MỤc lục chương một: CÁc khái niệm chung về sinh thái họC


Một số khuynh hướng phát triển sản xuất nông nghiệp



tải về 3.98 Mb.
trang19/24
Chuyển đổi dữ liệu01.06.2018
Kích3.98 Mb.
#39208
1   ...   16   17   18   19   20   21   22   23   24

4.6.3. Một số khuynh hướng phát triển sản xuất nông nghiệp


Ở thời kỳ giữa giai đoạn hai và ba của lịch sử phát triển nông nghiệp, trong khoa học kỹ thuật nông nghiệp đã xuất hiện một số khuynh hướng phát triển nông nghiệp sau:

- Nông nghiệp công nghiệp hóa


Những người theo khuynh hướng này cho rằng, trong nông nghiệp phải có cách quản lý, tổ chức sản xuất giống như trong công nghiệp. Ví dụ: phải chuyên môn hóa lao động, sản xuất theo dây chuyền, chuyên canh. Đây là một cách hiểu tích cực song vận dụng quy trình công nghiệp y nguyên vào sản xuất nông nghiệp là hết sức máy móc, vì đối tượng của sản xuất nông nghiệp là các sinh vật (vật sống), còn đối tượng của sản xuất công nghiệp là vật tư, công cụ, máy móc… (vật không sống) nên không thể dùng chung một biện pháp kỹ thuật được. Mặt khác, nếu sản xuất nông nghiệp mà theo dây chuyền, chuyên môn hóa hóa lao động thì giữa các khâu sẽ thiếu tính chủ động có thể dẫn tới chậm thời vụ, ảnh hưởng xấu tới khả năng đáp ứng yêu cầu về các yếu tố sinh thái của cây trồng. Đặc biệt, đời sống của cây trồng nông nghiệp có liên quan mật thiết với khí hậu, do vậy với sự thay đổi về điều kiện khí hậu nhất là vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu như hiện nay càng cần phải chủ động mềm dẻo trong điều chỉnh thời vụ cây trồng.

Một cách hiểu khác, muốn cho nông nghiệp phát triển thì phải dùng thật nhiều sản phẩm của công nghiệp vào sản xuất nông nghiệp. Cách hiểu này nhìn chung là đúng song phải có điều kiện kèm theo, bởi vì vật tư, kỹ thuật có nguồn gốc công nghiệp đưa vào sản xuất nông nghiệp quá mức sẽ gây nên hậu quả ô nhiễm môi trường mà nhiều khi con người không thể kiểm soát nổi, dẫn đến sự bế tắc trong sản xuất.


- Nông nghiệp sinh học hóa


Nền nông nghiệp sinh học hóa là làm nông nghiệp dựa trên các cơ sở sinh học để tổ chức sản xuất nông nghiệp, đồng thời phải dùng nhiều biện pháp sinh học để tác động vào nông nghiệp như tạo giống mới, dùng sinh vật có ích để bảo vệ cây trồng, dùng nhiều phân hữu cơ… Cách hiểu này đúng song hơi hẹp, mới chỉ dừng trên biện pháp, vấn đề là còn phải hiểu quy luật sinh học, tư tưởng sinh học.

Nhiều người còn cho rằng nông nghiệp sinh học đối lập với nông nghiệp công nghiệp hóa như đối lập giữa phân hữu cơ với vô cơ, giữa biện pháp sinh học với biện pháp hóa học trong bảo vệ thực vật,… Hiểu như vậy là cực đoan, phiến diện. Cần phải làm sao phối hợp hài hòa, sử dụng hợp lý các nguồn lợi tự nhiên mà không quên nhiệm vụ bảo vệ tài nguyên môi trường.

Nhiệm vụ của con người là phải cải tạo tự nhiên, hòa nhập với thiên nhiên để từ đó xác lập một tự nhiên khác phong phú hơn, cho con người nhiều sản phẩm hơn. Xu thế phát triển nông nghiệp là kết hợp hài hòa những cái tích cực, đúng đắn, hợp lý của cả hai nền nông nghiệp sinh học vào nông nghiệp công nghiệp hóa.

- Cách mạng xanh trong nông nghiệp


Cách mạng xanh được mở đầu bằng việc tạo ra các giống cây trồng mới có năng suất cao, tuy nhiên các giống này đòi hỏi phải thâm canh cao: bón nhiều phân hóa học, dùng thuốc bảo vệ thực vật và chủ động trong tưới tiêu. Vì vậy, trong nông nghiệp đã tạo ra những bước chuyển biến mới khá mạnh mẽ, đặc biệt là các cây ngũ cốc. Có người đã định nghĩa cách mạnh xanh là:

CMX = giống năng suất cao + phân hóa học, thuốc trừ sâu + thủy lợi hóa. Đó cũng chính là công thức của cách mạng xanh.

Thời kỳ hưng thịnh của cuộc cách mạnh xanh là thập kỷ những năm 60 và đầu những năm 70 của thế kỷ XX. Bắt đầu ở Mexico từ việc tạo ra giống cây lúa mỳ thấp cây có năng suất cao, tiếp đến ở Viện lúa quốc tế IRRI, sang Ấn Độ và các nước khác. Để phục vụ cho cách mạng xanh, trên thế giới đã thành lập hai trung tâm nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng: Viện nghiên cứu lúa quốc tế đặt ở Philippines (IRRI) và Trung tâm nghiên cứu chọn tạo các giống ngô, lúa mỳ đặt ở Mexico.

* Thành tựu:

Cách mạng xanh ra đời và phát triển mạnh ở các nước đang phát triển. Nó đã đưa Ấn Độ từ một nước có nạn đói kinh niên (những năm đầu thập kỷ 60 thế kỷ XX, Ấn Độ là một nước thuộc loại đói nhất thế giới, ngưỡng sản xuất dưới 20 triệu tấn lương thực/năm), nhờ cách mạng xanh đã trở thành một nước không những đủ ăn mà còn dư thừa lương thực để xuất khẩu, với tổng sản lượng lương thực đạt kỷ lục 60 triệu tấn (gấp 3 lần so với khi chưa có cách mạng xanh). Các nước ở khu vực Đông Nam Á, trước đó thường thiếu từ 4 - 5 triệu tấn gạo/năm, lượng người đói nghèo không ngừng gia tăng. Nhờ thực hiện cuộc cách mạng xanh mà những nước này trở thành nơi tích tụ thành tựu và kinh nghiệm sản xuất nông lâm nghiệp cho các nước khác học tập (Chủ tịch FAO, Souman).

Trong khi thực hiện cách mạng xanh, Việt Nam đã có nhiều cố gắng vượt bậc để đưa tổng sản lượng lương thực từ 11,2 triệu tấn (những năm 60) lên 19 triệu tấn năm 1998. Năm 1989, tổng sản lượng lương thực của ta đã đạt 21 triệu tấn, năm 1994 đạt 25 triệu tấn, năm 2001 đạt xấp xỉ 36 triệu tấn. Đến năm 2012 đạt 39,2 triệu tấn.

Cách mạng xanh không chỉ mang lại cho người dân các giống cây ngũ cốc có năng suất cao mà còn cải thiện chất lượng dinh dưỡng của chúng. Để đảm bảo cho giống cây trồng phát huy cao tiềm năng, trong cách mạng xanh người ta đã sử dụng tổng hợp nhiều biện pháp canh tác và cải tiến kỹ thuật. Một nhân tố đảm bảo cho cách mạng xanh Ấn Độ được thắng lợi đó là vài trò của khoa học kỹ thuật kết hợp với sự giác ngộ mau chóng của người nông dân vào sự nghiệp đổi mới nông thôn.

Thành tựu của cách mạng xanh là rất lớn song cũng có những khó khăn, hạn chế cần vượt qua, những điều bất ngờ cần lưu ý đến.

* Hạn chế:

- Lệ thuộc vào vốn đầu tư. Việc thực hiện cách mạng xanh ở những nước đang phát triển gắn liền với tình hình kinh tế, xã hội của những nước này. Để phát huy tiềm năng của giống mới cần phải có đủ phân bón, thuốc sâu, nước tưới và các biện pháp kỹ thuật,… nói chung là phải có vốn đầu tư lớn. Song các nước này lại là các nước nghèo, thiếu vốn đầu tư, thiếu năng lượng nghiêm trọng. Điều này đã làm hạn chế thành tích của cách mạng xanh và dẫn các nước này từ chỗ phụ thuộc lương thực đến chỗ phụ thuộc vật tư nông nghiệp (phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật) và vốn đầu tư nước ngoài. Cách mạng xanh phát triển cần phải có nhiều vật tư, kỹ thuật,… các thứ này đều phải nhập ngoại, kể cả những kỹ năng nông nghiệp cũng phải có người hướng dẫn, không có liên quan đến sự hiểu biết có tính địa phương của hệ thống canh tác cổ truyền. Như vậy người nông dân lệ thuộc vào các yếu tố ngoại lai xét trên phương diện cả vật chất lẫn tinh thần, làm cho họ mất tính tự chủ và niềm tin vốn dĩ là điều quan trọng đối với họ. Mặt khác cách mạng xanh chỉ thực hiện được ở những nơi chủ động nước hoặc có đủ nước mưa đảm bảo cho sản xuất. Những diện tích canh tác thiếu mưa và chưa có hệ thống thủy lợi thì không thể thực hiện được cách mạng xanh.

- Vấn đề tiềm năng di truyền: Do loại trừ dần các giống cổ truyền địa phương (kho dự trữ các gen quý), các gen quý hiếm của cây lương thực, thực phẩm bị nghèo dần đi, mà vốn gen lại là nguồn tạo ra các giống mới. Các quá trình sinh học thường diễn ra trong thời gian dài nên mọi hệ quả khó thấy ngay một lúc. Hơn nữa, trước những thành tựu lớn của cách mạng xanh con người khó lường hết được các mặt hạn chế lâu dài có thể xuất hiện. Đa dạng sinh học bị lãng quên, các hệ thống và tri thức canh tác truyền thống bị cho là lỗi thời và phản khoa học nên chúng bị bỏ rơi như: Hệ thống canh tác truyền thống: sử dụng phân hữu cơ, phân xanh, luân canh, xen canh, trồng cây họ đậu, dùng bồ hóng, nước tiểu… để diệt trừ sâu bệnh.

- Cách mạng xanh làm cho thế giới tư bản giàu lên nhanh chóng, khoảng cách giữa người giàu và người nghèo ngày càng chênh lệch xa nhau. Đây là một vấn đề lớn, bị xã hội phê phán ở các nước đang phát triển. Chỉ có người giàu mới có thể sử dụng các kỹ thuật trong cách mạng xanh lúc khởi đầu, họ có đủ vốn mua sắm vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu, giống mới,… (mua nhiều, mua rẻ). Khi bán sản phẩm lại bán với giá đắt (lúc rẻ không bán). Người nghèo không có đủ điều kiện đầu tư, thâm canh tăng năng suất, cũng không dám mạnh dạn áp dụng những kỹ thuật mới ngay từ đầu vì họ sợ rủi ro và thất thu, không cứu vãn được tình thế. Mặt khác, do người nghèo thiếu vốn đầu tư nên vay người giầu vào lúc khan hiếm (giáp vụ) giá nông sản lên cao, đến khi thu hoạch đại trà mới có để trả nợ thì giá bán nông sản lại xuống thấp. Điều đó đã làm cho người giầu ngày càng giầu thêm, người nghèo ngày càng nghèo đi.

- Sự gia tăng quá nhanh của dân số ở các nước đang phát triển trong giai đoạn thực hiện cuộc cách mạng xanh đã làm giảm đi một phần không nhỏ trong thành quả của cách mạng xanh đem lại. Cái no đủ đến muộn hơn cái đói, chính vì sự bùng nổ dân số, mức gia tăng dân số vượt xa so với mức gia tăng về lương thực.

- Cách mạng xanh sử dụng quá nhiều phân hóa học, thuốc trừ sâu nên gây ô nhiễm môi trường và gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của con người.


4.6.4. Một số khả năng làm tăng năng suất và sản lượng cây trồng trong giai đoạn hiện tại (tự học)


Một trong những vấn đề nóng bỏng của các nhà nông học và những người quan tâm đến nông nghiệp là có thể đưa năng suất nông nghiệp lên cao được nữa hay không? Nếu còn nâng cao được năng suất lên nữa thì cao đến mức độ nào và bằng cách nào? Để trả lời các câu hỏi này chúng ta thử điểm qua một vài yếu tố có thể làm tăng năng suất, sản lượng cây trồng cụ thể sau:

* Yếu tố giống cây trồng


Chúng ta đều biết rằng, công tác giống là một trong những nhân tố quan trọng để làm tăng năng suất cây trồng, tăng chất lượng nông sản và còn là khâu kỹ thuật quan trọng trong việc tăng vụ gieo trồng/năm (chọn giống có thời gian sinh trưởng ngắn thích hợp cho từng vùng sinh thái khác nhau).

Câu ca: Nước - phân - cần - giống chỉ còn đúng trong nền nông nghiệp cổ truyền lạc hậu (vì giống được sếp thứ tư). Ngày nay, trong nền nông nghiệp hiện đại, câu ca trên chưa hẳn đã đúng bởi nước, phân chưa chắc là nhất, nhì mà giống tốt, giống mới là yếu tố cơ bản đưa năng suất cây trồng tăng 15-30% sản lượng (ở Trung Quốc, giống làm tăng sản lượng từ 30-50%, Nhật Bản tăng tới 70%...).

Con người cũng đã có rất nhiều cố gắng trong công tác lai tạo, chọn lọc, xử lý đột biến, gây đa bội thể, nuôi cấy mô,… để tạo ra rất nhiều giống mới có tiềm năng năng suất cao (từ những năm 1970 đã có những giống lúa của Viện nghiên cứu lúa quốc tế có khả năng cho năng suất rất cao, được gieo trồng rộng rãi trên các nước với năng suất thực tế trung bình vụ xuân là 40 tạ/ha, vụ mùa là 30 tạ/ha trong nhiều năm liền).

Quan điểm của Đảng ta về định hướng chuyển dịch cơ cấu giống là:

- Chuyển nhanh việc sử dụng các giống lai (Mỹ, Nhật và Trung Quốc chủ yếu dùng các loại giống cây và con lai).

- Chuyển sang dùng các giống có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu đời sống ngày càng cao của con người và như vậy sản phẩm có giá trị kinh tế cao.

- Tích cực sản xuất và sử dụng giống có thời gian sinh trưởng ngắn để tăng vòng quay của đất, tăng sản lượng.

Tuy nhiên tiềm năng của giống thể hiện trong sản xuất đại trà chỉ đạt được từ 50-70%. Ví dụ việc tạo ra giống NN-26 có tiềm năng là 80 tạ/ha song thực tế chỉ huy động được tối đa là 50 tạ/ha. Những nỗ lực của con người đã tạo ra được nhiều giống có tiềm năng năng suất cao song thực tế năng suất thu thêm không được là bao, chưa đáp ứng được nhu cầu của con người. Mặt khác, những giống có năng suất cao thường có khả năng chống chịu sâu bệnh kém, gây thất thoát nhiều về năng suất. Người ta cho rằng đó là quy luật cân bằng gen: Vì số lượng gen quy định các đặc điểm của mỗi loài sinh vật là ổn định, khi có nhiều gen quyết định đặc điểm này (năng suất) thì số gen quyết định đặc điểm kia (tính chống chịu sâu bệnh) lại ít đi.

Các nhà chọn giống đã tạo được giống có đặc tính chống chịu dọc, chỉ cần một gen quyết định khả năng chống chịu một loại sâu bệnh nào đó, còn tập chung những gen khác cho việc tạo năng suất. Thực tế, những giống này tồn tại trong sản xuất không lâu.

Ví dụ: Giống NN-8 tuy có năng suất cao song nhiễm bệnh bạc lá nặng trong vụ mùa, để khắc phục người ta đã tạo giống NN-22 chống được bệnh bạc lá trong vụ mùa, nhưng NN-22 lại bị rày nâu kiểu sinh học 1 làm cho điêu đứng. Giống NN-26 chống được rày nâu kiểu sinh học 1 nhưng lại bị rày nâu kiểu sinh học 2 tàn phá. Nhiều nghiên cứu đã đưa ra giống có tính chống chịu ngang nhưng khó được thực tế chấp nhận rộng rãi vì nó có năng suất thấp. Để tìm ra lối thoát, con người đã dùng giống nhiều dòng để sâu bệnh chỉ phá hoại một dòng, nhưng quần thể lại không đồng đều, như vậy năng suất không thể cao được. Cuộc chạy đua giữa các nhà khoa học với sự tiến hóa, tự hoàn thiện cơ thể của các sinh vật là không có đích.

Một giống được coi là tốt phải có đủ ba đặc điểm: Năng suất cao, phẩm chất tốt và có khả năng chống, chịu khỏe (chống, chịu với ngoại cảnh và sâu bệnh, thời gian sinh trưởng ngắn…), những giống này hiện còn đang là mơ ước. Như vậy giống có phải là con đường duy nhất để đưa năng suất lên cao hay không? Nếu chỉ tập trung vào giải quyết khâu giống trong sản xuất nông nghiệp là phiến diện, thiếu đồng bộ vì bản thân giống còn có nhiều hạn chế ràng buộc.

* Yếu tố phân bón


Nhiều người cho rằng có thể dựa vào phân bón để tăng năng suất cây trồng. Từ thế kỷ thứ XIX, vấn đề dinh dưỡng khoáng đã đưa năng suất cây trồng lên rất nhanh, song bây giờ hiệu quả của phân bón có còn cao như trước hay không? Từ đó suy ra hiệu quả kinh tế của phân bón như thế nào? Rất nhiều trường hợp do dùng quá nhiều phân hóa học đã làm cho môi trường sống bị ảnh hưởng nặng nề, môi trường đất bị ô nhiễm, thoái hóa, cấu trúc của đất bị phá vỡ, đất trai cứng gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất. Vì vậy, nhiều nước công nghiệp phát triển đã xuất hiện xu thế không muốn đầu tư phân bón nữa. Một số nhà khoa học Mỹ cho biết: Trên nhiều đồn điền ở lãnh thổ Hoa Kỳ, năng lượng đầu tư/năng lượng thu được bằng 2. Điều này đã làm cho môi trường bị đảo lộn, phần năng lượng dư thừa đã hủy hoại thiên nhiên, đó là chưa nói đến lượng phân bón dư thừa (cây không sử dụng) tồn dư ngày càng nhiều trong đất đã gây ra những hậu quả sinh thái nghiêm trọng.

Đối với nền nông nghiệp của Việt Nam, phân bón còn có rất nhiều ý nghĩa, cần phải bón nhiều phân để tăng năng suất cây trồng, tuy vậy hiệu quả của phân bón cũng không còn cao như trước nữa. Mặt khác hiệu quả của phân bón còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như: Giống, nước, bảo vệ thực vật…Đặc biệt cần chú ý đến khả năng làm nhiễm bẩn môi trường sống (môi trường đất) do việc sử dụng phân hóa học gây nên.


* Bảo vệ thực vật


Vấn đề thiệt hại mùa màng do sâu bệnh gây nên trong sản xuất nông nghiệp là rất lớn (trung bình hàng năm ước chừng khoảng 30% tổng sản lượng nông sản). Theo tính toán của nhiều chuyên gia cho rằng bước sang đầu thế kỷ XXI tỷ lệ thiệt hại này không còn là 30% nữa mà có thể tăng lên từ 35 - 40%. Bởi vậy một trong những khả năng làm tăng năng suất, sản lượng cây trồng trong giai đoạn hiện nay là người ta quan tâm tới việc làm giảm sự mất mát sản lượng nông nghiệp do sâu bệnh gây ra. Ở một số vùng đã xuất hiện xu hướng quay trở lại sử dụng những giống cũ tuy có năng suất không cao lắm song khá ổn định vì chúng có khả năng chống, chịu (sâu, bệnh và ngoại cảnh) khá cao, đồng thời giữ được cân bằng sinh thái.

Trong tương lai, công tác bảo vệ thực vật phải có trách nhiệm giữ cho các giống có năng suất cao song phải ổn định, đồng thời giữ được cân bằng sinh thái, bảo vệ và sử dụng lâu bền các nguồn tài nguyên, môi trường, đặc biệt là tài nguyên đất. Bởi vì, trong các nguyên nhân làm cho tài nguyên đất bị ô nhiễm, thoái hóa thì 65% là do sản xuất nông nghiệp gây nên.

Hiện nay, do phòng trừ sâu bệnh bằng thuốc hóa học nhiều đã có hiện tượng sâu kháng thuốc, lại gây ô nhiễm môi trường đồng thời phá vỡ cân bằng sinh thái trong tự nhiên cho nên một trong các biện pháp bảo vệ thực vật có hiệu quả nhất là sử dụng phương pháp IPM (Intergrated pest management). Phương pháp này đã một thời được sử dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới cũng như nhiều địa phương ở Việt Nam.

Theo FAO định nghĩa: IPM là một hệ thống biện pháp điều khiển dịch hại, trong đó kết hợp các yếu tố môi trường với biến động số lượng của loài hại. Sử dụng tất cả các biện pháp kỹ thuật sẵn có một cách thích hợp và hài hòa để duy trì quần thể dịch hại ở mức thấp hơn ngưỡng gây hại kinh tế. Theo Ken More (Mỹ), IPM là sự hỗn hợp tất cả những chiến thuật phòng trừ dịch hại của nông dân trong việc so sánh năng suất, lợi nhuận và sự an toàn của các biện pháp (các chiến thuật ở đây gồm tất cả các biện pháp hóa học, chọn giống, kỹ thuật canh tác…).

Theo Fadeev: IPM là một hệ thống các biện pháp điều khiển các quan hệ trong và ngoài loài ở một sinh quần nông nghiệp cụ thể.

Theo tổ chức đấu tranh sinh học quốc tế: IPM là việc phòng chống dịch hại có chú ý tới ngưỡng gây hại và sử dụng trước là yếu tố gây chết tự nhiên cùng với các biện pháp kỹ thuật khác, mà các biện pháp được áp dụng phải đáp ứng được yêu cầu kinh tế, sinh thái và môi trường…

Phòng trừ tổng hợp là một khuynh hướng liên ngành khoa học vì nó không phải là một biện pháp đơn độc lập và nó là một hệ thống các biện pháp do đó phải có sự liên ngành giữa các ngành khoa học.

Các biện pháp dùng trong IPM bao gồm:

- Biện pháp canh tác: Dùng giống kháng sâu bệnh, chi phí giảm và có nhiều ưu điểm song nhược điểm là để tạo được một giống kháng sâu bệnh phải có một thời gian dài (10 - 15 năm) và khi đưa vào sử dụng nếu không đúng biện pháp kỹ thuật thì chúng rất dễ tạo ra nòi mới. Ngoài ra còn dùng các biện pháp kỹ thuật khác như: Phát quang bờ, làm đất, bón phân, luân canh cây trồng, trồng cây có bẫy, cây hàng rào… có thể dùng biện pháp trồng cây dẫn dụ côn trùng để phòng trừ sâu, chúng không phá cây trồng chính.

- Biện pháp thủ công: Thu nhặt, tiêu diệt bằng phương pháp thủ công chỉ tiến hành được trong diện hẹp khi chúng mới phát sinh bằng cách: nhặt ổ trứng, bẫy đèn, bắt bướm, vợt tay, bắt chuột.

- Biện pháp sinh học: Theo Dout, biện pháp sinh học là nhóm các giải pháp kỹ thuật lợi dụng vai trò của thiên địch để loại trừ sâu, bệnh hại. Theo tổ chức sinh học thế giới: Biện pháp sinh học là sử dụng các sinh vật sống hay các sản phẩm hoạt động sống của chúng nhằm ngăn ngừa hoặc giảm tác hại so sinh vật gây ra. Ví dụ: Dùng ong ký sinh: ong mắt đỏ trừ sâu đục thân ngô (Trichogramma chilonis), hoặc ong mắt đỏ trừ sâu cuốn lá lớn (Trichogramma japonicum). Dùng bọ xít ăn thịt (Eocanthecona furcellata) ăn sâu xanh, sâu keo, sâu khoang, sâu róm… (được dùng nhiều ở Nam bộ trên cánh đồng bông, đay). Dùng các chế phẩm Trichoderma trừ một số vi khuẩn, nấm có trong đất… Ngày nay, người ta đã tìm ra 5000 loài thiên địch có ích phục vụ cho sản xuất, riêng trên lúa có tới 332 loài thiên địch.

- Biện pháp hóa học: Là biện pháp dễ sử dụng, hiệu quả nhanh. Trong IPM, yêu cầu sử dụng biện pháp hóa học phải hợp lý và thông minh nhất:

+ Dùng đúng thuốc (sâu nào thuốc đó, chọn thuốc ít độc dùng trước, khi thực sự cần thiết thì phải dùng thuốc độc để cứu mùa màng).

+ Đúng liều lượng: IPM khuyến cáo dùng liều lượng dưới ngưỡng khuyến cáo để không diệt hết dịch hại làm nguồn thức ăn cho thiên địch.

+ Đúng lúc: Khi nào cần thì phun, dựa vào ngưỡng kinh tế và ngưỡng hữu hiệu của thiên địch (ở Việt Nam 2 ngưỡng này là do kinh nghiệm). Ngưỡng hữu hiệu là tương quan về số lượng giữa các cá thể của các loài thiên địch với số lượng của một loài sâu hại mà ở mức tương quan đó cho phép thiên địch kìm hãm sâu bệnh không gây hại kinh tế.

+ Đúng kỹ thuật: Tùy thuộc từng loài sâu hại khác nhau có phương pháp phun khác nhau tránh ảnh hưởng đến thiên địch (rày nâu phải phun xuống gốc lúa, sâu cuốn lá phải phá tổ phun lên lá…).

+ Không được dùng thuốc lan tràn: Phun theo ổ, theo băng, ruộng nào cần mới phun.

Một số biện pháp khác: Một trong những khả năng làm tăng năng suất và sản lượng cây trồng là phải quan tâm đến hệ thống tưới tiêu, đồng thời tăng hệ số sử dụng ruộng đất bằng cách tăng vòng quay sinh học trên diện tích canh tác, khai hoang mở rộng diện tích trồng trọt ở những nơi có điều kiện.

Tùy theo điều kiện cụ thể từng nơi, con người cần phải biết tận dụng, phối hợp những khả năng làm tăng năng suất, sản lượng cây trồng cho hợp lý để vừa cho năng suất, sản lượng cao đồng thời quản lý tốt đất đai, phát triển tài nguyên và bảo vệ môi trường.

CÂU HỎI ÔN TẬP



  1. Thế nào là hệ sinh thái? Công thức, độ lớn, ranh giới và đặc điểm cơ bản của hệ sinh thái?

  2. Cấu trúc của hệ sinh thái, lấy 1 ví dụ cụ thể và phân tích mối quan hệ giữa các thành phần của hệ sinh thái đó.

  3. So sánh sự giống và khác nhau giữa hệ sinh thái cạn và hệ sinh thái nước?

  4. Trình bày nguồn năng lượng và các kiểu hệ sinh thái

  5. Hệ sinh thái nông nghiệp là gì? Đặc điểm của hệ sinh thái NN? Các mối quan hệ sinh học trong các hệ sinh thái NN.

  6. Trình bày sơ lược lịch sử của sản xuất nông nghiệp?

  7. Một số khuynh hướng phát triển sản xuất nông nghiệp và tối ưu hóa sản xuất nông nghiệp?

Chương năm

SINH THÁI HỌC VỚI QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN, MÔI TRƯỜNG

Mục tiêu:

  • Nắm được thế nào là tài nguyên, môi trường, sự cần thiết phải bảo vệ tài nguyên và môi trường

  • Nắm được vai trò của đất đối với con người

  • Phân tích được tình hình chung về đất thế giới, Việt Nam và tai họa về đất của thế giới

  • Mô tả được những vấn đề về đất trung du miền núi ở Việt Nam

  • Phân biệt được thế nào là ô nhiễm đất, thoái hóa đất, những nguyên nhân nào gây ra và một số biện pháp sử dụng hợp lý tài nguyên đất ở Việt Nam?

  • Nắm được vai trò của rừng đối với đời sống và sản xuất

  • Phân tích được hiện trạng sử dụng rừng, những nguyên nhân làm cho rừng trên thế giới và Việt Nam bị suy thoái.

  • Nắm được chiến lược khôi phục và bảo vệ rừng trên thế giới, Việt Nam và những lưu ý khi sử dụng rừng của Việt Nam


tải về 3.98 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   16   17   18   19   20   21   22   23   24




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương