MỤc lục chương một: CÁc khái niệm chung về sinh thái họC


SINH THÁI HỌC VỚI QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN ĐẤT



tải về 3.98 Mb.
trang22/24
Chuyển đổi dữ liệu01.06.2018
Kích3.98 Mb.
#39208
1   ...   16   17   18   19   20   21   22   23   24

5.2. SINH THÁI HỌC VỚI QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN ĐẤT

5.2.1. Khái niệm về đất (tự học)


Theo Docutraiep, 1879 “đất là vật thể thiên nhiên cấu tạo độc lập, lâu đời do kết quả của quá trình hoạt động tổng hợp 5 yếu tố hình thành đất: đá, sinh vật, khí hậu, địa hình và thời gian”.

Các loại đá cấu tạo nên vỏ trái đất, dưới tác động của khí hậu, sinh vật và địa hình, trải qua một thời gian nhất định dần dần bị phá hủy, vỡ vụn ra rồi sinh ra đất. Bên cạnh đó con người cũng có vai trò quan trọng trong việc hình thành đất. Khi con người tác động vào đất đã làm thay đổi tính chất của đất, có khi tạo hẳn ra loại đất mới chưa có trong tự nhiên (đất trồng lúa nước).

Biểu diễn theo toán học thì đất là một hàm số của một số yếu tố hình thành nên nó theo thời gian:

Đ = f (Đa, Sv, Kh, Đh, Ng) t

Trong đó : - Đ: đất - Sv: sinh vật

- Đa: đá - Ng: hoạt động của con người

- Kh: khí hậu - t: thời gian

Ta xét qua vai trò của từng yếu tố.



  1. Đá: Là nền móng của đất, chính đá bị phá hủy vỡ ra thành các phần khoáng chiếm xấp xỉ 95% khối lượng khô của đất. Vì vậy, thành phần khoáng vật, hóa học của đá ảnh hưởng trực tiếp tới thành phần của đất. Đá chứa nhiều cát khi phong hóa, biến đổi thành đất cát, đá chứa nhiều K, đất sẽ giàu K, đá dễ phá hủy sẽ tạo thành tầng đất dày và ngược lại…

  2. Sinh vật: Nếu không có sinh vật thì đá vỡ vụn ra vẫn được gọi là đất. Các sinh vật đầu tiên sống trên đá nhờ vào nước và một ít dinh dưỡng, khi chết chúng để lại xác cho đất và được phân hủy tạo thành mùn. Nhờ vào chất mùn này hệ thực vật sống tiếp theo lấy đi dinh dưỡng từ đất, khi chết lại cung cấp mùn cho đất tạo thành chu trình kín giữa đất và cây.

  3. Khí hậu: Có ảnh hưởng gián tiếp và trực tiếp đến quá trình hình thành đất. Khi điều kiện khí hậu thuận lợi (ấm, ẩm) đá phong hóa nhanh, thúc đẩy nhanh quá trình hình thành đất, đồng thời khí hậu cũng tác động vào quá trình sống của sinh vật, nhờ có năng lượng dưới dạng nhiệt và vai trò của nước, sinh vật mới sinh trưởng và phát triển tốt, giúp cho quá trình hình thành đất diễn ra nhanh chóng và thuận lợi.

  4. Địa hình: Yếu tố địa hình đóng vai trò tái phân phối lại năng lượng thiên nhiên cung cấp cho đất. Cùng một nguồn năng lượng mặt trời như nhau tại một vùng song ở trên núi cao thì lạnh (có khi có băng), ở dưới thấp thì lại nóng. Cùng lượng mưa như nhau của một vùng song ở nơi thấp thì úng, nơi cao vẫn hạn.

  5. Thời gian: Là yếu tố đặc biệt, mọi yếu tố ngoại cảnh tác động vào đất, tất cả quá trình xẩy ra trong đất đều đòi hỏi phải có thời gian nhất định, đồng thời chính đất cũng biến đổi theo thời gian.

  6. Con người: Vai trò của con người khác hẳn các yếu tố trên. Qua hoạt động sống, nhờ thành tựu khoa học con người đã tác động vào thiên nhiên nói chung, đất đai nói riêng một cách mạnh mẽ, có thể là tác động tốt (tưới nước, bón phân, trồng rừng…), có thể là tác động xấu (phá rừng, gây xói mòn, rửa trôi đất, làm ô nhiễm và thoái hóa đất…).

Tuy vậy trong các yếu tố trên có thể coi con người và sinh vật là 2 yếu tố quan trọng nhất đối với sự hình thành của đất. Đất cũng được coi như sinh vật, đất là một vật thể sống luôn luôn biến đổi tiến hóa.

5.2.2. Vai trò của đất đối với con người

5.2.2.1. Đất là môi trường sống của con người và các sinh vật ở cạn


Con người sống trên mặt đất, hầu hết các sinh vật cũng sống trên mặt đất hoặc một số sống ngay trong đất. Vì vậy, đất ẩm ướt hay khô ráo, đất tốt hay xấu, bẩn hay sạch đều ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến đời sống của con người và các sinh vật ở cạn. Nếu con người sống ở nơi đất quá ẩm ướt thì hay mắc bệnh sốt rét, thấp khớp, giun sán, da liễu… Đất thiếu iốt mắc bệnh bướu cổ, do vậy khi chọn đất ở con người luôn chọn đất cao ráo thoáng mát và sạch sẽ.

5.2.2.2. Đất là nền móng cho toàn bộ công trình xây dựng của con người


Xã hội loài người càng văn minh nhu cầu xây dựng càng lớn, đường xá, cầu cống, đập nước, nhà máy, công xưởng, nhà ở ngày càng nhiều. Tất cả các công trình đó đều dựa vào đất.

5.2.2.3. Đất cung cấp cho con người trực tiếp hay gián tiếp hầu hết các nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống


- Vật liệu xây dựng: đá ong, đất sét để nung gạch, ngói…

- Một số khoáng sản: Bôxit trong lòng đất đỏ Tây Nguyên, than bùn ở rừng nguyên sinh (rừng U Minh).

- Toàn bộ lương thực, thực phẩm cung cấp cho con người là do hoạt động sản xuất của con người đã tác động vào đất mà tạo nên.

5.2.2.4. Đất có giá trị cao về mặt lịch sử, tâm lý, tinh thần


- Đất chính là tác nhân tiếp nhận và lưu giữ tất cả những sự kiện đã diễn ra hiện tại cũng như trong lịch sử lâu dài.

- Về khái niệm rộng thì đất đai, quê hương, tổ quốc được gắn bó với nhau và khắc sâu trong tim mỗi người. Về tâm lý, con người dù đi xa đến đâu cũng không thể quên được mảnh đất chôn rau cắt rốn của mình.

- Đất đai được ví như quê hương, đất mẹ, tổ quốc, vì vậy con người sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ từng tấc đất của quê hương tổ quốc.

* Chúng ta phải khẳng định rằng, có đất mới có cây, có cây mới có sản xuất nông nghiệp, mà có sản xuất nông nghiệp mới đảm bảo được đời sống con người. Đất là tư liệu sản xuất đặc biệt khác với máy móc ở chỗ: Nếu ta biết sử dụng hợp lý thì không những không mòn, không xấu mà còn tốt lên. Vì đất có vai trò như vậy ta phải luôn luôn bảo vệ, sử dụng hợp lý, cải tạo đất tốt lên thực hiện đúng “tấc đất tấc vàng”.


5.2.3. Tài nguyên đất trên thế giới

5.2.3.1. Tình hình chung về đất trên thế giới (tự học)


Theo đánh giá của FAO, diện tích đất thế giới là 511 triệu km2, trong đó 148 triệu km2 là lục địa chiếm 29% và được chia thành các loại sau:

20% diện tích đất lục địa ở vùng có nhiệt độ quá lạnh (T0C <-50C);

20% diện tích đất lục địa là hoang mạc + sa mạc;

20% diện tích đất lục địa ở vùng quá dốc;

20% diện tích đất lục địa ở vùng quá khô hạn;

10% diện tích đất lục địa đang canh tác;

10% diện tích đất lục địa là đồng cỏ chăn thả tự nhiên.

Như vậy, theo số liệu phân tích đất của FAO ta thấy, diện tích đất chúng ta không đưa vào sử dụng được (nhiệt độ quá thấp + hoang mạc, sa mạc) chiếm tới 40%. Trong đó diện tích đất canh tác và đồng cỏ chăn thả mới chỉ có 20%. Phần còn lại 40% thuộc loại đất có vấn đề mà ta cần quan tâm và dần dần đưa vào sử dụng ở những nơi có thể cho phép.

- Trong số 10% diện tích đất đang canh tác của thế giới có:

+ 14% đất có năng suất cao

+ 28% đất có năng suất TB

+ 58% đất có năng suất thấp.

- Đất canh tác trên thế giới rất quý và hiếm song chúng lại được phân bố không đều ở các châu khác nhau và các nước khác nhau, ví dụ: châu Úc: 1,2% (thấp nhất); châu Âu: 31% (cao nhất).

- Nguồn tài nguyên quý hiếm này hàng năm luôn bị giảm đi về số lượng cũng như về chất lượng, đặc biệt là đất nông nghiệp mất đi do chuyển sang sử dụng cho mục đích khác. Đất còn mất đi do xói mòn, nhiễm mặn, ô nhiễm…

- Trong khi đất mất và xấu đi thì dân số thế giới mỗi năm tăng khoảng 100 triệu người. Với năng suất như hiện nay, mỗi người cần 0,2-0,4 ha đất nông nghiệp (kể cả đất đồng cỏ nuôi gia súc) mới đủ lương thực, thực phẩm.

- Như vậy, việc cần quan tâm ở đây là sử dụng tài nguyên đất sao cho hợp lý để giải quyết mâu thuẫn giữa đất và dân.


5.2.3.2. Hai tai họa lớn nhất của trái đất


(1) Sa mạc hóa

Khái niệm: Sa mạc hóa là hiện tượng đất bị khô cằn, cỏ không mọc lại được, do chăn thả quá mức, dẫm đạp nhiều, hạn hán kéo dài, bụi vùi lấp nơi cư trú.

Hiện tượng sa mạc hóa làm giảm khả năng sinh học (do lý hóa tính của đất bị thay đổi), giảm năng suất và sinh khối của sinh vật trên các vùng đất. Khả năng chăn nuôi động vật giảm dẫn đến giảm khả năng và tiền đồ sinh sống của con người. Thế giới hiện có 32 quốc gia có nguy cơ sa mạc hóa. Hiện nay sa mạc hóa đang đe dọa 39 triệu ha chiếm 26,3% diện tích đất tự nhiên, với 850 triệu người. Trung bình hàng năm có 9 triệu ha đất bị sa mạc hóa, trong đó sa mạc hóa lớn nhất thế giới là sa mạc Xahara dài 5000 km, rộng 1500 km, hiện còn đang lan rộng ra xung quanh hàng trăm km2 (sa mạc này nằm ở Bắc Phi thuộc lãnh thổ của 3 nước Tuynidi, Angêri và Marốc). Vùng sa mạc này có thời tiết rất khắc nghiệt, nắng, nóng và khô hạn, lượng mưa ở đây chưa bao giờ vượt quá 50mm/năm. Hàng năm 3,5 tỷ tấn bụi vào khí quyển, thiệt hại 48 tỷ đô la Mỹ trên thế giới.

Ở vùng Đông Nam Á và Thái Bình Dương, sa mạc hóa cũng đang đe dọa Ấn Độ, trung Quốc và Băng La Đét… Dự báo đến năm 2015 có 1/3 diện tích đất châu Á và 2/3 diện tích đất châu Phi không thể sản xuất được.

(2) Xói mòn đất

Khái niệm: Xói mòn đất là hiện tượng lớp đất mặt màu mỡ bị cuốn đi do gió ở vùng khí hậu khô, hoặc do nước chảy ở vùng khí hậu ẩm.

- Hàng năm xói mòn trên thế giới đã làm bào trôi đất xuống các con sông xấp xỉ 15 tỷ tấn. Trong đó nặng nhất là Ấn Độ mỗi năm có 6 tỷ tấn đất mất đi cùng với 6 triệu tấn dinh dưỡng cuốn trôi theo. Trung Quốc xói mòn mất 5 tỷ tấn đất/năm. Mỗi năm thế giới có khoảng 6 triệu ha đất một thời rất màu mỡ bị biến thành các hoang mạc và 21 triệu ha biến thành đất không có năng suất kinh tế, trong khi phải mất một thế kỷ đất mới được phong hóa cho độ dày là 1cm.

- Do xói mòn, đất trôi xuống các con sông làm cho nước sông có độ đục rất cao, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các sinh vật thủy sinh. Một số con sông (do phù sa, đất cát…) có độ đục lớn vào mùa mưa như:

+ Sông Hoàng Hà (TQ) 1m3 nước lắng đọng tới 35,5kg đất cát

+ Sông Colorado (Mỹ) 27,5kg

+ Sông Hồng (VN) 15,0kg

5.2.4. Tài nguyên đất Việt Nam

5.2.4.1. Một vài nét chung về tài nguyên đất Việt Nam (tự học)


Tổng diện tích đất đai tự nhiên ở Việt Nam là 33,1 triệu ha (cả đất liền và hải đảo) đứng thứ 58 so với các nước trên thế giới, tuy vậy dân số Việt Nam đứng thứ 12 trong số trên 200 nước của thế giới nên diện tích đất tự nhiên bình quân/người thấp (0,43ha). Nếu tính bình quân diện tích đất nông nghiệp/người ta có khoảng 0,103ha, chỉ tiêu này thấp nhất thế giới (trừ Nhật), trong khi diện tích đất nông nghiệp bình quân/người của thế giới là 1,2ha. Như vậy, bình quân đất nông nghiệp/đầu người ở Việt Nam thấp hơn thế giới 10 lần.

Với tỷ lệ tăng dân số của Việt Nam hiện nay là 1,8-1,9%, bình quân một năm dân số Việt Nam tăng trên 1 triệu người trong khi vốn đất của Việt Nam chỉ có hạn. Chất lượng đất và diện tích đất trồng trọt trên đầu người giảm sút nghiêm trọng. Đất nông nghiệp vẫn còn có thể tăng bằng cách sử dụng triệt để những vùng đất chưa sử dụng. Tuy nhiên, trong số 10.667.577 ha đất chưa sử dụng có 7.505.562 ha là đất đồi núi, 709.528 ha đất ở đồng bằng và 1.772.900 ha là sông suối, núi đá. Phần lớn đất chưa sử dụng này nằm ở vùng địa hình dốc, đất khô cằn, rắn, chua và nghèo dinh dưỡng.

Các dẫn liệu về sử dụng đất ở nước ta cho thấy:

- Quỹ đất ít, chỉ số bình quân đất đai tính theo đầu người rất thấp và có xu thế ngày càng giảm, đặc biệt là đất nông nghiệp;

- Hiệu quả sử dụng đất thấp, mới đạt 1,6 lần, trong khí đó khả năng cho phép 1,9 lần;

- Diện tích đất một vụ còn nhiều (chiếm 27% đất trồng cây hàng năm);

- Năng suất của đa số cây trồng chính còn thấp;

- Có tới 3/4 diện tích đất là trung du và đồi núi.

Ở Việt Nam, đất nông nghiệp chiếm 25,4% diện tích đất tự nhiên, song bình quân/đầu người chỉ có 0,103ha. Tỷ lệ này sẽ hạ thấp hơn nữa trong những năm sắp tới do chuyển sang mục đích sử dụng khác, do dân số còn tăng nhanh, đồng thời diện tích đất thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp rất hạn chế và có nhiều nguy cơ bị thoái hóa, rửa trôi, ô nhiễm… Số lượng điều tra trong nhiều năm cho thấy hầu hết các loại đất tốt đã được khai thác. Muốn khai hoang mở rộng diện tích đất nông nghiệp mà không phạm vào đất rừng phải chấp nhận nhiều khó khăn trong việc khai phá cũng như sử dụng đất.

5.2.4.2. Những vấn đề đất trung du, miền núi


Nhìn chung đất trung du, miền núi có đặc điểm riêng là đất dốc, thường bị xói mòn, rửa trôi lớn. Đối với đất dốc, toàn bộ quy luật phát triển, thoái hóa đều hình thành ngay tại chỗ, canh tác trên đất dốc có rất nhiều khó khăn (gấp 2 lần so với đất đồng bằng (theo thang điểm của IRRI).

Ở Việt Nam, diện tích đất có khả năng sản xuất nông - lâm nghiệp chủ yếu là đất dốc ở các vùng xa xôi hẻo lánh, do vậy phương hướng chung của việc mở rộng diện tích đất canh tác của ta là ở các tỉnh trung du và miền núi. Hiện nay, nạn phá rừng ở các vùng miền núi ngày càng tăng làm cho diện tích đất trống đồi núi trọc tăng, gây nên hiện tượng thoái hóa đất. Đồng thời với tập quán canh tác du canh du cư của đồng bào các dân tộc ít người đã làm cho tài nguyên đất ở vùng miền núi bị đe dọa lớn. Hiện nay, miền núi còn có hơn 1 triệu ha đất canh tác theo phương thức du canh (trồng cây 1-2 năm rồi bỏ đi, vài năm sau lại quay lại) và hơn 2 triệu gia đình còn sống du canh, du cư (di chuyển cả nhà ở và nương rẫy). Do canh tác theo phương thức này nên từ rừng gỗ quý trở thành đất trống trọc rất nhanh chóng theo chu trình: Rừng gỗ quý  gỗ tạp  tre nứa  cây bụi  trảng cỏ  đất trống trọc. Chu kỳ này chỉ xảy ra từ 50-100 năm, song muốn có rừng gỗ quý từ đất trống trọc phải mất từ 20-50 nghìn năm. Cũng do phương thức sản xuất du canh (đốt rừng làm rẫy) nên lớp mùn trên mặt bị đốt cháy, đất không còn tơi xốp, mất khả năng giữ nước, giữ độ phì, dễ bị xói mòn nặng nên chỉ sau 3 năm là đất kiệt quệ.

Ở Việt Nam trên những vùng đồi trọc, 1 ha sau một năm bị xói mòn bào trôi từ 200-400 tấn đất, trong đó có 6-10 tấn mùn, quy ra đạm urê vào khoảng 150-250kg (Chu Công Hùng, 1996). Nguyên nhân chính của xói mòn chủ yếu là do lượng mưa lớn tập trung, (ở Việt Nam lượng mưa tới 2000-3000mm/năm, lại tập chung khoảng 85% vào 6 tháng mùa mưa), cùng với đặc điểm của đất miền núi là đất dốc nên xói mòn xảy ra rất mạnh. Chính vì vậy Handson (1956) đã nói: “Ở tất cả mọi nơi, xói mòn đất đang đe dọa sự phồn vinh và ở một số nơi nó đe dọa cả sinh mạng của nhân loại”.

Elesson (người Anh) đã nói: Sức tàn phá gây ra xói mòn chủ yếu là do xung lực của hạt mưa đập vào đất, xung lực đó tương đương với 12 máy kéo cùng làm việc một lúc. Xung lực đó đã làm tách hạt đất, chuyển hạt đất và lắng đọng đất vào nơi nhất định. Nếu mặt đất có tán cây che phủ thì mưa không rơi trực tiếp xuống đất, dòng chảy bị ngăn cản bởi thân, gốc, rễ và lớp thảm mục trên mặt đất, giảm thiểu được cường độ xói mòn. Vì vậy, ở các vùng mưa nhiều chỉ có mô hình sản xuất nông lâm nghiệp kết hợp mới giữ được cân bằng sinh thái, sử dụng hợp lý tài nguyên đất và đảm bảo cho đất có sự che phủ an toàn sinh thái (33%). Ở miền núi Việt Nam còn rất nhiều vấn đề bất cập trong sử dụng đất- một nguồn tài nguyên quý giá này. Tổng thống Rudoven (1938) đã nói “Một dân tộc tàn phá đất đai tức là họ đang tự tàn phá mình”.


5.2.4.3. Sự thoái hóa đất ở Việt Nam


Cũng như con người, đất được coi là “vật thể sống” nó đòi hỏi phải luôn được quan tâm, chăm sóc, nếu không đất cũng bị thoái hóa theo thời gian.

Khái niệm: Thoái hóa đất là quá trình mất đi độ phì nhiêu mầu mỡ, đất tàn lụi về chất lượng.

Có nhiều nguyên nhân làm cho đất thoái hóa, song những nguyên nhân chủ yếu là:

- Nguyên nhân làm thoái hóa đất ở Việt Nam


+ Sa mạc hóa: Ở vùng miền trung từ Quảng Bình đến Bình Thuận, có 7,85 triệu ha chiếm 28% diện tích cả nước là sa mạc hóa.

+ Xói mòn: Cường độ xói mòn ở đất dốc có cây lâu năm và cây ngắn ngày có luân canh hợp lý đã được nhiều tác giả kết luận: Trên đất trồng cây lâu năm bình quân hàng năm bị bào trôi từ 0,2-0,3cm đất/năm, nhưng đối với đất trồng cây ngắn ngày con số này là 1,5-2,5cm/năm. Hiện nay toàn quốc có xấp xỉ 1 triệu ha đất đang bị xói mòn, trong đó 0,5 triệu ha đất xói mòn mạnh trơ sỏi đá.

+ Rửa trôi: Là hiện tượng đất bị mất đi các dinh dưỡng, các nguyên tố khoáng (Ca, Ng và K…) theo chiều sâu làm cho đất bạc màu. Vùng Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Yên, Phúc Yên, Thái Nguyên và Bắc Kạn… có diện tích đất bạc màu rất lớn do bị rửa trôi mạnh. Hiện nay toàn quốc có 2,06 triệu ha đất xám bạc màu đang canh tác.

+ Quá trình axít hóa thứ sinh: Trong quá trình sản xuất nông nghiệp, nhiều diện tích đất ngày càng chua do sử dụng quá nhiều phân khoáng. Về mặt lý thuyết, một số phân bón có thể làm cho đất chua thêm như bón liên tục các loại phân có gốc SO4-2 hoặc Cl, các gốc axít này kết hợp với nước tạo nên các axít làm đất chua. Phân supelân còn có hàm lượng axít dư cũng làm đất bị chua. Ngoài ra đất chua còn do bị rửa trôi và do cây lấy đi các chất kiềm của đất mà không được bù đắp lại một cách hợp lý. Thường cây trồng có năng suất càng cao thì đất càng bị chua nhiều.

+ Các quá trình khác:

Quá trình úng và ngập: Ở nước ta có 30% diện tích đồng bằng sông Hồng bị úng ngập thường xuyên (đồng bằng sông Hồng Việt Nam ≈ 30.000 km2) làm cho các sinh vật đất không hoạt động được;

Quá trình cát bay: Các dòng cát ướt và khô đưa vào đất làm thoái hóa đất. Hiện tượng này chủ yếu xảy ra ở vùng ven biển miền Trung Thuận Hải, Nghĩa Bình;

Ngoài ra đất còn bị một số loài cỏ dại phá hủy gây thoái hóa mạnh, nhất là cỏ tranh sinh trưởng mạnh vào 2 thời kỳ (tháng 4,5 và tháng 8,9 hàng năm).


5.2.4.4. Ô nhiễm đất ở Việt Nam


Khái niệm: Ô nhiễm đất là tất cả các hiện tượng làm thay đổi chất lượng của môi trường đất, làm cho đất giảm khả năng sản xuất, không phù hợp với sự sinh trưởng của cây trồng và sinh vật đất.

Khi đất bị ô nhiễm, một số nguyên tố vi lượng, siêu vi lượng có tính độc hại có thể theo dây chuyền dinh dưỡng tích lũy trong nông sản phẩm gây tác hại cho động thực vật và con người.

Có 3 nguyên nhân chính làm ô nhiễm đất:

+ Tác động của các quá trình sản xuất nông nghiệp: Do sử dụng phân tươi chưa ủ, sử dụng nhiều phân khoáng, thuốc BVTV làm thay đổi thành phần và tính chất của đất, làm đất nhiễm khuẩn hoặc trai cứng, đặc biệt là khi bón phân không tính toán đến lượng cây sử dụng. Đối với thuốc BVTV khi sử dụng nó xâm nhập vào đất và tồn tại ở các dạng tự do, liên kết với chất hữu cơ hoặc chất khoáng, có loại thuốc trừ sâu (đã cấm sử dụng) có thời gian bán phân hủy rất dài từ 10-20 năm như DDT, 666. Ngoài ra các loại thuốc BVTV đã cấm sử dụng nhưng người nông dân vẫn lạm dụng như Monitor, Wofatox ... Khi đất bị nhiễm độc, cỏ và cây trồng sẽ bị nhiễm độc làm trâu bò và các sinh vật khác cũng bị nhiễm độc do ăn thức ăn có độc tố, con người cũng bị nhiễm độc thông qua con đường tích tụ học. Thực tế qua nghiên cứu ở Nhật Bản người ta thấy trong sữa mẹ cũng có đồng phân ß và ¥ của DDT và 666, nó sẽ gây ra nhiều bệnh tật cho người và gia súc (xơ cứng động mạch, nhồi máu cơ tim, ung thư…).

Trong sản xuất nông nghiệp cũng có trường hợp do vỡ đê nước biển tràn vào, hoặc do khai thác quá mức nước ngầm làm cho nước biển ngấm vào. Hiện tượng này chủ yếu xảy ra ở vùng ven biển do một số hệ sinh thái bị phá vỡ. Do người sản xuất sử dụng nước tưới lấy từ nước thải của các nhà máy, xí nghiệp, hoặc cống rãnh của thành phố, có chứa muối mặn lâu ngày làm cho đất dần dần hóa mặn, đây cũng là hiện tượng ô nhiễm đất.

+ Tác hại của các quá trình sản xuất công nghiệp thông qua các chất thải khác nhau như: rắn, lỏng, khí, các nguyên tố As, Hg, Pb, F… tùy thuộc vào từng loại mà chúng có những tác động khác nhau vào môi trường đất. Đặc biệt chú ý hàm lượng của các chất kim loại màu có khả năng gây độc hại rất lớn đối với đất.

+ Do chất thải sinh hoạt của con người, bình quân một ngày đêm con người thải ra từ 1,5-2,0kg chất thải. Đặc biệt là các vùng đô thị, khu công nghiệp có dân cư đông đúc, những nơi có bãi rác chưa được xử lý, bãi rác chưa đúng quy cách, trong quá trình phân rã chất hữu cơ có thể sinh ra một số chất gây ô nhiễm đất.

Trong thực tế ô nhiễm đất, nước và không khí có quan hệ chặt chẽ không tách rời nhau.

- Các tác nhân gây ô nhiễm đất (tự học)


+ Tác nhân sinh học: Gây ô nhiễm đất bằng số lượng và sản phẩm của các sinh vật đất. Số lượng sinh vật đất chỉ cho phép ở mức độ nhất định, vượt quá số lượng cho phép sẽ gây ảnh hưởng cho đất. Sản phẩm tiết ra của chúng hoặc sản phẩm chúng phân hủy cũng chỉ cho phép ở mức độ có hạn, vượt quá giới hạn cho phép sẽ dẫn đến làm ô nhiễm đất.

Ví dụ: Giun sống trong đất với số lượng cho phép sẽ làm cho đất tơi xốp, có độ thoáng khí. Nếu vượt quá mức cho phép chất thải của chúng sẽ có thể gây ô nhiễm đất làm cho con người bị viêm da. Đối với các vi sinh vật trong đất có mầm mống từ gia súc (trong phân tươi và nước tiểu của con người và gia súc) cũng có thể làm ô nhiễm đất và có khả năng lan truyền sang người như bệnh viêm da do giun, bệnh nhiễm trùng Toxocara ở phân chó… Một số vi khuẩn kị khí trong phân gây nhiễm trùng huyết rất nguy hiểm như các bệnh nấm, da liễu, uốn ván…

+ Các chất hóa học: Các chất rắn, lỏng, khí… được thải ra từ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt, tùy theo mức độ lan tỏa mà gây ô nhiễm đất.

+ Các yếu tố vật lý: Do tác động của nhiệt độ, các chất có hoạt tính phóng xạ… làm cho đất bị ô nhiễm.


- Một số biện pháp phòng tránh ô nhiễm đất (tự học)


+ Áp dụng các biện pháp làm sạch cơ bản (gặn, lắng) chất thô rắn, phân hủy chúng. Dùng các biện pháp khác nhau như hóa học, sinh học để hòa tan các chất hữu cơ có thể và gây kết tủa các chất không hòa tan, tách chúng khỏi chất thải trước khi thải vào môi trường đất.

+ Khử chất thải rắn bằng biện pháp thích hợp (đốt cháy ở nhiệt độ cao, nghiền hoặc cô đặc) nhằm tách chúng ra khỏi chất thải tránh ô nhiễm đất.

+ Tập chung thải bỏ các chất thải ở các khu vực qui định, có biện pháp xử lý thích hợp đối với từng loại chất thải.

+ Xử lý hợp lý và nâng cao hiệu quả của các chất hóa học sử dụng trong nông nghiệp. Nên dùng phân hữu cơ (phân chuồng, phân xanh, phân rác) đã được ủ hoai mục, bón phân cân đối và hợp lý.


5.2.4.5. Chiến lược sử dụng đất lâu dài


Để sử dụng đất như một tài nguyên tái tạo, lâu bền cần chú ý:

- Điều tra cơ bản phải đi trước một bước, thực tế có tới 3/4 dự án, chương trình phát triển nông nghiệp bị thất bại do không chú ý vấn đề điều tra cơ bản, vì không biết loại đất phù hợp cho cây trồng gì. Do vậy phải sắp xếp tầm quan trọng của từng vùng và từng vị trí của đất để bố trí sử dụng cho hợp lý. Có các mẫu hình sản xuất chặt chẽ tùy thuộc vào từng vùng khác nhau. Kết hợp hài hòa giữa nông lâm nghiệp, chăn nuôi gia súc để tạo ra sự cân bằng sinh thái. Sử dụng cây rừng không chỉ bảo vệ cho nông nghiệp mà còn là bà đỡ của nông nghiệp.

- Trong việc sử dụng đất nông nghiệp, thâm canh tăng vụ là công tác quan trọng. Do diện tích đất canh tác của ta còn ít, dân số ngày càng tăng, để đảm bảo an ninh lương thực và nhu cầu cho xuất khẩu gạo, cần tăng hệ số sử dụng đất lên tới khả năng cho phép từ 1,7-1,9 lần (hiện nay bình quân cả nước 1,6 lần). Trong đó vùng đồng bằng sông Hồng đã đạt 1,9 lần, song Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long mới là 1 lần, nhiều tỉnh miền núi là 1,1 lần. Trong thâm canh, sử dụng phân vô cơ một cách hợp lý, tiến tới giảm thiểu đến mức thấp nhất việc sử dụng phân vô cơ, tăng cường sử dụng phân hữu cơ để tránh ô nhiễm, thoái hóa đất và duy trì sức sản xuất của đất. Ngoài phân bón hợp lý cần chú trọng khâu thủy lợi đồng thời tìm ra các nhân tố sinh thái hạn chế cho từng loại đất để có biện pháp xử lý thích hợp.

- Xác định nhóm cây trồng hợp lý. Trong khi chưa đủ sức cải tạo đất thì biện pháp tốt nhất là chọn nhóm cây trồng phù hợp với nhau và chọn cây trồng phù hợp với đất. Đất nào cây ấy, đất mặn trồng cói, đất chua trồng chè, dứa, đất phèn trồng tràm… Các loại đất úng, lụt, hạn hán, xói mòn thường xảy ra mạnh nhất ở một thời điểm trong năm thì có thể tránh bằng cách dùng các kỹ thuật canh tác khác nhau tùy thuộc vào điều kiện của từng nơi (ruộng bậc thang, mô hình SALT…). Ví dụ: Xói mòn thường xảy ra mạnh vào các tháng 7 và 8 thì ta tính toán sẽ phủ xanh kín đất vào thời điểm đó. Đất bãi lụt vào các tháng 6 và 7, ta bố trí cây và thu hoạch trước tháng 6. Hoặc ở tỉnh Minh Hải đất úng có thể làm 1 vụ lúa + 1 vụ tôm (cá), chọn giống lúa có loại hình cao cây chịu úng như V15, C180…).

- Kết hợp vừa sử dụng vừa cải tạo đất và thông qua sử dụng để cải tạo đất. Ví dụ: Đất vừa khai hoang lấn biển xong còn mặn nhiều thì trồng cói, vài 3 năm đỡ mặn thì trồng lúa chịu mặn, khi đất không còn mặn ta trồng lúa mới có năng suất cao.

- Kết hợp khai hoang mở rộng diện tích canh tác với việc phân bố lại lao động trong phạm vi cả nước. Bảo vệ đất đã khai hoang, nâng cao hiệu quả sử dụng đồng thời tạo mọi điều kiện phát triển vốn đất rừng. Hiện nay, nước ta bình quân 257 người/km2, song ở các tỉnh Thái Bình, Nam Định tập trung 1600 người/km2, trong khi đó ở Gia Lai, Kon Tum bình quân chỉ có 27 -35 người/km2. Diện tích đất nông nghiệp bình quân cả nước là 0,103ha/người, song Thái Bình chỉ có 707m2/người. Tỉnh Minh Hải cũ bình quân 3083m2/người. Như vậy, việc phân bố lại lao động trong phạm vi cả nước là điều rất cần thiết nhằm điều hòa lao động, sử dụng tối ưu nguồn lợi tự nhiên.

- Trồng cây lâu năm bước đầu chưa khép kín tán nên trồng xen cây họ đậu để tăng cường dinh dưỡng cho đất, có điều kiện che phủ, bảo vệ đất trồng, đồng thời chính cây họ đậu đã làm nhiệm vụ xới xáo sinh vật học, cung cấp thêm đạm cho đất.

- Bảo vệ và khai thác triệt để những vùng đất màu mỡ đồng thời có kế hoạch chặt chẽ trong việc cải tạo đất xấu. Ví dụ: Đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long chiếm 2/3 diện tích đất trồng lúa. Năm 1976-1986 2 tỉnh Thái Bình và Hưng Yên đã để mất 10-15% diện tích đất canh tác (370.000ha). Diện tích này tương đương với đất canh tác của 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh cộng lại.

- Tăng cường công tác pháp luật về ruộng đất, quản lý chặt vốn đất dùng cho nông nghiệp. Nghiên cứu chế độ sở hữu đất đai cho hợp lý.




tải về 3.98 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   16   17   18   19   20   21   22   23   24




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương