Mc. 13, 24-32 15-11-2009 cuộc quang lâm của con ngưỜi lm. Px vũ Phan Long, ofm 02



tải về 335.39 Kb.
trang2/5
Chuyển đổi dữ liệu11.09.2017
Kích335.39 Kb.
#33089
1   2   3   4   5

V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI

Chủ tế: Anh chị em thân mến, dịp cuối năm phụng vụ, Hội thánh nhắc ta nhớ ngày Ðức Giêsu Kitô sẽ đến trong vinh quang để xét xử toàn thể nhân loại. Chúng ta hãy vui mừng và tin tưởng dâng lời cầu nguyện:

1. Ðức Giêsu Kitô sẽ trở lại để đem tất cả những người được cứu độ vào hưởng hạnh phúc Nước Trời với Người / Chúng ta hãy cầu xin cho Hòa Bình luôn vui mừng loan báo niềm hy vọng hạnh phúc ấy cho mọi người.

2. Trời đất và thế giới này sẽ qua đi như lời Chúa phán / Chúng ta hãy cầu xin cho các nhà lãnh đạo các dân tộc hiểu biết rằng quyền bính của họ cũng sẽ qua đi / để họ biết xây dựng công lý và hòa bình cho mọi người / là những việc sẽ không qua đi.

3. Thiên tai, chiến tranh, bệnh tật, nghèo đói, đã làm cho biết bao người đau khổ và phải chết / Chúng ta hãy cầu xin cho mọi người biết tin tưởng và hy vọng vào ơn cứu độ do Ðức Giêsu đem đến / để không tuyệt vọng với những tình trạng bi đát đó.

4. Không ai biết ngày giờ Ðức Giêsu sẽ đến / chúng ta hãy cầu xin cho anh chị em trong họ đạo chúng ta luôn tỉnh thức và cầu nguyện / để sẵn sàng đón chờ Chúa đến.

Chủ tế: Lạy Ðức Giêsu, chúng con không biết ngày giờ nào Chúa trở lại, xin cho mỗi người chúng con luôn chuẩn bị sẵn sàng để đón Chúa, bằng một đời sống thật tình mến Chúa yêu người. Chúa là Ðấng hằng sống và hiển trị.

Lm. Carolô Hồ Bặc Xái

MAY MẮN ĐƯỢC SỐNG SÓT

Chủ đề: "Trong ngày cuối cùng, chỉ có hai điều là đáng kể, là tinh thần phục vụ và tình thương ta dành cho tha nhân"

Lm. Mark Link, S.J.

Bộ phim Occurrence at Owl Creek Bridge (biến cố xảy ra ở cầu Owl Creek) kể lại chuyện một người đàn ông sắp bị treo cổ. Bọn lính địch của anh dẫn bộ anh ra một chiếc cầu bắc ngang qua sông Owl Creek. Chúng lấy một tấm ván đặt một phân nửa lên cầu còn phân nửa kia để lòi ra khỏi thành cầu. Đoạn một tên lính đứng lên nửa tấm ván trên thành cầu, còn người tử tội bị dẫn ra đứng trên nửa tấm để lòi ra khỏi thành cầu. Kế đó, người ta cột chặt tay chân người tử tội, đoạn thòng một sợi dây từ đỉnh cầu xuống quấn vào cổ anh ta. Khi mọi sự đã sẵn sàng, viên chỉ huy sẽ ra hiệu lệnh thì người lính sẽ nhảy ra khỏi tấm ván, lập tức người tử tội bị hất xuống phía dưới với sợi dây siết vào cổ anh.

Ngay bấy giờ một điều kỳ lạ đã xảy ra. Sợi dây bị đứt và người tử tội rơi tỏm xuống lòng sông. Anh ta chìm sâu dưới nước. Lúc bấy giờ anh ta ý thức được mình vẫn còn sống và anh cố gắng tháo gỡ dây trói nơi tay và chân ra. Thật kỳ diệu thay, anh đã tự cởi trói cho chính mình được. Thế rồi khi nhận ra mình có cơ may sống sót, anh ta bắt đầu lặn sâu xuống. Sau đó, anh bơi ngang qua một cành cây đang bềnh bồng trên mặt nước. Anh xúc động vì vẻ đẹp của những tàu lá cây. Anh sững sờ vì những đường gân phức tạp nơi tàu lá. Một lúc sau, anh nhìn thấy một chú nhện đang giăng lưới. Anh lại xúc động trước vẻ đẹp của nàng nhện và những giọt nước bám vào đó lấp lánh không khác gì những hạt kim cương. Anh cảm thấy mình sũng nước, anh liền ngước lên nhìn vào bầu trời xanh biếc, đối với anh, chưa bao giờ thế giới lại xinh đẹp thế!

Bỗng nhiên đám lính đứng trên đầu cầu bắt đầu nhả đạn xuống. Anh liền cố gắng lướt tới dưới làn mưa đạn, bơi nhanh nhẹn như một chú rắn nước băng qua nhiều ghềnh thác. Cuối cùng, anh cũng bơi được vào bờ và hoàn toàn kiệt sức. Anh ngã xuống cát, lăn qua lăn lại. Khi ngước nhìn lên anh trông thấy một bông hoa. Anh liền bò tới đưa mũi ngửi và thầm nhủ: Ôi! Mọi sự sao mà đẹp thế! Được sống sót quả là một điều vĩ đại biết bao! Nhưng ngay sau đó có tiếng đạn rít qua các tàng cây; anh vội đứng lên và bắt đầu co giò chạy tiếp. Anh chạy hoài chạy mãi tới khi đến được một căn nhà có hàng rào trắng bao quanh. Những cánh cổng bỗng mở ra một cách kỳ diệu. Anh không thể nào tin vào mắt mình: thế là anh đã về được đến nhà bình an. Anh gọi tên vợ anh và nàng vội chạy thật nhanh ra cổng giang tay chào đón anh.

Ngay khi họ vừa ôm nhau, máy quay phim mang chúng ta trở lại chiếc cầu Owl Creek. Bây giờ, chúng ta lại không thể tin được vào mắt mình khi nhìn thấy xác của chính anh ta bị treo thòng xuống đang đong đưa qua lại với sợi dây siết quanh cổ. Thì ra anh đã chết rồi!

Quả thực ai cũng cảm thấy sững sờ: thế là mọi nỗ lực trốn chạy và cơ may được sống sót chỉ là sản phẩm thuần tuý của trí tưởng tượng thôi. Người đàn ông ấy không chạy thoát được. Anh ta chỉ tưởng tượng ra điều ấy trước giây phút cảm thấy cái chết cận kề. Anh mơ thấy mình có cơ may được sống lần thứ hai. Và bỗng dưng anh cảm nhận sự sống ấy bằng đôi mắt hoàn toàn mới lạ.

Lần đầu tiên, người tử tội cảm thấy thế giới này quả là một nơi tuyệt hảo. Lần đầu tiên anh ta thấy cuộc sống quả là món quà quí báu mà anh và những người thân yêu của anh cũng được hưởng. Phải chi anh đã thực sự trốn thoát được và có một dịp may được sống sót lần thứ hai. Lúc đó chắc hẳn anh sẽ sống cuộc sống mới này một cách khác thường biết bao!

Điều này gợi lên cho ta một câu hỏi. Tác giả bộ phim đã nghĩ gì trong trí ông dựng một câu chuyện này. Ông muốn nói gì với khán giả? Nói cách khác tại sao tác giả đã cố ý phỉnh gạt chúng ta? Tại sao ông lại dựng nên một sự thất vọng khủng khiếp đến thế? Tại sao ông lại làm cho chúng ta tưởng rằng người tử tội ấy có được cơ may sống sót?

Theo tôi, điều nằm trong tâm trí tác giả bộ phim cũng chính là điều nằm trong tâm trí Chúa Giêsu qua bài Phúc Âm hôm nay. Tác giả cuốn phim nói với chúng ta: "Người tử tội trong câu chuyện của tôi là chính các bạn. Anh ta đã không có may mắn được sống sót, nhưng nhờ chia xẻ kinh nghiệm của anh ta mà các bạn chắn chắn sẽ có được cái cơ may đó". Tác giả nói tiếp: "Rồi một ngày nào đó các bạn cũng sẽ phải chết giống như người tử tội trên. Không ai biết được bao giờ mình sẽ chết, nhưng chắc chắn giờ đó sẽ đến cũng như nó đã đến với người tử tội trên".

Cách đây vài năm, bà bác sĩ Kubler-Ross thuộc trường Đại học Chicago có viết cuốn sách nhan đề: Chết và Hấp Hối (Death and Dying). Cuốn sách được viết ra là vì bà thường xuyên tiếp xúc với những bệnh nhân sắp chết. Bàn về những cảm nghĩ của những bệnh nhân ấy về cuộc sống lúc họ nhìn ngược lại quá khứ khi đối diện với cái chết, bà viết: "Khi phân tích mọi sự cách tận cùng, họ thấy rằng chỉ có hai điều này là quan trọng thôi: Tình yêu đối với tha nhân, và tinh thần phục vụ tha nhân. Tất cả những gì khác mà ta đã từng cho là quan trọng, chẳng hạn như danh tiếng, tiền bạc, uy tín, quyền lực, thì đều là vô nghĩa". Nhận xét này hoàn toàn phù hợp với điều Chúa Giêsu dạy bảo lúc Ngài còn ở dương trần. Ngài nói: "Con Người không đến để được phục vụ, mà Người đến để phục vụ" (Mc 10: 45) và Ngài cũng nói: "Các con hãy yêu thương nhau như ta yêu thương các con" (Ga 15: 12)

Bài Phúc Âm hôm nay mời gọi chúng ta suy nghĩ đến lúc chúng ta sẽ phải gặp Chúa Giêsu vào cuối đời chúng ta hoặc vào lúc tận cùng thế giới - bất kể lúc nào xảy ra trước. Bài Phúc Âm này mời gọi chúng ta tự vấn chính mình xem liệu vào lúc ấy, tinh thần phục vụ và tình tình yêu của chúng ta có được kể là thoả đáng không?

Không giống như người tử tội trong câu chuyện, chúng ta có được dịp may còn sống để chuẩn bị cho giờ phút ấy, bắt đầu ngay từ bây giờ. Chúng ta sẽ làm gì với dịp may này của chúng ta? Chúng ta có chân thành nỗ lực yêu thương như Chúa Giêsu đã làm không? chúng ta có chân thành nỗ lực phục vụ tha nhân như Chúa Giêsu đã làm không?

Chỉ chúng ta mới có thể tự trả lời cho câu hỏi ấy, câu trả lời rất quan trọng, có thể là quan trọng nhất trong tất cả những câu trả lời của con người.

Trước khi kết thúc, tôi xin đọc một đoạn văn trích trong tác phẩm God's Trombones (Tiếng Kèn Của Chúa) của tác giả Weldon Johnson, trong đó ông mô tả cái chết của một phụ nữ thánh thiện.

"Chị đã thấy những gì mà chúng ta không thấy được. Chị đã thấy Thần Chết. Chị đã thấy ông ta đến như một ngôi sao băng. Nhưng cái chết đâu có làm cho chị nữ tu Caroline sợ hãi. Chị đã nhìn Thần Chết như một người bạn thân, như một vị khách qúi. Chị đã thì thầm nói với chúng tôi: 'Tôi đang trở về nhà tôi'. Rồi chị mỉm cười nhắm mắt lại".

Lm. Mark Link, S.J.

NGÀY ĐÓ KHI NÀO?

Mc 13, 24-32

Lm. Giuse Phạm Ngọc Ngôn,Csjb

Đức Giêsu cùng với các môn đệ ra khỏi Đền thờ sau khi đã giảng dạy dân chúng. Một môn đệ của Người trầm trồ khen ngợi công trình kiến trúc vĩ đại của ngôi Đền thờ. Chúng ta biết Đền thờ mà Chúa Giêsu cùng các môn đệ đang chiêm ngưỡng là Đền thờ được tái thiết lần thứ hai (lần thứ nhất là sau cuộc lưu đày) do vua Hêrôđê Cả trùng tu từ năm 20 trước công nguyên và kéo dài tới thời tổng trấn Rôma Albinus khoảng năm 63 sau công nguyên mới hoàn thành và bị tàn phá vào năm 70. Như thế, thời Chúa Giêsu, Đền thờ vẫn chưa hoàn thành, vậy mà các môn đệ hết lời ca ngợi đủ cho thấy Đền thờ khi hoàn tất phải đẹp cỡ nào.

Trước lời trầm trồ khen ngợi của môn đệ, Chúa Giêsu loan báo việc Đền thờ sẽ bị phá huỷ. Lời tiên báo đó được ứng nghiệm vào năm 70 sau những cuộc nổi dậy của phong trào nhiệt thành cực đoan ở Palettin vào những năm 40, cuộc chiến tranh Dothái những năm 66-70 và bị đế quốc Rôma đàn áp và phá huỷ năm 70.

Sau đó Thầy trò lên núi Ôliu, ngọn núi này nằm ở phía đông Đền thờ. Tại đây có thể quan sát toàn cảnh thành phố Giêrsalem cũng như Đền thờ. Bốn môn đệ đầu tiên đi theo Chúa mới lo lằng đến hỏi nhỏ Người về việc Người loan báo khi nào xảy ra. Trả lời cho lo lắng của các môn đệ, Chúa Giêsu lần lượt loan báo những điều liên quan đến ngày tàn của Giêrusalem và ngày thế mạt.

Trong diễn từ này, cái nhìn của Chúa Giêsu hướng đến sự phá huỷ Đền thờ pha lẫn với cái nhìn hướng về ngày thế mạt. Tin mừng được giáo hội chọn cho Chúa nhật cuối cùng của năm phụng vụ được trích một phần trong loạt bài diễn từ đó nói về cuộc quang lâm của Con Người và dụ ngôn cây vả.

Tiếp theo sau những biến cố “Đồ ghê tởm khốc hại”,  “kytô và ngôn sứ giả” xảy ra ở dưới đất, các hiện tượng thiên nhiên trên trời như mặt trời, mặt trăng và tinh tú sẽ biến đổi. Thánh Máccô dùng lối văn khải huyền truyền thống để cho thấy Thiên Chúa mới là đấng chiến thắng sự dữ. Khi đó Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang. Chúa Giêsu tự giới thiệu mình là Con Người – một nhân vật bí nhiệm- đến trong vinh quang và quyền năng để xét xử và cứu độ nhân loại như tiên tri Đanien đã loan báo (x. Đn 7, 13-14).

Chúa Giêsu dùng dụ ngôn cây vả để trả lời cho các môn đệ về ngày giờ thế mạt. Chúng ta biết cây vả đâm chồi nảy lộc vào mùa xuân và sinh hoa kết quả vào mùa hè. Điều đó thật hiển nhiên. Nhưng ngày tận thế là ngày nào, thật không dễ trả lời. Chúa Giêsu chỉ ví tất cả những biến cố xảy ra vào thời thế mạt được sánh ví như cây vả dâm chồi nảy lộc vào mùa xuân, báo hiệu sinh hoa kết trái vào mùa hè. Thế thôi. Như thế, các biến cố kia xảy ra chỉ là khởi đầu cho ngày tận thế, nhưng chưa phải là ngày tận thế.

Chúa Giêsu muốn cho các môn đệ của Người hiểu rằng ơn cứu độ sẽ được thực hiện nhưng không phải vào lúc này. Vì thế cần phải có lòng kiên nhẫn đón chờ. Chắc chắn một điều ngày tận thế sẽ đến, nhưng đó lại là một bí mật. Đây là kế hoạch của Chúa Cha và vì thế bí mật cũng thuộc về Chúa Cha. Chúa Giêsu chỉ loan báo để mọi người sẵn sàng đón nhận. Chúa Cha sẽ là Đấng thực hiện ngày đó.

Tin mừng hôm nay không làm cho mỗi người chúng ta run sợ, trái lại, trong khi đợi chờ ngày thế mạt xảy đến, Giáo hội mời gọi chúng ta lắng nghe Lời Chúa, tin tưởng vào Lời Chúa; đồng thời ra sức tỉnh thức, siêng năng thực thi những điều Chúa truyền dạy, sống công bình bác ái, chu toàn bổn phận trong yêu thương và trách nhiệm đối với gia đình, giáo hội và xã hội.

Lm. Giuse Phạm Ngọc Ngôn,Csjb

NGÀY HẠNH PHÚC HAY ĐAU KHỔ”



Mc. 13, 24 – 32

Lm. JB Phan Kế Sự

Căn nguyên và cùng đích. Mọi cái đều có điểm xuất phát và điểm đến của nó. Đi và đến là hai hành động nhắc nhở chúng ta phải hoạt động liên lỉ để đạt được đích điểm. Con người chúng ta được Thiên Chúa dựng nên giống hình ảnh Ngài; sự sống con người bắt nguồn từ nơi Thiên Chúa. Vậy đích điểm của đời người chúng ta ở đâu ? khi nào ?

Câu hỏi mà người đời vẫn thường hỏi nhau khi nào thì tận thế ? khi nào thì thế giới này qua đi ? Hẳn nếu người ta luôn đặt vấn đề này cho cuộc đời của họ thì có lẽ họ luôn sẵn sàng chuẩn bị cho hành trình mai sau. Nhưng thực tế cho thấy, có mấy ai quan tâm, có mấy ai đặt vấn đề đó để rồi suy nghĩ, để rồi chuẩn bị cho cuộc sống mai sau. Hay là họ chỉ mải mê kiếm tìm những thứ vật chất, của cải ở đời này mà quên mất việc chuẩn bị cho mình những thứ cần thiết cho đời sau.

Có người cho rằng: mình còn trẻ, còn khoẻ mạnh chưa cần lo nghĩ đến chuyện đó làm gì cho bận tâm, mình còn có nhiều khả năng để làm nhiều thứ cơ mà… lo chi gì cho mệt ! Thế nhưng, trước sự thờ ơ, lơ đãng, không để ý của con người thì đùng một cái mọi thứ chỉ xảy ra trong nháy mắt là tiêu tan hết như là biến cố ngày 11-9 đã làm cho người ta bàng hoàng, khinh hãi và biết bao nhiêu người đã không còn đủ thời giờ để nói lời cuối cùng với người thân, để ăn năn tội lỗi của của mình. Hay là sóng thần ở Châu Á đã lấy đi biết bao nhiêu sinh mạng con người ta trong khi họ đang vui chơi, giải trí… Hoặc là những thiên tai, động đất làm cho nhiều người mất mạng, hay như trong kinh thánh thuật lại rằng: “Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã !' Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: 'Đồ ngốc ! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai ?' Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó." (Lc. 12, 19-21). Rồi chỗ khác tác giả TV. lại nói: “Khi ta đang mải mê dệt đời mình thì bỗng Thiên Chúa cắt đứt ngay hàng chỉ.”

Đúng vậy, có mấy ai trong chúng ta cho rằng ngày mai tôi không còn hiện diện trên cõi đời này nữa đâu, mà nghĩ rằng mình vẫn sống đấy thôi. Phải chi những ai luôn biết sống tinh thần sẵn sàng và chờ đợi thì chắc chắn ngày đó khi xảy đến với họ lại là ngày hạnh phúc nhất cho cuộc đời họ, vì chỉ có hạnh phúc nước trời mới tồn tại mãi. Còn những ai còn đang mải mê kiếm tìm những thứ mà nước trời không thể dùng được thì ngày đó lại là ngày khủng khiếp cho cuộc đời của họ.

Vậy, để được hưởng niềm vui và hạnh phúc nước trời, người ta cần phải chuẩn bị những gì ? có lẽ không gì ngoài hai điều này là: “Tình yêu và lòng mến.” Vì tình yêu và lòng mến là thước đo giá trị lòng người. Hơn nữa, ngôn ngữ để hiểu được trong nước trời đó lại là tình yêu. Chính tình yêu nó thúc bách người ta làm mọi việc vì Chúa, vì anh em. Còn lòng mến, nó như là tấm vé thông hành cho mỗi người khi đến trình diện trong nước trời. Lòng mến, nó được biểu lộ qua cái tinh thần sống đạo, tinh thần làm việc, tinh thần hăng say phục vụ, tinh thần quảng đại, tinh thần hy sinh, tinh thần cảm thông, tinh thần chia sẻ v.v…

Vây, mỗi người chúng ta hãy biết chuẩn bị cái hành trang cho cuộc đời mai sau bằng những thứ mà mối mọt không thể đục khoét được như là “tình yêu và lòng mến.” Có như thế thì chắc chắn ngày đó xảy đến bất cứ lúc nào, giờ nào cũng sẽ là ngày hạnh phúc nhất cho cuộc đời chúng ta. Và khi đó chúng ta sẽ nghe được câu nói: “…. ngươi hãy vào mà hưởng phần thưởng Ta đã dành sẵn cho ngươi.”( Mt. 25, 23)

Lời cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, chúng con tin rằng niềm vui và hạnh phúc đích thực chỉ có ở nơi Chúa. Xin Chúa cho chúng con biết luôn tìm kiếm nước trời chứ đừng mải mê lo tìm kiếm của cải trần gian mà đánh mất phần thưởng mà Chúa hứa ban cho những ai trung thành và luôn tìm kiếm Chúa trong mọi sự. Amen.



Lm. JB Phan Kế Sự

SỰ THÁNH HÓA VÀ HOÀN THIỆN

ĐẾN QUA ĐỨC KI-TÔ

Jos. Tú Nạc, NMS

Những trân chiến vũ trụ và những anh hùng được giải cứu luôn là chất liệu của phim hành động và những trò chơi video. Nhưng trong thế giới cổ đại, nó cũng là khát vọng cháy bỏng và sự mong mỏi của một dân tộc bị đán áp thô bạo.

Người Do Thái của thế kỷ thứ hai trước công nguyên đã phải đấu tranh với một kẻ áp bức quyết tâm tiêu diệt tôn giáo và văn hóa Do Thái. Antiochus Epiphanes đã sẵn sang dùng bất cứ một phương pháp nào – cho dù đẫm máu và tàn khốc – để đạt được mục tiêu của mình.

Dân Do Thái đã được thuyết phục rằng tình hình của họ rất bấp bênh và mức độ tội lỗi của con người chồng chất đến nỗi chỉ có Thiên Chúa mới có thể cứu vớt và phục hồi dân tộc họ. Họ đã tiên đoán sự can thiệp của Thiên Chúa bằng hình thức của một trận chiến vũ trụ được dẫn dắt bởi những đạo quân thiên sứ. Cái chết sẽ được chấm dứt, sự bất trung bị trừng phạt và lòng trung thành được ban thưởng. Cốt lõi của đoạn trích này là một lời hô hào cổ vũ để đứng vững vàng và trở nên trung kiên. Những ai không đồng ý từ bỏ tính chất tinh thần và phó thác cho Thiên Chúa là những người sáng láng nổi bật như những vì sao trên bầu trời.


Một trong những món quà tuyệt vời nhất chúng ta có thể gửi đến nhân loại là cung cấp không chỉ một điển hình thiện hảo của đời sống tinh thần mà còn là hy vọng và động viên cổ vũ tới những ai đang nản chí và thất vọng. Trong thời đại của chính chúng ta có lẽ hình ảnh của một cuộc chiến tranh vũ trụ không gì là hữu ích. Nó đưa tất cả vào sự chia rẽ và bạo lực tôn giáo một cách quá dễ dàng. Đồng thời, chúng ta đang sống trong một thời điểm của những áp lực chống đối tôn giáo và thần thánh tột cùng. Trước đó hiếm khi có một nhu cầu cấp bách để đứng vững và được trung thành trước những giá trị của lòng nhân từ, công lý và hòa hợp với Đấng Sáng Tạo.


Tiếp tục với chủ đề của lề luật tinh thần mới được cho thi hành bởi Đức Ki-tô, tác giả của sách Do Thái nhấn mạnh đến bản tính dứt khoát và sự hiến tế của Chúa Ki-tô. Ý thức tinh thần của chúng ta thỏa mãn những cố gắng để nguôi ngoa, xoa dịu Thiên Chúa hoặc những sợ hãi yếu đuối, bệnh hoạn của sự trừng phạt. Sự thánh hóa và hoàn thiện của chúng ta đến thông qua Đức Ki-tô, và thái độ của chúng ta duy nhất là sự hăm hở và thành kính tri ân món quà này. Thay vì tập trung vào “được cứu vớt,” chúng ta nên hăng hái tham gia vào sự phát triển tinh thần của chúng ta và sự biến đổi trong Chúa Trời. Vì người Thầy Cả cao trong này và là người đã vượt qua Đức Ki-tô là thầy, là anh và là người hướng dẫn cảu chúng ta chứ không phải là thẩm phán của chúng ta.


Những người cổ đại đã có những cái nhìn rất khác nhau về vũ trụ và trật tự sáng tạo. Họ đã tin rằng tất cả những sự kiện thế gian – nhất là những thay đổi cấp bách – đã được phản chiếu trong bầu trời. Sao chổi, thiên thực và sự sắp xếp các hành tinh là tất cả những bí quyết cho việc tìm hiểu sự phát triển của lịch sử. Những vì sao rơi và mặt trời bị khuyết là hình ảnh những biến cố bi thảm và không được hiểu một cách thực tế - mặc dù các nhà thiên văn đã nói với chúng ta rằng mặt trời cuối cùng sẽ lịm tắt và nguội dần sau vài triệu năm kể từ bây giờ. Trọng tâm của những chi tiết này trong Kinh Thánh là sự trở lại của Chúa Giê-su và sự kết thúc một giai đoạn của lịch sử nhân loại – một thời gian tưởng tượng như có sự đánh dấu trong những cuốn sổ trên Nước Trời.


Câu hỏ về “khi nào” là sự quan tâm mãnh liệt đối với Ki-tô hữu vào thế kỷ thứ nhất. Biết bao khắc khoải thuần túy và chú ý mà thời gian mãi trôi qua là sự buông lỏng tinh thần và thôi thúc đạo đức. Nhiều người đã tham gia vào những tập tục cổ hủ: Thiên Chúa tiên đoán lần thứ hai. Chúng ta luôn suy ngẫm lời loan báo huyền bí của Chúa Giê-su rằng “thế hệ sẽ không qua đi cho đến khi tất cả những điều này diễn ra.” Nó đã qua đi, và mọi điều đã không xảy ra. Tình tiết này trong Kinh Thánh đã gây phiền toái hai ngàn năm.


Giải pháp này – nếu chúng ta có thể gọi nó như thế - là phải tập trung vào hai tình tiết tiếp theo. Trước hết, những lời của Chúa Giê-su là vĩnh cửu và sẽ không bao giờ mai một bất chấp những gì có thể xảy ra trên thế giới xung quanh chúng ta. Thứ hai, không một ai – ngay cả Chúa Giê-su – biết những điều này được diễn ra. Đó là điều dành riêng cho Đức Chúa Cha và bất kỳ sự tư biện nào về vai trò của chúng ta đều ra ngoài đường lối.


Không có một tình thế khó khăn gay gắt đối với những vấn đề của thế giới và chúng ta không thể chỉ đơn thuần trông chờ Chúa Giê-su trở lại để thiết lập mọi điều ngay tức khắc.


Chúa Giê-su mời gọi chúng ta đọc những dấu hiệu tất cả xung quanh chúng ta và tham gia vào công việc của Thiên Chúa. Bất kỳ nơi đâu có những nhu cầu và hoàn cảnh của con người mà kêu than vì công lý, hòa giải, hành động từ nhân và gìn giữ hòa bình ở đó là một cơ hội bất ngờ gặp gỡ Chúa Trời.



Jos. Tú Nạc, NMS

KIÊN NHẪN ÐỢI CHỜ NGÀY SAU HẾT

MÀ KHÔNG AI BIẾT

Lm. Trần Bình Trọng

Vào cuối năm Phụng vụ, Giáo hội chọn những bài đọc Thánh kinh đề cập đến những tai hoạ xẩy ra trong vũ trụ, khiến người nghe liên tưởng đến ngày tận thế. Hôm nay là Chúa nhật áp cuối cùng của năm phụng vụ. Chúa nhật tới là lễ Chúa Kitô Vua. Chúa nhật sau nữa là Chúa nhật thứ nhất mùa vọng, đánh dấu ngày đầu năm của Giáo hội trong niên lịch phụng vụ mới. Tuy nhiên chủ đề của ba Chúa nhật này đều có những điểm tương đồng: Chúa Kitô là trung tâm điểm của lịch sử loài người. Chúa đến để khởi sự kỷ nguyên Kitô giáo và người sẽ trở lại để kết thúc lịch sử loài người, để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Khi dùng ngày sinh nhật của Chúa cứu thế đẻ tính niên hiệu, người ta nói năm nọ trước Chúa giáng sinh hay năm kia sau Chúa giáng sinh.


Phụng vụ lời Chúa hôm nay dùng ngôn ngữ khải huyền, một loại ngôn ngữ biểu tượng đặc biệt. Ðó là loại ngôn ngữ mà ngôn sứ Ðanien dùng để nói về thời gian thử thách sẽ qua, và Thiên Chúa sẽ đến cho người công chính được chiếu sáng muôn đời như những vì sao (Ðn 12:3). Phúc âm thánh Mác-cô hôm nay cũng dùng ngôn ngữ và tư tưởng khải huyền trong sách Ðanien. Bài Phúc âm cũng bàn bàn về ngày sau hết: Trong những ngày ấy sau cơn gian nan lớn lao, thì mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các vì sao không còn chiếu sáng, và các quyền lực trên trời bị lay chuyển (Mc 13:24-25). Rồi bài Phúc âm kết luận: Còn về ngày đó và giờ đó, thì không ai biết được (c. 32).

Khi bàn về ngày sau hết, tác gỉả Thánh kinh thường nại đến loại ngôn ngữ khải huyền, nghĩa là ngôn ngữ hay mẫu tư tưởng biểu tượng khó hiểu về ngày sau hết, gợi lại những tai hoạ với những hình ảnh tàn phá xẩy ra trong vũ trụ như chiến tranh, động đất, bão tố, lụt lội và chết chóc. Những hình ảnh tàn phá mà tác giả Thánh kinh dùng để nói về ngày sau hết đã có thể xẩy ra trong quá khứ ở đâu đó trên thế giới rồi, chứ không hẳn được tiên đoán sẽ xẩy ra trong tương lai. Văn chương khải huyền được giả sử viết vào thời quá khứ trước khi tai hoạ xẩy ra, nhưng thực sự được viết sau khi tai hoạ đã xảy ra để cảnh giác người đọc. Như vậy những hình ảnh tàn phá trong ngôn ngữ khải huyền, không hẳn nói về những biến cố sẽ xẩy ra trong tương lai. Ý nghĩa của ngôn ngữ khải huyền chỉ có dụng ý là cảnh giác người đọc rằng sẽ có ngày sau hết và Thiên Chúa sẽ toàn thắng. Ðó là điều ngày sau hết sẽ xẩy ra và là điều người tín hữu phải tin. Còn ngày sau hết xẩy ra như thế nào thì không hẳn xẩy ra như được diễn ta trong ngôn ngữ khải huyển. Việc dùng ngôn ngữ khải huyền chỉ nhằm mục đích để cảnh tỉnh những tâm hồn lơ là hay ham mê sự đời mà thôi..

Do đó không phải hễ có chiến tranh, động đất và tai hoạ xẩy ra là ngày sau hết sắp đến. Tuy nhiên nếu hiểu cái chết của cá nhân mỗi người là ngày sau hết của người đó thì khi những thiên tai hoặc tai hoạ xẩy ra có thể giúp cảnh tỉnh, báo hiệu cho cá nhân liệu mà sửa soạn tâm hồn. Như vậy ngày sau hết được hiểu theo nghĩa của ngày kết thúc đời sống cá nhân của mỗi người tại thế, hoặc ngày kết thúc lịch sử loài người nói chung. Việc phán xét trong ngày tận thế dựa trên căn bản là người ta có chấp nhận và sống lời Chúa không? Theo khuynh hướng tự nhiên của loài người, người ta thường sống thờ ơ, lãnh đạm, nghĩ rằng người ta có nhiều giờ để sửa soạn tâm hồn. Sự thực thì người ta không biết ngày nào, giờ nào Thiên Chúa sẽ gọi họ ra khỏi thế gian, lại càng không biết ngày kết thúc lịch sử loài người, quen gọi là ngày tận thế.


Ðối với người Kitô giáo, khi nào ngày giờ đó đến và đến như thế nào, thì không phải là điều quan trọng. Người ta không thể làm gì được về thời giờ và cách thế xẩy ra trong ngày tận thế, hay ngày người ta lìa bỏ thế gian. Ðiều quan trọng là người ta phải kiên nhẫn chờ đợi ngày đó. Việc kiên nhẫn chờ đợi này sẽ giúp người tín hữu khỏi nản lòng thoái chí trước những cám dỗ thử thách.


Vậy thì ta phải có thái độ nào đối với ngày sau hết? Có những người nghĩ rằng ngày sau hết sẽ đến nay mai. Họ nghĩ rằng ngày tận thế sắp xẩy đến cho nên lúc nào họ cũng lo âu, sợ hãi, yếm thế. Một số giáo phái Kitô giáo cũng chủ trương như vậy. Có một vài giáo phái kia tiên đoán ngày tận thế đến vào năm nọ năm kia trong đời họ. Và khi năm đó qua đi mà không có gì xẩy ra, họ lại đề nghị thời điểm khác cho ngày tận thế. Việc tiên đoán ngày tận thế mà người ta đồn gần đây là vào năm hai ngàn, ngay trước khi bước sang thiên niên kỉ thứ ba. Trước ngưỡng cửa năm hai ngàn, có những người tích trữ nhiều đèn nến để sửa soạn đốt cho những ngày đen tối. Những người khác lại xin nước thánh, nhiều nước thánh để rảy, sợ rằng qủi dữ sẽ xuất hiện trong ngày sau hết. Lại có những người nghĩ rằng ngày sau hết không bao giờ đến, và đời sống họ sẽ kéo dài mãi mãi. Vì thế họ cứ ăn uống, vui chơi buông thả. Dĩ nhiên cả hai quan điểm này đều vô trách nhiệm và không thực tế.


Như vậy ý tưởng hàm chứa trong Phúc âm là mỗi người sẽ phải trả lẽ trước mặt Thiên Chúa. Và nếu là người khôn ngoan, ta phải hoà giải tâm hồn với Chúa vì mỗi ngày tháng trôi qua là mỗi lúc ta tới gần cuối đời. Nghề bói toán đã xuất hiện trên địa cầu hàng chục thế kỉ - một nghề khá ăn khách bởi vì khuynh hướng loài người là tò mò, muốn biết về tương lai thế nào, duyên số và sự nghiệp ra sao? Tuy nhiên xét về phương diện gặp gỡ Chúa trong ngày sau hết thì không ai biết được ngày giờ nào thiên thần Chúa sẽ đến gõ cửa nhà linh hồn. Vì thế mà có những người tập thành thói quen như mỗi khi đi máy bay đều xin hoà giải với Chúa qua bí tích giải tội.


Tư tưởng cũng như văn chương của loài người chứa đầy những quan niệm về thời giờ như: Thời giờ là vàng bạc. Thời giờ thấm thoát thoi đưa. Không nên bỏ phí thời giờ. Ðùng đợi tới ngày mai điều mà bạn có thể làm hôm nay. Thường khi ta nhìn đi thì thấy lâu, nhất là khi ta đang mong đợi một điều gì đó. Khi nhìn lại, ta lại cảm thất thời giờ đi rất mau lẹ, nhất là khi phải gò bó vào công việc làm trong xã hội kỹ nghệ hoá. Ta không thể đi trước thời gian, cũng không thể kéo dài thời giờ vì thời giờ là của Chúa. Do đó kiên nhẫn đợi chờ trong niềm tin tưởng, hi vọng và cậy trông phải là tâm niệm của mỗi người tín hữu.


Lời cầu nguyện xin cho được ơn kiên nhẫn chờ đợi ngày sau hết:



Lạy Thiên Chúa là Ðấng con thờ!

Chúa là hi vọng, là cùng đích

và là lẽ sống của mọi loài, mọi vật.

Con xin phó tác toàn thân trong tay Chúa:

thân xác, trí khôn, linh hồn cùng các quan năng.

Xin dạy con biết sống mỗi ngày

như là ngày cuối hết của đời con

để con sống trong bình an và ơn nghĩa với Chúa. Amen.


Lm. Trần Bình Trọng


tải về 335.39 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương