Mc. 13, 24-32 15-11-2009 cuộc quang lâm của con ngưỜi lm. Px vũ Phan Long, ofm 02



tải về 335.39 Kb.
trang4/5
Chuyển đổi dữ liệu11.09.2017
Kích335.39 Kb.
#33089
1   2   3   4   5

ƠN CỨU ÐỘ HÔM NAY

Khi chiêm ngắm vũ trụ và con người, biết bao triết gia hiện sinh và vô thần đã thở dài não nuột trước cảnh phi lý và vô nghĩa của cuộc đời. Tin hay không tin, chúng ta đều phải đồng ý vũ trụ và con người đang đi đến chỗ tận diệt. Con người sinh ra để chết. Cuộc đời vô nghĩa thật nếu không tìm được một hướng đi và một cứ điểm đích thực. Chết là cuộc tận thế của mỗi người. Nếu thế, tại sao không suy nghĩ về cuộc tận thế rất gần của mình ? Tại sao không tìm một hướng đi để thấy ý nghĩa và giá trị cuộc đời giữa những đổ nát hôm nay ?

Chẳng cần đợi đến tận thế hay lúc chết mới thấy cảnh đổ nát. Chúng ta chứng kiến và kinh nghiệm cảnh đổ nát đó hằng ngày. Sống thêm một giờ là bớt đi một giờ hiện hữu trên trần gian. Sự già nua cũng là một dấu hiệu cho thấy cảnh đổ nát đó trong thân xác. Thiên nhiên cũng cho thấy những dấu hiệu thay đổi của trời đất. "Thí dụ cây vả khi cành nó xanh tươi và đâm chồi nẩy lộc, thì anh em biết là mùa hè đã đến gần." (Mc 13:28) Thật là một hình ảnh đẹp lột tả cơn sốt vỡ da trong thiên nhiên. Nhưng chính vì thay đổi đau đớn đó, thiên nhiên mới chứng kiến một cảnh tượng rực rỡ.

Từ điềm báo thiên nhiên, Ðức Giêsu mở mắt cho các môn đệ : "Khi thấy những điều đó xảy ra, anh em hãy biết là Con Người đã đến gần, ở ngay ngoài cửa rồi." (Mc 13:29) Người xuất hiện như một Thiên Chúa tình yêu nhưng đầy uy quyền và vinh quang. Vinh quang và uy quyền Thiên Chúa không chỉ tỏ hiện vào giây phút cuối cùng, nhưng hằng ngày trong cuộc sống. Tất cả mọi giây phút đều thấy bóng Ðức Giêsu, vì Người là chủ thời gian. "Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ." (Cv 4:12) Quả thực. "ý muốn cứu độ phổ quát của một Thiên Chúa Ba Ngôi được ban tặng và hoàn thành dứt khoát trong mầu nhiệm nhập thể, tử nạn và phục sinh của Con Thiên Chúa." (Dominus Jesus, số 14,1) Tóm lại, mọi giá trị và ý nghĩa cuộc sống đều được tái tạo trong Người.

Giá trị và ý nghĩa đó chỉ có thể tạo lập trong một tương quan tốt đẹp giữa con người và con người. Tương quan tốt đẹp ấy chính là hòa bình nơi trần thế. Hơn lúc nào hòa bình đang bị đe dọa khắp nơi và dưới mọi hình thức khác nhau. Chiến tranh phơi bày tất cả thực trạng bất công trên thế giới. Biết bao người đang phải chịu đựng những chế độ đàn áp bất công. Bao nhiêu ước vọng chính đáng phải tàn lụi. Bao người lầm than trong cảnh nghèo đói, kỳ thị, bóc lột, bất bao dung. Nhiều người không còn hi vọng sống một cuộc đời tốt đẹp hơn. Những cảnh bất công đó khuyến khích bạo động, và mỗi bất công có thể dẫn tới chiến tranh.

"Chỉ khi nào có công lý và công bằng, con người mới có thể tin tưởng lẫn nhau. Có tin tưởng nhau mới có thể xây dựng hòa bình cho nhau. Nền văn hóa hòa bình bắt nguồn và phát triển từ chính trong bầu khí hòa bình. Không còn bạo động, lạm dụng. Tất cả các phe phái hòa giải với nhau để tìm một giải pháp chấm dứt cuộc chạy đua võ trang và tái phân phối các nguồn tài nguyên kinh tế để đáp ứng những nhu cầu căn bản về sức khỏe và giáo dục cho mọi người. Gia đình cần phải được củng cố. Có thế mới có thể cổ võ và củng cố một nền văn hóa hòa bình." (Tgm Celestino Migliore, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc) Nhân dịp kỷ niệm 40 năm thông điệp "Hòa bình trên Trái đất", lời ÐGH Gioan XXIII còn văng vẳng bên tai : "Thế giới sẽ không bao giờ là nơi chốn hòa bình, cho tới khi nào hòa bình trú ngụ trong tâm hồn mỗi một người."

Nhưng làm sao hòa bình trở thành lẽ sống, nếu cuối cùng con người không hi vọng được Thiên Chúa cứu độ ? Chính vì hi vọng được làm con Thiên Chúa, con người mới nỗ lực xây dựng hòa bình. Chính niềm hi vọng đó mở ra một chân trời mới. Con người sẽ đón nhận nhau như anh em. Tương quan con người sẽ ghi đậm tình yêu Thiên Chúa. Tất cả sẽ sống trong cảnh trời mới đất mới.

Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP

TIẾNG GÕ CỬA

Lm. Giuse Nguyễn Cao Luật, OP

Cuộc tạo dựng mới

Ðã gần kết thúc năm phụng vụ, phải chăng cuộc đời người Ki-tô hữu cũng sẽ xoay vòng như chu kỳ thời tiết, như những nền phụng tự cổ xưa mà Ki-tô giáo vẫn chống lại, hay như phụng vụ Do-thái vẫn chỉ hiến dâng cũng những hy lễ ấy, mà thư gửi tín hữu Do-thái đã diễn tả ? Theo bài Tin Mừng hôm nay, hình ảnh vòng tròn này không phải là hình ảnh về Nước Thiên Chúa, bởi vì Nước Thiên Chúa là sự xuất hiện của một thế giới mới.

Quả thực, đây là một cuộc sáng tạo mới. Theo thánh Mác-cô, cuộc sáng tạo này đã được thực hiện trong Hội Thánh, bởi vì Hội Thánh là một cuộc quy tụ đám đông nhân loại đã được biến đổi ở giữa lòng thế giới. Nhưng điều đã xảy ra lại đang báo trước tương lai sẽ đến, đó là sự quy tụ chung cuộc. Như thế, con người sẽ không còn bị nhốt kín trong một tiến trình vô tận.

Ðể nói về tương lai này, Ðức Giê-su nhắc đến cách so sánh liên quan đến cây cối. Người không nói đến hoa quả, nhưng là những chồi non, những lộc mới xuất hiện. Quả đã được trao cho thế giới. Còn lá và hoa là dành cho Nước Thiên Chúa. Thời kỳ phát triển đã kết thúc và đến thời gian bắt đầu cuộc lễ.

Con Người đã đến gần, Người đang đứng ngoài cửa. Ðức Giê-su đã dùng tước hiệu Con Người để nói về chính mình. Tước hiệu này có liên hệ với sách Ða-ni-en : trong chương 7, vị ngôn sứ đã nhìn thấy một con người xuất hiện trong vinh quang để thiết lập vương quyền của Thiên Chúa. Tuy thế tước hiệu này cũng hướng người nghe đến hình ảnh người Tôi Tớ đau khỗ trong sách ngôn sứ I-sai-a (53).

Như vậy, Ðức Giê-su đề cập đến cả việc tự hạ lẫn việc tôn vinh, cả việc phục vụ lẫn vinh quang. Con Người đã đến gần, đó là một khẳng định cho thấy sự mâu thuẫn rõ ràng sắp được giải quyết. Bởi vì Con Người đã đến trong Ðức Giê-su, hay nói cách khác, Con Người chính là Ðức Giê-su. Thế nhưng, Người sắp mặc khải về ý nghĩa sâu xa của tước hiệu này, Người sẽ cho các môn đệ hiểu Con Người như thế nào, đổng thời hiểu về vinh quang đích thực của Con Người : đó là đi đến tận cùng của sự tự hạ. Ðó là cái chết trên thập giá. Với cái chết này, tất cả đều trở nên rõ ràng.

Do đó, tất cả những gì có vẻ như vững chắc và không thay đổi nay bị đặt thành vấn đề. Lời của con người sẽ trôi qua và được quên đi, còn lời Chúa vẫn tổn tại. Ðó là lời hứa về tương lai. Lời hứa này đến và phá vỡ xiềng xích vẫn ràng buộc con người trong thế giới chật hẹp của mình, để dẫn đưa họ vào trong thế giới rộng mở, bao la của Thiên Chúa.

Ðến để quy tụ

Khi nào và thế nào : hai câu hỏi mà thế hệ Ki-tô giáo đầu tiên không ngừng nêu lên về ngày Ðức Ki-tô trở lại. Khi các môn đệ ca tụng cảnh hùng vĩ và đồ sộ của Ðền Thờ, Ðức Giê-su báo trước cho các ông về sự sụp đỗ của Ðền Thờ và các ông đã hỏi Người : "Xin Thầy nói cho chúng con biết bao giờ các sự việc ấy sẽ xảy ra, và khi tất cả sắp đến hổi chung cục, thì có điềm gì báo trước ?"

Thánh Mác-cô viết cho các môn đệ đã được khai tâm về điểm cốt yếu trong sứ điệp Tin Mừng. Ông nhắc lại điều Ðức Giê-su đã cố gắng mặc khải cho các môn đệ theo một ngôn ngữ đượm nhiều hình ảnh phù hợp với thời đại đó.

Ðã đến lúc chấm dứt thời kỳ êm ả loan báo Tin Mừng. Giờ đây là giai đoạn cấp bách : các địch thù của Ðức Giê-su bao vây Người và dổn Người đến chôỵ chết.

Vấn đề vẫn được nêu lên trong toàn bộ Tin Mừng, giờ đây được nhấn mạnh : con người này là ai ?

Lần này, Ðức Giê-su vén lên bức màn : con người khiêm tốn và gần gũi với kẻ bé mọn, thật ra lại ngang hàng với Chúa Cha và hết mực yêu mến Chúa Cha. Vào ngày Người trở lại, Người sẽ bày tỏ Người là Thiên Chúa, rất uy nghi vinh hiển. Người sẽ ngự giá mây trời mà đến tức là được đầy tràn sự hiện diện của Thiên Chúa. Người sẽ xuất hiện, đầy uy nghi vinh hiển. Cựu Ước vẫn dùng từ này để nói về Thiên Chúa, có các thiên sứ, tức là những tôi tớ của Thiên Chúa hầu cận. Ngày trở lại trong vinh quang sẽ là cuộc quy tụ tất cả những ai đáp lại lời mời gọi của Người. Khi ấy, chính Ðức Giê-su sẽ là thẩm phán xét xử nhân loại, dựa trên tiêu chuẩn là tình yêu và lòng thương xót, như Người đã loan báo và đã sống khi còn ở dương thế.



Ðây quả là một nghịch lý của Ki-tô giáo.

Như đời thường của nhân loại, cuộc đời của Ðức Giê-su đã trôi qua thật bình thường, với những giới hạn của con người. Thế nhưng cuộc đời ấy mỗi ngày vẫn là một cuộc trao đổi tình yêu với Thiên Chúa. Và chính cuộc đời ấy mở ra một tương lai mới : cuộc đời của Ðức Giê-su mời gọi nhân loại sống cuộc đời trần gian của mình một cách tích cực, để chuẩn bị cho cuộc sống mới, cuộc sống với Thiên Chúa, bất chấp những lo lắng, phiền muộn và mâu thuẫn.

Ðức Giê-su vẫn một lòng tuân phục thánh ý Chúa Cha, nhưng chính Người không biết được bao giờ xảy ra ngày chung cuộc. Tuy nhiên, như các môn đệ người Ki-tô hữu biết rằng Chúa Cha đã làm cho Ðức Giê-su chỗi dậy từ cõi chết và đã trao phó tất cả mọi sự trong tay Người.

Trái đất và bầu trời sẽ qua đi. Ðó là điều chắc chắn. Khi nào và thế nào ? Như Ðức Giê-su, người Ki-tô hữu không biết. Ðiều họ biết được, đó là trái đất và bầu trời này đang chuẩn bị cho ngày chiến thắng của tình yêu, chuẩn bị trong những nỗi khó khăn, trong nỗi đau đớn và trong sự hoành hành của sự dữ.

Tin Mừng đã canh tân ngay từ bên trong thế giới cũ kỹ và đã ra hư hỏng vì tính kiêu căng và lòng hận thù. Hôm nay những ai đang bị sỉ nhục và bỏ rơi trong bóng tối, thì trong tương lai sẽ được vinh hiển trong ánh sáng : tình yêu ẩn giấu nơi Thiên Chúa có sức mạnh vượt trên sự dữ và sự chết.

Bao giờ đến ngày tận thế ?

Chúng ta có thể rút ra áp dụng nào từ bài Tin Mừng hôm nay? Có lẽ chúng ta cũng nêu lên những câu hỏi như các môn đệ, cũng dồn ba biến cố thành một : Ðền Thờ bị phá huỷ, ngày tận thế và Ðức Ki-tô trở lại. Tác giả sách Tin Mừng đã cho chúng ta thấy câu trả lời của Ðức Giê-su không phân biệt ba biến cố này, nhưng những lời của Ðức Giê-su có thể áp dụng cho biến cố này hoặc biến cố kia, có khi lại áp dụng cho cả ba biến cố.

Ðền Thờ Giê-ru-sa-lem đã bị phá huỷ vào năm 70. Biến cố này không chỉ có ý nghĩa bên ngoài, nhưng còn có ý nghĩa thiêng liêng : biến cố này tượng trưng cho việc chuyển từ giao ước cũ sang giao ước mới, chấm dứt vai trò ưu tiên của dân Do-thái và khẳng định vai trò của Hội Thánh do Ðức Giê-su thiết lập. Thiên Chúa dùng những biến cố lịch sử để thực hiện chương trình cứu độ của Người.

Những sự kiện liên quan đến ngày tận thế : tất cả đều được vay mượn từ cách diễn tả truyền thống của các ngôn sứ và khải huyền Do-thái. Ðức Giê-su sử dụng những hình ảnh này để cho thấy chính Người và vương quốc của Người vượt lên trên cả vũ trụ và mọi tạo vật. Chỉ mình Người là có giá trị đối với các tín hữu, họ phải chờ đợi Người. Cuộc chiến thắng vinh hiển của Ðức Ki-tô và việc quy tụ những người được chọn là những biến cố thiêng liêng, vượt ra khỏi lịch sử, ra khỏi không gian và thời gian.

Cuối cùng, điều mà chúng ta nhận thấy rõ nhất đó là Ðức Giê-su quan tâm tới hiện tại hơn là tới tương lai. Ở đây chúng ta gặp lại tư tưởng của thánh Gio-an : một cách nào đó, cuộc sống vĩnh cửu đã được khởi đầu, và án lệnh đã được công bố, bởi vì trong ánh sáng của Thiên Chúa, chúng ta tự xét xử chính mình. Chính ngày hôm nay mà Thiên Chúa đang chờ đợi chúng ta ; môỵi ngày của chúng ta đều là ngày của Thiên Chúa. Do đó chúng ta phải tỉnh thức để chờ đợi. Chúng ta phải tỉnh thức trong đức tin và đức mến để nghe được tiếng gõ cửa của Thiên Chúa. Tiếng gõ cửa đó vẫn đang vang lên hôm nay và môỵi ngày sống của chúng ta. Nếu như có gặp thấy những điều mà chúng ta nghĩ rằng vững chắc, nay đang thay đỗi, thì chúng ta vẫn tin chắc vào những lời của Ðức Giê-su, Ðấng không ngừng đến để gõ cửa tâm hổn chúng ta, để gặp gỡ chúng ta.

Lm. Giuse Nguyễn Cao Luật, OP

NGÀY CHÚA TRỞ LẠI

Mc. 13,24-32

Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP.

Theo lịch phụng vụ, Chúa nhật hôm nay là Chúa nhật 33 Thường Niên. Chúa nhật tới là Chúa nhật 34 Thường Niên, là Chúa Nhật cuối cùng của năm phụng vụ, được dành đặc biệt để mừng kính Chúa Ki-tô Vua. Vì thế, phụng vụ lời Chúa hôm nay, được coi như là Chúa nhật cuối cùng, nên Giáo Hội muốn hướng tâm trí chúng ta về ngày cuối cùng, ngày tận thế, ngày cánh chung, ngày chấm dứt lịch sử nhân loại.


Tất cả chúng ta đều nhìn nhận rằng : bất cứ cái gì ở trần gian, nếu đã có lúc khởi đầu thì chắc chắc sẽ có lúc chấm dứt, và như vậy tức là có lịch sử. Đối với chúng ta là những người sống trong trần gian và là những người tin theo Chúa Ki-tô, chúng ta có hai lịch sử : lịch sử trần thế và lịch sử cứu rỗi. Hai lịch sử này song hành với nhau. Hay nói đúng hơn, lịch sử có hai mặt chìm và nổi khác nhau. Lịch sử trần thế là lịch sử các dân tộc, các triều đại, các nền văn minh với các định chế xã hội, các biến cố chính trị, các hoạt động kinh tế, các tiến bộ khoa học kỹ thật…Đây là mặt nổi ai cũng có thể thấy được hay quan sát được. Còn lịch sử cứu rỗi là lịch sử sinh hoạt siêu nhiên, thánh hóa các tâm hồn nhờ ân sủng và tác động của Thánh Thần, xây dựng nước Thiên Chúa trong lòng người. Lịch sử này đang khai triển âm thầm dưới chiều sâu, trong các tâm hồn, theo nhịp của ân sủng. Đây là mặt chìm mà chỉ những ai có đức tin mới nhận ra.


Đức tin giúp chúng ta nhận ra rằng : có một lịch sử thánh xuyên qua lịch sử trần thế, bao trùm, thấm nhập lịch sử trần thế. Nhờ đó lịch sử loài người có ý nghĩa. Lịch sử loài người có giới hạn. Chúng ta không thể biết bao giờ lịch sử chấm dứt, nhưng chắc chắn sẽ có ngày kết thúc. Đúng vậy, theo Kinh Thánh, cục diện trái đất này sẽ qua đi, nghĩa là thế giới vật chất này sẽ tan biến đi để nhường chỗ cho một thế giới mới. Và khi lịch sử chấm dứt là lúc Chúa Giêsu trở lại thu hợp toàn thể loài người và toàn thể vũ trụ, để mọi người và mọi sự được hoàn tất trong Ngài.


Chúng ta nói “Chúa Giêsu trở lại”. Đó chỉ là một kiểu nói mà thôi. Thực ra Ngài không trở lại, vì Ngài luôn hiện diện trong trần thế và trong lịch sử. Tuy nhiên, hiện nay Ngài hiện diện một cách vô hình, che giấu, chúng ta không thể thấy Ngài bằng giác quan. Ngài chưa bộc lộ quyền năng và vinh quang của Ngài. Vương quyền của Ngài còn âm thầm kín đáo. Vì thế, Chúa Giêsu trở lại có nghĩa là Chúa Giêsu biểu dương quyền năng và vinh quang của Ngài. Tình trạng ẩn danh của Ngài trong lịch sử chấm dứt.


Ngày Chúa Giêsu trở lại hay quang lâm, tái lâm được gọi bằng nhiều cách : ngày cuối cùng, ngày của Chúa, ngày Chúa đến, ngày của Đức Ki-tô, ngày viếng thăm, ngày xét xử…Chính Chúa Giêsu đã nhiều lần nói đến ngày tái lâm này. Ngày đó được mô tả như ngày đổ vỡ của thế giới vật chất. Tuy nhiên, không ai biết bao giờ sẽ đến ngày đó, kể cả Chúa Giêsu về mặt nhân tính, tức là với tư cách là người, Chúa Giêsu cũng không biết được. Ngày đó sẽ xảy đến bất ngờ. Theo nhiều dụ ngôn, Thiên Chúa sẽ đến giữa lúc không ai nghĩ tới, đối với từng cá nhân cũng như đối với toàn thể nhân loại. Dầu vậy, chúng ta có thể nói rằng : ngày cánh chung đối với cả nhân loại có lẽ còn lâu mới tới. Trong khi chờ đợi, mỗi người phải nỗ lực xây dựng nuớc Thiên Chúa dưới trần. Mặt khác, đối với riêng mình, mỗi người phải coi như ngày của Chúa đang tới gần.


Như vậy, để trả lời câu hỏi của các môn đệ cũng là câu hỏi của mọi thế hệ, Chúa Giêsu đã chẳng làm thỏa mãn sự tò mò của con người sống trong lịch sử, nhưng Ngài chỉ muốn dạy một thái độ sống trong lịch sử. Nghĩa là thay vì tò mò băn khoăn vô ích về ngày lịch sử kết thúc, hãy sống cho tròn đầy tất cả những gì lịch sử cho mình. Nói khác đi, đứng trước những vấn đề tương lai, con người tò mò muốn biết trước, Chúa Giêsu đã khước từ không cho biết trước, nhưng bảo cho biết thái độ phải có, đó là đừng bận tâm khi nào tận thế, nhưng hãy lo sống cho đàng hoàng trong hiện tại và hãy kiên trì. Cũng đừng tin những lời đồn đại xuyên tạc trước những biến cố khủng khiếp của lịch sử. Điều quan trọng duy nhất là trung thành làm chứng cho Chúa, và làm thế nào để mỗi ngày sống, mỗi hành động của chúng ta đều chuẩn bị sẵn sàng cho ngày Chúa quang lâm.


Tóm lại, tất cả những điều tìm hiểu trên nhắc bảo cho chúng ta biết : lịch sử luôn đưa chúng ta về phía trước. Nhưng nó không phải là một khoảng không, nó là con đường chúng ta phải đi để tiến về phía trước. Vì thế, chúng ta luôn hướng về tương lai, chờ đợi lời hứa cứu rỗi đã được thực hiện trong lịch sử sẽ được hoàn tất. Chờ đợi, hướng về tương lai tức là hy vọng. Hy vọng là yếu tố giúp cho chúng ta sống và phấn đấu trong tin tưởng. Hy vọng luôn gắn liền với niềm tin. Hy vọng là phần thưởng của lòng tin. Lòng tin là nền tảng cho hy vọng. Ai thấy rõ đường đi thì càng vững tâm mà đi. Ai thấy trước tương lai tốt đẹp đang chờ đợi mình, thì càng nóng lòng góp phần làm cho thế giới này chóng tốt đẹp hơn. Con đường ấy chúng ta phải bước đi bằng cách sống cho thật tích cực, sống cho thật tròn đầy mọi trách nhiệm của mình đối với Thiên Chúa, đối với anh em, đối với loài người, đối với thế giới vật chất đã được Thiên Chúa trao vào tay chúng ta.



Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP.

THỜI KỲ CUỐI CÙNG

Dn 12,1-3; Dt 10,11-18; Mc 13,24-32

Gm. Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm 

PHÚC ÂM: Mc 13, 24-32

"Người sẽ quy tụ những người được tuyển chọn từ khắp bốn phương trời".

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Trong những ngày ấy, sau cảnh khốn cực, mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng sẽ mất sáng, các ngôi sao sẽ từ trời rơi xuống và các sức mạnh trên trời sẽ bị lay chuyển. Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người ngự đến trên đám mây với đầy quyền năng và vinh quang. Và bấy giờ Người sẽ sai các thiên thần của Người đi quy tụ những kẻ đã được tuyển chọn từ khắp bốn phương, từ chân trời cho đến cùng kiệt trái đất. Nhìn vào cây vả, các con hãy tìm hiểu dụ ngôn này. Khi nó đâm chồi nảy lộc, các con biết rằng mùa hè gần đến. Cũng vậy, khi các con nhìn thấy tất cả những điều đó xảy ra, thì các con hãy biết là Người đã tới gần ngoài cửa rồi. Thầy bảo thật các con: Thế hệ này sẽ chẳng qua đi trước khi mọi sự đó xảy đến. Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Thầy nói sẽ chẳng qua đi.

"Còn về ngày đó hay giờ đó, thì không một ai biết được, dù các thiên thần trên trời, dù Con Người cũng chẳng biết, chỉ có mình Cha biết thôi".

 

SUY NIỆM:

Hai tuần lễ tới đây là những ngày cuối cùng của năm phụng vụ này. Thế nên không có gì ngạc nhiên, khi thấy Lời Chúa hôm nay hướng chúng ta về thời gian sau hết cũng gọi là cánh chung. Chúng ta thường nôm na gọi đó là thời tận thế.

Ước gì từ nay chúng ta bỏ hết mọi suy đoán của loài người, mọi điều thường được gọi là bí mật bà thánh này ông thánh kia, hoặc của nơi hành hương này chỗ thánh điện khác, để chỉ giữ lấy Lời Chúa và các mạc khải của Người. Khi ấy chúng ta sẽ thấy bình tĩnh hơn, sáng suốt hơn và sống chân thật hơn. Chúng ta sẽ sống bằng đức tin của Hội Thánh, chứ không nghe những chuyện nhảm nhí. Và chúng ta sẽ làm cho người khác kính trọng niềm tin của chúng ta hơn.

Vậy, phụng vụ hôm nay cho chúng ta biết những gì về cánh chung, hay là tận thế? Bài tiên tri Daniel, bài Tin Mừng Marcô, bài thư Do Thái, tuy không bao gồm hết mọi lời trong Kinh Thánh về vấn đề, nhưng có thể nói đã nói lên hầu hết. Chúng ta hãy lần lượt đọc lại.

 

1. Bài Sách Daniel

Daniel là một trong bốn sách tiên tri lớn, tức là dài, và là tác phẩm khó. Người ta cứ tưởng nó giống như các sách Ysaia, Giêrêmia, Ezekiel, được viết vào thời lưu đày Babylonia và về hoàn cảnh đó. Nhưng ngày nay người ta đã thấy nó ra đời muộn hơn nhiều. Có lẽ nó được viết vào khoảng năm 164 trước kỷ nguyên. Phần đầu tác giả nói đến những biến cố xảy ra ở Cận Ðộng và trong Dân Chúa sau thời gian lưu đày. Một số người đã được hồi hương, cố gắng dựng lại giang sơn tổ quốc cũ. Nhưng hết bị Batư cai trị, lại bị Hylạp thôn tính, Dân Chúa gặp một cơn bắt đạo khủng khiếp dưới thời Antiôchô. Ðền thờ bị biến thành nơi thờ thần dân ngoại. Truyền thống Dothái bị ngăn cấm. Nhiều người bị bắt. Tiếng các Tử đạo vang lên tới Chúa.

Người mạc khải ý định của Người trong phần hai của sách Daniel. Ðó là một viễn tượng đầy trông cậy. Nhưng đọc kỹ người ta dễ nhận ra ngay đó chỉ là niềm tin rất cổ điển: sự dữ còn gia tăng... cho đến lúc chín mùi. Lúc ấy Thiên Chúa sẽ can thiệp. Sứ thần của Người sẽ được sai đến giao tranh với thần dữ, cứu vớt những người lành, phục hồi các thánh nhân.

Ðọc Daniel hôm nay nằm trong phần thứ hai này. Nhà tiên tri được báo cho biết: đến thời cứu độ, Mikael vị tướng cả của Thiên Chúa sẽ được sai đến biểu lộ sức mạnh của Người để gìn giữ con cái của Chúa. Vì lúc ấy sẽ là thời quẫn bách, thời thử thách xưa nay chưa từng thấy xảy ra. Chỉ những kẻ nào đã được tiền định mới thoát nguy. Họ đã có tên ghi trong cuốn sách hằng sống ở trên trời. Và điều an ủi nhất cho Daniel và trả lời trực tiếp cho thắc mắc của dân Chúa thời bấy giờ, là sẽ có sự sống lại. Người thánh sẽ được sống đời đời, bậc lãnh đạo dân Chúa sẽ chói sáng; và kẻ truyền đạo, đưa người khác trở về đàng công chính, sẽ như tinh sao muôn kiếp.

Với những lời lẽ này, Daniel đã an ủi Dân Chúa không ít. Họ đang trong cơn bắt đạo, thấy máu của nhiều người lành chảy ra. Họ tự hỏi về định mệnh của các thánh nhân; và đồng thời cũng nêu lên nghi vấn: có bõ công tiếp tục đi trong đàng ngay chính để có ngày bị bắt và bị giết hay không? Daniel chẳng có lời tiên tri nào nói với họ cả, theo nghĩa hứa hẹn cho người ta một tương lai sáng sủa nào ở trần gian này hết. Ông tuyên xưng niềm tin "chính thống" và cổ điển của mình: Thiên Chúa mới có tiếng nói cuối cùng; Người sẽ can thiệp, lúc đó người lành được gìn giữ, còn kẻ dữ sẽ bị tiêu diệt. Rồi sẽ có sự sống lại cho người thánh đã chết; còn kẻ dữ cứ tiếp tục bị trừng phạt.

Như vậy Daniel cũng đã có góp thêm một phần mới mẻ vào kho tàng mạc khải. Trước ông, như trong Êzêkiel chẳng hạn, người ta đã được biết sẽ có sự sống lại. Nhưng dường như đó chỉ là việc phục sinh phục hồi của dân đang bị tiêu diệt và nghiền nát. Cánh đồng xương khô lấy lại gân cốt và da thịt để sống lại trong Êzêkiel là một hình ảnh về cuộc phục hưng dân Chúa sau thời gian tiêu điều, hơn là một phát biểu niềm tin về sự sống lại trong ngày sau hết.

Ở đây, Daniel rõ ràng nói đến sự sống lại không phải của hết thảy mọi người, nhưng riêng chỉ có những người lành. Cũng như ông đã khẳng định khi ngày của Chúa đến, chỉ những người thánh mới được gìn giữ, còn bao nhiêu kẻ dữ sẽ bị tiêu diệt. Nói đúng ra theo Daniel, kẻ lành sẽ được sống muôn đời, còn kẻ dữ sẽ phải chết. Trong ngày của Chúa, ai lành thánh sẽ không phải chết, và cho dù đã chết, cũng sẽ sống lại; còn kẻ tội lỗi cho dù đang sống cũng sẽ chết, huống nữa là khi những kẻ ấy đã chết rồi. Niềm tin của Daniel xác định công trạng của mỗi người, nhưng chưa nghĩ đến sự xác thịt sống lại như chúng ta đọc trong kinh Tin Kính. Ông cũng đã chú ý riêng đến những người có công với dân và so sánh vinh quang bất diệt của họ sau này như những tinh sao muôn đời muôn kiếp.

Ý kiến của Daniel nhất định đã thổi một luồng gió tin tưởng mạnh mẽ vào trong tâm hồn nhiều người. Họ sẽ cương quyết trung thành với đức tin hơn và hoàn toàn phó thác định mệnh cuối cùng của mình trong tay Chúa. Sách của ông được các thế hệ sau dùng rất nhiều, như bài Tin Mừng hôm nay sẽ cho chúng ta thấy; nhưng chẳng ai có thể lợi dụng tư tưởng của ông để thêu dệt những chuyện nhảm nhí về thời cánh chung.

 

2. Bài Tin Mừng Ðức Giêsu

Trong đoạn sách Marcô hôm nay, cũng nói với chúng ta về thời kỳ cuối cùng này. Dường như Người đề cập tới sau khi nói về thời Giêrusalem bị tàn phá. Chúng ta biết hôm các môn đồ trỏ cho Người thấy cảnh huy hoàng của Ðền thờ. Mà rực rỡ thật khi thánh điện Giêrusalem được ánh mặt trời chiếu vào! Nhưng cảnh ấy có ngày sẽ không còn nữa và sẽ không còn hòn đá nào chồng trên hòn đá nào của Ðền thờ hiện nay, vì Giêrusalem không biết đón nhận ngày Thiên Chúa đến viếng thăm mình.

Ðức Giêsu đã nhìn thấy trước ngày tàn phá đó. Người dùng những hình ảnh về thời kỳ chiến tranh, cũng như các công thức về thời cánh chung trong các sách tiên tri, để mô tả cảnh tàn phá của Giêrusalem. Rồi từ đó, Người nói sang thời kỳ cùng tận.

Nhưng lời của Người lại được các tác giả thánh diễn lại sau khi đã được chứng kiến ngày Ðền thờ sụp đổ và đã từng sống những ngày thánh Hội Thánh bị bắt bớ vì danh Chúa. Do đó, bài sách Marcô hôm nay chẳng hạn, thu góp tất cả mọi nhân tố trên làm cho việc đọc trở nên phức tạp và khó hiểu. Ở đây chúng ta chỉ nói đến những tư tưởng trong bài đọc hôm nay.

Trước hết có những câu nói về sự suy sụp thay đổi trong trời đất: mặt trời tối sầm, mặt trăng mất sáng, tinh tú sa xuống và các thiên thể lay chuyển. Có lẽ chính ý tưởng cuối cùng này lại phải để ý đến trước hết. Là vì theo các tác giả thánh, mỗi khi có hiển linh là trời đất rung chuyển. Vậy hiện tượng các thiên thể lay chuyển là điềm báo Chúa đến, là dấu hiệu của ngày cuối cùng. Còn việc mặt trời tối sầm, mặt trăng mất sáng, tinh tú sa xuống, chẳng qua muốn nói rằng vũ trụ này sẽ qua đi và biến mất. Tất cả như lại trở về lúc khởi nguyên, lúc còn hỗn mang và chưa có ánh sáng gì cả. Và như thế, với nhiều hình ảnh mượn lại trong các sách tiên tri, ở đây thời sau hết được xác định như là thời thay đổi vũ trụ này, để rồi sẽ có một cảnh mới với trời mới và đất mới. Và người ta không phải chờ lâu. Sách Marcô đã viết ngay: bấy giờ người ta sẽ thấy Con Người đến trong mây... Rõ ràng tác giả mượn lại chương 7 sách Daniel, câu 13. Nhưng ông đã đem vào một nội dung mới.

Trong tiên tri Daniel, Con Người chỉ đến sau, khi triều đình thiên quốc đã bày biện xong. Thiên Chúa đã ngự trên ngai rồi, thì bấy giờ Con Người mới tiến lại. Người là ai? Theo Daniel đó là dân thánh của Thiên Chúa đến lãnh phần thưởng đời đời của mình. Về sau nhiều người đã đồng hóa Người với Ðấng Cứu thế Con Một Thiên Chúa. Ở đây, trong sách Marcô, Người là chính Ðức Giêsu Kitô Cứu thế.

Như vậy, "ngày của Chúa" không còn phải là ngày của Thiên Chúa nữa sao? Vì ở đây, người ta không thấy Thiên Chúa hiện đến, mà chỉ có Ðức Giêsu được mệnh danh là Con Người. Thật ra, khi nói Người đến trong mây, tác giả không có ý tưởng trong mây như là xa giá đưa Con Người đến. Nhưng cùng với công thức viết sau nói rằng: Người đến trong quyền năng cao cả và vinh quang, hình ảnh mây trời ở đây chỉ có ý nhấn mạnh đến tính cách "hiển linh" của việc Người đến. Và như vậy Con Người sẽ đến với Thần Tính và như là "Thiên Chúa bởi Thiên Chúa" khiến "ngày của Chúa" bây giờ trở thành "ngày của Thiên Chúa đến trong Con Người và nhờ Con Người".

Rồi khác với nhiều tác giả, thánh Marcô không nhắc đến việc phán xét và trừng phạt kẻ dữ. Người chỉ mô tả diện tích cực của ngày Chúa đến. Người sai các Thiên Thần đi khắp cùng mặt đất thâu họp những kẻ được chọn lại, dĩ nhiên là để đưa họ vào vinh quang của Người.

Và như vậy cái nhìn của Marcô về cánh chung rất bình an và đẹp đẽ. Nó đem tin tưởng lại cho lòng người ngay và tạo nên một cảm giác hạnh phúc.

Nhưng khi nào điều ấy xảy ra? Ðó là thắc mắc của mọi thế hệ loài người. Theo thánh Marcô, thì Ðức Giêsu trỏ tay bảo các môn đệ cứ xem cảnh vật thiên nhiên. Cây vả khi trổ lá thì báo tin mùa hè sắp đến sao? Cũng vậy, khi các điều kia xảy ra, thì phải biết Con Người đã gần bên cửa.

Trước hết, Người đã khéo léo gợi đến danh từ mùa hè. Ðó là mùa gặt hái. Và hình ảnh mùa gặt hái vẫn được Kinh Thánh dùng để nói đến thời cánh chung và chung thẩm. Còn khi Người nói "các điều kia" thì phải hiểu như thế nào?

Trên đây, Người đã nói đến việc Ðền thờ bị phá, chiến tranh nổi lên, Kitô giả xuất hiện, niềm tin trở nên lạnh lẽo... và các tầng trời bị lay chuyển v.v... Do đó mỗi khi thấy các điều trên xảy ra, người ta đã tưởng tận thế đến rồi. Hơn nữa sau đó, Ðức Yêsu còn nói: "Thế hệ này sẽ không qua đi cho đến khi mọi điều ấy xảy đến". Người ta càng tin những ngày tận cùng không còn xa

Nhưng có lẽ người ta không để ý đủ đến lời cuối cùng của Người: "Về ngày ấy hay giờ ấy, thì chẳng ai biết được... cả Con Người nữa, trừ phi là Chúa Cha".

Dĩ nhiên có vấn đề: có phải chính Ðức Giêsu đã nói tất cả những điều trên đây không và trong cùng một văn mạch không? Hay đó là những lời nói ở những hoàn cảnh khác nhau và đã được xếp gần lại để diễn tả ý kiến về một vấn đề? Nếu thế thì ở đây chúng ta có thể thấy tác giả vừa muốn khẳng định thời kỳ cánh chung đã gần, vừa không gần vì hiện nay đã có những dấu hiệu như cảnh chiến tranh tàn phá, lòng tin ra nguội lạnh, nhiều sự dữ lộng hành, nhiều người lành khổ sở... nhưng chưa chắc đã là điềm báo cuối cùng, vì dù sao cũng chẳng ai biết được giờ nào, ngày nào, vì đó là bí mật Chúa Cha không muốn tiết lộ cho ai... Vì thế thái độ chân thực là luôn luôn phải sẵn sàng và tỉnh thức.

Thánh Marcô đã kết luận như vậy. Và chúng ta, không nên thêm gì vào ý kiến của người. Chúng ta chỉ cần nhớ: vũ trụ này sẽ được biến đổi khi Con Người đến trong vinh quang. Người sẽ tập họp các kẻ được chọn lại. Người không muốn cho ai biết ngày nào giờ nào. Nhưng Người mong muốn ai nấy cũng hãy sẵn sàng và bền vững cho đến cùng.

Bài thư Do Thái có thêm gì cho chúng ta không?

 



tải về 335.39 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương