Mục Lục Người em Xóm Học – 2 Hãy nằm im nghe … – Cổ Ngư – 18 Em vịt vàng nhỏ của tôi ơi – 25 Ba điều về Kiệt Tấn – Nguyễn Văn Lục – 33 Phụ đính



tải về 0.99 Mb.
trang3/7
Chuyển đổi dữ liệu20.05.2018
Kích0.99 Mb.
#38872
1   2   3   4   5   6   7

Nhà văn miệt vườn

 

Trong suốt 20 năm văn học miền Nam, có thể tạm nói đến ba dòng văn học. Hay chính xác hơn, có ba sắc thái văn chương. Ba sắc thái này viết ra không có dụng tâm đặt vấn đề cao thấp, vấn đề hơn kém. Mỗi sắc thái phục vụ cho một số tầng lớp độc giả nào đó.



 

Có thứ văn chương dành cho giới tiểu tư sản thành thị, giới trí thức mà đại biểu là các nhà văn trong các tạp chí Sáng Tạo, Bách Khoa, Hiện Đại, Văn Hoá Ngày Nay, Gió Mới, Văn Học, Thế kỷ 20 v.v... (…)

 

Một sắc thái văn chương khác dành cho giới bình dân, cả thành thị lẫn thôn quê của miền Nam. Phương tiện truyền thông thường là qua các báo hằng ngày với những truyện dài của họ như các tác giả bà Tùng Long, Văn Quang, Hoàng Hải Thủy, Nguyễn Thụy Long, Chu Tử. (…)



 

Và cuối cùng sắc thái văn chương của các nhà văn mà ta tạm gọi là “nhà văn miệt vườn”. Một đặc sản miền Nam không đâu có. Huế có cả một truyền thống văn học cũng không có được một sắc thái văn hóa bản địa như thế. Số nhà văn này có thể đếm được trên 10 đầu ngón tay và nếu họ không có những sắc thái đặc biệt trong sách vở của họ thì đương nhiên xếp họ vào nhóm thứ nhất hoặc nhóm thứ hai. Nhưng một điều khẳng định là họ có cõi riêng của họ, không thể phủ nhận được. Họ xác lập được một chỗ đứng vững chắc không đến nỗi như lớp đàn anh của họ đã bị bỏ quên, bỏ qua. Nay thì người ta muốn khôi phục lại một mảng văn học bị bỏ quên mà Nguyễn Văn Trung gọi là mảng Văn học Lục Châu học. Ba sắc thái đó làm nên cái văn chương miền Nam. Và bất cứ ai sau này muốn tìm hiểu văn học miền Namtrong những năm từ 1954-1975 đều phải nhìn nhận 3 sắc thái này. Nói ở đây như một niềm hãnh diện cũng không phải là quá đáng. Hãnh diện vì tính đa dạng phong phú của cái văn chương ấy.

 

Kiệt Tấn, nhà văn miệt vườn.

 

Nhà văn miệt vườn để chỉ thị một lối văn đặc sản miền Nam, lối ngôn ngữ nói trở thành ngôn ngữ viết trong cách sử dụng từ, lối đối thoại. Cạnh đó là đào sâu những câu chuyện thuộc lịch sử miền đất khai hoang với sắc thái văn hóa, phong tục, tập tục, địa lý, lối suy nghĩ, lối làm ăn.



 

Kiệt Tấn là một trong những con số hiếm hoi những nhà văn miệt vườn ấy. Nhưng ở Kiệt Tấn, có hai nửa. Nửa miệt vườn và nửa kia nằm trong số nhà văn thành thị. Một số không nhỏ truyện ngắn ông sáng tác khi sinh sống ở trong nước hay nhất là ở hải ngoại thuộc loại này. Nó không có cái thứ ngôn ngữ miệt vườn nữa. Mặc dầu vậy, nó vẫn bàng bạc cái tâm tình, lối sống, lối suy nghĩ của một nhà văn miềnNam chính hiệu. Quê hương, đất nước, con người đi đâu thì vẫn là những hoài niệm khó quên, lãng đãng chỗ này chỗ kia được gửi gắm vào trong các truyện ngắn, truyện dài..

 

Văn chương miệt vuờn nơi Kiệt Tấn rõ mặt nhất là trong cuốn truyện dài Lớp lớp phù sa.



 

Thường Kiệt Tấn có thói quen viết truyện ngắn. Và người ta nói đó là sở trường của anh. Sa đà vào truyện dài là không ổn. Phần tôi, không thấy như vậy. Tôi đã đọc một hơi truyện dài Lớp Lớp Phù Sa để nghe hơi thở miền Nam sống dậy trong tôi. Cảm nhận nhiều điều và sung sướng khôn nguôi. Mỗi con chữ tác giả viết dẫn dắt tôi vào một thế giới mà tôi đã không có trong tuổi thơ. Vậy mà tôi đã cảm nhận được thế giới miền Nam thân yêu ấy. Tôi sinh ra ở miền Bắc, nhưng tôi yêu miền Nam. Đối với tôi, cuốn truyện dài Lớp lớp phù sa, ông viết kể là đạt lắm. Tôi đọc nhiều chương, nhiều đọan, nhiều chi tiết đến cảm động và tôi bị cuốn hút vào trong câu chuyện. (…)

 

Kiệt Tấn trong Lớp Lớp Phù Sa. Ông mang vào đó tất tần tật. Ngôn từ rặt Nam Kỳ. Nhiều quá đỗi. Rồi vọng cổ, ca dao, hò miền Nam. Con người miền Nam với những mảnh đời với tên tuổi rất miền Nam như thím Ba, chú Tư, Ba Song Phi, những tay anh chị, thầy pháp, v.v… Chất miệt vườn bàng bạc trong từng trang giấy, từng nhân vật, từng cảnh đời. Ngậm ngùi có, diễu cợt có. Xót xa có, thương tâm có, tình nghĩa có, rộng lượng, hào phóng có. Rộng lượng, hào phóng, tay chơi, những thứ đó đi khắp ba miền tìm mỏi cỗ cũng không có đâu. Không có là không có. Mỗi trang mở ra một thế giới con người chen lẫn dơ dáy, ty tiện, trả thù, chèn ép với những cái sống, cái chết bi thương và phẫn lụy, với những hẹn hò trai gái, với bản năng và lý tính. Đây là một trong những đặc sắc nhất của cuốn truyện. Nó đụng chạm đến cá tính miền Nam, đến phần sâu kín của tâm hồn người dân miệt vườn. So sánh như thế thì Sơn Nam vẫn chỉ đi vòng ngoài chú trọng tới những sắc thái địa lý, lịch sử hay tập tục của dân miệt vườn. Nhưng đào sâu tận gốc rễ những tâm tình, những khát vọng, những cõi sâu của dân miệt vườn thì có lẽ chỉ có mình Kiệt Tấn đã làm được điều ấy… Trong cái lối trả thù của Ba Song Phi trong truyện bắt tôi chợt nghĩ và so sánh với lối trả thù trong Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường ngoài Bắc. Một đằng chơn chớt, dùng sức mà so đo hơn thiệt với kẻ thù. Một đằng thâm hiểm, bày mưu kế đọc đến rởn tóc gáy về mức độ tàn độc.



 

Cùng nhau đọc một hai trích đọan trong Lớp lớp phù sa của Kiệt Tấn:


Ra tới bờ kinh, bóng tôí đã nhá nhem, chạng vạng rớt xuống thiệt lẹ. Ngó cầu ván, ngó lục bình trôi liệu sức nước chảy, người đàn bà chạy theo dòng nước ước đoán cấp tốc. Rồi linh tính của người mẹ khiến cho thím Ba định ngay được con mình đang trôi đúng chỗ này đây, thím Ba nhảy ùm xuống dòng phù sa đục ngầu sẫm tím. Vừa chúi đầu xuống nước, người đàn bà quơ hai tay ra phía trước đụng ngay vật gì trơn nhớt, vật đó dội ra khỏi tầm tay, người đàn bà nín hơi nhào người theo, với tay níu được cườm chân của con mình. Người đàn bà kéo đứa nhỏ về phía mình rồi tay kia bợ cổ đứa nhỏ trồi lên đúng lúc vừa mãn hơi nín, sặc sụa, ho rũ…”

 

Và một đọan khác, trước khi tả một cuộc hẹn hò:


Trăng đã lên tới đỉnh ngọn cau, tròn sáng nửa mảnh. Đêm bước từng bước thơm mùi rơm rạ rón rén quay về khu làng nhỏ đang thiếp ngủ mơ màng. Gió thổi lắc lay mấy tầu lá chuối. Đêm phẳng lặng như tờ. Dế dưới đất nẻ động tình buông tiếng gọi mái… Giọng run trong thanh cao vút. Chắc là con dế lửa trống mới lớn, chớ không phải dế than…”

 

Tôi cho rằng cái văn chương miệt vườn là cái gì còn sót lại mà những kẻ kế thừa phải gìn giữ lấy. Tôi chợt nghĩ rằng sau họ sẽ là ai?



 

Kiệt Tấn với văn chương tình dục

 

Khi viết bài Nhận diện một số nhà văn đầu thế kỷ 21 đăng trên Hợp Lưu, số 81, tôi đã hỏi ai trong số các nhà văn có tên sau đây là người đánh trống, cầm cờ mở đường cho văn chương tình dục? Trần Vũ, Trân Sa, Kiệt Tấn, Ngô Nguyên Đũng, Hồ Trường An hay Lê thị Thấm Vân? Hỏi là trả lời. Kiệt Tấn nằm trong số những nhà văn đó. Truyện văn chương tình dục hầu như là sở trường của anh, như lẽ sống còn, như cái không thể thiếu được. Cái tôi trong truyện cũng là cái tôi tác giả. Truyện như thể là thực với người thực, tên thực, câu chuyện thực, không thèm hư cấu. Ít ai có lối viết như thế và can đảm nói ra như thế, đẩy ngòi bút vào những vùng cấm không chút ngượng ngùng. Thế thì gọi nó là tự truyện hay là truyện ngắn? Ở lãnh vực tình dục, có lẽ là chỗ Kiệt Tấn xông xáo nhất như chỗ phát huy và giải toả cái sống hết mình của tác giả? Nhờ những mối liên hệ tình dục với những người phụ nữ này như chiếc cầu nối đem anh về đoàn tụ với thế giớì người, hòa giải anh với đời sống. Vì thế, tất cả những người phụ nữ, đối với Kiệt Tấn như những chiếc bánh ngọt và mỗi lần chung cuộc, anh đều thầm tạ ơn những người phụ nữ ấy, bất kể họ sang giầu, ít học hay nhiều học. Đối với anh, họ đều bình đẳng và chỉ còn cái thân xác con người họ là đáng kể. Nhưng, tôi đã nhận ra một điều là trong những tuyển tập truyện của Kiệt Tấn như Nghe mưa, Thương Nàng bấy nhiêu hay Nụ cười tre trúc, các truyện tình dục đó đã bị “loãng” ra nhiều. Truyện không “mặn” nữa. Lý do là vì nhà văn đã pha chế thêm tính chất “Hài” vào trong truyện. Hài vì tác giả thóat ra ngoài truyện như người đứng ngoài, rồi chêm vào những câu ca dao, những câu vọng cổ, những câu hát lấy từ đủ thứ nguồn. Câu truyện thay vì đạt tới cường độ gay cấn, căng cứng, ứ nghẹn trở thành truyện vui, truyện đùa. Những hẹn hò trai gái với những câu giáo đầu như thế làm người đọc có cảm tưởng tác giả chỉ coi truyện hẹn hò, yêu đương dù có rờ mó, hôn hít, dù có ấn sâu, có đủ thứ cũng như là truyện của đàn ông, truyện một phía. Đó là những truyện ngắn như Nụ cười tre trúc, Em vịt vàng nhỏ của tôi ơi, Bến Đò trao thơ, Chú tiểu Bìm bip. Dĩ nhiên, nó có cái hay của nó. Đọc mà vui, thích thú hoà với tâm tình của tác giả.



 

Nhưng cạnh đó có những truyện “chất hài giảm”, nhất là khi Kiệt Tấn trường thành và tâm bệnh cũng gia tăng, truyện không loãng nữa mà mặn, rất mặn. Nó táo bạo mà rất người, nó biểu lộ sức sống cuồng nhiệt, thứ ham muôn không còn ranh giới, nó bứt phá với nhục cảm bạo liêt kéo ngòi bút đi vào những vùng cấm địa mà nhiều nhà văn lén lút dừng lại. Kiệt Tấn là như thế, không có chỗ nào là ranh giới, bóc trần ra hết. Đó là những truyện tôi cho là đặc sắc nhất của tác giả nhưEm điên xõa tóc, Người em xóm học. Đặc sắc bởi vì nó chính là con người tác giả. Truyện là tác giả, là cuộc đời, là hiện sinh hữu thực.Em điên xõa tóc cho thấy bản chất con người Kiệt Tấn với những xao xuyến nột tâm, với những dằn vặt bệnh tật, những nỗi cô đơn thân phận, những buồn chán đam mê hụt hững.

 

Trong những truyện này, nhiều người có thể nghĩ rằng giữa anh em Kiệt Tấn và Lộc có chia sẻ tình dục đến bệnh họan loạn luân? Hiểu như thế là hạn hẹp vì không hiểu những hoàn cảnh cuộc sống của anh em họ. Tôi đã nói chuyện này với Lộc và bởi vì cùng chung một đào tạo, cùng một trường. Không ít thì nhiều, chúng tôi nắm dược yếu tính của một số vấn đề triết học, tâm lý học. Riêng Lộc có đôi ba năm học ở Sorbonne về tâm lý học. Lộc hiểu em mình hơn ai hết và cũng là người độc nhất chia sẻ với em mà dưới con mắt thế gian đã không hiểu được. Truyện người yêu của Lộc là Diane và sau đó chuyền tay sang cho Kiệt Tấn. Phải hiểu rằng Kiệt Tấn đã không có một cuộc sống tâm lý bình thường. Càng lớn tuổi về sau, Kiệt Tấn càng tìm thấy trong tình dục như lối giải thoát anh ra khỏi cơn điên tuyệt vọng. Không có nó, không có thân xác những người đàn bà đã đi qua đời anh thì không hiểu sự tồn tại của Kiệt Tấn trên cõi đời này còn có hay không? Và hình như cái vocation, hay việc viết văn không thể nào có được nếu không có sự hiện diện của một người đàn bà? Hình như mỗi truyện của Kiệt Tấn là bắt đầu bằng kinh nghiệm sống với một người đàn bà? Bao nhiêu phụ nữ đi qua đời anh thì có bấy nhiêu truyện? Mới đây nhất, qua điện thoại, Kiệt Tấn có kể cho tôi nghe một chuyện tình ở Đà Lạt, qua đó anh đã rắp tâm viết một truyện ngắn khác?



 

Lộc hiểu em, hiểu tâm bệnh của em, hiểu những “lối thoát” cần thiết sống còn như lối cửa emergency của Kiệt Tấn. Lộc đã nhường em một bước trong âm thầm và chịu đựng, và không khỏi có chút cay đắng. Điều đó rất “con ngườì” trong những tình huống khó xử như thế. Phải cùng một lúc là người anh và một người hiểu biết tâm bệnh, hiểu biết những “lối thoát triết học” trong những xao xuyến Siêu hình học như sẽ được trình bày sau này. Tất cả những công đoạn đó nhiều khi chỉ có người trong cuộc mới tỏ tường. Sự phán đoán nào từ bên ngoài đôi khi đã không thể thấy hết được những góc kín phiền muộn của cuộc sống vốn đa tạp và phiền đa khó mà giải lý hết được.

 

Và cuối cùng truyện tình dục của Kiệt Tấn có dâm không? Đó là câu hỏi nhiều người muốn biết? Tôi trả lời dứt khoát là không, vì đối với tôi dâm nằm trong đầu. Tout est possible. Cái gì cũng có thể và có thể hiểu được, có thể chấp nhận được. Nó chỉ là thế này như lời giải thích của Kiệt Tấn: “Nếu em biết yêu người khác như Ánh (vợ Kiệt Tấn) biết yêu chồng con thì chắc chắn em sẽ không bao giờ có ý định quyên sinh hắc ám như vậy. Khốn nạn thay, em có trái tim tật nguyền. Đối với đàn bà, em chỉ biết si tình và đam mê thôi chớ em không biết yêu. Em muốn nói yêu theo cái nghĩa yêu bằng một tấm chân tình đằm thắm và thiết tha như các nàng yêu em vậy. Tuy có lúc em muốn quyên sinh vì các nàng, nhưng nghĩ cho cùng, em cũng vẫn cảm thấy mình đã gian lận trong tình yêu”. (Trích thư gửi cho anh Lê Tấn Lộc).



Và theo Kiệt Tấn, viết về tình dục cũng có trăm ngàn cách viết – tài hoa mỗi người là ở chỗ đó? Nhưng mọi quá trớn cũng đều hỏng hết? (…)

 

Đọc truyện của Kiệt Tấn, những cuộc làm tình nhất là với Diane, tôi chỉ thấy ở đó như một giải thoát cho chính anh, như tìm kiếm lại những kỷ niệm tàn phai về cuộc đời, về con người. Tình dục là lý lẽ của đời anh. Cái raison d’être để anh tiếp tục sống làm người. Để sống hết mình và để viết hết mình. Lúc nào không sống hết mình được nữa là lúc anh không viết được nữa. Cứ ngồi chờ mà xem. Và thực sự, đối với riêng bản thân tôi, tôi cũng chỉ có một mong muốn như vậy.



 

Kiệt Tấn với nỗi cô đơn làm người 

 

Trước khi viết bài này, tôi có dịp nói chuyện với Lê Tấn Lộc, người anh mà cũng có thể gọi là copain của Kiệt Tấn. Lộc có cho tôi biết, Kiệt Tấn ngay từ lúc trẻ, 17, 18 đã có vấn đề. Có cái gì đó không ổn. Những lúc một mình ngồi nhìn bâng quơ, buồn thiu, không định hướng. Những lúc có dấu hiệu của chán nản. Trước khi là nhà văn, Kiệt Tấn đã mang cái căn bệnh của nhà văn tiền kiếp rồi. Thật cũng dễ hiểu. Trong trăm, ngàn vạn, hằng ức triệu những dây nhợ chằng chịt trong con người, chỉ cần hai ba sợi ấy lắt lẻo, sai nhịp, giăng mắc không đúng chổ đủ làm khó con người rồi. Sẽ có những sợi dây oan nghiệt, sợi trói buộc, sợi làm phiền và nhất là sợi làm cho Kiệt Tấn cô đơn. Tôi không phải bác sĩ, nhà khoa học. Nhưng tôi biết chắc rằng có cái sợi đó. Sợi oan nghiệt. Kiệt Tấn từ chỗ đó mà khởi đầu nghiệp văn? Văn chương chỉ để chuyên chở hay giải thoát anh ra khỏi những trống vắng vô nghĩa, những cô đơn đủ loại và rồi, thân xác người phụ nữ đủ loại cũng chỉ là cách thế cân bằng đời sống thể xác cũng như tinh thần?



 

Ở một chỗ khác, Kiệt Tấn viết: “Trong những ngày rộn vui như vậy mà tôi lo sợ mình nổi điên, cảm thấy cơn điên đang rình rập mình đâu đó… Tôi viết đời sống thành phương trình mà hằng trăm ẩn số chưa tìm ra được đáp số. Tôi muốn thanh toán trong một lần tất cả những vấn đề phức tạp của đời sống để sau đó trí óc mình được thảnh thơi. Tôi quên rằng đời sống vốn nó là một vấn đề miên viễn. Còn sống là còn vấn đề.” (Trích trong Em ơi biết đâu tìm, trong truyện Trang Kinh trên đồi, trang 190) Đó là những nhận xét rất tỉnh, rất triết lý, đôi chỗ phảng phất Thiền. Có lúc như thế mà có thể có lúc không như thế. Và cũng có: “Đã biết bao nhiêu lần tôi thèm chết vô cớ” Người ta có thể thèm chết được không? Chết mà thèm như thèm ăn, thèm uống?

 

Nơi chỗ khác, Kiệt Tấn viết: “Có những trang kinh tôi đọc rất thú vị. Ngược lại có những trang tôi đọc tới đọc lui mà vẫn không lãnh hội được ý nghĩa. Kinh mở ra những cõi trời, những cảnh giới kỳ lạ hoàn toàn bí mật đối với tôi, tôi chưa hề đặt chân tới đó. Lòng trần của tôi còn quá nặng nề. Quanh tôi mọi côn trùng đều bừng nở để sống vội vã ba tháng hè ngắn ngủi… Chắc chẳng có con nào muốn trở thành người. Còn tôi, tôi không hề ham muốn trở lại làm người .” (Trích trong Em ơi biết đâu tìm, trong truyện Trang Kinh trên đồi, trang 190)



 

Kinh trong trường hợp này dễ đưa đến những mê lộ, quẳng con người vào những xao xuyến siêu hình (angoisse métaphysique), tra hỏi về ý ngĩa cuộc đời, về cái hữu hạn so với cái vô hạn, một chân đứng bên này chênh vênh với một chân đứng bên kia. Đó là những nguồn nước ẩn trong cảm thức tạo ra sự trống vắng (vide), sự mù khơi của thân phận người. Từ sự bất lực trước cõi vô minh, con người cảm thức được sự yếu đuối, sự bất lực, nỗi cô đơn, sự trống vắng và rơi vào tình trạng chân không, vô vọng.

 

Nỗi ám ảnh cô đơn nơi Kiệt Tấn như thế bắt đầu từ tình trạng tinh thần, thể lý của chính anh? Nó không phải thứ cô đơn trong triết học vốn bắt nguồn từ suy tư?



 

Nỗi cô đơn như thứ “bệnh bạn”, chữ dùng của Mai Thảo, ám ảnh, theo đuổi cuộc sống của Kiệt Tấn như trong lá thư tỏ bày với anh mình: “Quả nhiên, em đã nhiều lần trải qua dự tính tự hủy diệt. Và lần cuối cùng kéo dài liên tiếp trong bốn tháng. Trong bốn tháng ròng rã không có một ngày nào mà em không nghĩ tới chuyện quyên sinh.” Chỗ khác ông viết: “Hủy thiêu mình thường xuyên để sống. Mau hết pile, mau hết hơi bình như anh nói”. Hay: “Em sợ một ngày nào đó, em nổi điên bất khả phục hồi.” (Trích Nghe mưa, nxb Xuân Thu, 1989, trang 248).

 

Nỗi ám ảnh cô đơn, muốn quyên sinh bàng bạc trong các truyện ngắn của ông:“Tôi ra sau đuôi tầu ngó xuống, biển sủi ùn ụt ở chân vịt, bọt nước trắng xóa kéo  thành vệt dài khuất chìm ngoài xa tối. Tôi hết muốn sống. Tôi sẽ nhảy xuống đại dương.” Và trong dòng kết luận, Kiệt Tấn viết: “Và trong bóng tối con quái vật cô đơn đã lù lù ngồi đó đợi tôi từ bao giờ, như một kẻ thù thân mật. Người con gái ngôi bên cạnh bước ra sàn nhảy. Tôi ôm mặt khóc.” (Trích Tuyển Tập, Văn Mới. Người em xóm học, trang 175)



 

Phần tôi nghĩ rằng, nếu người nào không hiểu dược nỗi cô đơn với những trạng thái thể lý và tinh thần của Kiệt Tấn thì không hiểu được con người cũng như không hiểu được những truyện ngắn Kiệt Tấn viết, và dĩ nhiên cũng không hiểu được tại sao Kiệt Tấn đã viết như thế? Tìm hiểu những nỗi cô đơn này trong ánh sáng chiếu rọi của những suy tư triết học, siêu hình học mà bất cứ ai đã đi vào con đường ấy rồi sẽ khai mở ra tại sao Kiệt Tấn lại viết như thế và viết như thế để làm gì? Phải đặt mình vào thế giới của Kiệt Tấn mời hiểu được Kiệt Tấn.

 

Nếu ai đó chưa bao giờ thèm chết, chưa bao giờ có những xao xuyến phận người, làm sao hiểu được Kiệt Tấn tại sao đã sống như thế, và nhất là tại sao đã viết như thế? ./.



 

Montreal 2006


***

Phụ đính :

Đọc Kiệt Tấn, nghĩ tới Milan Kundera

Nguyễn Xuân Hoàng
Tôi đọc thơ của Kiệt Tấn từ những năm 60 ở Sài Gòn, và mãi đến nhiều năm sau — thập niên 80 — tôi mới đọc truyện của ông ở Mỹ. Từ những bài thơ trong tập Điệp Khúc Tình Yêu và Trái Phá (do Sáng Tạo in năm 1966) đến tập truyện Nụ Cười Tre Trúc (do nxb Văn Nghệ in năm 1987), Kiệt Tấn sau 21 năm đã chuyển một bước đi khá ngoạn mục.[1]
Nếu những bài thơ của Kiệt Tấn khi vừa chào đời cho tôi ấn tượng ông có vẻ như không phải là người miền Nam, thì truyện của Kiệt Tấn cho thấy ngay ông là nhà văn “miệt vườn” Nam Bộ, tài hoa như Vương Hồng Sển, Sơn Nam, Lê Xuyên, Nguyễn Văn Sâm, Hồ Trường An... Tất nhiên là Kiệt Tấn mang một sắc thái cá biệt, rất riêng và rất độc đáo, không giống Sơn Nam cũng không giống Lê Xuyên. Ông không những viết rất có duyên, mà hơn thế, ông là người kể chuyện “phăng phăng la tu líp” cứ thế mà đi tới không sợ gì những cấm kị (?) trong thế giới chữ nghĩa mà một số (nhiều?) tác giả khác còn dè dặt... Kiệt Tấn viết như nói, lôi kéo người đọc, người nghe đi vào thế giới của ông, cái thế giới đầy da thịt và hơi thở gấp gáp, thế giới của “yêu ma tinh quái”, của “Đừng anh! Đừng anh! Thôi! Thôi anh! Thôi anh! Đừng!”. Thế giới của “Chết em! Anh! Chết em rồi! Hết nổi rồi anh!” Thế giới của những lời nói ngược! Cái cố ý làm văn chương không có trong những trang chữ của ông, nhưng khi xếp trang sách của Kiệt Tấn lại, người đọc luôn luôn mỉm một nụ cười và biết rằng mình vừa đọc xong một truyện ngắn đặc biệt.
Viết cùng thời với Kiệt Tấn — cũng giống như ông, năm 1966 là năm nhà xuất bản Thời Mới của Võ Phiến in tập truyện ngắn đầu tay của tôi. Tuy vậy, chúng tôi dù ở cùng thành phố, nghe biết tên nhau mà ít có cơ hội đi lại với nhau. Kiệt Tấn nhắc lại hồi đó ông có đến toà soạn tờ Nghệ Thuật ở đường Phạm Ngũ Lão, tại đây thỉnh thoảng ông có gặp Thanh Nam, Trần Thanh Hiệp, Thanh Tâm Tuyền, Tạ Tỵ, Phan Lạc Phúc, Cung Trầm Tưởng, Mai Thảo và... nhưng ông nói: “Văn nghệ văn gừng không mắc mớ gì tới tôi hết”. Kiệt Tấn nói ông không thích bàn cãi hay tranh luận văn nghệ. “Tôi chủ trương ‘Viết không có chủ trương’, và viết từ bên trái sang phải, từ trên xuống dưới là ăn chắc”. Ông kể lại thời viết cho tờ Nghệ Thuật: “Thỉnh thoảng tôi xách một chai Johnny Đi Bộ tới toà soạn, rồi kéo nhau đi nhậu. Thế là xong”. Kiệt Tấn thú nhận là ông không có bạn văn nghệ, không thích bàn chuyện văn chương, “đi nhậu nhẹt và trai gái vui hơn”. Với ông, người ta sinh ra ở đời là để sống, mọi thứ khác chỉ là bày đặt. “Còn văn chương nghệ thuật?” Ông chẳng dành cho nó một vị trí đặc biệt nào cao hơn hoặc thấp hơn trong đời sống. Nó chỉ là một sinh hoạt như mọi sinh hoạt của con người. Vậy thôi. Với ông, đời sống bao trùm văn chương nghệ thuật chớ không phải văn chương nghệ thuật bao trùm đời sống. Ông nói từ lâu ông đã đi tới ý nghĩ sau đây: “Trong đời sống, cái gì cũng quan trọng. Nhưng nghĩ cho cùng, cũng chẳng có gì là quan trọng”. Nhớ Milan Kundera trong tác phẩm Đời Nhẹ Khôn Kham:
Mọi thứ chợt đến chợt đi trong đời sống, không hề có dấu hiệu báo trước, như người diễn viên diễn xuất một mình. Và đời sống có đáng giá gì không nếu buổi tập diễn đầu tiên cho đời sống lại chính là đời sống? Đó là lý do sao đời sống bao giờ cũng chỉ là bức phác hoạ. Không, “phác hoạ” cũng không đúng, bởi phác hoạ còn cho thấy đại cương sự vật, cho thấy nền tảng của bức tranh, trong khi bức phác hoạ đời sống hoàn toàn trống trơn, nó là một đại cương vô hình tượng. Einmal ist keinmal... Câu phương ngôn Đức nói cái gì xảy ra chỉ một lần tốt hơn đừng bao giờ sống.[2]
Trong Sự Bất Tử:
Trong hoàn cảnh đó chúng ta có thể quyết định được một lần duy nhất, không lập lại... chúng ta không bao giờ có thể xác định được trong các quyết định của chúng ta cái nào đúng cái nào sai. Chúng ta không còn có cuộc đời thứ hai, thứ ba, thứ tư... để có khả năng đối chiếu các quyết định đã đưa ra... Các nhân vật tiểu thuyết của tôi đó là những khả năng riêng của tôi mà tôi không thực hiện được...[4]
Trả lời phỏng vấn của Christian Salmon trên tạp san văn học The Paris Review năm 1983, khi người phỏng vấn nhắc lại rằng trong Đời Nhẹ Khôn Kham, Milan Kundera từng nói: “Tiểu thuyết không phải là lời tự thú của tác giả, nó là cuộc chiêm nghiệm đời sống con người trong cái bẫy thế giới này đang dần dà biến thành. Nhưng ý nghĩa của “bẫy” là gì?” Milan Kundera nói:

Đời sống là cái bẫy chúng ta vẫn luôn biết: chúng ta sinh ra đời không phải vì chúng ta yêu cầu, bị nhốt trong thân xác không phải do chúng ta lựa chọn, và cuối cùng chết.[3]

Milan Kundera nói rõ tiểu thuyết của ông không phải là tiểu thuyết tâm lý. Nhưng cái gì nằm bên kia cái gọi là tiểu thuyết tâm lý? Milan Kundera nói rõ hơn vậy thì phương cách phi-tâm lí dùng để thấu hiểu bản ngã là phương cách gì? “Thấu hiểu bản ngã trong tiểu thuyết tôi có nghĩa là thấu triệt cái cốt lõi của bài toán hiện sinh. Thấu triệt cái ám mã hiện sinh.”[3]

Thử đọc một đoạn trong Đời Nhẹ Khôn Kham của Milan Kundera:


Mỗi lần trải qua một kinh nghiệm yêu đương, ký ức anh chỉ ghi giữ con đường dốc đứng và chật hẹp của cuộc chinh phục dục tình: câu nói tấn công đầu tiên, cái ve vuốt đầu tiên, lời nói suồng sã gợi dục đầu tiên giữa hai người, những đòi hỏi dâm đãng anh ép cô ưng chịu và những đòi hỏi cô nhất định không cho...[3]

Trong Sự Bất Tử:


Đối với Laura yêu một người có nghĩa là dâng tặng cơ thể mình cho người đó, như nàng đã tặng cho người chị chiếc đàn piano trắng; đem đặt cơ thể mình giữa nhà người đó: em đây, năm mươi bảy ký của em đây, thịt da em, xương cốt em đây, chúng là để cho anh, em để chúng lại nhà anh...[4]
Đọc Kiệt Tấn, người ta thấy la liệt dục tình, ông viết về nó nhẹ nhàng như chơi, như một người kể chuyện đời mình, một thứ tự truyện. Ông tuyên bố khi trả lời phỏng vấn: “Hầu hết những truyện tôi viết đều là tự truyện”. Và như là tự truyện, Kiệt Tấn cho biết “tôi cố gắng tôn trọng sự thật tới mức có thể được”. Cái tôi trong truyện của Kiệt Tấn chính là cái tôi ngoài đời của tác giả. Thử mở tập truyện Thương Nàng Bấy Nhiêu (nxb Người Việt, California, 1988) của ông ra xem. Sách có tất cả 7 truyện, không có truyện nào mang tên Thương Nàng Bấy Nhiêu. Cái tên đó coi như là tên chung cho cả tập truyện. Cái tôi trong “Lệ Dung Sang Tề”, “Chuông Ngân Chạnh Nhớ Người Yêu Đầu”, “Đêm Cỏ Tuyết”, “Người Em Xóm Học”, “Sáng Dậy Nghe Em Khóc”, “Những Đoá Hạnh Phúc Không Ngờ”, không ai khác hơn là tác giả. Kiệt, Kiệt Tấn. Ông viết về những người đàn bà (?) của ông — những Lệ Dung, Tuyết, Diane, Hường... với những “đụng chạm xác thịt nồng nàn, dục tính, đam mê cuồng nhiệt...” Lật dở một trang (195) trong truyện “Sáng Dậy Nghe Em Khóc” của Thương Nàng Bấy Nhiêu sẽ thấy Kiệt Tấn viết thật đến như thế nào. Ngay ở trang kế tiếp, ông cho thấy nhân vật nữ cấu lấy lưng ông và lầm thầm đứt quãng “chết em, Kiệt... anh Kiệt thôi anh, Kiệt!.. Đừng anh! Kiệt, anh Kiệt!...”. Đọc sang một đoạn trong Đêm Cỏ Tuyết (Thương Nàng Bấy Nhiêu, tr.56):

Tuyết vừa ngồi xuống là tôi đi thẳng vào nỗi ám ảnh của mình. Bàn tay tôi sục sạo tìm kiếm đoá hoa thầm kín của nàng. Mềm mại, ấm áp, trơn mướt, nhung êm. Mê mẩn, sung sướng, hạnh phúc. Cứ gọi là hạnh phúc, dù tôi chẳng có định nghĩa nào về hạnh phúc. Lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với đoá hoa thầm kín của đàn bà thân mật, chi tiết và trọn vẹn đến như vậy. Cả người tôi cháy thành một khối cảm giác đê mê. Tôi đã biến mất.

 

... Yêu? Gọi thế nào cũng được, có đặt tên cho tình cảm hay không thì nó cũng vậy thôi. Riêng tôi, tôi không quan niệm tình yêu mà không có tình dục. Tôi thường ngạo các cô tình nhân khi các nàng từ chối tình dục: “Em yêu anh bằng linh hồn còn xác thịt em để cho người khác? Nếu vậy hãy cho phần thứ hai, anh trả lại em tình yêu”.


Tôi ở đây không phải là một nhân vật hư cấu. Tôi chính là tác giả. Là Kiệt, là Kiệt Tấn, phát biểu đó có quá đáng không?

Tuy vậy, có một ngoại lệ, truyện “Cho Thiếp Theo Cùng”, trong đó cái tôi không phải là tác giả, mà chính là “bà Kiệt” của ông. Kiệt Tấn để cho “bà Kiệt” vẽ chân dung ông, bằng ngôn ngữ của chính ông. Nếu ở những truyện khác, Kiệt Tấn là người tự hoạ chân dung mình, nói lên cảm xúc của mình, nhìn người phụ nữ bằng đôi mắt của mình, yêu thương, ôm ấp, dày vò, sờ soạng... bằng tất cả giác quan của mình thì với “Cho Thiếp Theo Cùng”, Kiệt Tấn cầm tay “bà Kiệt” vẽ mắt mũi chân tay đầu óc suy nghĩ của ông, luồn lách trong tận cùng tim gan ruột già ruột non của ông, đem ông ra pháp trường. Một hình thức phản hồi tuyệt vời, một lời tự thú trước bình minh của Kiệt Tấn. Toàn bộ những “tội lỗi” của ông trước mắt “phu nhân”, tôi nghĩ đã được, sẽ được “bà Kiệt” xoá bỏ tha thứ không một hình phạt nào phải ghi sổ. Cuốn sổ bình sanh của ông không ghi công, nhưng chắc cũng không ghi tội. Kiệt Tấn với cuốn Thương Nàng Bấy Nhiêu là một phạm nhân hoàn toàn được quan toà tha bổng. “Trưa hôm qua, thêm một lần nữa, đấng lang quân yêu dấu của tôi lại làm cho tôi mất mặt bầu cua: Chàng la tôi trước mặt mọi người!” Đó mới chỉ là mở đầu. Kiệt Tấn còn để cho bà vợ miêu tả ông là người có “tiếng cười vô duyên”, gọi ông là “đực rựa” yêu dấu, có lúc “ốm teo, xếp ve, ngơ ngác”, “nói ra nghe kỳ chứ những lúc chàng điên điên, khùng khùng tôi mới cảm thấy chàng thuộc về tôi. Lúc nào chàng ngoắc ngoải ngồi dậy được là tôi lại sợ mất chàng.” Nhưng rồi, chứng nào tật nấy, bà Kiệt bắt gặp ông nay chở cô này mai chở cô kia. Chưa đủ, khi bà lấy khẩu cung, ông khai hết không thiếu chi tiết nào đến nỗi bà chỉ khóc và “không muốn nghe nữa”. Rồi cô Nhung Bắc Kỳ, cô Louise Gia Nã Đại,... Tự mình hoạ mình chưa đủ, Kiệt Tấn để cho “bà Kiệt Tấn” vẽ chân dung ông từ một góc nhìn khác. Một Kiệt Tấn được nhìn từ nhiều góc. Ở góc nào thì ông cũng dành cho người đàn bà một chỗ đứng đặc biệt “tay chưn rối beng, thịt da bát ngát, đồi núi chập chùng, cỏ hoa tưng bừng rậm rạp, động hang thăm thẳm”...

Nhắc Milan Kundera khi nói về Kiệt Tấn, tôi hoàn toàn không có ý so sánh, kết hợp, phân tích... Đơn giản là vì trong khi đọc Kiệt Tấn tôi nhớ Milan Kundera, nhân vật của hai ông “tôi” của Kiệt Tấn và Tomas của Milan Kundera; Diane, Hường, Tuyết... của Kiệt Tấn và Teresa, Sabina... của Milan Kundera, có một số điểm tương đồng trong chuyện làm tình, nhưng rất khác nhau trong suy nghĩ (tất nhiên!). Đọc truyện của hai ông, người ta không thấy gì thô tục, bẩn thỉu... chỉ là — như cách nói của Thụy Khuê:
Qua cái vỏ ngoài có vẻ sống sượng, trần truồng của ngôn ngữ, bên trong ấp ủ một tình yêu dịu dàng, êm ái... Kiệt Tấn ngó đàn bà trong trạng thái nguyên thủy (không quần áo), với con mắt của một hoạ sĩ trước vệ nữ khoả thân... Sự thèm muốn trước cái đep thể xác là điều tất đến như đói thì ăn, khát thì uống, không có gì xấu xa, không có gì cần phải che đậy, thật thà và hiện hữu như những nhu cầu chính yếu của con người.
“Viết về tình dục, tôi đặt nghệ thuật lên hàng đầu.” Kiệt Tấn phát biểu như vậy, và ông tiếp: “... viết về tình dục một cách nghệ thuật đòi hỏi một sự điêu luyện và một bản lĩnh rất cao ở người viết. Chỉ cần sai chạy một chữ là hỏng bét...” .Tôi chia sẻ ý này của Kiệt Tấn.

Năm nay đào lại nở




Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu
Giấy đỏ buồn không thấm
Mực đọng trong nghiên sầu...
(Vũ Đình Liên)

- Thưa ông cho nhà cháu hỏi thăm. Còn mấy hôm nữa thì là Tết ạ?

Tiếng hỏi làm tôi giật mình ngó người đàn bà chít khăn mỏ quạ. Tôi vừa ăn xong cơm chiều, đang đứng trước sân nhà xỉa răng ở trần cho mát. Tôi vội đáp :

- Thưa cụ vừa mới Tết xong ba bữa. Còn lâu lắm mới Tết nữa.

Người đàn bà có vẻ bối rối :

- Thế hở ông ? Thế mà cháu quên mất, làm phiền ông quá. Ông cho nhà cháu xin lỗi.

- Thưa cụ, có gì đâu mà xin lỗi.

Một cơn trốt thổi đến xoáy những cánh bông giấy chạy tán loạn trong sân. Bông giấy đủ màu: đỏ, cam, tím, trắng; Tết nào cũng rụng đầy, đúng hẹn với trời đất. Người đàn bà ngập ngừng:

- Phiền ông cho nhà cháu hỏi thêm: Ông có biết nhà ông Đa ở lối nào xin ông chỉ hộ cho nhà cháu.

Nữa. Lại câu hỏi đó nữa! Tôi vừa nghĩ thầm vừa nhìn vào đôi mắt hom hem của bà. Chiều nay bà không đeo kiếng mát, loại kiếng gọng nhỏ, có tròng đen tròn vo như loại kiếng đen lính cảnh sát đeo trong phim Hitchcock. Bà lại bối rối, cố nhoẻn miệng cười vớt vát, để lộ mấy chiếc răng nhuộm đen còn đương cự được với tuổi trời.

- Dạ thưa cụ, cháu không biết nhà ông Đa ở đâu.

- Thế hở ông? Thật khổ quá! Cháu đã hỏi thăm nhiều người mà không ai biết nhà ông Đa ở đâu cả.

Bà lí nhí xin lỗi rồi quay lưng đi, chiếc lưng mà sức hút của trái đất sáu bảy chục năm qua đã bẻ còng. Bà lom khom lê đôi dép Nhựt Bổn, đôi dép đã cũ, cao su bè ra hai bên. Tôi chắc chắn bà sẽ lại đi lượm lon, lon sữa bò, lon thịt hộp, lon đậu hộp... Mục này nằm trong chương trình hoạt động hằng ngày của bà. Không ai biết tên bà. Má tôi quen gọi bà là ‘‘Bà Lượm Lon’’. Nhiều lần má tôi cho bà cái lon không đã rửa sạch, và kết chuyện với bà. Không biết hai bà già lẩm cẩm nói gì với nhau mà cười tíu tít như xuân nữ. Có bữa thấy bà lom khom sục sạo ngoài hàng rào, má tôi sực lo ngai ngái cho tương lai của chính mình.

- Tao sợ nữa già tao cũng lẫn lộn rồi đi lượm lon như bả quá! Rồi mầy với thằng con mầy đẩy xe bỏ tao trên núi.

Nói xong, bà cúi xuống hun thằng con trai của tôi bà đang bồng trên tay. Cục cưng của bà đó. Rớ tới là bà xuống đường, tuyệt thực để phản đối.

Bà Lượm Lon quẹo ở hông nhà tôi rồi đi ra phía đường lớn, đại lộ Bạch Đằng, xóm Hàng Xanh. Bà sẽ lạch bạch băng qua bên kia đường lớn, hỏi thăm nhà ông Đa, rồi thất vọng quay lộn trở về lề đường bên này, lại hỏi thăm nhà ông Đa, lại thất vọng, lại lạch bạch băng qua bên kia đường... Đâu mười bữa trước, tôi đang sơn lại cửa rào trước nhà thì bà tới gần hỏi tôi, vẫn giọng lễ phép cố hữu của người nhà quê miền Bắc:

- Thưa ông cho nhà cháu hỏi thăm. Còn mấy hôm nữa thì là Tết ạ?

Tôi dừng cọ sơn, mỉm cười ngó bà :

- Thưa cụ còn bốn bữa nữa thì Tết. Cháu đang sơn lại nhà để ăn Tết đây.

Bà cười tếch toác, răng đen nhánh:

- Thế hở ông? Sắp Tết rồi, vui quá nhỉ?

Bà đưa tay sửa lại chiếc khăn mỏ quạ bị gió xuân xô lệch.

- Dạ... dạ thưa ông, xin phiền ông chỉ hộ cho cháu nhà ông Đa, cháu đi tìm mãi mà... (v.v.)

Nữa. Lại nhà ông Đa nữa! Ông Đa nào? Tôi không cách gì biết được. Ông Đa là ai? Tôi mù mịt. Ông là gì của bà? Một thân nhân? Một ông chủ cũ? Một người chồng cũ? Một nhân tình cũ? Ở đâu? Hà Nội, Hải Phòng, Bùi Chu, Nam Định hay Phủ Lý? Kỷ niệm gì mà trên bước đường di cư khi đất nước chia hai đeo đuổi, đeo riết khiến bà còn nhớ hoài, nhớ mãi, cho tới bây giờ? Hai người đã yêu nhau khắng khít, sống vô số kỷ niệm đẹp, rồi đùng một cái! Xa nhau? Tôi cứ phỏng đoán lan man. Rốt cuộc vẫn là người mù đi trong bóng tối giữa đêm ba mươi.

Nhà ông Đa ở đâu, tôi không biết đã đành. Nhưng ngay chính nhà của bà ở chỗ nào tôi cũng không biết. Chỉ biết đại khái bà ở đầu xóm, vì bận nào bà cũng từ đầu xóm đi lại, qua ngang cửa nhà tôi, quẹo trái rồi băng qua đại lộ Bạch Đằng. Rồi băng trở lại (vân vân). Tung tích: bà là người di cư. Gốc gác: nhà quê miền Bắc - dựa theo giọng nói. Tuổi tác: trên sáu mươi - dựa theo chiếc lưng còng. Dĩ vãng: ông Đa. Hoạt động: lượm lon. Hết!

Bốn mùa bà chít khăn mỏ quạ màu nâu đất đã bạc thếch. Quần dài đen, áo cánh đen tay ngắn, răng nhuộm đen, đi dép Nhựt Bổn bè bè, đeo kính đen tròng kính tròn vo. Một đời sống bình yên thuở nào bên sông Hồng, giờ chỉ còn lại có bao nhiêu đó. Thời buổi này giặc giã, hoả tiễn Nga thụt vô Sài Gòn, phản lực Mỹ xẹt ngang Gia Định, xe tăng thiết giáp rần rần rộ rộ, kéo lê những khẩu đại bác dài ngoằng băng qua xóm Hàng Xanh của tôi và Bà Lượm Lon rồi trực chỉ xa lộ Biên Hoà. Xe tăng tương đối chạy chậm, so với xe vận lương phóng ào ào, nườm nượp, súng bắn lốp bốp mở đường, lôi theo những thùng sắt khổng lồ, no ứ, xẹt tới xẹt lui không ngớt trên đại lộ Bạch Đằng.

Sau khi chứng kiến vô số tai nạn - một lần trái tim người bị cán văng ra còn đập nhẩy trên mặt đường nhựa - tôi thường ê ẩm hàm răng, tóc tai dựng đứng, nổi da gà khiếp vía khi thấy Bà Lượm Lon đi ngang qua cửa nhà tôi, quẹo trái, chập sau có tiếng xe vận lương rầm rộ, súng nổ lốp bốp, rồi tiếng phanh xe khịt khịt, tiếng bánh xe cao su chợt đứng sững nhưng còn trớn cày xiết trên mặt đường nghe rát ruột. Tôi sợ rồi một ngày nào đó cái khăn mỏ quạ, đôi dép Nhựt Bổn, mấy cái lon vừa lượm được sẽ văng tung toé dưới lườn của một thùng sắt đồ sộ. Người ta sẽ thu nhặt những gì còn lại của chiếc lưng còng, của hàm răng đen, của cặp kiếng đen, của một thuở bình yên bên sông Hồng, của những tình tự một thời với ông Đa. Người ta sẽ bỏ hết những thứ đó vào một cái hòm nhỏ, đem chôn ở một nơi rất xa thành phố. Rồi mọi người sẽ dần dần quên, quên hết. Chẳng còn ai nhớ trong xóm mình đã từng có một bà người Bắc Kỳ lom khom đi lượm lon ở miền Nam - lượm lon để làm gì không biết. Sẽ không còn ai hỏi thăm nhà ông Đa. Cũng sẽ không còn ai hỏi tôi, khi mùa xuân hãy còn đó:

- Thưa ông cho nhà cháu hỏi thăm: Còn mấy hôm nữa thì là Tết ạ?

- Thưa cụ, vừa mới Tết xong. Còn lâu lắm mới Tết nữa cụ ạ!

Không rõ vì lẽ gì mà mỗi lần hoa mai nở, mỗi lần hoa đào nở, mỗi lần Tết đến là tôi lại bị ám ảnh bởi những người đàn bà già nua mà tôi đã có dịp gặp trong đời. Có lẽ tại vì tôi nhìn thấy quê hương qua những bà già đó, một quê hương vừa yêu dấu, vừa ngậm ngùi. Thương đứt từng khúc ruột. Viết tới đây tôi lại chảy nước mắt. Trời ơi: Sao tôi cần quê hương đến như vậy!

Những bà già đó tượng trưng cho quê hương. Không! Những bà già đó là quê hương. Những bà già có làn da nhăn thơm tho mùi đất, có nụ cười rì rào tre trúc, có bàn chân nứt nẻ phù sa, có trái tim từ bi vô lượng, trái tim đó đã bơm máu vào rún tôi từ thuở tôi trong bụng mẹ, lúc tôi còn nhỏ xíu, lớn chưa bằng đầu ngón tay. Trời hỡi! Sao thương quá sức! Ai nỡ cắt ruột cho đành? Tôi thèm thương. Tôi thèm khóc. Tôi thèm quê hương. Thèm quá đỗi! Tết lại đến rồi đó...

Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?

Năm nay đào lại nở. Phải, năm nào mà đào lại chẳng nở? Tôi muốn la một tiếng thất thanh: ‘‘Ôi Quê Hương!’’. Đào lại nở, tôi lại nhớ. Tôi nhớ những người muôn năm cũ, những bà già lượm lon, những bà già bán cà-rem ở trường học, những bà già bán đậu phọng ở bến xe, những bà già bán nước mía trong chai xách trên chiếc bắc Mỹ Thuận, Cần Thơ, Vàm Cống hay Rạch Miễu đưa bà con về thăm nhà trong dịp Tết. Những bà già mà mỗi lần ngó, bạn đều được tặng không một nụ cười hiền lành - hiền lành như cặp mắt của con trâu đi cày. Cũng không có gì khác để tặng bạn ngoài nụ cười đó. Rồi Tết qua, trở lại chuyến bắc, có thể bạn sẽ không còn gặp lại bà già đó nữa. Không bao giờ! Nụ cười tặng không đã mất. Cũng như quê hương.

Bà già cầm cái chuông nhỏ đưa lên lắc leng keng, ngó tôi mỉm cười. Mỉm cười vì bà đã được tôi ngó. Bà ngồi ở sân trường, giờ ra chơi. Tôi học lớp nhứt, được đâu mười tuổi. Cái nón lá rách để một bên, cái bình cà-rem để một bên, bình tròn dài sơn xanh, trên đậy nắp thiếc mạ kền đã trầy ố. Bà vừa từ bên trường nữ cách đó khoảng hơn trăm thước tất tả chạy qua, mồ hôi còn đổ hột trên trán. Bên trường nữ vừa hết giờ ra chơi là tới phiên trường nam ra chơi, trống giục liên hồi. Có lẽ bên trường nữ bà già cà-rem bán được hơn bên nầy. Bên nầy tụi nhóc khoái đổ xí ngầu hơn là bỏ tiền ra mua cà-rem một cách lương thiện. Được thì ăn nhiều, thua thì bơ mỏ. Nhưng hào hứng. Vì vậy mấy thằng nhỏ bán cà-rem đều thủ sẵn một cái tô và ba hột xí ngầu. Ra chơi tụi nhóc bu lại, trong đó có tôi. Bỏ bà già ngồi ở góc sân chong ngóc một mình vì bà không có... đổ xí ngầu.

Vì vậy khi có đứa nào ngó, bà liền đưa cái chuông nhỏ lên lắc lắc mời mọc. Như con chó hiền lành, chỉ chờ có người ngó là vẫy đuôi ngoắc. Tôi biết sự so sánh có vẻ kỳ cục, nhưng tôi không có cách nào diễn tả ánh mắt của bà hơn là ánh mắt mừng rỡ của con chó khi nhận ra được người quen. Và tiếng chuông leng keng là tiếng sủa mừng. Tôi nghĩ bà cũng quý chuông lắm vì lúc nào nó cũng được bà chùi bóng. Hồi nhỏ tôi cũng ham vui, như mấy thằng lỏi khác. Nhưng đôi khi nhìn ánh mắt mừng rỡ của bà, tiếng chuông leng keng và cái miệng móm cười không còn răng, tôi chợt thấy má tôi đang ngồi chồm hổm đó - tôi cầm lòng không đậu. Tôi bỏ ra năm cắc mua của bà cây cà-rem đậu xanh và hi sinh buổi đổ xí ngầu. Tay bà run run giở cái nắp bình thuỷ bằng mốp lựa cây cà-rem đưa cho tôi, tay run run. Tôi không quên nổi hình ảnh đó - cho tới chết không chừng. Run run không phải vì cảm xúc mà vì tuổi trời, có lẽ. Bà đã già lắm rồi, tóc bạc trắng như trang giấy học trò điểm sợi đen như những đường gạch hàng trên trang giấy. Nhưng bà lúc nào cũng tặng không một nụ cười móm khi đưa cho tôi cây cà-rem. Tôi không hề bắt gặp một chút nào đau khổ hay than trách trong ánh mắt và nụ cười đó. Ngay lúc bà ngồi suốt cả giờ ra chơi, không bán được một cây cà-rem nào.

Có bữa tôi ngó bà, bà ngó tôi đưa cái chuông lên lắc leng keng, cười móm, nhưng tôi đành ngoảnh đi vì tôi vừa đổ xí ngầu thua sạch. Bước đi mấy bước tôi ngoảnh lại, bà lại đưa cái chuông lên lắc. Tôi vụt bỏ chạy... Có bữa tôi thấy ngón chân cái của bà sướt móng chảy máu - bà đi cẳng không. Có lẽ vì chạy quá vội vàng trên con đường đá xanh lởm chởm từ trường nữ qua trường nam, bà vấp cục đá lớn. Tôi đã có lần bị vấp đá xanh trật móng, đau đứt ruột, nên biết. Nhưng nét mặt bà không hề lộ vẻ gì đau đớn. Chỉ chờ thằng lỏi nào ngó là bà lại đưa chuông lên, cái chuông bóng loáng, như tiếng sủa mừng, như tấm lòng của bà.

Một bữa gần bãi trường ăn Tết, tôi háo hức nhào vô đổ xí ngầu với tụi lỏi, chợt trời mưa. Tụi tôi từ sân chơi dời vô núp mưa dưới hàng ba và tiếp tục sát phạt. Tôi cháy túi như mọi bận. Tôi còn đang đứng xớ rớ ngó ra cổng trường chợt thấy bà già cà-rem xớn xác từ ngoài cổng chạy vào, rồi tấp vào hàng ba đụt mưa. Bà giở chiếc nón lá rách ra giũ nước. Mưa lớn quá, bà ướt mem. Bà ngồi chồm hổm dưới đất, dựa lưng vào vách lá của lớp học, mặt bà xanh xao, môi tái mét, có vẻ mệt mỏi. Bà lấy tay lau sơ cái chuông đã ố nước rồi ngó lên chờ khách hàng. Tôi ngó bà, bà ngó tôi rồi đưa chuông lên lắc leng keng, cười móm. Tôi muốn khóc. Tôi chạy vô lớp mượn của thằng bạn năm cắc. Tôi trở ra, đến ngồi chồm hổm bên cạnh bà, leng keng, leng keng...

- Bà cho tui cây cà-rem đậu xanh.

Bà đặt chuông xuống đất, giở nắp thiếc mạ kền. Bà mở tiếp nắp xốp, các ngón tay run run còn đọng nước mưa.



Thùng... thùng... thùng thùng thùng... Tiếng trống chấm dứt giờ ra chơi chợt gióng lên liên hồi. Cây cà-rem đậu xanh vừa lấy ra khỏi bình thuỷ còn run run trên tay bà. Tôi vội vã quăng năm cắc vào nắp thiếc :

- Bà cất cà-rem đó, mơi tui lấy.

Bà cười móm :

- Ờ, mơi nhớ lấy nghe cháu !

Bà cầm nón lá đứng dậy, má tôi đó. Tay xách bình cà-rem, má tôi đứng ngó thằng con trai của bà đang xếp hàng đi vào lớp. Khi tôi đi ngang, bà nghiêng người kề tai tôi dặn nhỏ: ‘‘Mơi nhớ lấy cà-rem nghe cháu!’’. Hơi thở ấm áp của bà phà vào lỗ tai tôi. Vào lớp, thầy ra hiệu cho cả lớp ngồi xuống. Tôi ngồi xuống ở bàn đầu ngó ra còn thấy má tôi đang tất tả chạy trên con đường đá xanh lởm chởm, tay vịn nón lá sợ bay mất. Rồi bóng má tôi với cái áo vá vai mờ dần trong mưa...

Ngày hôm sau, tôi có ý chờ bà tới. Bà không tới. Hai bữa sau bãi trường. Tôi ăn hủ tiếu uống nước bạc hà, tôi ăn dưa hấu đỏ, đốt pháo chuột, và quên hết. Quên tiếng chuông leng keng, quên ngón chân sứt móng, quên cái bình cà-rem trầy ố, quên con mắt vẫy đuôi mừng.

Qua Tết, nhập học, chúng tôi trở lại trường. Nhưng bà già cà-rem với cái nón lá rách và cái chuông bóng lộn không bao giờ trở lại nữa. Không bao giờ...

Đã có bao nhiêu bà-già-quê-hương tôi đã gặp trong đời? Năm người? Mười người? Hay một trăm người? Hay nhiều hơn nữa? Có lẽ vậy. Không sao đếm hết. Những bà già đó nhan nhản đầu làng cuối xóm, ở quê mình. Chỉ cần để ý một chút, bạn sẽ thấy. Họ sờ sờ đó, lúc nào cũng hiện diện, nhưng cũng đồng thời rất âm thầm. Họ không có nhiều lời nói, chỉ có cái nhìn độ lượng, ánh mắt từ bi, nụ cười móm. Và đôi khi họ khóc. Cũng như bạn. Khi đau khổ quá, bạn khóc.

Học hết tiểu học, tôi lên trung học. Hết lớp đệ tam, tôi rời Vĩnh Long sang học trọ ở Mỹ Tho, lớp đệ nhị Nguyễn Đình Chiểu. Nhà trọ ở gần trường, sau trường là bến xe đò. Ban đêm có xe hủ tiếu, xe bán bò bía, khô mực, ổi cóc, la-de nước ngọt... đẩy tới bày bán. Tôi thức khuya học, thỉnh thoảng đói bụng chạy ra làm một tô mì hay uống nước dừa tán dóc với mấy thằng bạn cùng trọ. Lần nào tôi cũng gặp bà-già-quê-hương đi rảo qua các bàn ăn mời mua giùm một hai gói đậu phọng. Bà bưng cái rổ nhỏ, các gói đậu làm bằng giấy nhựt trình quấn thành hình nón dài. Bà để đầu trần, đi cẳng không, quần đen, áo trắng rách lưng đã ngả màu vàng xỉn. Đôi mắt hom hem thụt sâu trong hố mắt, nụ cười nhăn nhúm, móm xọm, hiền hậu.

Lần đầu tiên bà đến mời, tôi mua hai gói. Gói đầu mở ra, bẻ đậu, đậu lép. Bẻ tiếp, lại đậu lép. Lần thứ ba, có một bên lép, bên kia hột đậu có chút xíu. Gói thứ hai, cũng đại khái như vậy. Nói chung, đậu lép rất nhiều, hầu hết. Tôi nghĩ thầm tại mình xui. Nhưng lần thứ hai tôi mua, cũng vậy nữa, lép nữa. Và những lần kế tiếp khác, lại đậu lép và đậu lép. Một bận tình cờ nói chuyện với bà chủ nhà trọ, bà cho biết tình cảnh bà-già-đậu-lép. Bà sống chung với cháu nội và con dâu ở ngoại ô Định Tường. Con trai bà đi lính đã chết. Con dâu mua bán đậu phọng, hột chắc thì luộc đem ra chợ bán ban ngày, hột lép thì rang sơ bỏ vô gói giấy nhựt trình giao cho bà già đi bán ban đêm – ban ngày bà ở nhà giữ cháu. Thấy bà già cả lụm cụm, người mua nhằm đậu lép chắc không ai nỡ nói gì. Nhưng sau đó, khi đã biết được thì không ai mua nữa. Mặc tình cho bà rảo tới rảo lui, hay bưng rổ đứng chờ rất lâu bên cạnh bàn ăn.

Tim tôi se lại, ruột quặn thắt. Trời hỡi! Sao khốn cùng tới mức phải đi bán đậu lép! Tối hôm đó, tôi ngồi uống nước dừa Bến Tre, có ý chờ bà. Bà lẩm đẩm, lom khom tới bàn tôi mời, tôi mua hai gói. Khi bà run run đưa tôi gói đậu phọng, tôi thấy cánh tay bà nổi gai ốc. Trời lập đông. Tết sắp đến rồi. Bà cám ơn tôi. Tôi thấy cổ mình nghẹn thắt. Và nhiều lần như vậy nữa. Lần nào tôi cũng mua hai gói đậu phọng bỏ vào túi, về nhà trọ bẻ ra lấy mấy hột đậu không lép, nhâm nhi thấy bùi ngọt mà sao chua xót ngậm ngùi. Trời gần Tết, càng lúc càng lạnh.

Nhiều bữa có những chuyến xe đò muộn ghé qua cho khách xuống hoặc đổ xăng. Những người bán hàng rong ùa tới, đưa cao những rổ mận, những chùm mía ghim, những bọc kẹo chuối, mứt chuối... ơi ới réo mời hành khách. Bà-già-đậu-phọng cũng lụm cụm chạy tới, nhưng bị lấn giạt ra xa, chen vô không được với bọn đàn bà con gái. Bà đứng phía sau, cầm gói đậu phọng nhựt trình lóng nhóng đưa lên, miệng lắp bắp, lí nhí, nghe không rõ được tiếng nào. Rồi xe rồ máy nhả mùi xăng cháy và khói xanh um mịt mù, vọt chạy... Người bán rong chạy theo để lấy tiền hoặc thối tiền. Bà già bỏ gói đậu phọng lại rổ, đứng ngó theo. Tới lúc xe khuất.

Tôi có cái áo blouson cũ màu trắng, dính mực ở lưng giặt không ra. Một đêm tôi cầm cái áo ra bến xe đò, đứng ở gốc cây me núp chờ. Tôi chờ bà-già-đậu-phọng. Một chiếc xe đò muộn tấp vô bến, đậu lại xuống hành khách. Mấy cô bán rong ùa tới, bà già đậu phọng lụm cụm, lẽo đẽo, đứng xa giơ gói đậu phọng lên lắc lắc, lí nhí. Xe rồ máy vọt chạy. Bà đứng xớ rớ bên lề. Tôi bước tới bỏ cái áo blouson dính mực vào cái rổ của bà, không nói được lời nào. Tôi ngó bà, bắt gặp ánh mắt từ bi đang nhìn tôi. Tôi quay lưng bước lẹ như chạy trốn. Đến gần đầu đường tôi ngoái người ngó lại. Bà già đậu phọng còn đứng đó, trong bóng tối nhá nhem, tay cầm cái áo trắng đưa về phía tôi ngoắc ngoắc. Bà có nói một lời nào không, tôi không biết.

Và sẽ không bao giờ tôi biết được. Hôm sau tôi lấy chuyến xe đò sớm về Vĩnh Long bãi trường, ăn Tết với gia đình. Tôi ăn thịt kho, ăn dưa hấu, uống la-de, đốt pháo đại, và quên hết. Quên bước chân lụm cụm, quên bà già đứng xớ rớ, quên những gói đậu phọng lép. Và cũng sẽ không bao giờ tôi được thưởng thức món đậu phọng lép của bà-già-quê-hương nữa - cái hương vị bùi ngọt mà sao chua xót khôn cùng! Trời hỡi, sao thương quá thể!

Tết qua, tôi trở lại Định Tường, đổi nhà trọ, xuống Xóm Bến Đò bên kia sông là chùa Vĩnh Tràng. Tôi gặp Hoa, người yêu đầu tiên ở đó. Nhưng không còn bao giờ tôi gặp lại bà-già-đậu-lép nữa. Bà chưa chết. Tôi không dám nghĩ rằng bà đã chết. Tôi năn nỉ bà đừng chết. Bà đang bưng rổ bán đậu phọng ở một bến xe đò khác, ngoài ngã ba Trung Lương chẳng hạn. Có thể bà bị lấn ra xa, nhưng bà chưa chết. Bà đang cầm gói đậu phọng đưa lên cao, dù không ai mua. Bà đang mặc cái áo blouson trắng dính mực, coi rất kỳ cục. Nhưng bà chưa chết. Cũng như bà già cà-rem - má tôi. Bà cũng chưa chết. Bà đang ngồi chồm hổm bán cà-rem ở một trường tiểu học khác nào đó, ở Cai Lậy chẳng hạn. Chỉ chờ bạn ngó, tôi ngó, thằng nhóc nào đó ngó là bà đưa cái chuông bóng lộn lên lắc leng keng, cười móm, mời mọc, ngọt sớt.

Có thể bà vẫn còn ngồi đó, dù không ai mua cho bà cây cà-rem đậu xanh. Có thể bà vẫn còn bưng rổ đứng đó, dù không ai mua cho bà gói đậu phọng lép. Có thể bà vẫn còn lom khom đi lượm lon trong xóm Hàng Xanh, dù không ai chỉ cho bà nhà ông Đa. Nhưng mọi người vẫn còn đó. Những bà-già-quê-hương, những ‘‘Mối Tình Đầu’’ thiệt sự của tôi, vẫn còn đó. Cho dù bạn vô tình hay thờ ơ không ngó thấy.



Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài giời mưa bụi bay...

Vườn chanh miệt biển-1

Cõi người có bao nhiêu

Mà tình sầu vô lượng

Còn chi trong giả tướng

Hay một vết chim bay.

(Phạm Thiên Thư)

 

Nghẹn ngào niềm nhớ nhau



Thương xót ai trăng sầu bên mái lầu…”

 

Trời ơi! Chắc người con gái đã chết. Ánh trăng còn đó mà khung cửa sổ đã tối đen. Tôi thấy, hình như tôi thấy… Mà rồi tôi không thấy gì hết.

 

Mái lầu cong vút, như một cung điện, hay là một gác nguyệt. Nàng ra đó chờ ai? Để cho ánh trăng đậu trên khuôn mặt liêu trai thành hai vầng nguyệt bạch, một trên mái lầu, một dưới mái lầu mà quyến rũ chết được. Sự chờ đợi quá đỗi khiến cho nhan sắc tan thành nỗi đìu hiu quạnh quẽ bụi trăng mỏng hòa tan theo cơn gió lụa cuốn bay đi mất hút. Nàng đã trở về gác nguyệt trong vầng ngọc thỏ từ đó nàng đã bước xuống trần một đêm trăng sáng- thời nào? thuở nào? Nàng là cung phi? Không! Nàng là cô láng giềng của tôi. Tôi còn đi học, nàng còn đi học. Tôi si tình ôm đàn đứng dưới khung cửa sổ nhà nàng mà hát. Tiếng ca nở thành những bông hoa lài thơm phức. Đêm ngầy ngật.

 

Thương xót ai trăng sầu bên mái lầu…”



 

Nàng ra đứng ở khung cửa sổ không phải để chờ tôi. Nàng xõa tóc. Tôi si tình. Trăng đậu trên những giọt nhạc tuyệt vọng. Vậy mà tôi thương xót nàng. Vì trăng sầu? Hay vì một mái lầu trơ vơ vút cong trên tóc nàng vọng nguyệt? Hình ảnh diễm kiều. Trời ơi! Chắc nàng đã chết vì quá chờ đợi. Sao nhẫn tâm đành để nàng chờ đợi? Và bây giờ nàng đã chết. Lầu trống trăng mỏi.

 

Dây đàn chợt đứt phựt! Tôi giựt mình tỉnh giấc. Nghe mùi hoa chanh thoang thoảng như hương gót chân của nàng còn để lại.

 

Đâu dáng huyền thầm mơ lúc tuổi xanh?”…


***

 

Gió đưa hương chanh chín mùi luồn qua mành lưới đan khít gắn ở cửa sổ. Bên kia cửa sổ, vườn chanh đang khua lá giặt rửa dưới dòng trăng, rì rào suối nguyệt. Lẫn trong hương chanh còn có mùi biển mặn mà từ lòng vịnh dưới thấp ùa lên. Cánh cửa sổ bằng cây tôi quên cài móc đập vào khung cửa - là lúc dây đàn tôi đứt phựt? Cơn mơ “Vọng nguyệt” một lần nữa lại trở về. Ngày nào một giấc mơ, đâu những đêm trăng mờ ai ngóng chờ….



 

Tôi đã mơ giấc mơ đó năm năm về trước - hay lâu hơn nữa không biết chừng. Tôi thả thuyền lá trên dòng phù sa, nhẹ lướt trên khung cửa chiếc nhà sàn. Người con gái môi hồng mặt mũi trắng tinh, chiếc áo lụa đen càng làm nổi bật chiếc cổ thanh tú của loài thiên nga tha thướt về đậu ở ô cửa. Dưới trăng một cành mai vàng rực rỡ chi chít những bông la đà rũ xuống khung cửa nơi nàng xuất hiện. Thuyền nhẹ lượt tới. Và tôi ôm đàn cất tiếng hát: “Đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dạo muôn tiếng tơ. Không gian trầm lắng như âu yếm ru ai trong giấc mơ. Mái tóc nhẹ run, trăng vờn làn sóng. Yêu ai anh nắn cung đàn đầy vơi đôi mắt xa xôi…”

 

Nàng chải tóc có vẻ hờ hững. Tôi hát rất lâu. Thuyền tôi trở đi trở lại. Nàng vẫn chải tóc làm thinh. Bông mai vàng rụng xuống như mưa bấc mà trăng thì sáng vằng vặc. Khi tỉnh dậy tôi còn ngất ngây như say rượu. Và tôi ngã bịnh. Tôi tương tư người con gái trong giấc mơ. Cơn mộng đó đeo đuổi tôi cả tháng trời mới chịu buông thả. Từ ngày ở nhà thương điên ra đến giờ giấc mơ đó lại trở về, cùng với biết bao hoài niệm thương động khác. Như một người sắp lẫn lộ, chuyện gần tôi quên, chuyện xa tôi nhớ. Trong tiềm thức tôi mọc lên một vòng nguyệt bạch, một mái lầu và một người con gái trắng tinh ngồi ở cửa sổ ngóng đợi. Và tôi si tình chất ngất. Si tình ai? Ai đã ra ngồi bên cửa sổ của chiếc nhà sàn đậu trên hàng chân khẳng khiu của loài vạc ăn đêm. Tôi có một trái tim rung động, mà nàng ơi có biết? Chiếc nhà sàn! Phải rồi. Hoa bến đò, người yêu đầu tiên của tôi bên dòng sông Định Tường hiền hậu, hiền hậu như đôi mắt nàng mười lăm tuổi ngờ ngệch. Nhà của Hoa thuộc loại nhà sàn nửa trên bờ nửa dưới nước.Chẻ tre bện sáo cho dầy, ngăn ngang song Mỹ có ngày gặp em. Nhưng Hoa đã đáp lại tình tôi. Còn người con gái trong mơ thì hờ hững, mối tinh si chưa giải tỏa được khiến tôi còn nằm mơ thấy hoài. Thấu chăng Mị Nương?



 


Каталог: groups -> 19983123
groups -> Viettudan an ban/ Edition: unicode fonts Dau tranh cho Tu-do Ca-nhan & Nguyen-tac Dan-chu Xa-hoi tai Viet-Nam
groups -> Lời Tuyên Bố của các Công Dân Tự Do
groups -> PHẦn chuyển tiếp kính thưa quý vị và các bạn trẻ, giữa những ngưới Việt chúng ta, tôi nói
groups -> Ý Nga sưu tầm và cập nhật hóa ngày 21-4-2013, với nhạc của nhạc sĩ: TừYên, Hà Thúc Sinh vừa thêm vào
groups -> BÁo cáo môn: RÈn luyện nghiệp vụ SƯ phạM 3
19983123 -> Phản Bội hay Tự Do cho Việt Nam ?
groups -> Tin khoa hoc december 31, 2010 Những vụ phóng vệ tinh thất bại trong 2010 Trong năm 2010, một số quốc gia đã vấp phải các sự cố trong việc phóng vệ tinh vào không gian
groups -> Một Thời Bạn Học Revised 8/4/10 việt nam
19983123 -> Uống Rượu với Lê Văn RƯỢu vang mỹ

tải về 0.99 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương