai cực điện  người ta đã kẹp lên màng tang mà phóng điện vào óc nàng. Tôi nghe một tiếng hét thất thanh xé đứt ruột mình! Nước mắt tôi vọt ra, hình ảnh nàng ngồi đó chợt tan loãng nhòe nhoẹt. Nàng vói tay cầm lại chiếc gương bầu dục soi bóng mình vào đó rồi cũng khóc theo. Không biết bao lâu…

 

Khi đã dịu cơn khóc, tôi nắm tay nàng đứng dậy dắt ra bên cửa sổ, nàng đứng sát bên tôi, tóc nàng thoang thoảng mùi chanh hừng chín dịu dàng, hơi thở ấm áp hiền lành rộn rã. Tôi đưa một ngón tay chỉ lên vầng nguyệt bạch lên tiếng hỏi “Em nhìn thấy gì không?”, nàng ngửng lên ngó rồi đáp “Em nhìn thấy ngón tay anh”. Tôi giải thích cho nàng tích Phật dùng ngón tay chỉ trăng mà nói em hãy nhìn trăng chớ đừng nhìn ngón tay anh. Tôi lại chỉ vầng nguyệt bạch và hỏi lại lần nữa “Em nhìn thấy gì?”. Nàng ngó lên chăm chú hồi lâu rồi đáp “Em nhìn thấy ngón tay anh và mặt trăng”. Tôi nghiêm giọng “Em ngó một mình mặt trăng thôi không được sao?”. Nàng nhìn tôi, khe khẽ lắc đầu. Tôi nói, gần như la lớn “em hãy ngó mặt trăng kia kìa!”. Nàng lắc đầu “Sao anh la em?” rồi bật khóc.

 

Tôi xoay hết người lại nắm lấy hai vai nàng lắc lắc “Everlyne! Everlyne!”. Tôi cúi mặt ngó xuống chợt thấy trên sàn nhà chỉ có bóng của một mình mình ngã trên mặt ván lót, tim vụt chấn dội rần rần như vấp trên một hòn máu đặc cứng thoắt chận nghẹt trong huyết mạch, hai màng nhĩ bị hơi ép lung bùng, linh tính lù mù chợt bừng dậy mở hoét mắt, bao nhiêu hoài niệm thương động, bao nhiêu tàng vọng ẩn ức, bao nhiêu hình ảnh tưởng đã mất biệt chợt văng bung ra khắp cùng bốn phía, trùng trùng lóe chớp. Tôi định lên tiếng hỏi nàng “Em đã chết thiệt rồi phải không?” nhưng hai môi tôi không còn cách gì mấp máy được nữa, hai bàn tay đặt trên vai nàng chợt cứng đơ, nặng nề tê điếng. Tôi nhắm mắt quán tâm để cố giằn cơn dao động, hơi thở dồn xuống quanh cuống rún, bụng lẩm nhẩm niệm chú:

 

Quán tự tại Bồ tát hành thâm Bát Nhã Ba la mật đa.



(...) Thị chư pháp không tướng, bất sanh bất diệt,

bất cấu bất tịnh (…) Tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng…Yết đế!...”

 

Tôi hít thật sâu ba lần hơi thở vào trong cùng tận rún mình, như bào thai hô hấp trong bụng mẹ. Hai tay tôi cảm thấy nhẹ nhàng trở lại và xúc động lại được trên đôi vai mềm mại của nàng. Tôi từ từ mở mắt ra và hỏi nàng thì thầm “ Em chưa chết phải không?”. Nàng đưa những ngón tay mềm vuốt ve những sợi tóc mai giờ đã mọc dài thả xuống thùy mị trên hai màng tai lặng thinh cúi đầu ngó xuống bóng nàng và bóng tôi chập chùng đan khít, quấn quýt giữa dòng suối nguyệt trên sàn gỗ lót. Tôi cong một ngón tay đặt dưới cằm nàng nâng lên, trăng chênh chếch phía sau lưng nàng. Trong bóng tối lù mù, tôi ngỡ thấy nàng mỉm cười hiền hậu.

 

Tôi mấp máy “Em chưa…” định lặp lại câu hỏi khi nãy, nhưng chợt dừng ngang rồi bỏ lửng. Hai mí mắt nàng từ từ khép xuống giấu kín niềm bí mật dịu dàng phía sau, môi nàng mở hờ, có vẻ như chờ đợi. Tôi cúi xuống gần, thật gần, rồi thì thầm bên tai nàng “Anh sẽ dắt em đi coi hát bóng”. Mắt nàng vụt mở ra, bừng sáng long lanh. Nàng kêu khẽ “Ồ! Thiệt hả anh?”. Tôi mỉm cười gật đầu “coi tuồng Công chúa Da Lừa và Thằng Người Gỗ…”. “Thiệt hả anh?..”, “rồi anh sẽ mua cho em ly nước bạc hà xanh non màu thơ ấu và cây cà rem mùi dâu…”, một giọt nước mắt lăn tròn trên gò má nàng, tôi đưa ngón tay chỉ trăng khi nãy lên gò má mịn màng hứng lấy giọt thiêu thâu “…Nín, nín mất! anh thương!”. Nàng mừng rỡ vòng hai cánh tay ẻo lả  bấu lấy cổ tôi ghịt xuống, chiếc gương soi hình bầu dục sút khỏi tay nàng rớt xuống sàn gỗ.


Каталог: groups -> 19983123
groups -> Viettudan an ban/ Edition: unicode fonts Dau tranh cho Tu-do Ca-nhan & Nguyen-tac Dan-chu Xa-hoi tai Viet-Nam
groups -> Lời Tuyên Bố của các Công Dân Tự Do
groups -> PHẦn chuyển tiếp kính thưa quý vị và các bạn trẻ, giữa những ngưới Việt chúng ta, tôi nói
groups -> Ý Nga sưu tầm và cập nhật hóa ngày 21-4-2013, với nhạc của nhạc sĩ: TừYên, Hà Thúc Sinh vừa thêm vào
groups -> BÁo cáo môn: RÈn luyện nghiệp vụ SƯ phạM 3
19983123 -> Phản Bội hay Tự Do cho Việt Nam ?
groups -> Tin khoa hoc december 31, 2010 Những vụ phóng vệ tinh thất bại trong 2010 Trong năm 2010, một số quốc gia đã vấp phải các sự cố trong việc phóng vệ tinh vào không gian
groups -> Một Thời Bạn Học Revised 8/4/10 việt nam
19983123 -> Uống Rượu với Lê Văn RƯỢu vang mỹ

tải về 0.99 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương