MỤc lục chương một: CÁc khái niệm chung về sinh thái họC


QUẦN THỂ SINH VẬT 3.1.1. Khái niệm quần thể (tự học)



tải về 3.98 Mb.
trang6/24
Chuyển đổi dữ liệu01.06.2018
Kích3.98 Mb.
#39208
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   24

3.1. QUẦN THỂ SINH VẬT

3.1.1. Khái niệm quần thể (tự học)


Thuật ngữ “quần thể” - population được bắt nguồn từ chữ la tinh Populus, có nghĩa là dân tộc, đầu tiên dùng để chỉ một nhóm người, còn trong sinh thái học, nó bao hàm ý nghĩa rộng lớn hơn và dùng để chỉ một nhóm cá thể của bất kỳ một loài sinh vật nào trong quần xã.

Theo E.P. Odum (1971), quần thể là một nhóm cá thể của một loài (hoặc một nhóm khác nhau, nhưng có thể trao đổi về thông tin di truyền), sống trong một khoảng không gian nhất định, có những đặc điểm sinh thái đặc trưng của cả nhóm chứ không phải của từng cá thể riêng biệt.

Mỗi quần thể có nhiều đặc trưng, nhưng xét về tính chất và số lượng, chúng ta có thể chia làm hai loại sau đây: (1) những đặc trưng có liên quan đến số lượng và cấu trúc; (2) những đặc trưng biểu thị tính di truyền của quần thể như: mật độ, sinh sản và tử vong, thành phần tuổi, sự phân bố trong không gian và kiểu sinh trưởng, sự dao động số lượng cá thể.

Quần thể là hình thức tồn tại của loài trong điều kiện cụ thể của môi trường sống. Một loài có thể bao gồm rất nhiều quần thể. Hay nói khác đi, một loài bao gồm một tổ hợp phức tạp, tập hợp những sinh vật mang tính lãnh thổ và sinh thái đặc trưng.

Tập hợp các sinh vật trong loài mang tính chất lãnh thổ khác biệt lớn được gọi là đơn vị dưới loài. Dưới loài chiếm một phần lãnh thổ của khu phân bố của loài mang tính chất địa lý thống nhất. Dưới loài lại chia thành các quần thể địa lý. Các quần thể địa lý khác nhau trước hết bởi các đặc tính về khí hậu và cảnh quan vùng phân bố. Quần thể địa lý lại phân thành những quần thể sinh thái. Quần thể sinh thái bao gồm một tập hợp cá thể cùng sinh sống trên một khu vực nhất định, ở đây mọi nhân tố ngoại cảnh tương đối đồng nhất, gọi là sinh cảnh (biotop). Nếu sinh cảnh không thật đồng nhất mà lại chia thành nhiều khu vực nhỏ khác, thì quần thể lại chia thành những quần thể yếu tố sống trên những khu vực nhỏ có những điều kiện sinh thái khác nhau kể trên.

Trong nội bộ quần thể của nhiều loài động vật còn hình thành những nhóm động vật (bày, đàn...) tạo điều kiện cho việc sử dụng nguồn sống cũng như các điều kiện ngoại cảnh môi trường tốt hơn, và từ đó cũng hình thành những lối sống thích hợp đặc trưng.


3.1.2. Phân bố các cá thể trong không gian và quan hệ các cá thể cùng loài


Sự phân bố của các cá thể trong không gian nơi ở của chúng có thể theo ba kiểu: cách đều, ngẫu nhiên và cụm hay đàn.

Phân bố cách đều biểu hiện trong các trường hợp (1) loài có biến động rất nhỏ về số lượng cá thể trên đơn vị diện tích, (2) các cá thể của loài sống cách nhau trên một khoảng cách bằng nhau. Kiểu phân bố này không gặp trong điều kiện thiên nhiên, trái lại có thể gặp ở các quần thể sinh vật được con người kiểm soát chặt chẽ: đồng ruộng, vườn cây, rừng trồng…

Phân bố ngẫu nhiên biểu hiện ở chỗ các cá thể phân bố không theo quy luật nhất định. Điều thiết yếu cho phân bố ngẫu nhiên là tính đồng nhất của môi trường quần thể sinh vật. Trên quan điểm thống kê, tính đồng nhất xuất hiện trong trường hợp: (1) mỗi cá thể của loài có xác suất gặp như nhau ở bất kỳ vị trí nào trong quần thể, (2) các xác suất này không thay đổi do sự có mặt của cá thể khác ở gần đó. Kiểu phân bố ngẫu nhiên cũng không thường gặp trong điều kiện tự nhiên.

Phân bố cụm, hay phân bố theo đám: Đó là sự sắp xếp các cá thể theo từng đám ở một diện tích nào đó trong quần thể và hầu như không bắt gặp ở diện tích khác, đây là kiểu phân bố rất phổ biến trong thiên nhiên. Sự hình thành kiểu phân bố cụm có thể do những nguyên nhân sau đây: (1) đặc tính sinh học - sinh thái của loài (ví dụ phát tán quả hạt xung quanh tán cây mẹ, sinh sản theo kiểu chồi, sự quần tụ theo bầy đàn…), (2) sự không thuần nhất của môi trường (ví dụ: địa hình không bằng phẳng, nguồn thức ăn tập chung theo từng đám…), (3) tác động chọn lọc theo đám của con người (khai thác cây rừng theo đám…), (4) sự hấp dẫn của bầy đàn…

Khi nghiên cứu sự phân bố của các cá thể trong quần thể, Allee phát hiện ra quy luật: Đa số các quần thể sớm hay muộn đều quần tụ thành những nhóm cá thể. Sự quần tụ của các cá thể cùng loài có thể đem lại nhiều lợi ích cho quần thể: (1) tăng cường ưu thế trong sự cạnh tranh không gian và nguồn thức ăn, (2) bảo vệ và hỗ trợ nhau trong quá trình chống lại kẻ thù, (3) làm tăng khả năng sinh sản và tỷ lệ sống sót, (4) tạo ra vi môi trường có lợi cho quần thể, (5) phân chia lao động và hợp tác… Song sự quần tụ của các cá thể cùng loài thành từng đám với số lượng lớn cá thể có thể dẫn đến một số bất lợi: (1) sự cạnh tranh trong loài để dành không gian và thức ăn, kết quả lại giảm sự cạnh tranh giữa các loài, giảm khả năng sống sót của các thế hệ mới; (2) làm tăng sự căng thẳng trong quần thể. Ví dụ làm tăng sự lây lan bệnh tật nguy hiểm, làm giảm sự đa dạng về hình thái và sức sống của các cá thể và cả quần thể; ví dụ một quần thể cây rừng đông đúc có thể gây ra hiện tượng tán lá chồng lấp lên nhau, kết quả làm tán phát triển lệch dạng cờ, thân cây mảnh, vòng năm phát triển lệch, tỉa cành sớm hoặc sự thiếu hụt ánh sáng dưới tán rừng dẫn đến sự ức chế sinh trưởng và phát triển của thế hệ cây mới.

3.2. QUẦN THỂ SINH VẬT VÀ MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG CỦA CHÚNG

3.2.1. Khái niệm về quần xã (tự học)


Quần xã (community) là một tập hợp tất cả các loài sinh vật khác nhau (thực vật, động vật, vi sinh vật) cùng chung sống (định cư) trong một vùng hoặc một sinh cảnh xác định, được hình thành trong quá trình lịch sử lâu dài, liên hệ với nhau do những đặc trưng chung về sinh thái học mà các thành phần cấu thành nên quần xã (quần thể, cá thể) không có.

Sinh cảnh là một lãnh thổ tương đối đồng nhất về điều kiện khí hậu, đất đai cùng một tổ hợp sinh vật nhất định.

Từ định nghĩa về quần xã sinh vật, chúng ta có thể rút ra hai nhận xét:

+ Quần xã là một tập hợp các quần thể sinh vật, song sự tập hợp này không phải là một con số cộng đồng đơn thuần (không phải chỉ có các quần thể đứng cạnh nhau thì được gọi là quần xã) mà giữa các loài phải có mối quan hệ rất chặt chẽ với nhau về dinh dưỡng và nơi ở. Mối quan hệ này có thể là quan hệ tương hỗ, đối địch hoặc là sự cạnh tranh...

+ Do mối quan hệ giữa các loài trong quần xã và do quá trình trao đổi chất của các loài này làm cho môi trường của quần xã biến đổi và bản thân quần xã đó lại chịu sự tác động của sự biến đổi này.

Từ hai nhận xét trên chúng ta thấy: Các quần xã trong tự nhiên có một cấu trúc nhất định và mỗi loài trong quần xã có một chức phận nhất định. Khái niệm về quần xã là một trong những khái niệm quan trọng bậc nhất trong lý luận cũng như trong ứng dụng sinh thái học. Trên quan điểm lý luận cho biết các sinh vật khác nhau thường hình thành một hệ thống có tổ chức. Quần xã sinh học luôn thay đổi hình thái bề ngoài, song có cấu trúc và chức năng là đặc tính duy nhất của nhóm đó. Khái niệm quần xã có ý nghĩa to lớn trong thực tế sinh thái học bởi vì chức năng của các sinh vật phụ thuộc vào quần xã. Vì vậy, nếu như chúng ta muốn tạo ra sự hưng thịnh hay ngược lại muốn kìm hãm một loài nào đó thì tốt nhất là làm cho quần xã biến đổi hơn là tổ chức tấn công trực tiếp vào loài này. Sự thịnh vượng của các sinh vật (ngay cả con người nữa) nói cho cùng đều phụ thuộc vào bản chất của các quần xã và của hệ sinh thái mà nó chịu tác động.

Quần xã được hình thành trên các quá trình trao đổi vật chất và năng lượng giữa các sinh vật với nhau tạo ra một thể thống nhất biểu thị các đặc tính thích nghi của các sinh vật với ngoại cảnh. Như vậy, quần xã sinh vật chính là phần sống của hệ sinh thái.

3.2.2. Cấu trúc của quần xã


Cấu trúc của quần xã trước hết phụ thuộc vào các sinh vật cấu thành nên quần xã đó, sau đó đến sự phân bố không gian và mối quan hệ giữa chúng với nhau cũng như giữa chúng với môi trường xung quanh. “Sự phân bố của các sinh vật trong không gian và quan hệ tương hỗ giữa chúng với môi trường ngoài quyết định cấu trúc của quần xã” (Hutchison, 1953, 1970).

Cấu trúc của quần xã được biểu hiện bằng các đặc điểm sau:

- Đặc điểm phân tầng (sự phân bố của các sinh vật theo chiều thẳng đứng).

- Đặc điểm phân đới (sự phân bố của các sinh vật theo chiều nằm ngang).

- Đặc điểm về hoạt động (biểu hiện tính chất chu kỳ hay không chu kỳ của các sinh vật).

- Đặc điểm về quan hệ dinh dưỡng (thể hiện bằng cấu trúc lưới dinh dưỡng của quần xã).

- Đặc điểm sinh sản (các hình thức sinh sản của sinh vật)

- Tính chất hoạt động của các loài cùng chung sống (được xác định bởi các mối quan hệ ký sinh, cạnh tranh, đối kháng hay sự cộng sinh).



- Mối quan hệ giữa các sinh vật với môi trường bên ngoài.

Sau đây chúng ta xem xét một vài đặc điểm quan trọng trong cấu trúc của quần xã.

3.2.2.1. Tính chất phân tầng của quần xã


Mối quan hệ về mặt không gian của các sinh vật trong quần xã rất quan trọng. Mối quan hệ này biểu hiện ở nhiều hình thái khác nhau, trước hết là ở tính chất phân tầng của quần xã. Sự phân tầng của quần xã thể hiện rõ nét ở các quần xã nhiệt đới, vực nước sâu, trong đại dương và trong lòng đất.




tải về 3.98 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   24




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương